Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 3 MÙA VỌNG B 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần III Mùa Vọng B (18/12 -> 23/12/2017)

Thứ hai, 18/12/2017

Đề tài: MAU MẮN THỰC THI Ý CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 1,18-24)

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

SUY NIỆM:

1/ Bài Tin Mừng khép lại bằng một hình ảnh đẹp: Tỉnh giấc Thánh Giuse trỗi dậy thi hành Thánh ý Thiên Chúa như lời Sứ Thần truyền.

2/ Thánh Giuse không chần chừ, không do dự, không nghi ngờ: Thánh Giuse khiêm hạ vâng lời Thiên Chúa để đón Đức Maria về nhà mình, Thánh Giuse hoàn toàn từ bỏ những dự định riêng, chỉ để thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, Thánh nhân đã cộng tác hết mình với Thiên Chúa, bảo trợ và gìn giữ Mẹ Maria và hài nhi trải qua những lúc ngặt nghèo!

3/ Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa tùy theo địa vị và bậc sống của mình. Chúng ta có dám từ bỏ những kế hoạch riêng để vâng theo Thánh ý Chúa không?

4/ Đối với cách suy nghĩ của người Tây Phương, các mối liên hệ trong Kinh Thánh thật rắc rối: Giuse hứa hôn với Đức Maria, nhưng Giuse âm thầm muốn ly dị. Sau đó Maria lại được gọi là vợ của Giuse, các mối liên hệ này tiêu biểu cho thể thức hôn nhân Do Thái, có 3 bước như sau:

5/ Hứa hôn Khi hai bạn còn nhỏ, chưa ai biết ai, sự hứa hôn này thường do cha mẹ hoặc người làm mai mối ấn định. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tùy thuộc và sự đam mê và tình cảm của con người được.

6/ Đính hônLà xác nhận sự hứa hôn khi trước; vào lúc này thì sự hứa hôn giữa cha mẹ chủ xướng hoặc do mai mối ấn định, có thể bị xóa bỏ nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn độ chừng 1 năm, trong năm đó đôi bạn được kể là vợ chồng cho dù họ không có quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ còn một cách là ly dị. Trong luật Do Thái, nếu trong năm này người con gái có vị hôn phu bị chết thì đượcgọi là “trinh nữ góa”, Maria và Giuse đang ở trong giai đoạn này vì họ đã đính hôn. Nếu Giuse muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này thì chỉ còn cách là ly dị vì theo luật thì trong năm này Maria được kể là vợ của Giuse rồi!

7/ Hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn này: Nếu dựa vào phong tục cưới gã thì mối quan hệ của 2 người trong đoạn trích này là hoàn toàn bình thường và rõ ràng.

8/ Chính trong giai đoạn này, Giuse được báo tin là Maria đã có thai bởi Chúa Thánh Thần và ông phải đặt tên cho con trẻ đó là Giêsu: Tiếng Hy Lạp tương đương với tên Do Thái là Yoshua có nghĩa “Đức Chúa là sự cứu rỗi”

9/ Giuse được báo: Con trẻ sinh ra, lớn lên sẽ làm Chúa Cứu Thế, Đấng sẽ cứu dân mình khỏi tội, Chúa Giêsu được sinh ra để làm Đấng Cứu Thế hơn là để làm vua, Chúa đến thế gian không phải vì Ngài nhưng vì loài người và để cứu chuộc chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con luôn thực hiện điều đẹp ý Chúa bởi vì Ngài là Thiên Chúa Đấng cứu độ của con. Amen

 

Thứ ba, 19/12/2017

Đề tài: HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca  (Lc 1,5-25)

5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên. 8 Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông. 9 Theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11 Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. 13 Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. 15 Vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Em sẽ không uống rượu và thức có men. Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” 19 Sứ thần đáp : “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử cứu độ không khác nào một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Chàng hoàng tử và cô bé lọ lem.

2/ Dacaria và Elizabet đã già nhưng không  thể có con: Trong con mắt người đời thời bấy giờ thì họ là những kẻ bị nguyền rủa, người đời cũng có câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại” (Mạnh Tử). Thật là tuyệt vời khi họ được chính Thiên Chúa can thiệp và giải oan cho họ, Thiên Chúa đã biến sự nguyền rủa của người đời thành một ân phúc lớn lao.

