Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 4 Phục Sinh A / Giuse Luca

CHÚA NHẬT  4  PHỤC SINH A  

Đề tài: Chúa chiên lành

 

TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga10,14

Haleluia, Haleluia. Chúa nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” - Haleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 10,1-10

Tôi là cửa cho chiên ra vào.”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

Đó là lời Chúa.

Bài 1: MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Danh hiệu mục tử dành cho ai: Trong Cựu Ước, dân Do Thái thường dùng tước hiệu này dành cho Thiên Chúa, Ngài chính là Người Mục Tử đã dẫn dắt họ qua biển đỏ, qua sa mạc để vào miền đất hứa, Ngài nuôi sống họ bằng mana, chim cút, bằng nguồn nước vọt lên từ tảng đá, người mục tử luôn gắn liền sinh mạng mình với đàn chiên. Thiên Chúa cũng luôn ở giữa họ trên mọi nẻo đường.

2/ Tại sao phải dùng danh hiệu Người Mục Tử nhân lành? Khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ lợi dụng, những kẻ trộm cướp. Người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đàn chiên, giữ gìn đàn chiên khỏi mọi thú dữ. Đổi lại, con chiên biết tiếng người mục tử, người mục tử đi trước bảo vệ, còn đàn chiên ngoan ngoãn theo sau.

3/ Ý nghĩa của cửa chuồng chiên: Mỗi khi tổ chức Năm Thánh thì trong ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự một nghi lễ đặc biệt đó là đóng và mở một cánh cửa lớn nằm bên phải Đền Thờ Thánh Phêrô. Nghi lễ này phù hợp với lời khẳng định của Chúa Yesus: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua mà đó vào thì được cứu rỗi. Chúa muốn nói lên rằng: nơi Ngài ,chúng ta sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa, được ơn cứu rỗi, được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

4/ Chúng ta là loại chiên nào? Chúng ta hãy đến với Đức Ki-tô và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài, như lời Thánh Phaolô diễn tả : xưa anh em là những con chiên lạc, giờ đây anh em đã về cùng vị mục tử, Đấng canh giữ linh hồn anh em.

5/ Có mấy loại cánh cửa ? Cánh cửa dùng để mở ra đóng vào, cánh cửa nhà tù để giam kín phạm nhân, cánh cửa lò sát sinh để nhốt thú vật và giết chết. Có những cánh cửa đóng kín để giết chết, hủy hoại , có những cánh cửa mở ra đón không khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời vui tươi ,nồng ấm. Có những cánh cửa mở ra để đón nhận sự sống. Hôm nay Chúa Yesus nhận mình là cánh cửa chuồng chiên.

6/ Kiếp sống trần gian của con người như thế nào : Thỉnh thoảng chúng ta lại nghe tin đồn về ngày tận thế, đó là tin đồn thất thiệt. Chúng ta cũng thường nghe nơi này, nơi kia, tàu chìm, xe đụng, nhà sập, chiến tranh chết chóc, sóng thần. Thật đáng buồn cho số phận hẩm hiu của con người nếu đời chỉ có thế, con người bị giam hãm trong một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất đầy bất trắc và mau tàn tạ.

7/ Chúa phục sinh đã mở cánh cửa nào ? Chúa Yesus phục sinh đã phá vỡ vòng vây hãm của sự chết, khi lăng tảng đá lấp cửa mộ, Chúa Yesus đã mở cho nhân loại một cánh cửa, một cánh cửa mở cho nhân loại đi vào nơi hạnh phúc vô tận, từ nay con người không còn bị kết án vào một thân xác mau tan rã nữa vì Chúa Yesus đã mặc lấy cho họ một thân xác vinh hiển, không bao giờ phải chết, không bị ràng buộc bởi không gian, thời gian nữa.

8/ Sự khác biệt giữa hai loại cửa : Cánh cửa vật chất thì nặng nề, giới hạn. Cánh cửa thần linh thì nhẹ nhàng vô hạn, một bên thì giam hãm con người vào cõi trầm luân chết chóc, một bên đưa con người bay cao lên cửa Thiên Đàng vinh phúc, thoát khỏi kiếp hư hèn, đi vào kiếp sống tự do của con Thiên Chúa.

