Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN XIV Thường Niên - B / GIUSE LUCA .

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN  B

ĐỀ TÀI: KHOẢNG CÁCH GIỮA BIẾT VÀ TIN CHÚA

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  x. Lc 4,18

Halêluia. Halêluia. Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mc 6, 1-6

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

1 Hồi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? " Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

-----//-----

1/ Nhiệm vụ của người sứ giả là gì?

2/ Số phận của người sứ giả ra sao?

3/ Người Do Thái đã nghĩ gì về Chúa Yesus?

4/ Nhà cầm quyền nghĩ gì về Chúa Yesus?

5/ Con đường đau khổ và Thập Giá đưa người sứ giả tới đâu?

6/ Người Môn Đệ thấy gì từ nơi Thập Giá?

7/ Thái độ của chúng ta trước Thập Giá.

8/ Dân Nazaret đã phản ứng thế nào?

9/ Thành kiến là gì?

10/ Hôm nay ta thấy Chúa thế nào?

11/ Hình ảnh của Chúa Yesus Nazaret?

12/ Vì sao con người khước từ Thiên Chúa?

13/ Làm sao chúng ta có thể nên Thánh?

14/ Tại sao người ta không tin Chúa?

 

15/ Cách nào chúng ta có thể thấy Chúa?

16/ Vì sao dân Nazaret không muốn tin Chúa?

17/ Thèm khát dẫn đến điều gì?

18/ Có cách nào kìm hãm lòng thèm khát?

19/ Cái xấu xa của tính ghen tỵ.

20/ Chúa Yesus làm gì với những kẻ chống đối Ngài?

21/ Ai đã bỏ lỡ cơ hội?

22/ Chúng ta có bỏ lỡ cơ hội không?

23/ Muốn nhận ra Chúa, ta cần phải làm gì?

24/ Chúng ta cần phải chuẩn bị thế nào?

25/ Một lời khuyên đúng mực.****

 

Bài 1: THÂN PHẬN CỦA ĐẤNG THIÊN SAI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Nhiệm vụ của sứ giả là gì? Sứ giả là người được chọn để sai đi loan truyền tin vui cho muôn dân. Là một người nói lời đại diện cho Thiên Chúa. Đức Ki-tô là vị thiên sai, Ngài đến để mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa và những ý định của Thiên Chúa , nhờ đó chúng ta tuân giữ lời chúa  và được ơn cứu độ.

2/ Số phận của người sứ giả là gì? Trong đời sống công khai, Chúa Yesus luôn bị chống đối, khinh miệt. Ngài đến nhà mình nhưng bọn gia nhân lại không đón nhận. Đây cũng chính là số phận của người tông đồ, vì thế Chúa Yesus đã bảo trước: Môn đệ không trọng hơn Thầy, người ta bắt bớ Thầy, thì cũng sẽ bắt bớ các con. Hôm nay Chúa Yesus trở về quê nhà, nhưng lại bị chính những người đồng hương chống đối.

3/ Người Do Thái nghĩ thế nào về Chúa Yesus? Chúa Yesus đi khắp các nẻo đường Palestina, Ngài loan truyền Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh tật. Đem lại biết bao lợi ích cho con người, thế nhưng bọn họ lại dám cho Ngài là đã lấy quyền phép ma quỷ mà làm những việc đó. Chúa Yesus mạc khải về Chúa Cha thì họ cho là Ngài : phạm thượng, quỷ ám, điên khùng.

4/ Nhà cầm quyền đã nghĩ thế nào về Chúa Yesus? Chúa đến để đem bình an, đem chân lý và thiết lập Nước Chúa thì bị họ gieo tiếng ác là xách động, phản loạn. Họ bắt bớ, kết án tử hình , Sau cùng Ngài bị đóng đinh trên Thập Giá giữa 2 tên trộm cướp.

5/ Thân phận của người sứ giả như thế nào?: Thân phận của người sứ giả đã được Chúa Yesus xác định: Các con sẽ phải đau khổ, khóc lóc, sẽ bị bắt bớ, bị điệu ra tòa. Cuộc đời sứ giả của Thiên Chúa phải được gắn liền với Thập Giá và khổ đau. Vì nơi Thập Giá, ơn cứu độ sẽ được biểu hiện qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô.

6/ Con đường đau khổ sẽ dẫn đưa các sứ giả tới đâu? Bởi vì đau khổ là đường đưa tới ánh sáng. Gian khổ là đường về vinh quang và thập giá sẽ đưa tới sự phục sinh. Đó chính là điểm tựa để người sứ giả có thể can đảm loan truyền lời Chúa cho mọi người.

7/ Thập giá đem lại điều gì?: Dù có quá nhiều đau khổ nhưng họ không sợ hãi vì đã có sức mạnh Thánh Linh yểm trợ. Nơi Thập Giá, sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ lộ / sự yếu đuối của con người gặp được sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa, Thập Giá đã hòa giải con người với Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ.

8/ Số phận của người môn đệ sẽ như thế nào? Số phận của người môn đệ cũng phải giống với số phận của Thầy Chí Thánh. Bởi vì chính Chúa Yesus cũng đã ra điều kiện : “ Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo ta”

9/ Người môn đệ đã thấy gì từ nơi Thập Giá? Người môn đệ không chỉ chết cho mình mà còn phải chết cho người khác, và Thập Giá họ vác chính là dấu chỉ mà họ phải chết cho thế gian. Họ sung sướng hãnh diện vì được chịu khổ đau vì người khác. Khi họ nhìn vào Thập Giá của Đức Ki-tô /họ sẽ tìm thấy ở đó một lý tưởng, một sức mạnh, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đời mình.

10/ Thái độ của chúng ta trước thập giá: Trước những hy sinh, gian khổ, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận chịu đóng đinh với Chúa Ki-tô. Nghĩa là dám hy sinh mọi sự, từ bỏ ý riêng để phục vụ theo ý Chúa. Đức Ki-tô phải trở nên nguyên lý cứu độ, chớ không phải trở nên cớ cho chúng ta vấp phạm.

