Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Giới thiệu về Đường lối hoạt động của Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH
CHÂN LÝ – 2002

Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh (tên gọi mới của Dòng Ba Ða Minh) là một hiệp hội được xác định theo điều 303 của Giáo Luật. Họ là những giáo dân khát khao sống thánh và làm việc tông đồ giữa trần thế, theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng Ða Minh, được các tu sĩ của Dòng hoặc các vị linh hướng thay mặt Dòng hướng dẫn.
Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh có nguồn gốc xa xưa từ thế kỷ XIII. Lúc bấy giờ ở miền nam nước Pháp xuất hiện nhóm lạc giáo Cathares lôi cuốn nhiều người từ bỏ đức tin chân chính của mình. Trong khi lãnh sứ mạng hoán cải họ, Thánh Ða Minh nhận thấy nhu cầu bức thiết là cần có trong Giáo hội những người giảng thuyết để truyền bá và bảo vệ đức tin. Ngài đã xin Tòa Thánh cho thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Ordo Fratrum Praedicatorum), gồm các tu sĩ linh mục chuyên giảng thuyết. Dần dà, các giáo dân cũng cảm thấy được thu hút do các công việc tông đồ và gương sáng của các ngài và muốn được tham gia hoặc cộng tác với họ theo bậc sống mình. Từ đó Dòng Ba được hình thành đáp ứng khát vọng của những anh chị em giáo dân muốn tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng qua mối giây linh hướng và thích ứng linh đạo Ða Minh vào bậc sống mình.
Tại Việt Nam trong số 118 các thánh tử đạo, cũng có sự góp mặt của 16 vị trong huynh đoàn Đa Minh, gồm 7 giáo dân, 6 thầy giảng và 3 linh mục triều. Ngoài ra còn có rất nhiều cán bộ tông đồ truyền giáo.
Theo niên giám tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam, Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh phát triển mạnh mẽ trên ba miền đất nước. Tổng số hội viên cuối năm 2015 là 113.317, thuộc 140 liên huynh và 1.268 huynh đoàn, trong 16 giáo phận là :
Ban Mê Thuột, Bà Rịa, Bắc Ninh, Bùi Chu, Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng, Hưng Hóa, Long Xuyên, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Cường, Sài Gòn, Thái Bình, Vĩnh Long, và Xuân Lộc.  **R
--------------------------------------------------------------
 
LỜI GIỚI THIỆU
 
Kính thưa quí cha và quí tu sĩ nam nữ,
Trong Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập đến ơn gọi ngôn sứ của người giáo dân như sau : “Theo Công Ðồng Vatican II, ơn gọi của người giáo dân đặt họ vững chắc trong thế giới để họ thực hành những công tác đa dạng nhất. Ở đó, họ được mời gọi loan truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Do ân sủng và tiếng goị của Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, tất cả giáo dân phải là thừa sai ; môi trường hoạt động tông đồ của họ là thế giới mênh mông và phức tạp, gồm có chính trị và kinh tế, kỹ nghệ và giáo dục, truyền thông, khoa học kỹ thuật và thể thao. Trong nhiều xứ tại Á châu, người giáo dân phục vụ như những nhà truyền giáo thực thụ, tiếp xúc những người bạn Á châu, những người có lẽ chưa bao giờ gặp được hàng giáo sĩ và tu sĩ …
Vì thế, các vị chủ chăn cần huấn luyện người giáo dân trở những nên người rao giảng Tin mừng, có khả năng thích ứng với thế giới ngày nay, không phải với hiệu năng thế gian, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được tăng cường bằng chân lý Chúa Kitô. Khi làm chứng cho Tin mừng trong mọi lãnh vực của xã hội, người giáo dân có thể đóng vai trò duy nhất trong việc loại trừ tận gốc sự bất công và áp bức nếu được huấn luyện đầy đủ” (TH Giáo Hội tại Á Châu, số 45).
Là chủ chăn coi sóc đoàn chiên Chúa hay tu sĩ được sai đi làm việc tông đồ, với tấm lòng thao thức thăng tiến ơn gọi người giáo dân, giúp họ sống thánh giữa đời và làm việc tông đồ, hẳn ai nấy đều cảm thấy nhu cầu cần huấn luyện cho anh chị em giáo dân để họ cộng tác với mình trong việc mở mang nước Chúa không phải ở đâu xa lạ, mà ngay trên quê hương Việt Nam và ngay tại Giáo Hội địa phương mình.
 
Chúng con xin trân trọng giới thiệu đến quí cha và quí tu sĩ nam nữ tập tài liệu :
“Giới Thiệu Tổng Quát Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh”, để tham khảo.
Thiết tuởng, đây là một trong những tổ chức có thể đáp ứng được đường hướng thăng tiến ơn gọi người giáo dân trong hiện tại của Giáo Hội và nỗi thao thức của quí vị trong việc huấn luyện giáo dân. Ước mong rằng, sau khi nắm bắt được những nét đại cuơng của tổ chức này, quý cha và quý tu sĩ nam nữ sẽ thương gầy dựng và hướng dẫn những giáo dân đang có khát vọng sống đời sống Kitô hữu hoàn hảo và thiết tha việc tông đồ, tham gia vào Huynh đoàn giáo dân Ða Minh.
Mặc dầu trong thực tế có các huynh đoàn còn rất nhiều hạn chế cần phải chấn chỉnh, nhưng chúng con hy vọng khi thấy được mục đích chính yếu của huynh đoàn, quí cha và quí tu sĩ sẽ góp phần với chúng con giúp họ đi đúng đường lối để cùng góp phần tích cực với Giáo hội trong việc mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người trong thiên niên kỷ này.
Ngoài ra trong phần phụ lục, chúng con xin giới thiệu cùng quý vị bài viết về vai trò người giáo dân Ða Minh trong giáo xứ để quí vị giúp họ sống đúng chức năng của một người giáo dân và một người giáo dân Ða Minh; đó cũng là ước muốn của Giáo hội và của Dòng như là một sự tái khẳng định sự đóng góp quan trọng của nguời giáo dân trong việc loan báo Tin mừng Tình Thương của Thiên Chúa.**R
Xin chân thành cảm tạ.
BAN HUẤN LUYỆN
 