9/ Con người được sinh ra và sống để làm gì ? Thật là vô lý và phí công nếu con người được sinh ra chỉ để chết. Nếu thế thì thà đừng sống, đừng làm người còn hơn. Mỗi khi ta vào bệnh viện ta thấy gì ? Đau khổ, bệnh tật, rên siết, quằn quại, đau đớn, đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết ? Đời sống như thế thật là vô nghĩa và bất công.

10/ Nhiệm vụ của Chúa Yesus : Chúa Yesus đã bước vào thế giới của sự chết như một dũng sĩ để chống lại thần chết và Người đã chiến thắng, khi Người mở cửa bước ra là đã dẫn chúng ta vào một thế giới mới, một cuộc sống đúng nghĩa và trọn vẹn bởi nó không còn có bóng dáng đau khổ, sự chết và thần chết ///Chính Chúa Yesus đã biến đổi con người, con người được sinh ra không phải để chết, nhưng để sống sung mãn, hạnh phúc vĩnh viễn trong Thiên Chúa là suối nguồn của sự sống.

11/ Niềm hy vọng từ cuộc sống con người: Cho dù nhìn cuộc sống con người có vẻ bế tắc, nhưng nó vẫn có một hướng đi lên, được nâng cao, được phong phú hóa, hoàn thiện hóa. Chính vì thế, dù cuộc sống có khổ đau nhưng con người vẫn có xu hướng vui mừng. Khi một em bé mới chào đời, họ coi đó là ngày sinh nhật, ngày vui trọng đại của một kiếp con người.

12/ Vị Mục Tử Yesus đã làm gì ? Nhưng để mở ra cho kiếp người một chân trời hạnh phúc, Chúa Yesus đã nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bọt bèo của kiếp người, để mở ra cho con người một nguồn sống, Chúa đã phải đón nhận cái chết đau đớn, bởi vì Ngài là vị Mục Tử Chân Chính dám thí mạng vì đàn chiên.

13/ Chúng ta phải làm gì ? Chúa Yesus là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo gót chân Người, ta chỉ nghe tiếng Người, hãy chạy đến với Người, hãy đi theo chân Người, để Người đưa ta đến những đồng cỏ xanh, những dòng suối mát, để Người đổ tràn tình yêu thương và sự sống vào tâm hồn ta, nhờ đó ta được sống đồi dào, hạnh phúc bên Người.

Bài 2: NHẬN DIỆN NGƯỜI MỤC TỬ CHÍNH HIỆU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Mục tử chính và mục tử giả hiệu: Trong tin mừng Yoan, Chúa Yesus thường ví mình như là: Tôi là bánh, Tôi là ánh sáng, Tôi là đường là sự thật…hôm nay Chúa Yesus lại ví mình như mục tử chân chính đi vào cửa chuồng chiên. Chủ chiên thì gọi tên từng con chiên, chiên thì nhận ra tiếng chủ chăn, mục tử giả hiệu hay trộm cướp thì leo tường, leo rào mà vào! Chiên không theo người lạ nhưng chiên chạy trốn, bọn cướp đến chỉ để giết hại và phá hủy đàn chiên.

2/ Tại sao mục tử lại hy sinh mạng sống vì đàn chiên? Chúa Yesus đến để dẫn dắt, để cứu đàn chiên. Giữa mục tử và đàn chiên có mối dây thân thiết bởi vì: Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi, chiên trở thành quý giá đối với mục tử chân chính nên Ngài có thể liều chết vì đàn chiên.

3/ Ý nghĩa của Chúa nhật 4 phục sinh là gì? Giáo hội muốn dành ngày này để cầu nguyện cho ơn gọi Linh Mục, Tu Sĩ. Đây là vấn đề sống còn và phát triển của giáo hội. Ở Việt Nam cũng thiếu Linh Mục, tuy không quá trầm trọng nhưng nhiều nơi phải giao cho giáo dân coi sóc họ đạo. Có nhiều Linh Mục phải coi cùng lúc cả chục họ đạo nằm rải rác cách xa nhau và khó đi, nhiều nơi trên thế giới rất thiếu vắng Linh Mục, có nhiều dòng tu phải đóng cửa vì cơ sở không có lớp trẻ kế tục, nhiều nước Châu Âu phải bán đi các cơ sở Tôn Giáo. Đây là một thực tại đáng lo.

