Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 3 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca /

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 3 Thường Niên C (25/01/2016-> 30/01/2016)

Thứ hai, 25/01/2016

Đề tài: Thánh Phaolo Tông đồ trở lại

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Marco. (Mc 16,15-18)

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

SUY NIỆM:

1/Rất nhiều người trong số các trẻ em đường phố bị dính vào ma túy, nhiều em đã hiểu được tác hại của ma túy sau thời gian dài khốn khổ vì nghiện ngập. Nhiều em đã quyết tâm cai nghiện, nhiều em đã nhận ra, đã làm lại cuộc đời; nhiều em sau khi cai nghiện thành công đã hợp tác mở ra những trung tâm cai nghiện, để quy tụ các em đường phố về đây để giúp họ thay đổi cuộc đời.

2/Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Thánh Phaolo Tông Đồ trở lại. Ông Saolo, vào khoảng năm 33-35, khi ông đang trên đường từ Yerusalem đi Damas để bắt bớ các tín hữu Kito giáo, Saolo đã bị một luồng ánh sáng từ trời quật ngã, sau đó ông hoàn toàn thay đổi.

3/Chính Chúa Kito Phục sinh đã đích thân chọn ông làm Tông Đồ. Từ sau cuộc trở lại cho đến hết đời, Thánh Phaolo đi truyền giáo khắp các thành thị của Đế quốc Roma.

4/Chúng ta cũng được Chúa Giêsu kêu gọi như Thánh Phaolo. Chúa muốn chúng ta hoán cải để trở về với Chúa và hăng say loan báo Tin Mừng của tình yêu.

5/Trước khi gặp một biến cố đưa Ngài trở lại đạo công giáo bằng một cuộc biến đổi xoay Ngài 180 độ. Đây là một biến cố mà nôm na ra gọi là cải tà quy chánh.

6/Thánh Phaolo sinh tại Taxo, thuộc xứ Kiliki-a vào khoảng năm thứ 5 sau công nguyên. Ngày Ngài chịu phép cắt bì theo luật đạo Do Thái, cha mẹ đặt tên cho Ngài là Saolo, sau này mới đổi thành Phaolo.

7/Cha mẹ ông thuộc nhóm bảo thủ nghiêm ngặt, khắt khe. Vì thế Ngài được giáo dục theo kiểu Do Thái giáo rất cặn kẽ, đồng thời cho ông học thêm nghề dệt để mưu sinh. Năm 15 tuổi, ông được gởi đến Yerusalem theo học với một ông thầy nổi tiếng, đó là Gamali-en.

8/Ở đây ông theo nghề của Cha mình, là nghề Biệt phái và trở thành người nhiệt thành số một lúc bất giờ. Ông thông thạo 2 thứ tiếng: tiếng mẹ đẻ Aram và tiếng Hy lạp. Đó là hai nền văn hóa đúc kết nên con người của ông, làm cho ông có thể đứng vững chắc trong hàng ngũ Do Thái giáo lúc bấy giờ.

9/Ông có hai quốc tịch: Do Thái và Roma. Ông đã lập gia đình nhưng lại góa vợ rất sớm, ông là người hăng say đến độ cuồng tín đối với luật lệ của tiền nhân.

10/Ông từng tham dự vào việc đổ máu Thánh Stephano, ông từng hứa sẽ tiêu diệt hết đám tà đạo do Chúa Giêsu sáng lập. Ông nhất quyết lôi tất cả những ai tin theo Chúa Giêsu ra công nghị và nếu cần thì ông sẵn sàng giết họ.

11/Vào mùa hè năm 36, ông xin phép các lãnh đạo Do Thái và đang khi cầm trát để bắt bớ giết hại người Kito giáo. Lúc ấy ông lên đường đi Damas, một thành phố cách Yerusalem 200km, ông dẫn theo một nhóm tùy tùng hăng say không kém gì ông.

