Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Phần 2(Bài 1): Đừng Xét Đoán

PHẦN THỨ HAI
 
THỰC HÀNH BÁC ÁI THẾ NÀO? (+)
 
Chúng ta sẽ lần lượt bàn về hai phương diện tiêu cực là những gì không nên làm; và phương diện tích cực, tức là những gì ta cần thi hành, hay ít ra thực tập.

Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo Đoàn Corintô, thư thứ I, đoạn 13, đã kể ra 14 tư cách bác ái: bảy tư cách tiêu cực và 7 tư cách tích cực, chúng tôi không có ý theo thứ tự, cũng không giải thích 14 tư cách đó, nhưng đều có đề cập đến hầu khắp lượt

PHƯƠNG DIỆN TIÊU CỰC: NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM

CHƯƠNG THỨ I: ĐỪNG XÉT ĐOÁN

Vị Tông Đồ chư dân viết: “Đức ái không nghĩ điều xấu cho anh em”, tức là không xét đoán (Caritas non cogitat malum) (I.Cor.13,5).

1. – ĐẶT VẤN ĐỀ:

Ở đây khuyên đừng xét đoán, không có ý nói đến những chức vị, vì hoàn cảnh đặc biệt, hay nhiệm vụ, có phận sự bó buộc xét đoán các người dưới quyền, có bổn phận coi sóc, hay phải lãnh trách nhiệm: như các nhà giáo dục, gia trưởng, thủ lĩnh một tổ chức, v.v…

Mặc dầu ở vào những trường hợp đặc biệt nói trên, luôn luôn phải xét cặn kẽ khôn ngoan nhưng đầy tình bác ái. Không khi nào Thiên Chúa lại trách chúng ta vì đã nhân từ. Gặp trường hợp khó phân biệt, đâu là đúng mức trung dung, thà nghiêng về phía quá nhân, hơn là là quá cương.

Trong thực tế, đời sống thường nhật chúng ta vẫn hành động theo như trí ta phán đoán: bởi vậy ta cần kiềm hãm trí khôn, đừng để mình theo tính tự phát, xét đoán vô lối, hay gặp chi xét nấy.

2.- KHÁI NIỆM VỀ XÉT ĐOÁN:

Nên biết qua, có một ít việc trí khôn khởi sự suy luận, nhưng chưa phải xét đoán, chẳng hạn như:

- Hồ nghi (Dubitatio): Nghĩa là trí khôn đánh dấu hỏi, nhưng chưa dám buộc tội, có thể tốt, mà cũng có thể không tốt.

- Rồi ngờ ngợ (Suspicio): Mặc dầu còn sợ sai nhưng đã nghiêng, hoặc khuynh hướng về buộc tội kẻ khác rồi.

- Thứ đến ngờ vực (Opinio): Tuy chưa dám chắc hẳn, nhưng đã phỏng đoán có lẽ (cum probitate) là như thế đấy.

- Và sau hết Xét-đoán (Judicium): Chắc chắn, không sợ sai, với luân lý đích xác , quy định tội cho người ta rồi.

Hồ nghi là việc không lành không dữ, còn ngờ ngợ chẳng qua chỉ là thiếu trọn lành, đến như ngờ vực, bắt đầu có lỗi, nói gì xét đoán, nếu không đủ điều kiện, có thể thành tội được.

Thánh Thoma Tiến sĩ trong bộ sách Tổng Luận thần học (Summa Theologica) đã viết: “Mặc dầu chúng ta không thể tránh được nghi ngờ điều xấu vì chúng ta là loài người, nhưng chúng ta phải kiềm hãm việc xét đoán”   (2a, 2ae, q.60).

Chỉ khi nào không có lý do, hay lý do không đủ mà mình vô căn cứ dám xét đoán, lúc đó mới gọi là dông dài; còn khi có đủ chứng cớ hiển nhiên, chẳng qua chỉ là biết một công việc thực có tính cách lịch sử.

