Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 34 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT  34 TN C 

ĐỀ TÀI: CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ

Lời Chúa:Lc 23, 35-43

Tung hô Tin Mừng:   Mc 11,9.10

Haleluia. Haleluia. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 23,35-43

Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!" 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" 40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" 43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1. Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái đang mong chờ điều gì ?

2. Chúa Giêsu xưng mình là vua vào lúc nào ?

3. Chúa Giêsu là vị vua như thế nào ?

4. Ai là người duy nhất dám bênh vực Chúa ?

5. Anh tuyên xưng vương quyền của Chúa vào lúc nào ?

6. Chúa Giêsu đã ban ơn gì cho anh ?

7. Ai nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa sau anh trộm lành ?

8. Mừng lễ Chúa Kito Vua, chúng ta cần làm gì ?

9. Điều gì gây ngạc nhiên cho chúng ta ?

10.  Tại sao Chúa Giêsu lại muốn thiết lập một vương quốc hiếu thảo  ?

11.  Tại sao Chúa muốn thiết lập một vương quốc tự do ?

12.  Tại sao Chúa lại thiết lập vương quốc của tình yêu ?

13.  Điều kiện nào để được vào vương quốc của Chúa ?

14.  Tại sao có nhiều người không tin nhận Đức Kito ?

15.  Điều căn bản để Chúa Giêsu lập quốc là gì ?

16.  Tại sao khi người ta thách thức thì Chúa lại im lặng ?

17.  Điều nào cần nhất nếu muốn vào Vương quốc của Chúa ?

18.  Thế nào là một vị vua thế gian ?

19.  Thế nào là một vị vua trên trời ?

20.  Dân Do Thái đối xử với Vua Giêsu như thế nào ?

21.  Tại sao Chúa Giêsu lại chọn im lặng ?

22.  Tâm tình của anh trộm lành như thế nào ?

23.  Chúa Giêsu là vua như thế nào ?

24.  Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mạng bằng cách nào ?

25.  Chúa Giêsu cai trị nước của Ngài như thế nào ?

26.   Vậy chúng ta phải làm gì ?

 

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: DIỄN BIẾN GIỜ PHÚT SAU CÙNG

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

1. Sau khi đóng đinh Chúa, họ đã làm gì tiếp theo? Đám người chống đối Chúa cảm thấy vô cùng thỏa mãn, cho nên họ thốt lên những lời mỉa mai bỡn cợt để hạ nhục Chúa .

2. Họ thách thức Chúa như thế nào ? Họ nhạo cười rằng: Nếu ông là con Thiên Chúa, là kẻ được tuyển chọn ,thì hãy tự cứu mình đi.

3. Có mấy cơn cám dỗ bằng việc thách thức? thưa có 3 :

    a) Sau khi Chúa ăn chay 40 đêm ngày (Lc 4,3).

    b) Khi Người về quê hương Nazaret (Lc 4,23)

    c) Cơn cám dỗ cuối cùng lúc ở trên thánh giá .(Lc  23,35).

4. Quân lính nhạo báng Chúa bằng hình thức nào ? Họ bổ báng Chúa bằng hình thức cho uống dấm chua mật đắng (Lc23,36).

5. Cơn cám dỗ nào dành cho Chúa? Nếu ông là vua, là chúa thật, theo kiểu trần thế thì hãy làm dấu chứng. Nhưng Chúa không phải là vua thế gian nên Chúa không sa ngã vì lời nhạo báng này.

6. Tấm biển trên đầu nói lên điều gì ? Đây là  sự châm biếm sâu sắc của quan Phi-la-tô (Yn 19,15/Yn 19,22). Dân Do Thái truy tố Chúa về cái tội xưng vương. Nhưng bây giờ tấm bảng này lại báo trước sự vinh hiển của Chúa sau này .

7. Tên trộm dữ châm biếm Chúa như thế nào ? Hắn trêu Chúa như một ông vua giả. Hắn nghĩ  rằng ơn cứu độ mà hắn đang xin thì Chúa Giêsu không thực hiện được vì Chúa cũng là tội nhân và sắp chết như hắn ta  thôi.