3/ Đầu óc con người quá bình thường đến độ nông cạn, nên khi đối diện với những sự gì kỳ lạ, mầu nhiệm thì chúng ta khó lòng chấp nhận. Đây là lý do tại sao Ông Cacaria bị phạt, đây là vấn nạn chung của con người từ trước tới nay.

4/ Thiên Chúa rất yêu thương con người nên vẫn có cách nào đó để Ngài can thiệp, nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng liệu chúng ta có dám tin nhận và can đảm thực thi ý Chúa hay không ?

5/ Bài Tin Mừng kể lại hoàn cảnh neo đơn, buồn tủi của gia đình ông bà Dacaria, và đồng thời cho biết thái độ của ông Dacaria khi sứ thần đến báo tin vui cho ông.

6/ Dacaria sống ở làng A-in Karim, một làng ở phía Tây Nam Yerusalem. Ông sống nghề tư tế cha truyền con nối, Do Thái có 24 ngành tư tế, ngành của Dacaria đứng vào hàng thứ 8. Theo sách Thánh kể lại, ngành này tuy hoa lợi khá, nhưng không mấy nổi danh và còn có những khuyết điểm đáng trách. Bà Elizabet thuộc dòng dõi Aharon cũng là hàng tư tế. Thời xưa cũng tính theo kiểu môn đăng hộ đối, như thế dù không phải là luật buộc nhưng Gioan ra đời là kết tinh của 2 dòng tộc tư tế để dễ hoàn thành sứ mệnh của mình. Gioan ra đời cũng cất đi nỗi ô nhục của 2 gia đình và 2 gia tộc song thân. Bởi vì theo quan niệm Đông Phương cũng như của Cựu Ước, không có con là mối nhục, là nỗi bất hạnh, là bị Thiên Chúa phạt.

7/ Dacaria thuộc dòng dõi danh giá, là một con người rất tốt lành, nhưng lại mắc vào lỗi khiếm khuyết trong giờ khắc quyết định, nghĩa là đang khi ông dâng hương trong đền thờ Yerusalem thì sứ thần Chúa đến loan báo cho ông biết: Thiên Chúa sẽ ban cho gia đình ông một người con, đồng thời cũng cho biết sứ mạng của người con này, thì ông đâm ra nghi ngờ vì hai vợ chồng ông đều đã cao niên lại son sẽ thì làm sao sứ thần có thể thực hiện được trong hoàn cảnh như vậy.

8/ Dacaria có tư tưởng tầm thường, nhân loại, lòng tin của ông chưa đủ cao và cũng chưa được đào sâu: Bằng một giọng đầy trách cứ, Sứ Thần cho biết: Ngài là sứ giả chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, được sai đến với ông, điều đó hẳn đủ để ông phải tin; nhưng thật ra điều đó chỉ đủ cho những kẻ có lòng tin mạnh thì mới rõ rằng: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự và quyền năng của Thiên Chúa được khởi đầu ở chỗ mà khả năng con người cảm thấy bị bế tắc, bị giới hạn vì sự yếu kém, bất toàn của mình.

9/ Dacaria đón nhận Lời Chúa cách sai lệch nên từ nay ông chỉ có thể ra dấu mà không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường, tức là ông sẽ bị câm! Trong khi đó bất chấp mối nghi ngờ của Dacaria, Thiên Chúa vẫn thực hiện chương trình của Người là ban cho ông một người con là Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô duy nhất của Đấng Cứu Thế !

10/ Nhân dịp này, chúng ta nên suy xét về lòng tin của mình, lòng tin thật thì không chấp nhận hồ nghi. Trái lại, Chúa đòi lòng tin của ta phải vững vàng, chắc chắn, vì uy tín của Thiên Chúa, lòng tin và sự hối cải phải đi đôi với nhau. Lòng tin được khởi đầu bằng sự hối cải, còn hối cải sửa soạn cho lòng tin. Cả hai cùng đi đôi với nhau như 2 con mắt cùng nhìn về một hướng, về một đối tượng là Thiên Chúa => Là nguồn ơn cứu độ.

