Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 25 TN C / Giuse Luca

CN 25 TN C

ĐỀ TÀI:  NGƯỜI QUẢN GIA KHÔN KHÉO .

 

Tung hô Tin Mừng:   2 Cr 8,9

Haleluia. Haleluia. Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có . Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 16, 1-13

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng diễn tả về điều gì?

2/Anh lính Ba-gai đã hành động khôn ngoan như thế nào?

3/Câu chuyện của ông chủ vườn chôm chôm dạy ta điều gì? 

4/Chúa bảo hãy dùng tiền của để mua lấy bạn hữu.

5/Thánh Phanxico khó khăn đã gởi gắm điều gì qua kinh Hoà Bình?

6/Câu chuyện Mạnh Thường Quân dạy chúng ta điều gì?

7/Phùng Hoan là người quản gia như thế nào?

8/Người quản lý trong Tin Mừng thì thế nào?

9/Những đức tính nào cần cho người quản lý?

10/Tiền bạc có thể sinh lời ở mấy góc độ?

11/Thế nào là tiền đẻ ra tiền?

12/Thế nào là đầu tư vào chất xám?

13/Mức độ đầu tư cao nhất là gì?

14/Hai cách tạo lập tài sản khác nhau như thế nào?

15/Tại sao Thiên Chúa phân bổ tài sản chênh lệch?

16/Tại sao có lắm kẻ mê cuộc đời này?

17/Người Ki-tô hữu nên sống như thế nào?

18/Tại sao chúng ta không biết khôn như người quản gia kia?

19/Tại sao có ít người say mê đời sau?

20/Cuộc đời Ki-tô hữu bị giằng bo bởi thứ gì?

21/Sức mạnh của đồng tiền như thế nào

22/Ai sẽ làm chủ chúng ta?

23/Ta nên hiểu của bất chính là như thế nào?

24/Gây bất công là thế nào?

25/Của cải gây phân tâm vì sao?

26/Vì sao lại chọn lựa sai?

27/Vì sao ta lại sử dụng sai mục đích?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: XỬ SỰ KHÔN KHÉO

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Câu chuyện về một anh lính ba-gai? Một anh lính quèn không bao giờ biết làm hài lòng cấp chỉ huy của mình là một ông đại tá / Mỗi lần đi trình diện thì anh luôn có những khuyết điểm không vừa lòng sếp của mình bằng những lỗi như là: giày bẩn, quần áo không thẳng thớm, tóc không hớt ngắn, súng chưa lau hoặc là chậm mất mấy phút / Một hôm nhân ngày xả trại, anh được đi chơi phố đến 8 giờ tối mới phải về / nhưng đến lúc 7 giờ 45 mà anh vẫn còn lè phè ngoài phố / bất ngờ anh nhìn thấy xe “rép” ông đại tá. Anh dự định lẻn vào một con hẻm gần đó để tránh mặt, nhưng không kịp / Ông đại tá dừng xe ngay trước mặt và ra lệnh: đúng 8 giờ anh phải trình diện tôi tại bộ chỉ huy, bằng không ,anh sẽ bị 3 ngày cấm cố / Anh lính chỉ kịp suy nghĩ thật mau: chỉ còn 15 phút nữa thì chẳng còn cách nào về cho kịp, đón xe thì chẳng có / lập tức anh chạy theo cái xe của ông đại tá, may thay chiếc cốp phía sau xe không khóa, thế là anh vội nhảy lên và chui tọt vào trong / Xe ông đại tá chạy qua mấy ngã đường rồi về doanh trại / nhưng khi xe vừa dừng, thì anh lính cũng kịp nhảy xuống và trình diện ông đại tá / Ông đại tá bèn khen rằng: anh đã hành động khôn ngoan, ta tha phạt, nhưng từ nay anh cũng phải khôn ngoan trong mọi hoàn cảnh !

