Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN XI Thường Niên B - GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT XI TN B

ĐỀ TÀI: ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA HẠT GIỐNG

 

TUNG HÔ TIN MỪNG: 

Halêluia. Halêluia. Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Kitô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mc 4, 26-34.

“Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.”Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

26 Một hôm, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa."

30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Ý nghĩa Dụ Ngôn hạt cải?

2/ Con người hạn hẹp ở chỗ nào?

3/ Ai có thể tạo ra nước Trời?

4/ Chúa Yesus diễn tả nước Trời như thế nào?

5/ Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được sự tăng trưởng?

6/ Sự tăng trưởng kỳ diệu như thế nào?

7/ Sức mạnh của sự tăng trưởng?

8/ Một kết cục cho mùa gặt.

9/ Thời gian là của ai?

10/ Chúng ta cần phải làm gì?

11/ Chúa kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị trong kiên nhẫn.

12/ Một ơn cứu độ chắc chắn.

 

13/ Hình ảnh dễ hiểu từ hạt cải.

14/ Ý nghĩa từ bầy chim.

15/ Bài học từ Dụ Ngôn hạt cải.

16/ Vạn sự khởi đầu nan.

17/ Hình ảnh từ cây đại thụ.

18/ Hội Thánh là nơi chứa đựng nhiều ý tưởng.

19/ Hội Thánh là nơi hội tụ nhiều sắc tộc.

20/ Hội Thánh được bắt đầu từ khi nào?

21/ Chúa Yesus muốn dạy gì ở cuối đoạn Tin Mừng?

22/ Người thầy không nên phô trương.

23/ Một xạ thủ kém cỏi.

24/ Thái độ của người thầy.

25/ Cung cách của người học trò khôn ngoan.

26/ Một ví dụ cụ thể về người học trò khôn ngoan.

27/ Người học trò khôn ngoan cần làm gì?****

 

 

Bài 1: SỨC MẠNH TIỀM ẨN CỦA HẠT GIỐNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Ý nghĩa về dụ ngôn Nước Thiên Chúa: Thật ra nó có nghĩa là triều đại Nước Thiên Chúa, nó chỉ về ngày mà ý Thiên Chúa sẽ thành tựu ở dưới đất cũng như trên trời. Đó là mục đích của Thiên Chúa muốn cho toàn thể vũ trụ. Đây là một dụ ngôn ý nghĩa ,chứa đầy chân lý.

2/ Sự bất lực, sự hạn hẹp của con người ở chỗ nào? Kẻ làm ruộng, có thể làm rất nhiều ruộng cùng một lúc, nhưng anh ta không thể nào làm cho hạt giống mọc lên được. Nói cho cùng anh ta không biết nó mọc lên như thế nào nữa? Tự nó có sự sống và bí quyết mọc lên bên trong của nó. Chưa hề có ai nắm được bí quyết này, chưa hề có ai tạo được một vật gì theo đúng nghĩa như nó, người ta có thể phát hiện chúng, có thể sắp xếp vật nọ, vật kia, có thể triển khai chúng. Nhưng muốn tạo ra chúng thì không ai có thể !

3/ Ai có thể hình dung ra Nước Trời? Chúng ta càng không thể tạo ra Nước Trời, Nước Trời là của Thiên Chúa. Sức của chúng ta chỉ có thể làm hỏng, làm cản trở đôi chút, có thể tạo ra một hoàn cảnh để Nước ấy có cơ hội đến cách trọn vẹn hơn, nhanh chóng hơn. Thế nhưng đằng sau tất cả vẫn là quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa.

4/ Cách Chúa Yesus diễn tả về Nước Trời: Các dụ ngôn cho ta biết một số điều về Nước Thiên Chúa. Điều đáng chú ý là Chúa Yesus thường dùng các dụ ngôn về các sự tăng trưởng trong thiên nhiên để diễn tả về sự đạt đến trong Nước Thiên Chúa.

5/ Sự tăng trưởng khó cảm nhận: Sự tăng trưởng trong thiên nhiên thường không thể cảm nhận được. Nếu mỗi ngày nhìn vào cây nào đó, chúng ta không thấy sự tăng trưởng của nó. Chỉ khi nào chúng ta nhìn nó rồi sau một thời gian chúng ta nhìn lại, ta mới có thể nhận ra chỗ khác nhau. Đối với Nước Thiên Chúa cũng vậy, nếu chúng ta muốn đem so sánh thì không phải là ngày hôm nay với ngày hôm qua mà phải thế kỷ này với thế kỷ trước.

6/ Sự tăng trưởng trong thiên nhiên kỳ diệu như thế nào? Sự phát triển trong thiên nhiên vốn liên tục. Bất kể ngày đêm trong lúc ta thức hay ngủ, sự tăng trưởng vẫn cứ tiếp diễn. Đối với Thiên Chúa thì không có tình trạng khi này khi khác. Về sự nỗ lực của con  người khi muốn sống tốt ,luôn có vấn đề nan giải là chúng ta không sao giữ được sự liên tục. Hôm nay ta tiến được một bước, nhưng hôm sau có thể ta lùi 2 bước, còn công việc của Thiên Chúa thì vẫn luôn âm thầm phát triển, Thiên Chúa liên tục phô bày các kế hoạch của Ngài.

7/ Sức mạnh của việc phát triển: Sự phát triển tự nhiên là không có gì ngăn chặn được, chẳng có gì mạnh hơn sự tăng trưởng. Một gốc cây có thể làm nứt cả vệ đường bằng bê tông bằng chính sức mạnh tăng trưởng của nó. Một ngọn cỏ có thể nhô lên khỏi một kẽ nứt của con đường tráng nhựa. Chẳng có gì có thể ngăn chặn sự tăng trưởng. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, mặc dù loài người cứ chống đối, cứ bất tuân, công việc của Thiên Chúa vẫn cứ tiếp diễn và cuối cùng thì chẳng có gì có thể ngăn cản các kế hoạch của Ngài.

