Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 29 TN C / QUAN TOÀ BẤT CHÍNH / Giuse Luca

CHÚA NHẬT   29  TN C 

ĐỀ TÀI:  QUAN TÒA BẤT CHÍNH

 

Tung hô Tin Mừng:     Dt 4, 12

Haleluia. Haleluia. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 18, 1-8

Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."

6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/Lời cầu nguyện có sức mạnh ra sao?

2/Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào?

3/Tại sao chúng ta cầu nguyện mỗi ngày ?

4/Thái độ cầu xin theo kiểu của bà góa như thế nào ?

5/Bà phó thác ra sao ?

6/Bà khiêm nhường ra sao ?

7/Bà kiên trì như thế  nào ?

8/Bà khát khao như thế nào ?

9/Thái độ cầu nguyện của chúng ta như thế nào ?

10/Nét tương phản giữa Thiên Chúa và ông quan tòa như thế nào?

11/Tại sao Thiên Chúa lại trì hoãn ?

12/Thời gian có hạn nghĩa là gì?

13/Tại sao chúng ta phải cậy trông vào Chúa?

14/Tại sao Thiên Chúa lâu trả lời ?

15/Nếu Thiên Chúa biết mọi sự, vậy tại sao ta phải cầu xin ?

16/Tham vọng của Thiên Chúa ở đâu ?

17/Tại sao Chúa quá nhọc công vì loài người ?

18/Thế nào là cầu nguyện chung ?

19/Moisen đã cầu nguyện như thế nào?

20/Tại sao Chúa phải dạy chúng ta bằng dụ ngôn ?

21/Tại sao chúng ta phải cầu nguyện chung?

22/Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào ?

23/Tai sao phải chắp tay cầu nguyện ?

24/Ý nghĩa của việc cầu nguyện mở rộng đôi tay là gì ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Câu chuyện về cô giáo trẻ và cậu học sinh cá biệt của mình: Trong lớp học của cô có một em học sinh ngang bướng, ngỗ nghịch, nó giống như một con ngựa chứng trong sân trường / Sáng sớm hôm ấy cô giáo đến sớm và đang ngồi viết, thì Bình, tên học sinh bướng bỉnh ấy xuất hiện và hỏi: “Cô viết cái chi vậy?” Cô trả lời: “Cô viết một lời nguyện gởi cho Chúa đây, Ngài có thể làm được mọi sự, kể cả việc nhận lời cầu xin này.”/ Cô giáo kẹp lời cầu nguyện ấy vào trong một cuốn vở / Lợi dụng lúc cô giáo đang viết bài trên bảng / Bình đã chớp mẫu giấy ấy và bỏ vào trong cuốn vở của mình / Mười năm sau, tình cờ trong lúc dọn nhà của mình, Bình đã tìm lại được mẫu giấy ngày xưa với nét chữ đã bị nhạt nhòa / Thế nhưng vì cô giáo dùng loại chữ tốc ký, nên Bình không thể đọc được / anh bỏ mẫu giấy ấy vào trong ví rồi đến công sở / Tại đây anh nhờ cô thư ký đọc dùm / Cô thư ký nói: tôi sẽ đánh máy và để trên bàn giấy của anh, vì đây là chuyện hoàn toàn riêng tư / Trên đường về và suốt buổi tối hôm đó, anh cứ đọc đi đọc lại lời cầu nguyện của cô giáo: “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề nghiệp mà con đã chọn lựa… nhưng con không thể nào thành công nếu như em Bình cứ phá rối con hoài / Xin Chúa hãy thúc giục tâm hồn em, để em trở nên một người rất tốt hoặc rất xấu.

2/Hiệu quả của lời cầu nguyện ra sao? Lời cầu nguyện ấy đã đánh động anh, để rồi anh xóa bỏ một số hành động mờ ám mà anh đang định thực hiện / anh tìm đến cô giáo cũ và nói cho cô hay là lời cầu nguyện năm xưa của cô đã làm thay đổi cuộc đời anh.

