Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Giáo lý Sống Đạo - Khóa II / Dành cho Bổn Đạo Mới / Bài số: 018

TẤT CẢ CHO VINH DANH CHÚA 

BÀI SỐ: 018

   ĐỀ TÀI :     CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA BẰNG CÁC VIỆC LÀM CỤ THỂ .   

             CN III  MV   C  /   Lc 3, 10-18.

             Thứ sáu , ngày 14- DEC - 2018

I. ĐỨC TIN KITÔ GIÁO:
 
ĐỀ TÀI:    TIN MỘT THIÊN CHÚA CÓ BA NGÔI.
 
1. Chúng ta tuyên xưng Chúa như thế nào? Ngài là Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba  Ngôi, là tình yêu của Chúa Cha với Chúa Con, là ơn thông hiệp với Chúa Thánh Thần. Vì thế Ngài không phải là một ngôi đơn độc, nhưng là Ba Ngôi có cùng một bản thể.
2. Từ đâu phát sinh ra người tín hữu? Khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, người tín hữu  phải thể hiện niềm tin của mình bằng việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha và Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần.
3. Nền tảng của đời sống đức tin là gì? Bí tích thanh tẩy khai mở đời sống Kitô hữu, và nền tảng đức tin của chúng ta chính là mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, là ánh sáng chiếu soi, giúp chúng ta đến được với Thiên Chúa.
4. Ai đã mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa? Không ai có thể thấy được Thiên Chúa ngoài Người Con Một, Ngài ở nơi cung lòng Thiên Chúa, chính Ngài đã nói cho chúng ta biết (Ga 1,18). Nhờ Chúa Giêsu nên chúng ta mới có thể biết được mầu nhiệm tuyệt đối này.
5. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế nào ? Chúa Giêsu giới thiệu Cha Ngài là Thiên Chúa duy nhất và lệnh truyền cho chúng ta : Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Mc 12, 28-30).
6. Thiên Chúa là Cha theo nghĩa như thế nào ? Cha theo nghĩa với người Con duy nhất, con cũng theo nghĩa Người Con có mối tương quan với Chúa Cha. Ý nghĩa này chỉ có Cha và Con mới biết. Ngoài ra, những ai mà Người Con muốn cho biết thì mới có thể biết (Mt11, 27).
7. Chúa Thánh Thần là ai ? Là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng bảo trợ, là Đấng Chúa Cha sai đến. Đấng ấy sẽ dạy dỗ mọi điều mà Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
 
8. Cụ thể, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta như thế nào ? Chúa Giêsu dạy : Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, nhưng đồng thời Ngài cũng là hiện thân của Cha, Con và Thánh Thần, mà cả Ba Ngôi luôn hoạt động nơi Người Con. Vì thế khi sứ thần loan báo cho Mẹ Maria rằng : Người Con mà bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa, cũng như khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì Thánh Thần cũng lấy hình chim Bồ câu và ngự xuống trên Chúa Giêsu, lại có tiếng Chúa Cha xác nhận : Đây là con ta yêu dấu...(Mc1, 10-11).
9. Đời sống Kitô hữu được ghi bằng dấu ấn nào ? Là phép rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm mà Thiên Chúa ghi đậm nét trên mỗi con người sau phép rửa tội. Hội Thánh cũng nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa để ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa mỗi khi cử hành các phụng vụ thánh. Đây cũng chính là mầu nhiệm mà Giáo Hội muốn bảo vệ một đức tin, tinh tuyền khỏi những quan niệm lệch lạc trong cộng đồng dân Chúa.
10. Mầu nhiệm về Thiên Chúa mà chúng ta phải tuyên xưng chính xác là gì ? “Ngài là Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải trong một Ngôi đơn độc, nhưng là trong Ba ngôi có cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.
11. Kế hoạch của Ba Ngôi trong chương trình cứu độ là gì ? Vì Ba Ngôi chỉ có một bản thể như nhau, thì lẽ ra công việc cũng như nhau, nhưng mỗi ngôi phải thực hiện chương trình theo biệt tính của mình. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu ra vấn đề này cách cụ thể hơn khi tuyên xưng niềm tin bằng Kinh Tin Kính. Chúng ta tuyên xưng rằng : Người là Thiên Chúa duy nhất, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành, là Đức Giêsu ,Con một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, Ngài cũng là Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho nhân loại .
12. Chúng ta thường khởi đầu một ngày sống như thế nào ? Bắt đầu một ngày mới, người tín hữu vẫn có thói quen làm dấu thánh giá nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là cách chúng ta muốn đặt ý riêng của mình theo ý muốn của Đấng mà mình vừa nhân danh, để cho tâm tình và đường hướng sống của chúng ta luôn ở trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
13. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào ? Đức Kitô cho chúng ta biết có một Thiên Chúa, nhưng Ngài không đơn độc, nhưng là một cộng đồng Ba Ngôi luôn sống trong yêu thương, một tình yêu luôn trao ban và đón nhận, mầu nhiệm này trở thành ánh sáng soi đường, là chân lý sống, và động lực thúc đẩy chúng ta luôn sống trong đoàn kết, yêu thương từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và trong mọi cộng đồng xã hội. **R
 