8. Tất cả những thứ họ dành cho Chúa nói lên điều gì ? Nhưng những thứ đó không phục vụ cho tư lợi cá nhân của Chúa. Nhưng là vương quyền mà Thiên Chúa Cha thiết lập để Ngài gom mọi người về với Chúa Cha, nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.

9. Thái độ của tên trộm lành nói lên điều gì?  Người trộm lành có 4 thái độ đón nhận ơn cứu độ :

a/ Anh ta biết kính sợ Thiên Chúa -> (mi cũng chịu đồng bản án…)

b/ Biết ăn năn thống hối tội mình đã phạm (…phần chúng ta bị như thế này là đáng..).

c/ Biết tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa -> (Còn ông này có làm điều gì xấu đâu.)

d/ Biết tin vào sự sống đời sau -> Lạy Ngài, khi nào Ngài vào nước Ngài ….../

10.Chúa Giêsu cai trị bằng gì ? Chúa Giêsu không cai trị bằng sức mạnh, nhưng bằng tình thương qua cái chết cứu độ.

11.Câu trả lời của Chúa Giêsu nói lên vương quyền của Ngài như thế nào ? Ngay hôm nay ,là ngay tức khắc, chứ không phải đợi đến ngày thế mạt.

12.Thiên đàng là nơi chứa đựng những gì ? Là nơi chứa đựng nguồn hạnh phúc tuyệt diệu, là nơi tất cả những người công chính đều được quy tụ lại bên Chúa.

13.“Với ta” , là điểm hẹn nào? Lời Chúa hứa là điểm hẹn chính yếu trong hành trình đức tin. Sự sống mà Chúa hứa ban chính là được sống thân mật với Thiên Chúa khi anh ta đã chia sẻ thân phận bị treo trên Thập Giá với Chúa Giêsu.

14.Cách Chúa thể hiện vương quyền như thế nào? Lời lăng mạ của quân dữ dành cho Chúa như là cách họ muốn kéo Chúa xuống khỏi cây Thập Giá, còn Chúa Giêsu muốn thể hiện vương quyền bằng cách kéo mọi người lên với Ngài.

15.Sao anh trộm lành không xin xuống khỏi Thập Giá ? Vì anh nhận ra vương quyền của Chúa, nên anh tuyên xưng niềm tin, anh thống hối và xin được phục sinh với Chúa.

16.Ai là người được cứu độ phía sau anh trộm lành ? Cuộc chinh phục của Đấng Cứu Độ đã lan rộng đến Viên Sĩ Quan, ông đã tôn vinh Thiên Chúa (Lc 23,47), và sau cùng là đến với tất cả những ai tin vào Người qua muôn thế hệ.

17.Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là vua bằng cách nào? Để xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Đức Kito, hãy sống đạo theo tinh thần sống của Chúa Kito.

18.Chúa Giêsu dạy ta điều gì khi nghe những lời lăng nhục ? Chúng ta hãy can đảm chịu đựng sự xúc phạm của người chung quanh để lập công đền tội và duy trì tình yêu thương với tha nhân.

19.Chúa hứa nước thiên đàng với những ai ? Với anh trộm lành khi anh tin nhận vương quyền của Chúa, Chúa cũng sẽ giữ lời hứa đó với tất cả những ai có lòng hoán cải và tin vào quyền năng của Chúa.

20.Họ khiêu khích, lăng nhục Chúa, thách thức Chúa để làm gì ? Họ đòi Chúa phải thực hiện điều họ muốn / khi ta cầu nguyện, ta cũng nằng nặc đòi Chúa, cũng thách thức Chúa => Đó là lý do khiến Chúa không nhậm lời chúng ta.

21.Muốn được Chúa ban phúc thiên đàng , ta cần phải làm gì ? => Chúng ta  phải bắt chước anh trộm lành, thống hối tội mình, tin nhận quyền năng vào Chúa, kính sợ Thiên Chúa và tin vào sự sống đời sau  .  **R

 

Bài 2: VƯƠNG QUỐC CỦA VUA KI-TÔ

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

22/Vì sao hôm nay mừng lễ Chúa Ki-tô là vua mà lại đọc bài Tin Mừng Chúa Giêsu bị cái chết tủi nhục?  Bởi vì trí hiểu của con người luôn hình dung ra một ông vua trần gian. Trong khi Chúa Giêsu cho biết: Nước Tôi không thuộc về thế gian này (Yn 18,36).

