Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 7 Phục Sinh - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 7 Phục Sinh (09/05 -> 14/05/2016)

Thứ hai, 09/05/2016

Đề tài: THẦY ĐÃ CHIẾN THẮNG THẾ GIAN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,29-33)

29 Các môn đệ Người thưa: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến." 31 Đức Giê-su đáp: "Bây giờ anh em tin à? 32 Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi - anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian."

SUY NIỆM:

1/ Dân chúng chẳng những lắng nghe Chúa Giêsu nói, mà còn hành động theo lời Ngài. Đây cũng là lời mà Đức Hồng Y Gracias nói về Đức Thánh Cha Phanxico.

2/ Theo Chúa thì phải đối diện với gian nan khốn khó, phải bênh vực giúp đỡ người nghèo. Phải thực thi bác ái yêu thương, phải làm chứng cho Chúa bằng hành động, thật quá khốn khó vì phải luôn xét mình, chất vấn bản thân: “Tôi theo Chúa để làm gì? Được gì? Mất gì?”

3/  Thực tế đời sống cho thấy đa số chúng ta không dám đối diện với những câu hỏi này. Bởi chúng ta không muốn hy sinh, không muốn mình vất vả vì người khác, chúng ta ai cũng thích sống theo chủ nghĩa “Mackeno”.

4/ Tuy nhiên những khốn khó, những trở ngại trên đường đi => Chúng ta sẽ vượt qua được hết nếu chúng ta biết trông cậy, tín thác vào Chúa Giêsu. Vì chính Ngài đã thắng thế gian.

5/ Trước khi từ biệt các Môn Đệ yêu dấu để ra đi chịu nạn, chịu chết. Chúa muốn tâm sự với các Môn Đệ của mình, Chúa Giêsu báo trước cho các Môn Đệ biết: Các ông sẽ bỏ Chúa mà trốn chạy hết, nhưng Ngài không cô đơn đâu, rồi Chúa cũng báo trước rằng các ông sẽ phải chịu đau khổ. Vì thế Chúa khích lệ các ông: Hãy can đảm lên, hãy tin tưởng, vì Ngài đã thắng thế gian. Chúa cũng sẽ giúp các ông toàn thắng.

6/ Vậy thế gian mà Chúa đề câp ở đây là thế gian nào: a) Thứ nhất: Thế gian là vũ trụ trái đất: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian”. b) Thế gian là nhân loại, là loài người mà Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”,/ Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con một. c) Thế gian là những người khước từ, chối bỏ Chúa Giêsu: Đó là dân Do Thái mà cụ thể là Tư Tế, Phariseu và Kinh Sư. Đây chính là ý nghĩa chữ thế gian mà Chúa muốn đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay “Thầy đã thắng thế gian”.

7/ Chúng ta cần biết: Chúa không chối bỏ , Chúa không chạy trốn. Chúa có dư khả năng để làm những chuyện này, nhưng Chúa lại tự nguyện đón nhận cái chết.

8/ Chúa để cho họ bắt bớ, hành hạ, đánh đập và giết chết. Vì thế khi nhìn xem cuộc đời của Chúa và cái chết nhục nhã của Ngài giống như một thất bại. Nhưng trái lại, nó lại là một chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đúng như Lời Chúa đã xác định: “Thầy đã thắng thế gian”.

9/ Chúa đã thắng và chúng ta cũng sẽ chiến thắng nếu chúng ta vững tin vào Ngài.Niềm tin này như một sức mạnh bất khuất trước thế lực thế gian và ma quỷ.

10/ Cụ thể chúng ta nhìn các Thánh Tử Đạo  : trước mặt mọi người thì các Ngài giống như những người thua cuộc. Nhưng đối với những ai tin Chúa thì đây là một chiến thắng khải hoàn .

11/ Đối với các cơn cám dỗ cũng vậy, với sự cầu nguyện và trợ giúp của Chúa, chúng ta sẽ vượt qua, chúng ta cũng đã chiến thắng.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con vượt qua mọi khó khăn, xin giúp con đứng vững trước những cám dỗ của tiền tài danh vọng, sắc dục; để chứng tỏ niềm tin vào Chúa, xin giúp con tín thác vào Chúa luôn luôn. Amen.

 

Thứ ba, 10/05/2016

Đề tài: NGƯỜI CON LÀM SÁNG DANH CHA  MÌNH  

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 17,1-11a)

1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. 4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. 9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.

SUY NIỆM:

1/Càng có chút lòng yêu mến Chúa, người ta càng thấy có nhiều công việc lớn lao cần phải làm. Người ta càng ước ao có phương tiện, có quyền thế để làm; và kết quả sẽ làm cho Chúa được vinh danh nhanh chóng hơn. Thế nhưng nếu làm theo ý riêng của con thì chưa biết sẽ làm vinh danh ai ,làm sáng danh Chúa hay làm sáng danh con ?

2/ Chúa Giêsu có đủ quyền năng, có đủ phương tiện để thực thi ơn cứu độ theo ý mình. Thế nhưng Chúa Giêsu muốn làm theo ý Chúa Cha, mà ý Chúa Cha là người Con phải đi bằng con đường Thập Giá để tới được vinh quang, mà phải làm vinh danh Cha trước, sau đó Cha mới ban lại vinh quang cho người Con. Đó là trật tự của Thiên Chúa.

3/ Mỗi ngày chúng ta thường đọc Kinh Lạy Cha nhiều lần: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng”, nhưng sự thật là chúng con lại thích làm theo ý mình hơn là ý Chúa, chúng con thích làm theo tính toán nhỏ mọn của con hơn là sự quảng đại của Chúa.

