Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN XXIV Thường Niên - B - GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT 24 TN B 

ĐỀ TÀI: NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ

 

Lời Chúa: (Mc 8, 27- 35)         

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Gl 6, 14

Halêluia. Halêluia. Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Ha-lê-lui-a. 

PHÚC ÂM:  Mc 8, 27-35

“Thầy là Đấng Kitô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

27 Một hôm, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" 28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." 29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." 34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

          Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG *

1/ Vị trí địa lý của vùng Césa-rê Philip-phê ?

2/ Đức Yesus là ai theo trí hiểu của dân Do Thái ngày xưa ?

3/ Đức Yesus là ai theo trí hiểu của chúng ta hôm nay ?

4/ Các tiên tri là những ai ?

5/ Ý nghĩa từ câu trả lời của Phê-rô.

6/ Vì sao dân Do Thái giết Chúa Yesus ?

7/ Quan niệm về Chúa Yesus của những người ở thời đại hôm nay ?

8/ Quo vadis nghĩa là gì?

9/ Câu trả lời của chúng ta hôm nay.

10/ Vì sao Chúa Yesus chọn sống kiếp người ?

11/ Chúa Yesus sống như thế nào ?

12/ Tình yêu được nuôi dưỡng bằng thứ gì ?

13/ Từ bỏ và hy sinh có liên hệ gì với nhau ?

14/ Cái lợi từ sự từ bỏ.

15/ Vì sao Chúa Yesus lại hỏi các Môn Đệ ?

 

16/ Chúng ta sẽ trả lời thế nào ?

17/ Cách Chúa Yesus thể hiện mình ?

18/ Cách Chúa bày tỏ căn tính của mình ?

19/ Phân tách câu trả lời của Phê-rô.

20/ Cách Chúa Yesus trình bày về sứ vụ của mình .

21/ Chúa Yesus đã thấy trước điều gì ?

22/ Chúa Yesus  xác định niềm tin như thế nào ?

23/ Vì sao Phê-rô lại choáng váng ?

24/ Chúng ta hãy phân tích từ lời can ngăn của Phê-rô .

25/ Lời mời gọi của Chúa Yesus.

26/ Từ bỏ chính mình là gì?

27/ Phê-rô không hiểu con đường của Chúa Yesus đi .

28/ Thập giá của Chúa, của chúng ta là do đâu ?.

29/ Muốn theo Chúa, ta cần phải làm gì ?

30/ Điều nguy hiểm mà chúng ta thường gặp khi đi theo Chúa là gì ?.

31/ Điều khó khăn nhất khi phải từ bỏ mình là gì ?**R

 

 

Bài 1: TÌM HIỂU ĐỨC KI-TÔ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Vị trí của vùng Césa-rê Philip-phê trên bản đồ Palestina : Césare Philipphe nằm ở phía Đông Bắc biển hồ Galile, cách Bestsaida khoảng 42 km. Nay thuộc nước Syria.

2/ Đức Yesus là ai? Câu trả lời của dân Do Thái ngày xưa: Nhiều người Do Thái trả lời rằng: Ông Yesus cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri -> Elia, Gieremia, như Yoan TG hay bất cứ một tiên tiên tri nào khác.

3/ Đức Yesus là ai? Câu trả lời của người thời đại chúng ta: Câu hỏi được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Yesus, nhưng câu trả lời sẽ ảnh hưởng tới quyết định trên lối sống của người trả lời. Ông Yesus chỉ là một người phàm. Tuy là phàm nhân nhưng lại theo đuổi một lý tưởng siêu nhiên ,do đó ông được người khác kính trọng. Nhưng cái lý tưởng đó không thể thực hiện được, cho nên dù nhiều người có lòng kính trọng Ngài, nhưng họ không thể sống theo Ngài được !

4/ Các tiên tri là những ai? Tiên tri là những người đi rao giảng về một giáo thuyết. Họ làm được một số việc lạ lùng hơn người. Nhưng nhiều khi chính họ quấy rầy cuộc sống bình an của chúng ta. Bởi thế, khi không muốn bị quấy rầy nữa thì dân chúng không ngại giết chết các tiên tri. Họ đã lùng bắt Elia, họ bỏ tù Gieremia, họ chém đầu Yoan tẩy giả và cuối cùng họ đã đóng đinh Chúa Yesus.

5/ Ý nghĩa câu trả lời của Phê-rô : Riêng Phê-rô thì trả lời rằng : Ông Yesus chính là Đức Ki-tô, Ngài là người có thừa khả năng để cứu rỗi chúng ta và đáng cho chúng ta đi theo cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì thế dù biết rằng : Theo Thầy thì phải từ bỏ mình, vác Thập Giá, bỏ mạng vì thầy. Nhưng Phê-rô vẫn cứ trung thành theo Thầy cho đến chết.

6/ Vì sao dân Do Thái giết Chúa Yesus ? Chúa Yesus là người cất công đi rao giảng một giáo thuyết mang lại ơn cứu độ, Ngài thu nạp được một số môn đệ và luôn hăng say truyền bá lý tưởng siêu nhiên đó. Nhưng lý tưởng đó lại không phù hợp với mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái, luật sĩ, cho nên cuối cùng Đức Yesus đã bị bắt, bị kết án đóng đinh. Chính lúc họ giết được Ngài và tưởng rằng đã tiêu diệt được một cái gai trong mắt họ, thì cũng chính là lúc Chúa Yesus đã thành công viên mãn sứ vụ độ nhân loại của Ngài.