8/ Một kết cục cho ra hai vấn đề: Có một ngày mùa gặt sẽ đến, sẽ có 2 việc trái hẳn nhau xảy ra, điều không tránh được là có 2 mặt của vấn đề cùng xảy ra : Những kết quả tốt thì được thu vào kho, còn cỏ rơm, rác, rạ đều bị tiêu hủy. Mùa gặt và mùa phán xét sẽ đi đôi với nhau.

9/ Thời gian là của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy nhẫn nhục, chúng ta là những con người được tạo ra ,chỉ dành cho thời gian tạm thời, nên chúng ta cũng có những suy nghĩ tạm thời là điều không tránh khỏi. Thiên Chúa có cả một khoảng thời gian đời đời để hành động. Bởi vì một ngàn năm đối với Chúa có khác nào một ngày mới trôi qua, giống như một canh của ban đêm (Tv 90,4), thay vì nóng nảy và cáu kỉnh hay hấp tấp của loài người, chúng ta phải tập luyện cho linh hồn  mình một đức tính nhẫn nhục, biết đợi chờ Chúa.

10/ Chúng ta cần phải làm gì? Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy hy vọng, nếu chúng ta đang sống trong bầu không khí tuyệt vọng. Trong Hội Thánh có khi người ta vẫn thất vọng, ngoài đời người ta rất thất vọng, mọi người đều sợ hãi khi nhìn về tương lai. H.G. Wells nói: Con người sẽ kết thúc trong cảnh hoang tàn của một xóm nhà lụp xụp chìm trong bệnh tật. Đứng giữa 2 cuộc thế chiến, Sir Fhilip Gibbs đã viết một cuốn sách viễn tưởng: Ông hình dung một cuộc chiến tranh hơi độc có thể xảy ra, “và tôi sẽ bước ra để hít thật nhiều chất độc ấy vào, vì bấy giờ tôi biết là cuộc chơi đã chấm dứt”. Nếu chúng ta thật sự tin Chúa, thì chúng ta đừng nên bi quan. Chúng ta có thể ăn năn, hối tiếc, sám hối đau thương, có thể nhận thức về bao thất bại, tội lỗi nhưng chúng ta đừng nên bao giờ tuyệt vọng.****

11/ Hãy nghe một lời kêu gọi: Chúa cũng kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị. Nếu kết cục phải đến như thế thì chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, nếu để khi nó đến ,chúng ta mới chuẩn bị thì quá muộn. Chúng ta phải thật sự sẵn sàng để gặp Chúa. Nếu chúng ta biết sống bằng sự nhẫn nhục thì không có gì là tuyệt vọng và nếu chúng ta đã sống trong sự chuẩn bị thì chúng ta luôn nhìn đời bằng nguồn ánh sáng ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng cho phần kết cục nếu nó đến với chúng ta. Hãy nhớ lại khi dân Do Thái khốn cùng bên đất Ai Cập, Chúa đã cứu họ thế nào?. Hãy nhìn vào Sodoma coi Chúa đã cứu gia đình ông Lot như thế nào? Nhưng liệu đến lúc đó, chúng ta có còn tin thờ Chúa hay không?

12/ Một cứu cánh chắc chắn: Có biết bao sự kiện đã xảy ra vào thời Cựu Ước, vào thời Tân Ước và vào thời đại của chúng ta. Lời Chúa hứa với Abraham, Chúa đã thực hiện. Lời Chúa hứa với Dân Isreal, Chúa đã thực hiện vào thời ông Moisen / Lời Thiên Chúa hứa với loài người, Chúa đã thực hiện qua việc Chúa Ki-tô chết và phục sinh vinh quang. Lời Đức Mẹ hứa đã xảy ra khi nước Nga tan vỡ và trở lại trong khi thế giới chẳng tốn một viên đạn nào! Thế thì nếu chúng ta vẫn không chịu tin Chúa mà chỉ đòi Chúa cho một dấu lạ cả thể thì chúng ta đâu có khác gì dân Do Thái ngày xưa ?****

 

 

Bài 2: SỰ MẠNH MẼ PHI THƯỜNG CỦA HẠT CẢI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

13/ Hình ảnh của hạt cải: Dụ ngôn hôm nay Chúa đưa ra một hình ảnh mà bất kỳ một người Do Thái nào cũng dễ dàng nhận ra. Hạt cải ở Palestine tiêu biểu cho một vật nhỏ nhất. Chẳng hạn: “Đức Tin bằng hạt cải”, cũng có nghĩa là đức Tin nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ đó thật ra nó sẽ mọc lên thành cây to, một du khách đến Palestine mô tả rằng: Cây cải đó vượt hẳn đầu của một con người đang cưỡi trên lưng ngựa, chim chóc rất thích hạt màu đen ấy, nên cả bầy chim đông đảo bu quanh cây cải là chuyện thường.

14/ Ý nghĩa hình ảnh của bầy chim: Trong Cựu Ước, cách thông thường người ta dùng để mô tả một đế quốc rộng lớn, cường thịnh là so sánh nó với một cây cổ thụ, còn các nước chư hầu của nó thì được ví như bầy chim đang ẩn dưới bóng của các cành lá ấy (Ed 17,22/ Ed 31,1-4, Ed 20,21) cho nên một hình ảnh cây cổ thụ có chim đến núp trong cành lá, tiêu biểu cho một đại vương quốc và chim là các nước nhỏ hợp thành vương quốc ấy.

15/ Bài học từ dụ ngôn này: Dụ ngôn này đang nói với chúng ta rằng : Đừng bao giờ chán nản khi khởi điểm còn quá bé nhỏ. Có thể hiện nay chúng ta chỉ gây được một kết quả hết sức nhỏ bé. Nhưng nếu kết quả nhỏ bé đó cứ được nhân lên, dần dần nó sẽ to lớn vô cùng. Điều này được minh chứng qua việc thử nghiệm hiệu quả nhỏ bé của chất thuốc nhuộm trong một thau nước.(từng giọt …từng giọt).

