Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần Bát Nhật Giáng Sinh B

Thứ hai, 29/12/2014 (Ngày V Tuần BN)

Đề tài: Tiến dâng Đức Yesus cho Thiên Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,22-35)

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Các mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa.

1/ Gia Đình Thánh tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, Bà Maria và Ông Giuse đem con lên Jerusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa," và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

2/ Ông Simeon tin vào Lời Thiên Chúa hứa và sự thúc đẩy của Thánh Thần.

(1) Ông Simeon là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.

(2) Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."

3/ Ông Simeon nói tiên tri:

(1) Về con trẻ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy. Cháu còn là mục tiêu cho người đời chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nhiều người bị ngã xuống hay được đứng dậy là hòan tòan tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời của Chúa, người bị ngã xuống là phần đông là các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ chối không tin và luôn tìm cách bắt bẻ và tiêu diệt Ngài. Những người được đứng dậy là các người thu thuế, gái điếm, và dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng khi được Chúa tỏ lòng thương xót, họ đã ăn năn và tin vào Ngài.

(2) Về Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời của Mẹ; đau khổ của Con là của Mẹ. Mẹ Maria đã đồng hành với con từ lúc sinh ra trong máng cỏ cho tới lúc sinh thì tên Thập Giá.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải chứng minh việc biết Thiên Chúa bằng đời sống chứng nhân: tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.

- Giới răn quan trọng nhất Thiên Chúa dạy chúng ta là “mến Chúa yêu người.” Chúng ta không chỉ biết giới răn này, nhưng phải mang ra áp dụng trong cuộc đời và với mọi người.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI ĐƯỢC GẶP CHÚA

(1 Ga 2, 3-11; Lc 2,22-35)

Ngày nay, những gia đình Công Giáo thường mang con mình đến nhà thờ xin cho bé được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để gia nhập Giáo Hội, tham dự vào đoàn dân những người tin Chúa.

Khi xưa, thời Đức Giêsu cũng vậy, khi được tám ngày, cha mẹ Ngài bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, trong ngày trọng đại này, chúng ta không thấy có những người sang giàu, quyền chức, nhưng chỉ có những người bé mọn hiện diện. Kinh Thánh cho hay, những người đón chào và diễm phúc được gặp Đức Giêsu trong ngày này không ai khác ngoài ông Simêon và bà Anna. Họ là những người bình thường, đơn sơ, nghèo khó... là những người nghèo của Giavê, nhưng tâm hồn thánh thoát, nên đã được gặp Chúa của bình an.

Mặt khác, chúng ta còn nhận thấy nơi Đức Maria và thánh Giuse một tấm gương, khiêm tốn, trung thành với luật. Thật vậy, các ngài thừa biết được Hài Nhi Giêsu này là Con Thiên Chúa, và các ngài đang được đặc ân lớn lao là chăm sóc Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, xét theo lẽ thường, các ngài có quyền từ trối việc giữ luật này, bởi vì Đức Giêsu chính là trọng tâm của luật. Nhưng không, các ngài đã khiêm tốn, tuân hành lề luật của Thiên Chúa cách yêu mến, không tìm đặc lợi cho mình chỉ vì có uy thế...

Ngày nay, nhiều người hay nhân danh chức quyền, công trạng hay giàu có để xin miễn chuẩn cho mình những việc bổn phận với Giáo Hội, xã hội...Tuy nhiên, khi làm như thế, chúng ta quên mất một điều là phần thưởng mai hậu của chúng ta đã bị đóng lại, vì hẳn nhiên chúng ta đã được nguồn lợi rồi! Tệ hơn nữa là khi chúng ta muốn được miễn chuẩn việc bổn phận mà không được đáp ứng, nhiều người đã có những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích trong sự kiêu ngạo... và như thế, những sự quảng đại chia sẻ cách này hay cách khác trước đó của chúng ta đã đứng lên tố cáo và như bản án vạch trần hình thức vụ lợi của chúng ta thuần túy chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: trước tiên, nhìn vào Đức Mẹ và thánh Giuse, không tìm những đặc ân miễn chuẩn cho mình, nhưng các ngài đã thi hành, chu toàn bổn phận cách yêu mến. Thứ đến, noi gương ông Simêon và bà Anna, sống khiêm tốn, chân thành, đơn sơ để được Thiên Chúa mặc khải những điều kín nhiệm.

