Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần XXII Thường Niên B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XXII  Thường Niên B (31/08 -> 05/09/2015)

Thứ hai, 31/08/2015

Đề tài: SỐNG THEO TIẾNG GỌI CỦA CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 4,16-30)

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. 23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! "24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM:

1/ Một tu sĩ sống theo tiếng gọi của Chúa, tức là tuân giữ Luật Dòng, với lòng yêu mến và chu toàn mọi bổn phận bề trên giao. Đó chính là cộng tác với Chúa, là sống theo tiếng gọi của Chúa, để cho thánh ý Chúa được nên trọn.

2/ Nhìn theo lẽ thường tình: Cuộc đời Chúa Giêsu chẳng thực hiện được điều gì lớn lao ngoài một số phép lạ Ngài đã làm khi đi đây đó để rao giảng, để rồi cuối đời Ngài đã bị giết chết trên Thập Giá.

3/ Chúa Giêsu chẳng làm cách mạng, cũng chẳng khởi nghĩa. Thế nhưng mọi lời nói, mọi hành động của Chúa đều có giá trị cao cả và mang lại lợi ích cho ơn cứu độ. Vì sao?

4/ Vì Ngài làm tất cả mọi việc trong sự tuân phục và yên mến Thiên Chúa, qua sự thúc đẩy của Thần khí.

5/ Người đời vẫn thường nói (nhất là những người phải xa quê hương): Không nơi đâu đẹp bằng quê hương, quê hương là chùm khế ngọt, ta về ta tắm ao ta... Khi đề cập đến vấn đề này, người ta muốn chứng minh rằng, ai cũng yêu mến quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, đây là tình cảm đối với quê hương.

6/ Nhưng tình cảm của con người nơi quê hương dành cho nhau thì lại khác => Đây quả là một chân lý bất hủ: “Không một Ngôn Sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm ngàn đời: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý này tại chính quê hương Nazaret của Ngài.

7/ Chúa Giêsu trở lại quê hương sau ba năm đi giảng dạy ở nhiều nơi. Điều đầu tiên khi vào hội đường là Ngài đọc một đoạn Sách Thánh trước khi giảng dạy. Tin Mừng chỉ ghi lại một câu nói của Chúa Giêsu, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để mọi người biết Chúa muốn giảng dạy điều gì!

8/ Với chỉ một câu nói, Chúa Giêsu muốn tự giới thiệu Ngài là ai? Là người được Thiên Chúa sai đến, là con Thiên Chúa, là Đấng mà mọi người đang trông đợi.

9/ Chúa Giêsu tự cho mình hơn cả Elia, Elisa. Khi nghe Chúa nói vậy thì dân làng hết sức bực tức, nổi giận kéo Chúa ra khỏi hội đường, dự định đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực cho chết đi, nhưng vì giờ chưa đến nên họ không thể làm gì được.

10/ Dân làng Nazaret không công nhận Chúa vì bản thân và kế hoạch của Ngài không phù hợp với quan niệm và tham vọng của họ. Họ khước từ Chúa một cách hấp tấp và hồ đồ chỉ vì họ có thành kiến xấu với Chúa.

11/ Thái độ của họ nhắc chúng ta kiểm điểm lại cách chúng ta phán đoán và đánh giá người khác. Phải chăng chúng ta có nhiều lần đánh giá và phán đoán sai lệch, vội vàng, hấp tấp, hồ đồ hoặc không trung thực vì thành kiến, vì tự ái, vì ganh tỵ, có khi vì muốn bôi bác, dèm pha ai đó .

12/ Chúng ta nên nhớ: Xét đoán hồ đồ thì khó mà chơi được với ai và cũng không ai dám chơi với họ. Họ bị mất niềm tin nơi mọi người khiến cho mọi người dễ dàng xa lánh họ.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, biết kiểm điểm và sửa chữa những tật xấu của mình trước khi  muốn xét đoán người khác, để mối tương giao với mọi người ngày càng tốt đẹp hơn. Amen.  ****

 

Thứ ba, 01/09/2015

Đề tài: UY TÍN ĐI ĐÔI VỚI UY QUYỀN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 4,31-37)

31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:34 "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! "37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

SUY NIỆM:

1/ Một Tu Sĩ vừa được bầu làm bề trên, ông đến hỏi vị Linh Hướng của mình: “Thưa Cha, làm sao để trở thành một bề trên có uy tín? Vị Linh Mục già đáp: “--Lời nói phải đi đôi với hành động”.