11/ Trong khi chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta cần kiểm điểm lại lòng tin của mình để kịp thời hối cải, ăn năn.  Nhờ đó, lòng tin sẽ được vững chắc hơn, đó cũng là cách chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh tốt đẹp nhất !

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin mạnh mẽ, để con có thể nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh con và luôn kịp thời ra tay nâng đỡ chúng con trong những giây phút cơ cực nhất của cuộc đời con . Amen.**R

 

 

Thứ tư, 20/12/2017

Đề tài: TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 1,26-38)

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?” 35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM:

1/ Thánh sử Luca là họa sĩ đầu tiên vẽ nên câu chuyện truyền tin của Mẹ Maria, một câu chuyện đẹp nhất lịch sử loài người. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ công giáo như là: Leonardo da Vinci, Fra Angelico...

2/ Truyền tin cho Đức Maria là một bức tranh hoàn hảo về việc lắng nghe lời Thiên Chúa. Đức Mẹ tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, Mẹ lắng nghe rồi “Xin Vâng” với tất cả tấm lòng khiêm hạ của Mẹ, Mẹ nhận mình chỉ là một nữ tì, xin hết lòng cộng tác với ơn Chúa để Ngài thực hiện ơn cứu độ.

3/ Đức Mẹ là mẫu gương đức tin cho chúng ta. Lý trí thấp kém của con người không thể nào hiểu thấu chương trình vô cùng hoàn hảo của Thiên Chúa.

4/ Chúa mời gọi chúng ta: Hãy khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của bản thân và hãy đặt tin tưởng vào nơi Thiên Chúa, để quyền năng của Ngài luôn chiếu sáng và tỏ hiện.

5/ Câu chuyện truyền tin của Mẹ Maria xảy ra sau khi bà Elizabet có thai được 6 tháng. Sứ thần Gabriel mang mệnh lệnh của Thiên Chúa đến cho trinh nữ.

6/ Nội dung lời truyền tin: Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, vì được chịu thai bởi quyền phép Chúa thánh thần nên vẫn còn đồng trinh, con trai sẽ được đặt tên là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Thế, tức là con Thiên Chúa, quyền thống trị của nhà Davit sẽ được phục hưng, người con này sẽ cai trị nhà Giacóp đến muôn đời.

7/ Sau khi sứ thần cho biết: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, điển hình là bà Elizabet tuổi già đang có thai được 6 tháng (kẻ bị mang tiếng là son sẻ). Lúc đó Mẹ Maria cung kính đáp lại: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.”

8/ Tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ là lời mời gọi Ngôi Hai xuống thế làm người. Ngay từ lúc đó, Đức Mẹ đã cưu mang trong mình một vị Thiên Chúa làm người, đây là Ngôi lời Nhập thể.

9/ Trong câu chuyện truyền tin này dạy chúng ta 5 điều quý giá:

a) Chúng ta được biết người con của Đức Mẹ chính là Con Thiên Chúa.

b) Đức Mẹ thụ thai mà vẫn còn đồng trinh là do bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Điều này ngày xưa thật khó hiểu và trái lẽ, nhưng hôm nay khoa học đã có thể can thiệp được ở một khía cạnh nào đó /

c) Đức Mẹ yêu quý đức đồng trinh nên có lúc Mẹ đã muốn hy sinh chức vị Mẹ Thiên Chúa còn hơn là thất trinh.

d) Đức Mẹ rất khiêm nhường.

e) Đức Mẹ vững tin vào quyền năng Thiên Chúa.

10/ Trước lúc truyền tin, Đức Mẹ chỉ là một thôn nữ mới lớn khoảng đôi tám, Mẹ có một cuộc sống thật đơn sơ, chất phác, chẳng mấy khi đi đâu hoặc giao du với ai!

11/ Vì thế khi gặp Sứ Thần là một thanh niên, Mẹ đâm ra bối rối, e thẹn, lo âu. Nhưng khi Sứ Thần cho biết rằng Thiên Chúa muốn chọn Mẹ để làm Mẹ con của Ngài thì Mẹ đã tin và vâng lời ngay.

12/ Chúng ta cũng cần có đức tin mạnh mẽ và trọn vẹn như vậy mỗi khi chúng ta dâng lời cầu nguyện. Chúng ta cần vượt thắng những trở ngại do kém lòng tin.

