Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

LỄ THÁNH GIUSE THỢ - 01 /THÁNG 5 / LAO ĐỘNG LÀM THĂNG TIẾN CUỘC SỐNG

Tin mừng Mattheu (Mt 13,54-58

ĐỀ TÀI : LAO ĐỘNG LÀM THĂNG TIẾN CUỘC SỐNG 

NGÀY 01 / THÁNG 05 . 

 

LỄ THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG 
 
Lời Chúa : Mt 13,54-58
54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?" 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. Đó là Lời Chúa 
 
BÀI 1:    LÝ LỊCH CỦA THÁNH YUSE
 
Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:
 
1/ Lý lịch Thánh Yuse: Tên Ngài là Yuse, có nghĩa là “Xin Chúa ban thêm nữa”, tên Yuse thường gặp trong Kinh Thánh: Cựu Ước có 7 người, Tân Ước là  8 người, thân phụ Ngài là Yacob. Trong gia phả Chúa Yesus, Mattheu có viết: Yacob sinh ra Yuse là chồng của bà Maria, Thánh Yuse thuộc dòng dõi Đa-vít, nơi sinh trưởng: Nazaret miền Galilê, tại đây Yuse kết hôn với Maria và nhận mẹ Maria về nhà mình.
2/ Do ý Thiên Chúa quan phòng nên Yuse trở thành phu quân của Đức Maria: Kinh Thánh không nói Yuse lập gia đình vào độ tuổi nào nhưng theo ý kiến chung thì lúc đó Ngài còn trẻ chứ không phải là một ông già râu tóc bạc phơ, lúc đó ông ở độ tuổi khoảng dưới 30 vì khi Thánh Yuse chết thì Chúa Yesus chưa đi giảng đạo, Thánh Yuse chết ở tuổi  khoảng 60 /
3/ Thánh Yuse không phải là cha thật của Chúa Yesus: Điều này đã được xác định trong Kinh Tin Kính, hàm chứa ý nghĩa Đức Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần nên Mẹ vẫn còn đồng trinh. Thánh Yuse là cha nuôi vì ông lo cho Chúa con đời sống vật chất.
4/ Như vậy trong gia đình Nazaret, Thánh Yuse có đầy đủ uy tín của một vị gia trưởng: Có đủ quyền lợi và bổn phận với Đức Mẹ và Chúa Yesus như một người chồng, một người cha trong gia đình.
5/Trong những tháng năm sống ở trần gian, Thánh Yuse đã sống rất thánh thiện. Kinh Thánh đã gọi Ngài là Đấng công chính, theo Kinh Thánh Cựu Ước thì công chính là chu toàn mọi lề luật không có lỗi phạm gì và tràn đầy nhân đức.
6/ Thánh Yuse thực hành nhiều nhân đức tới mức anh hùng: Ngài rất mau mắn chu toàn Thánh Ý Chúa khi biết Thánh ý Ngài, Ngài tin theo Thiên Thần trong một lần bị nan giải khó hiểu => Đó là việc Mẹ Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.
7/ Thánh Yuse đã đối xử rất bác ái, tế nhị với Đức Mẹ: Ngài đã dùng đôi tay lao động để lo liệu mọi nhu cầu trong gia đình, Ngài đã cùng cam cộng khổ với Mẹ Maria tại Bê-lem, Ai-cập, cũng như khổ đau khi lạc mất Chúa ở đền thờ.
 
