Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN Lễ Lá NĂM B / Giuse Luca

CN LỄ LÁ - B          

ĐỀ TÀI:  ĐẤNG MESSI-A VÀO THÀNH GIERUSALEM.

 

PHÚC ÂM:  Mc 11, 1-10

“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

 1  Mấy ngày trước Lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây.3 Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay."4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra.5 Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy? "6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông.7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! "

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước (1)

2/ Mục đích Chúa Yesus vào Thành (2)

3/ Mục đích thứ hai (3)

4/ Mục đích thứ ba (4)

5/ Kiểu ông vua Yesus (5)

6/ Kiểu vua cai trị như thế nào (6)

7/Đế uốc  nào con tồn tại mãi (7+8)

8/ Đức Ki-tô là ai (9)

9/ Câu chuyện Chúa chịu  đóng đinh 1 tay (10)

10/ Chúa Yesus nói gì  với chúng ta (11)

11/ Ý nghĩa của dấu chỉ Thập Giá (12)

12/ Con đường Chúa đã đi qua (13)

13/ Con đường người Môn đệ phải đi (14)

14/ Thập Giá Chúa Ki-tô đưa ta đến đâu (15)

15/ Vì sao Chúa cần 1 chút vinh quang trần thế (16)

16/ Những ngày cuối đời của Chúa Yesus (18)

17/ Ý nghĩa và hoa trái phát sinh từ thập giá (19+20)

18/ Chúa muốn hiểu về thân phận kiếp người (21)

19/ Chúng ta giống nhân vật nào? (22+23)

20/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước (24)

21/ Tâm tình của người Môn đệ, người Ki-tô hữu (25-26)

22/ Nỗi đau tột cùng  của Chúa Yesus (28)

23/ Danh dự, nhân phẩm của Chúa (29)

24/ Một điều ước (30)

25/ Sự giao kết và vâng lời tự nguyện (31+32)

26/ Dân chúng thay lòng đổi dạ (33)

27/ Các Môn đệ đâu rồi (34)

28/ Nỗi cô đơn nơi Pháp Đình và trên Thập Giá (35+36)  ****

 

Bài 1: VỊ VUA TÌNH THƯƠNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước: Cựu Ước là hình bóng, Tân Ước là thực tại. Cựu Ước là chuẩn bị, Tân Ước là thực hành. Cựu Ước hướng tới cao điểm là Đức Kitô, Cựu Ước là tiên báo và mọi việc xảy ra đều phù hợp với kinh thánh.

2/ Mục đích của việc Chúa Yesus vào thành : Kinh Thánh muốn chứng minh Chúa Yesus là con Thiên Chúa, là Đấng phải đến để cứu độ nhân loại. Hôm nay khi thấy Chúa long trọng tiến vào thành, chúng ta chợt nhớ đến lời tiên tri Giacaria đã nói : “ Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy vui  mừng vì này Vua ngươi đến với ngươi, Ngài hiền từ và khiêm hạ, cỡi trên lưng lừa con”.

3/ Mục đích thứ hai là gì? : Để chúng ta thấy Ngài là Đấng cứu thế, việc Chúa Yesus đi vào thành là một việc quá nguy hiểm như là đi vào chỗ chết. Giới lãnh đạo Do Thái đang căm thù Ngài, họ muốn tiêu diệt Ngài, nhưng Chúa vẫn cứ đi. Dân chúng thì tung hô tán tụng khiến cho bọn biệt phái càng thêm phẫn uất, nên họ đã thưa cùng Chúa Yesus, nhưng Chúa Yesus lại trả lời : Nếu họ im đi thì sỏi đá sẽ lên tiếng, Chúa công khai chấp nhận lời chúc tụng ấy và Ngài rất bằng lòng.

4/ Mục đích thứ ba là gì? : Là để chúng ta nhận ra Ngài là vị vua hòa bình. Trên đường vào thành Thánh, dân chúng trải áo, cầm nhành lá trong tay để tung hô Chúa Yesus là con Vua Đavít. Họ dành cho Chúa một lễ nghi đón rước dành cho một vị Vua của họ. Nhiều lần họ muốn làm điều này nhưng hôm nay họ mới có dịp. Trong thâm tâm họ, họ chỉ nghĩ đến một vị vua trong phạm vi thế gian ,để giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ của quân La Mã.

5/ Chúa Yesus là vua như thế  nào? : Chúa Yesus muốn cho mọi người thấy : Ngài chỉ là vua trong cõi lòng họ và Ngài chỉ muốn chiếm hữu tâm hồn họ. Hiệu quả mà Chúa sẽ đem đến, đó là sự bình an, Chúa cỡi trên lưng con lừa là dấu chỉ của một vị vua hòa bình.

6/ Vua Yesus đã cai trị như thế nào? : Cả cuộc đời trần thế đã minh chứng điều này. Thay vì dùng vũ lực, bạo động, Ngài lại dùng phương pháp khác biệt nhất. Đó là : Tình yêu nhân từ của Ngài. Điều này cho thấy rằng: Sức mạnh vũ lực của người Do Thái không quật ngã được La Mã. Điều xảy ra ngược lại là Do Thái đã bị La Mã hủy diệt và Đền Thánh Yerusalem đã bị bình địa vào năm 70.

7/ Chúa Yesus đã cảm hóa đế quốc La Mã như thế nào? : Chúa Yesus đã đến với họ và chỉ sau mấy chục năm truyền đạo, để rồi tin mừng được rao giảng trên toàn lãnh thổ La Mã. Đế quốc La Mã bị tan rã không phải vì sức mạnh binh đội, nhưng chính vì lòng đạo đức của họ đã bị suy đồi.

8/ Vương quốc nào còn tồn tại mãi ? : Lời Napoleon nói đúng : “ Cả Alexander đại đế, cả César và cả ta nữa, đã dựng nên nhiều đế quốc bằng vũ lực. Nhưng những đế quốc đó ngày nay chẳng còn nữa, còn Chúa Yesus, Ngài đã thiết lập vương quốc của tình thương. Và ngày nay: Vương quốc đó ngày càng lớn mạnh, luôn có hàng triệu người sẵn sàng chịu chết vì Ngài.

9/ Đức Ki- tô là ai?:Ngài là Đấng Ki-tô, Ngài là Đấng Messia, Đấng cứu thế, là vị vua hòa bình. Hôm nay, Chúa muốn chúng ta tuyên xưng lại những danh hiệu ấy và điều cần làm nhất là chúng ta phải mở rộng tâm hồn để đón mừng ngày Ngài ngự đến.