7/ Một quan niệm khác về đạo Chúa ở thời đại chúng ta: Một câu trả lời mà có rất nhiều người thời nay muốn nói : Họ nhìn nhận Chúa Yesus như một vĩ nhân. Họ nhìn nhận đạo Ki-tô giáo là một đạo rất tốt, rất lý tưởng. Nhưng vì cái đạo đó không giúp ích gì cho cuộc sống của họ. Cuộc sống của họ luôn cần những tiện nghi vật chất, cần có tiền bạc, cần có sự nghiệp, có công danh, đó là những điều quá thực tế chứ họ không cần đến lý tưởng tôn giáo bao nhiêu. Vì thế ai cũng muốn lao vào cuộc sống vật chất và dẹp sang bên lý tưởng tôn giáo, họ cho rằng : Lý tưởng này chỉ dành cho hạng đàn bà, trẻ con, hay là những người già đang mất sức lao động,  mất sức chiến đấu.

8/ Quo vadis nghĩa là gì? Thời hoàng đế Neron bắt đạo rất gắt gao, tên bạo chúa này luôn thẳng tay bắt giết những người theo đạo Ki-tô giáo. Phê-rô đã quá sợ hãi nên bỏ thành Roma chạy trốn, nhưng khi đang trên đường trốn chạy thì Phê-rô gặp Đức Yesus từ ngoài thành đang vác Thập Giá đi vào. Phê-rô liền hỏi : QUO VADIS ? Tiếng la tinh có nghĩa là : Thưa Thầy ! Thầy đi đâu vậy ? Đức Yesus liền trả ời : Ta vác Thập Giá vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa, vì con đã sợ và trốn chạy. Phê-rô nghe vậy liền quay trở vào thành, không đi trốn nữa.

9/ Câu trả lời của chúng ta là gì ? Chúng ta cần bắt chước Phê-rô và trả lời rằng : Thầy là Đức Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống, con xin theo Thầy cho dù phải vác Thập Giá và bỏ mình vì thầy.

10/ Đức Yesus thật sự là ai ? Đức Yesus không những chỉ là siêu nhân mà Ngài còn là con Thiên Chúa, và vì là con Thiên Chúa nên lý tưởng của Ngài đưa ra cho chúng ta không phải là một thứ triết lý viễn vông không thể thực hiện. Vì là con Thiên Chúa nên Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện được lý tưởng như Ngài cho dù phải trải qua muôn ngàn gian khổ, nhờ đó chúng ta xứng đáng là môn đệ của Ngài.

11/ Con người nếu sống không có lý tưởng sẽ ra sao ? Con người nếu chỉ biết mê ăn uống, mê tiền bạc, của cải, vật chất, sinh ra chỉ để ăn, ăn rồi đói, đói rồi ăn=> rồi lại đi kiếm ăn. Nếu chỉ sống như vậy cho đến lúc chết thì chẳng khác chi một sinh vật cấp thấp .

12/ Vì sao Chúa Yesus chọn kiếp làm con người ? Chúa Yesus muốn chúng ta sống cao hơn một con vật cho nên Chúa đã chọn kiếp làm người. Ngài sống để chúng ta thấy và giúp chúng ta sống theo để chúng ta sống xứng đáng là một con người. Chẳng những là người mà còn làm con Thiên Chúa như Ngài.

13/ Mẫu gương sống của Chúa Yesus như thế nào ? Muốn được như Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài, phải từ bỏ mình, phải vác Thập Giá, nghĩa là phải sống cố gắng vươn lên, vươn lên cao hơn những nhu cầu vật chất tầm thường, Chúa Yesus đã sống được như thế và Ngài cũng sẽ giúp ta sống được như Ngài.

14/ Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng thứ gì ? Nét đẹp của tình yêu có phải là sự tự do và sự hy sinh không ? Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do, con người có toàn quyền lựa chọn, Chúa nói :Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình… (Mc 8,34). Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do. Con người có toàn quyền lựa chọn, Chúa không bắt buộc ai nhưng Ngài mời gọi ta từ bỏ mình, là tự hy sinh, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể cả hy sinh mạng sống của mình. Nói đến từ bỏ là phải nói đến hy sinh, nói đến hy sinh là phải nói đến thiệt thòi, mất mát. Nói đến tình yêu thì đụng đến tự do, đụng đến sự dấn thân mạo hiểm, chúng ta có thể chấp nhận, có thể khước từ, cho nên nét đẹp của tình yêu là hy sinh và từ bỏ .**R

 

Bài 2: LỜI CHÚNG TA TUYÊN XƯNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

15/ Từ bỏ và hy sinh là gì ? Hy sinh bao giờ cũng có mùi hương thơm của hạnh phúc.Từ bỏ bao giờ cũng làm cho tâm hồn có được nét thanh cao / hy sinh và từ bỏ cũng như một luống cày đang được chuẩn bị cho hạt giống mọc lên. Từ bỏ chính mình không thể làm chỉ một lần, nhưng là phải làm trong suốt cả cuộc đời, là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ mọi giây phút trong cuộc sống.

16/ Cái lợi của sự từ bỏ là gì ? Ai liều mạng sống vì Ta, sẽ được sống (Mc 8,35). Quả thật, bỏ mình vì Chúa, chúng ta chẳng lỗ lã chút nào. Chúng ta từ chối cái tương đối, để nhận lại cái tuyệt đối. Ta khước từ cái mau qua để nhận lại cái vĩnh hằng. Từ bỏ cuộc sống mau chết để đổi lấy cuộc sống đời đời, vì ai biết chết đi cho Chúa thì sẽ nhận lại sự sống.

17/ Vì sao Chúa Yesus lại hỏi câu này ? Chúng ta thấy trong bài Tin Mừng này, trước hết Chúa Yesus hỏi các môn đệ : Người ta nghĩ Thầy là ai ? câu hỏi này nhằm kiểm tra những gì các ông thu nhận được từ người khác. Nhưng rồi Chúa Yesus lại hỏi tiếp : Phần chúng con, chúng con nghĩ Thầy là ai ? Câu hỏi sau này nhằm khuyến khích các ông suy nghĩ để có một lập trường cho riêng mình / từ đây các ông sẽ có được một xác tín cá nhân.