8/ Các giáo phụ suy diễn sự thánh thiện của Thánh Yuse trên lĩnh vực siêu nhiên nhờ 2 nguồn lực: Yuse càng gần nguồn thánh thiện, người càng thánh thiện, Chúa Yesus là nguồn ân sủng, Thánh Yuse lại là cha nuôi thanh khiết của Chúa Yesus, Ngài gần nguồn thánh thiện hơn mọi người nên được thông phần thánh thiện nhiều hơn.
9/ Thiên Chúa ban ơn sủng cho mỗi người tỷ lệ tương xứng với sứ mạng và nhiệm vụ mà người đó phải chu toàn. Chúa Yesus tràn đầy ơn phúc, Mẹ Maria lại là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ lại dư đầy ơn sủng hơn các Thiên Thần và các Thánh.
10/ Thánh Yuse cũng được ơn phúc hơn mọi người vì Ngài phải chu toàn một sứ mạng đặc biệt: Là bạn đời để gìn giữ Đức Mẹ, là Cha khiết trinh của Chúa Yesus, Ngài phải lo lắng vật chất và bảo vệ Chúa Yesus khỏi mọi hiểm nguy.
11/ Chúng ta có thể kết luận: Thánh Yuse thánh thiện hơn các Thánh, chỉ kém có Đức Mẹ. Vì thế khi ở trên trời, Thánh Yuse cũng vinh hiển hơn các Thánh khác. Trong giáo hội, phụng vụ cũng dành cho Ngài đứng tiếp sau Đức Mẹ trước cả các Thánh Tông đồ => Vì thế Thánh Yuse phải được tôn kính khác hơn với các Thánh khác.
12/ Từ một đời sống thánh thiện như thế nên Thánh Yuse đã trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta về mọi phương diện, Ngài có quá nhiều nhơn đức, như khi chúng ta thấy giáo hội tuyên xưng trong Kinh cầu, nhân đức nào của Ngài cũng ở mức cao độ.
13/ Tóm lại: Thánh Yuse đã thực hiện trọn vẹn Lời Chúa Yesus khuyên dạy “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời….”, và đây cũng là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi tất cả những ai đang tin theo Chúa.
14/ Chúng ta đừng kể Thánh Yuse: Chỉ nhìn lên các Thánh nam nữ, những người đi trước chúng ta, họ thuộc đủ mọi thành phần mọi tầng lớp, cùng tuổi hay khác tuổi. Họ cũng ở trong môi trường sống như chúng ta, các Ngài đã nên Thánh , đã đạt được đến mức trọn lành mà Thiên Chúa đòi hỏi.
 
15/ Chúng ta đừng nên hiểu lầm các Thánh mới sinh ra đã là Thánh: Không! Các Ngài khi sinh ra cũng mang vết tích tội tổ tông trong huyết quản, cũng có xu hướng ngang trái, gai góc trong tính nết, cũng có đầy tình dục nơi cõi lòng.
16/ Nết xét theo khía cạnh loài người, khía cạnh tự nhiên: Các vị đó cũng có rất nhiều yếu tố như chúng ta, các Ngài cũng có thể trở thành những kẻ tiểu nhân, đầu trộm đuôi cướp, man trá ,đê hèn ,xấu xa, nghĩa là các vị Thánh cũng chẳng được ưu thế nào hơn chúng ta trong việc tự thánh hóa bản thân.
17/ Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng thì có những vị cũng chỉ nhận được một nén hay hai nén bạc làm vốn mà thôi. Có khi còn được ít hơn chúng ta.
18/ Các Ngài nên Thánh nhờ phấn đấu, nhờ cố gắng thực hiện những lời khuyên Phúc Âm. Các Ngài đã không nhượng bộ những khuynh hướng xấu, các Ngài luôn có thái độ cương quyết và các Ngài biết mình yếu đuối nên cầu nguyện liên lỉ , thiết tha.
19/ Bí quyết thành công của các Thánh là cái Ngài biết lãnh nhận ơn Chúa vô điều kiện. Cho nên các Ngài sẵn sàng để ơn Chúa hoán cải, ngăn cản tội lỗi, nâng đỡ khuyến khích /các Ngài đã nhiệt tình cộng tác với ơn Chúa để xây dựng đời mình.
20/ Có 2 yếu tố quan trọng để nên Thánh là : phấn đấu tối đa sức lực cá nhân, và nhận lãnh sự trợ giúp của ơn Thánh Chúa.
21/ Thánh Yuse là vị Thánh Cả đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài sống rất thánh thiện, đã chu toàn mọi bổn phận Chúa trao phó. Vì thế Thánh Yuse là gương mẫu rất tốt lành thánh thiện, mọi người chúng ta cần noi theo.
22/ Xin Chúa: Qua lời cầu bầu của Thánh Yuse giúp cho tất cả chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng Ki-tô hữu ở đời này trong bậc sống giáo dân, làm chồng làm cha trong gia đình, để chúng con xứng đáng là một gia trưởng như Cha Thánh Yuse. Amen. **R
 
