Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm biết Thánh ý Chúa

Tuân theo Thánh ý Ngài, con vui sướng hơn được tiền rừng bạc bể. (Tv 119,14)

 

Không phải chỉ Kitô Giáo mới nói đến Thánh ý Chúa trong cuộc đời, nhưng hầu hết ai cũng có cảm nhận về một Đấng nào đó lớn lao, cao vượt, hoàn toàn chi phối cuộc đời mình và toàn thể nhân loại. Tùy theo nền văn hóa và tôn giáo, mà người ta gọi Đấng ấy bằng nhiều tên khác nhau . Riêng đối với Á Đông, vấn đề Thiên Mệnh cũng được làm nổi bật trong Kinh Dịch và Nho giáo. Chúng ta thử tìm hiểu quan niệm này để thấy rõ hơn tính chất sâu xa và huyền diệu của Thánh ý Chúa trong đời sống Kitô hữu.*

I. THIÊN MỆNH

1. Nguyên lý tối cao

Theo Triết Đông, muôn loài hành động và vận chuyển theo một nguyên lý huyền bí tối cao. Đó là một ý chí tuyệt đối, thường gọi là Thiên mệnh hay Đế mệnh. Chữ Thiên có nhiều nghĩa, ở đây có ý nói cái lớn lao bao bọc che chở cho muôn loài, cũng là ngôi vị siêu việt thống trị tất cả, và điều khiển mọi biến cố trong đời người. Mạnh tử đã dùng chữ Thiên theo nghĩa đó trong câu: 

“Nhược phù thành công tắc Thiên dã.”(Đến như sự thành công cũng nhờ Trời cả). 

Thiên Mệnh là cái lý vô hình huyền nhiệm lôi kéo vạn vật theo một hướng. Sự lôi kéo đó được Khổng tử gọi là Thiên ý và khi nó tác động lên con người thì gọi là Thiên Mệnh. Người quân tử là người biết mệnh Trời: “Bất tri Mệnh vô dĩ vi quân tử dã”. Biết rồi còn phải lo tuân theo: “Quân tử ủy Thiên mệnh”.

Đời sống của con người, vận chuyển của muôn vật không ngoài Thiên Mệnh. Do đó, Khổng tử cho thấy việc sống đạo của người quân tử là: 

“Thượng bất oán Thiên, Hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh.” (Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ sống bình dị mà đợi mệnh. *

 

2. Thiên lý tồn nhân tâm

Thiên Mệnh được biểu lộ ở cái tâm bản thiện của ta, nên phải làm sáng cái Đức của mình thì mới thấu Thiên đạt Mệnh. Nói cách trực tiếp, Thiên Mệnh biểu lộ ở tính. Tính là phần tham dự của ý Trời, nên Trời đã phú vào tính những lẽ phải tự nhiên, đó là tính bản thiện. Vì thế, khi sống trọn vẹn cái tâm thì ta biết được cái tính, biết được cái tính là hiểu biết được lẽ Trời: 

“Tận kỳ tâm, tri kỳ tính ; tri kỳ tính tắc tri kỳ Thiên” (Mạnh Tử). *

Chu tử cũng chủ trương Tính có sự thông phần với Tâm và Thiên. Đó cũng là dòng triết lý quan trọng của sách Trung Dung: “Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo.” (Thiên mệnh ấy là Tính, cứ theo Tính đó mà sống là đúng theo ý Trời, là đạt đạo). 

Tính nói theo kiểu Tây phương, chính là Lương tâm, mà nói theo kiểu Vương Dương Minh, là Trí Lương Tri. Để thành toàn cuộc sống mình, phải thuận theo ý Trời, nghĩa là phải căn cứ theo Lương Tri mà sống.

Nhưng để có một lương tri tinh ròng, trong suốt, làm nền tảng chân thật cho mọi lựa chọn trong đời không phải là chuyện bình thường, mà là chuyện phi thường đòi hỏi nơi ta một quá trình tu luyện cam go, để đạt tới cuộc sống phù hợp với Thiên ý, làm nên hạnh phúc cho đời mình.