11/ Dân làng Nazaret đã phản ứng như thế nào? Khi Chúa Yesus giảng dạy trong Hội đường tại quê nhà. Dân làng hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan trong lời giảng của Ngài. Nếu họ chân thành tìm kiếm, có lẽ họ đã nhận ra được khuôn mặt thật của một con người quá quen biết. Tiếc thay, họ đã không có đủ vô tư, có đủ công tâm. Họ chỉ bị ám ảnh bởi quá khứ của Chúa nên đã không sao thoát khỏi định kiến có sẵn về Ngài.

12/ Dân Nazaret bị ám ảnh về điều gì? Ông ta không phải là con bác thợ sao? Một bác thợ sống bằng ghề chân tay như bao người khác, một bác thợ âm thầm và khiêm tốn. Ông ta sống ở đây không có chút hào quang nào. Họ bị ám ảnh bởi những cái đang hiện ra trước mắt: Bà Maria là mẹ, và các anh chị em của ông ta, tất cả vẫn đang sống quanh đây như những láng giềng gần gũi của họ .

13/ Thành kiến như bức tường che mắt tầm nhìn: Một quá khứ và một hiện tại như thế, đã khiến họ vấp phạm. Họ không thể tin Chúa Yesus là một ngôn sứ, lại càng không thể tin Ngài là Đấng Messia và chắc chắn không bao giờ họ có thể nghĩ rằng: Người đồng hương của mình lại là Ngôi Hai Thiên Chúa.

14/ Hôm nay chúng ta có thể thấy Chúa như thế nào? Chưa chắc chúng ta lại khá hơn dân làng Nazaret. Hôm nay chúng ta có thể đóng khung trong một kiểu nhìn nào đó vào Đức Ki-tô, khiến chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần khuôn mặt của Ngài. Có những người chúng ta rất quen, sống sát cạnh ta. Nhưng chúng ta lại chẳng hiểu gì về họ / có khi những thứ tôi biết là đúng, nhưng lại chưa đủ.

15/ Chúng ta cần phải làm gì khi muốn hiểu người khác?: Mỗi con người là một bí mật mà chúng ta cần khám phá suốt đời, chúng ta cần phải ra khỏi mình, cần bước ra khỏi cái nhìn khô cứng để gặp được những bí mật từ tha nhân. Để có thể nhìn người khác bằng một cái nhìn luôn luôn mới mẻ, chính xác.

16/ Hình ảnh của một Chúa Yesus Narazet như thế nào?: Chúng ta thường nghe nói đến một Thiên Chúa toàn năng. Đấng đó có thể làm được mọi sự, nhưng Đức Yesus tại Nazaret lại cho ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối bất toàn, bất lực vì Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Chúa Yesus đã không làm được phép lạ nào, như thế mới biết rằng: Con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, có thể dùng chính sự tự do của Ngài ban để khước từ Ngài.

17/ Tại sao con người lại khước từ Thiên Chúa?: Phép lạ là quà tặng cần được con người đón nhận với lòng tin. Phép lạ không phải là thứ phù phép có thể áp đặt lên người nhận. Hiểu được như thế, chúng ta mới có thể biết rằng: Có rất nhiều điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta, nhưng Ngài không thể làm được vì chúng ta không cho phép Ngài làm.****

 

Bài 2: HẬU QUẢ TỪ TÍNH GHEN TỊ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

18/ Làm sao chúng ta có thể nên Thánh?: Muốn nên Thánh, chúng ta phải để cho Chúa yêu ta, hãy để cho Chúa tự do hoạt động trong đời ta. Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Chúa, và nhờ Chúa  chúng ta có thể làm được nhiều việc lạ lùng .

19/ Tại sao nhiều người không tin Chúa? Dân làng Nazaret không tin Chúa chỉ vì Chúa là một người thợ chân tay, các môn đệ không tin Chúa vì thấy Chúa bị treo trên Thập Tự Giá. Nhiều người Do Thái không tin Chúa chỉ vì họ thấy Chúa sống như một con người thường , chúng ta không tin Chúa vì thấy Chúa ngự quá mong manh đang ẩn mình trong hình bánh. Thấy Chúa hiện diện trong những Linh Mục yếu đuối, bất toàn.

20/ Tôi đã tin Chúa như thế nào?: Tôi tin Chúa khi nhìn thấy Chúa ẩn mình trong những nơi mà thế gian chê bỏ. Tôi tập nhận ra Chúa bằng con mắt Đức Tin, vì tôi tin nên tôi phải khiêm tốn khi thấy Chúa tỏ mình ra thật bình thường trong cuộc sống của chính tôi /

21/ Vì sao Nazaret không muốn tin vào Chúa Yesus?: Câu chuyện Nazaret tiêu biểu cho nết xấu thèm khát. Nết xấu này đang có mặt trong đoạn Tin Mừng, nhiều người bà con lối xóm nơi Chúa Yesus sinh ra và lớn lên. Họ tức tối vì Ngài được tôn kính, ca tụng do những lời nói và việc làm lạ lùng của Ngài . Thèm khát phát sinh ganh ghét, nên họ từ chối không muốn nghe lời Ngài, không muốn tin Ngài, không muốn bước theo Ngài. Kết quả là Chúa Yesus chẳng thể làm phép lạ nào, chỉ vì họ cứng lòng tin.

22/ Thèm khát dẫn đến điều gì?: Thèm khát và ghen tị là chị em với nhau, thèm khát liên hệ đến điều người khác có. Còn ghen tị thì liên hệ tới sự chú ý và tình cảm mà người khác có được. Tôi buồn vì người khác đẹp hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi, giàu sang hơn tôi, nhà to cửa rộng hơn tôi. Phải chăng tôi buồn vì một ai đó được tôn trọng, được nể kính hơn tôi.

23/ Ước mơ có phải là điều xấu không? Nếu mơ ước được cái gì đó mà người khác đang có thì chưa phải là thèm khát. Mơ ước chỉ trở thành thèm khát khi mà chúng ta thiếu những thứ đó, chúng  ta sẽ buồn phiền, đau khổ, bất mãn.