Người ta hay ngộ nhận, thấy việc nọ xảy ra sau việc kia, đã vội kết luận: Việc trước đúng là nguyên nhân phát sinh ra việc sau

Nhưng kinh nghiệm cho hay, biết bao phen hai việc kế tiếp nhau, mà không có chút liên hệ gì với nhau cả.

3. – NHỮNG LÝ DO CẤM TA XÉT ĐOÁN

a) Lý do thứ nhất: Thánh ý Chúa muốn thế. Chúa Cứu Thế đã phán: “Các con đừng xét đoán để khỏi phải chịu xét đoán, đừng lên án, để khỏi bị lên án”.  (Mt.7,1)

Câu chuyện về Chúa Giêsu một hôm hiện ra cùng vị Thánh Nữ tuyên bố: Cha dạy con ba chữ, chữ thứ nhất tha thiết mến Chúa, chữ thứ hai thực tâm khinh mình, và chữ thứ ba, đừng xét đoán người khác. Đức bác ái bao la là thế mà Chúa chỉ lấy nguyên điểm đừng xét đoán vì nó là căn do tư tưởng, ngôn từ, hành vi đối với người khác.

b) Lý do thứ hai: không xét ai, chỉ lo xét mình, sẽ làm đẹp lòng mọi người. Khi ta đàm đạo với người lớn, tự nhiên chúng ta giè giữ, e người ta nghĩ này, nghĩ nọ, còn với trẻ nhỏ, chúng ta cứ nói tự nhiên, không e giè, vì rõ chúng hồn nhiên vô tư, không biết xét nghĩ chi hết.

Trong thư gởi Giáo Đoàn Roma, Thánh Phaolô chất vấn: Hỡi con người, Ngươi xét đoán ư? Hỏi rằng ngươi có chữa mình được chăng? Điều ngươi xét kẻ khác, thì ngươi lên án cho mình  (Rom.2,1)

c) Lý do thứ ba: Tránh xét đoán là bảo chứng mình khiêm nhường thực. Con người xét đoán, mặc nhiên tự đặt mình là thẩm phán, làu thông pháp luật, dồi dào kinh nghiệm, và có đầy đủ thẩm quyền, còn kẻ bị xét đoán dù là trên mình, chỉ là tên bị cáo không hơn không kém bị dẫn đến vành móng ngựa trí khôn,  hạch hỏi đủ chuyện, như thế là tự đề cao mình quá đáng, và hạ người khác quá mực; hơn thế nữa, còn cả gan cướp quyền đoán xét của Thiên Chúa. Thánh Vịnh nhắc “Chúa sẽ thấy chúng ta chỉ là bụi đất” (Ps.102,14).

4. – ÁC QUẢ CỦA XÉT ĐOÁN

a) Ác quả đầu tiên: Xét đoán dễ đưa tới tinh thần phản kháng chỉ trích. Có hạng người nông suy cạn xét, nghĩ phải có thế, mới là con người có đầu óc khí khái. Họ không ngờ mình bị ảnh hưởng báo chí, đời sống tự do quá đáng, phê phán tất cả mọi tầng lớp xã hội.

Rủi trong trí đã trót xét đoán người nào, ta đừng thổ lộ ra, chớ hở môi với ai. Đối với người vắng mặt, ta đừng đề cập đến điểm mà ta không dám nói trực tiếp trước mặt đương sự.

Đức Hồng-Y Manning bảo: “Tinh thần chỉ trích là  triệu chứng thiếu căn bản đạo đức sâu xa”.