Thiên Mệnh là một quan niệm thiện hảo cho đời vươn lên những tầm cao của lẽ sống làm người. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khả năng nhận thức và nỗ lực của con người thôi thì chưa đủ. Chính Mạc Khải mới cho ta hiểu thấu đáo hơn căn cơ của vấn đề Thiên mệnh; cho ta cảm nhận rõ ràng hơn về một vị Thiên Chúa cao vời hơn các tầng trời, nhưng lại gần gũi và thân cận với con người hơn chính bản thân mình. Chính Ngài đang ngự trị trong tâm khảm của từng con người để thúc đẩy con người hoàn thành cuộc đời cao đẹp. Từ đó ta mới xác tín thâm sâu để sống chân lý trên bằng sức mạnh của lòng tin và ân sủng. **

 

II. Ý CHÚA TRONG KINH THÁNH

1. Cựu Ước

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài nên Ngài cũng là chủ tể mọi loài (x. 2Mcb 7, 23; Kn 1, 14), là tác giả của quá khứ, hiện tại và tương lai (x. Gdt 9, 5-6). Toàn thể Cựu Ước đều cho thấy quyền năng sáng tạo và quyền bá chủ lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Các biến cố xảy ra bao giờ cũng tùy thuộc ở Ngài. Chính vì muốn đón nhận quyền làm chủ của Thiên Chúa trong mọi biến cố mà con người cầu xin: “Nguyện xin cho ý Cha được thể hiện”. Khi tùng phục ý Thiên Chúa, con người tin tưởng mà hướng đến tương lai tươi sáng, vì họ biết trước tương lai luôn nằm trong ý muốn nhân lành của Thiên Chúa.

Trong quan hệ trực tiếp đến con người, ý Thiên Chúa mang một hình thức đặc biệt, nên con người phải vâng theo từ nội tâm, và phải thực hiện trong tự do. Ý Thiên Chúa không tỏ ra cho con người như một số mệnh tiền định, nhưng như một lời mời gọi qua lề luật. Luật bao gồm toàn thể những ý muốn của Thiên Chúa, nhưng là khía cạnh tĩnh, vì nó mặc hình thức của một định chế. Cần phải tìm ra ở đằng sau Luật cái ý muốn cá vị này. Ý muốn đó lúc nào cũng là một biến cố thúc đẩy con người đáp trả, và cũng khởi xướng một cuộc đối thoại. Dưới khía cạnh này, ý Chúa rất gần với Lời Ngài, Lời ấy bao gồm cả hành động cũng như cả lời nói.

Ý Thiên Chúa được thể hiện trên trời thì cũng phải được thể hiện dưới đất (x. Mt 6, 10), là ý muốn cứu rỗi. Mọi ý muốn của Thiên Chúa đều là tình yêu, chân lý, thánh thiện, sự sống và ân phúc (x. Tv 25, 10 ; 25, 5 ; 77, 14). Ý Chúa gặp gỡ ý con người, không phải để thay thế, mà chỉ muốn làm cho nó trở nên hoàn hảo. Để được như vậy, phải để cho Thiên Chúa chiến thắng dục vọng nơi lòng người, và đạt được sự hiệp thông giữa các ý muốn. 

Tôn sùng ý muốn của Thiên Chúa không phải là chối bỏ lý trí, nhưng là dựa trên niềm tin sâu xa vào sự công minh chính trực, tính toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn ái của Ngài. Trí năng con người không thể nào hiểu được hết những ý muốn của Thiên Chúa (x. Kn 9, 13), nhưng Đấng Khôn Ngoan thông ban sự hiểu biết ý Thiên Chúa cho những ai cầu xin Ngài (x. Kn 9, 17). Lúc đó người ta nhận ra “chương trình của Thiên Chúa, tư tưởng của lòng Ngài tồn tại từ đời này sang đời kia.” (Tv 33, 11), luôn khác với tư tưởng loài người (x. Cn 19, 21).