18/ Phần chúng ta thì trả lời thế nào ? Chúng ta phải luôn cảm ơn Chúa, vì đã cho chúng ta thừa hưởng Đức Tin từ các thế hệ tổ tiên, cha ông. Nhưng chúng ta luôn phải cố gắng đào sâu Đức Tin ấy để nó có thể trở thành một niềm xác tín cá nhân, chúng ta cũng phải luôn xin Chúa giữ gìn và củng cố ơn Đức Tin của chúng ta.

19/ Cách Chúa Yesus thể hiện mình ? Trước khi Chúa Yesus đặt câu hỏi : Anh em bảo thầy là ai ? Ngài đã từng làm nhiều dấu lạ trước mặt các môn đệ. Tại Galile Ngài đã hai lần làm bánh hoá ra nhiều để nuôi đám đông (Mc 6,30-44 ; Mc 8,1-10). Chúa Yesus từng đi trên mặt biển (Mc 6,45-52), Ngài trừ quỷ cho một bé gái (Mc 7,24-30), chữa cho một người câm điếc (Mc 7,31-37) và chữa một người mù (Mc 8,22-26). Tất cả những việc trên đây đều vén mở cho mọi người thấy Ngài là ai ?

20/ Cách Chúa bày tỏ căn tính của mình ? Mặc dù các môn đệ bị Chúa chê là đần độn và chậm hiểu (Mc 7, 18 ; Mc 8,17-21). Chúa Yesus không trực tiếp nói cho các môn đệ biết căn tính của mình, Nhưng Chúa dẫn họ đi trên con đường, để họ tự khám phá ra Ngài, vùng Cesare Phiphiphe là nơi Chúa thấy có thể đặt câu hỏi này. Người ngoài chỉ có cái nhìn mơ hồ, đầy thiếu sót về Đức Yesus. Họ chỉ tưởng nghĩ Ngài là một ngôn sứ như Yoan tẩy giả, như Elia.

21/ Phân tách câu trả lời Phê-rô ra sao ? Đức Yesus đang chờ đợi một câu trả lời đầy đủ và rõ ràng hơn từ phía các môn đệ. Phê-rô đại diện cho cả nhóm nói lên niềm xác tín của mình : Thầy là Đức Ki-tô, Phê-rô đã nói đúng. Nhưng quan niệm của Phê-rô về Đức Ki-tô vẫn không khác với quan niệm thông thường của đám đông dân chúng. -> Một Đức Ki-tô oai phong lẫm liệt, không hề biết đến thất bại. Đức Ki-tô đó chưa phải là Đức Yesus Ki-tô.

22/ Cách Chúa Yesus trình bày về chính mình : Nhờ vào lời tuyên xưng của Phê-rô nên Đức Yesus mới bắt đầu nói đến cuộc khổ nạn của Ngài và Ngài đã nói một cách không úp mở. Đây là một điều khác biệt và mới mẻ cả về hình thức lẫn nội dung. Ngài không dùng dụ ngôn nữa nhưng nói thẳng về sứ vụ đang chờ đợi  mình.

23/ Chúa Yesus đã thấy trước điều gì ? Có người cho rằng lời tiên báo của Đức Yesus về cuộc khổ nạn và sự phục sinh chỉ là những lời được viết dựa trên những biến cố đã xảy ra. Thật ra Chúa Yesus đã thấy những phản ứng chống đối khi Ngài giảng dạy. Chúa biết mình phải đương đầu với các nhà lãnh đạo Do Thái và thấy cả cái chết đang rình rập mình. Nhưng Chúa Yesus  không thoái lui dù Ngài có thể thoái lui. Không phải là Chúa đi tìm cái chết, nhưng là Chúa tiếp tục lựa chọn sống trung tín với Chúa Cha để phục vụ cho loài người và chính vì điều này mà Ngài phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

24/ Chúa Yesus  đã lựa chọn như thế nào ? Chúa Yesus  lựa chọn vì tin. Sự lựa chọn của kẻ có lòng tin. Chúa Yesus  tin rằng : Dù kẻ thù có cướp đi tính mạng của mình ở đời này thì Cha trên trời cũng sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi Ngài. Chẳng để cho Ngài phải thấy sự hư nát (Tv 16,10 bảng 70) . Chúa Yesus đã hiên ngang ra pháp trường và nhận cái giá phải trả cho sự trung tín về một tình yêu.

25/ Vì sao Phê-rô lại choáng váng ? Khi nghe Chúa Yesus tiên báo về cuộc khổ nạn, Phê-rô đã choáng. Ông không thể hiểu được một điều khủng khiếp như vậy. Bởi vì ông vẫn đang mải mê với một Đức Ki-tô đầy vinh quang. Phê-rô đã phản ứng ngay khi đưa tay kéo Đức Yesus lại mà trách Ngài. Chẳng rõ ông đã nói gì với Ngài nhưng chắc chắn là những lời can ngăn đầy tình yêu thương.

26/ Chúng ta thử phân tích lời can ngăn của Phê-rô :Đây là một lời can ngăn đầy nguy hiểm. Chúa Yesus  lại thấy đây là một cơn cám dỗ của Satan qua muôn đệ Phê-rô cho nên Ngài bảo ông : “Satan, hãy lui lại sau Ta”/ Chỗ đứng của người môn đệ là ở đàng sau Thầy mình. Chúa Yesus muốn đưa Phê-rô về đúng chỗ của ông. Bởi vì ông muốn dẫn đường cho Chúa, ông muốn đi trước Chúa.

