Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 6 Phục Sinh - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 6 Phục Sinh (02/05 -> 07/05/2016)

 

Thứ hai, 02/05/2016

Đề tài: NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO THẦY

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 15,26;16,1-4a)

26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.

1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

SUY NIỆM:

1/ Người làm chứng là người dám nói sự thật cho những kẻ chưa biết. Nếu muốn trở thành nhân chứng đáng tin cậy, người đó phải biết sự thật và chỉ nói lên sự thật.

2/ Đấng bảo trợ là Chúa Thánh Thần. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa nên Người đã biết rất rõ về Chúa Ki-tô là ngôi hai Thiên Chúa. Hơn nữa, Người là thần khí sự thật nên Người chỉ nói sự thật, Ngôi Ba chính là nhân chứng tuyệt hảo cho Đức Ki-tô.

3/ Các Tông Đồ ngày xưa cũng là những nhân chứng đáng tin, vì các ông đã sống cùng thời với Chúa Giêsu nên các ông chỉ nói sự thật về Người.

4/ Chúng ta hôm nay là những Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa Ki-tô. Cho dù chúng ta không được có diễm phúc sống cùng thời đại với Chúa để có thể tận mắt chứng kiến những việc Ngài làm, nhưng chúng ta có thể làm chứng về Chúa Giêsu nếu chúng ta sống yêu thương đúng như lời Ngài dạy bảo.

5/ Trước khi từ biệt các Môn Đệ để chịu chết, Chúa Giêsu đã căn dặn các ông: Thầy sẽ sai một Đấng bảo trợ đến từ nơi Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.

6/ Chúa cũng muốn các Tông Đồ làm chứng cho Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ  tác động để các Tông Đồ làm chứng về Chúa Giêsu.

7/ Điều này đã thật sự xảy ra vào ngày lễ ngũ tuần, các Tông Đồ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và kể từ đó cuộc đời của các ông đã thay đổi.

8/ Các ông thay đổi từ những con người hèn nhát, chậm hiểu, ham sống, sợ chết, cầu danh, tranh lợi. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian khổ , không thể làm thinh khi miệng mình muốn nói lên những điều mình đã biết, đã hiểu.

9/ Mọi thứ đe dọa ,bắt bớ, ngục tù không thể làm cho các ông tháo lui. Trái lại, hết mọi Tông Đồ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời mình rao giảng.

10/ Các ông đã sẵn sàng chết để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Ki-tô. Như vậy muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô, ai cũng phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và luôn dựa vào sự hướng dẫn và quyền năng của Chúa Thánh Thần.

11/ Các Tông Đồ đã hội đủ các điều kiện đó, các ông đã làm chứng cho Chúa Ki-tô.Còn chúng ta thì dựa vào lời chứng của các Tông Đồ để mà tin, rồi nhờ vào lòng tin đó, chúng ta đã làm chứng về Chúa Ki-tô, vì việc này là bổn phận của những ai tin vào Chúa.

12/ Đức Giáo Hoàng Paul 6 đã nói: Người Giáo dân, là bản chất của một chứng nhân, giáo dân sống đạo là chỉ để làm chứng.

13/ Chúng ta có thể làm chứng bằng nhiều cách:  Bằng lời nói dịu dàng, xây dựng, bằng cử chỉ, thái độ thân ái, bằng hành động chia sẻ, giúp đỡ. Tóm lại, chúng ta cần làm chứng bằng hành động bác ái yêu thương.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con luôn là một bằng chứng sống động về Đức Ki-tô Phục Sinh là dám thực thi những Lời Chúa phán dạy là hãy sống bác ái với mọi người ở khắp mọi nơi. Amen.

 

Thứ ba, 03/05/2016

Đề tài: TIN THIÊN CHÚA QUA NGƯỜI CON.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 14,6-14)

6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

SUY NIỆM:

1/ Một ông vua nọ ra lệnh cho bất cứ ai theo Chúa thì phải làm cho vua thấy được Chúa. Mọi người có đạo ai cũng lo sợ, thế nhưng một anh chăn chiên nói: “Vua cứ nhìn vào trời thì vua sẽ thấy Thiên Chúa”. Nhà vua nổi giận đùng đùng: “Ngươi muốn làm mù mắt ta hay sao?”. Anh ta đáp: “Chỉ mỗi một vật nhỏ do tay Chúa tạo dựng mà bệ hạ còn sợ chói mắt, thì làm sao bệ hạ có thể thấy Thiên Chúa được?”.

