Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 7 sau lễ Phục Sinh / C / CHÚA GIESUS LÊN TRỜI / Giuse Luca

CHÚA NHẬT 07 PS  C

ĐỀ TÀI:  CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI 

Lời Chúa: Lc 24, 46-53 

 

Tung hô Tin Mừng:  x.Mt 28,19a.20b

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Haleluia.

PHÚC ÂM: Lc 24, 46-53

"Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời."

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

46 Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Yerusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

 49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51  Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Yerusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/   Con đường nào dẫn Chúa Giêsu đến với nỗi khổ đau ?

2/   Con đường nào dẫn Chúa Giêsu đến vinh quang ?

3/   Sự khác biệt giữa hai con đường như thế nào ?

4/   Hôm nay chúng ta cần phải làm gì ?

5/   Chúa Giêsu đã nói gì trước khi từ biệt ?

6/   Các Thiên Thần muốn nhắc nhở các ông điều gì ?

7/   Tại sao con người dễ mất thăng bằng và té ngã ?

8/   Hãy so sánh giữa hai con đường.

9/   Chúng ta được hưởng gì từ việc Chúa Giêsu lên trời ?

10/   Tư thế khi Chúa Giêsu lên trời:

11/   Vì sao xa Chúa nhưng chúng ta lại vui ?

12/   Vì sao Chúa Giêsu lên trời ?

13/   Điều thiên thần muốn nói với chúng ta là gì ?

14/   Muốn chu toàn bổn phận, chúng ta cần làm gì ?

15/   Khoa học kỹ thuật sẽ giúp gì cho ta ?

16/   Chúa lên trời nhắc chúng ta điều gì ?

17/   Chúng ta cần làm gì với lực hút của quả đất ?

18/   Chúng ta sẽ xin gì cùng Chúa Giêsu ?

19/   Chúng ta sẽ đi về đâu ?

 

 

Bài  1: SỨC  HÚT  TỪ TRỜI  CAO

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1/   Chiều thứ 5 Tuần Thánh, sau khi rời phòng tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm gì ? Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ theo con đường Bêtani-a để lên núi Cây Dầu / Và tại đây Ngài đã trải qua một cơn hấp hối đầy cay đắng, đến nỗi mồ hôi máu đã chảy ra.

2/   Rồi hôm nay, cũng chính con đường ấy, Chúa Giêsu đã làm gì ? Chúa Giêsu cũng đã tiến đến núi Cây Dầu, và tại đây Ngài đã gặp gỡ, đã vĩnh biệt các môn đệ, rồi Ngài lên trời trước mắt các ông.

3/   Giữa 2 lần đi trên cùng một con đường, chúng ta nhận ra điều khác biệt nào ? Cùng trên một con đường, cùng tại một địa điểm nhưng đã xảy ra điều cách biệt, tương phản nhau => lần trước Ngài đến để thực hiện Thánh Ý Chúa Cha, đó là chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại / lần sau Ngài lên trời như một Đấng đã chiến thắng khải hoàn/ Đây cũng chính là con đường, là hình ảnh mà mỗi chúng ta phải dấn thân trong thời điểm hiện nay.

4/   Ngày nay, Giáo Hội nói chung và chúng ta nói riêng, cần phải làm gì ? Chúng ta phải lên núi Cây Dầu để làm quen với cây Thập Giá, nếu muốn chiêm ngưỡng vinh quang Phục Sinh / nếu muốn thấy rõ điều ấy, chỉ cần chúng ta đọc lại đoạn Tin Mừng này.

5/   Trước khi vĩnh biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói điều gì ? Chúa Giêsu đã nhắc đến cái chết và sự sống lại (Lc 24, 46) của Ngài nhằm tha thứ tội lỗi / rồi Chúa phán: từ nay họ sẽ là chứng nhân của Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng cách loan báo Tin Mừng , kêu gọi ơn hoán cải ở mọi nơi, mọi lúc và trên mọi nẻo đường trần gian / và phải sống Mầu Nhiệm Thập Giá để làm chứng cho Chúa Kitô.

6/   Thiên thần nhắc khéo điều gì ? “Này các bạn người Galilê, sao cứ đứng nhìn trời làm chi ?” Ý Thiên thần muốn nói rõ hơn rằng: các bạn hãy mau về đi, hãy trở về với sứ mạng mà Chúa Giêsu vừa trao phó cho các bạn .

