Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN Lễ Chúa Yesus Chịu Phép Rửa B - 11/01/2015

ĐỀ TÀI: CHÚA YESUS CHỊU PHÉP RỬA

TUNG HÔ TIN MỪNG:  x. Ga 1,29

Halêluia. Halêluia. Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mc 1,7-11

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP CHO MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG:

1/ Ý nghĩa của phép rửa ở sông Gio-đan /

2/ Hình ảnh tương phản giữa Chúa Yesus và Yoan Tẩy Giả?

3/  Tâm điểm của sự kiện là gì ?

4/ Tư cách của Chúa Yesus tại sông Gio-đan .

5/ Ý nghĩa của việc Chúa Yesus bước xuống sông Gio-đan ?  ***

6/ Ki-tô hữu được thanh tẩy do điều gì  ?  (Nước hay Máu Chúa)

7/ Nghi thức thanh tẩy là một sự lựa chọn .

8/ Ý nghĩa của việc thanh tẩy ?

9/ Câu nói đầu tiên của Chúa Yesus trong cuộc đời công khai ?

10/ Điều gì xảy ra khi Chúa Yesus vừa lên khỏi nước ?

11/ Dấu ân sâu đậm từ sông Gio-đan  .

12/ Ý nghĩa của việc trời mở ra ?

13/ Thần khí giúp gì cho Chúa Yesus ?

14/ Sám hối là gì ?

15/ Yoan tự  giới thiệu gì về mình ?

16/ Điều gì khó hiểu tại sông Gio-đan ?

17/ Điều gì  bất ngờ tại sông Gio-đan ?

18/ Ý nghĩa của việc Chúa Yesus bước xuống dòng nước ? ****

19/ Phép rửa của Yoan là gì?

20/ Phép rửa sông Gio-đan là hình thức Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân lần II  ?

21/ Chúa Yesus tự nguyện làm điều gì  ?

22/ Chúa Thánh Thần xác nhận điều gì  ?

23/ Người tín hữu cần làm gì sau khi chịu thanh tẩy  ?

24/ Hai mặt sống cần chu toàn của người Ki-tô hữu là gì ?

25/ Thực thi ý Chúa là gì ?

26/ Thế nào là sống tình liên đới  ?

27/ Vì sao Chúa Yesus phải chịu phép rửa  ?

 

Bài 1: PHÉP RỬA SÁM HỐI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Vai trò của người Kitô hữu: Mọi người Kitô hữu cần xác định rõ ràng mối quan hệ của mình với Đấng cứu thế . Chúng ta cần khiêm tốn, trung thực giới thiệu về Người như Đấng đang có mặt trong lịch sử nhân loại. Sau đó chúng ta cũng cần thể hiện vai trò tiền hô đối với anh chị em của mình.

2/ Sự trái ngược giữa Chúa Yesus và chúng ta: Chúa Yesus sẵn sàng đứng vào hàng các tội nhân, tự đồng hóa mình với họ, trở nên một người như họ. Nhưng Chúa Yesus lại là người hoàn toàn trong sạch, trong khi chúng ta là những con người có tội mà lại muốn cho mọi người biết đến sự lành thánh của chúng ta. Chúng ta lại càng không được phép lên án kẻ khác. Chúng ta lại chẳng có chút đồng cảm với những người xem ra có cuộc sống không thành công, kém may mắn hơn chúng ta.

3/ Tư cách của Chúa Yesus như thế nào? Thầy chí thánh mà chúng ta đang đi theo, Ngài không bao giờ trách mắng kẻ có tội. Ngài đồng cảm với họ, Ngài bảo vệ họ, Ngài đứng vào hàng ngũ họ. Đây là những điểm nổi bật khiến cho các môn đệ và cả chúng ta phải suy nghĩ.

4/ Chúa Yesus mời gọi chúng ta làm gì? Chúng ta là một dân tộc mới của Thiên Chúa. Chúng ta đang tiến bước, có Chúa Yesus là vị thủ lãnh đầy thần khí. Vị thủ lãnh Yesus đang dẫn chúng ta đi về đâu? Chúng ta phải bước theo Ngài bằng cách nào? Thánh Marcô mời gọi chúng ta phải can đảm bước theo Đức Kitô, Ngài là con đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.