12/Khi đang đi đến gần Damas vào khoảng giữa trưa thì một sự kiện khác lạ xảy đến đột ngột, một luồng ánh sáng chói lòa ập xuống bao trùm lấy ông, khiến ông ngã ngựa té xuống đất và hai con mắt trở nên mù không thấy gì nữa.

13/Đúng vào lúc đó thì có tiếng gọi đích danh tên ông “Saolo, Saolo, sao ngươi bắt bớ ta?” Theo trí hiểu của dân Do Thái thời đó thì tiếng gọi từ trời như thế chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, và được lập lại đúng tên Saolo hai lần. Cũng theo quan niệm Do Thái thì tiếng gọi ấy là của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa thường gọi tên người ta hai lần trong những lần Ngài muốn nói chuyện với con người.

14/Lúc đó Saolo biết ngay đó là tiếng Thiên Chúa gọi mình, nên ông kính cẩn thưa: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Bình thường khi Thiên Chúa trả lời thì Ngài thường tự xưng mình là Yave, là Đấng tự hữu, nhưng lần này câu trả lời lại khác hẳn: “Ta là Giêsu Nazaret mà ngươi đang tìm bắt”.

15/Câu trả lời này thật là khủng khiếp! Vì sao Saolo biết câu trả lời này là của Thiên Chúa, nhưng ông không ngờ Thiên Chúa chính là Đấng xuống thế làm người mang tên Giêsu và bằng lòng chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại.

16/Theo truyền thống Do Thái dạy rằng: Chúa là Chúa, người là người chứ không thể có chuyện Thiên Chúa nhập thể và trở nên người-Chúa, và có thể chịu khổ nhục như thế, Đấng mà ông ghen ghét, khinh dễ và cố sức xóa sổ, xóa tên trong lịch sử Do Thái.

17/Câu trả lời ấy chính là một sự thật mà ông không hề ngờ tới. Bắt hại người tin theo Chúa là bắt hại chính Chúa, nếu động chạm đến người tin Chúa là đụng chạm đến con mắt của Chúa, đến chính thân mình Chúa.

18/Hoặc nói theo kiểu vị thầy Gamali-en của Saolo: Đánh giặc với Môn Đệ của Chúa Giêsu là liều mình đánh giặc, chống lại chính Đức Chúa Trời.

19/Saolo lúc này quá khiếp sợ vì  ông mới khám phá ra sự thật. Nhưng Saolo đã chỗi dậy đi tiếp vào Thành để gặp ông Khanani-a, là người mà ông được Thiên Chúa báo trước để ông ấy nói cho Phaolo phải làm gì, Phaolo đã đổi đời từ đây.

20/Phaolo đổi đời là quay 180 độ. Ông từ bỏ đạo Do Thái và trở lại Đạo Kito giáo, sau đó Ngài trở thành vị Tông Đồ vĩ đại để truyền bá Tin Mừng của Đức Kito.

21/Qua sự kiện này, chúng ta thấy ở mọi lãnh vực Thiên Chúa đều có thể can thiệp được. Tại sao Saolo đang bắt hại đạo Chúa mà đột nhiên sau đó lại trở thành một Tông Đồ nhiệt thành của Chúa ? Đây không phải là một trạng thái tâm lý bệnh hoạn, ảo tưởng, mà đây chính là một phép lạ của Thiên Chúa.

22/Những ai hôm nay đang sống trong tội lỗi, chúng ta hãy xin Chúa can thiệp vào đời sống của chúng ta, đời này không thiếu những con người chống đối, bách hại đạo Chúa, gây muôn vàn khó dễ cho Hội thánh. Xin Chúa hãy là ánh sáng chiếu soi chân lý, xin hãy lấy đi đôi mắt u mê của thân xác chúng con và thay vào đó đôi mắt tâm hồn sáng suốt hơn. Để chúng con nhận ra Chúa là ai và anh em là ai, để con sống đạo như Thánh Phaolo. Amen.**R

 

Thứ ba, 26/01/2016

Đề tài: Chúa sai các môn đệ đi thực tập

Kính Thánh Timôthêô và Thánh TiTô

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,1-9)

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

SUY NIỆM:

1/ Mỗi người chúng ta khi được lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta cũng đã trở thành môn đệ của Chúa Ki-tô và được Người sai đi.

