Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 3 MV - C 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 3 Mùa Vọng C (14/12 -> 19/12/2015)

Thứ hai, 14/12/2015

Đề tài: QUYỀN NĂNG CỦA CON THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 21,23-27)

23 Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi : “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?” 24 Đức Giê-su đáp : “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?” Họ mới nghĩ thầm : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 26 Còn nếu mình nói : ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” 27 Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ : “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

SUY NIỆM:

1/ Thiên Chúa đầy quyền năng, Ngài tạo dựng muôn loài muôn vật trên vũ trụ này.Nếu chúng ta tin Chúa, yêu Chúa, chúng ta cũng có thể làm được những việc như Chúa Giêsu đã làm.

2/ Các thượng tế và kỳ mục trong dân Israel đã không thể tin Chúa Giêsu, chính là Đấng từ Thiên Chúa mà đến, vì họ khép kín lòng nên Chúa Giêsu đã không thể trả lời câu họ hỏi, cũng chẳng mạc khải cho họ biết những mầu nhiệm về Thiên Chúa.

3/ Điều mà Chúa cũng muốn hỏi mỗi người chúng ta: Liệu chúng ta có tìm kiếm Chúa một cách chân tình hay chúng ta chỉ dùng lý lẽ ngu xuẫn để bắt bẻ Chúa. Chúng ta cũng dư hiểu rằng: Những việc Chúa Giêsu làm không ai trong chúng ta có thể làm được, cũng chẳng ai hiểu được việc Chúa làm, thế thì chúng ta đã dựa vào đâu để bắt bẻ Chúa hỡi những con người “nay thì còn ,mà mai thì mất rồi ”.

4/ Chúa bảo Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên bầu trời và hãy chiêm ngắm những công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Nội việc chúng ta thấy thôi mà chúng ta còn chưa thấy hết, huống hồ là chúng ta muốn hiểu; vậy thì việc mà chúng ta tưởng tượng là sẽ làm được trong tương lai thì nó quá xa vời mà kiếp ngắn ngủi của con người còn chưa đủ giờ để suy nghĩ thì lấy đâu ra việc chúng ta có thể làm được những việc nhỏ nhất mà Thiên Chúa đã làm !

5/ Vậy tại sao chúng ta không im miệng lại, chúng ta chỉ nên chiêm ngắm, tin tưởng và tạ ơn những đặc tính siêu việt của Thiên Chúa và sấp mình thờ lạy Ngài mãi mãi mà không biết lấy chi để đền đáp cho được tấm lòng rộng lượng và đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

6/ Trong một hoàn cảnh mà người Do Thái đang rất căm ghét Đức Giêsu và họ đang tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài. Nhưng họ chưa dám quyết tâm thi hành vì họ còn sợ dân chúng / trong lúc chờ đợi cơ hội thì họ chỉ tìm dịp để khẩu chiến với Ngài.

7/ Họ chỉ mong kiếm được lời gì để buộc tội hay ít ra làm cho Chúa bị giảm bớt ảnh hưởng để cho dân chúng bớt ngưỡng mộ Ngài.

8/ Bài Tin mừng ghi lại cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giêsu và các thượng tế, kỳ mục về quyền bính của Chúa Giêsu.

9/ Hôm nay đám người theo chất vấn Chúa gồm có: Thượng tế, kỳ mục, luật sĩ, đây là 3 thành phần của hội đồng Do Thái, hội đồng này có quyền xét xử tội nhân.

10/ Họ đưa ra 2 vấn đề để hỏi: a) Quyền bính nào thôi thúc Chúa Giêsu giảng dạy và chữa bệnh trong đền thờ/ b) Ai cho phép Chúa hành động như vậy ?

11/ Chúa Giêsu trả lời bọn họ bằng một câu hỏi: Chúa hỏi họ về sứ vụ của Yoan Tẩy Giả và nhường cho họ đưa ra câu kết luận.

