Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần IV Mùa Chay B 2018

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 (12-03 ->17/03/2018)

Thứ hai, 12/03/2018

Đề tài: Cứ vững tin vào Chúa

Tin mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 4,43-54)

43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! "49 Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! "50 Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một người leo núi bị trượt chân rơi xuống vực sâu, may thay ông bám được vào một cành cây. Đang khi treo lủng lẳng tuyệt vọng chờ chết, ông liền nhớ đến Chúa nên hét to lên “Lạy Chúa, xin cứu con”. Bổng ông nghe một giọng nói: “Được! Ta sẽ cứu ngươi nếu bây giờ ngươi tin ta thì hãy buông tay ra”. Nhưng ông không chịu buông tay mà cố gắng ngước lên và la thật lớn hơn: “Còn ai trên đó không, cứu tôi...”

2/ Vì được nghe nhiều về quyền năng của Chúa Yesus nên viên sĩ quan đã tìm đến với Chúa để xin Chúa chữa bệnh cho đứa con sắp chết. Ông đã nghe Chúa Yesus nói và ông đã tin, và kết quả là con ông được cứu sống.

3/ Tin là phó thác đời mình cho Chúa. Tin là không cần phải thấy dấu lạ hay điều thiêng nhưng vẫn xác tín rằng “Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và luôn yêu thương”.

4/ Lòng tin của viên sĩ quan trong bài Tin Mừng rất đáng cho chúng ta chú ý. Ông có lòng tin vào quyền năng của Chúa Yesus nhưng ông chưa tin Chúa Yesus có thể làm phép lạ từ xa nên ông muốn mời cho bằng được Chúa đến nhà. Ông vẫn chưa tin là Chúa có thể cho người chết sống lại nên ông cố nài Chúa đến trước khi con ông chết.

5/ Lòng tin của viên sĩ quan này mang tính cách vụ lợi, hời hợt bề ngoài nên Chúa mới buông ra một câu trách móc: "Các ông mà không thấy dấu lạ thì các ông chẳng tin đâu".

6/ Tuy nhiên Chúa cảm thông nỗi lo lắng của người cha, và Chúa cũng muốn tăng niềm tin cho ông và cho gia đình ông nên Chúa đã làm một phép lạ từ xa mà không cần đến gặp mặt.

7/ Viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho con ông. Đồng thời ông cũng đến để xin Đức tin, việc Chúa chữa khỏi bệnh cho con ông là một sự gia tăng niềm tin cho chính ông và cả gia đình ông.

8/ Chúng ta cũng cần lưu ý những biến cố xảy ra trong đời mình. Không nhất thiết là phải nhận được phép lạ như người cha trên đây, nhưng nếu càng gặp khó khăn thử thách chúng ta càng phải tin tưởng vào Chúa hơn và nhất là nhờ đó những người chung quanh sẽ được gia tăng niềm tin.

9/ Điều này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Nhiều khi chúng ta hay xin cho được ơn này ơn nọ nhưng điều cần thiết nhất chúng ta lại quên, đó là xin Chúa "ban thêm đức tin".

10/ Đức tin của chúng ta còn rất yếu, rất dễ bị lung lay. Nên chúng ta cần xin Chúa ban cho chúng ta vững tin vào điều chúng ta đang cầu xin và tin chắc vào sự bảo bọc, quan phòng của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con hời hợt trong đức tin nên chỉ tin những điều mắt thấy tai nghe mà không tin vào những điều khác Chúa có thể ban, xin giúp con sống phó thác trông cậy mọi sự vào Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

 "Ông cứ về đi, con ông sống."

 

Khỏang cách từ Capernaum tới Cana khỏang 20 dặm, một khỏang cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khỏang 20 tiếng. Có một trình thuật tương tự trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8:5-13, Lk 7:1-10). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa 2 trình thuật: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, viên sĩ quan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Trong trình thuật của Gioan, Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của viên sĩ quan này:

(1) Khiêm nhường: Viên sĩ quan, tiếng Hy-lạp dùng chữ “basilikos” có nghĩa là “ông vua nhỏ.” Có nhiều bức tường ngăn cách giữa Chúa Giêsu và viên sĩ quan này:

- Bức tường ngăn cách xã hội: Ông là người có địa vị cao trong hòang gia, khiêm nhường đi bộ đến cầu xin với Chúa Giêsu, một người không có địa vị trong xã hội.

- Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngọai: Người Do-thái không muốn có bất kỳ liên hệ gì với Dân Ngọai. Ông biết ông có thể bị mất mặt nếu Chúa Giêsu từ chối.

