Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

67/ Đi tìm sự ấm áp

Hãy nhận ra sự giá băng tâm hồn của những người tuổi già nua. Họ cần lắm miếng ăn để được sống. Nhưng, để quảng đời còn lại của họ được hạnh phúc thật sự, họ cần sự quan tâm chăm sóc bằng tình yêu gần gũi và thân mật trong mái ấm gia đình, hay ít nhất là có được bầu khí như gia đình, nếu thật sự họ không thể ở trong gia đình với con cháu.

Đó là một buổi sáng lạnh buốt ở Denver. Thời tiết ở vùng này không thể nào đoán được. Chỉ mới ngày hôm qua, trời còn nắng ấm, hôm nay đã có bão tuyết ngập đường.
Một ngày như thế này nên là một ngày nghĩ ngơi trong nhà. Nhưng đó lại không phải là ngày của tôi. Hôm đó, tôi có một buổi nói chuyện ở Trung tâm hội nghị Denver với khoảng 200 sinh viên.
Và khi tìm chiếc micro không dây, tôi lại phát hiện ra nó đã hết pin. Không còn một sự lựa chọn nào khác, tôi đành mặc áo dựng cao cổ, quàng khăn và cắm cúi đi ra khỏi nhà.
Ngay góc dãy phố thứ hai, tôi thấy một biển hiệu nhỏ cho biết rằng có một cửa hàng tạp hóa ngay gần đó.
Trong cửa hàng cũng chỉ có hai người. Cô bán hàng là người da màu, đứng sau quày thu tiền, có chiếc thẻ gắn ở ngực áo, để tên Roberta. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài mà đánh giá thì trông cô gái cũng rất đơn giản.
Người thứ hai là một ông cụ, dường như vào đây để tránh rét. Ông cụ loanh quanh giữa những giá hàng, có vẻ không vội vã gì.
Nhưng tôi cũng không có nhiều thời gian để quan tâm đến một ông cụ rảnh rỗi. Tôi cần một cục pin, và có gần 200 sinh viên đang chờ tôi ở Trung tâm Hội nghị. Chúng tôi có nhiều việc phải làm và có mục đích.
Ngay khi tôi định ra quầy tính tiền thì ông cụ đã ra đó trước tôi. Roberta mỉm cười. Ông cụ thì không nói lời nào. Roberta cầm từng món hàng mà ông cụ đã chọn để bấm mã số vào máy. Tôi tò mò nhìn theo. Hóa ra ông cụ đi giữa một buổi sáng lạnh lẽo đến tận đây chỉ để mua một cái bánh ngọt và một quả chuối! Thật là kỳ cục!
Roberta đã tính ra tổng số tiền, còn ông cụ thì chậm chạp cho tay vào túi chiếc áo khoác cũ. “Nhanh lên nào” – tôi nghĩ – “Ông có thể rảnh rỗi cả ngày, nhưng tôi thì còn rất nhiều việc phải làm!”
Ông cụ rút ra một tờ tiền nhàu nát và vài đồng xu, đặt lên quầy tính tiền. Roberta cười tươi, thu chỗ tiền lại như thể cô vừa nhận được một kho báu.
Khi Roberta cho chiếc bánh và quả chuối vào túi nylon, một điều đáng nhớ đã xảy ra. Ông cụ vẫn không nói lời nào, chỉ chìa bàn tay về phía trước. Bàn tay già nua, gầy guộc và run rẩy.
Roberta nhẹ nhàng lồng quai của chiếc túi nylon vào cổ tay ông cụ. Và cô cười tươi hơn. Không chỉ thế, cô bất chợt nắm lấy cả hai bàn tay ông cụ, nhanh chóng lấy chiếc khăn cô đang đặt trên lò sưởi để quấn vào tay ông cho ấm.
Sau đó, Roberta quàng chiếc khăn lên cổ cho ông cụ, và cài thêm một khuy áo cho ông. Ông vẫn không nói lời nào, nhưng tôi tin rằng trong đôi mắt già nua đang có những tia sáng ấm áp. Có thể ông đang ghi nhớ lại khoảnh khắc này, ít nhất là đến ngày mai, khi ông quay lại đây mua hàng.
Quàng xong khăn cho ông cụ, Roberta nhìn ông và trách:
- Nào, cháu đã nhắc ông bao nhiêu lần, là phải mặc thật ấm khi ra đường? Cháu dặn ông phải cẩn thận cơ mà?! – Cô dừng một chút như để nhấn mạnh – Cháu muốn ngày mai vẫn nhìn thấy ông đến đây khỏe mạnh!  
Ông cầm lấy chiếc túi và chậm chạp đi ra cửa.
Lúc đó, tôi nhận ra rằng ông cụ đến đây không phải để tìm một chiếc bánh ngọt và một quả chuối. Ông đến để tìm sự ấm áp trong trái tim.
Tôi hỏi Roberta:
- Đó là họ hàng hay hàng xóm của cô phải không, Roberta?
Roberta có vẻ phật ý khi tôi cho rằng cô chỉ đối xử như vậy với hàng xóm hoặc họ hàng. Đối với Roberta, rõ ràng, tất cả mọi người đều đặc biệt.
 
