Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

LỄ KÍNH NHỚ CÁC LINH HỒN / ngày 02 /11 / GIUSE LUCA

LỄ KÍNH NHỚ CÁC LINH HỒN .

NGÀY 02 / 11

 

Lời Chúa: Ga 6:37-40

 

 

ALLELUIA: Ga 11, 25-26

-Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 6:37-40

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông rằng: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết." Đó là lời Chúa.

 

Bài 1:THÁNG BÁO ÂN

1)Vậy là tháng Mười Một đã tới, tháng ân phúc dành cho các linh hồn đã đến, mùa báo hiếu đã về. Điều đó nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ về cuội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người thân yêu đã khuất bóng; gọi mời chúng ta tăng cường việc lành phúc đức, hiệp dâng lễ, cầu nguyện cho “những người đã ra đi trước chúng ta” sớm được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.

 2)Khi còn sống với nhau trên trần gian, chúng ta thường chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại, những ưu sầu lắng lo và những hy vọng của cuộc sống. Khi một bên đã từ giã cuộc đời này để đi về thế giới bên kia, sợi giây liên kết đó vẫn được duy trì giữa người ra đi với người ở lại. Tuy không còn cụ thể hữu hình như xưa, nhưng người còn sống và người “quá cố” vẫn giữ mối giây liên lạc với nhau qua những tâm tình nhớ nhung thương mến, qua những câu kinh, ý lễ, qua cuộc sống thường ngày. 

 3)Vong linh người quá cố vẫn luôn phẳng phất bên cuộc sống những người còn tại thế. Thế nhưng, lắm lúc chúng ta đã quên đi sự hiện diện vô hình đó. Tháng Mười Một về nhắc nhở mỗi chúng ta gắn kết lại sợi dây liên liên lạc thân tình ấy .

 “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều.” 

 4)Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta đã vô tình lãng quên những người thân yêu quá cố của ta, thì tháng Mười Một này là dịp thuận tiện, là cơ hội quý báu để chúng ta “đền đáp nghĩa tình” với người đã khuất. Ta cùng thắp lên một nén hương lòng, thành kính tưởng nhớ tới họ, dâng lời cầu nguyện cho họ sớm được thoát khỏi chốn ngục hình đau thương. Các linh hồn đang mong đợi điều đó nơi mỗi chúng ta từng ngày, nhất là trong tháng Mười Một này, là tháng ân phúc dành cho các linh hồn.

 5)Giáo hội gọi tháng Mười Một là “Tháng ân phúc dành cho các linh hồn.” Bởi lẽ, trong tháng này, Mẹ Hội Thánh dành nhiều phương thế hữu hiệu kèm theo những ân xá đặc biệt để con cái mình dùng nó mà giúp đỡ các linh hồn luyện ngục. Cụ thể là từ trưa ngày Lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày Cầu cho các tín hữu đã qua đời, những người viếng nhà thờ, nhà nguyện, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) thì được hưởng một ơn đại xá. Nhưng, ơn đại xá đó phải nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục.

 6)Cũng với ý hướng đó, từ ngày 01 đến hết ngày 08 tháng Mười Một, các tín hữu thành kính đi viếng các nghĩa địa và Từ đường Phục sinh, cầu nguyện cho các linh hồn, với các điều kiện theo thường lệ như khi đi viếng nhà thờ, thì cũng được hưởng một ơn đại xá, mỗi ngày được hưởng một ơn, nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Hơn nữa, ngày lễ 02.11 hằng năm, trong ba thánh lễ mà các linh mục được dâng trọng thể, các vị phải dành một lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và một lễ cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, những việc đạo đức khác như lần hạt Mân Côi, đi đàng Thánh giá, làm việc bác ái, những hy sinh hãm mình… cũng là những phương thế hữu hiệu mà chúng ta có thể làm để lập ân phúc chỉ cho các linh hồn.

 7)Chúng ta biết rằng,khi một người đã kết thúc cuộc sống dương gian này, thì cũng đồng thời người đó chấm dứt thời gian lập công phúc cho mình. Vì vậy, những người quá cố, các linh hồn trong luyện ngục chỉ trông chờ ân phúc nơi những người còn sống lập thay cho họ, để việc thanh luyện và đền tội của họ nhẹ đi và rút ngắn thời gian lại. Trong nơi luyện ngục, các linh hồn không những phải được thanh luyện, mà còn phải chịu đền bù các hình phạt do tội họ gây nên khi còn sống. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng công bình, “Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” Thời gian thanh luyện bao lâu là tùy theo mức độ nhờ vào lòng thương xót của Chúa.

