Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN 4 Thường Niên / C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

ĐỀ TÀI: THÂN PHẬN CỦA MỘT NGÔN SỨ

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:   Lc 4,18

Halêluia. Halêluia. Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Ha-lê-lui-a.

PHÚC ÂM:  Lc 4, 21-30

 "Như các ngôn sứ Êlia và Êlisa, Đức Giêsu không phải chỉ được sai đến với người Do-thái mà thôi".

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca:

21 Hôm ấy, tại hội đường Nazaret, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Họ bảo nhau : “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”

23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! "24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: Vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

---//---

1/Khi nào thì Thiên Chúa mới gởi các Tiên tri đến ?

2/Tiên tri Yeremi-a đáp lại tiếng Chúa như thế nào ?

3/Phản ứng của dân chúng như thế nào ?

4/Chúa Giêsu đã cảm nhận được điều gì ?

5/Lời tiên tri Sime-on.

6/Dân Nazaret tố cáo Chúa điều gì ?

7/Chúng ta theo Chúa, chúng ta sẽ ra sao ?

8/Tại sao chúng ta phải giữ vững lập trường ?

9/Thánh Phaolô đã nói gì ?

10/Thánh Yoan Tông Đồ đã viết gì ?

11/Tại sao dân Nazaret không nhận ra Chúa ?

12/Lúc nào thì Chúa Giêsu không làm phép lạ ?

13/Tại sao Chúa không dành riêng việc rao giảng cho một mình dân tộc Do Thái?

14/Có bao nhiêu người Do Thái nhận ra Chúa ?

15/Thành kiến sẽ tác hại ra sao ?

16/Đức tin sống động là như thế nào ?

17/Sống đức tin hôm nay là gì ?

18/Nhân đức nào quan trọng nhất ?

19/Thiên Chúa là tình yêu!

 

Bài 1: CÁI CỚ CHO MỌI NGƯỜI VẤP NGÃ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1/Kết quả từ việc nghe Chúa giảng: Khi Chúa Giêsu khởi sự việc rao giảng. Ngài đã gây được hứng khởi cho người nghe. Thánh Luca diễn tả rằng : Danh tiếng Ngài tràn lan ra khắp miền chung quanh. Ngài giảng dạy trong các Hội đường và được mọi người ca tụng. Cũng chính Thánh Luca cho biết : Ngay từ điểm khởi đầu này, lời giảng của Chúa cũng tạo nên những sự chống đối.

2/Hậu quả từ những lời bàn tán là gì ? Người làng Nazaret sau khi đã ca tụng Ngài hết lời thì cũng từ đó phát sinh ra những thắc mắc về Ngài. Họ luôn miệng bàn tán : Ông này là thợ mộc mà ? Từ chỗ thắc mắc, dẫn đến chỗ ganh tỵ, căm thù đến độ họ muốn thủ tiêu Ngài. Bằng chứng là : Trong hội đường mọi người đều đầy lòng căn phẫn. Họ đứng lên, đuổi Chúa ra ngoài thành rồi điệu Ngài lên núi, để có thể xô Ngài xuống vực sâu cho chết.

3/Khi nghe qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta liên tưởng đến điều gì ? Chúng ta nhớ lại đoạn Tin Mừng mở đầu của Thánh Yoan : Ánh sáng đã chiếu soi trong u tối, nhưng u tối không muốn tiếp nhận ánh sáng. Ngài đã đến nhà mình nhưng gia nhân không tiếp nhận.

4/Người Do Thái nhận định thế nào về mầu nhiệm cứu rỗi ? Phải chăng mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể và mầu nhiệm cứu rỗi chỉ là một/ Cuộc khổ nạn bắt đầu từ ngày thứ sáu tuần thánh và được kết thúc vào ngày vinh hiển phục sinh ;mọi sự được kết thúc sau một tiến trình bắt đầu từ lúc Chúa giáng sinh làm người. Người Do Thái chống đối là do tình cảm của họ quá hời hợt đã đành. Mà còn được bắt nguồn từ sự lựa chọn giữa ánh sáng và bóng tối. Giữa tấm lòng độ lượng và hận thù. Chúng ta không thể vừa tin theo Chúa lại vừa phủ nhận chương trình cứu rỗi của Ngài.

5/Vì sao dân Do Thái chống đối Chúa ? Vì sao dân Do Thái quá cứng lòng về những điều Chúa giảng dạy. Sở dĩ họ phản kháng như thế vì họ đã quá quen thuộc với bản thân Ngài/ Gia đình Ngài/ vì thành kiến nên họ nghĩ rằng: Gần chùa thì gọi bụt bằng anh. Tại Nazaret, Chúa không bị chống đối bởi những người ngoại giáo mà bởi những con người có đạo, bị oán ghét không phải bởi những kẻ thù địch, mà bởi những người họ hàng,bà con thân thích.

