Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng / CN 29 Thường Niên A / GIUSE LUCA

   CHÚA NHẬT  29 THƯỜNG NIÊN A      
 
NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 
 
ĐỀ TÀI: CỦA CÊSAR, HÃY TRẢ LẠI CHO CÊSAR.  
 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Pl 2,15d.16a

Halêluia. Halêluia. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòng trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mt 22,15-21

“Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu:

15 Bấy giờ, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Đó là lời Chúa.

---------------Bài 1: ĐỪNG ĐẠP CHÂN VÀO MŨI NHỌN MŨI NHỌN .------------

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Trong bối cảnh văn hóa có nhiều thay đổi trong thế giới hôm nay, bài Tin Mừng mang ý nghĩa gì? Thế giới đang chạy theo tôn thờ ông Thần Tài. Ông Thần vàng, đô la. Họ đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, vai trò tôn giáo mỗi lúc một mờ nhạt. Thánh đường chỉ là biểu tượng để cho người ta diễn tả một hình ảnh trang nghiêm, Thánh giá đeo nơi cổ cũng chỉ là kiểu thời trang độc đáo. Thì bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tìm hiểu để đặt bậc thang giá trị của mỗi thứ vào đúng vị trí của nó.

2/ Âm mưu của biệt phái và phe Hêrôđê là gì? Đây là lần đầu tiên bọn biệt phái và phe Hêrôđê cấu kết với nhau tưởng là để mưu cầu điều gì đại sự, ai ngờ bọn họ chỉ nhằm loại bỏ con người của Chúa Yesus bằng cách gài bẫy Chúa trước một vấn đề mà bọn họ cho rằng bài toán này Chúa Yesus khó lòng mà giải được => Đó là: Có được phép nộp thuế cho Cêsar hay không?.

3/ Khi đưa cái bẫy này, bọn chúng mong chờ điều gì? Khi nêu lên câu hỏi này, bọn biệt phái chỉ chờ câu trả lời “có” để ghép tội Chúa Yesus là kẻ chống phá tôn giáo và một lòng đi với Đế Quốc. Trong khi phe Hêrôđê thì lại chờ câu trả lời là “không”, để xếp Ngài vào số những kẻ thù địch với chính quyền Đế Quốc. Dù trả lời hay không thì phần thiệt hại đều nghiêng về Chúa Yesus.

4/ Thái độ và cách đáp trả của Chúa Yesus: Thật bất ngờ đến đáng cười khi Chúa Yesus không những đã vạch trần thủ đoạn nham hiểm của họ và còn đẩy họ tới chỗ phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Chúa nói: Của Cêsar hãy trả cho Cêsar. Đây là một thực tế bởi vì họ tiêu dùng tiền Roma thì đương nhiên phải đóng thuế cho Roma. Quyền lợi và nghĩa vụ cần phải đi liền nhau, nộp thuế cho Cêsar là nghĩa vụ nên đâu có gì phạm thánh như là ý bọn biệt phái cố tình dàn dựng, nhưng là một hành động hợp lý với những con người có ý thức sống xã hội, mà muốn xã hội yên vui, ấm no, hạnh phúc thì họ phải đóng góp.

5/ Phản ứng của biệt phái và phe Hêrôđê thế nào? Cả hai đám người này đều cụt hứng. Bọn họ cứ tưởng sẽ chụp mũ được Chúa, và lôi Chúa vào cái bẫy chính trị nếu như Ngài dám phủ nhận quyền bính của Cêsar. Nhưng Chúa Yesus lại muốn khẳng định mình trong cương vị tôn giáo, rất vui lòng khi biết chu toàn bổn phận công dân. Nên bọn họ chẳng thể nào ghép Ngài vào tội thỏa hiệp hay chống đối.

6/ Bài học mà Chúa Yesus muốn dạy họ là gì? Vượt lên trên vấn nạn của cái kiểu chụp mũ thù địch, Chúa Yesus còn đương nhiên mời gọi họ bước tới để chu toàn trách nhiệm tôn giáo đối với Thiên Chúa. Cho dù họ đang đứng trên lập trường nào thì họ cũng đều là những người Do Thái, phải kính mến Thiên Chúa và phải tuân giữ lề luật Moisen.

7/ Bổn phận trước hết của người Do Thái là gì? Bổn phận trước hết phải là bổn phận tôn giáo, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa, qua đó Chúa Yesus cũng đã xác quyết: Quyền tối thượng thuộc về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là chủ tể quyền năng bao trùm tất cả mọi lĩnh vực. Thiên Chúa không tự đặt mình ngang hàng với Cêsar để tranh chấp hay bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi vì việc nộp thuế hay không nộp thì cũng đâu có thêm bớt gì cho vinh quang của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tuyệt đối chu toàn những bổn phận đối với Thiên Chúa. Trong khi đó vẫn cứ an tâm nộp thuế cho Cêsar vì đương nhiên chúng ta cũng có bổn phận phải chu toàn bổn phận ở đời của một công dân.

