Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ LC Tuần 31 TN B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 31 Thường Niên B (02/11 -> 07/11/2015)

Thứ hai, 02/11/2015

Đề tài: LỄ CÁC LINH HỒN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 6,37-40)

37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

SUY NIỆM:

1/ Nguồn gốc của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có từ lúc nào ? Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

2/ Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđi-lô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

3/ Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50),

4/ Về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.

5/ Thuật từ tiếng Latin:  Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là “All Souls Day” (Lễ các linh hồn) hay “Defuncts Day “(Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này .

6/ Nghĩa của các đẳng : Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh khải hoàn).

7/ Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v. chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh .

8/ Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” đề cập đến 10 hạng “cô hồn”: Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan...

9/ Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta?

10/ Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi như thế nào.

11/ Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.”

12/ Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.

13/ “Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.

14/ Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu là chúng ta .

15/ “Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngài vẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).

16/ Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”.

17/ Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn”, “Lễ cầu Hồn”, “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời”, sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện nơi luyện ngục .

18/ Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch?

19/ Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những việc làm rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.

20/ Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.**R

Cầu nguyện: Giêsu, Maria, Giuse! Con mến yêu, xin thương cứu các linh hồn / (3 lần)

 

Thứ ba, 03/11/2015

Đề tài: TÌM ĐỦ LÝ DO ĐỂ TỪ CHỐI

Kính Thánh Martino Porres

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca  (Luca 14,15-24)

15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! "16 Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.19 Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.20 Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.

21 "Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.22 Đầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.23 Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi."

SUY NIỆM:

1/ Chúa có nhiều cách mời gọi, con người cũng có nhiều cách để chối từ. Không đi lễ vì trời mưa, vì công việc dở dang, không học giáo lý vì phải học thêm vi tính, tới giời đọc kinh ta lấy lý do vì buồn ngủ, vì đang học bài…. Nhưng ai rồi cũng đến lúc phải đối diện với Chúa, nếu Chúa cũng nói: ta bận quá nên cũng chưa ghi tên con vào sổ trường sinh ! Lúc đó ta nghĩ sao?

2/ Hôm nay Chúa đưa ra Dụ Ngôn những người khách được mời tới dự tiệc. Họ có quá nhiều việc phải làm, quá bận rộn nên không thể thu xếp công việc để có mặt cho dù bàn tiệc đã được dọn sẵn. Do đó, họ không thể hưởng được niềm an vui hạnh phúc do bữa tiệc mang lại.

3/ Dụ Ngôn bữa tiệc là hình ảnh nước trời. Ông chủ là Thiên Chúa luôn mở rộng cửa để mời gọi chúng ta vào dự bàn tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc. Ý Chúa muốn nói ở đây là: Muốn vào dự bàn tiệc thiên quốc thì chúng ta phải biết sắp xếp thời gian, sắp xếp công việc của mình.

4/ Sắp xếp thời gian công việc sao cho hợp lý. Ta có thời giờ để lo cho công việc phần xác, nhưng cũng phải sắp xếp sao cho có đủ thời giờ để tham sự các nghi thức phụng vụ như là tham dự thánh lễ, học giáo lý, lẽ đạo, làm việc Tông đồ bác ái. Đây là điều kiện chúng ta có thể tham dự vào bàn tiệc nước Trời.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca không cho biết là bữa tiệc gì, Ngài chỉ gọi trống là dụ ngôn bữa tiệc. Còn Tin Mừng thánh Mattheu thì nói rõ là dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử, nhưng ở phần nội dung thì giống nhau.

6/ Trước hết, chúng ta cần hiểu bữa tiệc hôm nay là bữa tiệc lớn, người ta thường mời những người bà con thân thiết, những người làm ăn sang trọng. Nhưng bữa tiệc hôm nay có cái gì đó không ổn, có điều gì đó bất thường, có thể Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì có ẩn ý. Chúng ta thử tìm hiểu xem .

