Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN XVII Thường Niên - B / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN / B 

ĐỀ TÀI: CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Lc 7, 16

Halêluia. Halêluia. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân người. Ha-lê-lui-a.

PHÚC ÂM:  Ga 6, 1-15

“Đức Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an:

1 Hôm ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

 5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!" 10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Thánh Augustino đã nói gì về sự tự do của con người ?

2/ Ai đã cộng tác với Chúa Yesus để có phép lạ hóa bánh ?

3/ Vua Đavit đã cộng tác với Chúa thế nào ?

4/ Mẹ Maria đã cộng tác với Thiên Chúa ra sao ?

5/ Các Tông Đồ đã cộng tác với Chúa thế nào ?

6/ Người Ki-tô hữu đã cộng tác với Chúa thế nào ?

7/ Kết quả từ những cộng tác bé nhỏ của chúng ta ?

8/ Lời dạy của Đức Yoan Phaolo II.

9/ Chúng ta đặt niềm tin vào Chúa được bao nhiêu ?

10/ Hôm nay Chúa Yesus muốn nói gì với chúng ta ?

11/ Chúa Yesus chờ đợi gì nơi mỗi người chúng ta ?

12/ Duy tâm mang ý nghĩa gì qua hành động của Đức Ki-tô ?

13/ Kinh nghiệm sống của Chúa Yesus được thể hiện như thế nào ?

14/ Trách nhiệm của các Môn Đệ ở đâu ?

 

15/ Thiên Chúa có thể làm gì khi con người bất lực ?

16/ Bộ mặt thế giới hôm nay như thế nào ?

17/ Có bao nhiêu người Ki-tô hữu biết động lòng trắc ẩn ?

18/ Cái khôn của em bé ở chỗ nào ?

19/ Nhân phẩm của con người nằm ở đâu ?

20/ Vì sao thế giới lại đói ?

21/ Một điều chúng ta cần suy tư.

22/ Những điều nào làm phát sinh ra nạn đói ?

23/ Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ?

24/ Bài học thứ nhất từ phép lạ.

25/ Hãy cộng tác với Chúa.

26/ Hãy trân trọng ơn Chúa ban.

27/ Phản ứng dây chuyền.

28/ Hãy tìm của cải thiêng liêng.

29/ Giải pháp cốt cán là gì ?

30/ Vì sao Chúa phải trốn đi ?

31/ Một lời cầu xin.  ***

 

Bài 1: PHẦN ĐÓNG GÓP NHỎ BÉ CỦA CON NGƯỜI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Một câu nói giá trị của Thánh Augustinô: Khi Thiên Chúa muốn tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến một ai. Nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta đồng ý và cộng tác với Ngài. Bởi vì điều quý giá nhất mà Chúa ban cho con người, đó là sự tự do.

2/ Ai đã cộng tác với Chúa khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ? Khi Chúa Yesus ở trong hoang địa, ma quỷ đã đến cám dỗ Ngài rằng: Hãy làm cho những hòn đá này trở nên bánh mà ăn. Nhưng ở đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Yesus đã không hành động như vậy. Chúa đã làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá từ một khẩu phần ăn khiêm tốn của một em nhỏ tự nguyện dâng lên cho Chúa để nói lên phần đóng góp nhỏ nhoi của mình.

3/ Cậu bé Đavít đã cộng tác với Chúa như thế nào? Trong Cựu Ước, cậu chỉ là một cậu bé chăn chiên tầm thường, nhưng nhờ cộng tác với Chúa, cậu đã chiến thắng trước tên khổng lồ Goli-at và trở nên một vị vua nổi tiếng của Dân Do Thái.

4/ Tiên tri Giêremi-a là người như thế nào? Tiên tri Giêremi-a là một cậu bé còn quá trẻ, chưa biết ăn nói. Nhưng nhờ vâng lệnh Chúa, ông đã trở nên một tiên tri sáng chói.

5/ Mẹ Maria đã cộng tác với Thiên Chúa như thế nào? Mẹ Maria chỉ là một cô thôn nữ âm thầm, bé nhỏ, không được ai biết đến. Nhưng sau lời xin vâng là mẹ đồng ý cộng tác với Thiên Chúa. Mẹ Maria đã trở nên mẹ Chúa Ki-tô, mẹ Đấng cứu thế, Mẹ của chính Thiên Chúa Ngôi Hai.

6/ Cách các tông đồ cộng tác với Chúa như thế nào? Các ông phần đông chỉ là những ngư phủ quê mùa, dốt nát, tâm hồn đơn sơ chất phác. Thế nhưng một khi đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, thì Chúa đã biến đổi các ông thành những sứ giả Tin Mừng, là những chứng nhân của tình thương và chân lý. Tiếng nói của các ông đã vang vọng khắp nơi.

7/ Người Ki-tô hữu cộng tác với Chúa như thế nào? Nhìn vào lịch sử Giáo hội, chúng ta nhận thấy có biết bao nhiêu kẻ tội lỗi, kẻ tầm thường. Nhưng một khi họ đã quay về với Chúa, cộng tác tích cực với Chúa. Họ đã làm nên những việc trọng đại và kỳ diệu.

8/ Kết quả từ những phần cộng tác bé nhỏ: Có khi những việc chúng ta cho là bé nhỏ tầm thường, nhưng dưới tác động của Chúa, nó sẽ trở nên to lớn và có một giá trị đáng kể. Một giọt nước lã thì quả là tầm thường, nhưng nếu giọt nước ấy được hòa tan trong chén rượu và sau lời truyền phép của vị chủ tế, nó cũng sẽ trở nên  máu Thánh Chúa Ki-tô.

