Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần V Phục Sinh B 2018 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày
Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần V Phục Sinh (30/04 -> 05/05/2018)

Thứ hai, 30/04/2018

Đề tài: THÁNH THẦN SẼ DẠY CÁC CON MỌI ĐIỀU

Tin Mừng Chúa Gie-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 14,21-26)

21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." 22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? " 23 Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

SUY NIỆM:

1/ Trong thực tế của cuộc sống, mọi thứ vật chất trên đời này đều phải qua đi theo thời gian. Các Đế Quốc sau một thời gian ngắn hưng thịnh, nhưng sau đó tất cả đều đã sụp đổ, tòa nhà trung tâm thương mại với kỹ thuật tân tiến nhất cũng đều sụp đỗ theo thời gian.

2/ Có một thứ không bao giờ mai một hay bị sụp đỗ theo thời gian, đó là Giáo Huấn của Chúa Giêsu. Đây không phải là những lời nói bình thường của một Giáo sư dạy cho các học trò, cũng không phải là những án văn chương nay còn mai mất, nhưng đây là lời chân lý, là lời của Thiên Chúa hằng sống. Lời ấy vẫn luôn linh nghiệm và có giá trị tuyệt đối cho dù có trải qua bao nhiêu thời gian. Nhưng nhờ vào đâu mà các giá trị đó được trường tồn như vậy?

3/ Chính Chúa Thánh Thần đã chịu trách nhiệm soi sáng và thánh hóa các Tông Đồ, dù là ở thời buổi sơ khai năm xưa, hay ở vào thời đại tân tiến vượt bậc của các tín hữu hôm nay, và mãi mãi trong tương lai. Chính Chúa Thánh Thần đã gìn giữ, soi sáng và thúc đẩy để cho mọi người thấu hiểu và thực hành giáo huấn này của Đức Giêsu.

4/ Làm sao chúng ta có thể biết được chúng ta yêu mến Chúa nhiều hay ít ? Có một bằng chứng để chúng ta có thể duyệt xét, đó là chúng ta có tuân giữ Lời Chúa dạy hay không, và đó cũng là cái thước đo lòng mến của chúng ta, đó là tuân giữ Lời Chúa nhiều hay ít, tuân giữ nhiều là yêu mến nhiều, tuân giữ ít là yêu mến ít.

5/ Người yêu mến Chúa thật là người luôn yêu Chúa bằng hành động, đó chính là thực hành Lời Chúa. Nếu chúng ta chỉ nói mình yêu Chúa, mà chúng ta không thực hành Lời Chúa dạy thì khác nào đứa con gọi dạ, bảo thì vâng nhưng không chịu làm những công việc cha mẹ sai bảo, thì tình yêu của chúng chỉ là tình yêu giả hình, là thứ tình yêu đầu môi chót lưỡi.

6/ Khi chúng ta không làm theo Lời Chúa dạy là chúng ta không yêu Chúa. Chúng ta là kẻ ghét Chúa khi chúng ta cố tình làm sai Lời Chúa dạy, chúng ta chính là kẻ phản bội khi chúng ta cố tình tránh né, bỏ bê hay lười biếng, không làm những việc đáng phải làm. Chẳng hạn Lời Chúa là chân lý, là sự thật mà chúng ta lại muốn bẻ cong để dễ áp dụng theo chiều hướng ích kỷ của mình.

7/ Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc thì chúng ta lại dùng để đo sự ghen hờn với người khác. Chúa dạy chúng ta nói thật thì chúng ta lại nói dối, Chúa bảo chúng ta phải nói tốt thì chúng ta lại đi dèm pha, phê bình, chỉ trích lung tung, Chúa dạy yêu thương thì chúng ta lại ghen ghét oán thù, Chúa bảo chúng ta chúc bình an thì chúng ta lại đi gây bất an, Chúa bảo chúc lành thì chúng ta lại muốn chúc dữ.

8/ Một mâu thuẫn lớn nhất trong ta đó là: Chúng ta không có những hành động cụ thể nào, mà trong đầu thì luôn luôn đầy ắp những lý thuyết. Chúng ta có thể thuyết trình rất hay về lý thuyết đó, hay có thể chỉ cho người khác hành động, trong khi mình thì không muốn làm gì.