--------------------------------------
Bài 01 :
NGƯỜI GIÁO DÂN VÀ ƠN GỌI DÒNG BA TRONG GIÁO HỘI
 
I. Sự tham gia của các tín hữu vào linh đạo dòng tu**
Trong lịch sử Giáo Hội, các Dòng tu thường tỏa ra một sự thu hút. Vì sự thu hút ấy, nhiều giáo sĩ và giáo dân muốn được chia sẻ tinh thần và cộng tác vào hoạt động của các hội Dòng. Từ đó phát sinh ra các hội : Hiến sĩ (oblates), Dòng Ba (tertiaries), Tán trợ (aggregates), Liên kết (affiliates) với tính cách hoặc như một đoàn hội có tổ chức riêng nhưng lệ thuộc vào gia đình Dòng mẹ, hoặc như những đoàn hội riêng biệt. Nhiều Dòng tu có hội Dòng ba giữa đời, một số khác có Hiệp hội riêng, một số khác nữa có các phần tử liên kết với Dòng bằng những điều tương tự như những qui định của các Tu hội đời (GL số 725).
Hiện tượng trên còn lan rộng hơn nữa trong bầu khí canh tân của Giáo hội, của các Dòng tu, và cũng nhờ men hứng khởi đời sống thiêng liêng và tông đồ của người giáo dân. Nhiều tín hữu muốn tham dự vào đời sống và sứ vụ tông đồ của các Dòng tu và muốn trở thành phần tử của Dòng ở một mức độ nào đó. Các mối liên kết của họ với Dòng rất thoáng, đôi khi họ muốn thực hiện những lời khấn hay những mối liên kết nhưng chỉ kèm theo trách vụ tương đối nhẹ nhàng, hoặc sẵn sàng cống hiến một phần hoạt động của mình nhưng không chấp nhận những ràng buộc của đời sống chung hay một số nghĩa vụ nào đó. Chung quy họ khát khao thể hiện việc nên thánh theo linh đạo của Dòng tu trong bậc sống mình.
Các Dòng tu nhận ra hiện tượng này như một dấu chỉ thời đại và nghĩ đến việc mở cửa để đón nhận các phần tử ấy. Càng ngày họ càng hiện diện tích cực hơn giữa thế giới hôm nay, khuếch trương lãnh vực hoạt động và làm thấm nhuần sức sống nơi các tín hữu có khát mong nên trọn lành.
 
II. DÒNG BA
Các Dòng ba trước kia vốn là đặc ân của các Dòng tu cổ đại, tương đương như các hiệp hội riêng của một Dòng tu sống đời tận hiến và vẫn còn được phép hoạt động cho tới ngày nay. Giáo luật số 303 minh định : “Các Dòng Ba hay những tên tương tự là những hiệp hội, trong đó các phần tử sống đời tông đồ với mục đích tiến tới việc nên hoàn thiện qua việc thông phần đặc sủng của Dòng nhưng vẫn sống ở giữa trần gian, dưới sự hướng dẫn của chính Dòng đó”.
Các Dòng Ba của các Hội Dòng có thể có những mục tiêu khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần cố gắng sống đời hoàn thiện hơn, cổ động việc phụng vụ công cộng, quảng bá đạo lý Kitô giáo, thực hiện việc tông đồ và bác ái, làm thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng mình.
Các phần tử Dòng Ba quây quần bên một Hội Dòng để sống một cuộc sống Kitô giáo hoàn thiện hơn bằng việc cam kết thực hành các giáo huấn Phúc âm theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng để trở thành những cộng sự viên của Dòng giữa trần gian.
Theo Giáo luật cũ (các số 686, §3 và 702 §1) cũng như Giáo luật hiện hành (các số. 301 §1; 312 §1 và các điều khoản khác), ghi nhận: Dòng ba của các Dòng tu – với sự tôn trọng các đặc ân đã được ban cấp – phải được qui định trong hiến pháp và phải được chấp thuận qua văn bản phê chuẩn hiến pháp bởi các vị có thẩm quyền hợp lệ.
Các Dòng tu phải chăm sóc đặc biệt đến Dòng ba và cố liệu sao cho các đoàn viên sống đúng tinh thần của gia đình Dòng (GL số 677 §2).
Các phần tử Dòng ba phải cộng tác vào các công việc tông đồ trong Giáo phận, làm việc dưới sự lãnh đạo của Ðức Giám mục và hợp tác với các tổ chức khác của Giáo phận (GL số 311). Giáo Luật số 328 cũng đề nghị tương tự, nhằm ngăn ngừa các Hiệp hội hoạt động riêng lẻ trong Giáo phận.
 
III. DÒNG BA ÐA MINH HIỆN NAY ÐỐI VỚI DÒNG
Ðối với Dòng Ða Minh, từ Tổng hội River Forest (1968), danh hiệu Dòng ba không còn nữa và được thay thế bằng Huynh đoàn giáo dân Ða Minh. Ðiều đó phản ánh khuôn mặt mới của “người gíao dân Ða Minh” theo tinh thần của Công đồng Vatican II. Họ họp thành những cộng đoàn huynh đệ cùng với các ngành của Dòng Ða Minh làm nên một gia đình duy nhất. Các ngành của Dòng gồm có: các tu sĩ linh mục và tu huynh, các nữ đan sĩ, các nữ tu, hội viên các tu hội đời, hội viên huynh đoàn giáo sĩ và huynh đoàn giáo dân. Tất cả làm thành Gia đình Ða Minh để cùng tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng phục vụ Giáo Hội một cách đa dạng và mang lại nhiều hiệu quả hơn.**R
 
 
Bài 02 :
VỀ HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH
 
I. KHÁI NIỆM
Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh (tên gọi mới của Dòng Ba Ða Minh) là một hiệp hội được xác định theo điều 303 của Giáo Luật như đã đề cập ở bài trên. Họ là những giáo dân khát khao nên thánh và làm việc tông đồ giữa trần thế, theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng Ða Minh, được các tu sĩ của Dòng hoặc các vị linh hướng thay mặt Dòng hướng dẫn.
 
II. NGUỒN GỐC
Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh có nguồn gốc xa xưa từ thế kỷ XIII. Lúc bấy giờ ở miền nam nước Pháp xuất hiện nhóm lạc giáo Cathares lôi cuốn nhiều người từ bỏ đức tin chân chính của mình. Trong khi lãnh sứ mạng hoán cải họ, Thánh Ða Minh nhận thấy nhu cầu bức thiết là cần có trong Giáo hội những người giảng thuyết để truyền bá và bảo vệ đức tin. Ngài đã xin Tòa Thánh cho thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Ordo Fratrum Praedicatorum), gồm các tu sĩ linh mục chuyên giảng thuyết. Dần dà, các giáo dân cũng cảm thấy được thu hút do các công việc tông đồ và gương sáng của các ngài và muốn được tham gia hoặc cộng tác với họ theo bậc sống mình. Từ đó Dòng Ba được hình thành đáp ứng khát vọng của những anh chị em giáo dân muốn tham gia vào sứ vụ tông dồ của Dòng qua mối giây linh hướng và thích ứng linh đạo Ða Minh vào bậc sống mình.
 
III. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Lúc đầu, mối dây liên hệ này chưa có tính cách pháp lý mà chỉ là do lòng mộ mến đạo đức của các giáo dân cư ngụ chung quanh tu viện. Nhưng từ năm 1285, khi cha Bề trên Tổng quyền Monio de Zamora soạn thảo và công bố bản luật “Dòng Ba Ða Minh hãm mình” qui định những điều luật cơ bản để đón nhận các giáo dân gia nhập Dòng, hoạt động của họ trở nên có tổ chức và ngày càng lan rộng hơn. Qua nhiều Tổng hội, luật đó được hoàn chỉnh và ngày nay trở thành “Luật Sống Huynh Ðoàn Giáo Dân Ða Minh” do Thánh Bộ Tu sĩ và Tu hội đời phê chuẩn ngày 15.01.1987.
Qua lời tuyên hứa tuân giữ Luật sống Huynh đoàn, người giáo dân Ða Minh trở thành phần tử thực thụ của Dòng Thuyết Giáo, được hiệp thông những ân huệ thiêng liêng của Dòng, được chia sẻ sứ vụ tông đồ, và nhất là tham dự vào đoàn sủng của Dòng ở bậc giáo dân. Ðặc tính thông thoáng của Luật sống Huynh đoàn là gây ý thức và mời gọi các phần tử chu toàn nghĩa vụ của mình không phải như tôi tớ mang ách lề luật, nhưng như con cái được sủng ái. Vì vậy, những điều lỗi kỷ luật tự nó không thành tội (Tuyên cáo chung của Luật Chung 1987).
 
IV. HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH NGÀY NAY
Thánh Công đồng Vatican II đã làm rõ nét địa vị và phẩm giá của người giáo dân trong thành phần Dân Chúa. Qua bí tích rửa tội, người giáo dân được tháp nhập vào chức vụ của Chúa Kitô ,được tham gia vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Ngài. Bởi đó, người giáo dân có bổn phận tham gia vào sứ vụ căn bản của Giáo Hội là loan báo Tin mừng. Chính đặc tính truyền giáo và loan báo Tin mừng này đang làm cho kế hoạch tông đồ của thánh Ða Minh khi lập Dòng trở thành sứ vụ tông đồ hiện tại và mãi mãi về sau. Toàn thể gia đình Ða Minh trong đó có huynh đoàn giáo dân ,có nhiệm vụ thực hiện sứ vụ đó giữa lòng thế giới hôm nay.
Chính nơi huynh đoàn Ða Minh mà người giáo dân sống thánh giữa đời và thánh hóa trần gian bằng chứng tá tập thể ngay tại địa phương nhất là môi trường giáo xứ.
Nhìn về quá khứ và lần theo chiều dài lịch sử, Huynh đoàn có bề dày truyền thống, có gia sản thiêng liêng và kinh nghiệm tông đồ thật phong phú. Huynh đoàn đã đóng góp cho Giáo hội nhiều vị thánh như Catharina Sienna, Louis Maria Grignion de Montfort, Rosa Lima, Maria Ghattas… Trong thế kỷ XX cũng có các chân phước Bartolomeo Longo (1841-1926) và Phêrô Giorgio Frassati (1901-1925).
Tại Việt Nam trong số 118 các thánh tử đạo, cũng có sự góp mặt của 16 vị huynh đoàn Đa Minh, gồm 7 giáo dân, 6 thầy giảng và 3 linh mục triều. Ngoài ra còn có rất nhiều các cán bộ tông đồ truyền giáo.
Theo niên giám tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam, Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh phát triển mạnh mẽ trên ba miền đất nước. Tổng số hội viên cuối năm 2015 là 113.299, thuộc 140 liên huynh và 1.268 huynh đoàn, trong 17 giáo phận là :
 
Ban Mê Thuột, Bà Rịa, Bắc Ninh, Bùi Chu, Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng, Hưng Hóa, Long Xuyên, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Cường, Sài Gòn, Thái Bình, Xuân Lộc và Vĩnh Long.
 
Sở dĩ có sự tiến triển này là nhờ sự quan tâm đặc biệt của các Ðấng Bản quyền nhất là sự gầy dựng và nuôi dưỡng của các cha xứ linh hướng. Do được trang bị tinh thần tông đồ hăng say, các đoàn viên đã hoặc đang tình nguyện tham gia vào các lãnh vực sinh hoạt của giáo xứ như ban Hành Giáo, Ban Ðiều hành các giới, Ca đoàn, Giáo lý viên, hội Chăm sóc bệnh nhân.. và tích cực hoạt động trong các công tác truyền giáo, cũng như bác ái-xã hội.
Vì thế, nếu được hướng dẫn và huấn luyện đúng mức, các anh chị em giáo dân Ða Minh sẽ góp phần đáng kể làm nên sự thánh thiện cũng như thực thi sứ vụ tông đồ truyền giáo của Giáo Hội nói chung và ngay tại mỗi địa phương nói riêng.**R
 
 
Bài 03 :
TINH THẦN VÀ ÐOÀN SỦNG DÒNG ÐA MINH
 
I. KHÁI NIỆM
Ðoàn sủng của một Dòng là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần ban cho Ðấng sáng lập và được Giáo hội chấp thuận. Dòng Ða Minh có danh hiệu chính thức là Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Ðiều đó diễn tả đoàn sủng của Dòng là việc giảng thuyết.
 
II. ĐOÀN SỦNG DÒNG ÐA MINH
Như trên đã nói, trong khi làm công tác hoán cải những người lạc giáo tại miền Nam nước Pháp, thánh Ða Minh ước mong thành lập một Dòng trong Giáo Hội hoàn toàn dấn thân vào việc giảng dạy đạo lý Tin mừng cho tha nhân để họ khỏi bị lôi kéo vào con đường lầm lạc. Nên biết, vào thời thánh Ða Minh, quyền giảng thuyết thuộc về các Giám mục. Ngay cả các đan sĩ và các linh mục cũng chưa được quyền này. Nguyện vọng của Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III chấp thuận ngày 22.12.1216 với lời châu phê cho phép thành lập Dòng với mục đích “chuyên tâm tìm hiểu Lời Chúa và loan truyền danh Ðức Ki-tô, Chúa chúng ta đi khắp thế giới.”. Bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng, được Tổng Hội lần thứ nhất họp ở Bologna năm 1220 khẳng định đoàn sủng của Dòng với những lời sau: “Dòng được thiết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích: Mưu ích cho linh hồn tha nhân”.
 
III. GIA ÐÌNH ÐA MINH THỂ HIỆN ƠN ÐOÀN SỦNG
Ngay từ lúc sinh thời, thánh Ða Minh đã thúc đẩy các nữ tu (lúc đó là các nữ đan sĩ) tham gia vào việc giảng thuyết, bằng cách thiết lập nơi giảng thuyết ngay tại đan viện của họ [Trung tâm thánh thuyết hay Thánh thuyết cuộc]. Nhờ lời cầu nguyện của họ mà việc giảng dạy của anh em linh mục đạt nhiều hiệu quả. Ngài cũng còn khơi dậy hay cổ võ giáo dân hợp tác vào việc này để nhiều linh hồn được trở về với Chúa. Bản Luật Sống đầu tiên của Dòng Ba (1285) đã khuyến khích hội viên hãy trở nên “một người nhiệt thành bảo vệ chân lý đức tin Công giáo, theo cách thức riêng của mình”. Như vậy, ngay từ thế kỷ thứ XIII, người giáo dân Ða Minh đã được khuyến khích trở thành nhà giảng thuyết theo cách thức riêng của mình, nghĩa là thực hành ơn gọi của một người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Luật Sống của người giáo dân hiện nay trong các số 1, 4, 5, 9, 11, 12 luôn lập lại điều đó.
Việc “giảng thuyết” không chỉ có nghĩa giảng dạy Lời Chúa trong thánh lễ nhưng còn mở rộng đến việc nghiên cứu, dạy dỗ, khuyên lơn, giảng giải, răn bảo . và sống chứng nhân giữa đời qua việc phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái yêu thương để làm cho trần gian thấm nhuần tinh thần Tin Mừng.
 