5/ Làm thế nào chúng ta có thể bước theo Chúa Yesus? Khi chúng ta nhận lãnh phép rửa tội, chúng ta cũng có Chúa Thánh Thần. Chúng ta trở nên Con Thiên Chúa nên cũng có chức năng vương đế. Vì thế, muốn theo Ngài, chúng ta phải biết cộng tác với Ngài. Ngài là Đấng hướng dẫn chúng ta, Ngài giúp chúng ta chế ngự tính mê tật xấu của mình, Ngài cũng giúp chúng ta thắng vượt mọi trở ngại để chúng ta có thể thong dong tiến bước theo Ngài.

6/ Tại sao Chúa Yesus lại đến nhận lãnh phép rửa?: Vị giám mục Maximô thành Turinô (khoảng năm 420) trong một bài giảng về Lễ Thanh Tẩy, Ngài nói: Hôm nay, Chúa Yesus đến nhận phép rửa. Chúa muốn rửa mình trong dòng nước sông Yordan. Có lẽ có người ta sẽ nói: Người là Đấng Thánh, tại sao Người lại muốn lãnh nhận phép rửa? Vậy xin hãy nghe đây: Đức Kitô muốn được ban phép rửa, không phải để được nước thánh hóa, nhưng để chính Người thánh hóa dòng nước và thanh tẩy các dòng nước mà Ngài sẽ chạm tới. Vậy ở đây là Chúa thánh hiến dòng nước hơn là dòng nước thanh tẩy Chúa Kitô.

7/ Hiệu quả nào phát sinh khi Chúa bước xuống dòng sông Yordan: Kể từ khi Đấng cứu thế được rửa, tất cả các dòng nước trở thành trong sạch dùng để làm phép rửa cho mọi người sau này. Vậy Đức Kitô là người đầu tiên bước đến phép rửa để cho các Kitô hữu về sau này mạnh dạn bước đi theo Ngài.

8/ Cột lửa đã giúp gì cho con cái Israel? Khi Israel trốn chạy ra khỏi đất Ai Cập, cột lửa đã không đi trước qua biển đỏ, để khuyến khích con cái Israel bước theo đó sao? Cột lửa ấy đã đi qua trước tiên để vạch ra con đường cho những người đi theo sau.

9/ Thánh Phaolô giải thích thế nào về điều này? Theo các chứng từ của Ngài, Thánh Phaolô cho rằng: Biến cố này là biểu tượng của phép rửa tội (1 Cor 10,1-13) Ngài cho rằng đây là một thứ phép rửa trong đó người ta được bao phủ bởi đám mây và được nâng đỡ bởi làn nước và tất cả những điều đó đã được hoàn tất bởi cùng một Đức Kitô, Chúa chúng ta.

10/ Ý nghĩa của phép rửa Yoan tiền hô: Nói đến phép rửa tại sông Yordan, người ta liên tưởng đến khoảng thời gian mà Yoan tiền hô được hân hạnh đón tiếp Chúa Yesus và có dịp chỉ cho các môn đệ của ông và mọi người biết Đấng cứu thế. Phép rửa của Yoan là phép rửa sám hối, Chúa Yesus là người vô tội, Chúa đứng xếp hàng cùng các tội nhân là để chỉ cho nhân loại thấy việc sám hối sẽ cần thiết như thế nào, phép rửa của Yoan chỉ là phép rửa chuẩn bị.

11/ Tại sao Chúa Yesus lại phải xếp hàng? Chúa Yesus là Thiên Chúa cao cả, Ngài xếp hàng cùng các tội nhân, đây vừa là điều kỳ lạ, vừa là điều mầu  nhiệm, một mầu nhiệm Con Thiên Chúa sống giữa nhân loại.

12/ Khi ngắm nhìn Chúa Yesus chịu phép rửa, chúng ta nhận ra điều gì? Khi chiêm ngắm Chúa Yesus, chúng ta sẽ hiểu tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại nhiều như thế nào! Chúa Yesus thương bằng chính con người đầy yêu thương tha thứ của Ngài. Ngài là một Con Thiên Chúa dám khước từ mọi vinh quang, xuống thế mặc lấy xác phàm, sống giữa mọi người như mọi người , ngoại trừ tội lỗi.

13/ Làm sao ta có thể hiểu được việc làm của Chúa Yesus? Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới vén mở cho nhân loại hiểu được tấm lòng cao cả, yêu thương nhân loại vô bờ bến của Đấng cứu thế. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới giúp con người hiểu được tình yêu mầu nhiệm giáng sinh Con Thiên Chúa làm người!.