 
II. GIÁO LÝ HÔN NHÂN:
 
ĐỀ TÀI:    TÌNH YÊU VỢ CHỒNG
 
1. Lời cầu nguyện của Tobia: 
- Giờ đây, Lạy Chúa, Chúa biết không phải vì dục tình mà tôi cưới em này làm vợ, song vì muốn có con nối dòng, để danh Chúa được chúc tụng muôn đời.
Sara cũng nguyện rằng: 
- Lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi, xin cho hai chúng tôi được an khang trường thọ (Tb 8, 7).
Việc trước tiên mà cặp vợ chồng này làm: Chính là cầu nguyện với Chúa để xin ơn bình an, hạnh phúc. Chúng ta cũng phải luôn nhớ và làm như vậy.
2. Đôi bạn đang hướng tới điều gì? Tình yêu trong bí tích hôn nhân chính là một cam kết quyết liệt, các bạn phải biết mình đang hướng tới điều gì / cho nên phải chuẩn bị thật nghiêm túc. Ở đây hai người cam kết sẽ trao cho nhau cách trọn vẹn từ ước muốn ý hợp tâm đầu, cũng như hai thân xác sẽ trở nên một, và nhờ sự kết hợp trong tình yêu này sẽ làm trổ sinh những sự sống mới. Đó là đặc tính tuyệt vời của tình yêu trong bậc hôn nhân.
3. Trước và sau kết hôn, khác nhau thế nào? Vì cả hai đều ước muốn kết hợp nên một: Nên người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà đi kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thân thể (St 2, 24 / Mt 19, 5 / Mc 10, 8). Trước khi thuộc về nhau, cả hai đều có rất nhiều sự khác biệt, khát vọng, khác niềm vui, khác nỗi buồn, tất cả đều riêng tư. Giờ đây khi quyết định lấy nhau, hai thế giới riêng tư đó đã hoà trộn vào nhau và nên một, thành một thể xác, một tâm hồn, một vận mệnh, một cuộc sống, một tương lai, kết hợp keo sơn đến độ: Chỉ có cái chết mới có thể chia lìa. Vì vậy hôn nhân công giáo phải đơn nhất và bất khả phân ly.
4. Trao hiến trọn vẹn là gì? Nhờ khả năng tính dục, hai người nam nữ tự hiến thân cho nhau qua các hành động dành riêng cho bậc vợ chồng. Tính dục vừa là hành vi sinh lý vừa diễn tả sự thâm sâu của nhân vị. Sự kết hợp mật thiết này phải được hiểu theo nghĩa  cao quý và chính đáng. Đó là điều kiện để khích lệ hai người muốn hiến thân cho nhau, nhờ đó nó mang lại sự hoan lạc và biết ơn. Sự trao hiến này giúp cho đôi bạn ngày càng mật thiết hơn cho đến khi họ chỉ còn là một trái tim, một cuộc sống, một tương lai, một tâm hồn và cuối cùng là mục đích lưu truyền sự sống.
5. Vì sao hôn nhân phải chung thuỷ? Điều kiện hôn nhân đòi hỏi cả hai phải có tâm tình dứt khoát chứ không thể tạm bợ, nghĩa là phải luôn chung thuỷ, gắn bó / vì theo giao ước hôn nhân mà 2 bên đã thề hứa là họ không còn là hai nhưng chỉ là một thân thể duy nhất. Bởi vì Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một tình yêu vĩnh viễn không hề lay chuyển. tình yêu vợ chồng được tình yêu kiểu mẫu của Thiên Chúa chở che, nâng đỡ, nhờ giữ lòng chung thuỷ với nhau, tình yêu vợ chồng trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
6. Mục tiêu của hôn nhân là gì? Truyền sinh sự sống vừa là ân huệ Chúa ban, vừa là mục tiêu chính yếu của hôn nhân, vì tự bản chất của tình yêu vợ chồng là hướng tới việc sinh sản con cái. Vậy nên con cái là hoa quả của tình yêu, là kết quả từ việc kết hiệp và hiến thân cho nhau chứ không phải là phần thưởng từ bên ngoài. Vì vậy hành vi ân ái mang lại nhiệm vụ kết hợp hai tâm hồn và truyền sinh, vì đây là điều Thiên Chúa muốn cho nên loài người không được làm khác đi.
 
