Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần I Thường Niên B -2015

Thứ hai, 12/01/2015

Đề tài: Trở nên một dụng cụ cho Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 1,14-20)

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thánh Yoan Vianney học hành rất kém, đến ngày kiểm tra bài, giáo sư đưa ra nhiều câu hỏi nhưng Ngài không trả lời được câu nào. Vị Giáo sư nổi nóng quát lớn: Anh dốt như lừa với một con lừa như anh thì giáo hội sẽ làm được những gì? Yoan Vianney khiêm tốn trả lời:Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng 1 cái hàm lừa mà có thể đánh bại 3.000 quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này mà Thiên Chúa không làm được gì sao?

2/ Chúa Yesus mời gọi Simon và Anrê cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu độ thế gian.

3/ Hằng ngày Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta như vậy. Đây là một vinh dự mà cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

4/ Tuy nhiên có nhiều yếu tố trở ngại khiến chúng ta chùn bước, muốn từ chối vì chúng ta sợ: Sợ quyền lực thế gian chống đối, bách hại; sợ vì tính tự ti mặc cảm mình yếu đuối, bất tài, thấp hèn.

5/ Trong các tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên, Thánh Marcô ghi lại ở đây (Mc 1,11-20) việc hoạt động và rao giảng của Đức Yesus trong đó có việc kêu gọi các Môn đệ đầu tiên.

6/ Sự kiện Yoan Tẩy Giả bị tống giam vào ngục đã chấm dứt sứ vụ của Yoan dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, và đồng thời cũng là khởi điểm cho việc Chúa Yesus bắt đầu rao giảng Tin Mừng.

7/ Chúa Yesus có cái nhìn về sự kiện ông Yoan bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên, và Chúa coi đó như là sứ vụ dọn đường của Yoan đã chấm dứt và cũng là điểm khởi đầu Ngài đi rao giảng Tin Mừng.

8/ Noi gương Chúa Yesus, chúng ta cần có cái nhìn siêu nhiên trước những sự kiện được xem như xui xẻo để nhận biết ý Chúa mà thực thi.

9/ Chúa Yesus kêu gọi các Môn đệ đầu tiên đi theo Chúa. Nọi gương Chúa và hiểu ý Chúa nên chúng ta cũng biết rằng: Việc Tông đồ đang cần rất nhiều người cộng tác, vì thế Chúa cần chúng ta nhiệt tình trong việc cổ võ ơn gọi làm Linh Mục, tu sĩ, làm Tông đồ cho Chúa.

10/ Chúa Yesus lựa chọn và kêu gọi các Tông đồ trong đời thường, các ông đang làm công việc đánh cá, nếu chúng ta có lòng với Chúa thì cho dù ở đâu đang sống ở môi trường nào hay điều kiện khó khăn đến đâu đi nữa, Chúa vẫn chọn, vẫn gọi chúng ta.

11/ Điều kiện để được gặp Chúa ở đời này cũng như đời sau đó là hãy sám hối và trở về với Chúa.

12/ Nếu chúng ta đáp ứng theo tiếng Chúa gọi và vâng nghe theo Thánh ý Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa, được Chúa biến đổi như các Tông đồ từ thân phận chài lưới cá sang chài lưới người.

13/ Chúng ta đừng mặc cảm vì thân phận yếu hèn, vì đối với Chúa không có thứ gì mà Chúa không làm được, Chúa có thể dùng sự hèn hạ ấy vào công trình mở mang nước trời.

14/ Nghe tiếng Chúa gọi, các Tông đồ đã mau mắn và dứt khoát từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.

15/ Bỏ mọi sự thế gian như Simon và Anrê; bỏ cả cha bỏ cả gia đình như Giacobe và Yoan.

16/ Từ bỏ mọi sự, mau mắn dứt khoát. Đó là tinh thần người Tông đồ, các Tông đồ phải có thời gian ở gần bên Chúa, có thời gian tu luyện trước khi được sai đi, như thế mới xứng đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con noi gương Chúa, Mẹ Maria, các Thánh. Luôn đáp lời xin vâng để trở nên khí cụ tốt trong việc mở mang nước Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.

