Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 32 TN A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XXXII  / THƯỜNG NIÊN  A 

ĐỀ TÀI: DỤ NGÔN MƯỜI CÔ TRINH NỮ

 

 

Tung hô Tin Mừng:     Mt 24,42a.44

Haleluia. Haleluia. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 25, 1-13

Chú rể kia rồi, ra đón đi!

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

1 "Hôm ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ  ngôn này : “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi!" 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt mất rồi!" 9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" 12 Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!" 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Câu chuyện hôm nay đã xảy ra ở đâu ?

2/ Tận thế sẽ xảy ra vào lúc nào?

3/ Vào giây phút trọng đại ấy, chúng ta cần làm gì?

4/ Chúng ta được diễm phúc như thế nào?

5/ Điều nào gây bất ngờ nhất?

6/ Những thứ nào làm cho ta mê muội?

7/ Thiên Chúa là ai?

8/ Tỉnh thức là gì?

9/     Ai được Chúa mời gọi?

10/ Điều kiện để được vào Nước Trời là gì?

11/ Các trinh nữ tượng trưng cho ai?

12/ Vì sao chú rể lại đến bất ngờ?

13/ Năm cô khờ dại có vô tích sự lắm không?

14/ Vì sao dầu không thể mượn?

15/ Nếu ngày mai Chúa đến, vậy hôm nay ta phải làm gì?

16/ Ta có thể đổ lỗi cho ai?

17/ Nếu Chúa quang lâm, chúng ta nên làm gì?

18/ Hạnh phúc nước Trời là gì ?

19/ Lời cảnh báo có tác dụng gì ?

20/ Chúng ta nên trách ai ?

21/ Chúa Giêsu vẫn đang diện diện ở đâu ?

22/ Chúa muốn dạy gì qua bài Dụ Ngôn ?

23/ Chúa muốn báo trước điều gì ?

24/ Những Dụ ngôn nào minh họa cho ngày tận thế ?

25/ Cách sống của các cô dại nói lên điều gì ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: HÌNH PHẠT GÂY KHỔ ĐAU NHẤT LÀ GÌ?

1/  Đại ý của bài Phúc Âm hôm nay là gì? Chúa muốn dùng dụ ngôn 10 cô trinh nữ để dạy các môn đệ và dân chúng một bài học là mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng để chờ ngày Chúa đến.

2/ Bối cảnh câu chuyện đã xảy ra ở đâu? Sau một ngày giảng dạy ở đền thờ ,đến xế chiều Chúa Giê-su và các môn đệ kéo nhau rời thành thánh để đi về phía sườn núi cây dầu. Sau đó thầy trò cùng nhìn về phía đền thánh và trò chuyện hàn huyên với nhau.

3/ Trong câu chuyện râm ran, Chúa Giê-su mới nói về sự tàn phá của đền thánh Giê-ru-sa-lem như để loan báo về ngày tận thế. Nhân cơ hội này Chúa cũng đưa ra nhiều dụ ngôn nói về ngày phán xét (Mt24,42-44/Mt24,45-51/Mt25,1-13/Mt25,14-30. Trong đó có dụ ngôn 10 cô trinh nữ mà Chúa dùng như một bài học dạy mọi người phải tỉnh thức, sẵn sàng.

4/ Khi nói: Nước Trời giống như 10 cô trinh nữ: Đây chỉ là kiểu nói nhập đề chứ không phải Chúa muốn nói đến chuyện Nước Trời lần sau cùng sẽ có những người giống như 10 cô trinh nữ trong dụ ngôn.

5/ Trinh nữ là những thiếu nữ chưa chồng/ Đa số các đám cưới ngày nay người ta thường mượn những thiếu nữ trẻ đẹp, để đi phù dâu / Chứ Chúa không có ý nói đến những người chủ ý  chọn đời sống độc thân như các nữ tu.

6/ Cầm đèn đi đón chàng rể: Ở đây Chúa có ý dựa theo phong tục cưới hỏi của người dân xứ Palestine thời Chúa Giê-su, là theo luật Moisen. Chứ không phải có tính cách  như ngày nay, VÀ việc cưới hỏi thường diễn ra ban đêm.

7/ Theo tục lệ người Do Thái: Một tuần trước lễ cưới.  Cả hai bên nhà trai nhà gái, mỗi bên đãi tiệc riêng bà con bạn hữu của mình. Rồi tới hôm lễ cưới thì hai họ nhập lại ăn uống một đêm cuối cùng tại nhà trai.

8/ Nghi thức quan trọng nhất là đêm rước dâu/ Vào chập tối, chàng rể và các bạn phụ rể tay mang bó đuốc lên đường đến nhà gái, Khi đó bên nhà gái các cô phù dâu và cô dâu đã sửa soạn đèn sẵn chờ chàng rể đến. Khi mọi sự đã sẵn sàng thì đám rước dâu khởi hành, khi đoàn rước về đến nhà trai là vào tiệc ngay.

9/ Đèn các cô phù dâu phải đủ dầu để đốt trong khi chờ chàng rể đến ,vì thế họ phải mang thêm bình dầu đủ để đốt khi ăn tiệc/ tại tiệc cưới thì đèn của các cô dâu phải treo thành hình vòng hoa ánh sáng chung quanh chỗ của cô dâu chú rể.

10/ Dụ ngôn về tiệc rước dâu này còn có rất nhiều chi tiết/ Nhưng Chúa chỉ muốn dựa vào phong tục rước dâu để nói lên sự quan trọng của việc tỉnh thức và sẵn sàng. Ở đây Chúa tự ví mình như chàng rể/ Người sẽ đến lần 2 vào ngày phán xét để mở tiệc cưới và ban phát phúc trường sinh/ Ai tỉnh thức sẵn sàng sẽ được hưởng phúc. Ai chểnh mảng, vô lo, tội lỗi thì sẽ bị loại ra ngoài.

11/ Ý Chúa muốn nhấn mạnh, Chúa là chàng rể sẽ đến bất ngờ trong ngày phán xét của mỗi người/ Vì Thế Chúa đòi mỗi người phải  tỉnh thức, sẵn sàng khi Chúa chưa đến thì họ vẫn phải đợi chờ trong tư thế như vậy.