10/ Tượng Chúa chịu nạn chỉ có một tay bị đóng đinh : Có một người tội lỗi đến tìm cha xứ. Tuy ông đã xưng thú mọi tội lỗi nhưng vì tội ông phạm nhiều quá nên Cha xứ rất lưỡng lự khi phải ban ơn hòa giải cho ông. Thế rồi ông cứ tái đi tái lại, Cha xứ cũng ban phép giải tội nhưng còn buông ra một lời đe dọa rằng : Nếu ông không sửa tính, không chừa tội thì Cha sẽ không tha tội cho nữa. Ông hứa với Cha xứ, nhưng vì yếu đuối nên sau đó ông ta lại đến, lần này Cha xứ bảo : Đây là lần cuối. Vài tháng trôi qua ông ta lại đến quỳ dưới chân Cha xứ và năn nỉ: Con thực lòng ăn năn, xin Cha tha cho con lần nữa, Cha xứ đáp: “ Đừng đùa giỡn với Chúa, tôi không ban bí tích giải tội cho ông nữa đâu! Khi Cha nói thế thì Ngài nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Rồi từ trên thập giá, cánh tay phải của Chúa từ từ hạ xuống và ban phép giải tội cho người tín hữu đã thành tâm sám hối và Chúa nói với vị Linh Mục : “Chính ta đổ máu để cứu chuộc ông ấy chứ không phải là con” Và cũng từ lúc đó cánh tay Chúa cứ thỏng xuống trong tư thế sẵn sàng ban phép giải tội.

11/ Chúa Yesus đã nói gì với chúng ta?: “Chính ta mới đổ máu ra để cứu chuộc con”. Lời ấy Chúa cũng muốn nói với chúng ta trong tuần thánh này. Chúa Yesus đã là người tôi tớ đau khổ của Đức Yavê. Thập giá trước mắt người đời là dấu chỉ thất bại, tủi nhục, và là  hình phạt dành cho bọn nô lệ, phản loạn.

12/ Dấu chỉ thập giá là gì? : Thiên Chúa đã biến đổi thập giá thành dấu chỉ của ơn cứu độ, của tình thương Thiên Chúa và của sự tha thứ. Khi Chúa Yesus tuyệt đối trung thành với Thánh ý Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận con đường thập giá. Như lời Thánh Phao-lô viết: “Đức Ki-tô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, nhờ đó chúng ta được nhận lãnh ơn cứu độ”

13/ Con đường Chúa Ki-tô đã đi qua: Chúa Yesus đã dạy cho chúng ta biết giá trị của sự đau khổ, con đường Chúa Yesus đã đi qua là con đường đau khổ, con đường thập giá, của khiêm nhu, của thất bại. Con đường đó không đưa chúng ta đến ngõ cụt nhưng đưa chúng ta tới vinh quang phục sinh.

14/ Đường đi của người môn đệ Chúa: Là môn đệ của Chúa, chúng ta không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là phải chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Chúa Yesus nói : Ai theo ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta.

15/ Đau thương, gian khổ, thập giá sẽ đưa ta đến đâu? Mỗi khổ đau, mỗi hy sinh chúng ta vui chịu vì lòng mến Chúa sẽ góp phần nhỏ bé vào thập giá Đức Ki-tô để đền bù tội lỗi, cũng là cách thu tích công nghiệp cho bản thân mình và như thế : Đau thương, gian  khổ, thánh giá sẽ dẫn đưa ta tới sự phục sinh vinh quang. ****

 

Bài 2: MỘT ÔNG VUA HAY MỘT TÊN TỬ TỘI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

16/ Chúa Yesus đi tìm một chút vinh quang trần thế: Từ trước tới nay chưa lần nào Chúa đi tìm cho mình một chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ Chúa lại chấp nhận để cho người ta trải áo, chặt cành cây lót trên lối đi. Người ta reo hò vang dậy, người ta tung hô Ngài là Đấng Messia, là con Vua Đavít, Chúa Yesus chấp nhận lời tán tụng của đám đông khi cái chết đã gần kề.

17/ Cách làm Vua của Chúa Yesus: Quả thật Chúa Yesus là Vua Messia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết rõ cách làm vua của Ngài bằng những đau khổ, bằng cái chết khổ nhục trên thập giá.

18/ Những ngày cuối đời của Chúa Yesus: Lễ lá là một lễ vui trước, nhưng lại đượm buồn sau / khi chúng ta nghe bài đọc thương khó. Khi tuần thánh bắt đầu cũng chính là lúc Chúa Yesus bước vào những ngày cuối của cuộc đời. Rước lá, là đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ, đi theo Ngài giữa lúc được tung hô thì chẳng khó gì, nhưng nếu tiếp tục đi theo Ngài và dám ở lại với Ngài khi mọi người đã bỏ rơi, điều này còn khó hơn nhiều. Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi khi phải nghe một bài thương khó dài, chỉ mới nghe thôi đã thấy mệt, còn Chúa thì sao?

19/ Ý nghĩa của cuộc khổ nạn Chúa: Nếu chúng ta dành chút thời gian để suy niệm về cuộc đời khổ nạn của Chúa, ta sẽ thấy lời nói và thái độ cư xử của Chúa Yesus có sức nâng đỡ, biến đổi ta, giúp ta dễ dàng đón nhận những gai góc trong cuộc sống.

20/ Hoa trái phát sinh từ những khổ đau của Chúa: Chúng ta cần cảm nghiệm những đau thương trên thân xác Chúa, chúng ta cũng không được quên những nỗi đau sâu kính trong trái tim Ngài. Sau đó chúng ta phải nhận ra một tình yêu thật lớn lao đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Chính tình yêu mới dám chấp nhận khổ đau và làm cho những khổ đau kia sinh hoa trái.

21/ Ngẫm nghĩ về thân phận kiếp người: Con Thiên Chúa đã phải chấp nhận những khổ đau trong thân phận con người. Chúa đã biết thế nào là bị vu khống, bị đối xử bất công, bị phản bội, bị nhục nhã, nỗi sợ hãi vì khổ đau, vì cô đơn và khiếp sợ cái chết. Ngài không cần suy nghĩ nhiều về đau khổ nhưng Ngài đón lấy đau khổ bằng một tâm tình chan chứa yêu thương và biến những khổ đau thành những chịu đựng có ý nghĩa, giúp con người được ơn cứu thoát.

