Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 23 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT  23 TN / C 

ĐỀ TÀI:  ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC KI-TO

*THEO CHÚA LÀ PHẢI TỪ BỎ ,PHẢI CHỌN LỰA.

 

Tung hô Tin Mừng:   Tv 118,135

Haleluia. Haleluia. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy bề tôi  . Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 14, 25-33

Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: 30 "Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/Chúa Giêsu đã bảo gì qua đoạn Tin Mừng ?

2/Thập giá nào là của mình ?

3/Thái độ vác thập giá phải như thế nào ?

4/Cuộc đời của mỗi con người là gì ?

5/Quỹ đạo của con người là gì ?

6/Chu toàn bổn phận là vui hay buồn ?

7/Đường thập giá dẫn ta đi tới đâu ?

8/Làm môn đệ cho Chúa là làm những gì ?

9/Tại sao ta phải suy tính kỹ ?

10/Làm môn đệ Chúa phải thực tế như thế nào ?

11/Muốn có được Chúa chúng ta phải sống như thế nào ?

12/Chúa Giêsu đã sống từ bỏ như thế nào ?

13/Điều từ bỏ nào khốc liệt nhất ?

14/Nhờ đâu Chúa Giêsu hoàn thành sứ mạng ?

15/Từ bỏ là gì ?

16/Tại sao từ bỏ lại gây thua thiệt ?

17/Con người thường thích chọn điều gì ?

18/Khi chọn làm môn đệ Chúa, ta sẽ được gì ?

19/Từ bỏ có dễ không ?

20/Từ bỏ diễn tả điều gì ?

21/Chúa muốn chúng ta từ bỏ điều gì ?

22/Chọn là gì ?

23/Từ bỏ sao lại gây đau đớn ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1)Hôm nay chúng ta nghe Chúa bảo điều gì qua đoạn Tin Mừng ? Chúa Giêsu bảo: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” / Điều Chúa muốn nói là mỗi người hãy ngồi lại, để nhận rõ đâu là thập giá của mình, để mà vác đi theo Chúa / để không còn than thân trách phận / để không còn trốn chạy hay bỏ cuộc!

2)Thập giá nào là thập giá của mình ? Nghe nói thế, chúng ta cứ tưởng một điều gì xa vời, nhưng trái lại, đó lại là một điều thật gần gũi / Bởi vì trong chương trình cứu độ / Chúa bao giờ cũng để một thập giá vừa tầm tay của mỗi người / Chu toàn bổn phận của mình hằng ngày, đó chính là thập giá đời thường, mà mỗi người phải trung thành vác nó cho đến cùng / mặc dù nhiều khi cũng cực nhọc, vô vị  ,cũng  đơn điệu lắm !

3)Vác thập giá vì vui lòng hay bất đắc dĩ ? Dầu muốn dầu không , một khi đã có cuộc sống trên cõi đời này, chúng ta ai cũng có thánh giá, chúng ta vẫn phải kề vai mà vác lấy phần của mình / chi bằng hãy can đảm vác lấy và đi theo Chúa / lúc đó ta sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn và sẽ tìm thấy những giá trị cao cả hơn khi vác thánh giá  !

4)Chiếc vòng lẩn quẩn của một anh đạp xích lô: - Anh đạp xích lô để làm gì? Tôi đạp xích lô để kiếm tiền / - Vậy kiếm tiền để làm gì? – Tôi kiếm tiền để mua gạo ăn / Ăn gạo để làm gì? – Để có sức đạp xích lô tiếp / Đây gọi là chiếc vòng lẩn quẩn / Cuộc đời của mỗi người cũng thế / nếu không cố gắng vươn lên / chúng ta sẽ mãi ở trong vòng lẩn quẩn ấy!

5)Quỹ đạo là gì ? Là một vòng quay khép kín hình Ê-lip (hình bầu dục) / Trái đất có quỹ đạo quay chung quanh Mặt Trời ,do lực hút của Mặt Trời / Vệ tinh khi được phóng lên không gian trước hết phải đi vào quỹ đạo lực hút của Trái Đất, sau đó mới tăng tốc vượt qua khỏi quỹ đạo Trái Đất mới đi vào không gian – Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng có một quỹ đạo, là cái vòng lẩn quẩn / Nếu chúng ta không cố gắng vươn lên với những giá trị siêu nhiên / nghĩa là phải thoát ra khỏi lực hút của vật chất thì chúng ta mới bay lên tới Chúa được.

6)Bổn phận phải chu toàn là niềm vui hay nỗi buồn ? Chúng ta đạp xích lô để chu toàn bổn phận mà Chúa trao phó là lo lắng cho cuộc sống của mình và của gia đình mình, như lòng Chúa muốn / Nói cách khác, nếu chúng ta làm những việc nhỏ bé tầm thường ấy vì lòng yêu mến Chúa, thì đó là chúng ta đang vác thập giá của mình mà theo Chúa! Nói như vậy nghĩa là cuộc đời chúng ta được chồng chất bởi những thập giá /bởi vì mỗi nỗi buồn, nỗi đau như là bệnh hoạn, tật nguyền, tang tóc, chết chóc, tất cả đều là thập giá.