13/ Cầu nguyện bằng đức tin là dịp để Chúa biểu dương uy quyền của Ngài , để Chúa có thể đổ đầy ơn phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và tha thiết cầu xin, Chúa sẽ ban bình an, ban tình thương và muôn ơn phúc cho chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để chúng con luôn lắng nghe và thi hành Thánh ý Chúa như Mẹ, Amen.

 

Thứ năm, 21/12/2017

Đề tài: MANG CHÚA ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC

Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 1,39-45)

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

SUY NIỆM:

1/ Theo cảm nghiệm của Thánh Terexa Calcutta thì: Bà là người Albani, nhưng mang quốc tịch Ấn Độ, theo đức tin thì bà là nữ tu công giáo Roma, theo ơn gọi thì bà thuộc Dòng bác ái Vinh Sơn, theo máu huyết thì bà thuộc về trái tim Chúa Giêsu.

2/ Hôm nay Tin Mừng dẫn chúng ta đến một cuộc gặp gỡ thánh thiện giữa Đức Maria đang cưu mang Đấng cứu thế và bà Elizabet đang cưu mang một Ngôn sứ dọn đường. Mẹ cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, cũng có nghĩa là Mẹ đang cưu mang một niềm vui bất tận, mỗi ngày mỗi lớn thêm lên.

3/ Niềm vui nào cũng cần chia sẻ, nỗi buồn nào cũng cần an ủi. Đức Maria không thể cất giữ niềm vui lớn lao ấy cho riêng mình, nhưng Mẹ vội vã, hân hoan đem Tin Mừng cứu độ đến để chia sẻ cho người khác.

4/ Mùa Vọng là mùa cưu mang, Thiên Chúa cưu mang tình thương từ ngàn đời. Hôm nay Ngài nhất định mang đến để chia sẻ cho chúng ta. Hôm nay Mẹ Maria cưu mang, Mẹ cũng cất bước ra đi để mang niềm vui ấy đến cho Gioan, để rồi Gioan cũng tiếp tục, chúng ta cũng tiếp tục sứ mạng mang Chúa đến cho người khác.

5/ Một câu chuyện tuyệt vời của Mẹ Thánh Terexa Calcutta: Có một phụ nữ nọ, dắt 8 đứa con đến cửa tu viện xin Mẹ chút gạo để sống qua ngày vì đã mấy ngày qua họ đói. Mẹ Thánh cho bà 1 túi gạo, người đàn bà vội vã cám ơn Mẹ rồi chia túi gạo ra làm 2 phần. Mẹ Terexa rất ngạc nhiên liền hỏi tại sao ? Chị ta vui vẻ trả lời: một phần cho gia đình tôi, phần còn lại là cho gia đình người hồi giáo sống bên cạnh tôi, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì ăn. Mẹ Terexa kết luận: Nếu thế giới này ai cũng biết chia sẻ thì làm gì còn có ai nghèo đói.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể lại cho chúng ta về một người phụ nữ khác. Bà cũng có một tâm trạng chia sẻ tuyệt vời qua câu chuyện thăm viếng bà chị họ Elizabet, đó là Đức Maria.

7/ Một thành miền núi mà Phúc Âm nói đến hôm nay là A-in Karim. Thành này vẫn thuộc Yerusalem, nằm ở phía Tây, cách Yerusalem 7 cây số. Ngày nay khách hành hương đến đây viếng một nhà nguyện mang tên “thăm viếng”.

8/ Nếu tính từ Nazaret, là nơi Mẹ Maria sinh sống, để đến được ngôi làng này, thì phải đi bộ mất 4 ngày. Việc ra đi như vậy đầy gian khổ, nguy hiểm, cướp bóc vì phải đi đường núi rừng.

9/ Phận nữ nhi như Đức Mẹ Maria đang mang thai, Mẹ càng phải cẩn trọng nhiều hơn. Nhưng vì tình bác ái thôi thúc, Mẹ đã quên mình và lên đường, Mẹ phải hy sinh chia sẻ, giúp đỡ, phục vụ. Đó là tấm lòng bác ái.