2/ Khoa học muốn chứng minh mọi thứ bằng việc thực nghiệm và quan sát, sau đó họ mới tin. Nhưng làm sao chúng ta có thể thấy Thiên Chúa vô hình? Chỉ còn cách nhìn vào các công trình Ngài tạo dựng để mà tin.

3/ Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Cha qua việc nhìn ngắm chân dung Chúa Giêsu. Sự kết hợp giữa Chúa Cha với Chúa Con quá cao siêu, tuyệt hảo, đến nỗi ta không thể hiểu điều đó bằng lý trí, cũng chẳng thể thấy bằng cặp mắt vật lý, cũng chẳng thể chứng minh bằng khoa học thực nghiệm.

4/ Chúa Giêsu dự biến mình thành người phàm để cứu độ con người. Chính Tin Mừng làm chứng cho lời nói và hành động của Chúa Ki-tô, vì thế khi chúng ta tin vào Tin Mừng thì con mắt đức tin sẽ mở ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Sau khi thấy Chúa Ki-tô, ta sẽ thấy Chúa Cha bởi vì: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, vì Ta và Cha là một”.

5/ Tất cả giá trị cứu chuộc của Chúa Giêsu hệ tại ở sự kết hợp giữa hai bản tính nơi Chúa Giêsu => Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người.

6/ Bản tính loài người của Ngài thì ai cũng thấy rõ nên không cần phải chứng minh.Nhưng bản tính Thiên Chúa thì lại vô hình, không thể xem thấy, nên cần phải được chứng minh thì mới có thể chấp nhận và tin được. Nhưng qua việc chiêm ngưỡng các phép lạ Chúa làm, chúng ta có thể chứng minh rằng: “Ngài là Thiên Chúa”.

7/ Nếu như lý trí và giác quan cũng chưa bảo đảm cho những việc chúng ta tin. Thì qua các phép lạ, cho dù có phi thường, cũng không thể bảo đảm để chứng minh điều gì cả, nếu người ta không thành thật nhìn nhận và không muốn tin.

8/ Đã bao lần người Do Thái, nhóm Phariseu đã yêu cầu Chúa làm phép lạ, để chứng minh con người và sứ mệnh của Ngài. Nhưng Chúa không muốn thỏa mãn những yêu cầu của họ, vì Chúa biết lòng họ không sẵn sàng để tin khi mà Chúa đã làm nhiều phép lạ rồi.

9/ Một ví dụ cụ thể: Hôm trước Chúa làm phép lạ hóa bánh cho năm nghìn người ăn no nê. Thế mà hôm sau khi nói về bí tích Thánh Thể, họ không tin và còn đòi xem phép lạ. Họ quá sổ sàng khi yêu cầu Chúa: “Ông làm dấu lạ gì để chúng tôi tin”.

10/ Đã có biết bao lần Chúa làm phép lạ: Trừ quỷ, chữa người bất toại, chữa người mù mắt, cho người điếc được nghe, người câm nói được, người chết sống lại. Thế mà họ đành lòng tuyên bố: “Ối dào, ông ấy lấy phép quỷ mà trừ quỷ”.

11/ Chúa làm bao nhiêu dấu lạ, nhưng cũng chẳng ích gì cho những kẻ cứng tin, thiếu thiện chí và không thành thật. Thời đại nào cũng có đầy những con người như thế, ví dụ như những phép lạ ở Lộ Đức, Fatima, nhưng cũng có khối người viết sách xuyên tạc Đức Mẹ. Như vậy các phép lạ, những việc phi thường, tự nó đâu có đưa lại đức tin cho ta, những phép lạ đó chẳng ích gì khi người ta thiếu thiện chí, thiếu sự thành thật. Đức Tin là ơn Chúa ban nhưng không, nhưng đòi hỏi chúng ta phải biết thành thật đón nhận, chúng ta cần cầu xin Chúa ban thêm đức tin để dù gặp hoàn cảnh nào chúng ta vẫn vững tin mà không cần phải nhìn thấy phép lạ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho con, để con có thể thấy Chúa trong bí tích, nơi các bệnh nhân, nơi các Linh Mục. Amen.