Cuối cùng, khi được diễm phúc gặp Chúa, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa như những người nghèo của Thiên Chúa trong đền thờ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria và thánh Giuse trong việc yêu mến và tuân giữ luật Chúa. Xin cho đời sống của cụ già Simêon và Anna là nguồn gợi hứng cho chúng con trong việc thờ phượng Chúa. Amen.

 

Thứ ba, 30/12/2014 (Ngày VI Tuần Bát Nhật)

Đề tài: Mong chờ ngày cứu chuộc Giê-ru-sa-lem

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,36-40)

36 Khi ấy, có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Mẫu gương của những người biết sống và làm theo ý Thiên Chúa.

1/ Cuộc đời của Bà Ngôn-sứ Anna: Bà con ông Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Một cuộc sống quanh quẩn nơi Đền Thờ như thế đã giúp Bà nhận ra những gì là chính yếu hay phụ thuộc trong cuộc đời. Khi được Thánh Thần thúc đẩy cho nhận ra Đấng Cứu Thế, Bà tiến lại gần bên Gia Đình Thánh, Bà cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Jerusalem.

2/ Gia đình Thánh trở về Nazareth: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazareth, miền Galilee. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Thánh Giuse trở về với công việc của người thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, chứ không xin Thiên Chúa làm phép lạ để có tiền cho Chúa Giêsu ăn học. Mẹ Maria trở về với công việc nội trợ để chăm sóc cho Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong suốt 30 năm Ngài sống trên dương thế. Riêng Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, Ngài đã ẩn mình trong 30 năm bên Thánh Giuse và Đức Mẹ: vâng lời và giúp đỡ các Ngài, và chuẩn bị trước khi bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng. Cả ba thành phần của Gia Đình Thánh đều sống âm thầm thực hiện ý Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải luôn thờ phượng một mình Thiên Chúa, và đừng bao giờ để những cám dỗ của thế gian lôi kéo chúng ta xa Ngài.

- Một cách để chúng ta nhận ra nếu chúng ta đã làm điều này chưa là năng kiểm điểm cuộc sống, nhất là thời giờ và những nỗ lực chúng ta dành cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta bận rộn làm ăn đến nỗi chúng ta không còn thời giờ để cầu nguyện, tham dự Thánh-lễ, và tham gia các họat động mở mang Nước Chúa; chúng ta đang chạy theo các thần không phải là Thiên Chúa.

 

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

CẦN TRỞ VỀ VỚI NỘI TÂM

(1 Ga 2, 12-17; Lc 2, 36 – 40)

Chúng ta vừa đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh với những tổ chức sinh hoạt rầm rộ và những trang hoàng hoành tráng bên ngoài làm toát lên vẻ huy hoàng, cao trọng của biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ qua việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Tuy nhiên, những sinh hoạt bên ngoài đó đôi khi làm cho chúng ta quên đi ý nghĩa và giá trị tinh thần của ngày lễ. Hơn nữa, chính Con Thiên Chúa Giáng sinh trong cảnh nghèo nàn, nhẹ nhàng, êm đềm chứ không phải rầm rộ bên ngoài... Sự kiện Đức Giêsu giáng sinh thời đó rất âm thầm và Ngài muốn trở thành một người bình thường như mọi người.