9/ Chúng ta đã cộng tác với Chúa như thế nào? Bởi một điều thật quan trọng đó là chúng ta đã thật sự sống theo sự hướng dẫn của Chúa hay chưa? Chúng ta đã thật sự cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa bản thân, gia đình và môi trường xã hội hay chưa ?

10/ Một chút đóng góp của Mẹ Thánh Tê-rê-xa Calcutta: Ngày kia có một nữ tu tuổi trung niên. Bà đến Ấn Độ và nhìn thấy  những hoàn cảnh sống bi đát của họ: bà tự nhủ: tôi phải làm một điều gì đó mới được. Thế rồi bà dùng tất cả tiền bạc đang có. Bà đã thuê một căn nhà ọp ẹp với chiếc sàn dơ dáy. Ngày hôm sau bà đi khắp vùng lân cận, tìm những đứa con nít lang thang, bị bỏ rơi, đem về và dạy dỗ chúng. Bà dùng căn nhà cũ ấy làm phòng học, cho dù không có lấy một chiếc bàn, một chiếc ghế nào. Bà đã dùng sàn nhà làm bảng viết. Đó là cách bà sử dụng những thứ đang có trong tầm tay để chiến đấu chống lại sự nghèo dốt. Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ này và công việc của bà? Đây là một câu trả lời thật cảm động: hiện nay bà đã có 80 trường học được trang bị đầy đủ. Năm trăm nhà phát chẩn lưu động hiện đại. Bảy mươi bệnh viện cho người cùi, ba mươi nhà chăm sóc cho kẻ hấp hối, ba mươi viện chăm sóc cho những trẻ em bị bỏ rơi với hơn bốn mươi ngàn người tình nguyện viên trên khắp thế giới sẵn sàng giúp đỡ bà. Người phụ nữ đó chính là mẹ Thánh Te-rê-xa Calcutta.

11/ Phần đóng góp của cận bé như thế nào? Khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy: Cậu bé nọ có 5 chiếc bánh và hai con cá nhỏ, cậu đã mang đến để cho Chúa thết đãi đám đông và Chúa Yesus đã thực hiện điều tiếp theo. Cuối cùng, năm ngàn người đã được ăn no nê. Điều này Mẹ Thánh Tê-rê-xa Calcutta cũng đã làm. Bà cũng trao cho Chúa bánh và cá để Chúa thực hiện điều tiếp theo và Chúa đã nhân lên gấp bội.

12/ Ý nghĩa từ lời dạy của Đức Yoan Phao-lô II: Nếu một mình phải đối đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ thấy mình không đủ khả năng và lo sợ trước tương lai của công việc,nhưng nếu có Chúa trợ giúp ,chúng ta chẳng lo sợ gì .

13/ Chúng ta đã đóng góp cho Chúa được bao nhiêu? Hãy đặt cuộc đời của chúng ta trong bàn tay của Chúa. Chúa sẽ chấp nhận và sẽ chúc lành cho chúng ta. Chúa cũng sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta trở nên tốt đẹp, vượt hơn cả điều chúng ta đang mơ ước.

14/ Chúng ta đã làm gì với năng lực của bản thân chúng ta? Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã đặt vào tay Chúa bao nhiêu phần trăm cuộc sống và khả năng của chúng ta để cho Chúa sử dụng theo ý muốn của Ngài? Chúng ta có dâng hiến bản thân và năng lực của mình đang có như Mẹ Thánh Tê-rê-xa Calcutta đã làm chưa?

15/ Chúa Yesus đã nói gì với chúng ta hôm nay? Đã từ lâu, Chúa Yesus muốn nói với chúng ta: Thầy cần trí não, đôi chân, đôi tay và môi miệng của con. Vì ngày hôm nay với thế giới rộng lớn này. Thầy muốn nhờ đôi chân các con để mang Thầy đến với những kẻ bất hạnh. Thầy muốn nhờ đôi tay của các con để có thể vươn tới những kẻ yếu đuối, khốn cùng, thầy chỉ biết nhờ môi miệng của các con để có thể nói cho mọi người biết về tình thương của Cha Thầy.

16/ Tóm lại ý Chúa muốn: Chúa luôn mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa, để Ngài thực hiện những phép lạ, y hệt những phép lạ mà Chúa đã làm trong Phúc Âm. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Chúa điều gì, Ngài cũng sẽ sử dụng nó để thực hiện những điều vĩ đại, mang lại kết quả vượt qua những mong ước của chúng ta. Chúa đã làm qua phép lạ hóa bánh, qua bàn tay của Thánh Martin da đen, qua mẹ Thánh Tê-rê-xa Calcutta. Và thời đại hôm nay Chúa cũng đang mong chờ sự quảng đại của từng con người luôn xưng danh mình là Ki-tô hữu. Liệu rằng Chúa có phải chờ đợi lâu không? Ai sẽ là người xung phong đưa tay lên ?***

 

Bài 2: HÃY BIẾT ĐỘNG LÒNG XÓT THƯƠNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

17/ Duy tâm là gì? Người ta nghĩ thế nào về đạo? Nhiều người cho rằng: Ki-tô giáo là một thứ duy tâm, chỉ biết có đời sau, chỉ lo cho linh hồn mình, nhưng khi đọc Tin Mừng chúng ta thấy  mọi sự khác hẳn: Chúa Yesus vừa rao giảng Nước Trời, vừa chữa các loại bệnh tật cho dân chúng. Chúa quan tâm đến sức khỏe nơi thân xác con người, Ngài đem lại ơn cứu độ cả hồn lẫn xác.

