Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 12 Thường Niên A / Đừng sợ / Giuse Luca.

CHÚA NHẬT  12 THƯỜNG NIÊN A 

ĐỀ TÀIHÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA ( ĐỪNG SỢ) .       

 

 

Tung hô Tin Mừng:   x. Ga 15, 26b.27a

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: Thần khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 10, 26-33

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

26 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1. Lo sợ là gì?

2. Đối nghịch với hoảng sợ là gì?

3.Tại sao Chúa lại muốn ta phân định rõ ràng?

4.Trong con người của chúng ta, thứ nào quý giá nhất?

5.Chúng ta cần lựa chọn như thế nào?

6. Thời cơ là gì?

7. Tại sao thời cơ lại không còn?

8. Nguyên lý sống của con người là gì?

9. Chúng ta phải ứng xử như thế nào?

10.  Lúc nào là thời cơ thuận tiện?

11.  Thứ gì ta không nên sợ?

12.  Thứ gì đáng sợ nhất?

13.  Hôm nay qua bài tin mừng, Chúa Giê-su muốn dạy gì?

14.  Đến lúc nào thì chúng ta phải công khai chân lý?

15.  Vì sao chúng ta không nên sợ?

16.  Con người cao quý như thế nào?

17.  Chúng ta trung tín với Chúa, chúng ta sẽ được gì?

18.  Làm sao chúng ta có thể chiến thắng sự sợ hãi?

19.  Phương thế nào giúp chúng ta vượt thắng mọi nỗi lo sợ?

20.  Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta phải sống như thế nào?

21.  Giá trị thật của những việc làm ở đời này là gì?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: CẦN PHẢI SỢ ĐIỀU GÌ ?

1)Hoảng sợ là gì? Là trạng thái mất tự chủ đột ngột do sợ hãi trước một đe dọa nào đó. Có khi là những vật thể hữu hình hữu hình, cũng có khi là vô hình.

2)Đối nghịch với hoảng sợ là gì? Có người thấy con chuột, con gián thì co rúm lại, có người liều lĩnh chẳng biết sợ là gì / có người rất sợ chết, có người coi mạng sống của mình như không  / một đàng thì bất cập, một đàng thì thái quá

3)Hôm nay Chúa Giê-su muốn dạy gì qua bài tin mừng? Vấn đề Chúa muốn đưa ra đây không phải là sợ hay không sợ, nhưng là phải biết phân định rõ ràng: Điều nào nên sợ và điều nào không nên sợ.

4)Chúa Giê-su muốn chúng ta nên phân định như thế nào? Thứ gì trên đời này cũng có giá trị, tuy khác nhau nhưng chỉ có sự sống là quý giá nhất. Nên Chúa  dạy ta phải biết trân trọng. Vì nếu mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống cũng có nhiều cấp độ. Sự sống thể xác và sự sống của linh hồn. Sự sống đời này còn có sự sống đời sau. Sự sống đời này chóng qua, còn sự sống đời sau thì vĩnh cửu.

5)Chúng ta phải lựa chọn như thế nào? Sự sống thể xác thì mau tàn. Sự sống linh hồn thì bất diệt. Ta phải yêu quý cả hai, nhưng lại không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai. Vì vậy, nên ta phải chọn sự sống nào cao quý hơn, đó là linh hồn, là sự sống mai sau.

6)Thời cơ là gì? Nhiều khi thời cơ thuận lợi chỉ đến một lần/ Khi đã lỡ thời thì không thể nào tìm được nữa. Lỡ thời cơ có thể hỏng cả cuộc đời. Ở đây Chúa Giê-su muốn đề cập thời cơ: Thời rao giảng lời Chúa, thời cơ làm vinh danh Chúa, thời cơ lập công chuộc tội, thời cơ được ơn cứu độ.

7)Tại sao thời cơ lại có khi hết? Cuộc sống trần gian của người Ki-tô hữu chính là thời cơ để rao truyền Lời Chúa. Sẽ tới  lúc cơ hội sẽ hết, thời cơ ở trần gian để làm vinh danh Chúa sẽ không còn nữa. Bởi vì thời cơ ở trần gian khi còn được sống giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan cấm cách. Chính là cơ hội để chúng ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt các cơ hội đó cũng chẳng còn.