Tuy nhiên, lòng thương con đã thắng vượt tất cả, ông sẵn sàng hy sinh mọi sự để có thể cứu vãn sự sống của con ông.

(2) Vượt qua thử thách: Đức Giêsu nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" Ngài dùng số nhiều “các ông,” có lẽ muốn nói với ông và những người chung quanh. Chúa Giêsu muốn nói lên một thực tại của người Do-thái: họ sẽ không tin khi không nhìn thấy dấu lạ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn cho những người Do-thái xem niềm tin không dựa trên việc chứng kiến phép lạ của viên sĩ quan Dân Ngọai. Khi viên sĩ quan năn nỉ van xin Chúa Giêsu xuống Capernaum chữa bệnh cho con ông, Chúa thử đức tin của ông, Ngài không đi với ông, nhưng bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Người Do-thái chắc phải ngạc nhiên vì niềm tin của ông khi thấy: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.” Trong trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu khen viên sĩ quan: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.”

(3) Đức tin được kiện tòan bởi lý trí: Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Đối với một người vô tâm, họ sẽ vui mừng khi biết con còn sống và quên hết mọi sự khác; nhưng viên sĩ quan còn đang sống trong tiến trình của đức tin, nên ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."

Ông nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: "Con ông sống." Đức tin của ông vào Chúa Giêsu được kiện tòan. Ngài hứa với ông và lời hứa đã thành sự thực, ông tin vào Ngài.

(4) Ông và cả nhà đều tin: Không dễ cho một viên sĩ quan công khai thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu vì sợ ảnh hưởng của dư luận. Nhưng viên sĩ quan này đã có một niềm tin được sự trợ giúp của lý trí. Ông muốn không những chỉ có ông, nhưng còn cả nhà tin vào Chúa Giêsu. Điều này thông thường đối với dân thời đó: Gia trưởng có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Khi nhận ra điều gì tốt, người gia trưởng có quyền bắt tất cả người trong nhà phải làm theo. Ví dụ, Tổ-phụ Abraham bắt mọi người trong nhà phải cắt bì.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa không muốn nhớ tới dĩ vãng tội lỗi và đau thương của con người. Ngài luôn mời gọi chúng ta nhìn về tương lai và hy vọng bước tới. Như một người Cha, Ngài mừng vui khi thấy con cái được vui vẻ, hạnh phúc.

- Thiên Chúa muốn con người luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, ngay cả những lúc chưa nhìn thấy kết quả, hay những đêm tăm tối của cuộc đời; vì những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.

 

Thứ ba, 13/03/2018

Đề tài: Lòng Chúa xót thương

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Gioan (Yn 5,1-3a/5-16)

1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó.

5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? "7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! "8 Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! "9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.

Hôm đó lại là ngày sa-bát.

10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! "11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi! "12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi"? "13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! "15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trên một chuyến xe lửa đi về miền Darjeeling để chữa bệnh. Mẹ Thánh Terexa Calcutta thấy có rất nhiều con người đầy những thương tích đau đớn cùng với các trẻ em bơ vơ lạc lõng. Chúa đã thúc giục Mẹ hãy phục vụ những con người khốn khổ này.

2/ Chúa Yesus khi đi ngang qua một bờ hồ, Người thấy người tàn tật nằm đó,  Chúa biết tình trạng khốn khổ của anh ta nên động lòng thương và rồi một phép lạ đã xảy ra, anh ta đã được khỏi bệnh.

3/ Con người thời đại hôm nay đang đối diện với muôn vàn khổ đau bệnh tật phần xác mà còn đuôi mù què quặt trong tâm hồn. Họ đang chìm ngập trong tội lỗi, ích kỷ, gian ác, xấu xa, lừa lọc.

4/  Chúa Yesus là Thiên Chúa tình thương. Ngài luôn mang nhân loại đến với người để được kết hiệp với người và được người chữa lành.

5/ Luật ngày hưu lễ nói riêng hay lề luật nói chung. Tất cả đều được lập ra để phục vụ con người, làm cho con người được hạnh phúc hơn chứ không phải biến con người thành nô lệ cho lề luật một cách máy móc.

6/ Những tranh luận giữa Chúa Yesus và các Kinh sư thường cho thấy điều đó. Chúa Yesus muốn cho mọi người hiểu điều cốt lõi của lề luật chính là sống bác ái yêu thương, nếu thiếu tình bác ái thì lề luật chỉ còn là hành động mù quáng, nô lệ.