22/ Chúng ta tự thấy mình giống nhân vật nào? Chúng ta có thể thấy mình giống Yuda, giống Phê-rô hay giống Philato. Chẳng có ai vô tội trước cái chết của con Thiên Chúa. Mỗi người hãy đi với Chúa từng chặng đường, bắt đầu từ vườn cây dầu đến núi sọ. Hãy suy nghĩ từng đoạn đường coi mình đã làm gì tốt, đã gây ra điều gì cho Chúa và sau cùng khi Chúa chết thì chúng ta đã sống như thế nào?

23/ Đừng sống kiểu vô tình: Hãy nhìn những người lạ quay video đám tang, chúng ta đừng sống vô tình trong cuộc khổ nạn của Chúa. Bởi lẽ mọi sự Chúa chịu là vì ta và cho ta. Sau khi suy gẫm và thấm nhuần cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta sẽ thấy mình yêu thánh giá Chúa hơn, vui lòng với thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của kẻ khác hơn.

24/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước : Lễ lá là một lễ nửa vui, nửa buồn, vui vì Chúa được tung hô vạn tuế, buồn là khi phải tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa. Đây là 2 cảnh trái ngược nhau trong cùng một ngày. Lễ lá Chúa Yesus được đón rước trong tiếng reo hò vang dậy. Ngài là vị vua lẫm liệt đang ngồi trên lưng lừa. Sau đó ít ngày là một đám rước lên núi sọ, không có tiếng tung hô mà chỉ có lời kết án. Không có những nhánh cây mà chỉ có thanh gỗ thập giá, ngày xưa ai đã tham dự cả hai đám rước này ?

25/ Tâm tình của người Ki-tô hữu khi nghe bài thương khó Chúa : Chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe bài thương khó dài và thường cảm thấy mình dửng dưng, xa lạ, vô can. Thật ra nỗi đau đớn tủi nhục của Chúa Yesus là vì tôi, cho tôi (Gl 2,20), chúng ta cần nghe bài thương khó cách chậm rãi và hãy bước theo Chúa qua từng chặng đường. Hãy ở lại bên cạnh Chúa trong lúc khó khăn này, hãy cảm nghiệm nỗi đau đớn, cô đơn của Chúa.

26/ Tâm tình của các môn đệ : Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Ngài, để một mình Chúa đau đớn, khắc khoải. Yuda chỉ điểm để lính bắt Chúa bằng một nụ hôn, các môn đệ thì sợ hãi bỏ trốn hết, còn Phê-rô thì thề thốt là không quen biết Chúa.

27/ Nỗi cô đơn của Chúa Yesus : Chúa Yesus đang đối diện với nỗi cô đơn tột cùng khi Cha Ngài cũng vắng bóng : Lạy Thiên Chúa Tôi, tại sao Ngài bỏ tôi ?.

28/ Nỗi đau tột cùng trên thân xác Chúa : Khuôn mặt ngời sáng của con Thiên Chúa làm người nay bị người ta khạc nhổ, bị tát, bị đánh, đôi mắt to với cái nhìn bao dung ấy nay bị bịt lại để làm trò cười cho trẻ con. Tấm thân phải gánh lấy tội của bao người giờ bị phơi bày ra cho những trận đòn thù cày nát. Bàn tay dùng để chữa bệnh, chúc lành cho mọi người, nay bị co quắp, sưng tấy, bầm tím vì những mũi đinh. Đôi bàn chân từng rong ruổi khắp mọi nẻo đường truyền giáo thì nay không còn đủ sức nâng bản thân tan nát gầy còm.

29/ Danh dự và phẩm giá của Chúa Yesus : Đây là điều đáng trân trọng nhất của Chúa Yesus thì nay bị bắt đóng vai hề, đóng vai vua dân Do Thái. Được mặc Cẩm Bào, được đội Triều Thiên, được cầm Vương Trượng, có vị vua nào vừa được bái lạy vừa bị lính khõ đầu không ?. Vị vua bị lột áo trước khi chịu đóng đinh, vị vua phải chịu nhiều tủi nhục trước cái nhìn của thế giới.

30/ Một điều ước : Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế, thập giá của Chúa, của tôi, của mọi người cũng chỉ là một. Chúa mời tôi vác thập giá của mình mà theo Chúa và giúp cho tha nhân đủ sức để vác thập giá của họ. Ước gì tôi, ước gì các bạn, là những Simon Ky-rê-nê luôn giúp Chúa, giúp anh em vác thập giá.

31/ Sự giao kết đã xong : Trước khi sự việc xảy ra, bà đã lấy thuốc thơm ướp xác ta, chờ khi liệm táng. Chúa đã nói ra điều này khi người phụ nữ đập vỡ bình bạch ngọc và đổ dầu thơm trong bình trong bình lên đầu Người. Chúa đã biết đời mình sẽ đi về đâu. Chúa biết rằng ngày hôm sau mình sẽ chết, sự quyết tâm của Chúa không phải là việc dễ làm. Vâng lời Chúa Cha là phải làm chủ bản thân mình, Chúa đã trải qua cơn hấp hối trong vườn Gietsemani, trong cơn khắc khoải, Chúa đã nói một lời ngắn gọn và dứt khoát : Thế là xong ! Thế có nghĩa là Người đã quyết định xong, đã giao kết xong, đã ưng thuận rồi.

32/ Sự vâng lời tự nguyện : Chúa muốn lưu ý những kẻ đến bắt Chúa rằng : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể vô hiệu hóa bọn chúng như Ngài đã từng làm trong bao lần giảng dạy trong đền thờ hay ở những nơi khác. Ý Chúa muốn nhấn mạnh rằng : Người để chúng bắt chỉ vì Người muốn làm theo ý Thiên Chúa như lời tiên báo trong kinh thánh. Đây là sự vâng lời tự nguyện.

33/ Dân Chúng thay lòng đổi dạ : Người bị cô lập, bị tách rời khỏi dân chúng //mấy ngày trước đây chính dân chúng hoan hô người. Các vị lãnh đạo Do Thái đã chuẩn bị giờ hành động. Họ sắp đặt thời gian và mưu kế để vận động dân chúng. Dân chúng dễ thay lòng đổi ý do những nhà kỹ thuật về khoa điều khiển dân tình, thế là dân chúng đã bỏ Chúa.

34/ Các môn đệ đã làm gì vào lúc Chúa hấp hối ? : Trong cơn hấp hối, Chúa cô đơn. Chúa cũng biết rõ các môn đệ là những kẻ bất lực, chẳng thể giúp gì cho Chúa, nhưng dù sao nếu có họ lúc đó thì cũng có chút an ủi, thế mà họ lại ngủ lăn ngủ lóc. Các môn đệ đã chẳng hành động theo lời cam kết : Nhất là Phê-rô : Dù có phải chết vì Thầy, con cũng chẳng bỏ Thầy. Thế mà họ đã bỏ Chúa, họ đã trốn hết.

