Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 5 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca /

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 5 Thường Niên C (08/02/2016-> 13/02/2016)

Thứ hai, 08/02/2016

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 6,53-56)

Đề tài:  Sức mạnh của lòng tin

53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

SUY NIỆM:

1/ Họa sĩ Hunt vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng trước một căn nhà và gõ cửa. Điểm khác thường ở đây cho ta thấy cánh cửa ấy không có tay nắm mà cũng chẳng có ổ khóa, điều này giúp chúng ta hiểu rằng: Cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong.

2/ Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Điều này cũng có nghĩa là: Tất cả những ai dù mắc bệnh thể lý hay tâm linh, hễ khi chạm được đến Chúa đều được khỏi, lòng tin đã giúp họ được chữa lành.

3/ Còn chúng ta hôm nay. Khi đã ý thức mình đầy tội lỗi và nhiều nết xấu, liệu chúng ta có tin tưởng để chạy đến với Chúa, để được Chúa chữa lành không ? Hay là chúng ta tìm cách xa lánh Chúa vì chúng ta chưa dám tin.

4/ Qua phép lạ hóa bánh và Chúa Giêsu đi trên mặt biển chưa đủ làm cho các Tông đồ tin vào Chúa. Nay Chúa đưa họ vào miền đất dân ngoại để tiếp tục dạy dỗ các ông thêm.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại: Việc Chúa chữa lành nhiều bệnh nhân để trình bày về sứ vụ cứu thế của Chúa, để cũng cố niềm tin cho các Tông đồ.

6/ Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (Mc 6,34-44). Chúa Giêsu và các Tông đồ đã phải tránh đám đông dân chúng vì sợ họ tôn vinh người không hợp lúc, có thể làm hỏng chương trình của Chúa. Nhưng khi qua biển hồ, dân chúng lại nhận ra Đức Giêsu và kéo đến với Người rất đông.

7/ Dân chúng vùng này biết  tin Chúa hay làm phép lạ chữa trị mọi loại bệnh tật nên họ đã lũ lượt đến với Người và đem theo các bệnh nhân để xin Người chữa lành.

8/ Đây là dân ngoại ở ngoại ô nên khi đến với Chúa , họ còn mang nặng đầu óc mê tín , vì họ chỉ mong chạm đến gấu áo Chúa thì cũng sẽ được chữa lành.

9/ Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Tính chất phổ cập của đạo Công giáo khi thấy Chúa ban ơn lành cho cả lương dân khi họ đến xin Người cứu chữa, tính cách này ngược lại với tinh thần hẹp hòi ích kỷ của đạo Do Thái giáo trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ.

10/ Chúa Giêsu đến Ghen-nê-xa-rét là vùng dân ngoại, người Tông đồ cần vượt qua những ngăn cách địa lý, hành chánh, tôn giáo, văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán để đến và phục vụ cho tha nhân theo tinh thần của Chúa.

11/ Nghe tin Chúa có mặt ở đâu, người ta đem các bệnh nhân đến ở đó. Chúa Giêsu có sức thu hút lạ lùng đối với dân chúng.

12/ Sở dĩ người ta ùn ùn kéo đến với Ngài, chính vì họ cảm thấy Ngài luôn luôn cho họ cái họ cần. Luôn luôn có đôi tay mở rộng chào đón, luôn trao ban hết mọi thứ cho họ, sức hút hiện tại của Chúa Giêsu chính là những gì Người đang quảng đại cho đi.

13/ Noi gương Chúa, các Tông đồ cũng như tất cả chúng ta cần biết cho đi, biết hiến thân, biết trao ban không ngừng những gì mà tha nhân đang cần đến.

14/ Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi bệnh. Chúa Giêsu rất thương yêu những con người đau khổ bệnh tật. Người Tông đồ cũng phải biết quý trọng những con người xấu số đang cần nâng đỡ, an ủi, khích lệ, chữa trị.

