Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 17 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT   17   THƯỜNG NIÊN   C   

ĐỀ TÀI:  XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

Lời Chúa: Lc 11, 1-13

Tung hô Tin Mừng: x.Rm 8,15bc

Haleluia. Haleluia. Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng : “Áp-ba! Cha ơi!” . Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 11, 1-13

Anh em cứ xin thì sẽ được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

1 Một hôm,  Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." 2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."

5 Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? 8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/Tại sao các Tông đồ xin Chúa dạy cách cầu nguyện ?

2/Kinh lạy Cha nói lên điều gì ?

3/Tiếng Cha có nghĩa là gì ?

4/Tại sao Thiên Chúa lại là Cha ?

5/Chúa Giêsu dùng kinh lạy Cha để dạy thêm điều gì ?

6/Tại sao lương thực không thiếu mà chúng ta cứ vẫn phải xin ?

7/Tại sao chúng ta phải có trách nhiệm với người khác ?

8/Vậy cầu nguyện là gì ?

9/Tại sao ta phải cầu nguyện ?

10/Chúng ta nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa ở đâu ?

11/Tại sao chúng ta phải ca tụng Thiên Chúa ?

12/Chúng ta phải ca tụng Thiên Chúa bằng cách nào ?

13/Chúng ta cần thưa với Chúa điều gì ?

14/Định nghĩa về con người là gì ?

15/Tâm tình nào ta phải có khi cầu nguyện ?

16/Ý nghĩa của cơm bánh mà ý Chúa muốn nói là gì ?

17/Chước cám dỗ là những thứ nào ?

18/Thái độ cầu nguyện phải như thế nào ?

19/Tại sao phải kiên trì khi cầu nguyện ?

20/Tại sao phải có lòng quảng đại khi cầu nguyện ?

21/Tâm tình của kẻ chịu ơn thì phải như thế nào ? 

22/Con người thường nghĩ gì về sự im lặng của Thiên Chúa ?

23/Thiên Chúa vẫn thường gánh chịu điều gì ?  .

24/Bài học cuối cùng là gì ?

25/Vậy chúng ta phải sống thế nào ? **R

 

Bài 1: ÁB-BA, LẠY CHA !

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1)Tại sao các Tông đồ xin Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện? Do các ông nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện / Có lẽ khi Chúa cầu nguyện, các ông thấy có cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí, thật lôi cuốn từ con người của Chúa tỏa ra / Các ông đã xin / Chúa Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện bằng một khuôn mẫu: đó là Kinh Lạy Cha.

2)Kinh Lạy Cha mạc khải điều gì? Chúa Giêsu mạc khải: Thiên Chúa là Cha chúng ta / Chính vì chúng ta thường đọc kinh này bằng đầu môi chót lưỡi, nên khó nhận ra ý nghĩa thâm sâu của chữ Cha / Một người bạn có đứa con đầu lòng, anh tâm sự rằng:” lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi” / tôi bủn rủn tay chân, một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể / tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng / Tình cha con sao nó thâm sâu, huyền bí, thân thiết quá, nên tôi không diễn tả được”.

3)Tại sao phải gọi người khác là cha? Khi gọi ai là cha, tức là nhận người ấy như vị ân nhân lớn nhất đời mình / Vì nhờ người cha, mà ta nhận được món quà quý giá nhất, đó là sự sống / Người cha chẳng những lo cho con về phần thể xác, mà còn cho con một cuộc sống tinh thần / Đó là một người cha có nhân cách lớn, đã đúc nặn nên đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có nhân cách làm người.

4)Cha có nghĩa là gì? Cha là nguồn cội phát sinh ra mình, là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng đang mời gọi / Cha gợi lên một biển trời yêu thương, vừa thân thiết, vừa quảng đại, vừa huyền nhiệm, không bút nào tả được.

5)Tại sao Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa Cha? Khi mạc khải về Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh hoàn toàn khác với hình ảnh vị thần của các tôn giáo khác / Người cho thấy Chúa Cha yêu thương chúng ta vô cùng, mà Ngài còn muốn chúng ta đi sâu vào tình thân thiết, thâm sâu của Chúa Cha / Vì thế Ngài dạy chúng ta tiếng “ABBA, Cha ơi”, tiếng thân thương của một đứa trẻ nũng nịu, tin tưởng, phó thác ,gọi Cha mình .

6)Kinh Lạy Cha mạc khải thêm điều gì? Chúa cho chúng ta biết: mọi người là anh em / Trong Kinh, Chúa Giêsu dạy: Lạy Cha chúng con……. / Xin Cha cho chúng con… / chứ không dạy chúng ta đọc: Lạy Cha của con / xin Cha của con / Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha / Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa / Vì là anh em, nên chúng ta phải có tình đoàn kết, liên đới, thương yêu / Liên đới cả trong lời cầu nguyện.

