Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 21 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT  21 TN  C 

ĐỀ TÀI: AI SẼ ĐƯỢC CỨU RỖI?

 

Tung hô Tin Mừng:   Ga 14, 6

Haleluia. Haleluia. Chúa nói : Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 13, 22-30

Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? "Người bảo họ: 24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! 26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!

28 "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.  **R

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/Tình hình giáo hội hôm nay như thế nào ?

2/Trước tình hình bi đát này, chúng ta cần làm gì ?

3/Qua bài Tin Mừng, chúng ta thắc mắc điều gì ?

4/Tình trạng bi quan kia phát sinh ra điều gì ?

5/Chúng ta thường có nhãn quan không đúng như thế nào ?

6/Mưu mô của ác quỷ như thế nào ?

7/Một thái cực đối lập với bi quan là gì ?

8/Chúng ta cần có lập trường sống như thế nào ?

9/Chúng ta cần làm gì để nhận được ơn cứu rỗi  ?

10/Thiên đàng có gì khác với hoả ngục ?

11/Phấn đấu là gì ?

12/Cửa hẹp là gì ?

13/Phấn đấu đời thường và phấn đấu vào Nước Trời có gì khác nhau ?

14/Chúa dạy ta phấn đấu thế nào ?

15/Tại sao lại đi phấn đấu ngược đời ?

16/Tiêu chuẩn nào làm nên kích cỡ của cửa hẹp ?

17/Muốn vào Nước Trời, ta cần đi bằng con đường nào ?

18/Cửa thiên đàng có hẹp không ?

19/Cái tôi là gì ?

20/Làm sao để đạt được cái tôi của trẻ thơ ?

21/Người Do Thái có thói quen nào ?

22/Chúa Giêsu sẽ nói gì với chúng ta ?

23/Đời sống Ki-tô hữu là gì ?

24/Tại sao chúng ta cần nỗ lực ?

 

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: AI ĐƯỢC CỨU RỖI ?

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Chúng ta có cảm nghĩ gì khi nhìn vào bản thống kê tình hình tôn giáo? Khi nhìn vào bản thống kê, nhiều người không khỏi bi quan: số giáo dân đi tham dự Thánh Lễ quá ít, số ơn gọi Linh mục tu sĩ giảm sút / Nhiều cơ sở tôn giáo trên thế giới phải bán đi hoặc cho mướn để người ta sử dụng vào việc khác / Nhiều người có cảm nghĩ: sẽ có lúc đức tin sẽ không còn tồn tại trong đời sống ô trọc này.

2/Trước tình hình này, chúng ta phải làm gì ? Đừng quá bi quan, bởi vì việc cứu độ nhân loại này là việc của Chúa / Trái lại hãy tự lo cho mình và luôn vững tin vào Chúa / Việc ai người ấy tự lo, việc của Chúa, hãy để Chúa lo .

3/Khi đọc bài Tin Mừng này, người ta thắc mắc điều gì ? Phải chăng chỉ có một số ít người được cứu? Chính Chúa Giêsu đã không trả lời là nhiều hay ít / Chúa chỉ nói: hãy cố gắng vào qua cửa hẹp / hãy lo đúng cái lo của mình / đừng lo ít hay nhiều / hãy lo cứu mình trước đi ! Đó mới chính là điều đáng lo.

4/Tình trạng bi quan sẽ phát sinh ra mấy thái cực ? Có hai thái cực / nhóm người thứ nhất cho rằng: trước mắt họ là một Thiên Chúa nghiêm khắc, luôn rình rập để bắt lỗi / rồi sẵn sàng tống những kẻ có tội xuống hỏa ngục / một ví dụ của một nhà giảng thuyết: cứ thọt tay vào 1 hủ gạo, tay hốt được bao nhiêu, đó chính là số người được cứu / Nếu theo như cái đà này thì có lẽ 99% nhân loại sẽ rớt hỏa ngục! (chỉ có Đức Mẹ và tên trộm lành là chắc chắn được lên Thiên đàng).

5/Đường lên Thiên đàng theo nhãn quan chung: Trong những bức tranh lúc chúng ta học giáo lý khi còn bé: thì lối vào Thiên đàng luôn được vẽ cách nhỏ hẹp và nhiều chông gai, ít có người dám lai vãng nên vắng vẻ và buồn tênh / trong khi đường xuống Hỏa ngục thì rộng thênh thang vui sướng, có quá nhiều người chen lấn, vừa đi vừa ăn uống, cười nói, ca hát, hôn hít nhau.