Nhưng rồi ý muốn yêu thương của Thiên Chúa lại thường vấp phải ý muốn tội lỗi (ý riêng) của con người. Câu chuyện Ađam là điều vẫn luôn tái diễn trong đời sống của mỗi người. Dù Thiên Chúa sửa phạt nhưng tình yêu Ngài luôn lớn lao hơn tội lỗi của chúng sinh. Chính Ngài luôn kiên trì và thúc giục từ bên trong những tôi tớ bất trung (x. Hs 2, 16) để họ bước theo ý Ngài, bằng cách ban cho họ một trái tim mới (x. Ez 36, 26; Gr 31, 33). Mỗi sáng Ngài làm thức tỉnh tai họ (x. Is 50, 5) khiến họ có thể vâng theo ý Ngài (x. Tv 40, 8). Việc đó không do một cưỡng bách nào ngoài cưỡng bách của tình yêu, vì Người Yêu khả ái không bao giờ đánh thức Hiền thê trước khi nàng muốn thức dậy (x. Dc 2, 7; 3, 5; 8, 4). Nhưng khi nàng muốn quay trở về cùng vị Hôn Phu (x. Hs 2, 17), thì nàng đáng được chính Thiên Chúa gọi: “Nàng là niềm vui thú của ta.” (Is 62, 4). Lạ lùng thay! Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người hư vô là vậy . *

2. Tân Ước

Ngay khởi đầu Tân Ước, cô Maria, nữ tì đầy ân phúc của Chúa đã đón nhận ý Chúa với lòng tùng phục và khiêm nhường. Chắc chắn không ai trong nhân loại có khả năng sống trọn vẹn thánh ý Chúa như Đức Maria. Đối với Đức Mẹ, chỉ có ý muốn Thiên Chúa là trên hết, nên “Xin Chúa cứ làm cho tôi theo như lời Ngài.” (Lc 1, 38).

Vâng ý Chúa, Đức Mẹ đã vui tươi chu toàn bổn phận và sẵn lòng đón nhận những thử thách nặng nề trong từng ngày sống, như là quà tặng đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng hằng lấp đầy nỗi trống vắng của những con tim hằng khao khát Ngài. Đời sống của Mẹ được khắc họa bên ngoài một cách đơn sơ, giản dị, qua những công việc rất bình thường như bao nhiêu người phụ nữ nghèo khác, nhưng bên trong ẩn chứa một kho tàng ân sủng và những nỗ lực phi thường qua từng giây phút.

Mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa làm Người trong Đức Giêsu Kitô cũng âm thầm, lặng lẽ và nhẹ nhàng như tính cách của Mẹ. Cả cuộc đời Chúa Con cũng chỉ là để thi hành thánh ý Chúa Cha. Sự hiện diện linh thiêng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô nằm chính trong lớp áo phàm nhân, ngay trong những sự kiện và biến cố hằng ngày. Quả thật, có những điều huyền nhiệm ngay bên cạnh chúng ta, nhưng Thiên Chúa chỉ tỏ mình cho những ai sống khiêm hạ, ý thức mình là tôi nhỏ, phận hèn.

Theo Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu không nói ý Cha (như trong Mt) nhưng nói đến ý “của Đấng đã sai Ta”. Ý Chúa tạo nên một sứ mạng. Đức Giêsu sống bằng ý Chúa (x. Ga 4, 34). Đó là điều duy nhất mà Ngài tìm kiếm (x. 5, 30), và Ngài làm mọi sự đẹp ý Đấng đã sai Ngài (x. 8, 29). Mà ý đó là Ngài ban ơn phục sinh và sự sống đời đời cho những ai đến với Ngài (x. 6, 38tt). Dù ý đó mang một hình thức “mệnh lệnh”, nhưng Ngài thấy đó là dấu chỉ mà “Cha yêu Ngài” (x. 10, 17). Sự vâng phục của Con là sự thông hiệp với ý Cha (x. 15, 19).

Trình thuật Phúc Âm Nhất Lãm ở vườn Cây Dầu cho thấy “điều Con muốn” và “điều Cha muốn” có vẻ không dung hợp (x. Mc 14, 36). Nhưng Đức Giêsu đã vượt qua xung đột đó nhờ cầu nguyện tha thiết với Cha Ngài: “Xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha.” (Lc 22, 42). Ngài đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình để ý Cha được hoàn toàn thực hiện, hầu mang lại ơn cứu độ cho loài người. 