8/ Nội dung lời Chúa Yesus giải đáp: Chúng ta đương nhiên ngỡ ngàng thán phục cung cách trả lời của Chúa Yesus mà còn phải thán phục hơn nữa với nội dung của lời giải đáp có sức làm nổ tung cái lối nhìn tù túng. Có thể nói được rằng: Chỉ có một bổn phận duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa, đấng đang nắm giữ linh hồn chúng ta, quyền năng của Ngài bao trùm mọi lĩnh vực. Bởi đạo chỉ đẹp hơn khi áp dụng vào môi trường đời, và đời chỉ tốt hơn khi được ở trong môi trường đạo.

9/ Qua cách trả lời của Chúa Yesus, chúng ta nghiệm được điều gì? Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra một câu hỏi học búa. Không ngờ Chúa Yesus trả lời thật khôn ngoan: Của Cêsar  hãy trả cho Cêsar. Với câu trả lời này, Chúa minh định ra những điều quan trọng sau đây.

10/ Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị là hai đều luôn tách biệt nhau: Chính trị không thể trở thành tôn giáo, hoặc có thể bắt tôn giáo làm nô lệ cho mình, tôn giáo cũng không thể hòa nhập với chính trị để rồi đánh mất bản chất của mình.

11/ Thứ hai: Mỗi người có hai nhiệm vụ phải chu toàn: 1- Nhiệm vụ với quan quyền xã hội là => Trả cho Cêsar những gì là của Cêsar; 2- Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa => Trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của Hoàng Đế Cêsar, hãy trả lại cho ông. Những linh hồn con người là hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.

12/ Để có được những đồng tiền mang hình ảnh Cêsar, con người đã phải làm gì? Để có được những đồng tiền mang hình ảnh Cêsar, người dân đã phải làm việc rất vất vả. Cũng thế, để linh hồn mang được hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải cố sức làm việc.

13/ Sự khác biệt giữa hai cách làm việc: Hai cách làm việc thật khác xa nhau, để chia sẻ phần nào quyền lực của Vua Chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách của Vua Chúa đó là tìm mọi cách để chiếm hữu của cải. Nếu muốn trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa, đó là yêu thương và cho đi.

14/ Điều minh họa rõ nét nhất cho tình yêu Thiên Chúa là gì? Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói đến bí tích Thánh thể, lòng trí tự nhiên hướng ta về bữa tiệc ly, về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Yesus trên thập giá. Qua đó chúng ta thấy được nhiều khía cạnh trong tình yêu Thiên Chúa.****

 

Bài 2: TINH THẦN ĐỘC LẬP GIỮA TÔN GIÁO VÀ TRẦN THẾ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

15/ Bối cảnh câu chuyện Tin Mừng: Xứ Palestin vào thời Chúa Yesus là một tỉnh của Đế Quốc La Mã. Như mọi tỉnh khác, ngoài đủ thứ thuế phải nộp người dân bị đô hộ còn phải nộp thêm một thứ thuế đặc biệt để tỏ dấu phục tùng Hoàng Đế. Giữa người Do Thái với nhau, có kẻ chủ trương nộp thuế, nhưng có những kẻ khác, điển hình là nhóm biệt phái nhiệt thành, những người chống đối đế quốc, họ cho rằng bổn phận của họ vì lý do tôn giáo là phải từ chối không nộp thuế. Nên bọn người này rất được lòng dân.

16/ Một câu hỏi khó được đặt ra cho Chúa: Các kẻ đối nghịch với Chúa đặt ra cho Ngài một câu hỏi khó : Có nên nộp thuế cho Vua Cêsar không? Chính câu hỏi này là một cái bẫy. Họ tính toán rằng: Nếu Chúa Yesus trả lời “không” Ngài sẽ gặp khó khăn với chính quyền La Mã và sẽ bị bắt giam, nếu Ngài trả lời “có” Ngài sẽ làm mất lòng dân, dân sẽ loại bỏ Ngài. Trả lời kiểu nào thì họ cũng loại bỏ được Ngài, họ cũng thanh toán được Ngài.

17/ Chúa Yesus giải quyết vấn đề như thế nào? Nhiệm vụ của Chúa Yesus là mang nước Thiên Chúa từ Trời xuống và mong nó mau lan rộng, còn đối với quyền lực trần thế Ngài muốn trả nó là những gì thuộc phạm vi trần thế cho người trần thế. Đồng thời Chúa Yesus cũng muốn khẳng định rằng: Vương quyền của Thiên Chúa không thể đem so sánh hay gắn kết với những gì mà người đời thường lưu  tâm đến như là quyền lực của một quốc gia.

18/ Chúa Yesus muốn trả thứ gì cho Thiên Chúa? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần đi vào cách nhìn xuyên suốt của Chúa Yesus và nhớ lại các hoàn cảnh thực thụ khi Ngài giảng dạy. Những gì mà Chúa Yesus muốn trả về cho Thiên Chúa là phẩm giá của một con Thiên Chúa mà mỗi người đã nhận lãnh và vận mệnh sau này của mỗi chúng ta.