nguồn: internet
 
CHIA SẺ MỘT CHÚY SUY TƯ
TUỔI GIÀ CÔ ĐƠN
 
Tuổi thơ của tôi may mắn còn có ông ngoại, bà ngoại mất sớm nên tôi không biết. Ông ngoại tôi sống được 94 tuổi, tôi có rất nhiều kỷ niệm về ông ngoại tôi.
Ba má tôi không giàu có, nên bữa cơm thường đạm bạc, nhưng mẹ tôi bao giờ cũng nấu cho ông ngoại tôi vài món ăn riêng. Mãi tới năm tôi 12 tuổi đi tu vào Tiểu Chủng Viện Cái Răng, Cần Thơ, mẹ tôi mới sinh đứa em trai kế tôi, vì thế, ở trong nhà lúc ấy tôi là đứa cháu duy nhất, nên ông ngoại tôi cưng tôi lắm. Sau khi tôi đi tu, ông ngoại càng cưng tôi nhiều hơn nữa. Tôi nghe lời mẹ, trong các bữa ăn, không bao giờ tôi thọt đũa vào những món ăn dành riêng cho ông ngoại, nhưng bữa ăn nào ngoại cũng bảo tôi ngồi kế ngoại, rồi ngoại gấp đồ ăn bỏ vào chén tôi, đồ ăn của ngoại thì ngon lắm, tất nhiên là tôi khoái rồi, đôi khi sốt ruột, mẹ tôi nói với ông ngoại: “Cha ăn đi, kệ nó mà!”. Nhưng ngoại tôi lại la mẹ tôi: “thì cho nó ăn với, có gì đâu, nhiều mênh mông đây mà!”. Có đôi khi ngoại không có đồ ăn nhiều, mẹ ưa “lườm” tôi khi tôi đưa chén cho ngoại bỏ đồ ăn vào, nhưng tôi tỉnh bơ, vì có ông ngoại. Tôi thấy mẹ giận lắm, nhưng tôi rất vui vẻ, vì “ngoại cho chớ bộ!”
Mẹ cấm tôi không được lấy tiền của ông ngoại, mẹ nói: “Con cháu thỉnh thoảng có cho ông ngoại chút ít tiền để ngoại hút thuốc, mua trà bánh gì đó tùy ngoại, ngoại có cho con tiền thì con phải nói là con có rồi, nghe chưa?”. Thời đó, ở Tiểu Học, đi học ngày hai buổi, buổi sáng mẹ cho tiền, còn buổi chiều thì thường không có. Mẹ thường cho ăn một chút gì ở nhà rồi đi học. Có khi ăn “bắp ngào đường”, có khi ăn trái cây vườn ở nhà, có khi ăn cơm nguội với đường, có khi ăn cơm nguội chiên… Ông ngoại biết điều đó, nên khi ông ngoại có tiền thường hay “lén” cho tôi. Ông ngoại dặn tôi: “con đừng có cho má con biết nhen! Ví bằng má con biết được thì nói rằng ngoại mới cho con “lần đầu” đó, nhớ hông?”. Nhưng nhiều lần tôi bị mẹ phát hiện. Có khi mẹ xét cặp để xem sổ sách học tập bắt gặp tiền ở trổng, có khi mấy đứa bạn vô tình khoe với mẹ tôi là tôi bao tụi nó ăn quà, hay có khi tôi “sơ hở lời ăn tiếng nói”, như: “má con Huệ làm bánh canh ngon ác má!” – “Sao con biết?” – “thì bả bán ở trường con mua hồi chiều nè!” – “Tiền đâu con có?”. Trong những trường hợp đó, tôi cứ lấy cái “chiêu’ của ngoại ra đỡ: “Ngoại mới cho lần đầu!”. Sau này tôi mới nhận ra, Chúa ơi, sao mà mình thật thà quá vậy hổng biết! Bị “bể” mấy lần mà cứ nói “lần đầu” hoài!
Tuổi thơ mấy khi ngủ đêm mà thức giấc! Bắt đầu ngủ là đánh một giấc tới sáng! Nhưng có một đôi lần thức giấc, mà lần nào thức giấc cũng gặp ngoại đang nằm ngoài võng. Những lần như thế, tôi chẳng biết nói gì ngoài câu hỏi: “Sao ngoại không ngủ vậy, ngoại?”. Ngoại thường trả lời:“Ngoại mới thức! Con ngủ đi!”. Nếu lúc ấy ngoại có trả lời: “Tuổi già, ngủ ít lắm con”, chắc tôi cũng không hiểu đâu. Tôi còn quá nhỏ để hiểu và chia sẻ với ngoại.
Mẹ thường bảo: “Khi ông ngoại nằm nghỉ, đừng đến quấy rầy ngoại, để ngoại yên tĩnh nghỉ ngơi”. Nhưng khi đi học về, ăn cơm xong, là trưa rồi, giờ đó ngoại cần nghỉ trưa, nhưng không, ngoại hay kêu lại, ngoại hỏi đủ thứ: Học có vui không? Hôm nay được mấy điểm? con ăn gì…? Có lần ngoại còn dạy cho tôi cách làm cái nhà, nặn hình con trâu, làm xe kéo… trong môn thủ công nữa!
 