27/ Con đường nào Chúa Yesus phải đi ? Chúa Yesus thấy rõ đâu là con đường Thiên Chúa muốn Ngài đi và đâu là con đường mà thế gian chờ đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên mọi toan tính khôn ngoan của nhân loại. Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người. Còn sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người ( 1Cor 1.25)

28/ Mẫu số chung của các Ki-tô hữu : Những câu cuối của đoạn tin mừng trên đầy đều nhắm vào cả dân chúng, lẫn môn đệ. Nói cách khác Chúa Yesus muốn nhắm đến mọi Ki-tô hữu từ Giáo Hoàng đến Giáo dân, tất cả đều là môn đệ đi sau Thầy Yesus với một lòng tự nguyện.

29/ Lời Chúa Yesus mời gọi : Bất cứ ai muốn theo thì đều được mời gọi. Mà theo thì phải từ bỏ, các môn đệ đầu  tiên đã từ bỏ nghề chài lưới, bỏ cả thân phụ, bỏ nhà cửa, người làm công để đi theo Đức Yesus. Còn bây giờ lời Đức Yesus đòi hỏi thì tận căn nhiều hơn, không phải chỉ bỏ một vật nào đó mà phải từ bỏ chính mình, từ bỏ chính mình ,đó là từ bỏ mọi gốc rễ của sự từ bỏ.

30/ Từ bỏ chính mình là gì ? Là không còn sống cho mình nữa, là vác trọn cây Thập Giá của mình mà theo Chúa Yesus. Như thế Chúa Yesus cho chúng ta thấy một hình ảnh về người Ki-tô hữu. Ki-tô hữu vác thập giá mình đi sau Chúa Yesus cũng đang vác Thập giá, vác thập giá là công việc của một tử tội trên đường đến nơi chịu đóng đinh.

31/ Thế nào là cái chết thiêng liêng ? Có thể chúng ta không được phúc tử đạo. Nhưng chắc chắn mọi Ki-tô hữu đều có thể chịu được cái chết thiêng liêng, chết cho chính mình để sống cho Thiên Chúa.

32/ Phê-rô khó hiểu được con đường của Chúa Yesus đi : Con đường khổ nạn và phục sinh của Đức Yesus là con đường mà Phê-rô không thể hiểu được và cũng không chấp nhận. Nhưng rồi cũng sẽ là con đường mà ông phải đi và tất cả chúng ta cùng đi. Khi đã về già, anh sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và lôi anh đến nơi anh không muốn (Yn 21,18)

33/ Thập giá của Chúa, Thập giá của ta là gì ? Thập giá là dụng cụ giết người mà cả Do Thái và Hy lạp đều kinh sợ. Thập Giá của Đức Yesus là do Ngài gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Còn thập giá của chúng ta là do chúng ta lãnh lấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Yesus và muốn làm chứng cho nên chúng ta chấp nhận liều mất mạng sống mình vì Đức Ki-tô và vì tin mừng (câu 35).

34/ Điều kiện nào quan trọng nhất khi ta muốn đi theo Chúa ? Từ bỏ chính mình là điều quan trọng nhất, nếu không thì sứ mạng làm chứng cho Chúa của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu, mà chỉ là một ảo tưởng. Bất cứ ai khi đi theo Chúa cũng đều bị cám dỗ vì sự tận tuỵ, trung tín của mình. Điều này các môn đệ đã gặp phải khi từ bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa của mình để theo Chúa khiến cho họ cảm thấy mình là người thật quan trọng.

35/ Khi đi theo Chúa, chúng ta thường gặp phải điều gì nguy hiểm nhất ? Cái tôi có nguy cơ lớn lên song song với lòng quảng đại hiến thân của họ. Chúng ta thấy sau đó nhóm mười hai bắt đầu tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm (Mc 9, 33). Vì vậy trở ngại đều tiên và cuối cùng vẫn là cái tôi, từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của người ki-tô hữu, của người tu sĩ, của mọi tầng lớp người theo Chúa .

36/ Điều khó khăn khi phải từ bỏ là gì ? Từ bỏ tội lỗi thì nhờ ơn Chúa giúp, điều này không khó. Thế nhưng từ bỏ mình khỏi những nhân đức, những công trạng lại khó khăn bội phần. Chúng ta luôn có chiều hướng tự hào về các nhân đức và các công trạng mình đã lập được. Tuy nhiên, nếu cậy nhờ ơn Chúa gúp, chúng ta vẫn có thể vượt qua điều này.**R

 

Bài 3: CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

37/   Điều kiện để theo Chúa Yesus là gì? Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo / Vậy thì ai muốn theo Chúa, phải chấp nhận điều kiện của Chúa.

38/   Thập giá là gì? Thập giá là một khổ hình đau đớn nhục nhã nhất, nhưng lại thông dụng nhất mà đế quốc La Mã đã đem áp dụng vào trong khung hình phạt dành cho người Do Thái / Vào thời Chúa Yesus, người nào lãnh án này thì phải vác thập giá tới pháp trường để chịu đóng đinh chân tay mình vào cây thập giá, chịu treo lên và cuối cùng là chết trên cây thập giá đó.

39/   Vác thập giá nghĩa là gì? Là vác cây thập giá lên vai và đi đến chỗ chết / Vác thập giá cũng có nghĩa là: bắt đầu chịu đau khổ thật sự / Thời Chúa Yesus thì có hình phạt này, nhưng thời của chúng ta thì không có / vì thế, những đau khổ trong cuộc đời của chúng ta chính là thập giá mà Chúa bảo chúng ta phải vác mà đi theo Ngài / Những đau khổ trong cuộc đời chính là những vấn đề chúng ta muốn hiểu biết.

40/   Trong cuộc sống của con người, vấn đề nào làm con người đau đầu nhất? Đó chính là đau khổ/ Con người sinh ra trong tiếng khóc, trải qua 1 cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống bất chấp tiếng khóc than chân thật hay giả dối của những con người còn ở lại / Biết bao nhiêu người nằm xuống nhưng có mấy ai được ra đi trong bình an hạnh phúc.