2/ Hành trang mà mỗi người lãnh nhận không phải là tiền bạc, bị gậy, áo quần, học vấn. Nhưng là ân sủng và quyền năng của Đức Ki-tô.

3/ Lời dặn dò cụ thể, thực tế, rõ ràng dành cho từng người. Những gì mà Chúa Giêsu căn dặn các Môn đệ ngày xưa, xem ra không còn hợp thời trong cuộc sống của chúng ta hôm nay /

4/ Ngày xưa với hôm nay có rất nhiều thay đổi. Ngày xưa đi bộ, mang bị gậy; ngày nay đã có các phương tiện  giao thông , liên lạc tối tân hơn. Nhưng tinh thần của người Môn đệ năm xưa và hôm nay thì không có gì thay đổi.

5/ Bổn phận của các Môn đệ là đại diện cho Chúa, đại diện cho Đấng sai Chúa Yesu  đi. Bổn phận của các ông là rao giảng và chữa lành.

6/ Bài Tin Mừng không cho biết các Môn đệ được sai đi đâu, nhưng chúng ta có thể hiểu là các ông được sai đi cho toàn thể nhân loại.

7/ Các Môn đệ phải chấp nhận tính cấp bách của nhiệm vụ cũng như phải đối diện với thái độ thù nghịch của những nơi mà các ông sắp phải  đến. Các ông phải hành động theo tư cách chứng nhân và không được chùn bước vì bất cứ lý do gì.

8/ Các Môn đệ phải gặt nhanh tay kẻo lúa hư nên không còn thời giờ để lo lắng những công việc xã hội khác .

9/ Nhiệm vụ các ông là phải rao giảng, phải chữa lành. Nhiệm vụ ấy phải là trọng tâm, không cần phải để ý đến việc chào hỏi, của ăn, áo mặc, tiện nghi vật chất.

10/ Sứ điệp mà các Môn đệ cần rao truyền là: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần,…. Các ông cần phải gặt vội vã kẻo lúa hư đi.

11/ Gặt lúa là công việc của chủ ruộng là công việc của Thiên Chúa. Các ông chỉ là những người thợ.

12/ Chúa Giêsu ghi nhận: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Chúa mời các Môn đệ phải xin chủ sai nhiều thợ gặt đến, như thế Chúa Giêsu có ý nhắc nhở rằng: Thiên Chúa là Chúa tể của dân chúng nên những gì có liên hệ đến dân chúng thì đều ở dưới quyền cai quản của Thiên Chúa.

13/ Ai muốn giúp đỡ dân chúng thì không được theo sáng kiến riêng, hoặc là dám nhân danh mình , nhưng phải được Chủ mùa sai đi.

14/ Chúa Giêsu đã sai các Môn đệ đi, người không phải Chủ mùa nhưng Ngài làm là nhân danh Chủ mùa. Ngài làm vì lòng từ bi xót thương dân, các Môn đệ phải chu toàn sứ mạng Chúa giao theo chiều hướng này.

15/ Hành lý các ông mang đi không có gì ngoài một sứ điệp mà các ông cần truyền đạt. Các ông chỉ ra đi với tư cách là sứ giả của sứ điệp này nên các ông không cần mang theo thứ gì khác.

16/ Các ông không cần bận tâm về điều gì khác, các ông chỉ nên chu toàn sứ điệp mà các ông đã lãnh nhận mà thôi. Một đòi hỏi phải khó nghèo, khiêm nhường và chấp nhận yếu đuối thì luôn đi ngược lại với cơn cám dỗ là muốn đạt được hiệu năng cao bằng mọi giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sai con đi, này con xin đến để thực thi ý Chúa. Amen.**R

 

 

Thứ tư, 27/01/2016

Đề tài: GIỐNG TỐT CẦN ĐẤT TỐT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 4,1-20)

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống ngồi trên thuyền đang đậu dưới biển, còn tất cả dân chúng thì ở trên bờ. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ :

3 “Các người nghe đây ! Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất ; nó mọc ngay, vì đất không sâu ; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả : hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.” 9 Rồi Người nói : “Ai có tai để nghe thì hãy nghe !”