Bạn đọc thân mến!
Nhìn lại một thoáng kỷ niệm tuổi thơ với ngoại tôi, bây giờ tôi mới hiểu được phần nào đời sống con người ở tuổi về chiều. Việc phân tích tâm lý tuổi già xin để cho những nhà tâm lý nghiên cứu, còn chúng ta, chúng ta cố gắng dành thời gian gần gũi với các ngài trong cuộc sống đời thường nhiều chừng nào tốt chừng đó.
ĐI TÌM SỰ ẤM ÁP vì cuộc sống đang cô đơn và giá lạnh. Sự cô đơn đáng sợ nhất của một con người là sự bơ vơ lạc lỏng, vì không thể chia sẻ nỗi lòng với ai, và cũng không ai chia sẻ nỗi lòng với mình. TUỔI GIÀ CÔ ĐƠN khi tất cả những người thân xa cách, cuộc đời như ánh tà dương lặng lẽ cô đơn chìm dần và tắt lịm ở cuối chân trời. Ta đọc thấy điều này ở những Viện Dưỡng Lão, ở những Nhà Hưu Dưỡng, ở những nơi mà  sự chăm sóc chỉ là những miếng ăn, vắng bóng hoàn toàn tình yêu ấm áp của những người thân.
Nhiều gia đình, có những cụ già ngồi lặng lẽ một mình, con cháu đi qua đi lại mà chẳng ai buồn hỏi thăm một tiếng! Có những cụ già “được” (hay “bị”?) đưa vào Nhà Dưỡng Lão, tiện nghi đầy đủ thì có đó, nhưng tiếng nói gần gũi thân mật của con cháu thì không. Con cháu không một lần đến thăm viếng. Những cụ già thèm nghe những tiếng nói ngọt ngào, những cử chỉ thân yêu, họ thèm được ôm con cháu vào lòng, thèm được vuốt ve chăm sóc chúng, như họ đã từng làm điều đó cho con cháu mình thời tuổi xuân của họ. Nhưng bây giờ thì họ tìm lại những điều đó như những kẻ ăn xin đi tìm sự bố thí từ thứ lòng thương hại!
Có những hạng con cháu cứ nghĩ là bỏ ra một số tiền để nuôi sống “ông bà cha mẹ” là trọn “đạo hiếu” rồi! nên những căn phòng nuôi ông bà cha mẹ như những cái nhà tù hay những trại chăn nuôi công nghiệp!
Chưa hết đâu! Mời bạn xem một bài báo mang tên “Xin ông cứ ở ngoài hành lang!” của tác giả Camera, được đăng trên báo Thanh Niên, số ra ngày Thứ Bảy 01.09.2007 sau đây:
“Người cha từ quê xa vào thăm con ở thành phố lớn nhất Việt Nam. Đến ngày thứ mười thì ông con trai nói với cha mình: “Ông vào chơi thế đủ rồi. Tôi đã nuôi ông ăn, cho ông ở, giờ ông về thôi”. Người cha quá bất ngờ nhưng chẳng còn cách nào, bèn ngập ngừng xin con tiền tàu xe. Ai ngờ thằng con thẳng thừng: “Tôi làm gì có tiền cho ông”. Vì không có tiền mua vé về, cũng không được nán lại trong nhà con trai, người cha đành phải dọn ra ở ngoài hành lang khu chung cư. Cứ tưởng con phải xót, hoặc ít ra là phải sợ tai tiếng, mua vé cho cha về quê. Nhưng không hề! Vợ chồng con cái ông con vẫn thản nhiên như không đối với ông già lọ dọ ngoài hành lang tháng này sang tháng khác, sống bằng sự thưong hại của xóm giềng. Gia đình ông con vẫn tiệc tùng vui vẻ đúng với cung cách của ông trưởng phòng lắm tiền một công ty lớn. Một trong những lần tiệc tùng như thế, một người khách tình cờ hỏi han ông già đáng thương ngoài hành lang, mới hay đó chính là cha đẻ của ông chủ tiệc. Không ai bảo ai, mọi người cùng móc túi tiền, để ông già bất hạnh có thể mua vé trở về nhà, thoát khỏi đứa con trai bất hiếu phi nhân.
Loại nhân vật xấu hết mức như thế dường như chỉ có trong chuyện cổ tích dùng để răn dạy người đời về đạo làm con. Vậy mà, đó là câu chuyện thực trăm phần trăm, về một người có thực trăm phần trăm, với tất cả những gì anh ta làm với cha mình. Nếu đặt cho anh ta những câu hỏi về chữ hiếu, hẳn anh ta sẽ cho rằng đầu óc người đối thoại không bình thường. Chữ hiếu là một khái niệm không tồn tại trong đầu óc của loại người này. Đối với họ, đời sống của bản thân là trên hết. Cha mẹ đã sinh ra, đã nuôi họ lớn, đó là nghĩa vụ của cha mẹ. Họ không việc gì phải buộc mình nghĩ tới những cái gọi là báo đáp, hiếu đễ, làm gương cho con cái…”