8)Nguyên lý sống của con người là gì? Chúng ta cần biết rõ: Thiên Chúa là chủ tể mọi loài, Ngài cầm quyền sinh tử, Ngài an bài mọi sự. Chúa giao cho con người quản lý chúng một thời gian, nhưng chỉ trong một số lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, Thiên Chúa sẽ xét xử , sẽ thưởng công hoặc trừng phạt.

9)Khi đã biết nguyên lý, chúng ta phải ứng xử thế nào? Khi đã biết Chúa  là chủ tể, Ngài làm chủ cả xác lẫn hồn, làm chủ đời này và cả đời sau. Do đó chúng ta sẽ phải sợ mất linh hồn, mà linh hồn là thứ quý nhất mà Thiên Chúa ban tặng. Đó là được sống hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa . Một khi đã mất linh hồn thì sẽ mất tất cả. Chúa Giê-su đã từng nhắc nhở: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì?

10) Thế  nào là lỡ thời cơ? Chúa  bảo hãy làm việc khi còn là ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta đang còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng thì sẽ lỡ cả cuộc đời. Hãy nhìn các cô trinh nữ khờ dại, hãy học bài học từ người tôi tớ lười biếng.

11) Tại sao ta không nên sợ người đời? Vì người đời nay còn, mai mất. Họ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Chúng ta sẽ không sợ mất mạng sống vì mạng sống nơi thân xác cũng chỉ là tạm bợ, chẳng tồn tại lâu dài. Nếu thân xác có chịu khổ hình, rồi sau đó nó cũng qua đi thôi,

12) Ai là người không sợ đau khổ? Đau khổ thì ai lại không sợ. Nếu nói không sợ thì không đúng. Trong vườn cây dầu, cho dù Chúa Giê-su có sợ đến toát mồ hôi máu, nhưng Chúa vẫn tiến bước vào cuộc khổ nạn. Người môn đệ biết cái chết đang cận kề, nhưng các Ngài vẫn mạnh dạn tuyên xưng Danh Chúa. Các Ngài vẫn kiên trì rao giảng, các Ngài dám chấp nhận tất cả mọi khổ đau thử thách. Những thua thiệt của cuộc đời chóng qua này với niềm tin vững chắc vào người Cha nhân lành / Ngài đã an bài mọi sự và phần thưởng lớn lao mà Ngài dành cho ta là Hạnh Phúc Vĩnh Cửu đời sau.  **R

 

Bài 2: PHƯƠNG THẾ VƯỢT THẮNG SỰ SỢ HÃI 

13) Ý chính của bài Tin Mừng hôm nay là gì? Lời Chúa Giê-su trấn an các tông đồ về thái độ của người môn đệ khi được sai đi thi hành sứ vụ. Là phải có thái độ bất khuất trước những đe dọa của người đời, và phải hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng và sự quan phòng khôn ngoan của người Cha Thiên Chúa.

14) Điều gì che dấu, điều gì phải hé lộ? Chân lý mà Đức Ki-tô khi còn tại thế có thể bị che dấu phần nào. Thế nhưng sau này khi hội thánh đã được thiết lập thì mọi sự ấy sẽ được bung ra công khai cho mọi người .

15) Vì sao chúng ta không nên sợ? Thiên Chúa là đấng nắm quyền sinh sát trong tay mà Ngài chính là người Cha nhân ái. Người đời chỉ có thể đe dọa và làm hại phần xác. Lý do này khiến cho các tông đồ luôn can đảm và bất khuất. Người đời chỉ có thể làm khổ chúng ta trong một thời gian ngắn, Cho nên những lo âu sợ hãi ở đời này không thể ngăn cản các tông đồ làm chứng cho Đức Ki-tô.

16) Một lý do nữa khiến các ông không nên sợ là gì? Thiên Chúa luôn quan phòng săn sóc các tạo vật ,cho dù là các tạo vật bé nhỏ nhất như là con chim sẻ hay sợi tóc. Còn chúng ta đây là những con người giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta còn quý giá hơn bọn chúng rất nhiều.

17) Khi trung thành làm chứng cho Chúa  thì chúng ta được gì? Nếu ở đời này chúng ta trung thành làm chứng cho Chúa , thì ở đời sau, Chúa Giê-su cũng sẽ bênh đỡ chúng ta trước tòa Thiên Chúa Cha.