6/Hình ảnh người Do Thái ngày xưa có gì giống với chúng ta hôm nay không ? Hình ảnh người dân Nazaret của Luca và hình ảnh gia nhân không tiếp đón Chúa của Yoan phải chăng cũng chính là hình ảnh tượng trưng của người Ki-tô hữu hôm nay. Bởi vì mặc dù chúng ta biết Chúa nhưng vẫn không tin. Mặc dù đã lãnh nhận bao ơn lành mà nhiều lúc chúng ta cũng lăng nhục, bội bạc, ghét Chúa. Mặc dù Chúa thứ tha cho ta nhưng ta vẫn cứ xua đuổi Chúa.

7/Các tiên tri thường mang lại điều gì ? Các tiên tri trong thời Cựu Ước là những người mang lại niềm an ủi cho những ai đang phiền não vì phải chịu cảnh bất công, nhưng đồng thời cũng mang lại những lo âu phiền não cho những ai tự mãn, kiêu căng.

8/Vì sao Giê-rê-mi-a lại miễn cưỡng thi hành sứ vụ ? Giê-rê-mi-a sống vào thời dân Do Thái đang băng hoại từ bên trong và đang bị ngoại bang đe doạ từ bên ngoài / trước tình thế này ông rất đau xót vì ông yêu tổ quốc, yêu đồng bào mình. Có lẽ vì thế mà Chúa kêu gọi ông làm tiên tri cho quê hương của mình. Thế nhưng lần nào khi Chúa kêu gọi thì ông cũng rất miễn cưỡng. Bởi vì ông biết làm tiên tri cho quê hương mình là rất khó.

9/Vì sao dân chúng lại căm ghét Giê-rê-mi-a ? Dù không muốn nhưng ông vẫn phải rao giảng và bảo cho họ biết con đường sống còn duy nhất là phải canh tân đổi mới, quay trở lại với Thiên Chúa. Nghe ông nói thế, dân chúng đã nổi giận và rất căm ghét ông, nên có lần ông bị đánh đòn, bị cột vào bao, bị xô vào đống phân.

10/Lời tiên báo của Sime-on đã ứng nghiệm như thế nào? Khi suy nghĩ về thái độ của dân Nazaret, chúng ta cần nhớ lại lời tiên tri Sime-on: Trẻ nhỏ này sẽ nên như dấu chỉ cho người ta chống đối. Chúa Giêsu cũng cảm nhận được điều này khi lãnh nhận sứ vụ tiên tri cho quê hương mình. Nên Chúa đã bị bà con thân thuộc ruồng rẫy, họ định xô Chúa xuống vực thẳm cho chết luôn.

11/Dân làng Nazaret và các lãnh đạo Do Thái có gì giống nhau ? Dân Nazaret đòi Chúa trưng ra bằng chứng Ngài là một tiên tri như thế nào thì các nhà lãnh đạo Do Thái cũng bắt Ngài phải làm một dấu lạ để minh chứng Ngài là con Thiên Chúa như vậy. Nếu dân Nazaret đã tố cáo Ngài là kẻ lộng ngôn, thì bọn biệt phái cũng lên án Ngài là tay chân, thuộc hạ của quỷ Benzebun như vậy.

12/Dân Nazaret và dân thành Yerusalem có gì giống nhau ? Dân Nazaret tìm cách giết Chúa còn đám đông dân thành Yerusalem cũng hò hét : Đóng đinh nó đi!

13/Khi theo Chúa, chúng ta sẽ phải đối diện với điều gì ? Chúa Giêsu luôn bị chống đối, khích bác, căm ghét. Còn chúng ta theo Chúa thì sao ? Chúng ta cũng cần nhớ lại lời Chúa nói với những ai muốn theo Chúa: Nếu thế gian đã ghét thầy, thì họ cũng sẽ ghét các con.

14/Chúng ta có nên vui mừng vì bị chống đối không ? Cho dù có bị ghét bỏ, bị nhạo cười, bị chống đối thì chúng ta cũng phải sống đúng với danh hiệu Ki-tô hữu. Đừng bao giờ từ bỏ nếp sống lương thiện, trong sạch của mình. Vì Chúa đã từng dạy chúng ta : Các con là muối, là ánh sáng. Muối phải mặn, đèn phải được đặt trên giá cao. Nhờ đó ánh sáng sẽ được lan toả để mọi người nhìn thấy ánh sáng đó  mà gợi khen Cha các con ở trên trời.

15/Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm gì ? Thánh Phao-lô cũng khuyên dạy chúng ta : Là Ki-tô hữu, chúng ta được Chúa mời gọi hãy là gọn đèn toả sáng như những vì sao giữa lòng một thế giới đầy tăm tối, để muôn dân được nhìn thấy và tìm đến với Thiên Chúa là Cha nhân lành của chúng ta.**R

 

Bài 2: SAI LẦM TRONG CÁCH CHỌN NIỀM TIN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

16/Thái độ căn bản của một con người là gì ? Tin là điều căn bản của mỗi người trong cuộc sống. Chẳng có ai có thể sống mà không cần tin. Nếu không tin người này thì cũng phải tin người khác. Người không tin lý thuyết này nhưng phải tin giả thuyết kia. Thành ra ai cũng phải chọn những thứ để tin. Không phải chọn vì vu vơ hay vì mù quáng. Nhưng cần chọn một cách sáng suốt và tự do.