7)Khi đã có thừa lương thực, tại sao chúng ta vẫn cứ phải xin? Có người hỏi một anh bạn người Mỹ trong giờ chia sẽ Kinh Thánh: hằng ngày khi các bạn đọc kinh Lạy Cha, các bạn vẫn xin có lương thực, trong khi các bạn đang có dư thừa lương thực, vậy các bạn xin như thế để làm gì? Anh ta trả lời: vì tôi thấy ở Mỹ, lương thực dư thừa, nhưng tôi vẫn phải xin tha thiết, vẫn phải xin cơm áo, vì tôi vẫn phải nhớ đến các anh em ở bên Châu Phi, bên Châu Á, nhiều nơi còn quá đói khát, khổ sở.

8)Chúng ta còn có trách nhiệm gì với người khác? Câu trả lời bên trên thật chính xác, bởi vì chúng ta là anh em nên phải có tình liên đới, phải có trách nhiệm với nhau / Như trong bài đọc I, thành Sodoma bị phạt, ông Abraham phải có trách nhiệm xin cho thành ấy thoát khỏi án phạt / Nếu trong gia đình, chúng ta có đứa em út yếu đuối bệnh tật, ta phải luôn thương yêu cưng chiều/ chúng ta phải ưu tiên cầu nguyện  cho những anh em bé nhỏ đó trước hết.

9)Chúng ta phải hiểu tình liên đới như thế nào cho đúng? Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nói với cha mình / là tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới / Thì lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài hài lòng.

10)Vậy thì cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là dừng lại hết mọi công việc, mọi băn khoăn, lo lắng, để nâng tâm hồn lên, để thưa chuyện với Chúa, để thờ lạy và cảm tạ Ngài, đồng thời xin thêm những ơn lành hồn xác / Từ những định nghĩa đơn giản trên đây, chúng ta thấy rằng: cầu nguyện không phải là chỉ xin ơn mà thôi, mà trước hết phải chu toàn bổn phận của một người con đối với Cha mình là Thiên Chúa.

11)Tại sao chúng ta phải cầu nguyện? Bởi vì chúng ta là những tạo vật của Thiên Chúa / Không có Chúa, chúng ta chẳng tồn tại / hơn nữa, mục đích của chúng ta là sống hết cuộc đời hiện tại, để mai sau tìm về quê Nước Trời / Muốn đạt được mục đích ấy thì ngay hiện tại, chúng ta phải phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa.

12)Nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy điều gì? Hãy đưa mắt nhìn mọi vật chung quanh: từ một hạt sương, một cánh bướm cho đến Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao, tất cả đều nói lên quyền năng của Thiên Chúa và mọi sự đều tôn trọng luật lệ của Thiên Chúa đã sắp xếp, an bài.

13)Tại sao chúng ta phải ca tụng Thiên Chúa? Người ta thường nói: thiên nhiên là một cuốn sách mà mỗi trang của nó đều cho chúng ta biết về Thiên Chúa / Và như vậy: con người là một tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa, nên chúng ta càng phải ca tụng Ngài nhiều hơn nữa / Trí khôn và lý trí của chúng ta đều do Thiên Chúa trao ban / thế thì tại sao chúng ta không ca tụng Ngài?

14)Chúng ta phải thưa gì cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện? Sở dĩ chúng ta phải cầu nguyện bởi vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã tiết lộ: Ngài dạy rằng: khi cầu nguyện, các con hãy thưa lên rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời…. / Vì Thiên Chúa là Cha, Ngài hằng thương yêu săn sóc chúng ta, nhờ Ngài chúng ta mới có mọi phương tiện vật chất, nhờ Ngài chúng ta mới có trí khôn, có phần hồn, có ơn cứu độ / Vậy tại sao chúng ta lại không biết ơn, lại không chịu tạ ơn Ngài? Thiên Chúa là Vị Đại Ân Nhân / như vậy khi cầu nguyện chính là lúc chúng ta bày tỏ niềm biết ơn, bày tỏ tình yêu thâm sâu, đậm đà đối với Ngài.

 

Bài 2: BỔN PHẬN HÀNG ĐẦU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

15)Câu chuyện của một sĩ quan Pháp và người lính Ả-rập: Trong một cuộc chiến tranh tại Algerie, một sĩ quan Pháp bị bắt làm tù binh / Viên sĩ quan ấy luôn bị một người lính Ả-rập rủa sả là đồ …. / Bực tức trước lời rủa sả ấy, viên sĩ quan lên tiếng: tại sao ngươi lại chửi ta là đồ …? Ta là một tù binh, điều đó là đúng, nhưng ta cũng là người như ngươi! Tên lính ấy nhìn viên sĩ quan cách khinh bỉ và nói: ngươi mà cũng đòi là người ư? Đã 6 tháng rồi, ta không hề thấy ngươi cầu nguyện / nếu là người mà không chịu cầu nguyện cùng Thiên Chúa, thì cũng chỉ là đồ … thôi!

16)Ý của tên lính Ả-rập là gì? Câu trả lời thật cứng cỏi, nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ / Bởi vì con người là động vật có lý trí, trí khôn / Có trí khôn nên chúng ta phải nhận biết có Thiên Chúa / nếu đã nhận biết có Thiên Chúa thì tại sao lại không ca tụng Ngài?