3/Sức mạnh của lời cầu nguyện như thế nào? Lời cầu nguyện có một năng lực lớn lao, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời chúng ta / Bác sĩ Carel, người đã đoạt giải Nobel, đã viết như sau: Cầu nguyện là hình thức phát ra một năng lực hùng mạnh nhất từ con người của mình, có ảnh hưởng trên tâm hồn và thân xác chúng ta, không khác gì lực hấp dẫn của Trái Đất.

4/Phải cầu nguyện như thế nào? Phải kiên trì trong lời cầu nguyện của mình / hình ảnh của Moisen trong bài đọc thứ nhất, đây là một mẫu gương cho chúng ta noi theo / Mặc dù quá mệt mỏi, Moisen vẫn cứ kiên trì cầu nguyện / nhờ sự giúp đỡ của bạn bè ông // Một em nhỏ cũng kể lại cho bạn bè biết: sở dĩ cậu ta có thể kiên trì cầu nguyện mỗi ngày vì là có bà mẹ giúp đỡ / Mỗi sáng thức dậy, hai mẹ con cầu nguyện chung 1 giờ / sau đó cả hai về phòng mình và mỗi người cầu nguyện riêng 15 phút.

5/Tại sao phải cầu nguyện mỗi ngày? Thân xác mỗi ngày chúng ta nạp năng lượng 3 lần / như thế thân xác sẽ luôn mạnh khỏe / Muốn cho tâm hồn khỏe mạnh, chúng ta cũng phải cầu nguyện / Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa / thân thưa với Chúa những nhu cầu của mình / và trao đổi với Chúa những việc gì liên quan đến Chúa / lắng nghe tiếng Chúa phán với ta qua lương tâm / Cầu nguyện như một chiếc máy bộ đàm thiêng liêng, giúp chúng ta luôn giữ liên lạc với Chúa!  Ai không cầu nguyện sẽ không thể rỗi linh hồn / Bởi vì Chúa bảo: “Hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ”.

6/Hình ảnh và ý nghĩa của dụ ngôn như thế nào? Dụ ngôn này tương đối dễ hiểu: Chúa đưa ra 2 hình ảnh trái ngược: một bên là bà góa nghèo khổ, bé nhỏ, thấp cổ bé miệng / một bên là ông quan tòa bất nhơn / chẳng sợ trời cũng chẳng nể đất / thật là một cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không thể kêu thấu / nhưng nhờ sự kiên trì, bà đã được toại nguyện / Chúa muốn dạy chúng ta phải noi gương bà góa: cầu nguyện luôn , không được nản chí.

7/Bà góa đưa ra mấy thái độ cầu nguyện? Có 4 thái độ: khiêm nhường, phó thác, kiên trì và khao khát được sống.

 8/Thái độ khiêm nhường: bà này rất khiêm nhường, vì bà tự biết mình nhỏ bé, nghèo hèn, bị ức hiếp mà chẳng có khả năng tự bảo vệ / không có sức mạnh để chống lại cái ác / không thể chống lại cái bất công / không có tiền để mua lấy sự bình an / Bà mất tất cả, nên chẳng còn gì, chẳng có gì / cùng đường, cô thân, bất lực, bị đát.

9/Thái độ phó thác: Bà chẳng còn nơi nương tựa, chỉ cậy dựa vào ông quan tòa như một lối thoát duy nhất, bà đặt niềm tin, niềm hy vọng duy nhất và là hy vọng cuối cùng / Bà bám víu và phó thác vận mạng trong tay ông quan tòa / sự sống của bà ở nơi quan tòa / Khi ta cầu nguyện, ta cũng phó thác vận mạng trong tay Chúa / Chúa là lối thoát duy nhất, chỉ có Chúa mới có thể giúp ta / hơn nữa, vì Chúa là Đấng Toàn Năng, lại giàu lòng thương xót, ta chỉ là đứa con bé nhỏ yếu ớt, hãy đặt vận mệnh của ta trong tay Chúa, hãy xin Chúa sắp xếp cho ta những gì phù hợp và tốt đẹp nhất.

