Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần XIII Thường Niên B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XIII  Thường Niên B (29/06 -> 04/07/2015)

Thứ hai, 29/06/2015

Đề tài: LỄ KÍNH 2 THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu (Mt 16,13-19)

 

13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Giáo hội mừng kính 2 trụ cột của Giáo hội: Hai con người khác nhau hoàn toàn từ cá tính đến thân thế, nhưng 2 Ngài lại có nhiều cái chung. Chung ơn gọi, chung niềm tin vào Chúa Ki-tô, chung sứ mạng, cùng chịu chết tử đạo vì Chúa tại Roma. Hai Ngài cùng có triều thiên khải hoàn, cùng là nền móng của Giáo hội, cùng là biểu tượng của niềm tin Công giáo và cùng được Giáo hội mừng chung một ngày 29/06.

2/ Những điểm khác biệt và điểm tương đồng: Phê-rô thì hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa nhưng về sau lại yêu Chúa tha thiết. Thánh Phaolo trước kia ghét Chúa, ghét đạo Chúa thậm tệ, sau này Ngài yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia 2 vị có nhiều khác biệt, nhưng bây giờ cả 2 đã nên một trong tình yêu Chúa.

3/ Những người được đổi tên trong Thánh Kinh: Abram được đổi là Abraham để nhận sứ mạng cao cả; bà vợ ông là Sarai được đổi thành Sara; Giacop được đổi tên là Israel, người đã đấu vật với Thiên Chúa và đã thắng (ST 32,28-29) theo lời sứ thần Gabri-el, Đức Mẹ đặt cho con là Yesus, ông Giacaria đặt tên cho con trai là Yoan (TG).

4/ Ý nghĩa của tên gọi: Tên gọi nói lên sứ mạng, tên là biểu tượng một thân phận mới, một bản chất mới. Tên là hiện thân của một con người.

5/ Chúa Yesus đổi tên cho Simon: Chúa nhìn Simon và nói: Anh là Simon, con ông Yoan, anh sẽ được gọi là Kepha (Phero ) Yn 1,42)/ Chúa Yesus đã xây dựng Giáo hội trên nền tảng là Phêrô. Chúa còn trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô, vì ông là đá tảng, Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực Satan sẽ không thắng nổi (Mt 16,18).

6/ Ơn kêu gọi cho Phao-lô: Saolo là một biệt phái nhiệt thành, ông là học trò của sư phụ Gamali-en. Trên đường tới Damas, một luồng sáng từ trời chiếu xuống, bao phủ lấy Saolo, ông ngã ngựa và đồng thời nghe một giọng nói: “Saolo, sao ngươi bắt bớ ta?”. Ông hỏi: “Thưa Ngài là ai”, và có tiếng trả lời: “Ta là Yesus mà ngươi đang tìm bắt” (Cv 9,1-5). Sau đó Saolo đã bị mù và được Chúa sai ông Annani-as đến chữa cho Saolo sáng mắt (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Yesus đổi tên mới là Phao-lô và trao cho ông sứ mạng làm tông đồ dân ngoại (kể từ chương 13 TĐCV ông được đổi tên thành Phao-lô.

7/ Niềm tin của Phê-rô: Qua dư luận dân chúng, Chúa Yesus muốn hỏi các Môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?, Phê-rô đã nhanh nhẹn đáp: “Thầy là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa Yesus rất hài lòng về câu trả lời này, Chúa đã chúc phúc (Mt 16,17) và đặt Phê-rô làm đầu Hội Thánh (Mt 16,18).

8/ Phao-lô thể hiện niềm tin: Sau khi chịu phép rửa, Phao-lô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Ki-tô khiến cho nhiều người Do Thái ngạc nhiên, tự hỏi: “Ông này chẳng phải là người ở Yerusalem vẫn đi tiêu diệt những ai kêu cầu danh Đức Yesus sao? Chẳng phải là ông đến đây để với mục đích bắt trói và giải về cho các Thượng tế sao” (Cv 9,21). Phao-lô đã làm bẻ mặt những người Do Thái ở Đa-mát khi chứng minh Đức Yesus là Đấng Mesia (Cv 9,22), sau đó Phao-lô đã được các Tông đồ tin tưởng khi ông mạnh dạn rao giảng về Đức Yesus Ki-tô (Cv 9,28).

9/ Hai nhiệm vụ của 2 vị Tông đồ cả: Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin. Trên tảng đá Phê-rô, đức tin đã được xây dựng, Phao-lô thì làm sáng tỏ đức tin.  Vị Tông đồ dân ngoại đã hăng hái đem đức tin đi gieo trồng khắp nơi. Phê-rô củng cố đức tin, xây dựng nội bộ, Phao-lô lãnh sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

10/ Tính cách của Phê-rô: Tính Phê-rô nóng nảy, bộc trực, nhiều lúc ông khá liều lĩnh. Khi nói về Phê-rô, không ai quên được vết đen “chối Chúa”; nếu sau này có ai lên Thiên Đàng, xin đừng nhắc lại việc này khiến cho Thánh Phê-rô phải đỏ mặt, có người dùng những lời nhận định chua cay về Thánh Phê-rô. Nhưng nó cũng cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề, vì Phê-rô là thủ lãnh Nhóm 12 và nhất là trước đó ông đã được Chúa Yesus cảnh báo nên cái tội to đùng ấy không thể dấu vào đâu được.

11/ Những điểm sáng chói của Phê-rô: Mong rằng những điểm sáng này sẽ làm mờ đi vết đen to lớn kia. Phê-rô có lòng quảng đại khi được Chúa gọi, ông đã nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa. Phê-rô có đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai…”. Phê-rô có đức tính khiêm nhường rất đáng khâm phục ngay cả khi Chúa bảo Phê-rô là Satan thì ông cũng không giận Chúa. Tội ông chỉ vì sợ hãi, yếu đuối mà chối Thầy chứ trong lòng ông lúc nào cũng yêu Chúa. Không phải vì yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi ông, nhưng chính vì tình yêu chân thành mà Chúa đã chọn ông làm tảng đá.