2/ Phúc Âm hôm nay cho thấy người Do Thái thán phục Đức Giêsu, vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền ở đây không phải là thứ có thể dùng tiền bạc hay sức mạnh thống trị để đạt được; hay theo kiểu áp đặt của kẻ thống trị với người bị cai trị.

3/ Uy quyền của Chúa Giêsu xuất phát từ sự thống nhất giữa lời nói và việc làm của Chúa. Khi Người ra lệnh cho tên quỷ câm phải xuất ra thì nó liền xuất ra; hoặc khi Chúa dạy “tha thứ” thì chính Chúa đã tha thứ cho những kẻ giết chết Người. Đây chính là sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và những vị lãnh đạo thời đó.

4/ Khi Chúa Giêsu rời bỏ Nazaret, Ngài đến Capharna-um, một thành phố nằm sát biển hồ Galile. Nơi đây có đông dân chúng sống bằng nghề chài lưới và buôn bán. Thành phố này được Chúa Giêsu chọn làm trung tâm hoạt động cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Ngài.

5/ Như thông lệ, mỗi khi tới đâu Ngài thường vào hội đường để giảng dạy. Lần này có 2 sự kiện đáng ghi nhớ: Dân chúng thán phục về giáo lý của Chúa, vì Chúa giảng dạy như một đấng có uy quyền; thứ hai Chúa trừ quỷ ô uế cho một người.

6/ Chúng ta thử tìm hiểu: Vì sao dân chúng nghe và bỡ ngỡ? Trước hết, khi dân chúng nghe Chúa giảng, họ thán phục, bỡ ngỡ vì cách Chúa giảng rất mới mẻ, Chúa không dài dòng giải thích Kinh Thánh như các Kinh Sư thường làm, nhưng Chúa đặt lời giảng của mình vào tầm hiểu biết của dân chúng. Cũng có nghĩa là lời giảng của Chúa thật đơn sơ, dễ hiểu, nhưng sâu sắc.

7/ Lời giảng của Chúa khiến mọi người thán phục vì Chúa luôn tìm cách thích ứng lời giảng của Chúa với tình trạng và thái độ của người nghe. Chúa dùng những sự kiện cụ thể nhất để cắt nghĩa về những chân lý cao siêu, mới lạ, khó tin. Chúa luôn lấy những câu chuyện quen thuộc ở đời thường để dẫn dắt trí khôn mọi người => Đó là cách Chúa giảng dạy bằng Dụ Ngôn.

8/ Cuối bài giảng, Chúa thường đúc kết lại thành một câu ngắn gọn, dễ nhớ. Chúng ta thường thấy nhiều câu kết luận thật giản dị nhưng sâu sắc, khác xa với những điều trừu tượng trong các sách giáo lý cũ.

9/ Đây là những ví dụ thật cụ thể: Ai xin thì sẽ được; ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống; tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ; lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; kẻ được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít.

10/ Những lời giải thích trên đây cho thấy: Cách Chúa giảng và nội dung lời giảng của Chúa khiến cho dân chúng thích thú, bỡ ngỡ, thán phục. Nhưng rất tiếc họ chỉ có chút tình cảm hời hợt bên ngoài, Lời Chúa không thể thấm sâu vào trong tâm hồn họ nên chẳng sinh ra lợi ích gì.

11/ Đây cũng là điều Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta. Chúng ta đừng chỉ hiểu, chỉ biết và chỉ yêu mến Lời Chúa thôi; mà còn phải đem Lời Chúa ra sống, ra thực hành thì Lời Chúa mới có thể sinh hoa kết trái.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con bắt chước cách Chúa nói, Chúa làm, Chúa sống. Bởi vì chúng con chỉ thường đòi người khác phải làm, còn chính chúng con thì không. Xin cho chúng con biết sống chân thật như Chúa. Amen. ****

 

Thứ tư, 02/09/2015

Đề tài: CHÚA GIÊSU RỜI GALILÊ ĐI YUĐÊ-A

(NGƯỜI TÔNG ĐỒ KHÔNG ĐI TÌM SỰ BÌNH AN , VỪA Ý) 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 4,38-44)