35/ Cô đơn nơi pháp đình : Chúa chỉ có một mình, không ai dám gỡ tội cho Chúa. Chúa Yesus đã biết thế nào là đắng cay, chua xót của tình bạn, tình thầy trò. Họ vì tư lợi, vì không muốn liên can, không muốn dính vào, mà lẽ ra họ phải cứu giúp.

36/ Chúa một mình trên thập giá : Chúa chỉ còn lại một mình trên thập giá, mặc cho tên trộm cướp thóa mạ. Một nỗi cô đơn tột bậc : Cha ơi ! Sao Cha bỏ con ? Sự vâng lời tự nguyện khiến cho Chúa càng thấm thía tấn bi kịch của số mệnh, của tình đời. ****

 

Bài 3: VỤ ÁN CHÚA YESUS

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

37/ Chúa Giêsu đã bị kết án hơn 2000 năm / Thế nhưng vụ án chưa đến hồi kết thúc vì có rất nhiều người trong chúng ta chưa hiểu hết nội dung cũng như toàn cảnh của vụ án thời đó.

38/ Bài tường thuật hôm nay đã kể lại đầy đủ mọi chi tiết cuộc thương khó / mỗi năm một lần, chúng ta đều lật lại hồ sơ vụ án, tuy thế chúng ta cũng chưa hiểu hết / Vậy đề nghị hôm nay chúng ta cố gắng tìm hiểu rõ hơn, để những ngày trong tuần Thánh này chúng ta có thể xác tín hơn về ý nghĩa cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu.

39/ Chúa Giêsu bị bắt vào tối thứ năm, Chúa bị đưa ra xét xử ở toà án Do Thái, toà án Philatô, toà án Hêrôđê, rồi trở lại toà án Philatô. Chúng ta hãy theo chân Chúa đến các toà án này để xem người ta xét xử Chúa ra sao!

40/ Đầu tiên, trước khi đưa ra toà án xét xử, Chúa Giêsu bị điệu đến dinh cựu thượng tế Anna, ông là người rất có uy tín với dân chúng và cũng là người rất ghét Chúa Giêsu / Theo các sử gia / Thượng tế Anna là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ án này / Ông muốn điều tra Chúa Giêsu, nhưng ông không khai thác được gì vì Chúa Giêsu luôn giữ thái độ im lặng nên ông bực tức và truyền áp giải Chúa sang Caipha, là con rễ ông, đang làm thượng tế năm ấy.

41/ Caipha là một nhà chính trị có tài, rất nổi tiếng / tức thời ông cho triệu tập 72 thành viên của hội đồng và cũng là toà án tối cao của người Do thái.

42/ Trước toà, có nhiều người đứng lên tố cáo Chúa, nhưng chỉ là nhưng điều liên quan tới đạo Do Thái / Họ cho rằng Chúa lộng ngôn phạm thượng khi công khai tuyên bố phá bỏ và xây lại đền thờ Yerusalem trong ba ngày / Nhiều lần vi phạm luật ngày Sabat / không giữ luật lệ truyền thống của tổ tiên để lại  / Họ tha hồ tố cáo, Chúa Giêsu chỉ im lặng, không biện hộ lời nào.

43/ Cuối cùng Caipha đưa ra một câu hỏi có tính quyết định / Nhân danh Thiên Chúa, ông hỏi Chúa Giêsu có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không? Chúa trả lời: “Đúng như ngài nói” tức là Chúa Giêsu xác nhận Ngài là Con Thiên Chúa.

44/ Nghe vậy, Caipha lập tức xé áo bên ngoài, từ cổ tới bụng, chừng 30 phân, theo đúng tục lệ Do Thái, để phản ứng lời Chúa Giêsu nói, mà ông cho là lộng ngôn, phạm thượng.

45/ Caipha tuyên bố: Hắn nói phạm thương / Chúng ta còn cần gì nhân chứng nữa / Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng đến Thiên Chúa / Chiếu theo luật Do Thái: Hễ ai nói phạm thượng thì người ấy phải chết.

46/ Số phận của Chúa Giêsu coi như đã được quyết định: Ngài sẽ bị kết án tử hình.

47/ Kể từ khi bị người Rôma đô hộ / Người Do Thái không có quyền kết án tử hình bất cứ ai, nếu không được chính quyền Rôma phê chuẩn.

48/ Sáng sớm hôm sau, họ áp giải Chúa Giêsu đến tổng trấn Philato, ông là viên chức cao cấp nhất, đại diện chính quyền Rôma tại nước Do Thái, để xin chuẩn y án tử hình.

49/ Trước toà án Philatô, người Do Thái bộc lộ hết ác tâm của họ / Để Philatô dễ chuẩn y bản án tử hình / Họ đã đổi lời tố cáo từ lĩnh vực tôn giáo sang lãnh vực chính trị / Nghĩa là người Do Thái dứt khoát muốn giết Chúa như một  tội phạm chính trị, chống lại đế quốc Rôma.

50/ Khi họ hỏi Chúa Giêsu giải thích danh hiệu Đấng Mesia bằng danh hiệu Con Thiên Chúa, còn khi tố cáo trước toà Philatô lúc này thì họ giải thích bằng danh hiệu là “vua” / để lôi kéo Philatô vào cùng chơi trò gian ác với họ.

51/ Nhưng Philatô trả lời: Tôi không thấy ông này có gì đáng kết tội / Họ càng tố cáo mạnh hơn, nhai lại luận điệu chụp mũ, vu khống và quyết liệt đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.

52/ Thấy tình hình căng thẳng, Philatô muốn gỡ mình ra khỏi cuộc chơi nguy hiểm này nên ông muốn đẩy trái banh trách nhiệm cho vua Hêrôđê / để ông khỏi bị phiền phức.

53/ Hêrôđê từ lâu đã rất muốn gặp Chúa, ông chỉ mong thoả mãn tính tò mò ham vui mà thôi / Thấy Chúa Giêsu ông rất mừng / nhưng rồi ông thất vọng ngay vì ông không được Chúa đáp ứng điều ông đang mong đợi là được coi Chúa Giêsu làm phép lạ / Để trả thù, ông nhập bọn với lũ lính hầu mà chế giễu Chúa / rồi vội vàng trả Chúa Giêsu lại  cho Philatô.