15/ Bệnh tật khổ đau thường làm cho con người trở nên bất ổn. Chúng tượng trưng cho sự dòn mỏng của thân phận con người, cũng chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể chữa trị chúng ta khỏi mọi tình trạng bất ổn ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con ra để con luôn chờ đón Chúa, xin đừng để con là cánh cửa ngoan cố, luôn ngăn cách khiến cho Chúa không thể đến với anh em con. Amen.**R

 

Thứ ba, 09/02/2016

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,1-13)

Đề tài: Truyền thống người Pha-ri-sêu

1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.
8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói : “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng : ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử !’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !”

SUY NIỆM:

1/ Có rất nhiều người khi nói chuyện với người khác thì họ khoe rằng: Họ sống đạo rất tốt, bàn thờ đặt ở nơi cao ráo, hoa nến đầy đủ. Thế nhưng khi ra trước tòa Chúa thì công phúc của họ chẳng có gì, phải chăng đời sống đạo của họ chỉ toàn giả trá, sai lầm trong cách hành xử và minh chứng niềm tin khiến cho Chúa không thể nào ban thưởng cho họ được, bởi họ chỉ giữ đạo hình thức.

2/ Thế giới hôm nay đầy những gian dối, giả trá, nên đức tính trung thực xem ra rất quý hiếm và cần thiết cho mối tương quan giữa cộng đoàn và xã hội.

3/ Thái độ giả hình của luật sĩ biệt phái nhắc nhở chúng ta phải sống chính trực, ngay thẳng, công minh hơn, trong mối tương quan đối với Thiên Chúa và tha nhân.

4/ Người ta có thể lừa dối nhau, sống giả nhân giả nghĩa trước mặt nhau, nhưng không thể nào qua mặt được Thiên Chúa.

5/ Bài học từ Tin Mừng hôm nay qua cuộc tranh luận với Biệt phái và Kinh sư, về việc rửa tay trước khi ăn. Giáo hội muốn nhắn nhủ chúng ta đừng quá lo lắng chú trọng để tuân giữ những tập tục của loài người mà sao lãng những giới luật của Thiên Chúa.

6/ Cuộc tranh luận nhắm đến hai tục lệ: a) Rửa tay trước khi ăn/ b) Của để phụng dưỡng cha mẹ, họ dạy rằng nếu đã dâng cho Chúa thì khỏi phải giúp đỡ cha mẹ. Như vậy họ muốn lấy tập tục của loài người để giết chết tinh thần lề luật của Lời Chúa.

7/ Rửa tay bên ngoài thì rất tốt. Nhưng chúng ta cũng cần quan tâm rửa sạch tâm hồn mình qua việc sám hối.

8/ Cặn kẽ tuân giữ lề luật qua việc dâng của lễ cho Thiên Chúa thì quá đúng, quá tốt, nhưng cũng không được sao lãng điều răn Chúa dạy là phải thảo kính cha mẹ. Bởi vì cha mẹ là Đấng thay quyền Thiên Chúa để chăm sóc, dạy dỗ nuôi nấng chúng ta nên người tốt. Điều này chúng ta không bao giờ được phép quên.

9/ Cần chú trọng hình thức bên ngoài, nhưng cũng cần phải sống nghiêm túc bên trong. Ví dụ: Thi hành những việc đạo đức thì phải nghiêm trang, đúng giờ, nhưng trong lòng thì không được lo ra chia trí, thiếu niềm tin, cậy, mến Chúa.

10/ Khi đi truyền giáo cho lương dân, cần chú trọng đến cái cốt yếu của lề luật. Đừng bận tâm đến cái tục lệ, đừng tìm cách gây cản trở cho những anh em ngoại giáo nhưng lại thành tâm thiện chí.