 

Thứ tư, 04/05/2016

Đề tài: KHI THẦN CHÂN LÝ ĐẾN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,12-15)

12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

SUY NIỆM:

1/ Mầu nhiệm về Đức Kito con Thiên Chúa làm người, đến với thế gian để cứu chuộc chúng ta, đã làm cho các Thánh giáo phụ, các nhà thần học hao hơi, tốn giấy mực để giải thích, diễn tả. Nhưng cho dù các ngài có cố đến đâu thì cũng chỉ giúp chúng ta hiểu được phần nào mà thôi.

2/ Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu Mầu nhiệm về Ngôi lời không phải bằng lý trí, bằng ngôn từ nhưng là bằng đức tin, bằng đời sống. Nghĩa là Ngài dẫn chúng ta đi trong mối tương quan với Ngôi lời, để ta thấy được ý nghĩa đầy đủ của ơn cứu độ.

3/ Đứng trước vấn đề chân thiện mỹ của Thiên Chúa, không dễ gì trí óc đơn sơ của chúng ta có thể hiểu ngay được. Một bản văn quá hay nhưng nếu chúng ta chỉ có trình độ tiểu học thì nó cũng sẽ trở nên vô giá trị. Là trí óc phàm nhân, chúng ta cần cố gắng trong sự nhận biết chân lý, đồng thời chúng ta cũng rất cần đến ơn soi trí mở lòng.

4/ Vai trò của Chúa Thánh Thần là luôn làm sáng tỏ chân lý, khai thông trí hiểu, mở rộng con tim chúng ta, giúp chúng ta vươn tới sự thật. Người đem lời Chúa áp dụng vào đời sống của chúng ta, đó cũng là cách Ngài chấp cánh cho chúng ta.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay trình bày về vai trò sư phạm của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta thấu hiểu, huấn luyện cho đức tin cảu chúng ta lớn lên, giúp chúng ta tin tưởng vào ơn phù trợ và soi sáng hướng dẫn chúng ta. Nhờ đó chúng ta có ý thức hơn và sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện và sống với ơn của Chúa Thánh Thần.

6/ Khả năng con người có giới hạn, chúng ta không thể thu nhận và hiểu biết hết thảy mọi điều Chúa dạy. Chúng ta là thụ tạo nên sẽ rất bất lực trước những thực tại thiêng liêng, điều này nhắc chúng ta phải luôn khiêm nhường trước mặt Chúa, cần Chúa dạy bảo, soi sáng để chúng ta có thể hiểu biết về Chúa và mọi sự thuộc về Chúa.

7/ Hiểu biết lời Chúa không phải chỉ bằng tri thức, kiến thức, bằng lý trí con người, mà còn bằng ơn soi sáng, chỉ dạy của Chúa Thánh Thần.

8/ Chúa Thánh Thần sẽ tôn vinh Chúa Giêsu bằng cách cho các Môn Đệ, nhận thức càng sâu xa hơn về sự nghiệp về thân thế của Chúa Giêsu. Đồng thời chúng ta cũng cần phải nổ lực làm cho nhiều người biết Chúa, đây là cách tốt nhất để chúng ta tôn vinh Chúa.

9/ Muốn hiểu về Mầu nhiệm Nhập thể và cứu độ của Chúa Giêsu, chúng ta không ngừng đào sâu nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

10/ Mọi chân lý của Thiên Chúa đều có ở nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu chỉ là phát ngôn viên và Chúa Thánh Thần là đấng phổ biến, giải thích cho chúng ta hiểu.

11/ Khi làm dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời chúng ta tuyên xưng những chân lý mà Chúa Con mạc khải về Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần là đấng giúp ta hiểu thấu những mạc khải của Chúa Con.

12/ Chúa Thánh Thần dạy ta bằng cách nào? Dạy ta qua các giáo lý viên, các Cha giáo Kinh Thánh, qua các Linh Mục, qua cha linh hướng, qua các đấng bề trên. Chúa hướng dẫn chúng ta đi tìm chân lý và giúp chúng ta uốn nắn lương tâm cho ngay thẳng. Ngài thông ban cho chúng ta tâm hồn thiện chí, nhằm giúp chúng ta đạt đến sự sống đời đời qua nhiều cách thế Mầu nhiệm của Ngài => Vì thế chúng ta có rất nhiều đường lối nên Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con tự thỏa mãn về những hiểu biết giáo lý ít ỏi của con, nhưng xin hãy giúp con luôn biết thao thức, tìm tòi, học hỏi và cảm nghiệm về Chúa nhiều hơn do ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt, thúc đẩy và soi sáng. Amen.----