7. Con người được ơn huệ nào khi lãnh nhận bí tích hôn nhân? Con người truyền sinh là được tham dự vào việc sáng tạo và chia sẻ tình phụ tử với Thiên Chúa. Vậy nên khi con người kết hợp với nhau để sinh con cái và giáo dục chúng ,thì con người cũng đang diễn đạt tình yêu của Ngài, đồng thời con người cũng đang chu toàn nhiệm vụ của một Kitô hữu là làm vinh danh Chúa.
8. Chúng ta nên hiểu việc điều hoà sinh sản như thế nào? Khi có đủ lý do chính đáng, hai vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách giữa những lần sinh con. Tuy nhiên đừng vì bản chất ích kỷ, hoặc không có tinh thần quảng đại của bậc làm cha làm mẹ, ngoài ra họ còn phải xử sự theo tiêu chuẩn khách quan của luân lý.
9. Nhiệm vụ của người chồng là gì? Trong bí tích hôn nhân, người nam được mời gọi làm vai trò người chồng, người cha, qua người vợ, người chồng nhận ra ý định tốt lành của Thiên Chúa: Đàn ông ở một mình thì không tốt (St 2, 18), người chồng sẽ có tiếng kêu hạnh phúc khi thấy vợ mình, như Adam …ngày xưa vậy (St 2, 23).
10. Người chồng nên xử sự với vợ như thế nào? Chồng phải tôn trọng phẩm giá của người vợ, Thánh Ambrosiô viết: Chồng không phải là chủ, nhưng là chồng / nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải để làm nô lệ. Hãy quan tâm và biết ơn tình yêu của nàng đã dành cho con (Exameron V 7, 19).
11. Người chồng phải đối với vợ như thế nào? Người chồng vừa là người bạn đời vừa là bạn đạo, bằng cách yêu thương vợ mình một cách tế nhị và là chỗ dựa vững chắc như Đức Kitô với Hội Thánh.
12. Vai trò người cha trong gia đình như thế nào? Khi người vợ thành người mẹ thì đương nhiên người chồng trở thành người cha, vai trò của người cha thật quan trọng vì không ai có thể thay thế được. Gia đình mà vắng người cha sẽ gây ra sự thiếu quân bình về tâm lý, về tinh thần, còn gây ra nhiều khó khăn khác trong mối tương quan trong gia đình, nhưng cũng sẽ xảy ra những điều ngược lại nếu như người cha luôn mang tính cách áp bức, độc đoán.
 