41/   Kinh Thánh đã nói gì về kiếp con người? Đời là thung lũng nước mắt / thì đời cũng là bể khổ / Xưa nay có biết bao nhà hiền triết đã nát óc để tìm câu trả lời / Đức Phật cũng đi tu vì muốn tìm một câu trả lời thỏa đáng.

42/   Vì sao người ta tìm cách diệt khổ? Nói đúng hơn: vì không hiểu lý do phát sinh ra sự đau khổ, nên có nhiều người đã tìm cách hủy diệt những con người gây đau khổ, họ cho rằng chính vì những con người gây đau khổ là những bánh răng phản tiến hóa / Đã có một thời, các nhà cầm quyền của một nước nọ đã tập trung tất cả những bệnh nhân phong trên một hòn đảo giữa biển và tưới xăng thiêu rụi họ / nhà cầm quyền ấy cho rằng, các bệnh nhân phong mắc bệnh nan y, họ không có quyền sống.

43/   Trong thế chiến thứ hai, Hít-le đã ra lệnh cho giám đốc bệnh viện Bê-then thủ tiêu tất cả những bệnh nhân tâm thần / Vì ông cho rằng, họ là người vô dụng và ăn hại cho xã hội và cho quốc gia.

44/   Làm sao con người có thể hiểu nổi sự đau khổ? Nếu không tin Thiên Chúa thì con người không làm sao hiểu nổi sự đau khổ / Một văn hào vô thần tên là H.M thuộc Hàn lâm viện Pháp, lúc về già, ông bị mù / Vì không chịu nổi sự đau khổ ấy nên ông đã dùng súng lục bắn vào họng mình để tự sát.

45/   Về vấn đề đau khổ, ai là người có thể cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng? Chỉ có một đấng có thể trả lời cho chúng ta, đó là Chúa Yesus, nhờ vào ánh sáng Tin Mừng của Chúa, chúng ta mới hiểu  được nguyên do của đau khổ: đó chính là tội lỗi.

46/   Đau khổ xuất hiện trên mặt đất từ khi nào? Từ khi loài người bắt đầu phạm tội / Đau khổ sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế.

47/   Khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật như thế nào, sau đó thì ra sao? Sau khi công cuộc tạo dựng thành công, Kinh Thánh kết luận: mọi sự Thiên Chúa tạo dựng nên đều rất tốt đẹp / Nhưng rồi chương trình ấy bị đổ vỡ do con người để cho tội lỗi len vào thế gian / Tội lỗi đi tới đâu thì sự chết đi đến đó.

48/   Lúc nào thì sự chết ngự trị? Ngày nào Nguyên Tổ phạm tội thì ngày đó có đau khổ xuất hiện / Ở đâu có đau khổ thì ở đó có bóng dáng của tử thần / là sự chết / tử thần cũng bắt đầu ngự trị ở trần gian.

49/   Bản án nào mà Nguyên Tổ đã lãnh nhận? Vì ngươi đã phạm tội nên trái đất sẽ sinh gai gốc, ngươi phải làm ăn vất vả, đổ mồ hôi trán mới có của ăn / và vì ngươi là tro bụi, cuối cùng sẽ trở về bụi tro / Mỗi ngày có bao nhiêu tiếng khóc, có bao nhiêu suối nước mắt, mỗi ngày có biết bao nhiêu người chết? Đời là bể khổ, đời là thung lũng nước mắt / Đau khổ phát sinh do tội lỗi.

50/   Chúa Yesus đến trần gian, Chúa gánh lấy tội lỗi của nhân loại / nhờ sự chết và Phục Sinh Vinh Quang, Ngài đã cứu chúng ta khỏi chết / Chúa không cất đi sự đau khổ, vì đau khổ là hậu quả của tội / cũng là phương tiện giúp chúng ta chịu đựng để đền tội / hầu giúp chúng ta thoát khỏi án chết/ Vì đau khổ là giá cứu chuộc chúng ta.

51/   Chúa Yesus nêu gương cho chúng ta điều gì? Chúa Yesus chịu khổ đau để đền tội cho chúng ta / thì Ngài cũng thánh hóa luôn đau khổ để nêu gương sáng cho chúng ta / Ngài đã nhẫn nại chịu đau khổ và coi đó như điều kiện cho những ai theo Ngài.

52/   Điều kiện để theo Chúa Yesus là gì? Không ai có thể tự hào: mình là người môn đệ của Chúa mà không vui lòng lãnh nhận phần đau khổ của chính mình / Vì thế Chúa dạy chúng ta: khi gặp đau khổ, đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn rủa trời, trách đất / mà hãy bình tĩnh cầu xin cùng Chúa: Lạy Chúa, xin hãy nâng đỡ con, hãy bổ sức cho con, để con có thể vác thánh giá theo Chúa đến cùng.**R

 

Bài 4: CHÚA YESUS LÀ AI / CHÚNG TA LÀ AI?

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

53/   Sau một thời gian dài đi theo Chúa, Nhóm 12 đã lãnh hội được gì? Sau khi đi theo Chúa, các ông đã được nghe Chúa giảng, đã chứng kiến nhiều việc lớn lao kỳ diệu Chúa đã làm / Đây chính là lúc các ông phải bày tỏ lập trường, dứt khoát niềm tin vào Chúa.

54/   Chúa Yesus bắt đầu tỏ cho các môn đệ điều gì? Chúa cho biết con đường đau khổ Chúa phải đi, sứ mạng quan trọng Chúa phải hoàn thành / và đó cũng là con đường mà các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Chúa đều phải vượt qua.

55/   Qua bài Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra mấy điều mà Chúa muốn dạy? a) Chúa muốn biết dư luận về Chúa và ý kiến của các môn đệ / b) Chúa muốn báo trước con đường Chúa phải đi qua / c)_Con đường Chúa đi cũng chính là con đường mà các môn đệ và tất cả những ai tin theo Chúa phải đi qua.