2/Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng: Chúa Giêsu cũng kể lại câu chuyện dụ ngôn mà ý nghĩa cũng tương tự như thế => tên quản lý là tên trộm cắp / Chúa Giêsu không ca tụng sự gian tham của hắn, nhưng khen hắn đã hành động thật khôn ngoan, rồi Chúa đi đến kết luận: không phải chỉ là con cái thế gian, nhưng con cái sự sáng cũng phải thận trọng và khôn ngoan như vậy / Nhân đây Chúa cũng chỉ cho chúng ta cách thức để hành động khôn ngoan như thế: hãy dùng của cải vật chất để mua lấy thật nhiều bạn hữu để mai sau họ giúp chúng ta vào Nước Trời!

3/Câu chuyện ông chủ vườn chôm chôm giàu có: Một ông chủ vườn giàu có, sáng nọ, khi thấy 2 em nhỏ đang đứng ở ngoài cổng vườn nhìn vào cách thèm thuồng / Ông cũng có lòng yêu trẻ nhỏ nên gọi 2 em lại và bảo: hai em cứ việc vô vườn ăn, nhưng không được mang trái nào ra / Trước khi 2 em ra về, ông chủ đã khám túi và hài lòng vì không thấy trái chôm chôm nào cả / Nhưng ông lấy làm lạ vì khi ra ngoài, 2 em đi theo bờ dậu (rào), các em cuối xuống như lượm những thứ gì đó / Đoán được mưu của 2 em, ông gọi lại và hỏi / Hai em phải thú thực rằng mình có ném mấy quả ra ngoài hàng rào, để rồi sẽ lượm về cho em mình / Ông khen 2 em đã hành động khôn ngoan và cho phép 2 em đem những quả chôm chôm ấy về => hai em nhỏ ấy ước gì là chúng ta!

4/Ý nghĩa câu chuyện những trái chôm chôm: Ông chủ vườn là Thiên Chúa, thửa vườn là thế gian, những trái chôm chôm là những sự tốt lành chúng ta có được như: tiền bạc, cơm gạo, quần áo / Những thứ ấy chúng ta không thể đem theo sau khi từ giã cuộc sống / Tuy nhiên chúng ta cũng có cách để hành động, chúng ta có thể ném chúng ra ngoài hàng rào những thứ chúng ta đang có, nghĩa là chúng ta chia sẻ phần tiền bạc, vật chất ấy cho những kẻ nghèo khó / Điều đó Chúa không cấm, nhưng lại luôn khuyến khích chúng ta.

5/Chúng ta sẽ tìm thấy điều gì ở trên trời? Nếu chúng ta hành động khôn ngoan, chúng ta sẽ trở thành bạn hữu của Chúa / và chúng ta sẽ tìm thấy ở trên trời : tất cả những gì mà cuộc sống trần gian chúng ta đã ném chúng qua hàng rào / là những thứ mà chúng ta đã cho đi khi phục vụ và giúp đỡ những người nghèo khổ chung quanh.

6/Thánh Phanxico đã nói gì trong một đoạn của kinh Hòa Bình? “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân / Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ / chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

7/Câu chuyện về ông Mạnh Thường Quân: Ông tên tật là Điền Văn, làm tướng thời Chiến quốc, ông thuộc nước Tề / Trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi vài nghìn tân khách. Ông được phong cai quản đất Tiết, nay thuộc tỉnh Sơn Đông / Để có nhiều tiền nuôi khách, ông cho dân đất Tiết vay / một hôm ông sai Phùng Hoan đi đòi nợ / trước khi đi, Phùng Hoan hỏi “ngài muốn mua thêm thứ gì ?” Mạnh Thường Quân trả lời: “ngươi cứ xem ở nhà thứ gì chưa có thì mua” / Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho gọi dân chúng tới và bảo: các ngươi nợ bao nhiêu thì Mạnh Thường Quân đều xóa hết nợ / rồi chẳng cần tính vốn lời, Phùng Hoan đem các giấy nợ của dân ra đốt hết sạch / Khi trở về, Phùng Hoan nói với Mạnh Thường Quân: Nhà ngài chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu có ơn nghĩa, tôi đã dùng tất cả số tiền ở đất Tiết để mua cho Ngài rồi / Tôi chắc ngài sẽ đẹp ý / Mạnh Thường Quân la cho một trận / Mãi về sau, khi thời thế thay đổi, Mạnh Thường Quân bị bãi chức quan / Ông về ở đất Tiết, người dân ở đây nhớ ơn ông, họ đã ra đón rước đầy đường / Mạnh Thường Quân ngoảnh mặt lại bảo Phùng Hoan: đây hẳn là ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước!