BÀI 2:      BẢN CHẤT CON NGƯỜI CỦA ĐỨC THÁNH CẢ GIUSE /
 
Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:
 
1/ Thánh Yuse, một con người im lặng, kín tiếng: Kinh Thánh không kể lại lời nói nào của Thánh Yuse. Đây là điều chúng ta cần lưu ý, thế giới hôm nay quá ồn ào với các loại âm thanh, người ta ai cũng muốn nói nhiều, nói to nói mạnh mồm, muốn dùng lời nói lấn át kẻ khác. Thích quảng cáo , thích tuyên bố nóng bỏng, nhưng ai nói nhiều thì càng sai lỗi nhiều và có thể vấp phạm bất kỳ lúc nào. Đó là tội nói xấu, nói hành người khác, nói nhiều thì dễ nói bậy nói sai ,nói dai, nói ẩu, khiến cho tình cảm bị sứt mẻ. Người xưa có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy/ Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
2/ Chúng ta hãy học cùng Thánh Yuse bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng, sóng gió. Bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc ta có thể ngăn chặn được 90% nguy cơ đỗ vỡ đáng tiếc, cho nên “Yên lặng là vàng”, là thái độ khôn ngoan nhất của con người, là phương thuốc  có thể chữa lành mọi tội lỗi xấu xa.
3/ Thánh Yuse, con người cần cù lao động: Kinh Thánh cũng không kể lại chi tiết về việc này nhưng chắc rằng Thánh Yuse phải là một bác thợ mộc siêng năng và nổi tiếng. Khi Chúa Yesus bắt đầu cuộc rao giảng công khai, người cùng quê với Chúa đã quá ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Chúa Yesu khi họ tự hỏi “Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó sao?”, Thánh Yuse đã dùng đôi bàn tay lao động để phục vụ cho Chúa Yesus và Đức Mẹ.
4/ Với Thế giới chúng ta hôm nay, lao động là ngôn từ được sử dụng và được nghe nói đến nhiều nhất.Chứng tỏ rằng: Lao động có một chỗ đứng thật quan trọng trong đời sống con người, con người sinh ra để lao động, con chim được sinh ra để bay, nhờ đó con người có thể biến đổi bộ mặt trái đất đem lại cho đời một ý nghĩa đáng sống như muối làm mặn cho đời.
5/ Cần nói ra cụ thể hơn: Nhờ làm việc mà chúng ta có miếng cơm manh áo, hạnh phúc ấm no. Chúng ta cảm thấy nhột khi nghe lời Thánh Phaolo nói “Ai không làm thì đừng có ăn”.
6/ Chúng ta cần suy nghĩ về câu chuyện: Con ve và con kiến. Con ve ca hát suốt mùa hè nên đã chết đói về mùa đông, con kiến thì cần cù tích trữ từng hột gạo cho nên dù gió bấc có thổi thì con kiến cũng không sợ túng thiếu.
 