12/  Người phù dâu khờ dại có nhiệm vụ gì? Họ có bổn phận thắp đèn sáng để đón chàng rể, Tuy họ có mang dầu nhưng không đủ. Họ có tính chểnh mảng ,vô lo nên khi chàng rể đến thì đèn của họ đã tắt. Họ chỉ có việc đi đón nhưng lại không chuẩn bị chu đáo, nghĩa là không xứng đáng với nhiệm vụ.

13/ Áp dụng vào người có đạo thì như thế nào? Người có đạo mà chểnh mảng, không chu toàn đời sống đạo. Nên đến giờ chết họ đã không còn ơn nghĩa thánh, không đủ công phúc để vào Nước Trời. Như vậy Chúa muốn nói rằng : Không phải cứ có tên trong sổ rửa tội, có tên trong sổ gia đình công giáo, có ở trong cộng đoàn nhà tu, có tên trong hội đoàn là bảo đảm được ơn cứu rỗi đâu.

14/ Thế nào là người khôn ngoan? Người công giáo khôn ngoan là người tiên liệu có đủ dầu để sử dụng trong cả cuộc đời. Có thể là chàng rể đến sớm, có thể là chàng đến quá muộn. Có thể là người chết sớm, có thể là người sống lâu. Nhưng ai cũng phải lập công phúc. Thánh Tê-rê-xa nhỏ lúc chết mới 24 tuổi thôi, nhưng đã là một vị đại thánh.

15/ Khôn ngoan theo nghĩa rộng là gì? Là người biết lắng nghe lời Chúa và biết cố gắng đem ra thực hành/ Giống như người xây nhà trên nền móng bằng đá rất vững chắc (Mt7,24/Mt10,16) Ở đây Chúa muốn nói đến những người sống đạo thật tốt. Luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Lập được nhiều công phúc trước mặt Chúa và luôn sẵn sàng chờ ngày Chúa gọi về.

16/ Nếu chàng rể đến chậm thì sao? Thì phải chờ đợi lâu dài/ điều quan trọng là không được đánh mất niềm tin. Không được buông lơi lòng nhiệt thành, không thể mê ngủ trong các tính mê tật xấu. Người khôn ngoan thì phải bền đỗ đến cùng. Biết lợi dụng thời gian chờ đợi này để làm cho ra thật nhiều việc lành phúc đức.

17/ Tại sao các cô lại thiếp đi và ngủ? Ở đây diễn tả sự mệt mỏi, giữ đạo lâu ngày sẽ sinh nhàm chán, vì không biết chàng rể đến lúc nào, vì việc Chúa đến với mỗi người trong giờ chết thì không ai có thể biết trước được.

18/ Nhưng sao người khôn ngoan vẫn ngủ? Người khôn ngoan vẫn ngủ thì không có gì đáng trách. Vì ai cũng phải ngủ mà, nhưng họ chỉ ngủ khi cần ngủ, họ không ngủ trong giờ làm việc. Vì họ không phải canh gác, hơn nữa họ luôn an tâm vì đã có dầu đầy bình. Con kiến thì chăm chỉ làm việc, còn con ve thì chỉ mê ca hát, không chịu làm việc. Đối với người luôn tỉnh thức thì việc Chúa đến bất ngờ cũng không sao vì họ đang sống trong ơn nghĩa Chúa rồi.

19/ Tại sao người đã dại, lại quá dại? Họ dại nhiều, họ dại tới 2 lần, ngay từ đầu họ đã biết mình không mang theo đủ dầu. Thế sao không chịu đi mua ngay mà lại lăn quay ra ngủ? kế đến là tại sao không lợi dụng thời gian chờ đợi để đi mua sắm thêm dầu? mà lại lăn ra ngủ cách vô tư. Ai sống đạo không tốt ở đời này mà không chịu gia tăng làm việc lành phúc đức ,thì cũng dại y như vậy.

20/ Ý Thiên Chúa muốn như thế nào? Chúa muốn khi ta đang sống và biết rằng sẽ có ngày Chúa đến, chính là giờ chết của ta. Nhưng ta không được chờ trong tư thế thụ động, mà ta phải biết tranh thủ để có một hành trang sẵn sàng bằng cách luôn thực thi ý Chúa, lập công đền tội, sống trung thành trong ơn nghĩa Chúa.

21/ Nửa đêm là thế nào? Nửa đêm là giờ phút tiếp nối từ ngày hôm trước sang ngày hôm sau, là sự chuyển tiếp từ đời này sang đời sau, chàng rể đến lúc nửa đêm diễn tả Chúa đến bất ngờ trong giờ chết. Nhưng điều bất ngờ này đối với những người lành, sẽ không làm họ khó chịu. Vì tuy họ có ngủ, nhưng họ ngủ trong tâm trạng chờ đón. Trái lại, đối với kẻ dại, là những người có nếp sống tội lỗi ,vì không chu toàn trong đời sống đạo, nên họ khó chịu, hoảng hốt, lúng túng.

22/ Họ đã làm gì lúc đó? Lúc đó họ có cầu nhưng không ai cứu kịp, ở đây ý Chúa muốn nói rằng: Đã đến lúc tới toà phán xét thì không ai có thể cứu kịp. Cho nên đợi đến lúc chết rồi mới sám hối, thì đã quá muộn rồi.

23/ Người đã sẵn sàng thì sao? họ đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Vì họ luôn trong tư thế sẵn sàng. Nên bất cứ lúc nào Chúa gọi, họ cũng đếu có đủ điều kiện để  vào được Nước trời.

24/ Khi cửa đã đóng lại rồi thì sao? Đây là giới hạn phân cách vĩnh viễn, người nào được vào thì muôn đời hạnh phúc, người nào bị loại thì muôn đời bị ở ngoài, vì cửa đã đóng rồi thì không vào được nữa.

25/ Lời cầu xin muộn màng: Ở đây Chúa muốn chúng ta nhớ lại câu Chúa nói: Không phải ai nói lạy Chúa, lạy Chúa.... là được vào Nước trời (Mt7,21-23)/ Cho dù có được mời vào dự tiệc cưới nhưng vì không mặc áo cưới thì cũng bị loại ra (Mt22,1-14). Các cô khờ, cho dù đã được chọn vào việc rước chàng rể nhưng không sẵn sàng đủ dầu đèn, thì cũng bị loại ra.