 

Thứ năm, 05/05/2016

Đề tài: NỖI BUỒN HAY NIỀM VUI

Tin Mừng Chúa Giêu-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,16-20)

16 "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? "18 Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! "19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

SUY NIỆM

1/ Chúa Giêsu loan báo cho các Môn Đệ nỗi buồn chia ly khi Chúa bước vào cuộc tử nạn. Thế nhưng khi tới lúc Chúa Phục Sinh các ông sẽ nhận được một niềm vui tràn đầy, Đấng Phục Sinh đã biến đổi cuộc đời của các ông khiến cho các ông ngay cả lúc các ông chịu khổ vì Chúa, các ông cũng cảm thấy tràn ngập niềm vui.

2/ Hằng ngày chúng ta vẫn nhìn thấy có rất nhiều biến đổi dịu kỳ chung quanh chúng ta. Đó là hình ảnh những cái chết dẫn đến sự sống, một hạt bắp bị vùi vào lòng đất sẽ mọc lên thành cây bắp xanh mơn mởn, một que diêm khiến cho tia lửa lóe sáng, thanh củi chóng cháy tàn đi để nấu chín lương thực.

3/ Chúa Giêsu vui mừng khi nói đến cuộc khổ nạn. Chúa ra đi mà không vĩnh biệt, Chúa chết đi nhưng rồi sẽ Phục Sinh và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, sau đó các  Môn Đệ sẽ lại thấy Ngài, các ông không phải thấy bằng giác quan mà thấy bằng đức tin.

4/ Chúa cho các Tông Đồ biết: Cái chết và sự Phục Sinh của Người được gắn liền với những đau khổ và niềm vui của các Tông Đồ.

5/ Cuộc sống của con người nếu đem soi rọi vào trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kito, nó sẽ mang lại một ý nghĩa tuyệt vời, mặc cho biết bao đau khổ trong cuộc đời, sự sống vĩnh cửu của Chúa Kito vẫn trường tồn. Đây là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu mà loài người vẫn hằng mong đợi.

6/ Bài Tin Mừng Chúa Giêsu báo trước cho các Môn Đệ biết là Ngài sẽ trở lại. Chúa trở lại để biến sự buồn rầu thất vọng của các ông trở thành niềm vui, Chúa sẽ trở lại trong vinh quang, các Môn Đệ sẽ thấy Chúa không phải bằng con mắt nhưng là bằng đức tin.

7/ Cho tới lúc Chúa Giêsu sắp chết,  các Môn Đệ chưa hiểu được việc người ra đi chịu chết và sẽ trở lại trong vinh quang, nên lòng các ông đầy rối rắm và thắc mắc.

8/ Chúa Giêsu rất tế nhị, dễ cảm thông và thấu hiểu những tâm tư của con người, nên Chúa đã giải thích thật cụ thể: Chúa chết, các Môn Đệ khóc than vì Thầy mình chết, trước mắt các ông là mọi sự đã sụp đổ, như vậy thế gian sẽ vui mừng, đắc thắng.

9/ Nhưng nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm vui, vì Đức Giêsu tuy đã chết rồi nhưng 3 ngày sau đã sống lại. Sự sống lại của Chúa là niềm vui, sự phấn khởi cho các Môn Đệ.

10/  Nếu Chúa Giêsu tử nạn mà không Phục Sinh, thì quả thật là một điều tuyệt vọng cho các Môn Đệ. Nhưng chết rồi mà lại Phục Sinh thì đây lại là niềm hy vọng tràn trề.

11/ Thất bại là mẹ thành công. Ý tưởng này luôn giúp ta can đảm và nhẫn nại để có thể vượt thắng mọi đau khổ thất bại xảy ra trong cuộc đời làm người, làm con Chúa, làm Tông đồ cho Chúa.

12/ Một Kito hữu là một chi thể trong thân mình Mầu Nhiệm của Chúa Kito ở trần gian. Chúng ta phải sống đạo với cái nhìn đức tin, nhìn nhận cuộc sống của mình cũng phải trải qua những gian lao thử thách (bệnh hoạn, tật nguyền, thiếu thốn), bị bỏ vạ, bị bách hại. Hãy coi đây là khí cụ để lập công, để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời.