17/Điều kiện để tin là gì ? Tin là lựa chọn một sự thật. Điều khó là làm sao để giữ cho lòng mình được tự do thanh thoát, không bị những thành kiến ràng buộc hay bị những tư lợi chi phối. Nhờ đó chúng ta có thể nhìn ra một sự thật để chọn lựa. Cho dù sự thật đó làm vỡ tan những điều ta đang suy nghĩ hoặc đổi hướng đi của cuộc đời ta.

18/Vì sao có sự thán phục nhưng lại không tin ? Người Nazaret không có sự thanh thoát và tự do để lựa chọn niềm tin. Khi Chúa Giêsu giảng trong hội đường thân quen thì họ ngỡ ngàng, thán phục trước những lời Ngài nói. Hãnh diện vì có một thành viên nổi tiếng trong làng mình. Nhưng khi chọn lựa để tin Đức Giêsu như một ngôn sứ thì họ lại không làm được vì họ vấp phải thành kiến, họ ngộ nhận.

19/Vì sao họ bị vấp phạm ? Họ vấp phải định kiến : Ông này không phải con ông Giuse đó sao ? Trong ký ức của họ vẫn còn nguyên hình ảnh của một ông Giêsu đã từng sống ở đây ba mươi năm. Một ông thợ mộc nghèo hèn, ít học, quá đỗi bình thường trong con mắt của họ. Gốc gác, họ hàng của Chúa Giêsu họ đều nắm rõ, rất tiếc là họ không thể đi xa hơn định kiến để mà có thể tin .

20/Vì sao Chúa Giêsu không làm phép lạ ? Người Nazaret mãn nguyện, tự hào về những hiểu biết của mình nên họ nghĩ rằng mình chẳng còn gì để cần biết thêm về Chúa Giêsu nên họ mới nói : Những gì ông đã làm ở Capharnaum, hãy làm ở đây xem. Đây là một câu thách đố, không khác gì câu thách đố của ma quỷ khi cám dỗ Chúa Giêsu sau tuần chay 40 đêm ngày. Người làng Nazaret không tin Chúa Giêsu là một ngôn sứ nên họ muốn Chúa chứng mình bằng một phép lạ cả thể trên bầu trời chứ không phải qua cách chữa bệnh cho các bệnh nhân. Họ muốn thấy tận mắt chứ không tin khi nghe người khác nói, Chúa Giêsu không làm vì Ngài không ép buộc ai phải tin.

21/Điều gì đưa đến phép lạ ? Chính lòng tin đưa đến phép lạ. Ở đây Chúa Giêsu không gặp được lòng tin nào nơi những người Nazaret. Họ chai đá, cố chấp đưa đến phẫn nộ khi họ nghe Chúa kể câu chuyện tiên tri Elia và bà goá thành Sarepta / tiên tri Elisa với tướng Na-a-man. Các ngài được Thiên Chúa sai đến để thi ân cho dân ngoại.

22/Vì sao dân làng muốn thủ tiêu Chúa ? Họ thấy Chúa Giêsu là một thành viên trong làng. Một đàng họ hãnh diện vì Chúa là một thành viên, đàng khác họ muốn Chúa dành thật nhiều ưu tiên cho những người trong làng trước khi có thể đem tài năng của Chúa ra phục vụ những người làng chung quanh. Bởi vậy, khi họ thấy Chúa chẳng dành chút ưu tiên nào cho dân làng nên họ tìm mọi cách để thủ tiêu Ngài, đúng với câu : Không ăn được thì cũng phá cho ôi!

23/Do đâu, phát sinh ra các lập luận, thắc mắc ? Vì Chúa Giêsu là một người phàm. Nếu muốn tin Chúa là một ngôn sứ, là Đấng Messia, là con Thiên Chúa điều này đâu có dễ. Vì họ không tin nên có thể đưa ra bao lập luận, thắc mắc.

24/Chúa Thánh Linh chỉ đến với những ai ? Chúa Thánh Linh chỉ đến với những ai khiêm tốn, có lòng thành tâm thiện chí như mẹ Maria, như Thánh Giuse, như các Tông đồ .

25/Những sai lầm của người dân Nazaret: Hôm nay, chúng ta đã biết Chúa, đã tin Chúa, đã gia nhập vào đạo Chúa. Nhưng chúng ta vẫn có thể mắc nhiều sai lầm khi tưởng mình đã hiểu hết các mầu nhiệm về con người của Chúa Giêsu và luôn muốn độc quyền chiếm giữ Ngài trong cái tôi ích kỷ của chúng ta.