10 Khi còn một mình Đức Giê-su, những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. 11 Người nói với các ông : “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em ; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, 12 để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
13 Người còn nói với các ông : “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn ? 14 Người gieo giống đây là người gieo Lời. 15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi Lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến lấy đi Lời đã gieo nơi họ. 16 Còn những kẻ được gieo trên nơi sỏi đá là những kẻ khi nghe Lời thì liền vui vẻ đón nhận, 17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời ; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay. 18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai : đó là những kẻ đã nghe Lời,19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 20 Còn có những người được gieo trên đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ được ba chục, kẻ được sáu chục, kẻ được một trăm.”

SUY NIỆM:

1/ Một người khi được vào Thiên Đàng, khi đi ngang qua một dãy kệ chứa toàn những lỗ tai, người đó được giải thích rằng: Đó là những cái tai khi còn sống đã nghe điều tốt, nhưng bản thân không chịu làm. Nên khi chết chỉ có những lỗ tai được vào Thiên Đàng.******

2/ Hạt giống là lời Thiên Chúa. Hạt thì rơi bên (1)vệ đường, rơi trên (2) sỏi đá hay trong(3) bụi gai, có những hạt được (4)đất tốt cưu mang nên sinh nhiều hoa trái cho đời.

3/ Ngẫm nghĩ lại, Lời Chúa thật tội nghiệp. Không biết trong 4 loại đất trên đây, tôi thuộc loại đất nào? Có thể toi thuộc loại đất thứ nhất “Dửng dưng với Lời Chúa”.

4/ Có phải tôi thuộc loại đất thứ hai: Tâm hồn chai cứng nên Lời Chúa chẳng có cơ may nào sống sót.

5/ Có phải tôi thuộc loại đất thứ ba: Tâm hồn chất chứa toàn tiền tài, danh vọng, lạc thú nên Lời Chúa hết chỗ trú ngụ.

6/ Có phải tôi thuộc loại đất thứ tư: Lời Chúa được lắng nghe, được trân trọng, được giữ gìn chăm sóc thật cẩn thận để có thể sinh hoa trái nhiều nhất.

7/ Hôm nay Chúa Giêsu giải thích về thái đố đón nhận và thực thi Lời Chúa. Chúa muốn dùng Dụ Ngôn để trình bày về thái độ cần phải có để nghe và thi hành Thánh ý Chúa.

8/ Dụ Ngôn là một thứ diễn từ bằng nhiều hình ảnh cụ thể, trong đó thường đề cập đến khía cạnh của đời sống thường nhật được dùng để so sánh với những đặc điểm chân lý nước trời.

9/ Chúa Giêsu dùng Dụ Ngôn Người gieo giống để dạy dỗ dân chúng về thái độ cần có để nghe Lời Chúa giảng, dụ ngôn này gồm có 3 phần:

(1) Câu 3 -> câu 9: Dụ ngôn người gieo giống

(2) Câu 10 -> câu 12 : Lý do Chúa dùng Dụ ngôn

(3) Câu 13 -> câu 20: Giải thích ý nghĩa.

10/ Vì dân Chúa đang ở thời kỳ lạc hậu nên đất đai được chia thành nhiều mảnh vụn.Ranh giới giữa các mảnh ruộng, gọi là bờ, thường được dùng để làm đường đi.

11/ Vì là đất hoang, khô cằn nên có nhiều mảnh ruộng có nhiều sỏi đá, bụi gai. Vì thế khi gieo, có hạt rơi vào sỏi đá, có hạt chen vào bụi gai.

12/ Chúa dùng hình ảnh thửa ruộng để diễn tả thái độ của thính giả khi nghe Lời Chúa giảng dạy.