6/Nhìn vào các bức tranh này, các bạn trẻ sẽ nghĩ gì ? Tới đâu hay tới đó, hạ hồi phân giải, từ từ hãy tính / hãy làm người trộm lành / còn lâu ta mới chết / hãy hưởng thụ đã / không việc gì phải vội / trời kêu ai nấy dạ / đời còn quá dài.

7/Thái cực của nhóm người thứ hai là gì ? Họ bảo Thiên Chúa luôn nhân từ và hay thương xót/ Thiên Chúa mà không yêu thương thì không phải là Thiên Chúa / Chắc chắn Ngài sẽ không để cho bất kỳ ai phải xuống Hỏa ngục / Trái lại, Ngài sẽ cứu chuộc tất cả / Ngài là Đấng giàu tình thương nên sẽ không để cho con cái Ngài phải hư mất / Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài sẽ không để cho chương trình cứu độ của Ngài phải thất bại.

8/Cả hai lập trường nêu trên đúng hay sai ? Cả hai lập trường này đều sai, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, có lý trí, có tự do, có tình yêu, có bổn phận, có trách nhiệm về những việc mình đã làm, chứ không như hình nộm, múa may quay cuồng tùy theo sự giật dây hay đã được sắp đặt trước.

9/Chương trình cứu rỗi của Chúa giúp chúng ta nhận ra điều gì ? Chúa để chúng ta được tự do, con người có khả năng vận dụng những thứ mình có để cộng tác với ơn Chúa, để thực hiện ơn cứu rỗi cho mình / Khi thực hành điều này cũng chính là lúc con người thực hành theo lời Chúa dạy, để bước qua khung cửa hẹp mà vào Nước Trời / Khi chúng ta không chọn Chúa, không muốn làm theo điều Chúa dạy, đó chính là lúc chúng ta tự kết án chính mình.

10/Thiên đàng, Hỏa ngục là nơi nào ? Thiên đàng là nơi ta có đời sống trường cửu hạnh phúc bên Chúa / Hỏa ngục là nơi ta phải xa lìa Thiên Chúa và sống khốn nạn mãi mãi.

11/Phấn đấu là gì ? Là cố gắng hết sức để đạt được điều mình mong ước / Nhìn vào mùa thi đại học, nhiều em bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần nhẹ vì quá lo âu / Lý do là các em phải học nhiều, cố gắng hết sức để vào được đại học / Đại học cũng chính là khung cửa hẹp / số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng / chỉ có học sinh nào hết sức phấn đấu mới vào được.

12/Cửa hẹp là gì? Các thí sinh chen chúc nhau trước các cổng trường đại học / Khi đọc qua bài Phúc Âm, chúng ta cũng có cảm nghĩ tương tự: ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp / Nước Trời rộng mênh mông, nhưng cửa vào thì chật hẹp / Nước Trời muốn đón tiếp mọi người / nhưng không phải ai muốn vào cũng được vào đâu, bởi vì muốn vào Nước Trời phải có điều kiện / Cửa Nước Trời chỉ tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp / Cho nên ai muốn vào thì phải phấn đấu hết sức  .

13/Phấn đấu ở đời thường và phấn đấu vì Nước Trời có gì khác nhau ? Ở đời thường người ta phấn đấu để vươn lên, người ở địa vị thấp phấn đấu để có địa vị cao / Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng / Người phục vụ phấn đấu để người khác phục vụ mình >< nhưng trong Nước Trời thì xảy ra điều ngược lại: Phải phấn đấu để đi xuống / Phấn đấu để tìm chỗ thấp nhất / phấn đấu để phục vụ anh em .

14/Chúa dạy chúng ta phải phấn đấu ra sao ? Chúa Giêsu dạy: ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên (Lc 14, 11) / Khi anh được mời dự tiệc, hãy ngồi vào chỗ cuối (Lc 14, 10) / Ai lớn nhất phải làm người nhỏ nhất / ai làm đầu, phải làm tôi (Lc 22, 26) / Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào (Mc 10, 15).  **R

 

Bài 2: CÁCH ĐI QUA CỬA HẸP

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng:

1/Tại sao phải phấn đấu ngược đời ? Thông thường người đời phấn đấu để được giàu hơn , ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn / Ai có ruộng vườn nhỏ, phấn đấu để ruộng vườn lớn hơn, rộng thêm ra / Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải, nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn / Trái lại, muốn vào Nước Chúa, phải phấn đấu để trở nên nhỏ bé hơn, phải phấn đấu để trở nên nghèo hơn / Phấn đấu để bỏ bớt của cải / Hãy bán bớt của cải mà bố thí cho kẻ khó / Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó (Mt 5, 3).