7)Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi nỗi buồn thập giá ? Tuy nhiên chúng ta cùng vác thánh giá với Chúa, nên chúng ta sẽ không thất vọng chán nản, trái lại chúng ta sẽ phấn khởi vui mừng vì những nỗi buồn, những niềm đau ấy sẽ là những sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời chúng ta / làm cho tấm vải ấy sẽ có giá trị siêu nhiên cao quý trước mặt Chúa, như là chiếc áo mặc để vào dự tiệc cưới.

8)Đường thập giá dẫn chúng ta tới đâu ? Chúng ta biết rằng: vác thánh giá bước đi theo Chúa, chắc chắn đời chúng ta không đi vào ngõ cụt, không sống vô nghĩa, sẽ không đi vào sự chết, nhưng sẽ tiến đến vinh quang phục sinh  muôn đời với Chúa !

9)Làm môn đệ Chúa là làm gì ? Ai trong chúng ta cũng ao ước làm môn đệ Chúa, ai cũng muốn theo chân Chúa / nhưng liệu chúng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là làm gì ? Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc, đây không phải là một việc làm nhất thời mà là một việc làm lâu dài / Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ với việc xây một cái tháp / Cũng giống với việc chiến đấu với kẻ thù / Xây dựng một cái tháp là một việc làm lớn lao / chiến đấu với kẻ thù là một việc làm nghiêm trọng / Vì thế cần phải ngồi xuống tính toán cho chi li, cho cẩn thận.**

10)Tại sao cần phải suy tính kỹ lưỡng ? Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là phải từ bỏ đến cùng / Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc, lớn lao vì đó là sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng tới cả một định mệnh.

11)Làm môn đệ, thực tế là làm những gì ? Làm môn đệ không dành cho những kẻ hiếu kỳ, như người cỡi ngựa xem hoa / cũng không giống như làm tài tử, nay thích thì làm, mai không thích thì không làm / Làm môn đệ phải đi theo thầy suốt đời / sống như thầy trong mọi hoàn cảnh / phải coi thầy là thần tượng duy nhất / Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả / bỏ cả người thân, bỏ cả bản thân, bỏ ý riêng / và phải suy nghĩ, ăn nói như thầy mình / sống như thầy đã sống.

12)Muốn có Chúa ở với mình, chúng ta phải làm gì ? Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Chúa ra khỏi mình / Điều này là không dễ chút nào, nhưng chúng ta hãy an tâm vì Chúa không đòi hỏi một mình ta / mà Ngài đòi hỏi chính  Ngài trước / Chúa Giêsu đã không chỉ đòi hỏi ta vác thánh giá / nhưng chính Ngài đã vác trước / từ đó ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn / vì chỉ cần làm những việc như Chúa Giêsu đã làm, là chúng ta đã thành công rồi .**R

 

Bài 2: LỰA CHỌN LÀ TỪ BỎ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

13)Chúa Giêsu đã từ bỏ như thế nào ? Muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải làm, phải sống như Ngài đã sống / Nếu Chúa đòi hỏi ta từ bỏ, thì chính Ngài đã từ bỏ trước / Ngài đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp / Ngài từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người hèn mọn / Chúa tự nguyện sống nghèo khổ / tự nguyện nhận lấy tội của loài người / tự nguyện chết thay cho chúng ta.

14)Điều gì khốc liệt nhất đối với Ngài ? Đó là Ngài phải từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha / là cuộc chiến đấu khốc liệt trong vườn Gietse-mani khi Chúa nhìn thấy cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới / nên đã tha thiết nài xin Chúa Cha xin cho khỏi “uống chén đắng này” / Nhưng cuối cùng Chúa đã từ bỏ ý riêng, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.

15)Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh, nhờ vào điều gì ? Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng / Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha trao phó là đem ơn cứu độ đến cho mọi người / Người môn đệ chỉ hoàn thành sứ mệnh khi từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Đức Kitô, cộng tác vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.

16)Từ bỏ là gì ? Bỏ một điều xấu để chọn lấy một điều tốt / Bỏ những điều tốt để chọn một điều tốt nhất / Có những điều xấu phải từ bỏ như tật nghiện thuốc lá, ma túy, rượu chè, trụy lạc../ Cũng có những điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn như chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống.

17)Tại sao sống từ bỏ lại gây mất mát thua thiệt ? Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc, bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng / tắt ti vi vì đã đến giờ đọc kinh tối gia đình / dành ngày chúa nhật để học giáo lý hay tham gia công tác xã hội / Nhưng nếu từ bỏ vì yêu sẽ thấy nhẹ hơn / Người mẹ thức suốt đêm để đan chiếc áo cho con / người mẹ sẽ xứng là mẹ hơn qua những việc hy sinh vất vả cho con cái / Từ bỏ vì yêu sẽ chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.