8/Phùng Hoan là người như thế nào? Ai cũng đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Hoan là người tốt, là một quản lý trung thành và khôn ngoan vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ /ông khôn và biết cách nhìn xa trông rộng, đầu tư vào chương trình có lợi ích lâu dài / Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Hoan mà Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ trong cuộc sống!  **R

 

Bài 2: CÁCH ĐẦU TƯ TỐT NHẤT

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

9/Người quản lý trong Tin Mừng là người như thế nào? Người quản lý trong Phúc Âm hôm nay là người khôn ngoan nhưng không trung tín / Ông rất khôn ngoan và nhanh nhẹn vì chỉ trong một thời gian ngắn mà đã tìm ra được phương thế chuẩn bị cho tương lai / Nhưng ông ta không trung tín vì ông đã phung phí và làm hại tài sản của chủ.

10/Người quản lý cần phải có những đức tính nào? Hai đức tính cần có là phải trung tín và khôn ngoan / Trung tín là phải giữ nguyên vẹn tài sản cho chủ / không phung phí, không làm mất mát hao hụt / Khôn ngoan là tìm cách sinh lợi cho chủ / làm cho tài sản ngày càng gia tăng.

11/Tiền bạc, tài sản có thể sinh lời ở mấy góc độ? Có 3 góc độ khác nhau: a) Tiền đẻ ra tiền/ b) đầu tư vào chất xám / c) dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu.

12/Như thế nào là tiền đẻ ra tiền? Là dùng tiền gởi vào ngân hàng để lấy tiền lời / Dùng tiền đầu tư vào buôn bán, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn.

13/Đầu tư vào chất xám là gì? Là dùng tiền đầu tư vào giáo dục, vào các nghiên cứu khoa học, kỹ thuật / Hãy nhìn Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia bị thiệt hại nhiều trong thế chiến thứ II / Sau đó họ đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục / vì thế họ đã có được đội ngũ trí thức đông đảo / Họ có nhiều kiến thức, chuyên viên khoa học kỹ thuật / Nhờ thế họ làm cho đất nước họ giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống của người dân lên cao, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa đạo đức.

14/Mức độ cuối cùng, cao nhất là đầu tư vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau: Là biến tiền của hay hư nát ở đời này thành tài sản vĩnh viễn ở trên trời / Để làm được việc này => chúng ta cần phải loại bỏ sự khôn ngoan của thế gian, loại bỏ sự nhạy bén tính toán của người đời / để tiến tới sự nhạy bén đầy lòng quảng đại theo đúng tinh thần Phúc Âm!

15/Tạo lập tài sản ở trần gian như thế nào? Gia sản ở trần gian được tạo lập bằng cách tích lũy, dè sẻn, tiện tặn, bo bo cất giữ / lo thu gom vào / chắt bóp, chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân mà không hề nghĩ đến người khác.

16/Tạo lập gia sản trên trời như thế nào? Ta phải sống rộng rãi, quảng đại, hào phóng, chỉ nghĩ đến người khác / càng cho đi ở đời này, càng giàu có ở trên Nước Trời / Người nghèo là gương mặt của Thiên Chúa hóa trang / cho nên khi ta giúp đỡ người nghèo là ta đang chuyển tiền về Thiên Quốc.

17/Tại sao Thiên Chúa phân bổ tài sản chênh lệch? Người khôn thì quá khôn, người giàu thì quá giàu, người đẹp thì quá đẹp, người hạnh phúc thì quá hạnh phúc? Nói như thế có phải là Thiên Chúa bất công? Thưa không phải: là để làm vinh danh Chúa / Vì sao? Người nhận được nhiều ơn, phải luôn biết cảm tạ Chúa / Người được ít thì vững tin vào Chúa quan phòng / Người có nhiều thì quảng đại san sẻ cho người có ít / Đó là dịp để lập công phúc / mọi người đều ca tụng Chúa / Đó là cách chúng ta làm vinh danh Chúa.

