Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 20 Thường Niên A / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT  20 / TN A -  

ĐỀ TÀI: ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ CANA-AN

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:     Mt 4,23

Halêluia. Halêluia. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mt 15,21-28

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

21 Khi Đức Giê-su lui về miền Ti-a và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26 Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật ! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.     Đó là lời Chúa.

Bài 1: ĐỨC TIN VÀ CÁC ƠN CHÚA BAN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Tin Mừng hôm nay Chúa Yesus khen ngợi ai? Chúa Yesus lên tiếng ca ngợi đức tin của một người đàn bà xứ Ca-na-an. Vậy Đức Tin của chúng ta mạnh mẽ hay yếu kém, nếu Đức Tin của chúng ta đang yếu kém thì chúng ta cần phải củng cố, gia tăng niềm tin.

2/ Làm cách nào để luyện tập Đức Tin? Đức Tin được sánh ví như một bắp thịt, nếu bắp thịt đã suy yếu thì cần phải chịu khó luyện tập, càng luyện tập thì Đức Tin sẽ càng trở nên mạnh  mẽ. Chúng ta có nhiều cách để luyện tập cho Đức Tin trở nên mạnh mẽ.

3/ Cách luyện tập Đức Tin : Chúng ta cần học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu ý nghĩa bài Phúc Âm, nhờ đó chúng ta có thể tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng tư để kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng cho Đức Tin của mình.

4/ Một câu chuyện trong tác phẩm “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp, tác giả kể lại rằng : Có một bà già bị cám dỗ khủng hoảng về Đức Tin, bà đến xin thọ giáo ý kiến của một vị Linh Mục, vị Linh Mục đã đưa ra một cách để giúp bà củng cố lại niềm tin, đó là hãy yêu thương nhiều. Vị Linh Mục nói : Hãy cố gắng yêu thương những người láng giềng thật nhiều, càng yêu thương nhiều, bà sẽ tin chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống sau khi chết, càng yêu thương thì Đức Tin của bà càng lớn lên, sau đó những sự ngờ vực sẽ tiêu tan.

5/ Đức Tin và Đức Mến liên kết với nhau như thế nào? Từ lời khuyên của câu chuyện trên đây, chúng ta thấy Đức Tin và Đức Mến luôn đi đôi với nhau. Chúng ta hãy nhìn đoạn đường rầy xe lửa, khi thấy cái này thì cũng tìm được cái kia. Đức Tin và Đức Mến liên kết với nhau như xác với hồn. Khi chúng ta tin Chúa thì cùng lúc chúng ta cũng muốn làm điều gì đó cho Ngài.

6/ Giải thích cụ thể hơn: Nếu vì  Ngài chúng ta mà cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, kẻ rách rưới được ăn mặc thì cũng chính lúc đó, chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta đang làm điều đó cho Chúa.

7/ Cách mà người phụ nữ Ca-na-an đến với Chúa : Chúng ta trở lại với người phụ nữ Ca-na-an trong đoạn Tin Mừng, bà đã đến với Chúa vì người khác chứ không phải vì chính bà. Bà đến với Chúa vì tình yêu với tư cách của một người Mẹ, một người Mẹ đầy lòng yêu thương con gái mình, cuối cùng bà đã được Chúa lên tiếng ca ngợi.

8/ Thế nào là sự thăng trầm của Đức Tin? Trong cuộc sống Đức Tin, có những ngày tươi sáng, hứng khởi, nhưng cũng có những ngày ảm đạm, khủng hoảng. Nếu niềm tin của chúng ta đang suy yếu, thì ngoài việc học hỏi Lời Chúa và chuyên tâm cầu nguyện chúng ta hãy thực hiện những hành động Bác Ái, để nhờ đó chúng ta có thể gặp được Chúa trong những người anh em của chúng ta.

9/ Một kinh nghiệm sống của người Do Thái : Trên con đường chạy loạn của một người Do Thái đang chạy trốn sự truy lùng của Đức Quốc Xã, anh ta đã viết như thế này : Tôi tin vào Mặt Trời ngay cả lúc nó không chiếu sáng, tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc nó vắng bóng, tôi cũng tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đang yên lặng.