9/ Lời Chúa có hữu ích hay không, không tùy thuộc vào sự hiểu biết nhiều hay ít của chúng ta, nhưng là chúng ta có dám sống Lời Chúa, có dám đem ra thực hành hay không.

10/ Nghe và làm theo Lời Chúa được ví như người khôn xây nhà trên đá. Hãy thực hành chứ đừng nghe suông, nói suông và sau đó thì tự lừa dối mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, con biết lý thuyết và thực hành phải đi song song, vì đức tin không việc làm là đức tin chết, xin cho con luôn can đảm sống và thực hành Lời Chúa dạy. Amen.**

 

Thứ ba, 01/05/2018

Đề tài: BÌNH AN CỦA CHÚA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14,27-31a)

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. 30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!"

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử của thế giới loài người luôn gắn liền với những sự kiện bất an đáng nhớ: như là các thiên tai, các trận chiến tranh thế giới I và II.

2/ Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Lời Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các Môn Đệ. Tuy thế nhưng các ông vẫn bị bách hại. Việc này không có nghĩa là lời hứa của Chúa không thành sự thật. Thưa không phải, lời hứa Chúa ban là thứ bình an đích thực, bình an trong tâm hồn chứ không phải là thứ bình an bên ngoài do được ăn no ngủ kỹ, không đau ốm bệnh tật.

3/ Bình an của Chúa xuất phát từ thái độ sống tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.  Khi có được sự bình an này, chúng ta luôn có được sự vui tươi hạnh phúc dù có gặp bao nghịch cảnh, khó khăn, thử thách.

4/ Câu chuyện về Thánh Nữ Cécilia, khi bị dẫn ra pháp trường, Ngài vẫn vui tươi ca hát. Lý hình ngạc nhiên hỏi: “Cô không sợ sao?”, “Không, vì có Chúa luôn ở bên tôi”.

5/ Bài Tin Mừng ghi lại những lời hứa đẩy đủ an ủi của Chúa Giêsu trước khi về trời. Lúc này các ông có nhiều lý do để xao xuyến, Chúa về trời, các ông ở lại trong cảnh mồ côi với mọi thứ lo lắng, băn khoăn.

6/ “Tử biệt thảm vừa vừa, sinh ly sầu lắm lắm”. Cuộc biệt ly nào cũng đớn đau, buồn khổ, hiểu được tâm trạng các ông nên Chúa hứa sẽ luôn ở lại với các ông. Nhưng Chúa chỉ hiện diện cách đặc biệt qua Lời Ngài, qua ơn phúc, nhất là qua Thánh Thần và cuối cùng là qua Bí Tích Thánh Thể. Chúa bảo các Môn Đệ đừng xao xuyến, đừng sợ hãi, nhưng hãy sống bình an vì chính Ngài là Chúa của sự bình an.

7/ Chúng ta đang sống ở đầu thế kỷ 21 với những phát minh khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc về mọi phương diện. Nhưng những lo âu, bối rối, bất an, sợ hãi là những điều không thể thiếu trong thế giới hôm nay mà có khi còn là mối lo sợ thường xuyên cho người trên trái đất này. 

8/ Có nhiều người nói: “Tôi thương người nhưng tôi rất sợ lòng người”. Con người vẫn luôn luôn lo sợ: sợ chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, sợ thất nghiệp, sợ vật giá leo thang, sợ trộm cắp, sợ tình người tráo trở, sợ vợ chồng bất trung, sợ con cái hư hỏng, sợ lòng người đổi trắng thay đen,…/

9/ Cuộc sống bất an như thế, nên ai cũng cần có sự bình an. Sự bình an cần thiết hơn cả cơm ăn áo mặc, bình an là tình trạng tốt nhất cho cả hồn lẫn xác. Bình an cũng có nghĩa là được đầy đủ như ý mình muốn mà không gặp điều gì rắc rối buồn phiền.