18/Tại sao có lắm kẻ say mê cuộc đời này? Vì  sao họ say mê? Cuộc đời này nhìn tươi đẹp vì có lắm kẻ say mê nó / Các vận động viên phải chịu khổ luyện nhiều năm mới lập được kỷ lục hay phá kỷ lục / Các nhà khoa học phải tận tụy nghiên cứu để tìm ra phát minh / Các văn nghệ sĩ phải nhọc nhằn cưu mang mới đẻ ra được những tác phẩm nổi tiếng / Các nhà kiến trúc phải tạo dựng cảnh quan cho đẹp mắt / Các kỹ thuật gia luôn phát minh và cải tiến sản phẩm để lúc nào mẫu mã cũng đẹp mắt và tiện dụng / Chính vì thế nên đằng sau tấm huy chương, cái bằng khen luôn có biết bao mồ hôi nước mắt / nhờ thế nên cuộc sống ngày càng thuận lợi và tươi đẹp biết bao!

19/Người Kitô hữu nên say mê đời này hay đời sau? Say mê cuộc đời này thì chẳng có gì đáng trách, vì tất cả là do ân huệ Chúa ban cho chúng ta hưởng dùng / Người Kitô hữu có quyền sống hết lòng với cuộc đời này / nhưng đừng nên quá say đắm như thể chỉ có nó là duy nhất / Đúng ra chỉ nên say mê đời này vì mục đích say mê đời sau / chỉ nên dùng đời này như đường dẫn về đời sau.

20/Tại sao chúng ta không biết khôn như người quản gia? Sau khi Chúa kể về người quản gia khôn khéo / Chúa có ý phàn nàn chê trách chúng ta: tại sao con cái sự sáng lại không khôn ngoan bằng những kẻ chỉ biết có đời này? Người quản gia khôn vì ông đã đối diện với thực tế đó là: ông biết mình sắp mất việc và quá biết khả năng có hạn của mình / Vì ông không có sức để cuốc đất, cũng chẳng thể có gương mặt dày để đi ăn mày.

21/Người quản gia khôn như thế nào? Khôn vì ông biết nhanh chóng xoay sở / tìm ra phương án tốt nhất / Ông biết lợi dụng chút quyền hành và chút thời gian còn lại để đem đến cho tương lai bấp bênh đen tối của mình một lối thoát / Chúa Giêsu không dạy chúng ta sống bất lương như người quản gia / nhưng Chúa muốn dạy chúng ta phải biết khôn khéo để gầy dựng cho mình một tương lai hạnh phúc vĩnh cửu.

 

Bài 3: KHÔNG THỜ HAI CHỦ

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

22/Tại sao có quá ít người say mê đời sau? Có vẻ như đời sau là những gì quá xa xôi nên không có sức thu hút, không đủ sức làm cho chúng ta say mê đến nỗi dám đem tất cả ra để đánh đổi / Chúng ta luôn thừa sôi nổi, thừa nhiệt tình, thừa nhẫn nại để xây dựng đời này / nhưng lại chẳng có chút táo bạo để hết lòng xây đắp cho tương lai đời sau!

23/Người đời xoay sở làm ăn như thế nào? Nhiều người biết xoay sở để làm ăn sao cho khỏi thua lỗ / nhưng lại thiếu thiện chí, thiếu cương nghị, thiếu dứt khoát để đầu tư mọi sự cho bản thân mình vì Nước Trời.

24/Cuộc đời người Kitô hữu bị giằng co bởi những thứ gì? Bị giằng co ở chỗ: họ vừa say mê cuộc đời này, vừa say mê đời sống vĩnh cửu / Họ cũng say mê cuộc đời này không thua bất kỳ ai/ Họ bị giằng vặt giữa những cái mau qua và những thứ vĩnh cửu / Người Kitô hữu vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn vui chơi như mọi người / nhưng ở trong chính bản thân họ vẫn có những thứ gì đó rất khác / hình như là họ vẫn chừa chỗ cho một thứ gì đó thiêng liêng, cao quý, mặc dù họ rất yêu đời.