13/ Trong nhóm thính giả, có hai loại người:

a) Những kẻ tin là nhóm Mười hai và các Môn đệ thân tín.

b) Những kẻ không tin thường được gọi là những kẻ ở ngoài.

14/ Khi nghe Chúa giảng bằng Dụ ngôn, những người không tin thì ở trong tình trạng không thấy, không hiểu. Và như vậy là họ không thể ăn năn trở lại để nhận lãnh ơn tha thứ.

15/ Chỉ có những kẻ tin mới có thể hiểu được mầu nhiệm nước Chúa. Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và hoạt động nơi Đức Ki-tô. Qua Đức Ki-tô Thiên Chúa sẽ quy tụ những kẻ tin thành một nước và ban ơn cứu độ cho họ, nhờ vào lời rao giảng và các phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm. Những việc Chúa chữa bệnh là dấu chỉ của ơn cứu độ.

16/ Những việc trừ quỷ là những bằng chứng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa khi thực hiện ơn cứu độ. Việc chữa lành bệnh là ơn tha thứ cho tội nhân, diễn tả quyền ban sự sống mới cho con người.

17/ Bốn loại người tượng trưng cho 4 thái độ lắng nghe. Chỉ có loại thứ tư mới đem lại kết quả thật sự. Lời kêu gọi phải sinh hoa kết quả mang tính chất khuyến khích làm điều thiện và cần tránh thái độ vô hiệu hóa tính năng của Lời Chúa. Sỏi đá, đường đi, bụi gai trên thực tế khó biến đổi. Thế nhưng ở đây Chúa khuyến khích mọi người hãy thay đổi để trở thành đất tốt cho phù hợp với lời kêu gọi “Hãy đến nhận lãnh ơn cứu độ”

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy mở tai con, hãy tác động lên tay chân con, để con có thể mau mắn chạy đến lãnh nhận ơn cứu thoát. Amen **R

 

Thứ năm, 28/01/2016

Đề tài: Cho và nhận

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 4,21-25)

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao ? 22 Vì chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng. 23 Ai có tai để nghe thì hãy nghe !”

24 Người nói với các ông : “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. 25 Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

SUY NIỆM:

1/ Một phụ nữ giàu có, sau khi chết, bà được vào Thiên Đàng. Bà được dẫn đến một căn nhà đơn sơ, bà phản đối không chịu, nhưng Thiên thần bảo rằng: Đây là căn nhà được làm bằng vật liệu mà khi còn sống bà đã gửi lên đây. Bà gửi thứ gì thì bà nhận được thứ ấy, sao lại chê ?

2/ Một chân lý bất di bất dịch: Không ai có thể là một ốc đảo, chẳng ai có thể sống một mình. Đã là người thì chúng ta phải sống cùng, sống với.

3/ Thiên Chúa không tạo nên một con người cô độc: Thiên Chúa cũng không cứu rỗi con người cách riêng lẻ, trái lại Chúa tập hợp những kẻ tin thành một dân tộc và huấn luyện để họ nhận biết Chúa là chân lý và để phụng sự Ngài.

4/ Thiên Chúa là tình yêu: Đó là một chân lý sống kéo theo cách sống cho và nhận. Cái gì được ban nhưng không thì cũng phải phát lại nhưng không => Những thứ đó bao gồm: Sự sống, tình yêu, niềm tin và hạnh phúc.

5/ Các việc đó ta đã nhận lãnh cách dư đầy từ Thiên Chúa. Thì chúng ta cũng phải chia sẻ cho nhau cách quảng đại, nhờ đó Thiên Chúa sẽ sẵn sàng đáp trả theo cách ấy cho chúng ta.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Dụ ngôn cái đèn và cái đấu: Để trình bày việc sau khi nghe Lời Chúa giảng thì phải biết phổ biến Lời Chúa ra cho mọi người chung quanh.

