Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần I Mùa Chay B -2018

Chia sẻ Lời Chúa Hằng ngày Thứ 2 -> Thứ 7 (19/02 ->24/02/2018)

Thứ hai, 19/02/2018

Đề tài: Gặp Chúa ở đâu?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 25,31-46)

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã không cho uống ; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc ; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Câu trả lời của Mẹ Thánh Terexa khi người ta hỏi bà đang là việc cho ai? Nhiều người nhận ra tôi đang làm công tác xã hội, nhưng thật ra tôi đang làm những việc này cho chính Chúa Yesus.

2/ Tử thuở đầu đời, Thiên Chúa đã giao lưu với con người bằng một mối tương quan thật tốt đẹp. Thế nhưng con người đã phá vỡ mối tương quan này bằng cách không vâng lời và làm theo ý riêng mình.

3/ Thiên Chúa đã cho con một mình xuống trần gian để thiết lập lại mối giao bang mới. Điều này Ngài muốn cho chúng ta thấy: Con người chỉ thật sự sống hạnh phúc khi được ở bên Ngài, làm theo ý Ngài là biết sống hài hòa với anh em mình.

4/ Chính lúc ta sống hữu hảo với tha nhân là ta đã gặp được Thiên Chúa, và tìm được phúc thiên đàng mà thủy tổ loài người đã đánh mất.

5/ Vì ở đâu có tha nhân là ở đó có Thiên Chúa, bởi vì tha nhân là con Ngài, cũng mang hình ảnh của Ngài. Nếu ta bước một bước tới bên tha nhân là ta bước thêm một bước tới Thiên Đàng ngay từ đời này.

6/ Hôm nay Chúa cho chúng ta thấy trước hình ảnh ngày Chúa quang lâm, qua việc này Chúa bảo chúng ta muốn gặp được Ngài thì hãy đối xử tốt với anh em mình.

7/ Chúa cho biết:  Ngày phán xét là ngày Chúa trở lại, ngày đó là ngày cuối cùng, ngày chung cuộc, ngày quyết định số phận chứ không phải là ngày mà Chúa đem ra để hù dọa, hay làm cho ta lo sợ, nhưng là ngày Chúa nhắc bảo chúng ta: Ngày phán xét sẽ đến nên hãy sống cuộc sống hiện tại cho tốt hơn.

8/ Chúa nói về ngày cùng tận, nhưng lại muốn cho chúng ta lưu ý về những ngày sống trong hiện tại, và muốn chúng ta hiểu tầm quan trọng của những ngày sống hiện tại sẽ như thế nào.

9/ Một cách tế nhị, Chúa muốn chúng ta hiểu rõ như thế này: Hôm nay chúng ta sống tốt hay xấu ở đời sống hiện tại thế nào thì chúng ta sẽ được thưởng hay chịu phạt ở đời sống mai sau như vậy.

10/ Chúng ta sẽ trở thành Chiên hay Dê: Chúng ta sẽ trở thành kẻ được chúc phúc hay bị nguyền rủa, được vào chốn hạnh phúc vĩnh cửu hay vào nơi cực hình muôn kiếp. Tất cả đều tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta hôm nay.

11/ Bài Tin mừng còn làm cho chúng ta thêm một bất ngờ nữa: Ngài vẫn đang hiện diện quanh ta, trong những con người nghèo khổ, bất hạnh, khách lạ, ốm đau, tù nhân, những kẻ đói khát, trắng tay sạch túi. Chúa còn nói tiếp: Nếu ta đón tiếp, giúp đỡ những con người này là ta đã làm cho chính Chúa.

12/ Bài Tin mừng khẳng định: Chắc chắn có ngày phán xét chung, ngày cùng tận. Thiên Chúa sẽ thưởng phạt vĩnh viễn nhưng đều căn cứ vào cách ta sống trong hiện tại.

13/ Tiêu chuẩn được Chúa đặc biệt chú ý vào đó để phán xét, đó là lòng yêu thương người khác.  Chúng ta có yêu thương người khác, chúng ta có tin Chúa đang hiện diện nơi anh em chúng ta không? Chúng ta có cần giúp đỡ những người cơ nhỡ, thấp kém không?

14/ Yêu anh em là yêu Chúa, giúp anh em là giúp Chúa làm điều tốt cho anh em là làm cho chính Chúa. Chúa sẽ thưởng hay phạt chúng ta đều căn cứ vào những điều này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con mến Chúa cho thật khi cảm nhận được có Chúa trong anh em tha nhân, và cũng là nơi chúng ta dễ dàng gặp gỡ Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Yêu người là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét.