7/ Nếu là một bữa tiệc lớn như tiệc cưới của hoàng tử thì tiệc càng lớn và thực khách lại càng đông, bàn ghế nhiều, thức ăn cũng thịnh soạn; nên chủ tiệc đã cho gởi giấy mời trước, rồi khi gần đến giờ nhập tiệc thì chủ lại sai đầy tớ đi nhắc một lần nữa kẻo họ lại quên mất chăng.

8/ Nhưng buồn thay, khách mời lại không đếm xỉa gì tới tấm thịnh tình của chủ tiệc. Người ta có rất nhiều lý do lảng xẹt để từ chối, ai cũng bảo là bận không đi được.

9/ Thái độ từ chối của họ xem ra thật khó hiểu. Làm sao họ có thể dửng dưng như vậy được? Những lý do họ đưa ra đều không tương xứng với tầm quan trọng của lời mời.

10/ Thái độ của chủ tiệc cũng lạ lùng không kém. Ông cho gia nhân đi mời tất cả mọi người mà họ gặp được tại các ngả đường, miễn sao đầy phòng tiệc là được.

11/ Qua Dụ Ngôn này, ý Chúa muốn dạy: Người Do Thái được Chúa chọn lựa và mời gọi vào vương quốc của Ngài, nếu họ cố tình từ chối, ông chủ sẽ cho thay thế bằng những người khác. Ơn cứu độ của Chúa sẽ được chuyển sang cho dân ngoại.

12/ Tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đều được mời. Nói rõ hơn, Thiên Chúa dự định mời một số người tham dự bữa tiệc mừng, nhưng nếu những ai coi mọi thứ khác quý hơn lời mời của Ngài, thì họ sẽ không được hưởng những thứ đáng ra là thuộc phần của họ.

13/ Thiên Chúa sẽ cất đi đặc quyền của họ, mà ban cho người khác xứng đáng hơn, bất kể là thành phần nào ,để cho những người tới sau vào dự tiệc mừng .

14/ Điều này được ám chỉ: Ơn gọi của dân Do Thái sẽ được thay thế bằng ơn gọi của dân ngoại. Vì thế cho dù chúng ta có được lời mời gọi, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ mà không phải tham gia hoặc chuẩn bị cho đủ tiêu chuẩn.

15/ Điều này cần được nó rõ hơn là: Cho dù chúng ta đã vào trong Giáo hội của Chúa Kito thì cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ được vào thẳng nước trời mà không phải làm gì hết.

16/ Khi hiểu rõ điều này, không ai trong chúng ta dám tự mãn, vỗ ngực xưng tên mình là dân Chúa chọn, mình là người có đạo, và coi thường anh em lương dân. Tốt nhất, chúng ta phải sống sao cho đúng "mác" của người Kito hữu là biết sám hối và sống mến Chúa yêu người, đó cũng là chiếc áo cưới mà chúng ta phải mặc để vào dự tiệc cưới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, làm người cũng có xác, có hồn, các Thánh cũng có xác thịt như con, các Ngài làm Thánh được thì con cũng phải làm được. Xin Chúa giúp con thu xếp để có đủ thời giờ đáp lại tiếng Chúa mời gọi, để con xứng đáng được dự bàn tiệc nước Trời. Amen. **R

 

Thứ tư, 04/11/2015

Đề tài: CÁI GIÁ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ KHI ĐI THEO CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 14, 25-33)

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:

26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

SUY NIỆM:

1/ Làm Môn Đệ của Chúa là theo Chúa để phục vụ mọi người. Có quá nhiều cách làm Môn Đệ, có quá nhiều cách phục vụ. Phục vụ người cùi như Cha Đamiên, phục vụ người nghèo như Thánh Terexa Calcutta, như Thánh Martin da đen.

2/ Theo Chúa là tiến bước trên con đường Thập Giá, là lựa chọn một con đường hy sinh, phục vụ. Đây là một hành trình khó khăn vất vả, nếu như trong lòng ta không có chút tình mến Chúa.

