Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 1 MÙA VỌNG B 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần I  Mùa Vọng B (04/12 -> 09/12/2017)

Thứ hai, 04/12/2017

Đề tài: TIN TƯỞNG VÀ CẦU XIN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 8,5-11)

 5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin : 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’, là nó đi, bảo người kia : ‘Đến !’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”

SUY NIỆM:

1.  Theo lẽ thường tình, gia đình nào có khách quý đến thăm thì cũng rất lấy làm hãnh diện: Ông Đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay thay vì vui mừng khi có Chúa Giêsu đến thăm thì ông lại tỏ thái độ khiêm tốn, nhìn nhận rằng mình chẳng xứng đáng để Chúa đến nhà.

2. Ông đã bộc lộ niềm tin của mình qua việc cho rằng Chúa Giêsu là một con người quyền năng: Chúa không cần phải đến nhà ông, chỉ cần Ngài muốn thì một lời phán thôi, người đầy tớ của ông cũng sẽ được khỏi bệnh.

3. Bài Tin mừng ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho người đầy tớ của viên Đại đội trưởng: Bài Tin Mừng còn có ý trình bày về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu không chỉ dành cho người Do Thái mà thôi, mà còn dành cho những người lương dân có lòng tin nữa.

4. Viên đại đội trưởng này là người ngoại quốc, nhưng lại rất thực tình với người Do Thái khi ông đã bỏ tiền ra để giúp xây hội đường Capharnaum, cảm phục vì tấm lòng tốt đó, người Do Thái đã giới thiệu ông và xin Chúa Giêsu giúp đỡ ông (Lc 7,1-3).

5. Niềm tin mạnh mẽ của ông được thể hiện bằng việc làm: Ông đã đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ của ông, vì khi xin ai điều gì thì mình phải tin người đó có và sẵn sàng cho điều mình xin.

6. Ông có một lòng tin mạnh mẽ. Ông đã xin Đức Giêsu chữa bệnh từ xa, chứng tỏ rằng ông tin vào bản thân của Chúa hơn là việc Chúa làm; đó là đức tin đích thực và đức tin này biểu lộ cách khiêm nhường.

7. Ông là người vừa có địa vị, vừa có chức quyền nhưng lại đến xin Đức Giêsu, một người Do Thái, một người chẳng có chức quyền địa vị gì trong xã hội.

8. Ông tự xưng mình là người không đáng được Chúa Giêsu đến nhà: Vì ông biết luật người Do Thái cấm tiếp xúc với người lương, nhưng nhất là vì ông khiêm tốn và rất cảm phục trước thế giá của Chúa Giêsu.

9. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì người ngoại kiều này chẳng hề biết Chúa, thế mà ông lại tin tưởng cách mạnh mẽ như vậy và người đã không tìm thấy được lòng tin nào mạnh mẽ như thế ở nơi người Do Thái là những người đã từng chứng kiến phép lạ, đã từng lắng nghe lời Chúa giảng.

10. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng, đồng thời Chúa cũng loan báo trước cho người Do Thái biết rằng: Rất nhiều người trong bốn phương thiên hạ sẽ được gia nhập nước trời, còn con cái trong nhà sẽ bị tống ra nơi tối tăm vì đã không chịu tin.

11. Lời loan báo của Chúa Giêsu rất có giá trị: Chúa sửa sai quan niệm hẹp hòi của dân Do Thái về ơn cứu độ, họ cho rằng chỉ có người Do Thái mới được ơn này (Yn 22,18).

12. Chúa Giêsu muốn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ bằng cách kêu gọi muôn dân đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa: Chúa Giêsu không dựa vào bất cứ điều kiện ưu tiên nào của dân Do Thái, nhưng chỉ dựa vào tư cách là con cái Thiên Chúa, dành riêng cho những ai tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là con Thiên Chúa.

13. Thái độ khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của Viên sĩ quan là bài học để chúng ta áp dụng  vào cuộc sống hôm nay. Mọi sự đã có Chúa lo liệu, phần chúng ta chỉ cần cậy trông, kêu xin Chúa ban ơn và hết lòng cộng tác với ơn Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống khiêm nhường, để xứng đáng được Chúa ban nhiều ơn. Amen.***

 

 

Thứ ba, 05/12/2017

Đề tài: AI LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 10,21-24)

21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho." 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

SUY NIỆM:

1/ Một nông dân Xứ ARS, mỗi ngày trước khi ra đồng làm việc, ông đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện trong giây lát. Có người hỏi: Ông vào đó làm gì? Với tấm lòng đơn sơ, ông đáp: Tôi vào bàn chuyện với Chúa, hỏi xin ý kiến trước khi làm việc.

