Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN 33 TN A / CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT  33 THƯỜNG NIÊN  A           

ĐỀ TÀI: LỄ MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Mt 5,10

Halêluia. Halêluia. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Ga 17,11b-19

“Thế gian đã ghét họ.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an:

11b Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

Đó là lời Chúa.

Bài 1: LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Hôm nay Giáo hội Việt Nam hân hoan, hãnh diện về điều gì? Chúng ta hân hoan, hãnh diện mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam -> Lý do vì các Ngài là người Việt Nam, chúng ta còn tự hào khi đất nước chúng ta có những vị Thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu. Hân hoan vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam với 118 vị, và được xếp thứ nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh. Hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng dũng cảm.

2/ Chúng ta cảm thấy thế nào khi đọc lại tiểu sử các Ngài? Đọc lại tiểu sử, chúng ta không khỏi cảm phục đức Tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã chịu thiệt  mạng sống, mất hết chức quyền danh vọng nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu chết vì đức Tin.

3/ Nhìn gương những vị quan lớn trong triều đình như quan án Phạm Trọng Khảm, như quan lớn Hồ Đình Hy. Các Ngài là những người có chức quyền trong xã hội nhưng thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn là mất đức Tin các Ngài sẵn sàng từ bỏ mọi thứ quyền lợi trong cuộc sống.

4/ Một tấm gương phụ nữ quả cảm : Có một vị Thánh mang thân phận phụ nữ, yếu ớt, nặng gánh gia đình như Thánh Lê Thị Thành, nhưng cũng đã sẵn lòng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Ki-tô.

5/ Nhìn vào tấm gương của những người trẻ tuổi: Có những vị đầu xanh trẻ tuổi như Toma Thiện, Phaolô Bột, mới mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn quá nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài cũng đã cương quyết khước từ tất cả, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức Tin chân chính!

6/ Là người công giáo Việt Nam, chúng ta cảm thấy như thế nào? Mỗi khi chúng ta đọc lại tiểu sử của các Ngài, chúng ta cảm thấy một dòng máu anh hùng trào dâng  lên trong huyết quản. Chúng ta cũng bị cuốn hút bởi cuộc sống anh hùng và cái chết cao đẹp của các Ngài. Có lẽ chúng ta cũng có lần ước ao được như thế!

7/ Thế nào là sống vì đạo? Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết chết người có đạo như thời các vua quan ngày xưa. Ngày nay cũng không có ai hy vọng chết vì đạo, chúng ta chỉ còn có cách bắt chước các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo!

8/ Những khó khăn khi phải sống đạo: Ngày nay, khi giữ đạo. Chúng ta ít khi gặp những sự khốn khó như bị bắt bớ, giam cầm, bị giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, chúng ta gặp không ít khó khăn. Sau đây là những khó khăn tiêu biểu:

9/ Chủ nghĩa thực dụng: Chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển, ai cũng muốn đưa bản thân, đưa gia đình mình lên cao. Ai cũng lo học hành đỗ đạt , làm ăn phát triển. Cố gắng xây dựng bản thân, các cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhu cầu tiện nghi bản thân ngày càng nhiều. Ngày nay người ta làm ra tiền nhiều hơn trước, nhiều tiện nghi hơn, xe cộ đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn. Nhưng lại chưa bao giờ thấy thỏa mãn, đầy đủ.

10/ Khoảng cách giàu nghèo ra sao? Con người càng giàu, càng đóng kín bản thân, luôn bận bịu nên không còn thời giờ để nghĩ đến người khác. Trong khi đó người nghèo lại càng nghèo hơn, người yếu càng yếu hơn, người bệnh càng khổ hơn. Họ không thể nào đủ sức để chạy đua theo chủ nghĩa cá nhân so với những người trẻ ,khỏe ,giỏi khác .

11/ Thế nào là sống theo lời khuyên Phúc Âm? Những người nghèo, già yếu bệnh tật bị đẩy lùi ra phía sau, họ bị gạt ra bên ngoài xã hội. Nếu chúng ta muốn lựa chọn sống theo Phúc Âm, muốn sống trung thành với lời Chúa dạy, chúng ta phải bỏ quên thân mình, bỏ quên gia đình mình để chỉ nghĩ đến họ ,để giúp đỡ, để vực dậy những anh em kém may mắn hơn mình, đó là điều không dễ chút nào!

12/ Tiền bạc là gì? Nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, đồng tiền là một thứ thước đo giá trị con người. Đồng tiền trở thành quyền lực chi phối mạnh mẽ đời sống của con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, nhưng để có được nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách kiếm tiền bất chính nào, cho dù là lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ…/ Tiền bạc đã làm chao đảo cả thế giới, tàn phá mọi giá trị, biến chất nhiều con người.