11/ Chúa trách Biệt phái, hay trách chúng ta ?

a) Không chỉ chuộng hình thức bề ngoài.

b) Chỉ nên chú trọng đến nội dung của các việc đạo đức.

c) Phải mau mắn nhiệt tình tuân giữ luật Chúa.

12/ Vệ sinh, lịch sự, xã giao bên ngoài ,đó cũng là những dấu chỉ nhắc chúng ta phải giữ sạch tâm hồn mình, đây là điều mà Chúa muốn con cái mình phải thực hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết sống và thực hành điều Chúa dạy bằng một Đức tin và lòng mến chân thành. Amen.**R


Thứ tư, 10/02/2016

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,14-23)

Đề tài: Làm chứng bằng hành động

14 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe !”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông : “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói : “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

SUY NIỆM:

1/ Có những hạng người xấu mà cha ông chúng ta thường gọi họ bằng cái bụng độc ác.Nguyễn Du đã diễn tả những con người này trong truyện Kiều như sau:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Bề trong nham hiểm giết người không dao”

2/ Chúa Giêsu dạy các Môn đệ rằng: Cái có thể làm cho người ta ra ô uế không phải là những thứ từ bên ngoài vào, mà là những cái từ bên trong thoát ra.

3/ Luật thanh sạch và ô uế của các Kinh sư và Biệt phái làm cho người ta rơi vào lối sống giả hình. Chỉ coi trọng hình thức bên ngoài, điều Thiên Chúa đòi không phải là sự sạch sẻ bên ngoài nhưng là sự trong sạch trong tâm hồn, sự trong sạch của con tim.

4/ Sau khi khiển trách thói giữ luật vụ hình thức của các Kinh sư, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ bằng dụ ngôn để họ hiểu giữa cái thanh sạch và cái ô uế.

5/ “Ai có tai thì nghe”: Kiểu nói có ý phân biệt kẻ thiện chí và người chống đối với những lời Chúa dạy.

6/ Chúa giải thích cho các Môn đệ về Dụ ngôn cái thanh sạch và ô uế: Không phải từ cái bên ngoài vào bên trong con người nhưng từ bên trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế.

7/ Chúa dựa vào hình ảnh ăn uống, tiêu hóa để diễn tả: Mọi sự Chúa tạo dựng đều tốt đẹp nhưng do những tư tưởng, những ý định, những tâm tình bất chính của con người làm biến đổi thành những hành động xấu.

8/ Kinh sư và biệt phái chỉ nhấn mạnh đến việc thanh tẩy phần xác hơn là sự trong sạch phần hồn, họ coi trọng hình thức bề ngoài hơn là sống bác ái và công bằng xã hội.

9/ Họ coi trọng việc rửa tay và chén dĩa trước khi ăn vì cho rằng tay bẩn sẽ làm ô uế con người. Trong khi đó họ lại cọi nhẹ cõi lòng là nơi chất chứa bao tâm tình ghen tuông, thù ghét tha nhân và đủ thứ toan tính để phạm tội.

10/ Chúa Giêsu đặt sự thanh sạch tâm hồn lên trên sự thanh sạch thân xác. Vì chính từ cõi lòng mà con người xây dựng cuộc sống chân lý của mình. Tâm hồn trong sạch hay không, không do các hoàn cảnh phụ thuộc bên ngoài nhưng do con người quyết định chọn lấy một cách ý thức sự tự do trong thâm tâm của mình.

11/ Chúa Giêsu dạy rằng:  Tư tưởng, ý muốn, hành động là trong sáng hay vẫn đục, tốt hay xấu, đạo đức hay tội lỗi thì tùy vào nguồn gốc của chúng, tức là tùy vào cõi lòng con người.