4/ Giáo hội hôm nay đang cần gì? Giáo hội hôm nay là tương lai rất cần đến sự hướng dẫn của các mục tử. Rất nhiều đàn chiên cần phải được sống trong những đồng cỏ xanh tươi. Giáo hội đang rất cần đến các Tu Sĩ sống đời Thánh hiến. Thế giới đang rất cần linh mục , rất thiếu hiểu biết về tình yêu. Họ cần thấy được những thực tại vô hình và phải được hướng dẫn để sống, vươn lên, thoát khỏi những thứ xem ra rất tự nhiên, rất bình thường, rất hợp lý.

5/ Nhiệm vụ của Người Ki-tô hữu làm gì? Làm người là một đặc ân, làm Ki-tô hữu là một ơn gọi, mọi Kitô hữu đều có bổn phận làm chứng cho tin mừng, nhưng Chúa luôn cần một số người đáp ứng lại ơn gọi đặc biệt để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho Nước Chúa và bắt chước lối sống của Đức Kitô tận căn hơn, triệt để hơn, nhiệt thành hơn.

6/ Tại sao đời tu không hấp dẫn giới trẻ? Ai trong chúng ta cũng băn khoăn trước câu hỏi => Tại sao Giáo hội hôm nay lại thiếu ơn gọi Linh Mục, có phải vì đời tu không hấp dẫn, hay tại lối sống thực dụng, lối sống hưởng thụ đã làm cho người trẻ mất đi cảm nhận về những thực tại siêu nhiên như là Đức tin nên họ cảm thấy xa lạ với Thiên Chúa, hay tại chúng ta không dám đóng góp vào công việc cổ võ ơn gọi, nuôi sống và quan tâm chăm sóc ơn gọi. Chúng ta có cảm thấy mình thiếu sót hay là tại chúng ta  đòi hỏi quá cao, phê bình quá gay gắt, khiến cho giới trẻ lo sợ không dám đến với ơn gọi?

7/ Sứ điệp của Đức Thánh Cha (1996) Yoan Phaolô II đã nói gì? Đây là sứ điệp ơn gọi, Đức Thánh Cha nhắc đến việc phải chăm lo cho hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn Giáo phận , Giáo xứ.

8/ Nhiệm vụ của cộng đoàn là phải làm gì? Ngài nhấn mạnh: Cộng đoàn phải biết lắng nghe Lời Chúa để lớp trẻ dễ nghe tiếng Chúa gọi vang lên trong tim mình, Cộng đoàn phải biết chuyên tâm cầu nguyện, coi việc cầu nguyện riêng tư trước nhan Chúa là quan trọng. Chỉ trong bầu khí thầm lặng cầu nguyện, người trẻ mới dễ dàng đáp lại tiếng Chúa kêu mời, để ra đi quên mình phục vụ cho lợi ích của tha nhân. Khao khát làm cho muôn người trở thành môn đệ của Chúa Kitô .

9/ Vì sao giới trẻ hôm nay ít quan tâm đến ơn gọi? Họ có lòng quảng đại, họ có lý tưởng, họ có ước mơ nhưng thiếu người giúp họ gặp được Chúa, làm cho họ say mê lý tưởng của Ngài, giúp họ khát khao gieo rắc tin mừng cứu độ ra khắp thế giới, giúp họ nghe được tiếng kêu của những con người khao khát chân lý.

10/ Giới trẻ hôm nay đang cần gì? Họ đang cần những người thầy, những người bạn dám sống điều mình tin và giúp họ đứng vững trước bao cơn cám dỗ, thế giới thiếu ơn gọi cũng do lỗi của chúng ta, do chúng ta thiếu lời cầu nguyện, do chúng ta không chịu sống gương sáng! Họ cần những Mục Tử chính hiệu.

11/ Ước mơ của mọi người về một linh mục: Một linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, có đời sống phục vụ hết mình, có trái tim rộng mở, biết yêu thương, ôm ấp hết mọi người, là người dám nghĩ, dám làm và sống bác ái đúng như Chúa dạy.