10/Thái độ kiên trì: Bởi chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà đã kiên trì theo đuổi cho đến cùng / dù bị hất hủi, bà cũng không bỏ cuộc, niềm tin của bà thật lớn lao, sự kiên trì của bà thật bền bĩ, bà đã đi đến cùng và bà đã thành công / Khi ta cầu nguyện, ta cũng phải kiên trì, kiên trì chứng tỏ ta tín thác trong tay Chúa, chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn, nên chỉ biết cậy trông vào Chúa, chứng tỏ lòng ta yêu Chúa tha thiết , nên chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.

 

Bài 2: KHÁT VỌNG CỦA THIÊN CHÚA

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Thái độ khát khao: Bà góa khao khát vì đó là con đường sống duy nhất / bà không thể ngồi đó để chờ đợi, nhưng đã làm hết cách, hết sức mình để đạt được sự khát khao đó,  bà không chán nản, không an nghỉ nhưng đã làm việc liên lỉ cho ước muốn của mình / Cũng thế, khi cầu nguyện, chúng ta cũng phải có niềm khao khát cháy bỏng / Lòng khao khát đó được biểu lộ ra hành động / lòng khao khát đó sẽ không lùi bước trước khó khăn, lòng khao khát đó chứng tỏ ta luôn tha thiết với lời cầu nguyện và vì nỗ lực phấn đấu nên chắc chắn Chúa sẽ chấp nhận.

2/Thái độ cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Nhìn vào tấm gương bà góa, chúng ta thấy mình chưa cầu nguyện kiên trì cho đủ / chưa tỏ lòng khiêm nhường khi đã biết thực sự về con người của mình / chưa hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa / chưa tha thiết cách tích cực, hết sức mình cho những ước nguyện đó / Mong rằng nhờ tấm gương hôm nay, chúng ta mỗi người sẽ biết cầu nguyện hơn.

3/Sự tương phản giữa Thiên Chúa và ông thẩm phán trong Phúc Âm hôm nay như thế nào? Ở đoạn cuối bài Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi: “Tuy thế, khi Con Người đến, liệu có còn gặp được niềm tin trên trái đất nữa không?” Hình ảnh ông thẩm phán bạo ngược được dùng để làm nổi bật sự tương phản: ông ta là một kẻ không có tình người / là một kẻ bạo ngược đã để cho bà góa năn nỉ chán chê rồi mới nhận lời / còn bên kia là Đấng Thượng Đế tuyệt đối nhân hậu / Ngài luôn muốn ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất.

4/Tại sao Thiên Chúa không tức khắc nhận lời của chúng ta? Chúng ta là những sinh vật sống trong giới hạn bởi thời gian mà chúng ta đo bằng giờ, bằng hiện tại và bằng tương lai / Lời cầu nguyện là những ước vọng của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, chúng ta luôn sốt ruột nếu phải chờ đến ngày mai / chúng ta muốn được thỏa mãn ngay hôm nay, ngay tức thì / Thế nhưng Thiên Chúa lại ở ngoài giới hạn của thời gian / Người nhận lời chúng ta tùy theo toàn bộ định mệnh của chúng ta cả bây giờ và trong tương lai cho nên diễn biến của cuộc đời chúng ta tùy theo chương trình mà Ngài đã sắp đặt trước và việc Ngài nhận lời chúng ta và cho nó xảy ra vào lúc nào là tùy thuộc vào Thánh Ý Ngài, khi Ngài thấy rằng điều nào là có lợi cho chúng ta nhất / chứ không tùy thuộc vào lời cầu nguyện và ước muốn của chúng ta.

5/Thời gian có hạn là gì? Con người chúng ta thì có hạn, đời người bình quân 80 tuổi đời / Còn Thiên Chúa thì vô hạn / Nghĩa là Ngài không bị bất cứ một thứ gì giới hạn Ngài / Ngài hiểu biết mọi sự, dĩ vãng, hiện tại, tương lai / Điều Ngài muốn có thể là Ngài dùng mạng sống của chúng ta như hạt giống nẩy sinh vào một, hai, ba trăm năm sau / như trường hợp các Thánh Tử đạo Việt Nam.