7/   Tại sao con người dễ mất thăng bằng ? Đúng ra, khi con người chúng ta tiến bước, chính đôi chân đang đạp đất nhưng đôi mắt vẫn nhìn trời / vẫn phải ước ao những chuyện trên trời / Đây là một hình ảnh trung thực nói về Giáo Hội và về mỗi người chúng ta / Tuy nhiên, rất nhiều người lại muốn tách biệt hai yếu tố này và chúng ta đã tạo nên một nếp sống, một bước đi chông chênh, điều ấy đã chẳng làm vui lòng Chúa, cũng chẳng đem lại lợi ích cụ thể nào, mà còn khiến chúng ta dễ mất thăng bằng, gây nên những cú té ngã không đáng có.

8/   Hãy so sánh con đường xưa Chúa đã đi với con đường hôm nay chúng ta phải đi / Nếu xưa Chúa Kitô đã phải vác Thập giá để tiến tới Phục Sinh/ thì hôm nay chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội cũng phải bước đi trên con đường ấy / Bởi vì Thập giá là con đường đưa tới vinh quang Phục Sinh / Vì thế mỗi người hãy chấp nhận thập giá trong đời thường là những hy sinh đau khổ trong cuộc sống / để rồi trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được Chúa đưa về quê hương Nước Trời, cùng được chia sẻ vinh quang với Người!

9/   Ảnh hưởng từ việc Chúa Giêsu lên trời: Đức Giêsu được đưa về trời khiến cho cả nhân loại được hoan hỷ / Vì sao ? Vì Con Thiên Chúa làm người, sống thân phận long đong kiếp người, nếm trải cái nghèo đói, nhọc nhằn, khổ đau, cay đắng / Cuộc đời Ngài nhìn qua như một thất bại ê chề / nhưng rồi Ngài đã Phục Sinh, đã hiện ra, đã được đưa về trời khải hoàn vinh hiển / Ngài từ Cha mà đến và lại trở về với Cha / Sứ mạng Cha trao tuy quá khó khăn nhưng Ngài đã hoàn tất.

10/   Tư thế của Chúa Giêsu khi lên trời nói lên điều gì ? Chúng ta hãy chiêm ngắm giây phút Ngài lên trời, Ngài giơ tay chúc lành cho các môn đệ như vị Thượng tế cao cả / Ngài về trời trong tư thế chúc lành / Ngài chúc lành cho trái đất mà Ngài đã sống / Ngài chúc lành cho những con người cùng có kiếp sống như Ngài vừa trải qua .

11/   Vì sao hôm nay chúng ta vui ? Hôm nay chúng ta vui vì có một người anh trưởng đã được nâng lên trên tột đỉnh vinh quang của Ngôi vị Thần linh / Chúng ta vui vì con người đầu tiên mang nhân tính như chúng ta được lên trời, được siêu tôn trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ / Sự thành công của Chúa Giêsu mang lại niềm hy vọng cho chúng ta bởi vì chúng ta cũng đang đi trên con đường cheo leo như Ngài / thì chúng ta vững tin rằng: chúng ta cũng sẽ đến được nơi mà Ngài đã đến !

12/   Vì sao Chúa Giêsu được lên trời? Chúa Giêsu về trời sau khi đã hoàn thành sứ vụ dưới đất / Chúa muốn chúng ta cũng trưởng thành trong niềm tin để đưa vai gánh lấy trách nhiệm / Bước chân của Ngài chỉ mới đi hết xứ Palestina bé nhỏ / còn lại là cả một thế giới mênh mông, còn biết bao nhiêu dân tộc xa gần, chưa hề được nghe lời Ngài rao giảng / Ngài muốn chúng ta làm chứng cho Ngài đến tận cùng cõi đất, cho mọi dân tộc, cho đến tận thế.