18)Con người thường chọn những thứ gì ? Con người dễ chọn cái tầm thường hơn điều cao cả / chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền / chọn lợi ích cá nhân hơn là cho tập thể / xem ra con người thích những cái dễ dãi hơn / nhưng người Kitô hữu thích chọn theo Đức Kitô hơn là những cái tầm thường của thế gian.

19)Khi chọn làm môn đệ Chúa, là người ta chọn điều gì ? Là chọn đi vào con đường hẹp, vào cửa hẹp / Chúa đòi chúng ta đặt mọi sự dưới chân Ngài / phải yêu Ngài trên hết mọi sự, trên những người thân yêu / trên của cải vật chất, tinh thần, trên cả mạng sống mình / trên cả dĩ vãng, hiện tại, tương lai / Mọi thứ có trên đời này đều đáng trân trọng vì mọi ơn chúng ta có đều là của Chúa ban / nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối khi so sánh với Đức Giêsu / Bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng làm nên muôn vật muôn loài / Ngài đã từ bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta / Ngài đã thí mạng sống vì yêu chúng ta.

20)Từ bỏ có dễ không ? Từ bỏ là đi vào cửa hẹp với Chúa Giêsu / Phép rửa đã làm cho chúng ta trở nên môn đệ của Chúa / nhưng muốn làm môn đệ đích thực đòi chúng ta phải từ bỏ mãi mãi cho đến khi nhắm mắt / nhưng chúng ta dễ nghiêng như tháp Pizza (Ý / năm 1173) / Điều hôm nay chưa thấy dính bén, nhưng ngày mai đã thấy khó gỡ rồi / Điều chúng ta quyết bỏ từ lâu, nhưng hôm nay lại thấy bất ngờ hấp dẫn lại / Từ bỏ thật là một cuộc chiến lâu dài, gian khổ / Chúng ta phải quyết liệt, không được lừng khừng, nửa vời, đừng tái thỏa hiệp với điều xấu.

21)Tại sao khi đã khai chiến thì không nên rút lui ? Khi tháp đã bắt đầu xây, thì cuộc chiến đã bắt đầu / không phải là lúc để ngồi xuống tính toán nữa / cần phải đầu tư thêm, cần phải dồn sức để tiến quân, để chiến đấu / cần từ bỏ mọi vướng vít / Có những Kitô hữu phải chịu dở dang, phải chịu bại trận / bởi vì họ không dám sống đến cùng cho ơn gọi làm môn đệ của Chúa.

22)Từ bỏ là cách diễn tả điều gì ? Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu / Khi yêu, người ta vui lòng từ bỏ tất cả / người ta sẽ rất vui mừng khi gặp được viên ngọc quý là Đức Kitô, dám bán tất cả để mua cho được viên ngọc này.

23)Ý của Chúa muốn chúng ta từ bỏ điều gì ? Sống cho Chúa thật là khó / sống thuộc về Chúa là điều càng khó hơn / Chúa đòi chúng ta cho Chúa tất cả / nhưng xét lại: tất cả những gì có trong ta mà lại không là của Chúa ? Chúa chỉ muốn lấy đi những thứ mà ta luôn cậy dựa, để ta chỉ còn nương tựa vào một mình Chúa / Chúa muốn cắt tỉa những thứ rườm rà trong ta , để ta sinh thêm nhiều hoa trái / và cuối cùng: Chúa chỉ muốn chinh phục ta để ta  thuộc trọn về Chúa !

24)Chọn là gì ? Chọn là bỏ => chẳng có ai một lúc có thể đi 2 con đường! Cuộc sống luôn đặt con vào trước những lựa chọn / mà chọn là phải từ bỏ / từ bỏ sẽ trở thành quy luật để sống, để tồn tại, để lớn lên / Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, cho dù đó là chỗ an toàn và êm ấm nhất/ Đứa bé sẽ chẳng trưởng thành, nếu nó cứ mãi bú sữa mẹ / Từ bỏ như một vết cắt đau đớn, như cắt một khối u.

25)Tại sao từ bỏ lại gây đau đớn ? Có nhiều người không dám từ bỏ nên suốt đời bị giằng co, ray rứt / Trong đoạn Tin Mừng: Chúa Giêsu đã nói ba lần câu: “…Thì không thể làm môn đệ tôi được” / Chúng ta đã trở nên môn đệ của Chúa khi chịu phép rửa tội / nhưng nếu tiếp tục muốn làm môn đệ của Ngài / thì chúng ta phải có một chọn lựa dứt khoát: là đặt Ngài lên trên mọi thứ giá trị khác. **R

 

Bài 3: TỪ BỎ MỌI THỨ VÌ YÊU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

26)Tại sao chọn Chúa Giêsu như một giá trị tuyệt đối ? Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nên Chúa chính là trung tâm điểm / Mọi thứ khác đều có giá trị tương đối trước Đấng có giá trị tuyệt đối / tiền bạc của cải là một giá trị vật chất / cha mẹ, vợ con, gia đình là giá trị tinh thần / mạng sống là giá trị nổi trội / nhưng những giá trị đó cũng phải hy sinh khi cần/ để khi ta chọn Chúa Giêsu là giá trị vượt trên mọi giá trị.