b) Ác quả thứ nhì: Là pha mình vào việc người khác. Thử hỏi giả sử có ai vô cớ can thiệp vào việc riêng ta, hỏi ta có bằng lòng không? Trong Phúc Âm Chúa bảo: « Hỡi người giả hình, Ngươi hãy tiên liệu khiêng xà khỏi mắt mình đã, rồi sau đó sẽ tính đến chuyện thổi bụi khỏi mắt anh em «  (Mt.7,5)

c) Ác quả thứ ba: Đoán xét người chỉ uổng công mất thì giờ, lắm khi còn thêm bực mình. Việc thay mặc Chúa xét đoán các kẻ dưới quyền là ơn siêu nhiên đi kèm với nhiệm vụ, ai không phải nhiệm vụ lẽ tất nhiên thiếu ơn đó, nói ngay người có nhiệm vụ dù đắn đo, lắm khi còn lầm lỡ, huống chi không phải nhiệm vụ, chỉ làm một việc mất công, mất giờ, ôm rơm làm gì cho nặng bụng ? Nhiều phen còn chuốc nỗi bực mình vào thân.

5. – NHỮNG YẾU TỐ CẦN ĐỀ XÉT NGƯỜI MÀ KHÔNG LỖI:

Nhà giảng thuyết Bourdaloue, theo ý Thánh Thoma, cho được xét nên, cần ba yếu tố sau đây: a) Quyền bính nơi thẩm phán (Auctoritas in judice). b) Biết rành mạch công việc phải xét (Accurata cognitio causae). c) Hoàn toàn thanh tẩy mọi thiên kiến(Perfecta integritas a praejudiciis).

a) Thiếu yếu tố thứ nhất, là thiếu thẩm quyền: Hỏi rằng ai trao quyền xét đoán cho ta, mà cho dầu có thẩm quyền đi nữa cũng nên biết Thiên Chúa dựng nên mình để làm bầu bạn, đâu có dựng nên để làm quan xét. Nói ngay đến mười hai Tông đồ hỏi Chúa: Chúng con theo Thầy sẽ được ân thưởng thế nào? Chúa hứa cho ngồi trên mười hai tòa xét đoán mười hai chi tộc Do-Thái.

Nhưng có đúng là mỗi Tông đồ chia nhau phán xét mỗi chi tộc, hay chỉ có quyền hợp cùng với Chúa, là vị Thẩm phán độc nhất thôi. Chúa Cha đã ban quyền xét đoán cho một mình Chúa Con, Đấng có công Cứu Chuộc nhân loại.

b) Thiếu yếu tố thứ hai: Không hoàn toàn biết việc mình xét. “Nhân loại xem xét ngoài mặt, chỉ có Chúa thấu suốt trong thâm tâm”  (I.Reg.16,7).

Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu quả quyết: “Khi chúng ta thấy người anh em sai lỗi, ta tự nhủ có thể đương sự đã nhiều phen toàn thắng, vì khiêm nhường đã ẩn mặc đi, biết đâu chính điều bề ngoài coi là lỗi, rất có thể thành một việc nhân đức, nhờ thiện chí”.

c) Thiếu yếu tố thứ ba: là khó sạch thiên kiến, có khi vì không ưa, vì ác cảm, vì in trí v.v… Cha Faber dòng Tên đã viết: “Chẳng có ai có thể xét đoán nhân loại, chỉ có Chúa thôi, và khi Chúa xét, Ngài xét với cả một tấm lòng bình tĩnh, cảm thương, khéo tìm lẽ chữa lỗi cho loài thụ tạo mình dựng nên”

6. – NHỮNG GÌ THÚC ĐẨY TA XÉT VIỆC NGƯỜI:

a) Lý do thứ nhất thúc đẩy: Theo Thánh Bonaventura tiến sĩ vì tại mình tự kiêu, ít ra cũng hiên ngang phần nào. Xem mấy ông Tông đồ vừa thấy tên mù tự mới sinh ra, đã vội đoán xét và hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tại ai mà nó mang tật? Tại tội nó, hay tại tội cha mẹ nó? Chúa đáp: Chẳng phải tại tội ai cả, nó mù để danh Thiên Chúa được cả sáng.

Thánh Bonaventura cho ta hay, kẻ xét đoán tự nghĩ mình hơn người, hay là bị cám dỗ nghĩ tưởng như thế: xem người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, dám hiên ngang nói: Tôi không phải như tên thu thuế đang đứng ở dưới cuối đền thờ kia.

b) Lý do thứ hai: Theo Thầy Louis de Grenade, vì mình sẵn có tật đó. Câu ca dao bình dân Việt Nam hữu lý hơn: Mình ăn trộm lờ, mới ngờ người ta ăn trộm đó”.

