Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 12 TN C - 2016 / Giuse Luca

CHÚA NHẬT   12   THƯỜNG NIÊN   C  /   19/06/2016

ĐỀ TÀI:  PHÊ-RÔ TUYÊN XƯNG NIỀM TIN

(Chúa tiên báo cuộc thương khó lần I)

Lời Chúa: Lc 9, 18-24

Tung hô Tin Mừng:   Ga 10,27

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 9, 18-24

"Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ nhiều."

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" 19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/   Đức Ki-tô là ai ?

2/   Người Do Thái trông mong điều gì ?

3/   Hôm nay, Chúa Giêsu muốn biết điều gì ?

4/   Khi Phê-rô tuyên xưng, ông đã hiểu Chúa như thế nào ?

5/   Tại sao Chúa Giêsu không cho tiết lộ bí mật ?

6/   Con đường nào Đức Ki-tô phải đi ?

7/   Điều kiện nào để đi theo Chúa ?

8/   Con đường mà Hội Thánh đi theo Chúa có mấy yếu tố ?

9/   Có mấy cách đi theo Chúa ?

10/   Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra ở đâu ?

11/   Tại sao Chúa muốn biết dư luận ?

12/   Dân chúng nghĩ gì về Chúa Giêsu ?

13/   Vì sao Chúa muốn biết quan điểm của dân chúng ?

14/   Vì sao Chúa lại cấm tiết lộ ?

15/   Messi-a là gì ?

 

16/   Tại sao lại gọi là phiên tòa sát nhân ?

17/   Vì sao Phê-rô lại can gián Chúa ?

18/   Từ bỏ chính mình là gì ?

19/   Vác thập giá mình là gì ?

20/   Hãy theo thầy nghĩa là gì ?

21/   Thế nào là đường đầu với sự ngược đãi ?

22/   Tâm trạng của Philato ra sao ?

23/   Còn anh em bảo Thầy là ai ?

24/   Thời đó người ta đang chờ đợi gì ?

25/   Thân thế của Chúa Giêsu như thế nào ?

26/   Vậy niềm tin của chúng ta như thế nào ?

Xin tìm câu trả lời từ " bài tóm ý " 

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

Bài 1: NHẬN RA VÀ ĐI THEO CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1)Đức Kitô là ai? Theo tiếng Hy Lạp là “Kitô” và “Messiah” trong tiếng Do Thái đều có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu / Là Đấng được Thiên Chúa sai đến / là Đấng mà người Do Thái đang mong đợi / Đây là một câu hỏi làm nhiều người thuộc nhiều thế hệ luôn băn khoăn, thắc mắc / Khi đó rất có ít người, kể cả các môn đệ thân tín, là những người đã quyết tâm đi theo Chúa , nhưng họ cũng chưa thực sự hiểu cho đúng / Họ chưa biết Đức Kitô sống thế nào và sẽ làm gì?

2)Người Do Thái luôn ước mơ điều gì? Đa số người Do Thái ước mơ Đấng Kitô đến, để khởi đầu một thời kỳ mới và đưa nước Do Thái lên địa vị bá chủ thế giới / Ngài sẽ trở thành vị chúa tể thống trị khắp địa cầu.

3)Hôm nay, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu điều gì? Chúa muốn các ông hiểu cho đúng / Đầu tiên Chúa hỏi luồng dư luận về Ngài / nhất là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều / Quả nhiên mọi người đều công nhận Chúa Giêsu là một Tiên tri vĩ đại / nhưng chưa có ai dám quả quyết Ngài là Đức Kitô / Chúa muốn biết thêm về ý kiến của các môn đệ thân tín / Phêrô đã đại diện anh em tuyên xưng: Ngài là Đức Kitô… / Chúa Giêsu đã hài lòng về lời tuyên xưng ấy.

4)Khi Phêrô tuyên xưng, ông đã thật sự hiểu về Ngài chưa? Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô nghĩa là gì / Có lẽ Phêrô đang còn chịu ảnh hưởng của đám đông, luôn nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và đầy quyền lực / Vì thế Chúa Giêsu phải giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Ngài!

5)Tại sao Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được tiết lộ bí mật này? Chúa Giêsu căn dặn các ông không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô / Vì họ chưa hiểu Đấng Kitô là gì / Họ có thể tôn Ngài lên làm vua / như họ đã từng muốn làm như thế sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều / Làm như thế là sai đường lối, hỏng kế hoạch của Thiên Chúa Cha!