13. Trách nhiệm của người cha là gì? Khi so sánh tình người cha ở nơi Thiên Chúa thì người chồng có bổn phận phải bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình, muốn chu toàn sứ mạng này, người chồng phải lãnh trách nhiệm một cách quảng đại với sự sống mà người vợ đang cưu mang hoặc đã sinh ra và phải cố gắng cùng với vợ mình nuôi nấng và giáo dục chúng, mong rằng công việc này không gây chia rẽ mà còn tạo ra sự hiệp nhất, bình an trong gia đình / để gia đình trở nên chứng tá về đời sống Kitô hữu trưởng thành, để con cái có kinh nghiệm thêm về việc sống đạo.
14. Nhiệm vụ của người vợ là gì? Người vợ với vai trò tự hiến và làm mẹ / trong gia đình người vợ cũng được bình đẳng với chồng cả về phẩm giá lẫn trách nhiệm, là sự bình đẳng trong việc hy sinh cho con cái. Sự trao hiến và hy sinh này chỉ có thể xảy ra trong môi trường gia đình mà thôi / lịch sử cứu độ cho thấy phẩm giá của người phụ nữ luôn được đề cao.
15. Giái trị và vai trò của người phụ nữ như thế nào? Ngày xưa người ta quan niệm người chồng lo việc xã hội, việc lớn, còn người vợ chỉ làm những việc nhỏ, việc nội trợ, nghĩa là vai trò phụ nữ chỉ thu hẹp trong phạm vi làm vợ, làm mẹ, nhưng hôm nay xã hội đã đổi khác ,cho phép người phụ nữ bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm ngoài xã hội / cho phép người phụ nữ dấn thân vào nhiều trọng trách trong xã hội. Đàng khác cũng phải nhìn nhận rằng: Vai trò người phụ nữ làm vợ làm mẹ trong gia đình mang lại kết quả không thua kém gì nam giới ở lĩnh vực xã hội trong lãnh đạo cũng như trong nghề nghiệp.
16. Não trạng ngày nay về phụ nữ như thế nào? Nhiều người cho rằng danh dự của người phụ nữ là do những việc làm ngoài xã hội hơn là các việc trong gia đình, nhưng điều cần để loại bỏ ý tưởng này là: Người đàn ông phải thay đổi cách suy nghĩ. Họ cần phải biết quý trọng và yêu thương người phụ nữ, và phải tôn trọng phẩm giá cá nhân của họ. Xã hội cũng phải phát triển theo những điều kiện thích hợp cho công việc trong gia đình.
17. Bài học tiệc cưới Cana mang lại gì cho chúng ta ? Tình huống hết rượu trong tiệc cưới đe doạ hạnh phúc và tương lai của đôi tân hôn, may mà có mẹ Maria và có Chúa Giêsu ở đó. Câu chuyện này cho ta thấy tình yêu vợ chồng thì đầy hoan lạc nhưng cũng có nhiều gian lao, thử thách / thân phận con người với biết bao mỏng dòn, yếu đuối. Như thế hạnh phúc gia đình cũng thật mong manh. Thế nhưng cho dù rượu cưới có cạn, cho dù trong tay Chúa chỉ là những lu nước lã , thì Chúa cũng có thể biến chúng thành rượu ngon nếu như có mẹ Maria can thiệp hoặc khi chúng ta tin và cầu xin kịp lúc.
18. Thiên Chúa đã yêu thương dân Ngài như thế nào? Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài bằng một giao ước yêu thương, thì nay Chúa Giêsu, bạn trăm năm của Hội Thánh cũng đến với đôi bạn trẻ bằng bí tích hôn phối, Ngài còn luôn ở lại với họ như đã yêu thương Hội Thánh và phó nộp mình vì Hội Thánh.
19. Qua bí tích hôn nhân, Chúa mời gọi chúng ta điều gì? Chúa mời gọi các đôi vợ chồng công giáo hãy noi gương Đức Kitô yêu thương Hội Thánh để biết tôn trọng, yêu thương, tha thứ và sẵn sàng hy sinh cho nhau / cả hai cũng phải vì lợi ích của nhau và của con cái.  **R
 
 
Ghi nhớ: 
Tình yêu vợ chồng có những đặc tính sau đây:
- Kết hợp nên một.
- Trao hiến trọn vẹn.
- Thuỷ chung suốt đời.
- Đón nhận, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Bổn phận vợ chồng là gì?
- Bổn phận người chồng: Làm chồng / làm cha, làm chỗ dựa.
- Bổn phận người vợ: Làm vợ / làm mẹ, lót tổ ấm.
Khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng là gì?
- Hình ảnh Đức Kitô với Hội Thánh.
Lời khuyên:
- Các cặp đôi nên sống với nhau theo tinh thần Kinh Hoà Bình.
- Các cặp đôi hãy làm chứng về giá trị cao quý của lòng chung thuỷ và sự bất khả phân ly trong hôn nhân công giáo.
- Hôn nhân công giáo phải là hình mẫu trong thế giới hôm nay.**R
 
 
III. TÔN VINH LỜI CHÚA :      CN 3  MV  C  / 
 
ĐỀ TÀI:  SÁM HỐI THÔI, THÌ CHƯA ĐỦ / MÀ PHẢI THAY ĐỔI LỐI SỐNG .        
 