13/ Sự lựa chọn đúng của người Kitô hữu:  Đứng trước nhu cầu đam mê tiền bạc, người công giáo nếu muốn trung thành với lời khuyên Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn Đức Tin thì bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo còn hơn là nhận đồng tiền bất chính, bất nghĩa, thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất Đức tin, thà lao động cực khổ để kiếm đồng tiền chân chính còn hơn chạy theo đồng tiền dễ dãi để từ chối Phúc Âm và phạm luật Chúa.

14/ Cơn bắt đạo mới: Xã hội đổi mới đã tạo ra những cơn bắt bớ mới, để trung thành với Phúc Âm với luật Chúa, ta phải lựa chọn rất quyết liệt. Những sự lựa chọn đó làm chúng ta đau đớn không kém gì những cực hình / Những hy sinh vì Phúc âm cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịutra tấn .

15/ Thế nào là chết mỏi mòn? Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp, cũng anh hùng không khác gì chết vì đạo. Sống vì đạo mà khổ như thế cũng là góp phần làm chứng cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

16/ Chọn lựa đúng: Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần, còn chúng ta phải chết mỏi mòn mỗi ngày trong những cuộc chiến đấu, những từ bỏ đau đớn. Sống Phúc Âm trong thời đại mới không khác gì chịu tử đạo liên tục.

17/ Cầu nguyện: Lạy Chúa! xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm hy sinh sống theo lời khuyên Phúc Âm để làm chứng cho Chúa mỗi ngày Amen****

Bài 2: LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

18/ Vì sao Thánh lễ hôm nay nhuộm một màu đỏ? Bởi vì máu của hơn 100 nghìn anh hùng tử đạo và máu của hơn 118 vị đã được phong Thánh. Máu đào đã chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.

19/ Thế nào là mùi máu nhân chứng của tình yêu? Máu chảy lênh láng nhưng không tanh bởi vì không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường, cũng chẳng phải là máu căm thù oán ghét. Nhưng đây là dòng máu đẹp, cao  quý vì nó phát xuất từ tình yêu, máu chảy ra từ trái tim chan chứa yêu thương, máu gợi lên niềm kính trọng vì nó làm chứng cho tình yêu.

20/ Lòng tin của các Thánh tử đạo như thế nào? Các Thánh tử đạo Việt Nam là những người có lòng tin mạnh  mẽ. Lòng tin của các Ngài rõ ràng, chính xác chứ không phải là cuồng tín, nó diễn tả một thái độ chan chứa yêu thương. Khi các Ngài nhận biết Chúa, các Ngài đã yêu mến tha thiết nên các Ngài luôn mong muốn được đền đáp thỏa đáng tình yêu đó.

21/ Thế nào là tình yêu hy sinh? Tình yêu của các Ngài là muốn hy sinh, các Ngài từ bỏ tất cả : Từ cuộc sống yên lành ,đến danh vọng tiền tài sau cùng là chính mạng sống của các Ngài. Thánh Hồ Đình Hy sẵn sàng chịu mất chức quan lớn trong triều đình, Thánh Toma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi thanh xuân cho dù là lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Lê Thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những đứa con ngoan, tất cả chỉ vì yêu Chúa.

22/ Thế nào là tình yêu chung thủy? Các Ngài mến Chúa khi được bình an, các Ngài càng mến Chúa trong thời gian chịu thử thách, các Ngài đã áp dụng lời của Thánh Phaolô : Tôi tin chắc rằng : “Cho dù tất cả mọi thế lực của thế gian và ma quỷ gộp lại thì cũng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).

23/ Thế nào là tình yêu cao cả? Để đáp lại tình yêu của Đức Kitô đã hiến thân chịu chết vì các Ngài, các Ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu của mình đối với Chúa. Đúng  như lời Chúa Yesus nói : Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người đã hy sinh mạng sống của mình vì người mình yêu (Yn 15,13).***

24/ Thế nào là tình yêu trung tín? Các Ngài luôn yêu mến cuộc sống, một cuộc sống mang ý nghĩa cao đẹp, một cuộc sống có lý tưởng thiêng liêng như là tình yêu vị tha, tình yêu trung tín. Một cuộc sống không làm nô lệ cho vật chất.

25/ Thế nào là tình yêu vô biên? Các Ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu gia đình. Hãy nhìn cảnh Lê Văn Phụng hoặc Thánh  nữ Lê Thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các Ngài còn lan tỏa tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các Thánh vui vẻ ra đi chịu chết, không một ai tỏ lòng oán hận và nhất là không có vị nào thù ghét lý hình.

26/ Tình yêu này phát xuất từ đâu? Tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa nên nó trải rộng tới  mọi người, mọi nơi mà các Ngài đang sinh sống. Tình yêu ấy nguyên tuyền nên không hề có sự thù ghét vì thế các Ngài sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn tỏa hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy như loài gỗ quý vẫn tỏa hương thơm để bám vào lưỡi rìu đang bổ vào nó.