Như vậy, muốn có được một mùa Giáng Sinh ý nghĩa và lắng đọng, có lẽ chúng ta phải trở về với cuộc sống nội tâm sâu xa thì mới đi được vào luồng tình yêu của Thiên Chúa, qua đó, sứ điệp giáng sinh mà Con Thiên Chúa mang đến cho nhân loại, trong đó có chúng ta mới thực sự có ý nghĩa trên và trong cuộc đời của chúng ta... Nếu không có yếu tố đó, đại lễ Giáng Sinh chỉ thuần túy là một lễ hội với những sự sầm uất bề ngoài.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta biết mẫu gương của một bà quả phụ đã sống điều đó trong cuộc đời của bà. Quả thật, bà là người nghèo của Thiên Chúa, bà chẳng có gì để dâng cho Chúa cả, bà chỉ có tấm lòng và đời sống lương thiện cũng như đạo đức.

Kinh Thánh diễn tả bà hết sức đơn sơ như: bà đã được 84 tuổi, goá bụa nghèo khó, trung thành với những bổn phận đạo đức, sống nơi đền thờ, phụng sự Thiên Chúa ngày đêm trong kinh nguyện và trong chay tịnh.

Qua cuộc đời của bà, chúng ta thấy toát lên một điều, đó là: bà đã lấy Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình, cho nên, mọi sinh hoạt đều hướng về Cái Tâm đó. Muốn đi vào tương quan với Thiên Chúa cách thân tình như vậy, hẳn bà phải có tình yêu thúc đẩy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, mỗi lần chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu bọc tã nằm trong máng cỏ, chúng ta hãy có tâm tình đơn sơ như bà Anna. Sống tinh thần khó nghèo, phó thác để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại qua việc trao ban Đức Giêsu, quà tặng vô giá cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần nghèo khó. Chỉ những ai có được tinh thần như thế, mới được gọi là con Thiên Chúa thực sự. Xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng con biết noi gương bà Anna trong bài Tin Mừng hôm nay, ngõ hầu được sống trong tình yêu của Chúa. Amen.

 

Thứ tư, 31/1/2014 (Ngày thứ VII tuần Bát Nhật)

Đề tài: Ngôi Lời đã trở nên người phàm

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  (Ga 1,1-18)

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.  11Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” 16Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Người gia thế gian, nhưng thế gian li không nhn biết Người.

1/ Ngôi Lời tỏ mình cho thế gian: Thánh Gioan nêu ra ít là 3 cách Ngôi Lời đã tỏ mình:

(1) Trong việc tạo dựng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Con người có thể nhận ra Thiên Chúa qua việc tạo dựng và quan phòng.

(2) Qua nhân chứng Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” Gioan Tẩy Giả là nhân chứng đã biết và đã chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Jn 1:29).

(3) Qua biến cố Nhập Thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” Các Tông-đồ đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương thịt. Ngài đã ở giữa họ, đã dạy dỗ, và đã làm bao phép lạ để chứng tỏ uy quyền của Ngài. Thánh-sử Gioan làm chứng cho chúng ta, những người không có kinh nghiệm nhìn thấy Chúa, trong cả Phúc Âm và Thư của ngài.

2/ Phản ứng của con người: Có 2 phản ứng chính:

(1) Từ chối và không tin Ngài: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Có những người không nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc tạo dựng. Họ cũng chẳng nhận ra Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Sau cùng, họ cũng chẳng tin vào lời các người làm chứng cho Thiên Chúa. Thời của Chúa cũng như thời nay, vẫn có những hạng người này.

(2) Tiếp nhận và tin vào Ngài: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”

ÁP DNG TRONG CUC SNG:

- Chúng ta phải tin vào Đức Kitô để được làm con Thiên Chúa và để đạt được cuộc sống đời đời.

- Con người tự phán xét lấy mình trong việc lựa chọn tin hay không tin vào Đức Kitô.

- Chúng ta phải cẩn thận đề phòng những kẻ Phản-Kitô: những người từ chối Đức Kitô, những người mạo nhận danh nghĩa của Ngài, và những người muốn thay Ngài bằng những điều khác.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ CHÚA NHÂN TỪ

(1 Ga 2, 18-21; Ga 1, 1-18)

Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng...

Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa, có lẽ nhiều người trong chúng ta đây đều cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ...!

Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.

Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.

Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: "hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay".

Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.

Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: "có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức.

Và:

Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm".

 

Lạy Chúa, một năm đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con cũng xin tạ lỗi với Chúa vì những bất xứng chúng con đã vô tình, tệ bạc mà quên ơn Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng năm sống mới lên Chúa, để xin Chúa tiếp tục yêu thương, gìn giữ và chúc lành cho chúng con. Amen.

 

Thứ năm, 01/01/2015 (Cuối Tuần Bát Nhật)

Đề tài: Lễ Mẹ Thiên Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,16-21)

16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Các Mc-đng đến th ly Hài Nhi.

1/ Ba phản ứng của các Mục-đồng: Sau khi được các Thiên-thần loan báo Tin Mừng, các Mục đồng đã đáp lại bằng 3 phản ứng:

(1) Họ đi tìm và đã thấy: Trình thuật kể: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà Maria, Ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.” Con người chúng ta cũng phải hối hả và nhiệt thành như các Mục-đồng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa; vì nếu không lên đường đi tìm, làm sao chúng ta có thể thấy Ngài được. Yếu điểm của nhiều người chúng ta là nhiệt thành tìm kiếm mọi điều, nhưng không nhiệt thành trong việc tìm kiếm và học hỏi về Thiên Chúa. Với một thái độ như thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn còn xa cách Thiên Chúa vạn dặm!

(2) Họ tôn vinh ca tụng tình yêu Thiên Chúa: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của người đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Các Mục-đồng chắc chắn đã được Hài Nhi cho cảm nghiệm được tình yêu này, khi họ chiêm ngắm Ngài. Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa khi chiêm ngắm Hài Nhi trong máng cỏ chưa?

(3) Phải rao giảng và làm chứng cho tình yêu này: “Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.” Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành khí cụ ca rao tình yêu của Thiên Chúa cho muôn người. Thánh Phanxicô Khó Khăn chỉ có thể hát lên “Kinh Hòa Bình” sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Nếu các tín hữu đều phản ứng như các Mục-đồng hôm nay, chẳng mấy chốc mọi con người trong thế giới này sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.

2/ Mẹ Maria ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng: Một gương sáng Đức Mẹ dạy cho con người: đứng trước Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta đừng nói nhiều, nhưng hãy ghi nhận mọi sự kiện xảy ra và suy niệm trong lòng. Như một con người, có rất nhiều điều Mẹ có thể hỏi và kêu ca trách Thiên Chúa trong ngày sinh của Chúa Giêsu; chẳng hạn: Con Thiên Chúa mà lại sinh ra trong cảnh khó nghèo như vậy sao? Uy quyền của Thiên Chúa đâu mà để cho Con Ngài mới sinh ra đã phải chạy nạn rồi? Không phải chỉ lúc sinh con, nhưng trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã chứng kiến cuộc sống của Chúa Giêsu: khi thì rất uy quyền làm các phép lạ như tại tiệc cưới Cana, khi thì cô đơn bại trận như lúc sinh thì trên Thánh Giá. Mẹ có thể hỏi Thiên Chúa những lý do tại sao, nhưng Mẹ đã chọn sự thinh lặng và hòan tòan tin tưởng vào Kế Họach và tình yêu của Thiên Chúa cho gia đình Mẹ.

3/ Đặt tên cho con trẻ là Jesus: Tên Jesus trong tiếng Do-Thái có nghĩa là “Jaweh cứu thóat,” đó là tên mà Sứ-thần đã truyền đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ (Lk 1:31). Trong Cựu-Ước, cũng có một nhân vật mang tên này là Thủ Lãnh Joshua. Ông được chọn để thay Moses mang dân vào Đất Hứa (Num 13:6). Giống như Joshua, Chúa Giêsu cũng được Chúa Cha tuyển chọn để cứu nhân lọai khỏi tội, và mang họ đế cuộc sống đời đời trên Thiên Đàng. Khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã sống đúng với Danh của Ngài là Thiên Chúa Thương Xót.