6)Sau đó Chúa hé lộ điều gì? Sau đó Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết con đường thật sự mà Đấng Kitô phải đi: chính là con đường đau khổ: Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, các thượng tế, các kinh sự loại bỏ, giết chết / Và ngày thứ ba sẽ sống lại / Đó là con đường tủi nhục, con đường khổ nạn, con đường chết chóc / Nhưng sau cơn tủi nhục, sẽ đến vinh quang / Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc / sau chết chóc là sự Phục Sinh / Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp, thiêng liêng, chỉ con đường đó mới dẫn ta đến hạnh phúc đích thực.

7)Sau đó Chúa dạy tiếp điều gì? Chúa nói tiếp: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo / Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy / Tóm tắt: ai muốn đi theo Chúa, không còn con đường nào khác là đi theo con đường của Chúa / Con đường đi vào Nước Trời là con đường hẹp / Vì chỉ có con đường thập giá mới đưa đến vinh quang / phải bước qua cái chết mới vào được cõi sống.

8)Hiểu được Chúa Kitô là ai, hiểu được Ngài đi con đường nào? Chúng ta cũng hiểu Chúa muốn chúng ta đi con đường nào / Nhận diện được Đức Kitô đã khó / Đi vào con đường của Ngài còn khó hơn gấp bội.

9)Muốn đi vào con đường thập giá, chúng ta cần điều gì? Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta được sức mạnh để đi theo con đường Chúa đã đi, đó chính là con đường dẫn ta đến bến bờ hạnh phúc.

10)Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã nghĩ thế nào về con đường mà Hội Thánh phải đi? Con đường mà Hội Thánh trần gian phải đi ,là phải thực thi 3 yếu tố:

a) Làm đầu phải làm tôi, luôn sống hy sinh, phục vụ.

b)Hội Thánh cai trị theo hàng ngang, vì phải coi mọi người như anh em / không đè bẹp, hiếp đáp ai / nhưng phải yêu mọi người như chính mình.

c) Hội Thánh như chiên giữa bầy sói / quyền lực tinh thần là quyền lực mềm / Chúa bảo hãy lấy đức báo oán, lấy tình thương xóa bỏ hận thù / nhất là phải làm chứng nhân cho Chúa giữa đời!

11)Tôi có quyết tâm đi theo con đường Chúa đã chỉ cho tôi không? Nếu chúng ta cứ hiểu đường Chúa là phải vác khổ giá, phải chịu khổ nạn, phải chết nhục nhã thì mới vào được Nước Trời / nếu chúng ta hiểu một chiều như thế thì đường Chúa đi quá khó / Chúng ta hãy nhìn gương ông bà, cha mẹ, và nhiều người đi trước chúng ta / Họ giữ đạo thật bình thường, đời  sống đạo bình thường, một đời ăn ở ngay lành, không sống trái luật Chúa, không lỗi đức bác ái yêu thương, họ không có tội gì đáng phải phạt Hỏa ngục, thế thì sau khi chết, các Ngài sẽ đi về đâu? Thiên đàng chứ còn đâu nữa! Thế nhưng sống một đời mà không hề phạm tội trọng / điều đó là một kỳ tích đấy các bạn ạ! Họ đã chiến thắng bản thân, họ đã từ bỏ mình / Họ chỉ chọn Chúa thôi / chúng ta hãy bắt chước họ, vì họ đã sống thánh theo bậc của họ.

 

Bài 2: CHÚ GIẢI BÀI TIN MỪNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

12)Tin Mừng Matthe-o và Mac-co xác định sự việc này xảy ra ở vùng lân cận Xêdarê Philipphê / Đây là khu vực ngoại đạo / Vùng này có rất nhiều tôn giáo / Tôn giáo thờ thần Pan là nổi bật hơn cả / Một lần nữa, Chúa Giêsu và các môn đệ tránh đám đông và đi vào nơi hoang vắng.

13)Tại sao Chúa muốn biết dư luận của đám đông? Ở đây Chúa Giêsu có ý đặt mình vào địa vị để đối lập với các tôn giáo của thế gian / không như các nhà cầm quyền khác / Chúa Giêsu luôn quan tâm đến dân chúng / Điều này đã khiến cho dân chúng khám phá ra ở nơi Người một bản chất siêu nhiên nhưng lại rất gần gũi, dễ hòa đồng.

14)Đoạn 9, câu 19: Điều chúng ta cần biết là: không thể lấy ý kiến của dân chúng để có thể đưa ra một kết luận chính xác về Đức Giêsu / Nhưng dân chúng lại nghĩ rằng: họ đang dành cho Chúa Giêsu những lời khen ngợi khi họ đồng hóa Ngài với những vị Tiên tri vĩ đại như là Elia, Giêrêmia (Mt 16, 14) và Yoan Tẩy Giả.

