Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng A

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG  A

ĐỀ TÀI:   TRUYỀN TIN CHO ĐỨC  GIUSE

NGÀI THỰC THI NGAY SAU KHI BIẾT THÁNH Ý THIÊN CHÚA

THÁNH GIUSE LÃNH PHẦN THIỆT THÒI VỀ MÌNH .

Tung hô Tin Mừng: Mt 1, 23

Haleluia. Haleluia. Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 1, 18-24

"Đức Yesus sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Yuse, con cháu vua Đa-vít."

Tin Mừng Chúa Yesus Kitô theo Thánh Matthêu.

18  Sau đây là gốc tích Đức Yesus Kitô: Bà Maria, mẹ Người đã thành hôn với ông Yuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19  Ông Yuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20__Ông đang toan tính như vậy, thì kìa Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Yuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21  Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Yesus, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22  Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24  Khi tỉnh giấc, ông Yuse làm như Sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.      

Đó là lời Chúa

Bài 1: LÀM THEO Ý CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Trung Hoa và Việt Nam có phong tục tảo hôn như thế nào? Cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn rất nhỏ / Trong tác phẩm “Vượt khỏi đông tây”, tác giả người Trung Hoa đã mô tả như sau: “Trước đám cưới, vợ tôi và tôi chưa bao giờ thấy mặt nhau / cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa / Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới lên sáu / đến năm mười mấy tuổi, tôi mới biết được nhà nàng ở đâu / Tôi khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem nên thỉnh thoảng lúc tan học về, tôi cố tình đi ngang qua nhà nàng, thế nhưng chẳng bao giờ tôi may mắn được nhìn thấy nàng”.

2/ Theo tập tục Do Thái, hôn nhân thường trải qua 3 giai đoạn: a)Hứa hôn -> việc này do cha mẹ hay người mai mối thực hiện / còn 2 bạn trẻ chẳng hề biết trước việc này / b) Giai đoạn 2 là Đính hôn => gia đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau / Khi đã đính hôn thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau / Lễ đính hôn này được tổ chức rất long trọng, nên chỉ có sự ly dị mới xóa bỏ được nó! / c) Giai đoạn thứ 3 là kết hôn => theo đúng nghĩa của nó/ Thánh Yuse hay tin Mẹ Maria có thai khi 2 người đang ở trong giai đoạn thứ hai, tức là đã đính hôn với nhau.

3/ Thánh Matthêô đã khởi đầu và kết thúc Phúc Âm ra sao? Bằng việc trích dẫn lời Tiên tri Isai-a => “Một trinh nữ sẽ thụ thai, và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” >< Thánh Matthêô cũng kết thúc Phúc Âm bằng lời hứa của Chúa Yesus: “Này đây, Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

4/ Thiên Chúa đã hiện diện với chúng ta như thế nào? Trước hết, Ngài hiện diện giữa chúng ta qua việc tạo dựng / và đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài, bởi vì Ngài không những chỉ tạo dựng mà còn gìn giữ nó được tồn tại trong một trật tự lạ lùng từ hàng ngàn năm xưa cho đến ngày hôm nay.

5/ Ngài còn hiện diện với chúng ta qua cách nào nữa? Ngài hiện diện giữa chúng ta qua lời Ngài trong Kinh Thánh / chúng ta có thể sánh ví Kinh Thánh như một bức thư của người cha gửi cho con cái mình / Người cha biểu lộ ý của mình qua bức thư / thì Thiên Chúa cũng nói ra ý nghĩ của Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy.

6/ Cách hiện diện cuối cùng của Thiên Chúa: Ngài luôn hiện diện giữa chúng ta cách đặc biệt qua Đức Kitô, Con Một của Ngài / Cùng với việc Giáng Sinh của Đức Kitô / Vậy thì Giáng Sinh là gì? Thưa là: Thiên Chúa ngự giữa chúng ta qua Con của Ngài.

7/ Làm sao cắt nghĩa việc Thiên Chúa đến với chúng ta? Giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo là chúng ta có một khoảng cách khổng lồ / Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách ấy bằng một bước chân để đến và cư ngụ giữa chúng ta / Việc này loài người chúng ta không thể nào làm được / Nhờ gần gũi Ngài, chúng ta có thể nhìn ngắm, lắng nghe chính Thiên Chúa nói / hay nói một cách khác dễ hiểu hơn => với Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta một cách cụ thể, sống động bỡi một con người bằng xương thịt của Đức Kitô.