18/ Kinh nghiệm sống của Chúa Yesus là gì? Chúa Yesus từng nếm trải cái đói trong hoang địa, cái khát khi đi trong hoang mạc và đến bên bờ giếng Gia-cob. Cái mệt khiến Ngài ngủ vùi trên mạn thuyền, các lạnh giá của những đêm không có chỗ trọ. Ngài biết con người có biết bao nỗi khổ trong thân xác, khi thấy đám đông kiên trì theo Chúa, Chúa Yesus biết lòng họ thì mừng vui nhưng bụng họ thì đang kêu gào vì đói. Chúa muốn tặng họ một bữa ăn đơn sơ, bất ngờ, một bữa ăn tập thể, ngoài trời trên thảm cỏ, bữa ăn tuy đơn sơ nhưng niềm vui lại rất trọn vẹn.

19/ Trách nhiệm của các môn đệ ở đâu? Một câu hỏi khiến các ông phải động não. Chúng ra mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Chúa Yesus muốn thử mối bận tâm của các ông, Chúa cần các ông cộng tác. Nhưng đây như là một bài toán khó, câu hỏi này sẽ giúp các môn đệ nhận ra sự bất lực của mình. Cho nên dù có một số tiền lớn, cũng chẳng thể giải quyết được gì.

20/ Thiên Chúa đã làm gì khi con người bất lực? Khi con người bất lực thì chính là lúc Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng. Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ từ tay một cậu bé con, đến tay Chúa Yesus đã trở nên lương thực nuôi năm ngàn người.

21/ Bộ mặt thế giới hôm nay như thế nào? Thế giới hôm nay tiến bộ rất nhanh, rất giàu có nhưng vẫn chỉ là một thế giới đói khát. Đừng kể đến cái đói tinh thần. Cái đói thân xác cũng đang làm cho chúng ta quay quắt: Đói cơm ăn áo mặc/ Đói nhà ở, đói thuốc men, đói nước sạch, đói rau sạch, đói an toàn lao động, đói không khí trong lành, đói không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi.

22/ Có bao nhiêu Ki-tô hữu biết động lòng? Đã có ai biết xót xa trước cảnh đói trên đây? Đã có ai dám bắt tay vào cuộc với niềm tin? Ai cũng có nhiều bánh nhiều cá, nhiều thịt, nhiều vàng bạc đang để dành nhưng có mấy ai dám cộng tác với Chúa.****

23/ Cái khôn của em bé: Cái khôn của em bé cũng là cái khôn của bà góa thành Sarepta. Bà góa chỉ còn chút bột, bà và con bà sẽ ăn ,sẽ hết và sẽ chết. Nhưng khi dâng chút thực phẩm ấy cho người của Thiên Chúa là Elia, thì hũ bột của bà không vơi và bình dầu không hề cạn. Với năm chiếc bánh và 2 con cá, em bé có ăn một mình thì cũng chỉ 5-10 phút là hết. Nhưng nếu em dâng lên cho Chúa Yesus thì một phép lạ vĩ đại sẽ xảy ra và chắc chắn là em sẽ được Chúa chúc phúc và em sẽ không bao giờ phải thiếu bánh ăn nữa.

24/ Nhân phẩm con người nằm ở đâu? Tất cả những gì giúp cho đời sống con người được thăng tiến, thì đều là việc thánh thiện, đều là việc của Chúa. Khi thân xác con người được sống xứng hợp, thì cũng là lúc tâm hồn con người vươn lên tới các giá trị tinh thần đúng với địa vị mà Thiên Chúa muốn, thì cũng chính là lúc nhân phẩm con người được tôn trọng.

25/ Vì sao thế giới lại đói? Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một trái đất đủ nuôi sống mọi người. Chúng ta đừng trách Thiên Chúa tạo ra nghèo khổ, chúng ta chỉ nên nhận rằng: Bất công đang nằm ngay trong cõi lòng mình, xã hội còn nhiều người đói vì tôi không dám chia sẻ điều mình dư thừa. Tôi đang bị cuốn hút vào cơn lốc biệt thự, siêu xe, thời trang, mua sắm, cố phiếu, kho tàng. Tôi đang sống xa lạ với những ông Yesus chung quanh tôi, họ đang đói khát, không nhà ở, không việc làm, họ đang trần trụi, đau yếu, cô đơn.

26/ Một điều ước: Ước gì tôi có thể yêu mến những con người hiện thân như là Chúa Yesus. Nếu hôm nay tôi chưa làm được thì rõ ràng tôi cũng đâu khác gì giới lãnh đạo và dân chúng Do Thái thời Chúa Yesus? Họ thấy nhưng họ không tin, họ nghe nhưng họ không thực hiện. Thế thì người đáng trách không phải là chính tôi hay sao?

27/ Hậu quả từ việc đói thân xác: Đói thân xác dẫn đến thất học, hư hỏng, sa đọa, tội ác, mất nhân phẩm, trật tự bị rối loạn, không có những điều kiện tối thiểu để sống cho ra con người, đói dễ dàng đi đến mất nhân phẩm.

28/ Bị đối xử bất công, bị áp đặt phát sinh ra đói: Sự chênh lệch quá mức giữa giàu và nghèo sẽ phát sinh ra giai cấp chủ tớ, của đế quốc và nô lệ, của kẻ thống trị và người bị trị. Từ đó luật pháp không còn nói lên sự công bình mà chỉ là công cụ đại diện cho sự bất công.

29/ Một tâm hồn quảng đại: Một thanh niên ở Mỹ có tên là Gary Hopson, người của thành phố Chicago, anh ta thường đọc báo và chú ý tới những người gặp nạn để đi tìm và giúp đỡ. Tâm hồn anh thanh niên quảng đại này có nét giống với tâm hồn của Chúa Yesus. Chúa Yesus không sao cầm lòng khi nhìn thấy đám đông đói khát, Chúa không thể để cho mặc họ ra về, Chúa cảm thấy phải có trách nhiệm lo cho họ ăn.