12/ Lời cầu nguyện cho các linh mục: Xin Chúa ban cho chúng con có được những linh mục Thánh thiện, có thể nuôi sống chúng con bằng tấm bánh Lời Chúa và Thánh thể Chúa. Xin Chúa cho các Ngài có trái tim yêu Chúa và yêu tha nhân, dám hy sinh đời mình để bảo vệ đàn chiên và mạnh mẽ dẫn đưa chúng con đến với Chúa là nguồn sống đích thực . Amen. 

Bài 3: NHẬN DIỆN KẺ CƯỚP

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Hôm nay thế giới chung lời cầu nguyện cho ai? Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu Linh mục, Tu sĩ , cứ mỗi năm đến ngày chúa nhật thứ tư mùa phục sinh, Giáo hội đều dành riêng ngày này để kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho ơn kêu gọi.

2/ Tình trạng khó khăn của các Giáo hội phương tây như thế nào? Tại hầu hết các nước phương tây, hiện nay càng ngày càng có nhiều chủng viện phải đóng cửa, nhiều dòng tu đang bỏ trống, số Linh mục, Tu sĩ già nua ngày càng gia tăng. Khi nói đến ơn gọi Linh mục, Tu sĩ tại Việt Nam, chúng ta đều biết thời thế đã biến đổi rất nhiều, chính phủ đã dành nhiều ưu đãi cho việc phát triển tôn giáo.

3/ Kẻ chăn thuê và phường trộm cướp, chúng ta cần phải hiểu như thế nào?Chiếm độc quyền phục vụ là một điều bất công, phục vụ mà không theo gương Chúa Yesus thì cũng chỉ là trò lừa bịp mà thôi. Trong tin mừng hôm nay, Chúa gọi cách phục vụ đó là của kẻ cướp, chúng ta đương nhiên hiểu được giọng điệu gay gắt của Chúa Yesus trong bài phúc âm hôm nay.

4/ Bối cảnh của bài tin mừng: Nếu chúng ta nhìn toàn bộ bối cảnh của bài tin mừng hôm nay, tác giả của bài tin mừng cho chúng ta biết rằng: Chúa Yesus đã lên tiếng trước đám đông nhân ngày lễ cung hiến đền thờ của người Do Thái. Đây là lễ tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng của anh em nhà Macabê, chống lại đế quốc Hy Lạp vào thế kỷ thứ II trước công nguyên. Nhiều người đã lợi dụng điều này để đứng lên chống lại sự cai trị của đế quốc La mã, nhưng đám biệt phái lại lợi dụng cơ hội này để xúi dục dân chúng chống lại Chúa Yesus.

5/ Trong bối cảnh này, Chúa Yesus đã muốn nói lên điều gì? Chúa muốn đưa hình ảnh người mục tử nhân lành và đồng thời tố cáo hành động mà Ngài điểm mặt những người biệt phái và tố cáo hành động của họ là của kẻ cướp/ bọn biệt phái cũng hô hào phục vụ canh tân, nhưng CHúa Yesus đã điểm mặt họ là họ chỉ chất lên vai người dân không biết bao nhiêu gánh nặng, còn chính họ thì không lay động ngón tay.

6/ Cung cách phục vụ của Chúa Yesus như thế nào? Chúa Yesus tự ví mình là cửa chuồng chiên, muốn đi vào, muốn phục vụ đàn chiên thì người phục vụ phải đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi khác đều là của quân trộm cướp, Chúa Yesus muốn nhấn mạnh điều này: Chỉ có một cách phục vụ duy nhất, đúng nhất, đó là phục vụ y như Ngài, nghĩa là sẵn sàng hiến thân vì tha nhân , còn nếu ai phục vụ ngược lại thì kẻ ấy chỉ là kẻ cướp mà thôi.

7/ Chúng ta xin gì cùng Chúa Yesus? nếu muốn cầu xin cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo hội Việt Nam luôn sống theo cung cách phục vụ của Chúa Yesus. Chúng ta hãy cầu xin cho các Giáo xứ, các gia đình Việt Nam biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Yesus, ngõ hầu đất ấy sẽ trỗ sinh nhiều ơn gọi phục vụ đích thực trong Giáo hội.