8/ Tại sao Sứ thần phải truyền tin cho Thánh Yuse? Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ / Còn Thánh Matthêô lại nói đến việc truyền tin cho Yuse / Sứ thần muốn giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của ông, khi báo cho ông hay: thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống, là do quyền năng Thánh Thần / Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria về làm vợ và chấp nhận thai nhi kia như con mình.

9/ Những Mầu Nhiệm mà Thánh Yuse được diễm phúc tiếp cận: Yuse đã nói tiếng xin vâng / Ông sẵn sàng đón nhận các Mầu Nhiệm mà ông không thể hiểu hết / Đức Maria là một Mầu Nhiệm / Người Con bởi Thánh Thần sắp được sinh ra cũng là một Mầu Nhiệm / Yuse đã để các Mầu Nhiệm vây bọc mình / Cả đời Thánh Yuse là chiêm ngắm các Mầu Nhiệm diễn ra cách bình thường và ngay sát bên ông / và chính cuộc đời ông cũng là một Mầu Nhiệm.

10/ Ý Thiên Chúa muốn điều gì nơi cuộc đời Yuse? Yuse chấp nhận ý định của Thiên Chúa dù nó phá vỡ mơ ước mà ông đã ấp ủ từ lâu / Ý ông muốn làm chồng Maria, người thiếu nữ mà ông yêu mến / nhưng Thiên Chúa chỉ muốn ông làm bạn với cô ấy thôi! Ý ông muốn làm cha của một đàn con đông đúc, nhưng ông chỉ làm cha nuôi của Chúa Yesus thôi!

11/ Thái độ của Yuse như thế nào? Là vâng phục ý Chúa cách đơn sơ / Hôm nay có thể Chúa không còn nói với chúng ta qua giấc mơ, nhưng lại dùng biết bao nhiêu cách khác, rất riêng tư / mà chỉ có mỗi người tự cảm nhận được / Nếu mỗi người mau mắn nói tiếng xin vâng như Yuse / thì ai cũng có thể góp phần vào việc cứu độ thế giới.

 

Bài 2: NGÀI MUỐN Ở CÙNG CHÚNG TA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

12/ Để Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa cần điều kiện gì? Thiên Chúa cần sự hợp tác của con người / Nói rõ ra: Thiên Chúa cần tiếng xin vâng của Đức Maria, Ngài cũng cần tiếng xin vâng khiêm tốn của Thánh Yuse / Yuse nhận Maria đang mang thai về nhà mình / và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách là một người cha, những hành động hợp tác ấy đã cho Yuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ / Chúng ta sẽ rất khó đoán điều gì sẽ xảy ra nếu Thánh Yuse cương quyết từ chối / và từ bỏ Đức Maria.

13/ Nhờ vào điều gì mà lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm? Nhờ tiếng xin vâng của Đức Yuse mà Chúa Yesus đã là người mang dòng họ Đavít / cũng vì thế mà lời hứa của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm (2 Sm 7, 13).

14/ Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ nào? Nhiều người cho rằng: Thiên Chúa đến quốc gia dân tộc nào, thì Ngài dùng tiếng dân tộc đó để nói / Thế thì trên thế giới này có quá nhiều ngôn ngữ, một là Ngài quá thông minh nên chẳng cần học / thứ hai, Ngài khá vất vả và mất rất nhiều thời gian để học / Thưa: Ngài chẳng cần vất vả gì cả, bởi vì ngôn ngữ Ngài sử dụng là ngôn ngữ tình yêu / Thánh Yoan khẳng định: Thiên Chúa là tình yêu (1Yn_4,_8) / Mẹ Thánh Terexa Calcutta cũng chẳng phải vất vả gì khi muốn mở rộng Hội dòng của mình ở các quốc gia khác / Bà đến xin là họ chấp thuận ngay / Bởi vì những việc làm của bà, ai cũng thấy, ai cũng biết và ai cũng hoan nghênh đón tiếp, bởi vì thứ ngôn ngữ ấy ai cũng hiểu.

