Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 3 Thường Niên - A.2017/ Giuse Luca

CN  3 TN   A - 22/01/2017

ĐỀ TÀI:  CHÚA GIÊ-SU THỰC THI SỨ VỤ

Lời Chúa: Mt 4,12-23

Tung hô Tin Mừng: Mt 4, 23

Haleluia. Haleluia. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 4, 12-23

"Đức Giê-su đến ở Ca-phác-na-um, để ứng nghiệm lời Ngôn sứ Isaia."

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu.

12  Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. 13  Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácna-um, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14  để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: 15  Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! 16  Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17  Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

18  Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19  Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". 20  lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21  Ði một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Yacôbê và người em là ông Yoan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22  lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. 23  Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.        

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Tại sao Chúa Giê-su phải chọn môn đệ ?

2/ Hôm nay Chúa sẽ gọi chúng ta vào lúc nào ?

3/ Cách Chúa gọi mẹ thánh Têrêxa Calcutta như thế nào ?

4/Tại sao chúng ta không đáp trả lời Chúa mời gọi ?

5/Điều gì quý giá và quan trọng nhất ? 

6/ Tại sao Chúa lại chọn các ngư phủ? 

7/ Đời sống của người môn đệ phải như thế nào ?

8/ Nhiệm vụ của kẻ theo Chúa là gì ?

9/ Chúng ta nên truyền giáo như thế nào ?

10/ Dân Do Thái thời đó như thế nào?

11/ Dân miền Galile như thế nào ? 

12/ Làm tông đồ cho Chúa là làm những gì ?

13/ Tiêu chuẩn chọn môn đệ của Chúa như thế nào ? 

14/ Thế nào là một con người biết phó thác?

15/ Chúa thường yêu thích những ai ? 

16/ Các ông đã đáp lại như thế nào ?

17/ Các ông đã thấy Chúa như thế nào ?

18/ Đến lúc nào các ông mới tin mạnh ? 

19/ Nhờ đâu chúng ta nhận biết Chúa ?

20/ Chúng ta là gì của Chúa Ki-tô ?

21/ Chúa mời chúng ta chọn lựa điều gì ?

22/ Vì sao chúng ta nên chọn Chúa ? 

=> Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài  1: CHÚA GIÊ-SU CHỌN MÔN ĐỆ VÀ ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG

1/ Đức Giê-su xuất hiện để khởi đầu sứ vụ vào lúc nào? Sau khi được Gioan làm phép rửa cho, Chúa Giê-su phải trải qua một giai đoạn thử thách ở sa mạc (Mt 4,1-11). Một thời gian sau khi nghe tin Gioan tẩy giả vừa bị bắt giam, Chúa Giê-su biết nhiệm vụ dọn đường của Gioan cũng chấm dứt, vai phụ đã rút lui để nhường chỗ cho vai chính, để Chúa Giê-su xuất hiện.

2/ Việc Gioan tẩy giả bị bắt giam, mang ý nghĩa nào? Theo nguyên văn là : “Gioan tẩy giả bị nộp” Thánh Marco cũng dùng từ này để nói về việc Chúa Giê-su bị bắt. Như vậy Gioan tẩy giả loan báo về Đức Giê-su không chỉ bằng lời mà còn bằng chính cuộc sống của ông. Số phận của ông cũng báo trước số phận của Đức Giê-su.

3/  Lý do nào khiến Chúa Giê-su chuyển dời địa bàn hoạt động của mình? Thánh Mattheu đưa sự việc Chúa Giê-su lánh sang miền Galile liên quan đến việc Gioan tẩy giả bị bắt. Chúa Giê-su cảm thấy không còn an toàn khi ở miền Giuđe-a. Tuy nhiên vị vua đã tống giam Gioan, lúc đó lại đang cai trị miền Galile.

4/  Hôm nay Chúa Giê-su lánh qua miền Galile nhắc ta nhớ điều gì? Quyết định hôm nay của Chúa Giê-su có liên quan gì đến quyết định của Thánh Giu-se khi đưa Thánh gia quay trở về từ Ai Cập / thay vì trở về Be-lem, lại đến cư ngụ tại làng Nazaret để ứng nghiệm lời các ngôn sứ (Mt 2,19-23). Cũng cùng một cách như vậy trong bài tường thuật hôm nay: “Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galile, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Asai-a.

5/  Hai địa danh Dơ vô lun và Nép Ta li mang ý nghĩa nào? Hai địa hạt này chiếm phần lớn miền Galile, bị đế quốc At-sua sáp nhập, bị đế quốc Hy Lạp ,hy hóa vào thời họ cai trị. Vì thế phần lớn người ngoại bang đến định cư ở đây. Như thế sự giải thoát mà Isaia đã loan báo cho họ thì Thánh Mattheu thấy ứng nghiệm nơi sứ vụ của Chúa Giê-su.

6/  Vì sao Chúa Giê-su chọn Capharna-um? Đây là một thành ven biển hồ Galile. Thành phố này được hưởng quá nhiều ưu đãi vì nó giáp ranh với 3 nước : Philitinh, Phenixi và Syria. Cho nên thành này được mang danh là vùng đất của dân ngoại.