16/ Mức khởi điểm và mức hoàn chỉnh: Chúng ta thường cảm thấy rằng: Với tất cả nỗ lực của mình, chúng ta có thể không tạo được một giá trị nào ngay trong lúc khởi đầu, nhưng chúng ta cần phải nhớ: Trong bất cứ việc gì cũng đều có một khởi điểm, không có việc gì khi vừa xuất hiện là đã đạt ngay ở mức hoàn hảo. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm những gì mình có thể làm được và hiệu quả của các cố gắng nhỏ bé sẽ tích tụ lại, để rồi cuối cùng nó sẽ cho ra một kết quả đáng gây kinh ngạc cho mọi người.

17/ Hình ảnh cây đại thụ: Dụ ngôn này có ý muốn nói với chúng ta về vương quốc Hội Thánh. Như chúng ta đã biết cây cổ thụ và bầy chim trời tiêu biểu cho một đại vương quốc và các nước đang ẩn mình trong đó. Hội Thánh được bắt đầu bằng một cá nhân là Chúa Yesus, nhưng sẽ kết thúc với cả thế giới, điều này được nghiệm đúng theo hai chiều hướng của nó.

18/ Là Hội Thánh có nhiều ý tưởng: Hội Thánh sẽ là một vương quốc mà trong đó có mọi loại ý kiến, mọi ý tưởng thần học đều tìm được chỗ đứng. Chúng ta luôn có khuynh hướng dán tấm nhãn tôn giáo lên bất kỳ người nào không nghĩ như mình. Ông John Wesky đã nêu tấm gương khoan dung khi ông nói: Chúng ta có quyền suy nghĩ vậy nên cũng hãy để cho người khác suy nghĩ. Tôi không có quyền phản đối người khác có ý kiến khác tôi. Cũng không được tỏ ra sự khác biệt nào đối với người ta, chỉ vì người ta đội tóc giả còn tôi thì đội tóc thật. Tin rằng mình đúng là điều tốt, nhưng không nên vì lý do gì để cho rằng người nghĩ khác mình là sai.

19/ Hội Thánh có muôn sắc tộc: Hội Thánh là một vương quốc mà trong đó các dân các nước đều gặp nhau. Sau đây là một ví dụ: Có một ngôi nhà thờ mới được xây dựng, một trong những nét đặc sắc của nó là một khung cửa sổ bằng kính màu / một ủy ban được giao nhiệm vụ tìm chủ đề cho khung cửa sổ ấy. Cuối cùng họ quyết định dùng mấy câu trong bài Thánh ca để làm chủ đề : “Kìa trên Thiên đàng bao trẻ họp nhau, chúng vui vẻ vòng quanh Ngai Thánh”

20/ “Bức tranh đã bị vẽ hỏng “: Họ nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ kiểu rồi căn cứ vào đó mà tô màu làm khung cửa sổ, người họa sĩ đã say mê, sau đó ông đã hoàn thành bức tranh. Ông ta yên tâm lên giường và ngủ thiếp đi, nhưng chợt khuya, ông nghe có tiếng ồn ào trong phòng vẽ của mình. Ông đã vào xem chuyện gì đã xảy ra, dường như có một người lạ mặt đang cầm cọ vẽ lại bức tranh. Người họa sĩ liền thét lên: Dừng tay lại ngay, ông đang làm hỏng mất bức tranh của tôi / người lạ mặt đáp: Theo tôi thì ông đã vẽ hỏng rồi, người họa sĩ lại hỏi: Hỏng thế nào? Người lạ mặt liền đáp: Này nhé!, trên bảng đựng màu của ông có đủ các loại màu nhưng ông chỉ dùng một màu để vẽ gương mặt đám trẻ. Ai bảo với ông là trên Thiên đàng chỉ có trẻ con da trắng thôi? Người họa sĩ đáp: Chẳng có ai bảo cả, tôi chỉ nghĩ thế thôi / người lạ mặt lại nói: Ông nhìn lại xem, tôi vẽ mấy đứa mặt vàng, mấy đứa mặt nâu, vài đứa da đen, vài đứa da đỏ. Tất cả chúng nó đều có mặt tại đó, vì chúng đã đáp lại tiếng gọi của tôi. Người họa sĩ hỏi: Tiếng gọi của ông à, vậy ông là ai? Người lạ mặt mỉm cười: Từ rất lâu, tôi đã nói: “Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản, vì Nước Trời chỉ dành cho những người như các trẻ nhỏ này”.

21/ Người Thầy của mọi Thầy: Người họa sĩ nhận biết đó chính là Chúa Yesus và khi ông ta nhận ra thì Ngài cũng vừa biến mất. Ông nhìn thấy bức tranh kỳ diệu hơn nhiều với các trẻ em da đen, đỏ, vàng, nâu, trắng. Sáng hôm sau khi thức dậy, ông vội chạy vào phòng tranh. Bức tranh vẫn y nguyên như của ông đã vẽ một màu trắng lúc chiều hôm qua. Ông biết đêm rồi mình đã nằm mơ thấy một thị kiến. Hôm nay sẽ là ngày mà ủy ban đặc trách đến xem bức tranh, ông vội chộp lấy cọ màu rồi bắt đầu tô các em bé trong tranh bằng đủ thứ màu cho mọi màu da chủng tộc trên khắp thế giới. Lúc Ủy ban đến họ nhận thấy bức tranh thật đẹp và mọi người đã nhủ thầm : Ở đây là gia đình của Chúa. Hội Thánh bắt đầu từ Palestine, khi đó nhỏ như hạt cải, nhưng bây giờ thì đã đủ chỗ cho mọi dân tộc trên khắp thế giới. Trong Hội Thánh sẽ không có bức tường ngăn cách. Loài người đã dựng lên các hàng rào, còn Chúa Ki-tô thì Ngài đến để phá bỏ hết những thứ đó !