12/ Hôm nay Chúa dạy các Tông đồ rằng: Khuôn khổ hẹp hòi của tôn giáo cũ không còn hợp với những đòi hỏi của một tôn giáo mới mà người sẽ thiết lập. Bởi vì các Tông đồ sẽ được sai đến với các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa ,sẽ rất khác biệt với môi trường ở Do Thái. Các ông cần chú ý đế những điều chính yếu, đừng lúng túng hay quan tâm đến những tục lệ cổ truyền là những cái có thể ngăn cản những anh em ngoại giáo có thành tâm thiện chí không thể gia nhập vào giáo hội của Chúa được.

13/  Luật thanh sạch làm cho người ta thêm sống giả hình, vụ hình thức bên ngoài. Bởi vì điều Thiên Chúa đòi hỏi không phải là những hình thức bên ngoài nhưng là sự trong sạch bên trong tâm hồn.

14/ Hãy chú ý đến tính chất công việc hơn là hình thức công việc, sống tinh thần luật hơn là hình thức bên ngoài của luật. Cần có 1 lương tâm chân chính, trong sạch, rộng mở. Chúng ta sẽ yêu Chúa đích thực và yêu tha nhân chân thành, vì yêu mến là đã chu toàn lề luật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống ngay thẳng, trong sạch để con có thể nhìn thấy Chúa luôn luôn. Amen.**R

Thứ năm, 11/02/2016

LỄ TRO – GIỮ CHAY & KIÊNG THỊT

Đề tài: HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Maththeu. (Mt 6,1-6.16-18)

1 "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. 5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

SUY NIỆM:

1/Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhám dùng để biểu lộ lòng thống hối của mỗi cá nhân, hay toàn thể cộng đồng con cái Israel. Tro ám chỉ thân xác chúng ta khi chết rồi, sẽ trở thành bụi tro (St 3,18-27/ G34,17).

2/Hôm nay Chúa Giêsu dạy 3 điều tiêu biểu mà người Do Thái cần làm, đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Ba điều này dùng để diễn tả 3 chiều kích sống đạo, cầu nguyện là tạo mối tương quan giữa bản thân mình với Chúa . Ăn chay là lo lắng cho phần rỗi của mình, làm phúc bố thí là mối tương quan giữa bản thân mình với anh em chung quanh.

3/Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng: ba việc trên chỉ có ý nghĩa khi chúng ta làm việc đó với tinh thần khiêm tốn và kín đáo. Kín đáo không có nghĩa là không minh bạch, nhưng là làm với sự thật tâm và vì lòng yêu mến Chúa.

4/Hôm nay Giáo hội cử hành nghi thức xức tro lên đầu những con người phạm tội công khai. Những người này được mời ra trước cộng đồng, tự tay bốc nắm tro bỏ lên đầu và xoa cho đầu mình thành nhơ bẩn. Đây là hình thức khiêm tốn công khai, nó biểu lộ lòng ăn năn sám hối.

5/Cùng với thời gian và các cuộc canh tân đổi mới trong Giáo hội nên việc xức tro lên đầu trước cộng đồng không còn nữa. Hôm nay Giáo hội cử hành nghi thức này mang ý nghĩa rằng: không phải chỉ những người phạm tội công khai mới xức tro mà phải là toàn thể mọi người, vì ai trong chúng ta cũng có tội và ai cũng cần ăn năn sám hối.

6/Tuy rằng Linh Mục và Thừa tác viên chỉ xức lên đầu chúng ta một ít tro, nhưng ý nghĩa của việc xức tro vẫn đầy đủ như trước, nói lên ý chí mỗi người là ai cũng muốn ăn năn sám hối, tự nhận mình là người tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống.

7/Lễ tro nhắc chúng ta bước vào một mùa Phục vụ mới, vì lễ tro là khởi điểm của Mùa chay kéo dài 40 ngày. Theo công đồng Vatican II, thì đặc tính của Mùa chay là sám hối, và sám hối không mang hình thức bên ngoài mà nói lên phần nội tâm của mỗi người khi biết quay trở về với Chúa.