PHÚC ÂM :   Lc 3, 10-18
"Chúng tôi phải làm gì ?".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca:
10 Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì?" 11 Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy."12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" 13 Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." 14 Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình." 
15 Hồi đó, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Đó là lời Chúa.
 
SUY NIỆM : 
ĐỀ TÀI:   CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA BẰNG CÁC VIỆC LÀM CỤ THỂ
 
1. Cách sống của Gioan có gì khác biệt? Trong khi các phe nhóm khác và đa số dân chúng Do Thái đều trông chờ một chiến thắng sẽ đến từ Đấng Messia mà họ đang mong đợi, thì Gioan đến mang theo một dấu chứng khác hẳn, một bản án có thể sẽ huỷ diệt Israel.
2. Các phe nhóm khác quan niệm như thế nào? Những phe nhóm tôn giáo ở vào thời đó như là Pharisêu, Saducé-o và Etxeni-en đều trông chờ một chiến thắng từ một Đấng có nhiều quyền lực và tài ba.
3. Gioan loan báo điều gì? Gioan báo trước sự đau khổ và tàn phá vì Thiên Chúa đang nổi cơn thịnh nộ, Ngài đang hoạch định một chương trình để đe phạt dân Ngài, Ngài sắp sửa lên án và huỷ diệt họ / mà người thực thi chính là Con Thiên Chúa.
4. Ai sẽ là người thi hành án phạt? Đấng Messia là Đấng phải đến, Ngài đã sẵn sàng với chiếc rìu trên tay. Gioan kêu gọi sự sám hối để có thể tránh cái án phạt mà Thiên Chúa sắp đổ xuống. Nếu số đông của con cái Abraham thành tâm hối cải thì có thể Thiên Chúa sẽ nguôi giận.
5. Gioan loan báo điều gì? Nếu Israel không hối cải thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt họ và thiết lập một dân tộc mới. Vì thế Gioan đã kêu gọi hết thảy mọi thành phần: Từ người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, Phariseu.....Ông kêu gọi tất cả hãy thay đổi cuộc đời .
6. Gioan nhấn mạnh đến điều gì? Ông kêu gọi mọi người thay đổi nếp sống luân lý. Lấy tình thương dành cho anh em làm gốc chứ không phải chỉ là cách tuân giữ lề luật bề ngoài, nghĩa là phải sống bằng tình người, chia sẽ những thứ mình đang có. Hãy giữ luật công bình và đừng ức hiếp người khác
7. Phải chuẩn bị đón Chúa như thế nào? Chuẩn bị không phải chỉ là đi xưng tội, nhưng là thay đổi lối sống, từ bỏ những tính mê tật xấu, sống một cuộc sống đầy tình người, nghĩa là không gian dối, không bóc lột, không lừa đảo, không gian tham / mà phải yêu thương, chia sẻ, phục vụ. Đó mới là cách đón Chúa đầy đủ và ý nghĩa nhất.
8. Hiệu quả nào từ lời giảng của Gioan? Có người nghe xong thì cười nhạo ông, có người thì tức giận, nhưng cũng có người nhờ đó mà nhận ra sự sai trái của mình.
 