4/ Như vậy chúng ta không làm cho sáng danh Chúa, mà là đang làm cho sáng danh cái tôi ích kỷ của mình.

5/ Làm theo ý Chúa là gì? Là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, tôn kính yêu mến  và biết ơn Ngài / nhận biết Đức Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng được sai đến, là Đấng cứu độ trần gian .

6/ Làm theo ý Chúa cũng có nghĩa là làm việc tông đồ cho Chúa, mà tông đồ cho Chúa có hai thứ bậc: a) Bậc giáo sĩ thì rao giảng lời Chúa và sống đúng như những gì Chúa dạy, sống đúng những gì mà mình đã rao giảng / b) Bậc giáo dân là làm con chiên , con chiên thì phải biết nghe tiếng chủ chăn, phải vâng lời chủ chăn, phải thực hành những lệnh truyền mà chủ chăn truyền dạy, bởi vì chủ chăn là Đấng đại diện thay quyền Chúa. Con chiên thì phải là con chiên ngoan đạo, phải yêu mến và vâng lời chủ chăn , và phải sống gương sáng để minh chứng mình là môn đệ của Chúa Ki-tô.

7/ Lời cầu nguyện của con người luôn mang ý nghĩa vụ lợi, chứ không có ý làm cho sáng danh Chúa. Hơn nữa với 7 tỷ người thì sẽ có rất nhiều lời cầu nguyện, thế nhưng Ngài sẽ làm gì với vô số lời cầu nguyện vụ lợi như vậy. Nếu Ngài làm thinh thì chúng ta cho rằng Ngài không nghe, còn nếu Ngài thực thi đúng lời cầu nguyện của mỗi người thì có lẽ thế gian này sẽ rất mất trật tự với vô số lời cầu nguyện vụ lợi như vậy.

8/ Chúng ta căn cứ vào Kinh Lạy Cha để cầu nguyện vì nó là khuôn mẫu. Chúa bảo chúng ta hãy cầu nguyện cho vinh danh Chúa trước, phần của ăn áo mặc thì Chúa bảo chúng ta đừng quá lo lắng, chỉ nên xin cho lương thực hằng ngày, đúng như khẩu phần Mana mà dân Do Thái có được khi ở trong hoang địa, họ không thể lấy dư để dành nếu không phải là ngày thứ sáu được lấy gấp đôi, để dành cho ngày Sabat.

9/Phần sau cùng của Kinh Lạy Cha, Chúa bảo chúng ta hãy tha thứ, hãy quảng đại, hãy thương yêu anh em đồng loại. Vì nếu không có ai ăn ở bất công, nếu không có ai tích trử của cải theo ý đồ ích kỷ của mình thì thế giới làm gì cho chiến tranh, dịch bệnh hay nghèo đói.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho mọi người biết Chúa, tin Chúa, tôn kính yêu mến Chúa / sau đó xin hãy ban những ơn cần thiết cho con và cho anh em con. Amen.

 

Thứ tư, 11/05/2016

Đề tài: CHỨNG NHÂN CỦA SỰ THẬT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 17,11b-19)

11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

SUY NIỆM:

1/Có một danh nhân nói rằng: Sự thật và sự giả dối chỉ cách nhau có một sợi tóc, nghĩ kỹ lại nó thật mong manh, mong manh không khác gì lương tâm của con người.

2/ Chúa Giêsu đã thương yêu các Môn Đệ, Ngài bày tỏ tình thương ấy cho Chúa Cha.Ngài cũng xin Chúa Cha thánh hiến họ, để họ có đủ sức để đối đầu với những dối trá của thế gian, và xin Chúa Cha gìn giữ họ để họ có thể đứng vững giữa thế gian vì họ không thuộc về thế gian.

3/ Thánh Yoan muốn nhấn mạnh đến vai trò của Ki-tô hữu là phải ra sức đón nhận sự thật. Chúng ta thuộc về Chúa nên luôn mang sự thật trong mình, nhờ đó chúng ta trở thành một tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần.

4/ Sự thật là dấu chỉ chúng ta đang thuộc về Thiên Chúa, còn dối trá biến ta thành con cái của ma quỷ. Như thế sự thật biến chúng ta thành con cái của Thiên Chúa.

5/ Bài Tin Mừng ghi lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện cho các Môn Đệ, và Chúa cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang nối bước theo các Ngài.

6/ Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ các Tông Đồ được hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương. Chúa Giêsu cũng xin Chúa Cha thánh hóa các ông trở thành những chứng nhân luôn luôn nhận ra mình chỉ là tôi tớ và chỉ biết trung thành phục vụ cho ông chủ của mình, như chính Chúa đã được thánh hiến khi đến trong thế gian.

7/ Chúa Giêsu cũng cầu xin cho các Tông Đồ luôn sống trung thành với sứ mạng để truyền bá Tin Mừng, và duy trì ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi đầu.

8/ Giờ đây khi nhìn qua lịch sử của Giáo Hội, chúng ta thấy những điều mà Chúa Giêsu cầu xin cho các Tông Đồ là cần thiết và quan trọng biết chừng nào. Các Tông Đồ cần sống trung thành với niềm tin mạnh mẽ vào Chúa, để các Tông Đồ thực hiện đầy đủ trọn vẹn sứ mệnh mà Chúa trao phó.