17)Định nghĩa về con người: Con người là một động vật biết làm ra và sử dụng các dụng cụ, biết suy nghĩ, đắn đo, dự tính / Nhưng như thế cũng chưa đủ / Con người là động vật biết cầu nguyện, có khả năng lắng nghe và đáp lại lời Thiên Chúa / là sinh vật biết trò chuyện cùng Tạo hóa / Cầu nguyện không phải là nói chuyện với tạo vật / nhưng là nói chuyện với một Đấng Siêu việt / rất gần gũi và rất thân thương / Đấng ấy có thể nói với chúng ta và nghe chúng ta nói.

18)Khi cầu nguyện, ta phải có tâm tình nào? Ta phải biết thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến, nài xin / Nài xin không phải là hạ giá trị của con người / nhưng con người cảm nhận được thân phận mình quá mong manh, nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ / Cho nên cầu nguyện là bổn phận hàng đầu của con người.

19)Phải hiểu ý nghĩa của cơm bánh như thế nào? Xin cho chúng con cơm bánh cần dùng mỗi ngày / Bánh vật chất, bánh tinh thần, bánh Thánh Thể, bánh Sự Sống / bánh Bình An, là bánh tha thứ tội lỗi sau những cú vấp ngã / là thứ bánh giúp chúng ta có sức mạnh để khỏi sa chước cám dỗ / mà cám dỗ lớn nhất chính là chỉ biết ăn một mình để rồi khép lòng mình lại trước nhu cầu của anh em.

20)Thái độ phải có khi cầu nguyện: quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình, biết khả năng mình có thể làm được những gì / và biết những gì đang ở ngoài tầm tay / Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi ta gặp trắc trở / nhưng lại quên Chúa khi ta gặp điều may lành.

21)Tại sao khi cầu nguyện phải kiên trì? Chúng ta cần phải kiên trì / hãy cứ gõ cửa Nhà Chúa bất cứ lúc nào, cần tập đứng đợi, cần tập quấy rầy Chúa / thế nào Chúa cũng mở cửa và ban cho ta mọi thứ ta đang cần / Hãy để cho Ngài ban ơn cho ta lúc nào Ngài muốn, theo cách Ngài thích, cho dù điều đó không phù hợp với ước mơ của ta / Đôi khi ta có cảm nghĩ Ngài không nhậm lời / cũng có thể do ta xin với lòng ích kỷ / cũng có khi Ngài muốn dành ban cho ta một ơn lớn hơn.

22)Tại sao chúng ta phải quảng đại khi cầu xin? Xin Chúa dạy cho ta biết cách cầu xin / Hãy thoát ra khỏi những bận tâm hẹp hòi của chính mình / Hãy nhìn thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh / Ơn trọng đại nhất Chúa muốn ban cho chúng ta là Chúa Thánh Thần / Có Chúa Thánh Thần thì chúng ta có niềm vui, có sức mạnh, có ánh sáng, có sự sống vĩnh cửu.

23)Có những lúc chúng ta cầu nguyện nhưng không hài lòng, tại sao? Chúng ta phải tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban / Có những ơn chúng ta thấy được / cũng có những ơn mà chúng ta lại không nhận là ơn / Chúng ta phải biết là chúng ta nhận ơn nhiều hơn chúng ta tưởng / Có biết bao nhiêu ơn chúng ta cứ nghĩ là chuyện tự nhiên.

24)Tâm tình của kẻ chịu ơn là gì? Chúng ta thường đau khổ vì những gì mình xin mà Cha lại không ban cho / Chúng ta quên rằng: đời mình đã được bao bọc bằng biết bao nhiêu ân sủng / Có những ơn mà Cha cương quyết không ban / bởi điều đó sẽ có hại cho ta / Có khi chúng ta xin ơn này, nhưng Chúa lại ban một ơn khác mà xem ra có lợi cho ta hơn / Bởi thế, hãy tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc.

25)Một thử thách thường gặp phải, khi chúng ta cầu nguyện là gì? Một thử thách nặng nề đối với đức tin của người Kitô hữu, đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa / Gặp cơn cùng khốn / ta cầu xin với Ngài, nhưng ta không hề nghe tiếng Ngài đáp lại / Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan / nỗi đau khổ thể xác, tinh thần vây bọc tứ bề / con người quằn quại, rên siết, gào thét, nổi loạn.

26)Người ta thường lý luận như thế nào trước sự im lặng của Thiên Chúa? Con người giải thích rằng: Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng, Ngài không được vắng mặt hay lặng thinh / Ngài phải tiêu diệt kẻ dữ / Nếu Ngài là Người Cha yêu thương, Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con cái / Nhiều người còn dám mạnh miệng kết luận bậy rằng: vì không có Thiên Chúa nên đau khổ mới tràn lan.

27)Chúa Giêsu đã gánh chịu điều gì trước tiên? Cuối cùng rồi con người cũng có thể nhận ra đau khổ là một Mầu Nhiệm / Chỉ có ai tin mới có thể đến gần Mầu Nhiệm đó và đón nhận nó trong bình an / Chúa Giêsu đã không đưa ra một phương pháp diệt đau khổ, nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân / Trên Thập giá Ngài cũng phải chịu đựng sự thinh lặng của Thiên Chúa và phải chấp nhận sự vắng mặt của Ngài: “Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài lại bỏ tôi”.