22/ Lời Chúa Yesus muốn dạy ở đoạn cuối, từ câu 33-34: Chúa Yesus có cách dạy dỗ rất khôn ngoan. Chúa là người thầy khôn ngoan và Chúa muốn tất cả chúng ta là những người học trò sáng dạ. Chúa Yesus đã dạy tùy theo cách lãnh hội của từng người nghe. Sau đây là những nguy cơ mà một người thầy dạy khôn ngoan cần phải tránh.

23/ Người Thầy dạy cần phải tránh phô trương: Nhiệm vụ của Giáo sư không phải là tìm cách cho người ta chú ý đến chính mình. Nhưng phải giúp người ta chú ý đến chủ đề mà mình đang muốn nói. Tính phô trương có thể làm cho hình ảnh cá nhân mình lấn át hết phần chân lý mà mình muốn diễn tả. Hay nó có thể làm cho chính người nói muốn phô trương sự uyên bác của mình, khiến cho điều mình muốn diễn giải trở nên tối nghĩa, làm cho một người bình thường nghe ,nhưng không thể nào hiểu được.

24/ Một xạ thủ tồi: Người thầy nói cao hơn khả năng tiếp thu của khán thính giả sẽ chẳng được ích lợi gì, có người cho rằng: Việc một người luôn luôn bắn trên mục tiêu chỉ chứng tỏ anh ta là một xạ thủ tồi. Một giáo sư giỏi phải luôn chú tâm đến đề tài giảng dạy, chứ không nên chú tâm đến bản thân mình.

25/ Thái độ của người giảng dạy: Người giảng dạy phải tránh thái độ hơn người. Việc giảng dạy đích thực không phải là nói cho dân chúng những gì họ đã biết, mà cần nói những gì để cùng học với nhau, việc giảng dạy đích thực bao gồm việc thầy trò cùng nhau chia sẻ và khám phá .

26/ Người học trò khôn ngoan: Người học trò khôn ngoan không mong tan trường để quên, người ấy rời nơi học để suy đi nghĩ lại điều mình vừa nghe, cứ nghiền ngẫm cho tới khi có thể tiêu hóa tất cả, con người phải dùng điều đã học không phải để nói nhưng là để sống.

27/ Một ví dụ thật cụ thể: Ông Epictetus, một người Thầy triết học khôn ngoan đã dùng một dụ ngôn thô thiển để diễn tả vấn đề này: Ông nói rằng các con cừu không mửa ra cỏ để chứng tỏ cho người chăn biết là chúng đã ăn bao nhiêu cỏ. Nhưng chúng tiêu hóa cỏ và dùng những gì đã ăn để sinh sản lông và sữa. Người trò khôn ngoan không rời nơi học rồi quên những gì đã học, cũng không phô trương điều mình vừa học. Nhưng luôn âm thầm suy nghĩ  kỹ cho đến lúc khám phá ra nó có ý nghĩa gì cho lối sống và cho đời sống của mình.

28/ Một người trò khôn ngoan cần phải làm gì? Cần phải tìm cách kết bạn với thầy mình. Sau khi Chúa Yesus giảng dạy xong, dân chúng ra về, nhưng một nhóm người nhỏ vẫn gắn bó và không muốn rời Ngài. Với nhóm người nhỏ này, Chúa Yesus đã bày tỏ ý nghĩa của một người Thầy vĩ đại. Con người muốn học nơi Chúa Yesus, cần phải kết bạn với Ngài, người ấy sẽ học thuộc và chiến thắng trong chính cuộc sống của mình !****

 

 

Bài 3: ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG HẠT GIỐNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

29/ Chúng ta thấy gì trong hạt giống? Chúng ta cần xác định / những điều chúng ta không thấy, không có nghĩa là nó không hiện hữu / Điều cốt yếu thì không thể thấy được! Trong hạt lúa mì, chứa đựng hàng tỷ tỷ hạt nhân / gom một lõi / và những phân tử chỉ to bằng một phần tỷ của một milimet / Nó xoay quanh cái lõi của nó với tốc độ 297.000km/1giây / Chúng ta không thấy hết được điều đó nhưng đó là sự thật bên trong của 1 hạt lúa mì.

30/ Sự trật tự và kỳ diệu của thế giới đang nằm ở đâu? Những sự kỳ diệu của thế giới đang nằm trong trật tự đó / Sức mạnh tiềm tàng của nó khó nhận biết / Chỉ có những tâm hồn đơn sơ mới tìm thấy được / chỉ có những người tin, mới có thể chấp nhận những mạc khải của Chúa Yesus về Thiên Chúa.

31/ Hậu quả thực tế của những người tin Chúa là gì? Chúng ta hãy tự rút ra kết luận / Chúa tác động trong bí mật / như là một Thiên Chúa ẩn dật / Hãy chờ đợi hạt giống nẩy mầm / Chúng ta chớ nản lòng / Hãy khởi công, hãy gieo hạt / Vũ trụ không đang đi vào cõi chết, nhưng tất cả đều đang tiến tới mùa gặt / Hỡi các bạn nông dân, hãy giơ liềm lên !

32/ Hình ảnh của Chúa Yesus dưới con mắt người đời như thế nào? Chúa Yesus là Thầy dạy khôn ngoan, một nhà sư phạm giỏi / Một người kể chuyện hấp dẫn, biết tìm những châm ngôn, dụ ngôn kích thích tính hiếu kỳ / Hạt cải nổi tiếng trong các câu tục ngữ vì sự nhỏ bé của nó / lần khác Chúa nói: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải …” (Lc 17,6) / Dụ ngôn này nhấn mạnh đến sự bất tương xứng giữa lúc đầu “nhỏ xíu”và khi hoàn thành thì “rất lớn” / Chúa so sánh như thế để trả lời cho thái độ bất bình của những người đương thời đang tìm cớ để chống đối Chúa.

