Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 5 THƯỜNG NIÊN - B / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT  5 / THƯỜNG NIÊN  B           

ĐỀ TÀI:  CHÚA YESUS CHỮA LÀNH VÀ ĐI RAO GIẢNG KHẮP MIỀN GALILÊ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Mt 8,17

Halêluia. Halêluia. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mc 1,29-39

“Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

29 Hôm ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN B – 2018

1/ Vì sao Chúa Yesus muốn cứu vớt con người ?

2/ Sứ mạng của Chúa Yesus là gì ?

3/ Giáo hội đã tiếp bước Chúa thế nào?

4/ Vì sao người ta biết ơn ông thủy thủ già?

5/ Chúng ta đã làm được gì?

6/ Chúa đã làm gì vào ngày Sabat?

7/ Tin Mừng phải được minh chứng bằng gì?

8/ Tin Mừng đem đến cho chúng ta thứ gì?

9/ Cội nguồn của Tin Mừng ở đâu?

10/ Khuôn mẫu cho người Môn Đệ?

11/ Môn đệ cần làm gì trước tiên?

12/ Một cách chữa bệnh đơn giản?

13/ Ý nghĩa của việc cầm tay nâng lên?

14/ Chúa Yesus chạm đến nỗi đau?

15/ Thế giới hôm nay đang cần gì?

16/ Cầu nguyện là một nhu cầu?

17/ Nhiều nơi khác đang rất cần thầy.

18/ Thế Giới đang cần gì?

19/ Ngôn ngữ của Chúa Yesus?

20/ Bà nhạc mẫu đã làm gì khi được tự do?

21/ Vì sao người ta tìm đến với Chúa?

22/ Cách chúng ta chiếm Chúa?

23/ Tại sao chúng ta cần tiếp tay với Chúa?

24/ Nhiệm vụ mà Thiên Chúa giao?

25/ Cách xử sự của bà mẹ vợ ông Simon?

26/ Bài học từ đoạn Tin Mừng?

27/Chúng ta nên học sự quảng đại từ đâu?

 

Bài 1: SỨ MẠNG CỦA CHÚA CỨU THẾ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Vì sao Chúa Yesus muốn cứu vớt con người? Quang cảnh náo nhiệt hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Yesus rất muốn đi vào cuộc sống của con người. Thật vậy, Ngài mới vừa rao giảng xong ở hội đường, liền đi về nhà của Phêrô. Bất cứ hoàn cảnh đau thương nào cũng gợi lên cho Ngài một nỗi muốn cảm thông chia sẻ. Vì thế Chúa liền tiến đến gần, cầm tay chữa lành cho bà mẹ vợ ông Simon  đang lên cơn sốt. Liền sau đó mọi người trong thành đã tuôn đến với Ngài, xin Ngài cứu chữa cho họ đủ mọi loại bệnh tật phần xác.

2/ Sứ mạng của Chúa Yesus là gì? Một điểm quan trọng trong sứ mạng của Chúa không phải là chỉ Chữa bệnh tật phần xác mà Chúa rất muốn chữa các bệnh tật về phần hồn. Bởi thế Chúa Yesus đã nói với các môn đệ : Chúng ta hãy đi tới những nơi khác để Thầy còn phải rao giảng Tin Mừng ở những nơi đó nữa.

3/ Giáo Hội đã nối gót Chúa Yesus như thế nào ? Theo dòng thời gian, Giáo Hội đã bắt chước gương Chúa Yesus, tiếp tục đẩy mạnh hai hoạt động. Đó là: Xoa dịu bớt những đớn đau cho người bất hạnh và dẫn đưa kẻ có tội cùng lương dân trở về với Thiên Chúa.

4/ Bổn phận chính yếu của Giáo Hội là gì ? Giáo Hội đã lập nên biết bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu viện dưỡng lão, cô nhi viện. Nhưng đồng thời Giáo Hội cũng ý thức bổn phận chính yếu của mình là đem Tin Mừng đến cho các dân tộc. Từ xưa đến nay Giáo Hội không ngừng gởi đi các môn đệ, các thừa sai của mình đến những vùng đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa, chữa lành phần xác là điều tốt, nhưng chữa lành phần hồn mới là điều chính yếu vì linh hồn mới chính là kho tàng vô giá.

5/ Câu chuyện của một người thủy thủ già : Ringhoff là một thủy thủ người Đức. Trong một dịp lễ mừng thượng thọ 80 tuổi, người ta đến thăm ông đông đảo và gửi cho ông rất nhiều lời chúc mừng. Trong số những người gởi tới ông lời chúc mừng, có ông Bộ trưởng Bộ công chánh. Trong bức thư, ông Bộ trưởng hết lời khen ngợi ông thủy thủ già bởi vì trong suốt thời gian thi hành nhiệm vụ, ông thủ thủ già này đã vớt được tất cả 126 người khỏi bị chết đuối. Cứu vớt phần xác đã là một hành động cao đẹp, đáng ca ngợi, cứu vớt cho khỏi chết phần hồn còn cao cả và đáng ca ngợi hơn biết bao.

6/ Chúng ta đã làm được gì ! Chúng ta đã làm được gì để xoa dịu những đớn đau phần xác của người khác và hơn thế nữa, chúng ta đã làm được những gì để góp phần vào công việc truyền bá Phúc Âm. Dẫn đưa người khác về với Chúa.

7/ Những chỉ dẫn từ bài Tin Mừng : Đoạn Tin Mừng trên đây tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Yesus. Qua kinh nghiệm của một ngày làm việc, Chúa Yesus có những chỉ dẫn , muốn đưa ra để làm khuôn mẫu cho những ai muốn ra đi rao giảng Tin Mừng.

8/ Tin Mừng phải được rao giảng : Ngày Sabát, Chúa Yesus vào Hội đường, đọc sách, giảng nghĩa. Việc đọc và diễn giải lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Bởi vì Tin Mừng phải được rao giảng, Lời Chúa phải được công bố, người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người. Hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hành động của con người và dẫn đưa con người đến sự thật toàn vẹn để đạt được sự sống vĩnh cửu.