1/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:

(1) Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: vẫn có sự liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng được Chúa Giêsu mang đến chỗ tòan hảo.

(2) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Nhưng để kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ gì với Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài sẽ huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người đang cần đến các ông.

2/ Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi:

(1) Simon và Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.

(2) Giacôbê và Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn nghề nghiệp và tình cảm gia đình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người.

- Chúng ta cần phản ứng tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là trong việc rao giảng Tin Mừng.

 

Thứ ba, 13/01/2015

Đề tài: Người thầy quyền uy

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 1,21-28)

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Vào thời Đức Yesus, các Kinh sư và Pharisêu thường ngồi trên tòa cao để giảng dạy cho dân chúng. Họ thường đưa ra những luật lệ chi li, nghiêm ngặt và bắt người khác phải tuân giữ, còn chính họ thì không phải làm.

2/ Cách giảng dạy của Chúa Yesus rất khác xa những bọn người trên đây: Người không dùng cách ngồi trên tòa cao hay những quảng trường nguy nga, tách biệt, nhưng luôn gần gũi với dân chúng. Chúa dùng chiếc thuyền đánh cá để làm giảng đài, còn dân chúng thì tụ tập chung quanh, kẻ ngồi người đứng, trẻ con thì nô đùa!

3/ Giáo huấn của Chúa cũng rất khác lạ. Chúa không đặt nặng lý thuyết nhưng giảng giải rất thực tế và dễ hiểu, người nói cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương và Cha luôn tha thứ tội lỗi cho họ, người khuyến khích họ sống tốt để xứng đáng là con cái Cha trên trời. Vì thế người luôn mang đến cho họ niềm hạnh phúc, niềm vui và hy vọng.

4/ Nhìn vào gương của Chúa: Khi đi giảng đạo, Chúa Yesus thường đem theo các Môn đệ, như vậy các ông có dịp mắt thấy tai nghe những lời giảng và các việc Chúa làm để cảm nhận và bắt chước sau này.

5/ Tư cách của Chúa trong hội đường: Người thường vào hội đường để giảng dạy, nơi hội đường Chúa Yesus chẳng có chức vụ gì, cũng chẳng có quyền hành gì, nhưng do có thế giá mà Người được mời để giảng Kinh Thánh cho cộng đoàn, Ngài nêu cao giá trị con người do bản chất chứ không phải do hình thức bề ngoài.

6/ Vì sao thiên hạ sửng sốt? Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người! Trách nhiệm của người dạy là hiệu quả đối với người nghe ở nơi gương sáng trong đời sống và sự xác tín về điều mình nói hơn là chỉ giảng dạy suông.

7/ Lời Chúa như một lệnh truyền: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”. Chúa trục xuất quỷ bằng lệnh truyền, điều này chứng tỏ Chúa có uy quyền hơn ma quỷ. Chúng ta chỉ có thể thắng ma quỷ bằng uy quyền của Chúa khi chúng ta đứng về phe của Chúa và đang hiệp thông với Chúa.

8/ Thiện chí của dân chúng khi nghe Chúa giảng dạy: Dân chúng có thiện chí chú ý lắng nghe lời Chúa giảng nên mới có thể phân biệt được giá trị của Lời Chúa có uy quyền hơn lời giảng của các Kinh Sư.

9/ Chúng ta khi nghe giảng dạy, cũng phải tỏ thiện chí, cũng phải chú ý lắng nghe với lòng ngay thì mới có thể nhận thức và tiếp thu được lời giảng. Khiến lời giảng giúp chúng ta biến đổi mình.

10/ Thái độ khi nghe giảng: Sau khi nghe Lời Chúa  giảng, sau khi chứng kiến phép lạ Chúa làm, dân chúng bàn tàn nhau về những điều khiến họ cảm phục Chúa. Còn chúng ta, khi nghe giảng, chúng ta thường bàn tán để phê bình, để chỉ trích hơn là để cảm phục về nội dung bài giảng và đem ra thực hành.

11/ Danh tiếng của Chúa được đồn ra: Sau khi nghe giảng, dân chúng truyền tụng nhau về sự cảm phục Chúa, khiến cho danh tiếng của Chúa càng được đồn thổi ra khắp nơi. Sau khi nghe giảng, chúng ta cần truyền nhau những điều hay lẽ phải trong lời giảng để lời giảng đó được lan rộng ra chung quanh. Đó cũng là một hình thức chia sẻ sức sống của Lời Chúa.