10/ Trong cuộc sống chúng ta thường đi tìm bình an nơi nọ, nơi kia. Tìm bình an qua bảo hiểm nhà cửa, xe cộ, bản thân, nhân mạng; giới ca sĩ thì bảo hiểm giọng hát, giới cầu thủ thì bảo hiểm đôi chân. Nhưng tất cả những thứ bình an này đều là vật chất do trần gian ban tặng.

11/ Thứ bình an của Chúa Giêsu không phải là thứ bình an tạm bợ, giả tạo bên ngoài =>  Nhưng là thứ bình an bên trong tâm hồn, bình an bên trong là thứ bình an chỉ Thiên Chúa mới có.

12/ Bình an của Chúa là tâm hồn thư thái với Chúa và an hòa với anh em.  Bình an của Chúa là có Chúa làm chủ đời mình, luôn tín thác đời mình cho Chúa, vâng theo ý Chúa và bằng lòng với sự sắp xếp quan phòng của Chúa. Bình an còn được hiểu là có tâm hồn sạch tội, luôn giao hòa hữa hảo với Chúa và với anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn bình an để con có thể sống bình an với anh em và luôn mang lại bình an cho những ai con  gặp gỡ thường ngày. Amen.**

 

Thứ tư, 02/05/2018

Đề tài: KẾT HIỆP MẬT THIẾT VỚI CHÚA GIÊSU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 15,1-8)

1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

SUY NIỆM:

1/ Gắn bó hay kết hiệp mật thiết là sống nhờ, sống với người khác. Muốn sống dựa dẫm thì tốt nhất nên dựa vào kẻ mạnh hơn mình.

2/ Thực tế trong cuộc sống đều cho thấy rằng: Để tồn tại và phát triển, người ta thường dựa vào sự giúp đỡ của người khác có mạnh thế hơn mình; cùng  gắn bó với người mạnh, ta càng được người đó che chở, giúp đỡ để ta có điều kiện tiến lên.

3/ Ở trần gian này, bất cứ thứ gì cũng có ngần, có hạn. Cho dù là người khôn ngoan nhất thì cũng có khi phải chịu thế bí, dù kẻ có sức mạnh xem ra vô địch thì cũng có kẻ hở, cũng có lúc phạm phải sai lầm, cũng có điểm yếu.

4/ Cuối cùng thì chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, toàn thiện. Chỉ có Ngài mới có thể giúp ta vượt qua mọi tình huống khó khăn mà mọi con người trần gian đều phải bó tay.

5/ Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc của người Do Thái là cây nho để dạy khôn cho dân chúng. Hình ảnh này nói lên sự liên kết giữa cây nho và cành nho và giữa các cành nho với nhau, giữa Chúa với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.

6/ Khi chúng ta liên kết với Chúa thì chúng ta mới sống hùng sống mạnh được. Ta cần hiệp thông với Chúa thì mới có được ơn cứu rỗi.

7/ Điều này cũng có nghĩa là: Chúng ta không thể trở nên tốt, không thể tự mình giải thoát, không thể tự thánh hóa bản thân nếu chúng ta không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa.

8/ Chúng ta chỉ có thể kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích. Và nhất là chúng ta phải thường xuyên duy trì mối tương quan mật thiệt này.

9/ Kết hiệp với Chúa đây mới chỉ là giữa Chúa với ta, hay là giữa cây nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho với nhau thì cần cộng tác, giúp đỡ nhau, cần hỗ tương trên con đường tìm đến ơn cứu rỗi.

10/ Chúng ta đang sống với nhau trong một gia đình hay trong một cộng đoàn. Ở đây được ví như các cành nho, không cành nho nào được quyền giữ nhựa sống cho riêng mình mà ngăn cản nhựa sống lưu thông đến các cành khác.

11/ Khi chúng ta nhận được sự sống từ Chúa, chúng ta phải chuyển thông sự sống mà mình vừa lãnh nhận cho anh em bà con của mình, để tất cả mọi người cùng được sống tốt đẹp. Chúng ta có thể hỗ trợ nhau bằng cách cầu nguyện cho nhau, cùng chia vui sẻ buồn, đừng bao giờ cố tình gây đau khổ cho nhau.