9/ Tin Mừng phải được minh chứng bằng tình yêu thương : Lời nói phải đi đôi với việc làm, đó chính là yếu tố để lời nói có sức thuyết phục. Thế giới hiện tại người ta trọng chứng hơn trọng cung. Chúa Yesus đã làm chứng về điều đó, khi ra khỏi Hội đường, Chúa Yesus đã vào nhà ông Simon, bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Yesus đã đến bên giường cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thật ra Chúa Yesus quyền năng nên không cần phải tận tay tiếp xúc, chỉ cần nói một lời thì cũng có thể chữa được cho bà khỏi bệnh. Điều này nói lên lòng Chúa yêu thương kính trọng, không chỉ chữa bệnh mà thôi. Chúa Yesus còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm chăm sóc người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

10/ Tin Mừng là đem sự tự do đến : Ma quỷ luôn giam cầm con người trong vòng nô lệ của chúng. Vì bị ma quỷ trói buộc nên con người dần mất hết lý trí, không còn có khả năng làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh của ma quỷ. Tin Mừng của Thiên Chúa có sức giải phóng con người khỏi sự trói buộc của ma quỷ, khỏi những mặc cảm, khỏi những thói hủ lậu. Những mê tín, dị đoan, cấm kỵ, nhờ đó con người có thể vươn lên sống đúng phẩm giá và có thể làm việc phục vụ Nước Chúa như bà nhạc ông Phêrô đã làm khi vừa được chữa khỏi bệnh.

11/ Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn là Thiên Chúa :Sáng sớm, Chúa Yesus đến nơi vắng vẻ và cầu nguyện, suốt ngày Chúa luôn bận rộn với mọi người. Chúa Yesus phải dành buổi sáng sớm để cầu nguyện. Điều này cho thấy đối với Chúa việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Yesus cầu nguyện vì yêu mến và khát khao kết hiệp với Chúa cha, Chúa Yesus cầu nguyện để tìm biết ý Chúa Cha. Tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời mình, vì thế trước khi bắt tay vào làm việc gì, Chúa cầu nguyện cùng Chúa Cha để kín múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

12/ Khuôn mẫu mà người môn đệ cần phải noi theo : Người môn đệ nếu muốn dấn thân ra rao giảng Tin Mừng mở rộng Nước Chúa, không thể đi ra ngoài những khuôn mẫu của Thầy chí thánh, phải biết kín múc lấy nguồn sức mạnh nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Phải coi việc cầu nguyện như nền tảng của mọi hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công.

13/ Người môn đệ của Chúa cần phải làm gì trước tiên? Cần phải chuyên tâm đọc, học, suy gẫm Lời Chúa để thấu hiểu sau đó mới đem trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời mình rao giảng bằng chính đời sống bác ái yêu thương. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người đến sự tự do, sau đó có thể làm được những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ cho Tin Mừng.

14/ Cơn sốt của bà nhạc ông Simon : Sốt không phải là căn bệnh nan y, nhưng người bị sốt cao thường nhức đầu chóng mặt, không dậy nổi, chỉ nằm thôi. Khi Chúa Yesus và các môn đệ đến thăm, thì bà mẹ vợ ông Simon đang sốt nằm trên giường, Chúa Yesus đã đem niềm vui đến cho gia đình ông, Ngài lại gần cầm lấy tay bà nâng dậy, cơn sốt lui ngay.

15/ Một cách chữa bệnh đơn giản : Một căn bệnh đơn giản ,một cách chữa bệnh đơn giản. Đức Yesus chẳng nói một lời, Chúa chỉ làm một cử chỉ thân ái, Ngài cầm tay bà nâng dậy, cũng như sau này Chúa cầm tay đứa con ông Trưởng hội đường, một cô bé 12 tuổi đã chết, lại đứng dậy được (Mc 5,41). Cũng thế sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm dưới đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).****

 

Bài 2: TIẾNG NÓI CỦA CON TIM

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

16/ Chúa Yesus đã cầm tay Phêrô nâng lên khi ông gần chìm: Cầm tay nâng dậy, đây chính là cách giúp để một người đang nằm có thể đứng lên. Sức sống nào được truyền qua cử chỉ cầm tay ấy? Quyền năng nào đã nâng con người chỗi dậy? Chúng ta cần được Chúa nắm tay khi không thể tự mình dậy nổi. Chúng ta cũng cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần bị chìm như Phêrô.

17/ Chúa Yesus đã chạm đến nỗi khổ đau của nhân loại: Khi mặt trời lặn cũng là lúc kết thúc ngày Sabát, người ta đem đến cho Chúa Yesus bao nhiêu là người đau yếu đủ loại. Căn nhà của Simon quá hẹp khiến cho bao nhiêu người đứng ở bên ngoài, không rõ là có bao nhiêu người được chữa lành tối hôm đó. Đều này nói lên rằng : Chúa Yesus đã chạm đến nỗi đau khổ của nhân loại, Chúa không mong múc cạn, Chúa chỉ muốn làm vơi đi, Chúa chỉ mong cùng chia sẻ và mang đến cho nó một ý nghĩa.

18/ Thế giới hôm nay đang cần gì? Thế giới hôm nay đang phải đối đầu với bệnh tật, những bệnh nhi ung thư, tim mạch, sida, siêu vi… Cần có những con người làm nhẹ bớt nỗi đau như Đức Yesus đã làm .

19/ Cầu nguyện là một nhu cầu quan trọng của Đức Yesus. Sau một ngày bận bịu và mệt mỏi Đức Yesus cũng thức dậy sớm đang khi các môn đệ còn đang ngủ say. Ngài đã đi tìm một chỗ kín đáo để cầu nguyện, cầu nguyện là một nhu cầu thật sự của Đức Yesus. Ngài cần có thời gian rút lui để sống riêng tư một mình, Ngài cần có thời gian sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng của công việc về những nỗi khổ đau của con người, về cuộc chiến với Satan.