Sách Triết ngôn Cựu-Ước: “Trên con đường người dại đi, bởi vì chính nó điên, nên nó tưởng hết mọi người đều khùng” (Eccl.10,3)

c) Lý do thứ ba: Tại mình không ưa. Sao hai người cùng làm một việc: Ta dễ dãi với người này mà khe khắt với người kia. Câu ca-dao Việt-Ngữ rất đúng: “Đã không ưa thì dưa có giòi”.

Ta phải công minh không được thiên lệch: người tự nhiên ta ưa, làm không phải, ta cứ lên tiếng; trái lại người ta không ưa, làm đúng, ta phải thẳng thắng nhìn nhận là đúng.***

7. – NHỮNG PHƯƠNG PHÁP PHÒNG NGỪA XÉT ĐOÁN

a) Phương pháp thứ nhất: Hãy tự xét lấy mình. Đọc trọn pho sách nhân đức, chỉ thấy dạy xét mình, hết xét mình chung đến xét mình riêng, không hề có dạy phải xét người khác bao giờ. Trước tòa Thẩm phán chí công ta chỉ phải trả lẽ về việc mình thôi, để trí xét người thêm phân tâm nào có ích gì đâu? “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

b) Phương pháp thứ hai: Cắt nghĩa lành. Luật cổ xưa, đệ nhị khoản: “Việc hồ nghi, không rõ khi làm tâm địa họ ra sao, tốt hơn, cứ phía lành mà cắt nghĩa”.

Thánh Thoma dặn: Thà lầm xét lành cho kẻ dữ, còn hơn xét dữ cho kẻ lành. Việc trước không can chi, việc sau lỗi phạm rồi đó. Thánh Bernardo còn thêm: Khi không thể chữa được việc làm hiển hiện bề ngoài, thì cứ cho là đương sự có ý tốt, có thiện chí.

c) Phương pháp thứ ba: Phải ghi lòng tạc dạ là loài người yếu đuối lắm Sai lầm là nghiệp dĩ của con người. Thánh Gregorio bảo: Có kẻ được dồi dào ơn trong, mà vẫn khuyết điểm bên ngoài; người khác dù còn đôi chút nết xấu, có khi đã trọn lành; còn ta dầu chẳng nhận thấy mình có lỗi gì, cũng vẫn còn xa đường trọn lành lắm .

Thánh Kinh đã chẳng ghi chú: Người lành Thánh một ngày sa sẩy bảy lần là gì?

d) Phương pháp thứ tư: Chúng ta khó biết đầy đủ việc người khác. Các việc nhân loại rất khó đoán xét, muốn đánh giá cho đúng một công việc gì, cần biết lý do tác tạo lên nó, lý do này tầm nhãn quan ta không tài nào biết được. Ta đã thấy nhiều phen, vừa xét đoán xong, tưởng là đúng cả trăm phần trăm, đột nhiên khám phá ra một sự kiện bí ẩn, đảo ngược tình thế.

Theo hình thức bề ngoài, việc ngờ là đắc tội, trước mặt Chúa lại là nhân đức. Đành rằng người ấy người nọ có khuyết điểm đấy, nhưng vì khinh suất hơn là ác ý tà tâm. Ai biết đâu được Chúa làm thinh khuyết điểm ấy, để che giấu nhân đức họ, và Chúa cũng có ý thử lòng chúng ta, mong chờ “được thấy chúng ta cải thiện đúng như chúng ta ước muốn cho anh em mình được cải thiện” đó là câu ý vị Thánh Vinh-Sơn đệ Phao-lô đã ghi chép.