19/ Trần thế đã lôi kéo Chúa như thế nào? Sau việc Chúa hóa bánh ra nhiều, đám đông muốn phong vương cho Chúa. Chính các môn đệ cũng đã lâu ngày đặt tin tưởng vào một vương quyền trần thế. Chúa Yesus đã không ngừng chống lại quan niệm sai lầm ấy của đám môn đệ.

20/ Điều Chúa Yesus muốn công bố cho mọi người biết là gì? Đã nhiều lần Chúa công bố : Ngài là Người Tôi Tớ đau khổ, đã được các tiên tri báo trước nhưng không ai chịu tin. Sứ mạng của Chúa là nhằm khai trương Nước Thiên Chúa, do đó câu trả lời của Chúa Yesus với  nhóm biệt phái không nói rõ lên thái độ kháng cự hay không kháng cự đối với các quyền hành trần thế. Chúa Yesus muốn chúng ta hiểu rằng: Chế độ trần thế của bất kỳ cộng đoàn nhân loại nào, cho dù là mang hình thức nào thì những con người đó cũng cần phải có những thứ để dâng lên cho Thiên Chúa. Ngoài ra họ còn phải dâng lên Thiên Chúa những hoạt động như là: thờ phượng, rao giảng Tin Mừng, thực hành các phép bí tích… từ đó đi ngang qua Người Tôi Tớ đau khổ để đi đến chiến thắng. Cuối cùng những công việc đó không phải là tách biệt với quyền hành thế gian, nhưng là đứng trên mọi thứ của thế gian.

21/ Công việc chính yếu của Phúc Âm là gì? Công việc chính yếu của Phúc Âm mà Chúa Yesus muốn đạt tới là làm thay đổi tâm hồn con người. Ở mức độ quyền lực của xã hội, cũng có cơ cấu nâng đỡ, cũng có những điều gây khó khăn cho việc phổ biến và lan truyền Phúc Âm. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng: Việc thay đổi tâm hồn mỗi người cũng làm thay đổi tư duy của cả xã hội, nghĩa là cả hai cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

22/ Bổn phận về phần đời của Kitô hữu là gì? Bổn phận của người Kitô hữu ở khía cạnh đời là góp phần xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp, gây thuận lợi cho việc phổ biến Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

23/ Chúng ta nên dành ưu tiên cho công việc nào? Câu hỏi được đặt ra là: Biến cải nội tâm hay cải tạo xã hội? Vì tâm hồn là một thửa đất là nguồn mạch để cho Phúc Âm đâm rễ / vì thế phần ưu tiên là dành để hoán cải phần tâm hồn luôn luôn. Khi ấy những người Kitô hữu nào muốn dấn thân cải tạo xã hội thì có thể thoát khỏi nguy cơ bị chọn làm theo những quy luật như là: Những nguyên tắc, những mục tiêu, những phương tiện thuộc về thế gian chớ không thuộc về Phúc Âm! Hơn nữa họ sẽ giúp ích cho thế gian bằng cách: Không tự giới hạn vào việc lặp lại những gì thế gian đã nói, nhưng họ vẫn đóng góp được cho sứ điệp riêng của Phúc Âm.

24/ Cách Chúa Yesus thoát khỏi cửa tử: Nếu Chúa Yesus bảo nộp chắc Ngài chẳng yêu nước thương dân, vì thứ thuế thân nộp cho Đế Quốc Roma thật là một điều ô nhục. Nhưng nếu Ngài bảo đừng,  hẳn Ngài sẽ bị tố cáo.

25/ Một cách trả lời khôn khéo: Cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế, khi họ đưa cho Chúa xem hình đồng bạc có hình Cêsar những kẻ giương bẫy đã thú nhận họ đang dùng thứ tiền này và như thế là họ mặc nhiên nhìn nhận vương quyền của Cêsar. Chúa bảo: Hãy trả cho Cêsar những gì thuộc Cêsar. Ngài đương nhiên nhìn nhận sự độc lập nào đó của ông, ông có quyền điều hành Đế Quốc theo ý ông muốn. Đối với những người Do Thái, sử dụng bạc của Cêsar, Chúa Yesus không hề ngăn cản họ nộp thuế cho ông ấy, nhưng Ngài cũng không buộc mọi người phải nộp thuế cho Cêsar, vì cũng có người coi việc nộp thuế thân cho Hoàng Đế Roma là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta phải tự hỏi: Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài không?****

 

----------------------Bài 3: CHÚ GIẢI--------------------------

1/ Đoạn 22, câu 15: Khác với đoạn 21, câu 45 ở đây chỉ đề cập đến nhóm người Pharisêu. Có nghĩa là những người thuộc thượng hội đồng không còn chất vấn Chúa Yesus nữa, nhưng là nhóm Pharisêu. Họ cùng nhau lên kế hoạch để đặt bẫy Chúa Yesus về những gì Ngài nói. Họ từng nhiều lần thất bại khi công kích Chúa ,nên lần này họ tiếp cận Chúa cách kỹ lưỡng và tinh vi hơn.

