Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Phần 2(Bài 2): Đừng Bôi Nhọ Người Khác

(+) ĐỪNG BÔI NHỌ NGƯỜI KHÁC
 
Thánh Phaolô bảo: “Đức ái không làm càn” (Caritas non agit perperam – I. Cor.13,5)

1.THỦ KHẨU NHƯ BÌNH

Giữ miệng như đậy nắp bình:

Tiếp theo việc xét đoán, phải bàn đến vấn đề làm mất danh giá người khác: Trường hợp năng gặp hơn cả là người ta dùng ba tấc lưỡi nói xấu người vắng mặt. Thánh Giacobô bảo: “Nếu ai không vấp phạm trong lời nói, đó là con người hoàn thiện”  (Jac.3,2)

Không gì bôi nhọ anh em bằng lời nói, thứ người máy miệng, bạ chi cũng nói, trường hợp anh em thực có lỗi, đó là nói hành; trường hợp anh em không lỗi đem dựng đứng việc không có lên, tức là "bỏ vạ cáo gian".

Biết bao hạnh phúc gia đình đổ sụp, biết bao cuộc đồng tâm nhất trí bị tan vỡ, chỉ vì những lời nói xấu, từ miệng người nọ chuyển qua miệng người kia, cứ tiến đi một chặng đường, lại thêm tiềm lực mới ,tác hại còn mạnh hơn quả bom .

2.CHA BELLOUARD GIẢNG CẤM PHÒNG

Cha giảng cấm phòng cho một nhóm thiếu nữ, đã lưu ý họ (kể cả nam thính giả cũng có thể áp dụng lời khuyên sau đây) về tính nhẹ dạ, không thể chấp nhận được, người ta rủa nộp danh thơm tiếng tốt tha nhân một cách ngây ngô, rồi tự bào chữa:

a) Giả sử tôi có biết chắc tương lai đen tối như vậy… tôi chẳng dám hở răng với người ấy điều mật kín họ hứa trung thành giữ kỹ, rồi chẳng giữ gì. Bây giờ mọi người đều biết, như thế rất phiền, làm nặng lòng cho đương sự đã tín cẩn nói nhỏ với tôi, tiếc rằng chị bạn tôi có cái lưỡi dài quá, và tôi cũng thế. Giá tôi biết được trước….

Điều này phải biết mà!

b) Giá tôi có biết về sau quá tệ như thế… chắc tôi chẳng dại gì tung ra những lời chỉ trích, nó từ cửa này chuyền qua cửa khác. Cả làng đều biết, họ lặp đi lặp lại, còn thổi phồng lên nữa. Một nắm tuyết đem tung ra thành băng tuyết tại lỗi tôi, nên nhiều người giẫm lên trên tuyết, biết đến khi nào thu lượm lại được? Ồ! Giá tôi biết trước…

Cố nhiên mình phải biết chứ!

c) Giá tôi biết sự thực bi đát thế này… đâu dám thinh lặng bạc nhược trước lời nói độc địa, đâu tôi có chịu làm ngơ, không bênh hộ cô bạn vắng mặt, bị người ta mổ xẻ, cô thiếu nữ nọ bị vu oan. Khốn vì tôi câm như hến để mặc họ nói đủ chuyện: Như thế tại tôi, mà cô em khóc ròng, tưởng sống trên đời là biển khổ, cô lên án tình cảm nhân loại lừa đảo. Ôi! Giá mà tôi biết trước được…

Chà! Cảnh ngộ này mình phải biết mà!

d) Giá tôi có biết chắc tương lai hẩm hiu, hẳng tôi chẳng dám nhận làm thủ lĩnh, để rồi không đem lại ích gì, hay quá ít cho đoàn thể tôi điều khiển. Vì đoàn thể của tôi, họ hờn dỗi… họ tan rã, các việc thiện hóa thành bất lực, lòng con người sao mà hắc ám đến thế, xét đoán bất công, mưu mô hại người, không chút thương tình. Rồi đây hội thiện sẽ đi đến đâu? Vậy tôi đã hành động phản bội Chúa Giêsu Kitô ư? Ồ nếu tôi biết trước được… (lời Cha Bellouard).