 

Bài 3: NHẬN RA MỘT SỰ THẬT

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

28)Chúa Giêsu đã hành động như thế nào khi Chúa Cha lặng thinh? Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin / Dù bị thử thách, Chúa Giêsu vẫn một niềm tín thác: “Lạy Cha, con phó linh hồn con ở trong tay Cha” / Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Toàn Năng, yêu thương / Ngài hành động không giống với điều ta nghĩ / Ngài không đưa Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá / Nhưng Ngài đã đưa Con Ngài ra khỏi nấm mồ, điều này khó hơn nhiều / Hôm nay Chúa Giêsu khuyên chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ, và phải luôn tin chắc   sẽ được,   sẽ thấy,   sẽ mở   cho.

29)Chúng ta tin điều gì từ Thiên Chúa? Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho ta điều tốt lành, những điều thật sự có ích cho chúng ta / những điều làm cho ta trưởng thành, phát triển / ban cho ta những điều giúp ta gặp hạnh phúc đích thực / thứ hạnh phúc bao la chứ không hạn hẹp như ở đời này!

30)Tại sao cầu xin lại phải biết phó thác? Bổn phận của chúng ta là phải cầu xin, nhưng mọi sự phải để cho Ngài định liệu / Thiên Chúa biết rõ điều nào là tốt hơn cho chúng ta trong hoàn cảnh này, trong lúc này, ở tại đây, ngay bây giờ / Cần phải cầu nguyện nhiều, sau đó chúng ta mới biết điều mình cần xin, bởi vì những điều chúng ta cầu xin vẫn còn mang nhiều cặn bẩn / đâu phải cái gì xin cũng tốt, cũng đúng, cũng có lợi đâu!

31)Tại sao phải mở con mắt đức tin khi cầu nguyện? Lắm khi chúng ta xin con rắn mà không hay / cũng lắm khi chúng ta tưởng Chúa cho con bò cạp / Cần phải có đức tin mới nhận ra rằng: Chúa đã nhận lời mình rồi / nhưng lại ban cho ta khác cái kiểu mà chúng ta mong muốn / Cần phải đợi đến một lúc nào đó chúng ta mới nhận ra mọi biến cố xảy ra trong đời mình đều là quà tặng yêu thương.

32)Khi dạy cầu nguyện, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta điều gì? Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta một sứ điệp / Trọng tâm của sứ điệp là giáo huấn của Chúa Giêsu về Thiên Chúa / Vì không ai biết được Thiên Chúa ngoại trừ Đấng từ Thiên Chúa mà đến / Thiên Chúa thì hằng hữu và quyền năng vô cùng, Ngài chi phối mọi khởi đầu và cùng đích / Là Chúa Tể điều khiển mọi sự, không ai biết được điều này nếu Thiên Chúa không mạc khải cho (Lc 10, 22).

33)Chúa Giêsu dạy chúng ta theo cách nào? Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết về Danh Thiên Chúa và cách chúng ta hầu chuyện với Thiên Chúa / Các môn đệ đã hỏi cách cầu nguyện và Chúa Giêsu đã dạy cho họ / Lời cầu xin phải bày tỏ lòng tin tưởng thiết tha trong bầu khí hiếu thảo / Cho dù thân mật nhưng chúng ta phải có thái độ thờ phượng từ trong tâm tưởng được biểu lộ ra bên ngoài.

34)Khi cầu nguyện, trước hết chúng ta phải ước nguyện điều gì? Người Kitô hữu trước hết hãy ước nguyện: Lạy Cha, ước gì Danh Cha hiển thánh / Vậy thờ phượng trước hết là biểu lộ tình hiếu thảo / Cầu nguyện là phải ý thức một cách chính xác về con người của mình trước mặt Thiên Chúa và phải hiểu ra rằng: đối với Thiên Chúa thì vũ trụ này cũng chỉ bé nhỏ như giọt nước giữa đại dương / Kẻ thờ phượng thì dành tất cả tâm hồn mình cho Thiên Chúa và quy phục Người mọi đàng.

35)Thờ phượng là gì? Thờ phượng trước hết là sự quy phục của trí khôn trước Đấng Toàn Năng/ Thờ phượng cũng là thái độ tự do của lương tri, muốn nhìn nhận sự thật, mà sự thật ấy chính là Thiên Chúa hằng hữu, quyền năng vô biên, Đấng Vô Cùng Vô Tận, trong khi nhìn nhận sự thật, con người nhận ra tầm mức giá trị của mình, chính là: con người là hạt bụi, còn Thiên Chúa thì vô biên.

36)Thờ phượng mang tính chất gì? Sự thờ phượng của người Kitô hữu mang tính chất của đứa con hiếu thảo, vì lẽ, nhờ lời giảng dạy của Chúa Kitô, Kitô hữu biết được rằng Thiên Chúa chính là Cha mình / Phân tích tới cùng, chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa là nguồn mạch của chúng ta, là Đấng tạo thành chúng ta / Bởi thế khi đọc: Lạy Cha…. / Chúng ta đã ý thức và thừa nhận, tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Tuyệt đối, đồng thời lại là Cha mình.