2/Kích thước cửa hẹp, theo như kích thước nào ? Cửa này đương nhiên thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu / Là Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện trở nên người phàm / Từ chốn trời cao, Người đã tự nguyện ở nơi đất thấp / là Thầy, Người đã tự nguyện trở thành người phục vụ / Ngài vô cùng thánh thiện nhưng chịu để cho người ta đối xử như một đại tội phạm / Ngài đã bị vùi dập xuống tận bùn đen / Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên nhỏ bé, sinh ra nghèo, sống nghèo, chết nghèo /Người bị lột hết cả áo quần lẫn danh dự.

3/Muốn vào Nước Trời, chúng ta phải đi con đường nào ? Chúng ta chẳng còn con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi / Chẳng còn cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã bước qua.

4/Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải làm gì? Ai muốn đi qua lối đó, phải noi gương Chúa phấn đấu hạ mình khiêm tốn, từ bỏ hết những cái tôi cồng kềnh, ích kỷ, mới qua được cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

5/Có mấy loại cửa hẹp? Thật ra cuộc đời chúng ta gồm nhiều cửa hẹp: Cửa hẹp khi thi đại học, cửa hẹp khi xin việc làm, cửa hẹp khi muốn đá banh vào gôn , cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều / Cửa càng hẹp mà vào được mới quý.

6/Cửa Thiên đàng có hẹp không ? Đương nhiên Thiên đàng phải có cửa / Cửa Thiên đàng chẳng thể rộng thênh thang cho ta đi dạo chơi / Bởi vì Chúa nói: hãy chiến đấu để qua cửa hẹp (Lc 13, 24) / Cửa hẹp dẫn đến sự sống (Mt 7, 14) / Chiến đấu là cuộc chiến với chính mình, là loại bỏ cái tôi cồng kềnh, nặng nề vì chỉ lo vun vén cho cá nhân / phình to vì tự hào, vì tham danh vọng.

7/Cái tôi là gì ? Là cái tính tự ái / là cái tính không muốn mình thua bất cứ ai / cửa vào thì không hẹp, nhưng cái tôi thì to quá / cần nổ lực để giữ cho cái tôi luôn nhỏ lại, cởi mở trước anh em, khiêm hạ trước Thiên Chúa / Mọi người cần có cái tôi của trẻ thơ mới vào được Nước Trời (Mt 18, 3). (các lực sĩ phải ép đúng hạng cân mới được vào thi đấu )

8/Ta phải làm gì để có cái tôi của trẻ thơ ? Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng, nhờ thu tích nơi mình nhiều kiến thức, nhiều tiền, nhiều khả năng, nhiều kinh nghiệm / Tuổi tác cao, chức vụ lớn, ra vẻ đạo đức nhiều cũng làm cho cái tôi bị xơ cứng và khép kín / Để cho người lớn có cái tôi của trẻ thơ, chúng ta phải biết biến đổi và tự hạ (Mt, 18, 3-4) / Đây là một cuộc chiến với chính mình / phải hủy mình ra không mới có thể đi qua cửa hẹp.

9/Tại sao người Do Thái quá ỷ - y ? Họ luôn tự hào mình là dân tộc được tuyển chọn, dân tộc được Thiên Chúa hứa với các Tổ phụ / Họ là Dân Riêng, họ luôn tưởng mình lúc nào cũng có chỗ nơi bàn tiệc, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu, nhiều lần được nghe lời Người giảng dạy / cho nên khi họ đến chậm, khi cửa đã đóng / họ cố gõ cửa và đòi vào / Tiếc thay quan niệm ỷ lại và hời hợt việc bổn phận đó, đã khiến Chúa Giêsu phải lên tiếng: “Ta không biết các ngươi từ đâu đến.”.

10/Chúa Giêsu có thể nói gì với chúng ta ? Chúa vẫn có thể nói với chúng ta như vậy / Cho dù chúng ta luôn đi dự lễ, rước lễ / luôn nghe giảng tĩnh tâm, nghe giảng hàng ngày / Chúa vẫn không thể quen biết chúng ta / bởi chúng ta đã không để cho Chúa đi vào đời mình / Chúng ta vẫn chỉ là những người xa lạ trước con mắt của Chúa !

11/Đời sống Kitô hữu là gì ? Là cố gắng lội dòng nước ngược, là một cuộc chiến đấu liên tục/ Chiến đấu để vào qua cửa hẹp / nhờ vào việc loại bỏ cái tôi kiêu căng, ích kỷ / là một sự cố gắng hết sức để vào trước khi cánh cửa ấy đóng lại vĩnh viễn.