Đa số nhân lọai đều tin vào định luật nhân quả: Nếu chúng ta làm ích lợi cho tha nhân, chúng ta sẽ được thưởng ở cả đời này và đời sau; nếu chúng ta gây thiệt hại cho tha nhân, chúng ta sẽ phải lãnh nhận hình phạt ở cả đời này và đời sau. Người Công Giáo chúng ta cũng tin như thế, và chương 25 của Matthew củng cố niềm tin này. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: điều gì chúng ta làm cho tha nhân là chúng ta làm cho Ngài; và điều gì chúng ta không làm cho tha nhân là chúng ta không làm cho Ngài. Đây chính là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm.

1/ Những gì ta làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa:

- Chúa phán xét: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."

- Người công chính thắc mắc: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?"

- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."

2/ Những gì ta từ chối không giúp anh chị em là không giúp chính Chúa:

- Chúa phán xét: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."

- Kẻ ác nhân thưa lại: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?"

- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."

Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mến Chúa và yêu người qua hành động là con đường đơn giản để nên thánh.

- Nếu chúng ta yêu tha nhân như chính mình và biểu tỏ tình yêu này trong mọi hành động, chúng ta sẽ không lo ngại khi ra trước Tòa Phán Xét.

- Lối sống ích kỷ của con người hiện đại là con đường chắc chắn đưa tới sự hủy diệt cả đời này và đời sau.

 

Thứ ba, 20/02/2018

Đề tài: Lắng nghe ý Chúa và từ bỏ ý con

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 6,7-15)

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. i  8Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,  10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Có người hỏi các Linh Mục rằng: Làm cách nào để vừa sống theo ý Chúa mà cũng có thể sống theo ý riêng mình? Một câu hỏi khó trả lời, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ.

2/ Khi ta cầu nguyện theo ý riêng là: Ta cố nói cho Chúa biết ý ta và cầu xin Chúa giúp ta đạt được điều ta mong muốn. Trái lại khi ta cầu nguyện theo ý Chúa là cách đúng nhất để cho ta biết ý Chúa và xin người giúp ta thực hiện được ý của Người.

3/ Chúa thông biết mọi sự cho nên dù chúng ta không nói ra Người vẫn biết ta cần gì? Phần ta, vì ta không biết ý Chúa nên phải xin Người cho ta biết ý Chúa, chúng ta hãy tập cầu nguyện bằng cách lắng nghe ý Chúa trong thinh lặng.

4/ Nhiều người cho rằng sống và làm theo ý Chúa thật khó, thật ra cái tốt nhất vẫn là cái mà Chúa đã chọn sẵn cho ta. Vậy nên khi ta làm theo ý Chúa thì ta chẳng phải lo lắng gì, thật là khỏe!

5/ Suốt ba năm nay, Chúa Yesus chỉ dạy các Môn đệ có một Kinh duy nhất, một Kinh tuyệt vời nhất, đó là Kinh Lạy Cha!

6/ Kinh Lạy Cha có 7 điều nguyện xin, chia ra làm 2 phần:

a) Phần đầu là 3 điều ước nguyện: Gồm những tâm tình của ta cần có đối với Chúa.

b) Phần hai là 4 điều còn lại: Là những nhu cầu vật chất và tinh thần mà chúng ta cần xin.

7/ Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Yesus muốn nhấn mạnh đến vấn đề tha thứ. Chúa cho biết: Muốn được Chúa tha thứ, thì chúng ta phải biết tha thứ cho anh em thì Chúa mới tha thứ cho chúng ta.

8/ Chúa ra điều kiện với mục đích không phải là để làm khó dễ chúng ta, nhưng mà Chúa chỉ muốn làm lợi cho chúng ta mà thôi. Chỉ cần suy nghĩ sơ sơ một chút, chúng ta sẽ thấy ngay: Đem hai thứ tội lên bàn cân, tội ta xúc phạm đến Chúa và tội người khác xúc phạm đến ta; khi so sánh 2 bên, chúng ta thấy tội chúng ta xúc phạm đến Chúa nặng hơn là tội anh em xúc phạm đến ta.

9/ Nếu chúng ta so sánh ngược lại: Người khác xúc phạm đến chúng ta thì nhẹ hơn tội ta xúc phạm đến Chúa, một bên nặng, một bên nhẹ. Tha nợ nặng thì đương nhiên khó hơn và quý hơn là tha nợ nhẹ.

10/ Rõ ràng là Chúa vụng tính mới đưa cái nợ nhẹ hơn để làm điều kiện để tha nợ nặng cho chúng ta. Thế mà chúng ta lại không chịu điều kiện này, nghĩa là chúng ta không muốn tha món nợ nhẹ cho kẻ khác thì kể ra là chúng ta đã dại dột biết bao nhiêu.