13/ Sống ở thế gian nếu bị mất mát những thứ thuộc về thế gian, thì chúng ta cảm thấy thua thiệt, khổ đau, nhưng nếu chúng ta can đảm đón nhận vì Chúa thì sẽ được sống đời đời. Từ ý nghĩa này, chúng ta có được nhận thức rằng: Có làm mới có ăn, có khó mới có thành công, có chết vì Chúa mới được sống lại với Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con vui chịu những mất mát của thế gian để có được những thứ vĩnh cửu trong nước Chúa. Amen.-----

 

Thứ sáu, 06/05/2016

Đề tài: AI SẼ VUI, AI SẼ BUỒN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,20-23a)

20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

SUY NIỆM:

1/ Nhiều người lo lắng khi người mẹ trẻ chuyển dạ, nhưng ai nấy đều vui mừng khi cô y tá thông báo một bé trai đã được sinh ra.

2/ Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đàn bà sinh con để diễn tả niềm vui của những ai theo Chúa. Đối với Chúa, đau khổ của con người là đau khổ trước khi sinh con và đau khổ trước lúc chết, nhưng khi sinh con rồi thì người đàn bà vui mừng, cũng như khi con người chết đi, nhờ cái chết đó mà con người được sống muôn thuở.

3/ Ở đây nỗi buồn của các Môn Đệ là sự vắng mặt Chúa khi Người ra đi chịu chết. Nhưng nỗi buồn đó sẽ được thay thế bằng việc các ông thấy Chúa Phục Sinh lên trời.

4/ Niềm vui này quá lớn nên các Môn Đệ chẳng còn có thể nhớ nỗi buồn trước đây. Cũng được ví như người mẹ cưu mang và sinh nở con cái.

5/ Cảnh biệt ly giữa kẻ sống và người chết là buồn thảm nhất. Nhất là giữa những người thân thiết nhiều gắn bó với nhau thì nỗi buồn ấy càng sâu kín và thấm thía hơn.

6/ Các Môn Đệ cũng mang tâm trạng này khi Chúa chịu tử nạn. Chẳng những các ông buồn phiền mà con lo âu sợ hãi, lo sợ cho tương lai của bản thân, của nhóm sau này sẽ đi về đâu, nỗi lo sợ này chỉ có lý trong phạm vi nhân loại, có vẻ như các ông rất khôn ngoan khi biết lo xa.

7/  Vì thế, Chúa Giêsu muốn trấn an các ông, khích lệ và chuẩn bị tinh thần. Chúa bảo các ông hãy cố gắng vượt qua tâm trạng buồn phiền này, cũng giống như tâm trạng của một bà mẹ trẻ trước khi sinh con thì lo âu đau khổ.

8/ Thế nhưng sau khi sinh con rồi thì chị ta sẽ quên đi mọi sự đau đớn. Và đổi lại bằng một tâm trạng hớn hở vui tươi vì vừa có một con người, một em bé đáng yêu sinh ra trong thế gian này bao lâu đứa con của chị còn sống.

9/ Cũng tương tự như vậy, khi Chúa chịu nạn chịu chết, các Môn Đệ buồn phiền, lo âu, thất vọng, nhưng sau đó ông lại vui mừng lớn lao khi được gặp Chúa sống lại. Sự vui mừng này khiến các ông quên hết những sự buồn phiền trước đó.

10/ Chúa Giêsu còn trấn an các ông: Sự vui mừng đó không ai cướp mất được vì kể từ đây Chúa không còn xa cách các ông nữa, Ngài sẽ ở cùng các ông qua Chúa Thánh Thần, qua Bí Tích Thánh Thể.

11/ Chắc chắn khi Chúa Giêsu về Trời thì Chúa Thánh Thần sẽ được sai xuống với các ông. Như thế niềm vui các ông mới được trọn vẹn, như vậy mầu nhiệm hiện xuống mới kiện toàn mầu nhiệm Phục Sinh, nhờ đó ơn cứu độ mới có kết quả.

12/ Mọi sự trên đời này dù tốt hay xấu cũng sẽ qua đi, cả cuộc sống cũng sẽ qua đi.Nhưng nó sẽ qua đi như thế nào? Nhưng cuộc sống hôm nay sẽ để lại dư âm gì? Cuộc đời hôm nay sẽ để lại gì cho cuộc đời mai sau, còn tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng.