20/ Chúa Yesus đang cần gì? Chúa Yesus thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, Ngài cần đủ ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Ngài cần gặp Cha vì Ngài là con và vì Ngài đang được Cha sai đi, Ngài sống hết mình cho con người, Ngài say sưa cầu nguyện, cầu nguyện đưa Ngài đến gặp Chúa Cha , hoạt động đưa Ngài đến với con  người, tuy đã thành công nhưng Ngài không muốn dừng chân.

21/ Nhiều nơi khác đang rất cần thầy: Mọi người đang tìm thầy, mọi người vẫn rất cần thầy. Nhưng Chúa biết còn nhiều chỗ khác cũng đang rất cần. Hãy đi nơi khác, bởi vì Tin Mừng cần được gieo vãi ở khắp mọi nơi , Nên Chúa Yesus lại tiếp tục lên đường .

22/ Thế giới đang cần gì? Thế giới không còn ai thích nghe những diễn từ bóng bẩy, những lời hay ý đẹp cao siêu. Thế giới chúng ta đang khao khát những gì cụ thể, thế giới giờ đây chỉ đòi hỏi có những người dám làm chứng bằng chính cuộc đời mình chứ không thích nghe những người chỉ làm chứng bằng lời nói.

23/ Ngôn ngữ của Chúa Yesus: Cuộc sống và hành động của Chúa Yesus đã đáp ứng sự khắc khoải mong chờ của loài người. Chúa không dùng ngôn ngữ của các triết gia hay của các nhà thần học hoặc của các nhà tư tế ký lục trong thời đại của Ngài. Người con trai của bác thợ mộc đã nói với người khác bằng ngôn ngữ của con tim. khi Chúa đến với loài người, Chúa không tách rời ra giữa lời nói và hành động. Chúa không cần nói bằng lời mà dùng cử chỉ và hành động nói thay cho  mình. Chúa đã chữa lành cho bà cả hồn lẫn thể xác.

24/ Bà nhạc mẫu đã làm gì khi được tự do? Được khỏi sự dữ đang giam hãm bà. Nhạc mẫu của ông Simon liền vục phụ các khách khứa của ông, cử chỉ của bà làm chứng cho niềm tri ân của bà đối với việc loan báo Tin Mừng vừa được thể hiện. Đến lượt bà, bà cũng đang nói lên ngôn ngữ của con tim, cũng là thứ ngôn ngữ của Chúa Yesus.

25/ Vì sao người ta tìm đến Chúa? Tin đồn đã lan ra khắp cả thành phố rằng: Có một người có thể đáp ứng được sự mong chờ của những con tim bệnh tật, bị tan vỡ, bị giam cầm. Lời của Thiên Chúa đã biến thành hành động trước mắt mọi người. Dân chúng tuôn đến là để tìm một luồng khí mới cho cuộc đời mình.

26/ Chúng ta đã xử sự thế nào trước sự hiện diện của Thiên Chúa? Hôm nay Chúa đã tỏ mình ra, nhưng chúng ta đã làm gì trước sự kiện này. Đôi khi chúng ta cũng giống như bao người khác, chúng ta tìm cách lợi dụng tối đa sự hiện diện của Chúa mà quên rằng : Phải để cho Ngài được tự do hành động, chúng ta luôn nghĩ rằng : Ngài là Chúa của riêng chúng ta

27/ Chúa không thể là vật sở hữu của riêng chúng ta: Chúng ta đang tìm cách làm cho Ngài thành vua của chúng ta, tìm cách giam hãm Ngài trong những cơ cấu riêng của chúng ta và muốn biến Ngài thành nô lệ của chúng ta, thành đồ vật của chúng ta. Nhưng không phải Chúa chỉ đến với riêng chúng ta mà thôi đâu!

28/ Chúng ta phải tiếp tay với Chúa như thế nào? Chúng ta ai cũng có thể hành động như nhạc mẫu của ông Simon. Nếu Chúa đang hiện diện giữa chúng ta là để chúng ta nỗ lực giúp Ngài loan truyền sứ điệp Tin Mừng cho toàn thế giới. Ở bên ngoài thành phố chúng ta đang sống. Lúc đó chúng ta không còn là một nhóm khép kín nhưng là một điểm chiếu tỏa, từ đó phát xuất đời sống Đức Tin để mọi người mang Tin Mừng đến cho anh em chung quanh.

29/ Chúng ta cần tiếp tay với Chúa như thế nào? Nếu chúng ta đã là Kitô hữu. Nhiệm vụ của Thiên Chúa là rao giảng và loan báo cho loài người Tin Mừng mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta làm việc này theo cách của Ngài bằng lời nói, bằng hành động, bằng ngôn ngữ của con tim chứ không phải ngôn ngữ của sự khôn ngoan loài người.

30/ Nhiệm vụ mà Thiên Chúa giao cho chúng ta : Chính vì những anh em đang đau khổ của chúng ta mà Chúa sai chúng ta đến để nhân danh Ngài, chúng ta cầm tay họ, giúp họ đứng lên. Bây giờ bổn phận của chúng ta là trở thành tôi tớ của mọi người để cứu được nhiều người.

31/ Bà mẹ vợ của ông Simon : Thánh Phêrô đã lo lắng cho người mẹ vợ của mình, bà đã ngã bệnh vì cơn sốt. Khi Simon nói với Đức Yesus về bà, Chúa Yesus cầm tay bà thì cơn sốt liền rời khỏi bà. Hành động này của Chúa Yesus thì không có gì phải ngạc nhiên, nhưng sau đó thì lại làm cho chúng ta ngạc nhiên khi ngay lập tức bà đã dọn bữa phục vụ Chúa Yesus và các môn đồ của Ngài. Mọi người ai cũng nghĩ rằng: Bà phải dùng một ít thời gian để nghỉ ngơi, nhưng điều đó lại không phải là cách làm của người đàn bà này.