7/  Dân chúng vùng này sống bằng ngành nghề gì ? Chúa Giê-su chọn thành này làm địa bàn hoạt động, dân chúng ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, thợ thủ công và tiểu điền chủ. Vì thế dân chúng không giàu có đến đỗi họ không thể tự mình xây cất một hội đường mà phải nhờ đến sự trợ giúp của viên sĩ quan ngoại quốc (Lc 7,5).

8/  Vì sao Chúa Giê-su lại là ánh sáng bừng lên chiếu rọi ? Vì Galile là vùng đất của dân ngoại, cho nên khi tác giả trích dẫn sứ mạng của Chúa Giê-su, Mattheu nói : Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm mù mịt (Mt 4,16). Thánh sử muốn ám chỉ đến tình trạng tinh thần của dân chúng vào thời của ông, tại một miền dân cư tạp chủng. Chính vì muốn chia sẻ cảnh ngộ với dân. Chính vì dân Ngài mà Chúa Giê-su được sai đi trong sứ vụ mà trước hết chính là: “Những con chiên lạc nhà It-ra-el.

9/  Chúa Giê-su còn có bổn phận nào đối với dân ngoại? Nhưng chính trong hoàn cảnh cụ thể khi gặp gỡ với dân ngoại vùng này đã đặt Ngài vào mối liên hệ với họ, là “những kẻ đang ngồi trong bóng tối tử thần” và Chúa Giê-su đã trở nên là “ ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

10/ Ý nghĩa từ lời kêu gọi của Chúa Giê-su : Lời kêu gọi của Chúa Giê-su (câu 17) lập lại y lời rao giảng của Gioan tẩy giả (Mt 3,2). Lời này loan báo việc Chúa Giê-su bắt đầu khởi hành tiến về Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó. Lời kêu gọi sám hối lại bởi hai nhân vật có 2 vai trò khác nhau. Gioan làm phép rửa trong nước để dọn lòng dân chúng, còn Chúa Giê-su làm phép rửa trong Thánh Thần để ban ơn tha tội.

11/ Lời kêu gọi nào khẩn thiết hơn? Lời kêu gọi của Chúa Giê-su khẩn thiết hơn vì triều đại Thiên Chúa đã bắt đầu. Cõi vĩnh cửu đã được đưa xuống trần gian. Triều đại Thiên Chúa đã thâm nhập vào thế gian. Vì thế, điều quan trọng nhất của ngày hôm nay chính là con người phải quay tầm nhìn của mình từ trái đất mà hướng về trời. Hãy đổi hướng đi để gặp được Ngài, muốn được điều ấy, chúng ta phải nghe và đi theo Đức Giê-su.

12/ Ai đáp trả lời rao giảng của Chúa Giê-su? Lời rao giảng của Chúa Giê-su ở miền Galile đã được ghi nhận và đáp trả cách tích cực nơi sự đi theo của 4 môn đệ đầu tiên.

13/ Ơn gọi của Simon và Anre như thế nào ? Câu chuyện của hai người này thật đột ngột. Hai anh em đang thả lưới bắt cá liền bỏ nghề nghiệp mà họ đang sinh sống rồi cất bước theo Chúa.

14/ Ơn gọi của Giacobe và Gioan như thế nào? Sự đoạn tuyệt của hai người này càng mãnh liệt hơn. Họ không chỉ bỏ nghề nghiệp mà còn bỏ lại cả cha mình nữa, người mà họ có  bổn phận phải phụng dưỡng.

15/ Chúa Giê-su đã từ bỏ những gì? Ở đây chỉ mô tả vỏn vẹn có 3 chữ: “Người bỏ Nazazet”. Ơn gọi của 4 môn đệ kia nói lên việc họ tận hiến cho Chúa. Việc tận hiến này dẫn các ông về đâu ? Giacobe bị hành hình năm 44. Thánh Phê-rô bị đóng đinh vào năm 67. Còn Chúa Giê-su thì thoát ly gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và làng quê yêu quý của Ngài. Cho nên Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các môn đệ phải đoạn tuyệt mọi sự y như vậy.

16/ Chúa Giê-su muốn 4 ông này làm gì? Chúa chưa gọi họ làm môn đệ, mà Chúa chỉ mời gọi họ đi theo Chúa. Ngôn sứ Elia cũng đã làm như vậy với Alisêu (xem 1V 19,20-21). Nhưng rõ ràng chúng ta đã thấy có mối liên hệ thầy trò rồi.

17/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ “lưới người như lưới cá” mang ý nghĩa gì? Chúa Giê-su muốn liên kết ngay những người này vào sứ mạng cứu độ của Ngài. Khi Chúa mời gọi các cộng tác viên đầu tiên. Chúa cũng mời gọi họ thoát ly khỏi môi trường gia đình, và nghề nghiệp của họ. Ý của Chúa là muốn họ cộng tác vào sứ mạng của Ngài. Đồng thời Chúa cũng muốn biến đổi hoàn cảnh con người nhân loại của họ. Thánh sử muốn nhấn mạnh đến sứ mạng của Chúa trong Lời mời gọi đi theo Ngài.