12/Tại sao chúng ta cần nổ lực ? Ơn cứu độ là một ơn trọng Chúa ban / chúng ta cần phải nổ lực để đưa hai tay ra đón nhận / chúng ta phải tự hào là những người biết Chúa / nhưng phải sống làm sao để Chúa cũng biết chúng ta và reo lên: “Đây là đầy tớ tốt lành và trung tín của Ta”.

Câu hỏi: Sống làm một Kitô hữu xứng đáng, dễ hay khó ? Chúng ta có thực hiện nổi không ? Mỗi người hãy thật tâm trả lời.     **R

 

Bài 3: THIÊN CHÚA LÀ VỊ CHA CHUNG

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Bản tính cố hữu của con người là gì ? Con người vốn có tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình, làng xóm, dân tộc hay quốc gia của mình và coi người ngoài như những kẻ xa lạ , thậm chí là kẻ thù .

2/Bản tính của những vị thần làng ra sao ? Mỗi làng có một vị thần riêng, mỗi quốc gia cũng có vị thần riêng / Thần của làng nào thì che chở cho dân làng ấy / Mỗi khi tranh chấp đất đai hay quyền lợi nào khác, người ta thường kêu cầu vị thần của làng mình ra tay đánh bại kẻ thù và cả thần linh của chúng / Khi loài người đánh nhau thì thần thánh cũng phải đánh nhau, các vị thần thánh cũng ích kỷ không kém !

3/Quan niệm của người Do Thái về thần thánh ra sao ? Dân Do Thái cũng không tránh khỏi quan niệm hẹp hòi và sai lầm ấy / Khởi đầu, Đức Yaveh đối với họ cũng chỉ là vị Thần riêng của họ / cũng như thần Ba-al của người Cana-an.

4/Nhờ đâu dân Do Thái khôn ra ? Phải trải qua nhiều thời đại, học qua nhiều kinh nghiệm, họ mới hiểu rằng: Yaveh Thiên Chúa không phải là một vị Thần trong số những vị thần khác của loài người, không phải là một Chúa giữa các chúa khác / Trái lại, Ngài là Thiên Chúa độc nhất, vì ngoài Ngài ra, không có một vị thần hay chúa nào khác có quyền năng như vậy !

5/Ngẫu tượng là gì ? Tất cả các vị thần, các chúa đó chỉ là ngẫu tượng, chỉ là những đồ vật do tay con người phàm làm ra => có mắt, có miệng, không nhìn, không nói / Có mũi, có tai  không ngửi, không nghe, có tay mà không sờ, không mó, có chân mà không bước, không đi, từ cổ họng không thốt lên được một tiếng.

6/Người Do Thái ý thức về Thiên Chúa độc nhất như thế nào? Từ chỗ Thiên Chúa độc nhất, phát sinh ra một tư tưởng sai lầm => và vô cùng tai hại, họ nghĩ Thiên Chúa độc nhất đó là Thiên Chúa của riêng họ / hay nói cách khác: họ có độc quyền chiếm giữ Thiên Chúa, bắt Ngài phải về phe với họ / Ngài có bổn phận phải che chở họ, giáng phúc cho riêng họ, do đó, Ngài luôn luôn phải chống lại các kẻ thù của họ, chống lại dân ngoại.

7/Thiên Chúa muốn mạc khải điều gì ? Để chuẩn bị cho dân Do Thái biết Ngài là Thiên Chúa của muôn nước, là Cha của mọi dân / và nhất là chuẩn bị cho họ đón nhận Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại / Thiên Chúa đã dùng đến những bài học cay đắng, khi thì bị mất nước, lúc thì phải chịu cảnh lưu đày, sống thân phận tôi đòi giữa những kẻ mà họ không bao giờ nghĩ rằng đó cũng là dân của Chúa / Nhưng cũng chính nhờ đó mà họ có được một quan niệm về Thiên Chúa phổ quát, là vị Thiên Chúa của mọi dân mọi nước.

8/Đức Kitô đã làm gì qua cái chết Thập giá ? Đức Kitô đã thực hiện nhiệm vụ của mình cách trọn vẹn qua cái chết Thập giá / Ngài đã ký kết một giao ước mới và tụ tập mọi dân mọi nước về cùng Thiên Chúa / Ý tưởng này đã được Ngài diễn tả qua hình ảnh tiệc cưới, trong đó khách mời không phải chỉ riêng người Do Thái, mà còn là tất cả mọi người từ khắp các ngã đường trên trần gian.