54/ Philatô cố tìm mọi cách để thoát thân: Làm sao để vừa trấn an dư luận, vừa làm hài lòng người tố cáo quá khích, vừa khỏi mang tiếng kết án bất công người vô tội / Ông tuyên bố: Tôi Chẳng thấy điều gì để có thể kết án người này, vậy ông cho đánh trận đòn rồi tha về / nhưng đánh đòn xong người Do Thái vẫn khăng khăng gào thét dữ dội, đòi kết án tử hình Chúa / Philatô sợ hãi, đã hèn nhát rửa tay để thanh minh: mình không đổ máu người vô tội / và ông đã trao Chúa Giêsu để họ làm theo ý họ / Và họ đã xử tử Chúa theo ác ý của họ!

55/ Đọc lại hồ sơ vụ án, chúng ta thấy Philatô và Hêrôđê là hai nhà cầm quyền chính trị / Họ không tìm thấy điều gì để kết án tử Chúa / chỉ có giới lãnh đạo Do Thái giáo muốn giết Chúa mà không cần tội trạng nào / vì thế trách nhiệm trong vụ án này là của Hội đồng Do Thái giáo như Chúa Giêsu đã báo trước!

56/ Qua đây, chúng ta thấy đây là vụ án tôn giáo chứ không phải là vụ án chính trị.****

 

Bài 4: CHỌN LỐI ĐI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

57/ Thánh lễ Lá hôm nay rất có ý nghĩa / Bao nhiêu người hăng say, bộc phát lòng yêu mến Chúa qua việc mọi người cùng cầm nhành lá tung hô Chúa / Nhìn bầu không khí này, chúng ta cũng nhớ đến thái độ cuồng nhiệt của người Do Thái khi xưa.

58/ Nhìn quang cảnh này khiến chúng ta phải suy nghĩ không ít: vì những biến cố trái ngược mà dân chúng đã dành cho Chúa:

1) Đưa Chúa vinh hiển vào thành chưa được bao lâu, Chúa đã phải tủi nhục chết trên thập giá.

2) Tại cổng thành Giêrusalem, có biết bao người ra đón chào tung hô Chúa / Nhưng trên núi sọ chẳng còn được mấy người theo Chúa.

3) Từ Chúa Nhật lễ lá đến ngày thứ sáu tuần thánh, thời gian tuy rất ngắn nhưng có biết bao người đã thay lòng đổi dạ ?

4) Từ cổng thành đến núi sọ, đường đất chỉ có 700 mét, nhưng đã có biết bao người rẽ đường, đi ngang về tắt.

59/ Ta hãy lần theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện các ngã rẽ:

1) Ngã rẽ của Yuda: Ông theo Chúa đã 3 năm / Được Chúa tin cẩn, được Chúa trao phó cho việc nắm giữ tiền bạc / Ngày lễ lá thì ông có mặt / Ngày Chúa chết thì ông vắng mặt / Ông đã rẽ ngang, lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất / Ông đi theo tiếng gọi của tiền bạc / Ông trở thành người khác, ông bỏ Chúa vì tiền / Ông bán Chúa để lấy tiền.

2) Ngã rẽ của Phêrô: Ông là người thân cận nhất của Chúa / Là người đứng đầu nhóm Tông đồ / Ông đã thề rằng: Dù ai bỏ Chúa chứ tôi thì không bao giờ / Ngày lễ lá chắc là có ông bên Chúa / Nhưng ngày thứ sáu thì không thấy ông đâu / Ông đã rẽ sang lối khác / Ông đã lười biếng, đã hưởng thụ / Ông đi tìm chỗ ngủ / Vì trong vườn Giệtsêmani ông đã ngủ lăn lóc / Ở nơi sân toà án, ông đã đi tìm hơi ấm nơi đống lửa / Sự an nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ xa Chúa, chối Chúa để được an thân / để được tự do hưởng thụ.

3) Ngã rẽ đám đông: Hàng vạn người theo Chúa, quên ăn, quên mệt, quên cả đường về / Họ reo mừng, hoan nghênh đón Chúa long trọng vào thành / Thế mà trên núi sọ chỉ còn lại những người đến để sỉ vả, chê bai Chúa, nhạo cười Chúa / Họ đã quên những phép lạ hoá bánh / Họ quên những lúc Chúa chữa bệnh tật / Họ đã rẽ sang lối của dư luận / Họ thay đổi lập trường / Họ chạy theo đám đông / Họ chạy theo thị hiếu / Thấy người ta đi nghe Chúa giảng, họ cũng đi / Thấy người ta cười nhạo Chúa, họ cũng cười nhạo / Thấy người ta muốn đóng đinh Chúa, họ cũng đồng tình / Thấy người ta kết án Chúa, họ cũng gật đầu theo.

60/ Nếu để tự nhiên, chắc không ai bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Nhưng vì tác động của tiền bạc, của sự an thân, của dư luận mà họ đành rẽ sang một lối khác !

61/ Những gì Yuda vấp, Phêrô vấp, đám đông vấp / Chúng ta đều có thể vấp ngã.

62/ Làm sao để chúng ta có thể luôn trung thành với Chúa ?

63/ Hãy lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam / Chỉ có Lời Chúa là ánh sáng duy nhất.

64/ Chúng ta hãy cố gắng học hỏi kỹ lưỡng để mai kia dạy lại cho con cháu !

65/ Con cháu chúng ta là chủ nhân tương lai của trái đất này, và cũng là niềm hy vọng của Giáo hội / Có biết bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu, thần tượng của thời đại / Mong sao chúng ta không sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn sống tốt / có thể hướng dẫn mọi hành động tốt / Hãy dùng Lời Chúa để biến đổi cuộc đời mình, giúp con cháu mình đi đúng đường, sống đúng hướng !

66/ Lời Chúa là ánh sáng giúp xé tan bóng tối thế gian đang bao phủ / Giúp mọi người có lỡ bước lầm đường / Thì cũng có thể nhìn thấy mà quay về cho kịp lúc !

67/ Hãy để lời Chúa biến chúng ta thành những nhân chứng hôm nay, để giúp mọi người cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa / Giúp cho mọi người luôn bám chặt vào Chúa và trung thành đi theo đường lối Chúa cho đến cùng!

Đau khổ:

68/ Đau khổ xuất hiện trên thế gian từ khi tổ tông phạm tội / Chúa ra án phạt / Ông bà đã chịu, đã chết / Đã truyền lại hậu quả này cho con cháu (St 3,14-18) / Chúa Giêsu đã muốn trở nên người phàm như chúng ta nên Ngài cũng phải chịu đau khổ như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

69/ Có hai thứ đau khổ: 1) Đau khổ thể xác mà ta hay gọi là đau đớn / 2) Đau khổ tinh thần / Hai thứ có mối tương quan với nhau / Đau đớn có thể đưa ta đến đau khổ và ngược lại / Cũng có thể vừa đau đớn vừa đau khổ.