15)Họ đề cao các Ngôn sứ này như thế nào? Họ xem Elia như là hoàng tử của các Ngôn sứ/ là Ngôn sứ vĩ đại / Yerêmia như là vị Ngôn sứ than khóc, thương tiếc trước sự suy sụp của dân tộc / Chúa Giêsu cũng vậy , nên được gán cho danh hiệu:Người Tôi Trung Đau Khổ (Is 53, 3) / Họ cũng nhớ lại lời vua Herođê nói rằng: Yoan Tẩy Giả đã sống lại từ cõi chết (Mc 6, 14).

16)Đoạn 9, câu 20: Khi hỏi quan điểm của dân chúng, Chúa Giêsu muốn hướng câu chuyện đi xa hơn là vấn đề nhận định này, nên Chúa đã quay lại hỏi các môn đệ / Ý Chúa muốn nói là nhận định của dân chúng không thể thay thế nhận định của mỗi người / Và từ lời tuyên xưng của Phêrô /Chúa muốn thắp sáng lên ngọn đuốc trong tâm hồn mỗi người.

17)Đoạn 9, câu 21: Tại sao Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ đừng nói điều ấy với ai? Chính vì họ biết Người là Đấng Messia, nhưng lại không hiểu Messia nghĩa là gì / Họ nghĩ Đấng Messia là một vị lãnh tụ theo nghĩa chính trị, quyền lực chính trị / Nếu các môn đệ rao giảng huỵch tẹc về vấn đề này / thì e rằng sẽ có một cuộc nổi loạn / một cuộc cách mạng / Mặc dầu Ngài là Đấng Được Xức Dầu bằng con đường Thập Giá / nhưng Chúa không muốn các môn đệ nói hay làm điều gì một cách quá vội vàng khiến điều ấy có thể đẩy Người đến hành trình Thập Giá quá nhanh / Từ trước đã từng có những messia chính trị / và chính quyền Roma quyết tâm triệt hạ bất cứ cuộc nổi dậy nào!

18)Đoạn 9, câu 22: Chúa Giêsu đã giải thích đôi chút về Đấng Messia / Nhưng các môn đệ luôn hiểu Đấng Messia theo nghĩa: “ Kẻ chinh phục” / Nên Chúa Giêsu muốn giải thích kỹ hơn bằng cách nối kết Đấng Messia với sự đau khổ và cái chết.

19)Cách trình bày của Chúa Giêsu như thế nào? Chúa trình bày ngắn gọn, không muốn các môn đệ hoang mang / Dù Chúa không nói rõ chi tiết và cách thức chịu chết của Ngài / Cho dù Chúa cố gắng hết sức để trấn an họ, tuy nhiên các ông không thể tránh khỏi bị sốc.

20)Tại sao lại có tên gọi là phiên tòa sát nhân? Bởi vì những người chống đối Chúa như là kỳ mục, thượng tế, kinh sư / Sự tấn công của nhóm người này chủ yếu dẫn tới bản án tử hình cho Chúa Giêsu / Đây là một phiên tòa bất chính ,vì họ tìm đủ mọi cách để giết một con người vô tội.

21)Phản ứng của Phêrô với cuộc Khổ Nạn Thập Giá của Chúa Giêsu: Luca không ghi phản ứng của Phêrô / nhưng Matthe-o thì ghi lại (Mt 16, 22-23) / Khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ, chết và sống lại / các môn đệ đã không hiểu nên Phêrô bắt đầu can gián Chúa: Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy / Có lẽ Phêrô cho rằng: vì ông mới long trọng tuyên xưng niền tin vào Đức Giêsu nên ông cũng có quyền và có trách nhiệm can gián Chúa đừng nên đi theo con đường đó.

22)Đoạn 9, câu 23: Chúa muốn cho các môn đệ biết rõ: đi theo Người thật sự nghĩa là gì / Nếu một khi đã biết Người là ai thì phải có sự đáp trả / Trước hết các ông phải từ bỏ chính mình / Từ bỏ ai tức là từ chối người đó, ở đây đối tượng cần từ bỏ lại là chính mình/ Tôi từ bỏ tôi, điều này có nghĩa là từ bỏ những thú vui trần thế,  từ bỏ sự dễ chịu do tính ích kỷ / Nghĩa là người Kitô hữu không thể chiều theo ý riêng mình.

23)Lời khuyên tiếp theo là gì? Là vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa / Hình phạt tử hình thập giá chỉ dành cho người nghèo, /người giàu có và người Roma thì không bao giờ / Hình phạt này đặc biệt thường dành cho kẻ thù.

24)Hãy theo Thầy: là hành động kéo dài liên tục , là tuân phục , vâng lời liên lỉ từ trong tư tưởng, lời nói, việc làm / Theo Chúa có thể là chấp nhận một công việc nhàm chán, thiệt thòi / khó khăn / nhưng đó lại là điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm.