14/ Yoan tẩy giả báo trước điều gì? Yoan tẩy giả làm phép rửa bằng nước, báo trước phép rửa của Chúa Yesus: “Tôi rửa anh em bằng nước là dấu hiệu cho thấy anh em đã có lòng ăn năn sám hối, nhưng có Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi, tôi chẳng đáng..(Mt 3,11).

15/ Lệnh truyền của Chúa Yesus như thế nào? Chúa Yesus đã ra lệnh cho các môn đệ: “Các con hãy đi đến với mọi người khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời. Hãy rửa tội cho họ nhân danh : Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28,19).”

16/ Thánh Phaolô giải thích về phép rửa tái sinh như thế nào? Ngài giải thích như thế này: Khi rửa tội là anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa tội, anh em cũng được sống lại với Ngưới. Anh em đã từng bị chết về mặt tinh thần, nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến với nguồn sống của Đức Kitô (Cl 2,12-13).****

 

Bài 2: Ý NGHĨA CỦA PHÉP RỬA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Tại sao Chúa Yesus chịu phép rửa? Phép rửa tại sông Yođan là một hình thức thú nhận tội lỗi / Tin Mừng hôm nay cho thấy, vì Chúa là người Do Thái nên Ngài cũng cần tuân giữ những gì Lề Luật đòi hỏi như là: 8 ngày phải chịu phép cắt bì / đủ ngày thì dâng tiến cho Thiên Chúa tại Đền Thờ / đủ 12 tuổi phải dự các lễ lớn ở Yerusalem / và hôm nay Chúa Yesus đến để chịu phép rửa theo thủ tục.

2/ Còn có lý do nào khác nữa? Tin Mừng cho chúng ta thấy: Tuy Chúa Yesus đã tham dự các nghi lễ theo luật dạy / nhưng vẫn có cái gì khác thường hơn là những điều mà nghi lễ muốn ám chỉ / Có nghĩa là những nghi lễ ấy có điều gì đó mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.

3/ Chúa Yesus được đón chào như thế nào qua nghi thức cắt bì và đặt tên? Tên mà người ta đặt cho Chúa là tên do Thiên thần báo trước khi Ngài mới đầu thai trong lòng Đức Mẹ / Lúc được tiến dâng lên Đền thờ, Chúa Yesus đã được đón chào như ánh sáng cho muôn dân qua miệng 2 vị Tiên tri Simêon và Anna.

4/ Sự tương phản giữa ông Yoan và Chúa Yesus: Qua sự kiện Chúa Yesus chịu phép rửa ngày hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta thấy có sự tương phản rõ rệt giữa Yoan và Chúa Yesus: một người đến sau nhưng có quyền thế hơn, mạnh sức hơn / còn ông Yoan là kẻ đến trước nhưng chỉ là tôi tớ, nô lệ, không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài / Việc thanh tẩy của Yoan chỉ là một hình thức thanh tẩy bằng nước, tiêu biểu cho việc sám hối  / còn phép rửa của Chúa Yesus là thanh tẩy bằng ơn Chúa Thánh Thần, là được Thiên Chúa tha tội /

5/ Trung tâm điểm của sự kiện này là gì? Quan trọng nhất là việc giới thiệu Chúa Yesus, Đấng vừa mới chịu phép rửa chính là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ cứu chuộc nhân loại.

6/ Chúa Yesus chịu thanh tẩy mang ý nghĩa gì? Chúa Yesus là Đấng thực hiện Ơn Cứu Chuộc, hôm nay Ngài xuống sông Yođan như một kẻ tội đồ, nhưng vì Ngài vô tội nên Ngài lại mang tính cách của Con Thiên Chúa / cả cuộc hành trình cứu chuộc hôm nay được thu gọn lại nơi việc Chúa Yesus chịu thanh tẩy.

7/ Việc thanh tẩy diễn tả điều gì? Những chi tiết trong việc thanh tẩy gợi chúng ta nhớ lại những gì đã diễn ra trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Yesus : lúc dìm mình xuống nước như xác Ngài bị chôn trong mồ / Trời mở ra như bức màn Đền thờ bị xé / Thánh Thần đáp xuống cộng với tiếng từ trời phán, gợi lại việc Chúa Phục Sinh, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và sai Thánh Thần xuống.

8/ Người Kitô hữu chúng ta chịu thanh tẩy bằng gì? Là người Kitô hữu, chúng ta đã được chịu phép thanh tẩy không phải bởi tay Yoan, nghĩa là bằng nước, mà từ sự chết và sống lại của Đức Kitô , trong Chúa Thánh Thần.