18) Lời nói đừng sợ của Chúa Giê-su sẽ có tác động như thế nào? Chúa vừa muốn trấn an, vừa muốn động viên để các tông đồ can đảm đương đầu với các cuộc bách hại. Người tông đồ cần phải sáng suốt nhưng cũng cần phải vững tâm trước mọi cơn cám dỗ và thử thách. Ai có đức tin mạnh sẽ xua đuổi sự sợ hãi và ý thức rằng mình cũng thuộc về Thiên Chúa , nên cũng phải chịu một số phận như Đấng Cứu thế / nhờ đó giúp chúng ta vững lòng.

19) Phương thế mà Chúa Giê-su muốn chúng ta đương đầu và vượt thắng là gì? Chúa bảo: Hãy tin tưởng cậy trông để nhận lãnh ơn phù trợ từ nơi Thiên Chúa. Hơn nữa Chúa  cũng nhắc rằng : Phẩm giá của người tông đồ thì hơn hẳn loài chim sẻ, điều này dạy ta  rằng: Thiên Chúa luôn an bài, quan phòng và chăm sóc chúng ta.

20) Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta như thế nào? Chúa chỉ co các tông đồ cách phân biệt lợi-hại: Sợ chết phần xác và sợ mất sự sống linh hồn đời đời. Nếu so sánh giữa hai sự thiệt hại thì sự mất mát phần xác chỉ là chuyện nhỏ so với việc bảo vệ sự sống đời đời mai sau.

21) Giá trị thật của những việc làm khi còn sống là gì? Những việc làm sáng danh Chúa  khi còn sống ở trần gian sẽ có ảnh hưởng và giá trị cho phần phúc đời sau, đúng như lời Chúa  nói : Ai tuyên xưng Thầy ở đời này, thì Thầy cũng tuyên xưng cho họ trước mặt  cha Thầy đấng ngự trên trời.

22) Chúa Giê-su dạy các tông đồ phải sống như thế nào? Khi Chúa nói: Các con đừng sợ là Chúa muốn chỉ thị cho các tông đồ rằng: Người Kitô hữu phải sống tinh thần bất khuất trước những mối đe dọa, khủng bố, bách hại của người đời ,để có thể trung tín với Chúa và trung thành với sứ vụ được giao .

23) Sứ mệnh của chúng ta và của giáo hội là làm gì? Những điều Chúa  tác động trong tâm hồn, Những gì Chúa nói riêng tư với các ông hôm nay, thì ccá ông cũng phải loan báo, giảng dạy, chia sẻ cho người khác một cách công khai. Đó là việc các tông đồ phải làm sao khi Chúa  về trời và cũng là sứ mệnh của hội thánh tại trần gian.

24) Chúng ta nên sợ Thiên Chúa ở lĩnh vực nào? Người đời chỉ có thể gây hại phần xác trong đời sống tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa lại khác, ngoài tình thương, ngài còn có quyền năng trên sự sống đời này và đời sau. Vì thế khi đứng trước các cơn bách hại, người đời phải can đảm dấn thân làm chứng cho Chúa .

25) Chúa Giê-su khơi dậy điều gì nơi lòng các tông đồ? Chúa Giê-su khơi dậy lòng cậy trông của các tông đồ vào Thiên Chúa là Cha để các tông đồ yên tâm vì được Cha mình quan tâm chăm sóc. Để rồi khi gặp khó khăn, các ông biết hướng lòng về Cha mình với một tấm lòng hiếu kính.

26) Muốn truyền giáo người tông đồ cần phải làm thế nào? Những việc tông đồ, truyền giáo hay làm chứng nhân cho Chúa  ngay khi còn ở đời này nó sẽ có ảnh hưởng đến giá trị của phần thưởng mai sau. Những điều này đòi hỏi người tông đồ phải tỉnh thức, đề phòng những phản ứng tiêu cực có thể làm biến chất phẩm giá của người Ki-tô hữu khi muốn làm ánh sáng thế gian hay làm chứng nhân Nước  Trời.