6/Tại sao chúng ta lại luôn cậy trông nơi Chúa? Bởi vì Ngài là người Cha vô cùng nhân hậu / Niềm tin chắc  chắn Thiên Chúa sẽ nhậm lời như một cột trụ vững chắc trong đời sống Kitô hữu / Ai nghi ngờ điều ấy là đã phạm đến đức trông cậy / Điều ấy còn đúng hơn khi Chúa dạy chúng ta không nên cầu nguyện dài dòng, bởi vì Thiên Chúa quá biết rõ những gì chúng ta đang cần / Vì Thiên Chúa là Cha nên Ngài sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu / Phúc Âm luôn chứng minh điều này.

7/Thế thì tại sao chúng ta phải cầu nguyện? Cầu nguyện phải chăng là điều không cần thiết? Khi Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, ơn quý nhất mà Ngài ban cho con người, đó là sự tự do, Người không muốn chúng ta làm gì, nghĩ gì, xin gì một cách miễn cưỡng / Thiên Chúa sẽ đáp ứng những nguyện vọng của chúng ta được bày tỏ cách tự do / Chính vì tự do mà Ngài muốn chúng ta phải mở miệng cầu xin.

8/Tại sao nhiều khi chúng ta thấy Thiên Chúa để thật lâu mới trả lời? Có những ý nguyện chúng ta xin hôm nay, nhưng một thời gian sau chúng ta thấy rằng điều xin ấy không phù hợp và chúng ta lại thay đổi / Chính vì Chúa không trực tiếp trả lời điều xin ấy đúng hay sai / Nhưng Chúa lại muốn những nguyện vọng ấy được nung nấu, việc cầu nguyện bền bĩ sẽ mở rộng khả năng, mở rộng tầm nhìn cho chúng ta / Cầu nguyện luôn hữu ích cho chúng ta, vừa đào sâu mở rộng tâm hồn, vừa biết được  Thánh ý của Thiên Chúa.

9/Thiên Chúa có tham vọng không? Khi Chúa chữa lành cho 10 người phong hủi khỏi bệnh vào Chúa nhật 28 vừa qua / tại sao Chúa lại mong họ quay trở lại để tạ ơn Ngài? Chúa dạy rằng: làm ơn hãy quên đi, nhưng kẻ chịu ơn phải biết đáp đền / Chúa mong họ quay lại để Chúa ban chính mình Ngài cho họ / đương nhiên là khi họ quay lại, tạ ơn, kết hợp họ với Chúa, thì cũng cùng lúc đó, Chúa đã chiếm đoạt được tâm hồn họ / Hay nói cách khác Chúa muốn ban chính mình Người cho chúng ta.

10/Tại sao Chúa phải nhọc công như thế? Không ai đủ khả năng để mời Chúa xuống trần gian/ cũng chẳng có ai có công trạng để mời Chúa đến cứu họ / chẳng qua là vì Chúa yêu thương loài người chúng ta / Ngài không thể an nhàn hưởng phúc khi nhìn thấy chúng ta đớn đau, khổ cực, đói khát / Đó mới chính là tâm tình của một người cha dấu yêu dành cho con cái mình.

 

Bài 3: HIỆU QUẢ CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1/Cầu nguyện chung là gì? Cầu nguyện chung là cùng nhau hợp ý cầu nguyện / Ta có thể dễ dàng bứt đứt một sợi chỉ / nhưng không thể bứt đứt một bó chỉ / Cầu nguyện cũng thế, khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt là trong khi cử hành các Phụng vụ, lời cầu nguyện của chúng ta có một sức mạnh vô song / Thiên Chúa rất hài lòng với cách cầu nguyện này.

2/Cách cầu nguyện nào đẹp lòng Thiên Chúa nhất? Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, Thiên Chúa là Cha chúng ta sẵn sàng đoái nhìn chúng ta trong Con Yêu Dấu của Người, là Đầu của thân thể, là Giáo Hội của Người / Lời cầu nguyện cùng nhau trong Phụng vụ như là Thân Mình của Đức Kitô, là lời cầu nguyện tốt đẹp nhất.