Nắm tuyết tung ra, vô phương nhặc lại, làm chúng ta liên tưởng đến câu chuyện Thánh Philiphê Nêri bảo người có tập quán nói hành, đem chiếc gối nhồi toàn lông rắc ra đường, rồi Thánh nhân bảo đi nhặc lại, nhặc cho đủ hết; họ thưa, không sao được. Lúc đó Thánh Philiphê mới bảo nói hành tung ra, rồi nhặc lại cũng khó như thế.

3. HỌ KHÉO BÔI NHỌ THẾ NÀO?

Rất dễ bôi nhọ ý tưởng cao đẹp người khác: Trong cả bài, chỉ đem rút bớt đôi câu là hết ý nghĩa. Họ dễ dàng thả những câu hỏi lập mưu cài bẫy, thái độ ậm ờ, tỏ giọng sửng sờ, ra vẻ thành thực cảm động, đặt câu hỏi như tự nhiên: “Sao việc thế mà anh không biết à? Có lẽ nào anh lại không hay chuyện đó? – À anh có biết câu chuyện người ta mới nói với tôi về anh không?” v.v…

Ôi đức bác ái, có biết bao tội ác người ta phạm nhân danh ngươi: Kể cả những người nại đến ngươi nữa!...

4. TẬT NÓI XẤU THỊNH HÀNH

Nói hành là một giống tội quá phổ cập, dù cao tường, kín cổng, nó cũng vào được, dù tu-hội, tu-viện, vẫn có thể lây, ngay đến Cung Thánh cũng chẳng sạch. Hai thứ tội hay đi liền nhau: Đã xét đoán tất nhiên đưa đến nói hành, ma quỉ tấn công mãnh liệt, rối tinh thần thế tục, xúi đẩy thêm vào, chẳng hạn như nói: Tụi chúng quá quắt phải thế mới kiềm hãm được; thì nói cho người lành biết, mà thương hại, mà buồn tiếc, mà cầu cho kẻ có tội.

Ta nên nhớ lời ông Tobia cha khuyên Tobia con: “Hễ sự gì con không muốn kẻ khác làm cho con, thì con đừng làm cho người khác”. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Tob.4,16).

Thánh Giêronimô nói: “Rất hiếm người sạch khỏi nết xấu nói hành này. Tính ham mê tật xấu này, xâm lấn trí lòng con người mãnh liệt, dù họ đã tránh xa được các nết xấu khác, họ cũng sa vào tội nói hành, như tròng bẩy cuối cùng của ma quỉ”

Thánh Thoma Tiến sĩ biết: “Kẻ nói hành anh em càng khinh luật dạy yêu người bao nhiêu, hình như càng nói xúc phạm đến lề luật bấy nhiêu”

5. ÁC QUẢ CỦA TẬT NÓI HÀNH

Dần dần nọc độc cứ nhiễm thêm mãi vào.

a) Hại chung: Trước nói chung còn chưa ưng ý, còn phải nói thật kỹ mới nghe; nói trống chưa cam, còn nói điều kín cẩn mật; nói những chuyện thường thường, chưa đành, còn nói những chuyện can hệ. Có khi còn thêu dệt là khác, thêu dệt thêm hoa thêm lá, với giọng quả quyết tác hại.

Sách Triết Ngôn trong Kinh Thánh: “Nhiều người ngã chết vì mũi gươm, nhưng còn nhiều người hơn bị hư hỏng chỉ tại cái lưỡi của mình”  (Eccli.28,22)

b) Hại cả ba bề: Hại chính mình (người nói), vì vương tội, hại người nghe vì thích thú, cũng đeo theo tội vào mình, hại người bị nói xấu, vì danh giá bị tổn thương. Thánh Phanxicô Salêsiô Giám Mục Tiến sĩ, trong sách “Dẫn đường đời sống sốt sắng” đã ghi chép: Nói hành làm tổn hại ba đời sống:

1) Đời sống riêng linh hồn mình.

2) Đời sống tâm linh kẻ khác.

3) Đời sống công dân, vì tổn thương đến danh giá nạn nhân.

=> Thế nên chúng ta phải tuân lời sách Triết Ngôn: “Ai ban cho tôi canh phòng miệng lưỡi tôi, và đặt ân tin chắc trên môi tôi, để tôi khỏi sẩy miệng, để lưỡi tôi khỏi làm hư tấm thân tôi" (Eccli.22,33)

c) Hại đặc biệt cho người nói: Bề ngoài người ta nghe mình có vẻ hớn hở, nhưng nhiên hậu họ sợ cái lưỡi của mình. Họ đinh ninh trong dạ, biết đâu người này đang nói xấu kẻ khác với tôi, tôi phải coi chừng, họ sẽ nói xấu tôi trước bao nhiêu người khác => Thế là mình bị nghi kỵ rồi.