37)Khi thốt lên tiếng “Lạy Cha”, chúng ta bộc lộ điều gì? Khi thốt lên tiếng “Lạy Cha”, chúng ta phát ra một lời nói tự do, hiếu thảo, biểu lộ sự tha thiết nhất của chúng ta / Chúng ta biểu lộ con người đích thực của mình khi thưa với Thiên Chúa, là Đấng mà ai cũng biết, chính Ngài là sự thật,là Đấng đem lại ơn cứu độ.

38)Gốc tích của kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ: Nguồn gốc và nguyên nhân là do sự thay đổi của Công Đồng Vatican II, khi chúng ta có thể đọc hay hát lời kinh này bằng chính ngôn ngữ của mình / Trước đây Thánh Lễ theo Công Đồng Tridentinô thì chỉ một mình Linh mục được đọc lời nguyện này bằng tiếng Latinh / không một người nào được phép đọc chung với vị Linh mục / Mọi người đứng, đôi khi họ dang tay ra, thỉnh thoảng họ ngước mắt lên trời, đôi khi họ nắm tay người lân cận.

39)Tại sao lời kinh trong Phúc Âm lại khác với lời kinh trong Thánh Lễ? Lời kinh này chúng ta đọc theo đoạn Phúc Âm của Mattheô 6, 9-12 / Chúng ta không cần ngạc nhiên về sự khác nhau này / Bởi lời cầu nguyện thì rất quan trọng, nên Chúa Giêsu đã dạy nó trong rất nhiều dịp và không luôn luôn chính xác cùng một lời đó / Thứ hai: lời nguyện đó đã là một phần của phụng vụ cho hơn một thế hệ trước khi những cuốn Phúc Âm được viết ra / Lời nguyện đó đã được ghi lại theo trí nhớ, kết quả là có sự khác nhau không đáng kể, cho đến khi Thánh Luca và Mattheô viết ra lời kinh chung để được đọc trong các Cộng đoàn riêng biệt của hai Ngài.

 

Bài 4: XIN ƠN VÀ TẠ ƠN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

40)Điều đặc biệt của kinh nguyện  này là gì? Điều đặc biệt là cung cách mà Chúa Giêsu diễn tả về Thiên Chúa / Ngài không diễn tả chính xác như là Cha / mà là Cha ơi, Đấng đó đã sáng tạo nên trời đất, có quyền phán xét kẻ sống, người chết / Chữ “Cha ơi” nói lên sự thân mật hơn, như cách mà trẻ nhỏ thường gọi cha mình với một tình yêu thân mật, trong sáng / Đây là một trong những chữ Thánh Thiêng nhất trong Phúc Âm.

41)Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của Abraham khác nhau như thế nào? Abraham là cha của một dân tộc được chọn, là Tổ phụ của chúng ta trong đức tin, đã dám đến gần, nài xin Thiên Chúa tha thứ cho dân Sodoma và Gomora / Ông đã không ngại ngùng khi trả giá với Thiên Chúa, nhưng ông không dám gọi Thiên Chúa như cách Chúa Giêsu đã gọi / Ông không bao giờ dám gọi “Cha ơi” / Không ai dám gọi Thiên Chúa là “Cha ơi” như Chúa Giêsu đã làm.

42)Thái độ và cử chỉ nào chúng ta cần có khi đọc lời kinh nguyện ấy trong Thánh Lễ? Chúng ta phải biết, phải nhớ rằng: chúng ta được hạnh phúc biết bao khi gọi Thiên Chúa là Cha ơi, “ABBA”, như cách mà Chúa Giêsu đã gọi / ABBA, đó là tên gọi của Người.

43)Câu chuyện em bé và chiếc bình hoa: Một buổi sáng nọ, khi cô giáo dạy nhà trẻ chưng một bình hoa thủy tiên thật đẹp, đặt trên chiếc bàn ở giữa phòng học / Khi các em bé thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những cánh hoa vàng lợt, em nói với cô giáo: “Thưa cô, có phải Chúa đã làm ra những bông hoa này không cô? Con muốn gọi điện thoại để cảm ơn Chúa đã cho những cánh hoa đẹp như thế này”.

44)Việc gì sẽ xảy ra nếu trời và đất có những đường dây điện thoại nối liền? Thiết nghĩ Thiên Chúa sẽ đặt ra hai đường dây, một đường dây dành để nghe những lời cầu xin và một đường dây để nghe những lời cảm ơn / và người ta sẽ thấy một đường dây luôn bận rộn / còn đường dây bên kia thỉnh thoảng mới được dùng đến!  Tại sao ??