25)Đương đầu với sự ngược đãi là gì? Vấn đề không phải là làm gì để được an toàn / nhưng là làm sao cho đúng / Môn đệ có 2 sự lựa chọn: Một là lợi ích trước mắt, nhưng hậu quả thì khốn cùng / Hoặc là chấp nhận một ít thua thiệt / nhưng lợi ích sẽ vĩnh cửu / Ai từ chối Chúa thì sẽ bị quẳng đi / Có nghĩa là nhận hình phạt chốn Hỏa ngục.

 

Bài 3: CÁCH XÁC ĐỊNH NIỀM TIN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

26)Tại sao con người luôn thèm khát được người khác tán thưởng? Có lẽ con người họ lớn lên cùng với cảm giác mình bị thiên hạ bỏ quên / luôn bị thiên hạ chỉ trích, chê bai / Người nào có sự nghi ngờ về chính mình thì cũng luôn luôn mong chờ sự xác nhận của người khác / Người nào càng cảm thấy mình khó đạt được sự thành công / thì luôn tự cho mình có nhu cầu được đồng hóa với nhóm người thành đạt trong xã hội / Có những người luôn đeo mặt nạ để mong chiếm được sự tán thưởng / những người có tính phô trương thì luôn tìm kiếm sự thành đạt / nhưng những dự tính ấy khó lòng đạt được kết quả.

27)Khi Chúa Giêsu hỏi các Tông Đồ: “Dân chúng nói Thầy là ai” / Người hỏi như thế vì lợi ích của ai? Đương nhiên là vì lợi ích của dân chúng / Chính vì Người biết rõ Người là ai / Người có một sự tự chủ phi thường, nên khi đứng trước những người nịnh hót hay những kẻ thù ghét, thì tâm hồn Người luôn thanh thản , bình an hoàn toàn.

28)Từ bỏ chính mình nghĩa là gì? Khi nói “từ bỏ chính mình” thì cũng có nghĩa là chết cho chính mình / Đời sống tâm linh bao gồm từ bỏ mình và chết cho chính mình / Nhưng nếu xét toàn bộ ý nghĩa của nó thì vấn đề thật sự quan trọng là phải trở nên chính mình để cho những ý nghĩ phê phán của người khác về mình sẽ không làm cho chúng ta tê liệt / mất thăng bằng!

29)Chúng ta hãy phân tách tâm trạng của quan Philatô: Trong đời sống cộng đồng, cái tôi thật khó thấy / Philatô dư biết Chúa Giêsu vô tội / nhưng vì ông sợ đánh mất địa vị, danh dự và đặc quyền / Vì những thứ đó mới là tất cả đối với ông / Khi chúng ta phạm tội, thì cái tôi chìm sâu vào bóng tối / nhưng khi chúng ta làm điều tốt theo sự mách bảo của lương tâm, thì cái tôi xuất hiện thật rõ / và nó có đủ dũng cảm để giúp ta liều mình bước ra khỏi con đường xấu / khỏi vòng ảnh hưởng của tội lỗi.

30)Câu hỏi “Còn anh em bảo Thầy là ai”, có bao nhiêu câu trả lời? Suốt 20 thế kỷ qua, có rất nhiều câu trả lời luôn vang dội: Chúa Giêsu là mẫu người tuyệt vời đã đến cứu chúng ta / nhắc cho chúng ta nhớ: Thiên Chúa là Cha chúng ta / Người khác nói: Chúa Giêsu là người quyến rũ nhất / dễ thương nhất và được yêu mến nhiều nhất / Có người lại bảo: Chúa Giêsu là một người rất sống động, là một người bạn rất thân trong cuộc sống / Có người lại bảo: Chúa Giêsu là Đấng  đã hiến thân cho con người, Ngài đến để hợp nhất mọi người trên mặt đất / Câu trả lời nào cũng đúng hết.

31)Câu trả lời đúng nhất là gì? Những câu trả lời ở trên đều đúng, nhưng cho dù Chúa Giêsu là ai, nhưng nếu Ngài không phải là Đấng Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta không cần quan tâm đến Ngài làm gì / quá lắm chúng ta chỉ coi Ngài như người phi thường, một vĩ nhân mà thôi!

32)Vậy thì Chúa Giêsu thật sự là ai? Câu trả lời chính xác phải là: Đức Giêsu phải là Đấng Kitô của Thiên Chúa / Đây là một xác tín của lòng tin và chúng ta phải sống niềm tin đó.