3/Moisen đã cầu nguyện như thế nào? Bài đọc đầu tiên của hôm nay biểu hiện được lời cầu nguyện trong Phụng vụ chung này: Moisen cần sức mạnh để tiếp tục cầu nguyện trong cuộc chiến đấu với người Ama-lếch / bao lâu Moisen đưa 2 tay lên cầu nguyện thì dân Israel chiến thắng / Nhưng khi ông buông tay xuống thì quân Ama-lếch lại phản hồi và chiến thắng / Tiếp đó, Aharon, người anh em của Moisen và Hur, bạn của ông đã giúp ông giữ cánh tay luôn luôn ở trong tư thế cầu nguyện, nhờ thế dân Israel đã thắng cuộc chiến đó.

4/Trong Thánh Lễ, Linh mục và giáo dân cầu nguyện như thế nào? Khi xưa đôi tay của Moisen giơ lên trong tư thế cầu nguyện, thì cũng giống như Linh mục ngày hôm nay cũng giơ đôi tay lên cầu nguyện trong Thánh Lễ / Linh mục sẽ không còn mệt mỏi như Moisen xưa kia đã mệt mỏi, bởi vì mọi Kitô hữu trong Thánh Lễ đã hiệp một lòng cùng nâng bàn tay cùng với cánh tay của Linh mục / Linh mục và giáo dân đã cầu nguyện cùng nhau / Linh mục sẽ không cầu nguyện cho chính Ngài, Ngài là vị lãnh đạo, là chủ tịch, là người thay thế, là đại diện cho giáo dân, cho toàn dân.

5/Tại sao Chúa dạy chúng ta cầu nguyện bằng dụ ngôn? Chúa Giêsu hiểu sự yếu đuối của chúng ta / đó là lý do tại sao Ngài nói với chúng ta trong dụ ngôn về sự cần thiết phải cầu nguyện luôn và đừng bao giờ thất vọng / Người góa phụ trong dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng / một bằng chứng nói lên sự bền bĩ cho dù bà luôn bị từ chối và bỏ rơi / Chúa Giêsu cũng không muốn chúng ta bỏ cuộc.

6/Trách nhiệm của chúng ta trong lúc cầu nguyện là gì? Chúng ta đến trong Thánh Lễ với nhiều lý do riêng mà chúng ta đều cho là quan trọng / Nhưng trước hết chúng ta phải thông suốt về cách cầu nguyện trong Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay / chúng ta là người công giáo, là chi thể của Giáo Hội / chúng ta phải có trách nhiệm hướng lòng về với biết bao người khác và luôn cầu nguyện cho họ.

7/Tại sao chúng ta cần có người hợp tác trong lúc cầu nguyện? Ông Aharon và ông Hur đã không bỏ rơi ông Moisen trong lúc cầu nguyện mệt mỏi / Họ không nghĩ rằng Moisen đang cầu nguyện một mình, hoặc phải chú ý tới lời cầu nguyện của riêng họ / Thiên Chúa luôn hài lòng với cách cầu nguyện chung đầy mạnh mẽ, bởi vì khi chúng ta cầu nguyện với tất cả mọi người không phải như những cá nhân độc lập / nhưng là cùng nhau cầu nguyện như những người công giáo, những người cùng hiệp nhất trong thân thể và trong tinh thần của Chúa Kitô.

8/Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào? Chúa bảo: hãy cầu nguyện không ngừng và không bao giờ được chán nản / phải cầu nguyện cách kiên trì và luôn tin tưởng phó thác vào Chúa / Hãy tôn vinh danh Chúa trước, còn mọi thứ nhu cầu khác, Thiên Chúa sẽ ban cho sau!

9/Ý nghĩa của việc cầu nguyện chấp tay lại là gì? Từ khi còn thơ ấu, chúng ta được dạy rằng: khi cầu nguyện thì phải chắp tay lại, ý nghĩa là khi cầu nguyện thì chúng ta phải dừng mọi hoạt động bình thường của chúng ta và dành trọn thời gian để cầu nguyện cùng Thiên Chúa / điều này phù hợp với việc cầu nguyện riêng tư.