8/ Công việc của người chủ chăn phải làm là gì? Chủ chăn phải đi trước để dò đường, tìm đường nẽo nào an toàn để cho đàn chiên đi theo sau, người chủ chăn phải quan sát đằng xa coi có thú dữ hay quân trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là để ý đến con đường trước mặt có dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm gai góc không? Có khúc quanh nào cheo leo, có cỏ độc, cỏ dại nào ở ven đường hay không? Nếu có thì phải tránh, phải nhổ bỏ đi.

9/ Địa thế của Do Thái có khác ở Việt Nam hay không? Đất nước Do Thái không có địa thế dễ dàng như ở Việt Nam, bởi đất nước họ có nhiều hoang mạc, có sỏi đá, cát nóng, nhất là mùa hè, người chủ chăn phải khó nhọc lắm mới kiếm được cỏ cho đàn chiên.

10/ Làm sao chúng ta cảm nghiệm được sự dẫn dắt của Chúa? Có biết bao nhiêu biến cố trong đời đều do bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt, để nói lên rằng Chúa luôn luôn đi trước mặt ta, đi bên cạnh ta, mỗi ngày Chúa vẫn đưa chúng ta vượt qua mọi sự khốn khó cách bình an nhưng chúng ta nào có hay biết.

11/ Những biến cố trong đời ta nói lên điều gì? Có biết bao lần trong đời chúng ta đã thất bại trắng tay, dù thế, cho đến hôm nay chúng ta cũng đâu có chết đói? Biết bao cảnh âu lo, hoạn nạn nhưng mọi sự rồi cũng tai qua nạn khỏi, chúng ta đâu có ngờ rằng đó là do bàn tay nhân từ của Chúa chăm sóc chúng ta.

12/ Tại sao mình lại xứng đáng lãnh nhận ơn huệ đó? Chúa đã ban nhiều ơn riêng ,nhưng khi tự xét lại mình, chúng ta đâu có xứng đáng, ngẫm nghĩ lại chuyện Vua Đavít, đã có biết bao lần ông ở cùng đường, gần kề huyệt mộ nhưng Chúa vẫn thương tình kéo ông ra như là: Một mình tay không đánh nhau với sư tử, thách đấu với Goliath….sau này khi nhớ lại mọi sự : Chúa đã săn sóc ông quá nhiều khiến cho ông cảm kích nên đã viết lên Thánh vịnh 23.

13/ Chúa muốn chúng ta làm gì? Chúa luôn muốn chúng ta làm điều tốt lành, nếu chúng ta tuân theo huấn lệnh của Ngài, chúng ta sẽ không bao giờ phải lầm lạc, hối tiếc.Tuy thế, đôi khi vì óc thiển cận, vì đam mê vẻ hào nhoáng bên ngoài, chúng ta bị che mắt nên không thấy được đường nẻo của Chúa, chúng ta làm ngược lại ý Ngài, khiến cho Ngài buồn lòng và phải buông lời quở trách.

Bài 4: CON CHIÊN LẠC

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Hậu quả của việc bỏ xa Chúa: Càng xa Chúa, chúng ta càng thất bại cay đắng. Nếu chúng ta là con Chúa, chúng ta phải biết là mình dại dột làm theo ý riêng. Hãy lo mau ăn năn sám hối, trở về cùng Chúa. Nếu là người lành Thánh thì hãy bình tĩnh vì Chúa đang thanh luyện chúng ta, Chúa muốn chúng ta cùng đóng góp.

2/ Chúng ta cảm nghiệm được gì? Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều thứ xảy ra không như ý muốn, biết bao người đang bị sóng gió khổ đau vùi dập, trước mắt luôn có một màu đen ảm đạm, màu tím của bệnh tật, chẳng thể biết được ngày mai sẽ ra sao. Chúng ta luôn phải đối diện với cơm áo gạo tiền, phải đối diện với con cái, tương lai sự nghiệp.

3/ Chúng ta phải sống thế nào? Xin hãy đặt trót niềm tin tưởng vào Chúa, Chúa là người chủ chăn tốt lành, Ngài sẽ lo liệu mọi sự nếu chúng ta nương cậy ở nơi Ngài, như một con chiên bé nhỏ nương vậy vào người chủ chăn.