27)Các Thánh Tử Đạo đã chọn thế nào? Dĩ nhiên các Ngài yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu cuộc sống, yêu Trái Đất, yêu bầu trời luôn che chở cho các Ngài / với biết bao niềm vui và nước mắt / nhưng các Ngài phải yêu tất cả chúng trong Chúa và vì Chúa / để cuối cùng khi phải chọn một trong hai, các Ngài sẽ dễ dàng chọn Chúa và bỏ đi tất cả.

28)Người Kitô hữu phải sống với tạo vật như thế nào ? Cho dù người Kitô hữu phải luôn gắn bó với tạo vật vì chúng luôn hiện diện trong cuộc sống / nhưng chúng ta phải luôn giữ một khoảng cách, để chúng ta luôn sống trong tự do và bình an / vấn đề là chúng ta có dám chọn Chúa và tiếp tục chọn Ngài / không để cho việc xây tháp bị dở dang / không để cho việc tiến quân đánh trận bị ngừng trệ / vấn đề là chúng ta phải đi tới cùng / và phải luôn trung tín với tình yêu Chúa .

29)Từ bỏ, thực tế là làm gì ? Phải cởi bỏ mình khỏi những điều xấu / dám tách mình khỏi những đam mê lệch lạc / không yêu gì ngoài Chúa / không đặt thứ giá trị nào trên Chúa.

30)Những điều nào xem ra thì tốt, nhưng lại dễ trở thành những điều xấu ? Chúng ta chăm chỉ làm ăn, đó là điều tốt / chúng ta siêng năng học hành để thành đạt, đó cũng là điều tốt / Thế nhưng nếu chúng ta chỉ cắm đầu cắm cổ làm ăn mà không nhớ gì tới Chúa thì điều tốt ấy đã trở nên xấu / nếu chúng ta lo mỗi việc học hành, học kiến thức phổ thông thì cực giỏi / nhưng học giáo lý đạo Chúa thì cực dở, thi rớt lên rớt xuống, thì điều tốt cũng đã trở nên xấu / Đó là do chúng ta không biết phân chia nhiệm vụ: của César, trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.

31)Một lời cầu xin cùng Chúa: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết theo Chúa vô điều kiện vì con đã xác tín rằng: Chúa vạn lần khôn ngoan hơn con và Chúa cũng yêu con hơn chính con có thể yêu con / Xin cho con dám theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, làm anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ / can đảm lướt thắng mọi yếu đuối của con tim và nép mình trọn vẹn vào bàn tay quan phòng của Chúa !

32)Điều gì trong câu nói của Chúa có thể gây hiểu lầm ? Chúa không có ý nói rằng muốn theo Chúa thì phải ghét bỏ cha mẹ (câu 26) / ở đây Chúa muốn nói đến một sự xếp hạng => quan hệ tình cảm thông thường phải đặt sau quan hệ tình cảm siêu nhiên / Tình nghĩa gia đình phải đứng sau tình yêu mến Thiên Chúa, ghét ở đây phải hiểu theo nghĩa “giảm bớt tình quyến luyến” / Chúng ta thấy những đám rất đông dân chúng đi theo Chúa trên đường hành đạo /mà con số những kẻ rời bỏ gia đình để đi theo Chúa chẳng được là bao !

33)Tại sao Chúa không che giấu những điều Chúa muốn đòi hỏi ? Không phải vì muốn lấy lòng dân chúng, mà Chúa lại muốn che giấu điều Ngài đòi hỏi / với bất cứ ai, Chúa cũng có một cung cách quý mến và không hề đưa ra một thái độ đồng lõa dẫn đến yếu hèn / trái lại Chúa luôn kêu mời lòng hào hiệp của mọi người.

34)Tại sao Chúa không kết án dân chúng ? Chúa không kết án dân chúng vì Ngài muốn hy sinh mạng sống cho họ / đợi đến lúc đó, Chúa sẽ có những môn đệ xứng đáng với điều kiện đòi hỏi của Chúa / Họ sẽ ở lại trong dân chúng để làm chất men trong bột.

35)Có điều gì quan trọng hơn tình yêu gia đình ? Bất chợt Chúa xuống và làm người trong đời sống tình cảm cụ thể, đó là sinh hoạt gia đình / Tình cảm gia đình sâu đậm là thế, chính đáng là thế, nay Chúa lại chỉ cho chúng ta thấy một điều khác quá lớn, vượt lên trên tình nghĩa gia đình, do đó, hễ ai quyết tâm theo Chúa thì cũng quyết tâm mở rộng lòng mình ra để đón lấy một thực tại sâu rộng hơn, một tình yêu vượt trội hơn tình cảm gia đình cố hữu / có nghĩa là vượt lên trên tình cảm gia đình cố hữu nhưng không hủy bỏ chúng / có nghĩa rằng khuôn mẫu tình cảm thế gian vẫn được tôn trọng / nhưng qua đây, một tình cảm mới lạ đã được thiết lập ở một sự thăng hoa cao hơn mà chúng ta có thể nói đến ,đó là tình yêu gia đình trong Đức Kitô !