9/ Việc thanh tẩy mang ý nghĩa gì? Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi thức để tẩy sạch tội Tổ tông mà là một sự kiện mở đầu cho cuộc đấu tranh và chiến thắng tội lỗi / Như thế việc thanh tẩy như một lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa hay chọn ma quỷ / chọn điều thiện hay chọn điều ác / Phép thanh tẩy như thế không phải là một Bí Tích chỉ được chịu một lần rồi thôi đâu, mà còn là sự liên lỉ trong chính cuộc sống của người Kitô hữu.

10/ Ý Thiên Chúa muốn Chúa Yesus làm gì? Khi đứng xếp hàng chung với người thu thuế và kẻ tội lỗi, Chúa Yesus cũng đợi đến phiên mình để được Yoan làm phép rửa / Yoan bối rối và muốn khước từ / vì Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng sẽ làm thẩm phán uy quyền / Đấng sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần / nhưng hôm nay Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối / Đức Yesus mời gọi ông cứ làm ,dù bây giờ ông chưa hiểu / nhưng đây là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

11/ Câu nói  đầu tiên trong cuộc đời công khai của Chúa Yesus là gì? “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta phải làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3, 15) / Đây là câu nói tóm gọn cả cuộc đời và tương lai của Ngài / Chúa Yesus chỉ muốn giữ trọn lề luật , làm điều gì Thiên Chúa muốn / Chúa đã hạ mình trước mặt Yoan, đã dìm mình thật sâu dưới dòng nước / Ngài muốn kêu gọi tất cả các dân tộc hối cải / chính lúc Ngài tự hạ, thì cũng là lúc Thiên Chúa tôn vinh Ngài.

12 / Ai xác nhận căn tính của Chúa Yesus? Khi Chúa Yesus vừa ở dưới nước bước lên, thì kìa các tầng trời mở ra / Khi trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời ,Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống trên Ngài, khi trước Chúa Yesus thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần / Hôm nay Ngài lại được Thánh Thần chuẩn nhận để Ngài có thể bắt đầu sứ vụ.

13/ Ai giới thiệu sứ vụ của Chúa Yesus? Chúa Cha triều mến giới thiệu cho chúng ta về Con của Ngài :“Đây là Con Chí Ái của Ta, Ta hài lòng về Người” / Chúa Cha đã tấn phong Đấng Messia không theo kiểu vua chúa, nhưng theo kiểu tôi tớ / Qua bao nhiêu năm cầu nguyện, hôm nay Chúa Yesus mới được Chúa Cha vén mở cho Ngài biết về căn tính và sứ mệnh Thiên Sai của Ngài. ****

 

Bài 3: THÁNH HÓA DÒNG NƯỚC

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

14/ Lúc nào thì Chúa Cha muốn Chúa Yesus lên đường? Hôm nay tại sông Yođan, Chúa Cha đã long trọng chứng nhận, và dứt khoát / nên cả con người  của Chúa Yesus bừng lên sức mạnh và ánh sáng / Điều này chứng tỏ giai đoạn ẩn dật của Chúa Yesus đã chấm dứt.

15/ Chúa Yesus có dấu ấn sâu đậm nào từ sông Yođan? Những kinh nghiệm khi ở sông Yođan khiến cho Chúa Yesus không thể nào quên / nó đã theo đuổi trong suốt cuộc đời của Ngài. Chúa Yesus không chỉ đứng chung với các tội nhân, Ngài còn gần gũi họ, nâng đỡ họ, gánh tội cho họ / Chúa đã chết cùng với những tội nhân và chết như một tội nhân.

16/ Các tầng trời mở ra mang ý nghĩa gì? Khi trời đã mở ra thì không bao giờ khép lại, bởi vì sự hiện diện, lời nói, hành động của Chúa Yesus như là một sự vén mở liên tục khuôn mặt của Thiên Chúa / Thần Khí của Thiên Chúa đã ngự trên Chúa Yesus, giúp Chúa Yesus đã hoàn thành nhiệm vụ trên bước đường rao giảng.

17/ Thánh thần đã giúp Chúa Yesus những điều gì? Thần Khí đã giúp Ngài mừng vui hớn hở trong nhiệm vụ, giúp Ngài sống như người Con Chí Ái của Cha, giúp Ngài luôn làm đẹp lòng Cha với một tâm tình đơn sơ phó thác / Phép rửa hôm nay tại sông Yođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá / Chúng ta cũng được mời gọi sống phép rửa mà mình đã lãnh nhận, đó là phải chôn chặt cái tính ích kỷ và sống rạng rỡ vui tươi trong cái tôi đã được tự do.