25/Cuộc đời người Kitô hữu khác với người thường như thế nào? Không phải vì họ dành cho Chúa một thời gian ít hay nhiều để đọc kinh, cầu nguyện hay tham dự Thánh Lễ nhưng là vì họ để cho Chúa đi vào trong toàn bộ cuộc đời mình / Người thường thì chỉ sống, chỉ sinh hoạt theo nhu cầu của đời sống hiện tại mà chẳng cần dùng nhiều thời gian để đầu tư cho cuộc sống mai sau / Bởi vì họ không đặt niềm tin vào cuộc sống ấy!

26/Tại sao chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho cuộc sống? Sự thăng bằng này nằm ở chỗ chúng ta phải ở về phía Chúa, để Chúa làm chủ đời mình / Tiền bạc, của cải không phải là điểm tựa / cho dù chúng ta rất cần tiền và phải kiếm tiền để sống.

27/Ai là người làm chủ đời chúng ta? Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được / không ai có thể phụng sự hai chủ như nhau và cùng một lúc / Vậy thì ai đang thống lĩnh đời tôi? Ước gì tôi không bị ràng buộc bởi điều gì để tôi có thể được tự do làm tôi Thiên Chúa!

28/Sức mạnh của đồng tiền như thế nào? Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già / Bởi thế đã có quá nhiều người chạy theo vị chúa đầy quyền uy này, và can tâm đánh mất mình, dành cả đời mình để làm nô lệ cho tiền bạc / Người Kitô hữu rất dễ bị lạc lối giữa những bon chen của đời thường / Nếu muốn thoát ra khỏi sự cuốn hút của tiền bạc thì hãy quyết tâm sống chân thật và lương thiện.

29/Thứ xiềng xích nào do con người tạo ra? Ai trong chúng ta cũng thích được sống tự do, nhưng mặt khác, chúng ta thấy mình rất dễ bị nô lệ / Có những thứ xiềng xích do chính chúng ta tạo ra / chúng ta phải sống kiên vững trước những đòi hỏi của nhu cầu thân xác / phải bất di bất dịch trước những đam mê của trái tim / và bình tĩnh trước những tò mò của trí tuệ.

30/Chúng ta cần phải thoát ra khỏi những thứ gì? Chúng ta cần phải thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ / cần phải mở rộng trí khôn để nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa / làm sao để con tim biết rung cảm trước những nhu cầu bé nhỏ tầm thường của anh em.

31/Chúng ta muốn xin Chúa điều gì? Xin được tự do như Chúa / được tự do trước những ràng buộc cơm bánh / được can đảm trước những thế lực đang ngăm đe chỉ vì = Chúa cần phải nói lên sự thật / cần phải đồng bàn với người tội lỗi, cần phải chữa bệnh ngày Sa-bát / cần phải đi tìm người tội lỗi, cần phải cứu độ mọi người / Bởi vì thế gian đang rất cần ánh sáng cứu độ của Chúa.

32/Chủ ý của dụ ngôn dạy chúng ta điều gì? Chủ ý của dụ ngôn cho thấy: trước hết người ta phải quan tâm đến tương lai đời sống vĩnh cửu của mình / phải sử dụng hết khả năng, tài trí / ít nhất cũng phải ngang bằng với việc phải lo toan của cải vật chất / Thế nhưng của cải lại là vấn đề phụ vì nó không giúp gì cho chúng ta đạt được hạnh phúc vĩnh cửu / Vấn đề chính yếu nhất đó là phục vụ Thiên Chúa để rồi từ đó Chúa ban hạnh phúc cho con người.

33/“Của bất lương” nên hiểu theo nghĩa nào? Nó được giải thích ra làm 4 khía cạnh: a) gây bất công / b) gây phân tâm / c) chọn lựa sai / d) cách sử dụng sai.

34/Tại sao là nguy cơ gây bất công? Người ta cho rằng: một câu hỏi được đặt ra là kể từ lúc nào, việc sở hữu của cải có thể kèm theo một sự tước đoạt quyền lợi của kẻ khác? Mọi người biết rằng: bình đẳng của cải chỉ là một ảo tưởng vì nếu đã có chút ít bất bình đẳng thì sẽ mau chóng biến thành bất công / Dưới con mắt của Chúa Giêsu thì giàu có là một hiểm họa.