4/ Điều gì đáng lo ngại đang diễn ra? Các giám mục Brazil lên tiếng báo động trong khóa họp thường niên vào tháng 11/1995 như sau: Số tín đồ Công giáo quy thuận các Giáo phái tin lành đang gia tăng rất đáng ngại. Hàng Giáo sĩ, Tu sĩ thì sống hững hờ với bổn phận. Tín hữu ham vật chất đã chạy theo các nhà tư bản, các cường hào ác bá, các địa chủ . Các Giáo phái tin lành bỏ tiền ra lập xưởng trả lương hậu hỷ và chỉ thu nhận những ai thuộc giáo phái của họ. Họ lạnh lùng trả lời: “Không có việc” khi thấy “mác” Công giáo trong hồ sơ xin việc, họ công khai hứa hẹn sẽ cho việc làm nếu tự nguyện gia nhập giáo phái của họ.

5/ Hậu quả của chiên không có chủ chăn là gì? Chiên bị bỏ rơi nên đi hoang, bị thú dữ ăn thịt, bị kẻ cướp bắt đi là chuyện đương nhiên, chỉ có chủ chăn là đáng trách vì không màn đến sự an nguy của đàn chiên, chuồng thì bị sập đổ tan hoang, cửa thì mở toang, lại hư hỏng, thức ăn thì thiếu lại bẩn, sói chưa đến mà chủ chăn đã bỏ chạy, nhìn số phận đàn chiên thật thê thảm, mọi sự phải làm lại từ đầu, phải đi theo mô hình của Đức kitô.

6/ Câu chuyện về hai dấu chân in trên cát: Chuyện kể rằng, trong một giấc mơ, một thanh niên nọ mơ về một cuộc song hành với Chúa Yesus trên bờ biển, chân dẫm lên làn cát mịn bên bờ , chân Chúa và chân cậu ta in dấu chân đều đặn trên nền cát nên cậu ta thưa cùng Chúa rằng: Coi kìa sao dấu chân của Chúa và của con sao khắn khít và đều đặn quá. Thình lình cơn giông bão xuất hiện, gió thổi mạnh, sóng biển gào thét, văng nước tung tóe lên bờ, cậu ta rùng mình khiếp sợ, nhưng Chúa vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì. Khi nhìn lại phía sau, thì lạ quá, cậu không thấy hai dấu chân song hành nữa mà chỉ còn một thôi, nên cậu hỏi Chúa: Sao chỉ còn có một dấu chân thôi hả Chúa? Chúa thân thương trả lời: Trước kia con vui vẻ hạnh phúc nên Ta để cho con bước đi theo Ta, bây giờ con hốt hoảng vì mất bình tĩnh nên Ta phải vác con lên vai, nên dấu chân bây giờ con thấy là của Ta.

7/ Bài học từ câu chuyện trên đây: Chúa luôn yêu thương, chăm sóc và bảo vệ ta, thấy tình trạng non yếu vì bệnh hoạn hay vững mạnh, trưởng thành của từng con chiên, Chúa dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước trong lành, nếu có sói dữ Chúa sẽ xua đuổi và hy sinh mạng sống  để cứu con chiên. Nếu không có cuộc khổ nạn, cái chết nhục nhã và sự phục sinh vinh quang thì hình ảnh Chúa chiên lành chỉ là giả tưởng.

8/ Thế nào là tình yêu tuyệt đỉnh? Chúa minh chứng tình yêu lý tưởng và tuyệt vời qua hình ảnh một mục tử dám thí mạng vì đàn chiên, đây là một mẫu tình yêu lý tưởng, tình yêu cao thượng mà hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ, Giáo dân phải luôn ước mơ và thực hiện cho bằng được.

9/ Vì sao ta hay thách Chúa? Chúa thường thinh lặng quá lâu trước những khổ đau và làm ngơ trước những bất công mà chúng ta đang gặp phải, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Ơn Chúa vẫn đủ để giúp chúng ta vác Thánh giá, chịu đau khổ và đi theo Chúa, chúng ta trách oan Chúa trong khi chúng ta vẫn đang ở trên vai Chúa. Chúng ta thường có thói quen cướp công của Chúa khi được thành công hay lúc gặp an ủi vui mừng. Chúng ta quả là dại khờ khi tự mình đi vào ngõ cụt mà Lời Thánh chúng ta không nghe, đường Thánh chúng ta không chịu đi. Khi thất bại thì nhăn nhó, mè nheo, đổ lỗi, chạy tội như đám trẻ thơ, chúng ta bực bội vì không được leo cây, xài dao, lái xe tốc độ nên tố Cha mẹ là lỗi thời /nhưng lỡ khi chúng ta bị tai nạn, trẹo giò, gãy chân, u đầu, sức trán thì lại trách cha mẹ sao không chịu cấm cản, khuyên răn, chúng ta thường bỏ qua lỗi của mình và chỉ luôn trách Chúa.