7/ Câu 2: Tin mừng là cây đèn, Chúa bảo chúng ta không được dấu kín Tin Mừng. Việc này đòi hỏi những ai khi nghe Lời Chúa thì phải sống Lời Chúa và loan báo Lời Chúa cho người khác.

8/ Câu 22: Khởi đầu Tin Mừng chỉ có một số người biết, nhưng theo ý Đức Giêsu, với thời gian, Tin Mừng ấy cần phải chiếu tỏa ra, phải được loan báo cho mọi dân tộc (Mc 13,10)

9/ Tin Mừng lúc đầu có thể nghe thì chưa hiểu: Nhưng sau đó nhờ ơn Chúa Thánh thần soi sáng cho. Lúc đầu ít người biết, nhưng với thời gian, Tin Mừng sẽ lan tỏa ra cho mọi người. Hãy nhìn vào Hội Thánh.

10/ Câu 24: Cái đấu, là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận. Con người càng mở rộng tâm hồn mình ra, càng đón nhận nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Tin và yêu là thái độ mở ra để đón nhận. Kẻ nào không chịu mở ra để đón nhận thì những thứ đã có cũng sẽ dần dần mất đi. Ai đã có sẽ được cho thêm có ý nghĩa như vậy đó.

11/ Bài Tin Mừng qua Dụ ngôn cái đèn: Đòi mỗi người khi nghe Lời Chúa thì phải sống và phải loan truyền cho người khác, nếu không thì Lời Chúa sẽ trở nên vô hiệu.

12/ Qua Dụ ngôn cái đấu: Chúa nhắn nhủ ta hãy mở rộng cõi lòng để đón nhận và lắng nghe Lời Chúa, kèm theo đó là phải nhiệt tình rao giảng Lời Chúa cho người khác. Đó là cách làm phát triển Lời Chúa và tăng sức sống cho tâm hồn mình.

13/ Đèn cần phải có dầu để đốt: Đức tin phải có việc làm, đèn đốt rồi phải để trên giá cao để đèn có thể chiếu tỏa ra chung quanh. Ai đón nhận Lời Chúa qua các nghi thức phụng vụ, thì cần phải đem Lời Chúa ra thực hành.

14/ Lời Chúa là ánh sáng: Người Ki-tô hữu cần ánh sáng Lời Chúa chỉ đường để chúng ta và tha nhân đạt tới chân lý sự sống, đến sự hoàn thiện, đến sự sống vĩnh cửu.

15/ Cái đấu để đong: Đón nhận Lời Chúa thì phải biết trao ban cho người khác, Lời chúa có sức sống vô cùng mãnh liệt nên càng được trao ban thì Lời Chúa càng phát triển.

16/ Rao truyền Lời Chúa bằng gương sáng: Bằng việc làm hoàn hảo theo tinh thần Tin mừng. Hãy dùng phương tiện truyền thông để loan báo Lời Chúa cho tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời con là một chiếc đèn, xin Chúa giúp con sống tốt để tỏa sáng và có thể thắp sáng lên trong lòng mọi người anh chị em của con. Amen.**R

 

Thứ sáu, 29/01/2015

Đề tài: Hạt giống âm thầm mọc lên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 4,26-34)

26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

30 Rồi Người lại nói : “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

SUY NIỆM:

1/Theo thống kê của cơ quan truyền giáo toàn cầu thì 3 tôn giáo lớn thờ Thiên Chúa bao gồm: Công giáo, Tin lành và Chính thống. Hiện nay có khoảng 2,3 tỷ người, đây là tôn giáo có sức phát triển mạnh nhất.

2/ Đầu thế kỷ 20: Ki-tô giáo có khoảng 1.600 giáo đoàn, nhưng đến nay sau một thể kỷ, con số ấy đã tăng lên 42.000 giáo đoàn.

3/ Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt giống âm thầm mọc và lớn lên. Chúng ta cần phải kiên nhẫn, đừng đòi hỏi có dự tăng trưởng nhanh trước mắt, nhưng cứ vâng nghe Lời Chúa Giêsu dạy, cứ cố làm hết sức mình rồi tin tưởng và chờ đợi ngày mùa gặt bội thu. Là ngày tận thế.