11/ Lời Chúa xác nhận một cách quả quyết rằng: Khi con đi dâng của lễ mà nhớ mình còn có chuyện bất hòa với anh em, thì hãy để của lễ đó mà chạy về làm hòa với anh em mình trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ sau.

12/ Chúa kết luận: “Ta sẽ không tha tội cho con vì con đã không tha lỗi cho kẻ khác”. Không những Chúa không tha mà còn không nhận lời chúng ta cầu xin và của lễ chúng ta dâng nữa. Cho nên vấn đề tha thứ cho nhau quan trong như thế đó.

13/ Hằng ngày chúng ta vẫn luôn đọc Kinh Lạy Cha. Điều đó là rất tốt! Nhưng chúng ta luôn thưa với Chúa như vậy nhưng liệu chúng ta có làm, có sống, có thực hành như thế không?

14/ Trong đời sống không thiếu những lúc chúng ta cau có, bực mình, tức giận vì người ta làm đau lòng mình. Thế chúng ta có sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng tha thứ cho họ không? Hay chúng ta cứ nuôi lòng giận ghét, bực tức, oán giận. Vậy là chúng ta đã nói dối với Chúa và giả hình, giả nhân giả nghĩa với anh em.

Cầu nguyện: Chúng ta hãy cùng nhau đọc một Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời,….”. Amen/

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Cầu nguyện đúng cách.

 1/ Thái độ phải có khi cầu nguyện: Cầu nguyện là hướng lòng lên Thiên Chúa; vì thế, phải gạt bỏ tất cả những gì làm con người bị phân tâm. Một vài điều làm phân tâm con người khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu lưu ý hôm nay:

(1) Cầu nguyện cho mọi người thấy: “Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Như thế, cầu nguyện trong nhà thờ có phải là đạo đức giả không? Chúng ta phải phân biệt hai lọai cầu nguyện: chung và riêng. Điều Chúa Giêsu có ý nói ở đây là cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu cũng đã từng cầu nguyện lớn tiếng cho các môn đệ của Ngài (x/c Jn 17).

(2) Cầu nguyện chỉ để xin ơn: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” Xin ơn chỉ là một phần nhỏ trong khi cầu nguyện. Chúng ta nghĩ sao nếu một người khi nào gặp chúng ta cũng mở miệng xin ơn?

2/ Cách cầu nguyện tốt nhất: Kinh Lạy Cha

(1) Quan tâm đến những gì của Chúa: Là con là phải quan tâm đến những lo lắng của cha, chứ không ích kỷ bắt cha quan tâm đến những nhu cầu của mình. Ba điều đầu tiên của Kinh Lạy Cha biểu tỏ những quan tâm đến Thiên Chúa: “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Làm cho mọi người nhận biết và tin vào danh thánh Cha là bổn phận của mọi người tín hữu. Cầu xin cho triều đại Cha mau đến là cầu xin cho Tin Mừng được lan rộng tới mọi người. Cầu xin cho ý Cha được mọi người làm theo, chứ không ích kỷ làm theo ý muốn của mỗi người.

(2) Quan tâm đến cuộc sống của mình: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Con người cần của ăn hằng ngày để sinh sống, nhưng không cầu xin cho có nhiều của ăn để tích trữ. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Con người không chỉ cần sống mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa, mà còn sống mối liên hệ hàng ngang với tha nhân, vì như Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Lời xin sau cùng: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Con người bị bao vây bởi ba thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt; nếu không có ơn Chúa, con người không thể chống chọi với các kẻ thù này, vì nó mạnh sức hơn con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Như mưa tuyết cần cho cây cối để có thể sinh hoa kết trái mang cơm bánh cho người ăn, Lời Chúa cũng cần phải thấm nhập vào tâm hồn để mang sức sống cho linh hồn chúng ta.

- Cầu nguyện không phải để được người khác khen hay để lải nhải xin ơn; nhưng là để kết hợp với Thiên Chúa và tìm ra ý Ngài trước khi có thể thi hành trong cuộc sống.

- Mùa Chay thuận tiện để chúng ta nhìn lại những thiếu xót trong cuộc đời, và nghiền gẫm Lời Chúa để tìm ra cách thức sửa chữa những thiếu sót đó.

 

Thứ tư, 21/02/2018

Đề tài: Dấu lạ không đáng tin

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,29-32)

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/Thánh Phaolo đã nhắc nhở giáo dân Corinto: Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp đòi lý lẽ khôn ngoan, còn người Ki-tô hữa tiên khởi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh => Đây quả là một điều mâu thuẫn, khó hiểu.