8/Tại sao phải trở về ? Phải trở về với Chúa vì Ngài là Đấng nhân hậu và yêu thương, Ngài lúc nào cũng yêu thương và muốn ban ơn tha thứ. Trước khi trở về với Chúa, chúng ta phải trở về với chính bản thân mình, vì mình là tội nhân, do tội lỗi là khuynh hướng xấu, biết mình xấu để sửa đổi, cần ăn năn để thăng tiến hơn.

9/Trở về với bản thân để nhận ra mình xấu xa, trở về với Chúa để nhận ra Chúa đáng tôn trọng, yêu thương, trở về với tha nhân để đền bù tội lỗi. Thay vì giam hãm mình trong nơi khép kín, trong đố kỵ, trong nhỏ nhen, Chúa gọi chúng ta hãy đến với anh em để biết cảm thông, tha thứ, để biết san sẻ, chia sớt. Vì chỉ ai sống bác ái mới xứng đáng được Chúa ban ơn tha tội.

10/Trở về với Chúa là việc chúng ta phải làm mỗi ngày, đặc biệt là trong Mùa chay. Ước gì Mùa chay là dịp để chúng ta cầu xin ơn Chúa để thay đổi cách sống và cũng là thay đổi số phận cuộc đời mai sau của chúng ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con chừa bỏ nết xấu và làm việc đền tội cho cân xứng với những gì chúng con đã phạm. Amen.**R

 

Thứ sáu, 12/02/2016

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mattheu. (Mt 9,14-15)

Đề tài: HÃY VUI KHI CÒN CHÀNG RỂ

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

SUY NIỆM:

1/Theo quan niệm của người Á Đông thì hôn lễ là ngày đại hỷ, là ngày đặc biệt chứa chan niềm vui. Những vị khách mời là những người đến để chia vui và cũng là những người đến để góp phần tạo niềm vui cùng với cô dâu, chú rể. Vì thế nếu khách mời mà lại giữ chay trong ngày này thì không phù hợp tí nào.

2/Để trả lời các câu hỏi của ông Yoan: Tại sao các Môn Đệ của Thầy Giêsu lại không ăn chay ? Chúa Giêsu liền kết hợp giữa 2 hình ảnh ăn chay và tiệc cưới. Trong tiệc cưới, chàng rể là trung tâm, là động lực để khách dự tiệc đến trao cho nhau tình yêu chân thành, thân thiết và quý mến nhất với tâm tình tràn ngập niềm vui.

3/Qua cuộc sánh ví hôm nay, Chúa muốn chúng ta quy chiếu toàn thể cuộc sống của chúng ta về Người. Vui mừng vì được sống cùng Người, khi phải xa Người vì tội lỗi thì phải mau mau ăn năn sám hối để được gặp lại Người.

4/Hôm nay chúng ta đang sống đạo thế nào ? Đang gần gũi hay đang xa cách Chúa ? Nếu vì một lý do nào đó mà chàng rể bị đem đi khỏi tâm hồn tôi, thì việc ăn chay sám hối là phương thế duy nhất để tôi được quay lại với tình yêu của Ngài.

5/Nhân cuộc tranh luận về ăn chay, Chúa muốn bộc lộ bản thân và sứ mạng của Ngài cho mọi người cùng biết. Lý do là vào ngày này Môn Đệ của Yoan và đám Phariseu cùng ăn chay, nhưng Môn Đệ của Chúa thì không. Đây có lẽ là cử ăn chay một ngày trong mỗi tuần của họ, họ thấy Môn Đệ Chúa không ăn chay nên mới chất vấn Chúa.

6/Chúng ta thấy Chúa không trả lời cho họ theo kiểu bình thường mà trả lời bằng một ý nghĩa cao siêu hơn. Câu trả lời của Chúa hôm nay vừa là Dụ Ngôn vừa là ám ngôn khi Chúa đem câu chuyện tiệc cưới ra để so sánh.

