Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

31/ Làm cha có gì khó đâu mà ngại

Thời nay, thanh niên thiếu nữ lập gia đình qúa trễ so với tuổi của chúng tôi thời xưa. Họ lấy những lý do là công việc làm ăn chưa vững, chưa có nhà riêng, chưa đi du lịch các nơi, chưa có công ăn việc làm vững chắc, chưa có đủ tiền tổ chức đám cưới. Họ có cả trăm ngàn lý do để trì hoãn. Khác với chúng tôi ngày xưa. Cha mẹ của chúng tôi còn chịu ảnh hưởng nhiều của nếp sống Á châu, nhất là ảnh hưởng nền văn hóa trọng về nông nghiệp. Cho nên chúng tôi bị bố mẹ giục phải lấy vợ khi vừa học hết bậc trung học. Các cụ thường lấy lý do là muốn có cháu để bồng bế, để khoe với hàng xóm và nhất là được làng xóm kính nể vào hàng ông, bà. Khi đi dự đám giỗ, đám tiệc thì được ngồi mâm trên chỗ hàng các cụ.
Tựa đề của bài viết này là câu nói của một ông thợ hớt tóc gần nhà tôi. Ông này biết rất nhiều chuyện trong nhà ngoài xóm, tiệm ông lúc nào cũng đông người. Tiệm của ông có một chiếc radio cũ cùng vài ba tờ nhật báo để cho những người chờ đến lượt, đọc cho thời giờ mau qua. Ông ta rất nhanh nhẩu, vui vẻ và lịch thiệp. Hôm ấy đến lượt tôi ngồi vào ghế để ông cắt tóc. Bàn tay ông vừa bắt đầu làm việc thì miệng của ông cũng bắt đầu hoạt động. Sau vài câu hỏi thăm xã giao. Ông ta hỏi tôi:
Chừng nào thì cậu cho tôi được ăn đám cưới của cậu đây?
Dạ. Cháu còn bé và còn đang đi học mà bác. Tôi trả lời.
Cứ lấy vợ, rồi đi học thì đã sao đâu nào. Có gì đâu mà ngại.
Thế nhưng, cháu nào có biết gì đâu mà dám cưới vợ.
Ồ! Cậu này hay nhỉ? Cứ lấy vợ đi rồi tức khắc sẽ biết. Ông ngưng lại ít giây rồi nói tiếp.
Chúng tôi ngày xưa nào có được đi học như cậu. Lớn lên thì phụ cha mẹ làm ruộng. Rồi cha mẹ nhờ người mai mối đi hỏi vợ cho. Tôi chẳng biết mặt vợ là ai, ấy thế mà chúng tôi đã ăn ở với nhau có con đàn cháu đống như bây giờ. Cậu coi, trời sinh voi thì trời sinh cỏ cơ mà. Làm cha có gì khó đâu mà ngại. Cứ sinh con thì mình được gọi là cha. Ông bà ta đã có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”
 
Suy nghĩ về việc lập gia đình
Sau hôm đi hớt tóc ấy. Mỗi lần bị bố mẹ nhắc nhở, tôi lại nhớ đến những lời khuyên của ông thợ hớt tóc, và nhất là suy nghĩ về câu ông ta nói: “Làm cha có gì khó đâu mà ngại”. Ai thì tôi không biết chứ riêng tôi thì thật là khó, và có thể gọi là qúa khó nữa là khác. Thưở nhỏ tôi bị bệnh đậu mùa. Tôi mặc cảm về khuôn mặt xấu xí của mình. Tôi nhiều lần tự hỏi chính tôi, có ai dại mà chịu lấy tôi làm chồng. Hơn thế nữa tôi sinh ra trong thời chiến tranh, nên khó có thể biết được cuộc sống thế nào, vì đời lính sống nay chết mai, rầy đây mai đó cho nên có vợ chỉ làm khổ cho người vợ mà thôi. Bố mẹ tôi cứ ví von, nào là con trai lớn thì phải một là lấy vợ, hai là đi tu. Tôi thầm nghĩ nhưng không dám trả lời. Trai trong thời loạn như tôi, khi tới tuổi 18 thì một là được đi học tiếp bậc đại học, hai là đi lính, chứ đâu có ai nhắc là phải lấy vợ đâu. Thế rồi vì cha mẹ giục qúa nên tôi cũng bắt đầu suy nghĩ về việc lập gia đình.