2/ Kiểu Đấng Messia của người Do Thái phải là một con người anh dùng, oai dũng có thể làm lãnh tụ để cứu đất nước.     Họ muốn Chúa Yesus phải tỏ ra ra rập khuôn như vậy, đúng như những gì họ đang nghĩ ra.

3/ Chúa Yesus lại cho thấy Đấng Messia đích thực qua dấu lạ tiên tri Yoana nằm trong bụng cá ba ngày.    Cũng như sau này Chúa cũng nằm trong lòng đất ba ngày, sau đó mới phục sinh. Ngoài ra sẽ không có dấu lạ nào khác nữa.

4/ Tìm cho ra dấu chỉ của thời đại để củng cố đức tin là điều thật cần thiết. Thế nhưng nếu chúng ta chỉ dùng con mắt thịt của mình để quan sát và nhận định thì chúng ta sẽ lạc lối như luật sĩ, biệt phái. Hay nói cho rõ hơn, nếu chúng ta chỉ dựa vào những định kiến tối tăm của con người để phán đoán đường lối của Thiên Chúa và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện y như khuôn mặt mà chúng ta đã vẽ sẵn thì thật là bi đát.

5/ Chúa Yesus phàn nàn về sự cứng tin của người Do Thái về thái độ không chấp nhận, không tin Chúa, nhất là đám biệt phái, kinh sư.     Chúa muốn dùng 2 hình ảnh tượng trưng để nhắc nhở họ => Đó là tiên tri Yona và nữ hoàng Phương Nam.

6/ Sự kiện tiên tri Yona khi lãnh bài sai đi Ninive, ông đã không muốn đi tới đó nhưng lại muốn đi trốn qua Taxe.     Thiên Chúa đã chặn đường ông qua việc khiến bão tố nổi lên khiến cho chiếc tàu đang chở ông không thể đi được, họ đã bốc thăm xem ai nặng vía và ông là người mà họ lựa chọn để vất xuống biển.

7/ Yona biết Thiên Chúa làm thế là để cảnh báo mình nên ông đã thuận lòng để thi hành lệnh truyền tại Ninive.    Tại đây, khi đã thi hành đúng Thánh Ý Chúa, Yona đã làm cho cả dân thành ăn năn sám hối qua việc nghe lời cảnh báo của ông, và Thiên Chúa đã tha thứ cho dân thành/

8/ Dân Do Thái bấy lâu nay đã nghe Chúa giảng dạy, đã chứng kiến biết bao phép lạ, nhưng họ vẫn không chịu ăn năn sám hối, nên Chúa đã cảnh báo họ:      Ở đây còn có Đấng cao trọng hơn Yona và Yona chỉ là một Ngôn sứ với nhiệm vụ loan báo trước về Đấng Cứu Thế, còn Chúa Yesus chính là Đấng mà ông ấy loan báo.

9/ Để nhấn mạnh thêm về sự chai cứng lòng của họ, Chúa lại trưng dẫn thêm về Nữ hoàng Phương Nam.     Bà ở mãi tận Phương Nam xa xôi, thế mà khi hay biết về sự khôn ngoan của Salomon, bà đã muốn ra đi để tìm hiểu thực hư thế nào. Dù là nơi xa xôi, hiểm nguy, cách trở, bà vẫn không quảng ngại và bà đã toại nguyện.

10/ Gặp được Vua Salomon, bà hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của vua. Chúng ta biết rằng sự khôn ngoan của vua Salomon là do Thiên Chúa ban qua lời khẩn cầu của ông.

11/ Còn Chúa Yesus lại là Thiên Chúa, là vua trên các vua, là người đã ban ơn khôn ngoan cho vua Salomon.     Thế thì Chúa Yesu không cao trọng hơn vua Salomon, không phải là Thầy khôn ngoan của ông sao? Thế mà họ vẫn cứ không chịu tin.

12/ Chúa dạy chúng ta đừng cố chấp, cứng lòng như dân Do Thái nói chung.     Nhưng hãy bắt chước dân Ninive và nữ hoàng Phương Nam.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra thập giá là dấu chỉ của tình yêu Chúa,    để con quyết lòng đi theo Chúa đến cùng. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.

1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!

3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.

- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.

Thứ năm, 22/02/2018

Đề tài: ĐÁ TẢNG CỦA HỘI THÁNH

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ-RÔ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mattheu. (Mt 16,13-19)

13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

SUY NIỆM:

1/ Suốt mấy ngàn năm qua, không một vương triều nào bền vững. Giờ đây Neron César, Napoléon, Hitler… họ đang ở đâu? Phong ba bão táp không ngừng đánh vào con thuyền Thánh Phê-rô. Hội Thánh của Chúa vẫn muôn đời bền vững. Vì sao? => Vì Hội Thánh do Thiên Chúa thiết lập.