IV. KẾT LUẬN
Nếu từ sau Công Ðồng Vatican II, Giáo hội muốn nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng là nghĩa vụ của tất cả các Ki-tô hữu (thực hiện chức năng ngôn sứ) thì người giáo dân Ða Minh đã coi đó là nghĩa vụ của mình từ lâu, bởi vì họ là phần tử của một Dòng đã được lập ra để giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Ðó là con đường mà Thánh Ða Minh, theo gót các thánh tông đồ đã từng ôm ấp và thực hiện trong lịch sử Giáo Hội từ bảy thế kỷ qua. Ðó cũng là con đường mà người giáo dân Ða Minh cũng được mời gọi cố gắng thực hiện, bởi vì đây là đoàn sủng mà họ được quyền tham gia.  **R
 
Bài 04 :
CÁC PHƯƠNG TIỆN CHÍNH YẾU ÐỂ SỐNG ƠN GỌI ÐA MINH
 
Ðể thực hiện đoàn sủng Thuyết giáo phục vụ Giáo Hội, Thánh Ða Minh và các tu sĩ tiên khởi, khi soạn thảo Hiến Pháp đầu tiên cho Dòng vào năm 1220, đã chọn bốn phương tiện chính yếu như là bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Ða Minh. Ðó là:
 
1. Sống tinh thần cộng đoàn.
2. Tham dự việc cầu nguyện cộng đoàn.
3. Siêng năng học tập.
4. Tham gia vào sứ vụ tông đồ của Giáo hội
 
Tổng hội kế tiếp (1221) khẳng định bốn yếu tố này có thể được thích nghi theo thời gian và hoàn cảnh cho phù hợp với mục đích của Dòng, nhưng không bao giờ có thể thay đổi hay là xóa bỏ chúng. Noi gương các anh em tu sĩ Dòng, nếp sống của giáo dân Ða Minh cũng phải được thiết lập dựa vào bốn nền tảng nêu trên.
 
1. SỐNG TINH THẦN CỘNG ÐOÀN.
Theo thánh Ða Minh, việc giảng thuyết chỉ đạt được hiệu năng là do một cộng đoàn cùng chung nhau thực hiện chứ không phải do một cá nhân. Do đó các tu sĩ Ða Minh phải sống chung và làm các việc chung với nhau trong tinh thần hiệp thông.
Ðối với bậc giáo dân, trước đây cũng có một số huynh đoàn tổ chức sống cộng đoàn, (như cộng đoàn mà thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na là phần tử) nhưng thông thường vì phải chu toàn trách nhiệm trong gia đình, họ không thể sống chung như các tu sĩ. Dẫu vậy, họ cũng phải thể hiện tinh thần sống cộng đoàn trong một số điểm chính yếu sau:
 
– Trước hết họ ý thức mình là phần tử của một cộng đoàn sống tình huynh đệ gắn bó với nhau phỏng theo phần nào đời sống cộng đoàn các tu sĩ. Từ ngữ huynh đoàn nói lên ý nghĩa “cộng đoàn sống tình huynh đệ”. Cộng đoàn này thường được một tu sĩ Dòng hay một giáo sĩ làm linh hướng để hướng dẫn về mặt đạo lý và đời sống thiêng liêng.
– Huynh đoàn là một pháp nhân theo Giáo Luật và Hiến pháp Dòng. Cộng đoàn được điều hành bởi vị đoàn truởng, thay mặt Bề trên Tổng quyền do cộng đoàn bầu lên cách dân chủ. Ðoàn trưởng cùng với ban Phục vụ là những vị có quyền chấp nhận những thành viên mới. Một khi đã gia nhập huynh đoàn, do lời tuyên hứa, các đoàn viên phải tuân phục Bề trên Tổng quyền và những vị đại diện trong các việc điều hành và đời sống thiêng liêng.
– Ngoài các sinh hoạt thường xuyên, các đoàn viên phải tham gia nguyệt hội hàng tháng. Buổi nguyệt hội là thời gian đoàn viên biểu lộ sống tình huynh đệ hiệp thông sâu xa qua việc cầu nguyện, học tập, làm việc tông đồ.
 
2. THAM DỰ VIỆC CẦU NGUYỆN CỘNG ÐOÀN
Theo thánh Ða Minh, nhà giảng thuyết chỉ thu lượm được những hiệu quả siêu nhiên như hoán cải tâm hồn tha nhân và giúp họ sống đời Kitô hữu trọn hảo qua việc cầu nguyện, nhất là tích cực tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ trong thánh đường. Vì những việc này được diễn ra trong nơi thánh trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, được dưỡng nuôi qua Lời Chúa, và được trở nên sống động nhờ những nghi thức giúp chúng ta tham gia bằng toàn thể con người. Chính vì thế mà thánh Ða Minh, tuy đã để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện tư, Ngài vẫn dành ưu tiên cho Kinh nguyện cộng đoàn mà Ngài coi đó như là một trong bốn phương tiện chính yếu của Dòng.
 