15/ Chúa Yesus nói gì với chúng ta? Chúa Yesus luôn nói về tình yêu vô biên của Chúa Cha dành cho loài người chúng ta / Lễ Giáng Sinh là lễ Trời và đất giao hòa / Lễ Giáng Sinh là lễ của Thiên Chúa đến ở với loài người / Ngài vì quá yêu thương nên không thể nào ở một mình trên trời, nên đã xuống thế để ở với chúng ta và mong muốn đem hết mọi người lên trời với Ngài.

16/ Chúa Yesus đã thể hiện tình yêu của Ngài với loài người như thế nào? Trong khi trả lời câu hỏi cho các môn đệ của Yoan Tẩy Giả, Chúa nói: hãy về thuật lại cho Yoan những điều mắt thấy tai nghe: người đui được thấy, người què đi được, người câm nói được, người chết sống lại và những thành phần nghèo khổ được nghe rao giảng Tin Mừng => rõ ràng Chúa chỉ chú ý đến kẻ nghèo khó, bệnh tật / Chúa chỉ chăm bẩm đi tìm con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất, đứa con hoang đàng/ hơn những kẻ còn lại.

17/ Vậy thì Giáng Sinh là gì? Là Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón tiếp con người, đặc biệt là những con người tội lỗi, bệnh tật, nghèo khó / Đây cũng là bài học quan trọng mà Chúa muốn các Kitô hữu phải thuộc nằm lòng: phải biết mở rộng tâm hồn, mở rộng vòng ta đón tiếp và yêu thương những ai bé nhỏ, khó hèn, coi họ ngang hàng với Con Một Thiên Chúa / chỉ đến khi ấy tâm hồn chúng ta mới trở thành hang đá Bêlem thật sự và ánh sao Noel mới bừng sáng lên trong ánh mắt mọi người.

18/ Nếu nhân loại trên thế giới này nói với nhau bằng ngôn ngữ tình yêu thì việc gì sẽ xảy ra? Những điều kỳ diệu sẽ xuất hiện khắp nơi: các quốc gia sẽ chia sẻ cho nhau các nguồn lợi về tài nguyên / mọi chủng tộc sẽ tôn trọng nhau, mọi gia đình sẽ hòa thuận thương yêu / khắp nơi mọi người sẽ siết chặt tay nhau trong tình thân hữu và như thế cả trái đất sẽ vang lên câu hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa yêu.”

19/ Người Do Thái còn đang mong chờ điều gì? Họ đang mãi miết mơ tưởng đến một vị chúa ở trên cao / Họ đang say sưa trông đợi một Đấng đang ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu: thay vì xin cho thấy những điều gần gũi, dễ dàng nắm bắt, họ lại xin dấu lạ điềm thiêng nơi chốn trời cao, vượt quá tầm nhìn.

20/ Họ ước mong Chúa Cứu Thế đến như thế nào? Họ luôn sống trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế đến, và mong rằng Ngài sẽ đến trong cung cách của một vị chúa oai phong lẫm liệt/ để khi thấy Ngài thì muôn dân phải cúi đầu sợ hãi thay vì phải bái phục tôn thờ / nhưng có ngờ đâu khi Chúa đến / Chúa lại chọn cho mình một phong cách thật  lạ đời.

21/ Ngài đến gần tới mức độ nào? Người đến thật gần trong một thân phận con người, để làm người giữa muôn người trần thế / Ngài đến thật thấp, thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một con người cùng khổ dưới đáy xã hội / Ngài yêu thương con người đến nỗi đã trao thân phận cho họ / chấp nhận phải điều đình cùng Maria, điều đình cùng Yuse, sau đó chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, sau cùng mới chấp nhận làm người / Đúng như lời Thánh sử Yoan đã nói: Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta. (Yn 1, 14)

22/ Khi trao thân phận như thế, Thiên Chúa được điều gì? Khi trao thân phận như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang / Nếu Ngài không trao thân cho nhân loại, Ngài là Thiên Chúa không được ai biết đến, một vị Thiên Chúa cô đơn, một Thiên Chúa xa cách và úp úp mở mở như trong thời kỳ Cựu Ước / Nhưng khi Ngài trao thân trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì Ngài đã hiện thân là một Thiên Chúa giải thoát con người, sẵn sàng làm hết cách để thực hiện cho bằng được chương trình mà Ngài không mảy may chờ đợi vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian / Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể, để cứu người thì Thiên Chúa đã làm người.