Tôi bắt đầu lục lọi trong trí óc, những hình ảnh của những người mà tôi thầm yêu trộm nhớ, trong tình yêu một chiều. Trong đó, có một nửa số người thì đã lên xe hoa về nhà chồng. Số còn lại thì có người khác tôn giáo nên khó mà được bố mẹ chấp nhận. Thật là khó cho tôi khi phải trả lời câu hỏi chọn ai. Người có tí chữ nghĩa thì lại không được nết na. Các cụ đã nói cái nết đánh chết cái đẹp cơ mà. Có người tính tình hiền lành, đạo đức nhưng lại có chiều cao rất khiêm tốn. Có người tôi yêu thì lại có người hỏi trước mất rồi. Trong đám bạn bè có người muốn tôi làm quen với em của họ, nhưng vì tự ái tôi không nhận lời. Cũng có bạn rủ tôi vào làm rể chung một nhà cho tình bạn thêm thắm thiết, tôi cũng từ chối nốt
Tôi lưỡng lự suy tư. Trong những cơn lo âu về chọn lựa ấy, có cả những cái lo âu về ngoại hình, về sức khỏe, về tính tình, đức hạnh của người mà tôi sẽ chọn để tiến đến việc sống chung thân. Tôi suy tư thật nhiều về tương lai sau khi đã lập gia đình, tôi phải làm gì để gánh vác gia đình. Chồng như cái giỏ vợ như cái hom. Như các cụ thường nói: “Việc quan anh liệu, việc nhà em lo”.
Hồi tôi còn bé những hình ảnh của những gia đình trong khu gia binh đã làm tôi sợ hãi về các bà vợ dữ dằn. Tôi chứng kiến cảnh bà vợ cầm cây chổi quét nhà, rượt đánh ông chồng chạy vòng quanh nhà. Đúng như câu đồng dao mà bọn trẻ chúng tôi thường hát: “Bu ơi, bu lấy vợ hai cho thầy. Có lấy thì lấy vợ gầy, chớ lấy vợ mập, nó đánh cả thầy lẫn bu”.
Thế nhưng, cũng có lần trong qúa khứ. Hình ảnh của những người chồng hung dữ, thô lỗ cũng đã in vào trong trí óc non nớt của tôi. Tôi đã thấy một ông chồng cầm cây phất trần quật túi bụi lên người vợ, đang ngồi trên ghế đẩu, người vợ ôm đầu khóc hu hu. Những hình ảnh đánh đập nhau như thế. Những tiếng cãi vã, chửi nhau, chửi bố mẹ, họ hàng của nhau mà tôi từng được nghe trong khu gia binh lúc còn nhỏ, đã làm tôi sợ hãi việc lập gia đình, và khiến tôi ngày càng lo lắng hơn trong việc chọn cho mình một người bạn đời, để sống đời ở kiếp với tôi.
 
Biết chọn ai đây bây giờ?
Người đời thường nói: “Trai khôn chọn vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Tôi gật gù khoái chí như tìm ra được câu trả lời. Tôi có mấy người bạn ở Hố Nai, họ bảo tôi gái làng Sặt, buôn bán rất giỏi họ giống như bài viết về người vợ của nhà thơ tú tài Trần Tế Xương ngày xưa:
“Quanh năm buôn bán ở ven sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Tôi lần mò ra chợ để xem thực hư thế nào. Nào ngờ, chẳng may cho tôi gặp ngay lúc mấy bà hàng cá đang cãi nhau, tay cầm dao tay cầm cá, miệng thì đang cố gào lên những lời tục tĩu, khiến tôi hết vía, đi về nhà và đành bỏ mộng kiếm người yêu giữa chốn chợ đông.