9/Muốn trở thành Dân Chúa đích thực, ta cần phải làm gì  ? Nhiều người cứ cho rằng: bất cứ ai đã chịu phép Rửa Tội, có tên trong sổ của Giáo xứ, là chúng ta đương nhiên trở thành Dân Chúa / Điều quan trọng mà Chúa đòi hỏi là: mỗi người chúng ta phải có một chiếc áo cưới, tức là tâm hồn sạch tội, đã được tẩy trừ vết nhơ tội lỗi, đã cố gắng uốn nắn lại những khuyết điểm của mình , đã có lòng ăn năn sám hối !

10/Loại tín hữu nào là hữu danh vô thực? Là loại người nghe mà không giữ, nói mà không làm, có đạo nhưng không sống đạo / chỉ giữ đạo bề ngoài / Đó chỉ là Kitô hữu dõm, hữu danh vô thực mà thôi !

11/Nghĩa đen của bài Phúc Âm hôm nay là gì ? Chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh tiêu cực nên dễ sinh nản chí: cửa hẹp, nhiều người không qua được, nhiều người bị khai trừ khỏi Nước Trời / Trong bài giảng trên núi, Chúa từng đề cập đến người Cha rất nhân lành, đầy tình âu yếm, tại sao ở đây Chúa sử dụng toàn những lời lẽ nghiêm khắc ?

12/Phúc Âm có gì mâu thuẫn nhau ? Phúc Âm là một pho sách nhất quán, cấu trúc rất mạch lạc, chặt chẽ, đoạn này soi sáng cho đoạn kia nên không thể nào có tư tưởng mâu thuẫn nhau được /Chúng ta không thể coi tính cách âu yếm của Thiên Chúa là một thái độ nhu nhược, không nên giải thích sự đòi hỏi gắt gao của Ngài như một thái độ nghiêm khắc / Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta sự cần thiết phải sống từ bỏ và phải thi hành bổn phận theo đúng những gì Thiên Chúa đã truyền dạy / Cửa hẹp là một khuôn khổ mà triệu người như một đều phải chịu rập khuôn theo tiêu chuẩn, nếu muốn mình có thể vượt qua / Cửa hẹp như một bộ lọc điện tử, một cổng điện tử / những sóng điện khác kiểu đều phải bị loại bỏ một cách chính xác.   **R

 

Bài 4: SỰ LỰA CHỌN TỐT NHẤT

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Tại sao nhiều người không lọt qua được cửa hẹp ? Không lọt được qua cửa hẹp là vì họ không muốn từ bỏ những hành trang bề bộn / Về mặt tri thức, họ khư khư bảo vệ thành kiến của mình / về mặt luân lý, họ không từ bỏ những thói quen ích kỷ, thái độ tự cao, tự đại.

2/Chúng ta hiểu sao về mặt vật chất ? Về mặt vật chất, họ muốn giữ những món lợi nhuận dù có gây bất công, những hưởng thụ của xác thịt / Đa số họ không muốn từ bỏ những thứ cồng kềnh đó, nhưng vẫn muốn xưng mình là Kitô hữu, muốn vượt qua cánh cửa giáo lý Phúc Âm, tuy nhiên dưới con mắt của Thiên Chúa,  họ không qua được !

3/Có khi nào niềm cậy trông của mình bị dập tắt ? Bởi vì nhiều người cho rằng Thiên Chúa nghiêm khắc cho nên đôi khi niềm cậy trông của mình có nguy cơ bị dập tắt / Nhưng Thiên Chúa luôn luôn muốn giúp đỡ kẻ có thiện chí / Nếu ngay bây giờ chúng ta chưa làm được, chưa vượt qua cửa hẹp được thì chính Ngài sẽ giúp chúng ta !

4/Thiên Chúa có bao giờ từ chối giúp đỡ kẻ có thiện chí không ? Nếu một sớm một chiều chúng ta chưa thể loại bỏ những thứ cồng kềnh, lỉnh kỉnh nói trên / nếu ngay tức khắc chúng ta chưa thể tuân giữ những điều Chúa dạy trong Phúc Âm / Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng vượt qua, từ bỏ những thứ mà bình thường với sức riêng không ai có thể từ bỏ được !