 

III. Ý CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

1. Nhận ra và thực hành ý Chúa

Đức Giêsu là khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu trong việc nhận ra và thực hành ý Chúa. Để đến với Đức Giêsu, phải được Chúa Cha “lôi kéo” (Ga 6, 44). Trong tiếng Hy lạp, từ “lôi kéo” có nghĩa vừa là cưỡng bách, vừa là hoan lạc. Do đó mà có thành ngữ của của thánh Augustinô: “Thiên Chúa ở thâm sâu trong tôi còn hơn chính tôi”.

Do đó, để nhận ra ý Chúa, trước tiên cần phải có sự kết hợp với Ngài nhờ Thần Khí. Lúc đó lý trí mới “phân biệt đâu là ý Chúa, điều gì là tốt, điều gì là đẹp lòng Ngài, điều gì là hoàn hảo.” (Rm 12, 2). Sự phân biệt này không chỉ liên quan tới đời sống hằng ngày, mà còn đưa tới việc thấu hiểu ý muốn và sự khôn ngoan của thánh ý Chúa (x. Cl 1, 9) là điều kiện để sống đẹp lòng Chúa (x. Ep 5, 17). Cả lời cầu nguyện cũng phải “theo ý Chúa” (1Ga 5, 14).

Sự nhận biết thánh ý Chúa phải đưa tới thực hành mới tạo nên đời sống Kitô hữu (x. Dt 13, 21). Việc thực thi ý Chúa đi ngược với dục vọng con người (x. Pr 1, 42). Nói rõ hơn, ý Chúa muốn là ta nên thánh (1Tx 4, 3). Đó là điều Thiên Chúa luôn sẵn sàng thực hiện trong ý muốn và hành động của chúng ta (x. Pl 2, 13), tạo nên sự hiệp thông giữa các ý muốn, làm nên sự hòa hợp giữa ân sủng và tự do.*

2. Đón nhận ý Chúa trong mọi hoàn cảnh

Nếu việc thánh hóa bản thân chúng ta xem ra là một nhiệm vụ khó khăn và không thể làm được, là vì ta chưa xác định rõ ràng về sự thánh thiện. Thực ra, sự thánh thiện chỉ hệ tại một điều là trung thành với ý muốn của Thiên Chúa. Sự trung tín đó nằm ngay trong khả năng của mọi người, bằng hành vi đức tin dù chủ động hay thụ động. Sự trung tín đó không gì khác hơn là yêu mến đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa gởi đến cho ta trong mỗi thời điểm, cho dù có những tình cảnh xem ra rất éo le và bẽ bàng. *

Ông Gióp đã lý luận rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao ?” (Gb 2, 10). Thật ra, Thiên Chúa chẳng bao giờ ban sự dữ cho con người, chỉ có con người tự làm ra khi chạy theo dục vọng của lòng mình. Sự dữ mà ông Gióp phải chịu chỉ là hình thức của những thử thách, để minh chứng cách hùng hồn hơn về lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thúc bách ai vượt quá sức, hay quá khả năng của mình. Đời sống chúng ta được hình thành từ vô số những hành động nhỏ bé và chẳng quan trọng gì trước mặt người khác, nhưng Thiên Chúa hoàn toàn thỏa mãn với những điều ấy, vì cuộc sống chúng ta là như vậy.

Chỉ cần con người biết khiêm tốn hoàn thành phận sự của mình, làm mọi việc trong sự trung tín với Chúa, những gì còn lại Chúa sẽ làm sau . Ngài chỉ có cơ hội thực hiện quyền năng trong những tâm hồn phó thác hoàn toàn cho Ngài. Chỉ cần chúng ta đón nhận ý Chúa trong mọi hoàn cảnh một cách đơn sơ, thành tâm, thì hiệu quả thánh thiện nảy sinh, tạo nên sức sống mới cho tâm hồn mình .*  

3. Mọi sự sinh ích lợi cho những ai có lòng yêu mến

Đừng để cho mọi sự xảy ra và qua đi một cách vô ích hoặc gây chướng ngại trong mình. Còn những chướng ngại bên ngoài, Chúa có thể biến đổi chúng thành những trợ giúp hữu hiệu cho sự tiến bộ của ta. Tất cả đều là cơ may khi chúng ta biết tận dụng để sống cho Chúa, vì tất cả đã được dự kiến và quan phòng theo đường lối vô cùng khôn ngoan của Chúa cho cuộc đời mỗi người. Không cần phải đưa ra lý lẽ và đặt ra nhiều khúc mắc, mà chỉ cần ý thức và cảm nhận từ chính trái tim mình điều mà Chúa muốn ta sống trong từng giây phút. Với lòng tin, thì mọi sự xảy ra trong lúc này là tốt nhất, cần đón nhận nó với tâm tình yêu mến và phó thác. Mong muốn hay tìm kiếm điều gì khác thuận lợi hơn là chỉ muốn yêu mình chứ không muốn yêu Chúa, muốn trông ngóng làm theo ý mình chứ không muốn vâng phục theo ý Chúa. 