12/ Vì sao Chúa cần âm thầm kín đáo? Chúa cấm thần ô uế không được nói ra vì thời giờ chưa thuận tiện. Chúa muốn âm thầm kín đáo trong công việc người làm, người Tông đồ noi gương Chúa phải biết khiêm nhường, kín đáo, đừng phô trương mà làm hỏng việc.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con ghi nhớ và mau mắn thực hành lời giáo huấn của Chúa Yesus để con trở nên Môn đệ của thầy mình. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

1/ Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người: “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh-sư.” Qua lời nhận xét này, khán giả đã nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư:

- Đấng có thẩm quyền: Người biết rõ vấn đề chứ không dựa theo người khác. Điều này dễ hiểu nếu chúng ta nhìn nhận Đức Kitô chính là sự khôn ngoan hay trí tuệ của Thiên Chúa. Ngài biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn sửa chữa sự hiểu sai của truyền thống: “Người xưa dạy… phần Thầy, Thầy dạy các con… ”

- Các kinh-sư: Họ chỉ hiểu phần nào của vấn đề chứ không thông suốt tất cả. Họ phải dựa vào thẩm quyền của Kinh Thánh để biện minh cho những lời giải thích của họ, chứ không dám đưa ra một giáo lý gì mới cả.

2/ Chúa Giêsu có uy quyền trên các thần ô uế: Trình thuật kể: trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"”

Người Do-Thái tin có rất nhiều thần ô uế trong thế giới, và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất các thần ô uế khỏi con người, điển hình là trình thuật hôm nay. Các thần ô uế này có thể là oan hồn của các kẻ gian ác chưa được giải thóat, hay dựa trên trình thuật của Stk 6:1-4.

(1) Ông là “Đấng Thánh”của Thiên Chúa: Thần ô uế biết nguồn gốc và mục đích của Chúa Giêsu. Nguồn gốc: Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Mục đích: Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi và các kẻ gây ra tội lỗi. Không những thế, Ngài còn khôi phục lại sự thánh thiện của con người, làm cho họ xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa.

(2) Chúa Giêsu truyền lệnh: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

(3) Phản ứng của con người: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!"

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Vì Chúa Giêsu đã chịu chết để phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho con người, chúng ta cần bắt chước Chúa Giêsu để tiêu diệt và tránh xa ảnh hưởng của các thần ô uế.

- Để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta cần thông suốt những gì Chúa dạy trước khi có thể rao truyền Tin Mừng cho người khác.

- Một cuộc sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác tin vào Thiên Chúa hơn là chỉ thuần túy rao giảng.

 

Thứ tư, 14/01/2015

Đề tài: CHÚA YESUS KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 1,29-39)

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thủ tướng Ấn Độ, Mahatma Gandhi, một vĩ nhân của người Ấn Độ, ông rất say mê Kinh Thánh và yêu mến Đức Yesus. Một ngày nọ khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị những người da trắng đuổi về vì ông là người da màu, ông đã ra đi và không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

2/ Sứ mệnh của Chúa Yesus là cứu tất cả mọi người, không loại trừ ai, cho dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, da trắng hay da đen, giàu hay nghèo.

3/ Thiên Chúa không phải của riêng ai, hay của riêng một tổ chức nào, hay một nhóm người nào. Vì thế chúng ta không được phép độc chiếm làm của riêng, trái lại mỗi người cần góp phần vào việc đem Tin Mừng đến cho anh em chung quanh.

4/ Sau khi Chúa Yesus rời khỏi hội đường, nơi được phép giảng dạy công khai. Chúa Yesus đến nhà ông Simon và chữa lành bệnh sốt cho bà mẹ vợ ông.

5/ Chúa Yesus rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời công bố, mà còn bằng những hành động giải thoát bệnh tật phần xác, phần hồn.

6/ Chúng ta làm Tông đồ cho Chúa không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những việc làm cụ thể có tính cách chia sẻ, giúp đỡ, khuyến khích, phục vụ, cứu giúp về vật chất lẫn tinh thần.