26/Vì sao dân Nazaret không tin Chúa? Vì họ thấy Chúa chỉ là một ông thợ mộc con của một bác thợ mộc. Một người xuất thân nghèo hèn, không có học hành gì/

27/Vì sao các môn đệ không tin Chúa ? Các môn đệ thấy Chúa quyền năng thì tin Chúa lúc đó, nhưng sau này khi thấy Chúa bị bắt, bị đòn vọt, bị treo lên, bị đóng đinh thì họ không tin. Nhiều người trong chúng ta cũng không tin Chúa chỉ vì họ thấy Chúa chỉ là một con người hoặc chỉ là trong một hình bánh bé nhỏ mong manh. Hoặc nơi một linh mục yếu đuối trong một Hội thánh còn nhiều con người bất toàn.

28/Thiên Chúa thường ẩn mình ở đâu ? Thiên Chúa vẫn thích ẩn mình trong những con người nghèo hèn, trong những nơi mà thế gian chê bỏ. Vậy chúng ta cần tập nhận ra Chúa bằng con mắt đức Tin. Nơi những con người đơn sơ, thấp hèn.

29/Vì sao họ chống đối Chúa ? Thoạt mới nghe thì họ thán phục, tán thành, nhưng sau đó vì thành kiến nên họ không tin, muốn xua đuổi, muốn giết Chúa. Thật đúng như lời Thánh Yoan viết : Người đến nhà mình nhưng người nhà không đón nhận. Bởi vì tư tưởng của Thiên Chúa khác xa tư tưởng của con người .

30/Điều kiện nào phát sinh phép lạ ? Chúa rao giảng là đi gieo rắc niềm tin. Còn họ, thay vì đi tìm niềm tin thì họ lại đi tìm lợi lộc. Niềm tin là khởi điểm của mọi phép lạ. Chúa Giêsu chỉ làm phép lạ khi thấy ở nơi đó có niềm tin. Chúa cũng chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Họ không tin Chúa là Đấng cứu thế vì thế lời giảng của Chúa không đưa họ tới niềm tin vào Thiên Chúa vào Nước Trời. Họ chỉ mong có phép lạ để đem lại cho họ lợi lộc vật chất như là được khỏi bệnh, được ăn no, chứ ngoài ra họ không mong gặp được Chúa để thờ lạy, tôn kính, yêu mến !

31/Mục đích Chúa làm phép lạ để làm gì ? Bản chất của Chúa là khiêm nhường. Bản chất của dân Nazaret là kiêu căng. Chúa Giêsu không làm phép lạ để biểu diễn, Chúa chỉ làm phép lạ vì muốn giải nghĩa mầu nhiệm nước Thiên Chúa. Chúa không làm phép lạ khi ma quỷ thách đố Chúa trong hoang địa, Chúa không làm phép lạ khi dân chúng thách thức Chúa trên núi Sọ  và hôm nay cũng thế .

32/Mục đích của dân làng Nazaret muốn Chúa làm phép lạ: Hôm nay, Chúa không làm phép lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ và kiêu ngạo của dân làng. Họ mong Chúa làm phép lạ để họ được vinh dự là có một người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để dân làng nở mày nở mặt với Capharna-um.

33/Ý nghĩa câu chuyện bà goá Sarepta và tướng Na-a-man: Vì suy nghĩ của họ khác với suy nghĩ của Chúa. Họ muốn Chúa dành ưu tiên làm phép lạ cho dân làng. Tất cả phải bó gọn trong dân làng, nhưng Chúa đã trích dẫn 2 câu chuyện Cựu Ước này -> Vì Chúa muốn cho mọi người hiểu : Chúa không bó gọn tình thương và ơn cứu độ trong phạm vi hạn hẹp thân thuộc mà phải mở rộng tới tất cả mọi người, không chỉ trong dân tộc Do Thái thôi ,mà còn dành ưu tiên cho dân ngoại nữa. Đây là 2 nhãn quan hoàn toàn khác nhau.

34/Vậy chúng ta phải sống đạo theo cách nào ?  Nếu tôi vì thành kiến hạn hẹp, vì lợi lộc trần thế mà không đón nhận Chúa Giêsu thì tôi cũng đâu khác gì dân thành Nazaret. Họ tìm Chúa chỉ vì lợi lộc. Họ đến với Chúa chỉ vì hư danh vì tâm hồn hẹp hòi , ích kỷ .

35/Hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa điều gì ? Xin Chúa thanh tẩy linh hồn con khỏi mọi tính hư tật xấu, khỏi thói ham mê lợi lộc, khỏi thói phô trương bề ngoài, khỏi thói ích kỷ khép kín. Để con được Chúa đón nhận và trở nên Tông đồ của Chúa. **R

 

Bài 3: TÌM RA GIÁ TRỊ THẬT CỦA TÌNH YÊU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

36/Thế nào là bệnh thành kiến ? Nó làm cho chúng ta nhìn người khác bằng một nhãn quan (ánh mắt) sai lầm / Thành kiến làm cản trở sự phát triển đức tin của chúng ta / Dân Do Thái tin vào Thiên Chúa và đang mong đợi Đấng Messia / Thiên kiến đã làm mờ mắt họ, nên họ không thể nhận ra Đức Giêsu đã đến để xác tín niềm tin mà họ đang mong đợi / Chúng ta biết rằng đức tin là ơn Thiên Chúa ban nhưng không, nhưng chúng ta thường gặp những bất ngờ khiến cho chúng ta bối rối, đó cũng là dịp thử thách để chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin.

