Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần VI Phục Sinh B 2018 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày
Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần VI Phục Sinh (07/05 -> 12/05/2018)

Thứ hai, 07/05/2018

Đề tài: NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO THẦY

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 15,26;16,1-4a)

26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.

1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

SUY NIỆM:

1/ Người làm chứng là người dám nói sự thật cho những kẻ chưa biết. Nếu muốn trở thành nhân chứng đáng tin cậy, người đó phải biết sự thật và chỉ nói lên sự thật.

2/ Đấng bảo trợ là Chúa Thánh Thần. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa nên Người đã biết rất rõ về Chúa Ki-tô là ngôi hai Thiên Chúa. Hơn nữa, Người là thần khí sự thật nên Người chỉ nói sự thật, Ngôi Ba chính là nhân chứng tuyệt hảo cho Đức Ki-tô.

3/ Các Tông Đồ ngày xưa cũng là những nhân chứng đáng tin, vì các ông đã sống cùng thời với Chúa Giêsu nên các ông chỉ nói sự thật về Người.

4/ Chúng ta hôm nay là những Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa Ki-tô. Cho dù chúng ta không được có diễm phúc sống cùng thời đại với Chúa để có thể tận mắt chứng kiến những việc Ngài làm, nhưng chúng ta có thể làm chứng về Chúa Giêsu nếu chúng ta sống yêu thương đúng như lời Ngài dạy bảo.

5/ Trước khi từ biệt các Môn Đệ để chịu chết, Chúa Giêsu đã căn dặn các ông: Thầy sẽ sai một Đấng bảo trợ đến từ nơi Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.

6/ Chúa cũng muốn các Tông Đồ làm chứng cho Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ  tác động để các Tông Đồ làm chứng về Chúa Giêsu.

7/ Điều này đã thật sự xảy ra vào ngày lễ ngũ tuần, các Tông Đồ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và kể từ đó cuộc đời của các ông đã thay đổi.

8/ Các ông thay đổi từ những con người hèn nhát, chậm hiểu, ham sống, sợ chết, cầu danh, tranh lợi. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian khổ , không thể làm thinh khi miệng mình muốn nói lên những điều mình đã biết, đã hiểu.

9/ Mọi thứ đe dọa ,bắt bớ, ngục tù không thể làm cho các ông tháo lui. Trái lại, hết mọi Tông Đồ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời mình rao giảng.

10/ Các ông đã sẵn sàng chết để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Ki-tô. Như vậy muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô, ai cũng phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và luôn dựa vào sự hướng dẫn và quyền năng của Chúa Thánh Thần.

11/ Các Tông Đồ đã hội đủ các điều kiện đó, các ông đã làm chứng cho Chúa Ki-tô. Còn chúng ta thì dựa vào lời chứng của các Tông Đồ để mà tin, rồi nhờ vào lòng tin đó, chúng ta đã làm chứng về Chúa Ki-tô, vì việc này là bổn phận của những ai tin vào Chúa.

12/ Đức Giáo Hoàng Paul 6 đã nói: Người Giáo dân, là bản chất của một chứng nhân, giáo dân sống đạo là chỉ để làm chứng.

13/ Chúng ta có thể làm chứng bằng nhiều cách:  Bằng lời nói dịu dàng, xây dựng, bằng cử chỉ, thái độ thân ái, bằng hành động chia sẻ, giúp đỡ. Tóm lại, chúng ta cần làm chứng bằng hành động bác ái yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn là một bằng chứng sống động về Đức Ki-tô Phục Sinh là dám thực thi những Lời Chúa phán dạy là hãy sống bác ái với mọi người ở khắp mọi nơi. Amen.

 

Thứ ba, 08/05/2018

Đề tài: ĐẤNG BẢO TRỢ SẼ ĐẾN

Tin Mừng Chúa Giê-su K-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,5-11)

5 Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: "Thầy đi đâu? 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; 10 về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

SUY NIỆM:

1/ Đang lúc các Tông Đồ buồn rầu về việc Thầy trò sắp phải chia tay nhau và những cuộc bách hại đang chờ đón ở phía trước. Đức Giêsu hứa sai Thánh Thần đến để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn các ông.

2/ Nhờ sự ra đi của Chúa Giêsu mà Chúa Thánh Thần sẽ đến với các ông. Khi Thánh Linh đến, Người sẽ chứng minh cho thế gian thấy họ đã sai lầm, sai lầm trong sự công chính, trong tội lỗi và trong việc xét xử.

3/ Chúa Thánh Thần đến để soi sáng cho chúng ta biết đâu là tội lỗi để tránh, đâu là sự công chính để chọn lựa và đâu là án phạt để chúng ta đề phòng.

4/ Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần qua sự hướng dẫn của Hội Thánh , và nghe tiếng lương tâm chân chính của mình .

5/ Chúa Giêsu phải ra đi, nghĩa là các Ngài sẽ chịu chết sống lại và về trời. Nhưng Chúa không bỏ rơi các Môn Đệ mà sẽ sai một Đấng bầu chữa là Chúa Thánh Thần đến với họ.

6/ Sự chia ly nào cũng gây sầu buồn. Các Tông Đồ đã sống gần 3 năm bên Chúa, Thầy trò sớm tối vui buồn có nhau, sướng khổ có nhau. Bây giờ Chúa ra đi chịu chết thì trên phương diện con người tất nhiên ai cũng buồn rầu.

7/ Nhưng xét về phương diện siêu nhiên thì thật là có ích cho họ, đó là Chúa Thánh Thần sẽ đến với họ. Chúa Giêsu có ra đi thì Chúa Thánh Thần mới đến được.