10/Ý nghĩa của việc cầu nguyện với bàn tay mở rộng là gì? Cầu nguyện với đôi tay mở rộng, phù hợp với cách cầu nguyện chung / Cầu nguyện như thế là tự nhận ra rằng: chúng ta quá nghèo khó trước mặt Thiên Chúa / vì thế chúng ta hướng bàn tay trống rỗng về Thiên Chúa, như người ăn mày xìa cái bát trống rỗng về phía khách bộ hành / giống như là chúng ta đang thưa với Chúa: lạy Chúa, trước mặt Chúa, con nghèo khó như một người ăn mày / con cầu Chúa hãy lấp đầy sự trống rỗng của con / Cử chỉ cầu nguyện với đôi tay dang rộng nói lên một tình trạng mạnh mẽ, cử chỉ ấy đã có từ thời xa xưa ở Cựu Ước / Chúng ta thấy Moisen cầu nguyện với đôi tay dang rộng trên dân Do Thái trong cuộc chiến một mất một còn với dân Ama-lếch / Ông thắng thế, nhờ đôi tay luôn rộng mở và hướng về Thiên Chúa / điều này diễn tả sức mạnh và quyền lực của lời cầu nguyện / Chừng nào dân Do Thái còn tin vào Chúa thì họ còn tiến lên / chừng nào họ quên , hay không còn tin và không nhìn lên Thiên Chúa nữa , họ sẽ bại trận và tháo lui.

 

TÓM Ý

1/Lời cầu nguyện có sức mạnh ra sao? Lời cầu nguyện có một năng lực lớn lao, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta. Cầu nguyện là một hình thức phát ra năng lực mạnh mẽ nhất của con người. Cầu nguyện là sợi dây nối liền giữa con người và Thiên Chúa. Nó giúp cho con người có được sự sống thần linh.

2/Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào? Chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện của mình. Moisen là hình ảnh cầu nguyện mà chúng ta cần noi theo. Dù mệt nhọc, ông vẫn cứ cầu nguyện. Lời cầu nguyện của ông có kết quả là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè ông.

3/Tại sao chúng ta cầu nguyện mỗi ngày ? Thân xác chúng ta mỗi ngày đều nạp năng lượng ba lần. Vì thế thân xác sẽ luôn mạnh mẽ, nếu muốn tâm hồn ta cũng mạnh khỏe, hãy cầu nguyện mỗi ngày. Cầu nguyện là nâng tâm trí ta lên cùng Thiên Chúa. Thân thưa với Chúa mọi nhu cầu của ta, trao đổi và lắng nghe tiếng Chúa qua lương tâm. Cầu nguyện là chiếc máy bộ đàm, giúp ta luôn giữ liên lạc với Thiên Chúa.

4/Thái độ cầu xin theo kiểu của bà góa như thế nào ? Khi cầu xin bà cho ta thấy 4 thái độ: Khiêm nhường, phó thác, kiên trì và khao khát.

5/Bà phó thác ra sao ? Vì bà chẳng còn nơi nào để nương tựa, chỉ còn biết cậy dựa vào ông quan toà . Cho nên bà đặt niềm tin và hy vọng duy nhất của bà, bà chỉ còn biết phó thác vận mệnh đời mình vào tay ông quan tòa. Khi ta cầu xin cùng Thiên Chúa, ta cũng hãy phó thác vận mệnh mình vào bàn tay Thiên Chúa. Xin Ngài hãy ban cho chúng ta những gì phù hợp và tốt đẹp nhất.

6/Bà khiêm nhường ra sao ? Bà tự biết mình bé nhỏ, nghèo hèn, yếu đuối, dễ bị ức hiếp mà chẳng có chút khả năng tự vệ nào để chống lại cái ác, cái bất công / Bà đã cùng đường, bất lực, bi đát.

7/Bà kiên trì như thế  nào ? Bà chỉ còn một con đường sống duy nhất nên đã kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Bà có một niềm tin vững mạnh nên dù bị hắt hủi, bà cũng không chịu bỏ cuộc. Nhờ lòng tin vững mạnh và sự kiên trì bền bỉ, bà đã đi đến cùng và bà đã thành công.