26/ Người Ki-tô hữu, dù đã gia nhập giáo hội, có qua bí tích rửa tội ,đã là con Chúa, nhưng nếu có đời sống không phù hợp với Chúa, thì cũng bị loại ra ngoài. Vì thế có van xin trong giờ phán xét thì cũng vô ích. Vì sẽ không được Chúa nhậm lời. Chỉ những ai có mang theo dầu, là việc lành phúc đức, thì mới được vào mà thôi.

27/ Tại sao Chúa lại nói: ta không biết các ngươi? Chúa biết chứ sao lại không biết. Ở đây diễn tả những người mất ơn nghĩa Chúa nên không còn được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa nữa, họ đã bị loại trừ, và đây chính là thứ hình phạt gây đau khổ vô cùng. **R

 

Bài 2: HÃY LUÔN SỐNG TRONG TƯ THẾ SẴN SÀNG

28/ Các bài đọc hôm nay có ý nói về điều gì?  Chàng rể đến bất thình lình, vì không biết Chúa sẽ đến vào lúc nào. Vậy nên người tín hữu phải có thái độ khôn ngoan, phải luôn sống trong tư thế sẵn sàng chờ Chúa đến.

29/ Tác giả sách khôn ngoan dạy điều gì? Bất kỳ ai thành tâm thiện chí tìm kiến Thiên Chúa thì đều được Ngài ưu ái tỏ mình ra cho họ.

30/ Thánh Phaolô muốn dạy chúng ta điều gì? Bất kỳ ai đang sống và tin vào Đức Kitô, thì họ đều được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu Kitô trong ngày Ngài quang lâm.

31/ Chúa Giêsu muốn nói gì qua dụ ngôn này? Qua dụ ngôn mười cô trinh nữ, Chúa mời gọi  những ai đang tin theo Chúa, những ai đang sống trong thời đại hôm nay hãy luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến.

32/ Hôm nay Chúa Giêsu muốn báo trước điều gì? Chúa Giêsu muốn nói cho các môn đệ biết tính cách bất ngờ của ngày Chúa đến, nên Chúa mời gọi mọi người hãy sống cuộc sống của mình trong tư thế sẵn sàng để đón chờ Chúa đến.

33/ Những dụ ngôn nào minh họa cho điều này? Có bốn dụ ngôn có cùng ý tưởng này: a) Trận lụt đại hồng thủy (Mt24,37-42); b) Kẻ trộm đến vào ban đêm (Mt24,43-44); c) Người đầy tớ trung tín (Mt24,45-51); d) Mười cô trinh nữ (Mt25,1-13).

34/ Câu chuyện hôm nay được bắt đầu như thế nào? Đầu tiên là tác giả muốn giới thiệu các nhân vật, các cô trinh nữ được tuyển chọn vào đoàn rước dâu. Các cô phải có mặt và sẵn sàng để đón chàng rể đến với đèn cháy sáng trong tay.

35/ Tập tục cưới hỏi được quy định như thế nào? Chúa muốn dùng một câu chuyện xảy ra theo tập quán của người Do Thái, rồi lồng giáo huấn của Chúa vào. Tập tục cưới hỏi được quy định rằng: Chàng rể sẽ đến đón cô dâu tại nhà cha mẹ cô dâu, rồi cả hai được đoàn tùy tùng rước về nhà chàng rể. Tại đây lể cưới sẽ được cử hành, sau đó là mọi người cùng nhập tiệc.

36/ Nhiệm vụ của cô dâu và các phù dâu là gì? Cùng với cô dâu, các cô phù dâu đợi chàng rể đến, các cô có nhiệm vụ cầm đèn thắp sáng tháp tùng đoàn rước vào ban đêm cũng có khi chàng rể đến chậm do trục trặc điều gì, cho nên các cô phải đợi chờ.

37/ Tại sao Chúa không hề nói tới cô dâu? Tuy cô dâu là nhân vật quan trọng, nhưng Chúa chỉ nói đoàn rước dâu gồm có 10 cô phù dâu. Bởi vì Chúa chỉ khai thác vai trò của những người kém quan trọng. Đó là các cô phù dâu mà thôi.

38/ Chúa đưa ra lời mời hay là lời kêu gọi? Đối với các cô phù dâu thì đây là lời mời, nhưng nếu với chúng ta thì đây lại là lời kêu gọi, vì các cô trinh nữ này nhận lời mời cho nên các cô phải nghĩ tới mọi sự cần thiết để các cô chu toàn nhiệm vụ. Trong số 10 cô này, có 5 cô có vẻ khờ vì không biết tiên liệu, không có kinh nghiệm nên mang đèn mà không mang dầu dự trữ theo, còn các cô khôn thì biết dự phòng cho những bất trắc có thể xảy ra, nên các cô còn mang theo dầu dự trữ.

39/ Cách sống của các cô dại nói lên điều gì? Các cô này có cái kiểu suy nghĩ hời hợt, tới đâu hay tới đó. Còn cách nghĩ của các cô khôn là biết tiên liệu phòng xa: Cẩn tắc khỏi áy náy.

40/ Mọi người cùng ngủ thiếp đi, thì có gì sai? Việc họ mệt nên ngủ thiếp đi, thật ra đâu có gì sai, đơn giản là vì chàng rể đến trễ hơn dự kiến. Vì họ ngủ cả nên chẳng có hành động nào đáng trách, chỉ có chờ đợi mỏi mắt nên họ ngủ là điều bình thường.

41/ Tất cả đều ngủ, vậy ai là người tỉnh thức? Ai cũng ngủ, nhưng 5 cô khôn lại được xem là những người tỉnh thức. Tỉnh thức ở đây có nghĩa là họ đã chu toàn nhiệm vụ / trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền nghỉ ngơi cho lại sức.

42/ Tại sao không phải tiếng đàn mà lại là tiếng la? Thông thường khi chàng rể đến thì phải có tiếng đàn ca hát từ đàng xa khiến cho mọi người có thể nghe tiếng. Đàng này một tiếng la đột ngột làm mọi người tỉnh giấc, các cô đâm ra lóng ngóng khi chuẩn bị đèn, khoảnh khắc mọi người chờ mong đã đến, chàng rể đến, đèn được thắp sáng, các cô được tháp tùng vào dự tiệc cưới.