8/ Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ làm gì? Chúa Thánh Thần sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, mà điển hình nhất là tội lỗi của đám lãnh đạo Do Thái, bởi vì họ quá cứng lòng và bất tín vì họ đã cố tình không tin Chúa Giêsu mà lại còn dám giết Chúa nữa.

9/ Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho thế gian biết về sự công chính của Chúa Giêsu Và Ngài đến trần gian chỉ vì yêu thương con người và Chúa còn tỏ cho mọi người thấy bọn đầu sỏ thế gian và bọn tay sai của chúng sẽ bị luận phạt, nghĩa là Do Thái nói chung và đám lãnh đạo nói riêng.

10/ Đám lãnh đạo Do Thái đã để cho bọn Sa-tan điều khiển và bọn chúng lầm tưởng rằng: Họ dùng bản án để loại bỏ được Đức Giêsu, trái lại bản án đó đã quật ngược lại họ, bởi vì chính Thập Giá mà bọn họ dùng để giết Chúa lại trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin Chúa và là hình phạt cho những ai quyết tâm từ chối Ngài.

11/ Chúa Giêsu phải về trời thì Ngài mới sai Chúa Thánh Thần xuống. Chính Chúa Thánh Thần tác động để các Tông Đồ mạnh dạng ra đi loan truyền Tin Mừng khắp nơi.

12/ Từ đó đến nay Chúa Thánh Thần vẫn ở trong lòng Giáo Hội để trợ giúp Giáo Hội cho đến tận thế. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng trợ giúp cho mỗi người chúng ta, Chúa nâng đỡ sự yếu hèn, giúp ta chuyên cần cầu nguyện, giúp chúng ta thực hiện những việc lành phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.

13/ Chúng ta cần phải luôn cầu xin cùng Chúa Thánh Thần. Xin Chúa trợ giúp chúng ta từ trong mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm, để chúng ta mỗi ngày thêm hoàn thiện hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin canh tân đời sống u mê, tội lỗi, đầy sai lầm của chúng con, ngõ hầu chúng con có đủ sức chống lại các ơn cám dỗ bên trong và các cơn bách hại bên ngoài . Amen.

Thứ tư, 13/05/2018

Đề tài: THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC THẬT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,27-28)

27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "28 Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."

SUY NIỆM:

Fatima: Câu chuyện Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ

A -  Sứ Thần Hòa Bình

Vào ngày đầu tiên của năm 1916, trời bắt đầu mưa, ba em nhỏ là Lucia dos Santos, 9 tuổi, và hai người em họ là Francisco, 8 tuổi và Jacinta Marto, 6 tuổi, đang trú mưa tại một hang, bỗng nhiên một vầng sáng trắng xuất hiện trên đồng cỏ. Các em đã sửng sờ khi thấy một thanh niên trẻ đẹp trong y phục mầu trắng đứng giữa vầng sáng.

Người thanh niên trong vầng sáng ấy nói với các em rằng: "Ðừng sợ, ta là sứ thần hòa bình. Hãy cùng ta cầu nguyện." Ðoạn người quỳ xuống và cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã không tin kính, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa."

Thiên Thần lại cúi đầu sâu hơn, và cầu nguyện ba lần như vậy, các em cũng lập lại lời cầu nguyện này với Thiên Thần.

Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều

Rồi vào một ngày mùa hè, đang khi các em vui đùa, Thiên Thần lại hiện ra với các em và bảo: "Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều. Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria đã dành cho chúng con đầy lòng thương xót. Hãy tiếp tục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện và những hãm mình. Hãy biến mọi việc làm thành những hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi đã xúc phạm đến Người, và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Bằng phương thế này, hòa bình sẽ đến với quê hương các con... Ta là Thiên Thần bản mệnh của nước Bồ Ðào Nha. Hãy đón nhận và vui lòng chịu đựng mọi thử thách Chúa sẽ gửi đến cho các con."

Thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi

Mùa thu năm ấy, Thiên Thần lại hiện đến cùng các em. Trong lần hiện ra thứ ba này các em thấy Thiên Thần một tay bưng một chén Thánh, một tay cầm Mình Thánh Chúa, các em đã nhìn thấy những giọt máu nhỏ xuống chén thánh. Ðể chén thánh và Mình Thánh Chúa lơ lửng trên không trung, Thiên Thần cung kính quỳ xuống đất và cầu nguyện: "Lạy Ba Ngôi Cực Thánh - Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần - con cung kính thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa mình và máu thánh cực trọng, linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong các nhà chầu trên khắp hoàn cầu để đền tạ vì những tội bội bạc, thờ ơ, xúc phạm đến Người. Cậy vì công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, xin Chúa cho kẻ có tội được ăn năn trở lại."

B- Những lần Ðức Mẹ Hiện Ra

Ngày 13 tháng 5 năm 1917

Sau hơn một năm, kể từ ngày Thiên Thần hiện ra lần đầu tiên cùng các em, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, Ðức Mẹ đã hiện ra cùng các em lần đầu. Cũng như thế, trong khi các em đang chăn cừu trên một cánh đồng hẻo lánh, gần Cova da Iria. Ðó là một ngày trời nắng và trong sáng, bỗng nhiên các em thấy sấm chớp trên trời. Lo sợ về một trận bão bất thần của mùa Xuân, các em vội lùa cừu vào nơi trú ẩn, nhưng một vầng sáng chói lòa đã xuất hiện trên một cây sồi ngay hướng các em đang đi. Các em đã sửng sờ khi nhìn thấy một Bà đang đứng trong vầng sáng trên ngọn cây. Bà đẹp đến nỗi các em không thể nào diễn tả được. Sau này, các em cho biết Bà là Ðức Mẹ rất trẻ và vào khoảng 16 tuổi.