9. Dân chúng đã nhận ra điều gì? Người thu thuế thì nhận ra đã có lúc mình đòi hỏi quá mức ấn định, người lính thì có lúc đã đối xử quá tàn bạo với dân chúng, đa số còn lại thì luôn khước từ sự giúp đỡ cho những người chung quanh. Gioan đã xoáy vào tận tâm can của mỗi người, ông đòi họ phải nhìn lại chính mình, nhận ra những nết xấu của họ để rồi giúp họ quyết tâm từ bỏ tội lỗi để quay về với Chúa.
10. Thánh Phaolô đã thấm thía điều này như thế nào? Thánh Phaolô đã hiểu rõ những hậu quả mà sự tội đã gây ra cho bản thân, nhưng chúng ta không đủ sức để dứt bỏ tội lỗi. Trái lại, nhiều lúc chúng ta còn toa rập, thoả thuận với những lời mời mọc, những quyến rũ, những lôi kéo xấu. Ngài đã phải thốt lên: Điều thiện, tôi muốn, nhưng lại không làm.../
11. Thế nào là e ngại? Người muốn nhảy xuống sông tắm nhưng cứ ngại trời lạnh, cứ ngồi trên cầu ao, thò chân xuống, rồi lại co chân lên, rốt cuộc bẩn vẫn hoàn bẩn, là người e ngại thì không thể dứt khoát. Như vậy nếu ai đó cảm thấy mình vô tội thì họ chỉ là những kẻ nói dối.
12. Mùa vọng giúp ta nhận ra điều gì? Linh hồn chúng ta rất xinh đẹp giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đồng thời chúng ta lại rất yếu đuối, có thể vấp ngã bất cứ lúc nào, không khác gì chiếc bình bằng sành. Mùa vọng giúp chúng ta nhận ra mình là kẻ tội lỗi, để rồi biết thực tâm sám hối ăn năn để được Chúa tha thứ và ban bình an cho ta trong mùa giáng sinh.
13. Bác ái cụ thể là gì? Bác ái là chia cơm, chia áo, chứ không phải là bố thí những thứ dư thừa / sống bằng tinh thần hạt gạo cắn làm đôi / chia cả những thứ mà ta cho là cần thiết, chia mà trong ruột cảm thấy đau xót, mới là chia. Nhân viên thu thuế thì đừng thu quá mức ấn định, còn binh lính thì phải đối xử với người dân bằng tấm lòng nhân ái, không được vu khống để tống tiền.
14. Nên thực thi bác ái ở đâu? Không cần phải đi tìm ở nơi xa xôi hẻo lánh, vì ở đâu cũng có người đau khổ, đói nghèo. Chúa muốn chúng ta thực thi bác ái trong đời sống thường ngày, với những người sống chung quanh chúng ta. Thánh nhân không kêu gọi chúng ta rời bỏ môi trường cũ, nhưng là từ bỏ nếp sống cũ / ai có nhiệm vụ nào, cứ làm nhiệm vụ ấy, nhưng phải đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới cách ăn nói, đổi mới cách sống trì trệ, ích kỷ, độc ác / cứ ở tại nhà, nhưng cứ đổi mới con người cũ, thì ta có thể gặp được Chúa Cứu Thế bất cứ lúc nào.
15. Dân Do Thái đã làm gì?  Họ luôn mong chờ Chúa đến nên đã hỏi Gioan những việc cụ thể, những việc cần làm / khi nhận được lời khuyên, họ đã thực hành ngay. Vì thế họ đã gặp được Chúa, vì thế Chúa đã đến ngay với họ. Hôm nay nếu chúng ta sống theo lời Gioan kêu gọi, chúng ta chắc chắn cũng sẽ gặp được Chúa trong đêm Giáng Sinh an lành nầy .
16. Lý do nào khiến ta luôn bất bình với thế giới hôm nay? Chúng ta luôn chê bai thế giới nầy, chúng ta rất mong đổi mới thế giới, Gioan đòi mỗi người phải đổi mới. vậy nên chúng ta phải đổi mới trước chứ đừng đòi hỏi điều ấy nơi người khác / một khi mọi người đổi mới, thì lẽ đương nhiên thế giới cũng sẽ đổi mới. Ta hãy sống tốt, rồi mọi người cũng sẽ sống tốt. Như vậy sống tốt là đổi mới chính mình, là cách chúng ta góp phần vào việc cứu độ người khác của Chúa Giêsu.
 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Từ hôm nay con sẽ đổi mới , con sẽ thay đổi cách sống / để cho con có thể được gặp được Chúa mỗi ngày ,Amen . **R
 
 
GIUSE LUCA /ĐẠI DIỆN CỘNG ĐOÀN KT EMMAUS 
GX TÂN THAI SƠN /TGP SAI GON /VN
 
 
 
 

Trở lại      In      Số lần xem: 795
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  151
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11426416
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top