13/ Tóm lại, moi sự sẽ qua đi, chỉ có những công phúc là tồn tại, và nó sẽ theo chúng ta về đời sau mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin  giúp cho con hiểu mọi thứ ở đời này đều chóng qua, kể cả đau khổ. Xin giúp con luôn biết hướng lòng về bên Chúa là niềm hạnh phúc đích thực. Amen /

 

Thứ bảy, 07/05/2016

Đề tài: CHÚA GIÊSU Ở CÙNG CHÚNG CON

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,23b-28)

23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. 25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ  hầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."

SUY NIỆM:

1/ Chúa Giêsu và các Môn đệ luôn gắn bó với nhau trong tình thầy trò thân thiết, như thầy ở trong trò và trò ở trong thầy.

2/Chính vì mối liên hệ mật thiết này, nên khi các Môn Đệ nhân danh Chúa Giêsu để xin gì cùng Chúa Cha thì Chúa Cha sẽ ban cho các ông.

3/ Qua bí tích rửa tội, nhất là qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu bằng bí tích Thánh Thể mà chúng ta trở thành thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu: Ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta.

4/ Nói như thế có nghĩa là Chúa Giêsu và chúng ta ở trong nhau, cả hai nên một với nhau. Vì thế nếu Chúa Giêsu xin với Chúa Cha điều gì, thì chúng ta cũng phải muốn và làm y như vậy.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa Giêsu như người cha hết lòng yêu thương con mình; nên trước khi đi xa, ông sẵn lòng đáp ứng mọi yêu cầu mà các con mình xin.

6/ Chúa Giêsu cũng đối xử như thế với các Môn Đệ của Chúa, trước khi Chúa từ biệt để ra đi chịu nạn, chịu chết. Chúa nhắc nhở các Môn Đệ: Hãy nhân danh Ngài mà xin Chúa Cha bất cứ điều gì, thì chắc chắn sẽ được Chúa Cha ban cho.

7/ Điều hôm nay chúng ta cần nhớ kỹ đó là: Chúa Giêsu bảo hãy nhân danh Ngài mà cầu xin, nhân danh Ngài là chấp nhận vào trò trung gian của Chúa Giêsu, nhân danh Ngài còn có nghĩa là hợp nhất với Ngài trong lời cầu xin. Như thế lời cầu xin của chúng ta sẽ nặng ký hơn, sẽ giá trị hơn và đáng được Thiên Chúa nhận lời.

8/ Đây là lý do đã được minh chứng rõ ràng khi chúng ta thấy rằng: Tất cả mọi lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa Cha, luôn được kết  hiệp bằng câu: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”, để nhắc nhở chúng con phải luôn cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Giêsu.

9/ Sau khi thúc dục các Môn Đệ cầu xin, Chúa Giêsu đã nói rõ cho họ biết: Ngài sẽ bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, nghĩa là Chúa sẽ về trời.

10/ Nhưng Chúa Giêsu bỏ thế gian, có phải là Chúa cũng bỏ chúng ta không? Vậy thì làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa nữa?

11/ Thưa không, Ngài vẫn ở lại với chúng ta một cách huyền nhiệm dưới nhiều hình thức. Chúa Giêsu ở lại với chúng ta qua các hoạt động của Chúa Thánh Thần, Ngài ở lại với chúng ta qua Kinh Thánh, qua các Bí Tích, Ngài luôn ở với chúng ta qua các lệnh truyền của Giáo Hội, qua các bề trên, Ngài ở lại với chúng ta qua các người anh em. Đúng như lời Chúa nói: “Điều gì các ngươi làm cho những kẻ bé mọn là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

12/ Chúa Giêsu về trời, Ngài chuyển qua cách hiện diện thiêng liêng hơn nhưng rất hiện thực, để giúp ta dễ dàng liên lạc, gặp gỡ Ngài.

13/ Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta bằng nhiều cách. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ Ngài, muốn hầu chuyện với Ngài, muốn lãnh nhận các ơn phúc của Ngài, chúng ta hãy thực hành những cách này: Siêng đọc Lời Chúa, thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và phải luôn sống bác ái yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa để Chúa luôn sống trong con và con luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1436
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1944
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11404760
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top