7/ Chúa Yesus không có chủ tâm bãi bỏ lề luật, nhưng Ngài kiện toàn chúng bằng cách mặc cho chúng một tinh thần bác ái. Từ nay mọi lề luật sẽ trở nên trống rỗng nếu như chúng không được thực thi vì lòng bác ái đối với tha nhân.

8/ Phép lạ Chúa chữa cho người bại liệt 38 năm ở hồ Betsaida vào ngày Sabat là một trường hợp điển hình.

9/ Chủ trương của người Phariseu: Trong ngày Sabat không được làm việc kể cả việc chữa trị và chăm sóc sức khỏe.Thà để bệnh nhân chịu đau khổ và chết còn hơn là xúc phạm đến Thiên Chúa.

10/ Đối với Chúa Yesus: Ngài đặt các giá trị vào đúng vị trí của chúng, Thiên Chúa chỉ được tôn vinh bằng tấm lòng thiện hảo. Nơi nào con người tỏ lòng tốt với người khác thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.

11/ Chính vì dạy như thế Chúa Yesus đã không ngần ngại chữa bệnh ngày Sabat. Chúa muốn minh chứng ngày Sabat là ngày của bác ái, ngày của tình thương, không chỉ thương phần xác mà còn phải thương cả phần hồn.

12/ "Hạnh phúc của con người là vinh quang của Thiên Chúa": Đây là lời của một vị Thánh giáo phụ, Chúa chữa người bại liệt cũng là một bài học nhắc nhở chúng ta: "Nơi nào mà phẩm giá con người được nhìn nhận được tôn trọng thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh".

13/ Mỗi một hành động thực thi bác ái đều là một hành động thờ phượng dâng lên Thiên Chúa. Ai chối từ người khác, ai khước từ giúp đỡ người khác thì đó cũng là hành động xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

14/ Mùa Chay là Mùa sửa đổi, là mùa quay về. Là mùa sám hối để giải thoát mình khỏi tội lỗi, giúp đỡ người khác vì lòng bác ái yêu thương cũng là cách đền bù tội lỗi nhanh chóng nhất .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết xưng thú sự yếu đuối của mình và tin tưởng phó thác vào tình thương xót của Chúa, nhờ đó chúng con được ơn cứu rỗi. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Người bệnh bất tọai chờ bên hồ nước Bethzatha để được chữa lành.

1/ Lịch sử của hồ nước Bethzatha: Trước thế kỷ 20, các học giả của Tin Mừng Gioan cho hồ nước này chỉ là biểu tượng, chứ không có thật tại Jerusalem, nhiều người còn chú giải 5 hành lang tượng trưng cho 5 Sách của Ngũ Kinh, 38 năm tượng trưng cho 38 năm dân Do-thái lang thang trong sa mạc. Trường Kinh Thánh và Khảo Cổ của Dòng Đa-minh, École Biblique, tìm ra tông tích của chiếc hồ này ở phía Tây của Đền Thờ, gần nhà thờ St. Ann hiện nay, cùng với các các di tích lịch sử của nó. Hai cái hồ tìm thấy nằm kế cận nhau được giải thích trong tờ hướng dẫn của các cha dòng White Friars như sau:

- Thời xa xưa, những hồ chứa nước được thiết lập trong thung lũng này. Một cái hồ đơn giản được đào để chứa nước chảy qua thung lũng như một cái hồ thiên nhiên. Sau này, cái hồ này được xây và biến thành hồ nhân tạo với chiều kích 40x50 m bằng cách dùng một ống dẫn nước rộng khỏang 6 m. Nước trong hồ được dẫn vào Đền Thờ bằng một con kênh nhỏ. Sách Isa 7:3 và 2 Kgs 18:17 ám chỉ con kênh nhỏ này.

- Vào cuối thế kỷ 3rd BC, một chiếc hồ thứ hai được thiết lập, có lẽ vào khỏang thời gian của Thượng Tế Simon (x/c Sir 50:3). Nó được xây ở phía Nam của ống dẫn nước, con kênh nhỏ được bao phủ và trở thành ống dẫn nước vào Đền Thờ.

- Vào giữa năm 150 BC và 70 AD, một trung tâm chữa bệnh nổi tiếng được phát triển về phía Đông của hai cái hồ này. Một giếng nước, chỗ tắm, và những bàn thờ cũng được thiết lập cho mục đích chữa trị và tôn giáo. Nơi đây là nơi tụ họp của nhóm người bị cấm không cho vào trong Đền Thờ vì bệnh tật. Họ chờ đợi khi thiên thần khuấy động nước là lăn xuống hồ để được chữa trị. Chính tại nơi Cửa Chiên này, Chúa Giêsu đã chữa lành người bại liệt.