23/Vương quốc của vua Ki-tô có mấy tính cách? Có 3 tính cách: a/ Vương quốc của lòng hiếu thảo; b/ vương quốc của sự tự do; c/ vương quốc của tình yêu.

24/Vì sao lại là vương quốc của lòng hiếu thảo? Khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Ngài muốn lập vương quốc này ngay từ buổi ban đầu. Nhưng chương trình này bị ma quỷ phá hoại, nó xúi giục con người chống lại Thiên Chúa, phá bỏ liên hệ cha-con. Nay Thiên Chúa muốn thiết lập lại mối liên hệ ấy. Chúa Giêsu đã sống như một người con hiếu thảo. Lo việc cho Cha mình, điều này được minh chứng qua câu Chúa Giêsu nói trong đền thờ. Cha- mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao? (Lc 2,49). Lời ngài nói khi đang ở trên thánh giá: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23,46). Chúa Giêsu luôn thi hành thánh ý Cha. Vì thế khi Ngài muốn từ bỏ ý riêng mình, Chúa đã phải đồ mồ hôi máu. Muốn làm đứa con hiếu thảo, Ngài phải kết thúc cuộc đời mình trên thập giá, để quy tụ tất cả con cái về với Cha trên trời.

25/Thế nào là vương quốc của sự tự do? Khi phạm tội, con người đã rơi vào vòng tay của ma quỷ. Bị ma quỷ trói buộc làm thân nô lệ cho danh lợi thú. Chúa đến để giải thoát con người khỏi vòng nô lệ của ma quỷ. Chúa cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi, giải phóng khỏi mọi áp bức, mặc cảm, thoát khỏi mọi ràng buộc và được tự do như người nghèo : Con chim có tổ...

26/Vì sao Chúa Giêsu phải chống lại quyền lực? Chúa đã chống lại cơn cám dỗ từ đầu đến cuối. Từ khi bước chân vào sa mạc chay tịnh cho đến khi gục đầu trên thập giá: nếu ông là con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn (Mt 4,3). Nếu ông là Đức Ki-tô, hãy xuống khỏi thập giá thì chúng tôi sẽ tin.

27/Chúa Giêsu đã tự do trong hoàn cảnh một người nghèo như thế nào? Chúa Giêsu đã đi vào cái chết khi mang một tấm thân trần trụi, mất tất cả: uy tín, danh dự. Người không còn chịu bất cứ cảnh nô lệ nào: Chúa đã phá tan mọi xiềng xích ràng buộc, để khai hoá một triều đại tự do cho con người.

28/Chúa Giêsu đã hành xử thế nào trong vương quốc của tình yêu? Chúa Giêsu xuống trần khi bỏ trời, làm người để minh chứng tình yêu của Thiên Chúa. Chúa rao giảng để mang ơn cứu độ , thi ân giáng phúc và luôn ban ơn tha thứ.

29/Chúa thể hiện lòng yêu thương phục vụ vào lúc nào? Vào giây phút cuối đời khi Chúa quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ tại phòng tiệc ly. Khi chữa lành vành tai cho kẻ đi bắt bớ Chúa. Chúa tha thứ cho kẻ phản bội Chúa bằng một cái hôn, và nhất là Chúa cầu xin cùng Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Chúa.

30/Tình yêu của Chúa trong sạch như thế nào? Tình yêu của Chúa không vướng chút hận thù. Một tình yêu cao cả đến khắp mọi nơi, thánh giá diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Tình  yêu tha thứ dành cho những kẻ giết Chúa vì thù ghét Chúa.

31/Cái chết của Chúa đã nói lên điều gì? Dưới con mắt của đám người Do Thái thì cái chết của Chúa là một sự thất bại. Thế nhưng với tất cả nhân loại thì cái chết của Chúa là một chiến thắng. Chúa chiến thắng bằng tâm tình của người con hiếu thảo. Chúa chiến thắng vì được tự do yêu thương. Chúa chiến thắng vì tình yêu tồn tại giữa bao hận thù. Chính khi Chúa chết trên thập giá thì cũng là lúc Chúa lên ngôi Vua.