3. CHUYÊN CẦN HỌC TẬP
Một điều mới lạ hoàn toàn trong Giáo hội và các Dòng tu thế kỷ XIII mà thánh Ða Minh đã đem vào trong Dòng, đó là việc học hành. Ðối với một Dòng được thành lập để giảng thuyết và bảo vệ đức tin, việc học tập trở thành một phương tiện không thể thiếu. Thánh Ða Minh đã thay thế công tác lao động chân tay bằng nghĩa vụ học hành và đó là một hệ quả tất nhiên của mục tiêu mới mà thánh Ða Minh đã muốn mang lại cho Dòng mình.
Ðể có thể thích hợp với Dòng, giáo dân Ða Minh cũng cần chăm chỉ học tập những chân lý để thông truyền và giảng dạy lại cho người khác.   Luật Sống giáo dân Ða Minh thôi thúc các đoàn viên như sau: “Là thành viên của Dòng, chúng ta tham dự vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng việc học tập” (Lc, số 4) và “chuyên cần học hỏi chân lý và luôn suy tư về những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Ðức Tin” (Lc, số 10). Ðể làm được việc này, Dòng cùng với Huynh đoàn thỉnh nguyện các cha xứ làm linh hướng để các ngài quan tâm dạy dỗ và hướng dẫn anh chị em trau dồi các vấn đề đạo lý và đời sống thiêng liêng (Lc, số 21c.)
Luật sống của Huynh đoàn giáo dân Ða Minh Việt Nam cũng đề cập đến việc học tập một cách chi tiết:
– Thứ nhất: Như các tu sĩ Ða Minh trong mỗi tu viện có một vị khuyến học, mỗi huynh đoàn cũng phải có một vị đặc trách huấn luyện. Vị này có nhiệm vụ tạo cơ hội và khuyến khích mọi người – nhất là những anh chị em trong thời gian thụ huấn – tích cực học tập.
– Thứ hai: Luật sống đưa ra một chương trình huấn luyện tiến cấp qua các giai đoạn để đoàn viên học hỏi về Lời Chúa, giáo lý Hội thánh, ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân theo ánh sáng đoàn sủng của thánh Ða Minh và thánh nữ Catarina, tinh thần Dòng, những dấu chỉ thời đại..
– Thứ ba: trước khi bước vào một giai đoạn mới, mỗi đoàn viên đều phải qua một cuộc khảo hạch.
– Thứ tư: theo gương các tu sĩ Ða Minh, giáo dân Ða Minh phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để học tập. Vì theo tinh thần Dòng, đó là một hình thức khổ chế thực sự hơn là các việc hy sinh khác.
 
4. THAM GIA VÀO SỨ VỤ TÔNG ÐỒ CỦA GIÁO HỘI
Khi viết cho thánh Ða Minh và các anh em người trong sắc lệnh châu phê thành lập Dòng 1217, Ðức Honoriô III đã khẳng định: “Ðấng luôn làm cho Giáo hội thêm nhiều con cái… đã gợi cho các con cảm nghĩ đạo đức là chuyên tìm hiểu Lời Chúa … đồng thời lại truyền giảng Danh Thánh Chúa Kitô, Chúa chúng ta khắp hoàn cầu”.
Vậy Dòng Anh Em Thuyết Giáo do thánh Ða Minh thành lập, ngay từ thời sơ khai, như ai cũng biết để đặc cách chuyên việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Ðiều này được xác định rõ qua danh xưng: Dòng Anh em Thuyết giáo – Ordo Fratrum Praedicatorum .
Thực ra, sứ vụ tông đồ là bổn phận của Giáo hội, vì bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Là thành phần của Giáo hội, mỗi người Kitô hữu được mời gọi trở nên nhân chứng, làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh với đầy đủ tư cách của người giáo dân (Xc. Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 14; Tông huấn Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ, số 77.). Tuy nhiên, Dòng Anh em Thuyết giáo đã nhận lấy sứ vụ đó làm sứ vụ chuyên biệt của riêng mình để đồng hành với Giáo hội “loan truyền Danh Chúa Kitô khắp hoàn cầu” (HPNT, sô 1). Anh chị em giáo dân Ða Minh cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ này như Luật riêng số 29 của Huynh đoàn xác định: “Hội thánh hiện diện giữa lòng thế giới để tiếp tục loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho muôn dân theo mệnh lệnh của Chúa Kitô. Ðây cũng chính là sứ mệnh của Dòng Thuyết giáo mà tất cả anh chị em đều được mời gọi thực hiện”.
Tóm lại, với bốn yếu tố làm nên đời sống người giáo dân Ða Minh, thiết tưởng nó được nhìn nhận là kim chỉ nam và từ đó người giáo dân Ða Minh như tìm đuợc sức sống để thi hành sứ vụ của người Kitô hữu theo một đoàn sủng của một Dòng được đặc cách làm nhiệm vụ loan báo Lời Chúa.
Bất cứ ở nơi đâu, người giáo dân Ða Minh cũng phải và có trách nhiệm sống tinh thần của người Ða Minh theo điều kiện hoàn cảnh và môi trường nơi mình sinh sống.**R
 
Bài 05 :
VIỆC HUẤN LUYỆN GIÁO DÂN ÐA MINH
 
Ðể giúp người giáo dân Ða Minh sống đúng ơn gọi, Luật Sống huynh đoàn đã qui định những đường lối huấn luyện:
 
I. MỤC ÐÍCH CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN
Hướng dẫn người giáo dân Ða Minh trưởng thành hơn trong đời sống Kitô giáo, biết làm chủ đời sống mình, biết phán đoán và sống theo các giá trị Tin Mừng để ngày càng đạt đến sự trọn lành như Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5,48).
Ngoài ra vì đoàn sủng của Dòng Ða Minh là giảng thuyết nên việc huấn luyện cũng nhắm cho đoàn viên biết thao thức và thi hành sứ vụ tông đồ trong môi trường của mình.
 
II. CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN
Trong thời gian huấn luyện, đoàn viên Ða Minh sẽ được học hỏi:
– Sự trưởng thành về nhân bản để trở nên một con người hoàn hảo. Ðây là khởi điểm để từ đó trở thành một Kitô hữu tốt và một đoàn viên nhiệt thành.
– Tinh thần Dòng : Vì ơn gọi của người giáo dân Ða Minh là sống theo tinh thần và đoàn sủng của thánh Ða Minh, cố gắng nên giống Chúa Kitô và loan báo tình thương của Thiên Chúa nên phải thấm nhuần và sống đúng linh đạo của Dòng được thể hiện qua các việc: cầu nguyện, học tập, sống cộng đoàn và làm việc tông đồ.
– Vai trò người giáo dân trong Giáo hội: để biết nhận ra phẩm giá của mình và tích cực đóng góp phận vụ mình trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.
– Sứ vụ tông đồ của Dòng và các dấu chỉ thời đại: Vì Dòng thi hành sứ vụ tông đồ bằng việc hiện diện giữa lòng thế giới, nên đoàn viên cần quan tâm đến mọi biến cố xảy ra trên thế giới cũng như trong Giáo Hội để thực thi sứ vụ cho hiệu quả.
 
III. CÁC GIAI ÐOẠN HUẤN LUYỆN
Vì thuộc về một Dòng tu nên các giai đoạn huấn luyện của GDÐM cũng mô phỏng các giai đoạn huấn luyện như các Dòng tu tuy mức độ khác nhau.
Ðể trở thành một đoàn viên thực thụ, các phần tử phải trải qua các giai đoạn huấn luyện sau:
– Thỉnh sinh (tối thiểu sáu tháng)
– Tuyển sinh (tối thiểu một năm )
– Hứa sinh tuyên hứa tạm: cam kết tuân giữ kỷ luật huynh đoàn trong 3 năm. Sau đó, nếu đủ điều kiện, có thể xin tuyên hứa vĩnh viễn. Nếu chưa đủ điều kiện hoặc chưa muốn khấn, có thể xin kéo dài thêm 3 năm mỗi năm một lần.
– Hứa sinh tuyên hứa vĩnh viễn: cam kết tuân giữ kỷ luật huynh đoàn cho tới chết
 
IV. TRÁCH NHIỆM HUẤN LUYỆN
Tỉnh Dòng có cha Ðặc trách huấn luyện biên soạn các tài liệu. Mỗi giáo phận có cha đặc trách triển khai kế hoạch của tỉnh Dòng đề ra. Trong mỗi huynh đoàn, vị huấn đức phụ giúp với cha linh hướng huấn luyện các đoàn viên.
 
V. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THỤ HUẤN
Cần khẳng định một điều cốt yếu trong ơn gọi Ða Minh, đó là việc chính đượng sự, trước tiên phải chịu trách nhiệm về việc đào tạo chính mình.
Và để việc huấn luyện mang lại kết quả tốt đẹp, chính người thụ huấn phải tích cực góp phần mình bằng việc cầu nguyện, siêng năng học tập, tham gia các việc tông đồ, chu toàn các nhiệm vụ được giao dưới sự hướng dẫn của Bề trên các cấp liên hệ. **R
 
Bài 06 :
HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ ÐIỀU HÀNH 
HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH
 
I. HUYNH ÐOÀN
Huynh đoàn là cộng đoàn cơ bản gồm các anh chị em giáo dân Ða Minh ở địa phương, được thành lập hợp pháp theo Giáo Luật và Luật Dòng. Một giáo xứ có thể thành lâp một hay nhiều huynh đoàn (QC 54,59.I).
Ðể thành lập một huynh đoàn, cần có những điều kiện sau đây:
 
1.   Ðơn xin thành lập ít là của 15 người với sự giới thiệu của cha xứ lên Vị Thường Quyền sở tại và Bề Trên Giám Tỉnh.
2.   Công bố thành lập : Khi được Vị Thường Quyền sở tại và Bề Trên Giám Tỉnh chấp thuận, cha xứ công bố thành lập.
3.   Huynh đoàn được chính thức thành lập từ ngày được công bố. Biên bản công bố thành lập phải có hai nhân chứng.
 
Ðiều hành Huynh Ðoàn là Ðoàn trưởng và ban Phục Vụ do các đoàn viên đã tuyên hứa trong Huynh đoàn bầu ra. Trường hợp Huynh đoàn mới thành lập, Ban Phục vụ lâm thời sẽ do Bề trên Giám tỉnh hoặc vị thừa ủy của ngài chỉ định (GL 317§2. Qc, số 85). Số thành viên trong ban Phục Vụ tối thiểu là 03 và tối đa là 11 người đảm nhiệm các chức vụ sau:
Ðoàn trưởng, Ðoàn phó, Huấn đức, Thư ký, Thủ quỹ, Tông đồ xã hội, phụ trách giới trẻ (Qc, số 73).
Ðoàn Trưởng và Ban Phục Vụ là hợp pháp khi được bầu theo đúng Luật Sống. Nếu không, sẽ không đủ tư cách pháp lý, việc thâu nhận và tuyên hứa của Ðoàn viên sẽ vô hiệu.
 
II.LIÊN HUYNH
Nhiều huynh đoàn trong một vùng địa dư thường là giáo hạt hợp lại thành một liên huynh (Qc, số 61. I). Ðiều hành liên huynh là Ban Thường Vụ do ban Phục Vụ liên huynh bầu ra. Ban Phục vụ liên huynh gồm các đoàn trưởng huynh đoàn liên hệ. Cơ cấu tổ chức ban Thường Vụ Liên Huynh cũng giống như huynh đoàn.
 
III. GIÁO PHẬN
Các Liên Huynh trong giáo phận hợp lại thành Huynh Ðoàn Giáo phận. Ðiều hành huynh đoàn giáo phận là ban Thường Vụ do ban Phục vụ giáo phận bầu ra. Cơ cấu tổ chức ban Thường Vụ giáo phận cũng giống như huynh đoàn (Qc, số 66. II).
 
IV. TỈNH DÒNG
Các huynh đoàn giáo phận hợp lại thành Huynh Ðoàn cấp Tỉnh Dòng. Ðiều hành huynh đoàn tỉnh Dòng là ban Thường Vụ do ban Phục vụ cấp giáo phận bầu ra. Cơ cấu tổ chức ban Thường Vụ Tỉnh cũng giống như cấp cơ sở (Qc, số 66. III)
Nhiệm kỳ các cấp là ba năm (Qc, số 67. II).
 
V. VỊ LINH HƯỚNG
Mỗi Huynh đoàn và Liên huynh đều có vị Linh hướng. Huynh đoàn thỉnh nguyện Cha xứ làm Linh hướng, Liên huynh thỉnh nguyện cha Quản hạt làm Linh hướng (Qc, số 84).
 
VI. VỊ ÐẶC TRÁCH
Tỉnh Dòng có vị Ðặc trách Tỉnh do Tỉnh hội Tỉnh Dòng bổ nhiệm. Mỗi Giáo phận có một vị Ðặc Trách do cha Giám tỉnh bổ nhiệm [sau khi tham khảo ý kiến vị Ðặc trách Tỉnh và của Huynh đoàn Giáo phận] (Qc, số 87).**R
 
 
Phụ Lục :
HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH TRONG GIÁO XỨ
 
Huynh Ðoàn Giáo Dân Ða Minh (HÐGDÐM) hiện đang có mặt tại nhiều giáo phận và các giáo xứ tạo nên một sức sống mới cho Giáo Hội Việt Nam . Chính giáo dân Ða Minh đã là những người tiên phong du nhập Giờ Kinh Phụng Vụ vào đời sống cầu nguyện cộng đoàn của người giáo dân như Giáo Hội tha thiết mời gọi (GL số 1174 § II). Hình ảnh các đoàn viên huynh đoàn nguyện kinh râm ran trong nhà thờ, cùng nhau học hỏi giáo lý, chia sẻ Lời Chúa, đi làm các công tác tông đồ bác ái, đã trở nên quen thuộc trong nhiều giáo xứ. Những đóng góp của người giáo dân Ða Minh trong các sinh hoạt, các cơ cấu tổ chức của nhiều giáo xứ thật đáng trân trọng.
Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực đó, chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng còn nhiều Huynh đoàn đã không hiểu và sống đúng với tôn chỉ của Dòng và ơn gọi của mình nên đã làm cho nhiều người từ các cấp lãnh đạo đến người giáo dân mất thiện cảm với huynh đoàn hoặc làm cho huynh đoàn không thể phát huy năng lực của mình.
 
Vậy qua bài này, chúng ta cùng nhau tìm lại cho đúng vị trí của người giáo dân Ða Minh trong giáo xứ như thế nào ? Chúng ta phải có trách nhiệm nào và có tương quan nào với cha xứ và các thành phần trong giáo xứ ?
 