Ðức Mẹ đã phán bảo các em: "Hãy lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh." Sau khi hứa dâng chính mình cho Chúa và vui lòng chịu đựng mọi thử thách để đền tạ mọi tội lỗi đã xúc phạm tới Chúa và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại, các em lại nghe tiếp: "Rồi đây các con sẽ chịu rất nhiều đau khổ, nhưng Chúa nhân lành sẽ ở cùng các con và sẽ phù trợ các con."

Ngày 13 tháng 6 năm 1917

Ðức Mẹ lại hiện ra với các em. Cho đến lúc ấy, rất nhiều người đã hay tin về lần hiện ra đầu tiên mặc dù các em đã cố giữ kín. Nhiều kẻ hiếu kỳ đã tụ tập lại Cova vào ngày 13 tháng 6 năm 1917. Ðức Mẹ cho các em biết rất nhiều linh hồn sẽ phải sa hỏa ngục vì không có ai cầu nguyện và dâng các việc hy sinh thay cho họ. Ðức Mẹ cũng cho Francisco và Jacinta biết là các em được về Thiên Ðàng trước, còn Lucia sẽ ở lại để truyền bá Mệnh Lệnh Fatima.

Ðức Mẹ nói với các em: "Ta muốn các con tiếp tục lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày, và sau mỗi mầu nhiệm, các con hãy cầu nguyện như sau: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Ðàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn"...

Ngày 13 tháng 7 năm 1917 (Hỏa Ngục Kinh Khiếp)

Khi Ðức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng 7 năm 1917, chị Luxia đã hỏi: "Xin Bà cho con biết Bà là ai, và xin Bà hãy làm một phép lạ để cho mọi người tin là Bà đã hiện ra với chúng con." Ðức Mẹ đã phán cùng chị Lucia: "Hằng tháng các con phải tới đây và đến tháng Mười, Ta sẽ cho các con biết Ta là ai và Ta muốn gì.Lúc đó Ta sẽ làm một phép lạ để mọi người tin." Ðức Mẹ cũng phán: "Các con hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội." Ðức Mẹ cũng dạy các em cầu nguyện như sau đặc biệt trong lúc hãm mình hy sinh: "Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng những hy sinh này để đáp lại tình yêu Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và để đền tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria."

Khi Ðức Mẹ phán điều này, chị Lucia kể tiếp, cũng như các lần trước, Ðức Mẹ dang hai tay ra, nhưng chẳng phải sự sáng láng huy hoàng của Thiên Chúa như các lần trước, lần này các em đã nhìn thấy một biển lửa. Nhào lộn trong biển lửa ấy là ma quỷ và các linh hồn tội lỗi trông giống các cục than hồng, đen đủi hay xám xịt, nhưng thân hình bị treo lơ lửng đang bị lửa thiêu đốt kêu la trong đau đớn tuyệt vọng đã làm cho các em kinh hoàng đến run rẩy khiếp sợ. Các em kinh khiếp đến nỗi không nói nên lời trước cảnh hãi hùng của hỏa ngục đã ngườc nhìn về Ðức Mẹ trong ánh mắt van nài để tìm an ủi.

Ðức Mẹ bảo các em: "Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội bị giam cầm. Ðể cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn phát động lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ trên hoàn cầu. Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. Cuộc chiến này sẽ chấm dứt, nhưng nếu nhân loại không ngừng xúc phạm tới Thiên Chúa, một cuộc chiến tàn khốc nữa sẽ xảy ra và trong một đêm nào đó khi các con nhìn thấy bầu trời rực sáng bởi luồng ánh sáng kỳ lạ thì lúc đó các con sẽ hiểu đó là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ trừng phạt nhân loại bằng chiến tranh và nghèo đói, Ðức Thánh Cha và Giáo Hội sẽ bị khủng bố ngược đãi. Ðể tránh tai họa này, Mẹ muốn thế giới hãy dâng nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ và Mẹ muốn việc rước lễ mỗi thứ Bảy đầu tháng phải được thi hành để đền bù vì tội lỗi của nhân loại. Nếu các điều Mẹ mong ước được thực thi, nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có Hòa Bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc các tà thuyết trên khắp thế giới, chiến tranh sẽ xảy ra, Giáo Hội sẽ bị bách hại, người lành sẽ bị tử đạo... Ðức Thánh Cha sẽ hiến dâng nước Nga cho Mẹ, nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng hòa bình một thời gian."

(Ðêm 24 rạng 25 tháng Giêng năm 1938, toàn thể Âu Châu đã bừng sáng mà các khoa học gia đã giải thích đó là hiện tượng "Bắc Cực Quang" (Aurora Borealis) nhưng những điều giải thích của các khoa học gia đã cho thấy nó vượt quá một hiện tượng tự nhiên. Trong thơ gửi Ðức Giám Mục, chị Lucia đã cho biết đó là dấu mà Ðức Mẹ đã tiên báo về cuộc chiến sắp xảy ra. Ba tháng sau Hitler đã ra lệnh động binh và bắt đầu tuyên chiến).

Ngày 13 tháng 8 năm 1917 (15 ngàn người)

Ðến tháng 8 năm 1917, tin Ðức Mẹ hiện ra đã gây khá nhiều xúc động nên chính quyền địa phương đã phải báo động, các em đã bị ông thị trưởng bắt và tống giam.