13/   Thiên thần bảo chúng ta điều gì? Ngài bảo chúng ta đừng khoanh tay nhìn trời. Vì còn quá nhiều việc phải làm trước mắt. Chúng ta phải nhiệt tình xây dựng lại quê hương này cho huynh đệ hơn, công bằng hơn, bác ái hơn, văn minh hơn. Để xứng đáng đón mừng ngày Chúa trở lại. Muốn xây dựng lại trái đất tối ưu thì phải hướng lòng về trời, để tìm cho ra câu trả lời tối ưu!  **R

 

Bài 2: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC LÊN TRỜI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

14/   Muốn chu toàn bổn phận dưới đất, chúng ta cần phải làm gì ? Chúng ta không khoanh tay nhìn trời / nhưng lòng chúng ta phải hướng lên trời / Muốn xây dựng dưới đất mà không hướng lòng về trời / thì sẽ không thể tìm được giải pháp tối ưu / Chúng ta luôn cần sức mạnh từ trời cao của Chúa Thánh Thần để giải quyết những vấn đề rối rắm của trái đất như là : ma túy, trụy lạc, tham nhũng, ô nhiễm, đói nghèo và nhất là xây dựng nền tảng con người.

15/   Khoa học kỹ thuật tiến bộ có giúp ích gì cho chúng ta không ? Càng tiến bộ, càng tiện nghi, con người càng bị lệ thuộc nhiều hơn / Chúng ta đang bị nô lệ cho những nhu cầu mà xét ra nó không cần thiết lắm / Vì thế trái đất này đang có một lực hút ghê gớm / khiến cho nhiều người lầm tưởng nó là quê hương vĩnh cửu / mà quên mất quê hương thật của ta đang ở chốn trời cao (Pl 3, 20).

16/   Chúa Giêsu lên trời, nhắc nhớ chúng ta điều gì ? Hãy tìm kiếm những điều trên trời (Cl_3, 1) / Đừng dập tắt những nỗi khát khao, những điều cao cả nơi nhà Cha trên trời / hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã bị treo lên cao / mong rằng Ngài sẽ kéo chúng ta lên khỏi những cái tầm thường ô trọc hằng ngày.

17/   Chúng ta cần phải làm gì ? Sức hút của mặt trời vừa đủ để gúp chúng ta khỏi bẹp dí vì sức hút của quả đất / Hai lực hút này phải cân bằng nhau, đủ để giúp chúng ta cử động, đi đứng dễ dàng trên mặt đất / Đó là về vật chất / trong đời sống thiêng liêng / Mọi người cần phải nổ lực bay lên cao để mong thoát khỏi lực kéo xuống của vật chất, thú vui, danh vọng cộng với cái tôi lười biếng, trì trệ / Làm sao để chúng ta có thể bay lên nhẹ nhàng / Chỉ có cầu nguyện mới giúp ta thoát khỏi lực hút xấu xa thấp hèn đó.

18/   Lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa / xin đừng để những vất vả trong cuộc sống đời thường làm cho chúng con quên mất trời cao / Xin đừng để những vẻ đẹp cuốn hút của trần gian ngăn bước chân không cho chúng con tiến về bên Chúa / Ước gì mỗi ngày trong cuộc sống của chúng con, xin giúp cho mọi người được nhìn thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

19/   Sinh ra từ cát bụi, con người sẽ trở về cát bụi / Câu này có làm cho chúng ta thêm bi quan không ? Có người nghĩ rằng: thế giới chỉ bó gọn trong trái đất, con người thuộc về đất nên sẽ trở về với đất / Nhưng không phải thế, bởi vì hôm nay Chúa Giêsu là một con người như chúng ta, Ngài đã chết nhưng đã sống lại và lên trời / Đây chính là bằng chứng cho niềm hy vọng của chúng ta.

20/   Việc Chúa Giêsu lên trời, báo trước cho chúng ta điều gì ? Điều đó cho ta biết rằng: ngoài trái đất, còn có trời / Ngoài cõi nhân sinh thế gian nhỏ hẹp, còn có một cõi thần linh bao la / Ngoài cuộc sống trần gian đau khổ và mau qua, còn có một cuộc sống Thiên đàng hạnh phúc vĩnh cửu / Chúa Giêsu về trời chính là niềm hy vọng vì mai sau chúng ta cũng sẽ được về trời với Người / Chính vì lời Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó với Thầy” / Chính Chúa Giêsu đã liên kết tất cả chúng ta thành một thân thể với Người, Người là đầu, chúng ta là chi thể / đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng tiến được đến đó.

21/   Lý do Chúa được về trời là gì ? Chúa Giêsu chỉ được về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian / Nhiệm vụ của Người là loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương / Nhiệm vụ đó là Chúa Giêsu phải làm chứng về tình yêu thương của Cha trên trời đối với mọi người.