6. TẠI SAO NGƯỜI TA QUÝ DANH GIÁ?

Sách Triết Ngôn: “Con hãy lo cho có danh thơm tiếng tốt: vì nó cùng con vĩnh tồn, quý hơn ngàn kho báu”  (Eccli.41,15). Ca dao Việt Nam đã chẳng nói: “Tốt danh hơn lành áo”là gì?

Sách Ngạn ngôn: “Danh thơm giá trị hơn nhiều của (Prov.22,1). Tục ngữ Việt Nam còn nói: “Bán gia tài, mua danh vọng”.

Có khi dư luận còn coi danh giá trọng hơn mạng sống, họ đề xướng nguyên tắc: “Thà chết không thà bị nhơ danh”. Xưa ông Juda Macabêô biết quân mình ít, địch đông, danh dự bó buộc ông mặc dầu chắc chết, không cho phép ông tháo lui, bao phen uy danh chiến thắng, không thể lui trước giặc.

7. PHẠM ĐẾN DANH GIÁ MẤY CÁCH:

Người ta làm tổn thương đến danh giá kẻ khác những cách nào? Thánh Bonaventura tiến sĩ, sống đồng thời với Thánh Thoma, tóm tắt bốn cách:

a) Occultum bonum negatur: Việc thiện kín đáo người khác làm, đem chối bỏ đi, dường như không có chi hết.

b) Cum apertum diminuitur: Một khi đã quá rõ, không thể chối, tìm cách giảm giá đi, như nói rằng: Anh ta gặp may, nhờ có người giúp mới được như thế.

c) Cum occultum malum propalatur: Điều xấu còn kín, cả gan dám rỉ tai hoặc bằng cách này hay cách khác, đem tuyên truyền rộng mãi ra.

d) Cum apertum, amplius divulgatur: Việc đã trống, lại còn ác tâm phao truyền thêm mãi, cốt ý cho mọi người cùng biết mới nghe.

Cũng có khi thâm độc, khen trước để rồi chê sau, cho sâu sắc hơn. Thánh Vịnh: “Mặc nó trắng như bơ sữa, nhưng lòng nó gây hấn” “Lời nó nói trơn như dầu đỗ, nhưng thực là lưỡi gươm sắc bén”

8. CÓ TRƯỜNG HỢP NÀO NÓI XẤU NGƯỜI VẮNG MẶT:

Phải chăng mọi nơi, mọi lúc đều phải kín miệng những chuyện mình biết?

a) Trường hợp đã trống: Chiếu theo đức công bình hễ việc nào đã tỏ lộ, hoặc vì thực sự đã lan truyền, hay tòa đã tuyên án, không buộc giữ kín nữa; nhưng chiếu theo đức bác ái vẫn còn buộc. Ta thử đặt mình vào trường hợp họ, phỏng ta có muốn người khác đả động đến việc của ta không?

b) Một khi đương sự đã quá cố, chưa đủ để ta nói xấu họ, nhất là những cái còn mật kín, đâu họ có sống lại được để bào chữa. Đả động đến danh thơm tiếng tốt, bậc mà người còn sống tôn kính, đâu họ để yên. Ca dao Việt Nam: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.

c) Trường hợp mưu ích cho đương sự. Ngoài ra, khi biết được người đệ tam, có đủ uy tín, có sức sửa bảo, và ngăn ngừa sự dữ, cho khỏi lan tràn thêm mãi ra, thì mình được trình bày, trường hợp này lại là một việc bác ái sâu xa.

d) Trường hợp công ích: Gặp khi có luật Giáo Hội, hay luật Tu-hội, Tu-viện buộc báo cáo, lúc đó phải đặt công ích trên tư lợi, mình được thưa vị có thẩm quyền. Có tu-viện còn có lệ báo cáo nơi chung trước mặt cả cộng đồng dòng tu.