32/Chúa lên ngôi Vua khi nào? Khi tấm bản mà Philato giới thiệu Chúa là vua dân Do thái. Khi ông trộm lành tin nhận Chúa là vua và được Chúa ban thưởng cho ông ta trước Thiên đàng của Chúa. Cũng chính vào lúc này Chúa đã khai mạc, mở cửa vương quốc của Người ở trên trời.

33/Làm sao chúng ta có thể vào được vương quốc của Chúa? Khi Chúa bị đâm thủng cạnh sườn, chính là lúc Chúa mở cửa vương quốc của tình xót thương, điều kiện để được vào là: Hãy mặc lấy tâm tình người con hiếu thảo bằng sự hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Hãy sống bằng tâm tình tự do khi ta dám dứt bọ danh lợi thú. Hãy mở rộng cửa con tim để ban phát tình yêu thương, như thế ta mới xứng đáng là công dân Nước Trời. **R

 

Bài 3: VỊ VUA KI-TÔ

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng :

34/Đức Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng hình ảnh nào?  Bằng cái chết đau đớn, tủi nhục trên thập giá để nêu gương cho tất cả những ai muốn sống theo Ngài. Chúng ta hãy cùng suy niệm theo hình ảnh này.

35/Hình ảnh Chúa chết như tên tử tội nói lên điều gì? Khi đọc đến đoạn kinh thánh này, ai cũng cho rằng Chúa Giêsu là người bại trận. Những người đi theo Chúa thì mang một tâm trạng thất vọng, càng thất vọng hơn khi người ta mắng nhiếc mà Chúa vẫn cứ lặng thinh cam chịu. Một cảnh tượng thật đau buồn, ảm đạm.

36/Từ trên thập giá, trước khi chết, Chúa Giêsu đã hứa gì? Chúa đã hứa phúc thiên đàng cho người trộm lành. Từ lời hứa này giúp cho mọi người nhận ra vương quyền của Chúa từ trời cao. Từ mối tương quan giữa người trao và người nhận, chúng ta thấy ánh lên một gương mặt bao dung, nhân từ thánh thiện và uy quyền.

37/Hình ảnh của vị vua này có gì khác lạ? Vị vua mà Tin Mừng diễn tả có vẻ khác xa với hình ảnh vị vua trần gian. vị vua vũ trụ / vua muôn loài hôm nay đã tỏ rõ vương quyền của Ngài bằng một tình yêu cao cả đến nỗi đã sẵn sàng chết cho loài người đang khi loài người tìm mọi cách để chối bỏ, giễu cợt, thách thức Ngài : Hắn đã cứu được người khác, sao không tự cứu mình đi? (Lc 23,35).

38/Ngai vàng và vương niệm của Vua Ki-tô bao gồm những gì? Thập giá là Ngai vàng, vương niệm là mão gai. Những lời tung hô chúc tụng là những câu chửi rủa, thách thức, nhạo cười, sỉ nhục: nếu ông là vua, hãy tự cứu mình đi ( Lc 23,36-38).

39/Vì sao Vua ki-tô không phản ứng gì trước những lời thách thức? Khi bị người ta thách thức thì Vua Ki-tô không phản ứng gì. Vua Ki-tô đã minh chứng tình yêu bằng cuộc đời của mình. Ngài không sống cho chính Ngài, nhưng là sống cho tha nhân, ngài không tìm tư lợi, nhưng sống vì lợi ích kẻ khác.

40/Vương quyền của Chúa nhằm phục vụ những ai? Quyền lực của Vua Ki-tô không nhắm đến một cuộc sống tiện nghi, thoải mái theo kiểu trần tục thế gian nhưng ngài nhắm đến vương quyền Nước Trời.

41/Vua Ki-tô cai trị vũ trụ bằng gì? Ngài cai trị vũ trụ bằng tình yêu, bằng cung cách phục vụ trong yêu thương. Ngài vẫn chấp nhận khi người đời bắt bớ đánh đập Ngài. Chúa chịu thương tích để con người được an vui hạnh phúc. Vua Kito đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa bằng sự hy sinh cao cả của chính mình.