43/ Vấn đề hệ trọng nào đã xảy ra? Sự thiếu sót một chút lúc ban đầu, xem ra không ai để ý vì nó không hệ trọng, nhưng đến lúc này nó mới là vấn đề. Vì dầu sẽ không đủ cho mười chiếc đèn. Tình thế thật khốn khổ và đau đớn, vì ai có đèn cháy sáng thì mới được theo đoàn rước mà vào tiệc cưới.

44/ Tội ích kỷ nằm ở chỗ nào? Khi thấy đèn mình hết dầu, năm cô khờ đã đến xin dầu nơi năm cô khôn, cả năm cô khôn ngoan này mỗi người đều có 1 bình dầu dự trữ đầy ắp. Thế mà họ lại từ chối chia sẻ với bạn mình. Như vậy họ có ích kỷ lắm không? Nếu là chuyện bình thường thì đây quả là một hành động ích kỷ, nhưng đây chính là hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời. Ngọn đèn mà các cô phải giữ cho cháy sáng, chính là ngọn đèn Đức tin, Đức Cậy, Đức Mến cháy sáng. Cho nên họ cần phải có một thứ dầu đặc biệt, thứ dầu này tượng trưng cho các hành vi biểu lộ sự tự do riêng của mỗi người. Vì thế không ai có thể bắt người khác phải tin, cậy, mến như mình được, cũng không thể vay mượn lòng tin, cậy, mến của người khác được, cho nên không ai có thể cho ai, cũng không thể xin ai được.

45/ Câu trả lời không mang ý nghĩa nào? Khi trả lời không, các cô khôn đã cho thấy hậu quả của việc thiếu tiên liệu và thái độ không chịu lo xa, nhưng đến bây giờ thì đã quá muộn!!! Bởi vậy mỗi người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời mình.

46/ Hậu quả sau đó đã như thế nào? Khi chàng rể đến chỉ có những ai đã chuẩn bị sẵn sàng mới được vào tiệc cưới với chàng rể, các cô khôn đã được vào và cửa đã đóng lại.

47/ Tại sao lời cầu xin khẩn thiết lại trở nên vô tác dụng? Sau cùng thì các cô khờ đã có câu trả lời: Xin Ngài mở cửa cho chúng tôi, và câu trả lời cay đắng: Tôi không biết các cô là ai cả. Điều này nhắc cho chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu nói nơi bài diễn từ trên núi: Không phải ai thưa với Thầy. Lạy Chúa, lạy Chúa mà đều vào được Nước Trời cả đâu…Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi…hãy xéo đi…(Mt7,21-23).

48/ Bài Tin Mừng này đang nói lên ẩn dụ gì? Chúng ta nhớ lại trong dụ ngôn tiệc cưới với người khách không mặc áo cưới đã bị trục xuất, điều này nói lên rằng: Được mời là một chuyện, đủ điều kiện hay không là một chuyện khác. Hôm nay với dụ ngôn này đã tở thành ẩn dụ: Chàng rể là Đức Kitô, mười cô trinh nữ tượng trưng cho giáo hội đang chờ ngày quang lâm của Chúa mình, thời gian chậm trễ tượng trưng cho ngày quang lâm bị trì hoãn lâu dài, ngoài dự đoán của người tín hữu, vào dự tiệc cưới là tham dự nước Thiên Chúa, cửa đóng lại diễn tả sự khai trừ vĩnh viễn. Câu trả lời từ bên trong vọng ra nhắc chúng ta nhớ lời dạy của Chúa Giêsu trong diễn từ trên núi (Mt7,22-23).

49/ Vì sao Thiên Chúa không nhân từ như bản chất của Ngài? Đây không phải là một phút lầm lỡ mà Thiên Chúa không tha, nhưng là kết cục của một tiến trình đã được chuẩn bị lâu dài do cố tình không muốn chuẩn bị, một chút chợp mắt thiếp đi, đâu có đáng trách, cũng chính đáng thôi. Nếu khi chợt tỉnh dậy, chúng ta vẫn nhớ điều mình cần làm là gì .

50/ Điều nào chúng ta biết nhưng lại vẫn cố tình? Chúng ta dư biết là chàng rể sắp đến, đã rõ là ta cần phải trang bị đầy đủ đèn dầu. Chúng ta có dư giờ để lo sắm sẵn những thứ đó, nếu chàng rể đến chậm. Lẽ ra chúng ta cần phải tỉnh thức hơn vì đang ở trong đoàn trinh nữ đặc tuyển lo việc đi đón chàng rể. Thế mà bạn vẫn không chịu lo cho đèn mình có đủ dầu, chứng tỏ các bạn không quan tâm chàng rể đến lúc nào. Bởi lẽ khi đã lãnh trách nhiệm thì chúng ta phải lo từng giây, từng phút mới phải chứ.

51/ Chúng ta nên có thái độ nào? Chúng ta chỉ thật sự hoán cải khi con mắt tâm hồn mình luôn dán chặt vào Chúa. Năm cô khờ đã trở nên quá xa lạ với chàng rể đến độ Chúa phải thốt lên: Quả thật Ta không biết các ngươi là ai !!!

52/ Kết luận của bài Tin Mừng là gì? Đời người sống tại trần thế như một cuộc đợi chờ, chúng ta quá biết mục đích sống của mình mà chỉ có loài cầm thú mới không biết / vì chúng nó không phải là con của Chúa. Chờ đợi luôn gói gọn tình yêu thương. Nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ chờ đợi trong yêu thương, quý chuộng. Còn nếu chúng ta không thương nhớ chờ mong Chúa đến thì chúng ta sẽ cư xử như những kẻ xa lạ, dại khờ. **R

 

 

Bài 3: CHÚNG TA NÊN TRÁCH AI ?

