Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 2 Phục Sinh A / kính Lòng Thương xót Chúa / Giuse Luca

CHÚA NHẬT II  PHỤC SINH  A 

Đề tài : Lễ Kính : Lòng Chúa Thương Xót

 

TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 20, 29

Haleluia, Haleluia! - Chúa nói: "Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin". - Haleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 20, 19-31

« Tám ngày sau, Đức Giê-su đến. »

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “ Bình an cho anh em!”. 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Đó là lời Chúa.

Bài: 1 TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1) Mục đích Chúa Yesus hiện ra với các môn đệ là gì ? Nhìn thấy các môn đệ đang run sợ, trong một căn phòng đóng kín cửa, các ông đã quá mừng vui khi gặp lại Ngài. Ngài đã ban bình an cho các ông, Ngài muốn đem lại sự vui mừng, an ủi sau những giờ phút kinh hoàng của cuộc thương khó vừa rồi. Nhưng Chúa còn muốn mời gọi các ông tham dự vào sự biến đổi sâu xa của Ngài. Ngài muốn các ông nhìn thấy không phải là sự sống lại trong thân xác mới phục sinh, mà là một thân xác đã được đổi mới trong Thánh Thần, đây là một cuộc sáng tạo mới!

2) Chúa Yesus hiện ra để ban cho các môn đệ điều gì? Trong cuộc sáng tạo ra nguyên tổ, Thiên Chúa đã hà hơi ban sinh khí vào con người đầu tiên, thì hôm nay Chúa Ki-tô phục sinh cũng hà hơi ban Thần khí trên các môn đệ đang chết cóng vì sợ hải. Để ban cho các ông sinh khí mới là Thánh Thần, nguồn Thần khí mới này sẽ ban cho các ông quyền tha tội, mà trước đây chỉ dành cho một mình Chúa Yesus.

3) Mục đích Chúa Yesus ban Thánh Thần để làm gì? Chúa Yesus nói: Các con hãy chịu lấy Thành Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Như thế chúng ta thấy Chúa Thánh Thần có quyền tha tội, mục đích của Chúa Thánh Thần là tẩy luyện và đổi mới. Tiếp đến, các ông được Chúa sai đi tham dự vào công cuộc tẩy luyện và đổi mới trần gian. Trước kia Chúa Yesus còn ở với các ông nên các ông lười biếng, luôn sống ỷ lại và tầm thường.

4) Sứ mạng của các Tồng đồ giờ đây là gì? Giờ đây các ông đã lãnh nhận một sứ mạng lớn lao hơn: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Vì thế các ông tiếp nối chính sứ mạng mà Chúa Cha đã sai Chúa con đi. Các ông phải lên đường và làm chứng về Ngài cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

5) Thế nào là một lòng tin mới? Lần thứ hai, Chúa Yesus hiện ra với các Tông đồ, trong đó có cả ông Tôma là một người vốn cứng lòng tin, và chúng ta thấy Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình, sau khi đã nhìn thấy những vết thương nơi tay, chân và cạnh sườn Chúa. Kể từ đây, Ngài mời gọi các ông hãy có một lòng tin mới. Lòng tin này không còn đặt nền tảng trên con mắt thường, trên con mắt giác quan, mà là trên sự làm chứng của những kẻ đã thấy. Chính nhờ lòng tin này mà các Ki-tô hữu mới kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô phục sinh.

6) Đức Ki-tô phục sinh muốn chúng ta làm gì? Ngày nay Giáo hội cũng muốn các Ki-tô hữu nối tiếp sứ mạng mà ngày xưa Chúa Yesus đã trao cho các môn đệ. Chúng ta đều được sai đi để rao giảng sự sống lại, để xây dựng mối quan hệ giữa người với người.

7) Con người cũ và con người mới khác nhau thế nào? Con người cũ là con người tội lỗi, thuộc thế giới cũ, bị đặt dưới quyền lực của sự chết, bị coi như thù địch. Còn con người mới, con người sạch tội, con người được phục sinh với cuộc sống mới phải đối xử với nhau như anh em trong tình yêu thương, đùm bọc lấy nhau, thực hiện đúng sứ mạng như thế là chúng ta đã chu toàn nhiệm vụ mà Chúa phục sinh đã trao phó.