22/   Hôm nay trước khi về trời, Chúa Yessu đã ủy thác điều gì cho chúng ta ? Chúa đã ủy thác nhiệm vụ đó lại cho chúng ta / Chúng ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Tin Mừng cho mọi người / Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người / Chính vì mang niềm hy vọng đó nên cho dù chúng ta đang sống ở đất thấp nhưng lòng phải luôn hướng về trời cao !

23/   Niềm hy vọng đó giúp ích gì cho con người ? Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống của con người lên / Bởi vì từ nay tương lai định mệnh của con người không giống như loài thú vật/ nhưng lại ngang hàng với Thần linh / làm cho cuộc sống của con người thêm ý nghĩa.

24/   Định mệnh của kiếp người được thay đổi như thế nào ? Chúa tạo dựng nên con người với biết bao ưu điểm nổi bật / không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất / mà để cho con người phát triển và tồn lại vô biên / không phải để chịu kết án / để chịu đau khổ, vất vả ở trần gian / nhưng là tiền định được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng / Niềm hy vọng đó cho chúng ta có thêm động lực để phục vụ tha nhân tận tâm hơn / Đó mới là sứ mạng mà Chúa trao phó / để khuyến khích chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp hơn / và cũng chính là điều kiện để chúng ta được lên trời với Chúa!   **R

 

Bài 3: Ý NGHĨA CỦA 2 BIẾN CỐ THĂNG THIÊN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

25/   Thánh Luca đã diễn tả như thế nào về biến cố Thăng Thiên ? Ngài diễn tả 2 lần cùng một biến cố: một lần ở cuối sách Tin Mừng thứ 3 và một lần ở đầu sách Tông Đồ Công Vụ / Biến cố Thăng Thiên xuất hiện chính xác như vừa mới hoàn tất lại vừa mới khởi đầu / Hoàn tất sự hiện diện hữu hình của Đức Kitô ở giữa con người / cũng là lúc khởi đầu sự hiện diện vô hình của Ngài / Ta cũng có thể hiểu: Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng nơi trần thế / và khởi đầu sứ mạng nơi các Tông Đồ.

26/    Làm cách nào chúng ta có thể phân biệt 2 biến cố Thăng Thiên ? Biến cố Thăng Thiên thứ nhất không có nhân chứng, đó là cuộc trở về cùng Cha Ngài ngay sau sự kiện Phục Sinh, đó là cuộc hội ngộ Ba Ngôi, là biến cố Thần Linh tuyệt mức => đó là sự tôn vinh của Chúa Con / Sự tôn vinh mà Chúa Con đã xin trong lần Ngài cầu nguyện trước cuộc Khổ Nạn (Yn 17, 5) / Biến cố Thăng Thiên thứ hai là cuộc lên trời hữu hình của Đức Giêsu trước mắt các Tông Đồ / Biến cố này liên quan chủ yếu đến chúng ta / Đó là bản tính nhân loại, cùng với Đức Kitô / Cuộc Thăng Thiên này báo trước cuộc thăng thiên của chúng ta => là sẽ được dự phần vào vinh quang Thiên Chúa.

27/    Tại sao Đức Giêsu lại chọn cách Thăng Thiên hữu hình ? Tại sao Chúa lại chọn một cách ra đi, xem ra rất ngoạn mục mặc dù rất nhanh và rất kín đáo ? Phải chăng Chúa Giêsu không thể loan báo với họ rằng: Ngài sẽ không còn tỏ mình ra cho họ nữa, Ngài từ biệt rồi biến mất như Ngài đã làm suốt 40 ngày sau biến cố Phục Sinh ?

28/    Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời này ở đâu sau biến cố lên trời ? Khi Chúa lên trời một cách hữu hình như vậy / khi xưng mình với danh hiệu là “Con Người” / Nhân vật mà Đani-en thấy trong thị kiến “đến trên mây trời” / Riêng đối với Nicôđêmô, Chúa Giêsu xác định: “Không ai lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Yn_3,13).

29/    Đức Giêsu đã sử dụng cùng một hình ảnh khi tuyên bố: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống” / Trong bài diễn từ này, Ngài đã nêu lên 6 lần như vậy để rồi cuối cùng Ngài kết thúc: “vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao”? (Yn 6, 62).