Hơn 15 ngàn người đã chờ đợi các em tại đồi Cova, ngày 13 tháng 8 năm 1917, đến giữa trưa - giờ Ðức Mẹ thường hiện ra. Ðám đông đã hốt hoảng và sợ hãi bởi sấm chớp. "Ðức Mẹ đã hiện ra...!" Một nhân chứng cho hay: "Ngay sau tiếng sâm là một làn chớp và sau đó chúng tôi bắt đầu xem thấy một đám mây nhỏ, rất mỏng manh và rất trắng, đám mây dừng lại trên cây sồi một vài phút rồi bay bổng lên không trung rồi biến mất. Khi chúng tôi nhìn chung quanh, chúng tôi đã nhận thấy một vài điều lạ thường như đã thấy ở các lần trước cũng như sau này. Mặt chúng tôi đã phản chiếu các mầu sắc của cầu vồng: tím, đỏ và xanh, và tôi đã không hiểu được tại sao. Ðột nhiên các cây cối đã không phải có lá mà là hoa, đất cũng phản chiếu các mầu sắc và cả quần áo chúng tôi đang mặc cũng vậy... Chúng tôi biết hiển nhiên Ðức Mẹ đã hiện ra mặc dù các em vắng mặt."

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1917, Ðức Mẹ lại hiện ra với các em. Ðức Mẹ đã tỏ ra không mấy hài lòng về việc làm của ông Thị Trưởng và nói với các em: "Vì việc trên, phép lạ Ðức Mẹ định làm trong tháng 10 năm 1917 sẽ không được huy hoàng như đã định trước."

Ngày 13 tháng 9 năm 1817 (30 ngàn người)

Tới trưa ngày 13 tháng 9 năm 1917, hơn 30 ngàn người đã tràn ngập thung lũng Cova. Ðức Mẹ đã nhắc các em siêng năng lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày và lập lại lời hứa là đến tháng 10 năm 1917, các em sẽ được thấy cả Thánh Giuse, Chúa Hài Ðồng, Ðức Mẹ Núi Camêlô và Ðức Mẹ Sầu Bi.

Chẳng phải chỉ có ba em nhỏ của thôn Aljustrel là nhân chứng độc nhất của biến cố lạ thường ngày 13 tháng 9 năm 1917 mà là cả đám đông, Cha Chính địa phận Leiria, Ðức Ông John Quarsema đã xác nhận đã nhìn thấy một cách tỏ tường và minh bạch một vầng hào quang đã di chuyển từ Ðông sang Tây - trong một bầu trời trong sáng - tới chỗ vẫn thường hiện ra và sau một thời gian đã biến mất về hướng mặt trời.

Ngày 13 tháng 10 năm 1917 (Ta là Ðức Mẹ Mân Côi)

Sau khi tới gốc sồi ở Cova da Iria, dưới thúc đẩy nội tâm Lucia xin mọi người cụp dù xuống và lần hạt. Rồi các em thấy chớp sáng và Ðức Mẹ hiện đến. Lucia hỏi:

- Bà muốn con làm gì?

- Ta muốn một nhà nguyện được xây ở đây để tôn kính Ta. Ta là Ðức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở lại gia đình.

Con có nhiều điều để xin Mẹ: chữa một số bệnh nhân, hoán cải tội nhân và những chuyện khác...

- Ðược, một số sẽ được, nhưng không phải tất cả được. Họ chỉ cần cải thiện đời sống và xin ơn tha thứ mọi tội lỗi.

Rất buồn rầu, Ðức Mẹ dặn tiếp:

- Ðừng phạm đến Chúa nữa vì Chúa đã bị xúc phạm nhiều rồi.

Rồi, theo lời tự thuật của chị Lucia, Ðức Mẹ mở tay ra, làm ánh sáng chiếu lên mặt trời. Khi Ðức Mẹ cất mình lên, ánh sáng đó vẫn chiếu vào mặt trời.

Ðó là lý do Lucia hô lên cho mọi người ta nhìn vào mặt trời. Lucia không có ý kéo chú tâm của mọi người đến mặt trời vì cô cũng không ý thức họ hiện diện đó hay không. Cô đã làm thế theo động lực bên trong.

Một khi Ðức Mẹ đã biến đi, con (Lucia) thấy bên cạnh mặt trời, Thánh Giuse với Chúa Hài Nhi ban phép lành cho thế giới vì con thấy hai Ðấng vẽ hình Thánh Giá. Một lát sau, cảnh tượng đó biến mất và con lại thấy Chúa và Ðức Mẹ, hình như Ðức Mẹ Ðau Thương. Chúa Giêsu ban phép lành cho thế giới cũng như Thánh Giuse đã làm. Cảnh tượng này cũng biến mất và một lần nữa con lại thấy Ðức Mẹ, giống như Ðức Mẹ Carmêlô.

Fatima: Sứ Ðiệp Hòa Bình và Tình Thương

Sau lần hiện ra lần cuối cùng năm 1917, Fatima tưởng chừng đã bị rơi vào quên lãng vì chính quyền và ngay cả giáo quyền thời đó cũng không lưu tâm gì đến biến cố Fatima, có khi còn cấm đoán dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên sứ điệp Fatima vẫn vang vọng trong lòng mọi người.

Sứ điệp Mẹ ban hành tại Fatima là sứ điệp đền tội và cầu nguyện, điều kiện để bảo đảm cho nền hòa bình thế giới và sự hòa bình của mỗi tâm hồn.