I. MỘT ƠN GỌI TRÊN HAI VAI.
Quy chế HÐGDÐM xác định: “Giáo Dân Ða Minh là những người giáo dân được Chúa Thánh Thần tác động muốn sống ơn gọi của mình theo tinh thần và đoàn sủng Dòng Anh Em Thuyết Giáo, bằng lời tuyên hứa tuân giữ Luật Sống được Bề trên Tổng quyền Dòng phê chuẩn” (Luật riêng, số 2).
Qua định nghĩa trên, chúng ta lưu ý hai điểm sau:
Trước khi là GDÐM, chúng ta là người giáo dân, do Bí tích Rửa tội, được tháp nhập vào Chúa Kitô làm thành dân Chúa dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội mà cụ thể là cha xứ thay mặt Ðức giám mục tại giáo xứ mình.
 
Thứ đến, để đáp lại ơn gọi của Chúa Thánh Thần, chúng ta xin gia nhập vào Huynh đoàn GDÐM để nhờ đoàn sủng và tinh thần Dòng Anh Em Thuyết Giáo, sống trọn vẹn thiên chức Ki-tô hữu. Nói cách khác, chúng ta là những người sống trong bậc giáo dân nhưng muốn tham dự vào đoàn sủng của Dòng Giảng Thuyết do thánh Ða Minh sáng lập để nên thánh theo lời mời gọi của Chúa và Giáo Hội.
Như vậy, là người GDÐM, chúng ta phải chu toàn hai trách nhiệm: Trách nhiệm của người giáo dân trong giáo xứ, Trách nhiệm của đoàn viên với Huynh đoàn và Dòng.
Do đó, để các sinh hoạt của Huynh đoàn trong giáo xứ được hài hòa, tốt đẹp, chúng ta không thể quên trách nhiệm người giáo dân của mình trong giáo xứ, đồng thời biết phát huy sự trưởng thành của người giáo dân theo tinh thần canh tân của Công Ðồng Vatican II và được cụ thể hóa qua Giáo Luật và Tông huấn Kitô hữu giáo dân.
 
II. GIÁO DÂN ÐA MINH PHÁT HUY ƠN GỌI GIÁO DÂN CỦA MÌNH ÐỂ PHỤC VỤ GIÁO HỘI.
Sau Công Ðồng Vatican II, ơn gọi người giáo dân được tái khám phá. Qua Bí tích Rửa tội, họ được tháp nhập vào chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Ðức Kitô và được mời gọi đem Tin Mừng đến với muôn dân (Mc 16, 15). Mỗi người giáo dân cần ý thức phẩm giá của mình trong Giáo hội cũng như lãnh nhận trách nhiệm đóng góp phần vụ mình với Giáo hội trong việc mở mang Nước Chúa. Giáo Luật cho phép người giáo dân có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức (GL số 215), có quyền cổ võ và đảm đương hoạt động tông đồ (GL 216) (Xc. Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 29). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng hàng giáo sĩ vẫn là những vị lãnh đạo giáo dân. Người giáo dân luôn cần đến các ngài hỗ trợ, hướng dẫn và huấn luyện để giúp sống trưởng thành về đạo lý, đời sống thiêng liêng và công tác tông đồ trong môi trường sống của mình.
 
Ðối với Huynh đoàn giáo dân Ða Minh:
– Căn cứ vào tinh thần và hướng đi của Công Ðồng Vatican II,
– Căn cứ vào bộ Giáo luật 1983 qui định việc thành lập và tổ chức các hiệp hội giáo dân,
– Căn cứ vào truyền thống đã có từ ngày thành lập Dòng về việc qui tụ và tổ chức cho người giáo dân tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng,
Tổng hội Avila 1986, đã canh tân tổ chức và sinh hoạt của Dòng Ba bằng việc ban hành Bản Luật các Huynh đoàn Giáo Dân Ða Minh (Luật chung) vào ngày 28/01/1987 sau khi được Toà Thánh châu phê ngày 15/1/1987. Qua Bản Luật này, Dòng trân trọng và đề cao phẩm giá của người giáo dân trong Dòng, huấn luyện và đào tạo họ theo cung cách và truyền thống riêng của Dòng, giúp họ thực thi sứ vụ tông đồ của Dòng trong môi trường và hoàn cảnh chuyên biệt của người giáo dân.
 
Chúng ta có thể nhận ra những nét đặc biệt sau:
Mỗi huynh đoàn do anh/chị Ðoàn trưởng và ban Phục Vụ điều hành và quản trị huynh đoàn (Gl 317 III. LC. 21a, QC, 71)
Một khi thành lập hợp pháp, mỗi Huynh đoàn trong giáo xứ có tư cách pháp nhân chiếu theo luật (Gl 313,304,1; 309).
Huynh đoàn có quyền nhóm họp, bầu ban Phục vụ, thâu nhận đoàn viên, quản lý tài sản của mình và sinh hoạt theo tôn chỉ của Dòng.
Những gì thuộc về tinh thần Dòng của Luật Sống qui định phải được chấp hành theo luật, không ai tự ý sửa đổi.
 
III. TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG GIÁO XỨ CỦA HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH.
Quy chế Huynh đoàn GDÐM trong chương 2, mục 4 khi đề cập đến việc thi hành sứ vụ tông đồ đã quy định rõ: “Anh chị em hãy thực hiện công tác tông đồ ngay trong Giáo hội địa phương, nhất là trong môi trường giáo xứ như cộng tác với các linh mục, tu sĩ và các thành phần dân Chúa trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về tinh thần cũng như vật chất. Sự cộng tác đó còn phải mở rộng đến giáo hạt, giáo phận và hơn nữa đến với Hội thánh toàn cầu (xc. GL. 209; KTHGD. 28,29; QC, số 31).
Như vậy, quy chế huynh đoàn ấn định cho chúng ta rõ giáo xứ là môi trường đầu tiên mà GDÐM phải có trách nhiệm thực hiện sứ vụ. Ðó là Giáo Hội địa phương mà chúng ta có nhiệm vụ phải góp phần xây dựng ngày một tốt đẹp.
Vì là dân Chúa, là chi thể Chúa Ki-tô, giáo dân Ða Minh chúng ta thi hành ba chức vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả để phục vụ giáo xứ theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng qua những việc cụ thể sau:
 
– Là ngôn sứ, chúng ta cộng tác vào việc rao truyền Lời Chúa bằng việc thăm viếng, tạo tinh thần thân hữu với những người không thiết tha hoặc không thiện cảm với đạo hay còn ở ngoài Giáo hội Chúa để đem họ trở về với Chúa. Ðược tham gia vào đoàn sủng giảng thuyết của Dòng, chúng ta phát huy chức năng ngôn sứ của người giáo dân qua việc thực hiện các công việc mà chúng ta thường đọc trong kinh
 