38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa! " Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. 42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

SUY NIỆM:

1/ Một ông cụ bị liệt đã lâu, Cha Xứ đến thăm và mời gọi nhiều người đến an ủi, giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ đến thăm khám, mỗi Chúa Nhật có một em thiếu nhi đến đọc truyện thánh, hằng tuần có vài người trong các hội đoàn đến viếng thăm, giúp đỡ. Thời gian sau ông xin theo đạo và tâm sự lại rằng: Trước đây tôi không tin Chúa nhưng từ ngày cho Cha Xứ và nhiều người đến thăm, tôi đã cảm thấy như gặp được Chúa; và tôi tin chính Chúa đã gửi mọi người đến thăm viếng, giúp đỡ tôi!

2/ Những người đến thăm viếng, an ủi, giúp đỡ ông cụ bại liệt nói lên hình ảnh mà bài Tin Mừng hôm nay diễn tả. Chúa đến giúp đỡ mọi người, kể cả người ngoại giáo, để rao giảng Lời Chúa và đem tình thương đến cho mọi người.

3/ Còn chúng ta đi theo Chúa đã lâu, chúng ta đã làm được gì? Đã mấy lần chúng ta đem lời Chúa đến cho người khác, chúng ta có bước theo Chúa không, hay lười biếng chỉ muốn thu vén cho mình, chỉ muốn vinh thân phì gia, mặc kệ ai sống chết ra sao.

4/ Trong thế giới hôm nay, bên cạnh những người giàu mạnh khỏe, còn có rất nhiều người nghèo, đói khổ, bệnh tật. Sở dĩ có hạng người thứ hai này là để cho Thiên Chúa được vinh danh. Vinh danh ở chỗ, nếu chúng ta được may mắn hơn thì chúng ta sẽ để mắt đến những con người kém may mắn hơn, chúng ta có thể đem những của cải Chúa ban mà san sẻ cho họ, để họ cũng nhận ra rằng chúng ta là đồ đệ của Chúa, đang thi hành lệnh truyền là đem tình thương và sự chia sẻ đến cho họ.

5/ Trong đoạn Tin Mừng, Chúa đã làm gương cho chúng ta khi chữa lành cho tất cả mọi người, dù là bệnh tật hay là bị quỷ ám. Tất cả những hành động này nói lên lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa.

6/ Nói rõ hơn: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đến trần gian để giải cứu con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn, phần xác. Chúa luôn cảm thông với những nổi khổ đau mà kiếp con người thường gặp phải.

7/ Chúa nhân từ đầy lòng thương yêu, luôn nhắc nhở chúng ta: Đừng phàn nàn kêu trách Chúa, hoặc nguyền rủa những đau khổ bệnh tật mà chúng ta đang chịu. Bởi vì Chúa cũng chẳng ưa gì bệnh tật, đau khổ, vì chính Chúa cũng sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu, và đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Ngài .

8/ Chúng ta hãy cứ trình bày với Chúa những khổ đau chúng ta đang chịu. Xin Chúa cứu giúp, nhưng mặt khác chúng ta hãy xin vâng theo thánh ý Chúa.

9/ Đối với tha nhân thì khác hơn: Chúa đã làm gương khi không xa lánh họ, không thờ ơ, không hất hủi; mà Chúa luôn ủi an, thăm viếng họ. Đây chính là niềm an ủi lớn lao cho người bệnh tật.

10/ Chúng ta hãy suy bụng ta ra bụng người: Khi chúng ta đau yếu hay gặp chuyện buồn phiền, chúng ta rất muốn có người an ủi, động viên, khích lệ; vậy thì chúng ta hãy cư xử với người khác y như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng mến Chúa, thực thi lời Chúa dạy qua việc sống bác ái với anh em con, xin giúp chúng con sống như Chúa đã sống. Amen.**** 

 

Thứ năm, 03/09/2015

Đề tài: KẾT QUẢ TỪ VIỆC LÀM THEO Ý CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 5,1-11)

1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. 4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." 5 Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. 8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." 11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

SUY NIỆM:

1/ Những người thợ là những người làm việc thủ công khéo tay. Trời sinh ra mỗi người giỏi ở một lĩnh vực, ông chủ nào  khôn khéo biết sử dụng người khác theo đúng chuyên muôn của họ, thì công việc mới mang lại nhiều kết quả.