24/ Hai giới răn nào có thể kềm hãm lòng thèm khát?:  Hãy đọc lại điều răn thứ chín và thứ mười , quy định rằng: Chớ muốn vợ/chồng người, thứ mười chớ tham của người. Như vậy thèm khát là ham muốn trái phép. Hầu hết các tội lỗi đều do sự ham muốn trái phép gây ra, ví dụ: Ham muốn tài sản của người khác, sẽ phát sinh: Tội ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp…

25/ Tính ghen tị xấu xa như thế nào?: Sự ghen tị nảy sinh ra tội nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian và nhiều hành động mờ ám khác nữa. Ghen tị là tội xấu xa nhất / vì nó đã đem lại cái chết cho Đức Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.

26/ Sự ghen tị gây ta mù quáng: Qua bài Tin Mừng: chúng ta thấy sự ghen tị có thể gây ra mù quáng cho những kẻ mà đáng lẽ họ có thể tin theo Ngài. Muốn diệt trừ tội ghen tị, khi thấy người khác được thành công, được may mắn. được kính nể, chúng ta hãy cảm tạ Chúa thay cho họ.

27/ Chúa Yesus đã làm gì với những kẻ đã chống đối Ngài?: Khi chúng ta bị người khác ghen tị, chúng ta hãy xin Chúa giúp họ chế ngự và sửa đổi lỗi lầm ấy. Chúa Yesus đã cầu nguyện cho những kẻ chống đối Ngài. Giờ đây chúng ta cũng hãy cầu nguyện để chúng ta có thể vượt thắng sự thèm khát và lòng ghen tị nơi bản thân chúng ta.

28/ Câu chuyện chú thỏ ngọc trên cung trăng: Đây là sự tích thỏ ngọc: Ngày xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế muốn biết cư dân ở trần gian sinh sống ra sao. Thượng Đế mới sai một ông tiên giả dạng người ăn mày già yếu xuống trần gian để quan sát. Ông lão đi  xin ăn và xin chỗ trọ. Nhà đầu tiên ông vào là nhà chó sói, sói mở cửa ra thấy ông lão rách rưới, già nua bèn nhe răng dữ để đuổi đi. Ông lão đến nhà thứ hai gõ cửa, là nhà con cáo: Con cáo chửi mắng thậm tệ nhưng chẳng cho gì. Sau cùng ông gõ cửa một căn nhà bé nhỏ, đây là nhà thỏ trắng. Thấy ông lão run rẩy dưới mưa, thỏ trắng vội mở cửa cho ông vào, thỏ đưa ông đến ngồi gần bên đống lửa, đem quần áo ướt của ông lão hong cho khô. Ông lão rên rỉ: Tôi đói quá thỏ ơi, chắc tôi chết mất!. Thỏ vội thưa: Mùa đông năm nay kéo dài, con đã ăn hết rau cỏ dự trữ, nhưng cụ cứ yên trí, thế nào con cũng tìm ra vài thức ăn đãi cụ. Thỏ chất thêm củi cho lửa cháy to hơn, giữa lúc ông già còn ngạc nhiên chưa biết thỏ định làm gì thì thỏ trắng đã nhảy vào đống lửa, tự hy sinh thân mình để làm món ăn cho ông lão ăn mày. Ông tiên lão đã về trời tường trình mọi sự cho Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng cho triệu tập sói, cáo và thỏ tới. Sói và cáo bị phạt nặng, còn thỏ thì được khen thưởng ở cung trăng như vị thần, nên người Trung Quốc gọi thỏ ở trên cung trăng là Ngọc Thố.

29/ Cáo và sói đã ân hận như thế nào?: Cáo và sói đã ân hận vì đã bỏ lỡ cơ hội, phải chi chúng nó biết ông lão là tiên ông thì chúng đã tiếp đón ân cần rồi, nhưng giờ thì đã muộn. Chúng muốn có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm để trở thành thần tiên, nhưng cơ hội đâu trở lại nữa.

30/ Người dân Nazaret đã bỏ lỡ cơ hội: Dân làng Nazaret hôm nay cũng đã bỏ lỡ cơ hội đón tiếng Đấng cứu thế. Con Thiên Chúa đã giả dạng làm một người thường đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông Yuse thợ mộc, họ chỉ biết gia đình đó nghèo, không có danh giá. Họ coi thường nên họ không tin, họ hất hủi và muốn hại chết Người. Họ đã bỏ lỡ cơ hội và Chúa Yesus sẽ chẳng bao giờ trở lại Nazaret nữa.

31/ Chúng ta có bỏ lỡ cơ hội không?: Hằng ngày chúng ta đã bỏ biết bao nhiêu cơ hội, chúng ta không đón tiếp Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những khổ đau chung quanh. Ta bịt tai không muốn nghe những tiếng kêu khóc, ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã.

32/ Chúng ta không nghe tiếng Chúa cảnh báo: Chúng ta không muốn nghe tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn, sám hối. Chúa nhắc nhở ta nhiều lần qua các đấng Bề Trên, qua các tai nạn, qua lời khuyên của người thân, bạn bè, qua lời phê phán của kẻ thù ghét ta. Biết đâu hôm nay cũng sẽ là lần cuối cho đời ta, Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nazaret ngày xưa vậy.

33/ Muốn nhận ra Chúa, chúng ta cần làm gì?: Chúng ta cần có Đức Tin mạnh mẽ, Đức Tin như ngọn đèn soi chiếu đêm đen, giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố.

34/ Muốn đón tiếp Chúa, chúng ta phải chuẩn bị thế nào?: Chúng ta phải có một trái tim mở rộng yêu thương, một đôi tai nhạy bén để nghe tiếng Chúa nói, cho dù tiếng nói ấy chỉ là thì thầm, ta có thể hiểu được dấu chỉ, cho dù dấu chỉ ấy chỉ là mơ hồ. Nhận ra khuôn mặt Chúa, cho dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những tai nạn đau thương của cuộc đời.