37/Thế nào là đức tin sống động ? Không đưa chúng ta đến một hệ thống đã chuẩn bị sẵn, nói cho dễ hiểu hơn là không làm theo những thói quen máy móc / Đức tin đúng nghĩa luôn chuẩn bị tâm trí để chúng ta luôn sẵn sàng nghênh tiếp Thiên Chúa / Đây là một trong những yêu cầu giúp chúng ta tiến bộ trong đức tin.

38/Ngày hôm nay, trước những thử  thách về đức tin theo trào lưu mới, người Công giáo luôn phải chuẩn bị lòng trí để đón nhận những ân huệ mà từ trước đến nay chưa từng có / Theo như đề xuất của Công Đồng Vaticano II / người Công giáo phải tuân thủ triệt để những huấn lệnh của Giáo Hội à người Công giáo phải cầu nguyện, suy nghĩ và hành động theo chiều hướng mà Công đồng đã đề ra.

39/Câu chuyện cậu thiếu niên, ông bố và miếng kiếng sát tròng: Cậu bé tìm miếng Plastic / còn ông bố thì đi tìm 150 đô là giá trị của miếng kiếng / Câu chuyện trên cho chúng ta thấy: nếu chúng ta không nắm vững đúng giá trị của vấn đề / chúng ta rất dễ thất bại trong việc tìm kiếm những điều quan trọng trong đời sống.

40/Lý do tại sao dân Nazaret từ bỏ Chúa Giêsu ? Họ không nhận ra giá trị con người thật của Chúa Giêsu, nên họ không chấp nhận được một thanh niên sinh đẻ tại đây lại là Đấng Messia của họ / Họ đã bỏ sót những chi tiết thật sự quan trọng à nên đối với họ: chàng thanh niên mang tên Giêsu không khác gì một miếng plastic tầm thường !

41/Điều gì đã xảy ra ở Corintho khiến cho Thánh Phaolô phải viết thư khuyên dạy các tín hữu của ông ? Bởi họ đã say mê những món quà đặc sủng như là nói tiếng lạ, cắt nghĩa tiếng lạ, được ơn chữa bệnh, được ơn nói tiên tri / Có được những đặc ơn này thì tốt cho họ / Nhưng họ đã thất bại trong việc tìm ra những đặc ơn lớn nhất / đó là đặc ân tình yêu, mà tình yêu là Đức Kitô / Họ đã quên rằng: người cho , trọng hơn của cho / Chính Chúa Giêsu là Đấng ban phát cho họ những đặc ân kia, việc họ cần tìm chính là Chúa Giêsu chứ không phải là những đặc ân đó.

42/Đặc tính của tình yêu là gì ? Là yêu thương nhau, là đối xử tử tế với nhau / Vì đối xử tử  tế với nhau nến mới nói với nhau: xin vui lòng, xin cảm ơn, xin lỗi,… / Tình yêu là phải kiên nhẫn với nhau /  là phải tha thứ cho nhau.

43/Cái khó của tình yêu là gì ? Phải luôn kiên nhẫn với nhau, với những người mà chúng ta cùng sống, cùng làm việc / Nếu họ không làm cho thần kinh chúng ta luôn căng thẳng thì họ cũng làm phiền chúng ta bởi phải chịu đựng những điều mà chúng ta không thích / Tình yêu không ghen tỵ, không làm bộ, tình yêu không thô lỗ / tình yêu không nói lời vô ích.

44/Điều quan trọng nhất của tình yêu là gì ? Là không tìm kiếm chính mình / Tình yêu phải luôn quảng đại, không ích kỷ / Cuối cùng, tình yêu không bao giờ đem lại sự thất vọng / Tình yêu không kể tốt xấu, giàu nghèo, ốm đau hay khỏe mạnh / nhưng chữ tình yêu chỉ có thể đem thay thế bằng tên của Đức Kitô / Chân lý này chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở nơi Ngài.

45/Điều gì có thể biến đổi tình yêu của chúng ta ? Thánh Thể là ý nghĩa để chúng ta lớn lên trong tình yêu giống như Đức Kitô / Khi chúng ta Rước Chúa / chúng ta thường cầu nguyện: “Lạy Cha xin biến đổi con và những tình yêu của con / xin giúp con yêu mến Chúa như Chúa yêu con, xin giúp con mỗi khi con gặp khó khăn”.