12/ Những điểm tối và sáng của Phao-lô: Phao-lô là người Do Thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do Thái – Hy Lạp. Ông sùng đạo chính thống Do Thái theo môn phái thầy Gamlie-n, ông là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, ông tham gia vào vụ giết Stephano và ông đang trên đường đi Damas để bắt bớ các Ki-tô hữu. Khi được ơn trở lại, ông là một chứng nhân vĩ đại cho Chúa, ông là tông đồ dân ngoại. Ông nói: “Khi tôi biết Chúa Ki-tô thì những gì xưa kia tôi cho là có lợi; thì nay, vì đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi nếu so với mối lợi to lớn là được biết Đức Ki-tô và được kết hợp với Ngài. Như vậy nếu tôi được công chính thì sự công chính không do luật Moisen mang lại nhưng là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Yesus mang  lại) (Pl 3,7-9). Phao-lô đã hiên ngang vì mình được sống và được chết cho Đức Ki-tô. Ngài nói: “Khốn cho thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng,/// ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Ki-tô” (Rm 8,35-39).

13/ Điểm son của 2 Ngài: Hai vị Thánh đều có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát vọng nên Thánh, cả hai đều có lỗi lầm, yếu đuối, và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa chân tình. Chúa đã chọn 2 vị làm Tông đồ nhờ nhân danh và nhờ quyền năng của Chúa Ki-tô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

14/ Các phép lạ Thánh Phê-rô đã làm: Phê-rô với Yoan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ thường ngồi ăn xin ở cửa hẹp (Cv 3,7-9). Phê-rô làm cho người chết sống lại (Cv 9,40-42). Phê-rô chữa nhiều người đau ốm bệnh tật mà dân chúng khiêng ra rận đường phố để khi Phê-rô đi qua, ít ra là cái bóng của ông phủ lên trên một bệnh nhân nào đó và tất cả đều được chữa lành (Cv 5,15-16).

15/ Các phép lạ Phao-lô đã làm: Phao-lô chữa lành một người bị bại chân bẩm sinh (Cv 14,8-10). Phao-lô cũng làm cho một người chết sống lại (Cv 20,9-12).

16/ Chúa cứu thoát Phê-rô đang bị bắt giam trong ngục: Khi Phê-rô bị bắt giam, ông đã được Thiên Chúa cứu thoát khỏi tay vua Herode (Cv 12,1-11).

17/ Hoa trái cuối cùng của 2 Ngài: Cả hai cùng bị bắt và chịu tử đạo, cả hai đã vui lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa Ki-tô phục sinh. Cả hai đã nên trụ cột của giáo hội. Phê-rô là anh cả đứng đầu Tông đồ đoàn/// Phao-lô là Tông đồ dân ngoại, cả hai có nhiều điểm khác nhau nhưng cùng xây dựng nước Chúa. Họ khác nhau là để bổ túc cho nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Phê-rô là đá tảng, còn Phao-lô là trụ cột của Giáo hội Chúa Ki-tô được phát triển thiên thu vạn đại. Hai Ngài khác nhau trong điều phụ nhưng lại giống nhau trong điều chính, đó là khuôn vàng thước ngọc cho việc hiệp nhất trong Giáo hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết noi gương hai Thánh Tông Đồ Phero và Phaolo, can đảm tuyên xưng đức tin và hăng hái làm chứng cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.  ****

Bài chia sẻ của Lm Anthony Đinh Minh Tiên:

"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"

1/ Người môn đệ phải biết Thầy của mình là ai:

(1) Kiến thức về Đức Kitô: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ." Vua Herode đã từng nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết. Elijah là một tiên tri làm nhiều phép lạ như Chúa Giêsu; truyền thống tin ông sẽ trở lại trước thời Đấng Thiên Sai, vì ông chưa chết. Jeremiah là tiên tri rất khí khái dám nói và làm chứng cho sự thật, mà không lui bước trước bất cứ quyền lực nào của vua chúa. Tất cả các nhận định này chỉ nói lên một khía cạnh của Đức Kitô, nhưng chưa nói lên được căn tính của Ngài.

(2) Mối liên hệ của người môn đệ với Đức Kitô: Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với những gì các môn đệ biết về Ngài qua người khác; nhưng Ngài muốn các ông nghĩ sao về Ngài, nên Ngài hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô, đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu muốn nghe: Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã nói tới; đồng thời, Ngài cũng là Người Con Một của Thiên Chúa hằng sống. Chỉ khi nghe được lời tuyên xưng này từ miệng các môn đệ, Chúa Giêsu mới hoàn thành sứ mệnh mặc khải của Ngài.

2/ Hội Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là Phêrô: Đức Giêsu nói với ông Phêrô: "Này anh Simon, con ông Jonas, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ ràng điều này hơn: Không ai tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần soi sáng. Thánh Thần được gởi tới cho các tông-đồ là do sự can thiệp của Chúa Giêsu với Chúa Cha.

Nhận ra niềm tin xác thực của Phêrô, Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội khi Ngài nói với Phêrô: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đổi tên cho ai, Ngài tin tưởng và trao sứ vụ cho người ấy. Ví dụ, Abraham từ Abram, Phaolô từ Saul, và Phêrô từ Simon ... Chúa Giêsu muốn trao quyền điều khiển Giáo Hội vào tay Phêrô và các người kế vị ông. Tảng Đá đây không phải là con người yếu đuối của Phêrô với ba lần chối Thầy; nhưng là đức tin của ông vào Đức Kitô sau nhiều lần sa ngã và chịu gian khổ.

Đức tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông-đồ. Đức tin này được ví như "đá," có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều người chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời ... nhưng cũng chính vì điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được con người chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian, Giáo Hội sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.

Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho phép vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối nhân nơi tòa cáo giải.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng cố, bảo vệ, và phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau trong việc mở mang Nước Chúa.

- Để có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta không chỉ cần biết về Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài.

- Giáo Hội không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các tín hữu ở khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.

 

Thứ ba, 30/06/2015

Đề tài: THỬ THÁCH CHỈ VÌ YÊU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 8,23-27)

23 Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24 Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" 26 Đức Giê-su nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin! " Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. 27 Người ta ngạc nhiên và nói: "Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"

Bài chia sẻ của Yua Luca:

1/ Muốn có sự bình an thì trong lòng ta lúc nào cũng phải có Chúa, tâm hồn có Chúa hiện diện như mặt hồ nước đang lặng sóng.

2/ Khi biển động mạnh, sóng nước ập vào thuyền nên các Môn Đệ sợ hãi dù các Tông Đồ là những ngư phủ giàu kinh ngiệm, nhưng với sóng gió lớn cũng khiến các ông sợ hãi. Các ông quên rằng Chúa đang ở giữa các ông => Các ông sợ vì yếu lòng tin.