9/ Vì các Tông Đồ cũng là những con người, nên các Ngài cũng sẽ qua đi, cho nên các Ngài cũng cần phải trao lại sứ mạng cho những vị kế tiếp là các Giám Mục, và các Giám Mục lại truyền chức cho các Giám Mục khác để nối tiếp sứ vụ cho đến tận thế.

10/ Vì thế quyền lãnh đạo của các Giám Mục không do các nhà cầm quyền chỉ định,cũng không do dân chúng đề cử hay bầu bán, mà do Chúa Ki-tô qua trung gian các Tông Đồ chỉ định.

11/ Mỗi Giám Mục là một vị đứng đầu Giáo Hội trong một vùng. Một Giám Mục là một Giáo Hội mà chúng ta gọi là Giáo Phận. Giám Mục vừa lãnh đạo tinh thần vừa tiếp nối quyền năng Chúa Ki-tô để giao hòa các tín hữu với Thiên Chúa, và truyền thông cho họ đời sống tinh thần qua các Bí tích.

12/ Để hoàn thành một nhiệm vụ nặng nề này thì Giám Mục không thể làm hết được, nên một phần quyền hành của các Giám Mục được ủy nhiệm cho các Linh Mục. Nói chung, Linh Mục hành đạo là do sự ủy nhiệm của Giám Mục.

13/ Linh Mục nào thi hành nhiệm vụ cũng phải ý thức mình là Cha, là Thầy, là anh cả đối với Giáo dân. Nhưng mỗi Linh Mục phải luôn có 3 mối tình đó, thì sứ mạng Linh Mục của mình mới được thể hiện trọn vẹn và đem lại lợi ích tối đa cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Chúa cầu nguyện cho các Môn Đệ, xin Chúa nhắc chúng con luôn nhớ cầu nguyện cho các chủ chăn, để các Ngài thánh thiện hơn trong việc dẫn dắt chúng con. Amen.***

 

Thứ năm, 12/05/2016

Đề tài: CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN CHO GIÁO HỘI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 17,20-26)

20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. 24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."

SUY NIỆM:

1/ Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng: Sự hiệp nhất giữa các Môn Đệ ngày xưa hay là sự hiệp nhất của Giáo Hội hôm nay nói lên bằng chứng chúng ta là Môn Đệ của Chúa Giêsu, mà còn nói lên việc Chúa Cha sai Ngài đến thế gian, đây cũng là một trắc nghiệm thể hiện sự đáng tin của các Ki-tô hữu và của chính Đức Ki-tô.

2/ Hiệp nhất trong Chúa cũng có nghĩa là sự đoàn kết của những con người đang có Chúa ở cùng. Sự hiệp nhất với nhau khiến cho ma quỷ không làm gì được, bởi vì ở đâu có sự hiệp nhất yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa.

3/ Ở đâu có ma quỷ, ở đó có dối trá, ganh ghét, chia rẽ, đam mê. Những ai sống theo tính cách này đều là con của ma quỷ. Họ đang theo chúng, đang bị chúng khuất phục, họ đang tôn thờ thần dữ.

4/ Những con người có Thiên Chúa ở cùng thì họ luôn trưởng thành trong đức tin.Họ là những con người luôn chân thành tìm kiếm chân lý, sống theo chân thiện mỹ và cùng nhau thực thi bác ái yêu thương một cách vô vị lợi.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa cầu nguyện cho các Tông Đồ. Cũng ám chỉ đến Giáo hội và cho tất cả những ai tin Chúa hôm nay.

6/ Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Đoàn kết luôn luôn cần thiết trong mọi lĩnh vực. Đoàn kết thì sống mà chia rẽ thì chết; bó đũa không bẽ cả nắm những chỉ có thể bẽ từng chiếc. Điều này nói lên: “Hợp quần gây sức mạnh”.

7/ Ở đây Chúa muốn nhấn mạnh đến sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa con, tức là Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Cha và Con là một.

8/ Điều kiện để hiệp nhất: Điều kiện hiệp nhất là lòng yêu thương, nếu không có tình yêu thương thì con người sống với nhau như những đồ vật, khi không xài được nữa thì người ta sẵn sàng vứt bỏ.

9/ Nhìn vào gia đình, nếu tổ ấm không có tình yêu, nó sẽ trở thành tổ lạnh, tổ rét.Thậm chí có người còn nói đó là nhà tù, là hỏa ngục; ở nơi đó người ta hành hạ nhau đêm ngày. Ngược lại nếu có tình yêu thương là có tất cả, có an vui, bình an, hạnh phúc, hy sinh, tha thứ.

10/ Điều kiện thứ hai: Cộng tác với nhau. Đây cũng là điều kiện cho sự hiệp nhất, chúng ta quả quyết: Bá nhân, bá tánh, nhân vô thập toàn/ Con người chúng ta thật giới hạn, sức khỏe, tài năng, kiến thức đều có giới hạn, nhưng nếu biết gom góp lại những cái nho nhỏ vào với nhau, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.

11/ Không có ai có thể sống đơn độc, không ai có thể là một ốc đảo mà không cần đến người khác. Nếu chúng ta chỉ biết sống cho mình thì cuộc sống ấy chưa đúng với ý nghĩa chúng ta cần cộng tác với nhau để xây dựng, để tiến bộ.

12/ Hôm nay chúng ta hãy xét xem, gia đình chúng ta đang sống với nhau như thế nào? Tất cả các thành viên trong gia đình đều có rất nhiều cái chung, nhưng liệu chúng ta đã trở nên một như ý Chúa muốn chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đoàn kết yêu thương nhau, nhất là trong gia đình, trong Hội đoàn và trong Giáo xứ. Xin giúp chúng con biết đoàn kết yêu thương nhau. Amen.