10/ Hoàn cảnh của câu chuyện Phúc Âm : Một người đàn bà có đứa con gái bị quỷ ám, bà lại là dân ngoại, còn Đức Yesus là người Do Thái. Khi thấy Ngài, bà quá đỗi vui mừng và nghĩ rằng cơ  may đã đến ,và con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh. Đức Yesus đã khen bà có lòng tin lớn lao, khi đọc qua đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy rõ điều đó.

11/ Vì sao lòng tin cần phải kiên trì ? Bà nài xin Chúa nhìn đến nỗi đau của người Mẹ, đau vì thương con. Nhưng Chúa Yesus không đáp lời, không phải Chúa đang lạnh lùng trước nỗi đau hay lãnh đạm trước điều mà Chúa có thể giúp được, lắm khi chúng ta cũng gặp phải sự thinh lặng như thế. Chúng ta cũng khắc khoải tự hỏi : Chúa có nghe không, Chúa có thấy gì không?

12/ Lòng tin cần phải biết nhẫn nhục khi bị từ chối: Bà chẳng ngã lòng dù rằng Chúa vẫn giữ yên lặng, bà cứ đi theo mà kêu, mà xin mãi, rồi còn chạy đến trực tiếp giáp mặt Chúa, nài xin cứu giúp. Kết quả là bà nhận được một lời từ chối thẳng thừng. Bà không bị sốc khi nghe Chúa ví dân ngoại như chó nuôi trong nhà, không đáng được hưởng phần cơm bánh của Israel, không biết bà có thất vọng không?

13/ Lòng tin cần phải biết khiêm tốn: Bà chấp nhận lối so sánh của Đức Yesus, bà chấp nhận mình là chó con chỉ được phép trông chờ các mảnh vụn từ bàn ăn rơi xuống. Bà không mong nhận được phần ăn dành cho con cái. Sức mạnh của lòng tin là ở nơi sự khiêm tốn, tin không phải là đòi hỏi, tin là chờ đợi mọi sự từ bàn tay của Thiên Chúa và sẵn sàng đón lấy những hồng ân mà Thiên Chúa ban phát nhưng không!

14/ Lòng tin không dám đòi hỏi: Đức Yesus từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại vì Ngài biết rõ sứ vụ Chúa Cha giao cho Ngài, Ngài chỉ được Chúa Cha sai đến với nhà Israel thôi. Nhưng Chúa yesus không cứng nhắc trong nguyên tắc, Ngài tin Chúa Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ, nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài tự do mở ra. Chúa kinh ngạc và ngất ngây trước lòng tin của người phụ nữ, Ngài để cho mình bị chinh phục và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.

15/ Chúa Yesus thay đổi ý định do đâu? Lòng tin lớn lao của người phụ nữ dân ngoại khiến cho Chúa Yesus phải đổi ý, Chúa đổi ý vì nghe thấy lời mời gọi mới của Chúa Cha. Chúng ta hay có tính uyển chuyển hay chỉ là người thiếu nguyên tắc, có thể uyển chuyển  nhưng đừng thiếu kiên định, nguyên tắc thì tốt nhưng đừng trở nên cứng nhắc.

16/ Đâu là những ơn Chúa ban? Là tất cả những ơn Cha ban cho ta, Ơn ta thấy được cũng như những Ơn ta không nhận ra. Chúa ban nhiều ơn hơn ta tưởng, có biết bao ơn Cha ban mà ta cứ tưởng là ơn tự nhiên, ta thường đau khổ vì những ơn cha không ban mà ta quên rằng đời ta được bao bọc bằng muôn vàn ân sủng. « Con tạ ơn vì Cha cương quyết không ban ơn đó cho con, bởi điều đó sẽ có hại hoặc Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. »***

Bài 2: VƯỢT QUA MỌI THỬ THÁCH NHỜ KHIÊM TỐN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

17/ Bối cảnh của câu chuyện phép lạ: Miền Ti-a  và Siđôn là hai miền đất cuối cùng ở  Tây Bắc xứ Palestin. Đa số dân chúng ở đây là người Do Thái sinh sống chung với dân ngoại . Vì thế dân ngoại cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều về phương diện hiểu biết lề  luật của Chúa, Nên chúng ta không khỏi ngạc nhiên nếu có một số người ngoại đạo lại biết một số đoạn kinh thánh nho nhỏ. Điều này giải thích danh từ : “Con Vua Đa-vít” mà người phụ nữ Ca-na-an đã dùng để thưa với Chúa Yesus.