 8)Sống mầu nhiệp hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta được mời gọi kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, để họ thoát khỏi mọi tỗi lỗi, hầu sớm được diện kiến Thánh Nhan Chúa. Vả lại, cầu nguyện cho các linh hồn còn là bổn phận và trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta. Đó cũng là việc đền ơn đáp nghĩa với những người thân yêu của ta, và là việc báo hiếu của chúng ta với những bậc sinh thành dưỡng dục.

 9)Mỗi khi tháng Mười Một về, sau tâm tình hân hoan mừng Lễ Các Thánh, Giáo Hội thành kính tưởng nhớ, dâng lễ, cầu nguyện cách đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời . Đó cũng là tinh thần Đạo Hiếu và là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tinh thần cốt lõi của Đạo Hiếu đó bắt đầu bằng việc tôn kính, mến yêu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống; tưởng nhớ khi các ngài đã qua đời. Ơn nghĩa cao dày của các ngài đã được ca dao Việt Nam đã sánh ví rằng:“Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.”

 10)Như vậy, tháng Mười Một là cơ hội thuận tiện để mỗi chúng ta tri ân báo hiếu , tưởng nhớ và biết ơn các bậc tiền bối kính yêu; đồng thời báo đáp phần nào công ơn các ngài bằng những công phúc ta lập, bằng những lời kinh nguyện và nhất là bằng thánh lễ ta hiệp dâng. Những việc làm đó không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu hơn. 

Tạm Kết: Việc bác ái trong tháng 11 mà  người công giáo phải nhớ là luôn tâm niệm câu:“Giêsu, Maria , Giuse con mến yêu , xin thương cứu rỗi các linh hồn  ”      **R

 

Giuse Luca

BÀI 2: LỄ CÁC LINH HỒN

1)Nguồn gốc của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có từ lúc nào ? Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

2)Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđi-lô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

3)Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50),

4)Về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.

5) Thuật từ tiếng Latin :   Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là “All Souls Day” (Lễ các linh hồn) hay “Defuncts Day “(Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này .

6). Nghĩa của các đẳng : Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh khải hoàn). 

7) Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v. chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh .

8) Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” đề cập đến 10 hạng “cô hồn”:Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan...

9)  Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta? 

10) Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi như thế nào.

11)  Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.” 

12)  Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.

13)  “Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.

14)  Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu là chúng ta .

15)  “Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngài vẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).

16)  Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”.

17)  Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn”, “Lễ cầu Hồn”, “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời”, sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện nơi luyện ngục .

18)   Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch? 

19)  Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những việc làm rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.

20)  Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.**R

Cầu nguyện : Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu / xin thương cứu các linh hồn / (3 lần)

Giuse Luca 

 

BÀI 3: NGUỒN GỐC LỄ CẦU HỒN VÀ THÁNG CẦU HỒN

Theo sách vở ghi lại, thì thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany.

Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hy sinh , và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời. Truyện kể rằng:

Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện Cluny. Tầu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết:

"Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỷ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỷ dữ dưới Hỏa ngục". (Thánh Odilo)

 Sau khi nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11, trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài  vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp, tới giữa thế kỷ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma. (Catholic Encyclopedia, St. Odilo).

 -Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền, cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục.

 - Tại nước Hungary, người ta gọi ngày 2/11 là "Ngày của  người chết". Ngày đó, người ta có thói quen tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình họ rồi cho chúng ăn, cho quần áo, cho quà bánh, đồ chơi.

 - Tại miền quê nước Poland, người ta kể: nửa đêm lễ Cầu hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi luyện ngục. Người ta nói là, sau đó linh hồn trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc, làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa sổ mở suốt đêm mùng 2.

 -Tại Việt nam, nhất là miền Bắc, trước Công đồng Vaticanô 2 (1962-65) người ta thường sửa mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên đán.

Còn lễ Cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời.

Cảnh người lớn trẻ em tấp nập ra vào nhà thờ rất vui vẻ. Người ta dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ sớm về hưởng phước Thiên đàng.

 * Thương nhớ người quá cố, nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình là chuyện tự nhiên của con người. Ao ước cho người thân mình được "nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc" cũng là tâm lý thông thường. Do đó việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn.

* Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin (được lấy bổng lễ), 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng).

* Giáo hội cũng xác định dành trọn  tháng 11 để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.  **R

 

Giuse Luca (ST)

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2107
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  1597
 Hôm qua:  2056
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11417276
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top