33)Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy được điều gì? Đứng trước con người của Chúa Giêsu, những người cùng thời với Chúa phải kinh ngạc, ngỡ ngàng / Tại sao? Vì họ không xếp được Ngài vào hạng người nào theo ý họ / Có thể nào họ coi Ngài như một nhà làm phép lạ thôi sao? Nếu một người được Thiên Chúa ban cho quyền năng để thi hành một sứ mệnh, vậy sứ mệnh của Ngài là gì?

34)Thời đó người ta đang chờ đợi gì? Vào thời ấy, người ta không chờ đợi bất cứ một Ngôn sứ nào, mà họ đang chờ đợi một Đại Ngôn sứ  để loan báo thời đại của Đấng Messia sẽ đến / Chính vì người ta đang trông đợi như thế thì làm sao có chỗ đứng cho Chúa Giêsu? Bởi vì Đấng mà người Do Thái mong đợi phải nắm trong tay mọi thế lực, nhất là về mặt chính trị và quân sự / Bởi thế đối với họ Chúa Giêsu chẳng phải là một Đại Ngôn sứ / lại càng không thể nào Ngài có tư cách của Đấng Messia được.

35)Thân thế người phàm của Chúa Giêsu là gì? Chúa Giêsu là con bác thợ mộc Giuse, con trai bà Maria, thì làm sao có thể là Đấng Thiên Sai được? Chuyện sinh quán của Ngài còn quan trọng hơn / Chúa Giêsu là người xứ Galilê / Đối với người Do Thái thời đó, làm sao một Đấng Thiên Sai có thể xuất thân từ một nơi ô uế được? Bởi vì miền Galilê có phân nửa dân số là ngoại giáo, không phải là Thánh địa, dân đó sống chung đụng với người ngoại giáo / Nguồn gốc của Chúa Giêsu thật đáng nghi ngờ / Làm sao ông Giêsu có thể là một Ngôn sứ, một Đấng Messia được?

36)Câu hỏi nào dọn đường và câu hỏi nào quan trọng nhất? Câu hỏi dọn đường là câu hỏi về dư luận dân chúng / Câu hỏi quan trọng là câu hỏi dành riêng cho các môn đệ / Bởi vì Chúa Giêsu muốn xác định niềm tin nơi các ông!

 

Bài 4: MỘT KHÁM PHÁ MỚI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

37)Tại sao Chúa Giêsu đặt câu hỏi này? Đây là một trong những giờ phút hệ trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu / Ngài đặt câu hỏi đó trước khi Ngài nhất định đi lên Yerusalem (Lc_9, 51) / Chúa biết rõ những gì đang chờ đợi Ngài ở đó /và câu trả lời cho câu hỏi của Ngài cũng hết sức quan trọng / Điều Ngài biết rõ là Ngài đang tiến đến gần cây thập tự giá để chịu chết.

38)Tại sao Chúa cần một câu trả lời đúng ? Chúa muốn biết trước khi ra đi là: đã có ai thật sự khám phá ra Ngài là Đấng nào chưa / Câu trả lời đúng sẽ thay đổi tất cả / Nếu hiểu ngược lại, thì chỉ là sự hiểu lầm / thì điều này có nghĩa là những công việc  của Ngài đã làm đều uổng công / Nhưng nếu đã có một nhận thức đúng nào đó, dù rất đơn sơ, thì như một tia lửa mới được nhen nhúm lên / cũng có nghĩa là Ngài đã thắp lên được một ngọn đuốc trong tâm hồn loài người / mà thời gian sẽ chẳng bao giờ dập tắt nó được.

39)Chúa Giêsu vui vì điều gì? Chúa Giêsu vui mừng biết bao khi lòng trí của Phêrô tràn ra môi miệng ông: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” / Khi Chúa Giêsu nghe điều đó, và Ngài biết mình đã không thất bại.

40)Tư tưởng của Chúa khác với tư tưởng các Tông Đồ như thế nào? Không những các Tông Đồ đã khám phá ra điều đó, họ còn khám phá ra ý nghĩa nữa, trong đầu họ luôn có một ý nghĩ là phải trông đợi từ Thiên Chúa một vị vua chiến thắng, Đấng ấy sẽ dẫn đưa xứ sở của họ đi đến địa vị bá chủ thế giới / nhưng Chúa Giêsu còn phải dạy cho họ biết rằng: Đấng Kitô đã đến, Ngài sẽ phải làm đảo lộn mọi tư tưởng của họ /sao cho phù hợp với ý Thiên Chúa và ý của Ngài.

41)Chương trình huấn luyện của Chúa Giêsu như thế nào? Trước hết Chúa Giêsu phải chứng minh cho họ thấy Ngài là ai / thứ nữa, cho họ hiểu rõ chương trình cứu độ của Ngài không giống với ý nghĩ phàm tục của họ bằng cách cho họ hiểu: bổn phận Đấng Cứu Thế là phải dùng chính mạng sống mình, hy sinh chết trên thập giá, mới có thể cứu rỗi được nhân loại.