2/ Đức Giêsu dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha, vì Chúa Cha đã Mạc Khải cho những kẻ đơn sơ biết về thánh ý Chúa. Chúa Giêsu cũng tạ ơn vì 72 Môn Đệ vừa ra đi rao giảng trở về.

3/ Các ông thuộc tầng lớp quê mùa ít học, nhưng lại được cộng tác vào công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Chúa cũng liên tưởng đến những người không đón nhận Tin Mừng vì lòng trí họ quá kiêu căng tự mãn, cứ cho mình là khôn ngoan thông thái, họ đã khước từ sự hiện diện của Chúa và họ sẽ phải chết trong sự thông thái ngu ngốc của họ.

4/ Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, mọi việc không diễn ra theo cách hiểu của loài người. Thiên Chúa chỉ dùng những người đơn sơ bé mọn để thông truyền Mạc Khải của mình. Chúa Giêsu biết đó là ý muốn của Chúa Cha và Ngài cảm nghiệm điều đó bằng một tâm tình tạ ơn.

5/ Chính sự hồn nhiên, đơn sơ của tâm tình trẻ thơ giúp cho họ nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Chính vì đơn sơ nên họ phó thác trọn vẹn vào Tin Mừng và những người bé mọn sẽ khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh em mình.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay có 2 phần: Thứ nhất là lời nguyện tạ ơn của Chúa Giêsu vì đã ban ơn đặc biệt cho những kẻ bé mọn là họ được biết Ngài và biết Chúa Cha.

7/ Phần thứ hai Chúa Giêsu nói về niềm vinh hạnh của các Môn Đệ: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều anh em thấy, và phúc thay tai nào nghe được những điều anh em nghe”.

8/ Sau khi tổ tông phạm tội bất trung, Thiên Chúa đã không ruồng bỏ con người, nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương và hứa sẽ ban cho nhân loại một Đấng cứu thế.

9/ Lời hứa ấy luôn sống mãi trong tâm trí con người hết đời nọ qua đời kia, cho nên lúc nào các Ngôn Sứ cũng nói lên lời chờ mong Đấng cứu thế đến.

10/ Rồi cũng đến lúc Chúa cứu thế xuất hiện. Ngài chính là Chúa Giêsu Thành Nazaret mà các Môn Đệ từng xem thấy, đó là niềm hạnh phúc nhất mà Chúa Giêsu nói với các Môn Đệ trong bài Tin Mừng.

11/ Chính các Môn Đệ là người đơn sơ, chất phát, khiêm nhường. Họ là những kẻ bé mọn đã được Thiên Chúa Cha tỏ cho họ biết: Thầy của họ chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu thế mà muôn dân trông đợi. Không những các Môn Đệ được xem thấy Ngài mà họ còn được tham sự vào cuộc sống của Chúa cứu thế.

12/ Các Tông Đồ là những người được đi theo Chúa, được sống với Chúa, được nghe giáo huấn, được thấy tận mắt các phép lạ Chúa làm, còn được trở thành cộng sự viên, và còn là những người tiếp tục duy trì và truyền bá công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.

13/ Quả thật, các Môn Đệ là những người có diễm phúc được thấy Chúa, được nghe Chúa giảng, điều mà các Ngôn Sứ từng ước áo nhưng không được.

14/ Đối với chúng ta, những người của thế kỷ 21, chúng ta không được thấy gương mặt nhân loại của Chúa Giêsu, chúng ta không được nghe Chúa giảng dạy. Vậy chúng ta có phải là người hạnh phúc không?.

15/ Thưa có! Mặc dù Chúa đã về trời, nhưng niềm tin vào Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện trên trái đất, một sự hiện diện thiêng liêng vô hình, bởi vì Chúa vẫn sống trong lòng Giáo hội và trong tất cả những ai thuộc về Giáo hội.