27/ Động lực để các Ngài sống là tình yêu: Động lực sống là tình yêu, các Ngài chết để làm chứng cho tình yêu. Đó là điều mà chúng ta có thể bắt chước các Ngài. Hiện nay chúng ta không hy vọng được phúc tử đạo, nhưng chúng ta có thể noi gương các Ngài để làm chứng cho đạo. Nếu tôi không được chết cho tình yêu thì tôi cũng có thể sống cho tình yêu. Chúa không mong chúng ta chết vì đạo nhưng mong chúng ta hãy sống vì đạo.

28/ Ai là vị thừa sai đầu tiên? Kể từ khi Cha Buzomi, vị thừa sai đầu tiên đặt chân vào nước Việt Nam chúng ta vào năm 1615, cho tới khi hàng giáo phẩm Việt Nam được thiết lập vào năm 1960. Thời gian kéo dài hơn 3 thế kỷ rưỡi, trong khoảng thời gan này, các thành phần nhân sự nòng cốt đã được thành lập để xây dựng giáo hội Việt Nam.

29/ Hàng Giáo phẩm tiên khởi : Cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Hội Thầy Giảng năm 1650. Chín năm sau tức năm 1659, tòa thánh thiết lập 2 giáo phận Đàng TrongĐàng Ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của 2 vị tân giám mục là Đức Cha Lambert de la Motte  và Francois Pallu, thuộc hội thừa sai hải ngoại Paris. Chính Đức Cha Lambert de la Motte. Trong 3 năm, từ năm 1668-1670 đã truyền chức Linh mục cho 9 người Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Hội Thầy Giảng.

30/ Hàng Giáo Sĩ đầu tiên của Việt Nam : Chín linh mục này làm nên hàng Giáo Sĩ Việt Nam đầu tiên. Từ việc phong chức linh mục đầu tiên này cho tới cuộc tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng năm 1933, thời gian kéo dài gần hai thế kỷ rưỡi, rồi từ khi có Giám Mục Việt Nam cho tới khi hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập chỉ có 37 năm.

31/ Dòng nữ đầu tiên : về nhân sự của Giáo hội địa phương, kế tiếp việc thiết lập hàng giáo sĩ Việt Nam là việc thành lập dòng nữ Mến thánh Giá tại Kiên Lao, Nam Định và Bãi vàng Hà Nam do Đức Cha Lambert de la Motte vào năm 1670.

32/ Lịch sử tử đạo của Giáo Hội Việt Nam : Cũng vào khoảng thời gian ấy trải dài hơn 3 thế kỷ, giáo hội Việt Nam đã gặp phải cuộc bách hại, cấm cách đẫm máu khiến cho hàng vạn người phải bị mất mát tài sản. Hàng ngàn người đã ngã gục ngoài pháp trường, trong đó có 118 vị đã được tôn lên hàng hiển Thánh gồm : 8 Giám Mục, 50 Linh mục, 60 Giáo dân. Các Ngài đã trở thành hạt giống Đức Tin, đem lại cho Giáo Hội Việt Nam một mùa gặt bội thu.

33/ Vì sao chúng ta cần xét mình ? Hôm nay mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam cùng lúc kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm. Mỗi người chúng ta hãy hồi tâm xét mình, hãy kiểm điểm lại đời sống xem chúng ta đã thực sự thuộc về Đức Kitô hay chưa ? Bởi tinh thần sống cho Chúa và sống cho thế gian luôn là 2 thế lực đối kháng nên chúng ta không được quyền bắt cá hai tay hay sống kiểu lửng lơ con cá  vàng . Như lời Chúa Yesus đã nói : ‘Không nóng, không lạnh mà chỉ hâm hâm, thì ta sẽ mửa mi ra’.

34/ Tại sao phải dứt khoát lập trường ? Chúa đòi chúng ta phải sống dứt khoát lập trường và phải dành cho Chúa ngôi vị số một trong cung lòng cũng như trong suốt cuộc đời của chúng ta. Ai cầm cày mà còn ngoái lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.

35/ Tại sao phải trở nên môn đệ Chúa Kitô : Nếu chỉ chọn Chúa thôi, chưa đủ. Chúng ta còn phải thể hiện sự lựa chọn ấy trong suốt cuộc sống thường ngày bằng cách thực thi những điều Chúa truyền dạy. Bởi nếu chúng ta đem những lời Chúa dạy ra thực hành, thì chúng ta mới trở nên môn đệ của Chúa Kitô và sau đó mới dám làm chứng nhân cho Ngài.