7/ Cách Chúa chữa cho bà nhạc gia ông Phero như là: Tiến lại gần, cầm tay, nâng bà dậy. Những cử chỉ này mang tính chân tình, tình bạn, nhân bản, khiến cho bà hết sốt. Chúng ta cũng cần có cử chỉ hòa đồng, nhân tình để khích lệ tha nhân.

8/ Khi hiệp lễ, chúng ta được cầm mình Chúa trên tay để rước Chúa vào lòng là chúng ta được hiệp thông với Chúa. Lúc đó chúng ta hãy nhớ cầu xin Chúa cứu chữa chúng ta khỏi những cơn cảm sốt, ích kỷ, lười biếng và nguội lạnh chia trí khi cầu nguyện.

9/ Người ta trình bày với Chúa về những bệnh tật của bà. Trong những giây phút cầu nguyện, chúng ta nên trình lên Chúa những nhu cầu, những bệnh hoạn tật nguyền về phần xác phần hồn để xin Chúa cứu chữa.

10/ Chúa không cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai. Chúa không tìm danh vọng, thắng lợi, vinh quang trong công việc Tông đồ, điều thiện không gây ồn ào, không khua chiên, gõ mõ.

11/ Chúa nhiệt thành trong công việc đạo đức và lo cho bản thân mình, nên từ sáng sớm đã ra đi vào nơi hoang vắng để cầu nguyện với Chúa Cha.

12/ Nhìn cách Phê-rô và các bạn ông kéo nhau đi tìm. Việc tìm Chúa là việc của tập thể và cũng cần phải hiệp nhất với nha nhân nữa. Đọc kinh chung, tham dự phụng vụ cộng đồng, hiệp dâng thánh lễ, chia sẻ lời Chúa. “Nơi nào có 2,3 người hiệp ý cầu nguyện thì có ta luôn ở giữa họ”.

13/ Bà mẹ vợ ông Phê-rô sau khi được Chúa chữa lành bệnh, bà ân cần phục vụ Chúa và các Môn đệ. Chúng ta cũng cần phải luôn luôn sống trong tâm tình biết ơn là nhiệt tình phục vụ Chúa và hội thánh của Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vui vì đã tìm được Chúa và được Chúa yêu thương, xin cho con biết quảng đại đem Tin Mừng của Chúa đến cho anh em con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu đồng cảm với con người. Ngài chữa lành mọi bệnh họan, tật nguyền.

1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”

Trong hành trình của Chúa trên dương gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu xin nữa.

2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.

3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để

nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.

(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm thương với số phận của con người: yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.

- Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.

- Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không hòan tòan sống ỷ lại vào người khác.

 

Thứ năm, 15/01/2015

Đề tài: Cách đụng chạm đầy yêu thương

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.  (Mc 1,40-45)

40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Phong hủi là căn bệnh đáng sợ từ xưa đến nay khiến cho ai cũng xa lánh và tránh tiếp xúc. Vào thời Chúa Yesus, người bệnh phải ở cô lập, người bệnh khi ra đường buộc phải hô to “Ô uế, ô uế” để mọi người biết mà tránh xa.

2/ Chúa Yesus không né tránh, không giữ khoảng cách. Nhưng ngược lại, Chúa đến gần, cố ý đụng chạm để chữa lành cho người mắc bệnh phong.

3/ Từ khi bác sĩ Hansen tìm ra thuốc chữa vào năm 1871, bệnh phong đã không còn đáng sợ nữa. Tuy nhiên trong thế giới hôm nay cũng còn có biết bao thân phận thê thảm, đáng thương không khác gì bệnh nhân phong ngày xưa.

4/ Đó là những người sa cơ lỡ vận, côi cút, cô nhi, già cả neo đơn, nghèo khó tật nguyền. Liệu chúng ta có dám quảng đại yêu thương giúp đỡ họ như Chúa Yesus ngày xưa không?

5/ Chúa Yesus chạnh lòng, Ngài xúc động trước nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của người phong cùi. Chúa Yesus không phải là người vô cảm, lãnh đạm, nhưng Chúa là người dễ động lòng trắc ẩn.