12/ Đây không phải là cách mà Chúa Giêsu né tránh câu trả lời, nhưng Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến sứ vụ của Yoan Tẩy Giả là người đang chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài; bởi vì Yoan đang thi hành việc loan báo vương quyền của Thiên Chúa. Như vậy, khi nói về Yoan Tẩy Giả thì cũng có nghĩa là đang nói về Chúa Giêsu, Chúa đặt câu hỏi như vậy khiến cho họ bị bí trong câu hỏi của chính họ, “tiến thoái lưỡng nan”. Trả lời kiểu nào cũng không xong nên họ rút lui có trật tự.

13/ “Chúng tôi không biết”:  Rõ ràng họ đang bí lối hơn là thiếu thiện chí, rõ ràng họ cố chấp, vì toàn dân đều coi Yoan Tẩy Giả như một Ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Sứ vụ của ông là làm chứng cho Đấng Cứu Thế, bọn họ là bậc thầy trong dân Israel mà lại trả lời là không biết ...thì rõ ràng là họ quá cố chấp rồi .

14/ Chính vì họ cố chấp như vậy, nên Chúa Giêsu cũng không nói cho họ biết Người lấy quyền ở đâu mà làm những việc ấy.

15/ Thật ra Chúa đã rao giảng bằng Lời, minh chứng bằng việc làm mà họ vẫn cố tình không muốn hiểu cho nên nếu Chúa có tỏ thiện chí nào nữa thì cũng vô ích thôi!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hạnh phúc vĩnh cửu có giá trị vô song, xin giúp chúng con tìm kiếm Chúa mỗi ngày trong suốt đời con để khi con gặp được Chúa thì con sẽ yêu Chúa đến cùng. Amen.**R

Thứ ba, 15/12/2015

Đề tài: Ai là người làm theo ý Cha mình ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  (Mt 21,28-32)

28 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông nghĩ sao ? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất : ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp : ‘Con không muốn !’ nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : ‘Thưa ngài, con đây !’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời : “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

SUY NIỆM:

1/ Sau thế chiến thứ II, nước Đức và Nhật là 2 quốc gia trong phe Trục bị thiệt hại nặng nề nhất. Toàn dân của 2 quốc gia này đã phấn đấu tối đa để sửa chữa lỗi lầm, bù lấp thiệt hại do chính mình đã gây ra với phương châm sống “Thay đổi lối sống và kiến thiết trong hòa bình”.

2/ Người con thứ hai trong bài Tin Mừng hứa sẽ làm điều cha mình bảo nhưng đã không giữ lời. Anh ta không vâng lời cha, chỉ vì muốn làm theo ý riêng.

3/ Người con thứ nhất hoàn toàn làm điều ngược lại: Anh đã tỏ ta hối hận sau khi từ chối điều Cha mình đề nghị, anh quý mến Cha nên đã sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình, anh sẵn sàng làm điều Cha mình muốn, anh hoán cải đời mình vì lòng yêu mến !

4/ Hoán cải là trọng tâm của sứ điệp Chúa Ki-tô. Ngay từ đầu khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu đã nói “Thời kỳ đã mãn, nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

5/ Trong mùa vọng, Yoan Tẩy giả mời gọi chúng ta hãy ăn năn hối cải, dọn tâm hồn chờ đón Chúa đến ! Hoán cải là từ bỏ con đường tội lỗi, thay đổi nếp sống, thay đổi lối tư duy cũ xưa, sống theo tinh thần mới, tinh thần do thần khí thúc đẩy để mỗi người quyết chí làm theo ý cha ở trên trời mà thôi !

6/ Khi thấy hội đồng Do Thái giáo quá kiêu căng, tự mãn, cố chấp không chịu tin vào lời Yoan rao giảng để tin nhận sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô nên Chúa Giêsu dùng Dụ Ngôn để khiển trách họ, giúp họ nhận ra và hoán cải.