18/ Sám hối có phải là điều dễ làm không? Muốn sám hối chân thành, chúng ta phải biết khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình / mà điều này thì không dễ dàng chút nào!

19/ Có điều gì ở sông Yođan làm chúng ta ngạc nhiên? Chúng ta luôn ngạc nhiên khi thấy Đấng Vô Tội lại đứng xếp hàng chung với các tội nhân chờ Yoan làm phép rửa.

20/ Chúa Yesus muốn chúng ta làm gì? Vì chúng ta mang thân phận mỏng dòn, yếu đuối nên Chúa muốn làm bạn đồng hành để có dịp nâng đỡ chúng ta / Chúa cũng muốn chúng ta điều chỉnh lối nghĩ, lối sống của mình / phải giữ đầu óc tỉnh táo, đừng sống ảo tưởng, đừng tự lừa dối mình / phải sửa đổi những khiếm khuyết.

21/ Một điều ước: Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn thật tâm hoán cải, đủ can đảm để biến điều ước ấy thành hành động cụ thể và chấp nhận bị cắt tỉa đau đớn / Xin cũng ban cho chúng con niềm vui của Yakêu để chúng con hạnh phúc vì dám thực thi điều Chúa muốn bằng một tâm tình yêu mến nồng nàn.

22/ Điều lý thú nào xảy ra tại bờ sông Yođan? Trong 3 Phúc Âm nhất lãm, các bản văn diễn tả rất giống nhau về việc Chúa Yesus chịu phép rửa nhưng chỉ có bản văn của Matthêô mới có mẫu đối đoại ngắn giữa Yoan Tẩy Giả và Chúa Yesus / như đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay / và cũng chính mẫu đối thoại này đã trở thành một bất ngờ lý thú khi biến sông Yođan trở thành một điểm hẹn.

23/ Thánh Yoan đã giới thiệu về mình thế nào? Yoan đã tuyên bố mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Chúa Yesus mới chính là con đường đi / mình là kẻ đến trước nhưng lại có sau/ còn Chúa Yesus đến sau nhưng lại có từ trước / mình chỉ làm phép rửa trong nước / còn Chúa Yesus mới chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.

24/ Có điều nào xem ra rất khó hiểu? Yoan tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế / thế mà hôm nay Chúa Yesus lại đến và nằng nặc đòi Yoan Tẩy Giả phải làm phép rửa cho mình / Người tôi tớ lại được làm chủ, còn người chủ lại xuống vai tôi tớ.

25/ Điều bất ngờ nào đã xảy ra? Không ai dám chờ đợi điều bất ngờ này / bởi Yoan Tẩy Giả chưa bao giờ dám nghĩ tới điều này nên ông đâu dám đợi chờ / Bởi thế càng bất ngờ hơn khi chính điều này làm nên giây phút hẹn hò để giao ca giữa 2 thế hệ: Yoan là đại biểu kết thúc Cựu Ước, còn Chúa Yesus là Đấng khởi đầu thời kỳ Tân Ước!

26/ Chúa Yesus đã làm gì ở sông Yođan? Sông Yođan cũng là điểm hẹn để “chu toàn Thánh Ý Chúa” / Về phần Chúa Yesus, Người đã muốn hoàn thiện lối sống công chính của Israel, cũng như khi Chúa Yesus chịu phép rửa bởi nước ở dòng sông / Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh mà điển hình là nước sông Yođan / Còn về phần Yoan Tẩy Giả, khi ông đổ nước thanh tẩy cho Đức Yesus, đây quả là một vinh dự bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút này, ông cảm nhận rất rõ rằng: Nhiệm vụ của mình đã kết thúc .

27/ Phép rửa nào Yoan sắp phải chịu? Yoan đã tuyên bố rằng: Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi / Ông đã sẵn sàng để chịu một phép rửa khác / Lần này cũng lại là một điểm hẹn bất ngờ: đó là kiếp ngục tù.