18/ Vì sao Chúa Yesus lại lên miền tận vùng này? Có lẽ ý Người muốn  lên đây để đào tạo các Môn đệ thong thả hơn. Nhất là qua cách Chúa Yesus cư xử với người Phụ Nữ Ca-na-an. Chúa muốn dạy các Môn đệ một bài học thường thức. Họ sẽ nhớ lại khi đặt vấn đề người ngoại giáo gia nhập Giáo hội, gia nhập Nước Trời. Vì họ biết là không thể nào từ chối không cho ngoại giáo gia nhập được. Qua đoạn Tin Mừng này tuy bề ngoài có vẻ cứng cỏi, nhưng cho thấy rõ là Chúa Yesus quan tâm người ngoại giáo cách sâu xa và Người cũng rất yêu thương họ.

19/ Vậy đoạn Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều gì? Nó cho ta thấy rằng : Người ngoại giáo có một khả năng mới mẻ, mãnh liệt để đón nhận Đức Tin, và Đức Tin của chị phụ nữ Ca-na-an  đánh động và giúp chúng ta nhận ra nhiều điều mới mẻ .

20/ Đây có phải là một Đức Tin khiêm tốn không? Người phụ nữ bất hạnh có một đứa con gái bị ốm, bà đau khổ đến nỗi phải kêu tới Chúa Yesus, nhưng tiếng kêu của bà ta không có vẻ hiếu thắng. Bà ta không có ý thức là mình đang nêu ra một quyền lợi, trái lại khi nghe Chúa đưa ra một bất lợi cho tình thế của bà, đó là Ngài đến chỉ để hoạt động ở Israel chứ không phải để giúp đỡ cho người ngoại giáo.

21/ Người phụ nữ Ca-na-an đã tỏ thiện chí thế nào? Bà ta đã trả lời bằng cách làm nổi bật mức độ cầu xin, bà đã cầu xin quyết liệt và tự đặt mình ngang hàng với đàn chó chỉ sống bằng những mảnh vụn thừa từ nơi bàn ăn rơi xuống. Bà đã thể hiện và bộc lộ Đức Tin với tính cách khiêm nhường khiến Chúa Yesus phải xiêu lòng.

22/ Đức Tin ở trường hợp này là gì? Đức Tin ở đây là một tiếng kêu tự nhiên, nếu phải phân tích kỹ, chúng ta thấy ở trong đó ẩn chứa một dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao, một sự choáng váng vì cậy trông quá mức, và tiếp theo là một sự an tâm đầy tin tưởng.

23/ Kết quả là gì ? Khi người phụ nữ Ca-na-an được Chúa trả lời, như thế là bà đã được Chúa quan tâm đến, bà đã nắm chắc phần thắng. Như một cách chắc chắn là bà cảm thấy Chúa sẽ chữa lành cho đứa con gái của bà.

24/ Tại sao đây là một Đức Tin nài nỉ? Đức Tin dừng lại mạnh mẽ ở một điểm rất rõ ràng: Chúa Yesus có thể chữa lành đứa bé bị ốm. Trước mặt Chúa, người Phụ nữ đã nhấn mạnh và nhắc lại lòng tin tưởng của bà vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Tuy bà có bị xua đuổi một cách cứng rắn, nhưng bà vẫn tỏ ra kiên nhẫn như là ngoan cố, cái kiểu ngoan cố đặc biệt của một bà mẹ.

25/ Đây là một kiểu thể hiện Đức Tin mới mẻ: Các tông đồ cho rằng : Cách làm của người phụ nữ Ca-na-an chỉ là quấy rầy. Còn Chúa Yesus lại đưa ra vấn đề quyền ưu tiên của người Do Thái, Nhưng người phụ nữa đã làm thay đổi tất cả và bà đã buộc mọi người phải đi thẳng tới vấn đề cứu chữa cho con bà, điều này sẽ khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

26/ Chúng ta thấy thế nào về lời nài xin của người đàn bà Ca-na-an? Lời cầu xin của bà thật cảm động, thật chân thành, thế mà sao Chúa lại không đáp lời? Chúa Yesus lại là Đấng rất nhân từ trước những người cùng khổ chạy đến kêu cầu Ngài. Hơn nữa Ngài đã dạy cho các Tông đồ cách cầu nguyện: Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho; Thế mà sao lúc này Chúa lại lặng thinh, không trả lời, chắc chắn là phải có lý do.