45)Một câu chuyện dụ ngôn: Hai Thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị tay xách một chiếc giỏ / Họ chia tay nhau để đi khắp các hang cùng ngõ hẽm, đến mọi nhà, mọi tư gia, mọi nhà thờ, để nghe các nam phụ lão ấu cầu nguyện / Sau một thời gian đã định, 2 Thiên thần lại đến đúng điểm hẹn để trở về trời / Chiếc giỏ của một Thiên thần thì quá nặng trĩu, còn giỏ của Thiên thần kia thì nhẹ hều như là chỉ đựng toàn bông gòn / Anh mang gì mà nặng nề thế? Một Thiên thần hỏi / Thiên thần mang giỏ nặng mệt nhọc trả lời: tôi được sai đi để thu nhận những lời cầu xin của nhân loại / Còn anh, sao cái giỏ của anh nhẹ tênh thế? Tôi được sai đi để thu nhặt những lời mà thiên hạ cảm ơn Thiên Chúa vì những ơn lành mà họ vừa nhận được / Thì ra: giỏ lời cầu xin luôn nặng hơn giỏ nhận lời cảm ơn / Cũng thế, đường dây điện thoại để xin ơn thì quá bận rộn / còn đường dây điện thoại cảm ơn thì chẳng mấy khi có người gọi.( thật đáng buồn )

46)Tại sao gọi kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Chúa? Thường chúng ta chỉ thích cầu xin hơn là cầu nguyện / Bởi vì cầu nguyện bao gồm cả lời chúc tụng tôn vinh, cảm tạ tri ân Thiên Chúa / Hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa như con cái thưa chuyện với cha mẹ / Cầu nguyện là gặp gỡ, tiếp xúc, kết hiệp thân tình với Chúa / Chúa Giêsu cũng luôn cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện / Mà kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện mẫu / để chúng ta biết cách cầu nguyện.

47)Chúng ta cần cầu xin những gì? Ngắn gọn là: chúng ta phải xin những gì đẹp ý Chúa / Ý Chúa muốn là: chúng ta phải nhận Người là Cha, và nhận mọi người chung quanh là anh em / Ngoài ra những gì là chia rẽ, hận thù, bất công, chém giết nhau đều đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa / Bởi vì khi chúng ta mở miệng gọi Thiên Chúa là Cha, thì chúng ta cũng phải yêu thương kẻ khác chung quanh như anh em của mình.

48)Ý muốn tiếp theo của Thiên Chúa là gì nữa? Xin lương thực hằng ngày: Thiên Chúa muốn tất cả mọi người trên trái đất, không được phân biệt màu da, sắc tộc, tiếng nói: đều có đủ cơm ăn áo mặc, cùng được hưởng những tiện nghi văn minh tối thiểu / chứ không phải chỉ có một số ít người nắm giữ toàn bộ của cải của cả thế giới / trong khi đại đa số còn lại chỉ được hưởng một phần quá nhỏ, trong hoàn cảnh lệ thuộc / Chúa không muốn thấy một thiểu số sống xa hoa lãng phí, trong khi đa số đồng loại còn lại thì thiếu nhà ở, cơm ăn, áo mặc, thuốc men, học hành / để họ phải đói khát, dốt nát, ăn mày, ăn xin, đầu đường xó chợ / Nói chung họ không có được điều kiện sống tối thiểu.

49)Ý muốn của Thiên Chúa tiếp theo là gì nữa? Là chúng ta phải tha thứ cho nhau / Vì chính bản thân của mỗi người cũng là những kẻ có tội cần được tha thứ / Xin tha cho con cũng như con phải tha cho anh em / Như vậy cầu nguyện là đồng hóa ý mình với ý muốn của Thiên Chúa.

50)Cầu xin bằng ý muốn vụ lợi là gì? Thế nhưng thường chúng ta chỉ thích cầu xin hơn là cầu nguyện để tạ ơn / Có những lời xin hết sức vụ lợi, ích kỷ / Xin cho con trúng số, xin cho con trúng mánh,… / Hoặc chúng ta chỉ chạy lại với Chúa khi chán nản, thất vọng / để than thở, để kể lể, bắt Chúa phải thông cảm những nỗi ấm ức của lòng mình / còn vô lý hơn khi chúng ta coi Chúa như vị thần tài, như một thủ kho để xin Ngài những nhu cầu / mà đúng ra với khả năng, với khối óc, với hai bàn tay, chúng ta dư sức gặt hái thành công nếu không làm sai ý Chúa / Nếu không tham lam, ích kỷ, độc ác, thì chúng ta dư sức làm được.

51)Nguyên do của sự thất bại là gì? Nhiều khi chúng ta muốn xin nhiều, nhưng chẳng chịu làm gì cả, hoặc chúng ta làm không đúng, nên chúng ta lãnh hậu quả tồi tệ là sự thất bại / Đôi khi chúng ta coi lời cầu xin như bùa chú, như phù phép của người mê tín dị đoan / hoặc khi có rồi thì bắt đầu gây áp bức, bất công, ích kỷ, tìm dịp phạm tội / Chính vì những kiểu sống sai lệch mà Tôn giáo bị mang tiếng là mê tín, là thuốc phiện ru ngủ  dân chúng.

 

TÓM Ý

1/Tại sao các Tông đồ xin Chúa dạy cách cầu nguyện ? Đã nhiều lần các ông thấy Chúa Giêsu trước khi làm việc gì thì Chúa cũng cầu nguyện. Các ông thấy cách cầu nguyện của Chúa thật đẹp, thật đáng tin, thật hiệu quả.