70/ Đau đớn và đau khổ là kiếp của con người !

71/ Thiên Chúa không chủ ý dựng nên các đau khổ, nhưng đó là hình phạt bất đắc dĩ theo phép công bình của Chúa / Ngoài ra không phải tất cả mọi tai hoạ và đau khổ đều do Chúa gởi đến / Mà do chính sự độc ác của con người đã tạo ra cho nhau / Người ta tạm phân tích như sau:

1- 85% đau khổ do con người tạo ra cho nhau.

2- 5% do thiên tai, mưa lũ, động đất, gió bão.

3- 10% do ngẫu nhiên.

72/ Nếu con người yêu nhau thì 85% đau khổ sẽ biến mất / 15% còn lại nếu con người yêu nhau và san sẽ cho nhau thì coi như những đau khổ đó không đáng kể nữa / Vì nước mắt của chúng sinh còn nhiều hơn nước của 4 đại dương gộp lại / Chúng ta đừng làm khổ cho nhau nữa/  hãy yêu thương nhau như Chúa đã dạy .****

 

Bài 5: NGƯỜI TÔI TRUNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

73/ Câu chuyện hai môn đệ và con lừa / Mọi việc diễn ra đúng như lời Chúa dặn / Mới nhìn qua,chúng ta tưởng là một phép lạ / Nhưng chỉ là Chúa Yesus kín đáo thu xếp trước với người thân trong làng / Để khi tiếp xúc, họ nhận ra ngay như là một mật khẩu đã quy ước sẵn !

74/ Lý do nào mà Chúa Yesus phải thu xếp trước như vậy? Có hai lý do:

1- Khi sự việc này điễn ra mấy ngày trước lễ vượt qua / Là lễ kỷ niệm dân Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập / Cho nên mỗi lần mừng lễ này thì ý tưởng giải phóng luôn hiện lên trong đầu dân chúng / Nhất là lúc này đây, đất nước đang nằm dưới ách thống trị của quân La Mã / Chính vì thế, tổng trấn Philatô bình thường vẫn ở trong tổng hành dinh Syria / Nhưng gần đến lễ vượt qua thì ông không yên tâm nên phải đến Gierusalem để có thể trực tiếp chỉ huy dẹp loạn nếu có gì xảy ra / Chính vì bầu không khí nhạy cảm này mà quân La Mã có mặt ở khắp nơi, nên Chúa Yesus phải kín đáo thu xếp để không ai biết trước chuyến đi vào thành của Ngài !

2- Mọi chi tiết mà Chúa Yesus thu xếp đều có liên hệ đến con lừa / Vì sao? Chúa không muốn người ta hiểu lầm Ngài là một nhà giải phóng quân sự hay chính trị / Chúa muốn mọi người hiểu rằng: Ngài là một vị vua hoà bình, hiền từ và khiêm tốn / Vua hoà bình thì cưỡi lừa / Vua chinh chiến thì cưỡi ngựa.

75/ Tuy thu xếp như vậy nhưng không ai hiểu ý Chúa / Các môn đệ thì lấy áo choàng của mình trải lên lưng lừa / Còn dân chúng thì chặt cành lá ngoài đường mà rải / Người trước kẻ sau reo hò vang dậy/ Sự hồ hởi của họ xuất phát từ ý tưởng giải phóng => Hôm nay ngày giải phóng đã đến  ,vị anh hùng đã xuất hiện / Tóm lại hôm nay ai cũng nghĩ Chúa Yesus bắt đầu cuộc khởi nghĩa!   Họ hiểu lầm.

76/ Hôm nay là lễ lá, chúng ta hãy dùng đoạn Tin Mừng để soi sáng ý nghĩa các việc xảy ra trong tuần thánh: Tại sao các thượng tế tìm bắt Đức Yesus? Thưa vì họ hiểu lầm / Coi Chúa Yesus là một chính khách nguy hiểm / Trước khi các biến cố này xảy ra, các vị lãnh đạo Do Thái giáo đã tính đến khả năng sức thu hút quần chúng của Chúa Yesus / Sẽ là cớ để cho quân Rôma đàn áp và tiêu diệt dân Do Thái / “Nếu chúng ta cứ để…người Rôma sẽ đến phá huỷ nơi thánh và cả dân tộc ta” (Yn 11,48)

77/ Tại sao Yuda nộp Chúa Yesus? Nhiều chuyên gia Kinh Thánh cho rằng: đó là do một tính toán chính trị / Ông cho rằng Chúa Yesus là người có khả năng làm một cuộc đảo chính / nhưng Yuđa chờ mãi mà không thấy Chúa Yesus làm gì nên hắn mới nộp Đức Yesus như là dồn Ngài vào thế bí / Hắn hy vọng khi đã bị bắt thì Chúa Yesus buộc lòng phải ra tay hành động.

78/ Tại sao dân chúng lại hùa vào với các thượng tế để đòi giết Đức Yesus / Đó là phản ứng thất vọng khi họ đã quá hy vọng vào một ông Yesus đầy quyền năng nhưng lại không chịu làm theo ý họ / Họ muốn Chúa Yesus giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ / nhưng không được như ý / nên họ trừng trị Ngài!

79/ Hôm nay chúng ta cầm nhành lá và đang tung hô Chúa, nhưng chúng ta đang mong gì ở nơi Ngài? Nếu chúng ta cũng coi Đức Yesus như một vị vua uy quyền , chúng ta có hành xử như các vị lãnh đạo Do Thái giáo là tìm cách trừ khử Ngài / vì Ngài không cho chúng ta tự do làm theo ý mình muốn? (Ngài làm mất tự do của chúng ta ).

80/ Chúng ta có coi Chúa là một vị vua giúp chúng ta chiến thắng thù địch, nhưng chúng ta thất vọng như quần chúng hôm đó vì Ngài không giúp chúng ta đạt được mục đích ấy?

81/ Nếu chúng ta coi Chúa như một ô dù cho chúng ta núp bóng / chúng ta sẽ bỏ chạy như các môn đệ, khi ước vọng chúng ta không thành?

82/ Đức Yesus là vị vua hòa bình / hiền từ / khiêm tốn / đi theo Ngài chúng ta chẳng được hưởng đặc quyền, đặc lợi / mà chỉ được hưởng ơn bình an thôi / Như vậy chúng ta có theo Chúa không?