7/Chúng ta biết tiệc cưới Do Thái thường kéo dài 1 tuần lễ, dĩ nhiên trong những ngày ấy thì khách mời không phải ăn chay. Chúa tự coi mình là chàng rể. Chúng ta nên biết rằng trong Cựu ước, Thiên Chúa so sánh mình là chàng rể và dân Israel là cô dâu. Như thế khi Chúa Giêsu tự nhận mình là hình ảnh mà Cựu ước vẫn dùng để nói về Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn mạc khải cho chúng ta biết, cũng như chính Ngài đã tuyên bố Ngài chính là Thiên Chúa đã đến ở giữa lòng loài người.

8/Chúa Giêsu đã trả lời bằng một cách so sánh rất xúc tích, có nghĩa là Ngài đã tự mạc khải mình về bản thân, về sứ mạng của Ngài. Chúa ngầm nói cho họ biết rằng: sao lại bắt các Môn Đệ của Tôi ăn chay giống như các anh, họ đang dự tiệc cưới mà, chính Tôi là chàng rể đây, chàng rể mà dân Israel trông chờ, bao lâu Tôi còn ở đây thì họ đâu cần phải ăn chay.

9/Các anh ăn chay là để trông chờ Đấng Messia, còn Môn Đệ của Tôi đã nhận ra Tôi là Đấng Messia. Vì vậy nếu họ cũng ăn chay để trông chờ đấng Mesisa như các anh thì thật là phi lý. Cũng như thực khách đang dự tiệc cưới mà lại phải ăn chay vậy. Chờ khi nào tôi bị giết, lúc đó họ ăn chay, than khóc cũng chưa muộn mà .

10/Chúa Giêsu không phủ nhận việc ăn chay, nhưng Chúa muốn nói cho người Phariseu biết: người mà họ đang trông chờ đã đến rồi, đó chính là Ngài. Đối với chúng ta hôm nay thì điều đó đã quá rõ, Chúa Giêsu chính là Đấng Messia, đấng thiên sai, đấng cứu thế. Ngài đến để hướng dẫn chúng ta đi vào thế giới của ân sủng, của lòng xót thương tha thứ tràn đầy.

11/Điều chúng ta cần nhớ là: Chúa vẫn chờ đợi chúng ta bước ra khỏi đám bùn nhơ tội lỗi, thoát khỏi những nết xấu ràng buộc bằng cách giúp chúng ta tỏ lòng sám hối chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã tự ví mình như chàng rể trong tiệc cưới, xin giúp chúng con biết quý trọng hy tế thánh lễ, để chúng con luôn dọn lòng rước Chúa vào lòng cho xứng đáng. Amen. **R

 

Thứ bảy, 13/02/2016

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 5,27-32)

Đề tài: CHÚA GIÊSU CHỈ ĐẾN VÌ NGƯỜI TỘI LỖI

27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! "28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. 29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? "31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."

SUY NIỆM

1/Mục đích Chúa Giêsu là bỏ trời để tìm cách cứu con người, Ngài luôn mời gọi chúng ta. Vậy nếu chúng ta muốn được hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta hãy tìm kiếm Chúa mỗi ngày.

2/Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ông Levi: “Hãy theo Tôi”. Ông đã đứng dậy, từ bỏ mọi sự đi theo ngay. Cách Chúa gọi và cách ông đáp trả quá đột ngột, cả hai cùng có tính cách quyết liệt.

3/Levi đã diễn tả niềm vui của ông bằng một bữa tiệc, trong đó ông mời hết bạn bè đồng nghiệp để chia tay và cũng để giới thiệu Đức Giêsu chọ họ.

4/Bữa tiệc này khiến cho đám Kinh Sư và Phariseu nóng mặt nên lẩm bẩm trách móc Chúa. Nhưng Chúa cho họ biết: Ngài là một lương y, chuyên chữa lành cho các bệnh nhân, Ngài đến đây không ngoài mục đích nào khác, Ngài đến để đón nhận kẻ tội lỗi, chữa lành họ, chứ không phải để lên án, để phán xét, để loại trừ họ.