2/ Đoạn 22, câu 16: Phe Hêrôđê là những người thuộc đảng phái chính trị đang ủng hộ triều đình Vua Hêrôđê. Những người này thân thiện với chính quyền Roma. Về mặt chính trị, họ lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược với nhóm Pharisêu nhiệt thành ,họ nổi tiếng vì chủ nghĩa dân tộc. Tuy hai nhóm này không ưa gì nhau nhưng lại hợp lực để chống lại Chúa Yesus. Bọn họ bắt đầu vào cuộc  và âm mưu tạo ra cớ để làm Chúa Yesus lỡ lời mắc bẫy (câu 15).

3/ Cho dù Chúa Yesus trả lời thế nào thì cũng phải đụng chạm một trong hai nhóm bọn họ. Một là Chúa Yesus bị đám đông xa lánh, từ bỏ vì đã ủng hộ phe Hêrôđê , là phe Roma. Hai là Chúa Yesus có thể bị xử tử nếu chống đối Roma.

4/ Họ dùng cách tán tụng dài dòng để mào đầu  hầu mong làm Chúa Yesus mất cảnh giác mà phản ứng xốc nổi, rồi bọn họ gắng gượng làm ra vẻ ta đây khiêm tốn, ngây thơ để xin ý kiến qua việc đề cao tính chân thật và độc lập của Người, họ hy vọng Chúa Yesus sẽ nói những lời mang tính chống đối nhà cầm quyền Roma, hoặc sẽ xúc phạm đến dân tộc Do thái.

5/ Họ còn muốn dùng tài khua môi múa mép của mình, họ sẽ làm cho Đức Yesus bối rối mà không dám phát biểu gì nữa! Cho nên dù là những lời họ nói về Đức Yesus là thật, thì cũng chẳng qua chỉ để che dấu bộ mặt thù ghét của họ đối với Chúa. Chằng khác nào nụ hôn của Guida, những lời ngọt ngào của họ ở đây cũng chỉ là xảo trá, đầu môi để giúp họ đạt được mục đích của mình.

6/ Đoạn 22, câu 17: Có 3 loại thuế phổ biến được áp dụng vào thời Roma: a) Thuế điền thổ(tài sản, đất đai); b) Thuế cầu đường (thành thị, bến cảng); c) Thuế thân ( đánh vào các công dân trong đế quốc). Đây là loại thuế thân là loại thuế đóng cho Hoàng Đế biểu hiện sự tùng phục. Loại thuế này khiến cho những người tự cho mình là tự do, thì ghét cay, ghét đắng.

7/ Hơn nữa Đồng Denarius có khắc hình và danh hiệu hoàng đế nên thường đi ngược lại quan điểm tôn sùng ngẫu tượng. Chắc chắn những người nhóm nhiệt thành hay còn gọi là nhóm “Zealot” (dao găm) không đời nào chấp nhận đóng thứ thuế này, cho nên các người Pharisêu hôm nay hy vọng một câu trả lời của Chúa Yesus sẽ nghiêng về phía họ, thì họ sẽ xúi người thuộc nhóm thân Hêrôđê đi tố cáo với tổng trấn (Lc 20,20). Còn nếu câu trả lời mà được lòng phe Hêrôđê, thì uy tín của Người là một vị thầy khả kính trước mặt bàn dân thiên hạ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

8/ Đây là một cách hỏi bắt bí được sắp đặt sao cho người kia chỉ có thể trả lời có hoặc không và họ nắm chắc rằng: Chúa Yesus sẽ sập bẫy.

9/ Đoạn 22, câu 18:  Cho dù vẻ bề ngoài của họ cung kính, ngây thơ, khéo léo che đậy lòng hận thù của mình trước mắt người đời, nhưng với Chúa Yesus thì không bao giờ. Chúa đã nhìn thấy lòng dạ hiểm độc của họ (Mt 9,4) (Yn 2,25) người đã lột trần bộ mặt thật của họ bằng cách hỏi thẳng: Tại sao các người lại thử tôi hỡi những kẻ giả hình? Quả thật họ đích thị là những kẻ đó.

10/ Đoạn 22, câu 19-20: Mức thuế thân là một đồng “Denarius” là một đồng bạc có khắc hình Hoàng đế: Ti Ceasar Divi Aug F Augustus, dịch nghĩa là: Tibêrí-ut César, con trai của Augustô thần thánh”. Người Do Thái kịch liệt phản đối những hình ảnh được chạm khắc trên đồng tiền này, vì với họ, làm như thế là vi phạm điều răn thứ hai. Trước đó không ai trong đám hoàng tộc Hêrôđê dám thực hiện điều này. Vua Hêrôđê Antipa (Cv12) là người đầu tiên dám làm điều đó, đồng tiền này cũng thể hiện sức mạnh của nhà cầm quyền.

11/ Nguyên tắc chung là: Tầm ảnh hưởng của nhà vua sẽ được mở rộng đến đâu thì đồng tiền cũng sẽ lưu hành đến đó. Như vậy chuyện những kẻ chất vấn Chúa Yesus đã sở hữu những đồng bạc này cũng đủ để trả lời chính câu hỏi đầu tiên của họ rồi .(câu 17)

12/ Đoạn 22, câu 21: Đồng Denarius là đơn vị tiền tệ đang lưu hành tại Giuđêa (Câu 19,20) nên Chúa Yesus có lý khi bảo rằng: Hoàng Đế có quyền lấy những gì thuộc về Hoàng Đế, không chỉ có thuế má, mà còn tất cả những gì Hoàng Đế yêu cầu cách hợp lý nữa. Bằng quan điểm này Chúa Yesus cho thấy Người không đồng tình với nhóm nhiệt thành “ Zealot” và công cuộc cách mạng của họ.