4/ Nước trời như hạt cải. Tuy nhỏ bé nhưng mãnh liệt. Hãy tự hỏi xem chúng ta đã đóng góp gì cho sự tăng trưởng ấy ?

5/ Chúa bảo chúng ta hãy lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cầu nguyện nhiều cho việc truyền giáo và sống bác ái phục vụ tha nhân. Những hạt giống âm thầm ấy sẽ lớn mau, mạnh, sẽ góp phần vào việc làm cho nước Chúa mau trị đến.

6/ Chúng ta cần liên kết cả hai Dụ ngôn: Gieo hạt giống xuống đất (Mc 4,26-29) và Dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,3-8). Vì cả hai Dụ ngôn này diễn tả về những giai đoạn tiến triển kế tiếp nhau: Gieo hạt, nảy mầm, cây lúa mọc lên, mùa gặt.

7/ Trong nước Thiên Chúa thì hạt giống là Tin Mừng. Hạt giống đã được Chúa Giêsu gieo xuống đất khi Tin mừng đã được rao giảng.

8/ Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động. Ngài ban cho nước Thiên Chúa một sức mạnh thầm kín giúp nước ấy phát triển đến hồi viên mãn vào ngày cách chung.

9/ Trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng. Mọi người cần phải bình thản và kiên nhẫn chờ đợi trong sự tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động giữa lòng giáo hội.

10/ Qua Dụ ngôn này. Chúng ta cần vững tin vào ơn Chúa đang hoạt động âm thầm trong Hội thánh, trong mỗi công việc của Giáo hội, trong mỗi công việc của mỗi người chúng ta.

11/ Chúng ta cần hiệp nhất với Chúa. Nhờ đó chúng ta an tâm, kiên trì và bền đỗ trong mọi công việc hằng ngày và trong các hoạt động của Giáo hội.

12/ Chúng ta phải chăm chỉ gieo vãi hạt giống Lời Chúa, thông truyền giáo huấn của Chúa, tinh thần của Chúa cho mọi người ở mọi nơi, trong mọi lúc.

13/ Chúng ta không chỉ cậy dựa vào những hoạt động bề ngoài. Nhưng cần phải luôn tin tưởng vào những hoạt động âm thầm của các việc Tông đồ truyền giáo.

14/ Bởi vì ơn Chúa hoạt động cách âm thầm và kín đáo nên người Tông đồ cần phải kiên trì, nhẫn nại, dẻo dai trong lúc chu toàn nhiệm vụ. Cũng đừng hấp tấp đi tìm những thành quả trước mắt để tự mãn, để rồi khi bị thất bại thì sẽ buồn chán, tiêu cực.

15/ Mặc dù giai đoạn đầu của nước Thiên Chúa rất khiêm tốn chỉ có 12 Tông đồ.Nhưng Tin mừng phải được loan báo cho mọi dân tộc.

16/ Trước khi Chúa quang lâm. Nhiều cơn bách hại sẽ xảy ra với biết bao gian nan thử thách (Mc 13,5-23)

17/ Trong hoàn cảnh như thế. Dụ ngôn hạt cải sẽ giúp ta có lòng tin tưởng mãnh liệt, một niềm cậy trông vô bờ bến vào cuộc chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.

18/ Đã là Tông đồ, chẳng những phải chu toàn việc lớn mà còn phải chu toàn cả việc nhỏ. Phải chứng tỏ lòng chúng ta yêu mến Chúa qua việc sống thánh như thánh Tê-rê-xa nhỏ là một điển hình dễ hiểu nhất của Dụ ngôn hạt cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho nước Chúa mau trị đến, con đây bất tài nên chỉ dám đóng góp bằng những việc làm thật nhỏ để cộng tác với Chúa mà thôi. Amen **R

 

Thứ bảy, 30/01/2016

Đề tài: Có Chúa là có bình an

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 4,35-41)

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

SUY NIỆM:

1/ Con Thiên Chúa giáng sinh làm người để Mạc Khải cho loài người biết tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nhưng vì thấy Chúa Giêsu cũng giống người như mình nên con người chỉ thèm nghe bằng đôi tai vô tình, và không để ý đến lời thì thầm đầy yêu thương nên con người càng đi xa Thiên Chúa.