ÁP DNG TRONG CUC SNG:

- Trong Ngày Đầu Năm, chúng ta hãy dùng danh Đức Kitô mà chúc cho nhau được Thiên Chúa đóai thương nhìn tới.

- Vì Thiên Chúa đóai thương, nên Người ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, để gánh tội và để cho chúng ta thành những người con của Ngài.

- Thuở xưa, con người không được phép nhìn mặt Thiên Chúa; nhưng qua Biến Cố Nhập Thể, con người có thể chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa qua khuôn mặt của Chúa Hài Nhi.

- Với nền kinh tế bấp bênh của thế giới và của quốc gia chúng ta đang định cư, chúng ta không biết tương lai sẽ thế nào; nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều: “những người được Thiên Chúa đóai thương, sẽ chẳng thiếu chi những điều tốt lành và bình an.”

- Cầu chúc quí khán giả khắp nơi luôn hăng hái nhiệt thành trong việc học hỏi Lời Chúa, và luôn sống trong tình yêu và ơn thánh của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

Thứ sáu, 02/01/2015

Đề tài: Lời chứng của Yoan Tiền Hô

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan (Yn 1:19-28)

19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? " 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." 21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." 22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "

23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? " 26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."

28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Lời chứng của Gioan

1/ Những gì Gioan không là: Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do-Thái từ Jerusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô." Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlijah không? " Ông nói: "Không phải." "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." Sở dĩ Gioan Tẩy Giả trả lời như thế là vì ông không quan tâm đến những điều người khác nói về ông, mà ông chỉ quan tâm đến những gì ông thực sự là. Nhiều người đã coi Gioan Tẩy Giả như một Tiên-tri, và chính Chúa Giêsu đã gọi ông là một Tiên-tri quan trọng hơn hết các tiên-tri.

2/ Điều Gioan Tẩy Giả là: Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.” Một khi Gioan nhận ra sứ vụ Thiên Chúa trao cho trong cuộc đời, ông dành mọi thời gian, và nỗ lực để chu tòan sứ vụ của mình.

Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlijah hay vị ngôn sứ?" Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Chỗ khác, Gioan phân biệt hai Phép Rửa: ông làm Phép Rửa để tha tội, nhưng Đức Kitô làm Phép Rửa để ban Chúa Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần biết mình, biết Thiên Chúa, và biết tha nhân.

- Chúng ta đừng bao giờ mạo nhận những gì chúng ta không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của người khác; nhưng phải biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. 

- Chúng ta phải đề phòng những kẻ Phản-Kitô và những người không sống xứng đáng với danh hiệu “Kitô hữu” của mình.

 

Thứ bảy, 03/01/2015

Đề tài: Yoan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Yesus

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan (Yn 1,29-34)

29 Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn." 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hai li chng ca Gioan Ty Gi v Đc Kitô:

1/ Lời chứng thứ nhất của Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”: Chỉ trong một câu làm chứng ngắn ngủi, Gioan đã mặc khải cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải hy sinh chịu sát tế để đền tội cho con người. Ba hình ảnh “Con Chiên” của Cựu Ước là nền tảng của “Chiên Thiên Chúa” mà Gioan nói tới hôm nay:

 (1) Con Chiên Vượt Qua: Trước biến cố Xuất Hành của Do-Thái ra khỏi Ai-Cập, mỗi gia đình phải sửa sọan giết một con chiên, và lấy máu của nó bôi trên cửa ra vào. Đêm đó, các thiên thần được lệnh đi tàn sát tất cả các con đầu lòng của người Ai-Cập. Gia đình nào có máu bôi trên cửa, các thiên thần sẽ đi ngang qua và không tàn sát con trẻ đầu lòng trong đó (Exo 12:11-13). Biến cố Vượt Qua này luôn được coi là hình ảnh báo trước Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa (Jn 2:13).