7/ Chúa Giêsu dùng Dụ Ngôn 2 người con để cảnh giác những ai chỉ biết yêu Chúa bằng lời mà lại từ chối Chúa bằng hành động. Lời nói phải được chứng thực bằng việc làm.

8/ Những người “Thưa Vâng!”, sau đó lại không đi làm: Ám chỉ những người lãnh đạo Do Thái, họ tự xưng là thành phần đạo đức và luôn lên mặt mô phạm dạy đời; nhưng lại từ chối cộng tác với ơn Chúa, họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế qua việc từ chối tiếp nhận Ngài, mặc dù trước đó họ vẫn giã bộ trông chờ, họ vẫn tỏ ra khát vọng gặp Người, nhưng khi gặp thì họ lại xách mé đủ điều để có thể làm theo ý riêng của mình.

9/ Người con thưa “Không đi”, nhưng sau đó hối hận và đi làm: Ám chỉ những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và dân thường. Những người này thoạt tiên khi mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo, nhưng sau khi đã nghe lời Yoan Tẩy Giả và lời Chúa Giêsu rao giảng nên họ đã sám hối ăn năn.

10/ Đức tin không chỉ là tư tưởng đúng mà còn đòi phải có hành động đúng nữa: Những người là hạng tội lỗi xấu xa đã hiểu ra được điều đó và họ đã cố gắng thực thi thánh ý Chúa.

11/ Còn những người lãnh đạo Do Thái đã nhìn thấy những người tội lỗi , thay vì cần hối cải nhưng họ vẫn cố chấp: Họ đã bỏ mất cơ hội để có thể tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

12/ Làm theo ý Cha là làm theo ý Thiên Chúa, là tin vào lời Chúa dạy và sống với niềm tin này, dẫn đến sự biến đổi đời sống. Các lãnh đạo Do Thái đã không tin vào Yoan, cũng không tin vào Đức Giêsu và họ không chịu thay đổi cuộc đời họ chút nào.

13/ Trái lại những người thu thuế, gái điếm đã tin và niềm tin ấy đã đảo lộn cuộc đời họ. Họ đã định lại hướng đi, họ đã trở về với Cha mình !

14/ Qua bài Tin Mừng, Hội Thánh muốn nhắn nhủ người Ki-tô hữu chúng ta: Biết đạo thôi chưa đủ, nếu chỉ sống đạo bằng hình thức bên ngoài thôi cũng chưa được, cần phải giữ đạo ,truyền đạo bằng đời sống chứng nhân nữa.

15/ Đọc; học; nghe Lời Chúa thôi cũng chưa đủ! Cần phải đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

16/ Đối với những bậc thầy, có trách nhiệm phải rao giảng Lời Chúa, hãy sống điều mình nói, đừng nói suông !

17/ Mùa vọng đang đến, chỉ nghe lời giảng dạy của các tiên tri, của Chúa Giêsu thôi thì chưa đủ. Chúng ta còn phải thực hành, còn phải để Lời Chúa biến đổi cuộc đời của chúng ta sao cho xứng đáng như người đang chờ Chúa đến .

18/ Sống tâm tình mùa vọng là hãy: Mỗi người tự xét mình! Trong hai người con, mình là người con nào ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn tìm sự khôn ngoan bằng cách làm theo ý Chúa để chúng con sửa đổi bản thân con mỗi ngày. Amen!**R

 

Thứ tư, 16/12/2015

Đề tài: QUYỀN NĂNG CỦA ĐẤNG THIÊN SAI

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 7,19-23)

19 Ông Gio-an sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: "Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.22 Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng,23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

SUY NIỆM:

1/ Thánh Vịnh 90 câu 10 nói lên những gian khổ của đời người. Khi còn trẻ thì làm con heo: ăn ngủ, ăn ngủ;lúc lớn lên thì làm con trâu: lo làm lụng vất vả, cày suốt ngày; khi về già thì làm con chó giữ nhà cho con cháu nó đi chơi ,đi làm .