5/Chúng ta có dám tự hào mình là môn đệ chân chính của Chúa không ? Có một số dám tự hào mình là môn đệ, nhưng thật ra Chúa Kitô chưa nhận họ, bởi vì họ muốn uốn nắn ý nghĩa của Phúc Âm theo ý riêng mình / Ngày nay không thiếu những kẻ giả mạo Phúc Âm, những kẻ xuyên tạc lời Chúa phán , để rồi đưa ra một mớ triết lý, những quyền lợi, những chọn lựa theo lập trường thế tục của họ / Thay vì phải sống theo tư tưởng Phúc Âm, thì họ lại suy ra theo tầm cỡ và tư tưởng thích hợp với đường lối họ đang sống .

6/Hậu quả của lối sống sai lạc Phúc Âm ra sao ? Chính vì sống sai lạc, nên Chúa đã từ chối họ, đã bỏ mặc họ, Chúa bỏ đi, Chúa khóa cửa rồi /Chúa đã để mặc cho họ sống với thế gian của họ / Bởi vì họ không đón nhận Phúc Âm chân truyền bằng một tinh thần tôn trọng sự thật / Một ví dụ, người ta muốn đem Đức Kitô vào trong hoạt động chính trị, để làm hậu thuẫn cho một đảng phái nào đó / và hoạt động đảng phái đó đã làm cho Phúc Âm mất đi ý nghĩa chân truyền / Chính vì xu hướng này mà Đức Kitô đã đóng cửa lại / Lời Chúa luôn mở ra cho mọi đường lối, nhưng Chúa sẽ đóng lại, không tiếp nhận và không sống chung với môi trường giả dối.

7/Muốn vào được Nước Trời có khó không ? Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”, lời cảnh báo này có khiến chúng ta bối rối, sau đó Ngài nói tiếp: “Sẽ có những người từ đông sang tây, từ nam chí bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” / Hôm nay lời Tiên tri Isaia cũng nói về điều này / Sẽ có nhiều dân tộc trong vương quốc của Thiên Chúa, vậy họ vào bằng cách nào ?

8/Giải thích ý nghĩa cửa hẹp bằng một ví dụ trên sa lộ siêu tốc: Ở trên sa lộ siêu tốc, khi có một tai nạn xảy ra, nếu sa lộ có 4 len (lane) đường, cảnh sát sẽ đóng 3 len đường lại, chỉ còn cho xe chạy trên một len đường / tất cả mọi phương tiện đều phải giảm tốc độ và lần lượt chạy qua cái chốt hẹp đó / Mọi xe đều phải chạy chậm chậm xếp hàng đi qua cái len duy nhất đó / Tài xế có thể ồn ào, chửi tục, giận dữ, nhưng nếu muốn đi qua, họ đều phải tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát / Tội lỗi cũng giống như tai nạn trên sa lộ vì nó là nguyên nhân của mọi thứ phiền phức !

9/Thâm ý của cánh cửa hẹp là gì ? Cửa hẹp không phải là một cảnh mời mọc, nhưng là một chọn lựa bắt buộc cho những ai muốn sống hạnh phúc vĩnh cửu / Cửa hẹp thật sự chỉ có một người có thể đi qua được, con người duy nhất đó là chính Chúa Giêsu / Khi Ngài muốn vào Thiên đàng, Ngài phải đi vào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, là sự chết và sống lại của Người / Chúng ta ai cũng cần làm điều đó, chúng ta phải tự buộc mình đi qua cửa đó, để bảo đảm rằng chúng ta phải hiệp nhất với Chúa Kitô, phải ở trong thân mình Mầu Nhiệm là Giáo Hội mới đi qua cửa hẹp đó được.

10/Chúng ta cần chứng minh gì với chủ nhà trước khi vào ? Đừng để câu từ chối của Chúa ám ảnh chúng ta: “Hãy xéo đi hỡi những phường bị chúc dữ” / Đây quả là điều đáng buồn bởi vì chúng ta đã ăn uống trước sự hiện diện của Chúa trong Thánh Lễ, chúng ta đã thông dự vào Thân Mình và Máu Ngài / Nhưng nếu chúng ta chỉ tham dự cách thụ động / lãnh nhận Thánh Thể mà không có chút lòng sốt sắng thì làm sao Chúa Giêsu có thể biến đổi chúng ta thành những giá trị thiêng liêng được ? Chúng ta phải sống như một công dân trung thành, hợp nhất với Chúa Kitô trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người là Giáo Hội / Đó là phương cách bảo đảm chúng ta có thể đi qua cái ồn ào chán nản của thế gian này mà vào nơi vương quốc của sự sống vĩnh cửu.     **R

 

TÓM Ý

1/Tình hình giáo hội hôm nay như thế nào ? Khi nhìn vào bảng thống kê, những người có chút quan tâm đến đạo Chúa không khỏi bi quan: Số giáo dân đi lễ quá ít, Ơn gọi linh mục tu sĩ càng ít hơn. Ở Âu Châu ,các cơ sở tôn giáo phải bán bớt đi. Tình hình đạo Chúa khó phát triển giống như cây có lá sum sê mà không thể cho trái.