 (2) Con dê của Ngày Xá Tội: Trong Ngày này, dân chúng sẽ chuẩn bị 2 con dê để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ xá tội cho con người. Một con sẽ được các tư tế, sau khi cầu nguyện và đặt các tội của dân trên vai nó, phóng thích cho chạy vào sa mạc cho quỉ Azazel. Một con sẽ bị giết và lấy máu của nó rảy trên dân chúng (Lev 16:7-30).

 (3) Con chiên sát tế trong Đền Thờ: Mỗi sáng và chiều trong Đền Thờ Jerusalem, các người phục vụ trong đó phải sát tế một con chiên một tuổi để làm lễ vật hy sinh xóa tội cho con người theo Luật ấn định (Exo 29:38-42).

 “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”: Chúa Giêsu trong thân phận con người, tuy ra đời sau Gioan, nhưng Ngài có trước từ đời đời trong bản tính Thiên Chúa. Không phải Chúa Giêsu chỉ có trước, nhưng Ngài quan trọng và uy quyền hơn Gioan gấp bội, vì Ngài mang trong mình uy quyền của Thiên Chúa. Gioan nói rõ nhiệm vụ của mình là chuẩn bị đem mọi người tới Thiên Chúa: Gioan không là gì cả, nhưng Đức Kitô là mọi sự. Vì thế, khi gặp được Đức Kitô, Gioan chỉ và ra lệnh cho 2 môn đệ của ông đi theo Đức Kitô, ông không giữ lại cho mình điều gì cả.

Đây phải là bài học cho con người: không phải ai sinh sau hay đến sau cũng thua người sinh hay đến trước, không phải cha mẹ là luôn hơn con cái, vì “con hơn cha là nhà có phúc.” Điều quan trọng là con người phải biết tôn trọng sự thật; và người có tài hơn không phải để kiêu căng, hống hách, nhưng phải biết khiêm nhường và phục vụ những người kém tài hơn mình.

2/ Lời chứng thứ hai của Gioan: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Thánh Thần hiện xuống tựa chim bồ câu khi ông làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu trong sông Jordan. Bên Palestine, chim bồ-câu là chim thánh; con người không được săn và không được ăn chim bồ câu. Các Rabbi thường nói Thánh Thần di chuyển và bay lượn như chim bồ câu trên những vùng hoang dã vô trật tự thuở xa xưa để thở sinh khí vào và mang trật tự cùng huy hòang cho nó (Gen 1:2). Thánh Thần hiện xuống và ở lại trên Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa để mang quyền năng và chuẩn bị cho Ngài trong sứ vụ rao giảng sắp tới. Với thị kiến này, Gioan không còn nghi ngờ gì nữa, ông chứng thực Đức Kitô chính là Người được Thiên Chúa tuyển chọn để mang Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới thành công.

ÁP DNG TRONG CUC SNG:

- Tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời; nhiệm vụ của chúng ta là lo chung một mối lo âu với Cha là làm sao cho tất cả nhân lọai tin vào Đức Kitô, Người luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, để được sống muôn đời.

- Để đạt được mục đích này, chúng ta phải gạt bỏ mọi ghen tị và ham muốn quyền lực, để cùng nhau lo việc của Cha trên trời. Khi thấy người khác có tài lôi kéo mọi người về với Chúa, chúng ta phải vui mừng và cộng tác với họ để Nước Chúa càng ngày càng mở rộng.

- Chúng ta càng ngày càng phải nhỏ đi thì Chúa mới càng ngày càng lớn lên được, trước là trong ta, và sau đó đến mọi người.


Trở lại      In      Số lần xem: 2203
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  365
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350669
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top