5/ Trong mùa Chay Thiên Chúa muốn ngỏ lời mời gọi chúng ta, cũng là mùa để chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Chúa. Chúng ta hãy mau đến để lãnh nhận ơn chữa lành, ơn cứu độ.

6/Levi trong bài Tin Mừng chính là Thánh Mattheu, là một người thu thuế, là kẻ thù của người Do Thái. Người thu thuế có tội là lạm dụng quyền hạn để đánh thuế và thu nhiều hơn luật định, họ làm giàu cho chính mình cách bất chính .

7/Người thu thuế là người cộng tác với đế quốc để bóc lột đồng bào mình. Khi Chúa nhìn thấy Mattheu, Chúa nhìn ở khía cạnh khác, Chúa đã khám phá ra điểm tích cực nơi con người của ông chứ không nghi kỵ, không vơ đũa cả nắm. Chúa quăng một cái phao để cứu ông khỏi chết đuối, và đúng như lòng tin tưởng của Chúa, ông đã dứt khoát đứng dậy, từ bỏ chỗ ngồi hái ra tiền để đi theo Chúa.

8/Điều này chứng tỏ lương tâm ông vẫn còn rất bén nhạy, cho dù đang sống trong tội nhưng ông vẫn đem lòng trí lên tưởng nhớ đến Chúa và đợi cơ hội để quay trở lại. Hôm nay dịp may đã đến, ông không muốn trể hẹn vì bất cứ lý do gì, cho dù là quyền thế hay sự giàu sang phú quý. Ông đã chấp nhận đi theo một con người mà không hề nghĩ đến tương lai đời mình sẽ đi về đâu.

9/Với một cái nhìn quảng đại, một câu nói đánh động lương tâm. Chúa Giêsu đã có thể biến thù thành bạn, biến kẻ mánh mung gian dối thành Môn Đệ, biến một đôi tay chuyên dùng để đếm tiền, để bòn rút trong túi người dân lành, một khối óc mánh mung bất chính, trở thành một con người nhiệt tâm lo việc nhà Chúa và viết Tin Mừng.

10/Chẳng những Chúa có cái nhìn đối với cá nhân, mà Chúa còn có cái nhìn khoan dung với cả tập thể khi Chúa tiếp xúc và ngồi ăn uống với những người bị xã hội thời đó loại bỏ, khinh thường và coi họ như phường tội lỗi.

11/Trong bài Tin Mừng, Chúa biện minh một cách hết sức hợp lý cho hành động của mình khi ví mình như một y sĩ, một thầy thuốc tốt phải tìm đến bệnh nhân trước, điều cần làm nhất của một thầy thuốc là phải có cái nhìn tích cực về họ, phải tin tưởng người nào cũng có khía cạnh tốt, những đức tính hay, và ai dù tội lỗi thế nào cũng đều có thể hoán cải, ai dù thế nào cũng được Thiên Chúa yêu thương.

12/Chúa Giêsu luôn có cái nhìn cảm thông và tích cực với mọi người. Chúa luôn hòa đồng chứ không xa lánh ai, và luôn mong muốn đưa họ trở về với Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Chúa về điều này, đừng thành kiến, đừng phân cách, đừng chụp mũ, đừng kết án ai, cũng đừng đóng cửa rút cầu, hãy cho anh em mình một cơ hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một đôi mắt sáng, có đôi tai thính để con có thể nhìn thấy điểm tốt nơi anh em con, để con có thể nghe tiếng Chúa gọi vào bất cứ lúc nào, và có tấm lòng rộng mở để đón nhận mọi người dù họ có điểm khác biệt. Xin cho con luôn sống bằng tâm tình yêu thương của Chúa. Amen. **R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1337
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  2568
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11405384
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top