2/ Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh và chỉ định Phê-rô là người đứng đầu và là người thay mặt Chúa để cai quản Hội Thánh. Lời Chúa Giêsu nói với Ngài năm xưa, hôm nay chúng ta vẫn còn nghe thấy “Anh là Phê-rô, là tảng đá. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.

3/ Tiếp nối công sức của Phê-rô và các Tông Đồ, các Đức Giáo Hoàng kế vị cũng điều khiển Giáo Hội và chăm sóc các Kito hữu trên toàn thế giới, bảo vệ Hội Thánh khỏi mọi tà thuyết và mưu chước của ma quỷ.

4/ Là Kito hữu, chúng ta thuộc về Giáo Hội và có một vị Cha chung là Đức Thánh Cha. Vì thế chúng ta có bổn phận xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo Hội, chăm sóc và cầu nguyện cho vị Mục Tử thân yêu của chúng ta.

5/ Nếu có dịp đọc lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta thấy ngay từ đầu khi mới thành lập Giáo Hội ở Yerusalem. Thánh Phê-rô đã ý thức mình là người đứng đầu, Ngài nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong Tông Đồ đoàn và trong cộng đồng dân Chúa.

6/ Từ sau ngày lễ ngũ tuần, Ngài bắt đầu giảng dạy tại Yude-a và Samari-a. Nhưng do cuộc bách hại quá gay gắt nên Ngài phải rời bỏ Yerusalem để đi nơi khác. Như Sách Công Vụ kể lại: “Sau khi thoát khỏi ngục, Phê-rô đã đi nơi khác”.

7/ Ngài rời bỏ Yerusalem để tới Antioki-a, sau đó Ngài tới Corintho và Roma. Sử liệu không ghi lại Ngài tới Roma khi nào, không ai biết chắc chắn về niên hiệu của năm đó, nhưng các sử gia thời thượng cổ quả quyết: Thánh Phê-rô đã điều khiển giáo đoàn Roma suốt 25 năm và được phúc tử đạo tại đây.

8/ Lý do nào Phê-rô để ý đến Roma và lập Tông Tòa tại đây ? Vì đây là Kinh đô của Đế quốc nên nó sẽ có tầm quan trọng về kinh tế ,chính trị và tôn giáo, do đó nó sẽ giúp nhiều cho việc lãnh đạo và bành trướng của Giáo hội. Đàng khác, hết mọi tín hữu vì lý do chính trị, kinh tế hay thương mại mà phải đến Roma, họ có thể tiếp xúc với vị lãnh đạo tinh thần tối cao của mình cách dễ dàng hơn. Vì vậy Roma được chọn như nơi gặp gỡ của nhiều giáo đoàn / cho tới nay mọi người đều công nhận lợi ích lịch sử này.

9/ Hôm nay chúng ta tôn kính tòa thánh Phê-rô, cũng là tôn kính cá nhân Đức Giáo Hoàng ,vị đại diện Chúa Kito ở trần gian, là Đấng kế vị liên tục của thủ lãnh đầu tiên là Thánh Phê-rô.

10/ Chúng ta biết Đức Giáo hoàng là hiện thân tình thương của Chúa Thánh Thần trên trần gian, qua các thời đại cho đến tận thế. Ngai Giáo Hoàng là tượng trưng quyền bính thiêng liêng của Thiên Chúa tối cao, khiến cho vua Henri II của nước Đức dù ngạo mạn đến đâu cũng phải còng lưng uốn gối vái chào trước Đức Giáo Hoàng.

11/ Dù bạo ngược như Attila một người được coi là chiếc roi để quất thiên hạ ,cũng phải run sợ trước tôn nhan của Đức Leo XIII. Dù bạo ngược như thủ tướng Moussoloni cũng đã can gián Hitler khi muốn chiếm đất Tòa Thánh “Khôn hồn thì chớ đặt chân lên đất Vatican, kẻo lại chuốc họa vào thân”.

12/ Nhắc lại một số sự kiện như thế để nhắc nhớ chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho Giáo Hội luôn phát triển bền vững. Đồng thời chúng ta cũng phải luôn cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, xin Chúa ban cho Ngài đủ năng lực để lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua mọi khó khăn của thế giới hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện khắp mọi nơi. Xin ban cho Đức Thánh Cha trí dũng song toàn, tràn đầy Thánh Đức để dẫn dắt con thuyền Giáo Hội tới bến bình an. Amen.**R

Thứ sáu, 23/02/2018

Đề tài: Điều kiện để được tha thứ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5,20-26)

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Nữ bá tước Litsi quá đau buồn vì con trai mình tử trận. Một hôm, đang săn sóc một binh sĩ Đức bị thương đang hôn mê sâu, bà thấy chiếc ví và đồng hồ của con trai mình trong túi áo của người lính Đức. Bàng hoàng tức giận, bà thốt lên: “Đây đúng là kẻ đã giết con trai tôi”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy từ chiếc ví của con trai bà rơi ra, bà vội nhặt lên và đọc: “Mẹ ơi! Con luôn nhớ và cầu nguyện cho mẹ, nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, hãy can đảm dằn cơn đau khổ và cầu nguyện cho con”. Bà xúc động một lúc, rồi cuối xuống tiếp tục săn sóc người lính Đức. Những giọt nước mắt tha thứ đã tuôn trào ra từ đôi mắt của bà.