18/ Hành trình và công việc của sứ vụ Chúa Giê-su là gì? Chúa Giê-su đi khắp miền Galile, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa cho dân chúng các loại bệnh họan, tật nguyền.

19/ Phạm vi hoạt động của Chúa Giê-su là ở đâu? Là khắp miền Galile. Chúa không giới hạn ở việc quy tụ vào một nhóm môn đệ nhỏ, một trường đào tạo như cách làm của các kinh sư. Sứ điệp của Chúa là đưa Tin Mừng đến với tất cả mọi người và phải được lan truyền ở khắp mọi nơi. **R

 

Bài 2: LỜI MỜI GỌI

20/Ưu tiên số một trong đời sống công khai của Chúa Giê-su là gì? Sứ vụ của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian / chính vì thế mà ngay từ lúc bắt đầu, Chúa cần tìm cho mình những người cộng tác, Ngài đã chọn một số các môn đệ đầu tiên.

21/Bốn môn đệ đầu tiên mà Chúa kêu gọi là những ai? Chúa Giê-su chọn thành phố Capharna-um, ven Biển Hồ để rao giảng / Đang lúc Ngài đi dọc theo bờ biển: Ngài đã kêu gọi Phêrô và Anrê trước, sau đó mới đến lượt 2 anh em Yacobê và Gioan / Chúa hứa sẽ dạy các ông thành những ngư phủ lưới người / Các ông đã mau mắn, dứt khoát bỏ chài lưới, bỏ ghe thuyền, bỏ cả cha già mà đi theo Chúa.

22/Cách thức mà ngày nay Chúa dùng để kêu gọi chúng ta ra sao? Đương nhiên Chúa không còn hiện ra để truyền dạy chúng ta phải làm điều này, điều nọ / nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến chúng ta qua các biến cố hằng ngày trong suốt cuộc đời / Bởi vì mỗi biến cố là một dấu chỉ của Thánh Ý Chúa / mỗi sự kiện xảy ra là một bài toán mà đáp số của nó chính là sứ điệp Chúa muốn chúng ta đón nhận / Bởi thế chúng ta phải luôn tỉnh thức mới có thể nhận ra Ý Chúa.

23/Tiếng Chúa gọi sẽ vọng lên từ đâu? Nhiều người đã nghe được tiếng Chúa gọi vọng lên từ bên trong nội tâm, tuy âm thầm nhưng rất rõ / lại rất cấp bách / Khi đáp lại tiếng Chúa là họ bước vào một khúc quanh trong cuộc đời, từ đó cuộc sống của bản thân họ sẽ phải khác hẳn.

24/Tìm hiểu về ơn gọi của Mẹ Thánh Terexa Calcutta: Mẹ sinh năm 1910 tại Nam Tư / lúc 18 tuổi xin vào tu dòng Đức Bà Lôrettô ở Ái Nhĩ Lan / Sau đó sang Ấn Độ để vào nhà tập / Mẹ đã làm cô giáo dạy địa lý suốt 20 năm / trong một môi trường dành riêng cho các thiếu nữ con nhà giàu / Nếu Chúa không gọi mẹ riêng, chắc cuộc đời của mẹ sẽ trôi qua êm đềm giữa các cô gái con nhà giàu ấy !

25/Một sự kiện, một tiếng gọi khác thường: một ngày nọ, nhân lúc đi qua một đường phố ở Calcutta, mẹ gặp phải một phụ nữ đang hấp hối trên vỉa hè / chuột và kiến đang kéo đến để gặm nhấm con người bất hạnh đó / Mẹ liền đưa người phụ nữ ấy đến nhà thương / mẹ cứ nhất định đứng trước cổng cho đến khi người ta mở cổng đón nhận bệnh nhân sắp chết ấy!

26/Biến cố nào đã thay đổi cuộc đời mẹ? Từ biến cố này, mẹ cảm nhận được lời mời gọi của Chúa muốn mẹ hiến mình cho những kẻ bị bỏ rơi, và thế là mẹ xin ra khỏi dòng / đến sống ở một khu vực tối tăm của thành phố / Chắc chắn vào lúc đó mẹ không ngờ mình sẽ là người sáng lập một Hội dòng mới, chuyên lo việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ.

27/Điều quan trọng nhất sau khi nghe tiếng Chúa gọi là gì? Lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện đã đành / điều quan trọng nhất là cách đáp trả lời mời gọi ấy như thế nào / Nhiều khi chúng ta làm ngơ như là không hề nghe tiếng Chúa để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ / Bởi vì chúng ta có quá nhiều sợi dây lệ thuộc quấn chặt lấy chân tay mình, khiến chúng ta không thể nào tự tháo gỡ được à đó là những sợi dây: tiền bạc, địa vị, vui thú,…

28/Chúng ta cần loại bỏ những thứ ràng buộc nào? Từ bỏ là đặt mọi thứ đam mê dưới chân Chúa/ coi Chúa là một giá trị tuyệt đối không có thứ gì bằng / có thể từ bỏ ngay lập tức những gì chúng ta đang mơ ước, ôm ấp / Đây mới chính là thước đo tình yêu của ta đối với Chúa.