3/ Sau đó các ông nhận ra Chúa đang ở giữa các ông nên các ông đã cầu xin Chúa cứu giúp. Chúa Yesus đã ngăm đe gió và biển, khiến thiên nhiên phải lặng như tờ. Các ông vừa chứng kiến một phép lạ nhãn tiền khiến cho niềm tin của các ông thêm vững mạnh .

4/ Trong cuộc sống trần gian không thể thiếu những gian nan thử thách. Chúa cho bão tố xảy đến là để thức tỉnh chúng ta / Ngay cả trong giây phút đen tối nhất, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên ta cho dù lúc đó ta tưởng chừng như Chúa đang ngủ. Cũng như các Môn Đệ, chúng ta cũng hãy chạy đến với Ngài và thưa: Lạy Thầy xin cứu, kẻo chúng con chết mất”.

5/ Khi thuyền các Tông Đồ gặp sóng to gió lớn quá nguy hiểm khiến các ông sợ hãi, nhưng sợ hãi như vậy liệu có quá đáng không? Vì sao Chúa lại khiển trách họ? Như vậy có lý không ?

6/ Lý do Chúa khiển trách là gì? Chúa khiển trách là đúng, vì có Chúa đang ở trong thuyền mà họ lại còn sợ, có Chúa bên cạnh thì họ không có quyền sợ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ngài có toàn quyền trên trời dưới đất.

7/ Câu chuyện em bé trên chiếc tàu mà ba em cầm lái. Mọi người lo lắng chuẩn bị vì cơn bão đang ập đến, em vẫn tĩnh bơ chơi đùa, họ hỏi em: Vì sao ? Em bình tĩnh trả lời: Vì cha tôi đang cầm lái. Em bình tĩnh tin tưởng ở tài cầm lái của ba em.

8/ Phần chúng ta cũng vậy, chúng ta phải tin rằng Cha chúng ta đang ở trên Trời, Ngài là Thiên Chúa toàn năng, Ngài điều khiển hết mọi sự và có quyền trên mọi biến cố / như em bé ở trong câu chuyện trên đây, chúng ta phải tin tưởng ở Chúa vì 3 lý do:

9/ Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng, là chủ tể vạn vật, Ngài sắp đặt mọi sự, không có gì xảy ra ngoài Thánh ý của Ngài, không có gì xảy ra mà không do Chúa ban phép hoặc làm ngơ.

10/ Lý do thứ hai: Thiên Chúa tốt lành vô cùng, Chúa dựng nên mọi sự là có ý mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta / không có ai tin tưởng cầu cứu mà Chúa lại từ chối.

11/ Lý do thứ ba: Vì Chúa quyền phép, mọi sự nhờ Ngài mà có, rồi nhờ Ngài mà tồn tại. Thiên Chúa điều khiển mọi loài, Thiên Chúa cũng làm chủ thời gian, Ngài cầm quyền sinh tử, Ngài quyền phép như thế, lại đang ở bên chúng ta, chúng ta không phải lo sợ gì .

12/ Đứng trước mọi đe dọa, nguy hiểm, khốn khó, thử thách. Chúng ta phải chạy đến với Chúa, cầu xin Chúa, đừng bao giờ ngã lòng, chán nản, thất vọng. Vì Chúa đã hứa: Ai xin thì sẽ được. Chúng ta phải tin chắc như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vững tin, luôn trông cậy vào quyền phép và tình thương của Chúa, xin giúp con được ơn bền đỗ đến cùng. Amen.

Bài chia sẻ của Lm Anthony Đinh Minh Tiên:

"Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!"

 

1/ Hai phản ứng khi phải đương đầu với sóng gió:

(1) Phản ứng của Chúa Giêsu: Tin Mừng tường thuật: "Biển động mạnh đến độ sóng nước ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!" Tại sao Chúa Giêsu có thể ngủ được khi sóng biển động mạnh như thế? Thưa có hai lý do: Thứ nhất, Ngài không sợ hãi chi cả. Chỉ một người không biết sợ là gì mới có tâm hồn bình an như vậy; như chúng ta thường khôi hài chọc nhau: "Điếc không sợ súng!" Nếu một người không nghe thấy tiếng súng, người ấy sẽ không sợ súng đạn. Thứ hai, mọi quyền lực thế gian phải sợ Ngài. Khi các môn đệ hoảng hốt đánh thức Chúa dậy, "Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ."

(2) Phản ứng của các môn đệ: Có ngư phủ nào mà không sợ sóng gió, vì họ biết sóng gió chẳng những đe dọa, mà có thể lấy đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Truyền thống ngư phủ có thói quen cầu trời khấn Phật bắt đầu mùa tôm cá và trước khi ra khơi, để xin Trời Phật phù hộ cho qua khỏi những cơn sóng gió lúc nào cũng đe dọa. Nếu đã cầu xin, họ phải tin tưởng sự phù hộ của Trời Phật; nhưng phản ứng sợ hãi khi sóng gió xảy đến chứng tỏ họ không tin, hay đức tin của họ còn yếu kém như Chúa mắng các môn đệ hôm nay. Các môn đệ đã từng nhìn thấy Chúa Giêsu làm các phép lạ mà sức con người không thể làm nổi; vả lại, các ông đang có Chúa Giêsu quyền năng trong thuyền, thế mà các ông vẫn lo sợ sóng gió!

2/ Niềm tin cần thiết để con người chống chọi với sóng gió của cuộc đời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!" Đức tin có thể ví như kinh nghiệm mà một người sở hữu trong đời. Cả hai đều cần phải được thử thách. Người đã có kinh nghiệm hay từng trải không dễ sợ hãi như người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Cũng vậy, người đã có đức tin vững mạnh, sẽ không sợ hãi trước những đe dọa và bắt bớ của các quyền lực thế gian, ngay cả việc chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.