56/   Đức Kitô là ai? Đây là câu hỏi mà trước khi trả lời, chúng ta cần phải kiểm điểm lại niềm tin của mình, cách sống của mình / Chúng ta có thật sự tin Chúa Yesus là Đấng Được Sai đến, là chính Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc chúng ta, là Đấng đã đến để chỉ cho chúng ta con đường sống không?

57/   Niềm tin và cách sống của chúng ta có thích hợp với nhau không? Nếu chúng ta tin Chúa và sống tốt, thì cuộc sống của chúng ta tốt đẹp / Nếu chúng ta tin một đàng và sống một nẻo thì niềm tin và cách sống là hai vấn đề cách biệt nhau, không ăn nhập gì với nhau.

58/   Niềm tin của đa số người công giáo ra sao? Họ tin Chúa một cách mông lung, mờ nhạt / Vì thế để có thể trả lời được câu hỏi này: “Đức Kitô là ai” / câu trả lời này không nằm trong sách vở báo chí hay là chỉ cần nghe qua các bài giảng nhưng đây là một sự lựa chọn, một sự xác tín niềm tin được thể hiện qua cuộc sống đạo giữa đời: là sống dấn thân, sống bác ái hy sinh.

59/   Neil Amstrong, phi hành gia đầu tiên của Mỹ đã nghĩ gì? Ông là người đầu tiên của Mỹ lên được Mặt Trăng / Khi còn là sinh viên, ông đã ghi vào nhật ký câu hỏi của Chúa Yesus: “Anh em bảo Thầy là ai?” Và ông đã tự trả lời: Ngài là người không hề phạm tội, là Người vị tha, là Người biết quan tâm săn sóc kẻ khác, Ngài ở trong Thiên Chúa.

60/   N.Amstrong đã trả lời theo cách nào? Ông không dựa theo thần học hay giáo lý, nhưng ông dựa vào đức tin, dựa vào những cảm nghiệm trong lòng mình, dựa vào tình yêu mến của ông đối với Chúa Yesus.

61/   Chúng ta sẽ dựa vào đâu để trả lời câu này? Chúng ta cũng phải nhìn sâu vào tâm khảm của mình, dựa vào niềm tin, dựa vào lòng yêu mến mà chúng ta đã có đối với Chúa Yesus / dựa vào những điều kỳ diệu mà mắt chúng ta đã trông thấy / dựa vào những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta trong những năm tháng đã qua.

62/   Vậy thì đối với tôi, tại hôm nay, Đức Kitô là ai? Hôm nay, chứ không phải hôm qua hay hôm nào khác / Bởi vì có thể trong quá khứ, chúng ta có lần đã yêu mến Ngài hết mình / nhưng tính đến hôm nay / đối với Chúa Yesus thì không có gì thay đổi, nhưng tình yêu của chúng ta có đổi thay không?

63/   Có bao giờ tình yêu chúng ta dành cho Chúa Kitô trở thành quá khứ không? Câu hỏi Chúa Kitô là ai, chúng ta phải tự hỏi mình và tự trả lời mỗi ngày / và đừng bao giờ chúng ta để cho tình yêu Chúa Kitô trở thành kỷ niệm, trở thành tình yêu trong dĩ vãng / Đừng bao giờ để cho Chúa phải yêu đơn phương / đừng bao giờ để cho Ngài đi lủi thủi bên cạnh chúng ta!

64/   Tôi là ai? Đức Yoan 23 đã định nghĩa, đã trả lời câu này như sau: Người Kitô hữu chân chính là người mà tâm hồn họ trở nên một tụ điểm của tình yêu, là nơi hẹn hò của những kẻ yêu Chúa, là men sống động giữa những người anh em / Nếu ai sống được như thế, họ mới đúng là Kitô hữu chân chính.

65/   Thách thức của người Kitô hữu là gì? Muốn sống trọn mọi cam kết, đây quả thật là một thách thức, một đòi hỏi, một sự quấy rầy đối với mọi người / một mảnh sao băng chợt sáng rồi chợt biến mất, nhưng cũng đủ sức thu hút ánh nhìn của bao nhiêu người ở khắp nơi / Một hạt men nhỏ trong một khối bột, nó mất hút chẳng thấy tăm hơi của nó đâu cả nhưng nó đủ sức để làm dậy cả khối bột / Một việc làm yêu thương, dù có nhẹ nhàng đơn giản, cũng đủ để sưởi ấm cõi lòng, đủ sức chinh phục, cảm hóa một con người.***

66/   Ảnh hưởng tốt của người Kitô hữu sẽ thu hút người khác như thế nào? Sự hiện diện của người Kitô hữu chân chính luôn có ảnh hưởng tốt đến người khác, với điều kiện phải sống đúng danh nghĩa Chúa Kitô / Qua cuộc sống của mình, sự hiện diện của chúng ta luôn là dấu chấm hỏi cho người chung quanh / Nghĩa là nhìn vào đời sống, họ nhận ra chúng ta là ai!

67/   Tóm lại: Sự hiện diện của chúng ta ở bất cứ nơi nào và gặp gỡ với bất cứ ai / chúng ta không cần phải tự giới thiệu, tự xưng danh / nhưng để cho người khác đánh giá được chúng ta khi họ thắc mắc đặt câu hỏi về lối sống của chúng ta / hoặc họ sẽ cảm phục vì đời sống tốt đẹp của chúng ta / Hãy để dư luận đánh giá, chúng ta đừng tự đánh giá mình / Chỉ cần chúng ta luôn cố gắng sống tốt, chăm lo sửa đổi nết xấu, tập tành các nhân đức của các Thánh, sống đúng tinh thần Phúc Âm, đương nhiên người đời sẽ đánh giá chúng ta là môn đệ của Chúa Ki-Tô **R

 

TÓM Ý

1/ Vị trí địa lý của vùng Césa-rê Philip-phê: Nó nằm ở phía Đông bắc biển hồ Gali-lê, cách Bet-saida 42km, nay thuộc nước Syria.