35/ Lời khuyên của Chúa: Lạy Chúa, xin cho con tỉnh thức để con nhận ra Chúa mỗi lần Chúa đến viếng thăm con. Amen ****

 

Bài 3: NGUYÊN NHÂN CHÚA BỊ KHƯỚC TỪ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

36/ Ghen tỵ là gì? Thế vận hội xuất phát từ các môn chơi của Hy Lạp diễn ra trên vùng thảo nguyên Olympia vào năm 716 Trước Công nguyên / Những thị trấn cổ thường tỏ lòng kính trọng những lực sĩ chiến thắng bằng việc dựng lên những tượng đài danh dự / Có câu chuyện kể về một thị trấn có lòng kính trọng vị anh hùng ở địa phương mình / đối thủ của vị anh hùng ganh tỵ đến nỗi một đêm kia anh ta đến đập phá và xô đổ bức tường / Bức tường đó đổ xuống và đè trúng anh ta chết luôn!

37/ Sự ghen tỵ dẫn đến thảm kịch gậy ông đập lưng ông / Sự lây nhiễm của lòng ghen tỵ là nguyên nhân khiến các Tiên tri thường không được kính trọng nơi quê hương mình! Sự ghen tỵ làm mờ con mắt Đức Tin / và chỉ có con mắt Đức Tin mới giúp ta nhìn thấy Thiên Chúa.

38/ Thành kiến và lòng ghen tỵ tác hại như thế nào? Với con mắt thành kiến, ta nhìn mọi vật cách hẹp hòi thiển cận / Chính vì thế mà những người đồng hương không nhận ra Chúa là Ngôn sứ, là Đấng Cứu Thế / Đây cũng là nguyên nhân khiến các Ngôn sứ bị rẻ rúng.

39/ Người có tình yêu, nhìn mọi vật bằng kính viễn vọng màu xanh / Còn kẻ ghen tỵ nhìn người khác bằng kính hiển vi (soi mói) / Người ghét chỉ muốn nhìn vào quá khứ, người đồng hương của Chúa Yesus không tin Người / Họ chỉ nhìn vào quá khứ của Chúa là một anh thợ mộc nghèo nàn / Cũng vì không tin nên họ không thấy, không nhận ra Người là Đấng Cứu Chuộc / Do đó Chúa đã không thực hiện được phép lạ nào / Họ đã bỏ mất cơ hội ngàn vàng!

40/ Thiên Chúa là Đấng Quyền năng: Ngài làm được mọi sự, nhưng Ngài đành phải bó tay trước sự cứng lòng của con người / Thiên Chúa đã bất lực trước những kẻ thiếu lòng tin / Vì đức tin là bảo đảm cho điều mà ta hy vọng / là bằng chứng cho những điều mà ta không thấy / Nhờ đức tin, các Tổ phụ đã được Thiên Chúa chấp nhận / Đức tin là con mắt để ta nhìn thấy Chúa / Là bàn tay để ta bám víu vào Ngài / là sức mạnh giúp ta vượt thoát được mọi trở ngại để đến được với Ngài.

41/ Phép lạ là quà tặng của Thiên Chúa / cần chúng ta đón nhận bằng đức tin / thì niềm tin là ân huệ của Chúa mà ta chỉ có thể nhận được qua lời cầu nguyện / Chúng ta cần phải cầu nguyện để có đức tin / Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã nói: “Để có đức tin, con người phải quỳ gối cầu xin”.

42/ Câu chuyện: Kẻ bị khước từ: Một cuộc bách hại tôn giáo xảy ra ở Sudan, Châu Phi năm 1960 / Một sinh viên công giáo tên là Taban / lánh nạn sang Uganda / Trong thời gian ở đây, anh đi tu, học làm Linh mục / Sau khi thụ phong Linh mục / Anh trở về quê nhà vì ở quê hương anh, tình hình bắt đạo đã lắng dịu / Anh được bề trên giao coi giáo xứ Palotaka, nhưng giáo dân không chịu tin ngài là Linh mục / Vì từ trước tới nay chưa có Linh mục nào người da đen / Hơn nữa, vì Linh mục Taban lại thuộc bộ lạc Madi cũng nghèo khổ như họ / Nhất là từ khi ngài giới thiệu những đổi thay của Công Đồng Vatican II / khiến họ càng nghi ngờ ngài là Linh mục giả mạo / Nhưng ngài vẫn không buồn, cũng chẳng nản lòng / Ngài vẫn kiên nhẫn phục vụ họ, giúp đỡ, lo lắng cho họ / Sau cùng giáo dân cả xứ đạo Palotaka chẳng những tin tưởng chấp nhận mà còn hết lòng quý mến ngài/ Vì thành kiến xấu, ta rất khó lòng chấp nhận người khác!

43/ Câu chuyện: Người thân từ khước: Đệ nhị thế chiến chấm dứt / Một người lính trẻ biên thư về cho cha mẹ, báo tin ngày anh sẽ trở về:

- Thưa cha mẹ, con có người bạn đồng ngũ bị tàn phế, chiến tranh đã cướp mất của anh một chân.

- Con cứ mời bạn con về ở với chúng ta, vì xưởng của cha cũng sử dụng được người còn đủ 2 tay / Nhận được thư, anh lính trẻ biên thư cho cha cậu và cho biết thêm: Thưa cha, anh bạn con chẳng những mất một chân mà còn mất cả 2 tay nữa / Người cha trả lời: con ơi, cha không thể nào nhận một người như thế! Thế là anh lính trẻ đó không trở về với cha mẹ được / vì anh chính là người tàn phế đó!

44/ Chúa Yesus bị ai từ chối? Không phải người dưng kẻ lạ từ chối, mà chính là những người đồng hương đã khước từ Chúa: “Chúa Yesus đã đến nhà Người / Nhưng người trong nhà không đón tiếp Người” / Cả chúng ta cũng là con cái Chúa / là môn đệ Người / Thật không còn đau xót nào bằng.

45/ Từ 2.000 năm qua, ai đã khước từ Chúa? Chúng ta vẫn tiếp tục khước từ Chúa qua việc khước từ các Sứ giả của Người / Qua việc khước từ những con người đau khổ, bệnh tật! Chúng ta có lần nào khước từ Chúa không? Chúng ta có lần nào xua đuổi Chúa không? (có đấy).