35/Của cải sao lại gây phân tâm? Của cải bất lương khiến cho tâm hồn ta không hướng nhìn về phía Thiên Chúa / Không nhìn là không kính thờ đúng như bổn phận phải có đối với Thiên Chúa / chỉ dồn hết tâm trí vào việc làm giàu mà quên Thiên Chúa đó là đã phạm tội biển thủ / đã để cho của cải chiếm đoạt tâm hồn do Thiên Chúa tạo dựng.

36/Chọn lựa sai là sao? Làm sao để con người có thể tha thiết với của cải mà không xa lìa Thiên Chúa? Chúa Giêsu trả lời: không ai có thể làm tôi hai chủ / Khi ta chọn lựa tiền bạc là ta chọn lựa bản thân, là tư lợi, là lòng ích kỷ / Việc dung hòa cả hai là điều không thể / ta chỉ có thể chọn lựa một / hoặc Chúa hoặc tiền.

37/Cách sử dụng nào sai mục đích? Không phải là chúng ta khinh chê tiền bạc, vì tiền phải kiếm được bằng mồ hôi nước mắt / nó rất cần để cho ta sinh  sống / nhưng đồng thời ta cũng có thể dùng nó để giúp đỡ tha nhân / Thứ tiền tốt này Chúa Giêsu đâu có chê / Đồng tiền nào nuôi dưỡng lòng ích kỷ, gây thiệt hại cho đức công bằng khiến cho con người quên mất Thiên Chúa / thì đồng tiền xấu ấy mới bị kết án trầm luân.

 

TÓM Ý

1/Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng diễn tả về điều gì ? Đây là câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu muốn diễn tả một tên quản lý chuyên gian lận tài sản của ông chủ. Chúa Giêsu không có ý ca tụng sự gian manh của hắn, nhưng Chúa chỉ khen hắn có hành động thật khôn ngoan. Và Chúa đưa ra một lời khuyên : Con cái sự sáng cũng cần thận trọng và khôn ngoan như vậy, đó là: hãy dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy bạn hữu để họ giúp ta vào được Nước Trời.

2/Anh lính Ba-gai đã hành động khôn ngoan như thế nào ? Anh lính này có quá nhiều lầm lỗi. Ông đại tá đã hăm sẽ phạt nặng anh, anh biết mình không thể đi bộ mà về kịp giờ để trình diện ông, nhưng nhờ một chút mưu trí mà anh đã khỏi bị phạt.

3/Câu chuyện của ông chủ vườn chôm chôm dạy ta điều gì ?  Ông chủ vườn chôm chôm tượng trưng cho Thiên Chúa. Những quả chôm chôm là những ân huệ Chúa ban như là của cải vật chất. Mỗi người khi chết rồi không thể mang theo được gì. Tuy nhiên chúng ta có thể biến những thứ hữu hình ấy ra những hoa trái thiêng liêng qua việc :cho đi, phục vụ và giúp đỡ kẻ nghèo khó.

4/Chúa bảo hãy dùng tiền của để mua lấy bạn hữu. Vậy bạn hữu đó là những ai ? Chúa bảo ta hãy yêu thương kẻ nghèo khó. Chúa Giêsu thường ẩn thân trong những người nghèo. Như vậy bạn hữu mà chúng ta dùng tiền mua được chính là Chúa Giêsu . Nhờ đó ngày sau chúng ta sẽ được cứu.

5/Thánh Phanxico khó khăn đã gởi gắm điều gì qua kinh Hoà Bình ? Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…/ làm cho người khác cũng là làm cho Chúa .

6/Câu chuyện Mạnh Thường Quân dạy chúng ta điều gì ? Mạnh Thường Quân giàu có nên thứ gì ông cũng có. Ông chỉ thiếu một thứ, đó là nhân nghĩa. Phùng Hoan là người tôi tớ khôn ngoan, đã mua đúng thứ mà ông Mạnh Thường Quân còn thiếu. Nhờ đó Mạnh Thường Quân đã được cứu sau khi sa cơ thất thế.