36/ Lời kết : Mỗi hy sinh chúng ta chấp nhận vì Chúa, sẽ là một giọt máu đào tử đạo, có như thế thì đời chúng ta sẽ từng giây, từng phút sống can đảm để làm chứng cho Chúa theo cách của các Thánh tử đạo.****

Slogan :        

1) NGÀY HÔM NAY, TÔI KHÔNG THỂ CHỊU TỬ ĐẠO NHƯNG CÓ THỂ SỐNG    LÀM CHỨNG CHO ĐẠO.

2) NGÀY HÔM NAY TÔI KHÔNG THỂ CHẾT VÌ ĐẠO NHƯNG TÔI CÓ THỂ   SỐNG VÌ ĐẠO.

GIUSE LUCA

Bài 3: THIẾU LÒNG TIN, THIẾU CẢ SỰ TỰ TIN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

Dụ ngôn những nén bạc 

1/ Diễn biến của dụ ngôn các nén bạc: Một ông chủ nọ, trước khi đi xa, đã gọi các người giúp việc của mình lại và ký thác cho họ một số vốn để họ làm sinh lợi. Ông trao cho mỗi người một số vốn ít nhiều tùy theo khả năng, các người giúp việc này nhận tiền rồi ra về.

2/ Khả năng làm sinh lời của cả ba người: Hai người đầu đã dùng số vốn đã nhận được và làm sinh lợi được 100%. Còn người thứ ba lại nghĩ rằng: Mình chẳng có nhiều khả năng đã đào lỗ chôn dấu nén bạc của chủ mình.

3/ Kết quả cuối cùng thế nào? Khi trở về ông chủ cho gọi các người giúp việc đến và yêu cầu họ báo cáo kết quả. Hai người đầu đã chu toàn nhiệm vụ cách tốt đẹp, ông chủ rất hài lòng. Đến lượt người thứ ba, chúng ta có thể tưởng tượng được khuôn mặt đầy âu lo sợ hãi của y khi nghe hai người bạn báo cáo thành tích của họ. Còn anh thì đi đào nén bạc đã chôn lên và đem trả lại cho chủ với một giọng điệu vừa trách móc vừa lo sợ, vừa chữa mình (Mt 25,24).

4/ Dụ ngôn nén bạc đã gây ra luồng dư luận như thế nào? Đây là một trong số ít dụ ngôn gây ra dư luận thắc mắc. Thoạt đầu khi đọc qua câu chuyện, chúng ta cứ tưởng đã nhìn rõ sự bất công và tính cách không phù hợp với tinh thần Kitô giáo ở trong đó. Có thể có người nghĩ rằng: Thật chẳng hợp lý chút nào khi xử phạt một người vì tội không đủ khả năng chu toàn công việc được giao phó.

5/ Một luồng ý kiến khác cũng cần được lưu ý: Có ý kiến thêm rằng: Những chi tiết mà câu chuyện đã đề cập đến như là vốn liếng, lợi nhuận, ngân hàng, mới nghe qua chỉ là những thứ thuộc lãnh vực trần tục, mà ngoài những giá trị thiêng liêng như là lòng nhân từ, sự tha thứ… thì Nước Trời đâu có quan tâm gì đến những vấn đề tiền bạc, của cải vật chất kia chứ?

6/ Điều chính yếu Chúa Yesus muốn chúng ta quan tâm đến là gì? Điểm chính yếu mà Chúa muốn chúng ta chú trọng đến trong dụ ngôn này, đó là mỗi người cần phải suy nghĩ một cách hết sức nghiêm chỉnh, đó là về sự chết của chúng ta. Chúng ta phải biết sắp xếp cuộc sống sao cho có trật tự.

7/ Điều quan trọng nhất là gì? Chúa muốn đề cập đến nước Trời, cụ thể là đến ngày tính sổ của mỗi chúng ta như đã từng đề cập đến ý này trong dụ ngôn mười cô trinh nữ phù dâu (Mt 25, 1-13). Đừng quá tự tin như năm cô khờ dại, các cô cứ nghĩ: Cứ thong thả, có trễ một chút cũng chẳng sao .

8/ Tâm tình của người giúp việc thứ ba như thế nào? Còn trong dụ ngôn các nén bạc trên đây: Thì ngược lại, người giúp việc thứ ba bị ông chủ trách mắng, quở phạt vì tội y đã thiếu hẳn lòng tự tin, y đã tỏ ra quá khiếp sợ khi nghĩ về ông chủ của mình và vì thế y đã từ chối không chịu đem ra sử dụng nén bạc mà ông chủ đã thương trao cho y.

9/ Hậu quả của việc quá sợ: Vì quá sợ nên y cũng đã không nhận ra được khả năng thật sự của mình đã có và cuối cùng y cũng đã chẳng làm gì hơn là đem chốn dấu nén bạc đi với ý định rồi sẽ trao trả lại cho ông chủ khi ông trở về.