6/ Chúa đụng tay: Chúa muốn chia sẻ nổi đau của người phong cùi này không chỉ bằng lời nói, bằng tình cảm suông, nhưng bằng hành động cụ thể là ra tay cứu giúp.

7/ Hãy đi trình diện tư tế và không được nói ra: Chứng tỏ Chúa là người không thích được nổi danh nơi dân chúng vì người muốn tránh những cảnh nhiệt tình, náo động ở bên ngoài.

8/ Sự trong sạch không phải chỉ có ở trước mặt Chúa mà thôi, vì Chúa chữa lành, nhưng còn phải có trước mặt người ta nữa để làm chứng rằng: Đời sống nhân bản là thước đo giá trị cho đời sống nội tâm.

9/ Trong xã hội thời đó, các bệnh truyền nhiễm như cùi, hũi, đều bị coi là một hình phạt của Thiên Chúa, và bị loại ra khỏi cộng đồng Tôn giáo (Lv 13,35).

10/ Người bị bệnh hũi không được phép tiếp xúc trong xã hội. Chúng ta hãy cảm nghiệm về thân phận đau khổ và cô đơn thất vọng của người phong hũi để nhận ra thân phận đáng thương của những kẻ có tội.

11/ Người phong hũi đến quỳ xuống, van xin Chúa: Đây là lời nói và hành vi bày tỏ lòng khiêm nhường và van xin lòng thương xót của Chúa.

12/ Nhờ bày tỏ niềm tin tưởng, phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa nên anh ta được Chúa nhận lời. Nếu chúng ta muốn được Chúa nhậm lời, chúng ta cũng cần biểu lộ sự khiêm nhường, tín thác vào Chúa chứ không phải là đòi hỏi hay áp đặt Chúa theo ý của mình.

13/ Tôn vinh danh Chúa là bổn phận của những ai đã được diễm phúc đón nhận hồng ân của Chúa. Bắt chước người phong hũi, rao truyền và tung tin khắp nơi. Chúng ta cũng cần nhận ra ơn Chúa để rồi cao rao danh Chúa khắp mọi nơi, mọi lúc cho mọi người biết.

14/ Đi trình diện tư tế là cách chu toàn lề luật.  Nếu muốn làm chứng nhân cho Chúa, đó là thái độ vâng phục.

15/ Cảm nhận về thân phận của người phong cùi để nhận biết thân phận của kẻ tội lỗi. Và nhận ra mình cũng là thân phận như thế để mau mắn sám hối xin Chúa xót thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước Chúa, mở rộng lòng ra để đón nhận mọi người, không loại trừ ai, nhất là những con người bệnh tật khổ đau phần xác, phần hồn. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Người phong cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.

1/ Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.

2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.

3/ Anh được chữa lành phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu Chúa Giêsu là một ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự, điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.

- Vâng lời Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.

 

Thứ sáu, 16/01/2015

Đề tài: ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,1-12)

1 Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Này con, tội con được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng : 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy ? 9 Trong hai điều : một là bảo người bại liệt : ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo : ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, –Đức Giê-su bảo người bại liệt–, 11 Ta truyền cho con : Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà !” 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một em gái, nữ sinh tiểu học ở Ninh Thuận bị dị tật ở chân nên không thể đi đứng được.Bạn gái của em đã cõng em đi học suốt 6 năm liền, cho đến khi em được những người tốt bụng tặng cho chiếc xe lăn.

2/ Tin Mừng kể lại câu chuyện một người bại liệt được bạn bè khiêng đến cùng Đức Yesus để xin Người chữa bệnh cho anh ta.

3/ Họ làm tất cả vì lòng thương mến anh, mà cùng vì một lòng tin tưởng vào quyền năng Chúa Yesus,nên họ đã không quản ngại đường xa, nặng nhọc, tốn nhiều công sức khi phải xin chủ nhà cho phép gỡ mái và làm lại mái nhà sau khi sự việc thành công.

4/ Đáp lại tấm lòng đầy tin tưởng của họ, Chúa đã ra tay chữa lành cho người bại liệt.