83/ Adam vì cao vọng, muốn ngang bằng với Thiên Chúa / nên kết quả đã nhìn thấy mình trần truồng xấu hổ và bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng!

84/ Đức Yesus thì khiêm hạ tột cùng, vâng lời thẳm sâu / Kết quả là Ngài đã được nâng lên ngang hàng với Thiên Chúa Cha !

85/ Ai đi theo con đường Adam, tự tìm mọi cách để khẳng định mình / tưởng rằng làm thế thì uy tín và giá trị của mình sẽ được nâng cao / Nhưng ông đâu ngờ rằng: con người là do Thiên Chúa tạo dựng / nâng cao hay không là do quyền Thiên Chúa chứ không phải do ý muốn của ông / Tốt hơn hết là chúng ta hãy vâng lời Thiên Chúa, làm theo sự chỉ dẫn của Ngài / lúc ấy Chúa sẽ nâng chúng ta lên đúng theo ý của Ngài muốn ,chứ không theo như ý của chúng ta muốn !

86/ Các động cơ mà người ta giao nộp Đức Yesus:

1- Trao cái này để đổi  lấy cái kia như Yuđa: Cách trao vụ lợi.

2- Trao cho người khác cái mình muốn bỏ như các thượng tế: Cách trao độc ác.

3- Trao cho người khác cái mà mình yêu quý như Chúa Cha: Cách trao yêu thương.

4- Trao chính mình / như Đức Yesus: Cách trao yêu thương tột cùng.

87/ Chúng ta hãy suy nghĩ về cách trao của mình và cũng là cách mà chúng ta trao Chúa Yesus cho người khác!****

 

TÓM Ý

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước: Cựu Ước là hình bóng, Tân Ước là thực tại. Cựu Ước là chuẩn bị, Tân Ước là thực hành. Cựu Ước là hướng tới là tiên báo để rồi sau đó mọi việc xảy ra đều phù hợp với kinh thánh.

2/ Mục đích Chúa Yesus vào thành Yerusalem: Chúa muốn minh chứng Ngài là con Thiên Chúa, là Đấng phải đến, là Đấng Messia. Hôm nay lời tiên tri Giacaria đã ứng nghiệm : “Hỡi thiếu nữ Sion hãy vui mừng, vì vua ngươi đến với ngươi” .

3/ Mục đích thứ hai: Chúa Yesus công khai lời chúc tụng, cho dù đi vào thành là đi vào chỗ chết, thế nhưng đây là con đường mà Chúa Cứu Thế phải đi.

4/ Mục đích thứ ba là gì?: Để cho mọi người biết Ngài là vua hòa bình. Dân chúng đã dành cho Ngài một đám rước vua chúa khi họ tung hô, chúc tụng Ngài. Bởi vì từ lâu dân chúng rất muốn làm điều này nhưng chưa có dịp. Trong thâm tâm họ đang ao ước có một vị vua chính trị.

5/ Kiểu của ông vua Yesus: Chúa muốn cho mọi người thấy Ngài chỉ là vua trong cõi lòng của họ, Chúa chỉ muốn chiếm hữu tâm hồn họ. Chúa là ông vua bình an nên cỡi lừa chứ không phải ông vua chinh chiến cỡi ngựa.

6/ Kiểu vua Yesus cai trị như thế nào? : Cả cuộc đời Chúa Yesus tại trần thế đã minh chứng đều này: Ngài là vị vua bất bạo động, Ngài chỉ dùng tình yêu và lòng nhân từ mà cai trị. Người Do Thái đã dùng vũ lực để chống lại La Mã nhưng họ vẫn thất bại vì Yerusalem đã bị La Mã bình địa vào năm 70 (sau CN).

7/ Quốc gia nào/ đất nước nào còn tồn tại mãi ?: Cả Napoleon, Cả Alexan đại đế, cả César, những đế quốc được họ xây bằng vũ lực đã chẳng còn tồn tại. Chỉ còn một mình Vua Yesus, Ngài thiết lập một nước của tình thương nên càng ngày nước ấy càng lớn mạnh, luôn có hàng triệu người sàng chịu chết vì Ngài.

8/ Đức Ki-tô là ai? Ngài là Đấng Ki-tô, Đấng Messia là Đấng cứu thế, là vị vua hòa bình. Hôm nay Chúa muốn chúng ta xưng lại danh hiệu ấy và luôn mở rộng tâm hồn để đón chờ Chúa đến.

9/ Câu chuyện Chúa chịu đóng đinh có một tay : Vị Linh Mục đã không muốn tha cho tội nhân tái phạm nhiều lần vì yếu đuối, Nhưng Chúa thì sẵn lòng tha vì mục đích của Ngài đến thế gian là để cứu vớt, để tha tội.

10/ Chúa Yesus nói gì với chúng ta ? Chính ta mới đổ máu ra để cứu chuộc con. Thập giá trước mắt người đời là sự thất bại, khổ nhục, là hình phạt dành cho bọn nô lệ, phản loạn, nhưng đối với Chúa, nó là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.

11/ Ý nghĩa của dấu chỉ thập giá : Chúa Yesus biến đổi từ thập giá thành dấu chỉ của ơn cứu độ, của tình thương và sự tha thứ/ nhờ sự vâng phục cho đến chết của Chúa Yesus mà chúng ta nhận lãnh được ơn cứu độ.

12/ Con đường nào Chúa đã đi qua ?: Là con đường đau khổ, con đường thập giá, của khiêm nhu, của thất bại, nhưng con đường xem ra đi vào ngõ cụt đó lại đưa chúng ta đến chốn vinh quang phục sinh.

13/ Con đường nào người môn đệ phải đi ? Chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Chúa Yesus nói : Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta.

14/ Thập giá Chúa Ki-tô đưa ta đến đâu ?: Nếu chúng ta chịu đau thương gian khổ, vác thập giá vì lòng mến Chúa, ta sẽ góp phần vào thập giá Đức Ki-tô để đền bù tội lỗi chúng ta và của anh em chúng ta.

15/ Vì sao Chúa Yesus cần chút vinh quang trần thế ?: Từ trước tới nay chưa lần nào Chúa tìm cho mình chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ Chúa lại chấp nhận để cho người ta tung hô vạn tuế khi cái chết đã gần kề. Chỉ vì Chúa muốn cho mọi người biết Ngài là Đấng Ki-tô, là vị vua hòa bình.