8) Tại sao Chúa Yesus phải viếng thăm các ông? Sau khi phục sinh, Chúa Yesus đã được tôn vinh lên làm Thiên Chúa. Nhưng Ngài vẫn là một Thiên Chúa yêu thương, mối bận tâm của Ngài luôn là các môn đệ, việc Ngài cần làm nhất là phải đi thăm các ông, Ngài muốn đưa các ông ra khỏi căn phòng đóng kín đầy sợ hải. Ngài đã chúc bình an cho các ông ba lần (câu 19, câu 21, câu 26). Thứ bình an Ngài ban ngay giữa những bất an, chết chóc do bạo động, là thứ bình an giữa những hối hận vì lương tâm cắn rức, xấu hổ, là thứ bình an mà Ngài đã tha thứ hết mọi lỗi lầm, là thứ bình an phát xuất từ lòng thương xót. Chúa đã không mắng mỏ, kể tội các ông, để rồi đay nghiến, chửi rủa như chúng ta vẫn thường làm. Thứ bình an Ngài ban là lúc Ngài lấy ngón tay viết trên cát, là bản án mà gió có thể cuốn đi, là thứ bình an mà Ngài không hề nhớ tới tội lỗi của các môn đệ, là thứ bình an mà người cha luôn ban cho con mình./ đó là lòng Chúa thương xót

9) Vì sao các môn đệ vui mừng? Chúa phục sinh đã cho họ xem các vết thương, thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa, và được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng mà Ngài đã nhận lãnh: “ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

10) Kiểu tin của Tôma ra sao? Các môn đệ đều vui mừng, chỉ có riêng Tôma là không vui, vì ông này có óc thực tiễn (Yn11,16/ Yn14,5). Chẳng rõ vì sao ông lại gặp hụt Đức Ki-tô Phục sinh, có vẻ như giữa ông và nhóm có điều gì xa cách, xa cách này càng được thấy rõ ràng hơn khi ông nhất quyết từ chối lời chứng của các bạn ông: Chúng tôi thấy Chúa. Còn ông, ông lại vững tin vào giác quan của mình khi ông khẳng định rằng: Nếu tôi không thấy, nếu tôi không xỏ… Rõ ràng ông là một nhà khoa học thực nghiệm, không chứng minh được thì không tin được!

11) Vì sao Chúa Yesus lại hiện đến? Chúa đến với nhóm, Chúa không muốn quên ai, Chúa muốn cho Toma toại nguyện, Chúa chê ông ấy cứng lòng trước những lời chứng của anh em. Dù thế, Ngài cũng thỏa mãn mọi điều ông yêu cầu, rốt cuộc Toma cũng thấy, và cũng tin như anh em, nhưng ông đã quyết chuộc lại lỗi lầm này, ông là vị tử đạo đầu tiên.

Bài: 2 LÀM SAO CÓ THỂ THẤY VÀ TIN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

12) Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên điều gì? Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy, đã tin, đã dám hy sinh mạng sống để làm chứng rằng Chúa đã sống lại.

13) Đòi hỏi như Tôma có chính đáng không? Trên đời có quá nhiều thứ giả dối, không thể tin được, nên quanh chúng ta vẫn có rất nhiều người giống Toma. Họ vẫn luôn đòi: “Thấy và chạm đến”, những thực tại vốn vô hình như là Thiên Chúa, linh hồn, đời sau. Nếu thấy và chạm, có nghĩa là có cảm nghiệm, thì đòi hỏi trên thật là chính đáng. Đức Yesus đã cho Tôma được thấy, được chạm đến Ngài, nên ông đã tin. Ông đã rất hăng say trong việc chuộc lại lỗi lầm, ông là vị tử đạo đầu tiên trong số các Tông đồ.

14) Làm sao chúng ta thấy được những thứ không thể thấy? Tình yêu ai cũng công nhận nó có, nhưng đâu có ai có thể thấy? Ta có thể thấy nó được qua hành động của hai con người yêu nhau. Đức tin và chân lý cũng vô hình, chúng ta sẽ thấy cách nào? Khi đức tin và chân lý đi qua một con người, từ con người ấy phát ra  hành động, nhờ những hành động ấy mà chúng ta nhận ra con người đó có đức tin, hiểu được chân lý. Làm sao chúng ta thấy được Thiên Chúa, vì Thiên Chúa vô hình? Khi ta nhìn Chúa Yesus, ta chưa thấy Ngài là Thiên Chúa, mà chỉ thấy Ngài là một anh thợ mộc. Nhưng khi Chúa rao giảng, dạy dỗ, chữa lành, thì ta nhận và tin rằng Ngài là Thiên Chúa. Bọn lãnh đạo Do Thái quá cố chấp, bọn chúng vẫn chứng kiến các phép lạ Chúa làm, cũng công nhận đó là do quyền năng, nhưng lại cho rằng quyền năng đó là do ma quỷ. Đây là lý luận của những con người tội lỗi, cứng lòng và cố chấp mà ta vẫn thường gặp trong cuộc sống thường ngày.