 

Thứ sáu, 13/05/2016

Đề tài: TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MỤC TỬ

LỄ KÍNH ĐỨC MẸ FATIMA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 21,15-19)

15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."16 Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

SUY NIỆM:

1/ Một người học trò hỏi người Thầy của mình: Làm sao một người có thể làm bá chủ Thiên hạ? Vị thầy trả lời: “Khi người đó có được một trái tim biết yêu thương.

2/ Ngày trước, lúc ở vườn cây dầu. Ông Phê-rô đã rút gươm chém một người để tỏ lòng bênh vực Thầy mình, nhưng sau đó ông lại tỏ ra quá hèn nhát khi đã khiếp sợ đến nỗi đã chối bỏ Thầy mình.

3/ Chúa Giêsu đã quay lại nhìn ông bằng một cái nhìn trìu mến. Chúa cảm thông với con người yếu đuối, khiếp nhược của ông, làm cho tim ông vỡ òa trong niềm xót xa, ân hận. Nhờ vậy ông đã hiểu được trọn vẹn nghĩa hai chữ “yêu thương”.

4/ Hôm nay một lần nữa, dưới ánh sáng Phục Snh. Chúa Giêsu lại hỏi Phê-rô 3 lần cùng một câu, Phê-rô đã tỏ ra tấm lòng chí tình chí thiết đối với Thầy mình, ông đã cảm thấy buồn khi Thầy mình hỏi đến 3 lần. Thế nhưng ông đâu nhận ra rằng con người của mình vẫn còn rất nhiều cái bất toàn vì đã có lần ông suýt trốn chạy khỏi Thành Yerusalem khi phải đối đầu với bao khốn khó mới.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay coi như một bài học, đề cao Đức bác ái và tình yêu của người Mục tử đối với đàn chiên của mình.

6/ Chúa Giêsu đã hỏi ông Phê-rô về tình yêu của ông dành cho Ngài. Thì cả 3 lần ông đều khẳng định lòng ông yêu Chúa để bù lại cho 3 lần ông đã chối Chúa trước đây.

7/ Chỉ sau khi Phê-rô khẳng định lòng ông yêu Chúa, thì ông mới được Chúa đặt ông làm cai quản đoàn chiên của Ngài.

8/ Ở đây ý Chúa muốn cho biết: Điều kiện trước tiên để trở thành Mục tử của Ngài, đó là tình yêu Chúa. Chính tình yêu đó sẽ thúc đẩy người Mục tử đi tìm Chúa chứ không phải đi tìm mình trong khi thi hành nhiệm vụ.

9/ Chính tình yêu Chúa giúp ta trung thành với sứ mạng, cũng như người vợ hay người chồng đối với vợ hay chồng mình.

10/ Người Mục Tử vì yêu Chúa sẽ sẵn sàng làm mọi sự vì yêu Chúa, mà không do một động lực nào khác, nghĩa là khi yêu Chúa người Mục tử cũng chỉ quan tâm đến những công việc của Chúa; mà công việc cụ thể là chăn dắt đoàn chiên của Chúa, là đoàn chiên mà Chúa yêu thương chăm sóc và cứu vớt.

11/ Người Mục tử còn phải: sẵn sàng hy sinh tất cả sức lực, tài năng, thời giờ, tiền bạc, cả cuộc đời, cả mạng sống của mình vì đoàn chiên.

12/ Một Mục Tử gương mẫu đã chứng tỏ, đã thực hiện tình yêu thương trọn vẹn nơi đoàn chiên của mình. Một điển hình là Cha Maximiliano Kolbe, Ngài được phong Thánh vào ngày 10/10/1982.

13/ Nhiều người đã làm chứng khi nói rằng: “Tôi nghĩ không có cha mẹ nào yêu thương con cái hết tình như Cha M.Kolbe, có người còn nói: “Tôi yêu Ngài như yêu cha mẹ tôi”, và Ngài còn hơn thế nữa vì Ngài vừa là cha, vừa là mẹ đối với tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu Ngài và yêu mọi người, yêu như Chúa yêu, vì chính Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Amen.

 

Thứ bảy, 14/05/2016   

 Đề tài: MỘT TÌNH YÊU CAO CẢ

LỄ KÍNH THÁNH MATTHIAS TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 15, 9-17)

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. /  Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Tại sao chúng ta phải yêu thương nhau?: Vì cùng sống với nhau trong cuộc đời nên chúng ta phải yêu thương nhau. Nếu không thì xã hội luôn bất an và sự hận thù luôn chồng chất.

2/ Tiêu chuẩn nào hướng dẫn cách chúng ta sống?: Qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một mẫu gương để chúng ta sống noi theo đó là: “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con”.

3/ Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào?: Chúa vì yêu ta nên đã xuống thế làm người, chịu sinh ra nghèo hèn trong máng cỏ Bê-lem. Lớn lên khổ cực trong xưởng thợ ở Nazaret. Vì yêu chúng ta nên Chúa đã sống một cuộc đời cực nhọc vất vả, nghèo túng, khi đi giảng đạo thì sống vất vưởng rày đây mai đó, khi chết thì phải nhục nhã ê chề.

4/ Chúa diễn tả thế nào về cách Ngài thương ta? Chúa nói: “Không ai yêu hơn người dám liều mạng sống mình vì bạn hữu” Liệu chúng ta có dám hy sinh, có dám chết cho người mình thương mến hay không?