16/ Những ngày cuối của cuộc đời Chúa Yesus : Lễ lá mang ý nghĩa một nửa vui, một nửa buồn. Tuần thánh bắt đầu cũng là những ngày cuối. Người ta sẽ đi theo tán tụng Chúa, nhưng sau đó người ta sẵn sành đả đảo, kết án, bỏ rơi. Theo Chúa cho tới cùng là một điều quá khó, nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì chẳng ai làm được.

17/ Hoa trái nào phát sinh từ thập giá ? Chúng ta cần cảm nghiệm những đớn đau trên thân xác Chúa và những nỗi đau sâu kín trong trái tim Chúa. Sau đó chúng ta sẽ nhận ra tình yêu lớn lao của Ngài đối với Chúa Cha và nhân loại. Chính tình yêu này mới giúp Chúa Yesus chấp nhận khổ đau, khiến cho những khổ đau kia trổ sinh hoa trái.

18/ Chúa Yesus muốn hiểu gì thân phận kiếp người ? Chúa muốn biết thế nào là bị vu khống, bị đối xử bất công, bị phản bội, bị nhục nhã, bị bỏ rơi và sự khiếp sợ trước cái chết. Chúa Yesus đã đón lấy khổ đau bằng một tâm tình chan chứa yêu thương và biến những khổ đau ấy thành những chịu đựng có ý nghĩa, giúp cho loài người nhận được ơn cứu thoát.

19/ Chúng ta giống với nhân vật nào trong sách thánh ? Chúng ta có thể thấy mình giống Yuda, giống Phê-rô hay giống Philato. Chẳng có ai vô tội trước cái chết của con Thiên Chúa. Chúng ta hãy thử đi với Chúa một chặng đường bắt đầu từ vườn cây dầu đến núi sọ, hãy suy nghĩ từng đoạn đường coi mình đã làm được điều gì tốt , đã gây ra điều gì cho Chúa và khi Chúa chết rồi, chúng ta đã sống như thế nào ?

20/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước : Lễ lá vui trước, Chúa Yesus được tung hô vạn tuế, buồn sau khi phải tưởng niệm cuộc khổ nạn đớn đau nhục nhã của Chúa, Chúa chịu mọi sự vì ta và cho ta, sau đó chúng ta sẽ yêu mến Thánh giá hơn.

21/ Tâm tình của người Ki-tô hữu như thế nào ? Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi khi nghe bài thương khó quá dài. Và cũng thường cảm thấy dửng dưng, xa lạ, vô can. Thật ra những đau đớn tủi nhục mà Chúa Yesus phải chịu là vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta cần phải bước theo Chúa từng đoạn đường, hãy ở lại bên Chúa lúc khó khăn này, hãy cảm nghiệm nỗi đau và sự cô đơn của Chúa.

22/ Nỗi đau tột cùng của Chúa Yesus : Khuôn mặt ngời sáng của con Thiên Chúa nay bị người ta khạc nhổ, đánh, tát, đôi  mắt to bao dung ấy nay bị bịt lại để làm trò cười cho trẻ con, tấm thân phải gánh lấy tội của nhân loại nay phải chịu bằng những trận đòn nát thịt tan xương.

23/ Danh dự, nhân phẩm Chúa ở đâu ? Danh dự của Chúa nay bị người ta bắt đóng vai hề, làm vua dân Do Thái, được mặc áo Cẩm Bào, được đội Triều Thiên, được cầm Vương Trượng. Có vị vua nào vừa được bái lạy vừa bị lính khõ lên đầu không ?

24/ Một điều ước :  Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế, thập giá của Chúa, của tôi, của mọi người cũng chỉ là một . Ước gì con vui lòng vác thập giá của mình và giúp cho tha nhân vác được thập giá của họ. Con ước gì con có thể là Simon Ky-rê-nê, con cũng ước gì trên thế giới này đâu đâu cũng có ông ta xuất hiện để thánh giá Chúa không còn là nỗi đau của nhân loại nữa.

25/ Sự giao kết với Chúa Cha và sự vâng lời tự nguyện : Khi người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa, Chúa đã biết đời mình sẽ đi về đâu. Sự quyết tâm của Chúa không phải là việc dễ làm. Vâng lời Chúa Cha là phải làm chủ bản thân mình, khi trải qua cơn hấp hối trong vườn cây dầu, Chúa Yesus đã nói một lời ngắn gọn: Thế là xong, có nghĩa là Chúa đã giao kết xong, đã ưng thuận rồi. Chúa cũng muốn lưu ý những kẻ đến bắt Chúa rằng : Nếu Chúa muốn, Chúa có thể vô hiệu hóa hành động của họ như Chúa đã từng làm bao nhiêu lần khi giảng dạy ở đền thờ cũng như ở nhiều nơi khác. Ý Chúa muốn nói rằng :  Chúa để cho họ bắt là thể hiện sự vâng lời tự nguyện.

26/ Dân chúng thay lòng, đổi dạ như thế nào ? Mấy ngày trước dân chúng tung hô người, còn các lãnh đạo Do Thái thì chuẩn bị giờ hành động, sắp đặt mưu kế để vận động dân chúng để dân chúng thay lòng đổi dạ. Thế là dân chúng đã bỏ Chúa.

27/ Các môn đệ đâu cả rồi ? Trong cơn hấp hối Chúa thật cô đơn, Chúa biết rõ các môn đệ là những kẻ bất lực, họ chẳng thể giúp gì cho Chúa. Nhưng dù sao thì sự có mặt của họ vào lúc này cũng đem lại cho Chúa chút niềm an ủi, các môn đệ đã chẳng giữ lời cam kết, nhất là Phê-rô. Họ đã ngủ lăn lóc và sau đó thì bỏ trốn hết.

28/ Nỗi cô đơn của Chúa ở chốn pháp đình và trên cây thập giá : Chúa Yesus chỉ còn lại một mình trơ trọi, không ai dám gỡ tội cho Chúa. Lúc này Chúa nhận ra thế nào là đắng cay, là chua xót cho tình bạn, tình thầy trò. Chính vì họ không muốn liên can, không muốn dính vào mà lẽ ra họ phải cứu giúp Chúa. Trên thập giá Chúa còn lại một mình, tên trộm tha hồ thóa mạ. Chúa Yesus quá thấm thía tấn bi kịch, Chúa đau đớn tột cùng, Ngài buồn cho số mệnh, cho tình đời, khiến cho Chúa phải đắng cay khi thốt lên lời : Lạy Cha ! Sao Cha bỏ con ?****

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 4283
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  2130
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407539
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top