7/ Sự nghèo túng đi gõ cửa nhà những con người siêng năng làm việc, nhưng nó không bao giờ dám bước vào. Ca dao Việt Nam có câu:
“Có làm thì mới có ăn, tự dưng ai dễ mang phần đến cho/Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”
8/ Với xã hội chúng ta đang sống: Lao động là một cách để chúng ta trả nợ cho đời, cũng là cách chúng ta góp phần xây dựng xã hội. Sống trong xã hội, chúng ta cần nương tựa vào nhau để mà trao đổi, để mà sống.
9/ Chúng ta thường hưởng dùng những thứ do người khác mang lại như xăng dầu, đường sữa, nước mắm, hạt gạo,…do công của người khác. Thì hôm nay khi đến lượt , chúng ta phải đóng góp cho đời bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta mang lại.****
10/ Đối với Chúa: Lao động là cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo, đúng như lệnh truyền của Ngài với tổ tiên chúng ta: “Hãy làm chủ cá biển chim trời và muôn loài trong vũ trụ”.
11/ Thánh Yuse là con người vâng phục ý Thiên Chúa:  Phúc Âm đã kể lại 3 lần Thiên Thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho Thánh cả biết ý định của Thiên Chúa. Và lần nào Thánh cả cũng cuối đầu “Xin vâng” mà không hề có chút ý kiến phản dối. Lần thứ nhất, Thánh cả xin vâng để đón nhận Maria về nhà mình dù trong lòng đang phân vân nghi ngờ, lần thứ hai Thánh cả xin vâng khi đưa hài nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, lần thứ ba Thánh cả xin vâng để trở về Palestine ở Nazaret => Cả 3 lần Thánh Yuse đều vâng lời mau mắn không hỏi tại sao?
12/ Chúng ta thì khác: Chúng ta thường tìm ý mình hơn ý Chúa và mỗi khi gặp phải tai ươn họan nạn chúng ta thường kêu trách, xúc phạm đến Chúa.Vì chúng ta cho rằng: Chúa bất công thiên vị, và luôn cho rằng :vâng lời chỉ là thái độ của kẻ hèn nhác, mất tự do, mất nhân phẩm.
13/ Noi gương Thánh Giuse: Chúng ta hãy sống yên lặng, làm việc và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa để chúng ta trở nên những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa như Thánh Yuse ngày xưa cũng như ngày hôm nay trên Thiên Đàng.**R
 
Bài 3 :   Ý NGHĨA LAO ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC KI-TÔ GIÁO
 
Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:
 
1/ Lý do chúng ta mừng kính Thánh Yuse Lao Động: Hôm nay toàn thể Giáo Hội cùng hiệp dâng Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Yuse Thợ, bổn mạng của tất cả những người lao động, và cũng được Thế Giới chọn làm ngày quốc tế lao động. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhu cầu cần thiết của việc lao động đối với con người.
2/ Lao động giúp gì cho con người: Lao động là để làm ra của cải vật chất để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đời sống của con người. Lao động còn giúp cho cơ thể kéo dài sự dẻo dai để vượt thắng những áp lực, những khó khăn bất chợt xảy ra trong đời sống con người. Lao động còn giúp cho con người tránh xa các dịp tội thường xảy ra trong cuộc sống. Người ta vẫn thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện”.
3/ Có bao nhiêu hình thức lao động? Có nhiều cách lao động như là: lao động trí óc, lao động chân tay, lao động bằng máy móc, lao động bằng đồng tiền (chứng khoán,…). Nhưng cho dù hình thức lao động có khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là tìm kiếm hạnh phúc cho con người.
4/ Hệ quả của khoa học phát triển: Khi khoa học phát triển thì máy móc cũng dần dần chiếm ưu thế và đẩy lùi lao động chân tay vào đường cùng, để rồi khi đồng tiền trở thành sức mạnh thống trị thì nó có thể biến con người lao động thành nô lệ. Khi con người muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng tiền, nhiều người đã không ngần ngại lao mình vào vòng xoáy của nó để tìm kiếm, càng tìm kiếm thì con người càng trở nên nô lệ cho nó. Sau cùng, mục đích tốt lành của lao động (như là tìm kiếm hạnh phúc, tìm thăng tiến bản thân, tăng thêm tình bằng hữu và tinh thần hiệp nhất…) cũng dần dần biến mất.
5/ Chúng ta cần tìm kiếm những chỉ dẫn hữu ích ở đâu?  Nếu muốn hiểu cho đúng ý nghĩa cao quý của việc lao động và con người lao động, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa, với Hội Thánh để xin những chỉ dẫn hữu ích.
6/ Bài học từ sách Sáng Thế: Sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết: Thiên Chúa Đấng đầu tiên lao động để tạo dựng muôn loài, trong đó có con người. Tất cả mọi sự đều tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại để chúng ta sử dụng. Điều cốt lõi của việc sáng tạo được phát xuất từ tình yêu trao ban của Thiên Chúa, Ngài trao ban nhưng không!
7/ Bài học từ việc tạo dựng: Chúa làm mọi việc cũng chỉ vì yêu! Vì yêu nên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, vì yêu nên Chúa tạo dựng mọi sự cách tốt lành và trao cho con người sử dụng, cai quản, hưởng dùng và làm sinh sôi nảy nở.
8/ Con người cần phải làm gì? Để được sống hạnh phúc bên Thiên Chúa, và hưởng dùng những tạo vật Chúa ban cho, con người phải luôn luôn cố gắng, để mỗi ngày càng trở nên giống Thiên Chúa. Đồng thời con người phải lao động, cộng tác với ơn Chúa để làm cho mọi tạo vật càng ngày càng trở nên hoàn hảo hơn.
 