- Vào thế kỷ 1st AD, một cái hồ lớn hơn, BIRKET ISRAEL, được xây gần Đền Thờ, làm cho những cái hồ ở Bethzatha không còn quan trọng nữa. Một tường thành mới được xây dựng về phía Bắc bởi Herod Agrippa vào năm 44 AD, ngăn cản không cho nước chảy vào Đền Thờ nữa.

2/ Chúa chữa lành người bại liệt đã 38 năm: Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!" Với tình trạng bệnh tật của anh, không thể nào anh là người thứ nhất lăn xuống hồ. Chúa Giêsu biết anh đã chịu bệnh lâu năm, nên bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabbath.

3/ Tranh luận về ngày Sabbath.

(1) Vi phạm ngày Sabbath: Vác chõng đi trong ngày Sabbath là vi phạm Lề Luật nặng nề, và có thể bị ném đá đến chết. Khi thấy anh vác chõng, người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày Sabbath, anh không được phép vác chõng!" Anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi!" Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi?" Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.

(2) Cuộc gặp gỡ lần thứ hai: Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sabbath.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Như nước cần cho sự sống phần xác thế nào, nước từ Đền Thờ chảy ra cũng cần cho sự sống phần hồn như vậy. Nước Rửa Tội xóa sạch mọi tội của con người và mang lại cho người lãnh nhận nhiều ân sủng của Thiên Chúa.

- Không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, con người sẽ bị khô héo lâu năm như người bại liệt. Khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời, Ngài sẽ chữa lành mọi bệnh tật cho con người.

 

Thứ tư, 14/03/2018

Đề tài: Kiểu sống của Đức Ki-tô

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 5,17-30)

17 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.

25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.

30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Tết sắp đến, các đoàn thể, các cơ quan ai cũng nô nức làm từ thiện giúp đỡ cho người neo đơn bệnh tật, tặng quà cho người già yếu,... Nhưng sau tết thì mọi việc đâu lại vào đấy, người già tiếp tục chịu cô đơn, người nghèo tiếp tục đói khát, người xa quê tiếp tục sống vất vưỡng.

2/ Công việc mà Chúa Cha sai Chúa Yesus làm là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Như người mẹ luôn yêu thương săn sóc con mình thế nào thì Thiên Chúa cũng không ngừng ban phát tình thương của Người xuống cho đàn con cái loài người như vậy.

3/ Thiên Chúa ban phát tình thương không bao giờ ngừng nghỉ, Ngài ban vô hạn ban mãi mãi. Tình yêu thương của con người cũng mệt mỏi cũng có giới hạn, Thiên Chúa thì luôn luôn tìm đến những người cùng khổ, cơ nhở,... Còn con người thì chỉ giúp có thời, thương có lúc, có điều kiện.

4/ Biệt phái luôn hạch hỏi Chúa Yesus về việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Chúa Yesus đã minh chứng, đã giải thích Ngài là con Thiên Chúa, Ngài ngang hàng với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ cho Ngài hết mọi sự, ban cho Ngài hết mọi điều , mọi quyền, quyền xét xử, quyền tác sinh, quyền lên án.

5/ Chúa Yesus muốn báo cho người Do Thái biết: Kiểu mẫu của Ngài là Thiên Chúa, Cha của Ngài. Cha của Ngài luôn là tiêu chuẩn mọi suy tư, ước muốn và cung cách xử thế của Ngài.

6/ Mối bận tâm của Chúa Yesus là thực hành Thánh ý Cha Ngài: "Lạy Cha, này con đây, con xin đến để thi hành Thánh ý Cha". Chúa Yesus cũng khẳng định: Suốt đời Ngài luôn làm theo ý của Cha Ngài: "Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc và tôi vẫn làm việc". Chúa Yesus vẫn luôn sống như Chúa Cha và Ngài luôn lấy Cha mình làm mẫu mực.

7/ Vì Chúa Yesus luôn lấy Cha mình làm mẫu mực cho đời sống nên Chúa nói: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời". Chúng ta chỉ cần sống giống như Chúa Yesus vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. "Ta và Cha là một. Ai thấy ta là thấy Cha".

8/ Chúa Yesus là Thiên Chúa làm người. Và tiêu chuẩn sống của chúng ta là Đức Ki-tô, ta chỉ cần sống như Chúa đã sống. Thánh Phao-lô nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi".

9/ Chúa Ki-tô sống trung thực và đầy yêu thương. Chúng ta sống giống Chúa thì phải minh bạch, thành thật và sống bác ái yêu thương thì chúng ta sẽ nên giống Đức Ki-tô.