5/ Chúa Yesus đã dùng quyền năng để giúp đỡ con người. Về phần xác, Chúa chữa bệnh tật; về phần hồn, Chúa ban ơn tha tội, ban ơn thánh hóa. Phép lạ hôm nay đã minh chứng điều đó.

6/ Là ki-tô hữu, chúng ta cần làm gì? Cần giúp tha nhân chữa lành phần xác bằng các việc bác ái, phục vụ, an ủi giúp đỡ; phần hồn thì giúp họ hiểu và tin tưởng vào Chúa.

7/ Dân chúng tìm đến để xin Chúa cứu chữa, nhưng trước hết Chúa muốn giảng dạy cho họ đôi điều.Người làm Tông đồ cho Chúa cần lưu tâm mở lớp giảng dạy cho những kẻ chưa biết Chúa, mở lòng mở trí, giúp họ hiểu biết Thánh ý Chúa để họ sống theo.

8/ Nhờ Đức tin của những người chung quanh, họ đã đồng lòng khiêng anh ta đến với Chúa,cộng với Đức tin của người bất toại đã sinh ra hiệu quả được tha tội và được chữa lành.

9/ Đức tin là điều kiện để đón nhận ơn Chúa là sự tha thứ muốn được ơn Chúa cứu giúp.Chúng ta cần có lòng vững tin vào Chúa và cũng cần đến sự trợ giúp của người khác qua việc làm, qua lời cầu nguyện mới mong được Chúa sớm nhận lời.

10/ Chúa thấu suốt mọi tâm can. Chúa biết mọi thứ nên chúng ta cần sống ngay thẳng, thành thật vì không có điều gì có thể qua khỏi con mắt Chúa.

11/ Người bại liệt là một con người bất lực, không thể cử động theo ý mình. Muốn đón nhận ơn Chúa thì phải biết đón nhận sự giúp đỡ của tha nhân với lòng khiêm tốn.

12/ Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Vì thế chúng ta đừng dại dột kết án ai, nhưng chúng ta cần noi gương Chúa biết tha thứ cho tha nhân để xứng đáng được Chúa tha tội cho chính mình.

13/ Người tội lỗi cũng bị bất toại, bất lực trước các ơn Chúa và không thể làm gì được để có thể tạo ra công phúc.Mỗi người cần có ơn Chúa như sức mạnh giúp ta thắng lướt tội lỗi =>Vì thế chúng ta cần nhiệt tình giúp đỡ, cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi sớm ăn năn sám hối để nhận được ơn tha thứ và ơn lành bệnh.

14/ Ai biết tin tưởng và vâng nghe làm theo lời Chúa dạy thì sẽ được Chúa biến đổi ngay tức khắc. Giống như người bại liệt lập tức đứng dậy vác chõng mà đi ra trước mặt mọi người.

15/ Nhìn mọi người đến với Chúa, chúng ta cũng phải nhiệt tình đến tham dự phụng vụ với cộng đoàn để ta gặp được Chúa! Chúng ta nên tránh cách xử sự cục bộ, khép kín, cố chấp của Phariseu.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con những đôi tay và khối óc nhân hậu, để con mau mắn đem anh em con đến với Chúa để Chúa chữa lành họ. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.

1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta, mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách biểu lộ niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại liệt.

2/ Chúa Giêsu có quyền tha tội:

(1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”

(2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.

(3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng: " Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"

(4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi," hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi;" phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.

“Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nghe giảng là để dẫn tới đức tin hay làm cho đức tin tăng trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua lần chiếu lệ. Cả người rao giảng lẫn các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.

- Nếu chúng ta khinh thường hay không chịu chuẩn bị, chúng ta đã hoang phí thời giờ của người rao giảng cũng như người nghe; và nhất là không đạt được mục đích của cuộc đời: được sống với Thiên Chúa muôn đời.

 

Thứ bảy, 17/01/2015

Đề tài: Chúa chỉ đến để cứu kẻ có tội.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,13-17)


13 Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người. 15 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người : “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một người tù vừa mãn hạn mới được trả tự do, anh ta đang đứng trước cổng trại. Ngoài một chút không khí tự do mà anh vừa hít vào mũi, anh không còn thứ gì khác nữa, không gia đình, không sự nghiệp, không uy tín. Nếu xã hội quay lưng lại tiếp tục xa lánh, khinh bỉ anh thì anh phải tự động mở cửa nhà tù và bước vào ở tiếp.