2/ Không thiếu những phiền toái trong cuộc sống khiến ta buồn lòng. Một tác giả sách đạo đức ghi lại rằng: Đừng tức tối vì người khác chỉ trích, mắng chửi con, nhưng hãy cám ơn họ vì còn biết bao điều tồi tệ khác trong con mà họ chưa nói tới.

3/ Tha thứ cho người khác là điều khó làm nhất. Nhưng lại là việc đạo đức đẹp lòng Thiên Chúa nhất nên Chúa đã thưởng công cho việc này bội hậu nhất.

4/ Chúa Yesus khẳng định: Ngài đến trần gian không phải để bãi bỏ những lề luật thời Cựu Ước nhưng đến để kiện toàn, để làm cho luật hợp thời hơn, ý nghĩa và đúng hơn.

5/ Về luật cấm giết người: Khi tội nhân phạm tội này thì việc giam tù hay những hình phạt nặng hơn khác chưa phải là giải pháp hay nhất. Nhưng Chúa muốn nói đến phần gốc phát sinh ra tội này: Đó là đừng căm giận, oán ghét, nhưng hãy mau chóng hòa giải, làm hòa, tha thứ cho nhau trước.

6/Luật pháp thời xưa chỉ cấm ghết người, cấm làm đổ máu, còn những nguyên nhân đưa đến tội này như hận thù, giận dữ, ghen ghét, vu khống, chửi rủa thì luật người xưa không cấm.

7/ Trong luật Tân Ước: Chúa cấm tất cả các nguyên nhân phát sinh ra hành động này, cụ thể như tức giận, chửi rủa thì tội cũng ngang bằng với tội giết người.

8/ Tức giận là phản ứng tự nhiên khi quyền lợi của ai đó bị va chạm. Có khi tức giận đúng, có khi tức giận sai; tức giận đúng khi vẫn giữ được tính công bằng và sự ôn hòa, bác ái, xây dựng.

9/ Khi đã tức giận sai mà cơn giận lại càng kéo dài và cơn giận này thường làm chủ mọi hành động sau đó thì lại là điều vô cùng tai hại. Điều này thật đáng sợ vì nó sẽ dẫn ta đến chỗ làm điều ác, làm liều mà không kìm hãm được.

10/ No mất ngon, giận mất khôn. Khi giận thì trí óc bị rối loạn nên khó có quyết định nào lúc này có thể sáng suốt. Lúc nóng giận thì làm gì cũng vội vàng, thiếu suy xét và thường là phải ân hận rất nhiều sau đó.

11/ Chúa Yesus muốn ngăn chặn sự ác khi còn trong tư tưởng xấu. Giận ghét lúc này ngang bằng với tội giết người. Một tội nữa cũng ngang bằng, đó là chửi rủa anh em vì chửi rủa làm hại nhân phẩm anh em, đó là giết nhau bằng lời nói.

12/ Giết trong phạm vi thân xác là giết người. Giết người trong tinh thần làm cho họ tủi nhục, buồn phiền, chán nãn, tuyệt vọng. Đây cũng là tội lỗi bác ái nặng nề nhất.

13/ Chúa bảo chúng ta phải làm hòa để không xảy ra điều tai hại hơn. Không được làm hại, không được mưu hại mà còn phải đi bước trước là làm hòa.

14/ Theo bản tính tự nhiên của con người trần tục. Khi bị ai mưu hại, bị thiên hạ gây ra cho mình điều bất công như là sĩ nhục, cười chê, nói hành, vu vạ, cáo gian; tất nhiên lòng tự ái của ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng ta sẽ sôi sục lên, muốn nổ tung muốn trả đũa ngay.

15/ Chúa muốn chúng ta sống khác đi, muốn chúng ta đối xử cao thượng hơn. Chúa muốn ta tha thứ làm hòa.

16/ Thánh Phaolo dạy: Nếu có nóng giận thì làm sao để đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan. Thánh tông đồ muốn chúng ta làm hòa trước khi đi ngủ, nhất là trong lĩnh vực vợ chồng.