33/ Tại sao phần lớn Dân Chúa chọn lại không đón nhận Tin Mừng? Vì họ trông chờ sự can thiệp của Đấng Messia và mong sẽ gặt hái chiến thắng một cách mau lẹ / Thế nhưng “buổi chiều tối quan trọng” đó của Thiên Chúa đã không đến / Niềm hy vọng của người Do Thái đã bị đảo lộn / tác vụ của Đức Yesus xem ra thật vô ích / Nhưng Marco đã mạnh dạn trả lời cho thái độ bất bình của dân chúng vào thời của ông / Có một sự kiện không thể chối cãi được đó là phần lớn dân Do Thái không chịu đón nhận Tin Mừng / có phải vì thế mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa bị thất bại không? Hôm nay bài Tin Mừng Marco đã trả lời cách diệu kỳ cho câu hỏi đáng sợ đó và cũng để giải tỏa các thắc mắc trong thời đại của chúng ta / Vì nếu Thiên Chúa hiện hữu thì mọi việc sẽ được làm sáng tỏ dễ dàng hơn.

34/ Tại sao nhiều người tốt lại không tin Chúa? Nhiều người tốt, người lương thiện, người ngay thẳng lại không tin Chúa mà lại cứ tin theo thuyết vô tri / Vậy thì Thiên Chúa có hiệu hữu thật không? Hay chỉ là bóng mờ, là chủ quan, là ảo giác, dành cho một số người cuồng tín? Hình ảnh của Chúa Yesus như một thiên tài, thánh thiện, hoàn hảo như thế mà lại không làm cho những người đồng thời tin mình / Ngay cả những người thân của Chúa cũng thế!

35/ Tại sao Chúa Yesus lại tự tin quá mức như thế? Đúng là một sự bạo dạn gần như điên rồ / Ngài đã tin rằng: Ngài không mất thời giờ để chỉ gieo xuống một hạt giống nhỏ bé / Lịch sử đã chứng minh cho thấy cái lý đúng của Chúa / Bất cứ ai khi đi gieo một “mầm” vào trong linh hồn người nào để dấn thân phục vụ cho anh em đó / Bất ai đã cố gieo Tin Mừng / đều có thể dựa vào lời nói của Đức Yesus trên đây để có thể vượt qua mọi thất vọng, thất bại nhất thời / Ông bà cha mẹ nào đã nghĩ mình thất bại trong việc giáo dục con cháu / Quý vị cũng hãy cầm lên một hạt cải bé nhỏ / cho dù kết quả bề ngoài xem ra nhỏ bé / Quý vị vẫn là những người được mời gọi để hy vọng / Vì cuộc phiêu lưu của Chúa Yesus đã chứng thực: khởi đầu thì gieo trong nhỏ bé nhưng cuối cùng thì gặt hái lớn lao / Rồi quý vị sẽ thấy như thế.

36/ Con người nào đã dám tiên đoán cho sự thành công cuối cùng này? Đó là một con người u tối của xứ Galilê, vùng Nazaret / Có 12 người nghèo khổ, kém văn hóa, không có thế lực đi theo / Hình ảnh một hạt giống nhỏ bé đã mọc lên một cây thật to lớn, cây đó đủ cho cho chim trời trú ẩn / Và hình ảnh này đã được nói trước trong Thánh Kinh (ĐNL 4, 9 / Ed 31, 6-17; 22-23; TP 9, 15).

37/ Chúa Yesus muốn lưu ý chúng ta điều gì? Chúa muốn lưu ý đến trình độ đón nhận của mảnh đất, đó là trình độ đức tin của người nghe / Đây là thái độ tự do của những ai có thiện cảm với Chúa / Đối với những ai là bạn hữu của Chúa, Chúa thường giải thích cặn kẽ / Đức tin là mối tương giao của sự sống / Chính vì khi ta tin là ta sống trong Chúa và Chúa cũng sống trong ta / Mỗi một lời cầu nguyện lúc này là sự chuẩn bị cho lời cầu nguyện kế tiếp / Một bước chân đi tới Chúa đang chuẩn bị cho một bước chân kế tiếp / Điều này có sự tối tăm khó hiểu cho người này nhưng lại là một thực tế hiển nhiên cho người khác / Nếu ta muốn biết Thiên Chúa nhiều hơn, ta hãy bắt đầu bước đến với Ngài, từng bước và bạn sẽ thấy cuộc sống bắt đầu triển nở đẹp hơn. ****

 

Bài 4: PHÁT TRIỂN NƯỚC THIÊN CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

38/ Bài đọc 1, Ngôn sứ Edekiel rao giảng dụ ngôn này trong thời Israel đang bị lưu đày bên Babylon/ Cây Hương nam cao nhất ám chỉ vua Nabuchodonosor và đế quốc của ông sẽ bị Thiên Chúa chặt / Một chồi non được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây Hương nam vĩ đại, ám chỉ dân Israel / Họ sẽ được Thiên Chúa cho hồi hương và đất nước họ sẽ được thịnh vượng / Tất cả những cây rừng khác, ám chỉ các nước khác, họ sẽ nhận biết Chúa và vinh quang của Israel.

39/ Cách Chúa Yesus mô tả về Nước Thiên Chúa rất xa lạ với cách nghĩ của người đời / Chúa không nói Nước Thiên Chúa như một đất nước đông đảo / Hay như một đạo quân hùng mạnh / nhưng lại nói Nước Thiên Chúa giống như một hạt kia được gieo xuống đất / Thực chất Nước Thiên Chúa không phải là một hệ thống tổ chức quy mô hay một thế lực mạnh mẽ bên ngoài / mà cốt yếu ở giá trị bên trong / Những điều mà Chúa Yesus luôn rao giảng; đó là yêu thương, tha thứ, hòa thuận / Nước Thiên Chúa không phải là một Hội để kêu gọi người ta đến ghi tên thật đông / cũng chẳng phải đem quân xâm lấn để mở mang bờ cõi / nhưng là đem Tin Mừng gieo vào lòng nhân loại.