30/    Tại sao cần thiết phải có Chúa Thánh Thần ? Trước khi từ biệt các Tông Đồ / Chúa Giêsu đã căn dặn, chỉ bảo cho các ông lần sau hết và cho biết trong ít ngày nữa họ sẽ được chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

31/    Có một câu hỏi bất ngờ nào mà các môn đệ đưa ra ? “Thưa Thầy, có phải là lúc Thầy khôi phục lại nước Israel không ?” / Giấc mộng chính trị của các môn đệ xưa kia vẫn còn đó / Chúa Giêsu không quở trách họ / nhưng Chúa đã mượn một hình ảnh khác: vương quốc mà Ngài sắp giao phó cho họ sẽ vượt xa không gian Yudea nhỏ bé / nó sẽ mang tầm vóc thế giới / nhưng vì lúc này chưa có ơn Chúa Thánh Thần nên họ không thể nào hiểu được.

32/    Ý nghĩa của đám mây trời là gì ? Đám mây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như vẫn thường xảy ra trong Cựu Ước / Hơn nữa Luca là tác giả của Tin Mừng Truyền tin, cho nên đám mây là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần phủ bóng trên Đức Maria lúc Mẹ thụ thai đồng trinh / Cũng là đám mây bao phủ Đức Giêsu lúc Ngài từ giã trần thế/ Có một Thiên sứ hiện diện khi Mẹ Maria nói tiếng “xin vâng” / Cũng có các Thiên sứ hiện diện khi Chúa Giêsu về trời.

33/    Lời Thiên sứ nhắc nhở mang ý nghĩa gì ? Đây chính là lúc các Tông Đồ phải bắt đầu hành động chứ không phải là sự lưu truyền vô bổ lời nhắc nhở của Thiên sứ / Các Tông Đồ phải bắt tay ngay vào công việc lớn lao mà Giáo Hội đang không ngừng theo đuổi / Thật là lý tưởng khi chúng ta luôn hướng lòng về quê trời, đồng thời chúng ta cũng cần phải liên kết với nhau trong hành động.

34/    Ý nghĩa của bức thư Thánh Phaolô gởi Giáo đoàn Ephêsô: Đoạn thư này Thánh Phaolô có chủ ý tưởng niệm biến cố Thăng Thiên của Đức Kitô / Ý Thánh Phaolô muốn dạy: Đức Giêsu về cùng Chúa Cha để đón nhận vinh quang và uy quyền, đồng thời kêu mời mọi tín hữu hãy dự phần vào cùng một cuộc sống vinh quang này.

35/    Biến cố Thăng Thiên mở ra thời kỳ nào của sứ mạng loan báo Tin Mừng ? Trong cuộc gặp gỡ sau cùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ làm chứng nhân cho Ngài để công bố cho thiên hạ ơn thứ tha tội lỗi với điều kiện là phải hoán cải / như trong sách Công vụ, Thánh Luca kể về Yerusalem trước tiên / chính từ Yerusalem mà ánh sáng cứu độ đã đến/ Chính ở Yerusalem mà các Tông Đồ phải chờ đợi Thần Khí / Cũng chính ở Yerusalem mà họ phải trở lại sau khi chứng kiến biến cố Thăng Thiên để chúc tụng Thiên Chúa và chu toàn bổ phận .**R

 

Bài 4: THIÊN ĐÀNG Ở  ĐÂU ?

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

36/   Theo quan niệm thông thường, không gian được chia làm mấy tầng ? Không gian là trời, được chia làm 3 tầng: a) Tầng trời / b) Tầng trần gian / c) Tầng âm phủ / Tầng trời dành cho những người sống tốt, được Thiên Chúa chúc phúc / Tầng trần gian dành cho con người đang sống / Tầng âm phủ dành cho những người xấu, đã chết, bị Thiên Chúa chúc dữ.

37/   Trời theo định nghĩa vật lý là gì ? Là khoảng không gian rộng lớn, chứa Mặt Trời, Mặt Trăng và muôn muôn tinh tú / Trời theo định nghĩa tâm linh là nơi mà những người tốt được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa / Trời được hiểu là Thiên đàng / là nơi có Thiên Chúa ngự trị / Nơi nào không có Thiên Chúa, nơi đó là Hỏa ngục / Những ai được thông phần vào sự sống Thần linh của Thiên Chúa thì không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất, không gian, thời gian.