10/ Người Kitô hữu có lý tưởng gì? Chúng ta luôn nhận ơn trời và sống kiếp con Thiên Chúa, đây là lý tưởng của người Kitô hữu, chúng ta đang đồng hành với Chúa Kitô, người khỏe đang đỡ người yếu, người lãnh đạo đang phục vụ cho tập thể, Cha mẹ đang hy sinh cho đàn con, con cái đang ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, tất cả cùng tiến vào đồng cỏ xanh, cùng chạy đến dòng suối mát, cùng nhau đang quy tụ về nơi an nghỉ. Bây giờ chúng ta đang cùng chịu khổ với Chúa. Chúng ta hãy nghe lời chủ chăn để được sống đồi dào và không lạc lối (Yn10,10)

TÓM Ý

1/ Danh hiệu Mục tử dành cho Thiên Chúa trong Cựu Ước: Chính Ngài đã dẫn dắt dân Do Thái qua biển đỏ, qua samạc để vào miền đất hứa, Ngài nuôi sống họ bằng man-na, chim cút và nước vọt lên từ tảng đá, Thiên Chúa luôn ở giữa họ trên mọi nẻo đường.

2/ Người Mục tử nhân lành dám thí mạng vì đàn chiên, khác với kẻ chăn thuê, giữ mướn, những kẻ lợi dụng, những kẻ trộm cướp, người Mục tử đi trước bảo vệ đàn chiên.

3/ Chuồng chiên chỉ có một cửa, người chủ chăn đi vào bằng cửa chính, trộm cướp thì leo rào, trèo tường mà vào, kẻ chăn mướn khi thấy thú dữ thì bỏ chạy, không dám liều mạng vì đàn chiên.

4/ Chúng ta là chiên của Chúa, nghe tiếng chủ và biết tiếng chủ, chúng ta không phải là con chiên lạc vì chúng ta đi theo chủ chăn.

5/ Có hai loại cánh cửa: Cánh cửa nhốt vào như cánh cửa nhà tù, như cánh cửa lò sát sinh dùng để giết chiên. Còn một cánh cửa mở ra đón không khí trong lành, đón ánh mặt trời ấm áp, hạnh phúc.

6/ Kiếp sống trần gian của con người quá hạn hẹp, quá hẩm hiu, đầy bất trắc, chết chóc và mau tan rã. Kiếp sống con người là bèo bọt, mong manh.

7/ Cánh cửa vật chất nặng nề, giới hạn, cánh cửa thần linh thì nhẹ nhàng vô hạn. Một bên giam hãm con người vào sự trầm luân, chết chóc, một cánh cửa kia mở ra cho con người đi vào cõi hạnh phúc vô tận. Chúa đã mặc lấy cho chúng ta một thân xác vinh hiển, đi vào kiếp sống tự do hạnh phúc của con Thiên Chúa.

8/ Nếu con người sinh ra để rồi chết, thì thật là phí công, vô lý, vô ích, thế thì đừng sống, đừng làm người làm gì// ta hãy vào bệnh viện mà xem, thật bất công, thật vô nghĩa.

9/ Chúa Yesus là một dũng sĩ, đi vào cõi chết để chiến thắng sự chết, khi Ngài mở cửa ra, Ngài dẫn chúng ta vào một thế giới mới, một thế giới không có bóng dáng đau khổ, chết chóc. Thần Khí Chúa đã biến đổi kiếp người, bởi vì con người được sinh ra không phải để chết, nhưng để sống vinh hiển như con Thiên Chúa.

10/ Kiếp con người dù có bế tắc nhưng vẫn có hướng đi lên, được phong phú hóa, được hoàn thiện hóa, bởi thế kiếp người vẫn có điều vui mừng, cho nên mừng sinh nhật là cách con người kỷ niệm ngày vui trọng đại, là ngày mà mình sinh ra.