3/ Vì thế, nếu chúng ta muốn đi trọn con đường này, chúng ta phải chọn thứ hành lý gọn nhẹ, phải vất bỏ mọi thứ cồng kềnh không cần thiết (có thể là vợ con, anh em, xóm giềng), hay cả mạng sống của mình như Cha Đamiên, như các Thánh tử đạo.

4/ Chúng ta cần hiểu cho đúng nghĩa chữ dứt bỏ. Dứt bỏ vợ con không phải là ly dị, là trốn tránh nhiệm vụ, không phải từ bỏ cha mẹ theo cách của người con bất hiếu. Nhưng hàm ý rằng: Chúng ta phải yêu Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng ra đi, sẵn sàng hy sinh phục vụ người khác theo đúng như lời dạy của Chúa Giêsu.

5/ Từ câu nói của Chúa Giêsu: “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ…Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình”. Nhiều người khi đọc những câu này thì cho rằng Chúa chỉ nói với những Môn Đệ ngày xưa hay với những Linh Mục, Tu Sĩ ngày nay.

6/ Không! Chúa không chỉ nói với người đi tu, mà Chúa có ý nói với tất cả mọi người. Những câu nói của Chúa trên đây, chúng ta cần phải hiểu theo 2 nghĩa  / nghĩa đen áp dụng cho Tu Sĩ, còn nghĩa bóng thì áp dụng cho mọi mọi người .

7/ Nghĩa đen là hiểu nghĩa theo sát từng câu, từng chữ. Thì đây chính là điều kiện Chúa đòi nơi những người muốn đi theo Chúa, và thật sự những người đi tu phải sống theo đúng những gì Chúa nói .

8/ Trong cuộc đời của những vị Thánh đi tu, chúng ta thấy có rất nhiều vị đã áp dụng lời Chúa theo nghĩa đen, có vị đã bán hết tài sản, đem bố thí cho người nghèo, có những vị đã từ bỏ hết những chức quyền, danh vọng để đi theo Chúa.

9/ Có những vị đã từ bỏ hết gia đình, có những vị tự cắt tóc rạch mặt để khỏi trở thành dịp tội cho người khác. Đó là những cử chỉ anh hùng, nhưng không phải là mẫu số chung cho mọi người.

10/ Nhiều người đi tu cũng hiểu lời Chúa theo nghĩa đen. Lời Chúa trên đây: bỏ cha mẹ, anh em, bỏ gia đình mình, để đón nhận cộng đoàn mình đang sống làm gia đình, coi những người cùng chí hướng là anh em, họ hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng 3 lời khấn.

11/ Tuy nhiên, khi  hiểu những câu lời Chúa trên đây là Chúa nói với tất cả mọi người, thì câu nói đó chúng ta chỉ nên hiểu theo nghĩa là: Phải dành mọi ưu tiên cho Chúa, làm mọi việc chỉ để phụng sự Chúa mà thôi. Ngược lại, tất cả những gì cản trở ưu tiên đó, thì đều phải loại bị bỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin  giúp con luôn biết sống quên mình, để chỉ phụng thờ Chúa và phục vụ tha nhân mà thôi . Amen. **R

 

Thứ năm, 05/11/2015

Đề tài: ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-10)

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. 8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?

9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

SUY NIỆM:

1/ Đặc tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa rất ghét tội lỗi nhưng rất thương những kẻ có tội biết ăn năn hối cải. Luyện ngục dành cho những kẻ biết ăn năn nhưng chưa đền tội đủ, còn hỏa ngục chỉ dành cho những kẻ phạm tội nhưng lại chai lì trong tội. Ma quỷ cũng tin có Chúa nhưng chúng không hề yêu mến Chúa và không bao giờ chịu sám hối.

2/ Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng của lòng yêu thương vô cùng, nên có hiểu tượng là trái tim nằm bên ngoài lồng ngực, để cho mọi người thấy và có thể kiểm tra. Trái tim con người nằm bên ẩn bên trong lồng ngực cho nên dù miệng họ có nói yêu thương nhưng trong lòng họ không có chút tình yêu thương nào thì cũng chẳng ai có thể kiểm tra được.