2/ Tính tuổi thọ con người chỉ ngoài 70, sống thọ hơn là 80. Cuộc đời luôn gian khổ, thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà ai kia đã đi khuất rồi. (TV 90,10).

3/ Cuộc đời con người bị chi phối bởi quy luật tự nhiên. Không ai thoát khỏi sinh lão bệnh tử, thế nhưng Chúa Giêsu muốn chứng minh cho mọi người thấy: Chúa có toàn quyền trên đau khổ, chết chóc , bệnh tật của con người.

4/ Sau khi biểu dương quyền năng và sức mạnh thần linh, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tin vào Ngài ,vì Chúa đến để cứu độ trần gian.

5/ Trong niềm xác tín, chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Người chữa lành phần xác, phần hồn cho chúng ta .

6/ Hôm nay, qua bài Tin Mừng cho chúng ta thấy những thắc mắc được Chúa Giêsu trả lời một cách minh bạch.

7/ Đang khi bị cầm tù, Yoan đã sai các Môn Đệ đến gặp Chúa Giêsu, và trình bày những thắc mắc của mình: “Ngài có phải là Đấng phải đến không?”.

8/ Có lẽ câu hỏi của Yoan cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên : Tại sao ông lại thắc mắc như vậy? Vì chính ông là người giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, ông xác định Ngài là Đức Kito một cách chắc chắn, không chút hồ nghi.

9/ Tuy nhiên theo như Yoan hiểu thì: Đấng Thiên Sai phải là vị quan xét, là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng thiết lập nước Trời ở trần gian một cách mạnh mẽ uy hùng. Ngài sàng lọc thóc lúa mạnh tay, nghĩa là Ngài làm một cuộc thanh lọc triệt để.

10/ Vậy mà khi ở trong tù, khi Yoan nghe nói đến những việc Chúa làm, thì ông chẳng thấy có cái gì là kinh hồn như ông đã từng công bố trước đây. Ông thấy Chúa Giêsu hiền quá, Ngài không tỏ ra là một quan xét toàn năng, cứng rắn, mà trái lại Ngài chỉ sử dụng quyền hành của Thiên Chúa để phục vụ người nghèo khó mà thôi .

11/ Xem ra Chúa Giêsu chỉ chủ trương tha thứ và cứu vớt hơn là luận phạt. Cho nên lúc này đây, Yoan đang gặp một cơn thử thách về đức tin vào Chúa Kito.

12/ Về vấn đề này, nhiều người thường hay lý giải rằng: Không phải Yoan băn khoăn thắc mắc, nhưng dụng ý của ông muốn sai Môn Đệ đến, để các ông gặp được Chúa, nhận ra Chúa.

13/ Lối giải thích này hoàn do sự suy diễn chủ quan, chứ tự nó không có nền tảng chắc chắn. Người ta sợ rằng: Yoan thắc mắc như thế là tự mình mâu thuẫn với chính mình và nó sẽ làm giảm giá trị của Ông.

14/ Đây là một quan điểm nhằm thần thánh hóa các thánh nhân. Nhưng Thiên Chúa muốn các Ngài lộ diện là những con người cũng bất toàn, nghĩa là họ cũng đều phải trải qua một kiếp người yếu đuối, sau đó mới phấn đấu mãnh liệt và nên thánh, chứ không thể là những vị thánh đi đường tắt .

15/ Rõ ràng là việc Yoan sai các Môn Đệ đến hỏi Chúa và chúng ta cứ cho là chính ông đã băn khoăn thắc mắc như vậy. Điều này cũng phù hợp với câu Chúa Giêsu nói về Yoan: “Người nhỏ nhất trên nước Trời còn lớn hơn Yoan”.

16/ Cách Chúa Giêsu trả lời thế nào ? Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, Chúa chỉ gợi nhớ những gì Ngài đã làm và có lẽ ông Yoan cũng đã nghe. Đồng thời Chúa Giêsu cũng gởi cho ông chiếc chìa khóa để ông có thể đọc ra những ý nghĩa của việc Chúa làm.