32/ Bài học từ Chúa Yesus, từ bà mẹ vợ ông Simon : Sau bữa ăn tối đó, Chúa Yesus đã kiệt sức sau một ngảy vất vả nhưng Người vẫn gây nên bất ngờ khi chữa lành cho tất cả những người bệnh trong thành phố và những người bị quỷ ám. Sáng hôm sau dù rất mệt mỏi nhưng Ngài đã dậy rất sơm như mẹ vợ ông Simon đã dậy sớm sau cơn ốm của mình, Chúa không dành sự nghỉ ngơi cho các việc tốt.

33/ Tinh thần quảng đại, vô vị lợi của những con người: Chúng ta cân phải suy nghĩ về sự quảng đại và tinh thần vô vị lợi mà nhiều người trong chúng ta đã thực hiện trong cuộc sống. Những người đó như là cha-mẹ, vị hôn phu, thầy dạy, công nhân, tình nguyện viên, sinh viên, linh mục, tu sĩ, những gì mà chúng ta đang được kêu gọi để trở thành, Sự nghỉ ngơi chỉ xấu khi chúng ta chỉ nghĩ về mình, tìm tiện nghi cho chính mình, cho nên đừng tìm sự nghỉ ngơi cho những công việc tốt .****

 

Bài 3: LƯƠNG Y  NHƯ MẸ HIỀN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

34/ Cảm nghiệm của chúng ta về bệnh tật: Ai trong chúng ta cũng từng có lần ngã bệnh hoặc có dịp đưa người thân đi bệnh viện hoặc thấy ai đó đang nằm điều trị tại các dưỡng đường. Đây cũng là dịp để chúng ta thấy được bệnh tật là nỗi đau của con người. Mọi người đều phải chạm trán với đau khổ dưới muôn vàn khía cạnh. Các triết gia đã suy luận và bàn tán nhiều đến những nỗi đau. Thế nhưng không tìm ra được một lời giải nào thỏa đáng trước những nỗi đau của trẻ thơ vô tội và những con người hiền lành tốt bụng.

35/ Những cảm nghiệm về đau khổ của ông Gióp: Ông Gióp là nhân vật chính trong cuốn sách mang tên ông. Ông là một người hiền đức nhưng luôn gặp phải nhiều nỗi truân chuyên nên ông đâm ra hoang mang trong vô vọng. Ông than thở với Chúa rằng: Xin Chúa nhớ cho! Đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ. Nhiều người cho rằng: Đời người là một khổ dịch, chẳng khác chi nô lệ hay kiếp làm thuê, tuy như thế nhưng tuyệt đối ông không bao giờ coi đau khổ như là dấu hiệu của hình phạt do tội lỗi. Bản thân ông cũng không hiểu tại sao người hiền đức lại phải chịu đau khổ. Đối với ông đau khổ là một sự mầu nhiệm nên rất khó hiểu. Tốt hơn hết là ông nên tin chắc vào Chúa và xin Chúa giải đáp cho.

36/ Chúa Yesus nghĩ thế nào về những đau khổ của con người: Chúa Yesus không tìm cách lý giải về những đau khổ, nhưng Chúa luôn quan tâm lo lắng cho những người bị đau khổ, điển hình là Ngài cảm thông và chữa lành mọi kẻ ốm đau, tật nguyền hoặc bị quỷ ám. Khi được biết bà mẹ vợ ông Simon bị sốt trên giường, Đức Yesus đã đến gần, cầm lấy tay bà và nâng dậy. Với một triết gia thì đau khổ là một vấn đề nan giải, còn với Đức Yesus, Chúa yêu cầu mọi người cần phải chiến đấu và phải chiến thắng đau khổ.

37/ Một ví dụ điển hình từ Phúc Âm Chúa Yesus: Trước hoàn cảnh người mù từ thuở mới sinh mọi người đều tìm cách giải thích theo một hướng nào đó để có thể kết án kẻ khác và chạy khỏi tội của mình. Để dễ dàng chạy tội, để đổ trách nhiệm cho kẻ khác và phủi hết trách nhiệm thuộc về mình. Nhưng theo ý Chúa Yesus, làm như thế cũng chẳng có lợi ích gì vì người đau khổ sẽ vẫn cứ đau khổ, tốt hơn hết là nên làm một điều gì đó, một điều mà mình cần phải làm để biểu lộ tình yêu thương mà Chúa Cha đã trao ban.

38/ Tại sao đau khổ lại là một sự thay đổi? Khi Chúa Yesus cầm tay bà mẹ vợ ông Simon và cho bà chỗi dậy. Chúa Yesus muốn hướng chúng ta đến cái chết và sự phục sinh của Người chính nhờ vào mầu nhiệm vượt qua này mà đau khổ của con người lại mang một ý nghĩa tích cực. Cho nên đau khổ không phải là một hình phạt mà chính là một sự thay đổi, một sự nổ tung để phát sinh một kiếp sống mới. Tương tự như hạt lúa phải thối nát đi mới có thể đem lại mùa gặt bội thu. Hoặc quả trứng phải bị nứt vỏ ra để ta có một chú gà con, một con sâu phải thành kén sau đó mới lột xác ra để trở thành cánh bướm tung bay khắp mọi miền.

39/ Cách Chúa Yesus thánh hóa đau khổ : Như vậy sứ vụ Chúa Yesus đến trần gian không phải là để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho những đau khổ mang một ý nghĩa cứu độ cho con người đang bị đau khổ , một niềm vui được giải thoát. Chúa đã giải thoát họ khỏi những chán chường, thất vọng và đưa họ vào trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa.

40/ Sau khi Chúa Yesus phục sinh, người ta mới nhận ra điều gì? Phải đợi đến sau phục sinh, người ta mới nhận rằng: Chúa Yesus còn hơn một thầy thuốc, Ngài chính là vị cứu tinh của cả nhân loại bởi vì Ngài không chỉ chữa lành mà thôi, từ những nỗi đau của thân xác mà Chúa còn chiến thắng cả cái chết, chiến thắng quyền lực tội lỗi đang tác động chủ yếu qua các đau khổ. Chúa Yesus đã đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện và đưa họ vào vinh quang của sự sống vĩnh cửu.