10/ Vì sao nén bạc có thể mất giá? Vừa rồi cách nay 10 ngày(đầu tháng 11), báo chí có đăng tải những vụ việc người dân gửi tiền cho ngân hàng cách đây 20-30 năm, đến nay khi tất toán thì ngân hàng cho biết số dư của các tài khoản ấy sau khoảng thời gian dài như vậy, đồng tiền đã mất giá nên số dư của các tài khoản ấy bây giờ là: 0 đồng !! chuyện giống như đùa nhưng có thật. Cũng vậy, một nén bạc nguyên vẹn khi y lãnh nhận nhưng y nào có biết rằng: Tất cả mọi sự vật đều sẽ chết yểu nếu không được đem ra sử dụng .Cũng giống như chân tay người ta, nếu chúng ta không vận động, không đem ra sử dụng đều đặn  thì tới một ngày nào đó nó sẽ teo lại , đầu óc không sử dụng cũng sẽ sớm trở nên lú lẫn.

11/ Vì sao chúng ta không nên quá khiếp sợ Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng rất nhân lành và đầy yêu thương. Chúa đã ban phát ân huệ cho chúng ta nhưng không. Nhiều người hôm nay cũng có tư duy và hành động giống như người giúp việc thứ ba, Trong dụ ngôn nén bạc này, chúng ta quá khiếp sợ Thiên Chúa nên đã từ chối, không chịu đem ra sử dụng và làm sinh lợi những ân huệ, những tài năng Chúa thương ban cho chúng ta. Chính lúc chúng ta đem chôn vùi là lúc chúng ta làm thui chột đi những tài năng đó. Chúng ta không nhận ra hoặc có khi còn tỏ ra nghi ngờ điều mà chúng ta thực sự đang có được trong tay.

12/ Chúng ta cần có tâm tình sống thế nào? Chúng ta đừng quá sợ Thiên Chúa vì Ngài rất nhân từ và đầy lòng yêu thương. Chính vì nỗi khiếp sợ vô lý này mà chúng ta làm mất đi sức mạnh , cơ hội và sự tự tin để làm việc.

13/ Thiên Chúa đối xử với chúng ta thế nào? Thiên Chúa luôn tín nhiệm và đi bước trước với chúng ta. Đáp lại, chúng ta cũng phải đặt hết mọi tin tưởng và phó thác ở nơi Người. Đồng thời hãy biết can đảm đem ra sử dụng hết mọi tài năng mà Ngài đã trao phó nhưng không cho chúng ta.

14 Lời khuyên tối cần: Chúng ta hãy vững tin, hãy tìm ra và nắm chặt lấy bàn tay yêu thương của Chúa, Ngài luôn chìa ra để nâng đỡ và hướng dẫn bước chân đi của chúng ta.

15/ Áp dụng vào đời sống: Nhân dịp cuối năm phụng vụ, qua bài Tin Mừng hôm nay, phụng vụ Giáo hội muốn nhắc chúng ta phải có một đời sống tỉnh thức và luôn sẵn sàng chờ Chúa đến với mỗi người trong giờ sau hết. Hãy sử dụng mọi ân huệ Chúa ban trong hiện tại để làm vinh danh Chúa và đem lại công phúc cho phần rỗi đời đời của chính mình.****

Bài 4: NHỮNG NÉN BẠC CẦN SINH LỜI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

Dụ ngôn những nén bạc 

16/ Ý chính của bài Tin Mừng: Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn những nén bạc, để trình bày về bài học cần phải tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách sử dụng mọi ân huệ Chúa ban để làm sinh lời, được coi là ân phúc cho phần rỗi đời đời của mỗi người .

17/ Bài học Chúa muốn dạy : Dụ ngôn nén bạc được kể vào những dụ ngôn Chúa dạy phải tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng dụ ngôn này lại nhấn mạnh đến khía cạnh phải làm việc để sinh lời cho phần rỗi đời đời. Cây vả không sinh trái sẽ bị chặt đi!

18/ Ý nghĩa dụ ngôn: Một người kia, được hiểu là Thiên Chúa, các đầy tớ là mỗi người chúng ta. Tài sản : Thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa, nén bạc là các ân phúc của Chúa ban.

19/ Ý nghĩa của việc giao phó tài sản : Ông chủ có việc phải đi xa nhà nên muốn giao phó một số tài sản cho các đầy tớ. Điều này chứng tỏ ông chủ tín nhiệm chúng ta là các đầy tớ. Ý muốn diễn tả : Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã giao phó cho con người những ân huệ khác nhau tùy theo khả năng mỗi người. Để con người làm sinh lời bằng cách làm vinh danh Chúa, từ đó Chúa sẽ ban phần rỗi đời đời cho chúng ta.