2/Kinh lạy Cha nói lên điều gì ? Đây là một kinh cao sâu, huyền bí. Các ông thấy kinh ấy thật quá nhiệm màu và thân thương khi ta kêu cầu cùng Thiên Chúa là Cha của mình. Còn gì có thể xúc động, dạt dào tình yêu hơn.

3/Tiếng Cha có nghĩa là gì ? Tiếng Cha có nghĩa là nguồn cội phát sinh ra mình, là vòng tay ôm ấp, nâng đỡ, chở che, là động lực thúc đẩy, là tiếng của biển trời yêu thương mời gọi mà không bút mực nào tả được.

4/Tại sao Thiên Chúa lại là Cha ? Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh hoàn toàn khác với hình ảnh một vị thần của những tôn giáo khác. Nó diễn tả một tình yêu thắm thiết mà Chúa Cha dành cho chúng ta. Chúng ta có thể cảm nhận được sự nũng nịu của một đứa trẻ khi ta cất lên tiếng gọi “Cha ơi”.

5/Chúa Giêsu dùng kinh lạy Cha để dạy thêm điều gì ? Lạy Cha chúng con…/ Có nghĩa là mọi người cùng là con một Cha, mọi người điều thuộc về gia đình Thiên Chúa. Cho nên mọi người là anh em, mà anh em thì phải đoàn kết, yêu thương cả trong lời cầu nguyện.

6/Tại sao lương thực không thiếu mà chúng ta cứ vẫn phải xin ? Tuy ta đang có đủ lương thực, nhưng anh em của chúng ta thì thiếu ăn, những nước nghèo ở Châu Á, Châu Phi, những bộ lạc vùng Amazon Nam Mỹ. Họ rất đói khát, khổ sở.

7/Tại sao chúng ta phải có trách nhiệm với người khác ? Bởi vì chúng ta cùng là anh em với họ nên chúng ta cũng phải có tình liên đới. Phải có trách nhiệm với anh em mình / giả dụ như chúng ta có 1 đứa em tật nguyền, yếu đuối, chúng ta phải ưu tiên săn sóc cho nó.

8/Vậy cầu nguyện là gì ? Là dẹp bỏ mọi công việc, mọi băn khoăn lo lắng để nâng tâm hồn lên thưa chuyện cùng Cha mình ,bằng cách thờ lạy và cảm tạ Ngài. Đồng thời cũng phải xin những ơn lành hồn xác khác. Nhưng muốn cầu nguyện cho đúng và được Chúa mau nhậm lời, chúng ta phải chu toàn bổn phận và sống thật tốt với anh em.

9/Tại sao ta phải cầu nguyện ? Cầu nguyện là tỏ rõ tâm tình của một đứa con với Cha mình, một tạo vật nhỏ bé với Đấng tạo thành. Không có Thiên Chúa thì cũng chẳng có ta. Hơn nữa mục đích sống ở đời tạm này là để mai sau ta được về sống cùng Cha mình. Chính vì thế chúng ta phải tôn vinh và yêu mến Cha mình ngay từ bây giờ.

10/Chúng ta nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa ở đâu ? Chúng ta hãy nhìn  vào vũ trụ, nhìn vào cảnh vật thiên nhiên, nhìn vào chính bản thân mình. Mọi sự đều do Thiên Chúa sắp xếp ,an bài một cách trật tự. Nếu nhìn thật kỹ vào mỗi tạo vật, chúng ta thấy các phép lạ đang xảy ra hằng giây, hằng phút mà trí óc con người không thể nào hiểu nổi.

11/Tại sao chúng ta phải ca tụng Thiên Chúa ? Tất cả thiên nhiên là một cuốn sách dày bất tận. Mỗi trang của nó đều cho chúng ta biết sự kỳ diệu và quyền năng của Thiên Chúa. Trí khôn của ta là thứ vô hình mà cũng do Thiên Chúa ban. Thế thì tại sao chúng ta chưa chịu ca tụng Thiên Chúa ?

12/Chúng ta phải ca tụng Thiên Chúa bằng cách nào ? Muốn cầu nguyện, muốn ca tụng Ngài nhưng chúng ta không biết bằng cách nào ? Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện theo những kinh quen thuộc mà Chúa Giêsu dạy hoặc do các thánh Giáo phụ đặt ra.

13/Chúng ta cần thưa với Chúa điều gì ? Chúng ta có Thiên Chúa là Cha, người vì yêu thương nên ban tặng mọi tiện nghi vật chất. Ngài luôn yêu thương săn sóc chúng ta, ban cho chúng ta có xác có hồn. Ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu qua nguồn ơn cứu độ của Chúa Giêsu / chúng ta chịu ơn rất nhiều nên phải luôn biết ơn Ngài và bày tỏ lòng tôn kính mến yêu đối với Ngài .

14/Định nghĩa về con người là gì ? Con người là một thụ tạo của Thiên Chúa, con người có hồn xác, có trí khôn. Biết tự làm ra dụng cụ để sử dụng. Biết sống quy tụ thành bộ lạc, làng ,xã để bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau. Biết cầu nguyện, biết lắng nghe và biết thực thi điều Thiên Chúa truyền dạy, sau cùng là biết cảm ơn và ca tụng Ngài.