30/ Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh: Giữa nơi hoang vắng không hàng quán, cũng chẳng ai có thể đủ tiền để mua bánh cơm cho hàng chục ngàn người ăn. Nên Chúa Yesus đã làm phép lạ để nuôi dân. Qua phép lạ này, Chúa muốn hé mở cho người ta thấy trái tim hay thương xót và quyền năng cao cả của Người. Đồng thời Chúa cũng muốn đào tạo trái tim nhân ái cho chúng ta .

31/ Bài học thứ nhất: Lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Vì nếu cảm thương suông thì nó sẽ biến thành một hình thức giả dối ,hoặc lấy lý do ngại ngùng, do thiếu phương tiện.

32/ Vì sao các tông đồ thoái thác? Các tông đồ muốn nại lý do để thoái thác, nhưng Chúa Yesus bắt buộc họ thấy việc tốt thì phải cố gắng làm. Dù khó mấy cũng phải vượt qua.

33/ Hãy cộng tác với Chúa: Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào chương trình của Người. Chúa có thể biến đá thành bánh, nhưng Chúa vẫn muốn nhận sự đóng góp của em bé, của mỗi người chúng ta. Sự đóng góp đó tuy nhỏ, nhưng rất cần thiết. Đây là khởi điểm để Chúa có thể làm, đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc hãy cố gắng đóng góp phần mình. Tuy ít, nhưng Chúa sẽ làm nốt phần còn lại.

34/ Nghĩa cử của em bé thật đáng khen: Ở đây ta cần ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh, giữa nơi hoang vu vắng vẻ. Trước một đoàn người đông đảo đang đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ để nâng giá hầu tìm chút lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại khi dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại này của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn con người.

35/ Hãy trân trọng ơn Chúa ban: Đói khát đi đôi với thừa mứa. Thiếu thốn cũng đi đôi với phung phí. Những con người vừa trải qua cơn đói, nay lại dám vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đây là những trạng thái trái ngược hiện nay trên khắp thế giới. Chúa Yesus đã sai các môn đệ đi lượm lại những mẩu bánh dư thừa, Chúa muốn dạy cho mọi người hãy biết tiết kiệm ơn Chúa vừa ban, biết tiết kiệm là biết quý trọng của cải của người khác.

36/ Phản ứng dây chuyền: Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn, tôi tiết kiệm để có thứ hầu chia sẻ cho người khác. Nếu tôi muốn giúp đỡ anh em thì tôi phải làm việc và cầu nguyện thật nhiều. Tiết kiệm vì công bình, tiết kiệm vì lợi ích của người khác. Thế giới luôn có người đói nghèo không phải là do thiếu nguồn tài nguyên. Nhưng vì tài nguyên không phân phối đồng đều, vì người giàu có tiêu xài phí phạm. Vì người mạnh luôn chèn ép, ăn hiếp kẻ yếu. Vì có tiếng là cứu trợ nhưng có khi có một lưỡi câu ẩn chứa bên trong ,khiến cho ai ăn cục mồi đó cũng đều phải rơi nước mắt.

37/ Hãy tìm lương thực thiêng liêng: Vật chất luôn cần cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả, vì con người giàu có nhất thế giới cũng phải chết / quá nô lệ vào vật chất thì tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho phần xác chỉ là giải pháp nhất thời/ sống hôm nay chỉ là sống tạm .

38/ Có nhiều thứ nạn đói: Muốn phát triển, con người cần giải quyết các nạn đói khác: Đói văn hóa, đói đạo đức, và trên hết là đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh ngày càng lớn, cơn đói tâm linh càng mãnh liệt.

39/ Vì sao Chúa phải trốn đi? Đáp ứng được nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh sẽ giúp con người được phát triển toàn diện. Chúa Yesus bỏ trốn vì không muốn bị tôn lên làm vua vì Chúa muốn những kẻ đi tìm Chúa phải tỉnh ngộ, phải vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, để đạt tới giá trị tâm linh /đến với Chúa không phải vì được ăn no .

40/ Bài học Chúa muốn dạy! Qua phép lạ này, Chúa muốn đào tạo trái tim chúng ta, Người muốn trái tim chúng ta mở ra để biết cảm thương anh em đồng loại, Người muốn sự cảm thương ấy trở thành những hành động cụ thể bằng sự quảng đại, bằng sự tiết kiệm, bằng sự giúp ích cho nhiều anh em, để họ cũng trở thành con Thiên Chúa .

Lạy Chúa! Con Xin dâng tâm hồn con lên tới Chúa.****

 

Bài 3: CHIA CƠM SẺ ÁO

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

41/ Ông Mahamat Gandi đã quan niệm như thế nào về của cải? Theo quan niệm của ông, về một khía cạnh nào đó à bất cứ người nào trong chúng ta đều có thể là một tên ăn cắp / Bởi vì khi chúng ta có quá nhiều vật dư thừa / trong khi có nhiều người khác đang thiếu thốn những cái tối thiểu / Trong khi chúng ta có quá nhiều thứ không xài đến, chỉ là của để dành, chẳng cần thiết nếu không có nó / thì những vật đó chính là của ăn cắp / Vì có thể chúng ta đã lấy nó, những thứ mà người nghèo đang cần / chỉ vì chúng ta đã nhanh tay hơn họ / chỉ vì chúng ta thông minh khỏe mạnh hơn họ / Chỉ vì chúng ta lành lặn hơn họ.

42/ Chúng ta có thể rút ra một câu để làm lẽ sống, vậy thì câu nào? Chúa Yesus bảo: “Các con hãy cho họ ăn” / Đây là một lời đề nghị đang đánh vào não trạng của các môn đệ / Một não trạng chai lỳ, khép kín, ích kỷ / khiến các ông muốn giải quyết vấn đề một cách dễ dàng là : Hãy giải tán họ, hãy cho họ về, hãy mặc kệ họ.