5/ Hãy nhìn vào một số gương sáng: Thánh Maximiliano Kolbe đã chết thay cho một người tử tù có vợ đông con. Thánh Đa miêng chết trong trại cùi vì muốn phục vụ cho các bệnh nhân cùi hủi.

6/ Lề luật của Chúa được tóm gọn trong 2 điều: Mến Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Chúng ta có thể minh chứng giới răn yêu thương bằng những việc làm nho nhỏ: Ánh mắt dịu hiền, nụ cười cảm thông, lời nói an ủi… Chúng ta sẽ trở nên môn đệ đích thực của Chúa và đây cũng chính là dấu chỉ để mọi người nhận ra.

7/ Định nghĩa chữ yêu là gì? Yêu không phải là chỉ quan hệ để thỏa mãn cho thân xác,yêu cũng không phải là quản lý chặt như nuôi chim trong lồng, cũng không phải yêu bằng cảm tính: Thích thì yêu, không thích thì không yêu! Nhưng yêu như Chúa yêu!

8/ Khuôn mẫu nào cho tình yêu?: Chúng ta không nên nhầm lẫn, không thể yêu lung tung, nhưng yêu phải có nguyên tắc, khuôn mẫu, đó là: Yêu như Chúa đã yêu.

9/ Cội nguồn của tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như thế. Tình yêu có nguồn cội từ Chúa Cha lan tỏa ra tới mọi người vì thế chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu.

10/ Tình yêu phổ quát và tình yêu vị kỷ: Tình yêu vị kỷ là tình yêu thường tình : yêu kẻ yêu mình và ghét kẻ ghét mình. Chỉ yêu những kẻ dễ yêu và ghét những kẻ dễ ghét, chỉ yêu một số bạn bè thân quen. Tình yêu phổ quát là tình yêu lan rộng tới mọi người, không phân biệt kẻ tốt, xấu, người lành dữ, bạn hay thù.

11/ Tình yêu lan tỏa: Chúa yêu tất cả mọi tạo vật, không phân biệt người lành kẻ dữ, người công chính hay kẻ gian ác, cây cối hay súc vật. Chúa yêu tất cả dù là tạo vật, cỏ cây hay chim chóc (Lc 12, 24-27).

12/ Thế nào là tình yêu hy sinh?: Vì yêu thương nên Chúa tạo nên con người, vì yêu nên Chúa nhận con người làm con và cho hưởng chung hạnh phúc. Cho dù con người có bội bạc chống lại Thiên Chúa nhưng Chúa vẫn lên kế hoạch để cứu con người khỏi phải chết.

13/ Tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt như thế nào?: Chính ở những điểm này mà chúng ta có thể nhận ra tình yêu vô cùng tha thiết của Thiên Chúa: Ngài không biết giận ghét loài người, không biết tự ái khi bị con người xúc phạm mà Ngài còn dám hy sinh Người Con Một để cứu chuộc chúng ta! Tóm lại, Thiên Chúa vì yêu nên đã hy sinh tất cả.

14/ Tình yêu tha thứ như thế nào?: Có yêu thương quảng đại mới tha thứ. Khi yêu thật sự thì người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói nhiều về tình yêu của Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Thiên Chúa đã yêu ta trước khi ta yêu Ngài, Thiên Chúa đã tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.

15/ Chúa Giêsu muốn chúng ta làm gì?: Chúa Giêsu muốn chúng ta noi theo gương tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử quảng đại với nhau như Chúa đã đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương không loại trừ ai, nhất là hãy yêu thương những kẻ bất hạnh, hãy tha thứ mọi lỗi lầm của kẻ khác, hãy chịu thiệt vì yêu. Khi tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa thì mới mong đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

16/ Một lời mời gọi tha thiết: “Hãy ở lại trong Thầy” Đây là câu nói Chúa dạy ta cách sống là hãy ở lại trong nhau. Nếu ai yêu Chúa thì phải tuân giữ các giới răn mà điều quan trọng là hãy yêu như Thầy đã yêu. Muốn ở lại trong Thầy thì cũng phải ở lại trong nhau, vì đây là sự hiệp thông trong tình yêu.

17/ Sự hiệp thông là gì? Cành nào muốn hiệp thông với thân cây thì cũng phải hiệp thông với những cành khác. Vì các cành đều được nuôi sống bằng một dòng nhựa do cây cung cấp nên các cành không thể sống tách biệt nhau.

18/ Thước đo của tình yêu : Chúng ta gắn bó với Chúa thì chúng ta cũng phải gắn bó với nhau, yêu anh em là thước để đo tình yêu của ta đối với Chúa. Chúng ta chỉ sống bằng một dòng nhựa luân chuyển : Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu thương anh em, vậy nên anh em cũng phải yêu thương nhau.

19/ Chết cho hay sống cho : Một dòng nhựa tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và lan tỏa ra khắp thế giới, đừng biến dòng tình yêu này thành một thứ tình yêu lao tù, ích kỷ. Thế giới hôm nay đang khao khát tình yêu đích thực, chúng ta phải yêu bằng thứ tình yêu đích thực. Tuy chúng ta không dám chết cho người khác như Cha Kolbe nhưng chúng ta không thiếu những dịp để sống cho người khác.