53/ Toàn cảnh câu chuyện Phúc Âm hôm nay gợi lên trong ta hình ảnh nào? Đây là một bức tranh sống động, làm nổi bật chủ đề của thánh lễ hôm nay, đó là ngày tận thế. Ngày kết thúc vũ trụ vật chất này, chuyện Chúa Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang để xét xử nhân loại, chắc chắn sẽ xảy ra một cách bất ngờ như tên trộm vào ban đêm. Như chàng rể đến bất ngờ, vì thế chúng ta phải chuẩn bị cho ngày cuối của vũ trụ. Cho ngày cuối của đời mình. Ngày chúng ta phải tính sổ với Chúa.

54/ Chúng ta phải có thái độ nào với lời Chúa cảnh báo? Lúc đó là giây phút trọng đại nhất vì nó sẽ mang lại hiệu quả do cách sống của mỗi người chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng như 5 cô trinh nữ khôn ngoan hay chẳng chuẩn bị gì cả như các cô khờ dại để rồi ta phải nghe câu phán quyết lạnh lùng của Chúa ?

55/ Lời Chúa nói sẽ có tác dụng gì không? tất cả những lời Chúa cảnh báo, kêu gọi không phải để chúng ta bỏ từ tai này qua tai kia hay để cho nó chìm vào quên lãng. Trái lại, chúng ta phải ghi nhận và coi đó như một hồi chuông cảnh tỉnh mà Chúa muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta để thôi thúc chúng ta mau rời bỏ cuộc sống tội lỗi.

56/ Có phải chúng ta đang may mắn lắm không? Vừa may mắn vừa diễm phúc vì Chúa còn dành cho chúng ta một khoảng thời gian thật dài, có thể là 50,60,70 năm. Cũng có khi là rất ngắn ngủi. Nhưng ngắn hay dài thì vẫn đủ cho chúng ta ăn năn sám hối, thay đổi nếp sống làm lại  cuộc đời để rồi  khi Chúa vừa gõ cửa là chúng ta đã sẵn sàng.

57/ Một câu chuyện thật hy hữu/  Có thể chúng ta không tin, chẳng ai đi ăn sinh nhật là để chết. Một vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn, đường Điện Biên Phủ. Cái chết thật bất ngờ khi mọi người đang say ngủ, lúc 3 giờ sáng 17/10 ngay sau bữa tiệc sinh nhật. 9 người chết vì không thể ra khỏi căn nhà đang bốc cháy.

58/ Năm cô khờ có vô tích sự lắm không?  Bởi họ có chuẩn bị mà, họ trang điểm mặc quần áo đẹp, có mang đèn nhưng vì chàng rể đến trễ nên không đủ dầu. sau đó họ vay mượn nhưng không được. Và khi bị từ chối thì họ phải lội bộ để đi mua giữa đêm khuya. Lúc có đèn cháy sáng, họ đã gõ cửa nhưng ông chủ không mở vì.... đã muộn quá.

59/ Chúng ta có nên trách ai không?  Không thể đổ lỗi cho chú rể đến chậm khiến cho đèn hết dầu. Chẳng nên trách các cô khôn ngoan vì họ cũng cần đủ dầu để thắp sáng khi đã vào tiệc cưới. Chỉ nên nhận rằng mình đã quá chểnh mảng, không chịu lo cho đủ dầu dự trữ.

60/ Đã có đèn rồi, nhưng tại sao lại chưa đủ?  Có đèn, nhưng đèn phải cháy sáng. Sáng lúc Chúa đến bất ngờ. Như vậy cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng / nếu chỉ mang danh Ki-tô hữu thôi thì chưa đủ. Phải tham gia, phải đóng góp còn cần phải sống niềm tin hết mình. Những đòi hỏi của Chúa lớn nhất là phải sống yêu thương.

61/ Các cô trinh nữ tượng trưng cho những ai? Họ tượng trưng cho Hội Thánh, vẫn có những cô dại và những cô khôn. Có nhiều người không có dầu, có nhiều người đèn đã hết dầu từ lâu, cho nên ai cũng cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình. Cần có thứ dầu là thứ tình yêu bao dung, lòng cậy vững vàng, một niềm tin sắt đá, bền vững và nhất là cần châm dầu cho cây đèn mỗi ngày.

62/ Thế nào là tỉnh thức? Phải tỉnh thức vì không biết Chúa đến lúc nào, tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, cả 10 cô đều ngủ cả mà. Tỉnh thức không phải là suốt ngày chỉ lo đọc lời Chúa, nhưng là để cho Lời Chúa chi phối suy nghĩ, hành động của mình.

63/ Có ai biết được ngày mai? Không ai biết lúc nào thì tận thế, chẳng ai biết trước giờ chết của mình, chẳng ai biết Chúa hẹn mình ở đâu, chẳng ai biết Chúa sẽ gặp mình trong biến cố nào, nơi con người nào. Chính vì thế là phải tỉnh thức luôn luôn, kể cả lúc ta đi ngủ, chúng ta chỉ biết mình tỉnh thức khi có một khoảng thời gian  sống trong mê muội.

64/ Hạnh phúc Nước Trời là gì? Là được sống với Chúa, là được diện kiến thánh nhan, con người sống với Thiên Chúa qua hình ảnh của một đám cưới, cưới ai là cho người ấy ngang hàng, cưới ai yêu thương người ấy, được chung hưởng địa vị, được chia sẻ quyền lợi.

65/ Thiên Chúa là ai? Là Đấng nguồn mạch của hạnh phúc, Chúa đến và cưới lấy con người, cho con người vào sống trong nhà Chúa, được chia hạnh phúc, được Chúa yêu thương nên con người không phải mơ ước điều gì nữa.

66/ Tại sao Chúa trân trọng chúng ta? Chàng rể đến giữa đêm khuya nghĩa là Chúa đến tận nơi để tìm ta, Chúa không triệu tập ta bằng lệnh, nhưng là Chúa đến đón rước linh hồn chúng ta, Chúa vất vả vượt đường xa, đi trong đêm hôm khuya khoắt, như vậy là Chúa yêu thương ta biết bao.

67/ Ai được Chúa mời gọi? Chúa mời gọi mọi người, Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ, Chúa muốn chia hạnh phúc cho ta, Chúa chọn tất cả 10 trinh nữ, không loại trừ ai, Chúa mong cả mười cô đều cùng được vào dự tiệc cưới.