Khi con người không sợ hãi ngay cả cái chết, họ bắt đầu sống và sống tròn đầy. Khi con người không sợ hãi các quyền lực thế gian, thế gian phải sợ hãi họ. Chúng ta có thể thấy điều này nơi các môn đệ của Đức Kitô: Trước khi Ngài về trời, các môn đệ là những người nhát sợ khi phải đương đầu với quyền lực thế gian, nên các ông chạy trốn Chúa và Phêrô đã chối Ngài 3 lần; nhưng khi đã thấy Chúa sống lại từ cõi chết, các ông không còn sợ hãi chi cả. Tại sao vậy? Vì các ông biết rằng quyền lực thế gian có thể lấy đi sự sống thể lý, nhưng Đức Kitô sẽ cho các ông sống lại; và không một quyền lực thế gian nào có thể động tới linh hồn của các ông. Vì thế, sau khi được Thánh Thần tác động, các ông mở tung cửa để vào đời làm chứng cho Đức Kitô. Những người trong Thượng Hội Đồng phải ngạc nhiên, vì thấy các ông không còn sợ hãi họ nữa. Các ông tranh luận với họ cách công khai và họ không thể đối đầu với các ông. Thay vì thẳng tay đàn áp như trước, giờ đây họ sợ phải đàn áp các ông. Lý do không phải họ không còn quyền, nhưng vì họ sợ dân chúng ném đá họ khi dân chúng đã nhận ra sự giả hình của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta sống trên đời này là để lo làm sao đạt được đích điểm của cuộc đời; chứ không phải để kiếm tiền hay hưởng thụ. Vì thế, chúng ta phải có can đảm quyết định và tránh xa những nơi ngăn cản không cho cá nhân hay gia đình đạt tới đích.

- Chúng ta cần đào tạo để có một niềm tin vững mạnh nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, thì mới có thể đương đầu với những phong ba bão táp của cuộc đời. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ của ba thù và bị tiêu diệt với chúng. 

 

Thứ tư, 01/07/2015

Đề tài: LỢI HAY HẠI KHI GẶP ĐƯỢC CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 8,28-34)

28 Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy.29 Chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?"30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn.31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia."32 Người bảo: "Đi đi!" Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết.33 Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám.34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Ở Roma có một ngôi nhà mang tên “Nhà hồng ân” dùng để đón tiếp và giúp đỡ người nghèo. Ngôi nhà này được Đức Thánh Cha Paul II và Mẹ Thánh Terexa khánh thành vào năm 1988.

2/ Chúa Yesus đã cứu 2 con người bị quỷ ám cho dù họ không xin Ngài. Ngài giúp họ phục hồi phẩm giá để tái hòa nhập cộng đồng, hai người này tuy đang sống nhưng giống như đã chết và Chúa Yesus đã cứu họ.

3/ Dân làng Gadara đã chứng kiến một phép lạ. Tuy họ rất mừng vì nhìn thấy quyền năng của Ngài trên quỷ dữ, nhưng họ cũng đành xin Ngài ra đi, có lẽ họ sợ Chúa mà ở lại sẽ gây thêm thiệt hại vật chất cho họ.

4/ Họ đang coi trọng vật chất hơn sự sống của con người. Họ coi trọng 2000 con heo hơn là mạng sống của 2 con người bị quỷ ám, họ coi trọng vật chất nên sẽ đánh mất nhiều điều lớn lao mà cụ thể là sự sống đời đời.

5/ Trong cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta coi trọng lợi ích vật chất hơn mạng sống của những người chung quanh. Nhiều lần vì sợ thiệt hại nên chúng ta không dám đưa tay ra giúp đỡ những người chung quanh đang chịu đau khổ, nghèo khó, và như vậy chúng ta đánh mất cơ hội đón tiếp Chúa khi Ngài đang đến với chúng ta.

6/ Bài Tin Mừng kể lại câu chuyện: Cuộc đối đầu giữa Thiên Chúa và ma quỷ, giữa sự lành và sự dữ, như giữa màu trắng và màu đen.

7/ Thánh Yoan mô tả như là một cuộc chiến đấu quyền lực giữa Thiên Chúa và ma quỷ, giữa ánh sáng và bóng tối. Nơi nào đầy bóng tối sẽ không có ánh sáng, nơi nào mà ánh sáng ngự trị thì sẽ không còn bóng tối.

8/ Chúa Yesus là ánh sáng của Thiên Chúa đã đến trong thế gian để chiếu soi vào bóng tối. Để đánh tan quyền lực của sự dữ, Chúa đến thì quỷ phải ra đi.

9/ Mục đích của ma quỷ là con người. Sự hiện diện của chúng lôi kéo con người vào con đường tội lỗi, phản bội, kiêu căng giống như chúng, không có con người thì ma quỷ sẽ thất nghiệp. Vì thế bằng mọi cách chúng phải ở gần con người, chúng làm mọi cách để gây khó khăn, không cho con người đến với Thiên Chúa.

10/ Khi bị trục xuất ra khỏi 2 con người: Rõ ràng chúng đang thất nghiệp nên chỉ có 2 người mà chúng phải ẩn nấp vào đó tới 2000 con quỷ. Khi bị mất chỗ nấp nên chúng còn luyến tiếc nên tìm mọi cách để ở gần con người. Vì thế nên chúng xin phép được nhập vào bầy heo.

11/ Thế nhưng khi chúng đối diện với Chúa Ki-tô, là ánh sáng nên chẳng có bóng tối nào để chúng ẩn nấp để tồn tại nên chúng đành xin nhập vào đàn heo và cả đàn heo phải nhào và chết chìm xuống biển. Điều này có nghĩa rằng: ma quỷ bị đánh bại, và những gì dính líu tới ma quỷ cũng bị đánh bại luôn, cùng chung số phận.

12/ Cho dù quyền năng của Thiên Chúa có hoàn toàn chiến thắng thế lực của ma quỷ, thì Chúa cũng đành bó tay trước sự tự do của con người. Cả dân chúng vùng Gadara đến đón Chúa Yesus, nhưng không phải để trân trọng nhưng là để mời Chúa đi nơi khác.

13/ Con người nhẫn tâm từ chối Chúa vì con người quá quyến luyến của cải. Họ còn tiếc rẽ món mồi của quỷ dữ, họ sợ phải hy sinh thêm nữa, bởi vì khi Chúa Yesus ở đàng xa mà họ đã mất đàn heo; nếu Chúa ở gần họ, chắc họ mất tất cả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết khôn ngoan chọn lựa, nếu chọn Chúa thì đánh mất của cải, nếu con không chọn Chúa thì đời con sẽ khốn nạn biết chừng nào. Xin Chúa ban cho con chút ơn khôn ngoan. Amen.

Bài chia sẻ của Lm Anthony Đinh Minh Tiên:

Chúa Giêsu trục xuất quỉ thần ra khỏi hai người.

1/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực ma quỉ: Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền Gadara, có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?"