15) Làm sao chúng ta có thể giúp người khác thấy Chúa? Chúng ta cũng phải  giúp người khác thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật. Chúng ta phải sống như một con người đang thấy Chúa, cần để cho mình thanh thoát như một con người đã đụng đến trời cao, chúng ta cần bay lên khỏi các thân xác nặng nề, như một con người đã cảm được cái nhẹ bổng của tâm hồn. Chúng ta cần sống như một con người có lòng tin, chúng ta cần thực thi những gì mình tin, cần minh chứng lòng tin của mình qua lời nói, việc làm, có như thế người khác mới nhận ra ta là một môn đệ của Chúa, mà lệnh truyền của Chúa là gì? Là hãy sống “yêu thương nhau”.

16) Vậy truyền giáo là gì? Là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy, làm cho người ta có thể chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: Tôi đã thấy Chúa (Yn20,18), và tất cả cộng đoàn chúng ta cũng phải nói được rằng: Chúng tôi đã thấy Chúa (Yn20,25).

17) Muốn đến được với Chúa phục sinh, chúng ta cần vượt qua những thứ gì? Dân Do Thái muốn ra khỏi đất Ai Cập thì họ phải vượt qua biển đỏ, chúng ta muốn ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi thì phải vượt qua sự chết, muốn vượt qua sự chết thì phải vượt qua tính nhỏ mọn, ích kỷ, vượt qua những đam mê làm chúng ta chìm xuống, vượt qua nổi lo sợ khổ đau, nhục nhã, vượt qua những phút giây tăm tối nơi vườn cây dầu, vượt qua những thử thách của niềm tin, vượt qua những thành kiến mà mình luôn có về người khác, vượt qua những mất mát, thua thiệt, vượt qua những tiếc nuối về cuộc sống tạm bợ đời này.

18) Hậu quả sau những lần té ngã, đã để lại điều gì? Những lần té ngã, gây thương tích nơi thân xác đều để lại những vết sẹo, mỗi một vết sẹo có thể là một chiến tích, một thời kỷ niệm. Dù chuyện vui hay chuyện buồn thì nó cũng qua rồi, tuy vết sẹo có làm mất đẹp, nhưng nó không làm cho ta đau nữa. Khi Chúa Yesus hiện ra với các môn đệ, họ nhận ra được Ngài là nhờ các vết sẹo. Ngài đã cho họ xem các vết sẹo, những vết sẹo giúp các môn đệ xác minh nhanh chóng: Ngài là Đấng vừa chịu đóng đinh, vừa mới bị đâm thâu, đã chết, nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết.

19) Những vết sẹo của Chúa nói lên điều gì? Chúng ta thấy Chúa phục sinh hiện ra có sẹo, sẹo có thể làm mất vẻ đẹp, nhưng nó là những chiến tích, chiến tích đó sẽ theo Chúa lên Thiên Quốc. Chiến tích từ những vết sẹo đã gợi ra biết bao nỗi buồn phiền, thất bại, đau đớn, nhục nhã. Nhưng vinh quang mà không có chiến tích thì chỉ là vinh quang giả tạo, là vinh quang tự phong. Vinh quang có chiến tích là vinh quang đích thực, chính là vinh quang của Chúa phục sinh.

20) Tin mừng phục sinh được ví như những thứ gì? Tin mừng phục sinh nói về chiến thắng sự chết của Đức Ki-tô, nói rõ hơn là tin mừng về các vết thương đã lành. Chúng ta thường có những vết thương không thể thành sẹo, những vết thương không thể lành, chúng ta có dám cho người khác coi những vết sẹo của mình không? Những vết sẹo cũ của chúng ta thường nói lên những lầm lỡ của dĩ vãng nên không thể coi nó là chiến tích mà nó chỉ nói lên sự lầm lỡ yếu đuối của một con người.