27/ Thái độ của các Môn đệ: Các Môn đệ không hiểu được thái độ của Chúa, và các ông cũng không muốn bị quấy rầy nên đã nói với Thầy mình : Xin Thầy bảo bà ấy về đi…Các ông cũng hiểu lầm thái độ im lặng của Chúa như là một sự từ chối nên các ông cũng muốn phủi tay.

28/ Thái độ của Chúa Yesus : Không những Chúa chỉ im lặng mà Ngài còn lên tiếng chối từ  lời van xin của người đàn bà trong cơn thử thách : Ta chỉ được Sai đến với nhà Israel

29/ Thái độ người đàn bà xứ Ca-na-an: Đứng trước một thử thách nặng nề về lòng tin như vậy, bà đã không ngã lòng trước lời từ chối của Chúa. Bà đến sụp lạy và thân thưa với Ngài rằng : Lạy Ngài, Xin thương giúp tôi. Bà không thắc mắc, không giận lẫy hay trách móc Chúa thế này, thế kia. Nhưng bà lại khiêm tốn hạ mình hơn nữa, bà không van xin bằng lời mà còn van xin bằng cả con người bằng cách sụp lạy.

30/ Sự thử thách của Chúa: Sự im lặng của Chúa, sự từ chối của Ngài là một thử thách trong Đức Tin và thử thách trong việc cầu nguyện. Chúa muốn thử thách để bà van xin nhiều hơn nữa : “Không lấy bánh dành cho con mà ném cho chó” Lời nói cứng này xem ra không phù hợp với một con  người đầy lòng nhân từ và yêu thương như Chúa.

31/ Thử thách này gần như đã đến mức độ cuối cùng. Ai có thể vượt qua ? Nhưng người đàn bà dân ngoại này đã vượt qua được, bà đã mạnh dạn thưa với Chúa Yesus  như sau : “Thưa Ngài đúng lắm, nhưng chó con cũng được phép ăn các mụn bánh rơi…”

32/ Người đàn bà vượt qua thử thách nhờ vào đâu? Nhờ vào tâm hồn khiêm tốn, nhờ đó bà đã trưởng thành trong Đức Tin. Cuối cùng Chúa Yesus mới trả lời : Này bà, Đức Tin  của bà đã được chấp nhận, bà muốn sao thì sẽ được như vậy. Đây là bài học lớn cho tất cả Ki-tô hữu chúng ta.****

Bài 3: CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 15, câu 21 : Trong hoàn cảnh hiện tại, Chúa Yesus đang gặp phải sự chống đối của người Pharisêu nên đã lui về đây (Mt 14,13). Nên Người hướng về miền Ti-a và Siđon, hai hải cảng chính của vùng Phenixi.

2/ Hai thành cách nhau khoảng 18 dặm : Vào thời Đavít và Salomon trị vì thì đây là hai phố cảng quan trọng nhất, nổi tiếng trên thế giới. Thành phố Ti-a sớm bị quân đội Babilon phá hủy, thành phố này chỉ được tái thiết nhân cuộc chiếm đóng của Ale-xan Đại đế. Mãi đến tận thời Chúa Yesus, miền Ti-a vẫn còn là một trung tâm thương mại quan trọng.

3/ Đức Yesus lui về miền đất dân ngoại, nơi sinh sống của những người được xem như thù địch của người Do Thái. Ngoại trừ lần trốn chạy sang Ai cập lúc Chúa Yesus mới sinh ra, thì lần này là lần xuất ngoại duy nhất mà Chúa Yesus đi ra khỏi miền đất hứa /cũng chính tại nơi đây Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với người phụ nữ dân ngoại.

4/ Đoạn 15, câu 22 : Người phụ nữ được gọi là Dân Ca-na-an, bởi thời trước vùng đất này là nơi người Ca-na-an sinh sống. Danh xưng “Người Ca-na-an” là cách gọi khinh miệt của người Do Thái dành cho dân ngoại.