20/ Ông trao cho người thứ nhất 5 yến bạc : Yến: là đơn vị tiền tệ lớn nhất ở các nước vùng Cận Đông ngày xưa. Một Yến bạc tương đương với 6.000 Denarius, một Denarius bằng với tiền công lao động một ngày (Mt 20,2). Như vậy, đây là một số tiền lớn được đem ra đánh cược. Điều này nói lên phần nào sự tin tưởng của ông chủ dành cho người đầy tớ của mình, đồng thời cũng cho thấy trách nhiệm lớn lao mà anh vừa nhận lãnh.

21/ Ông chủ sáng suốt như thế nào? Tiếng “khả năng” trong tiếp Hy Lạp đặc biệt chỉ về năng lực con người, tức là có khả năng để thực hiện điều gì đó “tùy theo khả năng riêng của mỗi người” Điều này cho thấy sự sáng suốt của ông chủ, ông biết khả năng riêng của mỗi người, là tùy theo năng lực riêng mà được giao cho một khoản vốn nào đó để làm ăn.

22/ Giá trị tương đượng của một Yến  bạc: Một yến bạc thô có giá trị tương đương với khoản tiền lương trong 20 năm của một người làm công . Cho nên dù chỉ nhận 1 yến thôi thì số tiền cũng đâu phải là nhỏ. Đây là một trách nhiệm và là một cơ hội lớn. Một khoản tiền như vậy thì người đầy tớ sẽ phải xoay sở làm ăn và việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của anh ta .

23/ Điều ông chủ đòi có quá sức không? Người đầy tớ thứ 3 được giao phó ít hơn, nhưng trách nhiệm của anh ta không vì thế mà nhẹ hơn. Món tiền mà anh nhận là một cơ hội tốt dành cho anh, nhưng anh ta đã lủi thủi ra đi đào một cái lỗ để chôn dấu những gì ông chủ giao. Anh ta đã đem chôn yến bạc theo kiểu của những kẻ trộm cắp thường làm (Mt 13,44) (Gs 7,21). Thực ra anh nhận yến bạc với sự hoảng hốt thay vì mừng vui tin tưởng, anh đã xem đó như gánh nặng chứ không phải như một cơ may. Anh chôn nó là để khỏi phải nhìn thấy nó, nhờ vậy anh đỡ phải áy náy và ưu phiền vì nó, sau đó anh sẽ thoải mái làm điều mình thích.

24/ Bài học cho người tín hữu : Thay vì anh đầy tớ thứ 3 phải phục vụ ông chủ, nhưng anh lại làm theo ý mình. Anh từ chối cơ hội dùng tiền của ông chủ để làm ăn. Anh đã không thực hiện những điều mà ông chủ đã kỳ vọng mà chỉ thích làm theo ý riêng thôi .

25/ Thánh Phaolô đã cảnh báo Timôthe-o thế nào? Đừng rơi vào trường hợp tương tự trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Những việc mà vì đó mà anh được trao ban những tài năng hoặc những ân sủng (1 Tm 4,14) (2 Tm 1,6) số vốn làm ăn là tiền của ông chủ, người đầy tớ không phải bỏ ra đồng nào. Vì thế người tín hữu không có quyền từ khước những ân ban của Thiên Chúa, và phải sử dụng những ân ban này để làm vinh danh Người.

26/ Giao phó tài sản: Ông chủ đi vắng xa nhà, muốn giao phó một phần tài sản cho các đầy tớ, chứng tỏ ông chủ tin tưởng, tín nhiệm. Thiên Chúa yêu thương con người nên Ngài giao cho con người nhiều ân huệ khác nhau tùy theo khả năng để con người làm vinh danh Chúa và mưu cầu phần rỗi cho chính mình.

27/ Ông trao cho người này 5 nén : Đây là một số tiền khá lớn, chứng tỏ rằng ân huệ Chúa giao cho  mỗi người thì có giá trị lớn lao.

28/ Ba người đầy tớ -> Tượng trưng cho những hạng người khác nhau, tùy theo mức độ trung thành của mỗi người mà Chúa sẽ ban cho.

29/ Buôn bán : Có ý nhấn mạnh đến khía cạnh làm việc và hiệu quả đạt được tức là sinh lời. Những ân sủng Chúa giao, đòi mỗi người phải biết dùng để sinh công phúc.

30/ Làm lợi  5 nén khác : Lợi tức tỷ lệ với số vốn, cũng vậy việc Chúa đòi hỏi ta cũng tỷ lệ với các ân huệ Chúa ban cho mỗi người.

31/ Đào lỗ chôn dấu tiền của ông chủ : Là một thái độ tiêu cực, không chịu làm việc để sinh lời.

32/ Sau một thời gian dài : Tượng trưng cho thời gian mỗi người sống ở trần gian.