15/Tâm tình nào ta phải có khi cầu nguyện ? Phải biết thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến và cầu xin. Biết thân phận mình yếu đuối mỏng manh để khiêm hạ cùng Chúa và xin ơn nâng đỡ.

16/Ý nghĩa của cơm bánh mà Chúa muốn nói là gì ? Bánh là lương thực cần dùng mỗi ngày. Bánh vật chất, bánh tinh thần, bánh Thánh thể, bánh sự sống, bánh bình an, bánh thứ tha mọi tội lỗi, bánh sức mạnh giúp ta khi té ngã thì biết đứng lên.

17/Chước cám dỗ là những thứ nào ? Cám dỗ lớn nhất là mê ăn uống, là ăn một mình, là khép lòng mình lại trước nỗi khốn khổ của anh em, là thứ bất trung, phản bội với Chúa, là thứ gian dối, ác độc chai lỳ với anh em.

18/Thái độ cầu nguyện phải như thế nào ? Thái độ quỳ xuống cầu xin là biết mình tội lỗi, yếu đuối, xấu xa, hèn hạ. Biết mình không làm được gì. Biết mình là thứ con cái vô tâm, chỉ biết cám ơn khi gặp may lành, nhưng bội bạc khi gặp điều trái ý.

19/Tại sao phải kiên trì khi cầu nguyện ? Tập gõ cửa bất cứ lúc nào, tập kiên trì khi cầu nguyện, tập tin tưởng gõ cửa thì Chúa sẽ mở / tập hiểu rằng :  Nếu Chúa không ban ơn này thì cũng sẽ ban ơn khác, tập xin trong khiêm tốn, tập nhận ơn với tình con hiếu thảo.

20/Tại sao phải có lòng quảng đại khi cầu nguyện ? Thông thường chúng ta thường cầu nguyện đi kèm với tính ích kỷ, Chúng ta thường xin cho vừa ý mình mà không chịu nghĩ đến Chúa. Chỉ xin điều vừa ý ta mà không thèm nghĩ đến nhu cầu của anh em, lúc trời nắng thì ta xin mưa, lúc trời mưa thì ta xin nắng. Vậy còn những anh em khác thì sao ? Cho dù là Thiên Chúa quyền năng thì Ngài cũng không thể chiều theo ý của mỗi người.

21/Tâm tình của kẻ chịu ơn thì phải như thế nào ?  Đừng vùng vằng khó chịu khi ta xin đã lâu mà Chúa chưa ban. Đừng quên đời mình đã được bao bọc với biết bao ân sủng. Có những ơn Chúa cương quyết không ban, có khi ta xin ơn này mà Chúa ban ơn khác. Cho nên chúng ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Nếu cứ như ý ta muốn thì với 7 tỷ người, chúng ta cần phải có 7 tỷ Thiên Chúa. Như vậy may ra mới có thể đáp ứng yêu cầu từng người.

22/Con người thường nghĩ gì về sự im lặng của Thiên Chúa ? Có nhiều người lý luận rằng : Vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng nên Ngài không thể vắng mặt, cũng không thể lặng thinh. Ngài phải tiêu diệt kẻ dữ, bênh đỡ kẻ lành. Nếu Ngài là người Cha yêu thương, Ngài không thể quay lưng lại với con cái. Sau đó họ kết luận bậy rằng : Vì không có Thiên Chúa nên thế giới mới đầy sự bất công.

23/Thiên Chúa vẫn thường gánh chịu điều gì ?  Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do chạy đến với Chúa để có được bình an hạnh phúc. Nếu xua đuổi Ngài thì thế giới sẽ loạn lạc. Moisen đưa hai tay lên cầu nguyện thì Israel chiến thắng. Ông mỏi quá, bỏ tay xuống thì Israel thua trận.

24/Bài học cuối cùng là gì ? Lấy bài học từ Satan, bài học từ tổ tiên chúng ta , không nghe lời Thiên Chúa mà chỉ muốn làm theo ý riêng. Vì thế Chúa bảo chúng ta hãy cầu nguyện như Moisen, như Chúa Giêsu, như Đức Mẹ, như các Thánh. Ai không cầu nguyện là mất linh hồn. Vậy Chúa muốn trước hết chúng ta phải cầu nguyện. Sau đó chúng ta phải sống đúng với lời cầu nguyện của mình -> Hãy làm vinh danh Chúa trước, mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho sau.

25/Vậy chúng ta phải sống thế nào ? Cầu nguyện là đặt trọn niềm tin vào Chúa, là mời Chúa vào nhà mình, mời Chúa làm chủ gia đình, thế giới của mình đang sống. Không cầu nguyện là xua đuổi Chúa ra. Kết quả là thế giới sẽ lầm than khốn khổ. Vì vậy ta cần phải chọn lựa.**R

 

Giuse Luca / CỘNG ĐOÀN KT EMMAUS

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1529
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  1263
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349753
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top