5/ Theo Tin Mừng Marcô ,nơi người phụ nữ ấy là người gốc Phênixi, thuộx xứ Xyri (Mc 7,26). Dù trong trình thuật sau đó không nói rõ người phụ nữ ấy có cải tạo để theo Do Thái giáo hay không?. Nhưng chắc chắn rằng người phụ nữ ấy biết rất rõ về lời hứa của Đấng Messia, vì bà ta gọi Đức Yesus là : “Con Vua Đavít”. Thế nhưng Đức Yesus chẳng đoái hoài gì đến bà chỉ vì chi tiết này, hay nói cho đúng hơn Chúa đáp ứng Lời van xin của bà chỉ vì Chúa thấy rõ lòng tin mạnh mẽ của bà.

6/ Trước kia là nhu cầu của đứa con gái, nhưng giờ đây nó đã biến thành nhu cầu của bà, bà đã kêu khẩn thiết như là chính bà cần được chữa lành vậy. Chính lòng khao khát đó đã đưa bà đến với Chúa Yesus. Nếu không phải vì gặp khó khăn, có lẽ chẳng bao giờ bà muốn đến để gặp mặt Ngài.

7/  Đoạn 15, câu 23: Thoạt đầu Chúa Yesus làm ngơ trước lời khẩn cầu của người phụ nữ, bởi vì sứ vụ của Người chỉ dành riêng cho Dân Israel (câu 24). Và cũng vì Người không muốn gây ồn ào sau cái chết của Yoan tẩy giả ( Mt 14,12).

8/ Điểm khác biệt giữa trình thuật này với trình thuật Chúa chữa lành cho đầy tớ của viên đại đội trưởng tại Capharnaum (Mt 8,5-13). Đó là trình thuật tại Capharnum xảy ra khi Chúa Yesus hoạt động công khai ở Galilê, đồng thời liên quan đến một người dân ngoại có mối tương giao gần gũi với người Do Thái.****

9/ Trong trường hợp này nếu Chúa từ chối giúp viên Đại đội trưởng, rất có thể Chúa sẽ phải hứng chịu sự xa lánh từ phía dân Israel và sứ vụ của Chúa sẽ ít có người đón nhận.

10/ Nhu cầu của người Phụ nữ  chính là trọng tâm của đoạn Tin Mừng. Phản ứng của các Môn đệ là muốn đuổi bà ấy đi, hay là các ông muốn nhắc Chúa Yesus hãy làm điều gì đó cho mau rồi đuổi bà ta đi đi. Nếu không xét theo tình huống này thì thái độ của Chúa Yesus hơi khó hiểu ( Mt 15,32), (Lc 11,8). Đúng ra chẳng phải các Môn đệ quan tâm đến bà ấy đâu, nhưng là các ông không muốn bà ấy quấy rầy mà thôi.

11/ Đoạn 15, câu 24 : Chúa Yesus không đến với dân Người là dân tộc Do Thái để thưởng công cho Người Công Chính. Nhưng Người đến và tìm và cứu chữa cho những kẻ đang đi vào sự hư mất. Sứ vụ của Người trước hết là dành ưu tiên cho nhà Israel (Mt 10,6), (Yn 10,16-18).

12/ Chỉ sau khi Chúa Yesus đã chết và phục sinh, dân ngoại mới được mời đến hội ngộ nơi nhà của Đức Chúa. Ngoài ra nếu lúc này Chúa bỏ Dân Do Thái để đến với dân ngoại, hẳn là Đức Yesus đã đóng cánh cửa dành cho dân Người (Yn 7,35). Có lẽ điều này đã làm chậm tiến trình phải hoàn tất sứ vụ của Người.

13/ Đoạn 15, câu 25 : Trước câu trả lời của Chúa Yesus, người phụ nữ đã không nản lòng, bà đã đến ngôi nhà mà Chúa Yesus đang có mặt (Mc 7,24-25) và sấp mình dưới chân Người. Cứ trong tư thế đó bà sấp mình, bái lạy, Bà khẩn khoản xin Người trợ giúp, người phụ nữ ấy chẳng bận tâm gì về tín ngưỡng, tôn giáo, bà chỉ biết có một điều là Đức Yesus có thể cứu giúp bà. Lòng tin của bà không phải là sự mê tín hầu mong phép lạ xảy ra, nhưng đó chính là niềm tin trung kiên và bà sẽ không bị từ chối (câu 27).