21) Tâm tình của Tôma: Tôma đã nhìn thật lâu vào dấu đinh, lòng ông tràn ngập hối hận, chính lúc đó ông đã khám phá ra một tình yêu hy sinh, Chúa đã hy sinh mạng sống và có đủ sức mạnh để lấy mạng sống ấy lại. Tình yêu khiêm hạ khi Chúa cúi xuống đáp lại lời cầu mong của ông Toma . Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thõa mãn những đòi hỏi quá đáng của mình, nhờ đó ông luôn tràn ngập niềm tri ân.

Bài: 3 CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀM GÌ VỚI ƠN PHỤC SINH

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

22) Làm sao chúng ta thấy được Chúa phục sinh? Chúng ta cần tập thấy Chúa để tin, chúng ta cần tập nhìn những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của Đức Ki-tô, của cả thế giới. Để rồi chúng ta có thể tin rằng: Chúa phục sinh vẫn đang có mặt ở những nơi thất bại đau khổ, vết tích của cuộc khổ nạn vẫn còn in hằn trên thân thể Chúa qua các vết sẹo. Phúc cho những ai không thấy mà tin, và cũng phúc cho những ai biết thấy nên tin.

23) Lợi ích từ niềm tin kiểu Tôma: Những người như Tôma là những người lẻ loi không có bạn, chỉ mỗi mình ông trong số 11 Tông đồ, chắc các môn đệ khác cũng cảm thấy rất khó chịu trước thái độ của Tôma. Tập thể nào cũng có những Tôma, từ những con người như thế này rất dễ gây ra sự xung đột trong cộng đoàn. Thế nhưng không phải lúc nào xe cũng có thể chạy phon phon, nhưng cũng có rất nhiều khi cần phải giảm tốc độ, hay phải thắng lại. Chúng ta cũng rất cần những con người kỹ lưỡng, chín chắn như thế, kẻo dễ bị mang tiếng là hồ đồ. Phêrô rất thường hay nói nhanh, nói trước, nhưng đâu phải lúc nào ông phát biểu cũng đúng cả đâu.

24) Chúng ta cần phải tin Chúa như thế nào? Chúa đòi hỏi chúng ta tin, tin là tín thác và khiêm hạ, tin là biết đón nhận những khổ đau và trái ý. Đối với loài người thì Thánh giá là sự thất bại, nhưng với Chúa lại là sự thành công. Đối với loài người thì cửa mộ là cửa tử, nhưng đối với Chúa thì cửa mộ chính là mức đột phá cuối cùng trong chiến thắng thần chết của Ngài.

25) Vì sao Chúa phục sinh hiện ra nhiều lần với các môn đệ? Cảm nghiệm đầu tiên khi Chúa hiện ra với các ông chính là: Chúa phục sinh không còn bị giới hạn bởi không gian, cùng lúc Chúa có thể xuất hiện nhiều nơi, xuất hiện bên cạnh mồ chôn trong vườn, xuất hiện bên bờ hồ nơi các ông đang chài lưới, xuất hiện ở đường đi Emmaus, xuất hiện ở trong phòng họp cửa đóng kín. Cho nên dù ở nơi nào xa xôi cũng không làm chậm, hoặc cản bước chân của Ngài, Ngài có thể có mặt mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta.

26) Chúa phục sinh có thể xuất hiện lúc nào ? Chúa phục sinh không bị giới hạn bởi thời gian, Ngài đến gặp Maria khi trời còn sương khuya, Ngài đến bên bờ hồ khi bình minh vừa ló dạng, Ngài xuất hiện ở phòng tiệc ly giữa ban ngày, Ngài xuất hiện ở Emmaus khi trời đang tối. Mọi nơi, mọi lúc Chúa đều có thể ở bên cạnh chúng ta, có nghĩa là bất cứ lúc nào chúng ta cần.

27) Chúa phục sinh có thể xuất hiện trong mọi hoàn cảnh: Chúa xuất hiện trong bộ dạng người làm vườn, Chúa xuất hiện trên bãi biển như những anh chài lưới, Chúa xuất hiện như một bạn chài giàu kinh nghiệm về đường đi của những đàn cá, Chúa xuất hiện như một khách hành hương trên đường đi Emmaus, Chúa xuất hiện giữa phòng họp để phá tan nổi sợ hải của các môn đệ cũng như đánh tan sự nghi ngờ tăm tối của Tôma.