33/ Đòi họ tính sổ: Đây là lúc phán xét vào giờ chết của mỗi người. Vào giờ đó mỗi người phải tính sổ với Chúa về tất cả những ân huệ Chúa ban khi còn sống ở trần gian.

34/ Ông chủ trong dụ ngôn đã không trở về ngay, ông để các đầy tớ có dư thời gian dùng tiền của ông mà sinh lời. Vì tiền đó không phải của họ, các đầy tớ chỉ là người quản lý, nên trước sau gì họ cũng phải quyết toán sổ sách, việc trì hoãn này không phải là vĩnh viễn. Ngày Đức Chúa đến rồi cũng sẽ đến thôi.****

TÓM Ý

1/ Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan, hãnh diện mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam vì các Ngài là người Việt Nam. Hân hoan, hãnh diện vì số lượng đông đảo có 118 vị, được xếp thứ nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.

2/ Khi đọc lại tiểu sử các Ngài, chúng ta cảm phục Đức Tin dũng cảm, kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa mà các Ngài đã mất chức quyền danh vọng và cuối cùng đã chịu chết vì Đức tin.

3/ Gương sáng từ những vị quan lớn trong triều, đến người phụ nữ quả cảm, đến những thiếu niên can trường, sẵn sàng chịu cực hình để minh chứng tình yêu với Đức Kitô.

4/ Là người công giáo Việt Nam, mỗi khi đọc lại tiểu sử của các Ngài, chúng ta cảm thấy một dòng máu anh hùng trào dâng. Chúng ta bị cuốn hút bởi những cái chết cao đẹp của các Ngài.

5/ Ngày nay không còn cảnh cấm, bắt đạo, giết người có đạo như thời quan quân ngày xưa. Chúng ta chỉ cần bắt chước các Ngài trong cách sống vì đạo.

6/ Ngày xưa, giữ đạo khó vì cấm cách, bắt bớ. Nhưng hôm nay cũng có khó khăn không kém khi phải sống đạo ở thời kỳ mà chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ như hôm nay.

7/ Chủ nghĩa cá nhân hôm nay phát triển quá mạnh mẽ, ai cũng muốn mình được vinh thân, phì gia, ai cũng lo học hành đỗ đạt, làm ăn phát triển, cuộc sống cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhu cầu tiện nghi vật chất ngày càng nhiều, xe cộ đẹp, nhà cửa cao hơn, nhưng chưa bao giờ thấy thỏa mãn.

8/ Khoảng cách giàu - nghèo càng xa, càng giàu càng kín cổng cao tường, càng không muốn nghĩ đến người khác. Người nào khổ càng khổ hơn, người bệnh càng bệnh hơn.

9/ Muốn sống theo lời khuyên Phúc Âm, thì phải trung thành với lời Chúa dạy, phải quên thân mình và chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Phải vực dậy anh em kém may mắn hơn mình, đó là điều không dễ làm chút nào!

10/ Tiền bạc là thước đo mọi thứ, là thứ quyền lực chi phối cuộc sống quá mạnh mẽ. Ai  cũng muốn có nhiều tiền, nhưng vì muốn có nhiều tiền mà nhiều người không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, tiền bạc làm lũng đoạn cả thế giới, điên đảo và biến chất bao nhiêu con người.

11/ Sự lựa chọn đúng của người Kitô hữu: Muốn trung thành với Đức Tin thì bắt buộc phải có sự lựa chọn : Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn là nhận đồng tiền bất chính để rồi mất Đức Tin, xa Chúa. Thà lao động cực khổ hơn là từ chối Phúc Âm, phạm luật Chúa.

12/ Cơn bắt đạo mới là chúng ta phải lựa chọn. Sự lựa chọn đúng cũng làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình, những hy sinh cũng làm cho tim ta rỉ máu.

13/ Sống đạo cao đẹp, sống đạo anh hùng cũng không khác gì chết vì đạo. Vì theo Chúa mà phải thiệt thòi khổ đau thì cũng góp phần làm chứng cho Chúa cho Phúc Âm thì cũng đâu kém gì chết vì đạo.

14/ Lựa chọn đúng, các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần còn chúng ta thì phải chết mỏi mòn mỗi ngày trong cuộc chiến đấu. Những từ bỏ liên tục và sống theo Phúc Âm đâu khác gì chịu tử đạo.

15/ Thánh Lễ hôm nay nhuốm một màu đỏ vì máu đào của hơn 100 nghìn anh hùng tử đạo, của 118 vị được phong hiển Thánh, máu đào đã chảy hơn 3 thế kỷ truyền giáo.

16/ Máu chảy nhiều nhưng không tanh vì nó phát xuất từ tình yêu cao quý, anh hùng. Nó gợi cho ta niềm kính trọng vì đó còn là dòng máu yêu thương vì nó làm chứng cho tình yêu.