41/ Mối bận tâm của Chúa Yesus: Đây mới chính là mối bận tâm thật sự của Chúa Yesus:

            a/ Chúa bận tâm rao giảng Tin Mừng

            b/ Mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Nhờ đó thay vì đau khổ là sự vắng mặt của Thiên Chúa thì thay vào đó là sự hiện diện của một tình yêu. Cho dù đau khổ luôn là một mầu nhiệm khó hiểu, một vấn đề chưa có một lời giải đáp trọn vẹn. Nhưng đã có thứ thay thế mang tính vĩ đại hơn, đó là mầu nhiệm tình yêu.

42/ Tin Mừng cụ thể là gì? Đức Yesus mang Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể rõ ràng, Ngài ra tay cứu chữa những ai đau yếu, bệnh tật hầu làm chứng rằng: Quả thật Thiên Chúa rất yêu thương con người, dùng chính con người cứu chữa con người, để bệnh tật không còn là nỗi đau. Cho dù ai đó có mang bệnh nhưng khi con người được yêu thương chăm sóc thì dù bệnh tật có nặng mấy, họ cũng cảm thấy vui tươi, hạnh phúc nghĩa là họ chẳng cảm thấy khổ.

43/ Cảm nghiệm về khổ đau của Đức Yoan Paul II: Năm 1984 trong một bức tông thư, Ngài nói: Con người bước đi cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ một con người trên con đường đó, Ngài trích dẫn thêm về dụ ngôn người Samari nhân hậu để cho tất cả chúng ta thấy rằng: Mỗi người chúng ta có mối liên đới thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ, chúng ta không được dửng dưng bỏ qua nhưng phải dừng lại bên những kẻ đau khổ.

44/ Thái độ cần có của chúng ta: Người Samari nhân hậu là tất cả những ai biết dừng lại bên cạnh bất cứ những đau khổ nào của người khác, dừng lại không phải để tò mò xem thử nhưng là để quyết tâm giúp đỡ. Đây là thái độ nội tâm, biết mở lòng xót thương và thúc đẩy chúng ta ra tay hành động để trợ giúp họ.

45/ Một công việc của Giáo Hội: Trong suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội luôn quan tâm săn sóc và cứu chữa các bệnh nhân nhất là những người mắc bệnh nan y khó chữa, những người đui mù, tàn tật. Sự tận tụy của đội ngũ các tu sĩ: Là các bác sĩ, y tá công giáo trong các trại phong cùi, các bệnh viện được xã hội ghi nhận, đã là nguồn an ủi không nhỏ của những con người đau khổ vì bệnh tật. Như vậy công việc của Chúa Yesus vẫn được tiếp tục trong xã hội hôm nay của chúng ta.

46/ Ngày thế giới bệnh nhân sắp đến, là ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức. Là nơi các bệnh nhân đã  được Đức Mẹ chữa lành cách lạ lùng nhờ vào lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Mẹ.

47/ Chúng ta có thể giúp gì cho họ? Trước những khổ đau mênh mông của thế giới, nhiều khi chúng ta có cảm giác bất lực, không biết phải xử sự làm sao. Nhưng lúc đó trong giới hạn cho phép đầy tình yêu thương của mình. Chúng ta vẫn có thể làm cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực thể xác cho họ. Có thể họ chỉ cần có một sự cảm thông, một nụ cười, một lời cầu nguyện giúp cho họ bền tâm vượt qua.

48/ Cách chúng ta chép lại sách Tin Mừng: Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé đời thường đó, chúng ta vẫn có thể nói với họ về Chúa Yesus của chúng ta. Đó cũng là cách chúng ta chép lại cuộc đời Chúa Yesus, giáo huấn và phong cách sống của Chúa vậy. *****

 

 BÀI 4 : CẦN CÓ ĐỨC TIN NẾU MUỐN ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống tin mừng:

1.     Phụng vụ Lời Chúa hôm tuần trước cho chúng ta thấy điều gì? Bài Tin Mừng tuần trước cho ta thấy Chúa Giê-su là vị tiên tri có uy quyền. Lời Chúa hôm nay trong giáo hội có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tà thần nếu chúng ta biết kết hiệp với Chúa Giê-su trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.

2.     Bài sách Gióp hôm nay nói về điều gì? Chúng ta biết ông Gióp là người công chính, nhưng lại gặp toàn chuyện hoạn nạn, đau thương. Nhà cửa bỗng nhiên ra bụi tro. Con cái thì lăn đùng ra chết, còn thân thể ông thì cũng bị ghẻ lở ,hôi thối.

3.     Người ta nghĩ gì về ông? Người ta đặt ông trên đống tro. Họ còn đàm tiếu là ông bị trời phạt. Bà vợ còn đay nghiến ông suốt ngày. Ông bỗng chốc trở thành kiểu mẫu của những con người khổ sở.

4.     Lời than thở của ông với Chúa như thế nào? Đời người như thoi đưa, không còn chút hy vọng nào. Ông đã cố gạt bỏ hết mọi lý luận của người đời về đau khổ. Ông ngước mắt lên tới Chúa và cầu nguyện : Xin Chúa hãy nhớ đến con...

5.     Người đời đã nghĩ gì về ông? Họ đã không có gì cụ thể để giúp ông ,trái lại họ cứ nghĩ ông làm điều sai nên bị trời phạt. Họ khuyên ông nên nhận lỗi. Nhưng ông Gióp đã không chấp nhận những suy nghĩ của người đời. Ông luôn trung thành với Đức Tin của mình, ông luôn quay lên với Chúa và khẩn cầu: Xin Chúa hãy nhớ đến con.