42/Giá trị tình yêu thương đó được đong đo bằng thứ gì? Không có tình yêu thương nào lớn hơn là kẻ liều hiến mạng mình vì người mình thương . Chỉ những ai khám phá và tin nhận ra tình yêu thương của Chúa thì mới tin phục Chúa là vua và được Ngài cho bước vào trong vương quốc của Ngài.

43/Ai là người nhận ra vương quyền của Chúa? Giữa một đám người sỉ nhục hành hạ, nhạo báng Chúa. Chỉ có một người nhìn thấy vương quyền của Chúa người đó lại chính là tên tội phạm, hèn hạ, thất học chứ không phải là những con người giàu có, quyền lực, tinh thông luật Chúa. Chỉ có anh ta mới nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa qua một kẻ vô tội bị nguyền rủa. Nhưng cũng chính người này đã tha thứ cho những kẻ xúc phạm mình.

44/Anh ta đã đón nhận điều gì từ con người Chúa Giêsu? Anh đã khám phá từ nơi những hành động và cách ứng xử của Chúa Giêsu như một dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn mạc khải tình yêu thương của Ngài. Và từ đó anh nhìn ra Chúa Giêsu mới chính là vị vua thật và anh đã bày tỏ lòng mong ước được sống trong vương quốc hạnh phúc đầy tình yêu thương đó .

45/Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết nhục nhã như thế? Trong nhân loại còn có biết bao người chưa hiểu. Họ vẫn còn cười nhạo Chúa, cười nhạo đạo Chúa, không tùng phục vương quyền của Chúa Ki-tô. Thế tại sao Chúa không dùng quyền năng sẵn có của mình để trả thù, để thống trị? Người ta đã dùng thập giá như biểu tượng để loại trừ Chúa Kito.

46/Như thế, đâu là dấu chỉ của vương quyền Ngài? Nếu kẻ dữ dùng thập giá để loại trừ Chúa Kito ra khỏi xã hội. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn dùng thánh giá phục sinh để mạc khải  vương quyền của Chúa qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kito ,không phải bằng cách khao khát đi tìm những thứ chóng qua ở đời này. Nhưng là nhận ra vương quyền đích thực của Chúa qua việc ăn năn sám hối và thông dự vào trong vương quyền ấy bằng việc thực thi những gì Chúa Kito đã dạy trong sách Tin Mừng.

47/Lạy Chúa Kito, Chúa vũ trụ, Cho dù thiên hạ có ngoan cố loại trừ Chúa thì xin Chúa hãy ban cho chúng con ơn can đảm để chúng con đi trọn con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Để chúng con được Chúa ban thưởng nước hằng sống của Chúa. Amen.**R

Câu hỏi: Hôm nay kết thúc năm phục vụ, chúng ta hãy cùng nhau kiểm điểm lại đời sống của mình xem chúng ta đã nỗ lực sống đạo hay chưa. Bằng chứng nào cho thấy chúng ta đã nỗ lực làm cho Nước Chúa mau đến ?

 

TÓM Ý

1/Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái đang mong chờ điều gì? Vì họ luôn sống trong cảnh nô lệ quá lâu, nên họ rất mong chờ một vị vua đến giải thoát họ. Vì thế sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Họ đã muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Chúa đã lên núi lánh mặt.

2/Chúa Giêsu xưng mình là vua vào lúc nào? Trước câu hỏi của Philato, ông có phải là vua không? Chúa đáp: Ông nói đúng. Sau đó Chúa phải chết với bản án “INRI”.

3/Chúa Giêsu là vị vua như thế nào ? Chúa Giêsu là vị vua không ngai, không cung điện không quân đội, không bờ cõi. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa. Nhưng Ngài là vua quyền năng, nhân hậu.

4/Ai là người duy nhất dám bênh vực Chúa? Chính vào lúc Chúa hấp hối trên thánh giá giữa những lời sỉ nhục và thách thức thì tiếng nói của anh trộm lành vang lên, anh nhận tội mình, anh tuyên xưng Chúa Giêsu vô tội, và xin được vào làm công dân Nước Chúa.