8/Bà khát khao như thế nào ? Bà chỉ còn một con đường sống duy nhất, nên bà không ngồi đó mà chờ đợi. Bà phải làm hết cách, hết sức mình để đạt được nỗi khát khao đó. Vì khát khao nên bà không lùi bước. Cho nên bà đã tha thiết trong lời cầu xin. Bà đã nỗ lực cho nên đó là lý do đưa bà đến thành công.

9/Thái độ cầu nguyện của chúng ta như thế nào ? Nhìn vào gương bà góa, chúng ta thấy mình chưa kiên trì đủ, chưa khiêm nhường, chưa biết rõ thực lực của mình. Chưa hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa. Chưa tích cực, tha thiết với những ước nguyện đó. Mong rằng nhờ dụ ngôn hôm nay sẽ giúp chúng ta biết cầu nguyện tốt hơn.

10/Nét tương phản giữa Thiên Chúa và ông quan tòa như thế nào? Phúc âm diễn tả hình ảnh một ông quan tòa bạo ngược. Ông không có tình người, ông đã để cho bà góa năn nỉ chán chê rồi ông mới nhận lời. Còn hình ảnh bên kia là một Thiên Chúa nhân hậu Ngài chỉ muốn ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất.

11/Tại sao Thiên Chúa lại trì hoãn ? Chúng ta là những sinh vật sống có giới hạn, chúng ta có dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Nhưng Thiên Chúa lại ở bên ngoài giới hạn của thời gian. Chúng ta cứ phải sốt ruột chờ đến ngày mai. Mọi việc Thiên Chúa làm đều có chương trình. Việc sắp đặt việc gì trước, việc gì sau là do thánh ý của Ngài. Ngài chỉ ban cho ta khi thấy lúc nào là có lợi cho ta nhất, chứ không tùy thuộc vào ước muốn của chúng ta.

12/Thời gian có hạn nghĩa là gì? Mỗi người có hạn mức ở 100 tuổi. Còn Thiên Chúa thì vô hạn, Ngài thông biết mọi sự. Ngài có thể dùng mạng sống của chúng ta hôm nay như là một hạt giống trong tương lai ,của vài ba trăm năm sau như đời sống các thánh tử đạo Việt Nam. Lúc ấy có thể ta không đồng ý, nhưng mai sau lại là mùa gặt bội thu.

13/Tại sao chúng ta phải cậy trông vào Chúa? Vì Thiên Chúa là người cha nhân hậu. Niềm tin giúp ta tin chắc là Chúa sẽ nhậm lời. Đức Tin là cột trụ vững chắc trong đời sống Ki-tô hữu. Ai nghi ngờ Thiên Chúa là lỗi phạm đức trông cậy. Điều đó rất đúng khi Chúa bảo chúng ta đừng cầu nguyện dài dòng. Bởi Thiên Chúa quá biết mọi nhu cầu và Ngài sẵn sàng đáp ứng với điều kiện là chúng ta phải biết kiên trì, phó thác.

14/Tại sao Thiên Chúa lâu trả lời ? Có những ý nguyện chúng ta xin hôm nay, nhưng đến một thời gian sau chúng ta mới nhận ra rằng : Điều mình xin là không hợp lý chút nào, và chúng ta lại thay đổi ý. Cũng chính vì Chúa không trực tiếp trả lời cho ta biết điều ta xin đúng hay sai. Nhưng Chúa lại muốn lòng chúng ta nung nấu những điều ấy cách bền bỉ, nó còn giúp ta mở rộng tầm nhìn vì thế cầu nguyện luôn là một việc rất hữu ích. Vừa mở rộng tầm hiểu biết, vừa dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa.

15/Nếu Thiên Chúa biết mọi sự, vậy tại sao ta phải cầu xin ? Khi Chúa tạo dựng nên chúng ta, Ngài ban rất nhiều ơn lành, nhưng quý nhất vẫn là sự tự do. Chúa không muốn chúng ta làm việc gì một cách miễn cưỡng. Chúa muốn chúng ta bày tỏ mọi nguyện vọng một cách tự do. Chính vì tự do nên Chúa muốn chúng ta tự mở miệng cầu xin.