36)Điều chúa Giêsu đòi hỏi có hợp lý không? Khi nghe nói đến thập giá mà ai cũng phải mang vác / nhiều người cho rằng đòi hỏi này quá sức con người / nếu muốn có một sự hiểu biết đúng đắn, thì trong đầu chúng ta phải biết: thập giá luôn đi liền với một tình yêu / chúng ta phải nhìn thập giá của Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng / Nếu không, thì chẳng ai có thể chấp nhận vác nổi thập giá / Tôi chọn thập giá vì một tình yêu, đây là sự tự do lựa chọn, là một tâm hồn tự hiến dâng / Ở đây thập giá là phần nổi của tình yêu Thiên Chúa / vác thập giá Chúa tức là hy sinh cho Chúa / Tình yêu nào cũng kết tinh lại từ những hy sinh / ở đây chúng ta đang đứng trước một tình yêu nhân bản sâu đậm nhất / Người mẹ yêu con là người mẹ luôn hy sinh cho con / là chịu cực khổ vì yêu con.**R

 

Bài 4: GIẢI THÍCH BÀI TIN MỪNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

37)Bối cảnh của câu chuyện: Sau khi dùng bữa với người Pharisieu, Đức Giêsu tiếp tục lên Yerusalem / Bởi nghe danh tiếng của Người nên có rất đông dân chúng đi theo / trong khi đi đường, Đức Giêsu, một lần nữa dạy họ về sự cần thiết phải gánh chịu hậu quả vì đã đi theo Người (câu 25).

38)Những lý do khiến người ta không thể dấn thân theo Chúa (câu 26): Phúc Âm trình bày hình ảnh về lòng yêu mến Đức Kitô phải lớn hơn lòng yêu mến gia đình / có lẽ ý tưởng này được gợi hứng từ câu chuyện dụ ngôn: “Khách mời xin kiếu” / trong những câu này, Chúa Giêsu trình bày 2 lý do khiến người ta không thể dấn thân theo Chúa, đó là: yêu gia đình và yêu bản thân / điều này là lẽ đương nhiên.

39)Dứt bỏ là gì ? Dứt bỏ ở đây không có nghĩa là nhẫn tâm, gắt gỏng hay tức giận đối với gia đình, Kinh Thánh dùng chữ này để nói lên rằng: yêu thương ít hơn / ở đây muốn nói đến chuyện phải chọn lựa ưu tiên hơn là đề cập đến chuyện tình cảm thương nhiều hay thương ít.

40)Người bị phân tâm là như thế nào ? Đức Kitô phải là ưu tiên số một trong cuộc đời làm môn đệ, những kẻ bị phân tâm bởi nhiều vấn đề thì không thể nỗ lực để trở thành người môn đệ / Thánh Yacobe đề cập tới hạng người này khi Ngài nói: Họ là những kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm (Gc 1, 8).

41)Biểu tượng cây thập giá nói lên điều gì ? Từ khi Chúa chịu treo trên thập giá, Thánh giá đã trở nên biểu tượng niềm tin của người Kitô hữu / Trước đó, Chúa Giêsu cũng đã dạy về điều này ở Lc 9, 23 / Khi ai nghe những lời này, cũng đều nhận ra rằng: muốn theo Chúa, họ phải sẵn sàng từ bỏ mọi thú vui, thói ích kỷ và những ước muốn lố lăng / và phải quyết tâm đón nhận mọi hy sinh có thể sẽ xảy đến !

42)Trách nhiệm của người môn đệ Chúa là gì ? Người Kitô hữu ngày nay có trách nhiệm trình bày thập giá của Đức Giêsu cho thế giới / vì chính nhờ thập giá mà loài người được cứu độ / Nhưng thế giới này chỉ có thể nhận biết thập giá của Chúa cách tốt nhất, khi mắt họ thấy không những người môn đệ đã rao giảng về Đức Kitô mà còn phải sống đời sống dấn thân trọn vẹn như Người nữa !

43)Cái giá phải trả khi đi theo Chúa (câu 28): Câu này liên quan đến cái giá phải trả cho việc trở nên người môn đệ của Đức Giêsu / Chúa đưa ra 2 dụ ngôn để trình bày cho sự cần thiết phải tính toán, phân tích cái giá phải trả cho việc đi theo Người.