68/ Điều kiện nào mới được vào? Điều kiện diễn tả như là ngọn đèn cháy sáng đi rước dâu là phải cần đèn, đi dự tiệc cưới là phải mặc áo cưới, đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn ai tắt thì bị loại ra ngoài. Đèn sáng là người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa. Biểu lộ lòng yêu mến bằng việc làm cụ thể, còn người có đèn bị tắt là người chỉ có ước muốn suông. Sau đó thì không chịu chuẩn bị, họ giữ đạo theo phong trào, theo model. Họ chỉ là theo đạo dư luận, dù có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn không có đức tin, có đạo nhưng không giữ đạo.

69/ Ở mỗi nhà thờ, nơi nhà chầu luôn có một ngọn đèn thắp sáng để báo cho chúng ta biết có Chúa Giê-su hiện diện, mỗi khi ta đến viếng Chúa, ta trở nên ngọn đèn chầu cháy sáng, ngọn đèn càng cháy sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.**R

 

Bài 4: KHÔN NGOAN THÌ PHẢI SẴN SÀNG

70/ Hình ảnh một thành phố hóa thạch:  Cách đây khoảng 1.900 năm tại nước Ý. Một ngọn núi lửa tên là Vesuve bất ngờ tuôn trào, nó hoạt động nhanh đến nỗi cả thành phố Rompei ở gần đó không ai hay biết và chạy kịp. Cả thành phố trong tích tắc đã bị vùi sâu dưới một lớp phún thạch dày 6m. Chúng ta tưởng tượng phún thạch như sắt nung chảy đỏ rực , tất cả mọi thứ trong chốc lát đều cháy thành than. Ngày nay, khi người ta khai quật lên và vô cùng kinh ngạc về sự hủy hoại nhanh chóng của nó. Nó đốt cháy tất cả những gì nó đã đi qua, người ta lấy thạch cao đổ vào những cái khuôn tự nhiên ấy. Sau đó người ta cào đi lớp phún thạch /sau hàng nghìn năm giờ trở thành lớp bụi đỏ. Khi cào lớp bụi đỏ đi rồi, người ta thấy có những hình người đang ngồi ở bàn nhậu với chén đĩa, chai ly. Có bà mẹ đang bồng đứa con nhỏ, có những anh cảnh sát, những anh lính đang đứng thẳng tại trạm gác với đầy đủ vũ khí trên tay.

71/ Những hình ảnh trên đây gợi lên điều gì? Đây là một bức tranh sống động làm nổi bật chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay-> Đó là ngày tận thế, ngày cánh chung, ngày kết thúc vũ trụ vật chất này. Ngày Chúa trở lại trong vinh quang chắc chắn sẽ xảy ra, lại xảy ra một cách bất ngờ như kẻ trộm viếng thăm vào ban đêm.

72/ Vào giây phút trọng đại ấy, chúng ta cần làm gì? Vì chàng rể đến muộn nên các cô phù dâu đều thiếp ngủ. Trong giây phút trọng đại ấy, liệu chúng ta có sẵn sàng như những những cô trinh nữ khôn ngoan hay lại chẳng chuẩn bị gì cả như những các cô trinh nữ khờ dại. Để rồi phải nghe lời phán quyết lạnh lùng : “Ta không biết các ngươi!”. Tất cả những điều trên đây không phải những thứ chúng ta nghe xong lại bỏ ngoài tai hoặc để cho nó chìm vào quên lãng, trái lại nó phải là tiếng chuông cảnh tỉnh Chúa gởi đến cho mỗi người chúng ta để lôi kéo, thôi thúc chúng ta mau thoát ra khỏi kiếp sống tội lỗi,

73/ Thời gian xảy đến sẽ lâu hay mau? Chúng ta còn được diễm phúc vì Chúa còn dành cho chúng ta khoảng thời gian sáu, bảy chục năm, có khi đôi ba ngày, dăm ba tháng, chúng ta không được biết. Nhưng cho dù là ngắn hay dài, lâu hay mau thì thời gian này cũng đủ để chúng ta ăn năn, sám hối, thay đổi nếp sống, làm lại cuộc đời. Sắm sẵn cho mình những hành trang cần thiết để bất cứ khi nào Chúa gọi tên thì chúng ta đều đã sẵn sàng.

74/ Sự bất ngờ của cái chết: Có những người đi ăn sinh nhật của mình nhưng lại chết, chẳng có ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật. Một vụ cháy trong nhà hàng, nhiều thực khách đang ăn mà phải chết. Những điều này nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết. Có người chết khi đang say ngủ, chín người chết đang khi dự tiệc sinh nhật vì họ không thể ra khỏi căn phòng đang bốc cháy.

75/ Chú rể đến bất ngờ : Đoạn Tin Mừng nhắc chúng ta rằng : Chúa sẽ đến bất ngờ như chú rể đến lúc nửa đêm. Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan hân hoan ra đón chú rể vời chiếc đèn trên tay cháy sáng.

76/ Có phải năm cô phù dâu khờ dại là hạng vô tích sự không? Chắc là họ lo trang điểm cho mình, khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn và khi bị từ chối thì họ đã ra đi mua dầu giữa đêm khuya. Lúc có dầu, cây đèn đã thắp sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới, nhưng đã quá muộn.

77/ Vì sao dầu chỉ có thể mua mà không thể mượn?: “dầu” Chúa muốn nói ở đây là việc lành phúc đức ,là Chúa Thánh Linh. Những việc lành có được là do chính bản thân mình làm ra, không thể vay mượn, không thể cho /Chúa Thánh linh là do cá nhân đó với Ngài / Giữ đạo là phải sống đạo , sống đạo là phải sống bác ái yêu thương, không sống bác ái thì không thể vào Thiên Đàng, không thể gặp được Chúa. Yêu Chúa mà không yêu tha nhân là nói dối, cây mà không sinh trái thì phải bị chặt đi.

78/ Không thể đổ lỗi cho ai: Không thể đổ lỗi cho chú rể đến chậm khiến đèn hết dầu. Không thể trách cứ các cô khôn ngoan vì họ cũng cần có đủ dầu để thắp đèn vào dự tiệc cưới giữa đêm khuya. Chỉ nên tự trách mình vì đã không chịu lo trước,không chịu dự trữ dầu, không biết lo xa.