2/ Cha ông chúng ta cũng thường dạy rằng, đừng “múa rìu qua mắt thợ”. Rìu dùng cho những người tiều phu hoặc những người đẽo cột (ngày xưa), có nghĩa là đừng dùng số vốn hiểu biết ít ỏi của mình để qua mặt những người có chuyên môn cao .

3/ Chúa Giêsu là một thợ mộc chứ không phải là một ngư phủ. Chúa là thợ mộc mà lại đi dạy khôn một ngư phủ khi bảo :“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” / không ai lại thả lưới vào ban ngày. Chúng ta biết rằng: thả lưới phải vào ban đêm và phải thả xa bờ một chút, càng xa càng tốt, vì gần bờ thì làm gì có nhiều cá. Riêng Phê-rô đã vất vả cả đêm mà không được gì.

4/ Thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo ông: “Hãy đi thả lưới”. Có phải là Chúa Giêsu không biết tự lượng sức mình? Không phải thế, vì Chúa là Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi điều dễ như trở bàn tay, chính vì thế Chúa đã truyền cho Phê-rô hãy thả lưới. Kết quả là ông đã thu được một mẻ cá lạ, điều này giúp ông gia tăng niềm tin.

5/ Một mẻ lưới giúp bắt đầy thuyền cá. Điều này đáng lý ra phải làm cho ông Phê-rô sung sướng reo hò, nhưng sao ông lại sụp lạy và nài xin Chúa tránh xa ông? Vì ông là kẻ có tội! Điều này khá bỡ ngỡ ,khó hiểu .

6/ Rõ ràng cá và tội lỗi đâu có liên hệ gì với nhau! Nhưng chắc chắn không phải là điều vô lý khiến cho Phê-rô phải sợ hãi. Vậy thì lý do nào mà Phê-rô sợ? Chúng ta cùng tìm hiểu xem sao .

7/ Thứ nhất: Phê-rô thấy mình thiếu lòng tin nhưng lại đầy vẻ hoài nghi, lẽ ra khi vừa gặp Chúa, ông phải xin Chúa giúp đỡ ngay . Khi vắng mặt Chúa thì lòng ông phải luôn hướng về Ngài, nhất là trong những lúc ông thất bại. Phê-rô đã  không làm điều nào, nên ông thất bại là phải.

8/ Điều này đưa tới cho chúng ta một bài học: Chúa luôn có mặt trong mọi tình huống để cảm thông cũng như để hỗ trợ những mặt yếu kém, bất toàn của con người. Nếu chúng ta không nhận ra điều này thì rõ ràng chúng ta là những kẻ đáng trách.

9/ Phê-rô đang đối diện với một Đấng toàn năng, Đấng đó có thể chế ngự được thiên nhiên, có thể chữa mọi thứ bệnh tật, có thể trục xuất cả ma quỷ. Sự kiện mẻ cá lạ là một bằng chứng khiến cho ông hết sức bàng hoàng khi nhớ ra mọi thứ và trực quan mách bảo với ông rằng: “Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa”.

10/ Chúa Giêsu không muốn các Môn Đệ dựa vào sức riêng của mình, nhưng mọi sự đều phải cậy dựa vào Thiên Chúa, là Đấng có thể làm mọi sự một cách tốt đẹp.

11/ Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta là vô bờ bến, đến độ không thể cân đong đo đếm, tính toán hay tưởng tượng được. Điều cốt yếu để cho Thiên Chúa thi thố, ban tình thương cho chúng ta, không phải là do những lời cầu xin đầy lo ra chia trí, nhưng là sự tin tưởng phó thác mọi sự vào trong tay Ngài. Đó chính là cánh cửa rộng mở để cho Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân cho chúng ta. Chúng ta hãy luôn tin tưởng cầu xin mọi lúc, mọi nơi, mọi điều.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cảm ơn Chúa cho xứng đáng , luôn cầu xin Chúa mọi lúc, mọi nơi / xin ban cho  chúng con luôn một lòng tin tưởng nơi Chúa. Amen.****

 

Thứ sáu, 04/09/2015

Đề tài: TÙY CƠ ỨNG BIẾN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 5,33-39)

33 Họ nói với Người: "Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!" 34 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? 35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay." 36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ. 37 "Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn."