10/ Chúa muốn chúng ta tập trung đời sống đạo vào Ngài, nghĩa là luôn cố gắng đi theo con đường mà Chúa đã đi. Mà con đường Chúa chọn, Chúa đi là con đường cứu độ qua cuộc khổ nạn Thập Giá, Nếu chúng ta đi theo con đường Chúa đi là chúng ta có thể cứu mình và cứu anh em chung quanh mình.

11/ Tập trung lòng đạo vào Đức Ki-tô là chúng ta phải học đạo , dạy đạo, giữ đạo và truyền đạo. Bổn phận của chúng ta là phải luôn biết cảm ơn Chúa và làm cho nhiều người biết và tin vào Chúa.

cầu nguyện: Lạy Chúa, trong Mùa Chay này xin Chúa giúp con đổi mới tâm hồn, đổi mới trái tim, đổi mới cách nghĩ, đổi mới đời sống, để đời sống chúng con luôn phản chiếu hình ảnh của Chúa Ki-tô cứu độ. Amen/

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.

1/ Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."

Thiên Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

2/ Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.

(1) Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của Ngài.

Sự sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.

(2) Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”

Chúa Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho chúng ta.

- Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?

 

Thứ năm, 15/03/2018

Đề tài: Lễ Thánh Cả Yuse 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 1:16, 18-21, 24a)

16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thánh Yuse, một con người im lặng, kín tiếng: Kinh Thánh không kể lại lời nói nào của Thánh Yuse. Đây là điều chúng ta cần lưu ý, thế giới hôm nay quá ồn ào với các loại âm thanh, người ta ai cũng muốn nói nhiều, nói to nói mạnh mồm, muốn dùng lời nói lấn át kẻ khác. Thích quảng cáo , thích tuyên bố nóng bỏng, nhưng ai nói nhiều thì càng sai lỗi nhiều và có thể vấp phạm bất kỳ lúc nào. Đó là tội nói xấu, nói hành người khác, nói nhiều thì dễ nói bậy nói sai ,nói dai, nói ẩu, khiến cho tình cảm bị sứt mẻ. Người xưa có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy/ Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

2/ Chúng ta hãy học cùng Thánh Yuse bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng, sóng gió. Bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc ta có thể ngăn chặn được 90% nguy cơ đỗ vỡ đáng tiếc, cho nên “Yên lặng là vàng”, là thái độ khôn ngoan nhất của con người, là phương thuốc  có thể chữa lành mọi tội lỗi xấu xa.

3/ Thánh Yuse, con người cần cù lao động: Kinh Thánh cũng không kể lại chi tiết về việc này nhưng chắc rằng Thánh Yuse phải là một bác thợ mộc siêng năng và nổi tiếng. Khi Chúa Yesus bắt đầu cuộc rao giảng công khai, người cùng quê với Chúa đã quá ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Chúa Yesu khi họ tự hỏi “Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó sao?”, Thánh Yuse đã dùng đôi bàn tay lao động để phục vụ cho Chúa Yesus và Đức Mẹ.

4/ Với Thế giới chúng ta hôm nay, lao động là ngôn từ được sử dụng và được nghe nói đến nhiều nhất.Chứng tỏ rằng: Lao động có một chỗ đứng thật quan trọng trong đời sống con người, con người sinh ra để lao động, con chim được sinh ra để bay, nhờ đó con người có thể biến đổi bộ mặt trái đất đem lại cho đời một ý nghĩa đáng sống như muối làm mặn cho đời.

5/ Cần nói ra cụ thể hơn: Nhờ làm việc mà chúng ta có miếng cơm manh áo, hạnh phúc ấm no. Chúng ta cảm thấy nhột khi nghe lời Thánh Phaolo nói “Ai không làm thì đừng có ăn”.

6/ Chúng ta cần suy nghĩ về câu chuyện: Con ve và con kiến. Con ve ca hát suốt mùa hè nên đã chết đói về mùa đông, con kiến thì cần cù tích trữ từng hột gạo cho nên dù gió bấc có thổi thì con kiến cũng không sợ túng thiếu.

7/ Sự nghèo túng đi gõ cửa nhà những con người siêng năng làm việc, nhưng nó không bao giờ dám bước vào. Ca dao Việt Nam có câu:

“Có làm thì mới có ăn, tự dưng ai dễ mang phần đến cho/Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”

8/ Với xã hội chúng ta đang sống: Lao động là một cách để chúng ta trả nợ cho đời, cũng là cách chúng ta góp phần xây dựng xã hội. Sống trong xã hội, chúng ta cần nương tựa vào nhau để mà trao đổi, để mà sống.