Cũng có người bảo tôi nên cầu nguyện, cầu xin Chúa cho tôi lấy được người thương tôi. Họ ví von là đi biển cầu nguyện một, đi đánh trận cầu nguyện hai, và đi lập gia đình phải cầu nguyện gấp ba lần thì mới kiếm được người như ý. Cũng có người bảo tôi rằng người vợ là món quà qúy giá mà Thiên Chúa trao cho chúng ta như phần thưởng hay phần phạt tùy vào sự ăn ở công chính của chúng ta. Tôi thật sự chạy đến Chúa và cầu xin Chúa cho tôi gặp được người vợ hiền lành nết na. Tôi chợt tỉnh ngộ ra. Muốn kiếm được người như ý muốn, tại sao tôi không tìm kiếm ở trong các hội đoàn, nơi mà các thiếu nữ có lòng đạo đức, hy sinh thời gian để làm việc tông đồ. Thế rồi trong các thiếu nữ ấy, cuối cùng tôi cũng chọn cho mình được nhiều người yêu tôi.
 
Sinh con và nuôi dạy dỗ con
Đây cũng là vấn đề mà tôi phải suy nghĩ nhức đầu trước khi lập gia đình. Ở cái thời ấy, nếu người phụ nữ nào lấy chồng mà vì sức khoẻ, hay vì điều kiện nào đó không sanh được con thì bị thiên hạ chê bai là: “ Gái độc không con”. Tôi thì chẳng biết tí gì về điều ấy, chỉ nghe các cụ nói: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” mà thôi. Xem tông ư, thì tôi cũng biết phải chọn người, nhà có đông anh em cỡ từ năm hay sáu người. Cũng có bà già dạy tôi cách xem tướng phụ nữ từ đầu cho đến chân, từ lời ăn tiếng nói, đến tướng đi. Nói chung là có biết bao nhiêu điều tôi chưa hề biết về phụ nữ, cho dù là tôi đã học xong lớp đệ nhất thời ấy. Ở cái thời cha mẹ chúng tôi thì sinh con trai đầu lòng thì mới qúy, vì họ coi như có cháu nối dõi tông đường. Còn đối với tôi thì con cái là ơn Chúa ban, con trai hay gái cũng yêu quý như nhau. Con là con của mình chứ của ai đâu mà lại đứa ghét đứa thương phải không qúy vị. Hơn nữa tôi là người Công Giáo. Chúa ban cho thì cứ nhận, vì chưa chắc con trai đã là nguồn hạnh phúc. Trong thời buổi chiến tranh, thì con trai là con của tổ quốc cơ mà. Chính vì vậy tôi ước có nhiều con, biết đâu khi về già còn có con, có cháu mà nhờ. Trong xứ đạo của tôi, có gia đình sinh được hai người con trai. Họ không muốn có nhiều con thêm nữa sợ vất vả. Không may mắn cho họ là khi lớn lên cả hai người con tham gia vào quân đội, và cả hai đều tử trận. Thế là hết con, ông bà ấy lủi thủi sống trong tuổi già, được ít lâu rồi cũng chết. Tội nghiệp thay.
Sinh con đã vậy, nhưng nuôi con và dạy dỗ chúng lên thành người, thành ông này bà nọ thật là khó lắm thay, chứ đâu có như câu nói của ông thợ hớt tóc: “Trời sinh voi thì trời sinh cỏ”.