7/Phùng Hoan là người quản gia như thế nào ? Phùng Hoan là một quản gia tốt, trung thành và khôn ngoan. Ông nhìn xa trông rộng và biết làm lợi cho chủ, dám dầu tư vào những lợi ích lâu dài cho chủ.

8/Người quản lý trong Tin Mừng thì thế nào ? Anh ta khôn ngoan nhưng không trung tín, anh ta khôn và nhanh nên chỉ một thời gian ngắn mà đã tìm ra phương thế để chống đỡ, chuẩn bị cho tương lai. Nhưng trước đó anh lại làm hại cho chủ.

9/Những đức tính nào cần cho người quản lý ? Thứ nhất là trung tín, phải giữ nguyên vẹn tài sản cho chủ không làm hao hụt, không phung phí. Thứ hai là khôn ngoan, phải làm sinh lợi cho chủ.

10/Tiền bạc có thể sinh lời ở mấy góc độ? a)- Tiền đẻ ra tiền; b)- tiền dùng để mua chất xám; c)- tiền dùng để mua hạnh phúc Nước Trời.

11/Thế nào là tiền đẻ ra tiền ? Gởi tiền vào ngân hàng. Dùng tiền để kinh doanh, buôn bán để kiếm ra nhiều tiền hơn.

12/Thế nào là đầu tư vào chất xám ? Đầu tư vào ngành giáo dục, vào việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nước nào có nhiều nhà khoa học, chuyên viên kỹ thuật, có nhiều nhà đầu tư. Nước đó sẽ nhanh chóng giàu mạnh như Nhật- Hàn.

13/Mức độ đầu tư cao nhất là gì ? Là biến tiền của hay hư nát ở đời này thành tài sản vĩnh cửu. Nếu muốn làm được điều này, ta cần phải loại bỏ sự khôn ngoan thế gian. Loại bỏ sự nhạy bén theo kiểu tính toán của người đời, để sống quảng đại theo đúng tinh thần Phúc Âm.

14/Hai cách tạo lập tài sản khác nhau như thế nào ? Muốn có tài sản theo kiểu trần gian ta phải tích trữ, dè sẻn, tiện tặn, bo bo, đầu cơ thu gom, chắt bóp từng đồng. Chỉ nghĩ đến mình mà không màng đến người khác. Ngược lại, muốn có tài sản trên trời ta phải sống rộng rãi, quảng đại, hào phóng, từ bỏ. Chỉ nghĩ đến người khác, càng cho đi ta càng giàu có ở trên Nước Trời. Vì người nghèo chính là gương mặt Thiên Chúa hoá trang, khi ta giúp người nghèo là ta đang chuyển tiền về trời.

15/Tại sao Thiên Chúa phân bổ tài sản chênh lệch ? *Thiên Chúa không gây bất công, nhưng là để làm vinh danh Chúa, tại sao ? Vì người nhận được nhiều thì phải biết cảm ơn Chúa và quảng đại chia sẻ. Người có được ít thì biết vững tin vào Thiên Chúa quan phòng, biết sống nghèo là một mối phúc. Đó là cách chúng ta làm vinh danh Chúa.

16/Tại sao có lắm kẻ mê cuộc đời này ? Người ta chịu khó trong vòng vài chục năm, có thể họ sẽ thấy được ánh hào quang danh vọng đằng sau tấm huy chương. Mảnh bằng cấp và sự danh tiếng của các ca sĩ, nghệ sĩ. Họ đã đổ biết  bao mồ hôi cho công việc đó, để đổi lại, họ có được ngay tiền bạc, danh vọng phù du ở đời này.

17/Người Ki-tô hữu nên sống như thế nào ? Mê cuộc đời này thì đâu có gì đáng trách. Đó là ân huệ Chúa ban cho ta hưởng dùng. Người Ki-tô hữu cũng có quyền được hưởng những thứ đó. Nhưng Chúa không muốn chúng ta quá say đắm và đừng coi nó như mục đích duy nhất, mà chỉ nên dùng của cải đời này để mưu ích cho đời sau.