12/ Chúng ta là cành nho, cần kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhận bí tích, đồng thời cũng phải kết hiệp với nhau. Đừng sống quá cô lập kiểu đèn nhà ai nấy sáng, cũng đừng sống kiểu mọi người vì mình, vì như thế là sống ích kỷ, ốc đảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa và sống tâm tình chia sẻ, cởi mở với anh em, xin  giúp con biết sống vì Chúa và vì mọi người. Amen.**

 

Thứ năm, 03/05/2018

Đề tài: TUÂN GIỮ LÀ YÊU MẾN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 15,9-11)

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

SUY NIỆM:

1/ Ngày nay con người đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, mạnh được yếu thua, nên hai chữ yêu thương nghe sao quá mong manh. Những chuyện thường ngày xảy ra trong gia đình như là: con cái chém giết cha mẹ, anh em ruột hại chết nhau xảy ra ngày càng nhiều khiến cho chúng ta cũng đâm lo sợ, vì ngay cả những người thân yêu nhất của ta cũng có thể giết chết ta một ngày nào đó.

2/ Chính vì thế gian đầy những lo âu, sợ hãi, chết chóc như trên, khiến cho mọi người bị thu hút bởi lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, vì chính Thầy là niềm tin yêu và hy vọng của mọi người”.

3/ Ở lại trong tình yêu thương của Đức Giêsu, là lắng nghe và cảm nghiệm được sự êm ái, dịu ngọt nơi tình yêu thương bao la của Người.

4/ Thánh Augustino ca ngợi rằng: Không có gì êm dịu bằng tình yêu thương của Chúa Ki-tô.

5/ “Nếu anh em giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu thương của Thầy”.  Ở đây ta thấy: giữ giới răn của Chúa là điều kiện để đạt được phần sau, có nghĩa là muốn được thuộc trọn về Chúa thì ta cần phải thực hiện và tuân giữ các giới răn của Chúa.

6/ Muốn được ở trong tình yêu thương của Chúa thì không được tạo ra chướng ngại nào để cản trở tình yêu của Chúa đến với ta. Có nghĩa là phải tuân giữ trọn vẹn điều Ngài dạy.

7/ Thánh Phaolo nói rất rõ cho các tín hữu Roma về điều này: Không sống theo luật mới của Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở trong Ngài và Ngài ở trong kẻ ấy”.

8/ Ở lại trong tình thương của Chúa và tuân giữ lời Ngài, là hai điều kiện đi song song. Không thể nào yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ lời Chúa dạy. Điều ngược lại, nếu không yêu mến Chúa thì khó lòng tuân giữ lời Ngài.

9/ Không biết thì không mến, khi đã không mến thì khó mà làm, hoặc làm thì cũng chỉ là làm sai, hoặc là chỉ làm theo cách miễn cưỡng, gò ép, câu nệ.

10/ Tình yêu sẽ kết hợp giữa ý chí và việc làm. Việc kết hợp ý chí với Chúa Giêsu sẽ được chứng minh qua việc luôn trung tín thi hành điều Ngài dạy, lòng trung tín được thể hiện minh chứng một tình yêu sâu xa, bền bỉ.

11/ Khi tôi yêu mến ai, thì dù việc to nhỏ, lớn bé, khó dễ, khi đã nhờ tôi thì tôi luôn cố gắng làm, miễn sao làm đẹp lòng người ấy. Yêu nhau mấy núi cũng trèo … là thế.

12/ Khi tình yêu Chúa đã đi vào tâm hồn thì tâm hồn ấy sẽ vui lòng chấp nhận mọi yêu sách của tình yêu, để trở thành động lực thôi thúc họ làm nhiều hơn nữa vì yêu Chúa.

13/ Những việc làm vì yêu thương này không khi nào có thể nói là đủ được, và chỉ có những việc này mới có giá trị trước mặt Chúa, cho dù là làm những việc đó cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta.