9/ Cơn cám dỗ dành cho Tổ Tông: Tổ Tông loài người vì quá ỷ lại vào tình thương của Thiên Chúa, nên đã bị ma quỷ xâm nhập, dụ dỗ, phỉnh gạt. Con  người đã không chịu canh tân cuộc sống mỗi ngày để được ở gần Thiên Chúa và lắng nghe lời Thiên Chúa nên đã nghe lời ma quỷ mà bất tuân lệnh Chúa. Để rồi khi con người không chịu cộng tác với ơn Chúa để lao động và làm cho mọi vật mỗi ngày thêm tốt hơn, sau đó con người đã bị cám dỗ chỉ biết hưởng thụ và trở thành nô lệ cho vật chất.
10/ Khi con người biết lắng nghe Lời Thiên Chúa thì sao? Khi con người biết nghe lời Thiên Chúa, ra sức lao động và đặt hết tình yêu vào trong đó, thì nó sẽ đem lại cho mình bình an, hạnh phúc và niềm vui. Cũng như khi cha mẹ nỗ lực lao động vì yêu thương, vì muốn con cái ấm no và phát triển, thì dù có mệt mỏi cha mẹ cũng cảm thấy vui. Ngược lại, khi mục đích lao động để được giàu có và hơn người thì khi thành công rồi sẽ sinh ra kiêu ngạo vì mình hơn người và dễ coi khinh kẻ khác. Hậu quả sau đó sẽ là không ai đến với mình, còn như khi thất bại thì đâm ra chán nản, thất vọng, đau khổ và xa lánh mọi người.
11/ Lao động theo gương của Chúa Yesus: Khi Chúa Yesus trả lời cho những người Do Thái rằng: Việc làm của Chúa Yesus là nhân danh Chúa Cha, làm theo ý muốn của Chúa Cha. Người quả quyết: “Tôi nói với các ông rồi mà các ông không tin, những việc tôi làm đều nhân danh Cha tôi, những việc đó đã làm chứng cho tôi” (Yn 10,25)
12/ Ý muốn của Chúa Cha đối với con người: Ý muốn của Chúa Cha là muốn con người được sống và sống hạnh phúc. Như thế lao động là tìm kiếm vật chất cho mình được sống sung túc hơn và lao động là mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Phải làm theo ý Thiên Chúa để được sống hạnh phúc.
13/ Điều khó cho thế giới hôm nay: Thế Giới  đang phát triển vượt bật, đã đưa tiền tài, vật chất, danh vọng lên ngôi và luôn đẩy chúng ta vào vòng khống chế của nó. Ngày nay người ta lao động là để kiếm được nhiều tiền, để giàu có hơn người khác, để thỏa mãn mọi nhu cầu tiêu thụ vật chất của mình, để tìm một chỗ đứng danh vọng trong xã hội. Vì thế con người đang đi vào một sự bế tắc không lối thoát trong thân phận nô lệ cho đồng tiền.
14/ Mặt tốt, mặt xấu của đồng tiền: Nếu suy nghĩ như thế không có nghĩa là tất cả mọi người đều bị lôi kéo trở thành nô lệ cho vật chất. Nhưng cũng còn có rất nhiều người biết lắng nghe Lời Chúa và luôn để Thánh Ý Chúa soi sáng dẫn đường cho đời mình, nên họ không bị lệ thuộc vào đồng tiền mà họ còn biến đồng tiền thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa và giúp ích cho tha nhân.
15/ Bài học từ Lễ Thánh Yuse Thợ: Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Yuse Thợ, đã được Giáo Hội chọn Ngài làm bổn mạng cho những người lao động, như một mẫu gương chúng ta noi theo để thăng tiến khi nhìn đến đời sống thầm lặng của Thánh Yuse mà Thánh Kinh chỉ đôi lần nhắc đến.
16/ Thái độ tuyệt vời của Thánh Yuse: Ngài thật tuyệt vời khi biết đặt Thánh Ý Chúa trên hết mọi suy nghĩ và hành động của mình, nhờ đó người mới xứng đáng với danh hiệu“Người công chính”. Được chọn làm cha nuôi Chúa Yesus, và người chồng khiết trinh để chăm sóc và bảo vệ Đức Maria.***
 