Như cây cối là giống thực vật. Ấy vậy mà người trồng cây cũng phải tốn sức bón đất, tưới cây, tỉa cành, uốn nắn thì cây mới cho nhiều trái to, vị ngọt. Huống chi là con người, nếu không chăm sóc về cách ăn uống, giấc ngủ, sức khoẻ, bệnh tật thì làm sao đứa trẻ có thể lớn lên một cách bình thường được. Hơn thế nữa, cha mẹ sinh con trời sinh tính, nếu chúng ta không tập cho chúng biết giữ những đức tính tốt thì sau này con trẻ biết thế nào là tốt hay xấu để sống cho thành nhân. Càng nghĩ tôi càng lo sợ, vì mình chẳng có tí kinh nghiệm nào trong cách nuôi và dạy con cả. Tôi muốn con tôi phải hơn tôi về cuộc sống, tôi muốn chúng sống thanh nhàn hơn tôi, tôi muốn chúng thoát khỏi cảnh sống nghèo nàn. Con hơn cha thì nhà có phúc, và muốn được vậy thì tôi phải hy sinh, phải cố gắng làm việc chăm chỉ, phải tiết kiệm, tần tảo và còn bao nhiêu thứ khác để xứng với câu nói: “ Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mới nghĩ sơ sơ thôi mà tôi đã cảm thấy nhức đầu về trách nhiệm làm cha rồi. Thế mà cái ông thợ hớt tóc lại nói: “Làm cha có gì khó đâu mà ngại”. Chính vì thế mà tôi cần cầu nguyện thật nhiều cùng Thiên Chúa, xin Người soi sáng cho tôi biết cách làm cha, làm chủ gia đình của tôi trong tương lai.
 
Cách sửa soạn trước khi tiến tới hôn nhân xưa và nay
Khác với các bạn trẻ thời nay. Họ có những lớp học về Dự bị Hôn Nhân. Họ được các cha, các giảng viên dạy họ cách sống trong bậc vợ chồng, tạo niềm vui và hạnh phúc cho gia đình; Cách sống đạo trong tình yêu của Thiên Chúa; Cách tiết kiệm tiền bạc; Cách hướng dẫn và chăm sóc con cái; Cách chăm sóc cha mẹ nội ngoại đôi bên; Cách giữ gìn sức khoẻ cùng những bệnh thông thuờng của con trẻ và người lớn; Cách làm bếp, nấu ăn ngon miệng rẻ tiền. Họ được nghe và học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thành công trong cuộc sống. Chẳng bù cho chúng tôi ngày xưa chẳng được học một tí nào cả. Tôi đã phải học thuộc lòng các kinh cầu, kể cả kinh cầu hồn. Cũng may là khi vào cha thì tôi được miễn khảo kinh, vì có tham gia hội đoàn từ nhỏ đến lớn trong xứ đạo. Có thể nói là sống trong xứ đạo, chúng tôi sợ cha xứ như sợ cọp, léng phéng mà bị gọi lên cha là lúa cả đời. Cũng có thể nói là nhờ sợ cha mà nhiều cuộc sống hôn nhân của nhiều gia đình trẻ được bền vững. Khác với thế hệ ngày nay. Thanh niên, thanh nữ trưởng thành và thành công trong công việc học vấn, công ăn việc làm. Họ có kiến thức cao và rộng, về một phương diện nào đó có thể nói là họ còn hơn các cha xứ. Ấy thế mà ngày càng nhiều cuộc ngoại tình, ly hôn, rồi ly dị. Ngày xưa chúng tôi đâu có phương tiện truyền thông rộng rãi như bây giờ để được nghe biết và học hỏi về các kiến thức y khoa, thế mà ít có ai bị bệnh phòng the như bây giờ. Con cái vẫn đông đúc chứ đâu có hiếm muộn phải tốn tiền đi cấy. Có lẽ ông thợ hớt tóc đã nói đúng. Làm cha có khó gì đâu mà ngại. Có khó chăng là chúng ta có chấp nhận yêu thương những cái ưu và khuyết điểm của nhau hay không. Chúng ta có dám tha thứ, hoặc an ủi nhau những khi thất bại trên đường đời hay không, vì nhân vô thập tòan cơ mà. Hãy tự hỏi mình, chúng ta có dám hy sinh, gánh vác những đau khổ cho nhau không. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về tình yêu trọn vẹn, đó là khi chúng ta dám hiến mạng sống của mình cho người mình yêu. Đối với con cái chúng ta có muốn sinh chúng ra để thờ phượng kính mến Thiên Chúa hay không; Chúng ta có yêu thương, nuôi nấng và giáo dục chúng trong tình yêu của cha mẹ hay không; Chúng ta có nói cho chúng biết và chỉ cho chúng thấy là chúng ta yêu con cái chúng ta một cách thật sự hay không. Vì trong giáo dục của các cụ ngày xưa là “yêu cho roi cho vọt”. Còn ngày nay là yêu thì phải có kỷ luật chứ không phải vì yêu mà nuông chiều, muốn gì được nấy. Tất cả những lo nghĩ kể trên đã khiến tôi lo nghĩ cả hàng năm trời trước khi chính thức quyết định lập gia đình.