Ai cũng muốn suy nghĩ và hành động theo ý mình, mà quên rằng chân lý của cuộc sống là tìm cách suy nghĩ và hành động theo ý Chúa. Ngoài ý Chúa, mọi sự đều trống rỗng và hư ảo, cho dù có cao trọng trước mặt người đời, thì cũng là “điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.” (Lc 16, 15). Ngoài ý của Chúa, thì mọi phương tiện và phương sách của loài người đều vô ích và vô vọng. Trong Thông Điệp ”Spe Salvi”, số 27, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chỉ có Thiên Chúa mới là niềm hy vọng đích thực cho chúng ta, mọi niềm hy vọng ngoài Thiên Chúa đều chỉ là ảo vọng mà thôi .

Không nên đòi mọi điều phải phù hợp với tâm trí và khả năng của mình, bởi vì chính ý Thiên Chúa được ban trong và ngang qua những sự việc đó mới có thể làm cho sự thánh thiện của Ngài xâm nhập vào mỗi người, mới có thể canh tân hình ảnh Đức Kitô trong tâm khảm của chúng ta. Ngoài ý của Chúa, mọi phương tiện và phương sách của loài người đều vô ích và tối tăm, kể cả những vận dụng kỹ thuật trên con đường tu đức.

Với ý muốn của Chúa, cho dù mọi cái có vẻ tầm thường bên ngoài đều trở nên những công trình sâu rộng mang lại lợi ích lớn lao cho sự sống con người, và mọi bóng tối hóa thành ánh sáng cho ta. Những việc suy niệm, cầu nguyện, chiêm niệm... chẳng là gì, nếu không đưa đến sự hiệp nhất giữa ý ta và ý Chúa. Chẳng có nghĩa lý gì nếu ý Chúa muốn làm cho ta trong giây phút này không trở nên hiện thực và hữu dụng.

Chỉ có thánh ý Ngài trong hiện tại là đối tượng cho ta tôn thờ, là chìa khóa mở ra niềm bình an và hạnh phúc. Mọi sự vật và mọi công việc khác dù có cao quí đến đâu mà không phát triển theo ý Chúa cũng đều vô giá trị. Chỉ lo tìm kiếm những điều thỏa mãn với ước vọng và tâm trí của mình, ta sẽ lạc xa đường nẻo Chúa và lạc xa với chính tâm hồn mình. 

4. Ý Chúa ngay trong chính bổn phận

Để tiến bước trong đường nẻo của Chúa, điều cơ bản là những bổn phận của bậc sống mình, đó là biểu hiện chắc chắn nhất của ý Chúa, và không có gì được ưu tiên hơn chúng. Toàn bộ phẩm chất của điều mà ta gọi là sự thánh thiện hệ tại việc trung thành với Chúa trong mọi thời điểm theo bổn phận của mình. Ngoài những bổn phận, vẫn có những tác động linh hứng dẫn đến một số hoạt động khác mà Chúa muốn, nhưng vẫn đặt trên nền tảng của những bổn phận, để giúp ta hoàn thiện hơn.