3/ Trong xã hội Do Thái thời đó, người Do Thái rất ghét và khinh bỉ những người thu thuế và người tội lỗi. Thế nhưng Chúa Giêsu vẫn rất yêu thương, tới lui thăm viếng và dạy dỗ họ, nhằm đưa họ về đường ngay nẻo chính.

4/ Chúa Giêsu đến thế gian không phải chỉ để chết thay cho người công chính, mà cho cả những người tội lỗi. Tình thương của Chúa không loại trừ ai /  là Môn Đệ của Chúa, Chúa bảo chúng ta hãy sống bắt chước Ngài.

5/ Tin Mừng Luca nói rất nhiều về tình thương của Thiên Chúa qua các Dụ Ngôn: Người con hoang đàng, con chiên lạc, đồng tiền đánh mất, người phụ nữ ngoại tình, kẻ trộm lành.

6/ Người ta khám phá ra rằng: Con người dù tội lỗi đến đâu cũng có cơ may hối cải, để làm lại cuộc đời. Sự hư mất chính là do mình thiếu thiện chí hoặc mất niềm tin. Trái tim Chúa Giêsu luôn có dư chỗ dành cho kẻ có tội.

7/ Trong cuộc sống tại trần thế của Chúa Giêsu, có lẽ do lòng thương xót kẻ có tội mà Chúa đã bị người Phariseu và Kinh Sư chống đối khi họ thấy Chúa và các Môn Đệ dùng cơm tại nhà ông Levi, một kẻ mà dưới mắt họ là hạng tội lỗi công khai .

8/ Chính vì thấy Chúa dự tiệc với hạng thu thuế và tội lỗi nên họ rất tức giận và tìm đủ cách để mưu hại Chúa. Để trả lời họ, Chúa dùng ba Dụ Ngôn: con chiên lạc, đồng tiền đã mất và người con hoang đàng.

9/ Bài Tin Mừng hôm nay chỉ kể lại hai Dụ Ngôn. Cả 3 Dụ Ngôn này cùng nói lên một mục đích: Tìm lại những thứ đã mất.

10/ Khi nói lên điều này, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật sáng kiến của Thiên Chúa. Ngài luôn yêu thương các tội nhân, Ngài đi tìm họ và mời gọi họ mau trở về để chung hưởng niềm vui cùng Ngài.

11/ Bài Tin Mừng nhắc chúng ta: Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót, Ngài là một người Cha luôn thương xót và tha thứ cho chúng ta/  tình thương và sự tha thứ ấy luôn luôn vô điều kiện, Thiên Chúa lắng nghe nên luôn thấu suốt mọi tâm tư của chúng ta.

12/ Lòng nhân từ của Thiên Chúa  giúp chúng ta luôn tín thác và mừng vui. Chúng ta hãy thú nhận những yếu đuối, thiếu sót và lỗi lầm của chúng ta và tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ, chúng ta đừng bao giờ thất vọng vì mình tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa xót thương con và giúp con luôn biết yêu thương mọi người. Amen. **R

 

Thứ sáu, 06/11/2015

Đề tài: NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 16,1-8)

1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! 5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

SUY NIỆM:

1/ Thánh Phanxico Assi-si đã quyết tâm theo Chúa Giêsu nghèo khó nên Ngài đã từ bỏ tất cả những gì mà gia đình dành cho Ngài, để ra đi theo tiếng gọi của phúc khó nghèo mà Chúa Giêsu là vị Thầy chí thánh của ông mời gọi.

2/ Người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay đã dùng mưu mô xảo quyệt để đi tìm một lương lai hạnh phúc. Anh đã xử sự thật khôn ngoan, nhưng đây chỉ là sự khôn ngoan thế gian, theo kiểu khôn trên đầu trên cổ kẻ khác.