13/ Nếu Thiên Chúa cho phép dân ngoại nắm quyền một thời gian, thì hẳn là để họ thực thi ý định của Người. Hơn nữa, chính Thiên Chúa là Đấng quyết định khi nào thì thế lực cầm quyền đó phải chấm dứt, sau đó Nước Thiên Chúa mới được thiết lập.

14/ Vì thế việc tùng phục thế quyền cũng là thể hiện  sự tuận phục Thiên Chúa (Rm 13,1-7), (1Pr 2,13-17). Tuy nhiên Đức Yesus không dừng lại ở đây, câu trả lời của  Chúa tiếp tục đẩy câu chuyện lên tới đỉnh điểm khi nói: Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa. Như vậy, nghĩa vụ của con người đối với chính quyền sở tại chỉ có thời hạn (Cv5,29) nhưng khi tuân phục trọn vẹn ý Thiên Chúa, người ta sẽ không bị chi phối bởi những sắc lệnh trái với luật Thiên Chúa mà Hoàng Đế Roma đã ban hành.****

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

**Bài 4: RAO GIẢNG BẰNG ĐỜI SỐNG ĐẠO

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng:

1/ Chúa Yesus mời gọi chúng ta làm gì? “Hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng” / Lời Chúa kêu gọi làm chúng ta nhức nhối / Thế giới có phải ở đâu xa? Thế giới là những người tôi vẫn gặp / những nơi tôi vẫn sống / là xóm làng, khu phố chung quanh tôi / là những nơi tôi nghe tên quen, nhưng chưa lần nào đi đến / miệng tôi chưa lần nào loan báo tin vui.

2/ Chúa Yesus đã hứa điều gì? Chúa sẽ ban cho những ai tin Chúa sẽ có được khả năng trừ quỷ / Nghĩa là có thể giải phóng con người khỏi ách nô lệ / khả năng chữa bệnh để xoa dịu nổi đau trần gian / khả năng nói được nhiều thứ tiếng để có thể đem lại sự cảm thông, hiệp nhất.

3/ Những ai đã tin, đã thấy các điều đó? Các Tông Đồ đã tin, đã thấy Chúa Yesus cùng làm việc với họ / Họ chẳng bao giờ cô đơn trên bước đường rao giảng vì luôn có Chúa đi cùng.

4/ Có bao nhiêu cách truyền giáo? Có 2 cách: Rao giảng bằng lời Chúa và Rao giảng bằng đời sống đạo gương mẫu.

5/ Rao giảng bằng cuộc sống bản thân: Nếu các Kitô hữu đều sống không màng danh lợi, sống trung thực, thanh khiết, thủy chung, yêu thương, … / Một Kitô hữu nghèo mà vui tươi, hạnh phúc, thì đó là một lời chứng đáng tin cậy.

6/ Rao giảng bằng việc phục vụ xã hội: Làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng rất hiệu quả / Kitô hữu có bổn phận góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, huynh đệ, công bằng, ấm no, hạnh phúc / làm cho nhân phẩm con người được tôn trọng, đẩy lùi sự ích kỷ tàn nhẫn ra khỏi cuộc sống văn minh của nhân loại.

7/ Các gương truyền giáo bằng cuộc sống thánh thiện tại trần thế: Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta đã âm thầm loan báo Tin Mừng, bằng cuộc sống bác ái yêu thương, bằng những cử chỉ nhân ái với mọi người cùng khổ / Thánh Têrêxa nhỏ đã truyền giáo tại chỗ bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh nhỏ bé / Chị là nữ tu dòng kín, sống trong 4 bức tường, không được phép ra ngoài / nhưng lại được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo / Chị đã đi giảng đạo khắp thế giới không phải bằng đôi chân, nhưng bằng một lòng ước ao của một con tim cháy bỏng / Bằng những hy sinh qua việc bổn phận hằng ngày.

8/ Truyền giáo hiệu quả, nên dựa vào điều gì? Không phải dựa vào kiến thức Kinh Thánh uyên bác, nhưng nhờ vào cuộc sống gương mẫu / Phải sống sao để khi người ta thắc mắc đặt câu hỏi, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng trình bày câu trả lời / cho dù chúng ta chẳng uyên thâm về giáo lý, nhưng phải nói về Chúa bằng cung cách sống đạo của mình!

9/ Cách truyền giáo của các Tông Đồ như thế nào? Truyền giáo là giới thiệu với người khác Đấng mà tôi đã quen, có thể họ đã biết Đấng ấy từ lâu rồi, nhưng vì chưa tìm ra sự thiện cảm về đạo / có thể do sự hiểu lầm nào đó. Anre đã gọi Simon / Philipphê đã gọi Nathana-en đến gặp Chúa / Cần tập đến với người khác như Đức Yesus đã đến với người phụ nữ Samari => hãy xin nước uống trước khi nói về Nước Hằng Sống / Hãy tìm hiểu người đối diện trước khi loan báo Tin Mừng / Chúng ta cần phải thấm nhuần tinh thần dân tộc Việt Nam, thì mới biết cách nói về Thiên Chúa cho đồng bào của mình.