“Thương linh hồn bảy mối”. Ðó là “lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội”. Ðây là những công việc mà giáo dân Ða Minh ít nhiều đều có thể làm được cả nếu biết để ý quan tâm.
– Là tư tế, ngoài việc tích cực tham dự các lễ nghi Phụng vụ, chúng ta nhiệt thành tham gia một số công việc chuẩn bị cho việc phụng vụ như giúp lễ, đọc sách thánh, hát thánh ca, giữ nhà thờ … giúp nhau giữ gìn và làm phong phú đời sống tâm linh.
– Là vương giả, trước hết chúng ta làm chủ bản thân: luôn nhớ đến phẩm giá cao quí của mình ,diệt trừ các nết xấu và cố gắng tập luyện các nhân đức; làm chủ trần thế: nhìn nhận giá trị của vật chất để biết sử dụng theo đúng ý Chúa, không để vật chất thống trị tinh thần, không làm nô lệ cho tội lỗi và vật chất. Cuối cùng chúng ta nỗ lực làm cho trần gian thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô, bằng chính đời sống chứng nhân giữa trần gian, bằng việc phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái và yêu thương. Ngoài ra, người giáo dân Ða Minh còn giúp coi sóc tài sản giáo xứ, đóng góp ý kiến, vật chất, tham gia vào các đoàn hội từ cấp giáo xóm, giáo họ đến giáo xứ.
 
Ngày nay ai cũng thấy rõ bất cứ giáo xứ nào cũng có rất nhiều công tác tông đồ cần sự đóng góp tích cực của người giáo dân. Người giáo dân Ða Minh, với sứ vụ của mình, phải tích cực góp phần vào đó không phải vì mưu cầu danh vọng, chức tước hay địa vị cá nhân nhưng chỉ vì nhận ra được nhu cầu tông đồ trong giáo xứ mà ơn gọi Ða Minh thúc bách chúng ta phải đảm nhận. Người giáo dân Ða Minh có tinh thần tông đồ truyền giáo là người sẵn sàng đảm nhận những công việc mà người khác ngại ngùng không dám đảm nhận cũng như sẵn sàng nhường những công việc mà người khác ưa thích.
Tuy nhiên, trong tinh thần hiệp thông của Hội thánh, việc thực hiện công tác tông đồ của người giáo dân Ða Minh không chỉ có tích cách cục bộ trong giáo xứ mình, nhưng còn được mở rộng đến giáo hạt, giáo phận và hơn nữa đến với Hội thánh toàn cầu như Giáo Luật số 209 ấn định : “Mọi tín hữu buộc phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với Hội thánh, kể cả trong đường lối hành động. Họ phải chuyên cần chu toàn mọi trách nhiệm đối với Hội thánh toàn cầu cũng như đối với Hội thánh địa phương mà họ trực thuộc chiếu theo luật” (xc. Tông huấn KTHGD. 28,29)..
 
IV. LIÊN HỆ GIỮA HUYNH ÐOÀN ÐA MINH VỚI CÁC THÀNH PHẦN TRONG GIÁO XỨ.
 
1.   Cha xứ
Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng: Trong mỗi giáo xứ, cha xứ là vị điều hành các đoàn thể cũng như chịu trách nhiệm về mọi sinh hoạt thiêng liêng trong giáo xứ. Huynh đoàn được thành lập trong giáo xứ nên phải tuân theo sự lãnh đạo của cha xứ. Huynh đoàn không thể tự quản như một đơn vị Dòng tu.
Với tính cách giáo dân, chúng ta tuân theo tất cả những gì ngài dạy bảo, vì ngài thay mặt Ðức giám mục lãnh đạo giáo xứ.
Với tính cách là giáo dân Ða Minh: trong những sinh hoạt huynh đoàn, chúng ta phải tuân giữ những điều Quy chế ấn định Huynh đoàn thỉnh ý cha xứ trong các công việc cụ thể sau đây:
Khi muốn thành lập một huynh đoàn, phải có Ngài giới thiệu lên cha Giám Tỉnh Dòng và Vị Thường Quyền địa phương (QC 56, I).
Cùng với Dòng, thỉnh nguyện cha xứ làm linh hướng, hoặc xin ngài ủy cho một linh mục hoặc tu sĩ nam nữ khác làm linh hướng hay trợ úy (QC 84,I).
Hằng năm huynh đoàn phải trình sổ sách chi tiêu lên cha xứ đại diện Vị Thường quyền (GL 319, QC 104,I).
Tham khảo ý kiến cha xứ trước khi bỏ phiếu cho tuyển sinh tuyên hứa (QC 45).
Bàn hỏi với cha xứ trước khi đề cử các chức vụ trong ban Phục vụ (QC 97,I)
Nên bàn hỏi với Ngài trong việc điều hành và phát triển ơn gọi (QC 71,II).
Ngoài ra, trong một số sinh hoạt Huynh Ðoàn, vị Ðoàn trưởng hay Ban Phục vụ phải liên hệ với Ngài trong một số công việc sau:
 
1.   Xin ngài chỉ định về nơi sinh hoạt, giờ giấc nguyện kinh ở nhà thờ, họp mặt hàng tháng.
2.   Xin phép ngài khi đi học tập, huấn luyện, làm việc tông đồ ngoài giáo xứ.
3.   Mỗi khi huynh đoàn có tổ chức huấn luyện, tĩnh tâm, nếu có mời giảng viên ngoài đến giảng dạy, phải xin phép ngài trước.
4.   Mỗi khi huynh đoàn tổ chức hành hương, làm công tác tông đồ bác ái nơi xa, phải thỉnh ý ngài trước.
5.   Với hội đồng giáo xứ
6.   Xét về phương diện cơ cấu tổ chức giáo xứ, huynh đoàn cũng như là một đoàn thể trong giáo xứ nên phải lãnh nhận các công tác do Ban hành giáo phân công.
7.   Khi Huynh đoàn tổ chức các cuộc lễ nên trao đổi với Hội đồng Giáo xứ và mời họ tham gia.
8.   Với các đoàn thể khác
9.   Phải có những tương quan mật thiết, giúp đỡ, tuơng trợ.
10. Không nên lôi kéo các thành viên của đoàn thể khác vào Huynh đoàn (trừ khi họ tự nguyện).
 
V. KẾT LUẬN:
Ðược gia nhập vào HÐGDÐM, đó là một hồng ân CTT ban để giúp ta phát huy phẩm giá và chức năng của người Kitô hữu trong việc phục vụ Hội thánh theo tinh thần và đoàn sủng của một Dòng có truyền thống tông đồ hơn 8 thế kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn nhớ mình là một giáo dân trong giáo xứ nên có những trách nhiệm và bổn phận phải chu toàn và chu toàn một cách tích cực hơn các giáo dân khác. Ai nại cớ vì là giáo dân Ða Minh nên thiếu sự tôn trọng quyền hành của cha xứ, không tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, tự tôn mình hơn các đoàn thể khác hoặc tự tách mình làm một “ốc đảo” riêng thì quả thật người đó làm tổn thương không lường cho Giáo Hội, cho Dòng và cho giáo xứ.. **R
 

Trở lại      In      Số lần xem: 7346
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  6639
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11424473
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top