29/Galilê là vùng nào, ở đâu? Galilê là vùng phía bắc nước Do Thái, là vùng chung quanh Biển Hồ Tibêriat / Galilê là vùng ven nên ít nguy hiểm cho Ngài, bởi lẽ ở đây dân chúng phần đông là dân ngoại / nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời Làm Người và cũng chính là nơi Đức Giê-su chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ ( sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt ,bị giết ).

30/Đại Ngôn Sứ Giê-su xuất thân từ đâu? Chúa Giê-su rời bỏ nơi xuất thân là Nazareth để đến cư ngụ tại Carphana-um / Đây là địa bàn mà Ngài ưa thích hoạt động / Có lúc người ta gọi đây là thành của Ngài cho dù nó không xứng đáng (Mt 9, 1 / Mt 11, 23) / Galilê, Nazareth, Capharna-um chẳng có chút tiếng tăm (Yn 1, 46) / nhưng Chúa Giê-su vẫn là một Ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21, 11).

31/Một nét khác biệt giữa Chúa Giê-su và Gioan Tẩy Giả: Chúa Giê-su không vào hoang địa, rồi gọi người ta đến / Ngài đích thân đến sống với con người ngay giữa đời thường / Ngài cứ đi không ngừng nghỉ, không đóng đô ở một chỗ nào / nhu cầu quá lớn nên Ngài không dám dừng lại (Mc_1, 38) / Chúa Giê-su đi tới đâu, người ta kéo theo đến đó.

32/Cách chọn môn đệ của Chúa Giê-su như thế nào? Những người đầu tiên mà Ngài chọn lựa là các ngư phủ quen biết, họ là những người ít học, không giàu có cũng chẳng có địa vị / nhưng đối với Ngài: họ có đủ phẩm chất cần thiết để trở nên những người cộng sự của Ngài.

33/Những đức tính nào của ngư phủ thích hợp cho công tác Tông đồ? Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi / sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau khi làm việc chung / Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh / Khả năng nhận ra khi nào, chỗ nào nên thả lưới giúp họ khám phá những vùng truyền giáo mầu mỡ.

34/Chúa Giê-su mời gọi chúng ta như thế nào? Chúa nói: Các anh hãy theo tôi / Đây là một lời mời gọi lên đường / hãy gắn bó với tôi và chia sẻ thao thức cùng tôi / Chúa mời gọi chúng ta lên đường  để bỏ lại cái êm ấm được phép / êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô, êm ấm trong khoang thuyền bên cạnh người cha đang vá lưới như Yacobe  và Gioan .  **R

 

Bài 3: TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN

35/Theo Chúa thì cần chấp nhận điều gì? Theo Chúa là chấp nhận ra khơi, cũng có nghĩa là chấp nhận lên bờ / thoát mình ra khỏi cảnh sống quen thuộc / chấp nhận cuộc sống bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, là có thể đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.

36/Muốn theo Chúa ta cần phải làm gì trước tiên? Để đón nhận nhiệm vụ mới đó, chúng ta cần ơn sám hối, hoán cải / Hoán cải để Ngài kéo chúng ta vào trong guồng máy đang chuyển động, là quay trở lại, là từ bỏ con đường xưa kia mình đã quen đi / để đi cùng chiều với Chúa / để đi ngược chiều với cái tôi ích kỷ. Theo Chúa là đi gieo rắc niềm vui khắp nơi, niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người được khỏi bệnh.

37/Đi theo Chúa , chúng ta có dám đến với vùng dân ngoại không? Khi xưa Chúa chọn thi hành sứ vụ nơi vùng dân ngoại ở Galilê, đặc biệt là ở Capharna-um, ngày nay Hội Thánh vẫn sống giữa vùng dân ngoại / chúng ta có dám làm chứng cho Chúa, giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa, cho những người từng hiểu sai lệch về đạo Chúa do chúng ta đã từng vẽ khuôn mặt Chúa chưa đúng?

38/Cách Chúa giảng đạo thời xưa và cách chúng ta giảng đạo hôm nay có gì mới? Ngày xưa Chúa giảng dạy, Chúa mạc khải về Cha trên trời, đi kèm với việc chữa bệnh và trừ quỷ / Hôm nay nếu chúng ta muốn dân ngoại đón nhận, chúng ta phải có lời nói đi đôi với việc làm: chữa bệnh là sống bác ái yêu thương bằng việc làm cụ thể / trừ quỷ là chúng ta hy sinh cầu nguyện, khuyên bảo họ từ bỏ tính mê tật xấu, giúp họ từ bỏ cái ác và yêu thích sự thiện hảo !

39/Phúc Âm đã diễn tả nụ cười của Chúa vào lúc nào? Các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười / nhưng chúng ta vẫn tin Chúa cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa / Chúa vẫn tươi cười hồn nhiên khi ăn uống với các tội nhân / Chúa cũng đã giấu nụ cười trong lòng trước hai môn đệ trên đường đi Emmaus khi Chúa giả vờ với họ là Ngài còn muốn đi xa hơn nữa !