42)Có mấy chân lý trong đoạn Kinh Thánh này mà chúng ta cần phải hiểu? Thưa có 2 chân lý / Chân lý thứ nhất: Kitô giáo không phải là một câu chuyện được lưu truyền lâu đời, không phải là chúng ta biết được điều gì người khác đã nghĩ về Chúa / nhưng là chúng ta phải biết Chúa là ai / Thánh Phaolô nói: Tôi biết rõ Đấng tôi tin (2 Tm1,12) / Kitô giáo không phải là đọc được một bài học thuộc lòng / nhưng là phải biết rõ một Đấng nào đó.

43)Chân lý thứ hai là gì? Chúa Giêsu thường dùng tiếng “phải”, như trong đoạn Tin Mừng này / Ngài nói: “Ta phải đi lên thành Yerusalem để chịu chết” / Chúng ta phải hiểu hết ý nghĩa của tiếng “phải”, như Chúa nói trong Phúc Âm Lc 2, 49/ Cha mẹ không biết là con  có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Lc 4, 43 chép rằng: tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa / Lc 13, 33 lại ghi: “nhưng ngày nay, ngày mai, ngày kia tôi phải  tiếp tục đi”. Chúa Giêsu cũng thường nói với các môn đệ rằng: Ngài phải đi tiếp đến thập giá của mình (Lc 9, 12 / Lc 17, 25 / Lc 24, 7).

44)Chúa Giêsu hiểu rõ điều gì? Chúa Giêsu hiểu rõ mình có một sứ mệnh phải hoàn thành / Ý muốn của Chúa Cha là ý muốn của Ngài / Ngài không có mục đích nào khác ở trần thế này ngoài việc phải chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa Cha đã sai Ngài làm.

45)Từ bỏ mình là gì? Đây là điều kiện dành cho những ai muốn theo Chúa / Phêrô đã một lần từ chối Chúa khi ông nói: “Tôi không biết người đó” / Từ bỏ mình không có nghĩa là: tôi không biết tôi / nói như thế là chúng ta chối bỏ sự hiện hữu của mình / Chúng ta thường đặt mình lên cao và cho rằng ta đây là người giỏi nhất thế gian / nếu muốn theo Chúa, chúng ta hãy tự xóa mình đi, /quên chính bản thân mình, để chỉ nghĩ đến Chúa, đến anh em.

46)Vác thập giá mình là gì? Chúa Giêsu đã biết rõ thế nào là bị đóng đinh thập giá / Khi Ngài còn là cậu bé 11 tuổi / ông Yuda người xứ Galilê đã cầm đầu một cuộc nổi dậy chống Roma / Ông ta đánh phá vào kho vũ khí của vua tại Sepphe-oris cách Nazaret 6,4km / Roma trả thù tức khắc / Sepphe-oris bị san bình địa / Dân chúng bị bán làm nô lệ / Hai ngàn quân nổi dậy bị đóng đinh thập giá, dựng dọc theo 2 bên đường, để cảnh cáo cho những ai khác muốn nổi loạn / Vác thập giá là sẵn sàng đối diện với những hình khổ như vậy, vì lòng trung thành với Chúa Kyto .

47)Phân phát sự sống là gì? Toàn bộ tiêu chuẩn trần gian phải thay đổi / Câu hỏi đặt ra cho chúng ta không phải là: tôi đã thu tích được bao nhiêu / nhưng là: tôi có thể phân phát được bao nhiêu / Không phải là tìm những việc an toàn để làm / nhưng là tìm những việc phải làm để mà làm / Đời sống của mình phải luôn cho đi / chứ không phải chỉ giữ lấy cho mình / Hãy phân phát đời mình cho kẻ khác / Không phải là tiết kiệm năng lượng cho khỏe thân xác / nhưng là tiêu hao năng lượng cho Chúa, cho anh em.

 

TÓM Ý

1/Đức Ki-tô là ai ? Vào thời đó, có một số người tin và đi theo Chúa, nhưng họ cũng chưa thật sự hiểu cho đúng. Họ chưa biết Đức Ki-tô sống thế nào và sẽ làm gì ? Theo tiếng Hy lạp: Ki-tô là Đấng Messiah, cả hai cùng có nghĩa là Đấng-được-xức-dầu, là Đấng được sai đến, là Đấng mà Dân Do Thái vẫn mong đợi.

2/Người Do Thái trông mong điều gì ? Do Thái mong chờ Đấng Ki-tô đến để khởi đầu một thời kỳ mới mà vị đó sẽ đưa Dân Tộc Do Thái lên ngôi bá chủ. Ngài sẽ là vị vua thống trị khắp địa cầu.