46/Ba nhân đức đối thần như lời dạy của Thánh Phaolô: Có 3 nhân đức lớn lao nhất đó là: Tin, Cậy, Mến / Khi chúng ta lên Thiên đàng thì đức tin không còn cần thiết nữa, vì ta đã được đối diện với Thiên Chúa / Đức Cậy cũng không còn cần nữa vì chúng ta đã đạt được mục đích / Nhưng chúng ta chỉ còn lại một nhân đức lớn hơn mọi nhân đức khác / đó là nhân đức tình yêu, đức mến / là một nhân đức đời đời / Nhân đức này được sinh ra bởi việc chúng ta cầu xin và đem Lời Chúa ra thực hành , từ một tình yêu giống Đức Kitô ,sau đó phát sinh ra tình yêu thương anh em. **R

 

Bài 4: SỐ PHẬN CỦA VỊ NGÔN SỨ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

47/Chúa Giêsu đã cảm nhận được điều gì khi trở về quê hương ? Chúa Giêsu có thể biết trước những khó khăn, đau đớn khi lãnh nhận sứ mạng làm Ngôn sứ ngay tại xứ sở của Ngài / Chúa đã từng bị bạn bè, láng giềng ruồng rẫy / mà bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy những sự việc xảy ra khi ngày đầu tiên thuyết giảng tại quê hương của Ngài.

48/Ngay sau khi chịu phép rửa từ sông Yodan trở về, Chúa đã tuyên bố điều gì với những người đồng hương ? Chúa đứng lên tuyên bố với đồng bào của mình rằng: Thần Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài đã làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh / Ngay lúc đó dân chúng phản ứng khó chịu ngay / Khắp Hội đường đều hoài nghi / mọi người cùng xầm xì bàn tán với nhau: anh ta không phải là con ông Giuse sao ? Anh ta chẳng phải là một con người nghèo khổ trong làng Nazaret sao ? Anh ta là ai mà dám tự nhận mình là Ngôn sứ ? Đâu là bằng chứng cho thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là một tên mạo nhận?*

49/Dân chúng phản ứng mạnh mẽ như thế nào ? Lời xầm xì của họ càng lúc càng lớn, chẳng bao lâu sau họ bắt đầu la lên / rồi đột nhiên họ không tự kiềm chế được nữa.

50/Thánh Luca đã kể lại sự kiện này như thế nào ? “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi của thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống vực sâu / Nhưng Chúa Giêsu đã bước qua giữa họ mà đi nơi khác”.

51/Đoạn tiếp theo của Tin Mừng này là gì ? Chúng ta thấy Chúa Giêsu đi tiếp đến tận Yerusa-lem / Trên đường đi, Ngài tiếp tục bị người Do Thái xô đẩy / Cuối cùng họ cũng lôi Ngài lên được tới cây Thập giá, trên đỉnh đồi Golgotha / Họ đã xô được Ngài xuống mồ.

52/Cuối cuộc đời của Ngài thì sự kiện gì đã xảy ra ? Chúa chỉ ở trong mồ có 3 ngày rồi chỗi dậy từ cõi chết và tiếp tục con đường Ngài đang đi, đó là đem lại ơn cứu độ cho muôn dân / Sau đó Ngài kêu gọi các môn đệ và sai họ tiếp tục đi con đường của Ngài à đi làm chứng cho Ngài đến tận cùng Trái Đất.

53/Những khó khăn Chúa gặp có phải là vật cản đường chúng ta đang đi ? Người Kitô hữu đang hăng hái, bỗng nhiên bị hất văng xuống đất / Tuy nhiên, qua những kinh nghiệm chua chát đó, chúng ta nhớ lại lời của Simê-on đã thốt ra khi Chúa Giêsu được dâng vào Đền thánh / “Trẻ này… là một dấu chỉ cho người ta chống đối” (Lc 2, 34) / Câu này đã theo Chúa suốt thời kỳ giảng thuyết.

54/Dân Do Thái đã buộc tội Chúa Giêsu như thế nào ? Dân Nazaret đã đòi Chúa Giêsu đưa ra bằng chứng xác minh Ngài là Ngôn sứ thế nào / thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Isra-el cũng buộc Chúa chứng minh giáo lý của Ngài là chính thống y như vậy.

55/Dân làng đã tố cáo Chúa điều gì ? Dân làng Nazaret đã tố cáo Chúa là kẻ dối trá, lộng ngôn, phạm thượng / thì bọn biệt phái cũng ra sức buộc tội Ngài là công cụ của ma quỷ y như thế (Mt 12, 24).

56/Dân làng đã cố sức làm điều gì ? Họ đã cố  sức tìm cách giết Chúa Giêsu vì lời tuyên bố của Ngài thế nào, thì đám đông dân thành Yerusa-lem cũng hò hét khản cổ: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi” y hệt như vậy.

57/Lời tiên tri của cụ già Sime-on đã ứng nghiệm như thế nào ? Chúa Giêsu quả là một con người bị khích bác và chống đối nhiều nhất / và cũng chính lời tiên tri ấy đã theo sát Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời tại dương thế của Ngài.