79/ Điều kiện cần có là gì? Có đèn thôi chưa đủ, gia nhập đạo thôi chưa đủ, phải sống hết mình và thực thi những giáo huấn của Chúa mà đòi hỏi lớn nhất là phải sống bác ái yêu thương. Trong hội thánh không thiếu những cô khôn, cô dại, còn có những chiếc đèn hết dầu từ lâu cho nên ai cũng cần phải chăm chút cho ngọn đèn đời mình, cần châm dầu mỗi ngày.

80/ Tỉnh thức là gì ? Hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. Tỉnh thức không phải là không ngủ. Cả mười cô trinh nữ đều đã thiếp ngủ, tỉnh thức không phải là suốt ngày chỉ đọc lời Chúa nhưng là để Lời Chúa hướng dẫn cách sống của mình mỗi ngày.

81/ Tận thế vào lúc nào ? Chẳng ai biết lúc nào thì tận thế, chẳng ai biết trước mình sẽ chết lúc nào, chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu ?, trong biến cố nào ?. Chính vì thế mọi người phải luôn tỉnh thức ngay cả trong giấc ngủ, người ta chỉ biết mình bắt đầu tỉnh thức khi vừa thoát ra khỏi cơn mê muội.

82/ Có rất nhiều thứ khiến cho con người mất đi lí trí , trong đó có ma túy. Những thứ khác cũng làm mê muội lý trí, tan nhà nát cửa, tàn tạ bản thân không kém gì ma túy đó là : Rượu chè, cờ bạc, bạo lực, tình dục, danh vọng, tiền tài. Làm sao chúng ta có sức mạnh để cưỡng lại được nó.

83/ Nếu ngày mai Chúa quang lâm, hôm nay chúng ta sẽ làm gì ? Thật là quá lúng túng. Thế giới có quá nhiều điều khiếm khuyết, còn có biết bao điều đang được bóng tối bao che. Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa cũng đâu muốn để mất một ai, thế thì chỉ còn một cách, mọi người hãy đưa tay ra nắm lấy bàn tay cứu độ của Chúa là xong.**R

 

TÓM Ý

1/ Câu chuyện hôm nay đã xảy ra ở đâu ? Sau một ngày giảng dạy ở đền thờ đến khoảng xế chiều, Chúa Giê-su và các môn đệ kéo nhau về phía sườn núi cây dầu, mọi  người có dịp nhìn thấy ánh phản chiếu rực rỡ của đền thờ và Chúa đã báo trước đền thờ sẽ bị tàn phá như để loan báo về ngày tận thế và Chúa đã đưa ra nhiều dụ ngôn  nói về ngày phán xét, trong đó có dụ ngôn 10 cô trinh nữ để dạy mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

2/ Tận thế sẽ xảy ra vào lúc nào? Chẳng ai biết lúc nào tận thế/ chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào/ cũng chẳng ai biết Chúa hẹn gặp mình ở đâu, trong biến cố nào. Chính vì thế, Chúa căn dặn mọi người phải luôn tỉnh thức, ngay cả trong giấc ngủ, đừng quá mê muội kẻo hối hận không kịp.

3/ Vào giây phút trọng đại ấy, chúng ta cần làm gì? Chàng rể đến muộn sẽ được hiểu là Chúa đến không hẹn trước, các cô phù dâu đều ngủ cả. Chúng ta ai cũng cần phải ngủ, nhưng ngủ trong tư thế sẵn sàng, đừng vô ý như các cô khờ dại nhưng hãy sẵn sàng như các cô khôn ngoan. Đừng bỏ ngoài tai những lời Chúa dạy, kẻo lại phải nghe câu phán quyết lạnh lùng.

4/ Chúng ta được diễm phúc như thế nào? Chúng ta quá diễm phúc khi Chúa còn để cho chúng ta 50-70 năm đợi chờ. Nhưng cho dù sống ít hay nhiều, lâu hay mau thì thời gian này cũng đủ để chúng ta sám hối, ăn năn, thay đổi nếp sống, làm lại cuộc đời. Sắm sẵn cho mình có  đủ dầu đèn, để bất cứ lúc nào Chúa gọi, chúng ta cũng đều sẵn sàng.

5/ Điều nào gây bất ngờ nhất? Không ai có thể nghĩ  mình có thể chết khi đi dự tiệc sinh nhật. Một vụ cháy trong nhà hàng khiến cho nhiều thực khách đang ăn tiệc sinh nhật mà phải chết, cũng có người chết đang khi ngủ / điều này nhắc chúng ta về sự bất ngờ của cái chết.

6/ Những thứ nào làm cho ta mê muội? Có rất  nhiều thứ làm cho con người mất đi lý trí, trong đó có ma túy, cần sa, rượu chè , bài bạc, dâm ô ,danh vọng …./ Những thứ này đều làm cho tan nhà nát cửa, làm sao chúng ta có đủ sức mạnh để chống cưỡng lại nó.

7/ Thiên Chúa là ai? Ngài là nguồn mạch mọi hạnh phúc. Chúa đến để cứu con người, Chúa đến để chỉ cho con người một con đường đưa tới hạnh phúc để con người được sống với Chúa, được Chúa yêu thương, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa , nên không phải mơ ước điều gì nữa.

8/ Tỉnh thức là gì? Tỉnh thức không phải là không ngủ, cả 10 cô đều ngủ, tỉnh thức không phải là suốt ngày chỉ đọc lời Chúa. Nhưng còn phải dành thời gian để thực hành, còn phải để cho Lời Chúa hướng dẫn đời mình, giúp chúng ta đi đúng hướng,  là yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình.

9/ Ai được Chúa mời gọi? Thiên Chúa mời gọi mọi người, Chúa luôn mong muốn mọi người được ơn cứu độ, Chúa chọn cả 10 cô trinh nữ và không muốn loại trừ ai, Chúa mong cả 10 người đều vào dự tiệc cưới.

10/Điều kiện để được vào Nước Trời là gì? Điều kiện mà Chúa muốn nói đến như là ngọn đèn luôn cháy sáng, đi rước dâu thì phải cầm đèn cháy sáng , đi đón chàng rể là phải cầm đèn, đi vào dự tiệc cưới là phải mặc áo cưới, ai có đèn cháy sáng mới được vào dự tiệc cưới. Đèn ai tắt thì bị loại ra ngoài / đèn cháy sáng là chỉ chăm lo thực hành lời Chúa dạy, sống bác ái yêu thương.