17/ Chúa Giêsu không trực tiếp kéo ông ra khỏi những thắc mắc đó, nhưng Ngài đưa chìa khóa để tự mình ông ra khỏi đó, chìa khóa đó chính là đức tin.

18/ Tin là một hành động tự do và đích thân mình quyết định. Yoan cũng đã trải qua con đường đó, ông cũng dựa vào lời các Ngôn Sứ mà nhận ra Chúa Giêsu là ai.

19/ Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, đường lối của Chúa là từ bi, tha thứ và yêu thương. Chúa chỉ dành cho những con người đáng thương , đó là những người nghèo khổ và tội lỗi.

20/ Cách Chúa Giêsu trả lời với các Môn Đệ của Yoan, bằng cách thực hiện trước mặt họ các việc mà Tiên Tri Isaia đã nói trước về Đấng Thiên Sai.

21/ Đường lối của Chúa vô cùng từ bi lân tuất, không giống như đường lối của chúng ta. Cũng không giống như đường lối của các Ngôn Sứ. Nếu có điều gì thắc mắc hay có sự gì xảy đến không đúng như ý muốn, chúng ta đừng buồn phiền, đừng bất mãn, nhưng hãy cố gắng tìm hiểu ý Chúa kỹ hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới hôm nay còn có biết bao nhiêu người đang phải đắm chìm trong thất vọng chán chường. Xin giúp con có cơ hội đem tin vui đến cho họ bằng chính đức tin sống động nơi chúng con. Amen.**R

 

Thứ năm, 17/12/2015

Đề tài: GIA PHẢ CỦA  ĐỨC GIÊ-SU .

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 1,1-17)

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham :
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-am ; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn; 5Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; 6 Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17 Như thế, tính chung lại thì : từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

SUY NIỆM:

1/ Nhân loại đang bước sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ con người; khi con Thiên Chúa chấp nhận mặc lấy thân phận con người và cư ngụ giữa chúng ta.

2/ Chúng ta đang chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, phụng vụ cho chúng ta nghe lại bản gia phả của Chúa Giêsu, bản gia phả ấy không chỉ có những con người tốt lành mà lại pha trộn cả những con người tội lỗi.

3/ Rakhab là một cô gái điếm, bà Rút là một người đàn bà ngoại giáo, vua Đavit là một kẻ dâm ô, ngoại tình, giết người.

4/ Đức Giêsu được sinh ra trong một dòng giống bao gồm những con người thánh thiện và những kẻ tội đồ. Điều này ngụ ý rằng: Thiên Chúa vui lòng chấp nhận kiếp phàm nhân, thuộc về mọi người qua mọi thời đại, không một ai bị loại trừ, ai cũng được quyền tháp nhập vào phả hệ của Đức Giêsu.

5/ Con Thiên Chúa đến trần gian kêu gọi và đón nhận tất cả mọi người trở thành dân riêng của Chúa, và được sống trong vương quốc của Ngài.

6/ Hạnh phúc cho những ai biết tin tưởng, luôn sống gắn bó với Chúa, và đem lời Chúa ra thi hành, thì họ sẽ trở nên con cái trong gia đình của Ngài.

7/ Còn một điểm lạ nữa trong gia phả của Chúa Giêsu, đó là có đề cập đến tên của một số phụ nữ. Nêu tên đàn bà trong phổ hệ Do Thái là một điều bất thường vì người đàn bà thường không có quyền gì trước mặt pháp lý. Người nữ không được coi như một con người mà chỉ là một vật dụng, nàng chỉ là một sở hữu của cha nàng và chồng nàngChồng nàng! Người đàn ông này muốn sử dụng nàng cách nào tùy ý.

8/ Trong lời cầu nguyện buổi sáng, người Do Thái thường cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài chẳng dựng nên họ là một dân ngoại, một người nô lệ hay một người đàn bà; chính sự tồn tại của những tên tuổi nữ giới này trong bất cứ phổ hệ nào cũng được cho là điều khác thường.