58/Cuộc đời của Chúa Giêsu y như mẫu gương của vị Tiên tri nào thời Cựu Ước ? Đó là tiên tri Yeremi-a / Chúng ta hôm nay phải luôn luôn ý thức sứ vụ rao giảng Lời Chúa của mình / cho dù chúng ta biết trước những khó khăn, thử thách, nguy hiểm sẽ gặp / nhưng chúng ta cũng phải quyết một lòng trung thành để hoàn tất nhiệm vụ / phải liều mình vì sứ vụ Chúa đã trao phó, để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

59/Nhìn vào gương sáng của nhiều đấng bậc trong Giáo Hội chúng ta thấy rằng: nhiều người lãnh nhận ơn gọi ấy, họ đã lãnh lấy sứ vụ đó và hân hoan đón nhận và đang thi hành nhiệm vụ của mình một cách hết sức can đảm, kiên trì và đầy lòng nhiệt thành, rất đáng cho chúng ta thán phục, bắt chước.

60/Cuộc đời làm tông đồ của họ có suông sẻ không ? Họ cũng gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghét ghen, hãm hại bởi những kẻ không muốn đón nhận Tin Mừng mà họ đang rao giảng / Họ đã sẵn sàng đón nhận mọi thứ hình khổ và cái chết vì sứ vụ chuyển thông Tin Mừng theo gương Chúa Kitô.

61/Chúng ta phải cộng tác với họ như thế nào ? Chúng ta phải tiếp tục cầu xin Chúa ban sức mạnh thể xác cũng như tinh thần cho họ như Chúa đã ban những ơn này cho các Ngôn sứ, Tông đồ, ngày xưa nói chung và cho các Thánh tử đạo nói riêng.

62/Chúng ta phải cầu xin cách riêng cho những người đã trót lãnh lấy sứ vụ này nhưng vì lý do nào đó mà họ đã sợ hãi muốn làm thinh, muốn tháo lui / Họ hãy nhìn vào gương của Yeremi-a, gương của Đức Kitô, gương của Phaolô, của các Tông đồ và của bao nhiêu người đã hết sức trung thành với sứ vụ của mình trong đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần / để cho họ cũng được ơn bền đỗ đến cùng. **R

 

TÓM Ý

1/Khi nào thì Thiên Chúa mới gởi các Tiên tri đến ? Khi Thiên Chúa thấy tinh thần đạo đức của dân Do Thái sa sút hoặc đang bị ngoại ban hiếp đáp và dân kêu cầu đến Danh Chúa / Thì Chúa sai Tiên tri đến để dẫn dắt Dân Ngài.

2/Tiên tri Yeremi-a đáp lại tiếng Chúa như thế nào ? Ông đáp lại cách miễn cưỡng vì ông quá biết: làm tiên tri tại quê hương mình sẽ gặp nhiều khó khăn.

3/Phản ứng của dân chúng như thế nào ? Họ đang sống thoải mái, nhưng khi Yeremi-a đến, ông đã làm mất đi sự tự do của họ / Dân chúng đã nổi giận, họ căm ghét ông / họ đánh đòn ông / bỏ ông vào bao cột miệng lại / có lần họ đã xô ông té vào đống phân.

4/Chúa Giêsu đã cảm nhận được điều gì ? Chúa cảm nhận được sự khó khăn khi phải lãnh nhận nhiệm vụ tiên tri tại quê hương mình / Chúa đã bị những người bà con, đồng hương chửi bới, ruồng rẫy / Họ còn có ý định giết chết Chúa bằng cách cố xô Ngài xuống vực sâu cho tan xác.

5/Qua những sự việc xảy ra với Chúa Giêsu, chúng ta nhớ lại lời tiên tri Sime-on: “Trẻ nhỏ này sẽ nên như dấu chỉ cho người ta chống đối”.

6/Dân Nazaret tố cáo Chúa điều gì ? Dân Nazaret tố cáo Ngài là kẻ lộng ngôn / còn biệt phái thì kết án Ngài là công cụ của ma quỷ / Dân thành Yerusa-lem thì hò hét: đóng đinh nó đi / đóng đinh nó đi.

7/Chúng ta theo Chúa, chúng ta sẽ ra sao ? Chúng ta cũng sẽ bị ghét bỏ, khích bác, chống đối, roi vọt, tù đày như Chúa, bởi Chúa Giêsu đã nói trước: “Nếu thế gian ghét Thầy thì họ cũng sẽ ghét các con”.

8/Tại sao chúng ta phải giữ vững lập trường ? Bởi vì Chúa nói: chúng ta là muối, là ánh sáng /  đèn được đốt lên phải để trên  giá cao để người ta nhìn thấy những việc chúng ta làm mà ngợi khen Cha ở trên trời!

9/Thánh Phaolô đã nói gì ? Chúng ta phải là ánh sáng chiếu soi trong thế gian u tối / chúng ta phải làm gương sáng, chứ không được làm ô Danh Chúa.