 

Bài 3: HỢP TÁC TÍCH CỰC

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

23/ Hai danh xưng hôm nay được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa nói lên điều gì? Danh xưng Em-ma-nu-el khẳng định: Thiên Chúa ở cùng chúng ta / danh xưng Yesus mang ý nghĩa: Thiên Chúa Cứu Độ (Mt 1, 23-25) / Nối kết cả hai danh xưng này, chúng ta sẽ thấy một tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho con người / Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta để ban cho ta ơn cứu rỗi  và Ngài là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở giữa chúng ta.

24/ Tại sao Đức Mẹ lại bối rối khi gặp Sứ thần? Một tình yêu trong sạch, sẽ cảm thấy bối rối trong buổi đầu gặp gỡ / rồi khi được đề xuất làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã rất băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được nghe giải thích đôi câu/ và chính lúc Mẹ thưa “Xin vâng” (Lc 1, 38) là cả một tình yêu trong trắng, Mẹ Maria đã gởi trọn thân phận mình vào bàn tay Thiên Chúa, bất chấp điều đó có thể là một cuộc mạo hiểm chết người: Trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói làm sao với Thánh Yuse?! Chỉ mới đính hôn thôi mà lại sắp làm mẹ, phải tính sao cho hợp luật pháp đây?

25/ Chúng ta có thể hiểu gì về con người thầm lặng của Thánh Yuse? Thánh Yuse, con người thầm lặng nhất của Kinh Thánh, và cũng là con người thầm lặng nhất của Mùa Vọng / Ông đã được đặt vào một tình huống thật khó xử đến độ ông phải bối rối cả tâm hồn / nhất là trong những ngày tháng trước lúc Đấng Cứu Thế Giáng Sinh như bài Phúc Âm hôm nay mô tả! Cũng chính từ nơi đây, ông đã chứng minh cho mọi người thấy một nét đẹp kín đáo qua sự lựa chọn xé lòng mà ông vừa thực hiện.

26/ Yuse đã nhận ra điều gì từ nơi vị hôn thê của mình? Mặc dù là người công chính, ông cũng có thể nhận ra ít nhiều dấu hiệu chuyển biến từ nơi Đức Maria / Ông cũng chẳng dám nghi ngờ, mà chỉ dám có chút băn khoăn / để rồi ông định chọn cho mình một giải pháp âm thầm rút lui / Trước lúc triển khai giải pháp: “đào vi thượng sách” mà ông cho là an toàn nhất/ thì ông đã tỏ rõ được nguồn cơn do đã hiểu sự việc và sẵn sàng tiếp nhận Thánh Ý Thiên Chúa: đó là đón Đức Maria về nhà mình bằng tình yêu trong sạch (Mt 1, 24).

27/ Tình yêu trong trắng mà hai đấng khi trao cho nhau, đã phát sinh ra điều gì? Tình yêu ấy đã liên kết Đức Maria và Thánh Yuse để hai người chung sống trong cùng một mái nhà trú nắng che mưa / mà nó đã trở thành một mái ấm dành cho những tấm lòng biết mở ra để cưu mang Đấng Cứu Thế và sẵn sàng để sinh Ngài ra cho dương thế.

28/ Thế nào là tình yêu hai chiều? Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng chỉ cho chúng ta thấy tình yêu hai chiều => Thiên Chúa trao thân cho con người, để con người gởi phận lại cho Thiên Chúa/ Đồng thời cũng là Chúa nhật chỉ cho chúng ta thấy những tấm lòng muốn cộng tác với ơn Cứu độ.

29/ Chúng ta cần phải có tinh thần nào để đón nhận ơn Giáng Sinh? Trong những ngày này, khi đi ra phố xá, tai chúng ta đã nghe vang lên những bài Thánh ca Giáng Sinh quen thuộc / đi ngang qua nhà thờ nào cũng thấy trưng bày những bộ Giáng Sinh, cây thông, hang đá, đèn ông sao đẹp mắt / Đi tới chỗ nào cũng thấp thoáng sắc màu Giáng Sinh.