Biết đâu khuyết điểm mà chúng ta nhận thấy nơi anh em chỉ là yếu đuối hiếm thấy, kể có trăm lần họ chiến thắng, rủi một lần chiến bại! Giả sử đương sự có tà tâm đi nữa, chúng ta có biết đâu số lượng ơn lành cho mỗi người. Thiên Chúa chỉ đòi mỗi linh hồn sống cân xứng với số lượng ơn Ngài ban cho thôi.

e) Phương pháp thứ năm: Nói người phải biết nghĩ thân: Đây xin trình bày mấy trường hợp điển hình người này có những khuyết điểm rành rành ra đây này: Được rồi, họ đã phạm những lầm lỗi, việc họ làm theo ta nhận rõ là đáng trách.

Nhưng ai biết được, nếu phải chính ta ở vào địa vị họ, với những truyền thống di lại trong gia tộc, và những thiết sót nền giáo dục lúc sơ khai, những thử thách mà họ phải đương đầu đối phó v.v… ta có thể chắc mình sẽ không kém họ chứ ?

Ai biết được ở vào địa vị ta, với tất cả những ơn ban trợ hộ giúp trên trời, ta đã được gội nhuần chan chứa, biết đâu họ đã chẳng ứng đáp xứng đáng hơn ta, sống tử tế hơn ta? Ai dám khoe mình luôn “trung thành với ân sủng mình nhận được mãi đến cùng”?

Đàng khác, chúng ta đừng nên quên rằng: luôn luôn chúng ta có thể phạm cũng một thứ tội người khác mắc phải . Chúng ta có nhiệm vụ ghét tội, nhưng ta không có quyền khinh tội nhân.

f) Phương pháp thứ sáu: Phải biết người biết của: Con người ta thường hững hờ, không coi lãnh vực lạ lùng Thiên Chúa ban cho những người cùng sống với mình, họ chỉ chăm chú nhìn khía cạnh kém cỏi không đẹp ý, như thế có khác gì khách viếng bảo tàng viện nhất định chỉ quan sát nguyên chỗ nứt rạn của bức họa, và chỉ để ý đến lớp bụi bao phủ bức họa mà  thôi.

Chúng ta đừng khinh chi hết: Đừng khinh người vì dù một người kém cỏi nhất, cũng chứa đựng một tàn lửa Thiên Chúa, luôn có thể ngún lên; đừng khinh các ý tưởng, vì biết đâu mỗi ý tưởng đó chẳng hàm súc một phần chân lý, cần biết khám phá mới được; cũng đừng khinh việc kẻ khác làm vì nhiều khi ta không biết động cơ thúc đẩy họ làm, chắc chắn không khi nào ta trù liệu những việc đó sẽ xảy ra như thế nào đâu .***   

g) Phương pháp thứ bảy: Phải biết sợ lý đoán Thiên Chúa: Nếu như ta bị cám dỗ đoán xét quá dễ dàng, ta hãy nhớ lại lời thẳng nhặt Chúa phán với Thánh nữ Mechtildê rằng: “Vì người ta hay đoán xét sai cho anh em, thì cũng giống như nó đã phạm điều lỗi đó, là điều mà nó đang muốn gán cho anh em .

“Giả như đương sự quả thực đã sai phạm đúng như nó đoán, nó nói, nhưng theo ý nghĩ riêng tư và lòng ngờ vực, tuyệt nhiên không biết thiện chí anh em, thì cũng vướng lỗi của tội nhân; và nếu không chịu ăn năn hối cải, sẽ còn bị phạt y như tội nhân đáng phải chịu”.

Đấy đấy, chúng tôi xin kể một câu chuyện để ta nhận thấy tầm quan trọng của lệnh truyền Chúa Cứu Thế dạy đừng xét đoán, và ước lượng được phần thưởng bội hậu Chúa dành để cho những ai trung tín giữ một điều đặc biệt trong các điều Phúc Âm khuyên.