14/ Đoạn 15, câu 26 : Con cái ở đây ám chỉ người Do Thái, những kẻ sẽ được thừa hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa (Mt 8,12). Con cái Israel được chính Thiên Chúa gầy dựng nên (Mt 10,6). Lũ chó thường để ví với người dân ngoại, thế nhưng ở đây Chúa không có ý hạ nhục họ, ở đây Chúa chỉ muốn nói đến những chú cún luôn được người ta nâng niu, chứ không phải mấy chú chó chạy hoang ngoài đường phố.

15/ Theo cách lý giải này: Những con chó nhà thường được cho phép ăn những thức ăn vụn rơi rớt của chủ. Sự khác biệt chính là thức ăn dành cho con cái và cho chó con thì khác nhau

16/ Đoạn 15, câu 27: Người phụ nữ không chỉ xác nhận câu nói của Chúa bằng : Thưa vâng, mà bà còn nắm lấy cơ hội này, kiểu sánh ví của Chúa, để khẩn khoản lòng thương xót trước nỗi khốn khổ bà đang mang.

17/ Lòng tin của bà thật son sắt, lòng tin ấy không chỉ dừng lại ở chuyện bà mong được trợ giúp, nhưng niềm tin đó còn đặt trọn niềm tín thác vào con người Đức Yesus. Bởi lẽ bà đã chẳng lớn tiếng gọi Người là con Vua Đavít và là Chúa đó sao? Hơn nữa khi nhận ra Người là Đấng ban cơm bánh, bà sẵn sàng xin thu lượm những bánh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của dân tộc Isreal đó sao?

18/ “Mảnh vụn” được dùng ở đây, là những vụn bánh nhỏ lấm tấm, người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận vị thế thấp kém của một chú chó và bà không ngừng cầu xin. Đối với bà chỉ cần những mảnh vụn ấy thôi cũng đủ làm cho bà thỏa mãn. Bà cho rằng : Với Quyền năng vô hạn của Người thì chỉ cần một cái phẩy tay, Người cũng đuổi được tên quỷ đang hành hạ con gái bà.

19/ Thật đáng khen cho lòng tin, cho ước vọng của người phụ nữ này: Rất có thể bà trở về trong nỗi uất hận, rất có thể bà để cho lòng tự ái dân tộc, lòng tự trọng bản thân giết chết niềm tin, may thay bà có lòng khiêm tốn đích thật, bà vẫn kiên trung trong niềm tin, bà vẫn xem Đức Yesus như người Mục Tử Nhân Lành và không ngừng cầu xin Người.

20/ Lòng khiêm tốn chính là cốt lõi của niềm tin : Khiêm tốn là đứng ở chỗ thấp và nài nỉ liên lỉ, nài xin cho tới khi được mới thôi. Cho dù niềm tin có thể bị thử thách nặng nề.

21/ Đoạn 15, câu 28 : Người phụ nữ Ca-na-an là người thứ hai trong số các dân ngoại được Chúa khen về niềm tin của mình. Cho dù bà gặp cản trở nào, bà cũng lấy đó làm nguồn trợ lực cho Đức Tin của mình (Mt 8,10).

22/ Chúa Yesus vẫn thường than trách về những kẻ không tin mà Người vẫn gặp. Trong số còn có những kẻ luôn theo sát Ngài, ngay cả Phê-rô cũng bị khiển trách là kém lòng tin (Mt 14,31).

23/ Điểm đáng lên án ở đây chính là: Phê-rô hằng ngày vẫn gần gũi bên Chúa, có cơ hội học hỏi, có cơ hội chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Còn người phụ nữ này chỉ nghe đồn mà thôi! (Mc 3,8) (Lc 6,17).

24/ Bài học từ người phụ nữ này : Bà đã thuận theo ý Đức Yesus : Thưa Ngài, đúng thế! (câu 27). Sau đó bà đã nhận được điều bà đang ước mong. Chúng ta cần học theo gương mẫu này, nếu điều kiện của Đức Tin là phải gặp gỡ Đức Yesus và tôn vinh Người là Thiên Chúa, thì sự gặp gỡ ấy phải làm theo sự tha thiết khẩn nài như người phụ nữ Ca-na-an đã làm (2 Sm 24,25), (1 Sb 5,20), (2 Sb 33,13), (Is 19,22).****

TÓM Ý

1/ Tin Mừng hôm nay Chúa Yesus khen ngợi Đức Tin mạnh mẽ, tin tưởng và kiên trì,  khiêm tốn của người đàn bà xứ Ca-na-an.