30/ Thiên Chúa Giáng Sinh một lần đã đủ chưa? Trong những lúc như thế này đây, trong lúc ai cũng đang ca bài ca vì cuộc sống, ai cũng xôn xao, huyên náo tiếp cận Lễ Giáng Sinh, kẻ tiếp thị, người tiếp tân / nhưng chỉ có một số ít người có lòng trinh trắng đủ xứng đáng để trở nên hang đá đón tiếp Chúa Yesus Giáng Sinh / Chúa chỉ cần một lần sinh ra trên trần thế cũng đủ để cứu rỗi muôn người / nhưng giả như Người có đến và sinh ra thêm nhiều lần nữa, thì cũng vẫn chưa đủ, bởi vì nhiều tấm lòng chưa sẵn sàng một tình yêu trao và đón nhận / Liệu hôm nay tâm hồn ta đã sẵn sàng chưa?

31/ Chúa đến với ta, có thúc đẩy ta đến với tha nhân không? Không thể có Mùa Vọng đầy đủ, cũng không thể có Mùa Giáng Sinh đầy đủ, nếu chúng ta không nhận ra lý do Chúa đến với ta, để rồi chúng ta đành làm ngơ trước những thống khổ của tha nhân / Chúng ta chưa thể đón tiếp Chúa cho phải phép, nếu ta từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong cuộc sống hằng ngay!

32/ Yuse đã tiếp nhận ý Chúa và ông đã làm gì? Yuse tiếp nhận ý Chúa qua giấc mộng, để rồi sau đó khi tỉnh dậy, ông đã mau mắn thực thi ý Chúa qua việc chấp nhận từ bỏ ý mình là đón nhận Đức Maria về nhà mình và dùng đức tin để đón nhận Ơn Cứu Độ thay thế cho cả nhân loại.

33/ Tình yêu Giáng Sinh nói lên điều gì? Thiên Chúa đã yêu nhân loại nên trao thân mình qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, đồng thời chúng ta cũng tín gửi thân phận mình trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, đây rõ ràng là 2 chiều gặp gỡ của một tình yêu Giáng Sinh / Có nghĩa là: Tình yêu là động lực khiến Chúa đến với con người, và cũng là nguồn lực thúc đẩy con người chạy ra đón tiếp Chúa / Đây cũng là nổ lực cần có ,để mọi Kitô hữu đón mừng Lễ Giáng Sinh.

 

CHÚ GIẢI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Giải thích => Tảo hôn: Cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn rất trẻ, đang ở tuổi trẻ con / Hứa hôn: Do cha mẹ, hoặc mai mối định liệu việc hôn nhân cho con mình /Đính hôn => Hai đứa trẻ quen biết, tìm hiểu nhau, nhưng chưa chung sống với nhau, nhưng cũng được xem như vợ chồng, chỉ có ly dị mới xóa bỏ được điều này / Kết hôn => là hôn nhân theo đúng nghĩa.

2/ Matthêô đoạn 1, câu 18: Theo tập tục Do Thái, đính hôn là một khế ước / nó ràng buộc hợp pháp, chỉ có thể hủy bỏ nó bằng một chứng thư ly dị / Điều này vi phạm luật Roma, và phạm cả luật ngày nay.

3/ Trong thời gian đính hôn, cả hai người vẫn ở nhà cha mẹ mình / nhưng Maria đã có thai trước lễ cưới.

4/ Đức Maria thụ thai, điều này được nhấn mạnh: Do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

5/ Đoạn 1, câu 19: Khi Yuse biết Maria có thai, ông nghĩ bà là người thất tín, ban đầu Yuse không muốn cưới, nhưng vì ông cũng yêu thương bà / vả lại ông lại là người đạo đức, nếu ông tố cáo, ắt là bà phải chết.

6/ Theo luật Moisen, tội thất tín cho phép xử tử / Nhưng luật Roma lại không cho / Tuy nhiên, ngoài việc Yuse là người công chính, ông còn có lòng hào hiệp và thương người / Ông đã không chọn cách xử trí của con người ích kỷ, ông quyết định bỏ ra đi cách kín đáo và lãnh phần thiệt về mình, cho dù người khác sẽ đánh giá ông là kẻ bội bạc!