 
Buồn vui đời làm cha gia đình
Kể từ ngày có tiếng khóc của con trẻ trong gia đình. Hai vợ chồng mới thực sự bước vào ngưỡng cửa làm cha, làm mẹ. Có nhiều người cha khó chịu vì tiếng khóc trẻ thơ, và có lẽ vì công việc làm ăn quá mệt nhọc và đầy lo lắng, thành thử ra họ đâm ra cáu kỉnh hơn là mừng vui. Có những lúc con trẻ ốm đau thì đổ thừa tại vợ ăn uống không kiêng khem, làm cho đứa trẻ bú sữa mẹ bị bệnh. Thế nhưng, còn có rất nhiều người cha lại chăm sóc cho cả mẹ lẫn con trong những tháng ngày ở cữ, một cách thật chu đáo. Mẹ tròn con vuông như các cụ thường khen có nghĩa là được khoẻ mạnh. Mẹ thì không bị chứng trầm cảm sau khi sanh, con thì mau lớn khoẻ mạnh. Qua thời kỳ đầy tháng, thường người ta hay ăn mừng, và người Công giáo chúng ta thường đem con đi rửa tội và ăn mừng đứa trẻ được nhập đạo, làm con cái Thiên Chúa và là một thành viên của giáo hội. Những bệnh tật thường ít xảy ra với những đứa trẻ được bú sữa mẹ trong thời gian dưới một tuổi. Thế nhưng vì con trẻ chưa biết nói và chỉ biết khóc, cho nên việc chẩn bệnh cho con trẻ thật là khó khăn đối với người cha, người mẹ trẻ này. Thường thì trẻ bị nóng sốt, ho vì thời tiết thay đổi, bị lạnh bụng vì sữa, do mẹ quên không vắt sữa cũ vài giọt bỏ đi, không lau đầu vú trước khi cho con bú. Hoặc trẻ bị đau miệng không chịu bú, có thể sốt mọc răng. Thường thì các cơn bệnh này dễ chữa, và không có gì đáng ngại với sự tiến bộ của y khoa ngày nay, nhưng đối với chúng tôi sống ở vùng thôn quê ngày xưa thì thật là vấn đề lo lắng quá sức.
Xin kể một câu chuyện vui về sự ngây thơ của con trẻ. Ngày ấy tôi đi vượt biên lúc đứa út nhà tôi vừa đầy một tuổi, và sau 7 năm xa cách gia đình chúng tôi được đoàn tụ. Thằng út nhất định không nhận tôi là cha nó. Lý do tại tôi chụp hình gởi về thì trong hình ảnh tôi mặc đẹp, đứng cạnh chỗ bán xe chụp hình kiểu gởi về, cho nên hình trông rất đẹp. Khi tôi giơ tay định ẵm nó, thì nó quay mắt đi và ôm chặt lấy mẹ nó. Nó nói: “Ông này đâu phải là ba của con. Ba con, hình trong tấm ảnh gởi về Việt Nam đẹp lắm cơ mà”. Tôi chết lặng người đôi phút mới hiểu được nỗi lòng của con trẻ. Tôi như muốn trả lời cho con biết. Con ơi! Con có biết để có được ngày đòan tụ hôm nay, ba hằng ngày phải làm việc giữa trời, bò trên các luống dâu, khom lưng trên các luống khoai, các dẫy nho, cà rốt giữa trời giá lạnh hay sức nóng cháy người, để cố gắng có được nhiều tiền gởi về cho các con ăn học hay không. Chính vì thế mà người ba gầy gò, da mặt xạm đen đến nỗi nắng mưa cũng còn thua ba, chúng không còn đủ sức làm cho ba đen hơn được nữa. Tôi đứng im lặng thay cho câu trả lời.