11/Các trinh nữ tượng trưng cho ai? Họ tượng trưng cho Hội Thánh, vẫn có những kẻ dại người khôn, có nhiều người đèn không có dầu, có người đèn đã hết dầu từ lâu, cho nên ai cũng cần chăm chút cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng. Một niềm cậy trông vững vàng, một lòng yêu mến nồng nàn, một đức tin luôn được minh chứng bằng những việc làm cụ thể .

12/Vì sao chú rể lại đến bất ngờ? Giờ chết đến bất thình lình / giờ Chúa đến buộc mỗi người phải tính sổ hoa lợi, buộc mỗi người phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm khi còn sống. Vậy nên không ai có thể biết trước giờ mình chết. Họa may là những người có thời gian chịu bệnh trên giường.

13/Năm cô khờ dại có vô tích sự lắm không? Họ cũng lo mang đèn, họ cũng lo trang điểm cho xinh đẹp, khi biết mình không đủ dầu, họ đã lo vay mượn, đã lo ra hàng quán để mua dầu / khi đèn đã được thắp sáng, họ đã vào gõ cửa xin mở. Nhưng chỉ vì trễ mà họ bị loại ra, họ cũng thật đáng thương.

14/Vì sao dầu không thể mượn? Dầu chính là việc  lành phúc đức, là ơn Chúa Thánh linh, dầu là các việc lành phải do chính mình làm ra, không thể cho, không thể vay mượn. Chúa Thánh linh chỉ là do cá nhân người đó với Chúa. Ai giữ đạo là phải sống đạo, sống đạo là phải sống bác ái, thiếu bác ái thì không thể gặp được Chúa, không thể vào thiên đàng, yêu Chúa mà không yêu tha nhân là nói dối, cây nào không sinh trái thì sẽ phải chặt đi.

15/Nếu ngày mai Chúa đến, vậy hôm nay ta phải làm gì? Ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng, không thể để nước đến chân mới nhảy, không thể ngày mai tận thế mà hôm nay mới đi xưng tội. Nếu ai cũng đi xưng tội, cùng lúc mà chạy ra đường ,thì ai sẽ giải tội cho ai ?

16/Ta có thể đổ lỗi cho ai? Không thể đổ lỗi vì chú rể đến chậm mà đèn hết dầu ,không thể trách móc các cô khôn / Vì họ cũng cần có dầu để thắp đèn vào dự tiệc cưới, các cô dại chỉ nên tự trách mình vì không biết lo xa không chịu dự trữ.

17/Nếu Chúa quang lâm, chúng ta nên làm gì? Thật quá  lúng túng nếu xảy ra hiện tượng này. Thế giới đang say ngủ, đang được bóng tối bao che. Chúa đâu muốn hủy diệt, cũng đâu muốn loại trừ ai. Chúa chỉ mong mỗi người chúng ta hãy đưa tay ra nắm lấy bàn tay của Chúa, để Chúa ban ơn cứu độ / là hãy giữ lòng sạch tội, và luôn sống trong ơn nghĩa Chúa /

18/ Hạnh phúc nước Trời là gì ? Là được sống với Chúa, được diện kiến Thánh Nhan. Con người sống với Thiên Chúa qua hình ảnh một đám cưới với rượu ngon thịt béo, không còn phải đói khát khốn khổ, bệnh tật, chết chóc / chỉ có nguồn hạnh phúc vô tận. Chúa yêu thương chúng ta nên cho chúng ta sống cùng, vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

19/ Lời cảnh báo có tác dụng gì ? Tất cả những lời kêu gọi, cảnh báo không phải để chúng ta bỏ ngoài tai, hay cho chìm vào quên lãng. Trái lại ta phải ghi nhận và coi đó như hồi chuông cảnh tỉnh mà Chúa gửi đến,  để thôi thúc chúng ta mau rời bỏ con đường tội lỗi.

20/ Chúng ta nên trách ai ? Chúng ta không thể đổ lỗi vì chàng rể đến trễ, là lý do khiến đèn hết dầu / cũng không thể trách các cô khôn vì không cho mượn dầu. Chỉ nên nhận ra là mình quá chểnh mảng, không chịu lo dự trữ dầu, không chịu làm nhiều việc phúc đức khi còn sống.

21/ Chúa Giêsu vẫn đang diện diện ở đâu ? Ở tại mỗi nhà thờ, lúc nào nơi Nhà Chầu cũng có một ngọn đèn cháy sáng, để báo cho chúng ta biết là có Chúa đang hiện diện. Mỗi khi ta đến viếng Chúa, linh hồn ta cũng sẽ cháy sáng như ngọn đèn đức tin, đèn linh hồn ta càng cháy sáng thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.

22/ Chúa muốn dạy gì qua bài Dụ Ngôn ? Qua Dụ ngôn này, Chúa mời gọi những ai theo Chúa, những ai đang sống trong lòng giáo hội / Hãy đặt mình trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng với đầy đủ đèn dầu để đón chờ Chúa đến.

23/ Chúa muốn báo trước điều gì ? Chúa muốn cho mọi người biết tính cách bất ngờ trong ngày Chúa đến, Chúa muốn mọi người phải sống trong tư thế sẵn sàng.

24/ Những Dụ ngôn nào minh họa cho ngày tận thế ? Có 4 Dụ ngôn có cùng mục đích như vậy:  a) Trận lụt Đại Hồng Thủy (Mt 24,37-42)/ b) Kẻ trộm đêm (Mt 24,43-44)/ c) Người đầy tớ trung tín (Mt 24,45-51)/ d) Mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13).

25/ Cách sống của các cô dại nói lên điều gì ? Các cô này có cái kiểu suy nghĩ hơi hợt, tới đâu hay tới đó/ đợi nước tới chân mới nhảy thì không còn kịp. Các cô khôn thì biết tiên liệu, phòng xa nên đã có được những gì mình mong muốn. **R

 

Giuse LucaKinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 3289
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  995
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403811
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top