10/Thánh Yoan Tông Đồ đã viết gì ? “Người đã đến nhà, nhưng người nhà không nhận biết Người”/ Dân Nazaret lúc đầu nghe Chúa giảng thì rất khâm phục, nhưng sau đó vì lời giảng của Chúa đụng chạm đến quyền lợi của họ nên họ ghét và muốn giết Chúa.

11/Tại sao dân Nazaret không nhận ra Chúa ? Bởi vì Chúa không làm theo ý họ / Bởi vì lời giảng của Chúa không đem lại lợi lộc vật chất cho họ /Bỡi vì họ không cần niềm tin.

12/Lúc nào thì Chúa Giêsu không làm phép lạ ? Chúa không làm phép lạ khi bị ma quỷ cám dỗ, thách thức Chúa / Chúa không xuống khỏi Thập Giá khi dân chúng thử thách Chúa / Hôm nay tại Nazaret, Chúa không làm phép lạ vì tính hiếu kỳ, kiêu căng của dân chúng.

13/Tại sao Chúa không dành riêng việc rao giảng cho một mình dân tộc Do Thái ? Chúa muốn cứu thoát tất cả mọi người, không dành riêng cho một dân tộc nào, không dành riêng cho một phạm vi thân thuộc nào, nhưng là dành cho mọi người.

14/Tại sao ? Vì có khi tôi là người có đạo nhưng chẳng thèm quan tâm tới ơn cứu độ / như dân làng Nazaret / Có khi tôi đến với Chúa chỉ vì lợi lộc, chỉ vì danh vọng / Tóm tắt: ai tin, ai cần Chúa thì được Chúa cứu họ = như bà góa thành Serep-ta, như tướng Na-a-man người Syria.

15/Có bao nhiêu người Do Thái nhận ra Chúa ? Khi Chúa rao giảng, chỉ có vài ba trăm người đi theo, tin Chúa / Khi Chúa lên trời cũng chỉ có độ năm trăm người chứng kiến./thật quá ít !!!

16/Dân Do Thái ganh ghét với những nơi khác, họ muốn độc chiếm Chúa, không chịu nhường Chúa cho người ngoài / Họ mờ mắt vì thành kiến, nhìn Chúa như một anh thợ mộc nghèo / Họ không chịu nhìn người khác qua lăng kính của Thiên Chúa !

17/Thành kiến sẽ tác hại ra sao ? Không ai có thể đứng mãi một tình trạng, hoặc là sống tốt hơn hoặc là sống kém đi / Hôm nay tôi tội lỗi, nhưng biết đâu chút nữa đây tôi lại sống thánh? Ví dụ: Người trộm lành / Thánh Phêrô / Thánh Phaolô / Hãy sống rộng lượng như Chúa / Đừng suy nghĩ quá hẹp hòi về người khác!

18/Đức tin sống động là như thế nào ? Đức tin luôn biến đổi, không sống theo thói quen máy móc, lúc nào cũng phải chuẩn bị lòng trí để đón Chúa, nhờ đó đức tin của chúng ta luôn tiến bộ.

19/Sống đức tin hôm nay là gì ? Theo Công Đồng Vatican II / Người công giáo phải sống theo Tin Mừng, phải tuân thủ triệt để giáo huấn của Giáo Hội / Người công giáo phải cầu nguyện và hành động theo như chiều hướng mà Công Đồng đã vạch ra.

20/Thành kiến là đánh giá sai / Dân Nazaret đã đánh giá sai về Chúa Giêsu / Chúng ta thường xét đoán và đánh giá sai về những người chung quanh mình / Chúng ta thường gây bất công cho người khác.

21/Nhân đức nào quan trọng nhất ? Có ba nhân đức quan trọng, nhưng đức mến quan trọng nhất vì nó tồn tại đời đời / Khi ta lên Thiên đàng, được đối diện với Thiên Chúa thì đức tin không còn cần thiết nữa / đức cậy cũng vậy, vì ta đã đạt được mục đích / Như vậy chỉ có đức mến là vĩnh viễn.

22/Thiên Chúa là tình yêu / Tình yêu là chính Chúa Giêsu / Yêu là đối xử tử tế với nhau, yêu phải kiên nhẫn, yêu phải quảng đại / Yêu không thô lỗ / yêu không ghen tỵ / Tình yêu không tìm kiếm chính mình / Yêu không kể gì đến ốm đau, đẹp xấu, giàu nghèo / Tình yêu sẽ biến đổi khi ta nhìn đời bằng cặp kính màu hồng.

23/Lúc đầu dân Nazaret cũng yêu thích Chúa Giêsu / nhưng vì tình yêu ích kỷ nên lâu dần sau đó họ đã ghét và muốn giết Chúa / Ta hãy sống như Chúa Giêsu đã sống : quảng đại , yêu thương / **R

 

 Giuse Luca Trương Đình Nghi

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1572
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1609
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407018
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top