SUY NIỆM:1/ Trong các trận đấu chung kết World Cup,  các đội bóng đương kim vô địch thường bị truất phế do họ sử dụng lối chơi quá cũ kỹ ,không hợp thời nên thường thất bại trước những kỹ thuật chơi mới mẻ , mạnh mẻ ,hiện đại của các đội bóng khác.

2/ Chúa Giêsu đến trần gian mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Tân Ước, kỷ nguyên mà Chúa muốn hoàn tất ơn cứu độ sau khi đã tốn một thời gian khá dài để chuẩn bị.

3/ Rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Lời Chúa mời gọi chúng ta phải từ bỏ lối sống đạo quá xưa cũ, từ bỏ cách sống đạo nhưng lòng vẫn đầy những ích kỷ, gian tham, độc ác /  từ bỏ con đường tội lỗi, loại trừ mọi tính mê tật xấu và không ngừng canh tân đổi mới bản thân theo đúng với những gì Chúa dạy / chỉ như vậy chúng ta mới nhận được ơn cứu độ.

4/ Chúa Giêsu rất ghét tội lỗi nhưng Ngài lại rất xót thương kẻ có tội biết ăn năn trở lại. Điều này được lập đi lập lại nhiều lần trong Kinh Thánh Tân Ước qua các Dụ Ngôn: Người con hoàng đàng, đồng tiền đánh mất, con chiên lạc, người phụ nữ ngoại tình, anh trộm lành.../

5/ Khi suy đến tình thương của Chúa, người ta khám phá ra rằng: Con người dù tội lỗi đến đâu, cũng vẫn có rất nhiều cơ may để ăn năn hối cải, làm lại cuộc đời. Chỉ những ai không có thiện chí, không có niềm tin nên mới ngã lòng trông cậy mà thôi, trái tim hay thương xót của Chúa vẫn để dành một nửa cho các kẻ có tội nương náu.

6/ Trong thời gian rao giảng công khai, cũng chính vì xót thương kẻ có tội mà Chúa Giêsu đã bị người Phariseu khinh ghét, chống đối, hãm hại.

7/ Khi bọn họ thấy Chúa Giêsu và các Môn Đệ dùng bữa với những người thu thuế thì họ rất lấy làm chướng mắt / dưới nhãn quan của họ, thu thuế là hạng người tội lỗi. Họ rất tức giận nên nại ra cớ ăn chay hãm mình của các Môn Đệ Yoan để chống đối Chúa.

8/ Lập trường của Chúa Giêsu quá rõ rằng: khác xa với tính ích kỷ, hẹp hòi, cục bộ của người Phariseu, khác nhau nên luôn có xung khắc với nhau, nhờ vậy hôm nay chúng ta đã được Chúa giải thích rõ ràng .

9/ Các Môn Đệ của Chúa Giêsu hiện giờ chưa phải ăn chay bởi vì Chúa Giêsu còn đang ở với họ. Khi nào Chúa chết thì ăn chay cũng chưa muộn, cho nên Giáo hội tiên khởi đã ăn chay ngày thứ sáu, kỷ niệm ngày Chúa chết .

10/ Hôm nay thứ sáu, chúng ta hãy nhìn Chúa trên thập giá, hãy nhìn vào trái tim Chúa để chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta như thế nào. Trái tim Chúa Giêsu là hình ảnh của trái tim Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, nhưng chúng ta đã đáp trả được bao nhiêu ?

11/ Nếu chúng ta thật lòng yêu mến Chúa nhiều, không còn làm cho trái tim Chúa phải đau khổthì chúng ta không cần phải ăn chay. Nhưng nếu chúng ta vẫn cứ yếu hèn tội lỗi thì chúng ta phải ăn chay, phải nỗ lực yêu Chúa nhiều hơn nữa.

12/ Giáo hội trưng bày hình ảnh trái tim Chúa trước mắt chúng ta, là để chúng ta nhìn thấy một mẫu gương yêu thương lý tưởng, để chúng ta ôn lại bài học yêu thương chân thật, đó là “yêu như Chúa yêu”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ý thức được trách nhiệm của mình, là góp phần vào việc xây dựng tình yêu thương bằng cách thể hiện những tư tưởng, lời nói, việc làm  /xin giúp con luôn biết thể hiện cách sống yêu thương bằng những hành động nho nhỏ hầu góp phần làm cho thế giới này luôn an vui, ấm no ,hạnh phúc. Amen.****

 

Thứ bảy, 05/09/2015

Đề tài: CÁCH TUÂN GIỮ LỀ LUẬT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 6,1-5)

1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? " 3 Đức Giê-su trả lời: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." 5 Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày sa-bát."