28/ Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta cần phải làm gì? Phép rửa của Yoan nơi sông Yođan chỉ là một thủ tục / một kiểu tỏ ra mình đã ăn năn sám hối bằng hình thức bên ngoài / Đây cũng là một cách mà Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho nhân loại qua việc giới thiệu Đấng Messia chính là Con Của Ngài / Trích đoạn Tin Mừng hôm nay làm thành một lễ Hiển Linh mới dành cho những ai muốn được cứu độ! ****

 

Bài 4: ĐẤNG GÁNH TỘI CỦA KẺ KHÁC 

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

29/ Khi bước xuống dòng sông Yođan, Chúa Yesus muốn tỏ mình ra cho ai? Chúa Yesus muốn tỏ mình ra: Ngài không chỉ là Đấng đã đến sống giữa loài người / mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống của một thọ tạo / giống họ trọn vẹn về mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối khổ đau đớn hèn của một thân phận tội nhân , ngoại trừ tội lỗi /

30/ Người tôi tớ đau khổ của Yaveh tự nguyện làm điều gì? Ngài đã tự nguyện gánh vác tội trần gian / đã tự hạ chịu hết mọi khổ đau của toàn thể con cái mình, mặc dầu Ngài chẳng vướng chút lỗi lầm nào / Ngài đã chịu cúi xuống lãnh nhận phép rửa thống hối cũng chỉ vì muốn sống kiếp tội nhân cho đến cùng.

31/ Khi bước lên khỏi dòng nước, Chúa Yesus muốn tỏ mình là ai? Điều bất ngờ là khi bước lên khỏi dòng sông phép rửa ấy / Đức Yesus lại tỏ mình ra trong một cương vị hoàn toàn khác lạ / Đây chính là đỉnh cao của Mầu Nhiệm hiển linh / Khi Ngài được tiếng nói từ trời xác nhận là Con Chí Ái của Thiên Chúa và đã được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ và là đầu mối cứu độ của toàn thể nhân loại.

32/ Chúa Yesus đã hóa thân là ai? Trong giây phút này đất bỗng gặp trời / Người tôi tớ đau khổ lại biến thành người Con chí ái / người tự hạ sinh ra trong thấp hèn lại bất ngờ trở nên Đấng làm đẹp lòng Cha / Đấng làm thỏa lòng mong ước của mọi người.

33/ Đây cũng là lần thứ hai, Chúa tỏ mình ra cho nhân loại / dòng sông Yođan trở nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Yesus tỏ mình ra cho nhân loại / và như thế điểm hẹn này đã trở nên một tiên báo về cuộc tử nạn và Phục Sinh / để rồi từ đó Chúa Yesus cũng mở ra những điểm hẹn mới dành cho những ai lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội sau này.

34/ Khi muốn lãnh nhận thiên chức làm con, chúng ta cần phải làm gì? Khi đã trở nên chi thể của Đức Kitô, khi đã được thông phần sự sống Thần Linh và được trở nên con Thiên Chúa , thì đó cũng là thiên chức của cuộc đời tín hữu / nhưng cho dù đã lãnh nhận thiên chức ấy thì họ cũng không được miễn chuẩn khỏi phải chu toàn nhiệm vụ của họ trong đời sống trần thế mà họ là một thành phần, một chi thể trong thân thể của Chúa /

35/ Chúng ta có mấy mặt sống cần phải chu toàn? Cuộc sống của người tín hữu luôn có hai giới tuyến cần phải chu toàn, đó là cuộc sống đạo và cuộc sống đời / Giữa bổn phận làm con người và làm con Thiên Chúa / Giữa sự sống nhân loại và sự sống Thần Linh / Vấn đề đòi hỏi ở đây là làm sao chu toàn cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời / làm sao cho mặt ơn thánh sủng không bị nhấn chìm vì nhu cầu cơm áo gạo tiền / làm sao cho mặt đời thường nhân loại được nâng ngang tầm với sức hút của nhu cầu thánh ân!

36/ Tại sao chu toàn Thánh ý lại gây thiệt thòi? Sẽ là một điều đáng buồn khi hai cách sống không đồng bộ, không song song / nhưng sẽ là một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn khi chúng ta biết chu toàn thánh ý Chúa / dẫu cho nhiều khi vì thực thi thánh ý Chúa mà chúng ta phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời thường.

37/ Thế nào là sống tình liên đới? Việc Chúa Yesus chịu phép rửa là một sự kiện bất ngờ về tình liên đới giữa bổn phận làm người và làm con / Giới luật yêu thương đã đưa ra những hành động cụ thể như là một điểm hẹn đem lại hiệu quả bất ngờ cho những kẻ muốn sống tinh thần làm con Thiên Chúa trong phần kiếp của một con người / Sống liên đới là dẹp bỏ mọi thứ rào cảng lối sống yêu thương / cũng có nghĩa là cố gắng vượt qua ranh giới ích kỷ / qua đó không những chúng ta vui vẻ đón nhận người khác mà còn quan tâm giúp họ thăng tiến nữa.