9/ Chúng ta thường hưởng dùng những thứ do người khác mang lại như xăng dầu, đường sữa, nước mắm, hạt gạo,…do công của người khác. Thì hôm nay khi đến lượt , chúng ta phải đóng góp cho đời bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta mang lại.****

10/ Đối với Chúa: Lao động là cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo, đúng như lệnh truyền của Ngài với tổ tiên chúng ta: “Hãy làm chủ cá biển chim trời và muôn loài trong vũ trụ”.

11/ Thánh Yuse là con người vâng phục ý Thiên Chúa:  Phúc Âm đã kể lại 3 lần Thiên Thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho Thánh cả biết ý định của Thiên Chúa. Và lần nào Thánh cả cũng cuối đầu “Xin vâng” mà không hề có chút ý kiến phản dối. Lần thứ nhất, Thánh cả xin vâng để đón nhận Maria về nhà mình dù trong lòng đang phân vân nghi ngờ, lần thứ hai Thánh cả xin vâng khi đưa hài nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, lần thứ ba Thánh cả xin vâng để trở về Palestine ở Nazaret => Cả 3 lần Thánh Yuse đều vâng lời mau mắn không hỏi tại sao?

12/ Chúng ta thì khác: Chúng ta thường tìm ý mình hơn ý Chúa và mỗi khi gặp phải tai ươn họan nạn chúng ta thường kêu trách, xúc phạm đến Chúa.Vì chúng ta cho rằng: Chúa bất công thiên vị, và luôn cho rằng :vâng lời chỉ là thái độ của kẻ hèn nhác, mất tự do, mất nhân phẩm.

13/ Noi gương Thánh Yuse: Chúng ta hãy sống yên lặng, làm việc và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa để chúng ta trở nên những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa như Thánh Yuse ngày xưa cũng như ngày hôm nay trên Thiên Đàng.****

Cầu nguyện : lạy Đức Thánh cả Yuse , chúng con yêu mến ngài ,xin chúc phúc cho con ,gia đình con ,cho mọi người mang tên thánh Yuse và cho tất cả những ai có lòng trông cậy chạy đến kêu cầu cùng Ngài ,xin giúp chúng con luôn vững tin và làm con thánh Cả trọn đời , amen /

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

1/ Đức tin của Giuse bị thử thách: Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau.

(1) Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.

(2) Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

2/ Đức tin của Giuse: Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do-thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:

(1) Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num 11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);

(2) Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28; Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);

(3) Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3; 33:4; Psa 33:6; 104:30);

(4) Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa 51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).

Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

Nói tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; chứ không nhờ những việc chúng ta làm.

- Thử thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.

 

 Thứ sáu, 16/03/2018

Đề tài: Cách đáp trả tình yêu của 2 hạng người

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 7,1-2.10.25-30)

1 Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10 khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.

25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao ? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô ? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người ; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Vào cuối năm 2013, một đứa con trai ở một tỉnh miền Trung vì muốn đua đòi chơi tết với chúng bạn, đã xin tiền mẹ mình để mua 1 chiếc xe gắn máy. Nhưng vì kinh tế quá khó khăn nên người mẹ không cho, y đã cầm rựa dọa chém mẹ, rồi sau đó đã phóng hỏa đốt nhà rồi bỏ đi. Hàng xóm phải đau lòng khi nhìn thấy một đứa con bất hiếu như thế.

2/ Tình yêu là hai từ ngữ mà ngày hôm nay người ta sử dụng khắp nơi. Nhưng khó có ai hiểu được đâu là tình yêu đích thực để chúng ta có thể đáp lại tình yêu đó cách đúng mực.

3/ Tình yêu mà Chúa Yesus dành cho loài người là loại tình yêu tuyệt hảo. Người Do Thái đã không đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ qua Đức Yesus nên họ cũng không muốn đáp trả. Hay nói cách khác: Họ muốn đáp trả tình yêu đó theo cách họ muốn.

4/ Chính vì họ coi Chúa như một cái gai trong mắt họ, vì thế họ đã tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Họ chỉ nhìn thấy Chúa qua một thành kiến không tốt nên tất cả những gì Chúa làm cho họ thì họ đều đánh giá ngược lại.

5/ Chúng ta cũng là người luôn nhận được ơn Chúa hằng ngày, nhưng chúng ta đã nhận ra người luôn ban ơn lành cho ta là ai chưa? Qua các biến cố trong cuộc đời, chúng ta đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa chưa? Chúng ta đã đáp trả tình yêu ấy thế nào? Hay chúng ta cũng cư xử với Chúa như dân Do Thái ngày xưa thù ghét và luôn truy bắt Chúa.