38/   Con người vật chất bị giới hạn ở những điểm nào ? Con người có thân xác nặng nề, biết mệt mỏi nên cần có chỗ ở, chỗ nghỉ ngơi / Kiếp sống bị giới hạn bởi nhiều thứ / như phải ăn, phải uống, phải thở,phải nghỉ …

39/   Lên Thiên đàng phải được hiểu như thế nào ? Lên trời, lên Thiên đàng không phải là thay đổi nơi chốn, nhưng là thay đổi trạng thái / Từ sự sống hữu hạn sang sự sống vô hạn / Lên trời không phải là lên theo chiều cao vật lý không gian nhưng là lên cấp độ sống / Sống cao cấp hơn, sống mãnh liệt hơn, sống tràn đầy hạnh phúc / sống vĩnh cửu.

40/   Trời, hay Thiên đàng không phải là một nơi chốn được xác định trên bản đồ, hay trên một không gian vật lý mà ta có thể cân, đong, đo, đếm / Bởi vì Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong mọi người, trong mọi hoàn cảnh Chúa luôn lắng nghe để giúp đỡ chúng ta.

41/   Thiên Chúa và Thiên đàng, phải hiểu sao cho đúng ? Ở đâu có Chúa, ở đó có Thiên đàng / Ở đâu không có Chúa, nơi đó là Hỏa ngục / Sách gương Chúa Giêsu cho biết: “Thà chịu lưu đày ở trần gian còn hơn là lên Thiên đàng mà không có Chúa” (Chương 59, trang 561).

42/   Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là gì? Chúa Giêsu lên trời là một Mầu Nhiệm, một Tín điều mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính / Như vậy Chúa Giêsu lên trời là rõ ràng, chúng ta tin tưởng chắc chắn / Chúa Giêsu lên trời giúp chúng ta hiểu rằng: Ngài về nơi đã ở trước đây / Ngài không còn ở trần thế / Ngài đã được tôn vinh sau khi hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

43/   Chúa Giêsu lên trời nằm trong chương trình nào ? Chúa Giêsu lên trời là một sự kiện tất yếu theo đúng chu kỳ: Nhập thể, giảng đạo, thiết lập nền móng đạo đức dựa trên căn bản tình thương và công bằng xã hội / Đất nước Do Thái là thí điểm / Ngài chịu chết, hoàn tất ơn cứu độ và về nơi Ngài đã ở trước đây / Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài quyền làm chủ và quyền xét xử vũ trụ / Ngài có quyền ban thưởng cho những kẻ đi theo Ngài.

44/   Mầu Nhiệm lên trời dạy ta điều gì ? Nước Trời là Thiên đàng, là nơi có thật / Chính là nơi Chúa ngự / cũng là nơi tập họp những người con thảo của Chúa.

45/   Nước Trời và bầu trời có khác nhau không ? Nhiều người có ý nghĩ ngây thơ khi cho rằng: Nước Trời ở trên không trung, ở bên trên tầng mây / Nước Trời không có dính dáng gì đến bầu trời của những phi hành gia / Bởi vì họ đã đi vào vũ trụ và cho rằng: chẳng thấy Thiên Chúa, chẳng thấy các Thánh, chẳng thấy gì hết / Thế là những người có đầu óc nông cạn về Thiên Chúa, đơn sơ về niềm tin có Thiên đàng , đã bị sụp đổ / Bởi vì với những con người mù về niềm tin thì Thiên đàng không hề có được.

46/   Thế thì Thiên đàng của Thiên Chúa ở đâu ? Thiên đàng của Thiên Chúa không thể có trong thế giới chúng ta đang sống / Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự, Ngài hiện diện khắp vũ trụ / Nếu Ngài chưa cho thấy thì chúng ta không thể thấy được / Nếu ai tìm Thiên đàng ở đâu đó trong vũ trụ thì chỉ là một công việc vô ích / Bởi vì cuộc sống thần thiêng không thể dành riêng cho những con người đầu trần ,mắt thịt.