10/ Lý do Mẹ Maria đi thăm không phải là do lòng Mẹ hoài nghi lời Sứ Thần nói. Nhưng Mẹ đi là để cho hai thai nhi được  gặp nhau, Mẹ đi để chia vui cùng bà chị, và trên hết là Mẹ đi để giúp đỡ bà trong lúc tuổi già mà còn phải mang nặng bầu bì sắp sinh .

11/ Một lý do thích đáng nhất là Mẹ ra đi để chia sẻ niềm vui cùng gia tộc. Tin Mừng cho biết Mẹ Maria đã ở lại 3 tháng. Thời gian đó đủ để phục vụ, giúp đỡ, đem lại niềm vui cho gia đình bà chị, và cũng tạo thêm niềm vui cho chính Mẹ.

12/ Mẹ Maria ra đi là quên mình, Mẹ ra đi để tạo niềm vui cho người khác. Đây cũng là bổn phận của chúng ta, bởi vì đi đâu, đến nơi nào, gặp gỡ ai, chúng ta cũng đem niềm vui cho mọi người. Khi đó chúng ta cũng được hưởng niềm vui lây vì “cho thì có phúc hơn là nhận”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi những cuộc gặp gỡ cho chúng con hằng ngày thành những cử chỉ, lời nói trao đổi yêu thương, phục vụ, quên mình, tha thứ là luôn vui tươi trong Chúa. Amen.**R

 

Thứ sáu, 22/12/2017

Đề tài: BÀI CA NGỢI KHEN THIÊN CHÚA (Magnificat)

Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 1,46-56)

46 Khi ấy, bà Ma-ri-a nói :“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” 56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

SUY NIỆM:

1/ Theo cơ quan báo cáo toàn cầu thì trong năm 2012. Thế Giới đã chi 1735 tỷ USD cho quân sự, trong khi đó họ chỉ cần 135 tỷ USD là họ có thể xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói trên Thế Giới./ Mỹ đã chi phí cho chiến tranh nhiều nhất lên đến 39%, là con số mà các cường quốc khác gộp lại mới chỉ bằng phân nữa chi phí khoản này của nước Mỹ.

2/ Hôm nay chúng ta được mời gọi: Hãy học nơi Thiên Chúa tâm tình đoái nhìn đến những khổ đau, thiếu thốn của toàn xã hội nói chung và của những con người hèn mọn đói khát, thất học bệnh tật bên cạnh chúng ta nói riêng.

3/ Thiên Chúa đã đoái nhìn đến thân phận hèn mọn của người nữ tì của Chúa, Ngài muốn nâng cao Mẹ Maria lên để cho muôn thế hệ phải ngợi khen Mẹ là người phụ nữ diễm phúc nhất  ! Đây chính là điều lớn lao, cao cả mà Thiên Chúa đã làm cho Mẹ.

4/ Noi gương Chúa, chúng ta cũng phải biết quan tâm đến những thân phận nhỏ hèn của anh em đang sống chung quanh chúng ta. Đó cũng có thể là chính những người thân trong gia đình chúng ta, đó là những anh chị em đang sống âm thầm lặng lẽ ngay trong Giáo xứ, Giáo khu của chúng ta.

5/ Lời Chúa hôm nay trong bài đọc I, là một đoạn trích dẫn 5 câu trong  sách Samuel (1Sm1,24-28), kể lại chuyện bà Anna cảm tạ Chúa vì đã ban cho bà một đứa con / còn bài Tin Mừng thì ghi lại bài ca ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria.

6/ Bà Anna đã lâu năm sống trong son sẻ, bà luôn buồn phiền tủi nhục. Hằng ngày, hằng năm bà vẫn lên đền thờ khẩn khoản nài xin Chúa và Chúa đã nhậm lời, đã ban cho bà một đứa con, đó là Ngôn sứ Samuel.

7/ Bà quá đổi vui mừng và rất hãnh diện với dòng tộc, bạn bè. Bà chỉ nuôi con cho đến khi thôi bú, rồi đem con lên đền thờ dâng lễ tạ ơn và dâng luôn đứa con ấy cho Thiên Chúa để cho nó phụng sự Chúa suốt đời.