20/ hãy lợi dụng những cái chết nho nhỏ : Những cái chết nho nhỏ là những sự hy sinh nho nhỏ. Cái chết nhỏ như để chuẩn bị cho những cái chết lớn hơn. Cần nhất là đừng để trái tim bị chai cứng, nhưng hãy đến với Chúa để được Ngài tưới đẫm nguồn yêu thương.

21/ Tội lỗi bắt nguồn từ đâu : Mọi sự xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ sự thiếu tình yêu thương. Ở đâu thiếu tình yêu thương thì ở đó sẽ tràn ngập sự chia rẽ oán thù, người Ki-tô hữu nếu dám nói về tình yêu thì cũng phải dám thực thi tình yêu đối với tha nhân.

22/ Làm sao để khỏi bực tức người khác ? yêu thương người khác là điều quá khó, ta chỉ có thói quen yêu những người thân quen và ghét những kẻ ta có thành kiến xấu. Khi có điều bực tức với ai đó ta hãy nhớ lại mình cũng là con người yếu đuối, phạm đầy lỗi lầm có khi chúng ta thấy họ xấu hôm nay, nhưng mai kia nhờ ơn Chúa trợ giúp họ trở nên tốt mà ta đâu có biết. Chúng ta cũng tội lỗi không khác gì họ. Hãy cảm thông, tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho họ. Vì Chúa đang ở trong họ, Chúa cũng thương họ như chúng ta.

23/ Bài học từ Cha M.Kolbe : Thánh M.Kolbe đã tự nguyện chịu chết để cứu một người mà Ngài chẳng hề quen biết. Ông Francis chỉ là một con người vô tội có vợ con bị kết án tử hình bị chết thay cho một người tù nào đó mới vượt ngục.

24/ Trước khi chia tay Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ điều gì ? Chúa Giêsu chẳng để lại thứ tài sản nào quý giá mà Ngài chỉ gởi gắm lại một tâm sự , một lời trăn trối, một lệnh truyền : Anh em hãy yêu thương nhau.

25/ Mối bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu : Mối bận tâm lớn nhất chính là thực thi giới luật yêu thương, đây là dấu hiệu rõ nhất để mọi người nhận ra ai là những kẻ thuộc về Ngài qua lời căn dặn : Các con hãy yêu thương nhau

26/ Tấm căn cước cho các môn đệ của Chúa : Chúa Giêsu luôn cảnh giác các môn đệ về mối nguy đang rình rập các môn đệ do các ông thiếu tình yêu thương. Đây là một di chúc thiêng liêng tuyệt đối. Một tấm căn cước cho các ông chính là : Ai có lòng yêu thương thì đều bởi Thiên Chúa mà ra.

27/ Cách Chúa Giêsu yêu thương : Tình yêu của Chúa Giêsu không có hố sâu ngăn cách, cũng không có rào cản, nên mọi người dễ dàng gần gũi nhau hơn, tình yêu này chủ động đi bước trước : Cho tôi tớ trở thành bạn hữu, cho người xa lạ trở thành thân quen, cho  môn đệ trở thành cộng sự, cho tạo vật trở thành con Thiên Chúa.

28/ Tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho những kẻ thuộc về Ngài : Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống của mình vì bạn hữu. Chúng ta nhận ra tình yêu lớn nhất mà Chúa Giêsu để lại là Bí tích Thánh Thể và cũng là bảo chứng của tình yêu.

29/ Chúng ta cần đáp trả tình yêu Chúa như thế nào ? Khi chúng ta nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta cần đáp trả bằng cách sống trung tín với Chúa.

30/ Yêu như Chúa yêu là gì ?Là tình yêu không giới hạn, không kéo bè kết cánh, không chọn lực thành phần này để loại trừ thành phần khác. Phải biết đến với mọi người, tình yêu phải phá tan mọi rào cản, mọi mối oán thù.

31/ Yêu người như Chúa yêu : Phải biết nhận ra mọi khuôn mặt ta gặp gỡ đều là anh em, mà còn phải nhận ra khuôn mặt chính Đấng đã yêu chúng ta bằng một tình yêu mà khi nhìn vẻ bề ngoài là cuộc tử nạn phục sinh, nhưng khi nhìn kỹ bên trong thì lại là một niềm vui bất tận.

32/ Làm sao để thực hành luật yêu thương : Nói thì quá dễ nhưng khi thực hành thì quá khó. Khi đó chúng ta mới nhận ra sự quyết liệt của nó. Khi ta nghĩ đến tình yêu trong lĩnh vực gia đình, với biết bao va chạm gây sứt mẻ, hay khi nhìn vào phạm vi giáo xứ chúng ta thấy những va chạm lớn hơn, có thể đưa đến nguy cơ gây đổ vỡ chỉ vì tính ích kỷ, đầu óc hẹp hòi, suy nghĩ bị giới hạn, tầm nhìn phe cánh, rồi có khi vì quyền lợi quyền lực mà ta đành nhắm mắt làm liều.

33/ Chúng ta có thể tìm thấy tình thương cứu độ ở đâu ? lệnh truyền xem ra luôn là một trăn trở, một rào cản khó vượt qua chỉ vì chúng ta luôn muốn đối xử với nhau bằng hành động lang sói. Ngày nào con người không chịu tuân giữ lệnh truyền của Chúa Giêsu thì chúng ta cũng chẳng có thể có được niềm vui của ơn cứu độ. Chúng ta phải luôn sống quyết tâm, có như thế thì tình yêu thương mới có thể đến được với anh em chung quanh mình.****

 

TÂM SỰ BUỒN CỦA THÁNH MATTHIAS TÔNG ĐỒ

1/ Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giodan, Matthias đã có mặt nhưng không có ai chú ý đến ông. Chúa Giêsu cũng không để ý.