2/ Đức Yesus là ai? Theo trí hiểu của dân Do Thái ngày xưa thì ông Yesus chỉ là một ai đó trong số các tiên tri.

3/ Đức Yesus là ai? Câu hỏi được đặt ra để chúng ta có thể hiểu được dư luận nghĩ thế nào về ông Yesus. Tuy ông Yesus là một phàm nhân, nhưng lại theo đuổi một lý tưởng siêu nhiên, ông được người khác kính  trọng. Nhưng cái lý tưởng đó khó thực hiện thành ra chúng ta có thể kính trọng Ngài nhưng khó mà đi theo Ngài.

4/ Các tiên tri là những ai? Là những người chuyên đi rao giảng những giáo thuyết. Nhưng nhiều khi chính các tiên tri là những người quấy rầy cuộc sống của dân chúng nên dân chúng thường tìm cách giết chết các tiên tri, cũng như họ đã từng giết Chúa Yesus.

5/ Ý nghĩa từ câu trả lời của Phê-rô : Theo Phê-rô thì ông Yesus chính là Đức Ki-tô, người có thừa khả năng cứu độ chúng ta và đáng cho chúng ta từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa / Phê-rô đã theo và đã trung thành với thầy mình cho đến chết.

6/ Vì sao dân Do Thái giết Chúa ? Chúa Yesus nhiệt tình rao giảng một thứ giáo thuyết mang lại ơn cứu độ. Thế nhưng cái lý tưởng ấy lại không phù hợp với ý của các lãnh đạo Do Thái. Họ tưởng đâu giết được Chúa là tiêu diệt được giáo thuyết này, nhưng trái lại : Đây chính là lúc Chúa thành công viên mãn sứ vụ của Ngài.

7/ Quan niệm của những người trong thời đại chúng ta về Đức Yesus: Họ nhìn nhận Chúa Yesus rất tốt, đạo Chúa rất lý tưởng. Nhưng họ không cần thứ giáo thuyết này, thứ mà họ đang cần chính là : tiền bạc, của cải vật chất, sự nghiệp, công danh. Vì thế nên họ lao vào cuộc săn tìm của cải vật chất mà gạt qua một bên lý tưởng tôn giáo. Họ cho rằng thứ này chỉ dành cho đàn bà, trẻ con.

8/ QUO VADIS? Khi Phê - rô thấy bắt đạo gắt quá, ông đã tìm cách trốn khỏi thành Roma, nhưng vừa ra bên ngoài thì gặp Chúa Yesus vác Thánh Giá đi vào. Ông mới hỏi Chúa : Thầy đi đâu ? Chúa Yesus bèn trả lời : Ta vào để chịu đóng đinh một lần nữa.

9/ Câu trả của chúng ta hôm nay là gì ? Còn các con bảo Thầy là ai ? chúng ta tin rằng : Chúa Yesus là con Thiên Chúa, Chúa Yesus thừa sức giúp chúng ta thực hiện lý tưởng. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết mê ăn uống, mê tiền bạc của cải, sinh ra chỉ để ăn, để ngủ và sống như vậy cho đến chết thì chúng ta có khác chi con vật.

10/ Vì sao Chúa Yesus chọn sống kiếp con người ? Chúa Yesus muốn chúng ta sống cao hơn kiểu sống của một con vật, nên Chúa đã chọn kiếp người để sống cho chúng ta thấy/ để ta cũng sống đúng kiếp người, xứng đáng là con Thiên Chúa .

11/ Mẫu gương sống của Chúa Yesus như thế nào ? Muốn sống được như Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài, phải từ bỏ mình, phải vác Thập Giá, phải sống vươn lên cao hơn vật chất tầm thường, Ngài sẽ giúp chúng ta sống được như Ngài.

12/ Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng thứ gì ? Nét đẹp của tình yêu chính là sự tự do và hy sinh. Con người có toàn quyền lựa chọn, Chúa không bắt buộc ai, nhưng Ngài mời gọi. Ta có quyền lựa chọn / từ bỏ là hy sinh, hy sinh thì phải thiệt thòi, mất mát. Tự do dấn thân là sự mạo hiểm, chúng ta có thể khước từ hoặc chấp nhận .

13/ Từ bỏ và hy sinh có liên hệ gì với nhau ? Hy sinh luôn có mùi hương thơm của hạnh phúc. Từ bỏ làm cho tâm hồn có nét thanh cao, từ bỏ không thể làm chỉ một lần nhưng phải làm suốt đời.

14/ Cái lợi của sự từ bỏ : Ai liều mạng sống vì Ta thì sẽ được sống. Từ bỏ vì Chúa, ta không lỗ chút nào. Chúng ta từ bỏ cái tương đối để nhận lại cái tuyệt đối, khước từ cái mau qua để nhận lãnh cái vĩnh hằng. Từ bỏ cái mau chết để đổi lấy cuộc sống đời đời.

15/ Vì sao Chúa Yesus lại hỏi các môn đệ ? Chúa hỏi để kiểm tra những gì các ông đã thu nhận từ người khác. Rồi Chúa lại hỏi thêm 1 câu sau nhằm khuyến khích các ông suy nghĩ để có 1 lập trường riêng, để rồi các ông có một  xác tín cá nhân.

16/ Chúng ta sẽ trả lời thế nào ? Cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta có Đức Tin của các bậc cha ông. Xin Chúa giúp chúng ta luôn đào sâu Đức Tin để chúng ta có được một niềm xác tín như Phê-rô.