5/Anh tuyên xưng vương quyền của Chúa vào lúc nào? Anh đã tuyên xưng vương quyền của Chúa Giêsu khi mọi sự hầu như đã sụp đổ. Anh nhìn Chúa chết nhưng không phải là dấu chấm hết. Anh vẫn tin vào ngày vinh quang của Chúa và muốn được dự phần.

6/Chúa Giêsu đã ban ơn gì cho anh? Chúa Giêsu ban cho anh một ơn trọng đại, thật lạ, thật nhanh: Ngay hôm nay, anh sẽ là người đầu tiên được lãnh nhận ơn cứu độ từ hoa trái thập giá.

7/Ai nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa sau anh trộm lành ? Viên đại đội trưởng đã nhìn nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa. Ông đã đấm ngực ăn năn sau khi Chúa thở hơi cuối cùng.

8/Mừng lễ Chúa Kito Vua, chúng ta cần làm gì? Chỉ cần chúng ta làm những việc bác ái nho nhỏ, tầm thường. Chứng tỏ rằng chúng ta là chứng nhân của Chúa Kito. Hãy hạ bệ những tà thần trong lòng mình. Hãy xin Chúa chiếm hữu, ngự trị trong lòng ta.

9/Điều gì gây ngạc nhiên cho chúng ta? Tại sao hôm nay giáo hội cho đọc bài Tin Mừng khổ đau trong khi chúng ta mừng lễ Chúa Kito là Vua? Bởi vì chúng ta quen với hình ảnh ông Vua thế gian. Trong khi Chúa Giêsu nói : Nước ta không thuộc về thế gian này (Yn 18,36).

10/Tại sao Chúa Giêsu lại muốn thiết lập một vương quốc hiếu thảo? Bởi vì con người từ buổi ban đầu đã bị ma quỷ xúi giục chống lại Thiên Chúa. Cho nên con người bị phạt. Sau đó Chúa Giêsu muốn nhập thể để tái lập mối quan hệ Cha con giữa loài người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã sống tình người con thảo khi Thánh Gia lạc mất tại đền thờ: “Cha mẹ không biết là con còn phải lo việc của cha con sao”? Cũng như khi Chúa sắp chết : Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha, cũng như khi Chúa đổ mồ hôi máu khi muốn từ bỏ ý riêng trong vườn cây dầu.

11/Tại sao Chúa muốn thiết lập một vương quốc tự do? Khi con người rơi vào vòng tay của ma quỷ thì chúng dùng sợi dây nô lệ để trói buộc như là danh lợi thú. Chúa Giêsu xuống trần dùng cái chết khổ nhục để giải thoát con người khỏi ách của ma quỷ. Chúa đã làm gương sống nghèo để thoát khỏi sự ràng buộc của cải. Chúa chay tịnh để thoát khỏi ràng buộc của thú tính và khiêm tốn vâng phục để thoát khỏi danh vọng.

12/Tại sao Chúa lại thiết lập vương quốc của tình yêu? Chúa xuống trần để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa. Rao giảng Tin mừng , thi ân giáng phúc và kêu gọi mọi người hãy học cách tha thứ cho nhau. Tình yêu của Ngài được minh chứng qua việc phục vụ là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, chữa lành tai cho kẻ bắt bớ, tha thứ cho kẻ phản bội và rộng lòng với những kẻ giết mình. Đây là thứ tình yêu bao la vô bờ bến .

13/Điều kiện nào để được vào vương quốc của Chúa? Hãy mặc lấy tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Không làm nô lệ cho danh lợi thú, hãy sống quảng đại yêu thương / như thế chúng ta mới xứng đáng là công dân Nước Trời.

14/Tại sao có nhiều người không tin nhận Đức Kito? Vì mắt họ nhìn thấy những người môn đệ của Chúa là những người trần mắt thịt cũng có bản chất yếu đuối, cũng vì các môn đệ Chúa vẽ khuôn mặt của Đức Kito không giống. Bộ mặt không khiêm hạ, vâng lời, yêu thương vô vị lợi như Đức Kito ,nên họ không tin.

15/Điều căn bản để Chúa Giêsu lập quốc là gì? Chúa không dựa vào quyền năng hay những phép lạ, nhưng là sự khiêm tốn tủi nhục qua hình ảnh thập giá và sự hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc mọi người.