16/ Chúng ta đừng hiềm tỵ, so bì với các Tông Đồ, với bà Maria Madala, với ông Giakeu, và với biết bao người khác, những người được diễm phúc trò chuyện thân mật với Chúa. Bởi vì ngày nay, Chúa vẫn ở với chúng ta, vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, chúng ta vẫn luôn gặp Chúa, trò chuyện với Chúa, nghe Chúa giảng mỗi khi chúng ta nghe Linh Mục giảng, đọc sách Thánh, lãnh các Bí tích, mà chúng ta còn thường xuyên gặp Chúa trong những người anh em nghèo khó, đói khổ xung quanh chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống khiêm tốn để trở nên bé mọn, xứng đáng là con cái thấp hèn và được Chúa thương yêu như Chúa đã làm với các Môn Đệ ngày xưa. Amen.**R

 

Thứ tư, 06/12/2017

Đề tài: THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 15,29-37)

29 Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành,31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en. 32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."33 Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? "34 Đức Giê-su hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ."35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất.36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.38 Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.39 Sau khi giải tán đám đông, Đức Giê-su lên thuyền, sang miền Ma-ga-đan.

SUY NIỆM:

1/ Câu chuyện của bà Howell vào thập niên 1960 của thế kỷ trước: bà sinh ra một đứa con bị bại não, thay vì gửi cậu ta vào cơ sở từ thiện, nhưng vì tình yêu thương, bà đã quyết định giữ đứa con lại để nuôi. Về sau cậu bé John Paul ngày xưa ,nay đã thành danh trong xã hội và người mẹ này đã được chọn làm người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ vào năm 1996.

2/Chúa Giêsu thấy đám đông lũ lượt kéo đến với Người, trong đó có nhiều người bệnh tật, đui mù, câm điếc, què quặt và Chúa Giêsu đã chữa lành tất cả. Đây là cách Chúa tỏ lòng thương xót.

3/Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác mà còn chữa lành linh hồn họ. Qua hành động này, mọi người đều nghiệm ra tình thương của Thiên Chúa.

4/Là con Chúa, là môn đệ, chúng ta cũng biết chạnh lòng thương. Phải biết giúp đỡ tha nhân, để mọi người ai cũng nhận ra tình thương của Thiên Chúa được thể hiện ở giữa con cái loài người.

5/Trong 3 năm giảng dạy của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng đều kể lại 2 lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ hôm nay là lần thứ 2. Ở hai phép lạ, có nhiều chi tiết khác nhau.*

6/Phép lạ hôm nay bao gồm dân chúng ở nhiều nơi kéo đến đi theo Chúa đã 3 ngày. Số bánh lần này có 7 cái, còn cá thì không rõ là mấy con. Nơi xảy ra phép lạ là miền thập tỉnh, là nơi vắng vẻ gần bờ hồ phía đông biển hồ Tiberiat. Lần này số bánh thừa là 7 thúng, số người ăn bánh là 4 ngàn. Phép lạ hôm nay là do lòng thương xót của Chúa.

7/Phép lạ lần trước: Dân chúng ở Caphana-um, số bánh là 5 cái và 2 con cá. Nơi xảy ra phép lạ là miền Cesare Philipper. Số bánh thừa là 12 thúng đầy, số người ăn bánh là 5 ngàn người, là do sáng kiến của các Tông đồ. Phép lạ nầy để chuẩn bị Đức Tin.

8/Sách Tin Mừng ghi lại nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm như chữa bệnh tật, cho người chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, khiến sóng gió lặng yên. Chúa làm phép lạ vì lòng thương người và cũng vì thương các Tông đồ vì họ thiếu lòng tin.

9/Như vậy Chúa Giêsu đến để chỉ cho mọi người thấy tình thương của Thiên Chúa. Ngài không phân biệt già trẻ, nam nữ, giàu nghèo. Chúa yêu thương cách riêng những kẻ đau yếu bệnh tật, những kẻ buồn phiền, sầu khổ. Ngài còn yêu thương đặc biệt những tội đồ. Chính vì yêu thương nên Chúa đã làm phép lạ để cứu chữa phần xác, phần hồn.