46/ Câu chuyện: Sẵn sàng tiếp nhận: Cậu Đavid bỏ nhà đi bụi đời / Thời gian sau cậu thấy khổ quá, nên viết thư về cha mẹ, xin tha cho cậu trở về / - Thưa cha mẹ, vài ngày nữa con có dịp đi ngang qua nhà cha mẹ, nếu cha mẹ bằng lòng nhận con trở lại, con xin cha mẹ cột miếng vải trắng lên cây nhãn trước nhà / Đúng như lời đã hẹn, 2 ngày sau cậu lên xe trở về, ngồi trên xe, đầu óc cậu cứ băn khoăn, lo lắng, không biết cha mẹ có cho cậu trở về không? Cha mẹ đã cột vải trắng lên cây nhãn trước nhà không? Gần đến nhà, tim cậu đập hồi hộp / Lúc gần đến nhà, cậu không dám nhìn tới trước mặt, sợ không thấy miếng vải trắng cột trên cây nhãn thì khổ thân / Cậu đành nhờ người bên cạnh / Thưa ông xin ông nhìn giúp coi trên cây nhãn có miếng vải trắng nào không? – Cậu ơi, cành nào cũng có miếng vải trắng cả. “- Chúa luôn sẵn sàng tiếp nhận, vì thương con người”.

 

Bài 4: SỨ MẠNG LÀM NGÔN SỨ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

47/ Kiểu khước từ của thế giới hôm nay: Ba Tin Mừng nhất lãm đã kể lại sự thất bại của Chúa Yesus / Vậy lý do gì Người bị chối từ? Ngày nay nhiều người vẫn có cùng một thái độ như người dân Nazarét lúc bấy giờ / Nhiều người nói: Tin Chúa, đồng ý / nhưng tin Giáo Hội, thì không / Vâng, Giáo Hội cũng như Chúa / nhưng có một khía cạnh rất đời thường của con người / Các Giám mục, Linh mục, Kitô hữu là những người mà ta đã biết quá rõ / Ngày nay cũng như ngày xưa, nhiều người bất bình với Giáo Hội / cũng như ngày xưa người ta bất bình với Chúa Yesus, với các Thánh Tông đồ.

48/ Bài Tin Mừng này thử thách lý tưởng của chúng ta như thế nào? Giáo Hội đã gây bất bình / Chúa Yesus cũng đã gây bất bình rất sâu xa / Chúng ta phải chấp nhận sự không hoàn hảo của Giáo Hội / Đây là một thực tế của việc Nhập Thể, vì Thiên Chúa là một trong những người ở trong làng / Thiên Chúa là người ở góc đường, Thiên Chúa là một học sinh nhà trường / Thiên Chúa là anh em của một người nào đó / Bởi vì: Ngôn sứ có bị coi rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính nơi quê hương mình! Đức Yesus bị khinh miệt nhất trong nhóm người thân của mình / Người ta lấy thái độ quá thân quen để có thể che khuất đi tính chất thâm sâu của một vị Thiên Chúa! Đời sống quá đơn giản của Chúa Yesus đã khiến cho nhân loại khinh miệt Người!

49/ Chúng ta hiểu thế nào về sự gần gũi với Chúa Yesus? Sự gần gũi đích thực với Chúa Yesus không phải là sự gần gũi thể lý, vật chất / Chúng ta thường có quan niệm sai lầm về một dấu chỉ, như khi ta nghĩ rằng: chỉ cần làm một vài cử chỉ bên ngoài là đương nhiên ta thuộc về gia đình Thiên Chúa / Cho nên Chúa Yesus đã khẳng định: “Không phải ai nói Lạy Chúa, Lạy Chúa, thì được vào Nước Trời cả đâu!” / Chúa Yesus nhận chúng ta là anh em, không dựa theo huyết thống, hay sự gần gũi thể lý / Nhưng là dựa vào đức tin được minh chứng bằng việc làm / Chúa Yesus đúc kết: “Kẻ nào làm theo Ý Thiên Chúa, đó là anh em, chị em và là mẹ của Thầy” (Mc 3,35) / Chúa Yesus đã tự mình đứng ra lập cho mình một gia đình riêng: “Đó là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

50/ “Người đã không làm được phép lạ nào, Người chỉ đặt tay lên một vài bệnh nhân”: Chúng ta nên hiểu câu này sao cho đúng đây? Đây là một mạc khải kỳ lạ, làm đảo lộn những tư tưởng có sẵn trong đầu của mỗi người chúng ta / Chúa đặt tay chữa lành bệnh, không thể gọi là phép lạ được? Vậy Chúa muốn dạy ta điều gì? Phải có đức tin, mới có phép lạ thật sự hay nói cách khác: mọi sự chữa lành mà không đưa người ấy đến việc đón nhận Đức Yesus trong đức tin thì không phải là một phép lạ thật sự, vì thiếu đi ý nghĩa cốt yếu của nó!

51/ Vậy phải hiểu chính xác như thế nào? Điều này có thể chứng minh rằng: phép lạ không đủ để ban đức tin / Những người ở Nazarét nói: bởi đâu tay ông làm được những phép lạ phi thường … trong những làng lân cận? Cho dù những phép lạ vĩ đại cũng không đủ để làm cho người ta hiểu được mầu nhiệm của bản thân Người / Và chúng ta cứ tiếp tục xin Chúa can thiệp để chứng minh: “Người là ai?” / Tuy nhiên, Chúa đã từng khuyến cáo chúng ta: “Người ta có thể nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4,12) / Và mặc dù Chúa Yesus đã làm những phép lạ lớn lao trước mắt họ, họ cũng đã không tin Người (Yn 12,37) / Điều đó cho chúng ta hiểu: tại sao một số Kitô hữu nghi ngờ phép lạ vào Giáo Hội luôn phải thận trọng như thế nào / so với những hạng người buôn thần bán thánh.