40/Chúng ta phải sống sứ vụ của mình như thế nào? Chúa bảo chúng ta hãy tươi cười ngay cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng ta / Chúa bảo chúng ta phải yêu cuộc sống, cho dù cuộc sống đâu phải toàn màu hồng / Sống bác ái yêu thương đâu phải bằng một khuôn mặt cau có gắt gỏng / Đời sống của chúng ta luôn bị chi phối bởi những lo âu, chán nản / Hãy để nụ cười luôn gắn trên môi, bởi vì chúng ta thấy Chúa là nguồn hạnh phúc và chúng ta rất muốn đem nguồn hạnh phúc đó cho anh em.

41/Tìm hiểu về địa lý nước Do Thái: Nước Do Thái chia ra làm 3 miền, miền nam là Yudea / miền trung là Samari-a / miền bắc là Galilê-a / Thủ đô Yerusalem thuộc miền nam => đây là trung tâm chính trị, tôn giáo / Vua Herodê đóng đô ở Yerusalem / Đền thờ Yerusalem là trái tim của dân tộc Do Thái / Hằng năm mọi người đều phải tìm về Yerusalem để dự lễ / Đây là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo / có dinh thầy cả thượng phẩm, có luật sĩ, biệt phái, văn nhân / Người ở Yudea coi Đền thờ Yerusalem là duy nhất, đạo Yudea là đạo chính thống / họ tẩy chay người Samari-a / coi dân Samari-a là ngoại đạo vì người Samari-a xây cất đền thờ riêng ở trên núi Garizim / người Yude-a không bao giờ đi lại, giao tiếp với người Samari-a / Còn miền Galilê-a ở phía bắc, tuy không có đền thờ để đối nghịch với Yerusalem, nhưng họ bị người Yude-a khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là vùng đất dân ngoại.

42/Tại sao Chúa Giê-su không chọn rao giảng tại Yude-a ? Lúc bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giê-su không chọn rao giảng tại Yerusalem / Bởi vì Yerusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng bọn họ lại rất kiêu căng, hợm mình, luôn muốn loại trừ người khác / Khi mới sinh ra, Chúa Giê-su đã phải chạy trốn bạo vương Herođê / nhưng hôm nay đến phiên Hêrodê Con lại ra lệnh giết Thánh Yoan Tẩy Giả, chỉ để thỏa mãn dục vọng điên cuồng với một phụ nữ / Chúa Giê-su đã không muốn chọn Yerusalem làm điểm khởi đầu, bởi vì thượng tế, luật sĩ, văn nhân đã ra chai đá, họ luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không chịu mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.

43/Vì sao Chúa chọn Galilê-a? Chúa chọn Galilê-a vì đây là nơi quê nghèo khiêm tốn, dân cư thì thuộc đủ mọi chủng tộc, nhưng lại biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người / Người đã chọn Galilê-a vì nơi đây không có sự loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, dễ chung sống hòa thuận/ Người đã chọn Galilê-a vì đây là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài xã hội / Ngay từ ban đầu, Người đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường của Đền thờ, bị giới hạn trong khung cảnh điạ lý và không  chỉ dành riêng cho một giai cấp.

44/Ra đi là gì? Ngay từ đầu, Chúa Giê-su đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng đó là phải ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da / Ra đi là đến với những nơi mà con người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra bên ngoài lề xã hội.

45/Tiêu chuẩn chọn môn đệ của Chúa Giê-su: Cách chọn của Người rất độc đáo / Người  không chọn những kẻ có ăn học, được dạy dỗ, có dòng giống trong Đền thờ, nhưng lại chọn môn đệ giữa chợ đời / Người không chọn những kẻ rảnh rang, quần the, áo thụng, nhưng lựa chọn những kẻ tất bật làm việc trong đời thường / Người không chọn những kẻ có kiến thức uyên thâm, thông làu kinh luật, nhưng lại chọn những anh thuyền chài dốt nát, đơn sơ, cục mịch / Người chọn những kẻ chân lấm tay bùn, nhưng dám ra đi, dám dấn thân, dám mạo hiểm, không sợ dơ, không sợ khổ / không sợ phải ngủ bờ, ngủ bụi.**R

 

Bài 4: THEO CHÚA SẼ ĐƯỢC NHỮNG GÌ ?

46/Ý định truyền giáo của Chúa Giê-su như thế nào? Ý Chúa Giê-su thật rõ ràng / Người đã chọn những kẻ dám ra đi, dám mạo hiểm, dám từ bỏ, không ngần ngại, không do dự / Người chỉ lựa những con tim biết mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ điểm tựa nào => cho dù là lề luật, là Đền thờ, cho dù là kiến thức, hay là bấu víu vào của cải vật chất / Họ dễ dàng buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa / Họ bỏ tất cả để đi theo Chúa / Người nghèo, người dốt thì chẳng có gì để tiếc nuối nên họ từ bỏ cách dễ dàng.