10/Vì Thiên Chúa là Đấng xót thương, nên Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng nghĩ. Thiên Chúa biết rõ từng người trong chúng ta cho nên Ngài không bao giờ ghét bỏ cho dù chúng ta luôn là những con người tội lỗi. Nếu chúng ta có tự khiển trách mình, thì Thiên Chúa cũng luôn an ủi và ban ơn nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta can đảm, kiên trì chịu đựng.

11/Chúa luôn nhắc nhở chúng ta: Gian truân đau khổ chỉ là tạm thời. Chúa sẽ gợi lên niềm vui trong lòng chúng ta, để chúng ta can đảm trở nên chứng nhân hy vọng ngay trong lúc chúng ta đang sầu khổ.

12/ Nếu chúng ta luôn xác tín rằng: Thiên Chúa đầy tràn tình yêu thương, bàn tay Ngài đang hướng dẫn mọi sự. Ngài có thể biến điều ác ra điều lành, thì cho dù gặp bất kỳ hoàn cảnh khốn khó nào, chúng ta cũng đừng nên nao núng, sợ hãi, và nhất là không nên nghi ngờ tình thương của Chúa. Chúng ta nên tin tưởng cậy trông phó thác vào Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương của Chúa, để con biết đền đáp công ơn qua việc san sẻ tình thương đó cho anh em con .Amen **R

 

Thứ năm, 07/12/2017

Đề tài: THỰC THI Ý MUỐN CỦA CHA

THÁNH AMBROSIO – GIÁM MỤC, TSHT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 7,21.24-27)

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

SUY NIỆM:

1. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là điều mà Chúa muốn chúng ta làm: Lời Chúa chỉ mang lại sự sống đời đời cho những ai quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy, Tin Mừng sẽ trở nên niềm vui mừng cho những ai biết đón nhận và đem ra sống.

2. Đối với Chúa Giêsu, việc thực hành Lời Chúa mang một ý nghĩa rất quan trọng, đừng chỉ biết nghe suông nhưng phải biết làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái; bằng cách kiên trì sống Lời Chúa qua các việc làm cụ thể => Có như thế chúng ta mới trở nên con người khôn ngoan khi xây nhà trên đá.

3. Bài Tin Mừng là một Dụ Ngôn hai người xây nhà. Một người khôn xây nhà trên đá, một người dại xây nhà trên cát => Đó là hình ảnh của 2 người khi nghe Lời Chúa, môt người đem ra thực hành, còn người kia thì không.

4. Bài học Chúa Giêsu muốn dạy hôm nay là: Không những chúng ta phải đọc, nghe, hiểu và tin vào Lời Chúa mà còn phải đem ra thực hành, đó mới là người khôn ngoan.

5. Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là tiêu chuẩn đạo đức cho hết mọi người muốn sống tốt, dành cho mọi thời đại.

6. Lời Chúa là lời ban ơn cứu rỗi,  là lời ban sự sống: Lời ấy sắc bén và linh nghiệm như gươm hai lưỡi, nhưng điều quan trọng là phải làm sao cho lời ấy đem lại kết quả.

7. Trước hết phải biết lắng nghe Lời Chúa, phải chịu khó học hỏi và suy niệm: Phải nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phát, đi theo Chúa khắp nẽo đường Palestine.

8. Phải chịu khó học hỏi Lời Chúa như cô Maria Madala ngồi bên chân Chúa.  Phải suy gẫm Lời Chúa như mẹ Maria, mẹ đã ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

9. Sau khi nghe, phải hiểu, phải tin! Vì khi hiểu Lời Chúa thì lời ấy mới ảnh hưởng tới tận cõi lòng, như gốc cây ăn sâu vào trong lòng đất, rễ càng sâu, cây càng vững, càng sinh nhiều hoa trái.

10. Càng hiểu Lời Chúa và để Lời Chúa ăn sâu vào lòng, thì Lời Chúa càng phát triển, càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Sau đó phải tin vào Lời Chúa và Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có biết bao điều mầu nhiệm vượt qua ngoài lý trí cũng như sự hiểu biết của con người. Cho nên cần phải tin mạnh mẽ mới có thể chấp nhận những mầu nhiệm ấy.

11. Sau khi hiểu, sau khi tin mà còn phải đem Lời Chúa ra thực hành: Lời Chúa dù có quý, có tốt đẹp đến đâu mà không đem ra thực hành thì cũng trở thành vô dụng.