9. TRỊ LƯỠI DỄ HAY KHÓ?

Thưa: Việc này khó vô ngần.

a) Rất khó: Ta lắng nghe Thánh Giacobê Tông đồ: Thú tính của muông vật cầm thú rắn rết, và tất cả mọi thú dữ khác, loài người trị được hết; riêng có cái lưỡi chẳng ai trị nổi, nó chất chứa nham hiểm, đầy nọc độc, động đâu chết đó” (Jac.3,7-8).

Thảo nào người đời chẳng sợ, truyền tụng cho nhau: "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

b) Vậy ta nên theo định luật nào? Cũng như ta không nên nói về mình, nguy hiểm chẳng kém gì leo dây, thì đối với người khác, ta đừng chê vắng mặt, gặp trường hợp không thể khen được, vì trái lương tâm mình, không hợp sự thực, chi bằng ta im lặng làm thinh.

Ta phải vững lập trường, để người vắng mặt chắc dạ, có thể bảo đảm chắc chắn rằng: Họ bị mất danh giá tại đâu khác, chứ đối với ta, họ khá an tâm, không khi nào ta lại bôi nhọ họ đâu.***

Giữ như thế, tiêu cực, đã tránh được rất nhiều lỗi, thoát bao nhiêu mối nghi ngờ, lại khỏi lương tâm trách oán; tích cực ta làm một việc đẹp lòng Chúa, treo gương cho đời, và được dư luận tôn trọng.

10. THÁI ĐỘ NÊN CÓ, KHI NGHE NÓI HÀNH.

a) Đừng như muốn nghe: Sách Triết Ngôn Kinh Thánh: “Con hãy lấy chà rào lấp lấy tai con, đừng nghe cái lưỡi độc địa, còn miệng con hãy lắp cánh cửa rồi khóa lại”  (Eccli.28,28)

Thánh Âu-cơ-tinh Giám mục tiến sĩ nói: Trong hai người, một người nói một người nghe, tôi không biết ai đáng trách hơn, vì có người nói mới có người nghe, nhưng cũng vì có người tỏ ý muốn nghe họ mới nói.

b) Phương pháp ta nên theo: Nếu người nói là đàn em ta, ta nghiêm nét mặt, hoặc thẳng thắng nhắc họ nhớ. Nếu là người ngang ta, can được thì can, không can được, ta im lặng với thái độ không thịnh tình, rồi lựa cơ hội thuận tiện ta sang câu chuyện khác. Nếu người nói lại trên mình, hay cũng có mặt người khác lớn hơn mình thì nguyên thái độ thụ động, không tỏ vẻ gì hoan nghênh, cũng đủ làm chột dạ.

Sách Ngạn ngôn trong Kinh Thánh đã ghi chú: Nguyên chỉ rầu nét mặt đã phá tan lưỡi nói hành  Prov.25,23).

Thánh Giêronimô trong thư gửi thày Nêpotianô: Đối với kẻ miễn cưỡng nghe, chẳng ai sẵn lòng kể làm gì.

Rồi Thánh Tiến sĩ giải thích thêm: “Phần anh hãy giữ cả lưỡi lẫn tai, cho khỏi nhơ bẩn, nghĩa là hoặc chính anh đừng nói hành người khác, hoặc anh chớ nghe các kẻ khác nói hành”

c) Câu chuyện dụng mưu: Thánh Âu-cơ-tinh Giám mục thành Hippona nghĩ ra thuật, để ngay vài vần thơ vào chiếc bàn tiếp khách như sau:

Những ai ưa thích nói hành

Uốn ba tấc lưỡi phong phanh chuyện người,

Bàn này chẳng chỗ nghỉ ngơi,

Cấm mình ngồi đấy mà khơi vấn đề.

Ông Victor Hugo có lẽ cũng rập mưu đó, trong phòng tiếp tân, ông dành một ghế danh dự, bằng thứ gỗ quý, đề mấy chữ vắn tắt như sau: Có người vắng mặt đang ngồi đó /// Có người phê bình chế giễu, như một cử chỉ gàn; nhưng giả sử đâu cũng có ghế đề chữ như thế, thiết tưởng tránh được bao tội nói hành.

11.ÁP DỤNG CỤ THỂ: TIỂU SỬ CHA ANRÊ CHƯỞNG LINH MỤC TRIỀU

Đây tôi muốn ghi lại đời sống một Linh mục mai danh ẩn tiếng. Sở dĩ tôi viết ra, vì chúng tôi là bạn cùng sách cùng thầy với nhau suốt mười mấy năm trời ở hai Chủng Viện lớn nhỏ.