6.     Khi gặp cảnh tuyệt vọng, dân Chúa đã hành xử thế nào? Khi gặp cảnh tuyệt vọng, họ chỉ còn biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Vì Ngài là Đấng nhân ái, trung tín. Ngài đã ban giao ước và nhất quyết thi hành, ngay cả khi loài người bất nghĩa, và dân Chúa vẫn luôn tin rằng: Chúa sẽ ra tay cứu dân khỏi cảnh lầm than cùng khổ.

7.     Sách Gióp hôm nay giúp chúng ta thế nào? Gióp không bi quan yếm thế, và cho rằng đời là bể khổ. Nhưng sách Gióp chỉ dựa vào đó để đưa lòng trí vươn lên tới Chúa. Gióp khuyên nhủ mọi kẻ lầm than hãy cầu xin và tin vào ơn cứu độ. Gióp là gương mẫu, là hình ảnh và là hiện thân của Cựu Ước hướng về Đấng Thiên Sai cứu đời, và khuyên chúng ta hãy nhìn về trời mới, đất mới.

8.     Bài Tin Mừng cho ta thấy điều gì? Trước đó Chúa đã chữa một người bị thần ô uế ám ở hội đường Carphana-um. Người ta coi Chúa là vị tiên tri có uy quyền trong lời nói và việc làm. Chúa đã khởi sự chữa lành trong hội đường Do Thái. Thì bây giờ Người cũng ra đi cứu đời rộng rãi hơn. Hôm nay Chúa chữa ở vùng Galile, là vùng đất của dân ngoại, để nói cho chúng ta biết: Ảnh hưởng của Chúa đã lan đến khắp các dân tộc.

9.     Việc Chúa đến nhà ông Simon, mang ý nghĩa nàoChúa đến nhà Simon gặp bà nhạc gia của ông đang sốt. Chúa đã chữa bà. Câu chuyện này tuy vắn tắt nhưng lại rất có ý nghĩa: người Do Thái quan niệm bệnh tật là do ma quỷ làm. Nên Chúa chữa bệnh cũng có giá trị như là Chúa trừ quỷ. Điều này còn nói lên ý nghĩa của sự phục sinh. Chúa chữa bệnh là làm cho người ta trỗi dậy khỏi chỗ sa ngã mà ma quỷ đã đưa người ta vào /và chỗi dậy tức là bà nhạc gia đã được ơn phục sinh.

10.   Có điều gì chúng ta cần bắt chước bà nhạc gia ông Simon? Bà vừa hết bệnh là bắt đầu phục vụ ngay. Chính Chúa Giê-su cũng đến chỉ để phục vụ, đến nỗi Chúa đã hiến cả mạng sống của mình vì chúng ta.

11.   Chúng ta thấy thêm điều gì nơi nhà ông Simon? Khi mặt trời vừa lặn, cũng là hết giờ cấm của ngày Sabat. Người ta liền đem đến cho Chúa mọi kẻ ốm đau và mọi kẻ bị quỷ ám. Điều này cho chúng ta thấy rằng: Khắp cả mặt đất này đầy đau thương dưới sự khống chế của tà thần. Vì thế giới đang sống trong tối tăm, cả thành đành đứng đó ngó chứ không ai làm được điều gì. Loài người tất cả đều đang chờ mong Chúa Giê-su, người chữa bệnh và xua trừ ma quỷ cho nhiều người.

12.   Tại sao Chúa lại không cứu chữa cho hết mọi người? Marco muốn chúng ta động não một chút. Chúa không thể cứu chúng ta nếu chúng ta không muốn. Chúa đòi chúng ta phải có niềm tin. Chúng ta nên nhớ rằng: Những kẻ được nghe Lời Chúa, miệng còn kêu danh thánh Chúa nữa mà không muốn cùng người đi vào mầu nhiệm thập giá thì vẫn không lãnh nhận được ơn cứu độ. Cũng có nghĩa rằng: Người ta ca tụng Chúa, kêu danh Chúa nhưng chỉ vì đầu óc vụ lợi vì họ không tham gia vào chặng đường thánh giá của Chúa, nên chẳng có công phúc gì.

13.   Vậy bài Tin Mừng hôm nay mang ý nghĩa gì? Chúa Giê-su đến để cứu đời bằng cách chữa bệnh tật và xua đuổi tà thần. Chúa dùng mầu nhiệm phục sinh để nâng đỡ và cứu chuộc nhân loại, để mọi người có sức sống. Vì Chúa là Đấng ban sự sống và nêu gương phục vụ cho đến chết. Nhưng điều kiện là chúng ta phải có lòng tin và phải cùng người đi trọn con đường thập giá.

14.   Chúa Giê-su trong con mắt người Do Thái như thế nào?  Họ không muốn hiểu, họ chỉ muốn thấy hình ảnh một Đấng cứu thế đi đâu cũng làm phép lạ chữa bệnh, tức là ban phát những lợi lộc trần thế. Thế nên Chúa phải luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện sớm tối. Cầu nguyện khi con người còn đang ngủ, tức là loài người đang còn sống trong tăm tối.

15.   Họ đi tìm và Chúa đã nói gì với họ? Các môn đệ nói : tất cả đang đi tìm Thầy. Nghĩa là họ vẫn muốn Chúa trở lại để làm thêm nhiều phép lạ, chữa bệnh phần xác, xua đuổi tà thần và chữa lành mọi thương tích cho nhân loại ốm đau vì tội lỗi. Người dùng mầu nhiệm phục sinh để nâng đỡ nhân loại trỗi dậy, để mọi người có được sự sống và phục vụ cho đến chết nhưng với điều kiện chúng ta phải có lòng tin và đi theo người đến mầu nhiệm Thập Giá.

16.   Hình ảnh Đấng Cứu Thế trong con mắt họ là gì? Họ chỉ thấy một đấng cứu thế làm nhiều phép lạ trong mắt họ, ban phát nhiều lợi lộc trần thế. Cho nên Chúa phải luôn cầu nguyện cho họ, đang khi họ còn mê ngủ, tức là họ còn trong tối tăm.