17/ Hết giận thì tâm hồn bình an, tâm hồn thanh thản và có Chúa ở cùng. Đó là điều chúng ta cần phải sống cho đúng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống sao để con luôn có mối tương quan tốt đẹp với anh em con, đúng như Chúa dạy. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Môn đệ Chúa phải sống công chính hơn các Kinh-sư và Biệt-phái.

1/ Giết người không chỉ giết về phần xác: Nhiều người khi xét tới điều răn thứ năm, thứ chín, và thứ mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ giết người, ngọai tình, và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta phải xét mình cẩn thận hơn. Có những người muốn giết người, ngọai tình trong tư tưởng, và ham muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người phạm tội. Về việc giết người, Chúa nhấn mạnh đến 3 điểm sau:

- Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Có hai động từ “giận” trong Hy-lạp: (1)qumomace,wcó nghĩa “tức giận,” nhưng xong rồi thôi. Cơn giận nổi lên như lửa gần rơm, nhưng rồi cũng mau chóng nguội. (2)ovrgi,zomaichỉ sự giận âm ỉ, hờn giận. Cái giận thứ nhất có thể tha thứ vì thuộc bản năng con người; cái giận thứ hai đáng bị luận tội hay bị đưa ra tòa xét xử, vì là cái giận giai dẳng và từ chối không tha thứ, dù trí khôn đã cho biết phải bỏ qua. Cái giận mà có người nói “sống để trong lòng, chết mang theo.” Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ lột tả được cái giận này: “Giết nhau chẳng cái lư cầu. Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa.”

- Ai mắng anh em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. ~Raka, có nghĩa người không có trí khôn, không biết suy xét; nó là tiếng khinh thường tha nhân. Con người thường rất tức giận khi nghe ai mắng mình là “đồ ngu ngốc.”

- Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Mwre, có nghĩa là người hành động như người điên rồ về phương diện luân lý. Thánh Vịnh 14, câu 1 nói “Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!" Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện.” Gọi ai Mwre, có nghĩa khinh thường họ có một cuộc đời vô luân, làm đĩ làm điếm, không xứng đáng với người có đạo. Tội làm mất danh giá người khác qua việc nói xấu, nói hành là tội nặng, và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

2/ Phải hòa thuận trước khi rước Mình Thánh Chúa: Luật Cựu Ước đòi phải dâng lễ vật để đền tội đã phạm đến Thiên Chúa và con người. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Nếu không giao hòa và tha thứ cho anh em, làm sao con người có thể dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ tội của mình. Tương tự khi con người lên rước lễ, nếu còn đang có chuyện bất bình với tha nhân, làm sao họ có thể kết hợp và xin sự tha thứ của Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mỗi người chúng ta đều có thể từ xấu trở nên tốt, và từ tốt trở nên xấu. Nếu Thiên Chúa nhân từ không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống; Ngài cũng công bằng xét xử, nếu người công chính bỏ đàng tốt lành để theo đàng tội lỗi.

- Để trung thành theo đàng công chính, con người cần hiểu biết và sống theo những điều Chúa dạy; nhất là phải tuyệt đối sợ và tránh xa tội.

 

Thứ bảy, 24/02/2018

Đề tài: Hãy yêu thương kẻ thù

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5,43-48)

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Hận thù có thể là một mối nguy: Gặm nhấm tinh thần một con người khiến họ có thể tức tối, hậm hực, mất ăn, mất ngủ mà chết.

2/ Cinceron thì nói: Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, vì mỗi người thường tự tạo cho mình kẻ thù rồi lại tìm cách tiêu diệt chính mình.

3/ Thù hận là dấu chỉ một con người bị thống trị bởi Satan: Chính Satan luôn gieo thù hận trong lòng con người, đặt con người vào thế chia rẽ, chống đối để tìm mọi cách hủy diệt nhau.

4/ Chúa Yesus đã hủy diệt kẻ thù của mình bằng một cái chết yêu thương và tha thứ. Chỉ có yêu thương mới hóa giải được các mối oán thù và mới khuất phục được kẻ thù. Vì oán báo oán, oán sẽ chất chồng.

5/ Mỗi người sẽ là kẻ thù của chính mình khi luôn mang trong lòng sự thù hận, khi khước từ sự tha thứ. Kẻ thù khủng khiếp nhất như quả bom chính là cõi lòng tích chứa thù hận. Vì vậy chúng ta chỉ thật sự có bình an khi có được một tấm lòng quảng đại trong yêu thương tha thứ.