27) Như Chiên đi vào giữa bầy sói là gì? Chúa  muốn bảo chúng ta hãy sẵn sáng đón nhận sự chống đối, chia rẽ, công kích, tố cáo. Chúa  muốn chúng ta phải loại bỏ mọi tiện nghi vật chất như là : sung túc về phương tiện, thuận lợi về hoàn cảnh hoặc thích thú vì gặp may mắn. Đến nỗi quên đi câu Chúa Giê-su căn dặn: Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Lc 9,23).

28) Vì sao Chúa  nói đến 3 lần “đừng sợ”? Điều này gợi lên cho chúng ta là phải đương đầu với những cuộc bách hại. Do đó, chúng ta phải dứt khoát chọn lựa: Tin hay sợ/ Vì ở đâu còn sợ, thì ở đó chưa có tin/ câu chuyện Phê-rô đi trên mặt biển cho chúng ta bài học này : Câu 27, câu 30, và câu 31.

29) Chúng ta nên sống niềm tin như thế nào? Trong cuộc sống, người tông đồ phải làm chứng cho niềm tin của mình mỗi ngày. Chúng ta khó có thể phân biệt giữa sự gan dạ cần thiết và sự táo bạo liều mình cách vô ích. Có khi chúng chỉ nên thinh lặng hơn là tuyên bố huênh hoang. Cũng đừng cố tạo cho mình một sự an tâm giả tạo. **R

30) Chúng ta nên xin gì cùng Chúa Giê-su Thánh thể? Chúng ta hãy xin Chúa  giúp ta thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi và củng cố cho ta niềm tín thác cậy trông mà chỉ có mình Chúa  mới ban cho ta được.

31) Chúa luôn chăm sóc ta nghĩa là gì? Chúa luôn quan phòng chăm sóc ta ,không có nghĩa là ngài cắt khỏi ta mọi nỗi khó khăn nhọc nhằn, nhưng là hỗ trợ chúng ta vượt khó để biến cái khó ấy thành những công phúc đời này ,để ta đạt được hạnh phúc đời sau vì Chúa  nói: “ Ơn ta luôn đủ cho ngươi.”       **R

 

Bài 3: SỐ PHẬN CỦA NHỮNG AI TIN CHÚA 

32) Bài sách tiên tri Giê-rê-mi-a gợi lên điều gì? Đây là hình ảnh đời một con người trải qua nhiều nước mắt. Thiên Chúa đã chọn ông từ trước khi ông sinh ra và muốn ông đảm nhiệm một sứ vụ bạc bẽo, cam go. Ông không muốn nhưng ….không được.

33) Tại sao cuộc đời ngôn sứ của ông lại bạc bẽo? Ông được Thiên Chúa sai đi tiên báo những hoạn nạn sẽ xảy đến. Dân chúng chỉ nghe ông nói toàn những điều này ,nên lâu dần người ta cho rằng : Ông là người chuyên mang tai họa đến với họ, người ta tránh ông như tránh dịch, nhưng ông không được phép rút lui.

34) Người ta đối xử với ông thế nào? Theo lệnh của Chúa ông phải nói lời phản đối sự bất trung của nhà cầm quyền đối với lời giao ước, người ta bắt nhốt, kết án ông là tên phản bội, bán nước. Bạn bè hay người thân thuộc cũng khử trừ ông vì ông thuộc dòng tộc tư tế mà lại chủ trương hủy bỏ hết các nơi tế tự bất xứng ở các địa phương ,để tập trung lại một nơi duy nhất là đền Thánh Giê-ru-sa-lem.

35) Ông phải sống số phận nghiệt ngã như thế nào? Các tiên tri khác, ai cũng có gia đình riêng ông thì phải sống độc thân. Ông phải đi tuyên sấm các tai họa sẽ giáng xuống với dân chúng như là: chết đói, chết chém mà không được hôn cất hẳn hoi, dân chưa bị mà ông lại phải sống trước với những biến cố đó, và chịu sự cay đắng của dân bội bạc.

36) Ông đang sống số phận của ai? Ông là vị ngôn sứ sống khổ sở, là hình ảnh của Đấng đến gánh tội nhân loại, là người đợc chọn để đi vào con đường hẹp,ông đi trước mọi người vào con đường đau khổ.