12. Chúa Giêsu cho thấy điều này qua hình ảnh người xây nhà mà Chúa cho là khôn/ và dại: Khôn dại ở đây chính là thái độ của họ đối với Lời Chúa, ai đem ra thực hành là người khôn, ai không thực hành là dại.

13. Chúa bảo chúng ta phải không ngoan, khôn như người xây nhà trên đá: Khôn ngoan là nghe và thực hành Lời Chúa => Liệu chúng ta có sự khôn ngoan đó không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và can đảm đem ra thực hành mọi lúc, mọi nơi. Amen! ***

 

Thứ sáu, 08/12/2017

Đề tài: MỪNG KÍNH ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI .

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 1,26-38)

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" 35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM:

1/ Vào năm 1830, Đức Mẹ đã xưng mình là Đấng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” khi ban ảnh đức Bà cho Thánh Nữ Catarina Labourê tại tu viện của chị.

2/ Ngày 08/12/1854, Giáo hội hân hoan đón nhận lời long trọng tuyên tín của Đức Pio 9: Rất thánh trinh nữ Maria là Đấng “Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

3/ Qua biến cố truyền tin, Sứ thần cũng đã đề cập đến một tước hiệu khác của Đức Maria: Đấng đầy ơn sủng. Lời chào của Sứ thần, cũng là lời khẳng định của Đức Mẹ Maria là nữ tỳ , được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, sự yêu thương này được thể hiện qua đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”.

4/ Tất cả con cháu Adam không ai có thể thoát khỏi tội nguyên tổ, ngoại trừ Đức Maria. Mẹ được diễm phúc này, vì Mẹ đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể cứu độ nhân loại.

5/ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là gì? Trước hết chúng ta cần biết tội nguyên tổ là thế nào? Theo Kinh Thánh và Giáo lý công giáo dạy rằng: Tổ tông loài người được Thiên Chúa ban cho mọi ân sủng để loài người được chia sẻ hạnh phúc với Ngài.

6/ Nhưng ông bà đã nghe ma quỷ đội lốt con rắn cám dỗ ,ông bà phạm tội trái lệnh Chúa là ăn trái cấm. Như vậy tội mà tổ tông phạm không phải là mê ăn, nhưng là tội bất tuân lệnh Chúa và kiêu ngạo không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, muốn trở nên giống Thiên Chúa.

7/ Hậu quả của tội nguyên tổ mà ông bà phạm, chẳng những gây thiệt hại cho chính ông bà, mà còn lưu truyền hình phạt ngàn đời cho con cháu. Có nghĩa là tất cả con cái loài người đều mắc phải tội tổ tông ấy và phải mang lấy hậu quả do tội nguyên tổ truyền lại.

8/ Tuy nhiên trong tất cả con cái loài người, chỉ một mình Đức Mẹ không vướng mắc tội này. Đó gọi là đặc ân vô nhiễm nguyên tội.

9/ Vô nhiễm nguyên tội không có nghĩa là Đức Mẹ sinh ra một cách đặc biệt về mặt thể lý, cũng không có nghĩa là việc một con người sinh ra, là kết quả của một mối tình vợ chồng có mang một cái gì đó ô uế.

10/ Không phải thế! Vì khi trong gia đình có một con người nào sinh ra, thì đó là một biến cố thánh thiện, hợp với ý định của Thiên Chúa. Vì thế giáo thuyết về vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ không có chút liên hệ gì với những điều hiểu lầm trên đây.

11/ Vậy thì qua 4 tiếng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Maria, Hội thánh muốn quả quyết rằng: Đức trinh nữ Maria rất Thánh, là Mẹ Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa ban cho ân thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ bằng vào công nghiệp của Chúa Giêsu con của Mẹ. Nghĩa là Thiên Chúa đã áp dụng hiệu quả của ơn cứu chuộc cho Mẹ trước tiên , do công nghiệp của Chúa Giêsu con Mẹ thực hiện.

12/ Do những ân thánh sủng vừa nêu ở trên, nên Mẹ Maria không có giây phút nào ở trong tình trạng gọi là tội nguyên tổ. Mà tội nguyên tổ không gì khác hơn là tội đánh mất ơn thánh sủng của Thiên Chúa trong con người, mà hậu quả này chính là do tội của con người đầu tiên phạm vào buổi đầu tiên của lịch sử nhân loại.