Trừ ra bạn có một định mệnh khác đi, ai trong chúng ta cũng phải sống với tuổi già. Chưa nói đến “Đạo Hiếu”, chỉ nói “Đạo Làm Người” thôi, chúng ta cũng không có quyền bỏ rơi những người già yếu. “Kính lão đắc thọ”. Trên xe tàu, ta nhường ghế cho người già yếu, nhường bước cho người già yếu trên đường, dành chỗ an toàn cho người già yếu khi gặp lúc hiểm nguy… Đó là những bài học sơ đẳng đầu đời cho Đạo Lý Làm Người.
Người già nói chung, ông bà cha mẹ của chúng ta nói riêng, không phải chỉ cần sự chăm sóc sức khỏe, miếng ăn giấc ngủ cho họ, mà còn cho họ “sự ấm áp”. Họ “đi tìm sự ấm áp” ở đâu ngoài “mái ấm gia đình” của chính con cháu mình?
Luật pháp là để bảo vệ hạnh phúc của toàn dân. Trong chữ “Hạnh Phúc” ấy, phải có “sự ấm áp” của những người già yếu. Những hạng người như “ông trưởng phòng lắm tiền một công ty lớn” nào đó mà tờ báo Thanh Niên đưa ra, cần phải bị lên án và trừng phạt theo đạo lý con người và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc”.
Bài báo Thanh Niên nói trên đã viết tiếp: 
“Chữ Hiếu hình như đã mất đi vai trò trong văn hóa sinh hoạt của người Việt Nam. Một bộ phận nào đó trong hơn 80 triệu người Việt đã chà đạp lên những gì mà dân tộc Việt đã dày công truyền giữ: “Công cha như núi Thái Sơn, - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra – một lòng thờ mẹ kính cha, - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. (…)
Hãy cho biết anh đối xử với cha mẹ ra sao, tôi có thể nói được anh là người thế nào. Đúng vậy! Nếu ngay cả với người có công sinh thành dưỡng dục mà người ta còn xử tệ, thì liệu có thể tin rằng người ấy thực sự tốt với bất cứ ai khác?
Trong xã hội mà đồng tiền đang có vai trò rất quan trọng như hiện nay, nếu không biết truyền giữ những giá trị văn hóa cần giữ, liệu người ta sẽ còn bị tha hóa đến mức nào?”
Người Công Giáo tuân giữ 10 Điều răn Đức Chúa Trời. - Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự. – Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. – Thứ ba giữ ngày Chúa Nhật. Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ …”.
Như vậy, trên hết là Thiên Chúa, kế đến là Cha Mẹ. Đạo Công Giáo là Đạo Hiếu đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người, và người Công Giáo gọi Thiên Chúa là Cha. “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Từ thượng nguồn Đạo Hiếu đó, không có lý do gì người Công Giáo lại không thực thi Đạo Hiếu đối với cha mẹ trần thế của mình. Vì thế, một đứa con bất hiếu, bỏ bê cha mẹ, xúc phạm cha mẹ, đó là một trọng tội.
Hằng năm, ngày đầu năm, ngày Tết, là ngày lễ hội thiêng liêng nhất của dân tộc. Đối với người Công Giáo, ngày Mồng Một là ngày Tạ Ơn Thiên Chúa, và xin ơn Bình An cho năm mới. Ngày Mồng Hai là ngày Kính nhớ Tổ tiên Ông bà cha mẹ. Ngoài ra, người Công Giáo còn dành trọn tháng 11, thường gọi là Tháng Các Đẳng, để cầu nguyện cho tất cả các Tín Hữu đã qua đời, trong đó có Tổ Tiên, Ông bà cha mẹ, những linh hồn “mồ côi” không còn ai nhớ đến, và tất cả những người thân yêu của chúng ta đã nằm xuống.
 