9/ Nhưng khi chúng ta điều tra, tìm hiểu những phụ nữ này là ai, họ đã làm gì, thì vấn đề lại còn lạ lùng hơn nữa.  Ra-kháp trong thời Cựu Ước, nàng là một kỷ nữ (Gs 2,1-7), Bà Rút không phải là người Do Thái nhưng còn là dân Mo-ap (R 1,4). Lề luật đã từng ghi: Dân Ammon và dân Mo-áp sẽ không được phép vào đạo đức Chúa cho dù đến đời thứ 10 cũng chẳng hề vào được (Ds 23,3) hay sao?

10/ Rút thuộc về một dân ngoại bị ghét bỏ. Tama là một kẻ cố ý cám dỗ và là một người đàn bà tà dâm (St 38); Batsabe mẹ của Salomon là người phụ nữ bị vua Đavit chiếm đoạt của tướng Uria (chồng bà), bằng một tội ác không thể tha thứ được (2Sm 11 và 12)

11/  Nếu Thánh Mattheu có lục lọi hết trong sách Cựu Ước, thì cũng khó có thể tìm được bốn người phụ nào khác mất uy tín hơn bốn nhân vật kể ra ở trên để làm tổ mẫu cho Chúa Ki-tô.

12/ Nhưng có một điều rất lý thú ở đây, là ngay từ đầu Mattheu đã dùng biểu tượng để chúng ta thấy điểm mạnh của Phúc Âm Chúa Ki-tô là: Ở trong Chúa Giêsu, mọi bức tường ngăn cách đều bị Thiên Chúa hạ xuống hết!

13/ Bức tường ngăn cách giữa Do Thái và dân ngoại bị triệt hạ, là người đàn bà ở Thành Gierio và Rút là một người dân Mo-áp tìm được chỗ đứng trong phổ hệ của Chúa Giêsu, chân lý của Chúa Giêsu không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, tại đây tình yêu Thiên Chúa đã mang tính phổ quát.

14/ Bức tường ngăn cách giữa nam và nữ bị triệt hạ, không ai thấy tên người nữ nào trong một phổ hệ bình thường, nhưng tên các bà được ghi trong gia phả Chúa Giêsu. Sự khinh miệt ngày xưa không còn nữa, trước mặt Chúa “Nam hay nữ cũng đều được quý trọng và quan trọng như nhau”.

15/ Bức tường ngăn cách giữa thánh nhân và tội nhân bị triệt hạ. Bằng mọi cách Thiên Chúa sử dụng những tội nhân cho mục tiêu và kế hoạch của Ngài, Chúa Giêsu phán: Tôi đến không phải để kêu gọi kẻ công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13). Ở đây nói lên tính bao quát của tình yêu Thiên Chúa, Chúa có thể tìm đượcnhững tôi tớ của Ngài giữa những con người mà các nhà mô phạm phải rùng mình , kinh tởm và tránh xa !

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con biết lìa xa đàng tội để trở về làm con cái Chúa và xứng đáng được Chúa yêu thương.Amen.**R

 

Thứ sáu, 18/12/2015

Đề tài: MAU MẮN THỰC THI Ý CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 1,18-24)

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

SUY NIỆM:

1/ Bài Tin Mừng khép lại bằng một hình ảnh đẹp: Tỉnh giấc Thánh Yuse trỗi dậy ,thi hành Thánh ý Thiên Chúa như lời Sứ Thần truyền.

2/ Thánh Yuse không chần chừ, không do dự, không nghi ngờ: Thánh Yuse khiêm hạ vâng lời Thiên Chúa để đón Đức Maria về nhà mình, Thánh Yuse hoàn toàn từ bỏ những dự định riêng, chỉ để thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, Thánh nhân đã cộng tác hết mình với Thiên Chúa, bảo trợ và gìn giữ Mẹ Maria và hài nhi trải qua những lúc ngặt nghèo !