(1) Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, là không có sự hiện diện của ma quỉ và ngược lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa sẽ tiêu diệt chúng vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét. Thời gian trước ngày đó, chúng được quyền cám dỗ con người. Đó là lý do chúng nhắc khéo Chúa Giêsu là "chưa tới lúc" để Ngài tiêu diệt chúng.

(2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều người thắc mắc tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn heo và tại sao chúng lại lao xuống biển? Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn kế hoạch để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi!

2/ Sợ hãi mất lợi tức làm dân thành quyết định thiếu khôn ngoan: Trình thuật của Matthew không cho biết số lượng của bầy heo lao xuống biển; trình thuật của Marcô cho biết số lượng khoảng 2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc lý do tại sao Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo để gây thiệt hại cho dân làng như vậy. Chúng ta cần công bằng khi phán xét: Chúa Giêsu không phải là lý do chính gây ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ là nguyên nhân chính và chúng có uy quyền để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt hại là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi, để chúng có dịp tác hại dân làng.

Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng con người hành xử thiếu khôn ngoan và không theo thứ tự ưu tiên của cuộc đời:

(1) Mời Đức Kitô ra khỏi thành của họ: Mối liên hệ với Thiên Chúa phải là mối liên hệ được ưu tiên hàng đầu; thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa Giêsu ra khỏi làng của họ, để họ tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần. Chúng biết con người chỉ biết nhìn lợi lộc thấp hèn như chúng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc.

(2) Coi linh hồn và an sinh của con người thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa con người với con người phải được đặt trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân làng không vui vì hai con người được chữa lành và từ nay không gây thiệt hại cho dân làng nữa, nhưng buồn giận vì đàn heo bị thiệt hại!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người chỉ biết nhìn lợi lộc trước mắt, Thiên Chúa quan tâm đến tương lai. Chúng ta cần học cách đối xử công bằng của Thiên Chúa, để tránh thiệt hại cho tương lai.

- Con người luôn nhìn lợi lộc vật chất, Thiên Chúa quan tâm đến sự lành mạnh của linh hồn. Chúng ta cần học biết cách suy xét và hành động như Thiên Chúa.

 

Thứ năm, 02/07/2015

Đề tài: MỘT CÁCH CHỨNG TỎ QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 9,1-8)

1 Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" 3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng." 4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? 5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? 6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà!" 7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sẽ phục hồi nhanh chóng nếu người ấy có một lòng tin mạnh mẽ. Đây là phát hiện của tờ báo “sức khỏe cộng đồng” của Mỹ vào năm 1998.

2/ Những thân hữu và bạn bè của người bại liệt đã đặt trọn niềm tin vào Chúa Yesus, cho dù họ không nói một câu nào nhưng những hành vi của họ đã làm chứng cho tấm lòng của họ.

3/ Chúa Yesus đã cảm nhận được lòng tin của họ nên Chúa đã chữa lành cho người bại liệt, lại còn tha tội cho anh ta. Như vậy phép lạ hôm nay xảy ra là do đức tin của cộng đoàn.

4/ Đức tin là điều tối cần để con người đón nhận phúc lành từ Thiên Chúa. Chúa muốn hỏi chúng ta một câu: Chúng ta cần phải sống đức tin như thế nào để nhờ đức tin của ta, các bạn bè, thân hữu có cơ hội được gặp Chúa và được chữa lành.

5/ Tại sao Chúa Yesus lại nói với người bại liệt: “Tội con đã được tha”. Có phải vì anh này có tội nên mới bị bại liệt như vậy chăng?

6/ Điều này theo hậu quả chung thì đúng. Bệnh tật là hậu quả của tội nguyên tổ, tuy nhiên không phải lúc nào bệnh tật cũng là hậu quả của tội. Chính Chúa Yesus đã nói thế trong trường hợp Chúa chữa cho người mù từ thuở mới sinh, nghĩa là trong trường hợp cá nhân nên không nhất thiết người mắc bệnh tật lại là người tội lỗi.

7/ Ở đây Chúa Yesus không muốn cải chính tư tưởng hẹp hòi của người Do Thái, vì họ cho rằng bệnh tật là do hình phạt của tội, nhưng Chúa dựa vào tư tưởng này mà hành động.

8/ Trong trường hợp người bại liệt này, có lẽ có sự liên hệ giữa bệnh tật và tội lỗi của anh ta, cho nên trước khi chữa bệnh Chúa Yesus đã tuyên bố tha tội cho anh ta. Nguyên do là: người Do Thái cho rằng bệnh tật là do tội, nên nếu muốn được khỏi bệnh thì trước hết phải khỏi tội đã. Vì vậy khi Chúa tha tội cho người bại liệt là Chúa đã cất đi căn nguyên của bệnh tật, thì bệnh tật là hình phạt do tội cũng sẽ hết đi. Chúa Yesus hành động như vậy là hợp với cách nghĩ của người Do Thái, và khi người bệnh được khỏi bệnh thì cũng có nghĩa là Chúa có quyền tha tội, mà quyền tha tội chỉ có ở nơi Thiên Chúa, và Chúa cũng muốn cho họ hiểu rằng: Ngài chính là Thiên Chúa quyền năng, nên Ngài có quyền tha tội.

9/ Người Do Thái luôn suy nghĩ, luôn công nhận như thế nhưng họ lại mâu thuẫn khi cho rằng Chúa Yesus nói phạm thượng. Theo cách nghĩ của họ: Tội phạm đến Chúa, nên ngoài Chúa ra không ai có quyền tha tội. Họ suy luận thật đúng, vì nếu họ công nhận như thế thì họ lại phải công nhận Ngài là Thiên Chúa. Điều đó đối với họ là điều không thể.

10/ Vì vậy, để minh chứng Ngài là Thiên Chúa và có quyền tha tội nên Chúa Yesus đã chữa lành cho người bại liệt. Như vậy Chúa đã dùng việc làm mà trả lời cho họ biết: Ngài đã chữa được cho người bại liệt, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, và nếu Ngài là Thiên Chúa thì Ngài có quyền tha tội.

11/ Bài Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một bằng chứng rõ ràng: Chúa Yesus là Thiên Chúa, điều này đối với chúng ta là dĩ nhiên rồi, nhưng chúng ta cần ghi nhớ một điều: Khi có ai trong gia đình đau ốm, chúng ta cần lo liệu phần hồn cho người ấy trước, đừng để chậm trễ, kẻo lại không kịp, hoặc sẽ trở ngại cách này hay cách khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho con một con mắt đức tin để con có thể thấy những điều kỳ diệu Chúa làm trên trần gian này. Amen.