8/ Bà cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa đã khôn ngoan thông suốt mọi sự, lại là Đấng quyền năng vô hạn: Hạ kẻ mạnh, nâng kẻ yếu lên, người giàu phải đói, kẻ nghèo được no, người son sẻ có con, kẻ sinh nhiều phải héo khô; chính Chúa là Đấng nắm quyền sinh tử mọi loài.

9/ Đức Maria cũng cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Đây là một ca vịnh Đức Mẹ đã thốt ra để chúc tụng lòng yêu thương quảng đại của Thiên Chúa đối với Mẹ nói riêng và đối với dân Chúa nói chung ! Đó là bài kinh "Magnificat."

10/ Bài ca này có 3 phần: a) Phần một: Đức Mẹ chúc tụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa vì Chúa đoái thương đến các tôi tớ trung thành và ban cho họ những điều cao cả.

11/ b) Phần hai:  Đức Mẹ ca tụng quyền năng của Thiên Chúa vì người tiêu diệt kẻ bất công, trừng phạt kẻ kiêu ngạo và nâng đỡ kẻ khiêm nhường.

12/ c) Phần ba: Đức Mẹ ca tụng lòng trung tín của Thiên Chúa vì người đã thực hiện lời hứa ban Đấng Thiên sai như Lời Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham.

13/ Chúng ta thấy bài ca chúc tụng của Đức Mẹ gần giống với bài ca của bà Anna. Cả hai đều nhắc đến những tâm tư nguyện vọng của thời Cựu Ước, nhưng Đức Mẹ áp dụng vào chính bản thân Mẹ nên không nói gì về vấn đề son sẻ, và Mẹ nói rõ đến sự ứng nghiệm lời Thiên Chúa hứa !

14/ Bài ca của Đức Mẹ vẫn còn biểu lộ tâm trạng của con người Cựu Ước: Tiêu diệt kẻ kiêu ngạo, hạ bệ người quyền thế, cho bọn giàu có trở về tay không. Những ý này không còn thích hợp với công dân tình thương và ân sủng của Tân Ước ! Dĩ nhiên chúng ta cũng công nhận việc người giàu bóc lột, kẻ yếu bị hiếp đáp và ơn cứu chuộc là để giải thoát mọi người khỏi mọi áp bức, nô lệ, bóc lột! Nhưng ý Thiên Chúa muốn nói ở đây là Chúa muốn cứu hết mọi người vì mọi người đều là tội nhân nên Chúa không muốn giết chết ai cả , vì ai cũng là con cái Chúa.

15/ Qua 2 bài ca ngợi khen của Bà Anna cũng như của Đức Marria, chúng ta thấy nổi bậc lên sự khiêm nhường chân chính và nhân từ, vừa vươn lên cao nhưng không kiêu ngạo, vừa hạ mình xuống nhưng không đê hèn.

16/ Tất cả đều là do ơn Thiên Chúa, nên mọi vinh quang đều thuộc về Người. Vì thế khi lãnh nhận được hồng ân nào cũng đều do Chúa ban, nên chúng ta hãy bắt chước Đức Mẹ “Ca tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa”.

17/ Đàng khác, trong một xã hội được định danh là nước Chúa thì không nên có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn và đây không nên là lý do để ghen tức, không đối chọi nhau hoặc làm khổ nhau, nhưng để bổ túc, hợp tác với nhau, vì mọi người đều là con cái Chúa, là chi thể của Đức Ki-tô và cũng là anh em với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhận ra mọi ơn lành, lớn nhỏ đều là do Thiên Chúa ban, để chúng con biết mượn lời Kinh Magnifiat của Đức Mẹ để ca tụng Chúa cho xứng đáng. Amen.**R

 

Thứ bảy, 23/12/2017

Đề tài: SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 1,57-66)

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

SUY NIỆM:

1/ Khi một sinh linh bé nhỏ vừa chào đời thì em bé này thường được ông bà cha mẹ chuẩn bị đặt cho một cái tên. Tên gọi này thường chứa đựng tâm tư nguyện vọng mà những người lớn muốn gửi gắm nơi con cháu mình. Họ mong các em luôn vui tươi, rạng rỡ như mùa xuân, giàu có như Billgates, thành công như một nguyên thủ quốc gia; và là con hiền cháu thảo, là người đem lại vinh dự và hạnh phúc cho gia đình, ích lợi cho xã hội.