47/Chúng ta hiểu gì về sự lựa chọn môn đệ của Chúa ? Tiêu chuẩn chọn lựa của Chúa khiến ta hiểu rằng: Người luôn yêu thích những tâm hồn rộng mở, biết sống hài hòa / biết đón nhận anh em / Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ, nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhu, bình dị / Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương => Đó mới là những tâm hồn dễ dàng đón nhận Tin Mừng / Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Lời Chúa nảy mầm / sinh hoa / kết trái.

48/Một sự kiện cảm động bất ngờ / Thật hồi hộp và cảm động biết bao khi bốn người đàn ông chài lưới nghe thấy Chúa Giê-su gọi tên họ, mời gọi họ đi theo Ngài / Họ phải bịn rịn lắm, phải dứt khoát lắm, phải liều mình lắm khi phải từ bỏ nghề nghiệp, gia đình và nhà cửa để đi theo Chúa Giê-su / Họ đã thấy nơi Chúa Giê-su có điều gì đó rất khác với những nhân chứng trước kia / Phải có ánh sáng đức tin trợ giúp họ để họ nhìn thấy Chúa Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa.

49/Các ông đã thấy được gì nơi Đức Kitô ? Ngay lúc ban đầu, nguồn ánh sáng ấy không mạc khải cách kỳ diệu như lời tiên tri Isaia đã báo trước : “ Dân chúng đi trong tối tăm, nay đã thấy được nguồn sáng lớn lao” / Nhưng đó mới chỉ là một thứ ánh sáng mờ nhạt, một thứ ánh sáng chỉ cho phép họ thấy cách mờ mờ /nên nhiều lúc họ vẫn còn đặt nghi ngờ nơi Chúa Giê-su / có lúc họ còn bỏ rơi Chúa, có lúc họ còn chối Chúa trong cuộc sống thương khó của Người.

50/Ánh sáng đó sẽ mạnh lên như thế nào, khi nào ? Nhưng ánh sáng đó không hề tắt bao giờ, đúng hơn nó đang mạnh dần lên và khi Chúa Thánh Thần ngự đến vào ngày Lễ Hiện Xuống, ánh sáng đó đã trở thành một nguồn sáng ấm áp cực mạnh /có thể đổi thay mọi mối nghi hoặc.

51/Ứng dụng điều này vào đời sống chúng ta ra sao ? Những điều đó cũng xảy ra cho chúng ta như thế => Qua Giáo Hội, lúc chúng ta chịu Phép Rửa Tội /  Chúa Kitô cũng gọi đích danh tên mỗi người chúng ta /  Người nói qua miệng vị linh mục: Yuse hay Maria, Cha rửa Con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần / Chúng ta được trao cho mỗi người một ngọn nến cháy sáng, biểu hiện cho đức tin của chúng ta / Cho dù lúc đó ta chỉ là một em bé, hay một người trưởng thành, chúng ta đã lãnh nhận ánh sáng đức tin / Lúc đầu tiên ánh sáng ấy mới chỉ là một đốm sáng mờ nhạt, nhưng với Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích này mới kiện toàn Phép Rửa Tội và ánh sáng đó sẽ trở nên sáng rực.

52/Đức tin giúp chúng ta thấy Chúa như thế nào ? Với Đức tin chúng ta thấy Chúa Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong thế gian, đã được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần /  Chúng ta tin Chúa Giê-su đã rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa / và hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục nghe lời Chúa qua Thánh Kinh và các giáo huấn của Giáo Hội.

53/Thánh kinh đã dạy chúng ta điều gi ? Chúng ta biết rằng: Sứ vụ truyền giáo đã dẫn đưa Chúa Giê-su lên Yerusalem, nơi mà Người phải chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta / Đức tin của chúng ta cũng dạy rằng: Nhờ việc chúng ta thông dự vào Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ được dự phần vào sự chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được sống lại như Ngài.

54/Tại sao chúng ta theo Đức Kitô ? Chúng ta theo Đức Kitô, bởi chúng ta cũng là chi thể trong thân xác của Ngài / và thân thể Mầu Nhiệm của Ngài là Giáo Hội / Đương nhiên chúng ta cũng phải cảm nhận được những thứ gì còn thiếu sót trong Thánh thể Chúa cũng như trong Thân thể Mẹ Hiền Giáo Hội.

55/Tại sao chúng ta phải trung thành với Chúa ? Chúng ta phải luôn trung thành với Phép Rửa của chúng ta, để được ở lại trong nhà Giáo Hội của Chúa / Đừng bao giờ tỏ dấu hoài nghi Chúa Kitô hoặc bỏ rơi Ngài /  Đấng đã gọi tên chúng ta khi chịu Phép Rửa / Ngài cũng muốn cho chúng ta tiếp bước theo Ngài.