2/ Ông không mạnh dạn như Yoan và Anre (là hai Môn đệ của Yoan Tẩy giả),  đi tìm Chúa Giêsu để xin giải đáp .

3/ Ông không được Chúa tìm đến hỏi han như với Philiphê . Ông cũng không được ai tiến cử như Phê-rô và Nathanaen (Batolômê-ô), nhưng từ ngày Matthias biết Chúa, ông luôn đi theo Chúa cách âm thầm.

4/ Các Tông đồ đi đâu, ông đi theo đó, không dám đòi hỏi, không dám bon chen.

5/ Ngày Chúa chọn 12 Tông đồ, ông không được chọn, ông không thất vọng, ông vẫn cứ đi theo.

6/ Khi nào có đám đông đến nghe Chúa giảng thì chắc chắn ông có mặt ở đó. Nhưng khi các Môn đệ được chia sẻ tình thầy trò thì Matthias không được phép tham dự.

7/ Matthias là tín hữu hạng nhì. Một tín hữu vô danh, suốt đời đi theo Chúa, nghe Chúa, nhưng chưa lần nào được Chúa tỏ lòng yêu thương; theo như đánh giá của nhiều người thì cuộc sống của Matthias thật đáng thương hại.

8/ Trong 3 năm theo Chúa, ông chẳng xin cho mình một ân huệ nào, ông chỉ biết kiên trì đi theo.

9/ Ngày Chúa Giêsu nói ra điều chói tai, có biết bao người đã bỏ đi, ngoại trừ các tông đồ thân tín; ngoài ra còn một số ít vẫn đi theo Chúa, trong số đó có Matthias.

10/ Gia đình và bạn bè đã chê cười ông, cho rằng ông không thực tế /đã mù quáng đi theo một Người chẳng thèm màng đến mình, thật là phí cả tuổi xuân xanh, lại còn không biết đời mình đi về đâu. Ông không biện minh, chẳng cãi lại, chỉ một mực đi theo Chúa.

11/ Trong những lần Chúa Giêsu làm phép lạ, có lẽ Matthias là người ít được chứng kiến nhất, có khi ông không ngờ rằng đó là phép lạ vì ông đâu được ở gần như các Tông đồ để mà thấy.

12/ Ngày Chúa chết, có một số người đã thất vọng rời Yerusalem để trở về quê; như 2 Môn đệ ở làng Emmaus chẳng hạn, ngay trong nhóm 12 cũng có người bỏ cuộc, bỏ họp như Toma chẳng hạn , nhưng Matthias vẫn kiên trì ở lại.

13/ Sau ngày Chúa Yesu thăng thiên, có một nhóm người tề tựu lại, khoảng 120 người, Matthias cũng có ở đó. Thế rồi Phê-rô tuyên bố:

14/ “Chúng tôi cần một người đã cùng đi với chúng tôi trong suốt thời gian Chúa Giêsu ở cạnh chúng tôi, khởi đi từ lúc Yoan Tẩy Giả cho đến ngày Chúa Giêsu siêu thăng. Người đó sẽ thay thế cho Yuda Iscariot.”

15/ Lúc đó mọi người nhìn quanh tìm kiếm, và người ta chú ý đến một người quan trọng đó là ông Yuse Barsaba (biệt danh là Yusto), người ta biết ông này rất rõ.

16/ Phải chăng là để cho có sự công bình nên cộng đoàn cũng nhắc đến tên một người khác nữa, người này tên là Matthias. Thế thôi, chẳng ai biết thêm chút gì về ông ta nữa. Ông chỉ là một con người lu mờ, chỉ có một điều đáng lưu ý là ông đã theo Chúa cách kiên trì ngay từ thuở ban đầu.

17/ Và rồi giữa 2 người, Thiên Chúa đã chọn người mang tên Matthias, một con người rất tầm thường đó.

18/ Thế là kể từ đây, Matthias sẽ được nhắc đến, mọi người sẽ chú ý đến ông, mọi người sẽ biết ông từ đây. Như thế là: một đời âm thầm theo Chúa, rồi có lúc Thiên Chúa công bình trả lại công lao ,  trao cho ông hào quang chứ !

19/ Thưa các vị, nhưng sự thật không phải như thế. Matthias chỉ nổi danh có từng ấy thôi, rồi ông lại tiếp tục đi vào quên lãng, trong suốt cuốn Tông Đồ Công Vụ, Luca chỉ nhắc đến Phaolo, Yoan, Phê-rô. Luca còn dành hai chương cho tá viên Stephano, một chương cho tá viên Philip, còn Matthias thì không có lấy một chữ nào !

20/ Matthias chỉ có mỗi một nhiệm vụ, một chức năng: Đó là điền vào chỗ trống của Yuda để cho đủ con số 12, quan trọng là ở con số 12 chứ không quan trọng ở cái con người điền vào chỗ khuyết đó ! Thật đáng là buồn !

21/ Ngày Chúa còn ở trần gian thì Yuda nhận lãnh hết, cả về sự thân mật, an ủi, tín cẩn , Yuda nhận lãnh hết.

22/ Giờ đây khi cần một con người làm chứng, cần một con người chịu sỉ vả, chịu hạch sách, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức Giêsu / Thì Matthias được thế chỗ cho Yuda, Matthias là vị Tông đồ bạc bẽo nhất, một con người âm thầm nhất , một con người vô tích sự nhất , một con người phải đền tội thay cho Yuda.