2/Trước tình hình bi đát này, chúng ta cần làm gì ? Việc của Chúa hãy để cho Chúa lo. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa nói -> Hạt giống âm thầm, nắm men cũng âm thầm nhưng rất mạnh mẽ. Bổn phận chúng ta là phải cầu nguyện và sống gương mẫu.

3/Qua bài Tin Mừng, chúng ta thắc mắc điều gì ? Nhiều người thường lo lắng về số người được cứu nhiều hay ít. Nhưng Chúa bảo hãy cố gắng vào qua cửa hẹp. Hãy lo tự cứu mình trước đi.

4/Tình trạng bi quan kia phát sinh ra điều gì ? Người ta cho rằng : Chúng ta có một Thiên Chúa quá nghiêm khắc. Chỉ đợi chờ khi thấy ai đó phạm tội , Ngài liền tống vào hoả ngục. Cho nên số người được cứu sẽ ít. Nhưng nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức riêng thì chẳng có ai được cứu cả, nhưng sẽ khác đi nếu chúng ta biết cậy dựa vào lòng thương xót Chúa.

5/Chúng ta thường có nhãn quan không đúng như thế nào ? Khi nhỏ chúng ta vẫn học giáo lý và được biết rằng: Đường vào thiên đàng thì chật hẹp, khó khăn và buồn tẻ nên sẽ có ít người đi. Còn đường vào hoả ngục thì thênh thang, vui vẻ. Ai cũng vừa đi vừa ca hát, vừa đùa vui nên sẽ có đông người. Đây là cách loài người suy nghĩ và họ cũng tưởng rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều mà trí óc tối tăm nhỏ bé của con người nghĩ ra !

6/Mưu mô của ác quỷ như thế nào ? Nó cứ bảo: Đời mình còn dài, từ từ hãy tính, tới đâu hay tới đó. Ai cũng thích làm người trộm lành, còn lâu ta mới chết, trời kêu ai nấy dạ. Nhiều người đã sai lầm khi tin vào điều này.

7/Một thái cực đối lập với bi quan là gì ? Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài nhân từ và rộng lòng thương xót. Ngài muốn kẻ có tội ăn năn để không phải chết. Ngài chỉ xét xử tội nhân ở vào lúc cuối đời. Ngài không muốn ai phải sa hoả ngục, Thiên Chúa cũng không muốn cho chương trình cứu độ của Ngài phải thất bại.

8/Chúng ta cần có lập trường sống như thế nào ? Thiên Chúa cứu chúng ta vì Ngài thương, Ngài tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài ban cho chúng ta có sự tự do, có tình yêu, có bổn phận. Mình tự làm, mình tự chịu. Không phải như cỗ máy do người khác điều khiển hay như hình nộm bị giật dây.

9/Chúng ta cần làm gì để nhận được ơn cứu rỗi  ? Chúa ban cho ta sự tự do, ban cho ta một số khả năng. Chúng ta có thể dùng những khả năng sẵn có để cộng tác với ơn Chúa ,để lãnh nhận ơn cứu rỗi. Khi làm như vậy là chúng ta đã thực thi đúng với lời Chúa dạy. Đó là cách chúng ta đi vào cửa hẹp, thực thi ý Chúa chứ không phải ý mình.

10/Thiên đàng có gì khác với hoả ngục ? Nơi nào có Chúa, nơi ấy là thiên đàng, nơi nào không có Chúa thì nơi đó khốn nạn / vì chúng ta không được ở gần Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc và sự sống vĩnh cửu.

11/Phấn đấu là gì ? Là cố gắng hết sức để đạt điều mình mong ước như là thi Đại học. Thi đấu ở Olympic quốc tế. Đây cũng chính là những khung cửa hẹp.

12/Cửa hẹp là gì ? Ai muốn vào Nước Trời thì phải phấn đấu đi vào cửa hẹp. Cửa hẹp không cho phép chúng ta mang vác cồng kềnh. Muốn vào Nước Trời chúng ta cần tuân thủ các điều kiện. Cho nên ai muốn vào nơi đó thì phải hết sức cố gắng.