13/ Vậy ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ Maria chỉ mang ý nghĩa là: Ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ, Mẹ đã có đời sống ơn thánh trong tâm hồn, không phải là do công lao của Mẹ, nhưng là do Thiên Chúa ưu ái cách riêng. Để nhờ vào sự tràn đầy ơn thánh trong buổi đầu đời của Mẹ, mà Mẹ có đủ tiêu chuẩn để trở thành Mẹ Thiên Chúa.

14/ Như vậy Mẹ Maria đã nhận được ơn cứu chuộc cách đặc biệt. Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng cách giải thoát chúng ta khỏi tội nguyên tổ. Nhưng khi Ngài cứu chuộc Mẹ thì Ngài lại gìn giữ Mẹ khỏi phải vướng mắc vào tội đó. Đây là nội dung giáo huấn mà Đức Pio 9 đã long trọng truyên bố thành tín điều vào ngày 8/12/1854 cho mọi người công giáo.

15/ Riêng thánh Yoan Tẩy Giả cũng được phúc được tẩy sạch tội lỗi khi còn ở trong lòng Mẹ, nhưng Yoan không phải là vô nhiễm nguyên tội. Bởi vì thời gian ở trong bào thai của ông trước khi được Chúa Giêsu đến viếng thăm, thánh nhân cũng phải mang vết tích của tội do ông bà nguyên tổ để lại.

16/ Còn chúng ta khi chịu phép rửa tội, chúng ta cũng được tẩy sạch vết tích của tội nguyên tổ. Tuy nhiên hậu quả của tội ấy vẫn còn gây ảnh hưởng trên con người chúng ta.

17/ Lý do tại sao Mẹ lại được đặc ân “Vô nhiễm”: Thưa, bởi vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đây là đặc ân cao quý và duy nhất, và là nguồn gốc của mọi ơn khác, vì Mẹ là Mẹ đấng cứu thế. Nếu Đức Mẹ đã từng sống trong tội, thì người con do Mẹ sinh ra cũng phải ở trong tình trạng tội lỗi. Điều này không thể nào xảy ra được nơi Chúa Giêsu. Vì thế Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ không có giây phút nào vướng mắc tội lỗi cho dù là tội nhỏ mọn đến đâu.

18/ Tín điều này rất quan trọng trong đời sống chúng ta: Thứ nhất là nhờ Mạc Khải này mà chúng ta có thể học hỏi và hiểu được Đức Mẹ một cách hoàn hảo hơn, nhờ đó chúng ta mới nhận ra mình có một người Mẹ thật xứng đáng, hoàn hảo, tuyệt mỹ. Vì vậy chúng ta có thể yêu mến Đức Mẹ hơn các tạo vật khác, chúng ta sẽ rất hãnh diện vì có một người Mẹ thánh thiện như vậy.

19/ Thứ hai, Mẹ Maria là một thụ tạo được cứu rỗi một cách đặc biệt như vậy. Đây là niềm hy vọng báo trước rằng chúng ta cũng sẽ được cứu rỗi như vậy.

20/ Nhờ đặc ân này mà Đức Mẹ sẽ trợ giúp chúng ta, và niềm cậy trông của chúng ta sẽ vững chắc hơn. Và đây cũng là động lực giúp chúng ta sống giống Mẹ ở mức độ sạch tội cho dù là mức độ đó thấp kém hơn. Nhờ thế, chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc trường sinh như Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết quý trọng đức trong sạch vì sẽ được Thiên Chúa thương yêu chúc phúc như thế nào. Xin Mẹ giúp con sống như sen giữa bùn lầy, như hoa huệ giữa bụi gai, để không bao giờ chúng con bán rẻ linh hồn mình cho những thứ dơ bẩn trần thế. Amen.**R

 

Thứ bảy, 09/12/2017

Đề tài: LOAN BÁO TIN MỪNG NƯỚC TRỜI

KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SÀI GÒN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 9,35 – 10,1.6-8)

9 35 Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
6 Đức Giê-su sai các ông đi và chỉ thị rằng : “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

SUY NIỆM:

1. Xã Hội ngày nay, con người khó lòng còn chút cảm xúc trước nỗi đau của kẻ khác. Lối sống hưởng thụ đã khiến cho lớp thanh niên ngày nay chỉ nghĩ đến cá nhân của mình và quên hết mọi tình cảm phải dành cho cả những người chung quanh => Vì thế liên kết xã hội giữa người với người đã trở nên quá nhạt nhẽo, lỏng lẻo, cách xa.

2. Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi đối diện với một đám đông lầm than vất vả như bầy Chiên không người chăn dắt. Cũng vì Chúa nhận ra nhu cầu nơi mỗi tâm hồn con người, nên Chúa đã nói với các Môn đệ là: “Hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt ra gặt lúa về”.

3. Hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt: Đó là hãy cầu nguyện cho việc truyền giáo; và Chúa cũng kêu gọi mọi người hãy biết cộng tác với ơn Chúa là hãy trở nên những người thợ nhiệt thành làm việc trên cánh đồng truyền giáo.

4. Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy tìm cách dẫn đưa các linh hồn về với Chúa. Bởi vì noi gương Chúa, chúng ta không thể để cho nhiều linh hồn anh em phải sống vất vưởng, sống xa cách Thiên Chúa. Trái lại chúng ta phải biết quan tâm và tìm mọi cách giúp các linh hồn đến với Chúa để họ được đón nhận sự sống đời đời như chúng ta.

5. Trong năm thứ nhất đời công khai, Chúa Giêsu đã đi rao giảng nhiều nơi: Đi đến đâu, Chúa cũng thấy dân chúng thật là đáng thương, bởi vì họ bị nhóm lãnh đạo Do Thái Giáo bắt họ tuân giữ những luật lệ khắt khe, và điều đó sẽ không đưa họ đến nguồn hạnh phúc đích thực. Vì thế Chúa động lòng thương xót họ, Ngài kêu gọi thêm các cộng sự viên để cùng với Người lo chăm sóc dân chúng bằng sứ vụ truyền giáo.

6. Bài Tin Mừng này trình bày cho chúng ta về việc Thiên Chúa bày tỏ tình trạng yêu thương nhân loại, qua việc sai các Tông Đồ đi thực tập truyền giáo!

7. Chúa đi khắp các Thành thị, là Chúa có ý muốn nói đã đi qua rất nhiều thành thị chứ không phải là đi qua hết mọi thành thị.

8. Chúa thi hành sứ mạng cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin Mừng nước trời và chữa lành các bệnh tật. Ngài thi hành sứ vụ như vậy là để trung thành với Thánh ý Chúa Cha, đồng thời Ngài cũng là mẫu gương cho các Tông đồ và những người làm việc Tông đồ sau này.

9. Chúa Giêsu đi rao giảng rất nhiều nơi, Chúa có ý dạy các Tông Đồ phải đi khắp nơi, nơi này đến nơi khác chứ không phải cắm chốt một nơi để tìm sự thoải mái.

10. Rao giảng Tin Mừng, là chỉ vẻ cho người ta biết cách sống giáo huấn của Chúa để được vào nước trời.

11. Chữa lành bệnh tật, là chăm sóc đời sống tinh thần cho dân chúng.

12. Chúa chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vả, là những người nghèo đói bệnh tật đến với Chúa.

13. Bầy Chiên không người chăn dắt, là họ đang sống dưới sự dẫn dắt mù quáng và khắt khe của đám luật sĩ, khiến họ không thể đón nhận Tin Mừng của Chúa.

14. Chúa nhìn đám đông dân chúng đang cần những Mục Tử tốt lành chăm sóc như là mùa gặt đã đến rồi.

15. Quyền thuê thợ gặt là quyền của chủ ruộng, quyền đi truyền giáo là quyền của Thiên Chúa ban cho, vì thế thợ gặt lệ thuộc vào ông chủ.

16. Lúa chín đầy đồng, nói lên tính cách cần thiết và cấp bách của vụ mùa, dân chúng lầm than bơ vơ nói lên sự cần thiết phải có thợ gặt lành nghề.

17. Chúa dạy các Môn Đệ phải xin chủ, là ý Chúa muốn dạy chúng ta thông phần vào mối ưu tư truyền giáo và thông công cả vào việc có thêm thợ gặt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con trở nên khí cụ trong bàn tay của Ngài, để con cùng cộng tác với Giáo hội và đưa nhiều anh em về với Chúa. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1670
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  1069
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403885
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top