44)Tại sao phải suy nghĩ, tính toán? Trong dụ ngôn đầu, Chúa đề cập đến việc xây tháp, một dạng kiến trúc thường được xây trong vườn nho / Đôi khi tháp này khá lớn và cao tới 18-20 mét, trên một nền móng rộng, từ 6-10 mét vuông / Nếu muốn xây một tháp cao như thế, chắc hẳn phải suy nghĩ kỹ, tính toán, cần người khác góp ý, chứ không nên khởi sự đào móng ngay một cách vội vã.

45)Tại sao một việc làm không tính toán lại trở thành một kỷ niệm điên rồ (câu 29): sẽ là một quyết định tồi nếu sau khi đã dự tính phí tổn và quyết định ngừng dự án đó, có nghĩa là ông ta đang muốn làm một việc mà ông ta không thật sự cần / cũng giống như người đã tính toán cái giá phải trả cho việc theo Chúa Giêsu, nhưng sau đó lại quyết định không chấp nhận những hy sinh cần thiết để làm môn đệ của Người! Còn những người không chịu tính toán phí tổn của việc xây cây tháp hoặc là việc trở thành môn đệ, mà chỉ biết lao vào làm đại, thì kẻ ấy sẽ có một công trình dang dở, là kỷ niệm sự điên rồ của họ.

46)Tại sao không nên quyết định những việc quan trọng bằng tình cảm ? Khi thiên hạ nhìn thấy cây tháp bị xây dang dở mới chế nhạo người chủ xây dựng ngu xuẩn, mà còn quảng bá cho sự thất bại của ông ta ! Ông ta sẽ bị chê cười là kẻ không có khả năng hoàn tất những gì mình đã khởi sự, bởi vì đã không chịu tính toán / Như thế những kẻ bỏ cuộc sẽ ít đi (câu 30).

47)Tại sao khi đi giao chiến lại cần có kế hoạch (câu 31)? Khi ông vua muốn giao chiến với một nước khác, muốn thắng một trận chiến mà quân mình ít hơn, để chống lại một lực lượng hùng hậu / cần phải có kế hoạch, được huấn luyện kỹ, được khích lệ để quân lính có thêm lòng dũng cảm / Khi ông vua có đoàn quân nhỏ hơn tin chắc rằng những yếu tố trên đây sẽ có nhiều lợi thế ủng hộ ông / nếu không có được những lợi thế đó, thì tốt hơn ông nên nhượng bộ /để có thể tìm được hòa bình trong danh dự mà không phải chuốc lấy thất bại nặng nề !

48)Ý nghĩa của việc xây hay không xây và nên hòa hay nên chiến: Tìm hiểu kỹ dụ ngôn, chúng ta thấy có mấy điều khác biệt: trong việc xây tháp, người chủ có quyền để xây hay không xây nó / còn ở đây, vị vua này không đi khiêu chiến, nhưng là bị kẻ thù tiến quân đánh mình, ông bị xâm lược nên buộc phải tự vệ, ông ta buộc phải tính toán mọi hao tổn, để tiến tới việc nên phản công hay hòa đàm thì có lợi hơn / ở đây cần có một quyết định khôn ngoan, sáng suốt!

49)Khác biệt thứ 2 của 2 dụ ngôn: Là vấn đề tài chính và nguồn nhân lực / Người xây tháp thì cần tính toán / còn ông vua thì phải cân nhắc / Cân nhắc về quân số, về chiến lược, về địa thế, về lợi thế / Ông vua phải suy nghĩ cho cuộc đụng độ giữa 1 vạn quân chống lại 2 vạn quân / Nếu cảm thấy không ổn thì sẽ phái một nhà ngoại giao đi hòa đàm, để có được hòa bình trong danh dự và đỡ tổn thất  .

50)Tinh thần của bài dụ ngôn thứ hai phải hiểu thế nào mới đúng ? Tinh thần của dụ ngôn này không thể bị đẩy đi quá xa / Chúa Giêsu không bao giờ tán thành việc xây dựng một hiệp ước với satan / Điều Chúa muốn nhấn mạnh là sự cần thiết đối với những ai muốn đi theo Người là phải hết sức thận trọng trong cuộc chiến chống lại satan và những mưu chước của thế gian.

51)Hai dụ ngôn này dạy chúng ta điều gì ? Chúa dạy người môn đệ vừa phải xây dựng vừa phải chiến đấu để bảo vệ Nước Thiên Chúa / Bất cứ ai muốn đi theo Chúa Giêsu đều phải suy nghĩ cẩn thận về những yêu sách, những hậu quả của việc đi theo Người / Họ cần nhận ra những tiềm năng sẵn có nơi mình và phải sẵn sàng sử dụng những tiềm năng ấy (Ep6, 10-18) / Nếu họ không muốn tính toán, không sẵn sàng trao phó mọi sự cho Đức Kitô, họ sẽ tự chuốc lấy thất bại .

52)Lần thứ 3, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh điều gì (câu 33)? Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh việc dấn thân theo Người không phải là dễ / Trong chừng mực nào đó, chúng ta phải “ghét” người thân và cả bản thân mình, để những thứ đó không cản trở bước tiến của ta khi ta đi theo Người / chúng ta phải vác thánh giá của mình.