2/ Chỉ khi khốn cùng ta mới cần có Chúa, mới biết Chúa đang đồng hành với ta. Các Tông đồ vẫn sống bên cạnh Chúa hằng ngày, thế nhưng vì quen quá hóa nhàm thành ra họ cứ tưởng là Chúa đang ngủ quên.

3/ Chính khi con thuyền gặp sóng to gió lớn. Họ mới bừng tỉnh và kinh ngạc khi Chúa truyền cho biển lặng sóng im.

4/ Sau những Dụ ngôn về nước Thiên Chúa (Mc 4,1-33). Thánh Marco ghi lại một số phép lạ, một phép lạ điển hình là Chúa dẹp yên sóng gió trong bài Tin Mừng hôm nay là để tỏ uy quyền thiên sai của mình.

5/ Biển theo quan niệm của người Do thái biển là nơi hổn mang, chứa đựng toàn sự dữ. Biển cũng là nơi xuất phát những sức mạnh đối nghịch với con người và với Thiên Chúa.

6/ Việc Chúa dẹp biển lặng sóng yên là để tỏ quyền năng của Chúa trên sự dữ.

7/ Việc Chúa Giêsu nằm nghỉ: Gợi cho ta nhớ đến sự vắng bóng của Chúa, Chúa nằm yên trên thuyền là hình ảnh hội thánh đang tại thế, Chúa vẫn hiện diện nhưng nhìn bề ngoài chúng ta không thấy. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Chúa qua các dấu chỉ bằng con mắt Đức Tin.

8/ Chúa lên thuyền và truyền lệnh cho các Tông đồ chèo thuyền qua bờ bên kia. Chi tiết này giúp ta nhận ra việc Chúa trao quyền điều khiển Giáo hội cho các Tông đồ, để các ông tự lèo lái con thuyền đến bến bình an.

9/ Con thuyền sang được bờ bên kia là hình ảnh hội thánh vượt biển trần gian. Cuộc hành trình này đầy cam go thử thách, nhưng vì có Chúa hiện diện trong hội thánh nên hội thánh sẽ được bảo đảm là sẽ vượt thắng mọi thử thách.

10/ Chúa đang ngủ: Là có Chúa hiện diện cách vô hình, các Tông đồ chưa nhận ra quyền năng của Người nên các ông đã hoảng sợ khi gặp sóng gió bão táp.

11/ Chúa Giêsu là đầu của nhiệm thể. Nên khi ta tin Chúa, ta được hiệp nhất với Chúa và được hiệp thông quyền năng như Người.

12/ Khi ta gặp đau khổ mà ta tin vào Chúa, ta sẽ được vượt qua.

13/ Khi ta chết đang lúc tin Chúa. Ta sẽ được phục sinh với Người.

14/ Khi còn sống ở đời này mà ta tin Chúa. Ta sẽ hưởng được hạnh phúc đời này, đời sau.

15/ Chúa thức dậy ngăn đe gió bão gợi ta nhớ đến Chúa phục sinh

16/ Lời Chúa quyền năng:  Có sức ngăn đe gió bão, có sức xua tan ma quỉ. Lời đó diễn tả Chúa chiến thắng Satan sau khi Chúa phục sinh.

17/ Qua bài Tin Mừng: Chúng ta xác tín sự hiện diện các vô hình của Chúa  trong Giáo hội nên chúng ta sẽ an tâm hơn khi gặp thử thách vì có Chúa  luôn gìn giữ, chở che và giúp ta sớm về được quê trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi con lâm cảnh khốn cùng, con khẩn xin Chúa, xin đáp lời và nhậm lời con. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1549
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  2335
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11352639
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top