38/ Hôm nay Chúa Yesus chịu phép rửa là để khởi động sứ mạng, vậy sứ mạng của Ngài là gì? Chúng ta biết rõ: Chúa Yesus là Con Thiên Chúa, Ngài giáng thế để cứu chuộc nhân loại, Ngài là Đấng Hoàn Toàn Vô Tội / Nghĩa là không có chút khuyết điểm nào / Ngài cũng chịu cám dỗ nhưng không hề bị sa ngã / Hôm nay việc Chúa Yesus đến để xin Yoan làm phép rửa / theo suy luận bình thường thì Chúa Yesus đâu cần lãnh nhận phép rửa / vì phép rửa là một dấu hiệu bên ngoài của việc sám hối  /việc này chỉ dành cho kẻ có tội/ có tội mới cần sám hối / nhơ bẩn mới cần tẩy rửa / Chính Yoan Tẩy Giả cũng thắc mắc điều này / nhưng việc Chúa chịu phép rửa mang một ý nghĩa đặc biệt: Cá nhân Ngài hoàn toàn vô tội / nhưng Ngài mang sứ mạng là gánh tội trần gian, là chịu chết để đền tội thay cho nhân loại / Ngài chết để đền thay chứ không phải để đền tội riêng / Bởi vậy Ngài nhận phép rửa của Yoan để tỏ lòng sám hối cho cả nhân loại chứ không phải cho bản thân Ngài / vì Ngài luôn luôn và mãi mãi là Đấng Hoàn Toàn Vô Tội. ****

 

TÓM Ý

1/ Phép rửa là một hình thức bên ngoài tượng trưng cho việc thú nhận tội lỗi .  Chúa Yesus là người Do Thái nên Ngài cũng phải chu toàn lề luật: 8 ngày chịu cắt bì, dâng mình vào đền thờ, 12 tuổi phải tham dự các ngày lễ lớn ở Yerusalem và việc hôm nay là chịu phép rửa.

2/ Chúa Yesus muốn hoàn thiện nghi thức thanh tẩy.

3/ Hình ảnh tương phản giữa Yoan và Chúa Yesus: Người đến sau nhưng lại có trước, và có quyền thế hơn, kẻ đến trước lại là tôi tớ, kẻ đến sau lại là Con Thiên Chúa. Yoan thanh tẩy bằng nước chỉ là một hình thức sám hối, Chúa Yesus thanh tẩy như một bí tích tha tội.

4/ Tâm điểm của sự kiện là: Thiên Chúa xác nhận Đấng vừa chịu phép rửa chính là Con Thiên Chúa , là Chiên Thiên Chúa, là Đấng cứu độ nhân loại.

5/ Hôm nay Chúa Yesus xuống sông Yordan với tư cách là Con Thiên Chúa nhưng lại mang thân phận tội đồ, chiên sát tế để gánh hết tội trần gian.

6/ Hình thức thanh tẩy, dìm mình xuống nước nói lên ý nghĩa của việc Chúa sẽ bị chôn trong mồ, trời mở ra như màn đền thờ xé ra làm đôi, Thánh thần đáp xuống gợi nhớ lại việc Chúa phục sinh.

7/ Kitô hữu thanh tẩy không do nước của Yoan nhưng do Máu cực thánh của Đức Kitô.

8/ Thanh tẩy là nghi thức rửa sạch tội tổ tông, và đây cũng là một sự lựa chọn dứt khoát => Chọn Chúa hay chọn ma quỷ, chọn điều thiện hay chọn điều ác.

9/ Chúa chịu thanh tẩy do Yoan, dạy chúng ta từ bỏ ý mình và vâng theo ý Chúa bởi vì Chúa Yesus vô tội, trong khi phép rửa chỉ dành cho kẻ tội đồ.

10/ Câu nói đầu tiên trong cuộc đời công khai, chứng tỏ Chúa Yesus luôn làm điều  Chúa Cha muốn, Chúa Yesus đã hạ mình trước mặt Yoan  và mọi người /

11/ Khi vừa bước lên khỏi dòng nước, Chúa Thánh linh đã chuẩn nhận và tấn phong Ngài là Đấng Messia, Người tôi tớ đau khổ, Đấng gánh tội trần gian.

12/ Một dấu ấn sâu đậm từ sông Yordan: Chúa Yesus đứng chung với các tội nhân, Ngài còn gần gũi, nâng đỡ và gánh tội cho họ / sau cùng Ngài cũng sẽ chết như một tội nhân.