52/ Tại sao họ khước từ đức tin? Đây là đặc điểm trong suốt giai đoạn tác vụ của Đức Yesus / Chúa Yesus luôn đối diện với hiện tượng không tin / Đây cũng là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới ngày nay / Điều này luôn làm cho nhiều người suy nghĩ: chỉ có thời đại trước mới là thời đại của đức tin / Chúa Yesus đã đích thân giảng dạy trong làng của Người, là nơi tạm gọi là thanh sạch, bình an nhất vì đó là làng quê / Thế nhưng Chúa cũng không khơi dậy được đức tin trong làng quê của Người! Ngày nay biết bao bậc cha mẹ đang đứng trước hiện tượng này, khi đối diện với đám con cái của họ / Chính Chúa Yesus dù là Đấng Chí Thánh, cũng đã gặp những người không tin trong đám thân nhân của Ngài / Sự bất lực của Chúa Yesus trước đám người này, cho thấy Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người / Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của những con người mà Ngài tạo ra / Sự bất lực thần thiêng này khiến cho chúng ta phải quan tâm sâu sắc đến đức tin của chúng ta / Vì nó không luôn vững chắc như chúng ta tưởng vì: Đức tin của mỗi người trong chúng ta là một thực tại mỏng dòn, nên rất dễ bị đe dọa / Thế nên chúng ta phải luôn xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.

53/ Từ thất bại ở Nazarét, sau đó Chúa phải làm sao? Chúa thất bại, thay vì chịu thua, Người lại tiếp tục lên đường / Rút ra từ bài học này: khi chúng ta bị ngã thua, chúng ta mới có lòng cậy trong, mới xin ơn bền đỗ / Hãy chỗi dậy, mau tiếp tục lên đường / Cho dù là Ezekien cũng thất bại (2,15) cho dù là Phaolô, cũng thất bại (2Cor 22,7-10) nhưng các ngài không đầu hàng

 

Bài 5: NGÔN SỨ VÀ PHÉP LẠ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

54/ Ý thức của người Kitô hữu là gì? Mỗi người chúng ta thường có 3 thiếu sót: a) Thiếu ý thức về sứ mạng làm Ngôn sứ / b) Không dám nói về Chúa cho người khác nghe / c) Không dám can đảm bênh vực sự thật và sự công bình.

55/ Làm Ngôn sứ dễ hay khó? Khó, vì luôn phải gặp sự chống đối, khinh thường.

56/ Chúa Yesus đối diện với điều gì khi về Nazarét? Bắt đầu những người đồng hương rất ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những phép lạ Ngài đã làm ở những nơi khác / Sau đó họ nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài nên họ khinh ghét Ngài / Họ không còn tin Ngài nữa.

57/ Ngôn sứ nói tiếng của ai? Ngôn sứ không nói tiếng nói của loài người nhưng là nói tiếng nói của Thiên Chúa / Loài người thì thường lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau / Còn lời Thiên Chúa thì phải nói thẳng, nói thật, phải dạy dỗ, phải sửa lỗi / Cho nên tiếng nói của Thiên Chúa thường hay bị chói tai / Ngôn sứ nói lời Thiên Chúa thì thường không được người ta nghe mà còn bị ghét / Ngôn sứ Ezekien đã nói lời Thiên Chúa cho dân Do Thái, ông bị họ coi là phạm thánh và phản quốc / Yoan Tẩy Giả đã bị chém đầu vì dám vạch tội vua Herôđê /Các Ngôn sứ khác cũng không thoát khỏi lao đao, lận đận vì nói lời: Sự thật mất lòng!

58/ Ngày nay ai làm Ngôn sứ cho Chúa? Ngày nay có biết bao sự thật đang ê chề trong xã hội, Giáo Hội / Thiên Chúa đang rất cần đến những Ngôn sứ can đảm dám nói lên những điều đó / Nhưng buồn thay những cán bộ Tin Mừng hôm nay, đa số chọn thái độ giả điếc làm ngơ và ngậm miệng / Chỉ vì họ muốn yên thân / như thế là không thi hành chức năng Ngôn sứ của mình.

59/ Bổn phận của Ngôn sứ là gì? Có thể nói thẳng bằng lời bộc trực / Có thể khéo léo bằng lời nói tế nhị, nhưng không bao giờ được ngậm miệng không nói.

60/ Tiêu chuẩn nào để được Chúa chọn? Có 5 tiêu chuẩn được Chúa chọn: những người được Chúa chọn: không cần học cao, không cần tài ba, không cần khéo léo, đó là: con người yếu đuối / Con người hèn mọn, con người ngu dại, con người bị khinh khi / con người vô tích sự / Nhưng như Chúa nói với Thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi” (2Cor 12,9).

61/ Phép lạ là gì? Có 2 cách giải thích:

a) Nghĩa rộng: là những điều gì xảy ra có vẻ khác thường, xảy ra lạ hơn bình thường và không giống như người ta dự kiến / Ví dụ: trồng được một vườn cam ở sa mạc / Vì họ đã cố gắng lao động, kết hợp với khoa học kỹ thuật.

b) Nghĩa hẹp: theo nghĩa chính xác, phép lạ là điều không những kỳ diệu khác thường, mà còn xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên nữa / Ví dụ: có một người từ lầu cao té xuống, mà cứ lơ lửng giữa chừng, khi đó sự kiện đã xảy ra không theo quy luật tự nhiên nữa / nên được coi là phép lạ.

62/ Đối với người không đạo: Vì phép lạ nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thì cần phải có sự can thiệp của Thần thánh / Người không đạo, không tin Thần thánh nên không thể tin phép lạ.

63/ Đối với người Công giáo thì sao? Vì chúng ta tin vào quyền năng Thiên Chúa, nên chúng ta nhìn nhận có phép lạ / Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm: Thiên Chúa không làm phép lạ một cách bừa bãi đâu / Vì như chúng ta vừa trình bày ở trên: phép lạ là điều gì xảy ra ngoài quy luật tự nhiên / Nhưng quy luật tự nhiên do ai thiết lập nên? Thưa là chính Thiên Chúa / Vậy nếu Thiên Chúa đã thiết lập quy luật tự nhiên / thì đương nhiên Thiên Chúa cũng muốn cho vạn vật phải vận hành đúng quy luật tự nhiên mà Ngài đã thiết lập / Chỉ thỉnh thoảng khi nào có một lý do thật quan trọng thì Thiên Chúa mới cho một sự kiện xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên đó / Và khi đó mới là phép lạ.