3/ Một người chấp nhận sống tinh thần khó nghèo, luôn lao động vất vả, chứ không làm giàu bằng những mưu mô gian trá. Đó là anh sống theo khôn ngoan của Thập Giá, của nước Trời, sự khôn ngoan của nước Trời luôn gắn liền với tất cả lao nhọc hy sinh, chứ không phải trên mồ hôi nước mắt của người khác.

4/ Trong cuộc mưu sinh của người Kito hữu, ta nên chọn lựa cách sống nào? Hoặc sống bằng tiểu xảo là cái khôn của thế gian, hay bằng cách sống chân thật là khôn ngoan của Thập Giá?

5/ Theo mô tả của bài Tin Mừng: một người quản gia được ông chủ trao cho quyền hành rộng rãi vì được ông chủ tín nhiệm. Giả như anh là một tôi tớ trung thành, chắc chắn anh sẽ được hưởng chung phần phúc với ông chủ. Thế nhưng anh có cách suy nghĩ lòng vòng, gian dối nên thay vì hưởng dùng từ từ, anh lại muốn hưởng dùng tất cả cùng một lúc, cho nên anh đã đi đến chỗ làm tiêu tan tài sản của ông chủ.

6/ Mặc dù bị anh phung phá tài sản, thay vì ông chủ phải đem bán anh như bán một tên nô lệ, hay cho anh vào tù như một tên phạm pháp mà luật ấn định; nhưng ông chỉ áp dụng một hình phạt nhẹ nhất là đuổi anh ra khỏi nhà.

7/ Đây cũng là một dịp tốt giúp anh hồi tâm suy nghĩ lại về lòng tốt của ông chủ, về những sai trái của mình. Anh không ngờ rằng: việc anh lem nhem sổ sách bấy lâu nay đã bị bại lộ.

8/ Từ khi anh được tin bị ông chủ sắp cho anh cho nghỉ việc, anh đã biết khôn khéo tính toán cho tương lai đời mình, anh tìm cách qua mặt ông chủ lần cuối và mong muốn bịt mắt mọi người một lần nữa.

9/ Anh đã cho gọi các con nợ cũ của ông chủ trước đây mà chính anh là người thay mặt chủ để ký khế ước cho họ vay mượn. Người nào anh cũng cho viết lại khế ước và giảm số nợ xuống còn phân nửa.

10/ Bọn họ trước đây là con nợ của ông chủ, bây giờ anh biến họ thành con nợ của anh bằng cách giảm bớt nợ đi như thế. Đó là anh đã mua chuộc bạn bè, mua chuộc tình cảm bằng những đồng tiền tham nhũng.

11/ Chúa Giêsu đã khen người quản gia bất lương này đã biết xử trí mưu lược, biết lo xa để khi mất việc, anh sẽ có những người thương giúp mình.

12/ Tại sao Chúa Giêsu lại khen cách làm bất lương này? Có phải làm như thế là Chúa đề cao , khuyến khích tội ác hay khen thưởng  sự bất lương của người quản gia này không ?

13/ Xin thưa không phải thế! Chủ yếu của Dụ Ngôn muốn dạy chúng ta rằng: Phải biết lo xa cho tương lai linh hồn mình. Người quản gia bất lương đã biết dùng tiền của ông chủ để kiếm thêm bạn bè cho lương lai đời mình.

14/ Chúa Giêsu không dạy chúng ta học thói tham nhũng, biển lận của người quản gia này, nhưng Chúa chỉ bảo chúng ta lo mà học cái tính phòng xa của anh ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cho dẫu chúng con có thua thiệt mất mát vì phải sống chân thật, nhưng xin Chúa hãy giúp con chọn lựa lối sống đúng nhất là chọn lựa sự khôn ngoan Thập Giá. Amen. **R

 

Thứ bảy, 07/11/2015

Đề tài: LỰA CHỌN CHO MÌNH MỘT MINH CHỦ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 16,9-15)

9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được."