16/Tại sao khi người ta thách thức thì Chúa lại im lặng? Vì thế giới đầy rẫy những khổ đau, bất công, bệnh tật nên ai cũng đòi Chúa làm phép lạ. Nhiều người còn đòi Chúa phải dùng quyền năng để cải thiện xã hội, cho nên hễ ai thách thức thì Chúa không làm. Có 3 lần như thế : Ma quỷ thách Chúa trong hoang địa, dân Nazaret thách Chúa tại quê hương và dân Do thái cũng như tên trộm dữ thách Chúa khi Chúa bị treo trên thập giá.

17/Điều nào cần nhất nếu muốn vào Vương quốc của Chúa? Tin yêu Chúa, thực thi lời Chúa dạy và sống tha thứ yêu thương với anh em.

18/Thế nào là một vị vua thế gian? Vua là người lớn nhất trong một nước. Thông thường họ là những con người độc tài, tham quyền, cố vị, ác độc với kẻ thù và dâm ô với các cung phi mỹ nữ. Họ dùng quyền để bắt dân chúng cung phụng và làm tôi tớ cho mình.

19/Thế nào là một vị vua Trời? Vua Trời như Vua Giêsu không có ngai, Vua Giêsu cai trị dân ngài bằng sự yêu thương phục vụ. Ngài thí mạng và luôn hết lòng bênh vực chúng ta. Ngài luôn tạo điều kiện cho chúng ta thay xấu đổi tốt và luôn mong cho chúng ta được chung hưởng hạnh phúc với ngài. Ngài nâng chúng ta từ tên tử tội lên hàng con Thiên Chúa.

20/Dân Do Thái đối xử với Vua Giêsu như thế nào? Khi còn sống, Chúa Giêsu luôn thi ân giáng phúc cho dân Ngài. Nhưng đến khi họ giở quẻ phản bội thì họ lại lấy những chân lý tốt đẹp mà Chúa vẫn dạy họ để đem ra nhạo báng, sỉ nhục Chúa.

21/Tại sao Chúa Giêsu lại chọn im lặng? Họ chế giễu, thách thức, nhưng Chúa vẫn lặng thinh vì Chúa không làm vua theo kiểu thế gian. Cho nên trước mặt Philato, Chúa mới nói : Nước tôi không thuộc về thế gian này.

22/Tâm tình của anh trộm lành như thế nào? Trong khi mọi người đang tìm cách chế nhạo Chúa, thì anh ta lại nhận ra vương quyền của Chúa và xin phục quyền. Anh nhận ra Chúa vô tội và là Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến. Anh đã van xin Chúa cứu anh. Lạ một điều là một tội nhân lại có thể cứu một tội nhân sao?

23/Chúa Giêsu là vua như thế nào? Ngài là vua theo kiểu ngài là người dẫn đường. Ngài là người đưa cả loài người vào cõi sống trường sinh, là Nước Trời. Ngài đã đến để giải thoát con người khỏi ách tội lỗi. Cứu con người khỏi án chết, đưa con người vào gặp được Thiên Chúa và lãnh phúc trường sinh.

24/Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mạng bằng cách nào ? Để hoàn thành sứ mạng, Ngài đã chấp nhận làm một tội đồ, bị liệt vào những kẻ gian ác, cùng chết như một tội đồ để đem họ về cõi sống vĩnh phúc với Ngài.

25/Chúa Giêsu cai trị nước của Ngài như thế nào? Ngài là Vua vũ trụ, ngài thực thi vương quyền của ngài bằng cách dạy mọi người phải sống yêu thương, và đây cũng là điều kiện ắt có để được vào Nước của Ngài.

26/Vậy chúng ta phải làm gì? Chúa muốn chúng ta phải sống như Chúa, phải đi con đường Chúa đã đi, phải thực thi những huấn lệnh Chúa truyền, để rồi Chúa ở đâu, chúng ta cũng sẽ được ở đó. Vì chúng ta là thần dân của Vua Kito.  **R

 

Giuse Luca /  Kinh Thánh Emmaus

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1754
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  1497
 Hôm qua:  2070
 Tuần trước:  19480
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11319879
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top