2/ Đức Tin cũng được sánh ví như các bắp thịt trong cơ thể, bắp thịt lâu ngày dễ bị suy yếu nên cần luyện tập thường xuyên. Càng luyện tập Đức Tin càng mạnh mẽ.

3/ Những cách luyện tập Đức Tin : Học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu ý nghĩa Phúc Âm, tham dự Thánh lễ sốt sắng, cầu nguyện chung, riêng nhiều hơn.

4/ Càng tin Chúa thì càng mến Chúa, càng sống Bác Ái thì càng chứng tỏ lòng yêu mến của mình. Bởi thế Tin và Mến như hai chị em, luôn đi đôi với nhau như 2 đường rầy xe lửa, khi thấy cái này thì cũng tìm được cái kia. Đức Tin và Đức Mến như thân xác với linh hồn, khi chúng ta tin Chúa thì cũng muốn làm điều gì đó cho Ngài.

5/ Giải thích rõ hơn: Khi chúng ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thì cũng chính lúc đó chúng ta nghiệm ra rằng : Chúng ta đang làm điều đó cho Chúa.

6/ Người phụ nữ Cana-an đến với Chúa vì yêu con mình chứ không phải vì chính bản thân bà. Bà đến với tư cách làm mẹ, một người mẹ đầy lòng yêu thương, sẵn sàng chấp nhận mọi sự vì con. Chính vì thế bà đã được Chúa khen ngợi,

7/ Đức Tin cũng có lúc thăng trầm. Trong cuộc sống, đức tin cũng có những lúc tươi sáng, phấn khởi cũng có những ngày ảm đạm khủng hoảng. Nếu niềm tin bị suy yến, chúng ta cần chuyên tâm cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa. Hãy thực hiện nhiều hành động Bác Ái, nhờ đó chúng ta có thể gặp được Chúa trong những người anh em của chúng ta.

8/ Đức Tin phải vững vàng, phải tin Chúa trong mọi hoàn cảnh : Một người Do Thái trên đường chạy trốn Đức Quốc Xã, anh ta đã viết thế này : Tôi tin vào Mặt Trời ngay cả khi lúc nó không chiếu sáng, tôi tin vào Tình Yêu ngay cả khi nó vắng bóng. Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đang yên lặng.

9/ Đức Tin kiên trì của người phụ nữ : Bà nài xin Chúa nhìn đến nỗi đau của người mẹ, đang đau lòng vì thương con, nhưng Chúa Yesus không đáp lời. Lắm khi chúng ta cũng gặp phải sự thinh lặng như thế, không phải vì Chúa không thấy, không nghe, nhưng Chúa muốn chúng ta đợi chờ.

10/ Lòng tin cần phải biết nhẫn nhục khi bị từ chối: Bà chẳng ngã lòng cho dù Chúa vẫn giữ im lặng. Bà cứ đi theo mà kêu xin mãi, bà còn chạy đến giáp mặt nài xin cứu giúp. Bà đã bị Chúa từ chối thẳng thừng, còn bị ví mình như là vật nuôi trong nhà, không đáng được hưởng phần cơm bánh của con cái.

11/ Lòng tin phải biết khiêm tốn khi nghe Chúa so sánh. Nhưng bà chấp nhận mình là thân phận chó con, chỉ được phép trông chờ vào những mảnh vụn bánh từ trên bàn chủ rơi xuống. Sức mạnh lòng tin của bà là ở nơi sự khiêm tốn, không dám đòi hỏi, chỉ biết trông chờ.

 12/ Chúa Yesus không cứng ngắc trong nguyên tắc, dù rằng Ngài biết rõ sứ vụ Chúa Cha giao cho Ngài. Ngài chỉ được Chúa Cha sai đến để cứu giúp nhà Israel thôi. Ngài cứ để cho trái tim rộng mở bởi Ngài đã xúc động trước lòng tin của người phụ nữ.