10/ Đấng Phục Sinh mong ước điều gì? Một nén bạc sẽ sinh lời một nén bạc, nếu đời sống mỗi Kitô hữu mời được một người khác theo đạo / thì có lẽ mộng ước của Đức Kitô đã thành sự thật.

11/ Hội Thánh đang cần gì? Hội Thánh của Chúa được ví như một thân thể / Thân thể đó bao gồm nhiều chi thể / nhưng một thân thể khổng lồ ấy không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất, cao quý nhất, đó là một trái tim bừng cháy lửa yêu thương.

12/ Trái tim tình yêu đó sẽ giúp gì cho Hội Thánh? Tình yêu là động lực mạnh mẽ giúp cho trái tim đập nhịp / Nếu trái tim Hội Thánh mà vắng bóng tình yêu thì các Tông Đồ sẽ ngừng rao giảng / Các vị Tử Đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra nữa / Những người đạo đức sẽ chẳng còn muốn hy sinh, suy gẫm, đọc kinh cầu nguyện…./

13/ Chúng ta sẽ tìm thấy điều gì nơi con người của Chúa Yesus? Chính Chúa Yesus là tình yêu của mọi người / Chúng ta đã tìm thấy ơn kêu gọi của mình, ơn gọi đó cũng chính là tình yêu / Tình yêu của chúng ta luôn có chỗ đứng quan trọng trong Hội Thánh / Nơi trái tim của Hội Thánh chúng ta sẽ dâng hiến tất cả / để rồi chúng ta sẽ trở nên ngọn lửa tình yêu trong trái tim của Chúa. ****

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

**Bài 5: SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO, LÀ MỘT THỰC TẾ SỐNG ĐẠO

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Tin Mừng:

1/ Đạo Chúa có 2 giới răn nào quan trọng nhất? Đó là mến Chúa và yêu người / nhưng làm sao để chứng minh lòng mến Chúa qua việc yêu thương con người là hiện thân của Thiên Chúa / Yêu Chúa mà lại ghét người thân cận thì lại là một điều mâu thuẫn, trớ trêu.

2/ Câu chuyện hoàng tử lạc trong rừng và cô gái con lão tiều phu: Hoàng Tử đi săn bắn trong rừng, gặp được một cô gái, Hai người đem lòng yêu mến nhau tha thiết nên hoàng tử đã xin cưới nàng / Vua cha trước khi quyết định, ông đã làm một phép thử / cô gái sau khi gặp lại vị hoàng tử trong vai một thanh niên nghèo / cô gái đã đối xử lạnh nhạt và cuối cùng đã xua đuổi anh / cô ta đã không nhận ra hoàng tử nơi người nông dân nghèo / Tiếc thay cô đã đánh mất cơ hội để có thể trở thành hoàng hậu tương lai.(tóm tắt )

3/ Thiên Chúa cũng hóa thân làm người phàm để thử thách tình yêu chúng ta / Ngài đã bỏ trời xuống thế, hóa thân làm người, cắm lều ở giữa loài người, trở nên người thân cận của mỗi người, thế nên khi chúng ta yêu thương người thân cận là chúng ta yêu thương Chúa / Khi chúng ta từ khước hay bạc đãi ai, là chúng ta đã bạc đãi chính Chúa / Vì thế yêu thương tha nhân là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Chúa!

4/ Chúng ta thường cầu xin ơn Chúa như thế nào? Chúng ta thường xin cho bản thân, cho gia đình mình trước / Thế nhưng, giả như khi đất nước lâm nguy, cần có người ra biên thùy để bảo vệ biên cương, thì người ta lại sốt sắng cầu xin cho kẻ khác, ngoại trừ bản thân mình, để họ được can đảm xông ra chiến trường và gìn giữ giang sơn / Nếu ai cũng cầu xin như thế này và nếu những lời cầu như thế này được chấp nhận, thì làm gì còn có tổ quốc, quê hương?

5/ Chúng ta thường cầu cho việc truyền giáo như thế nào? Nếu chúng ta cũng cầu xin như vậy, đại khái như là: “Lạy Chúa, xin cho có đông người, ngoại trừ con ra, cho họ biết quảng đại lên đường đi khắp muôn nơi để loan báo Tin Mừng cứu độ” / Nếu như ai cũng cầu xin kiểu đó, nghĩa là cầu xin cho kẻ khác lên đường, ngoại trừ bản thân mình / thì cánh đồng truyền giáo sẽ vắng bóng thợ gặt, sẽ tìm đâu ra những người đi loan báo Tin Mừng?

6/ Mỗi người chúng ta đã trở nên tông đồ cho Chúa từ khi nào? Chúng ta trở nên tông đồ cho Chúa từ ngày lãnh Bí Tích Thanh Tẩy / Bởi vì Bí Tích Thanh Tẩy đã làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa Kitô, được thông dự vào vai trò ngôn sứ của Người, nên chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ của Người.