Tháng 10 năm 1930, khi Ðức Cha Dom José Alves Correia, Giám Mục giáo phận Leiria, công nhận biến cố Mẹ hiện ra tại Fatima, và ban phép sùng kính Mẹ Fatima, thì thôn làng nhỏ bé Fatima đã trở nên trung tâm hành hương thế giới, để mọi người đổ về, chạy đến cầu khẩn với Mẹ. Fatima cũng trở thành động lực thúc đẩy mọi người hưởng ứng lời Mẹ, nhắn nhủ, cầu nguyện, và hy sinh cho tội nhân được ơn trở lại và nhất là nguyện cầu cho thế giới được hòa bình. Vì sứ điệp hòa bình và tình thương của Fatima cũng hòa hợp với sứ điệp hòa bình của Phúc Âm, dọn lòng con người đón chờ ơn cứu chuộc, nên sứ điệp Fatima luôn là sứ điệp hợp thời đại.

Ước chi để kỷ niệm biến cố Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, mỗi người chúng ta hãy là những tông đồ rao truyền mệnh lệnh của Mẹ cho thế giới. Nhưng có lẽ trước hết mỗi người hãy là những người tiên phong thực hành ba mệnh lệnh của Mẹ trong cuộc sống một cách hăng say và tích cực. Lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong dịp viếng thăm Mẹ Fatima vào năm 1992: "Tất cả những ai đã sốt sắng đáp ứng lời kêu gọi của Ðức Mẹ hãy tiếp tục cố gắng tiến xa hơn nữa trong việc thi hành những mệnh lệnh đó trong đời sống."

Ðược như vậy, Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng, một sự toàn thắng không phải chỉ trong khấu trường chính trị giữa các quốc gia, nhưng còn là trong chính tâm hồn của mỗi người. Vì sứ điệp Fatima phải là sứ điệp hòa bình và tình thương cho thế giới và cho mỗi con cái Mẹ.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Mẹ ,Trái tim Mẹ sẽ thắng không có nghĩa là người Kyto hữu chúng con chỉ biết ăn chơi ,hưởng thụ và tha hồ phạm tội / nhưng chúng con phải luôn biết cầu nguyện bằng kinh Mân côi ,luôn xét mình cải thiện đời sống và hết lòng yêu mến Trái Tim Mẹ / Xin Mẹ giúp chúng con luôn sống trọn tình con thảo , Amen /

 

Thứ năm,14/05/2018

Đề tài: HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

LỄ KÍNH THÁNH MATTHIAS TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giêu-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 15,7-19)

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. 12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

SUY NIỆM:

TIỂU SỬ CỦA THÁNH MATTHIAS TÔNG ĐỒ

       

Theo Tông Ðồ Công Vụ (Đoạn: 1, 15-26), sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng vì chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?

Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi  Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.

Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ôngMatthias, là người được thêm vào nhóm Mười Một.

Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.

Lời Bàn:

Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các Tông Đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?

 

TÂM SỰ BUỒN CỦA THÁNH MATTHIAS TÔNG ĐỒ

1/ Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giodan, Matthias đã có mặt nhưng không có ai chú ý đến ông. Chúa Giêsu cũng không để ý.

2/ Ông không mạnh dạn như Yoan và Anre (là hai Môn đệ của Yoan Tẩy giả),  đi tìm Chúa Giêsu để xin giải đáp .

3/ Ông không được Chúa tìm đến hỏi han như với Philiphê . Ông cũng không được ai tiến cử như Phê-rô và Nathanaen (Batolômê-ô), nhưng từ ngày Matthias biết Chúa, ông luôn đi theo Chúa cách âm thầm.

4/ Các Tông đồ đi đâu, ông đi theo đó, không dám đòi hỏi, không dám bon chen.

5/ Ngày Chúa chọn 12 Tông đồ, ông không được chọn, ông không thất vọng, ông vẫn cứ đi theo.

6/ Khi nào có đám đông đến nghe Chúa giảng thì chắc chắn ông có mặt ở đó. Nhưng khi các Môn đệ được chia sẻ tình thầy trò thì Matthias không được phép tham dự.

7/ Matthias là tín hữu hạng nhì. Một tín hữu vô danh, suốt đời đi theo Chúa, nghe Chúa, nhưng chưa lần nào được Chúa tỏ lòng yêu thương; theo như đánh giá của nhiều người thì cuộc sống của Matthias thật đáng thương hại.

8/ Trong 3 năm theo Chúa, ông chẳng xin cho mình một ân huệ nào, ông chỉ biết kiên trì đi theo.

9/ Ngày Chúa Giêsu nói ra điều chói tai, có biết bao người đã bỏ đi, ngoại trừ các tông đồ thân tín; ngoài ra còn một số ít vẫn đi theo Chúa, trong số đó có Matthias.

10/ Gia đình và bạn bè đã chê cười ông, cho rằng ông không thực tế /đã mù quáng đi theo một Người chẳng thèm màng đến mình, thật là phí cả tuổi xuân xanh, lại còn không biết đời mình đi về đâu. Ông không biện minh, chẳng cãi lại, chỉ một mực đi theo Chúa.

11/ Trong những lần Chúa Giêsu làm phép lạ, có lẽ Matthias là người ít được chứng kiến nhất, có khi ông không ngờ rằng đó là phép lạ vì ông đâu được ở gần như các Tông đồ để mà thấy.