13/ Tầng trời mở ra, sẽ không bao giờ khép lại => Vì cuộc đời của Chúa Yesus là những cử chỉ liên tục vén lên khuôn mặt Thiên Chúa, Thần khí đã ngự trên Chúa Yesus, giúp Ngài hoàn thành sứ mệnh.

14/ Thần khí giúp Chúa Yesus sống như người Con chí ái, giúp Ngài luôn làm đẹp lòng Cha, giúp Ngài chuẩn bị chịu phép rửa nơi thập giá.    Thần khí cũng giúp chúng ta cởi bỏ xiềng xích tội lỗi, chôn chặt tính ích kỷ và cũng trở nên một người con của Chúa .

15/ Sám hối là thực tâm nhận ra lỗi lầm, đừng sống ảo tưởng, đừng tự lừa dối mình, phải chấp nhận đau đớn để chịu cắt tỉa.    Phải nhận ra tình Chúa yêu thương và quyết tâm từ bỏ tội lỗi như Giakêu, như Phaolô.

16/ Yoan tuyên bố mình chỉ là tiếng kêu, Chúa mới là Lời chân lý.   Yoan chỉ là hạt cát, còn Chúa Yesus mới chính là con đường. Yoan đến trước nhưng lại có sau, phép rửa nước của ông chỉ là hình thức, còn phép rửa của Chúa Yesus mới chính là ơn tha tội.

17/ Điều khó hiểu => Yoan cho mình là kẻ không đáng xách dép, trong khi Chúa Yesus lại xin ông làm phép rửa cho mình. Người tôi tớ lại được làm chủ, còn người Chủ lại xuống chức , làm tôi tớ !

18/  Điều bất ngờ là hôm nay tại bờ sông Yordan là điểm hẹn giao ca:    Yoan là đại biểu để kết thúc Cựu Ước, còn Chúa Yesus là Đấng mở đầu Tân Ước.

19/ Hôm nay Chúa Yesus xuống sông để thánh hóa dòng nước và cũng để hứng nhận tất cả tội lỗi của nhân loại đổ vào chính bản thân mình.

20/ Phép rửa mà Yoan sắp phải chịu chính là kiếp ngục tù và một nhát gươm chém bay đầu.

21/ Phép rửa hôm nay cũng chính là một hình thức Thiên Chúa tỏ mình,   là một Lễ Hiển Linh dành cho những ai cần lãnh nhận ơn cứu độ.

22/ Khi bước xuống dòng sông, Chúa Yesus tự nguyện làm Đấng gách tội trần gian,   tự hạ mình chịu hết mọi khổ đau của tất cả con cái  mình.

23/ Khi bước lên khỏi dòng nước, Ngài được Thánh thần xác nhận Ngài là Đấng quy tụ và là đầu mối cứu độ của toàn thể nhân loại.

24/ Dòng sông Yordan cũng là điểm hẹn để Chúa tỏ mình cho nhân loại.

25/ Khi đã lãnh nhận thiên chức làm Con Thiên Chúa, người Tín Hữu cũng cần phải chu toàn nhiệm vụ trong đời sống trần thế, bởi vì họ là một chi thể của Chúa .

26/ Người Tín hữu cần phải chu toàn cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời. Làm sao cho đời sống thiêng liêng không bị nhấn chìm bởi nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền.

27/ Thực thi Thánh ý Chúa tức là từ bỏ ý riêng mình, đương nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận một số thiệt thòi trong đời thường.

28/ Sống tình liên đới là phải dẹp bỏ cái tôi ích kỷ, qua đó chúng ta phải đón nhận người khác cách vui vẻ mà còn phải giúp họ thăng tiến nữa.

29/ Hôm nay Chúa đến xin chịu phép rửa. Nhưng Ngài vô tội, và việc hôm nay Ngài đến đây chỉ là để gánh tội cho kẻ khác. Ngài chết để đền thay chứ không phải để đền tội riêng của Ngài. Bởi vậy, Ngài chấp nhận phép rửa của Yoan là để tỏ lòng sám hối cho cả nhân loại chứ không phải cho bản thân Ngài. Vì Ngài luôn luôn và mãi mãi là Đấng hoàn toàn vô tội. ***

Bài viết của Yuse Luca Trương Đình Nghi 

Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus 

GX. Tân Thái Sơn


Trở lại      In      Số lần xem: 1869
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1889
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11352193
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top