6/ “Lễ Lều” là lễ lớn nhất và vui nhất của người Do Thái. Mọi người phải đến đền thờ Yerusalem để dâng của lễ cầu xin Thiên Chúa ban cho mưa thuận gió hòa.

7/ Chúa Yesus cũng lên dự lễ nhưng Chúa lại đi cách âm thầm. Nhưng sau đó dân chúng cũng nhận ra Ngài, họ chất vấn, họ tranh luận, đám người có chức quyền thì tìm cách hại Ngài, tìm cách thủ tiêu Ngài. Họ ghen tức vì  thấy Ngài được dân chúng ái mộ và nhất là họ rất ghét những lời Chúa tuyên bố.

8/ Họ biết rõ Chúa là con bác thợ mộc nhưng lại dám xưng mình là con Thiên Chúa. Cho dù họ thấy Ngài giảng hay, làm được nhiều phép lạ, nhưng bấy nhiêu bằng chứng cũng chưa đủ đánh động được lòng chai đá của họ, họ nhất quyết từ chối, họ nhất quyết sử dụng quyền tự do Chúa ban để chống lại Thiên Chúa.

9/ Người Phariseu thì luôn tự cho mình là biết Thiên Chúa, biết nguồn gốc nhân loại của Chúa. Nhưng họ không thể nào biết nguồn gốc thần linh của Ngài, nên Chúa đã chỉ rõ cho họ biết: Họ cũng nhìn nhưng không thấy, lắng tai mà không nghe, không hiểu vì lòng họ quá chai đá.

10/ Một lần nữa Chúa tự khẳng định: Ngài là con Thiên Chúa, Ngài bởi Chúa Cha mà đến. Chính Chúa Cha đã sai Ngài /// Với những lời tuyên bố dứt khoát đó, khiến cho những người chống đối Chúa lại càng tức giận hơn, họ ráo riết tìm cách khử trừ Ngài càng sớm càng tốt.

11/ Thế gian có hai loại người: Loại luôn kiêu hãnh, cứng lòng không hề chịu nhận ra lỗi lầm của mình lại còn nuôi ảo vọng, tự cho mình là vô tội, là công chính, họ là những người trên đây.

12/ Còn một loại người nữa, họ biết xót xa về tội lỗi của mình.  Họ biết rằng: Họ chỉ nên trông cậy vào lòng thương xót Chúa nên họ khiêm tốn cầu xin Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con luôn là tội nhân, chúng con luôn cần đến lòng thương xót Chúa, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra lỗi mình để xứng đáng được Chúa xót thương. Amen.****

 

Thứ bảy, 17/03/2018

Đề tài: Quyền tự do trong đức tin

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 7,40-53)

40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ." 41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? " 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. 45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? " 46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! " 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! " 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:

51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? " 52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả." 53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Có một ca sĩ gặp phải một khủng hoảng nợ nần. Thái độ của dư luận quần chúng rất khác nhau: Có kẻ thì cảm thông, người thì sẻ chia, giúp đỡ, có người thờ ơ, có người chỉ trích, cũng không thiếu những kẻ hả hê ra mặt.

2/ Khi nghe Chúa Yesus giảng dạy và làm phép lạ khắp nơi, dân chúng cũng tỏ thái độ rất khác nhau về Ngài.  Có kẻ trầm trồ thán phục, nhiều kẻ sững sờ, kinh ngạc, cũng có nhiều kẻ khác tỏ vẻ khinh bỉ, miệt thị.

3/ Còn chúng ta là các Ki-tô hữu. Chúng ta xác định Ngài là ai? Đức Ki-tô là ai mà tôi phải tin, phải chạy đến kêu cầu Ngài cứu giúp? Ngài là ai mà tôi phải chạy lại xin Ngài thương xót, Ngài là ai mà tôi phải hy sinh cả cuộc đời.

4/ Chúng ta cần tỏ thái độ dứt khoát. Chúng ta mỗi người cần tìm ra một câu trả lời chính xác và thể hiện lòng tin của mình một cách tuyệt đối vào Ngài.

5/ Điều quý nhất mà Chúa ban cho mỗi người chính là sự tự do, chúng ta có quyền chấp nhận hay từ chối Chúa. Thiên Chúa không áp đặt hay cố tình mê hoặc hay lừa dối ai. Ngài không áp đặt điều gì trên chúng ta.

6/ Quyền tự do luôn là con dao 2 lưỡi chúng ta cần phải cẩn thận khi sử dụng nó. Người khôn ngoan bao giờ cũng cần dè dặt, chúng ta thử đặt mình vào vị thế của những người thời đó khi nghe Chúa Yesus giảng dạy. Sau đó chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chê bai, dửng dưng, chấp nhận hay từ chối Chúa?