18/Tại sao chúng ta không biết khôn như người quản gia kia ? Người quản gia trong Phúc Âm đang đối diện với một thực tế là ông ta sắp bị mất việc và khả năng ít ỏi của mình (cuốc đất, ăn mày). Anh ta đã nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu bằng một chút thời gian và quyền hành còn sót lại. Chúa chỉ muốn chúng ta biết khôn khéo để gầy dựng cho mình một tương lai hạnh phúc vĩnh cửu.

19/Tại sao có ít người say mê đời sau ? Cái gì thuộc về đời sau thì lại quá xa xôi. Cái gì thuộc về đời này thì lại quá gần gũi , thực tế như “mì ăn liền”. Nhiều người say mê nó đến độ dám đem cuộc sống của mình để đánh đổi. Nhưng họ lại quên mất rằng : Mọi sự ở đời này đều chóng qua và hư nát.

20/Cuộc đời Ki-tô hữu bị giằng bo bởi thứ gì ? Ai cũng thích đời sống vĩnh cửu nhưng cũng mê vật chất thế gian. Mọi người đều bị dằn vặt bởi hai thứ mau qua và vĩnh cửu. Người Ki-tô hữu vẫn vui sống như mọi người, nhưng bên trong bản thân họ vẫn còn có một thứ gì đó rất thiêng liêng, cao quý.

21/Sức mạnh của đồng tiền như thế nào ? Đồng tiền là tiên là phật, là tuổi trẻ, là sức khoẻ. Bởi thế ai cũng thích chạy theo tiền bạc, nhiều người cam tâm đánh mất đời mình để làm nô lệ cho tiền bạc. Người ki-tô hữu muốn đến được với Chúa thì phải thoát ra khỏi lực hút của tiền bạc mới có thể sống lương thiện ,thánh đức.

22/Ai sẽ làm chủ chúng ta ? Không ai có thể thờ phụng thờ hai chủ. Nếu theo Chúa thì phải từ bỏ của cải. Ước gì chúng ta không bị tiền bạc ràng buộc để chúng ta có thể tự do đến với Chúa.

23/Ta nên hiểu của bất chính là như thế nào? Nó được giải thích theo 4 khía cạnh:

a.  Gây bất công;

b. Gây phân tâm.

c.  Chọn lựa sai.

d. Sử dụng sai

24/Gây bất công là thế nào? Là ta sở hữu  nó nhờ mánh khoé, tước đoạt quyền lợi của kẻ khác. Thế gian không thể có bình đẳng. Bởi nó chỉ là một sự kiện có trong ảo tưởng. Vì chỉ cần 1 chút bất bình thì nó sẽ trở thành bất công. Cho nên Chúa Giêsu nói : Giàu có là một hiểm hoạ .

25/Của cải gây phân tâm vì sao ? Của cải bất lương khiến ta không muốn hướng nhìn về Thiên Chúa. Không nhìn là không kính thờ, không chu toàn bổn phận đối với Chúa. Người chạy theo của cải bất chính chỉ lo làm giàu mà quên đi Thiên Chúa là đấng tạo dựng linh hồn mình, Đó là cách ta chiếm đoạt của Chúa.

26/Vì sao lại chọn lựa sai ? Làm sao con người tha thiết với của cải mà không xa lìa Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời : không ai có thể làm tôi hai chủ. Ta không thể dung hoà hai thứ mà chỉ có thể chọn Chúa hoặc chọn tiền.

27/Vì sao ta lại sử dụng sai mục đích ? Chúng ta không nên khinh chê tiền bạc vì chúng ta có nhiều bổn phận để chu toàn lại cần đến tiền. Hơn nữa tiền ta kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, ta cần nó để sống, ta cũng cần nó để giúp đỡ tha nhân. Đồng tiền tốt như thế này thì Chúa Giêsu không chê. Đồng tiền nào kiếm được là do ích kỷ, hại nhân, lỗi phép công bằng thì Chúa mới chê. Đồng tiền ấy bị kết án trầm luân.**R

 

Giuse Luca /  Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1533
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  2752
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11429017
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top