11/ Để mở ra chân trời hạnh phúc cho con người, Chúa Yesus đã phải dùng chính mạng sống mình để đổi lấy một kiếp sống phù du, khổ đau nhục nhã và dám chết vì đàn chiên, bởi vì Ngài là Mục Tử Nhân Lành.

12/ Chúa Yesus là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống nên chúng ta phải theo gót chân Người, phải nhận ra tiếng Người, phải chạy đến với Người, Người có đủ mọi thứ giúp chúng ta có được nguồn hạnh phúc dồi dào bên Người.

13/ Mục tử chính hiệu phải có 3 điều kiện: a) Là phải đi vào cửa chính của chuồng chiên. b) Thân thiết với đàn chiên. c) Đi trước để bảo vệ đàn chiên, dẫn dắt đàn chiên được ăn no đủ, sống an toàn.

14/ Mục tử chính hiệu vì thương, quý đàn chiên nên dám chết vì chiên của mình.

15/ Chúa nhật 4 phục sinh, là ngày mà Giáo hội cầu nguyện cho ơn Thiên triệu Linh mục, Tu sĩ //đây là vấn đề sống còn và phát triển của Giáo hội. Ở Việt Nam Linh mục thiếu rất nhiều, các nước Châu Âu thì thiếu trầm trọng.

16/ Thế giới đang thiếu những mục tử chân chính, thiếu người hướng dẫn, thanh niên nam nữ đang bơ vơ lạc lõng vì không tìm ra được lẽ sống, không tìm ra được chân lý, không có đức tin, không biết Thiên Chúa là ai.

17/ Bổn phận người Kitô hữu là vun trồng, nuôi dưỡng ơn gọi, phải cầu nguyện cho nhiều người trẻ dám dấn thân, dám đáp ứng tiếng gọi của Chúa Yesus, ra đi truyền giảng tin mừng, làm cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

18/ Người trẻ hôm nay không muốn đáp lại tiếng gọi dấn thân, họ đang ngụp lặn trong tiền bạc, danh vọng, lạc thú, họ chỉ nhìn thấy những thứ trước mắt chứ không dám dấn thân ra đi hy sinh, khám phá để giúp người khác sống tốt. Họ chỉ đam mê những thứ hữu hình và gạt qua một bên những thực tế vô hình như là: Đức tin, chân lý, Thiên Chúa, lý tưởng.

19/ Sứ điệp 1996 của Đức Thánh Cha Yoan Phaolô II: kêu gọi mọi thành phần dân Chúa phải lo cho hạt giống nảy mầm ơn gọi, vì trước tiên ơn gọi phải được gieo trồng vào trong môi trường sống tại gia đình, Giáo xứ, Giáo phận. Ngài nhắn nhủ chúng ta sống phải cầu nguyện nhiều, phải hy sinh đóng góp vật chất cho công việc đào tạo chủ chiên, phải cầu nguyện để gìn giữ thánh hóa các chủ chiên đang thi hành tác vụ.

20/ Giới trẻ hôm nay luôn có bầu nhiệt huyết, có lòng quảng đại, dám hy sinh nhưng lại thiếu người hướng dẫn, thiếu người làm chủ chăn gương mẫu để cho họ noi gương bắt chước. Bởi họ luôn thấy điều ngược lại khiến họ mất niềm tin.

21/ Giáo hội đang rất cần những Linh Mục dám sống như Đức Kitô đã sống, đã làm, chúng ta luôn ước ao có nhiều Linh Mục thánh thiện, quả cảm, quảng đại, dám hy sinh đời mình để bảo vệ đàn chiên, dám nói, dám làm, dám sống đúng những gì Chúa Yesus đã dạy, đã yêu cầu, đã làm gương.

22/ Cuối cùng, Chúa muốn chúng ta phải an tâm khi bước theo Chúa, để nói lên rằng Chúa Yesus đang đi trước mặt ta, đi bên cạnh ta. Chúng ta thường không để ý đến cách săn sóc kín nhiệm nhưng rất chu đáo của Chúa, để chúng ta an tâm làm bổn phận, làm con chiên ngoan đạo, luôn biết nghe lời và thực hành lời chủ chiên dạy bảo.

 GiuseLuca, KT Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1407
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  793
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403609
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top