17.   Chúa Giê-su phải làm gì với các tông đồ? Chúa phải đưa các tông đồ ra khỏi cái tâm lý chung kia. Họ chỉ muốn có một Đấng Cứu Thế theo nghĩa trần gian.

18.   Phục vụ theo đúng ý nghĩa của Chúa Giê-su là gì? Chúa nói: ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Có nghĩa là Chúa đến không phải để thỏa mãn những nhu cầu phần xác. Nhưng là để dâng mình lên làm giá cứu chuộc muôn người. Không phải để đứng mãi ở một nơi, nhưng để ra đi không ngừng rao giảng Tin Mừng và cứu thoát mọi người.

19.   Chúa Giê-su có phải là Đấng mở đường không? Chúa đi khắp nơi. Ngài cũng mở đường cho Giáo hội đi khắp các dân tộc, rao giảng Tin Mừng để tiêu diệt ảnh hưởng của tà thần và kêu gọi tất cả mọi người đi vào con đường cứu rỗi của Ngài . **R                  

 

TÓM Ý

1/ Vì sao Chúa Yesus muốn cứu vớt con người ?: Chúa Yesus là Thiên Chúa nhập thể, Chúa đang đi vào cuộc sống của con người. Bất cứ hoàn cảnh đau thương nào cũng gợi lên trong Ngài một nỗi niềm muốn cảm thông, chia sẻ. Muốn giúp con người bớt đi những nỗi đau trong thân xác, những dằn vặt trong tinh thần, để mạc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và quyền năng.

2/ Sứ mạng của Chúa Yesus là gì? : Sứ mạng của Chúa không phải là chỉ chữa bệnh tật phần xác mà còn muốn giải thoát con người khỏi những bệnh tật về phần linh hồn. Giải thoát con người khỏi ách thống trị của ma quỷ nói chung và của tội lỗi nói riêng.

3/ Giáo Hội đã tiếp bước Chúa Yesus, tiếp tục đẩy mạnh hai hoạt động: Xoa dịu những đớn đau cho người bất hạnh và dẫn đưa kẻ có tội cũng như lương dân về với Chúa. Ngoài ra Giáo Hội đã lập ra các bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi viện. Giáo Hội cũng không quên bổn phận chính yếu của mình là đem Tin Mừng đến cho các dân tộc qua việc gởi các thừa sai đến các vùng đất xa lạ. Chữa lành phần xác là tốt, nhưng chữa lành phần hồn mới là điều chính yếu.

4/ Người ta khen ông thủy thủ già người Đức bởi vì trong suốt thời gian phục vụ ông đã cứu vớt được 126 người khỏi bị chết đuối.

5/ Chúng ta đã làm được gì để xoa dịu những đớn đau phần xác của kẻ khác, còn hơn thế nữa chúng ta đã làm được những gì để góp phần vào công việc truyền bá Phúc Âm.

6/ vào ngày Sabát, Chúa Yesus vào Hội đường, đọc sách, giảng nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một công việc quan trọng của đời sống người môn đệ. Say mê rao truyền Lời Chúa để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, dẫn đưa con người đến sự thật toàn vẹn.

7/ Tin Mừng phải được minh chứng bằng tình yêu thương, lời nói phải đi đôi với việc làm, thế giới hôm nay người ta đang trọng chứng hơn trọng cung. Chúa Yesus đã chứng thực về điều đó.

8/ Tin Mừng đem sự tự do đến cho con người, ma quỷ luôn giam cầm con người trong vòng nô lệ của tội lỗi. Vì bị ma quỷ trói buộc nên con người dần dần mất cả lý trí, không còn khả năng làm được điều lành mà chỉ có thể làm theo lệnh của ma quỷ. Tin Mừng của Thiên Chúa có sức giải phóng con người khỏi sự trói buộc của ma quỷ, khỏi những mặc cảm, khỏi những thói tục hủ lậu, mê tín dị đoan.

9/ Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn là chính Thiên Chúa qua việc tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Sáng sớm Chúa phải tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, điều này cho thấy đối với Chúa thì việc cầu nguyện rất quan trọng. Chúa cầu nguyện để kết hiệp và tìm biết thánh ý Chúa Cha. Cầu nguyện là tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho đời mình, cầu nguyện là kín múc nguồn sức mạnh cho việc truyền giáo.

10/ Khuôn mẫu mà người môn đệ cần phải noi theo đó là phải coi việc cầu nguyện như  nền tảng của mọi hoạt động, là điểm mấu chốt để đi đến thành công.

11/ Người môn đệ phải chuyên tâm: Đọc, học, suy ngẫm Lời Chúa để thấu hiểu ,sau đó mới đem trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời mình rao giảng bằng  đời sống bác ái yêu thương vì sự yêu thương sẽ đưa con người đến tự do. Sau đó họ có thể làm những việc tốt đẹp hầu góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

12/ Sốt là một căn bệnh đơn giản, bằng một cách chữa bệnh đơn giản, Chúa Yesus chẳng nói một lời, Chúa chỉ làm một cử chỉ thân ái, Ngài cầm tay bà nâng dậy. Chúa cũng cầm tay con ông Trưởng hội đường, một cô bé 12 tuổi đã chết, lại đứng lên được (Mc 5,41) cũng như sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm dưới đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).

13/ Chúa đã cầm tay Phêrô kéo lên khi ông gần chìm. Sức sống nào được truyền qua cử chỉ cầm tay ấy, chúng ta cũng cần được Chúa nắm tay khi không thể tự mình đứng dậy. Chúng ta cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần bị chìm như Phêrô.

14/ Khi mặt trời lặn, cũng là kết thúc ngày Sabát, người ta đem đến cho Chúa rất nhiều bệnh nhân, căn nhà của Simon quá hẹp, không rõ số người được chữa lành hôm đó là bao nhiêu. Điều này nói lên rằng: Chúa Yesus đã chạm đến nỗi đau của nhân loại, Chúa không mong múc cạn, Chúa chỉ muốn làm vơi đi, Chúa chỉ mong cùng chia sẻ với con người.