56/Chúa kêu gọi chúng ta làm gì? Chúa bảo: “ Hãy trở lại, vì Nước Trời đã đến gần” / Câu này có nghĩa rằng: Tin mừng là một cuộc thay đổi ách thống trị trên con người / Nếu chúng ta có được sự tự do lựa chọn một ông chủ để thống trị mình thì ta luôn có một ông chủ để tôn thờ / Nếu ta không chọn Thiên Chúa, thì ta buộc phải chọn ách nô lệ như là: bản năng thấp hèn, lòng ích kỷ, tiền tài, ma quỷ…/ Chúa kêu gọi chúng ta lựa chọn Thiên Chúa tức là chọn sự thống trị của tình yêu /  Nếu muốn phục hồi đời sống con người trở lại tình trạng nguyên vẹn của nó / ta buộc phải từ bỏ ách nô lệ, sự ác và chọn lựa Chúa làm Đấng Thống Trị linh hồn ta.

57/Theo Chúa chúng ta sẽ được gì? Chúa chữa lành mọi bệnh tật / Chúa Kitô dùng quyền năng và lòng nhân hậu để hỗ trợ lời rao giảng của Ngài / Ngoài giá trị phần xác, còn có sự biểu thị phục hồi tinh thần / tức là làm lại từ đầu con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng, tổn thương, phá hủy / Chúa Kitô muốn tái sinh con người, để con người trở nên con cái Thiên Chúa.  **R

 

TÓM Ý

1/ Tại sao Chúa Giê-su phải chọn môn đệ ? Sứ vụ của Chúa Giê-su là đi rao giảng tin mừng cứu độ, nên ngay khi khởi đầu Chúa cần chọn cho mình một số người cộng tác/ Chúa đã chọn bốn người đầu tiên, đó là: Phê-rô, An-rê, Ya-cô-bê và Gioan.

2/ Hôm nay Chúa sẽ gọi chúng ta vào lúc nào ? Ngày nay Chúa gọi chúng ta cách âm thầm, thông thường Chúa gọi qua các biến cố, là những dấu chỉ, là những sứ điệp, như vậy chúng ta luôn phải tỉnh thức!

3/ Cách Chúa gọi mẹ thánh Têrêxa Calcutta như thế nào ? Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta trước đây là một nữ tu dòng Đức Bà Loretto, nhưng sau này, khi mẹ ra phố, gặp một phụ nữ khốn khổ, sắp chết, mẹ đã ra tay cứu giúp, và nghiệm ra rằng: Ý Chúa muốn mẹ giúp đỡ những người nghèo khó / mẹ đã xin ra khỏi dòng, đến ở với họ / Sau này mẹ mới đứng ra lập hội Dòng chuyên lo việc bác ái.**

4/Tại sao chúng ta không đáp trả lời Chúa mời gọi ? Nghe tiếng Chúa gọi, tìm biết ý Chúa, và phải đáp trả lời gọi ấy/ nhiều người thích làm ngơ trước tiếng Chúa mời gọi/ Bởi vì họ có quá nhiều sự ràng buộc (tiền, thú vui, danh vọng)/

5/Điều gì quý giá và quan trọng nhất ? Chọn Chúa là loại bỏ tất cả những thứ khác ra phía sau/ vì Chúa quý giá và quan trọng nhất.

6/ Tại sao Chúa lại chọn các ngư phủ? Chúa chọn các ngư phủ quen biết, họ nghèo, ít học, không có địa vị, nhưng Chúa thấy họ có đủ phẩm chất làm tông đồ.  Họ luôn kiên trì và nhẫn nại đợi chờ sau khi thả lưới/ Tính hòa đồng: giúp họ dễ dàng làm việc chung với nhau / tính can đảm => giúp họ có thể đối diện với sóng gió, nghịch cảnh/ khả năng dự đoán: kinh nghiệm chỗ nào, khi nào thì nên thả lưới.

7/ Đời sống của người môn đệ phải như thế nào ? Ra đi theo Chúa là chấp nhận rời bỏ nếp sống quen thuộc, chấp nhận cuộc sống bấp bênh, không nhà cửa/ có thể đi khắp nơi, gặp mọi người và tận tụy với sứ mệnh loan báo nước Thiên Chúa.  Muốn theo Chúa phải biết sám hối, hoán cải, từ bỏ con đường xưa mình đã từng đi, để cùng đồng hành với Chúa/ phải đi ngược lại với cái tôi ích kỷ/ phải ra đi gieo rắc niềm vui cho mọi người/

8/ Nhiệm vụ của kẻ theo Chúa là gì ? Đi theo Chúa là dám đến vùng xa lạ, vùng dân ngoại/ chúng ta phải can đảm giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa, cho những người đã hiểu sai về khuôn mặt của Thiên Chúa/

9/ Chúng ta nên truyền giáo như thế nào ? Ngày xưa Chúa rao giảng và chữa bệnh bằng quyền năng/ ngày nay nếu chúng ta muốn người khác đón nhận Chúa, chúng ta phải chuyên cần cầu nguyện, sống bác ái đó là => Lời nói phải đi đôi với việc làm, giúp họ từ bỏ điều ác, yêu thích làm điều thiện hảo /