Nguyên gia đình cha ở xã Yên Vân, Quận Yên Khánh, Tỉnh Ninh Bình, về giáo quyền sứ Yên Vân, địa hạt Phúc Nhạc, Địa phận Phát Diệm, thi hành chức vụ Linh mục ở địa phận Thanh Hóa trên 20 năm trường.

Tên cũ khi còn nhỏ là Anrê Tập, được cha già Hào coi xứ Tôn Đạo, nhận cho nhập tu. Cha già Hào mất, thì cha già Huyền làm cha đỡ đầu. Sau hai năm trường Thử, khởi sự đệ Nhất Thế chiến, trò Anrê Tập lên Tiểu chủng viện Phúc Nhạc.

Một chủng sinh thân hình cao ngồng, lại rất gầy nên không cân đối, tính khí thẳng thắn, có ý chí mạnh mẽ. Theo lệ vì đã có người lớp trên mang tên là Tập rồi, nên ông Tổng Giám thị Phêrô Giuse Lại đổi tên cho chú là Chưởng. Vì tôi tin và biết, nên tôi nói: (Credidi, prop-ter quod locutus sum)

Tôi nhận thấy chủng sinh Anrê Chưởng, có lòng sùng mộ phép Thánh thể lạ thường: ngay khi mới vào lớp Đệ lục, trò Anrê đã giao ước với mấy anh em, hễ tôi nói sẽ một tiếng: “i”, là tức khắc các anh đi ra viếng Mình Thánh Chúa. Sở dĩ có mật hiệu: i là khi học Latinh, động từ Ire ở cách khuyến lệnh hãy đi, chỉ có một chữ “i”  nghĩa là anh hãy đi. Nhóm người đồng chí nhận chữ “I” làm mật hiệu, rủ nhau viếng Mình Thánh Chúa. Xét nghĩa cử này, thấy chú Anrê không những sùng mộ Thánh Thể, mà còn là Tông đồ để thôi thúc anh em, có thể Anrê là động cơ thúc đẩy nghĩa binh Thánh Thể, khi chưa có phong trào nghĩa binh.

Vì ý cương quyết, không chịu làm việc gì trái lương tâm, nên cũng có một số anh em cho là “ương” nhưng ương phải lẽ, không ương vô lối. Các niên học ở Tiểu Chủng Viện cứ đều đều trôi qua, không để lại kỷ niệm gì đặc biệt, trừ ra năm đệ tứ, chủng sinh Chưởng bị bệnh đau nặng, phải đi uống thuốc ngoài chủng viện mấy tháng, năm sau học lại đệ tứ.

Điểm đáng treo gương là Anrê giữ quy luật nhiệm nhặt.

Mãn khóa tiểu chủng viện vào năm 1922, thời kỳ Đức Khăm Mạng LÉCRORRT dòng Chúa Giêsu ,Giám Mục Trực-Lệ bên Trung Hoa, thay mặt Tòa Thánh, bắt đầu kinh lý các địa phận Việt Nam. Học hết Tiểu Chủng Viện, thày Anrê được đi giúp vị thừa sai Varengue (Cố Tân) mới đến học tiếng, vị Thừa sai có nền căn bản đạo đức, giỏi La-văn, tự sáng tác hai bài thơ La-tinh chào đức giám mục, chào địa phận Phát Diệm trước khi bước chân lên đất Việt.

Thầy Chưởng đi với Cố mới, theo Đức phó Giám mục (Đ.C. Hành) De Cooman đi kinh lược các xứ hạt Yên-Mô 40 ngày suốt mùa chay 1922. Sau Thày lại được lệnh giúp cố Luật (R.P, Pelois) Vị thừa sai đạo đức hiếm có.

Sau vụ hè 1923, thày Anrê Chưởng về Đại Chủng Viện học Triết lý, mới khai giảng nửa tháng, nghe tin tai nạn rùng rợn động đất ở Thủ Đô Đông Kinh (Tôkyo) bên Nhật 1-9-1923, Thày tỏ lòng thương xót các nạn nhân.

Niên khóa 1925-1926, Thày Anrê học ban Thần học, Thày cùng với tôi phụ trách phòng mặc áo, càng có dịp cho tôi nhận thấy lòng đạo đức sâu xa của thày. Nguyên thày có lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria, nhưng với danh hiệu Mẹ Cứu vớt các linh hồn luyện ngục, gia nhập Hội viện hội ĐứcMẹ cứu vớt các linh hồn mồ côi ở Montligeon, và còn là cổ động viên rất nhiệt thành.