16/Tham vọng của Thiên Chúa ở đâu ? Chúa chữa lành cho 10 người, Chúa mong họ quay lại để Chúa ban chính mình Chúa cho họ. Đương nhiên khi họ quay lại, Chúa sẽ kết hợp họ với Chúa, nhờ như vậy Chúa có dịp chiếm đoạt linh hồn họ. Hay nói theo cách khác: Chúa muốn tất cả chúng ta thuộc về Ngài.

17/Tại sao Chúa quá nhọc công vì loài người ? Không ai có thể mời gọi Chúa xuống trần gian, không ai có công trạng đủ để Chúa cứu họ. Chẳng qua vì Chúa quá yêu thương chúng ta. Chúa không thể an nhàn hưởng phúc khi nhìn thấy chúng ta quằn quại trong đau đón. Đây mới chính là tâm tình của người cha nhân lành dành cho con cái.

18/Thế nào là cầu nguyện chung ? Là hiệp ý cầu nguyện, cầu nguyện riêng lẻ khác với cầu nguyện cộng đồng. Cầu nguyện chung giúp chúng ta có một sức mạnh vô song. Thiên Chúa rất hài lòng.

19/Moisen đã cầu nguyện như thế nào? Khi dân Do Thái chiến đấu với người A ma lếch. Bao lâu Moisen đưa tay cầu nguyện thì Do Thái thắng. Nếu ông bỏ 2 tay xuống thì A-ma-lếch lại chiến thắng. Về sau phải nhờ Aharon và Khur giúp giữ tay ông trong tư thế cầu nguyện luôn luôn. Và Do Thái đã thắng trận đó.

20/Tại sao Chúa phải dạy chúng ta bằng dụ ngôn ? Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự yếu đuối của chúng ta. Chúa muốn dùng dụ ngôn để nói rằng : chúng ta cần thiết phải cầu nguyện luôn. Đừng bao giờ thất vọng, Chúa không muốn chúng ta bỏ cuộc.

21/Tại sao chúng ta phải cầu nguyện chung? Ông Aharon và ông Khur không bỏ rơi ông Moisen trong lúc ông ta mỏi mệt. Họ không nghĩ rằng Moisen phải cầu nguyện một mình hoặc họ cần phải chú ý tới lời cầu nguyện của chính họ. Thiên Chúa luôn hài lòng với cách cầu nguyện chung nên Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: Lạy cha chúng con ở trên trời.

22/Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào ? Chúa bảo hãy cầu nguyện không ngừng, không được chán nản, phải kiên trì và phó thác. Hãy tôn vinh danh Chúa trước, còn mọi thứ khác, Chúa sẽ ban cho sau.

23/Tai sao phải chắp tay cầu nguyện ? Từ khi còn nhỏ, mọi người đã dạy chúng ta khi cầu nguyện phải chắp tay. Nhưng người lớn không cắt nghĩa vì sao phải chắp tay ? Chắp tay là tỏ lòng cung kính, chắp tay là phải dừng tất cả mọi việc làm khác lại, chỉ chú tâm cầu nguyện mà thôi.

24/Ý nghĩa của việc cầu nguyện mở rộng đôi tay là gì ? Cầu nguyện với đôi tay mở rộng, phù hợp với cách cầu nguyện chung. Như vậy chúng ta tự nhận ra rằng: Chúng ta quá  nghèo khó trước mặt Thiên Chúa. Vì thế chúng ta đưa 2 bàn tay trống rỗng hướng về Thiên Chúa, như kẻ ăn mày xìa cái bát rỗng về phía khách bộ hành. Ý chúng ta thưa với Chúa rằng : Lạy Chúa, chúng con đang nghèo khó như đứa ăn mày. xin Chúa hãy lấp đầy sự trống rỗng trong con. **R

Giuse Luca /  Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1583
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  1140
 Hôm qua:  2056
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11416819
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top