13/Phấn đấu đời thường và phấn đấu vào Nước Trời có gì khác nhau ? Ở đời thường, người ta phấn đấu từ địa vị thấp lên địa vị cao. Người hèn kém muốn phấn đấu để được trọng vọng, và muốn người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì mọi việc sẽ xảy ra theo chiều ngược lại -> Phấn đấu tìm chỗ thấp, phấn đấu để phục vụ anh em.

14/Chúa dạy ta phấn đấu thế nào ? Chúa bảo ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, đi dự tiệc hãy tìm chỗ cuối, ai muốn làm lớn thì phải làm tôi. Ai muốn vào Nước Trời thì phải trở nên trẻ nhỏ.

15/Tại sao lại đi phấn đấu ngược đời ? Chúa bảo: Ai có nhiều của cải thì hãy cho đi, ai có nhiều đặc quyền thì phải đi phục vụ, ai muốn vào Nước Trời thì phải trở nên nhỏ bé, ai giàu có thì phải trở thành nghèo hơn / hãy bán bớt, hãy từ bỏ, hãy bố thí vì Chúa nói -> Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó.

16/Tiêu chuẩn nào làm nên kích cỡ của cửa hẹp ? Ta phải theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu. Đang ở trên trời cao thì phải xuống đất thấp, là Thiên Chúa nhưng lại muốn làm người phàm. Là Thầy thiên hạ lại muốn trở thành tôi tớ, đang là Đấng thánh lại muốn trở thành tội phạm. Từ Đấng quyền năng lại muốn trở nên nhỏ bé, nghèo hèn, đang là được mọi người tung hô vạn tuế thì lại muốn chịu trần truồng để mất hết danh dự.

17/Muốn vào Nước Trời, ta cần đi bằng con đường nào ? Ta phải đi bằng con đường thập giá, con đường qua cửa hẹp, phải khiêm tốn, phải từ bỏ, phải phục vụ, cửa càng hẹp, ta cần phải cố gắng nhiều hơn.

18/Cửa thiên đàng có hẹp không ? Thiên đàng cũng có cửa, mà là cửa hẹp, chỉ có cửa hẹp mới dẫn đến sự sống đời đời. Vì thế, phải loại bỏ mọi tham vọng cá nhân. Nếu thân xác ta phình to là do ta có quá nhiều tham vọng.

19/Cái tôi là gì ? Cái tôi là cái tự ái, không muốn mình thua bất cứ ai, cửa thì không hẹp nhưng do cái tôi to quá, hãy thu nhỏ cái tôi lại, hãy khiêm tốn trước Chúa , trước anh em, Cũng giống như lực sĩ phải ép đúng hạng cân mới được thi đấu.

20/Làm sao để đạt được cái tôi của trẻ thơ ? Chúng ta luôn muốn bành trướng cái tôi. Muốn thu tích cho nhiều kiến thức, nhiều tiền, nhiều khả năng, nhiều kinh nghiệm sống. Tuổi tác cao lại muốn có chức vị lớn. Muốn làm ra vẻ đạo đức, vì vậy Chúa bảo hãy huỷ mình ra không thì mới qua được cửa hẹp.

21/Người Do Thái có thói quen nào ? Họ luôn ỷ y, họ tự hào mình là dân tộc được tuyển chọn. Dân tộc đã được Thiên Chúa hứa. Họ tưởng họ chắc ăn vì đã có chỗ sẵn trên Nước Trời. Họ cho rằng họ được đồng bàn với Chúa Chúa Giêsu. Vì họ ỷ lại nên lúc nào cũng tà tà, chậm trễ. Thế nhưng nếu cửa đã đóng rồi thì tiếc thật.

22/Chúa Giêsu sẽ nói gì với chúng ta ? Cho dù chúng ta luôn đi lễ, đọc kinh, nghe giảng mỗi ngày, nhưng nếu chúng ta không sống lời Chúa thì chúng ta cũng chỉ là những người xa lạ.

23/Đời sống Ki-tô hữu là gì ? Đi theo Chúa là ta đi lội ngược dòng, là một cuộc chiến liên tục. Để bước qua cửa hẹp phải mau loại bỏ thói kiêu căng, ích kỷ, ác độc trước khi cánh cửa ấy khép lại vĩnh viễn.

24/Tại sao chúng ta cần nỗ lực ?Ơn rất quan trọng là ơn cứu độ mà Chúa thương ban. Chúng ta cần nỗ lực đón nhận, chúng ta thường tự hào là mình biết Chúa, nhưng quan trọng là Chúa có biết chúng ta hay không, ta phải sống làm sao để Chúa đón nhận ta ?     **R

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1419
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  1541
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11415164
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top