Một câu chuyện khác nữa như sau. Có một lần vợ chồng tôi dẫn con đi dạo bờ suối, vì nhà mới mua ở vùng West Sunshine. Thằng bé cứ đòi chạy ra suối nghịch nước, Tôi bực mình sau nhiều lần ngăn cản, tôi cầm hai tay dúng nó xuống nước cho nó sợ. Thằng bé sợ thật, khóc oà lên. Thằng anh kế nó chạy lại dỗ nó. Tôi ở đàng xa nghe tiếng thằng anh dỗ thằng em mà lòng chết lặng. Nó bảo đứa em: “ Nín đi em, đừng khóc nữa. Đợi mai mốt ba già, mình rủ ba đi dạo bờ suối, rồi anh em mình tìm cách đẩy ba xuống suối trả thù”. Chẳng biết thằng em có hiểu không nhưng nó đã nín khóc và cười khúc khích với nhau.
Lại một chuyện khác nữa về chiếc đùi gà. Tôi có một người bạn vừa đón bố từ Việt Nam sang du lich. Anh ta làm bữa cơm họp mặt gia đình và bạn bè. Biết bố mình thích ăn thịt gà nên anh ta đã mua gà nuôi vườn, từ farm về làm thịt đãi bố. Khi ăn cơm, anh ta gắp cho bố cái đùi gà luộc, mỡ và da vàng ươm. Ông bố cắn một miếng thấy ngon. Ông gật gù tấm tắc khen ngon, nhìn thấy đứa cháu nội đứng gần bên bố của nó, và nó đang trố mắt nhìn ông ăn. Ông cố cắn vội thêm miếng nữa rồi đưa cái đùi gà còn dính thịt ấy cho thằng bé. Thế nhưng nó không cầm và càng trố mắt nhìn ông như kinh ngạc hết sức. Ông chưa kịp hiểu chuyện, thì nghe tiếng thằng cháu nội của ông mách với bố của nó rằng: “Bố! bố à. Ông nội cho con ăn thừa cái đùi gà của ông nội kìa bố”. Nói xong thằng bé chạy biến vào trong phòng trước sự xượng sùng của cả nhà. Giá như bố của nó ngày xưa mà được cho gặm tí xương ấy thì thích quá đi mất, vì có được ông thương, thì ông mới nhường miếng ăn đang ngon mà cho cháu. Viết sao cho hết chuyện buồn vui đời làm cha.
 
Hãy cậy nhờ vào ơn Chúa
Bức tranh tôi vẽ về gia đình của tôi là đông con nhiều cháu. Con cháu sẽ có cuộc sống sung túc về mọi mặt hơn tôi, vì con hơn cha là nhà có phúc. Tôi ước nguyện là con cháu của tôi có lòng yêu mến Chúa và tha nhân ngày càng nhiều hơn tôi. Cho dù là đối với tôi làm cha thì rất khó, nhưng tôi vẫn hằng ước nguyện cho các bạn thanh niên ngày càng nhiều người làm cha. Vì có sinh, nuôi dưỡng dục, và chịu nhiều hy sinh vất vả vì con, thì mới xứng được gọi làm cha, chứ không phải vì khoa tiến bộ và lòng ích kỷ của con người mà biết bao nhiêu thai nhi bị giết chết từ trong lòng mẹ.