12/ Ngày Chúa chết, có một số người đã thất vọng rời Yerusalem để trở về quê; như 2 Môn đệ ở làng Emmaus chẳng hạn, ngay trong nhóm 12 cũng có người bỏ cuộc, bỏ họp như Toma chẳng hạn , nhưng Matthias vẫn kiên trì ở lại.

13/ Sau ngày Chúa Yesu thăng thiên, có một nhóm người tề tựu lại, khoảng 120 người, Matthias cũng có ở đó. Thế rồi Phê-rô tuyên bố:

14/ “Chúng tôi cần một người đã cùng đi với chúng tôi trong suốt thời gian Chúa Giêsu ở cạnh chúng tôi, khởi đi từ lúc Yoan Tẩy Giả cho đến ngày Chúa Giêsu siêu thăng. Người đó sẽ thay thế cho Yuda Iscariot.”

15/ Lúc đó mọi người nhìn quanh tìm kiếm, và người ta chú ý đến một người quan trọng đó là ông Yuse Barsaba (biệt danh là Yusto), người ta biết ông này rất rõ.

16/ Phải chăng là để cho có sự công bình nên cộng đoàn cũng nhắc đến tên một người khác nữa, người này tên là Matthias. Thế thôi, chẳng ai biết thêm chút gì về ông ta nữa. Ông chỉ là một con người lu mờ, chỉ có một điều đáng lưu ý là ông đã theo Chúa cách kiên trì ngay từ thuở ban đầu.

17/ Và rồi giữa 2 người, Thiên Chúa đã chọn người mang tên Matthias, một con người rất tầm thường đó.

18/ Thế là kể từ đây, Matthias sẽ được nhắc đến, mọi người sẽ chú ý đến ông, mọi người sẽ biết ông từ đây. Như thế là: một đời âm thầm theo Chúa, rồi có lúc Thiên Chúa công bình trả lại công lao ,  trao cho ông hào quang chứ !

19/ Thưa các vị, nhưng sự thật không phải như thế. Matthias chỉ nổi danh có từng ấy thôi, rồi ông lại tiếp tục đi vào quên lãng, trong suốt cuốn Tông Đồ Công Vụ, Luca chỉ nhắc đến Phaolo, Yoan, Phê-rô. Luca còn dành hai chương cho tá viên Stephano, một chương cho tá viên Philip, còn Matthias thì không có lấy một chữ nào !

20/ Matthias chỉ có mỗi một nhiệm vụ, một chức năng: Đó là điền vào chỗ trống của Yuda để cho đủ con số 12, quan trọng là ở con số 12 chứ không quan trọng ở cái con người điền vào chỗ khuyết đó ! Thật đáng là buồn !

21/ Ngày Chúa còn ở trần gian thì Yuda nhận lãnh hết, cả về sự thân mật, an ủi, tín cẩn , Yuda nhận lãnh hết.

22/ Giờ đây khi cần một con người làm chứng, cần một con người chịu sỉ vả, chịu hạch sách, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức Giêsu / Thì Matthias được thế chỗ cho Yuda, Matthias là vị Tông đồ bạc bẽo nhất, một con người âm thầm nhất , một con người vô tích sự nhất , một con người phải đền tội thay cho Yuda.

23/ Sự lựa chọn của Thiên Chúa như là một mầu nhiệm: Trong 3 năm rao giảng,Chúa Giêsu làm như không hề thấy Matthias, không chuẩn bị cho Matthias, không tạo niềm tin cho Mathias, để rồi khi Chúa về trời, Chúa lại chọn Matthias phải ra đi làm chứng cho Chúa .

24/ Chính vì những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa chọn để bêu rếu hạng khôn ngoan, những điều thế gian coi  là yếu đuối thì Thiên Chúa lại chọn  để bêu rếu hạng mạnh mẽ. Dù sao thì việc Chúa chọn Matthias cũng là một niềm an ủi và là một sứ điệp để nhắn gửi đến cho mỗi chúng ta.

25/ Khi Chúa chọn 12 Tông đồ, người đầu tiên Chúa chọn là Anre chứ không phải Phê-rô. Khi Hội Thánh khởi đầu hoạt động thì người đầu tiên Chúa chọn là Matthias chứ không phải là Phao-lô.

26/ Phaolo mở mang Nước Trời bằng lời rao giảng, bằng chứng tích vang dội. Còn Matthias chỉ làm một điều là sống Tin Mừng, Matthias chỉ có một chứng tích độc nhất là lòng trung kiên, Matthias chỉ có một cuộc hành trình duy nhất là theo Chúa suốt đời, Matthias chỉ để lại vỏn vẹn một lời rao giảng đó là “Cuộc đời tận hiến cho Chúa”.

27/ Matthias là vị tông đồ "giờ thứ 11" . Ông xuất hiện khi mọi việc hầu như đã hoàn tất, giờ mà hình như không còn việc gì để làm nữa ngoại trừ tổng kết công việc , thì Chúa lại chọn Matthias.