53)Chúa Giêsu muốn dạy thêm điều gì nữa ? Từ bỏ là không bị lệ thuộc vào những gì chúng ta đang có / Những đòi hỏi trên một khi đã được tuân theo, sẽ tạo nên một sự tận tâm phục vụ cho Đức Kitô / sự tận tâm đó khiến cho các môn đệ trao hết cho Người mọi của cải, ước muốn, dự tính, lý tưởng, sở thích của họ.

54)Kết quả của việc tuân thủ này là gì ? Nhiều người đã từ bỏ đời sống xã hội để sống cho Đức Kitô, như các Ẩn sĩ, các Đan sĩ, trong những căn phòng nhỏ hẹp / nhưng như thế chưa đủ / Chúa còn mời gọi chúng ta dâng hiến bản thân cho Người, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ thoát khỏi những ham muốn trần tục, những hành vi phù phiếm, sự tham lam, ích kỷ / và sau đó chúng ta sẽ phục vụ cho Người một cách vô tư hơn. **R

 

TÓM Ý

1/Chúa Giêsu đã bảo gì qua đoạn Tin Mừng ? Ai muốn theo ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta. Chúa muốn bảo tôi: Phải ngồi lại để nghiệm xem đâu là thập giá của mình. Để mà vác đi theo Chúa. Nếu ta nhận ra điều này, ta sẽ không than thân, không trốn chạy, không bỏ cuộc.

2/Thập giá nào là của mình ? Bởi vì trong chương trình cứu độ./ Thiên Chúa bao giờ cũng trao cho mỗi người một thập giá vừa tầm tay ,đó là bổn phận hằng ngày của mỗi người. Chúng ta phải trung thành vác nó cho đến cùng cho dù là nhiều khi nó nặng nhọc, đơn điệu lắm.

3/Thái độ vác thập giá phải như thế nào ? Mỗi người dù muốn dù không. Một khi đã sống trên cõi đời này thì ai cũng có một thánh giá. Hãy vui lòng vác lấy phần của mình. Lúc đó ta sẽ có được sự bình an và sẽ tìm thấy giá trị khi vác thánh giá của mình.

4/Cuộc đời của mỗi con người là gì ? Ai cũng phải làm, làm để kiếm tiền, kiếm tiền để ăn, ăn để lại đi làm tiếp. Cuộc đời là một cái vòng lẩn quẩn. Nếu ta không cố gắng vươn lên thì chúng ta không thể thoát được cái vòng lẩn quẩn ấy.

5/Quỹ đạo của con người là gì ? Là một đường đi của trái đất hình Ê-lip. Mỗi hành tinh đều có quỹ đạo của nó. Chúng ta mỗi người cũng có một quỹ đạo. Nếu chúng ta không thoát được lực hút của trần thế, chúng ta không thể nào bay lên tới Chúa. Giống như một hoả tiễn mang đầu là một vệ tinh.

6/Chu toàn bổn phận là vui hay buồn ? Nếu chúng ta có một việc hết sức tầm thường để chu toàn như là trách nhiệm trong gia đình, trong xứ đạo. Nhưng nếu chúng ta làm vì lòng yêu Chúa thì đó là chúng ta đang vác thập giá mình mà đi theo Chúa. Mọi thứ vui buồn trong cuộc đời ta đều là thập giá.

7/Đường thập giá dẫn ta đi tới đâu ? Vác thập giá là bước đi theo Chúa, là chúng ta đang đi đến vinh quang phục sinh với Chúa Ki-tô, đời ta sẽ không vô nghĩa.

8/Làm môn đệ cho Chúa là làm những gì ? Chúa Giêsu ví việc theo Chúa như là xây một cái tháp, cũng giống như đi đánh trận. Đây là những việc lớn lao, nghiêm trọng, Chúa đòi hỏi ta phải ngồi xuống tính toán cho chi ly, cho cẩn thận.

9/Tại sao ta phải suy tính kỹ ? Muốn làm môn đệ Chúa là phải từ bỏ đến cùng ,là một việc làm nghiêm túc vì nó lớn lao, là sự nghiệp cả đời, nó trở thành một định mệnh .

10/Làm môn đệ Chúa phải thực tế như thế nào ? Làm môn đệ Chúa Ki-tô không phải như những kẻ hiếu kỳ, cỡi ngựa xem hoa. Hay như những tài tử, khi nào thích thì làm không thích thì thôi. Làm môn đệ Chúa thì phải đi theo Ngài suốt đời và chỉ coi thầy mình là duy nhất. Chính vì thế mà phải từ bỏ cả cha-mẹ, anh em bản thân và cả mạng sống của mình.

11/Muốn có được Chúa chúng ta phải sống như thế nào ? Một khi đã yêu Chúa, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Chúa. Chúng ta theo Chúa, chúng ta phải vác thập giá, chỉ cần sống như Chúa sống, là ta sẽ thành công.