43/ Hành vi giải tán dân trong hoàn cảnh này đã nói lên điều gì? Là một hành vi lẫn tránh trách nhiệm / Giải tán thì quá dễ, làm như thế các ông đã thoát khỏi mối bận tâm nhưng Chúa Yesus thì không chấp nhận thái độ giả điếc, làm ngơ đó.

44/ Ý muốn của Chúa Yesus là gì? Chúa muốn các môn đệ cộng tác với Chúa trong việc đi tìm bánh/ Sau đó các ông đã tích cực cộng tác và kết quả là mọi người được no nê.

45/ Chúa muốn nhắc nhở chúng ta điều gì? Chúng ta hãy nhớ đến các mục tử và luôn cầu nguyện cho các Ngài / Chúng ta cũng phải luôn cảm tạ Chúa đã tin tưởng vào sự cộng tác của con người trong việc dẫn dắt Giáo Hội.

46/ Bổn phận của người Kitô hữu như thế nào trong ý của bài Tin Mừng hôm nay? Chúa muốn mọi người Kitô hữu phải tham dự vào chức vụ Linh mục / Nghĩa là mọi người đều được mời gọi để sống cho tha nhân / Chúng ta phải góp phần mình vào dù chỉ là một phần ít ỏi, nhỏ bé không đáng kể / Nhưng sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta là một chất xúc tác cần thiết để Thiên Chúa tiếp tục thực hiện được các phép lạ / Nói rõ hơn, chỉ cần một chút cộng tác của con người là Thiên Chúa có thể làm được phép lạ.

47/ Chúng ta suy diễn thế nào về phép lạ hóa bánh này? Em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá / Tông đồ Anrê hay các tông đồ khác chính là các bạn, là bản thân tôi / là chúng ta / là tất cả các Kitô hữu/ Nhưng xét cho cùng, chúng ta thường có thái độ thế nào trước những khổ đau của người khác? Trước những túng thiếu của anh em?

48/ Thái độ nào mà chúng ta dễ thực hiện nhất? Ngoảnh mặt làm ngơ là thái độ được nhiều người chọn nhất / Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta hãy suy nghĩ lại.

49/ Chúng ta thường biện minh như thế nào trước những bất hạnh của người khác? - Làm sao tôi có thể giải quyết được những hoàn cảnh nghèo khó, đen tối đầy dẫy trong xã hội? Làm sao tôi có đủ khả năng để xóa đói giảm nghèo / Điều đó vượt tầm tay của tôi / Những lời biện minh hôm nay đâu có khác gì những lời biện minh của các Tông đồ ngày xưa – Làm sao có đủ bánh cho họ ăn?

50/ Qua phép lạ hóa bánh, chúng ta rút ra được bài học gì? Chúa Yesus giải thích cho chúng ta hiểu: mỗi người cần phải làm gì? Chúa không đòi chúng ta làm những việc to lớn, nhưng chỉ yêu cầu chúng ta phải biết san sẻ / phải biết cho đi những gì nằm trong tầm tay, trong phạm vi khả năng của mình / Phần còn lại chúng ta hãy để cho Chúa tiếp tục thực hiện.

51/ Chúng ta nên hiểu thế nào? Chúng ta nên hiểu: dù nghèo hèn đến đâu / ai cũng có một thứ gì đó để cho / Giá trị món quà tặng không tùy thuộc vào số lượng mà tùy thuộc ở tấm lòng người cho.

52/ Thứ gì có giá trị hơn của bố thí? Là một nụ cười nhân ái / Một lời nói đầy sự cảm thông / một cử chỉ tha thứ,…. / Sẽ có giá trị hơn là những của cải vật chất mà người nhà giàu bỏ ra như của bố thí để cho người nghèo.

53/ Chúng ta còn nhớ điều gì? Mỗi người hãy cố gắng thể hiện lòng quảng đại của mình / Chúa sẽ làm tiếp phần còn lại / Nghĩa là lòng quảng đại sẽ kéo theo lòng quảng đại / Sự chia sẻ thúc đẩy sự chia sẻ / Tình yêu sẽ khơi dậy tình yêu / Làm như vậy chúng ta sẽ lấy tình yêu mà đặt nền móng cho Nước Trời / Là nơi hưởng phúc của những con người quảng đại / chỉ biết yêu thương và chia sẻ cho nhau.

Tóm lại: điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều / nhưng là ở chỗ chúng ta có con mắt đức tin để nhận ra người khác cùng là con cái Thiên Chúa hay không? Cùng là anh chị em của chúng ta không? Xin Chúa cho chúng ta biết động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của kẻ khác / Xin Chúa ra tay trợ giúp chúng ta để tình yêu thương nhân ái mau lan rộng khắp nơi.****

 

Bài 4: CỘNG TÁC

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

54/  Người ta giả thuyết rằng: Phép lạ hóa bánh là không có thật: Họ cho rằng đây chỉ là tác dụng tâm lý: họ biện luận rằng em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá đã chia phần ăn của mình cho người bên cạnh / Mọi người nhìn tấm gương này và mọi người chia phần ăn của mình cho người bên cạnh / nên ai cũng đủ bánh ăn.

55/ Sự thật đã xảy ra như thế nào? Cả 4 sách Tin Mừng đều đã kể lại rõ ràng / Đây là phép lạ thật sự của Chúa Yesus / Các nhà chú giải Kinh Thánh đã quả quyết: phải chối bỏ cả Tin Mừng thì mới có thể loại bỏ được sự kiện hóa bánh ra nhiều / Điều quan trọng không phải là tìm hiểu xem phép lạ này có thực hay không mà chúng ta cần tìm hiểu xem Chúa Yesus muốn dạy chúng ta điều gì khi làm phép lạ này.

56/ Có 2 điều chúng ta cần ghi nhận và suy nghĩ: a) Lòng thương xót / b) Sự cộng tác.