3/ Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa tùy theo địa vị và bậc sống của mình. Chúng ta có dám từ bỏ những kế hoạch riêng để vâng theo Thánh ý Chúa không ?

4/ Đối với cách suy nghĩ của người Tây Phương, các mối liên hệ trong Kinh Thánh thật rắc rối: Yuse hứa hôn với Đức Maria, nhưng Yuse âm thầm muốn ly dị. Sau đó Maria lại được gọi là vợ của Yuse, các mối liên hệ này tiêu biểu cho thể thức hôn nhân Do Thái, có 3 bước như sau:

5/ Hứa hôn:  Khi hai bạn còn nhỏ, chưa ai biết ai, sự hứa hôn này thường do cha mẹ hoặc người làm mai mối ấn định. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tùy thuộc vào sự đam mê và tình cảm của con người được.

6/ Đính hôn: Là xác nhận sự hứa hôn khi trước; vào lúc này thì sự hứa hôn giữa cha mẹ chủ xướng hoặc do mai mối ấn định, có thể bị xóa bỏ nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn độ chừng 1 năm, trong năm đó đôi bạn được kể là vợ chồng cho dù họ không có quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ còn một cách là ly dị. Trong luật Do Thái, nếu trong năm này người con gái có vị hôn phu bị chết thì đượcgọi là “trinh nữ góa”, Maria và Yuse đang ở trong giai đoạn này vì họ đã đính hôn. Nếu Yuse muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này thì chỉ còn cách là ly dị vì theo luật thì trong năm này Maria được kể là vợ của Yuse rồi !

7/ Hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn này: Nếu dựa vào phong tục cưới gả thì mối quan hệ của 2 người trong đoạn trích này là hoàn toàn bình thường và rõ ràng.

8/ Chính trong giai đoạn này, Yuse được báo tin là Maria đã có thai bởi Chúa Thánh Thần và ông phải đặt tên cho con trẻ đó là Giêsu: Tiếng Hy Lạp tương đương với tên Do Thái là Yoshua có nghĩa “Đức Chúa là sự cứu rỗi”

9/ Yuse được báo: Con trẻ sinh ra, lớn lên sẽ làm Chúa Cứu Thế, Đấng sẽ cứu dân mình khỏi tội, Chúa Giêsu được sinh ra để làm Đấng Cứu Thế hơn là để làm vua, Chúa đến thế gian không phải vì Ngài nhưng vì loài người và để cứu chuộc chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con luôn thực hiện điều đẹp ý Chúa bởi vì Ngài là Thiên Chúa ,đấng Cứu độ của con. Amen**R

 

Thứ bảy, 19/12/2015

Đề tài: HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca  (Lc 1,5-25)

5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên.

8 Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông. 9 Theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

11 Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. 13 Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. 15 Vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Em sẽ không uống rượu và thức có men. Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” 19 Sứ thần đáp : “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

23 Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử cứu độ không khác nào một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Chàng hoàng tử và cô bé lọ lem.

2/ Dacaria và Elizabet đã già nhưng không  thể có con: Trong con mắt người đời thời bấy giờ thì họ là những kẻ bị nguyền rủa, người đời cũng có câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại” (Mạnh Tử). Thật là tuyệt vời khi họ được chính Thiên Chúa can thiệp và giải oan cho họ, Thiên Chúa đã biến sự nguyền rủa của người đời thành một ân phúc lớn lao.

3/ Đầu óc con người quá bình thường đến độ nông cạn, nên khi đối diện với những sự gì kỳ lạ, mầu nhiệm thì chúng ta khó lòng chấp nhận.  Đây là lý do tại sao Ông Cacaria bị phạt, đây là vấn nạn chung của con người từ trước tới nay.

4/ Thiên Chúa rất yêu thương con người nên vẫn có cách nào đó để Ngài can thiệp, nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng liệu chúng ta có dám tin nhận và can đảm thực thi ý Chúa hay không ?