40/ Cách Chúa mô tả hạt giống: Hạt giống dần dần mọc lên / không được nôn nóng nhưng phải kiên nhẫn chờ nó mọc lên / Và phải lạc quan tin tưởng / Hạt giống nhỏ bé, mong manh, âm thầm nhưng rất bền bỉ ,mạnh mẽ .

41/ Chúa dạy các môn đệ làm gì? Không cần làm những việc to tác, vĩ đại / Chỉ cần làm tốt những việc thường ngày / Không nên ồn ào phô trương, hay phải quảng cáo / Chỉ cần sống âm thầm và kiên trì thực hành những điều mình đã học hỏi về Tin Mừng.

42/ Tại sao không nên nóng vội? Thời nay có quá nhiều sản phẩm “xài liền” như “mì ăn liền” / càphê uống liền” / “chụp hình lấy liền” / Dù ai cũng biết phẩm chất của nó không được tốt / nhưng ai cũng thích bởi nó đỡ tốn công và đỡ mất thời giờ / Thế nên chúng ta dư biết có rất nhiều thứ không thể hối thúc được / Muốn phát triển thành con người chín chắn là công việc của cả một đời người/ Xây dựng mối tương quan tốt đẹp với ai đó phải mất rất nhiều thời gian / Biết và hiểu con cái mình cũng đòi hỏi cha mẹ phải tốn nhiều thời giờ / Loại bỏ những thói xấu, xa rời tội lỗi cũng chẳng phải là công việc một sớm một chiều.

43/ Thời đại hôm nay là thời đại gì? Là thời đại “nhấn nút” / Nhấn nút một cái là đèn cháy / là máy nổ / nhấn nút là cửa mở ra,…. / Những phương tiện hiện đại giúp tiết kiệm sức lao động là tốt / Nhưng cái kiểu nhấn nút dễ gây cho chúng ta có kiểu sống dễ dãi / Đi thăm người già, người bệnh, mất công quá, sao không gọi điện thoại hỏi thăm cho tiện / Dần dà con người chỉ quen nhấn nút nên quên mất hết tình cảm / Con người nhà ở cạnh nhau nhưng lại rất xa lạ với nhau, không biết tên nhau.

44/ Những thứ nào không phù hợp với việc nhấn nút? Không có nút nào thay thế cho việc nuôi dạy con cái nên người / Không có nút nào cho việc luyện tập thành thạo một kỹ năng / Không có nút nào cho việc luyện tập nhân đức / và cũng chẳng có nút nào đưa linh hồn ta lên gặp Chúa !

45/ Dụ ngôn nhắc chúng ta điều gì? Chúng ta có thể dọn đất, gieo hạt, nhưng chúng ta bó tay trong việc làm cho hạt giống mọc lên / Vì chính Chúa mới làm việc đó / Nếu chúng ta đã chu toàn bổn phận của mình thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả / Liệu chúng ta có đủ lòng kiên nhẫn, đủ lòng cậy trông không?

46/ Những bước khởi đầu là gì? Muốn xây dựng 1 tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch / Muốn viết 1 cuốn sách, phải bắt đầu từng chữ / Muốn viễn du, phải bắt đầu bằng từng bước / Muốn xây dựng 1 tình bạn, phải bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ / Muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì phải chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ bây giờ / Một tính tốt được hình thành từ những thói quen tốt nho nhỏ/ Một thói quen xấu cũng hình thành từ những việc xấu nho nhỏ được lặp đi lặp lại.

47/ Hạt giống nào kỳ lạ nhất? Là hạt giống tre tàu / Hạt này nằm yên dưới đất 5 năm / Suốt 5 năm đó phải chăm sóc, tưới nước, bón phân mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ đang chằng chịt dưới lòng đất / Đến khi nó nhú lên khỏi mặt đất thì chỉ trong 6 tuần lễ, nó đã cao lên 3 mét.

48/ Hạt giống Nước Trời cũng tương tự như hạt tre tàu / nó cần một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất / Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi / Hạt giống phải cố hết sức để xé đất và chui lên / Lại phải đương đầu với sự khó chịu của thời tiết / Phải đối phó với sự giận dữ của giông tố / Đây là lúc phải sống bảo vệ niềm tin / Vì thế chúng ta phải luôn gieo vãi Lời Chúa / Cho dù chúng ta không thể thấy hạt giống đang âm thầm phát triển!

Kết luận: Chúa Yesus đã gieo hạt giống Hội Thánh vào lòng thế giới / Sau đó Ngài biến mất, để cho hạt giống Hội Thánh âm thầm lớn lên với biết bao gian nan thử thách, yếu đuối, bất lực / Dường như Người dửng dưng trước bao khó khăn của Hội Thánh/ Dường như Người không biết đến tội ác đang lan tràn khắp thế giới / Dường như Chúa không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của Dân Người / Nhưng chúng ta phải luôn xác tín rằng: Bên kia dòng thời gian là cuộc sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa đang chờ đợi ta.****

 

 

TÓM Ý

1/ Ý nghĩa về dụ ngôn hạt cải: Ý Chúa Yesus muốn nói về triều đại Nước Thiên Chúa, nó cũng ám chỉ ngày Nước Cha trị đến. Đó là chân lý mà Thiên Chúa muốn gieo và cũng là mục đích Chúa muốn vũ trụ đạt được, là cùng đích của mỗi chúng ta.

2/ Con người hạn hẹp ở chỗ nào? Con người có thể hãnh diện vì mình làm được nhiều thứ nhưng không thể nào làm cho hạt giống mọc lên. Bởi vì sự sống là của Thiên Chúa mà người phàm không ai có thể tạo ra được.

3/ Ai có thể tạo ra Nước Trời? Chúng ta không ai có thể tạo ra Nước Trời, vì Nước Trời là của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm hỏng, làm cản trở, chúng ta cũng có thể tạo ra thêm cơ hội cho nó phát triển nhanh hơn. Nhưng tất cả mọi sự điều nằm trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa.