57/ Chúa muốn dạy chúng ta về lòng thương xót / Trong bối cảnh trời đã về chiều, mọi người đã mệt mỏi / Các ông thấy tội nghiệp cho đám đông nên đã thưa với Chúa: Xin Thầy hãy giải tán dân chúng để họ đi vào làng mua thức ăn / Đây là lòng thương xót gợi ý, một thứ thương xót nhập đề, đây cũng là lòng thương xót khởi điểm / Nếu Chúa Yesus và các môn đệ chỉ dừng lòng thương xót ở đây thì chưa đủ / Vì thế Chúa Yesus muốn các môn đệ bước qua thứ thương xót khởi điểm đó / để đi vào thứ thương xót thứ hai, là thương xót nhập cuộc à “Anh em hãy cho họ ăn”.

58/ Tại sao thương xót như thế chưa đủ? Thương xót người khác là một điều tốt nhưng chưa đủ / Vì đó chỉ mới là thứ thương xót bằng lời nói / Nhưng phải thương xót bằng việc làm cụ thể / phải có hành động thương xót thật sự.

59/ Chúa Yesus đã làm gì / đã dạy gì? Chúa Yesus đã thể hiện bằng hành động thương xót và dạy chúng ta cũng phải làm như thế / Nếu chúng ta có lòng trắc ẩn, có lời nói an ủi khích lệ, cảm thông là thái độ tốt rồi / Nhưng tốt nhất vẫn là biết chia sẻ, biết giúp đỡ / Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những điều lớn lao / nhưng đòi chúng ta phải biết chia sớt, phải biết cho những gì trong tầm tay của mình / trong khả năng của mình / Phần còn lại, phần thiếu sót, phần chưa đủ, sẽ do Chúa thực hiện / Điều quan trọng không phải là cho ít, cho nhiều / nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta phải có con mắt đức tin để nhận ra người khác cũng là con Thiên Chúa / cùng là anh em với chúng ta / Chúa yêu cầu chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn trước nỗi đau, thiếu thốn, kém may mắn của người khác.

60/ Điều thứ 2 Chúa muốn dạy chúng ta về sự cộng tác / Trước tiên chúng ta cần xác nhận rằng: Chúa Yesus có thể làm phép lạ mà không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá kia / Chúa có thể cho họ ăn ngon, no nê, thoải mái / Chúa cũng không cần các môn đệ phải đi tìm bánh / Chúa vẫn có thể làm phép lạ dễ dàng.

61/ Chúng ta cần tin điều gì? Chúa có thể làm được mọi sự, không cần ai cộng tác, không cần vật liệu nào cả / Với quyền năng vô biên, Chúa chỉ cần phán một lời là mọi sự tức khắc có ngay / Sẽ có dư thừa bánh cho mọi người ăn / cũng như khi Chúa tạo dựng vũ trụ, bởi không mà có.

62/ Ở đây Chúa muốn mọi người thấy điều gì? Việc hóa bánh ra nhiều không xuất phát từ con số không / Nhưng do sự chia sẻ đầu tiên / một sự đóng góp rất nhỏ nhoi, rất khiêm tốn của một em bé/ Em có thể giữ lại chút lương thực ấy cho riêng mình hay cho người thân quen / làm như thế chỉ mình em và vài người thân quen được ăn / Nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Chúa đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hơn chục ngàn người ăn.

63/ Năm chiếc bánh và 2 con cá biểu trưng cho điều gì? Đây là một sự cộng tác cần thiết của con người để Chúa Yesus có thể làm phép lạ.

64/ Chúa Yesus muốn các môn đệ làm gì? Chúa Yesus muốn các ông đi tìm bánh nên mới bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn” / Chúng ta thấy sau khi các ông tìm thấy 5 chiếc bánh và 2 con cá rồi / Chúa mới làm phép lạ.

65/ Phép lạ này nhắc chúng ta điều gì? Chúa cần chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta / Nghĩa là bên cạnh tình thương và ân sủng dồi dào của Thiên Chúa / Chúa cần sự cộng tác, đóng góp của chúng ta để xây dựng cuộc đời của chính mình và của tha nhân anh em / Chúa cần chúng ta đến đóng góp, kín múc và phân phát.

66/ Chúng ta rút ra được bài học gì từ phép lạ này? Đối với quyền năng của Thiên Chúa / Ngài dư sức làm được mọi sự / Nhưng Chúa luôn muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng những gì mà chúng ta đang có / Kể cả sự dốt nát, hèn kém vô dụng của chúng ta / Chúng ta đừng mong chờ Chúa làm phép lạ / dĩ nhiên Chúa luôn có thể / Nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh, bằng chút của cải vật chất / Chúa muốn chúng ta đóng góp trong đời thường mà cả trong ơn cứu độ nữa.

Hãy nhớ lời Thánh Augustinô: Khi Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không đòi hỏi sự đồng ý / Nhưng khi muốn cứu độ chúng ta / Ngài luôn trông đợi sự cộng tác của mỗi người / Chúng ta luôn cần Chúa ban ơn trợ giúp / Chúng ta cần người khác trợ giúp chúng ta / Chúng ta hãy làm điều ấy trước, để chúng ta xứng đáng nhận được sự đền đáp hậu hĩ hơn.****

 

TÓM Ý

1/ Thánh Augustinô đã nói gì về sự tự do của con người? Khi Thiên Chúa tạo dựng, Ngài không cần hỏi ý kiến ai, nhưng khi muốn cứu độ chúng ta, Ngài cần có sự đồng ý của mỗi người / thứ quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là sự tự do.