SUY NIỆM:

1/ Việc bứt một gié lúa để ăn cho đỡ đói. Thật ra đây không phải là cách để những người đói bụng cần nên làm, điều này cũng không đáng để bị kết tội; nhưng vì người Phariseu luôn tìm mọi cách để bắt bẻ Chúa Giêsu khi thấy các Môn Đệ làm động tác này trong ngày Sabat.

2/ Họ trách mắng các Môn Đệ với lý do luật không cho phép làm trong ngày nghỉ lễ. Nhân dịp này Chúa Giêsu cũng muốn dạy họ rằng: Lề luật được đặt ra để phục vụ tốt cho đời sống con người.

3/ Ở đây Chúa Giêsu không phải muốn đánh đổ hay phá hủy lề luật Cựu ước, nhưng Chúa chỉ muốn chống lại hành vi quá câu nệ vào lề luật cách thái quá và lợi dụng lề luật để uy hiếp người khác. Đây là hành vi nô lệ cho lề luật một cách sai lầm, đáng trách.

4/ Lời Chúa hôm nay muốn nhắc nhở cho các Kito hữu về thái độ phải hành xử với người khác. Có nghĩa là chúng ta phải có tấm lòng yêu thương nhau và làm mọi việc chỉ vì mục đích đem lại lợi ích cho anh em mình.

5/ Trong quan niệm chu toàn lề luật, giữa Chúa Giêsu và người Phariseu có nhiều điểm khác biệt. Chính vì những khác biệt này phát sinh ra nhiều cuộc xung đột, khi thì ngấm ngầm, khi thì công khai.

6/ Cuộc xung đột hôm nay trong bài Tin Mừng, mà điển hình là các Môn đệ của Chúa Giêsu đưa tay bứt mấy gié lúa khi đi qua một cánh đồng. Một sự việc quá tầm thường, quá nhỏ bé, không đáng kể; nhưng chính vì cái tính hay ghen tỵ, nghi ngờ, vạch lá tìm sâu của người Phariseu đã gây ra duyên cớ xung đột giữa họ và với Chúa Yesu về việc giữ luật kiêng việc xác trong ngày Sabat.

7/ Chính cái tính ghen tương, hay soi mói, nghi ngờ thường dẫn đến những xung đột, cãi vã nhau gây chia rẽ trong đời sống cộng đoàn và xã hội. Ngày Sabat chỉ bứt mấy bông lúa như thế cũng chẳng có lỗi gì nếu đem so với việc cày cấy, gặt hái như là những việc cấm làm trong ngày Sabat.

8/ Nguyên do cũng chỉ do tính xét nét, khắc khe, quét nhà ra rác, có ít xít ra nhiều, vì thế mà sinh mất lòng nhau.

9/ Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu có ý muốn dạy rằng: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài mới là ông chủ của ngày Sabat. Chúa Giêsu còn cắt nghĩa thêm: Ngày Sabat được lập ra vì con người, nghĩa là đừng đòi hỏi quá mức luật quy định, bởi vì luật được đặt ra là để phục vụ tốt cho con người.

10/ Chúa có ý căn dặn chúng ta 2 điều: Thứ nhất, đừng sống nhỏ nhen, ti tiện, ích kỷ / khi giao tiếp, chúng ta cần tôn trọng và cư xử bao dung với nhau. Thứ hai, kiêng việc ngày Chúa Nhật là để chúng ta có thời giờ để thờ phượng Chúa, để dự lễ, để làm việc từ thiện, bác ái, phục vụ tha nhân bằng các công tác tông đồ.

11/ Ngày Chúa Nhật giúp con người có thời giờ để sống thân tình với Chúa bằng các việc phụng tự, đọc kinh cầu nguyện để xin ơn thánh hóa cho mỗi người, và nhất là chúng ta có giờ để lo cho việc truyền giáo .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim biết yêu thương và rộng mở đối với tất cả mọi người, để chứng minh rằng con yêu Chúa và cũng yêu anh em nữa . Amen.****

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1897
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  1417
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11404233
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top