4/ Chúa Yesus diễn tả Nước trời như thế nào? Qua dụ ngôn, chúng ta có thể hiểu được một số điều, một số quy tắc về Nước Thiên Chúa. Chúa muốn dùng hình ảnh tăng trưởng trong thiên nhiên để diễn tả về sự đạt đến của Nước Thiên Chúa.

5/ Làm sao chúng ta có thể cảm nhận được sự tăng trưởng? Sự tăng trưởng rất chậm chạp và bền lâu nên chúng ta rất khó cảm nhận. Nếu chúng ta cứ chăm chú nhìn vào chúng ta sẽ rất khó cảm nhận. Chúng ta chỉ có thể biết được điều đó sau một thời gian khá dài.

6/ Sự tăng trưởng kỳ diệu như thế nào? Sự phát triển trong thiên nhiên rất liên tục nhưng chậm chạp, cho dù ta thức hay ngủ. Đối với Thiên Chúa thì không có khi này khi khác, nhưng đối với con người thì hôm nay có thể tiến nhưng ngày mai có thể lùi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì nó luôn phát triển liên tục, lúc nào kế hoạch của Ngài cũng được phô bày.

7/ Sức mạnh của sự tăng trưởng: Chẳng có gì mạnh hơn sự tăng trưởng, một gốc cây có thể làm nứt cả tấm bê tông vệ đường bằng chính sức mạnh của nó, một ngọn cỏ có thể chui qua kẽ nứt của con đường tráng nhựa. Đối với Thiên Chúa cũng thế, cho dù loài người tìm mọi cách ngăn cản, chống đối, bất tuân, nhưng công việc của Thiên Chúa vẫn cứ tiếp diễn. Cuối cùng chẳng có ai ngăn được kế hoạch của Ngài.

8/ Một sự thật khi mùa gặt đến: Khi mùa gặt đến, sẽ có 2 việc trái ngược nhau xảy ra: Điều này không thể nào tránh khỏi, những thứ cho ra kết quả tốt thì được thu vào kho, còn cỏ, rác, rạ rơm thì đều bị thiêu hủy. Đây là 2 mặt của một vấn đề: Mùa gặt cũng là mùa phán xét, luôn đi đôi với nhau.

9/ Thời gian là của ai? Thời gian là của Chúa, Ý Chúa muốn kêu gọi chúng ta hãy nhẫn nhục. Chúng ta là những con người tạm thời được tạo ra cho khoảng thời gian tạm thời, nên chúng ta cũng có những suy nghĩ tạm thời, là điều không tránh khỏi. Thiên Chúa có một khoảng thời gian đời đời để hành động, một ngàn năm đối với Chúa cũng chỉ là một ngày mới trôi qua (Tv 90,4). Thay vì có tính hấp tấp, cáu kỉnh của loài người. Chúng ta hãy luyện tập cho linh hồn mình biết nhẫn nhục, biết đợi chờ Chúa.

10/ Chúng ta cần phải làm gì ? Chúa bảo chúng ta hãy hy vọng, chúng ta đang sống trong thế giới tuyệt vọng. Mọi người đều sợ hãi khi nhìn về tương lai, một cuộc chiến tranh hạt nhân hay một cuộc chiến bằng vũ khí hóa học. Bấy giờ chúng ta hãy ngửa mặt lên hít thật sâu để cảm nghiệm được đời mình sắp chấm dứt. Nếu chúng ta tin Chúa, chúng ta sẽ không sống bi quan, nhưng hãy ăn năn, hối tiếc, sám hối đau thương, Chúng ta có thể nhận ra mình yếu đuối, tội lỗi nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng.

11/ Hãy chuẩn bị trong kiên nhẫn : Chúa kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị. Nếu kết cuộc là nó phải đến thì tốt nhất là chúng ta phải sẵn sàng để gặp Chúa. Nếu chúng ta đã chuẩn bị thì hãy vui lên, vì đã đến lúc Chúa đến để cứu những con người lành thánh. Dân Do Thái cần nhớ lại sự kiện Chiên Vượt Qua, vượt qua biển đỏ, được vào đất hứa, hãy nhớ lại cách Chúa cứu gia đình ông Lot ra khỏi Sodoma . Nhưng liệu đến lúc đó chúng ta có còn tin thờ Chúa hay không ?

12/ Một ơn cứu độ chắc chắn : Có biết bao sự kiện đã xảy vào thời Cựu Ước, vào thời Tân Ước, vào thời của chúng ta. Lời hứa với Abraham, Chúa đã thực hiện. Lời hứa với Israel Chúa đã thực hiện qua Moisen. Lời hứa với loài người, Chúa đã thực hiện qua Đức Ki-tô. Lời hứa của Đức Mẹ khi cho nước Nga trở lại /trong khi thế giới không tốn một viên đạn. Thế thì vì sao chúng ta không tin Chúa mà chỉ cứ đòi dấu lạ, chúng ta đâu khác gì Dân Do Thái ngày xưa ?

13/ Hình ảnh dễ hiểu từ hạt cải : Chúa đưa ra một dụ ngôn mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu. Hạt cải ở Palestine tiêu biểu cho một loại hạt gống thật nhỏ. Chẳng hạn : đức Tin bằng hạt cải, cũng có nghĩa là đức Tin nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ ấy sẽ mọc lên thành cây to, có thể cao đến 3 mét. Các loại chim chóc rất thích hạt màu đen ấy nên cứ bu quanh.

14/ Ý nghĩa từ bầy chim : Trong Cựu Ước, người ta thường dùng một cây cổ thụ để diễn tả một đế quốc rộng lớn. Còn các nước chư hầu được ví như đàn chim đang ẩn dưới bóng cành cây ấy (Ed 17,22).

15/ Bài học từ dụ ngôn hạt cải : Qua dụ ngôn này, ý Chúa Yesus muốn dạy rằng : Đừng bao giờ chán nản khi kết quả khởi điểm còn quá bé nhỏ, nhưng nếu kết quả ấy cứ được nhân lên, dần dần nó sẽ lớn vô cùng. Điều này được thể hiện qua việc thử nghiệm những giọt thuốc nhuộm khi nhỏ chúng vào thau nước.