2/ Chính vì bị khinh bỉ coi thường nên phát sinh chán nãn, thù ghét đời => Khiến cho anh càng có dịp phạm tội nhiều hơn, xấu xa hơn, tàn ác hơn.

3/ Trong xứ Palestine thời Chúa Yesus, hạng người thu thuế bị coi là người xấu xa và đáng bị nguyền rủa. Vì do mang danh là công bộc của đế quốc, tiếp tay cho Roma xâm lược, làm khổ dân nhiều hơn.

4/ Thêm vào đó, người thu thuế còn lạm dụng quyền hạn để lạm thu, để chèn ép tư lợi. Vì thế họ bị xếp vào hạng tội lỗi không thể dung thứ nên thường bị đời nguyền rủa.

5/ Chúa Yesus vẫn yêu thương họ, người đã đến và cùng ăn uống với họ. Do vậy người đã mang đến cho họ sự cảm thông, tha thứ; để rồi qua việc đó Người lôi kéo họ trở về nẻo chính đường ngay. Nhờ thế họ được ơn cứu rỗi.

6/ Câu chuyện hôm nay ghi lại chuyện Chúa Yesus kêu gọi Lê-vi, có liên hệ đến cuộc tranh luận về người tội lỗi (Mc 2,13-17).

7/ Chúa Yesus giảng dạy ở khắp mọi nơi, nơi nào dân chúng cũng kéo đến rất đông chứng tỏ Chúa giảng dạy ở bất cứ nơi nào cho bất kỳ ai.

8/ Tìm hiểu một chút về người thu thuế: Theo tục lệ La Mã thời ấy, chính phủ cho phép người khác đứng ra thầu thuế. Khi nộp tiền thầu thuế cho chính phủ xong, những người này được quyền đánh thuế nặng hay nhẹ tùy ý.

9/ Làm một cái nghề ngon ăn như thế thì mấy ai giữ vững được lòng tham lam, nhũng nhiễu dân chúng. Dân chúng ghét vì họ vừa tham lam, lại vừa là tay sai đắc lực của đế quốc.

10/ Việc Chúa kêu gọi một người thu thế đi theo người, khiến cho đám Kinh sư biệt phái tha hồ phê bình, chỉ trích. Nhưng đó lại là cách Chúa bày tỏ lòng thương yêu đối với tội nhân.

11/ Bữa tiệc cùng ăn chung nói lên sự gần gũi thân tình đối với Chúa và các người thu thuế. Chứng tỏ Chúa dành nhiều tình thương cho kẻ tội lỗi, chính tinh thần này đã lôi kéo họ đến với Chúa.

12/ Biệt phái luật sĩ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẽ đối với người tội lỗi. Nên khi thấy Chúa Yesus tiếp xúc thân tình với người thu thuế thì họ tỏ ra khó chịu nên đã phê bình, chỉ trích Chúa.

13/ Để sửa sai quan niệm hẹp hòi này, Chúa Yesus đã dùng một câu ví lấy từ sách tiên tri (Osê 6,6) để nhắc lại cho họ biết Ngài đến cốt để cứu nhân độ thế.

14/ Chúa ví Kinh sư và Biệt phái như những người đang khỏe mạnh là những kẻ tự cho mình là người công chính. Nghĩa là những người không cần đến thầy thuốc, họ đã khép kín tâm hồn trước sự tác động của ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Nhưng với những kẻ tội lỗi, thì Chúa lại tỏ ra mình là thầy thuốc đến để cứu chữa tâm hồn những kẻ tội lỗi.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con trở nên giống Chúa trong việc chê ghét tội lỗi nhưng lại đầy lòng yêu thương đối với những kẻ có tội như con, để tất cả chúng con cùng mau mắn chạy đến với Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.” Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khóat, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:

(1) Những kinh-sư thuộc nhóm Biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!"

(2) Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lời Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.

- Lời Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.

- Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.


Trở lại      In      Số lần xem: 2795
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  1739
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11404555
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top