23/ Sự lựa chọn của Thiên Chúa như là một mầu nhiệm: Trong 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu làm như không hề thấy Matthias, không chuẩn bị cho Matthias, không tạo niềm tin cho Mathias, để rồi khi Chúa về trời, Chúa lại chọn Matthias phải ra đi làm chứng cho Chúa .

24/ Chính vì những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa chọn để bêu rếu hạng khôn ngoan, những điều thế gian coi  là yếu đuối thì Thiên Chúa lại chọn  để bêu rếu hạng mạnh mẽ. Dù sao thì việc Chúa chọn Matthias cũng là một niềm an ủi và là một sứ điệp để nhắn gửi đến cho mỗi chúng ta.

25/ Khi Chúa chọn 12 Tông đồ, người đầu tiên Chúa chọn là Anre chứ không phải Phê-rô. Khi Hội Thánh khởi đầu hoạt động thì người đầu tiên Chúa chọn là Matthias chứ không phải là Phao-lô.

26/ Phaolo mở mang Nước Trời bằng lời rao giảng, bằng chứng tích vang dội. Còn Matthias chỉ làm một điều là sống Tin Mừng, Matthias chỉ có một chứng tích độc nhất là lòng trung kiên, Matthias chỉ có một cuộc hành trình duy nhất là theo Chúa suốt đời, Matthias chỉ để lại vỏn vẹn một lời rao giảng đó là “Cuộc đời tận hiến cho Chúa”.

27/ Matthias là vị tông đồ "giờ thứ 11" . Ông xuất hiện khi mọi việc hầu như đã hoàn tất, giờ mà hình như không còn việc gì để làm nữa ngoại trừ tổng kết công việc , thì Chúa lại chọn Matthias.

28/ Matthias đã được đặt đồng hàng với những người đi trước, không phải ông được đồng hàng với hư danh Tông đồ, nhưng là đồng hàng dưới con mắt nhân lành của Thiên Chúa. Như thế:   Kẻ cuối hết sẽ trở nên đầu hết (Mt 20,16)

29/ Những Phê-rô, Anre, Phaolo đã chia tay trần thế, đã lìa đời khi thế kỷ thứ nhất chưa hết, nhưng những Matthias sẽ sống mãi cho đến ngày Chúa Ki-tô trở lại. Hơn hai ngàn năm qua, những Matthias đã tủa đi khắp thế giới, len lỏi vào trong lòng của xã hội, từ công sở đến học đường, từ chợ búa đến các nhà tù. Họ như men trong thúng bột . Matthias là vị tông đồ âm thầm /

30/ Trong đời sống Ki-tô hữu, biết bao lần chúng ta thấy mình như những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ bước đi mà không làm được gì nhiều. Chúng ta như những lữ khách trong đêm đen, từ ngày này qua tháng khác, được ở gần Chúa nhưng không cảm được những dịu ngọt của Người, và phần nào chúng ta cũng mang tâm lý như Matthias, chúng ta cũng có cảm giác như Thiên Chúa chẳng hề để ý đến chúng ta  .

31/ Chúng ta cũng ước ao được lựa chọn, được sai đi một cách cụ thể, rõ ràng. Và qua Matthias, chúng ta hiểu được rằng: Mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng trước mặt Thiên Chúa, vì Ngài không xét đoán ai theo tài năng hay công trạng, nhưng chỉ xét theo tình yêu mà mỗi người dành cho Ngài . Điều duy nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi ở mỗi người chúng ta, đó là hãy vào làm vườn nho của Người và ai cũng chỉ lãnh một đồng /

32/ Matthias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Hội Thánh. Matthias đã thay thế Yuda, trong trường hợp mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: không thể nào có người thay thế được Yuda , bởi vì Đức Ki-tô đã chết, đã ra đi, những kẻ có ác ý thì đang chờ cho ảnh hưởng của Đức Ki-tô phai nhạt đi, và mọi sự sẽ đi vào quên lãng giống như những kẻ đã từng nổi loạn trước kia .

33/ Trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện , một tên Thêu-đa nào đó đã nỗi loạn lên, đã xưng mình là một nhân vật nào đó, đã kết nạp được khoảng 400 người, sau đó ông ta bị giết và mọi kẻ theo ông ta cũng tan rã không còn gì hết . Sau đó lại có một ông Yuda người Galile nổi lên, nhưng ông này cũng bị giết chết  và phe cánh của ông ta cũng bị tan rã (Cv 5,36-37)

34/ Thế nhưng khi Đức Giêsu Nazaret bị tử hình Thập Giá thì nhóm 12 vẫn có đủ. Có một người thay thế Yuda Iscariot đó là Matthias và câu chuyện về Matthias vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, trải qua hơn 20 thế kỷ.

35/ Những Ki-tô hữu, những Thừa Tác Viên hôm nay vẫn tiếp tục đi theo dấu vết của Matthias để lại. Chúng ta cũng đang âm thầm làm chứng cho Chúa trên mọi nẻo đường, chúng ta cũng là những Tông đồ của giờ thứ 11. Xét ra chúng ta chẳng có công trạng gì khi cuối đời mới bước vào làm vườn nho của Chúa. Thế nhưng Chúa đâu có xét theo công trạng của mỗi người chúng ta, mà Chúa chỉ đối xử với chúng ta chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta thôi . Chúng ta hãy làm hết sức mình để đáp lại tình yêu thương lớn lao của Ngài.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1483
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  5660
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11423494
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top