Người đời thường cho rằng người cha là chủ gia đình. Còn theo tôi thì cả cha lẫn mẹ đều là chủ gia đình. Vì sẩy cha thì còn mẹ. Trong những ngày gần đây. Tôi suy tư viết bài cho đề tài tháng bảy này. Một giấc mơ xảy đến với tôi. Tôi mơ thấy mình lái xe chở vợ con và bạn bè đi chơi vùng đồi núi lẫn đồng bằng của phía nam Tasmania. Lúc ra về, được gần nửa quãng đường, tôi tự nhiên thấy trời đất tối tăm. Trời mùa đông, xứ Tasmania bắt đầu tối vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. Xe vẫn chạy với tốc độ 100 km/giờ. Tôi sợ quá la lên: “Trời tối quá, tôi không thấy đường”. Anh bạn của tôi góp ý: “Bật đèn xe lên”. Tôi mò mẫm theo thói quen, rồi cũng bật được đèn xe, nhưng tôi vẫn không thấy gì cả. Trong giây phút ấy, xe vẫn chạy mặc dù tôi đã bỏ chân ga để đạp vào chân thắng, nhưng xe vẫn chạy, và tôi vẫn không thấy gì cả, vì tôi đã bị mù. Trong lúc cái chết đang đến cho mọi người, tôi vẫn nhớ câu phúc âm nói về người mù: “mù dắt mù, cả hai lăn cù xuống hố”. Tim tôi đập thật nhanh, miệng tôi ú ớ như muốn la to lên cho mọi người trong xe nghe thấy: “Tôi mù”. Tôi tỉnh giấc mơ, mồ hôi nhễ nhãi và biết mình nằm mơ.
Đời làm cha mẹ cũng vậy, nếu các bạn trẻ không sáng suốt thì hướng dẫn con tầu gia đình của mình lạc hướng. Số phận của chính các bạn đã phải chịu đau khổ, chết chóc mà còn kéo theo cả vợ lẫn con cháu chịu cùng chung số phận. Cho nên tôi cầu nguyện cho mọi người, những kẻ làm cha, làm mẹ. Xin Thiên Chúa ban cho họ được đôi mắt sáng suốt để nhìn rõ hướng đi tương lai cho gia đình. Xin Chúa ban cho các đấng bậc làm cha mẹ được đôi chân khoẻ mạnh để có đủ sức dấn thân trên đường đời. Bắt chước các thánh tông đồ sống để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Tôi cầu xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ luôn trung thành trong ơn gọi của Bí Tích Hôn Nhân để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm giáo dục con cái. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh phần xác cũng như phần hồn cho mọi người làm cha, làm mẹ, hầu
Quý vị có thể bảo vệ con cái dưới sự chăm sóc của mình. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Chúa luôn mãi. Vì sự thành công ngày hôm nay chỉ là tạm bợ. Trên đường đời chúng ta phải đi, còn qúa nhiều hố sâu, hiểm trở ở trước mặt, nhiều thất bại dễ gặp đang chờ ta.
Nếu chúng ta không kiên trì cậy trông vào Thiên Chúa, thì làm cha thật khó lắm thay.
Thụy Miên

Trở lại      In      Số lần xem: 1913
Tin tức liên quan
  • Hôn nhân Công giáo - Bài 03: Tác hại của rượu (Giuse Luca)
  • Hôn nhân Công giáo - Bài 02: Hòa hợp trong hôn nhân (Giuse Luca )
  • Hôn nhân Công giáo - Bài 01: Hôn nhân và Tình dục (Giuse Luca )
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHẤT LƯỢNG CAO ,ĐÂU RỒI ?
  • Còn Đó Những Nỗi Lo về gia đình
  • ĐỒNG TIỀN TRONG HÔN NHÂN
  • NGẪM NGHĨ VỀ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG
  • GIA ĐÌNH LÀ GIÁO HỘI NHỎ
  • GIA ĐÌNH SỐNG TRONG ƠN CHÚA
  • MỘT LỜI KHUYÊN NHỎ / MỘT LỜI NHẮC NHỚ VỚI CÁC ÔNG .
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  167
 Hôm qua:  2596
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11398821
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top