Bài chia sẻ của LM Anthony Đinh Minh Tiên:

Chúa Giêsu có quyền tha tội và quyền chữa lành (Mk 2:1-12; Lk 5:17-26).

1/ Các kinh-sư chất vấn quyền tha tội của Chúa Giêsu: Người ta khiêng đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!"

(1) Phản ứng của các kinh-sư: Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng!" Truyền thống Do-thái tin: Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội.

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi!" hai là bảo: "Đứng dậy mà đi!" điều nào dễ hơn?

Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo: "Con đã được tha tội rồi!" vì chẳng ai có thể xác quyết quyền này. Điều khó hơn là truyền cho bệnh nhân: "Đứng dậy mà đi!" vì ai ai cũng có thể chứng nhận người truyền có thể làm việc ấy hay không. Để chứng minh cho họ biết Ngài có cả hai quyền, Chúa Giêsu truyền cho người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà!" Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.

2/ Quyền tha tội liên quan đến việc chữa lành:

(1) Chúa Giêsu có quyền tha tội: Bệnh tật là hậu quả của tội; nếu chữa lành bệnh tật là cũng lấy đi tội lỗi, nguyên nhân của bệnh. Chúa Giêsu dùng việc chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội.

(2) Chúa Giêsu là Thiên Chúa: Ngoài ra, như mấy kinh sư tin tưởng: Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội; mà Chúa Giêsu có quyền tha tội; cho nên Ngài phải là Thiên Chúa. Như thế, lời kết tội Chúa Giêsu của các kinh sư "Ông này nói phạm thượng!" là sai.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải vâng lời những gì Thiên Chúa truyền và sự quan phòng của Ngài, cho dù chúng ta không hiểu tại sao xảy ra như vậy. Ngài sẽ soi sáng hay mặc khải cho chúng ta hiểu sau.

- Để hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta cần khiêm nhường nhận giời hạn hiểu biết của con người, và cầu xin sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

Thứ sáu, 03/07/2015

Đề tài: NIỀM TIN VÀ BẰNG CHỨNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 20,24-29)

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " 29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Ngày 22/2/1931, Chúa Yesus đã truyền cho chị nữ tu Faustina Kowalska người Ba Lan thông điệp “Lòng Chúa thương xót”.

2/ Chúa Ki-tô phục sinh là một biến cố vĩ đại, vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì thế ông Toma đòi phải có chứng cứ về mặt thể lý do ông tự mình kiểm nghiệm thì ông mới tin, điều này khiến cho nhiều người cho rằng ông là kẻ chậm tin.

3/ Vì tình xót thương, Chúa Yesus lại đích thân hiện ra để củng cố đức tin cho ông Toma, sau đó ông liền tuyên xưng niềm tin vào Chúa phục sinh rằng: “Chúa Yesus là Thiên Chúa”.

4/ Trong đời sống đạo, chúng ta cũng không thiếu những giây phút nghi nan do niềm tin bị chao dảo. Chúa luôn xót thương chúng ta nên thường dùng cách này hay cách khác giúp chúng ta nhận ra dấu chứng của tình yêu của Ngài, nhờ đó chúng ta sẽ tin tưởng vào Chúa hơn.

5/ Thủ đô Yerusalem đã trở lại cuộc sống bình thường. Những người khách hành hương trong dịp lễ vượt qua cũng đang trên đường trở về nhà, họ mang theo một câu chuyện lạ đang được khắp nơi đồn thổi: Một người quê ở Nazaret đã từ cõi chết sống lại.

6/ Về phần các Môn Đệ của Chúa Yesus đang ở lại Yerusalem, họ đã được biến đổi. Thời gian hiệu quả của ơn cứu độ đang bắt đầu từ các ông, nhưng không phải tất cả các Môn Đệ đều vui mừng,mà còn có một con người trong tuần lễ vừa qua đã giữ một thái độ rất dè dặt về sự kiện này.

7/ Đang lúc các Môn Đệ khác hân hoan vui mừng vì biến cố phục sinh, chỉ có một môn đồ giữ thái độ đa nghi. Ông tên là Toma, tên của người môn đồ này đã gây ấn tượng rất sâu sắc nơi các người tín hữu xưa và nay ở mọi thời đại.

8/ Xét về khía cạnh đức tin, Toma có niềm tin sâu xa, ông là người đã đem Tin Mừng từ Palestina đến tận miền xa xôi Ấn Độ, để rồi cuối cùng Ngài chết tử đạo tại đây, nhưng xét về mặt khác thì Toma là người dám cả gan nghi ngờ Đức Ki-tô phục sinh.

9/ Chúng ta biết Toma như một trong số 12 Tông đồ được Chúa Yesus tuyển chọn, Ngài có một chút bi quan và khá dè dặt. Toma chỉ đứng nghiêm túc trong hậu trường, phải chờ tới cuối tuần lễ phục sinh thì đột nhiên Toma bước vào sân khấu tham gia tấn tuồng phúc âm.

10/ Chính trong buổi Chúa phục sinh, lúc Chúa Yesus hiện ra với các Tông Đồ, thì Toma đang trốn trên lầu tại Yerusalem vì các ông đang sợ chính quyền vừa đóng đinh Thầy mình trước đó 48 giờ. Toma đang sợ bị vạ lây, trong khi các Môn Đệ khác thì đang tràn ngập hân hoan.

11/ Từ câu chuyện Toma, giúp ta nhìn ra 2 khía cạnh của con người ông. Thứ nhất: ông từ chối tin vì ông không được thấy gì hết, ông không muốn tin sự việc thật quan trọng nhưng lại do những người khác kể lại, những người hay kể chuyện nhảm nhí, ông cũng không tin cả những người bạn thân thiết như Phê-rô, Giacobe, Mattheo, Maria Madala, ông không tin những kinh nghiệm của người khác kể lại, ông đã tự mình rời xa cộng đoàn.

12/ Khía cạnh thứ hai của Toma: Vào cuối câu chuyện, chúng ta thấy rõ khía cạnh thứ hai của con người đa nghi, Toma đã tuyên xưng đức tin của mình trước Đức Ki-tô phục sinh và tuyên xưng này thật là độc nhất vô nhị trong Tân Ước, vì nó vượt qua tất cả mọi lời tuyên xưng khác.