Tôi xin làm chứng: Theo thời khắc biểu Đại Chủng viện, cho phép viếng lĩnh ơn xá “Ra vào” Thày dùng hết mọi phút, viếng chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục. Phận sự phòng mặc áo, dọn đồ lễ rất cẩn thận chu đáo, với tinh thần đức tin.

Vào thời kỳ đó, Cha Giám đốc Đại chủng viện là Cố Chính Thảo (P.Poncet nghỉ uống thuốc bên Pháp trở về) đem theo bao nhiêu tài liệu di tích về Cha Thánh Vianney và Têrêxa Hài Đồng gây một chiến dịch mạnh mẽ, mà thày Chưởng là chủng sinh xung phong. Cha Chính đặt tượng hai vị Thánh Vianney và Têrêxa ở nhà nguyện, có anh em nói chơi: Bồ định đứng cột nào, chúng tôi xây bệ sẵn.

Về điểm giữ quy luật, nếu ở Tiểu chủng viện đã chu đáo, thì ở Đại chủng viện khỏi cần phải nói, thật là giữ cho đến từng cái phẩy trong Luật. Chẳng hạn có lệ mỗi thứ tư đi chơi, có hai người đi trước dự bị, được về trước anh em, nếu có rẽ phố mua gì, Bề trên cũng làm thinh, nhưng thày Anrê vì không xin phép trước nên cứ đứng gốc cây chờ đợi, nhất định không bước vào hiệu.

Để giữ đúng luật, thày không nể một ai hết, chỉ biết Chúa với lương tâm.

Nhưng điểm tôi muốn nhấn mạnh đây, là Thày Anrê không hề nói xấu ai khi vắng mặt bao giờ. Cũng chẳng chịu nghe ai nói xấu kẻ vắng mặt nếu người nói ngang mình hay đàn em, Thày thẳng thắn bảo luôn. Nhắc cho họ ý tứ, nếu là đàn anh, Thày liền nghiêm nét mặt rồi giả tảng đi cất đồ vật gì, thế là tránh xa.

Thày trọng các chức, dù là chức nhỏ trong Hội Thánh, luôn luôn giữ tinh thần khó nghèo, thế mà cứ mỗi lần chịu chức là thày may một áo chùng thâm mới bằng vải láng, hình như có ý nhắc nhở cho mình mỗi bậc ơn Chúa, có gì kỷ niệm, và thôi thúc mình tiến.

CHỨC LINH MỤC

Thày Anrê Chưởng thăng chức linh mục ngày mồng 5 tháng 4 năm 1930, được lệnh bổ làm cha phó xứ Ba Làng rồi xứ Nhân Lệ khỏi mấy năm lĩnh trọng trách đi mở xứ mới Quần-Xá, trước là một họ thuộc Nhân Lộ, địa phận Thanh Hóa.

Với hai bàn tay trắng, Cha trùng tu nhà thờ, xây cất khu xứ đường, lập Nữ Tu viện mến Thánh giá. Nhưng Cha Xứ lo sửa sang Nhà thờ thiêng liêng, là lòng các Giáo hữu. Toàn thể trong Xứ giữ thứ sáu đầu tháng xưng tội hằng tháng, một số nửa tháng xưng tội một lần, thiết lập học đường, đào tạo lớp thanh, thiếu niên, buộc các thanh niên anh nào xuống tỉnh Thanh Hóa đều phải xin phép, ai bỏ lệ xin phép cha không làm thinh.

Quả thực là khuôn mẫu đoàn chiên hết lòng , hết tâm vì Chúa, vì con chiên. Công việc kiến thiết hao tốn, nhiều khi lý tài quá quẫn bách.

Người ta kể, một buổi chiều thứ bảy, phải tính công thợ, mà tiền không còn đồng nào. Cha cầm tràng hạt ra đường vừa đi vừa lần, bỗng gặp một ông khách lạ ăn mặt chỉnh tề, tiến lại gần cha hỏi: Thưa cha, có phải cha là cha Chưởng không? Thưa phải, tôi là cha Chưởng. Người khách lạ hỏi tiếp: À, thế cha là cha Chưởng hay nói tiên tri, khấn cho người ta được nhiều ơn lành phải không?