28) Chúa phục sinh giúp các môn đệ có lại được sự bình an, tin tưởng: Các môn đệ đang buồn rầu, bối rối, bấn loạn, sợ hãi sau cái chết của Thầy mình, nên mỗi lần hiện ra Chúa đều chúc bình an cho các ông, Chúa xuất hiện, nhìn thấy bộ dạng của các ông co ro, cốn rốm, sợ hải, sao Chúa không trách mắng, quở phạt vì những bội bạc, trốn chạy, chối Thầy. Lẽ ra Chúa buông lời quở trách nặng nề mới đúng, cớ sao Chúa lại đối xử như là chẳng có chuyện gì xảy ra, nên đã chúc bình an cho các môn đệ ngoan của mình, có phải là Chúa đã lấy lòng xót thương mà đối xử với các ông. Như Ngài từng nói Phêrô là tha 70 lần 7, hoặc với người phụ nữ ngoại tình thì Chúa viết bản kết án trên cát cho gió thổi bay đi, hoặc với bọn gian ác ở dưới chân Thánh giá thì Chúa lại xin Chúa Cha tha tội cho chúng. Chính vì thế giáo hội chọn hôm nay là Chúa nhật kính lòng thương xót Chúa.

29) Chúa phục sinh thổi hơi mang ý nghĩa gì? Người thổi hơi vào các ông và nói: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, cử chỉ này nhắc chúng ta nhớ lại công việc sáng tạo, khi đó vũ trụ còn là đám hổn mang, chưa định hình. Thần linh Chúa bay là là trên mặt nước, nhờ đó vạn vật có hình  hài vóc dáng và đi dần vào trật tự, ổn định. Từ sau cuộc khổ nạn, tâm hồn các môn đệ cũng như một đám hổn mang, tan nát, vô định. Chúa Yesus thổi hơi ban lại một trật tự mới.

30) Hiệu quả từ sau việc thổi hơi: Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần như trong một cuộc tạo dựng mới, đem lại một trật tự ổn định, biến đổi các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy sự bình an của Thiên Chúa. Sau khi gặp được Chúa, Maria trở nên vui tươi. Hai môn đệ đi Emmaus trở nên phấn khởi, các môn đệ bối rối núp lén trong phòng kín cửa, được bình an. Tôma trở nên vững tin, Chúa Kitô phục sinh là trung tâm sự bình an của các ông.

31) Ý nghĩa cuộc đời sau sự kiện Chúa phục sinh: Chúa chết, cả bầu trời sụp đổ, bởi vì các ông âu lo, buồn bã, chán chường. Thầy Yesus đã chết thì cuộc đời của họ cũng hết ý nghĩa. Chúa là linh hồn, mà linh hồn đã ra đi thì xác sống làm sao được. Đức Kitô phục sinh thì xác chết bỗng hồi sinh, cuộc sống từ nay có ý nghĩa.

32) Chúa phục sinh sai họ ra đi: Đức Kitô phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời của các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là tin mừng lớn lao nhất, trọng đại nhất /những ai đã nhìn thấy Đức Kitô phục sinh đều trở thành sứ giả loan báo tin mừng, tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình làm chứng cho lời mình rao giảng, Chúa Kitô phục sinh là tin mừng không thể dấu và cũng là lệnh truyền không thể chống cưỡng được.

TÓM Ý

 1) Mục đích của Chúa hiện ra là để củng cố niềm tin cho các môn đệ, ban bình an ,ban Thánh Thần và ban quyền tha tội cho các ông.

 2) Ban Thánh Thần là để thanh luyện và đổi mới  các ông /

 3) Các môn đệ được sai đi tiếp nối sứ mạng của Thầy mình/ để làm chứng về Đức Ki-tô phục sinh  đến tận cùng bờ cõi trái đất.

 4) Đức tin cũ là thấy mới tin / đức tin mới là tin vào lời nói của các chứng nhân có thế giá/ Chúa cũng ban cho chúng ta phúc thứ 9 = “phúc cho những ai không thấy mà tin”.

5) Con người cũ, tội lỗi, bị đặt dưới quyền thống trị của sự chết và bị coi như kẻ thù của Thiên Chúa/ con người mới là con người sạch tội, con người được phục sinh với Chúa vì đã đối xử tốt với anh em mình .

 6) Bình an của Chúa ban đó là Chúa xí xóa hết mọi lỗi lầm của các ông, Chúa không quở trách, răn đe, nhiếc mắng, nhưng Chúa đã giả lơ như không có phạm lỗi gì/ lại còn ban ơn an ủi, ơn vui mừng và ban quyền tha tội cho các ông/ thay vì phạt, lại được thưởng, rõ ràng đây là tình Cha  với Con, đây là Lòng Chúa thương xót loài người.