Bài  4 :   LƯỜI BIẾNG LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ DỮ
 
Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:
 
1/ Ý nghĩa của ngày lễ lao động: Không phải tình cờ mà Thế Giới lại chọn ngày 01/05 làm ngày “Quốc Tế Lao Động”, nhưng muốn cho mọi người lao động trên Thế Giới biết đề cao sức lao động không phải chỉ để mưu sinh mà còn góp phần xây dựng cho Thế Giới mỗi ngày càng thêm tốt đẹp hơn như ý Chúa mong muốn khi trao cho nhân loại quyền cai quản trái đất.
2/ Vì sao chúng ta cần cảm tạ Chúa? Dịp lễ mừng kính Thánh Yuse Thợ hôm nay, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta làm Môn Đệ, làm con cái Chúa. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta mẫu gương Thánh Yuse lao động cần cù, khiêm tốn và tín thác. Mọi người chúng ta cần noi gương Thánh Yuse biết tin tưởng, tín thác và sống đúng trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình, chu toàn bổn phận trong đời sống đức tin và nhiệt tình hăng say trong đời sống chứng nhân.
3/ Lao động theo quan niệm Tôn Giáo: Thánh Kinh khẳng định: Lao động không phải là hình phạt do tội, nhưng là trong điều kiện sống bình thường của con người; trước khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã đặt Tổ Tông trong vườn Eden để họ canh tác và giữ vườn (ST 2,15). Nếu thập giới có buộc giữ ngày Sabat thì đó là vì con người đã làm việc 6 ngày (Xh 20,8).
4/ Ý muốn của Thiên Chúa như thế nào? Hình ảnh Kinh Thánh mô tả việc Chúa sáng tạo vũ trụ trong sáu ngày nhấn mạnh rằng: Việc làm của con người rất hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời nó cũng phản ánh hành động của tạo hóa. Câu chuyện Sáng Thế giúp cho ta hiểu: khi tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài, Thiên Chúa muốn tháp nhập việc lao động của con người vào trong chương trình của Ngài sau khi đã xếp đặt vũ trụ, Ngài lại đặt quyền lao động vào tay con người và ban quyền chiếm hữu, sử dụng và cai trị quả đất.
5/ Kinh Thánh mô tả thế nào về việc Thiên Chúa tạo dựng con người? Chúng ta không phải ngạc nhiên khi động tác tạo dựng của Thiên Chúa được mô tả rõ nét bằng cử chỉ của người thợ gốm đang nắn con người (ST 2,7), chế tạo bầu trời và định vị các tinh tú chỉ bằng ngón tay (Tv 8,4).
6/ Tại sao Kinh Thánh lại nghiêm khắc với sự ở không? Kinh Thánh nghiêm khắc chỉ vì người lười biếng thì không có gì ăn (Cn 13,4), và có nguy cơ chết đói (Cn 21,25). Thánh Phaolo cũng dùng lý chứng này để chỉ rõ sự sai lầm nghiêm trọng của những kẻ ngán ngẫm lao động “Ai không làm thì đừng có ăn”.
 