6/ Thế giới luôn mệt mỏi vì sự thù hận. Chúng ta không nên chất chứa căm thù đối với bất cứ tạo vật nào, kẻ thù của bạn sẽ không đầu hàng cho dù bạn làm cho họ kiệt sức; nhưng họ sẽ chịu thua khi bạn không sử dụng bạo lực nữa. Trái tim dù có chai đá đến đâu thì nó cũng sẽ tan chảy trong lò lửa tình yêu (Lời của Mahatma Gandhi).

7/ Lời của thủ tướng Ấn Độ trên đây không phải là lời phát xuất từ một kẻ nhu nhược, những đã được ông xác tín rằng: Từ chối sử dụng bạo lực sẽ phát sinh ra một sức mạnh tuyệt đối vì lúc đó con người này đã thực sự chiến thắng được chính mình, kiểm soát được tình cảm và sự bồng bột nóng nảy của mình. Qua đó, họ tìm ra được ý nghĩa sống của mọi sự.

8/ Ông Mahatma Gandhi đã chết sau mấy nhát gươm của một thanh niên quá khích. Trước khi chết người ta nghe rõ tiếng ông kêu “Rama, Rama!” Nghĩa là “Chúa ơi, Chúa ơi!”. Rồi trong một cố gắng cuối cùng, ông đưa hai tay lên đan lại nhau như một cử chỉ của cầu nguyện và tha thứ, rồi ông mới gục ngã.

9/Mục sư LutherKing đã dùng khí giới tình yêu để đấu tranh xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, màu da ở Mỹ. Ông đã khuyên nhủ đám đông da đen đang sôi sục hận thù và khuyên họ hãy yêu thương anh em da trắng vì chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng bạo động. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng, chúng ta yêu thương họ thật sự, chúng ta hãy sống bằng cách lấy tình thương đáp trả hận thù.

10/ Hai mẫu gương trên đây, nhất là lời kêu gọi của Mục sư LutherKinh đã thể hiện đúng lời Chúa Yesus dạy trong Tin Mừng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em”.

11/ Chúa kêu gọi: Hãy lấy tình thương mà đối xử với nhau, yêu thương là loại vũ khí giải quyết mọi vấn đề. Yêu thương và tha thứ là giải pháp hay nhất để không gây đổ vỡ và oán thù.

12/ Ai trong chúng ta cũng có kẻ thù, có lẽ lúc này đây chúng ta đang cay đắng hay oán thù một ai đó, phương thức hay nhất để chung sống hòa bình với nhau là thêm bạn, bớt thù.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ để xứng đáng được Chúa xót thương. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

1/ Hãy yêu thương kẻ thù: Chúa Giêsu biết rõ những gì Luật dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Nhưng Ngài dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Ngài biết con người không dễ để yêu kẻ thù; nhưng con người có thể làm được chuyện đó nếu họ được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa.

- Điểm đầu tiên chúng ta cần chú ý là động từ “yêu,” đặc biệt dùng ở đây là avgapa,w. Động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Hai động từ yêu khác trong tiếng Hy-Lạp là ejréevw và file,w. Con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa trước: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Jn 15:4). Sau khi thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, họ có thể yêu kẻ thù bằng tình yêu này: “Như Thầy yêu anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Jn 13:34).

- Cầu nguyện cho kẻ thù là cách tốt nhất để tha thứ và bắt đầu yêu thương họ. Nếu không cầu nguyện cho họ, cũng không thể tha thứ. Chúa Giêsu không chỉ dạy, nhưng Người đã làm gương cho môn đệ, khi cầu xin cho những người đã bách hại Ngài trên Thập Giá: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lk 23:34). Thánh Stephanô, tử đạo tiên khởi, cũng bắt chước gương Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Acts 7:60).

2/ Lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 2 lý do:

(1) Anh em là con Thiên Chúa: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Chúa yêu thương mọi người, vì mọi người đều là con cái của Ngài: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” Chúng ta yêu thương mọi người, vì mọi người đều là anh chị em chúng ta. Hơn nữa,

- Anh em phải khác người thu thuế: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”

- Anh em phải khác người ngọai đạo: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

(2) Được kêu gọi để trở nên hòan thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Trở nên hòan thiện đòi một luật sống khác với người thường; nếu không chúng ta cũng chỉ là người tầm thường như họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy nơi chúng ta một lối sống không tầm thường, họ có thể nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta là những người được chọn để sống cho Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải sống theo lối sống của Thiên Chúa đề ra.

- Một trong những đòi hỏi của lối sống môn đệ Chúa là phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Từ chối không thi hành điều Chúa Giêsu dạy cũng đồng nghĩa với việc từ chối làm môn đệ Chúa.

- Để có thể thực hiện điều khó khăn này, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.


Trở lại      In      Số lần xem: 2646
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  3297
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11353601
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top