3/Hôm nay, Chúa Giêsu muốn biết điều gì ? Đầu tiên Chúa muốn các môn đệ hiểu cho đúng về Ngài. Sau đó Chúa hỏi về luồng dư luận, quả nhiên sau phép lạ hóa bánh, mọi người đều công nhận Chúa Giêsu là một tiên tri vĩ đại ngang hàng với các vị đại tiên tri. Sau đó, Chúa muốn biết thêm ý kiến của các môn đệ thân tín. Phê-rô đã làm Chúa Giêsu hài lòng với lời mà ông vừa tuyên xưng.

4/Khi Phê-rô tuyên xưng, ông đã hiểu Chúa như thế nào ? Tuy tuyên xưng đúng nhưng cũng chưa hiểu đủ. Ông vẫn còn chịu ảnh hưởng của đám đông. Họ luôn nghĩ Chúa là một vị vua oai nghi, vinh quan, quyền lực. Vì thế Chúa phải giải thích thêm.

5/Tại sao Chúa Giêsu không cho tiết lộ bí mật ? Bởi vì chưa ai hiểu Đức Ki-tô là ai . Có thể họ sẽ tôn Chúa làm vua như họ đã từng làm sau phép lạ hóa bánh. Nếu làm như thế là sai kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

6/Con đường nào Đức Ki-tô phải đi ? Chúa đã bày tỏ cho các môn đệ biết con đường thật sự Chúa Ki-tô phải đi chính là con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường bị các kỳ mục, thượng tế, kinh sư giết chết. Đó là con đường khổ nạn.

7/Điều kiện nào để đi theo Chúa ? Chúa nói: Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Tóm tắt: Muốn theo Chúa thì phải đi con đường của Chúa, là con đường hẹp, là con đường Thánh giá mới đưa tới vinh quang, phải bước qua cái chết mới vào được cõi sống.

8/Con đường mà Hội Thánh đi theo Chúa có mấy yếu tố ? Có 3 yếu tố: Thứ nhất : Làm đầu phải làm tôi, phải hy sinh, phục vụ./ Thứ hai: Hội Thánh phục vụ chứ không phải cai trị, không được đè bẹp, hiếp đáp ai, nhưng phải yêu người như chính mình. Thứ ba: Hội Thánh như con chiên hiền lành giữa bầy sói, quyền lực tinh thần là quyền lực mềm. Chúa bảo lấy đức báo oán, yêu kẻ thù và làm chứng cho Chúa.

9/Có mấy cách đi theo Chúa ? Thông thường chúng ta vẫn hiểu: Đi theo Chúa thì phải vác khổ giá, phải chịu nạn, phải chết nhục nhã thì mới vào được Nước Trời. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại cách ông bà chúng ta sống đạo… rất bình thường: Một đời ăn ngay ở lành, không sống trái luật Chúa, không lỗi đức bác ái, không có tội gì đáng sa hỏa ngục. Như thế sau khi chết các ngài sẽ đi về đâu ? Thiên đàng chứ còn đâu nữa. Đó là sống thánh theo đấng bậc.

10/Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra ở đâu ? Sự kiện hôm nay xảy ra ở vùng phụ cận Cesa-rê Philipphê . Đây là khu vực ngoại đạo, vùng này có rất nhiều tôn giáo mà đa số là thờ thần Ba-an. Hôm nay Chúa muốn đi vào nơi hoang vắng.

11/Tại sao Chúa muốn biết dư luận ? Chúa luôn quan tâm đến dân chúng và có ý đặt mình vào địa vị đối lập với các tôn giáo khác. Nhờ vậy dân chúng mới có thể khám phá ra ở nơi Người một bản chất siêu nhiên khác lạ, dễ hòa đồng.

12/Dân chúng nghĩ gì về Chúa Giêsu ? Không thể dựa  vào ý kiến của dân chúng để đưa ra một kết luận chính xác. Nhưng dân chúng đã dành cho Chúa Giêsu những lời khen ngợi và sánh ví ngài với những vị tiên tri vĩ đại như Elia, Geremi-a, Yoan tẩy-Giả.

13/Vì sao Chúa muốn biết quan điểm của dân chúng ? Ý Chúa cũng muốn nói là nhận định của dân chúng không thể thay thế nhận định của mỗi người, và cũng nhờ vào lời tuyên xưng của Phê-rô mà Chúa muốn thắp sáng lên niềm tin trong lòng mọi người.