2/ Riêng trong Kinh Thánh, Tên gọi thường là bao hàm một sứ mạng. Như trường hợp Gioan Tẩy Giả là một điển hình! Khi vừa chào đời, ông đã được đặt tên theo lời sứ thần đã loan báo, danh xưng Gioan có nghĩa là "Thiên Chúa biểu lộ tình thương" . Danh xưng này còn mang ý nghĩa tiên báo về một chương trình đầy ắp tình yêu thương của Thiên Chúa.

3/ Mỗi người khi sinh ra đều có được 2 tên: Tên gọi ở gia đình và tên Thánh ở sổ rửa tội. Mỗi người hãy tự khám phá sự cao đẹp trong tên gọi của mình, đồng thời phải nỗ lực cố gắng noi gương bắt chước thánh quan thầy của mình, mong sao ngày sau chúng ta cũng đạt được hạnh phúc nước trời như vậy .

4/ Hôm nay trong bài đọc I: Ngôn sứ Malakhi có 2 lần nói đến chữ Ngôn sứ (có nghĩa là sứ giả). Sứ giả ở đây chính là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô dọn đường cho Chúa đến. Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh và tinh thần hoạt động của Elia.

5/ Tin Mừng hôm nay cho biết: Gioan Tẩy Giả vừa sinh ra, đây cũng là ơn đặc biệt của gia đình ông bà Dacaria và Elizabet.

6/ Lời sứ thần Giabriel loan báo cho ông Dacaria trong đền thờ, hôm nay đã ứng nghiệm. Bà Elizabet đã hạ sinh một con trai dù trong tuổi đã quá già, đó là một biến cố lạ lùng do Chúa làm, nên bà con thân thuộc kéo đến chúc mừng rất đông, chẳng những vì con trẻ, vì cha mẹ con trẻ mà còn vì sự lạ lùng trong việc thụ sinh con trẻ. Tất cả sự việc đó tiên báo một tương lai khác thường của con trẻ đã được Chúa quan phòng đặc biệt lưu tâm và ban cho nhiều ơn phúc.

7/ Tám ngày sau đó, bà con thân thuộc lại tới nhà ông Dacaria dự nghi thức cắt bì cho con trẻ theo luật Moisen. Ý nghĩa của nghi thức này là khắc ghi vào da thịt mình lời giao ước của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người.

8/ Sau nghi thức cắt bì là bữa tiệc mừng, đây cũng là lúc cha mẹ đặt tên cho con mình.  Vì ông Dacaria bị câm nên họ thảo luận với nhau và nhất trí đặt tên cho cậu bé là Dacaria, nhưng mẹ cậu bé không chịu, bà nhất định đặt tên cho con là Gioan. Có lẽ vì Dacaria đã nói việc Sứ thần dạy ông như thế cho bà biết, bà con phản đối vì trong họ hàng không có ai mang tên Gioan cả.

9/ Để giải quyết, họ bèn hỏi ý kiến Dacaria, nhưng ông cũng nhất trí với vợ:  Đặt tên cho con là Gioan, ngay lúc đó miệng ông được mở ra và ông cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

10/ Ông Dacaria đã ngợi khen Thiên Chúa và nói tiên tri về trẻ Gioan: Là sẽ làm Tiền Hô, dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, mọi người đều bỡ ngỡ sửng sốt hỏi nhau: “Con trẻ này về sau rồi sẽ ra sao?”

11/ Là Ki-tô hữu, chúng ta cũng là Tiền Hô, giới thiệu Chúa  với những người chung quanh: Cho dù là cha mẹ hay con cái, thầy dạy hay học trò, Linh mục hay giáo dân, ai cũng có nhiệm vụ mở đường cho Chúa đến, giúp cho Chúa đi vào lòng mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rõ những sự kiện xảy ra trong đời con, để con  biết đâu là Thánh ý Chúa và quyết định thi hành cho đúng, để con cũng có thể là những bậc cha mẹ có thể hướng dẫn con mình trở nên Tiền Hô, dọn đường cho Chúa đến. Amen. ***


Trở lại      In      Số lần xem: 1557
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  5748
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11423582
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top