 

7) Toma tuy cứng tin, nhưng là người chín chắn, giúp cho chúng ta là những người đi sau, tuy chúng ta không chứng kiến, nhưng chúng ta vững tin vào lời nói của các Tông đồ , không hấp tấp,  không hồ đồ/

 8) Đức tin của chúng ta hôm nay chỉ dựa vào lời chứng của những người dám đem mạng sống của mình để cá cược cho điều họ rao  giảng.

 9) Có những thứ vô hình nhưng chúng ta tin bởi chúng ta có thể kiểm chứng được/ ví dụ tình yêu, nó vô hình, nhưng khi nhìn đôi trai gái đối xử với nhau, ta biết được họ đang yêu nhau hay đang ghét nhau.

 10) Người Do thái nhìn Chúa Yesus qua vẻ về ngoài của anh thợ mộc/ còn chúng ta nhìn Chúa qua các việc Chúa nói, các việc Chúa làm thì chúng ta có thể khẳng định Ngài là Thiên Chúa/ một Thiên Chúa phục sinh.

 11) Chúng ta có thể giúp người khác thấy Chúa bằng đời sống đức tin gương mẫu, luôn thực thi điều Chúa dạy, vì luôn làm chứng về Đấng phục sinh

 12) Truyền giáo là làm cho người ta nhận ra Thiên Chúa là Cha, Đấng đầy lòng thương yêu, luôn muốn cho mọi người cùng được hưởng hạnh phúc với Ngài.

 13) Muốn được phục sinh với Chúa, chúng ta cần vượt qua cái chết/ dân Do thái ngày xưa muốn thoát cảnh nô lệ, phải nghe lời Moisen, phải vượt qua biển đỏ/ chúng ta phải từ bỏ con đường tội lỗi là những thứ tham lam, ích kỷ, dâm ô, ác độc, những thứ này dẫn đưa chúng ta đến sự chết, cũng đừng bám víu vào những thứ tạm bợ ở thế gian này/ được như thế chúng ta mới được sống lại với Chúa.

 14) Vết sẹo của Chúa là những chiến tích giúp các môn đệ nhận ra Chúa phục sinh/ mỗi lần chúng ta té ngã, chúng ta có những vết sẹo, vết sẹo nói lên những lỗi lầm ,yếu đuối của chúng ta để chúng ta khiêm tốn/ vết sẹo của Chúa đem đến sự vinh quang cho chính Chúa.

 15) Chúa phục sinh vẫn đang có mặt trong những con người nghèo khổ ốm đau chung quanh chúng ta, thân thể Chúa vẫn còn đau đớn vì tội lỗi của loài người/ chúng ta hãy sống bác ái như lời Chúa dạy để thân thể Chúa bớt đau đớn.

 16) Con người Toma chín chắn kỹ lưỡng, nhưng ai cũng chê là ông cứng lòng tin/ thế nhưng Phê-rô nhanh nhảu, trả lời đúng, nhưng cũng có nhiều lần sai lầm/ điều đó nói lên rằng: trước mặt Chúa không có ai hoàn hảo/ đừng vội kết án nhau.

 17) Tin vào Chúa phục sinh, chúng ta phải đóng góp với giáo hội trong công cuộc truyền giáo/ phải chấp nhận đau khổ, trái ý, thiệt thòi/ vì loài người coi Thánh giá là thất bại/ nhưng với Chúa thì Thánh giá đem lại vinh quang.

18) Chúa phục sinh không còn bị giới hạn bởi vật chất, thời gian không gian. Chúa có thể đến bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng được và đến trong mọi hoàn cảnh/ không có thứ gì có thể ngăn bước chân của Ngài/

19) Chúa phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời của các môn đệ, các ông là những con người đầy khuyết điểm, yếu đuối, lỗi lầm/ nhưng nay nhờ Chúa phục sinh ban Thánh Thần/ các ông đã trở nên những sứ giả của tin mừng phục sinh/ loan báo Đức Ki-tô đã sống lại vì Chúa Ki-tô phục sinh là Tin mừng không thể che dấu/ là lệnh truyền không thể cưỡng lại được. R

GiuseLuca, KT  Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1615
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  2206
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11405022
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top