Ta chỉ nhạy bén nhận ra những tác động linh hứng, khi biết chu toàn các bổn phận bình thường của mình cách hoàn hảo nhất có thể được. Cách hoàn hảo nhất không phải là một phương sách hay nhất để có kết quả tốt nhất do suy tính của lý trí, nhưng do hành động của con tim, nghĩa là bằng tấm lòng yêu mến Chúa và sự khao khát làm vui lòng Ngài. Chính tình yêu mới là động lực khai sáng mọi phương sách và đưa tới hiệu quả thực sự như Chúa mong muốn. Những kết quả bên ngoài dù có tốt đẹp đến đâu đi nữa mà thiếu một tấm lòng thì đều hóa hư không“Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 5, 6).**

Sự khác biệt sâu xa của mọi hành động và công việc nằm ở chính con tim, dù nhìn bên ngoài thì thấy mọi cái cũng như nhau. Vì thế, không phải thay đổi công việc, hoàn cảnh, hay người khác mà là thay đổi chính con tim mình, để yêu điều Chúa muốn và muốn điều Chúa yêu. Không chỉ dẹp trừ ý riêng mình - cho dù điều đó xem ra tốt lành - mà còn dám phó thác chính mình cho ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Ngài làm cho mọi sự trở nên thánh thiêng, và có một giá trị siêu nhiên cho những ai vâng phục. 

Trong thánh ý Chúa, mọi tình trạng của cơ thể trở nên một hoạt động của ân sủng. Mọi ý nghĩ, tình cảm của ta đều phát xuất từ nguồn lực này. Ta sẽ học biết những điều đó qua kinh nghiệm sống thánh ý Chúa từng ngày. Điều cần thiết trong mọi lúc là biết yêu mến và đón nhận cho đến cùng những gì mỗi phút giây đem lại, với lòng tín thác hoàn toàn vào hoạt động Thần Linh của Thiên Chúa, là những điều chỉ có thể mang lại sự lành mà thôi.

Lạy Chúa, cả cuộc đời con là để biết yêu mến, phụng sự và tôn vinh Thánh Ý Chúa trong mọi điều. Trong đó, con tìm thấy mọi hạnh phúc của sự tử đạo, khổ hạnh và hy sinh cho người khác. 

Con sẽ không còn chọn ra những thời gian hay cách thức, nhưng con sẽ luôn đón tiếp ý Chúa trong mọi cách thức.

Con chẳng dám chọn những điều lớn lao, vì biết mình quá nhỏ bé và yếu hèn.

Con cũng chẳng mơ ước điều gì khác hơn cho mình, ngoài những điều Chúa đã sắp đặt cho con.

Con không muốn tìm kiếm điều gì khác ngoài một mình Chúa, và chỉ một mình Chúa thôi. Con tin rằng:

-   Hoạt động của Chúa diễn ra trong mọi sự và mọi thời khắc nhằm thánh hóa con.

-  Tất cả những điều gì xảy ra cho con đều nhằm nuôi lớn, tẩy rửa và tinh luyện con.

-   Mọi sự kiện và biến cố đều là máng chuyển hồng ân cho con được no thỏa.

-   Chính điều con tìm kiếm ở mọi nơi lại không ngừng tìm kiếm con, và trao thân cho con ngang qua các tạo vật.**

Lạy Chúa, Chúa đón gặp con trong từng bước đi của đời sống thực tế, nhưng nhiều khi con lại tìm Chúa ở cõi xa xăm, mơ hồ. Xin giúp con biết sử dụng mọi thứ Chúa gởi đến, dù khó hay dễ, đáng buồn hay đáng vui, may hay rủi, họa hay phúc, sướng hay khổ... để phong phú hóa cuộc sống con cho Chúa, để con biết tôn thờ và chúc tụng Chúa trong mọi điều, và như một phương tiện hữu hiệu nhằm dẫn đưa con đến sự kết hợp với Chúa mỗi ngày một sâu đậm hơn. Amen.  **R

Lm. Thái Nguyên

 


Trở lại      In      Số lần xem: 7971
Tin tức liên quan
  • GIÁO LÝ KYTO GIÁO / NHÂN ĐỨC VÀ NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN / GIUSE LUCA
  • NHÂN CHI SƠ, TÍNH BẢN THIỆN
  • NHỮNG PHÚT THÂM THÚY CỦA CUỘC ĐỜI
  • Kẻ thật lòng yêu Chúa
  • 4 Chiến Thuật của Satan
  • Phần 3: Cầu Nguyện
  • Phần 2 (Bài 8): Đức Mến
  • Phần 2 (Bài 7): Đức Cậy
  • Phần 2 (Bài 6): Đức Tin
  • Phần 2 (Bài 5): Đức Tiết Độ
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  1109
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403925
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top