7/ Trước những lời giảng dạy và các phép lạ Chúa Yesus làm. Dân chúng có những phản ứng khác nhau: Người bình dân thì cho rằng Chúa Yesus là một vị ngôn sứ cao cả đã được Moisen báo trước, một số người hiểu biết nhiều hơn thì cho Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, như lời Isaia loan báo.

8/ Còn giới lãnh đạo Do Thái thì phủ nhận hoàn toàn. Họ cho rằng: Ngài không phải là Ngôn sứ, cũng chẳng phải là Đấng Cứu Thế vì Ngài không đúng với địa dư, cũng chẳng thích hợp là hậu duệ của Vua Đavit.

9/ Nhưng đây chưa phải là lý do chính yếu để họ chống đối nhưng lý do quan trọng hơn: Họ sợ sứ điệp của Chúa có nguy cơ làm cho dân chúng quên mất cuộc đấu tranh chính trị. Còn một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là lời giảng và hành vi của Chúa Yesus đụng chạm là làm giãm uy tín của họ, quyền lợi của họ nên họ quyết định phải thanh toán Ngài.

10/ Có vài người có tính thẳng thắn, dám biện hộ cho Chúa như ông Nicodemo, một thành viên của Hội đồng lập pháp, một tiến sĩ luật danh tiếng. Ông phát biểu rằng: Muốn bắt bớ ai, chúng ta cần thẩm vấn, cần có nhân chứng và cần phải xét xử theo luật. Nhưng số ít không thể thắng số đông và luật của lãnh đạo Do Thái là luật rừng.

11/ Thời nay người ta cũng hoàn toàn tự do đón nhận. Họ cũng có quyền từ chối Chúa, khi người ta chưa biết Chúa người ta có quyền tự đi tìm con đường giải thoát theo ý của mình. Nhưng sau bao thời gian thiện chí, có thể người ta sẽ gặp Chúa.

12/ Còn chúng ta, chúng ta đang tin nhận Chúa, nhưng hãy coi chừng. Chúa Yesus cho biết: Chúng ta đón nhận và  giúp đỡ ai là chúng ta làm cho chính Chúa. Ngược lại, chúng ta chối từ không giúp đỡ ai cũng chính là chúng ta đang từ chối giúp đỡ cho chính Chúa.

13/ Cách chúng ta tin, chúng ta đón nhận Chúa ngày hôm nay là như vậy đó. Hãy cẩn thận để khỏi phải hiểu sai, thực hành sai, chỉ là tốn công vô ích thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Ngày hôm nay là thời buổi công nghệ thông tin với biết bao thông tin trái chiều, xấu tốt lẫn lộn, đủ loại. Xin Chúa giúp con có tâm tình khiêm tốn hơn để chúng con có thể dễ dàng nhận ra Chúa và yêu Chúa trong anh em con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Âm mưu giết Đức Kitô:

1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do chính yếu họ muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa Giêsu và họ sẽ mất hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường thuật: Khi thấy dân chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó. Bấy giờ người Pharisees bảo nhau: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" (Jn 12:19).

2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:

(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các thượng tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng bị hoang mang và chia rẽ:

- Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một ngôn-sứ. Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả!”

- Khi thấy kẻ khác cho: "Ông này là Đấng Kitô." Họ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?" Sự thật Kinh Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt được mục đích khi thánh-sử Gioan tường thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”

(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisees. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Đây là phản ứng có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không biết nhiều về Lề Luật và Kinh Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về các thượng tế và kinh-sư. Họ có lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên, nên chưa có thành kiến với Ngài.

(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người (Exo 23:1, Deut 1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án không thể kết án họ khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo tiến trình này khi buộc tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để làm chứng cho Ngài, khi ông phải đối diện với sự tức giận của họ.

(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa Giêsu, nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo Ngài. Họ tức giận:

- Với các vệ binh: Họ mắng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người khác cũng phải hành động như họ.

- Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Luật của các Rabbi có 6 điều ngăn cấm trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ, không tin vào lời chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ làm cha nuôi của những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái, và không đi chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen” không biết Lề Luật, nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục đích của họ!

- Với Nicodemus: Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Galilee sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta thường để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý đến việc giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.

- Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng ta đừng bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì chúng ta sẽ phải trả giá máu của họ đổ ra.

- Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự thật; cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới giải thóat con người.


Trở lại      In      Số lần xem: 2351
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  6725
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11424559
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top