7/ Đoạn 1, câu 20: Nếu Đức Maria nói hết sự thật thì chưa chắc Yuse đã tin / chỉ đến khi Thiên sứ nói với ông trong giấc mộng / Thiên Chúa thường dùng các thị kiến và các giấc mộng để mạc khải về chính mình (Ds 12, 6 / Cv 2, 17) / Tuy nhiên không phải giấc mộng nào cũng chứa đựng mạc khải của Thiên Chúa (Gv 5, 2-6 / ĐNL 15, 1-5).

8/ Thiên sứ chào ông Yuse là con vua Đavít / Nhằm ám chỉ đến lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Đavít (Is 7, 13) / Chữ con có nghĩa là dòng dõi / Dòng dõi Đavít đánh mất vinh quang khi thành Yerusalem bị sụp đổ kể từ năm 586 TCN / ngay trong thời gian đất nước độc lập từ năm 168 TCN đến năm 37 TCN, thì dòng dõi của vua Đavít cũng đang ẩn khuất trong bóng tối.

9/ Vua Herode Cả bắt đầu triều đại của ông vào năm 37 TCN / khi quân La Mã đã giúp ông ta chiếm thành Yerusalem.

10/ Như vậy lời hứa của Thiên Chúa hứa ban cho nhà Đavít trước đó cả ngàn năm, và còn hơn 500 năm sau kể từ khi có một người thuộc dòng Đavít lên ngôi / Thời gian đi qua quá lâu, khiến cho người ta quên mất lời hứa của Thiên Chúa.

11/ Đoạn 1, câu 21: Thiên sứ bảo Yuse phải đặt tên con trẻ là Yesus / Đây cũng là tên mà Sứ thần Gabriel đã truyền cho Maria để đặt tên cho Hài Nhi (Lc 1, 31).

12/ Tên Yesus có nghĩa là: Yaveh Cứu Độ / Thiên Chúa Cứu Độ / cũng bao gồm cả ý nghĩa: cứu giúp và giải thoát.

13/ Ý nguyện của Đấng Cứu Thế là gì? Là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi và cái chết / chứ không phải giải thoát là đánh bại kẻ thù / nghĩa là con người Kitô hữu không còn bị lệ thuộc vào quyền lực của sự chết do tội lỗi gây ra, biến con người thành nô lệ của ma quỷ và sẽ bị hủy diệt.

14/ Đức Yesus cứu chúng ta khỏi tội lỗi, nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội / và luôn hy vọng rằng Chúa Yesus sẽ đến cứu mình / Chúa Yesus chỉ giải thoát cho những kẻ tin và dám sống niềm tin của mình / Ngài ban cho họ sự tự do và niềm vui trong đời sống Thần Khí.

15/ Đoạn 1, câu 22: Những điều xảy ra với Đức Maria không chỉ là phép lạ, mà còn là lời Ngôn sứ tiên báo đã được ứng nghiệm / và cũng là phần sống động nhất trong kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa.

16/ Từ khi con người sa ngã, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều hướng về điều này / Con trẻ là dòng dõi của Tổ phụ Abraham đã được hứa trong St 3, 15 / Ngài là tâm điểm mà nhiều vị Ngôn sứ vĩ đại đã nói đến (Tv 2, 16-22 / 110, 118 / Is 7, 9, 11 / Mk 5 / Dcr 4, 6, 9, 14).

17/ Đoạn 1, câu 23: Cách thế Chúa Yesus được sinh hạ, đã ứng nghiệm lời tiên báo của Ngôn sứ Isaia 7, 14 / là Đấng Em-ma-nu-el / Nội dung lời tiên báo của Isaia, rõ ràng nói đến một cuộc hạ sinh siêu nhiên.

18/ Emmanuel là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Sự chào đời của Hài Nhi là một dấu lạ, một lời cảnh báo cho nhà Đavít rằng: người đại diện của Thiên Chúa / Đấng Cứu Độ, sẽ được sinh ra bởi một phụ nữ khiêm hạ, hèn mọn.