47/   Vậy thì Thiên đàng ở đâu ? Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có Thiên đàng / Ở đâu có  Thiên Chúa, ở đó có mọi nguồn hạnh phúc / Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tất cả mọi thứ ! Nếu Thiên Chúa chỉ là một sản phẩm do con người nghĩ ra / thì Thiên Chúa chẳng là gì cả / cũng chẳng đáng cho chúng ta tôn thờ yêu mến / cũng chẳng đáng cho chúng ta mất công tìm kiếm làm gì .**R

 

TÓM Ý

1/   Con đường nào dẫn Chúa Giêsu đến với nỗi khổ đau ? Vào chiều thứ năm tuần thánh sau khi rời phòng tiệc ly, Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi theo con đường hướng từ làng Bê-ta-ni-a lên núi cây dầu. Tại đây Chúa Giêsu đã trải qua cơn hấp hối đầy cay đắng.

2/   Con đường nào dẫn Chúa Giêsu đến vinh quang ? Rồi cũng chính con đường này, sau khi Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu cũng dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a. Tại đây Chúa gặp gỡ các ông lần cuối, rồi Ngài vĩnh biệt và lên trời trước mắt các ông.

3/   Sự khác biệt giữa hai con đường như thế nào ? Cũng cùng một con đường, một địa điểm nhưng đã xảy ra điều tương phản. Lần đầu Chúa đến đây để thực thi thánh ý Chúa Cha đó là chết trên thập giá để cứu nhân loại. Lần này Ngài cũng đến đây và lên trời như một Đấng chiến thắng khải hoàn.

4/   Hôm nay chúng ta cần phải làm gì ? Hôm nay chúng ta cũng cần lên núi cây dầu để làm quen với cây thập giá. Sau đó chúng ta sẽ được dự phần vào vinh quang phục sinh. Đây cũng chính là con đường mà chúng ta phải dấn thân trong thời đại hiện nay.

5/   Chúa Giêsu đã nói gì trước khi từ biệt ? Chúa Giêsu đã nhắc đến cái chết và sự phục sinh của Ngài nhằm tha thứ tội lỗi. Rồi Chúa lại nói với mỗi người : Từ nay mỗi người chúng con cũng sẽ là chứng nhân cho mầu nhiệm vượt qua bằng cách loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Ki-tô.

6/   Các Thiên Thần muốn nhắc nhở các ông điều gì ? Ý các thiên thần muốn nói rõ hơn rằng : các bạn hãy mau về đi, hãy trở lại với sứ mạng mà Chúa vừa trao phó.

7/   Tại sao con người dễ mất thăng bằng và té ngã ? Chúa muốn chúng ta tuy chân bước đi nhưng mắt vẫn nhìn trời. Lòng trí vẫn phải ao ước chuyện trên trời. Chính vì chúng ta chỉ lo nghĩ đến chuyện thế gian nên bước chân luôn chông chênh, điều này chẳng có ích lợi gì cho chúng ta, chỉ khiến chúng ta dễ mất thăng bằng, gây té ngã thôi .

8/   Hãy so sánh giữa hai con đường : Nếu Chúa Ki-tô phải bước đi con đường thập giá để tiến tới vinh quang phục sinh thì chúng con phải bước đi theo con đường ấy. Vì con đường đau khổ chính là chấp nhận thập giá mỗi ngày, là những hy sinh trong suốt cuộc sống để rồi trong ngày sau hết chúng con sẽ được Chúa đưa về trời và được hưởng vinh quang với Người.

9/   Chúng ta được hưởng gì từ việc Chúa Giêsu lên trời ? Chúa Giêsu về trời khiến cho cả vũ trụ được vui mừng hoan hỷ. Vì Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sống kiếp long đong, nếm đủ mọi đắng cay, cuộc đời Ngài như một thất bại ê chề. Nhưng Chúa đã phục sinh và được về trời vinh hiển. Ngài đã trở lại với Chúa Cha, sứ mạng của Ngài tuy khó khăn nhưng Ngài đã hoàn tất trong vinh quang.

10/   Tư thế khi Chúa Giêsu lên trời: Ngài lên trời, đưa 2 tay chúc lành mọi người như một vị Thượng tế cao cả. Chúa chúc lành cho quả đất mà Ngài đã sống. Ngài chúc lành cho những người cùng có kiếp sống như Ngài.