64/ Vậy lý do nào quan trọng khiến Chúa phải làm phép lạ? Thường là đức tin / Khi phép lạ xảy ra để đáp ứng một lòng tin mạnh mẽ, vững vàng, hoặc để mời gọi những người chứng kiến để họ càng tin mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn.

65/ Trong sách Tin Mừng, khi nào Chúa làm phép lạ, khi nào không? Khi Chúa muốn chữa người mù từ thuở mới sinh, Chúa hỏi: “Con có tin không?” Người đó tuyên xưng đức tin thì Chúa mới làm phép lạ / Ngược lại, vua Herôđê không tin mà chỉ muốn Chúa làm phép lạ để ông xem cho thỏa tính hiếu kỳ, thì Chúa không làm phép lạ nào hết / Trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế, những người đồng hương của Chúa Yesus ở Nazarét một mặt khinh thường Chúa chỉ là con bác thợ mộc nghèo nàn, tầm thường / Nhưng mặt khác khi nghe biết Chúa Yesus đã làm nhiều phép lạ ở những nơi khác thì họ cũng muốn Đức Yesus làm phép lạ ở quê hương Nazarét để họ được hưởng nhờ / Chúa Yesus không làm vì Ngài không muốn thỏa mãn tính tò mò vụ lợi của họ.

66/ Tâm tình của người nhẹ dạ ra sao? Họ rất dễ tin, hơi một chút gì cũng coi là phép lạ / Có những người rất hay cầu xin phép lạ (xin trúng số, xin khỏi bệnh,…) / Nói như thế không phải là bảo chúng ta không nên cầu xin nữa / Nhưng đừng đặt vấn đề lạ thường, lợi lộc mà hãy vì khía cạnh đức tin / Nếu nó xảy ra để giúp con người càng tin vững vào Chúa hơn / Chúng ta đừng giữ đạo vì phép lạ / Nếu không có phép lạ nào thì chúng ta bỏ Chúa sao? Người đàn bà loạn huyết hay ông Giai-a / họ tin Chúa đâu phải vì đã thấy phép lạ.

67/ Giáo Hội luôn rất thận trọng trong những biến cố lại thường làm dư luận xôn xao, các ngài vẫn im lặng, nghiên cứu kỹ một thời gian dài rồi mới tuyên bố!

 

TÓM Ý

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Nhiệm vụ của người sứ giả là gì?: Sứ giả là người nói Lời Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa chọn để sai đi loan truyền tin vui cứu độ cho muôn dân. Chúa Ki-tô là Đấng Thiên Sai, Ngài đến để mạc khải về Thiên Chúa cho chúng ta.

2/ Số phận của sứ giả là gì?: Trong đời sống công khai, Chúa Yesus luôn bị chống đối, khinh miệt. Người trở về nhà nhưng người nhà không đón nhận, Chúa Yesus bị chính những người đồng hương chống đối. Chúa Yesus cũng xác định số phận của các môn đệ : Các con sẽ chịu đau khổ, bị bắt bớ, bị điệu ra tòa. Cuộc đời các sứ giả của Thiên Chúa sẽ gắn liền với khổ đau, thập giá. Số phận các môn đệ cũng giống với số phận của Thầy Chí Thánh : “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo ta.”

3/ Người Do Thái đã nghĩ gì về Chúa Yesus?: Chúa Yesus đi khắp nước Isra-el để loan truyền Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, đem lại bao lợi ích cho con người nhưng họ lại cho Ngài là kẻ thông đồng với ma quỷ: là kẻ phạm thượng, quỷ ám, điên khùng.

4/ Các vị lãnh đạo đã nghĩ gì về Chúa Yesus?: Chúa Yesus đem lại bình an, đem chân lý đến và thiết lập Nước Chúa thì họ cho là Chúa lập mưu phản loạn. Họ bắt bớ, tìm cách để kết án và giết chết Chúa!

5/ Con đường Thập Giá đưa các sứ giả tới đâu? Thập giá là con đường đưa tới vinh quang. Cuộc đời sứ giả của Chúa sẽ được gắn liền với Thập Giá, khổ đau / vì từ nơi Thập Giá, ơn cứu độ sẽ được thể hiện qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô.

6/ Con đường Thập Giá sẽ đưa sứ giả tới đâu?: Đau khổ đưa tới vinh quang, Thập giá đưa tới phục sinh, đó chính là cùng đích khiến cho người sứ giả can đảm loan truyền Lời Chúa. Thập Giá hòa giải con người với Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ.

7/ Thái độ chúng ta phải có trước Thập Giá là gì?: Chúng ta phải sẵn sàng chịu đóng đinh với Chúa Ki-tô, đó là hy sinh mọi sự từ bỏ ý riêng để phục vụ ý Chúa, Đức Ki-tô đã trở nên nguyên lý và là nguồn ơn cứu độ.

8/ Dân Nazaret phản ứng thế nào?: Họ hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Chúa Yesus. Nếu họ có chút chân thành tìm kiếm, họ đã gặp được Chúa. Tiếc thay họ bị ám ảnh bởi quá khứ khó nghèo của Chúa khi cho rằng Chúa chỉ là con bác thợ mộc khiêm tốn, không có chút hào quang nào, họ bị ám ảnh bởi những thứ họ đã thấy trước mắt nên đã mất cơ hội tìm gặp được Chúa.

9/ Thành kiến đáng sợ như thế nào?: Thành kiến như bức tường che khuất tầm nhìn, một quá khứ nghèo khó khiến cho họ bị vấp phạm và không thể tin Chúa là một ngôn sứ, càng không thể tin Ngài là Đấng Messia và chắc chắn là họ sẽ không bao giờ nghĩ người đồng hương của mình lại là Ngôi Hai Thiên Chúa.