5/ Bài Tin Mừng kể lại hoàn cảnh neo đơn, buồn tủi của gia đình ông bà Dacaria, và đồng thời cho biết thái độ của ông Dacaria khi sứ thần đến báo tin vui cho ông.

6/ Dacaria sống ở làng A-in Karim, một làng ở phía Tây Nam Yerusalem. Ông sống nghề tư tế cha truyền con nối, Do Thái có 24 ngành tư tế, ngành của Dacaria đứng vào hàng thứ 8. Theo sách Thánh kể lại, ngành này tuy hoa lợi khá, nhưng không mấy nổi danh và còn có những khuyết điểm đáng trách. Bà Elizabet thuộc dòng dõi Aharon cũng là hàng tư tế. Thời xưa cũng tính theo kiểu môn đăng hộ đối, như thế dù không phải là luật buộc nhưng Yoan ra đời là kết tinh của 2 dòng tộc tư tế để dễ hoàn thành sứ mệnh của mình. Yoan ra đời cũng cất đi nỗi ô nhục của 2 gia đình và 2 gia tộc song thân. Bởi vì theo quan niệm Đông Phương cũng như của Cựu Ước, không có con là mối nhục, là nỗi bất hạnh, là bị Thiên Chúa phạt.

7/ Dacaria thuộc dòng dõi danh giá, là một con người rất tốt lành, nhưng lại mắc vào lỗi khiếm khuyết trong giờ khắc quyết định, nghĩa là đang khi ông dâng hương trong đền thờ Yerusalem thì sứ thần Chúa đến loan báo cho ông biết: Thiên Chúa sẽ ban cho gia đình ông một người con, đồng thời cũng cho biết sứ mạng của người con này, thì ông đâm ra nghi ngờ vì hai vợ chồng ông đều đã cao niên lại son sẽ thì làm sao sứ thần có thể thực hiện được trong hoàn cảnh như vậy.

8/ Dacaria có tư tưởng tầm thường, nhân loại, lòng tin của ông chưa đủ cao và cũng chưa được đào sâu: Bằng một giọng đầy trách cứ, Sứ Thần cho biết: Ngài là sứ giả chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, được sai đến với ông, điều đó hẳn đủ để ông phải tin; nhưng thật ra điều đó chỉ đủ cho những kẻ có lòng tin mạnh thì mới rõ rằng: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự và quyền năng của Thiên Chúa được khởi đầu ở chỗ mà khả năng con người cảm thấy bị bế tắc, bị giới hạn vì sự yếu kém, bất toàn của mình.

9/ Dacaria đón nhận Lời Chúa cách sai lệch nên từ nay ông chỉ có thể ra dấu mà không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường, tức là ông sẽ bị câm! Trong khi đó bất chấp mối nghi ngờ của Dacaria, Thiên Chúa vẫn thực hiện chương trình của Người là ban cho ông một người con là Yoan Tẩy Giả, vị Tiền Hô duy nhất của Đấng Cứu Thế !

10/ Nhân dịp này, chúng ta nên suy xét về lòng tin của mình, lòng tin thật thì không chấp nhận hồ nghi. Trái lại, Chúa đòi lòng tin của ta phải vững vàng, chắc chắn, vì uy tín của Thiên Chúa, lòng tin và sự hối cải phải đi đôi với nhau. Lòng tin được khởi đầu bằng sự hối cải, còn hối cải sửa soạn cho lòng tin. Cả hai cùng đi đôi với nhau như 2 con mắt cùng nhìn về một hướng, về một đối tượng là Thiên Chúa => Là nguồn ơn cứu độ.

11/ Trong khi chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta cần kiểm điểm lại lòng tin của mình để kịp thời hối cải, ăn năn.  Nhờ đó, lòng tin sẽ được vững chắc hơn, đó cũng là cách chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh tốt đẹp nhất !

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin mạnh mẽ, để con có thể nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh con và luôn kịp thời ra tay nâng đỡ chúng con trong những giây phút cơ cực nhất của cuộc đời con . Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1539
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  2343
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407752
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top