14/ Muốn sống trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành Lời Chúa dạy, mà quan trọng nhất là thi hành luật yêu thương. Tóm lại, muốn vào nước Trời, chúng ta phải luôn sống bác ái.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con luôn biết chạy đến với Chúa, để con nhận lãnh tình thương nơi Chúa và đem ban phát cho anh em con. Amen.**

 

Thứ sáu, 04/05/2018

Đề tài: HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 15,12-17)

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

SUY NIỆM:

1/ Để chứng tỏ tình yêu của mình, nhiều người đã bày tỏ tình yêu của mình bằng nhiều cách. Có người thì mừng ngày cưới nhiều lần, có người thì tặng bạn gái một chiếc nhẫn thật đắt tiền, có người thì xăm tên người yêu lên tay mình để tưởng nhớ hoài….

2/ Đối với chúng ta: Yêu nhau là phải tặng hoa, tặng quà, tặng nhẫn, làm đám cưới thật linh đình, đi hưởng tuần trăng mật thật xa, thật lãng mạn.

3/ Đằng sau những giá trị vật chất, những kỷ niệm khó quên kia, những đám cưới thật linh đình, thì nhiều đôi vợ chồng sau đó đã chia tay nhau. Vì sao?

4/ Vì họ yêu nhau không đúng cách hay nói cho đúng hơn, họ chưa dành cho nhau một tình yêu đích thực. Thứ tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy các Môn Đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Yêu như chính Thầy đã yêu”.

5/ Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu không biên giới. Không đòi điều kiện được thể hiện qua sự tha thứ vô hạn và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để mong sao cho người yêu được hạnh phúc, như chính Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để cho chúng ta được sống hạnh phúc.

6/ Dọc theo triền núi của dãy trường sơn, có một ngôi mộ cỗ đã lâu đời. Trên chiếc mộ ấy có khắc dòng chữ: “Tôi thương người nhưng rất sợ lòng người”.

7/ Câu chuyện kể về một anh chàng đi học nghề tìm mạch nước. Bạn bè, bà con ai cũng chê cười cho anh là mất trí, vì nước có đầy dẫy thì cần gì phải đi tìm. Hai mươi năm trôi qua anh vẫn miệt mài tìm học. Khi gặp thời đại hạn, không tìm đâu ra nước, người ta mới nhớ đến anh và đi tìm anh, anh đã tìm được ra mạch nước chảy lai láng. Dân chúng từ bốn phương đến uống, nhiều người vui mừng ca ngợi anh; nhưng cũng có kẻ lâu ngày quá khát nước, nay uống quá độ nên đã ngã lăn ra chết, rồi người ta quay lại mạt sát, đánh đập chàng trai đến chết. Vì vậy trước khi chết anh ta ghi lại câu này.

8/ Một câu chuyện ngày nay của nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Châu trong tuyển tập “Ngồi buồn viết mà chơi”: Tại ga hàng cỏ, một buổi sáng vào khoảng thập niên 90, người ta đang xếp hàng rất đông để đợi tới lượt lên tàu cùng với đống hàng hóa chất cao. Giữa cảnh bon chen đông đúc như vậy, có một chị đàn bà còn trẻ đang khóc lóc y như người mất trí, chị la hét vang cả sân và khàn cả giọng: “Các ông các bà ơi, ai thương cứu tôi với”, mà chung quanh cả đám đông chẳng có ai đoái hoài, ai cũng nhìn chị một cách thờ ơ.

9/ Câu chuyện như thế này: Chị xuống tàu trong đêm cùng với hai đứa con, một đứa ba tuổi và một đứa nửa tuổi. Trời vừa tảng sáng chị bảo đứa chị trông em để chị đi giặt đồ, khi quay trở lại thì ai đó đã dụ dỗ mất đứa chị, chỉ còn đứa em nằm giữa sân ga một mình.

10/ Nghe xong câu chuyện, một người chạy đi báo bảo vệ, nhưng anh bảo vệ chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời lấy nửa lời, còn hàng trăm con người kia vẫn dửng dưng. Người đàn bà kêu gào thảm thiết giữa sân ga có đông người, không khác gì chị đang kêu gào trong nơi hoang vắng sa mạc.

11/ Nhân tình thế thái ngày nay quá tệ bạc nếu như có ai đó muốn đem so sánh với câu nói của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng: Điều Thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu thương mọi người như Lời Chúa dạy. Amen.**

 

Thứ bảy, 05/05/2018

Đề tài: CÁC MÔN ĐỆ VÀ THẾ GIAN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga15,18-21)

18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử bách hại Đạo Chúa được ghi lại như sau: Hoàng đế Neron ra lệnh bắt tất cả những Ki-tô hữu và hành hạ họ cho đến chết, một số người bị quăng cho thú dữ, số khác bị thiêu sống, nhiều người bị đóng đinh.