37) Chúng ta hiểu thế nào về thánh giá chung? Mọi người chúng ta ai cũng có thánh giá nhưng cũng có những gánh nặng khác mà ta có thể gọi là thánh giá chung. Đó là khi chúng chịu đau đớn vì danh Chúa đã dành cho chúng ta là những người được chọn. Chúng ta còn nhớ Chúa Giê-su đã từng nói : Vì danh Thầy, thế gian sẽ ghét bỏ các con!

38) Đời sống của Giê-rê-mi-a tiên báo về ai? Ông tiên báo về con người đau khổ của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô lại tiên báo về thân phận khổ sở của những con người tin theo Chúa . Còn thánh Phao-lô thì cho biết về nỗi lo sợ dày vò tâm trí của những con người tội lỗi.

39) Thái độ sống của Giê-rê-mia thế nào? Ông bị tấn công tứ phía, nhưng ông không nao núng vì ông biết rằng : Chúa  luôn ở với ông khiến cho ông trở thành một chiến sĩ vô địch. Ông tin rằng kẻ thù của ông sẽ thất bại, hổ ngươi, nhục nhã. Và niềm tin của ông đã biến thành lời cầu nguyện : Xin cho kẻ thù của con bị báo thù.

40) Ngày nay chúng ta phải sống như thế nào? Ngày nay Chúa Giê-su dạy chúng ta không được cầu nguyện như thế. Vì Chúa  dạy chúng ta phải yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho những ai ghét bỏ mình, và chúng ta cũng phải có niềm tin vững chắc như Giê-rê-mia : Thiên Chúa vẫn luôn ở với chúng ta, chúng ta sẽ trở nên những chiến sĩ vô  địch. Và tin rằng: Chúa  luôn săn sóc chúng ta như một người Cha để mỗi khi có một sợi tóc trên đầu rơi xuống đều không ngoài thánh ý Cha.

41) Chúng ta phải vượt qua mọi khổ đau bằng cách nào? Chúng ta nên hiểu một cách hết sức đơn sơ rằng: Những khổ đau, rủi ro, trái ý ở đời này không bao giờ làm chúng ta quên đi lòng nhân hậu của Chúa. Chúng ta phải luôn nắm vững rằng: Cả quá khứ, hiện tại, tương lai của chúng ta đều được vây bọc trong tình yêu thương, trung tín của Thiên Chúa, và Giê-rê-mia cũng tin tưởng như vậy.

42) Vì sao chúng ta không nên sợ những khổ đau ở đời này? Theo lời Chúa nói trong tin mừng thì những khổ đau chúng ta gặp hôm nay không có gì đáng sợ. Nếu ta nhìn chúng bằng con mắt đức tin, ta thấy chúng đang dần dần tan biến, đang qua đi vì chúng đâu có bền vững, cũng như mây mù che khuất ánh mặt trời, nhưng chúng phải tan đi để trả lại sự rực rỡ cho mặt trời.

43) Cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su sẽ như thế nào? Rồi đây khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, Người sẽ chiến thắng tử thần và chiếu rọi ánh vinh quang vào mọi kẻ thù địch của Ngài, thế gian sẽ bẻ bàng kẻ tin Chúa sẽ hân hoan khi Chúa Kitô phục sinh vinh quang.

44) Ai dám tự hào về niềm tin của mình? Thánh Phao-lô cho biết: Tất cả chúng ta đều đã phạm tội, từ A đam cho tới chúng ta, tội lỗi luôn tràn ngập, nhưng ở đâu có tội lỗi  nhiều thì ở đó có ân sủng nhiều. Một người đã du nhập tội lỗi vào thế gian thì Thiên Chúa đã ban người Con Một để chết vì tội lỗi của chúng ta.

45) Khi so Chúa Giê-su với A-đam chúng ta thấy thế nào? Chúa giê-su không hề giống A-đam, nhưng Ngài đã vượt xa, vì chế độ ân sủng của Chúa Giê-su phải vượt xa thời kỳ tội lỗi của A-đam. Nếu chúng ta có lòng tin, chúng ta sẽ nhận ra đại dương luôn mênh mông hơn những tảng đá / tội lỗi như những tảng đá khi người ta vất nó xuống đáy đại dương. Nó hoàn toàn bị nuốt chửng mà không hề để lại chút tăm hơi nào.