17/ Cách Chúa Yesus thể hiện mình : Trước khi Chúa Yesus đặt câu hỏi, Ngài đã làm nhiều dấu lạ trước mắt các môn đệ. Tất cả những phép lạ Chúa làm đều có ý vén mở cho mọi người thấy Ngài là ai.

18/ Cách Chúa tỏ căn tính của mình : Mặc dầu các môn đệ bị Chúa chê là đần độn / tuy Chúa không trực tiếp nói cho các ông biết căn tính của mình, nhưng Chúa đã dẫn họ đi trên suốt con đường, để họ tự khám phá ra Ngài là ai. Trong khi đó những người ngoài cũng chỉ tưởng Ngài là một ngôn sứ không hơn không kém.

19/ Chúng ta thử phân tích câu trả lời của Phê-rô : Chúa Yesus đang chờ một câu trả lời đầy đủ hơn từ phía các môn đệ. Phê-rô đã nhanh nhẩu đại diện cho cả nhóm để nói lên niềm xác tín của mình : Thầy là Đấng Ki-tô. Phê-rô nói đúng nhưng quan niệm của ông chưa đúng.

20/ Cách Chúa Yesus trình bày sứ vụ của mình : Dựa vào lời tuyên xưng của Phê-rô, Chúa đã nói về cuộc tử nạn của Ngài một cách không cần úp mở nữa, Chúa Yesus đã chẳng cần dùng đến dụ ngôn nữa.

21/ Chúa Yesus đã thấy trước điều gì ? Lời tiên báo của Chúa Yesus được cho là dựa vào những biến cố đã xảy ra. Thật ra Chúa Yesus cũng đã thấy những phản ứng chống đối từ khi Ngài bắt đầu giảng dạy. Chúa biết mình đang phải đương đầu với ai và biết cả cái chết đang rình rập mình. Nhưng Chúa Yesus đã không thoái lui, không phải là Ngài cố đi tìm cái chết, nhưng là Chúa chọn cách sống trung tín với Chúa Cha để phục vụ cho loài người.

22/ Cách Chúa Yesus xác định niềm tin như thế nào ? Sự lựa chọn của Chúa là sự lựa chọn của kẻ có lòng tin. Chúa Yesus tin rằng : Cho dù Ngài có chết thì Cha trên trời cũng không thể bỏ rơi Ngài. Sẽ chẳng để cho Ngài phải hư nát, Chúa Yesus đã hiên ngang ra pháp trường để minh chứng cho sự trung tín trong tình yêu.

23/ Vì sao Phê-rô lại choáng váng ? Phê-rô đã choáng khi nghe Chúa Yesus tiên báo về cuộc khổ nạn. Bởi ông không hiểu được điều khủng khiếp này sẽ xảy ra như thế nào trong khi đầu óc ông đang mải mê với một Đức Ki-tô đầy vinh quang.

24/ Chúng ta thử phân tích lời can ngăn của Phê-rô : Đây là một lời can ngăn đầy nguy hiểm mà Chúa Yesus thấy như một cơn cám dỗ của Satan nên Chúa đã bảo Phê-rô : Satan hãy lui lại đằng sau Ta. Chỗ đứng của người  môn đệ luôn ở đàng sau Thầy mình, Chúa Yesus muốn đưa Phê-rô về đúng chỗ của ông.

25/ Lời mời gọi của Chúa Yesus : Bất cứ ai muốn đi theo đều được Chúa Yesus mời gọi. Theo thì phải từ bỏ, các môn đệ đầu tiên đã từ bỏ tất cả, Chúa Yesus đòi hỏi phải từ bỏ tận căn, không phải là từ bỏ một vật nào  mà là từ bỏ tất cả -> Đó là từ bỏ chính mình.

26/ Từ bỏ chính mình là gì ? Là không còn sống cho mình nữa, là vác cây Thập Giá đi theo Chúa Yesus cũng đang vác Thập Giá, là làm công việc của một tên tử tội.

27/ Phê-rô hiểu thế nào về con đường Chúa Yesus phải đi ? Con đường chịu khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Yesus là con đường mà Phê-rô không thể hiểu được và cũng không muốn chấp nhận. Nhưng cũng là con đường mà ông và tất cả chúng ta phải đi.

28/ Thập giá của Chúa là gì  / Chúng ta là gì ? Thập giá của Chúa là do Chúa gánh tội của nhân loại/ Thập Giá của chúng ta là do chúng ta lãnh sứ mạng loan báo Tin Mừng cho anh em.

29/ Muốn theo Chúa, ta cần làm gì ? Ta phải từ bỏ mình, nếu theo Chúa mà không từ bỏ mình thì cũng chỉ là ảo tưởng. Bất cứ ai đi theo Chúa cũng sẽ bị cám dỗ về công trạng, sự tận tuỵ và uy tín của mình, khiến cho họ luôn cảm thấy mình thật quan trọng.

30/ Điều nguy hiểm mà người tông đồ thường gặp khi đi theo Chúa : Sau khi từ bỏ mọi sự,  hiến thân phục vụ cho Chúa. Các tông đồ bèn nghĩ đến công trạng của mình nên các ông bắt đầu tranh luận xem ai lớn hơn, lớn nhất trong nhóm. Vậy điều nguy hiểm nhất cần từ bỏ là Cái Tôi.

31/ Điều khó khăn nhất khi phải từ bỏ là gì ? Từ bỏ tội lỗi thì nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta khó lòng tự hào. Nhưng từ bỏ mình khỏi những nhân đức, những công trạng thì không phải ai cũng làm được. Thế nhưng nếu nài xin ơn Chúa giúp, chúng ta vẫn có thể vượt qua sự tự hào về những nhân đức, những công trạng mà mình lập được.**R


Giuse Luca /Kinh Thánh Emmaus
 

Trở lại      In      Số lần xem: 2228
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1539
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406948
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top