Bạn đọc thân mến!
Hãy nhận ra sự giá băng tâm hồn của những người tuổi già nua. Họ cần lắm miếng ăn để được sống. Nhưng, để quảng đời còn lại của họ được hạnh phúc thật sự, họ cần sự quan tâm chăm sóc bằng tình yêu gần gũi và thân mật trong mái ấm gia đình, hay ít nhất là có được bầu  khí như gia đình, nếu thật sự họ không thể ở trong gia đình với con cháu.
Là con cái, thật là tội lỗi, nếu chúng ta để cho cha mẹ chúng ta “lang thang đi tìm sự ấm áp” ở nơi này, nơi nọ, còn chúng ta thì tận hưởng hạnh phúc trong mái ấm riêng mình!
“Lúc đó, tôi nhận ra rằng ông cụ đến đây không phải để tìm một chiếc bánh ngọt và một quả chuối. Ông đến để tìm sự ấm áp trong trái tim”.
Thật sự, có những cái chết không phải vì cái dạ dày trống rỗng, mà vì con tim đã bị tê liệt vì lạnh cóng!           
Có những cha mẹ đã tạo cho con một đời hạnh phúc, còn riêng mình thì chết dần mòn trong sự cô đơn giá lạnh của những năm tháng cuối đời.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
 

Trở lại      In      Số lần xem: 1762
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  779
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406188
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top