46) Giê-rê-mia kết thúc bài nói của mình như thế nào? Ông đã buông ra một lời kêu gọi đầy tin tưởng: Hãy ca tụng Chúa, hãy ngợi khen Người vì Người sẽ cứu mạng sống những kẻ khó nghèo, khỏi tay kẻ cường bạo, lòng tin tưởng của ông luôn vô điều kiện.

47) Tin Mừng sẽ được rao giảng cho những ai? Chúa sẽ cứu người nghèo khó, tin mừng chỉ được rao giảng cho những người này. Nói rõ hơn, chỉ những người nghèo mới đón nhận tin mừng. Do đó họ mới được cứu độ.

48) Lòng nhân nghĩa của chúng ta được chứng tỏ vào lúc nào? Người trung tín trong niềm tin chỉ được chứng tỏ khi bị thử thách. Hôm nay, Chúa Giê-su cũng đã tuyên bố: “Ai xưng Ta ra trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ xưng kẻ ấy trước mặt Cha Ta. Còn ai chối Ta thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta”

49) Giá trị của người Kitô Giáo nằm ở chỗ nào? Không phải là người đeo ảnh Thánh gía làm dấu, đọc kinh, đi lễ / vì có khi đeo ảnh là để họ trang trí hay chỉ để tô điểm bề ngoài. Tóm lại: Giá trị không tùy thuộc vào  kiểu sống bề ngoài nhưng lại nằm ở giá trị của niềm tin bên trong . Vì như Thánh Phao-lô nói: Chính niềm tin sẽ phán đoán và xét xử các hành vi sống đạo của chúng ta hôm nay .  **R

 

TÓM Ý

1)Lo sợ là gì? Là mất tự chủ, là mất niềm tin vào chính bản thân mình. Hay không đủ niềm tin vào Đấng mà ta đang tôn thờ.

2)Đối nghịch với hoảng sợ là gì? Là con người liều lĩnh, chẳng biết sợ ai, người không biết sợ chết, người coi mạng sống của mình chẳng ra gì.

3)Tại sao Chúa lại muốn ta phân định rõ ràng? Mọi thứ Thiên Chúa tạo nên đều có một giá trị nhất định. Chúng ta phải biết phân biệt thứ nào quý giá hơn thứ nào và thứ nào là quý giá nhất, chỉ có sự sống là quý giá nhất nên Chúa dạy ta phải biết trân trọng nó.

4)Trong con người của chúng ta, thứ nào quý giá nhất? Sự sống là quý giá nhất nên khi ta mất nó là ta mất tất cả. Thế nhưng sự sống lại có 2 phần: “Xác và hồn” Sự sống đời này và sự sống đời sau. Như vậy sự sống đời sau của linh hồn là quý giá nhất.

5)Chúng ta cần lựa chọn như thế nào? Sự sống thể xác thì mau tàn, sự sống linh hồn thì bất diệt, cả hai đều đáng quý, nhưng chúng ta chỉ được phép chọn một. Vậy ta nên chọn thứ quý nhất, đó là sự sống linh hồn.

6)Thời cơ là gì? Thời cơ là cơ hội quý báu, nhiều khi nó chỉ đến một lần trong đời, lỡ thời là hỏng cả một đời. Ví như thời cơ để rao giảng Lời Chúa , thời cơ lập công chuộc tội, thời cơ làm vinh danh Chúa , thời cơ để được ơn cứu độ.

7)Tại sao thời cơ lại không còn? Mỗi người chỉ có một cuộc sống ngắn ngủi ở trần gian để lập công chuộc tội. Cuộc sống này sẽ mau chóng qua đi. Nếu ta không biết lợi dụng thời gian này để lập công, thì có khi phải hối tiếc như năm cô phù dâu khờ dại.

8)Nguyên lý sống của con người là gì? Thiên Chúa trao cho mỗi người một số vốn để quản lý và làm sinh lời. Ai không làm sinh lời thì sẽ bị Thiên Chúa xét xử và trừng phạt.