2/ Ai đã cộng tác với Chúa Yesus để có phép lạ hóa bánh? Ở trong hoang địa, ma quỷ đã cám dỗ Chúa biến hòn đá ra bánh mà ăn, Chúa Yesus đã từ chối. Nhưng hôm nay thì nhờ sự cộng tác của em bé với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống năm nghìn người.

3/ Vua Đavit cộng tác với Chúa như thế nào? Ông chỉ là một kẻ chăn chiên tầm thường bé nhỏ, nhưng nhờ cộng tác với Thiên Chúa, ông đã thắng được tên Goli-at khổng lồ và trở thành một vị vua nổi tiếng của Do Thái.

4/ Mẹ Maria đã cộng tác với Thiên Chúa như thế nào? Mẹ Maria chỉ là một cô thôn nữ tầm thường, không được ai biết đến, nhưng sau khi thưa lời xin vâng, Mẹ Maria đã đồng ý cộng tác với Chúa và trở nên Đấng Đồng Công cứu chuộc loài người.

5/ Các Tông Đồ đã cộng tác với Chúa như thế nào? Các ông khởi đầu chỉ là những ngư phủ quê mùa, đơn sơ, chất phát. Nhưng một khi đã đáp lại tiếng Chúa gọi thì Chúa đã biến đổi các ông thành những sứ giả của Tin Mừng.

6/ Người Kitô hữu đã cộng tác với Chúa như thế nào? Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta thấy có biết bao con người tội lỗi, nhưng một khi đã quay lại với Chúa, họ đã làm nhiều việc trọng đại như Thánh Paulô, như Thánh Augustinô, như Mẹ Thánh Têrêxa.

7/ Kết quả thật lớn lao từ những cộng tác bé nhỏ của chúng ta: Có khi những việc chúng ta làm là bé nhỏ, tầm thường, nhưng dưới tác động của bàn tay Thiên Chúa, nó đã trở nên có giá trị thật lớn lao như là giọt nước lã trong chén rượu nho qua lời truyền phép của vị Linh Mục.

8/ Lời dạy của Đức Yoan Paulô II: Nếu một mình phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ thấy mình không đủ khả năng và lo sợ trước trách nhiệm của công việc, nhưng nếu chúng ta đặt cuộc đời của mình vào bàn tay của Chúa, Chúa sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta trở nên tốt đẹp, hơn cả điều chúng ta mong ước.

9/ Chúng ta đã đặt niềm tin vào Chúa được bao nhiêu? Chúng ta đã đặt bao nhiêu phần trăm cuộc sống của chúng ta vào tay Chúa, chúng ta có để cho Chúa sử dụng khả năng của chúng ta theo ý muốn của Ngài chưa? Chúng ta có dâng hiến bản thân mình cho Chúa chưa?

10/ Hôm nay Chúa Yesus muốn gì với chúng ta? Đã từ lâu Chúa muốn nói với chúng ta: Thế giới này quá rộng lớn, Chúa cần trí não, đôi tay, đôi chân và môi miệng của con, để con mang Chúa đến với những kẻ bất hạnh, những kẻ yếu đuối, khốn cùng và Chúa cũng muốn dùng môi miệng của con để con có thể nói cho mọi người biết về tình thương của Thiên Chúa.

11/ Chúa Yesus chờ đợi gì ở nơi mỗi người chúng ta? Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa, để Chúa có thể thực hiện những phép lạ. Bất cứ thứ gì chúng ta trao tặng cho Chúa, Ngài cũng dùng nó để thực hiện những công việc vĩ đại. Chúa đã thực hiện phép lạ hóa bánh qua sự đóng góp của em bé. Chúa đã cứu chữa các bệnh nhân qua sự đóng góp của Thánh Martin, Chúa đã cứu giúp người nghèo khó qua sự đóng góp của Thánh Nữ Têrêxa Calcutta. Hôm nay Chúa cũng đang mong chờ sự đóng góp của những ai xưng mình là Kitô hữu, là con Chúa Cha, là đồ đệ của Đức Kitô.

12/ Duy tâm mang ý nghĩa gì qua các hành động của Đức Kitô? Nhiều người cho rằng: Kitô hữu chỉ lo cho linh hồn mình, lo cho đời sau mà chẳng muốn đóng góp gì cho xã hội hiện tại. Vậy nên chúng ta hãy nhìn vào các việc Chúa Yesus đang làm, Chúa Yesus vừa rao giảng Nước Trời, vừa cứu chữa các loại bệnh tật cho dân chúng, Chúa luôn quan tâm đến sức khỏe của thân xác con người, đồng thời Chúa cũng mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

13/ Kinh nghiệm sống của Chúa Yesus được thể hiện như thế nào? Chúa Yesus từng nếm mùi đói trong hoang địa, mùi khát khi ở bờ giếng Giacob, mùi mệt nhọc khi phải ngủ vùi trên mạn thuyền, khi thấy đám đông kiên trì đi theo Chúa, Chúa biết trong lòng họ thì mừng vui, nhưng trong bụng họ thì gào lên kêu đói, Chúa muốn tặng họ một bữa ăn đơn sơ ngoài trời và Chúa đã làm, để niềm vui của dân chúng được trọn vẹn.****

14/ Trách nhiệm của các môn đệ ở đâu? Một câu hỏi của Chúa Yesus khiến cho các Tông Đồ phải động não, Chúa Yesus cũng chỉ thử mối bận tâm của các ông, nhưng Chúa biết Chúa sắp phải làm gì, Chúa hỏi để cho các ông nhận ra sự bất lực của mình, sau đó là Chúa cần các ông cộng tác.

15/ Thiên Chúa đã làm gì khi con người bất lực? Khi con người bất lực thì chính là lúc Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng, với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ mà em bé trao vào bàn tay của Chúa, đã trở nên nguồn lương thực nuôi sống năm nghìn người.