14/Vì sao Chúa lại cấm tiết lộ ? Chúa không muốn các môn đệ nói điều này với ai. Chính vì họ biết Chúa là Đấng Messi-a, nhưng lại không hiểu sứ vụ của Đấng Messi-a phải làm gì. Họ chỉ đơn giản nghĩ đấng Messi-a là một lãnh tụ chính trị, nhiều quyền lực. Nếu các môn đệ nói ra lung tung, e rằng sẽ có một cuộc nổi loạn. Trước kia cũng từng có nhữngMessi-a chính trị và chính quyền Roma luôn quyết tâm triệt hạ.

15/Messi-a là gì ? Messia là Đấng cứu độ, nhưng các môn đệ luôn hiểu Messi-a theo nghĩa kẻ chinh phục. Do đó Chúa Giêsu muốn kết nối Đấng Messi-a với sự đau khổ và cái chết.

16/Tại sao lại gọi là phiên tòa sát nhân ? Những kẻ chống đối Chúa là các kỳ mục và thượng tế, kinh sư  / nhóm này chủ yếu đưa Chúa tới bản án tử hình. Đây là một phiên tòa bất chính, họ tìm đủ cách để giết một con người vô tội.

17/Vì sao Phê-rô lại can gián Chúa ? Chỉ có Mathê-u ghi phản ứng của Phê-rô khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ, chết và sống lại. Các môn đệ không hiểu nên Phê-rô bắt đầu can gián. Phê-rô cho rằng: Ông vừa tuyên xưng đúng, nên ông cũng có quyền và có trách nhiệm can gián.

18/Từ bỏ chính mình là gì ? Một khi các môn đệ biết Chúa là ai và khi nghe lời Chúa mời gọi thì các ông phải đáp trả. Đi theo Chúa là phải từ bỏ chính mình / chúng ta có thể hiểu từ bỏ là từ bỏ ý riêng, từ bỏ tính ích kỷ, từ bỏ thú vui trần thế.

19/Vác thập giá mình là gì ? Hình phạt tử hình thập giá chỉ dành cho người nghèo, người ngoại bang, và kẻ thù, còn người giàu và người Roma thì không bao giờ.

20/Hãy theo thầy nghĩa là gì ? Là một sự tuân phục kéo dài, là vâng lời liên lỉ từ trong tư tưởng, lời nói ,việc làm, theo Chúa là phải chấp nhận một công việc nhàm chán, thiệt thòi, khó khăn nhưng đó lại là ý Chúa muốn chúng ta làm.

21/Thế nào là đường đầu với sự ngược đãi ? Chúa muốn chúng ta làm sao cho đúng, môn đệ luôn có 2 sự lựa chọn  / a) Được lợi trước mắt nhưng chịu hậu quả thì khốn cùng. b) chấp nhận chịu thua thiệt nhưng sẽ được lợi vĩnh cửu. Ai từ chối Chúa thì sẽ bị quăng vào lò lửa.

22/Tâm trạng của Philato ra sao ? Philato thừa biết Chúa Giêsu vô tội. Nhưng ông sợ mất địa vị, danh vọng, đặc quyền. Những thứ đó là tất cả đối với ông, cũng như khi ta phạm tội thì cái tôi bị chìm sâu. Nhưng khi ta làm được điều tốt theo sự mách bảo của lương tâm, thì cái tôi lại xuất hiện thật rõ, nó giúp ta can đảm bước ra khỏi con đường xấu.

23/Còn anh em bảo Thầy là ai ? Suốt mấy ngàn năm qua, chúng ta có biết bao câu trả lời: Chúa Giêsu là Cứu Chúa, là đấng hiến thân vì chúng ta, ngài là đấng đem chúng ta về cùng Chúa Cha.

24/Thời đó người ta đang chờ đợi gì ? Thời đó người ta đang chờ đợi một vị đại ngôn sứ để loan báo thời đại Messi-a đã đến. Người ta đang trông đợi một đấng có thể nắm trong tay mọi thế lực chính trị lẫn quân sự. Như vậy làm sao còn chỗ đứng cho Chúa Giêsu. Bởi thế, đối với họ: Chúa Giêsu không phải là một đại ngôn sứ, cũng chẳng thể nào là đấng Messi-a được.

25/Thân thế của Chúa Giêsu như thế nào ? Chúa Giêsu là con bà Maria, là con bác thợ mộc, thì làm sao có thể là Đấng thiên sai được ? Chúa Giêsu sinh trưởng tại Nazaret thì làm sao có thể là một đấng Messi a được. Galile không phải là thánh địa vì nơi đó đa số là người ngoại giáo. Nguồn gốc của Chúa thật đáng ngờ.

26/Vậy niềm tin của chúng ta như thế nào ? Qua các biến cố, các sự kiện, các mạc khải của Chúa. Hôm nay chúng ta cũng phải tuyên xưng như Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống” (Lc 9,20).    **R

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1378
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  1222
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11414845
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top