9)Chúng ta phải ứng xử như thế nào? Chúng ta biết Chúa  là ông chủ, Ngài cầm quyền sinh tử. Ngài săn sóc và an bài mọi sự. Chúa  làm chủ cả thể xác cũng như tâm hồn ta. Cả đời này lẫn đời sau, Nếu chúng ta đánh mất sự sống linh hồn thì chúng ta sẽ mất tất cả. Vì tiền của không mua được sự sống linh hồn,

10) Lúc nào là thời cơ thuận tiện? Ban ngày là thời gian khi chúng ta còn sống, Chúng ta có thể lập công khi trời còn sáng. Hãy nhìn bài học từ tên tôi tớ lười biếng.

11) Thứ gì ta không nên sợ? Ta không nên sợ người đời, vì ngườiđời nay còn mai  mất, người đời cũng yếu hèn như ta. Hơn nữa họ chỉ có thể hại phần xác chúng ta nhưng không làm được gì được linh hồn chúng ta. Mạng sống thân xác chỉ là tạm bợ, mọi sự khốn khó ở đời này rồi cũng qua đi thôi.

12) Thứ gì đáng sợ nhất? Ai lại không sợ đau khổ, ai nói không sợ là không đúng, hãy nhìn gương Chúa Giê-su. Chúa  cũng sợ đến toát mồ hôi máu, trong vườn cây dầu. Nhưng Chúa  vẫn tiến bước, các thánh tử đạo vẫn biết cái chết đang cận kề. Nhưng các Ngài vẫn mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Cha trên trời.

13) Hôm nay qua bài tin mừng, Chúa Giê-su muốn dạy gì? Chúa  trấn an các môn đệ. Chúa bảo các ông đừng sợ, Chúa  bảo các ông nên hoàn toàn tin tưởng vào Chúa.

14) Đến lúc nào thì chúng ta phải công khai chân lý? Ngày xưa Chúa  chỉ hé lộ các mầu nhiệm với các môn đệ. Nhưng sau khi Chúa  lên trời, Chúa  bảo các ông phải mạnh dạn tuyên xưng, có nghĩa là Chúa  bảo chúng ta hãy rao truyền công khai.

15) Vì sao chúng ta không nên sợ? Thiên Chúa mới là đấng nắm quyền sinh tử trong tay. Ngài mới chính là người Cha nhân ái. Người đời chỉ đe dọa chứ không thể giết chết linh hồn chúng ta. Họ chỉ làm khổ thân xác chúng ta trong một thời gian ngắn. Sau đó chúng ta sẽ được Chúa  ban thưởng. Vì vậy hãy mạnh dạn làm chứng cho Chúa.

16) Con người cao quý như thế nào? Đôi chim sẻ đáng giá một hào. Còn chúng ta, Chúa  tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa . Chúng ta quý giá hơn chim sẻ nhiều vì thế Chúa  không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

17) Chúng ta trung tín với Chúa, chúng ta sẽ được gì? Nếu đời này chúng ta mạnh dạn làm chứng cho Chúa thì ngày sau Chúa Giê-su sẽ bênh đỡ chúng ta trước tòa Chúa Cha.

18) Làm sao chúng ta có thể chiến thắng sự sợ hãi? Người có đức tin mạnh, sẽ chiến thắng sự sợ hãi và luôn ý thức rằng mình đang thuộc về Thiên Chúa. Nếu Chúa  cứu thế phải qua thập giá mới vào nơi vinh quang, thì chúng ta cũng phải như thế / Nhờ đó chúng ta sẽ vững vàng.

19) Phương thế nào giúp chúng ta vượt thắng mọi nỗi lo sợ? Phẩm giá của người tông đồ luôn hơn hẳn loài chim sẻ, và Thiên Chúa luôn an bài, quan phòng, chăm sóc gìn giữ chúng ta.

20) Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta phải sống như thế nào? Chúa  chỉ cho chúng ta biết phân biệt lợi hại: sự chết phần xác và sự chết phần hồn.Nếu đem lên bàn cân so sánh thì sự sống phần xác chỉ là chuyện nhỏ so với sự sống đời sau.

21) Giá trị thật của những việc làm ở đời này là gì? Những việc làm vinh danh Chúa  ở đời này sẽ có giá trị rất lớn, giúp chúng ta đón nhận hạnh phúc đời sau. Đúng như lời Chúa Giê-su nói : Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.   **R

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1847
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1442
 Hôm qua:  2176
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11402272
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top