7/ Hệ lụy của sự ở không: Ở không là một sự hư đốn. Kinh Thánh thán phục người đàn bà luôn tỉnh thức, nàng không hề ăn bánh của sự ở không (Cn 31,27), đồng thời chế nhạo kẻ lười biếng rằng: “Kẻ lười biếng luôn trăn trở trên giường chẳng khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26,14). Tuy nhiên, Kinh Thánh lại không tỏ chút thương hại đối với kẻ tạc ngẫu tượng, bởi vì những sự cố gắng của kẻ ấy không được tích sự gì (IS 40,19/ IS 41,6).
8/ Cần phân biệt lời chúc dữ của Thiên Chúa như thế nào? Bởi vì lao động là nền tảng của đời sống con người nên xem ra nó bị ảnh hưởng bởi tội. Căn cứ vào lời Thiên Chúa phán với Adam : “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn”  (St 3,19). Chúng ta cũng cần hiểu cho đúng : đối tượng của lời Thiên Chúa chúc dữ không phải là lao động, cũng không phải là việc sinh nở của người phụ nữ, nhưng vì mặt đất bị chúc dữ, đã trở nên đối kháng lại con người nên con người cần phải chinh phục nó một cách hết sức vất vả .
9/ Nhãn quan của con người sau khi phạm tội: Sau khi phạm tội, con người đã nhìn thế giới bằng một con mắt khác, người Ki-tô hữu phải quan niệm về lao động với ý nghĩa cao cả của nó như thế. Tuy nhiên, trong sự cố gắng lao động, thì nó lại phát sinh một điều tệ hại nhất, đó là lao động có thể đưa tới những thành công tốt đẹp, nhưng sau đó cái chết chợt đến và mọi thứ sẽ trở nên vô ích, bởi vì như sách Huấn Ca, đoạn 2, câu 22 có nói : “Tất cả chỉ là phù vân”.
10/ Chúa Yesus lý giải về lao động như thế nào: Cái chết là một thực tại hiển nhiên có thể phá đổ mọi điều con người dự tính. Vậy thì con người phải thất vọng, phải buông xuôi ư? Nhưng Chúa Yesus đã đến, Ngài đã soi sáng, giải trình những nghịch lý bằng ánh sáng Tin Mừng. Chúa Yesus vẫn đề cao lao động, nhưng khuyên chúng ta không nên dừng lại ở đó, vì nếu không thì con người lại tự mình đi vào ngõ cụt không lối thoát.
11/ Vì sao Chúa Yesus đề cao lao động? Chúa Yesus không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống của con người, những đồng hương của Chúa đã nhầm lẫn khi gọi Ngài là con bác thợ mộc (Mt 13,35), ông thợ mộc (Mc 6,3). Chúa Yesus đã sống bằng cái nghề ấy trong suốt 30 năm tại Nazaret.
12/ Lao động là cứu độ: Chúng ta phải nên nói rằng: Với Đức Yesus thì lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ. Trong suốt 30 năm lao động âm thầm, Đức Yesus chẳng những đã thánh hóa công việc, nhưng Ngài còn biến nó thành một phương tiện khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Và nếu cái chết của Người là cao điểm của việc cứu độ thì mỗi hành vi của Người, trong đó có hành vi lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ này rồi. Bởi vì lao động thật ra là một thành phần mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô, nếu không thì những năm tháng mà Chúa ẩn dật ở Nazaret chẳng mang một ý nghĩa cứu độ nào cả mà chỉ là vì miếng cơm, manh áo hay sao ?
13/ Cách Chúa đề cao lao động: Lao động phải được đề cao. Tuy nhiên Chúa có ý dạy ta không nên dừng lại ở đó, bởi vì lao động chỉ có giá trị của một bậc thang trong toàn bộ cây thang giá trị mà thôi. Cho nên Chúa căn dặn : “Hãy lao động đừng vì lương thực hay hư nát, nhưng phải vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Yn 6,27). Đó là một câu châm ngôn của người Ki-tô hữu . **R
 

GIÁO DÂN BẤT XỨNG / GIUSE LUCA / CỘNG ĐOÀN KT EMMAUS 
 

 

 

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 4037
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  942
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406351
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top