13/ Lời tuyên xưng của Toma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Yn 20,28), đây là một lời tuyên xưng trung tâm, là trái tim của Ki-tô giáo, lời tuyên xưng này nói lên thiên tính của Chúa Ki-tô.

14/ Chúng ta thử tìm hiểu hai nghịch lý giữa niềm tin Phê-rô và ông Toma: Phê-rô là thủ lãnh các Môn Đệ, nhưng ông đã mắc kẹt một lỗi lầm nặng nề vào trước ngày Chúa Yesus chịu chết. Ông đã phản bội, chối bỏ thầy mình. Trong con người Phê-rô, chúng con nhận ra một con người yếu đuối tội lỗi, đầy lỗi lầm, ông rất cố gắng, nhưng đã thất bại, ông lại tiếp tục cố gắng, ông bất chấp tất cả. Sau cùng ông đã trở nên đại thánh.

15/ Nhìn lại con người của Toma: Chúng ta thấy ông là con người đa nghi, nhưng cuối cùng khi ông quyết định tin, ông đã có một sự xác tín dựa trên lý trí cá nhân chứ không dựa trên tâm lý của đám đông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra sức mạnh và sự yếu đuối mà con đang mang trong trái tim con, xin Chúa giúp con biết sử dụng cả hai để làm cho Chúa được mỗi ngày thêm vinh danh hơn. Amen.

Bài chia sẻ của Lm Anthony Đinh Minh Tiên:

Phúc thay những người không thấy mà tin!

1/ Đức tin dựa trên kinh nghiệm: Có những người chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe, và tay sờ mó được. Thomas là một trong những người này. Vì ông không có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông-đồ lần thứ nhất, nên họ nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

2/ Đức tin dựa trên các điều khác: Ngoài đức tin dựa trên kinh nghiệm giác quan như Thomas đòi hỏi, chúng ta còn ít nhất 3 cách khác để tin một điều là sự thật:

(1) Thế giá của người nói: Đây là cách mà chúng ta vẫn áp dụng hằng ngày: con cái tin cha mẹ, học sinh tin thầy cô, nhân viên tin chủ mình ... Chúng ta tin vì chúng ta nghĩ những người này không thể đánh lừa chúng ta. Tòa án các cấp cũng thường áp dụng điều này khi đòi phải có hai hoặc ba nhân chứng để xác định một điều xảy ra là sự thật. Chúa Giêsu trách Thomas cứng lòng tin, vì đã không tin lời của 10 nhân chứng là các tông-đồ.

(2) Hậu quả xảy ra: Nguyên lý nhân quả là nguyên lý mà chúng ta vẫn thường dùng trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, khi chúng ta thấy khói bốc lên, chúng ta biết ngay có lửa đang cháy. Tuy chúng ta không thấy điện chạy, nhưng chúng ta không dám rờ vào ổ điện, vì chúng ta sợ điện giật. Cũng vậy, tuy chúng ta không thấy Thiên Chúa; nhưng nhìn mọi sự vật do tay Chúa sáng tạo, chúng ta tin có Thiên Chúa.

(3) Ghi chép lịch sử: Khi học lịch sử, chúng ta tin những người ghi chép lại những biến cố lịch sử đã xảy ra. Nếu có nghi ngờ, chúng ta có thể đối chiếu các nguồn lịch sử khác nhau, và dùng trí phán đoán để xác định sự trung thực của các biến cố. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cũng dựa trên lịch sử để xác định sự trung thực của các biến cố xảy ra. Chẳng hạn, chúng ta thường gặp những câu trong Tân Ước như: "để ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã nói," hay "để làm tròn lời Kinh Thánh đã chép" ...

3/ Ông Thomas tuyên xưng đức tin: Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Đức tin dựa trên kinh nghiệm là cách thấp nhất để một người tin, Chúa Giêsu khiển trách Thomas vì đã không chịu dùng các cách khác nữa. Thánh Thomas, tuy cứng lòng tin; nhưng một khi đã xác tín niềm tin vào Đức Kitô, ông không bao giờ lui gót nữa. Ông không chỉ tuyên xưng Đức Kitô là Thầy, mà còn là Thiên Chúa của ông.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta là những viên đá sống động trong Đền Thờ của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là lo sao cho Đền Thờ này luôn sống động và tăng trưởng mỗi ngày.

- Đức tin của chúng ta không chỉ dựa trên kinh nghiệm của giác quan; nhưng còn dựa trên Kinh Thánh, lịch sử, hậu quả, và những lời làm chứng của bao nhiêu chứng nhân trong lịch sử.

 

Thứ bảy, 04/07/2015

Đề tài: ĐỔI MỚI TÂM HỒN, ĐỔI MỚI CÁCH SỐNG, ĐỔI MỚI GIÁO HỘI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 9,14-17)

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" 15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai."

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Sau sáu tháng trị vì, Đức Thánh Cha Phanxico đang nghĩ cách để đổi mới Giáo Hội. Ngài đã có cuộc họp lịch sử với 8 vị Hồng Y cố vấn, chiếc áo của Mẹ Giáo Hội đã cũ, đã sờn, đã vá nhiều chỗ, đã bạc màu, đã vấy bẩn. Xin hãy may một chiếc áo mới, xin Chúa ban cho Mẹ Giáo Hội một chiếc áo mới.

2/ Hôm nay Chúa dạy con một dụ ngôn áo cũ, vải mới/ Rượu mới ,bầu da cũ. Áo cũ mà miếng vá mới thì không thích hợp, rượu mới mà đổ vào bầu da cũ cũng không thích hợp , vì lợi bất cập hại.

3/ Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy các Môn đệ của ông Yoan, các Môn đệ của Chúa, cũng như tất cả chúng con hôm nay : Đây là bài học Chúa muốn chúng con hiểu được những việc Chúa làm và giá trị tuyệt đối của Tin Mừng. Chúa muốn chúng con có một tư tưởng mới, một cách nhìn mới để hiểu được những điều Chúa muốn dạy và những việc chúng con cần phải làm cho phù hợp với thời đại chúng con đang sống hôm nay.

4/ Chúa không muốn chúng con cứ dùng những tư tưởng lỗi thời của Cựu Ước ,cũng như áp dụng những tư tưởng hẹp hòi, cá nhân ích kỷ của tiền nhân, để rồi cứ sống sai lệch với những giáo huấn mới mẻ của Đức Ki-tô.