16/ Bộ mặt thế giới hôm nay thế nào? Cho dù loài người tiến bộ rất nhanh, rất giàu, rất  giỏi, thế nhưng vẫn chỉ là một thế giới đói khát, thế giới đang đói khát trên tất cả mọi lĩnh vực.

17/ Có bao nhiêu người Kitô hữu biết động lòng: Ai cũng có nhiều bánh, nhiều cá, nhiều vàng bạc của cải để dành, nhưng có mấy ai dám cộng tác với Chúa.

18/ Cái khôn của em bé ở chỗ nào? Cũng là cái khôn của bà góa Thành Sarepta, thế nhưng nếu bà không làm ra cái bánh duy nhất và nhường cho tiên tri Êlia ăn thì việc mà Chúa ban cho bà một hũ bột không cạn, bình dầu không hề vơi đâu có xảy ra. Cũng thế nếu em bé không dâng cho Chúa chút lương thực ít ỏi ấy, thì em ăn xong cũng hết, nhưng nếu em dâng cho Chúa thì phúc lành Chúa ban cho em được tràn đầy và hình ảnh của em luôn đi theo em cùng với Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

19/ Nhân phẩm con người nằm ở đâu? Nhân phẩm con người nằm ở miếng ăn, nếu con người được ăn uống xứng đáng thì vị thế của con người cao hơn loài súc vật, thế nhưng nếu ngược lại thì nhân phẩm làm gì có!

20/ Vì sao thế giới lại đói? Thiên Chúa ban cho chúng ta một trái đất dư thừa lương thực để nuôi sống mọi người, Thiên Chúa đâu có ban cho con người sự nghèo khổ, thế nhưng tính cách gian tham, bất công thì lại nằm ngay trong cõi lòng mỗi người /xã hội còn có nhiều người chết đói. Bởi vì chính tôi không dám chia sẻ, cho đi phần dư thừa của mình.

21/ Một điều cần suy tư: Nếu hôm nay tôi chưa làm được những điều Chúa Yesus yêu cầu thì rõ ràng tôi đâu khác gì giới lãnh đạo Do Thái: Thấy nhưng không tin, nghe nhưng không đem ra thực hiện. Tóm lại tôi mới là người đáng trách.

22/ Những điều nào phát sinh ra nạn đói? Bị đối xử bất công, bị chèn ép, bóc tột phát sinh ra đói, sự chênh lệch quá mức giữa giàu và nghèo, sự thất học khiến dân trí thấp kém, sẽ phát sinh ra tội ác, trật tự xã hội bị rối loạn, đây là những nguyên do chính phát sinh ra nạn đói.

23/ Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh: Giữa nơi hoang vắng với hàng chục nghìn người đang đói khát nên Chúa đã làm phép lạ để nuôi dân, qua phép lạ này Chúa muốn hé mở cho chúng ta thấy quyền năng cao cả và tấm lòng xót thương của Người, đồng thời Chúa muốn tạo ra những trái tim nhân ái từ mỗi người chúng ta.

24/ Bài học thứ nhất: Lòng cảm thương phải được biến thành hành động cụ thể, nếu không nó chỉ là một hình thức phô trương, giả dối.

25/ Hãy cộng tác với Chúa: Các Tông Đồ đưa ra nhiều lý do để thoái thác nhưng Chúa biết Ngài có thể làm được mọi sự, Chúa muốn chúng ta tin vào Ngài và nhiệt thành cộng tác với Ngài, đừng khoán trắng cho Chúa. Đóng góp của ta tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để Chúa thực hiện chương trình của Ngài, phần của chúng ta tuy ít, nhưng Chúa sẽ hoàn thiện phần to lớn còn lại.

26/ Hãy trân trọng ơn Chúa ban: Đói khát luôn đi đôi với thừa mứa, thiếu thốn cũng đi đôi với phung phí, những con người vừa trải qua cơn đói, nhưng lại sẵn sàng vứt bừa bãi những của ăn dư thừa. Đây chính là trạng thái chung đang xảy ra trên khắp thế giới. Chúa sai các môn đệ đi thu lại là có ý dạy ta phải biết quý trọng ơn Chúa cũng như những của cải của kẻ khác.

27/ Phản ứng dây chuyền: Nếu tôi phí phạm thì anh em tôi sẽ đói khát, tôi làm việc cật lực, tiết kiệm từng đồng để có thứ dư ra hầu chia sẻ cho anh em, những người khỏe mạnh, giàu có, họ không cần tôi. Nhưng những người yếu đau, bệnh tật, những người sa cơ thất thế lại rất cần.

28/ Hãy tìm của cải thiên liêng: Vật chất rất cần cho đời sống hiện tại, nhưng vật chất lại mau qua và nó không phải là tất cả. Nếu ta làm nô lệ cho vật chất thì đời sống tinh thần không thể vươn lên được, lo cho phần xác chỉ là giải pháp tạm thời.

29/ Giải pháp cốt cán là gì? Giải quyết được nạn đói tâm linh thì những thứ đói khác sẽ tan biến đi, thế giới có quá nhiều bất công nên phát sinh ra nạn đói cũng chỉ vì con người không có lòng đạo đức, chỉ vì con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra.

30/ Vì sao Chúa Yesus phải trốn đi? Chúa bỏ trốn vì không muốn bị mọi người tôn Ngài lên làm Vua, Chúa muốn mọi người vượt qua được rào cản vật chất, thì mới có thể đạt tới giá trị của lĩnh vực tâm linh, khi đó con người sẽ không đói, không khổ nữa.

31/ Lạy Chúa, xin giúp con tỉnh ngộ, xin biến đổi con để con biết sống quảng đại với anh em con và mau mắn trở nên con Thiên Chúa. Amen***

GIÁO DÂN BẤT XỨNG / GIUSE LUCA  

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2219
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  2396
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11428661
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top