7/ Như vậy lời cầu nguyện của chúng ta phải như thế nào? “Lạy Chúa, tuy con bất xứng, nhưng xin hãy sai con đi làm thợ gặt cho Chúa ngay hôm nay” / Bởi vì trước khi về trời, Chúa Yesus đã chuyển giao trọng trách làm cho muôn dân trở thành môn đệ…. (Mt_28,_19-20) cho chúng ta .

8/ Sứ mạng loan báo Tin Mừng có phải là một bổn phận hay một yêu cầu tùy thích? Đây là một bổn phận, một yêu cầu bắt buộc / Khi Chúa Yesus dạy các Tông Đồ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, chúng ta nhận ra ý Chúa Cha là cả Chúa Con và cả chúng ta đều có bổn phận phải làm vinh danh Cha, Nước Cha mau trị đến, Ý Cha mau thể hiện mọi nơi cho dù là trên trời hay ở dưới đất / Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết, bắt buộc phải làm / Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1 Cor 9, 16).

9/ Khi nào thì chúng ta được ngừng loan báo Tin Mừng? Khi nào chúng ta tự khai trừ mình ra khỏi Hội Thánh, tự tách mình ra khỏi thân thể Chúa Kitô, thì chúng ta mới có thể ngừng hoạt động loan báo Tin Mừng!

10/ Phải truyền giáo cách nào? Đối với Mẹ Thánh Terexa Calcutta, truyền giáo là chia sẻ tình thương / Mẹ Thánh không rao  giảng Phúc Âm bằng lời / nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể / mẹ Thánh không chủ trương kêu gọi phải yêu thương đại chúng cách chung chung, nhưng phải yêu thương từng người đối diện với mẹ, nói dễ hiểu là: những ai mà mẹ gặp trên đường đi  .

11/ Đối với mẹ Thánh, phải cụ thể yêu thương như thế nào? Đối với mẹ, yêu thương cụ thể là từng người một, để yêu thương ai thì ta phải đến gần người ấy => là một người đến với một người / Mỗi người đều là hiện thân của Đức Kitô,chỉ có một Chúa Yesus thôi / người đó phải là người duy nhất trên thế gian trong giây phút đó / Với kiểu phục vụ này, mẹ Thánh đã thu phục nhân tâm rất nhiều người khắp nơi trên thế giới / Cũng bằng chính phương pháp này mà Giáo Hội Hàn Quốc đã làm gia tăng gấp đôi các tín hữu chỉ trong vòng vài chục năm! Mỗi người công giáo hãy cầu nguyện cho một gia đình ngoại giáo ngay cạnh nhà mình, trong xóm mình.

Bổn phận truyền giáo không còn là nhiệm vụ riêng của các

 Linh Mục nữa , mà là của tất cả chúng ta /  ****

---------------------TÓM Ý--------------------------

1/ Thế giới đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, con người đang thờ vị vua danh lợi thú. Vai trò tôn giáo mỗi lúc càng mờ nhạt, chúng ta hãy tìm hiểu từng giá trị của mỗi thứ để đặt vào cho đúng chỗ của nó.

2/ Biệt phái và phe Hêrôđê, cả hai phe không thân thiện gì với nhau. Nhưng lần này họ cố gắng đứng chung với nhau để mưu hại cho bằng được Chúa Yesus. Họ đưa ta một câu hỏi nan giải, khó lòng Chúa Yesus có thể thoát được.

3/ Một câu hỏi hóc búa: Có  được phép nộp thuế hay không? Nếu Chúa trả lời thì họ ghép Chúa vào tội phản quốc, và sẽ bị dân chúng ghét bỏ. Nếu Chúa trả lời không thì sẽ mang danh là chống chính quyền Roma, khó lòng thoát chết.

4/ Một câu trả lời bất ngờ: Của Cêsar thì trả cho Cêsar!” Chúa Yesus đưa ra một câu trả lời mang hai ý nghĩa: Nếu ai tiêu dùng tiền Roma thì phải nộp thuế cho Roma, nộp thuế là một nghĩa vụ. Vì muốn xã hội yên vui thì mỗi người phải có nghĩa vụ đóng góp.

5/ Chúa Yesus đưa ra lập trường: Chúa muốn khẳng định mình trong cương vị tôn giáo và Ngài rất vui lòng để chu toàn bổn phận công dân. Người công giáo cũng phải có trách nhiệm chu toàn bổn phận trần thế.

6/ Bổn phận trước hết của người Do Thái : Là bổn phận tôn giáo, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa. Quyền Thiên Chúa là tối thượng; quyền năng Thiên Chúa bao trùm mọi lãnh vực, Thiên Chúa không tự đặt mình ngang hàng với Cêsar để tranh chấp hay bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi nộp hay không nộp cũng đâu có thêm hay bớt gì cho vinh quang Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tuyệt đối chu toàn bổn phận với Thiên Chúa và đương nhiên chúng ta cũng có thể nộp thuế cho Cêsar để chu toàn bổn phận ở đời.