10/ Hôm nay ta thấy Chúa thế nào? Hôm nay chưa chắc chúng ta có thể khá hơn dân thành Nazaret. Chúng ta có thể cũng đóng khung Chúa khiến cho ta chỉ có thể nhìn được một phần khuôn mặt của Chúa. Có những người quen biết luôn sống cạnh ta, nhưng ta chưa bao giờ hiểu họ. Điều chúng ta biết có thể đúng nhưng chưa đủ.

11/ Hình ảnh của Chúa Yesus Nazaret như thế nào?: Chúng ta được giới thiệu về một Thiên Chúa toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự. Trong khi chúng ta thấy hình ảnh Chúa Yesus Nazaret hôm nay là một Thiên Chúa nghèo khó, bất tòan, bất lực. Vì Ngài đang phải bó tay trước sự cứng lòng của con người / vì họ không tin, vì họ đã dùng chính sự tự do để chống lại Ngài.

12/ Tại sao con người lại khước từ Thiên Chúa?: Phép lạ cần được con người đón nhận với lòng tin chứ không phải là thứ phù phép áp đặt. Chúng ta cần hiểu rằng: Có rất nhiều điều Thiên Chúa muốn làm cho ta nhưng Ngài không làm được vì chúng ta không cho phép Ngài làm.

13/ Làm sao chúng ta có thể nên Thánh?: Chúng ta hãy để cho Chúa yêu thương ta, hãy để cho Chúa tự do hoạt động trong ta. Nhờ Chúa, chúng ta có thể làm được nhiều điều kỳ công.

14/ Tại sao người ta không tin Chúa?: Dân Nazaret không tin Chúa chỉ vì Chúa là một anh thợ mộc. Các môn đệ không tin Chúa vì thấy Chúa bị treo trên Thập Giá. Người Do Thái không tin vì thấy Chúa sống như một con người thấp hèn. Chúng ta không tin Chúa vì Chúa là hiện thân của sự mong manh trong hình bánh, vì thấy Chúa hiện diện trong một Linh Mục yếu đuối, bất toàn.

15/ Có cách nào để giúp chúng ta thấy Chúa?: con tin Chúa khi thấy Chúa ẩn mình trong những nơi mà thế gian chê bỏ. Con tập nhận ra Chúa bằng con mắt Đức Tin, Đức Tin của con phải khiêm tốn thì con mới có thể thấy Chúa trong cuộc sống thật bình thường của con.

16/ Vì sao dân Nazaret không muốn tin Chúa?: Câu chuyện này nói lên nết xấu thèm khát. Những người bà con lối xóm của Chúa tức tối vì Chúa được tôn kính, ca tụng do những lời nói và việc làm lạ lùng Ngài làm. Thèm khát sẽ phát sinh ghen ghét, khiến cho họ không muốn tin, không muốn nghe lời Ngài.

17/ Thèm khát dẫn đến điều gì?: Thèm khát là chị em với sự ghen tị. Thèm khát có liên hệ đến những gì người khác có. Còn ghen tị liên hệ đến sự chú ý và tình cảm mà người khác có được. Những gì họ có đều hơn tôi, thứ gì họ cũng hơn tôi nên tôi ghen tị, ganh ghét. Mơ ước thì không xấu nhưng thèm khát thì xấu ,vì nó làm cho ta đau khổ .

18/ Có cách nào kềm hãm sự thèm khát?: Có 2 giới răn ngăn chặn và kềm hãm sự thèm khát: Chớ muốn vợ chồng người khác và chớ tham của người khác. Thèm khát là ham muốn trái phép, mọi tội lỗi đều do sự ham muốn bất chính gây ra, ham muốn của người khác sẽ phát sinh trộm cắp.

19/ Cái xấu của ghen tị: Ghen tị nảy sinh nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian và làm nhiều hành động mờ ám khác. Ghen tị đã đem lại cái chết cho Đức Ki-tô.

20/ Chúa Yesus đã làm gì với những kẻ chống đối Ngài?: Khi chúng ta bị người khác ghen tị, chúng ta hãy xin Chúa giúp họ chế ngự, và sửa lỗi lầm ấy. Chúa Yesus đã cầu nguyện cho những kẻ chống đối Ngài. Chúng ta cũng phải cầu xin Chúa giúp ta chế ngự sự thèm khát và ghen tị nơi bản thân chúng ta.

21/ Đừng bỏ lỡ cơ hội: Người Dân Nazaret đã bỏ lỡ cơ hội. Cáo và sói trong câu chuyện “Thỏ ngọc” cũng bỏ lỡ cơ hội. Dân Nazaret đã bỏ lỡ cơ hội đón tiếp Đấng cứu thế, con Thiên Chúa đã nhập thể và sống giữa họ mà họ không biết. Họ đã coi thường nên họ đã không tin, họ hất hủi, muốn hại chết Ngài. Chúa Yesus đã bỏ ra đi và không bao giờ trở lại nữa.

22/ Chúng ta có bỏ lỡ cơ hội không?: Chúng ta cũng đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội. Khi Chúa đến viếng thăm mà chúng ta không chịu đón tiếp, khi ta bịt mắt lại không thèm thìn thấy những khổ đau của anh em và làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã.

23/ Muốn nhận ra Chúa ta phải làm gì?: Chúng ta không muốn nghe tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa nhắc nhở ta nhiều lần qua các Đấng bề trên, qua các tai nạn, qua bạn bè người thân, qua các lời phê phán . Hôm nay sẽ là lần cuối, biết đâu Chúa sẽ bỏ đi và không quay trở lại nữa.

24/ Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào?: Chúng ta cần có Đức Tin mạnh mẽ, giúp ta nhận ra Chúa trong anh em. Chúng ta cần có trái tim rộng mở yêu thương, có đôi tai nhạy bén để nghe tiếng Chúa nói, cho dù là tiếng thì thầm, cho dù là dấu chỉ, cho dù là khuôn mặt bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

25/ Lời cầu xin: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức để nhận ra Chúa trong mỗi lần, mỗi cách Chúa đến viếng thăm con. Xin cho con đừng dùng sự tự do Chúa ban để xua đuổi, chống đối Chúa. Amen.****

GIUSE LUCA / KINH THÁNH EMMAUS

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2103
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  861
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11351165
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top