13/ Tất cả những ơn Chúa ban : Ơn ta thấy được, Ơn không nhận ra. Chúa ban nhiều ơn hơn ta tưởng, có rất nhiều ơn Chúa ban mà ta cứ tưởng là ơn tự nhiên. Ta thường đau khổ với những ơn Cha không ban cho mà quên rằng : Đời ta luôn được bao bọc bằng ân sủng. Những ơn Cha quyết không ban hoặc là có hại, hoặc Cha muốn ban ơn lớn hơn.

14/ Ti-a và Sidon là miền đất dân ngoại nằm phía tây bắc Palestin, đây là 2 cảng lớn và danh tiếng.

15/ Chúa muốn lên vùng đất này để bớt ảnh hưởng chống đối của biệt phái, cũng để huấn luyện các Môn đệ thong thả hơn. Chúa Yesus rất quan tâm đến người ngoại giáo và muốn các môn đệ lưu ý tới việc người ngoại giáo gia nhập đạo.

16/ Qua đoạn Tin Mừng cho thấy : Người ngoại giáo có một khả năng mãnh liệt để đón nhận Đức Tin, bằng chứng là lòng tin mãnh liệt và kiên trì của người phụ nữ Ca-na-an.

17/ Chị phụ nữ đã tỏ thiện chí và cách trả lời của chị làm nổi bật mức độ cầu xin, chị đã quyết liệt nên tự đặt mình ngang hàng với loài chó nuôi. Và chị chờ đợi những ban ơn dư thừa từ con cái Israel. Đức Tin của chị ẩn chứa một sự cậy trông và sự an tâm  tin tưởng hết sức.

18/ Đức Tin của người phụ nữ ẩn chứa một nỗi khổ đau tuyệt vọng, đây là một Đức Tin nài nỉ. Chị tin rằng Chúa Yesus có thể chữa lành cho những kẻ ốm đau, nên trước mặt Chúa chị nhắc lại lòng tin tưởng vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Tuy chị có bị xua đuổi cách cứng rắn, nhưng chị vẫn tỏ ra sự kiên nhẫn đặc biệt của một bà mẹ .

19/ Các tông đồ cho rằng cách làm của người phụ nữ Ca-na-an chỉ là quấy rầy, còn Chúa lại đưa ra quyền ưu tiên của người Do Thái. Còn chị phụ nữ lại tỏ ra quá kiên trì và tin tưởng và buộc mọi người phải đi thẳng tới vấn đề, chính vì thế Chúa Yesus đã chữa cho con bà, bài học này đã buộc chúng ta phải suy  nghĩ.

20/ Người phụ nữ thì rất chân thành, còn Chúa Yesus lại là Đấng đầy lòng thương xót, hơn nữa Chúa Yesus vẫn dạy các môn đệ là hãy kiên trì trong lời cầu nguyện : Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho . Thế sao Chúa lại lặng thinh? Chắc hẳn là có lý do.

21/ Các môn đệ không hiểu thái độ của Chúa Yesus. Các ông thấy sự im lặng của Chúa như  là một cách chối từ, nên các ông cũng muốn phủi tay.

22/ Đứng trước sự thử thách nặng nề ấy, bà đã không ngã lòng, bà đến sụp lạy và thân thưa cùng Ngài : Xin thương giúp tôi!. Bà không trách móc, giận lẫy thế này, thế kia nhưng bà khiêm tốn hạ mình hơn nữa. Không những bà van xin bằng lời nói mà còn van xin bằng cả con người của mình (Sụp lạy).

23/ Chúa muốn thử thách để bà van xin nhiều hơn nữa, xem ra những câu Chúa nói với bà không phù hợp với con người đầy lòng nhân từ và thương xót như Chúa.

24/ Người đàn bà đã vượt qua thử thách cuối cùng, nhờ vào lòng khiêm tốn, nhờ đó bà đã trưởng thành trong Đức Tin, nên cuối cùng Chúa mới trả lời : Này bà, Đức Tin của bà đã được chấp nhận. Bà muốn sao, sẽ được như vậy!

 GD-BX / Giuse Luca Trương Đình Nghi 

 

 

=> XEM THÊM CÁC BÀI CHIA SẺ CN 19 THƯỜNG NIÊN A:

 

Trở lại      In      Số lần xem: 1734
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  2330
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407739
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top