7/ Tôn giáo và chính trị là hai thứ tách biệt nhau: Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc có thể bắt tôn giáo làm nô lệ cho mình, tôn giáo cũng không thể hòa nhập với chính trị để rồi đánh mất bản sắc của mình.

8/ Đồng tiền Roma mang hình ảnh Hoàng Đế, con người phải làm khó nhọc mới có được đồng tiền này. Cũng thế, linh hồn mang hình ảnh Thiên Chúa, thì linh hồn cũng phải ra sức làm việc mới có được hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn mình.

9/ Làm việc để có được đồng bạc, con người phải làm theo cách của trần gian là tìm mọi cách để chiếm hữu của cải. Nếu muốn trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.

10/ Điều minh họa rõ nét cho tình yêu Thiên Chúa là bí tích thánh thể. Lòng trí tự nhiên ta hướng về bữa tiệc ly, về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Yesus trên thập giá. Qua đó chúng ta thấy được trọn vẹn khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa.

11/ Ngoài các loại thuế phải nộp cho Đế Quốc, người dân Do Thái còn phải nộp một loại thuế đặc biệt là để tỏ dấu phục tùng Hoàng Đế. Giữa dân tộc Do Thái, có kẻ đồng ý nộp, có kẻ không chịu nộp như là nhóm biệt phái nhiệt thành này.

12/ Câu hỏi là họ dành cho Chúa Yesus, chính  là một cái bẫy.

13/ Nhiệm vụ của Chúa Yesus là mang Nước Trời cho người trần gian và mong nó mau lan rộng. Còn trong phạm vi quyền lực trần gian, Ngài muốn trả nó cho người trần thế, Chúa muốn khẳng định vương quyền của Thiên Chúa không thể gắn kết hay đem so sánh với quyền lực của một quốc gia.

14/ Những gì của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa. Đây chính là phẩm giá của con người, là con Thiên Chúa và vận mệnh của mỗi người chúng ta sau này đều thuộc về Thiên Chúa và mỗi người là hình ảnh của Ngài.

15/ Trần thế đã lôi kéo Chúa qua việc Chúa chữa bệnh và hóa bánh ra nhiều để rồi họ muốn tôn Chúa là Vua. Các Môn đệ cũng luôn đặt tin tưởng vào Chúa Yesus một vương quyền như thế, Chúa Yesus đã không ngừng chống lại quan niệm sai lầm ấy của các môn đệ.

16/ Đã nhiều lần Chúa Yesus công bố: Ngài là một Tôi Tớ đau khổ, đã được các tiên tri báo trước nhưng đâu có ai chịu tin. Do đó, câu trả lời của Chúa nói lên rằng: Cho dù chế độ nào của trần thế, của bất kỳ cộng đoàn nào thì những con người đó cũng cần phải có những thứ để dâng lên cho Thiên Chúa như là thờ phượng, rao giảng Tin Mừng, cử hành các bí tích…. Từ đó đi ngang qua Người Tôi Tớ đau khổ để đi đến chiến thắng, cuối cùng những công việc đó phải tách biệt ra khỏi quyền lực trần thế hay chính xác hơn, nó đứng trên mọi thứ của thế gian.

17/ Công việc chính của Phúc Âm là làm thay đổi tâm hồn con người và cũng là cách để thay đổi tư duy của cả xã hội, cả hai cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

18/ Bổn phận đời thường của người Kitô hữu là góp phần xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp, dọn đường thuận lợi cho việc phổ biến Tin Mừng.

19/ Tâm hồn là một thửa đất cho Phúc Âm đâm rễ, vì thế việc ưu tiên là dành để hoán cải tâm hồn. Những Kitô hữu muốn dấn thân cải tạo xã hội thì khó lòng thoát khỏi nguy cơ bị chọn làm theo những quy luật thế gian chớ không thuộc về Phúc Âm! Tuy vậy, họ vẫn có thể đóng góp cho sứ điệp riêng của Phúc Âm.

20/ Nếu Chúa bảo nộp, thì có nghĩa là Ngài chẳng yêu nước, thương dân. Vì nộp thứ thuế này là công nhận Đế Quốc, là một một điều ô nhục. Nhưng nếu bảo đừng thì Ngài cũng không thể thoát khỏi án tử.

21/ Khi họ đưa cho Chúa xem đồng bạc có khắc hình Cêsar. Đương nhiên Chúa nhìn nhận sự độc lập nào đó của Vua. Chúa không ngăn cấm việc nộp thuế cho Vua ấy. Nhưng Chúa cũng không buộc mọi người phải nộp, vì cũng có người coi việc nộp thuế cho Cêsar là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.

22/ Giờ đây chúng ta mỗi người cũng phải tự trả lời câu hỏi: Có cái gì ngoài Thiên Chúa ra mà lại không phải là thụ tạo của Ngài không?*** 

Giuse Luca Trương Đình Nghi 

 Kinh Thánh Emmaus

 

=> XEM TẤT CẢ CÁC BÀI CHIA SẺ

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2240
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1532
 Hôm qua:  2070
 Tuần trước:  19480
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11319914
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top