Xưa trong một Tu-viện rất đông các thầy ẩn sĩ, vì nhận thấy mùi thơm nhân đức các Thày tỏa bay khắp nơi, có một trang thanh niên tuấn tú con nhà quyền quý, phải đến Tu-viện xin nhập tu. Ông Thày dòng mới này không thể nào áp dụng mọi tập quán chung với các Thày, chẳng hạn: các Thày đi chân không, phần Thày không mang dép da cũng phải có đôi dép rơm ,chân mới có thể bước đi trên đá sỏi su-si; món ăn thanh đạm, tỳ vị Thày không tiêu được, Bề trên phải dành cho Thày ít nhiều châm chước, dễ dãi Thày mới có cơ hội tu đến mãn đời.

Khi thần chết báo hiệu, sắp tới gõ cửa Thày, Thày vẫn điềm nhiên y như không có việc gì cả, vẫn vui vẻ cố gắng tùy sức giữ theo Luật, khi bệnh tình có dấu nguy hiểm hơn, các Thày giục giã, phải lo dọn mình ra trước Quan xét chí công, Thày không may mảy đổi thay thái độ.

Cử chỉ này khiến cho một số trong các Thày cùng chung sống thì thào với nhau: Hay là anh ta ngã lòng trông cậy à? Nhận thấy thế, Thày mời một số anh em, dùng giọng yếu ớt hỏi: “Chúa Giêsu có nói dối không?” – Toàn thể đáp: “Đấng thật thà vô cùng nói dối sao được!”.

Lúc đó Thày hoan hỷ tươi nét mặt thưa: “Nếu Chúa Giêsu không nói dối, thì tôi không sợ phán xét, Chúa đã bảo đừng đoán xét, để khỏi bị phán xét, đừng lên án ai, để khỏi bị lên án. Tôi biết thân yếu đuối, chỉ là một tôi tá vô ích, không hơn không kém, thế nên suốt đời tôi chỉ chủ giữ trọn một điểm, là không hề dám đoán xét ai hết. Vậy bây giờ đến lượt Chúa phải giữ lời mình hứa, đừng phán xét tôi; hay nói cho đúng hơn: Cứ phán xét, nhưng chuyện lên án phạt tôi, chắc hẳn là không có đâu.

Nghe Thày tường trình như thế, các Thày như bừng tỉnh giấc mơ, tấm tắc khen con người chí khí.

Sau một thời gian không lâu, Thày dòng nhân đức này trút linh hồn trong tay Chúa chí nhân một cách êm ái lạ thường. Quả thực cái chết của người Lành Thánh quý giá trước mặt Thiên Chúa.

Lễ an táng chưa khỏi bao lâu, một Thày dòng đang cầu nguyện, ngất trí được đặc ân Thị kiến, mắt thiêng liêng nhìn thấy đoàn thể các Thánh tu hành, thánh Phaolô tu hành, Thánh Antôn, Pacomilô Macariô, rồi tiếp đến ông thày Dòng mới từ trần, sau đó còn biết bao vị Thánh tu hành theo sau.

Như thế chúng ta nhận thấy Thiên Chúa thưởng các kẻ trung tín giữ điều khuyên trọng đại trong Phúc Âm, là đừng xét đoán thế nào.*/CON TẠ ƠN CHÚA/YL*


Trở lại      In      Số lần xem: 4136
Tin tức liên quan
  • Kết Luận
  • Phần 3(Bài 12): Đức Ái Nhiệt Tâm Phục Vụ
  • Phần 3(Bài 11): Đức Bác Ái Hay Tha Thứ
  • Phần 3(Bài 10): Anh Em Sửa Lỗi Nhau
  • Phần 3(Bài 9): Đức Ái Hiền Hậu
  • Phần 3(Bài 8): Bác Ái Hay Nhẫn Nhục
  • Phần 2(Bài 7): Đức Ái Không Mừng ... Cùng Vui ...
  • Phần 2(Bài 6): Đức Ái Không Tức Giận
  • Phần 2(Bài 5): Đức Ái Không Quá Mê Của Cải Và Danh Giá
  • Phần 2(Bài 4): Đức Ái Không Khinh Người
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  7530
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11425364
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top