16/ Vạn sự khởi đầu nan : Chúng ta thường thấy rằng : Với tất cả nỗ lực của mình chúng ta không thể tạo ra một giá trị nào lớn ngay khi mới bắt đầu. Chúng ta cũng cần nhớ rằng : Không có gì mới khởi điểm mà lại đạt được ngay mức hoàn hảo. Nhiệm vụ của chúng ta là cứ làm những gì mình có thể làm được, và hiệu quả từ các cố gắng ấy sẽ tích tụ lại để rồi cuối cùng nó sẽ cho ra một kết quả lớn lao, gây kinh ngạc cho mọi người.

17/ Hình ảnh từ cây đại thụ : Dụ ngôn này có ý muốn nói với chúng ta về một vương quốc là Hội Thánh, Hội Thánh cũng bắt đầu bằng một cá nhân đó là Chúa Yesus, với một nhóm người ít ỏi, dốt nát quê mùa nhưng sau đó đã kết thúc bằng cả một thế giới rộng lớn, trong đó bao gồm tất cả mọi dân tộc, màu da, tiếng nói. Một cây cổ thụ và một đàn chim bu quanh đã nói lên đúng hết ý nghĩa của một vương quốc Nước Trời rộng lớn, bao la.

18/ Hội Thánh là nơi chứa đựng nhiều tư tưởng : Hội Thánh là nơi mọi ý kiến, mọi tư tưởng thần học đều có chỗ đứng. Chúng ta luôn có thói quen dán nhãn tôn giáo lên bất kỳ người nào không nghĩ như mình, chúng ta có quyền suy nghĩ nên hãy để cho người khác suy nghĩ. Tin mình là điều tốt, nhưng không nên cho người khác nghĩ khác mình là sai.

19/ Hội Thánh quy tụ nhiều sắc tộc : Hội Thánh là một vương quốc mà trong đó các nước đều gặp nhau. Tất cả các màu da, tiếng nói đều gặp nhau tại đó. Vì Chúa Yesus đã nói : Tất cả mọi dân tộc từ Đông-Tây-Nam-Bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

20/ Hội Thánh của Chúa được bắt đầu từ khi nào ? Ở đây là gia đình của Thiên Chúa, Hội Thánh đã bắt đầu từ Palestina, khi đó nhỏ như hạt cải. Nhưng bây giờ thì đã đủ chỗ cho mọi dân tộc trên khắp thế giới. Trong hội Thánh sẽ không có những bức tường ngăn cách, loài người thường dựng lên các hàng rào. Còn Chúa Ki-tô, Ngài đến và đã phá bỏ đi hết.

21/ Lời Chúa Yesus muốn dạy gì ở đoạn cuối bài Tin Mừng  câu (33-34) : Chúa Yesus có cách dạy dỗ rất khôn ngoan, Chúa là người Thầy khôn ngoan và cũng muốn chúng ta là những học trò sáng dạ, mau hiểu bài. Chúa giảng dạy tùy theo sức lãnh hội của người nghe.

22/ Người Thầy không nên phô trương : Nhiệm vụ của người Thầy không phải là tìm cách để người ta chú ý đến mình. Nhưng làm sao để người ta chú ý đến chủ đề mà mình muốn nói. Tính phô trương là muốn cho hình ảnh cá nhân mình lấn át hết phần chân lý mà mình muốn diễn tả. Họ chỉ muốn phô trương sự uyên bác của mình khiến cho điều mình muốn nói trở nên tối nghĩa, làm cho người nghe khó lòng hiểu được.

23/ Hình ảnh một xạ thủ tồi : Người thầy luôn nói cao hơn khả năng tiếp thu của người nghe sẽ chẳng ích lợi gì. Có người đánh giá việc này rằng : Một xạ thủ luôn luôn bắn trên  mục tiêu chỉ chứng tỏ anh ta là một xạ thủ tồi. Một Giáo sư giỏi chỉ nên chú tâm đến đề  tài giảng dạy, không được nghĩ đến thứ gì khác.

24/ Thái độ của người giảng dạy : Người Thầy phải tránh thái độ hơn người. Nên nói cho dân chúng nghe những gì họ đã biết, sau đó là nói đến những điều cần để cùng học với nhau, sau đó thầy trò cùng nhau chia sẻ và khám phá.

25/ Cung cách của người học trò khôn ngoan : Người học trò khôn ngoan không mong tan trường để quên, nhưng là luôn suy đi nghĩ lại điều mình vừa nghe, nghiền ngẫm cho tới khi mình lãnh hội được và còn phải dùng điều mình mới học không phải để nói, nhưng là để sống.

26/ Một ví dụ thật cụ thể : Ông Epictetus, một nhà triết học khôn ngoan đã dùng một dụ ngôn cụ thể để diễn tả vấn này : Các con cừu không mửa ra cỏ để chứng tỏ cho người chăn biết là nó đã ăn được bao nhiêu. Nhưng chúng đã tiêu hóa thức ăn và dùng các chất bổ dưỡng đó để sản sinh ra lông và sữa / Người học trò khôn ngoan không rời nơi học để rồi quên đi những gì mình vừa học. Cũng không cần phô trương điều mình mới học. Nhưng luôn âm thầm nghiền ngẫm để khám phá ra ý nghĩa rồi đem áp dụng vào đời sống của mình.

27/ Người học trò khôn ngoan cần làm gì ? Cần tìm cách kết bạn với Thầy mình. / Sau khi Chúa Yesus giảng dạy xong, tất cả dân chúng ra về. Nhưng còn một nhóm nhỏ vẫn gắn bó và không muốn rời xa Ngài. Người nào muốn học nơi Chúa Yesus, cần phải kết bạn với Ngài, người ấy sẽ luôn chiến thắng trong chính cuộc sống của mình.****

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 2088
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  3
 Hôm nay:  1374
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11414997
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top