11/   Vì sao xa Chúa nhưng chúng ta lại vui ? Chúng ta vui vì có một huynh trưởng đã được nâng lên ngôi vị thần linh. Chúng ta vui vì đã có người mang nhân tính như chúng ta được lên trời. Sự thành công của Chúa Giêsu đã mang lại niềm hy vọng cho chúng ta. Bởi vì chúng ta cũng đang đi cùng một con đường gian nan như Chúa.

12/   Vì sao Chúa Giêsu lên trời ? Chúa Giêsu lên trời sau khi đã hoàn thành sứ mạng dưới đất. Chúa muốn chúng ta phải trưởng thành trong niềm tin cũng để gánh lấy trách nhiệm. Bước chân Chúa chỉ mới đi hết xứ Palestine, còn lại cả thế giới mênh mông chưa được nghe lời Chúa rao giảng. Chúa muốn chúng ta cũng làm chứng cho Chúa đến tận cùng cõi đất, cho hết thảy mọi dân tộc.

13/   Điều thiên thần muốn nói với chúng ta là gì ? Các Ngài bảo chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, chúng ta phải xây dựng lại cho quê hương này cho có tình huynh đệ hơn. Công bằng, bác ái hơn, văn minh hơn để xứng đáng đón mừng ngày Chúa Giêsu trở lại.

14/   Muốn chu toàn bổn phận, chúng ta cần làm gì ? Chúa muốn lòng chúng ta phải luôn hướng lên trời. Muốn xây dựng trái đất chúng ta cần có giải pháp tối ưu. Chúng ta luôn cần sức mạnh từ trời cao của Chúa Thánh Thần để giải quyết những vấn đề rối rắm của quả đất như là ma tuý, truỵ lạc, bạo lực, tham nhũng, ô nhiễm, đói nghèo và nhất là phải xây dựng nền tảng tâm linh con người.

15/   Khoa học kỹ thuật sẽ giúp gì cho ta ? Càng tiến bộ, càng tiện nghi, con người càng bị lệ thuộc. Chúng ta đang làm nô lệ cho nhu cầu mà xét ra chúng không cần thiết lắm. Trái đất này có một lực hút ghê gớm khiến cho nhiều người lầm tưởng nó là quê hương vĩnh cửu, mà quên mất quê hương thật là ở chốn trời cao.

16/   Chúa lên trời nhắc chúng ta điều gì ? Chúa bảo hãy tìm kiếm những điều trên trời. Hãy khát khao những điều cao cả, hãy nhìn vào Chúa Giêsu đấng bị treo lên cao. Mong rằng Chúa sẽ kéo chúng ta lên khỏi những đam mê của cuộc đời ô trọc này.

17/   Chúng ta cần làm gì với lực hút của quả đất ? Mỗi người chúng ta có 2 bổn phận, cũng giống như con người chịu giữa hai lực hút -> Mặt trời và quả đất. Chúng ta vừa phải chu toàn bổn phận dưới đất vừa phải hướng lòng lên trời để chu toàn bổn phận làm con cái Chúa. Mọi người phải nỗ lực bay lên cao để thoát khỏi sự lôi kéo của thú vui ,vật chất ,xác thịt ,danh vọng ,thế gian. Cùng với cái tôi trì trệ, lười biếng. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều để thoát khỏi lực hút hấp hèn đó.

18/   Chúng ta sẽ xin gì cùng Chúa Giêsu ? Lạy Chúa, xin đừng để chúng con vì quá vất vả với đời thường mà quên mất bổn phận nơi chốn trời cao. Xin Chúa đừng để vẻ đẹp cuốn hút của trần gian ngăn bước chân không cho con tiến về bên Chúa. Ước gì mỗi ngày chúng con càng nhìn thấy nước trời tỏ hiện hơn nơi lòng mỗi người chúng con.

19/   Chúng ta sẽ đi về đâu? Con người là cát bụi, sẽ trở về với cát bụi. Xin đừng để  câu này làm cho chúng ta bi quan. Hôm nay Chúa đã lên trời sau khi phục sinh khải hoàn, đây chính là bằng chứng và cũng là niềm hy vọng để chúng con tin rằng : Sau khi chết lành thánh chúng con sẽ được đoàn tụ với Chúa Giêsu trên trời, là nơi mà Thiên Chúa đang hưởng vinh phúc.**R

Giuse Luca / Cộng Đoàn Kinh Thánh Emmaus

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1457
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  1403
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11351707
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top