19/ Đoạn 1, câu 24: Lời Thiên Chúa nói với Yuse, giúp ông hết hoang mang, bối rối / Với niềm tin đơn thành và tấm lòng vâng phục / Yuse đã đón nhận đường lối của Thiên Chúa, cho dù đường lối ấy làm cho ông bị hiểu lầm.

20/ Yuse đón vợ về nhà mình: Là hôn nhân đã được thực hiện / là Yuse đón Đức Maria về Bêlem / chứ không phải nơi nào khác.

 

TÓM Ý

1/ Phong tục tảo hôn của Trung Hoa và Việt Nam, cha mẹ định liệu việc hôn nhân cho con khi tuổi đời chúng còn còn rất trẻ (5-7 tuổi) (12-13 tuổi)

2/ Tập tục cưới hỏi của Do Thái có 3 gia đoạn : Hứa hôn -> do cha mẹ và người đỡ đầu có lời hứu với nhau khi chúng mới chỉ là con trẻ/ Đính hôn: là giai đoạn cho các em đã ở tuổi mười mấy/ thời gian một năm để tìm hiểu nhau/ nếu cô gái không đồng ý thì việc đính hôn không thành/ một khi đã đính hôn thì 2 đứa đã coi nhau như vợ chồng, dù vẫn nhà ai nấy ở/ hai đứa chưa ăn ở với nhau/ và chỉ có ly dị mới xóa bỏ được việc này/ kết hôn là hôn nhân đã thành sự/

3/ Thánh Mattheu đã khởi đầu tin mừng: này đây trinh nữ sẽ thụ thai, sinh ra một … thánh sử đã kết thúc phúc âm bằng câu: này đây ta sẽ ở cùng các con mọi ngày …

4/ Thiên Chúa đã hiện diện với chúng ta qua các tạo vật mà Ngài tạo dựng, mà Ngài còn gìn giữ nó tồn tại trong một trật tự lạ lùng/ và còn hiện diện với chúng ta qua lời Kinh Thánh.

5/ Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua Đức Ki-tô/ Thiên Chúa đã bước đến với loài người qua hành động của Đức Ki-tô bằng xương bằng thịt.

6/ Sứ thần truyền tin cho Yuse vì muốn giải tỏa nổi lúng túng khi cho biết thai nhi mà mẹ Maria đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần/ Yuse cùng chung sống với các mầu nhiệm -> Mẹ Maria, Chúa Yesus, Yuse cũng là một mầu nhiệm/

7/ Ý muốn của Yuse là cưới Maria về làm vợ và đẻ con/ nhưng ý Thiên Chúa lại muốn khác, muốn ông chỉ là bạn Đức Mẹ thôi, là cha nuôi của Chúa Yesu thôi/

8/ Khi đã biết Thánh ý Chúa, thì Yuse đã vâng phục cách hết sức đơn sơ, và chấp nhận một chút thiệt thòi về mình/ ông đã mau mắn xin vâng để góp công sức vào công cuộc cứu độ nhân loại/

9/ Để cho con Thiên Chúa thi hành sứ vụ cứu độ được hoàn hảo, Ngài cần tiếng xin vâng của Đức Mẹ, của Thánh Yuse, của Chúa Yesus, và của cả chúng ta nữa/

10/ Nhờ vào điều gì mà lời hứu của Thiên Chúa được thành sự/ nhờ Thánh Yuse xin vâng mà Chúa Yesus được mang dòng họ Đavít (2Sm 7,13)/

11/ Thiên Chúa nói với chúng ta bằng ngôn ngữ tình yêu/ như mẹ Thánh Terexa Calcutta/

12/ Chúa Yesus nói với loài người chúng ta về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa/ Ngài đã xuống thế để chung sống với chúng ta và mong muốn đem hết chúng ta về trời để hưởng phúc/

13/ Chúa Yesus thể hiện tình yêu của Ngài với loài người qua việc chữa bệnh tật, rao giảng tin mừng, mạc khải về tình yêu Thiên Chúa, tha thứ tội lỗi và đem chúng ta về trời/ Chúa chỉ chú ý đến người nghèo, người bệnh tật và người tội lỗi.