5/ Theo luật Do Thái thời Chúa Yesus, việc ăn chay phải được tuân giữ cẩn thận, giữ chay là điều kiện không thể thiếu đối với những tâm hồn đạo đức.

6/ Bài Tin Mừng không nói rõ đây là thời điểm nào mà các Môn đệ Yoan Tẩy Giả và các người Phariseu ăn chay , nhưng các Môn đệ của Chúa Yesus thì không. Bọn biệt phái đã chợp lấy cơ hội này để công kích Chúa Yesus.

7/ Chúa Yesus không trả lời trực tiếp về việc giữ chay, nhưng Chúa lại lái câu chuyện sang một đề tài tổng quát hơn. Ở đây Chúa đã dùng lối ẩn dụ: “Tân lang” ám chỉ Chúa Yesus, “đám cưới” là ơn cứu độ; hai câu sau: “vải mới, rượu mới” là lề luật mới do Chúa đem đến, “áo cũ, bình cũ” là lề luật cũ trong Cựu Ước mà người Do Thái chỉ muốn nắm giữ theo mặt chữ mà không có chút tâm tình nào.

8/ Chúa Yesus muốn gián tiếp trả lời họ: Tại sao Ngài và các Môn Đệ không giữ chay, bởi vì Ngài là Đấng Kyto / Nếu đang có sự hiện diện của Đức Ki-tô,  là nguồn ơn cứu độ, là nguồn hạnh phúc mênh mông, là niềm vui tràn ngập thì cớ gì mà họ phải ăn chay, khóc lóc, thảm sầu làm gì ?

9/ Hãy đợi đến khi không còn sự hiện diện của Ngài nữa, lúc đó hãy than khóc cũng không muộn. Đây cũng chính là lời tiên báo về con đường Thập Giá của Ngài, đây cũng là lời công bố sớm nhất về cuộc tử nạn mà các sách Tin Mừng khác chưa nói đến.

10/ Sẵn đây Chúa cũng khai mạc một luật mới, một hiến chương nước Trời mới. Luật này đòi hỏi mọi con người, cụ thể là những người tin Chúa phải thay đổi hoàn toàn đời sống, phải lột xác .

11/ Chúa dùng một kiểu Dụ Ngôn gợi hình, tức là Chúa muốn quyết liệt khẳng định: Đây là lúc phải sống theo luật mới của Tân Ước.

12/ Chúa Yesus đã đưa ra một số chứng từ cụ thể trong Tin Mừng để thấy bản chất về luật mới của Chúa Yesus: Thương yêu là căn bản của các mối tương giao của con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải từ trong thâm tâm, không được sống kiểu trình diễn, khoe khoang các việc đạo đức. Chúa chỉ cần thành ý, thành tâm, làm nhiều hơn nói, không câu nệ, máy móc, nhưng phải biết uyển chuyển theo tiêu chuẩn bác ái.

13/ Thời đại hôm nay con người phải thờ Chúa trong tinh thần và chân lý, chứ không cần những thứ bề ngoài, phụ thuộc, rườm rà. Sống với nhau bằng yêu thương chứ không phải là hận thù, ghen ghét, ích kỷ, loại trừ/ Con người mới là phải yêu thương nhau và thích nghi trong mọi hoàn cảnh.

Cầu nguyện :Lạy Chúa ,xin giúp con chỉ nghĩ ,chỉ nói ,chỉ hành động theo những gì Chúa dạy trong Tân ước : đó là yêu Chúa thì phải thương anh em /để chúng con không câu nệ trong cách tuân giữ lề luật ,hầu sống xứng đáng là môn đệ của Chúa Kyto ,amen /

Bài chia sẻ của Lm Anthony Đinh Minh Tiên:

Phải khôn ngoan để nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa.

1/ Ăn chay có mục đích: Khi con người làm bất cứ việc gì, là cho một mục đích; chứ không làm theo hứng, cũng không theo thời, hay thấy người ta làm mình cũng làm. Các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"

Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay." Câu trả lời của Chúa Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ của Gioan biết: một trong những mục đích của việc ăn chay là để một người sống mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Nếu một người đang sống mối liên hệ đó như các môn đệ đang có Chúa Giêsu, các môn đệ chưa cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời xa họ.

2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải và đạo lý mới: Nếu con người muốn tiến bộ, họ phải có một tinh thần hay thái độ cầu tiến; nếu không có tinh thần này, họ sẽ giữ chặt những gì họ đã có hay đã biết. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để khán giả suy xét:

(1) Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ: "vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm." Vải mới có độ co dãn mạnh hơn áo cũ, vì chưa được giặt giũ nhiều. Nếu một người vá vải mới vào áo cũ, nó sẽ co lại và làm cho chỗ rách càng tệ hơn.

(2) Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ: "vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai." Một ví dụ tân thời hiện đại giúp chúng ta dễ hiểu hơn: Các softwares mới ra phải được dùng trong các máy vi tính mới, vì chúng đòi nhiều chỗ để chứa các dữ kiện và một vận tốc nhanh hơn, mà các máy vi tính cũ không thể đáp ứng nổi. Nếu một người ngoan cố cứ dùng các softwares mới này trong máy vi tính cũ của mình, mà không chịu update, họ sẽ chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Trong lãnh vực tri thức cũng thế, để có thể hiểu truyền thống của một nước, người nghiên cứu phải đặt mình trong hoàn cảnh và lối suy tư của dân địa phương; nếu không, họ sẽ không bao giờ hiểu được truyền thống của dân địa phương, và dễ đi tới những phê phán sai lầm. Cũng vậy, để tiếp nhận đạo lý của Chúa Giêsu, người nghe phải có một thái độ cởi mở, họ mới có thể tiếp nhận những mặc khải mới của Chúa Giêsu. Nếu họ cho Lề Luật đã hoàn hảo như các kinh-sư, họ sẽ không muốn tiếp nhận đạo lý của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng mọi sự cách khôn ngoan trong vũ trụ này. Chúng ta phải biết nhận ra và xử dụng cách khôn ngoan để đạt tới ơn cứu độ.

- Để nhận ra sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta cần có một tinh thần cởi mở, để học hỏi và tiếp thu những khôn ngoan mà Thiên Chúa vẫn không ngừng tiết lộ cho con người.


Trở lại      In      Số lần xem: 1674
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1047
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349537
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top