17/ Lòng tin của các Ngài mạnh mẽ, chính xác chứ không cuồng tín, dị đoan. Vì khi các Ngài biết Chúa, các Ngài tin Chúa là Đấng chết thay cho mình nên các Ngài mong muốn được đền đáp thỏa đáng.

18/ Tình yêu của các Ngài là tình yêu hy sinh, từ bỏ tất cả: Từ bỏ cuộc sống yên lành, từ bỏ danh vọng tiền tài, từ bỏ chính mạng sống của mình. Từ bỏ tất cả vì yêu Chúa.

19/ Các Ngài mến Chúa khi được bình an cũng như lúc gặp gian nan thử thách. Nói như lời Thánh Phaolô : Tất cả mọi thế lực gộp lại cũng không thể nào tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa Kitô (Rm 8,35-39).

20/ Để đáp lại tình yêu cao cả mà Đức Kitô đã hiến thân chịu chết vì các Ngài. Các Ngài cũng hiến mạng sống để minh chứng cho tình yêu của các Ngài đối với Chúa. Đúng như lời Chúa Yesus nói : Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người thí mạng sống của mình  vì người mình yêu (Yn 15,13).

21/ Tình yêu trung tín là tình yêu không vì vật chất mà chối bỏ người mình yêu. Các Ngài không những chỉ yêu Chúa, yêu người thân của mình mà còn yêu cả những người làm khốn cho mình như là vua-quan, lý hình, cai ngục. Tình yêu như hoa vẫn tỏa hương trong tay kẻ vò nát mình, như cây gỗ quý vẫn bám hương thơm vào lưỡi rìu đang chặt vào nó.

22/ Động lực của các Thánh tử đạo là sống cho tình yêu. Các Ngài chết để làm chứng cho tình yêu. Hiện nay chúng ta không dám nghĩ sẽ được “phúc tử đạo”, nhưng chúng ta có thể noi gương các Ngài để sống làm chứng cho đạo. Chúa không mong chúng ta chết vì đạo nhưng Ngài chỉ mong chúng ta sống vì đạo.

23/ Cha Buzomi là vị thừa sai đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1615. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập vào năm 1960. Cha Đắc Lộ khai sinh ra Hội Thầy Giảng 1650.

24/ Hai vị Giám Mục tiên khởi cai  quản 2 giáo phận đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam : Đó là Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu cho 2 Giáo phận Đàng Ngoài Đàng Trong .

25/ Đức Cha Lambert de la Motte trong 3 năm đã truyền chức cho 9 Linh Mục người Việt Nam xuất thân từ Hội Thầy Giảng.

26/ Từ các Linh Mục tiên khởi này, đến năm 1933 Giáo Hội Việt Nam có được một Đức Cha người bản địa là Nguyễn Bá Tòng. Từ khi có Giám Mục Việt Nam đến khi Giáo Hội Việt Nam được thiết lập là 37 năm, vào năm 1960.

27/ Vào năm 1670 Đức Cha Lambert de la Motte đã lập ra Dòng Mến Thánh Giá ở Kiên Lao, Nam Định và Bãi vàng ở Hà Nam.

28/ Cuộc bách hại của Giáo Hội Việt Nam trải dài hơn 3 thế kỷ khiến hàng vạn người phải mất hết tài sản, hàng chục ngàn người phải ngã gục ngoài pháp trường. Trong đó chính thức được tôn phong có 118 vị gồm 8 Giám Mục, 50 Linh Mục và 60 Giáo dân. Đây là một mùa gặt bội thu.

29/ Hôm nay mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy hồi tâm xét mình coi mình đã thuộc về Đức Kitô hay chưa?: Bởi vì tinh thần sống theo lời Chúa dạy và thế gian  là 2 thế lực đối kháng nhau. Chúng ta không nên bắt cá hai tay hay sống kiểu lửng lơ.

30/ Chúa đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát lập trường, khi nhấn mạnh rằng : Ai cầm cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.

31/ Chọn Chúa thôi chưa đủ, còn phải sống điều Chúa truyền dạy, còn phải làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống gương mẫu của một người môn đệ Chúa thì may ra mới dám đổ máu vì Người.

32/ Mỗi một sự hy sinh cho Chúa là một giọt máu tử đạo, chúng ta không đổ máu một lần, nhưng đổ mỗi ngày một ít may ra chúng ta có thể dùng đời mình để làm chứng cho Chúa.

 

Slogan :         * HÔM NAY TÔI KHÔNG THỂ CHẾT VÌ ĐẠO

                        NHƯNG TÔI CÓ THỂ SỐNG LÀM CHỨNG NHÂN CHO ĐẠO .    **R

 Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2149
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  1056
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406465
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top