14/ Nếu thế giới này chỉ nói với nhau bằng ngôn sứ tình yêu thì trái đất này đã hòa bình từ lâu lắm rồi/ nước Chúa trị đến cũng lâu lắm rồi/

15/ Người Do Thái còn mong chờ chuyện xa vời/ mong chờ một Thiên Chúa ở xa/ trong khi Chúa Yesus đến như là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta, một Thiên Chúa yêu thương cứu độ.

16/ Họ mong chờ một Đấng cứu thế giàu sang, oai phong lẫm liệt/ trong khi Chuá Yesus chỉ là một Thiên Chúa nghèo hèn, Ngài đến để cứu độ chứ đâu phải để làm vua/

17/ Nếu Thiên Chúa chỉ ở chốn trời cao, thì Ngài chỉ là một Thiên Chúa cô đơn, không có tình thương/ Ngài quá xa vời và quá mơ hồ đối với loài người/ Ngài đến để giải thoát chứ đâu phải để làm vua.

18/ Ý nghĩa việc xin vâng của Đức Mẹ là gửi trọn thân phận mình vào bàn tay của Thiên Chúa, bất chấp điều đó có thể là một cuộc mạo hiểm chết người/ trinh nữ mà lại mang thai, làm sao ăn nói được với vị hôn phu của mình/ làm sao cho hợp với pháp luật đây?

19/ Chúa Nhật 4 Mùa vọng là tình yêu hai chiều : Thiên Chúa trao thân cho con người/ để con người gửi phận lại cho Thiên Chúa/ và cũng kêu gọi chúng ta cộng tác với ơn cứu độ.

20/ Thiên Chúa giáng sinh một lần thôi, chưa đủ, bởi vì chỉ có một số ít người đón nhận còn lại đa số đông chưa sẵn sàng đón nhận/ vì thế Chúa còn phải giáng sinh hoài/

21/ Chúa đến với ta trong tư thế một kẻ nghèo khó, ý Chúa muốn thúc đẩy chúng ta đến với tha nhân/ chúng ta chưa đón nhận Chúa cho phải phép nếu chúng ta từ chối tiếp nhận tha nhân/

22/ Yuse sau khi tiếp nhận ý Chúa, ông đã mau mắn thực hiện ngay, lần nào cũng thế/ cho dù thực thi ý Chúa lần nào cũng gây thiệt thòi cho ông/ nhưng vi lòng tin yêu phó thác nên ông luôn mau mắn thi hành/

23/ Đức Maria thụ thai do bởi quyền năng Chúa thánh thần/ Thánh Thần đem chân lý đến cho loài người/ dạy ngôn sứ nói điều phải nói/ dạy loài người làm điều phải làm/ Chúa Yesus đã dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa như thế nào/ trước kia tổ tiên chúng ta chỉ biết mơ hồ về Thiên Chúa, nhưng nay chúng ta biết rõ Thiên Chúa qua con người bằng xương thịt của Đức Ki-tô/ Thánh Thần đem chân lý đến và giúp loài người nhận ra chân lý đó/ Chúa Yesus mở mắt người mù, Ngài cũng mở mắt chúng ta/ Chúa Thánh Thần là Đấng tạo dựng, ban sự sống và tái tạo/ Chúa Yesus cứu người chết trong tội lỗi/

24/ Người tin yêu Chúa không phản ứng lại đối với kẻ chà đạp lên danh dự mình/ nhưng biết phó thác mọi sự oan trái lên cho Thiên Chúa/ khi đã cầu nguyện như thế thì họ sẽ thinh lặng như Thánh Yuse/ khi ấy Chúa Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta/ thinh lặng sẽ rất cần thiết, vì nó giúp ta bình tĩnh để lắng nghe tiếng Chúa dạy, giúp chúng ta tập trung và tin tưởng ở Chúa hơn/ Khi gặp trái ý, hãy noi gương Thánh Yuse, thinh lặng, cầu nguyện, vui lòng và phó thác cho Thánh ý Chúa/ hãy chờ đợi Chúa/ Chúa có thể phạt ngay, phạt đời sau, hay phạt con cháu sau này./ R

KBX / GiuseLuca / KT Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1664
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  1078
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403894
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top