28/ Matthias đã được đặt đồng hàng với những người đi trước, không phải ông được đồng hàng với hư danh Tông đồ, nhưng là đồng hàng dưới con mắt nhân lành của Thiên Chúa. Như thế:   Kẻ cuối hết sẽ trở nên đầu hết (Mt 20,16)

29/ Những Phê-rô, Anre, Phaolo đã chia tay trần thế, đã lìa đời khi thế kỷ thứ nhất chưa hết, nhưng những Matthias sẽ sống mãi cho đến ngày Chúa Ki-tô trở lại. Hơn hai ngàn năm qua, những Matthias đã tủa đi khắp thế giới, len lỏi vào trong lòng của xã hội, từ công sở đến học đường, từ chợ búa đến các nhà tù. Họ như men trong thúng bột . Matthias là vị tông đồ âm thầm /

30/ Trong đời sống Ki-tô hữu, biết bao lần chúng ta thấy mình như những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ bước đi mà không làm được gì nhiều. Chúng ta như những lữ khách trong đêm đen, từ ngày này qua tháng khác, được ở gần Chúa nhưng không cảm được những dịu ngọt của Người, và phần nào chúng ta cũng mang tâm lý như Matthias, chúng ta cũng có cảm giác như Thiên Chúa chẳng hề để ý đến chúng ta  .

31/ Chúng ta cũng ước ao được lựa chọn, được sai đi một cách cụ thể, rõ ràng. Và qua Matthias, chúng ta hiểu được rằng: Mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng trước mặt Thiên Chúa, vì Ngài không xét đoán ai theo tài năng hay công trạng, nhưng chỉ xét theo tình yêu mà mỗi người dành cho Ngài . Điều duy nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi ở mỗi người chúng ta, đó là hãy vào làm vườn nho của Người và ai cũng chỉ lãnh một đồng /

32/ Matthias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Hội Thánh. Matthias đã thay thế Yuda, trong trường hợp mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: không thể nào có người thay thế được Yuda , bởi vì Đức Ki-tô đã chết, đã ra đi, những kẻ có ác ý thì đang chờ cho ảnh hưởng của Đức Ki-tô phai nhạt đi, và mọi sự sẽ đi vào quên lãng giống như những kẻ đã từng nổi loạn trước kia .

33/ Trước khi Chúa Ki-tô xuất hiện , một tên Thêu-đa nào đó đã nỗi loạn lên, đã xưng mình là một nhân vật nào đó, đã kết nạp được khoảng 400 người, sau đó ông ta bị giết và mọi kẻ theo ông ta cũng tan rã không còn gì hết . Sau đó lại có một ông Yuda người Galile nổi lên, nhưng ông này cũng bị giết chết  và phe cánh của ông ta cũng bị tan rã (Cv 5,36-37)

34/ Thế nhưng khi Đức Giêsu Nazaret bị tử hình Thập Giá thì nhóm 12 vẫn có đủ. Có một người thay thế Yuda Iscariot đó là Matthias và câu chuyện về Matthias vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, trải qua hơn 20 thế kỷ.

35/ Những Ki-tô hữu, những Thừa Tác Viên hôm nay vẫn tiếp tục đi theo dấu vết của Matthias để lại. Chúng ta cũng đang âm thầm làm chứng cho Chúa trên mọi nẻo đường, chúng ta cũng là những Tông đồ của giờ thứ 11. Xét ra chúng ta chẳng có công trạng gì khi cuối đời mới bước vào làm vườn nho của Chúa. Thế nhưng Chúa đâu có xét theo công trạng của mỗi người chúng ta, mà Chúa chỉ đối xử với chúng ta chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta thôi . Chúng ta hãy làm hết sức mình để đáp lại tình yêu thương lớn lao của Ngài 

 

Thứ sáu, 11/05/2018

Đề tài: AI SẼ VUI, AI SẼ BUỒN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,20-23a)

20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

SUY NIỆM:

1/ Nhiều người lo lắng khi người mẹ trẻ chuyển dạ, nhưng ai nấy đều vui mừng khi cô y tá thông báo một bé trai đã được sinh ra.

2/ Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đàn bà sinh con để diễn tả niềm vui của những ai theo Chúa. Đối với Chúa, đau khổ của con người là đau khổ trước khi sinh con và đau khổ trước lúc chết, nhưng khi sinh con rồi thì người đàn bà vui mừng, cũng như khi con người chết đi, nhờ cái chết đó mà con người được sống muôn thuở.

3/ Ở đây nỗi buồn của các Môn Đệ là sự vắng mặt Chúa khi Người ra đi chịu chết. Nhưng nỗi buồn đó sẽ được thay thế bằng việc các ông thấy Chúa Phục Sinh lên trời.

4/ Niềm vui này quá lớn nên các Môn Đệ chẳng còn có thể nhớ nỗi buồn trước đây. Cũng được ví như người mẹ cưu mang và sinh nở con cái.

5/ Cảnh biệt ly giữa kẻ sống và người chết là buồn thảm nhất. Nhất là giữa những người thân thiết nhiều gắn bó với nhau thì nỗi buồn ấy càng sâu kín và thấm thía hơn.

6/ Các Môn Đệ cũng mang tâm trạng này khi Chúa chịu tử nạn. Chẳng những các ông buồn phiền mà con lo âu sợ hãi, lo sợ cho tương lai của bản thân, của nhóm sau này sẽ đi về đâu, nỗi lo sợ này chỉ có lý trong phạm vi nhân loại, có vẻ như các ông rất khôn ngoan khi biết lo xa.

7/  Vì thế, Chúa Giêsu muốn trấn an các ông, khích lệ và chuẩn bị tinh thần. Chúa bảo các ông hãy cố gắng vượt qua tâm trạng buồn phiền này, cũng giống như tâm trạng của một bà mẹ trẻ trước khi sinh con thì lo âu đau khổ.

8/ Thế nhưng sau khi sinh con rồi thì chị ta sẽ quên đi mọi sự đau đớn. Và đổi lại bằng một tâm trạng hớn hở vui tươi vì vừa có một con người, một em bé đáng yêu sinh ra trong thế gian này bao lâu đứa con của chị còn sống.