12/Chúa Giêsu đã sống từ bỏ như thế nào ? Chúa Giêsu đã bỏ trời cao để xuống đất thấp. Từ bỏ địa vị con Thiên Chúa để xuống thế làm người phàm, sống nghèo khổ, tự nguyện làm một tội nhân để chết thay cho chúng ta.

13/Điều từ bỏ nào khốc liệt nhất ? Chúa Giêsu từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Một cuộc chiến khốc liệt nơi vườn Gietsemani. Ngài đã nài xin Cha cho khỏi uống chén đắng, nhưng chỉ xin vâng theo ý Cha.

14/Nhờ đâu Chúa Giêsu hoàn thành sứ mạng ? Chúa Giêsu đã từ bỏ ý riêng để vác thánh giá theo ý Chúa Cha đến cùng. Nếu người môn đệ cũng sống như thế thì sẽ nên một với Đức Ki-tô và được cộng tác với Ngài trong ơn cứu độ.

15/Từ bỏ là gì ? Là chọn một điều thật tốt, sau đó từ bỏ hết các điều xấu / mà điều xấu chính là : Nghiện thuốc lá, rượu chè ma tuý, dâm ô ,truỵ lạc. Cũng có khi là bỏ một điều tốt để chọn một điều tốt hơn, như là chọn một bậc sống.

16/Tại sao từ bỏ lại gây thua thiệt ? Thức dậy sớm để đi lễ, tắt ti vi để đọc kinh tối, dành ngày chúa nhật để đi lễ, học giáo lý. Bỏ tiền ra để tham gia công tác xã hội, người mẹ luôn hy sinh cho con mình / nhưng từ bỏ vì yêu sẽ chẳng bao giờ bị mất mát thua thiệt. Trái lại, tâm hồn sẽ luôn bình an, hạnh phúc.

17/Con người thường thích chọn điều gì ? Con người thường chọn những cái tầm thường như: mì ăn liền; mà không chọn hạnh phúc cao cả, thích chọn khoái lạc phù du hơn là hạnh phúc vĩnh cửu, thích chọn lợi ích cá nhân, thích chọn điều dễ dãi. Nhưng người Ki-tô hữu lại phải chọn Chúa hơn là của cải phù du.

18/Khi chọn làm môn đệ Chúa, ta sẽ được gì ? Chọn Chúa là chọn con đường hẹp. Chúa muốn ta đặt mọi sự dưới chân Ngài / vì phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự, hơn cả mạng sống của mình. Mọi thứ trên đời này đều đáng trân trọng vì chúng đều là do Chúa ban. Nhưng chúng không có gía trị gì khi đem so sánh với Chúa. Hơn nữa vì yêu nên Chúa đã chết vì ta.

19/Từ bỏ có dễ không ? Muốn làm môn đệ Chúa, đòi hỏi ta phải từ bỏ mãi mãi. Điều cần nhất là chúng ta đừng dính bén của cải thế gian, nó sẽ rất khó gỡ. Từ bỏ chính là một cuộc chiến gay gắt và lâu dài, đầy gian khổ. Đừng thoả hiệp, đừng lừng khừng, đừng nửa vời.

20/Từ bỏ diễn tả điều gì ? Khi yêu Người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Đức Ki-tô là viên ngọc quý. Người môn đệ phải dám bán tất cả để mua cho được viên ngọc này.

21/Chúa muốn chúng ta từ bỏ điều gì ? Sống cho Chúa, sống vì Chúa thật là khó. Chúa đòi ta cho Chúa tất cả. Nhưng mọi thứ mà ta đang có không phải là do Chúa ban sao ? Chúa chỉ muốn lấy những thứ mà ta luôn cậy dựa để ta chỉ còn cậy dựa vào một mình Chuá mà thôi. Chúa muốn cắt tỉa mọi thứ để ta sinh nhiều hoa trái cho Chúa.

22/Chọn là gì ? Chọn là bỏ đi, không ai có thể đi một lúc hai con đường. Từ bỏ, lựa chọn là quy luật để sống, để tồn tại, để tiến lên. Thai nhi không thể ở mãi bụng mẹ, em bé không thể bú sữa mẹ mãi. Phải lớn lên, phải trưởng thành / từ bỏ như cắt một khối u.

23/Từ bỏ sao lại gây đau đớn ? Nhiều người không dám lựa chọn, không dám từ bỏ nên cứ mãi giằng co, ray rứt. Chúa Giêsu nói 3 lần: Không thể làm môn đệ tôi được. Chúng ta muốn làm môn đệ Chúa thì phải dứt khoát. Đặt Ngài lên trên mọi thứ giá trị khác, khi đã chọn Ngài thì không còn có thể chọn gì khác nữa.**R

Giuse Luca  / KBX / KINH THÁNH EMMAUS 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1502
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  3
 Hôm nay:  29
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11402845
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top