Cha đáp: Thế thì không phải tôi, ông lầm rồi, đó là cha già Trưởng ở Nho Quan, Ninh Bình kia. Họ đọc giọng Hà Nội, chữ “Trưởng” đọc lẫn ra “Chưởng”. Ông khách nói tiếp: việc đó không hệ chi, tôi có món tiền định công đức đi qua đây thấy công việc cha thật là tốn hao, tôi xin dâng cha để lo việc Chúa. Nói xong ông trao gói tiền, rồi cứ tiến đi. Cha lần hạt tiếp, về nhà mở gói ra, có đủ cả công tuần lễ đó và mấy tuần lễ tiếp theo.

THĂNG CHỨC HẠT TRƯỞNG

Khi các việc trong ngoài xứ Quần-Xá đã đâu vào đấy, khắp địa phận phục là một xứ kiểu mẫu, thì Đức Giám Mục dạy cha lên làm quản hạt Kẻ-Láng, một hạt quan trọng thứ nhì trong địa phận, thay cha Chính Giuse An, về Tòa Giám mục. Đến đây tôi xin dừng để kể mẫu chuyện nhỏ:

Năm 1938 tôi từ Phát Diệm vào Thanh Hóa giúp giảng cấm phòng cho các thày giảng Thanh Hóa, gặp vị tôn sư dạy chúng tôi ở lớp Đệ Tứ là ông già Giuse Thụ, hội trưởng các thày. Tôi hỏi ông già: Thưa Thầy, nghe năm ngoái trò Chưởng giảng cấm phòng, thầy nhận thấy thế nào? Ông già đáp tự nhiên: “Cha Chưởng không cần phải giảng, cứ nhìn thấy người là đủ sốt sắng  rồi”.

Ở Kẻ-Láng cũng như ở Quần-Xá, Cha ra công tu bổ lòng đạo đức giáo hữu, sửa sang nhà thờ cho xứng đáng hơn. Lập tu viện Mến Thánh Giá để lo dạy trẻ nữ, và làm các việc từ thiện.

Cha Phó xứ là cha Antôn Huyền kể cho tôi câu chuyện chính mắt người đã chứng kiến. Số là cha Chưởng chăm lo cung Thánh, đã đặt được bộ chiếu mới tự Phát Diệm đem vào, Thày cai là Thày Báu, tính xẻn so, chỉ trải ngày đại lễ, còn ngày thường cứ để chiếu cũ.

Một buổi sáng, sau Lễ giáo hữu về hết, cha viếng Mình Thánh, nghe hiệu báo cơm sáng, Cha ra, Thày cai khóa cửa nhà thờ cẩn thận, cơm xong cha lại ra viếng Mình Thánh, Thày cai theo ra mở cửa, thật là lạ thay!

Cửa khóa mới cách nửa giờ mà các chiếu trên Cung Thánh bị xô dồn lại cuốn lên hết, trong nhà thờ không có một người nào hết. Cha Anrê cầm trí cầu nguyện mấy phút, rồi gọi Thày cai Báu, nhẹ nhàng, đơn sơ chỉ tay xuống chiếu nói vắn tắt một câu: “Thày xem, Chúa không bằng lòng với ta”. Thiết tưởng câu nói đầy Đức tin, sốt sắng lo lắng việc nhà Chúa làm tiêu hao tinh thần.

Khi người khác đạo đã nắm quyền hành khắp Khu Tư, tức Thanh Hóa, chúng có chủ tâm triệt những người có uy tín trong vùng. Riêng vùng Kẻ Láng, chúng biết không ai được dân chúng tín nhiệm bằng cha Chưởng, nên chúng tuyên truyền họp dân đả đảo. Dân lương cũng như giáo, đồng thanh thưa: ÔNG CHƯỞNG không có thế.

Mặc dầu thế, chúng cũng đánh què hai tay Cha, không thể tự đưa đồ ăn lên miệng. Chúng xúi lũ trẻ lăng nhục Cha, nhưng vô ích, trẻ thi nhau nắm cơm tròn như quả táo đút cho cha ăn. Chúng giam cha trong ngục, vì đạo Chúa, chịu hành hạ đủ thứ, vì thương tích, vì kiệt sức, Cha Anrê Chưởng đã chết rũ tù.