15/ Thế giới hôm nay, đang phải đối đầu với bệnh tật, những căn bệnh nan y như : Ung thư, tim mạch, siđa. Siêu vi… Thế giới đang cần những con người làm nhẹ bớt nỗi đau cho người khác như Chúa Yesus.

16/ Cầu nguyện là một nhu cầu quan trọng của Chúa Yesus. Sau một ngày bận bịu mệt mỏi, Chúa Yesus đã thức dậy khi các môn đệ còn đang ngủ say, Chúa đi tìm một nơi kín đáo để cầu nguyện. Cầu nguyện là một nhu cầu thật sự để sống Chúa cần có thời gian để tâm sự với Cha mình về gánh nặng của công việc, về những nỗi khổ đau của con người, về cuộc chiến chống Satan.

17/ Chúa Yesus cảm thấy mình cần được Chúa Cha cảm thông, nâng đỡ vì Ngài là người con được Cha sai đi. Ngài đã cống hiến hết mình cho loài người, Ngài say sưa cầu nguyện, cầu nguyện đưa Ngài đến với Chúa Cha. Hoạt động đưa Ngài đến với con người. Tuy đã thành công nhưng Ngài chưa muốn dừng chân.

18/ Nhiều nơi khác đang rất cần thầy, Chúa biết những nơi khác cũng đang rất cần. Hãy đến những nơi khác vì Tin Mừng cần được gieo vãi khắp nơi nên Chúa lại tiếp tục lên đường.

19/ Thế giới không còn muốn nghe những lời bóng bẩy, những lời hay ý đẹp. Thế giới đang khao khát những gì cụ thể. Thế giới đang đòi hỏi những người dám làm chứng bằng chính cuộc đời mình chứ không thích nghe những người chỉ ba hoa cửa miệng.

20/ Cuộc sống và hành động của Chúa Yesus đã đáp ứng được sự khắc khoải chờ mong của loài người. Chúa không dùng ngôn ngữ của các triết gia hay của các nhà thần học hay các tư tế kinh sư trong thời đại của Ngài. Người con trai của bác thợ mộc đã nói với người khác bằng ngôn ngữ của con tim, khi Chúa Yesus đến với loài người, Chúa chẳng cần nói nhiều bằng lời mà dùng cử chỉ và hành động nói thay cho mình, Chúa đã chữa lành cho con người cả hồn lẫn xác.

21/ Sau khi được tự do, được khỏi bệnh, bà nhạc mẫu đã chứng tỏ niềm tri ân của mình qua việc phục vụ khách khứa của Phêrô. Đến lượt bà, bà cũng đang nói với mọi người bằng ngôn ngữ của con tim, cũng là thứ ngôn ngữ của Chúa Yesus đã dùng.

22/ Người ta tìm đến với Chúa Yesus khi tin đồn đã loan ra khắp thành phố rằng: Có một người có thể đáp ứng được sự mong chờ của những con người bệnh tật. Dân chúng đã tuôn đến là để tìm một luồng sống mới cho cuộc đời mình.

23/ Đôi khi chúng ta cũng xử sự giống như bao người khác. Chúng ta tìm cách lợi dụng tối đa sự hiện diện của Chúa mà quên rằng: Phải để cho Chúa tự do hành động, đừng bao giờ nghĩ rằng: Ngài là Chúa của riêng ta!

24/ Ai trong chúng ta cũng có thể hành động như bà nhạc  mẫu của ông Simon. Nếu Chúa đang hiện diện giữa chúng ta là để chúng ta nỗ lực giúp Ngài loan truyền sứ điệp Tin Mừng cho toàn thế giới. Ở bên ngoài thành phố nơi chúng ta đang sống, đang ở.

25/ Nếu chúng ta là Kitô hữu, nhiệm vụ Thiên Chúa giao là loan báo cho loài người Tin Mừng mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta làm theo cách của Ngài bằng lời nói hành động, bằng thứ ngôn ngữ của con tim chứ không phải bằng ngôn ngữ của loài người.

26/ Việc Chúa Yesus cầm tay cứu chữa cho bà nhạc gia ông Phêrô thì không có gì khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên, nhưng hành động sau đó của bà khiến chúng ta ngạc nhiên đó là: Ngay lập tức bà đã dọn bữa phục vụ Chúa Yesus và các môn đồ của Ngài vì mọi người ai cũng nghĩ rằng: Bà cần phải dành chút thời gian để nghỉ ngơi sau cơn sốt, nhưng đó lại không phải là cách làm của bà.

27/ Bài học rút ra từ đoạn Tin Mừng: Sau bữa ăn tối, Chúa Yesus hầu như đã kiệt sức sau một ngày vất vả. Nhưng Chúa vẫn làm điều bất ngờ khi ra tay chữa lành tất cả những người đau ốm, bệnh tật trong thành phố, kể cả những người bị quỷ ám. Sáng hôm sau cho dù đã rất mệt mỏi, Chúa Yesus cũng đã dậy thật sớm, cũng như bà mẹ vợ ông Phêrô đã dậy sau cơn ốm để phục vụ  / Chúa Yesus đã không dành sự nghỉ ngơi cho các việc tốt.

28/ Chúng ta cần phải lưu tâm suy nghĩ về những sự quảng đại và tinh thần phục vụ vô vị lợi mà nhiều lớp người trong chúng ta đã thực hiện trong cuộc sống. Những người đó như là: Cha mẹ, vị hôn phu, thầy dạy, công nhân, tình nguyện viên, linh mục, tu sĩ và những gì mà chúng ta đang được kêu gọi để trở thành. Sự nghỉ ngơi chỉ xấu khi chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân mình, chỉ tìm tiện nghi cho chính mình / nên sẽ không có sự nghỉ ngơi cho các công việc tốt.**

Bài viết của Yuse Luca Trương Đình Nghi 

Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2472
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1240
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11414863
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top