2/ Từ trước tới giờ, cách sống của con cái Thiên Chúa và con cái thế gian luôn đối nghịch nhau. Thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa hơn sự chân thật, ích kỷ hơn hy sinh.

3/ Người Ki-tô hữu thì sống ngược lại nên thế gian thù ghét và lắm khi họ phải trả giá cho lối sống tốt đẹp này bằng chính sinh mạng của họ.

4/ Như Đức Giêsu đã nói hôm nay: Thế gian sẽ ghét anh em, tuy nhiên chính Người cũng đã hứa rằng, ai kiên trì sống theo Lời Chúa dạy thì sẽ được hạnh phúc muôn đời: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước trời là của họ (Mt 5,10)”.

5/ Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu báo trước cho các Môn Đệ biết cuộc sống theo Chúa họ sẽ gặp nhiều thử thách và khổ cực, nhục nhã như Chúa: Nếu thế gian ghét anh em thì anh em hãy biết rằng: Nó đã ghét Thầy trước.

6/ Thế gian đã rất ghét Chúa Giêsu, Chúa đã bị bao người khinh bỉ hiểu lầm. Nhà cầm quyền thì nghi ngờ / Phariseu, Kinh Sư thì chống đối kịch liệt / những người đồng hương thì coi thường, phủ nhận.

7/ Tất cả những thái độ đó, cuối cùng đã đi đến chỗ độc ác và bi thảm nhất đó là họ đã hành hạ và giết Chúa.

8/ Số phận của các Tông Đồ, các Môn Đệ cũng đã xảy ra đúng như những gì Chúa đã nói. Ngay từ khi bắt đầu thi hành sứ mạng, các Tông Đồ đã gặp phải sức chống đối mãnh liệt.

9/ Tất cả 12 Tông Đồ cũng như các Môn Đệ khác: dù đến rao giảng ở nơi nào cũng gặp những thử thách lớn lao, cấm đoán, đe dọa, bắt bớ, vào tù ra khám, bị hành hạ bằng đủ mọi thứ cực hình, và cuối cùng các ông cũng đã kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm.

10/ Nối tiếp bước chân của các Tông Đồ, Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới cũng đều bị các nhà cầm quyền ghét bỏ, bách hại. Cụ thể như ở Việt Nam, qua bốn thế kỷ bách đạo, đã có hàng trăm ngàn người hiến mạng sống mình để làm chứng cho Đức Tin.

11/ Trong đau thương, thử thách, đòn vọt, ngục tù. Họ đã cảm thấy sâu xa Lời Chúa Giêsu nói, thật là một lời tiên tri: “Nếu thế gian ghét anh em, thì anh em  hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”.

12/ Từ trước tới nay cũng đã có nhiều người thắc mắc : Nếu đạo Công Giáo là chân chính, là tốt đẹp thì tại sao khi truyền đạo đến đâu cũng bị chống đối, bắt bớ, giết hại, khắc hẳn với các Tôn giáo khác ?.

13/ Đạo Công Giáo luôn bị chống đối: Bởi vì đạo Công Giáo được truyền đến sau các đạo khác, nên thường bị các nhà lãnh đạo Tôn  giáo khác tìm cách tiêu diệt để khỏi bị mất ảnh hưởng.

14/ Vì giáo lý công giáo cao siêu, khác hẳn với những tục lệ tầm thường của dân địa phương. Nên lúc đầu do hiểu lầm nên hay bị chống đối là do một số người bảo thủ. Sau cùng do các vua Chúa sợ dân chúng theo đạo mới của người ngoại quốc đem lại, sẽ không còn tuân phục quyền bính của mình như trước, nên đã tìm cách chống đối, tiêu diệt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống tốt dù gặp bao nghịch cảnh, để con luôn yêu Chúa và biết tín thác vào Chúa. Amen.**

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2161
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  8133
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11425967
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top