Bạn tù không Công Giáo, sau khi được tha, về nhà kể lại, ông Linh mục ngồi chết gục ở một góc tù, đang đêm tối, thế mà chúng tôi thấy sáng rực cả lên. Mấy Giáo hữu có mặt lúc đưa xác Cha về, đã quả quyết có mùi thơm lạ bởi xác cha tỏa ra.

BÌNH LUẬN

Chúng tôi không dám đi trước lý đoán tối cao của Tòa Thánh, đem thần thánh hóa đề cao một linh mục Triều; nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđitô thứ XIV đã tuyên bố: “Cứ đưa đây cho ta một người giữ trọn quy luật, ta sẽ phong Thánh cho người ấy ngay khi còn sống”. Về điểm giữ quy luật tất cả những ai cùng sống với cha Chưởng, đều đồng thanh nói: Không chê được mảy may.

Nguyên điểm không hề nói xấu, cũng chẳng chịu để ai nói xấu trước mặt mình, cha Anrê Chưởng đã giữ, mà giữ một cách anh hùng. Nhất định Chúa trọng thưởng. Nói gì đến nhiệm vụ chăn Chiên gương mẫu trên 20 năm trường, bao công khó nhọc vất vả, kết thúc bằng cách chịu bắt bớ, chịu chết vì đạo, dĩ nhiên phải được và chắc rằng: Nay đã được thưởng vinh hiển.

Chúa phán ai bỏ cha bỏ mẹ, bỏ anh chị em vì danh Ta, sẽ được gấp trăm ở đời này, và sẽ được thưởng bội hậu trên Thiên Quốc. Tưởng có lẽ sau khi chịu chức Linh mục, Cha không hề bận tâm về gia đình, không về thăm. Có một lần Ccha Anrê đi giúp Chầu Lượt ở Tam-Tổng, Điền Hộ, là hai xứ giáp giới Phát Diệm.

Chỉ còn một quảng đường vắn là tới Bình Sa có bà chị ruột ở, Cha suy nghĩ: Hay là về thăm chút vì đã lâu chị em không gặp nhau. Nhưng thăm Bình Sa được, sao không thăm bà chị khác ở Bạch Bát, mà về được Bạch Bát, sao lại không về Yên Vân; nhưng thôi đi như thế, mất nhiều thời giờ thiệt cho Con Chiên. Thế rồi Cha vội trở về nhiệm Sở.

Xin đừng tưởng Cha nhiệm nhặt thế với hết mọi người đâu; không phải vậy, trái lại với con Chiên, Cha luôn hết sức cởi mở. Khi có khách Cha xử rất lịch thiệp.

Tôi tiếc không còn tài liệu, để ta nhận xét Cha Chưởng có giống Thánh Vianney hay Thánh Gioan Canxiô, vị Linh Mục Triều Giáo sư Đại học, mừng lễ 20 tháng 10 không; ít ra cũng nên lên bức gương tươi đẹp như ấn quán Thiện-bản Paris trong báo Prêtre et Apôtre thường nêu BELLE FIGURE SACERDOTALE, để mọi người soi chung.

Một ước nguyện: Xin các Cha Thanh Hóa, và những ai biết về đời sống Cha Chưởng, nên ghi chép để lưu lại cho hậu thế, kẻo rồi cùng với thời gian mai một đi mất, hay là bị chôn vùi sâu trong quên lãng: Là một việc rất đáng tiếc vậy…


Trở lại      In      Số lần xem: 4685
Tin tức liên quan
  • Kết Luận
  • Phần 3(Bài 12): Đức Ái Nhiệt Tâm Phục Vụ
  • Phần 3(Bài 11): Đức Bác Ái Hay Tha Thứ
  • Phần 3(Bài 10): Anh Em Sửa Lỗi Nhau
  • Phần 3(Bài 9): Đức Ái Hiền Hậu
  • Phần 3(Bài 8): Bác Ái Hay Nhẫn Nhục
  • Phần 2(Bài 7): Đức Ái Không Mừng ... Cùng Vui ...
  • Phần 2(Bài 6): Đức Ái Không Tức Giận
  • Phần 2(Bài 5): Đức Ái Không Quá Mê Của Cải Và Danh Giá
  • Phần 2(Bài 4): Đức Ái Không Khinh Người
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  199
 Hôm qua:  2596
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11398853
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top