10/ Dân Do Thái thời đó như thế nào?  Miền Giu-đa là nơi toàn tòng theo đạo, nhưng dân chúng lại rất kiêu căng, hợm mình/ họ sống loại trừ, khép kín/ Hê-rô-đê con thì ác độc, vừa mới chặt đầu Gioan Tẩy Giả/ luật sĩ biệt phái thì chai đá/ họ chỉ muốn bắt bẻ chứ không muốn đón nhận giáo lý của Chúa

11/ Dân miền Galile như thế nào ? Là miền quê nghèo khiêm tốn, ngoại và đạo sống lẫn lộn, nhưng họ biết mở rộng lòng ra đón nhận, nơi đây không có loại trừ, họ biết đón nhận nhau, biết chung sống hòa thuận/ đây cũng là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài xã hội/ hơn nữa giáo lý của Chúa  thì phổ quát chứ đâu dành riêng cho một giai cấp nào/

12/ Làm tông đồ cho Chúa là làm những gì ? Là ra đi là đi theo đường lối mà Chúa Giê-su đã vạch ra, là đi đến những nơi xa lạ, để đến mọi nơi, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi màu da, ra đi đến với những con người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra bên ngoài xã hội/ **

13/ Tiêu chuẩn chọn môn đệ của Chúa như thế nào ? Chúa không chọn các môn đệ trong hàng ngũ thông thái, giàu có, những tư tế ở trong đền thờ, nhưng là chọn những con người quê mùa dốt nát giữa chợ đời, nhưng lại chọn những thuyền chài ngu dốt, chân lấm tay bùn, dám từ bỏ tất cả, dám liều mình, không sợ khi phải ngủ bờ ngủ bụi /

14/ Thế nào là một con người biết phó thác? Chúa chỉ chọn những con tim biết mở rộng, dám hy sinh quên mình/ không bám víu vào điểm tựa nào, họ dể dàng buông bỏ tất cả chỉ để nắm lấy một mình Thiên Chúa, người càng nghèo dốt, càng dể dàng từ bỏ /

15/ Chúa thường yêu thích những ai ? Tiêu chuẩn tuyển chọn của Chúa khiến ta hiểu rằng: Chúa ưu thích những tâm hồn đơn sơ bình dị, nhưng họ như thửa đất tốt, dễ dàng đón nhận hạt giống lời Chúa, khiến cho lời Chúa dể dàng nẩy mầm, sinh hoa kết quả /

16/ Các ông đã đáp lại như thế nào ? Họ cảm động biết bao khi nghe Chúa gọi tên mình/ tuy họ có chút bịn rịn nhưng đã mau mắn dứt khoát, họ phải tin lắm, phải liều lắm, mới dám từ bỏ nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa để đi theo Chúa/ Họ đã thấy nơi Chúa có điều khác thường / nhưng cũng phải có ánh sáng đức tin mới giúp họ nhận ra Ngài chính là con Thiên Chúa/

17/ Các ông đã thấy Chúa như thế nào ? Ngay lúc đầu 4 người họ chỉ thấy nơi Chúa một ánh sáng mờ nhạt, vì họ thấy lờ mờ nên nhiều lúc họ còn thấy nghi ngờ Chúa, còn bỏ rơi Chúa, còn chối Chúa khi Chúa hoạn nạn / là do các ông còn tin lỏng lẻo .

18/ Đến lúc nào các ông mới tin mạnh ? Ánh sáng đức tin đã mạnh dần lên khi các ông tiếp nhận Chúa Thánh Thần/ chúng ta cũng được như thế khi chịu phép thêm sức /

19/ Nhờ đâu chúng ta nhận biết Chúa ? Nhờ có Đức tin, chúng ta mới nhận ra Chúa Giê-su là con Thiên Chúa, là Đấng được sai đến, đã thụ thai trong lòng Đức trinh nữ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần/ chúng ta tiếp tục tin Chúa qua lời Chúa, qua giáo huấn của Giáo hội /

20/ Chúng ta là gì của Chúa Ki-tô ? Chúng ta theo Đức Ki-tô vì chúng ta là chi thể của Ngài, đầu đi đâu thì thân mình phải đi đến đó, Chúa Giê-su làm việc gì thì chúng ta phải hợp tác với Ngài, tiếp bước theo Ngài /

21/ Chúa mời chúng ta chọn lựa điều gì ? Vì Nước Trời đã đến gần, Chúa mời gọi chúng ta đi theo Chúa, đi theo chính là làm một cuộc lựa chọn, lựa chọn Đấng thống trị mình, lựa một minh chủ để tôn thờ, hoặc thờ Chúa hoặc thờ tiền tài danh vọng, thú vui/ chúng ta chọn thứ tình yêu tự do hay muốn làm nô lệ cho tội lỗi /

22/ Vì sao chúng ta nên chọn Chúa ? Theo Chúa, chúng ta sẽ được Chúa chữa lành bệnh tật hồn xác/ Chúa sẽ tái sinh chúng ta, biến đổi chúng ta từ một thụ tạo thấp hèn, trở nên con Thiên Chúa /  **

Bài viết của Giuse Luca/ Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1273
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  3178
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11421012
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top