9/ Cũng tương tự như vậy, khi Chúa chịu nạn chịu chết, các Môn Đệ buồn phiền, lo âu, thất vọng, nhưng sau đó ông lại vui mừng lớn lao khi được gặp Chúa sống lại. Sự vui mừng này khiến các ông quên hết những sự buồn phiền trước đó.

10/ Chúa Giêsu còn trấn an các ông: Sự vui mừng đó không ai cướp mất được vì kể từ đây Chúa không còn xa cách các ông nữa, Ngài sẽ ở cùng các ông qua Chúa Thánh Thần, qua Bí Tích Thánh Thể.

11/ Chắc chắn khi Chúa Giêsu về Trời thì Chúa Thánh Thần sẽ được sai xuống với các ông. Như thế niềm vui các ông mới được trọn vẹn, như vậy mầu nhiệm hiện xuống mới kiện toàn mầu nhiệm Phục Sinh, nhờ đó ơn cứu độ mới có kết quả.

12/ Mọi sự trên đời này dù tốt hay xấu cũng sẽ qua đi, cả cuộc sống cũng sẽ qua đi. Nhưng nó sẽ qua đi như thế nào? Nhưng cuộc sống hôm nay sẽ để lại dư âm gì? Cuộc đời hôm nay sẽ để lại gì cho cuộc đời mai sau, còn tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng.

13/ Tóm lại, moi sự sẽ qua đi, chỉ có những công phúc là tồn tại, và nó sẽ theo chúng ta về đời sau mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin  giúp cho con hiểu mọi thứ ở đời này đều chóng qua, kể cả đau khổ. Xin giúp con luôn biết hướng lòng về bên Chúa là niềm hạnh phúc đích thực. Amen /

 

Thứ bảy, 12/05/2018

Đề tài: CHÚA GIÊSU Ở CÙNG CHÚNG CON

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 16,23b-28)

23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. 25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ  hầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."

SUY NIỆM:

1/ Chúa Giêsu và các Môn đệ luôn gắn bó với nhau trong tình thầy trò thân thiết, như thầy ở trong trò và trò ở trong thầy.

2/Chính vì mối liên hệ mật thiết này, nên khi các Môn Đệ nhân danh Chúa Giêsu để xin gì cùng Chúa Cha thì Chúa Cha sẽ ban cho các ông.

3/ Qua bí tích rửa tội, nhất là qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu bằng bí tích Thánh Thể mà chúng ta trở thành thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu: Ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta.

4/ Nói như thế có nghĩa là Chúa Giêsu và chúng ta ở trong nhau, cả hai nên một với nhau. Vì thế nếu Chúa Giêsu xin với Chúa Cha điều gì, thì chúng ta cũng phải muốn và làm y như vậy.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa Giêsu như người cha hết lòng yêu thương con mình; nên trước khi đi xa, ông sẵn lòng đáp ứng mọi yêu cầu mà các con mình xin.

6/ Chúa Giêsu cũng đối xử như thế với các Môn Đệ của Chúa, trước khi Chúa từ biệt để ra đi chịu nạn, chịu chết. Chúa nhắc nhở các Môn Đệ: Hãy nhân danh Ngài mà xin Chúa Cha bất cứ điều gì, thì chắc chắn sẽ được Chúa Cha ban cho.

7/ Điều hôm nay chúng ta cần nhớ kỹ đó là: Chúa Giêsu bảo hãy nhân danh Ngài mà cầu xin, nhân danh Ngài là chấp nhận vào trò trung gian của Chúa Giêsu, nhân danh Ngài còn có nghĩa là hợp nhất với Ngài trong lời cầu xin. Như thế lời cầu xin của chúng ta sẽ nặng ký hơn, sẽ giá trị hơn và đáng được Thiên Chúa nhận lời.

8/ Đây là lý do đã được minh chứng rõ ràng khi chúng ta thấy rằng: Tất cả mọi lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa Cha, luôn được kết  hiệp bằng câu: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”, để nhắc nhở chúng con phải luôn cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Giêsu.

9/ Sau khi thúc dục các Môn Đệ cầu xin, Chúa Giêsu đã nói rõ cho họ biết: Ngài sẽ bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, nghĩa là Chúa sẽ về trời.

10/ Nhưng Chúa Giêsu bỏ thế gian, có phải là Chúa cũng bỏ chúng ta không? Vậy thì làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa nữa?

11/ Thưa không, Ngài vẫn ở lại với chúng ta một cách huyền nhiệm dưới nhiều hình thức. Chúa Giêsu ở lại với chúng ta qua các hoạt động của Chúa Thánh Thần, Ngài ở lại với chúng ta qua Kinh Thánh, qua các Bí Tích, Ngài luôn ở với chúng ta qua các lệnh truyền của Giáo Hội, qua các bề trên, Ngài ở lại với chúng ta qua các người anh em. Đúng như lời Chúa nói: “Điều gì các ngươi làm cho những kẻ bé mọn là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

12/ Chúa Giêsu về trời, Ngài chuyển qua cách hiện diện thiêng liêng hơn nhưng rất hiện thực, để giúp ta dễ dàng liên lạc, gặp gỡ Ngài.

13/ Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta bằng nhiều cách. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ Ngài, muốn hầu chuyện với Ngài, muốn lãnh nhận các ơn phúc của Ngài, chúng ta hãy thực hành những cách này: Siêng đọc Lời Chúa, thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và phải luôn sống bác ái yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa để Chúa luôn sống trong con và con luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Amen.

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2111
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  1495
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349985
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top