14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Trong một dịp lễ lớn, tại một dòng kín nọ có mở một cổng dành cho giáo dân vào tham quan. Một vị khách kia vừa đi vừa nghĩ bụng rằng: Chắc những người vào tu ở đây toàn là những người ít học, nghèo khổ, vô gia cư mới bước vào tu ở đây thôi. Vừa lúc đó ông gặp một nữ tu đang đi ở hành lang, ông bèn hỏi: “Này chị, Giá như chị có một tòa nhà sang trọng như tòa nhà đối diện ở bên kia kìa, thì chị có vào tu ở đây không”. “Thưa ông , Đó là nhà của tôi đấy”, chị nữ tu khẽ đáp.

2/ Việc theo Chúa, việc làm Môn Đệ cho Chúa đòi ta phải có một sự lựa chọn, chọn giữa Chúa và tiền bạc, giữa hạnh phúc nước Trời và những vui thú xác thịt thế gian, giữa những tiện nghi vật chất và những thiếu thốn trong kiếp sống khó nghèo.

3/ Không phải Chúa không muốn chúng ta suy nghĩ về tiền bạc, bởi vì nếu sống mà thiếu tiền thì thật là khó cho cuộc sống làm người của chúng ta. Thế nhưng điều Chúa muốn dạy ta hôm nay là: Đừng coi tiền bạc như ông chủ, để rồi đời ta luôn lệ thuộc vào nó, sống hết mình vì nó và luôn xem nó như cứu cánh, như là cùng đích của cuộc đời.

4/ Tham lam là cội rễ mọi sự dữ, người tham lam chỉ nghĩ đến mình, bất chấp những thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Tham lam có thể như là một sự xúc phạm đến người khác, rồi cũng là xúc phạm đến Thiên Chúa.

5/ Vì tính cách nghiêm trọng của thói tham lam nên qua bài Tin Mừng Chúa Giêsu đòi hỏi: Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ.

6/ Tiền bạc tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó và coi nó như là cùng đích của cuộc sống. Thật ra tiền bạc không xấu, nó chỉ xấu do cách tìm kiếm và cách ta sử dụng nó, khi con người vì nó mà bóp chết lương tâm mình, chối bỏ mình, khước từ anh em, gạt bỏ Thiên Chúa / kẻ tham làm luôn là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Thật ra cũng chính họ hủy hoại đời mình và chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

7/ Tham lam đi đôi với lừa đảo, gian dối. Thế nhưng thà đốt lên một que diêm hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Chúng ta cần chống lại tính tham lam lừa đảo, ích kỷ ở ngay trong con người chúng ta.

8/ Chúa Giêsu dạy rằng: Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai dám tín nhiệm giao phó của cải chân thật cho anh em? Nếu chúng ta chưa loại bỏ tính tham lam, lừa đảo, gian dối trong những giao tế hằng ngày, liệu chúng ta có thể nào hô hào chống tham lam ở quy mô xã hội không.

9/ Tham lam ở mỗi con người có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ giúp đỡ, không muốn liên đới, không chịu cảm thông. Xét cho cùng Chúa ban của cải để mọi người dùng chung, cho nên tham lam, lừa đảo là muốn lấy phần người khác làm của riêng cho mình.

10/ Vì thế bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ sự khước từ chia sẻ nào, cũng đều là một hình thức tham lam. Của cải chỉ là phương tiện giúp chúng ta sống đúng nhân phẩm của mình, và giúp chúng ta tôn thờ một người chủ duy nhất là Thiên Chúa, là Chúa tể của vũ trụ muôn loài.

11/ Trong khi đi tìm những thứ cần cho cuộc sống, xin Chúa giúp chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng bậc thang giá trị nước Trời. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn xa hơn, biết thoát ra khỏi nó để gặp được Chúa qua cách chúng ta sống tốt và cảm thông chia sẻ với anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới mà người đời lấy của cải vật chất để làm thước đo cho mọi giá trị. Xin cho con dám gạt bỏ nó sang một bên để con tiến thẳng đến cùng Chúa. Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1764
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  114
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350418
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top